Ông Cu Từ vẫn nói: Có là thằng vong ân bạc nghĩa đem cuốc mà cuốc mả bố, mả mẹ nó đổ xuống sông Cái thì cũng không thể vô ơn cái ngày ấy của người ta. “Ngày ấy” chính là ngày ông cầm cái loa sắt tây của các đồng chí Việt Minh hô hoán (đúng ra là: hô hào). Chính ông hô hoán dân làng ra tập trung ở đình làng Nhằng. Chỉ được cầm cái loa sắt tây của Việt Minh, nói mấy tiếng “A lô, A lô, thưa toàn thể đồng bào chú ý, chú ý” do anh Việt Minh bảo, ông coi như mình là người đầu tiên của “ngày ấy” đứng ra khởi nghĩa ở cái tổng này. Sau này hễ động nói đến cái gì ông đều tìm cách nói đến “ngày ấy”. “Ngày ấy” có thể là cả tháng, cả năm, thậm chí đến dăm bảy năm. Nhưng chỉ cái gì có liên quan đến “ngày ấy” là nhất. Còn “ngày khác”? Có ai nói đến “ngày khác” ông bảo là: “Vứt!” “Ngày ấy” trước khi Việt Minh về các ông già bà cả bảo hàng trăm năm đổ lại đây mới lại có nước to và ngập lâu như thế. Cả vùng ngoại bối thuộc tổng Cuội chỉ chừng vài chục nóc nhà có sức vật đất ao đắp nền nhà cao như đắp bờ thành thì ngập lưng lưng còn đại trà phải ngập đến ba, bốn cây đòn tay. Riêng hai làng Cuội Trung, Cuội Hạ ngập bủm. Những ngọn tre cũng chỉ còn lơ phơ, thuyền thúng, bè chuối vè vè đi thông tuông trong các vườn, ngõ mới mấy ngày trước còn um tùm. Thỉnh thoảng còn vài ba cụm tre mắc mứu vào nhau nhô khỏi mặt nước, là nơi tụ đọng của cặn rác, chuột bọ, rắn, rết, cả những con sống thập thò và những con chết trắng phễnh, nổi lều phều cứ rập rình theo sóng cuốn lấy bờ tre trông như một vòng tròn túm lấy nhau nhún nhảy múa tập thể. Hàng trăm bè chuối và thuyền thúng líu ríu vào nhau quanh đình làng Trung và miếu ông Cuội, nước mấp mé mái ngói. Tất cả thuyền bè, thúng câu vừa là những “ngôi nhà” che mưa, che nắng vừa là phương tiện đi lại, chợ búa, đánh cá và kiếm củi. Trên những bè mảng bằng cây chuối, bằng tre nứa ghép lại lềnh bềnh ở mặt nước này vẫn hiện lên rõ rệt cái xã hội làng Cuội từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Nhà phong lưu giàu có thì có thuyền, có thúng to cập kè bên một bè chuối cũng to, như là để cho oai, như là cái tiền sảnh để lên xuống thuyền thúng, chứ không dùng để đi lại. Người ngăn nắp thì chỉ có bè chuối nhưng cũng đặt cái tấm phản hoặc chõng trên bè và có mui che, dù bằng lá cau, lá chuối, chiếu rách, nong nia, gì gì thì cũng buộc bịu gọn ghẽ tươm tất phân chia rõ ràng một đầu làm bếp núc, còn đầu kia để ở và có cả “cầu tõm” ở phía ngoài mui cũng được che đậy cẩn thận. Người khôn ngoan, láu cá hoặc có vây cánh, hoặc chầy bửa vào loại sừng xỏ thường bám vào cái cột trụ cửa tam quan của đình, của miếu, hoặc quanh những cây gạo, cây đa trên gò đống, còn người chậm chân kẻ yếu đuối và đần độn thì ở ngoài mép sóng, chấp chênh nghiêng ngửa trước mưa to, gió lớn. Chả có bề thế, chả có của nả lại ríu rít con đàn tay xách nách mang thì cứ tuềnh toàng được chăng hay chớ. Có mấy cây chuối ghép lại chẳng che đậy cũng không kê đệm, ăn đâu, ỉa đấy. Mưa, dúi dụi vào nhau úp cái mẹt, cái thúng lên đầu. Gió, bão ăn ngồi, ngủ ngồi ôm ghì lấy nhau, ôm vào những thân cây chuối trơn chuội, ghì lấy cây xào neo bè để khỏi vỡ ra, tan đi. Rồi thì cũng qua hết. Cũng đủ sự cãi cọ, đánh chửi, quát hét, mắng mỏ, tiếng khóc, tiếng cười om som, rộn rã. Cũng hú hí ân ái chao đảo trong lòng thuyền thúng, trên các bè chuối bập bềnh chìm nổi. Cũng có những đứa trẻ được hình thành hoặc đã đủ ngày đủ tháng mà tòi ra. Thế là cuộc sống lênh đênh lại đỡ lặng tẻ hơn chỗ ở khô ráo bình thường. Ở đây cả làng đều giáp mặt nhau, đều nhìn rõ ruột gan nhau cũng tồng tỗng như thân thể tất cả những người đàn ông suốt ngày lặn ngụp tợp tạp trong nước khiến cái bao đựng hai “hòn giống” săn rón lại, đen như cục cứt chó. Ở đây có những người đàn bà gào thét, lăn lộn vì tiếc của, thì lại có những người đàn bà khác giấu một nụ cười thầm: “Cha đẻ mẹ nó, thế mới đáng kiếp. Keo kiệt, bủn xỉn cho lắm vào. Đúng là giời có mắt”. Ấy là khi những người giàu có giữ của như giữ mả tổ trong những kiệu, những chum vại, vò, ninh ních ngô, đỗ, vừng, kê để trên gác, không ngờ nước lên nhanh như tát, ngập băng hà không tài nào chạy kịp. Ngô, đỗ trong chum, trong kiệu cứ trương lên, phá vỡ vỏ đựng đổ ộc ra như chủ nó hộc máu, trong “thanh phần” dưới nền nhà. Những người túng bấn không có lưng ăn dư dật, chỉ vài hôm đã cạn. Họ đã phải đi lặn ngụp cắt trộm những buồng chuối ngập nước, những con gà, con ngan bị rắn cắn, mang về xào nấu, vợ chồng con cái xì xụp hối hả. Khi có tiếng khóc than của người mất của thì họ cũng mẩm bụng mừng thầm mình đã có cái ăn qua ngày. Đêm đến họ lặng lẽ bơi tay không hoặc dùng một đoạn chuối bơi đến những nhà khá giả, nậy liếp chui vào bốc cả ngô, cả bùn đầy trong hai ống quần hoặc cái túi, cái nải gì đó dìu về dìm dưới bè chuối vớt dần lên, rang, nấu. Cái của giời ơi ấy không bốc lấy cũng nhũn ra, thối như cứt, nước rút đi lại phải gò lưng trang, cào, quét tước, thế mà họ vẫn tiếc, vẫn phải để nguyên đấy không ai được đụng đến. Kẻ khác đụng đến là thấy đứt ruột, đứt gan ra làm năm, làm bảy. Nhất là lại mục kích thấy kẻ nó lấy của mình về rang nấu cả vợ chồng con cái nhà nó thoả chí, sung mãn ngay trước mắt mình thì đau xót, uất ức gấp trăm, gấp nghìn lần cái việc nó cứ lặng lẽ chìm ngập, và vữa ra, mà thối inh ỏi. Để đấy nó có thối hoăng, thối hoắc không thể nào ngửi được thì vẫn là của mình. Công sức, mồ hôi, nước mắt mình đổ ra thì mình phải có quyền, dù là cái quyền phải ngửi, phải tốn công tốn sức, tẩy rửa nó thì vẫn là có quyền. Kẻ khác lấy đi là mất. Dù là mất cái thối tha, mất cái vất vả thì vẫn là mất. Cái nhẽ của người nông dân làng Cuội này từ xưa đến nay vẫn thế. Vậy mà có kẻ dám vụng trộm đêm hôm phá nhà, cướp của của mình. Bởi thế mới có những lời nói xa xôi, “mát mẻ”, những lời chửi cạnh khoé để dẫn tới những trận xô xát, ẩu đả, đẩy, đạp nhau ngã ùm ùm. Có nhà lật cả bè làm vợ chồng, con cái, nồi niêu bát đĩa úp xuống nước. Có nhà vác dao bầu chém nhau, máu đỏ loáng mặt nước. Những lúc ấy người ta đều gào đến ông Cu Từ. Hồi ấy chưa có nhiều người sống dai như bây giờ. 50 tuổi đã lên lão, nên Cu Từ mới 47 tuổi đã được gọi là ông từ năm bảy năm nay. Ông Cu Từ có cái uy của một người táo tợn sẵn sàng sấn sổ lao vào bất cứ chỗ nguy hiểm nào. Ông cũng là người biết “tề gia”. Anh em, con cháu biết kính trên, nhường dưới đâu ra đấy. Ông có lòng thương người và sống sòng phẳng. Một điều không kém phần quan trọng nữa là, ông có cô em gái đã ba mươi tuổi và có con nhưng vẫn thừa sức, để tất cả những đàn ông trong làng phải nể mặt ông anh giai. Hoặc bằng tất cả những cái đó hoặc chỉ một vài lần ông dẹp “yên” những vụ ẩu đả dữ dội là ai cũng sợ cái “uy” của ông. Cho nên, hễ chỗ nào có “ối làng nước ơi...” mà người ta không can nổi là phải cho người đi tìm ông Cu Từ. Ông Cu Từ ý thức được cái oai của mình và sự tin yêu của làng xóm nên không đám nào ông từ chối. Khi biết tin thì ông “đi” rất vội vàng vì sợ chậm nó xảy ra to hơn. Lúc đến nơi, ông lại hững hờ, như là dửng dưng, như là khinh bỉ, mặt ông lạnh tanh. Có chỗ ông cứ im lặng, mà kẻ trong cuộc đã phải tự tan ra. Có chỗ ông chửi: “Đ. mẹ nhà các anh không biết nhục hả? Đang lúc khốn khổ, khốn nạn thế này không biết cưu mang, đỡ đần cho nhau lại còn cắn xé, chém giết lẫn nhau. Có giỏi sao không đi tranh giành với bố con ông tổng Lỡi có hàng chục cơ ngơi. Từ Hà Nội, Hải Phòng đến khắp phủ, khắp tổng, này chỗ nào chả có ấp, trại, cơ man nào là thóc gạo, tiền của. Lúc nó nằm chỏng dái lên hút hít thì mấy thằng dân áo rách, (có đến hàng chục chum ngô thì vẫn là dân áo rách) suốt ngày ngâm nước, mặt thâm như dái chó lại hục hặc đánh lộn, đâm chém lẫn nhau. Có cút đi không?!...”
Có chỗ ông lại dịu dàng từ tốn:
- Em vẫn phục bác là người biết nín nhịn. Cớ sao hôm nay bác đi làm cái việc không ai có thể trọng bác được.
- Tôi đếch cần ai trọng vọng. Của tôi... của đau con xót...
- À bác nói bậy hả?
- Tôi bậy đấy đã thằng nào làm gì tôi?
- Tôi vặn cổ bác ngay bây giờ đây.
Ông kia có vẻ tỉnh ra. Đấu dịu:
- Nhưng mà ông đã biết nó đểu với tôi như thế nào chưa?
- Không biết, rồi tôi sẽ biết. Thằng kia! Đứng im, không ông đánh bỏ mẹ bây giờ.
Thế là im. Dù tạm thời hay lâu bền thì trước mặt ông Cu Từ cả hai người cứ phải im lặng hầm hầm nhìn nhau mà quay đi.
Dẫu sao cái sự “ngô thối” có om sòm tai tiếng đến đâu thì cũng phải tan đi trước hai cái chết chỉ cách nhau có một tuần. Người đầu tiên là cháu bé lên bảy tuổi, con của Thó, em họ xa của anh em ông Cu Từ, ông Mỡ và Đất. Nó bị cảm lạnh vì đói và ngâm nước nhiều. Nó nằm ở đầu bè chuối, chết từ tối hôm qua hoặc lúc nửa đêm gì đấy. Bố mẹ nó có tám đứa con “năm một”, lít nhít, còm cõi và cứ bẩn bẩn, tanh tanh như nhau. Bẵng đi một chốc không đếm cẩn thận là thiếu như chơi. Chuyện ấy vẫn thường xảy ra. Nhưng cái lần “quên” này đúng vào cái ngày mẹ nó phải ngồi canh từ sáng sớm và cứ mươi lăm phút lại phải đếm một lần. Lúc chập tối mẹ nó mải đãi ít ngô bố nó vừa đi “kiếm” được để cho cái Nhất rang. Chưa kịp chín, chúng nó đã đứa dưới nước, đứa trên bè xô vào cướp. Bố nó vừa chửi vừa quát và cầm điếu cày định quật, chúng nó mới ngồi yên đợi con chị đổ ra. Trước khi chúng nó tranh cướp nhau bố nó đã cẩn thận quát:
- Xem đủ chưa đã.
Tất cả chúng nó đều chỉ tay lên đầu nhau, mồm lẩm nhẩm đếm rồi lao nhao đáp:
- Đủ.
- Đủ rồi.
Không ngờ lại thiếu thằng Bốn (Tên của chúng là: Nhất, Nhì, Ba, Bốn...). Mẹ con Đất ở cùng bè với nhà bác Từ. Bè của bác Từ ríu sát bè nhà Cu Bốn ở phía bên phải. Mới bảnh mắt, ra khỏi lều Đất đã trông thấy thằng bé trần như nhộng nằm cứng đơ ở cuối bè nhà mình. Chị vừa hét lên thất thanh vừa nhào ra bên nó. Ông Cu Từ nhảy ra, làm bè nghiêng chìm đi. Nếu không một tay giữ được sào chống, một giữ thằng bé thì cả Đất và nó chìm xuống nước. Ông Từ chộp lấy thằng bé tím bầm lại chỗ bè chuối. “Hỏng rồi”. Nó bị đói và cảm lạnh từ lúc nào? Ông đau đớn đặt thằng bé ngay ngắn rồi vuốt mắt cho nó. Đứng dậy gạt nước mắt, ông bảo Đất vào nhà nấu bát cơm và hỏi xem ai có trứng vay lấy một quả. Ông lầm lầm bước sang bè ông em họ. Cả chín, mười con người lớn bé vẫn chúi đầu trong cái nong úp, chân thò ra ngoài ngáy ran không hề biết giời đất, gió mưa là gì. Ông túm chân người bố giật dậy. Anh ta giật mình chui đầu ra khỏi nong. Mở mắt trông thấy ông Từ, liền cười cười:
- A bác. Mời bác ngồi ăn thuốc.
Ông Từ quát:
- Xem lũ trẻ có đủ không?
- Có chuyện gì thế bác?
- Đếm quàng lên xem chúng nó có đủ không?
Anh quay lại lật cái nong ra. Đám trẻ nằm ngả ngốn như giun cuốn vào nhau ở chân đê. Bỗng anh kêu:
- Thiếu. Mẹ mày dậy xem thiếu đứa nào. Thiếu thật rồi... ồi...
Ông Từ chỉ tay phía cuối bè nhà mình lạnh lùng:
- Nó nằm đằng kia kìa. Chết rồi. Đẻ cho lắm vào để nó sống chết lúc nào không hay.
Người bố hốt hoảng, bước chập chờn, xiêu vẹo đến chỗ xác con. Đất đã lấy cái khăn vuông đen của mình phủ lên người nó rồi lẩy bẩy cắm ba nén hương vào thân cây chuối. Bà Cu Từ đã ngồi xổm chắp tay lẩm nhẩm khấn từ lúc nào. Người cha của đứa bé quỳ xuống bế xốc lấy con ôm nó vào lòng, mặt anh gục vào mặt nó, người rung lên “à... ặc... à...”. Tiếng khóc của anh như tắc nghẹn trong cổ họng. Cúi lầm lầm ở phía sau cha con anh, đợi cho anh khóc một lúc lâu, ông Từ lấy tay áo quệt vào mắt, nói như ra lệnh:
- Thôi! Đặt nó xuống đấy còn lo chuyện khác.
Người cha của đứa trẻ biết rằng ông Cu Từ nói đến chuyện chôn cất cho con mình. Anh đau đớn giao đứa con cho vợ anh đã nằm lăn trên mặt bè chuối, ướt đầm quần áo. Khi người vợ như vồ quào lấy đứa con, anh nằm úp mặt xuống bè chuối, đã chìm dưới mặt nước. Ông Cu Từ phải quát mọi người tản ra các bè khác. Bè chuối mập mờ nổi lên. Tiếng khóc của anh Thó từ “ục ục” sang “ậc... ậc”. Anh cũng không hề biết mình đang nằm dưới nước hay đã ở chỗ khô! Ông Cu Từ vẫn cau có ngửa mặt lên giời.
Đêm qua ông nằm nhìn về hướng đông, hướng chùa Thộp nhay nháy chớp khan ông đã biết nước còn lên to, nhanh như tát. Cữ này phải ba bốn năm ngày sau nước mới đứng. Rút nhanh thì cũng phải ba bốn ngày sau may ra đất Cuội Thượng mới có chỗ phơi ra.
Đúng như nỗi lo đau đáu từ đêm của ông Từ, nước vừa đứng chiều qua, sáng nay lại bắt đầu lên. Hai ngày sau, xác của cháu bé vẫn còn nằm trên bè chuối cùng cha mẹ và anh chị em nó. Không thể để nỗi tang thương cứ phơi dưới nắng, dầm trong mưa ngâu, và cứ bốc mùi nặng thêm trước hàng nghìn con mắt thương xót có, khiếp đảm và rờn rợn có. Sang ngày thứ ba ông Từ quả quyết:
- Phải cho nó “đi” thôi.
Bố mẹ cháu sụt sùi:
- Chúng em cũng nghĩ thế. Nhưng bằng cách nào. Thôi thì trăm sự nhờ bác.
Đôi đũa bông kẹp quả trứng luộc cắm lên bát cơm đặt cạnh những nén hương cháy nghi ngút ở phía đầu thi hài cháu bé đã được bó chiếu. Cái bè chuối con con, như một chiếc chõng nhỏ, như là một cái xe mui trần kiểu xe đi duyệt đội danh dự của các nguyên thủ quốc gia, lại như cái bệ đại bác đặt quan tài của các nguyên soái, được buộc vào cái thuyền nan của ông Cu Từ bằng chiếc dây thừng mới. Hàng chục người đứng trên bè nhìn ông Từ phải trằn người ra ôm giữ bố mẹ cháu, chỉ chực nhoài xuống nước để “đi” cùng cháu. Bảy đứa anh chị em nó được chia ra bảy bè để có người kìm giữ tiếng kêu gào lăn lộn của chúng. Mấy trăm con người cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con của làng Cuội đứng trên bè chuối, trên thuyền thúng, nín lặng lau nước mắt nhìn ông Cu Từ bơi chiếc thuyền nan như cái lá tre kéo chiếc bè chuối như trôi, trôi mãi đi. Cái quần thể bập bềnh trên các thuyền, bè, thúng mủng như những sinh vật biết nói, biết kêu, biết khóc sống vất vưởng rất vô lí, giữa mênh mang đồng nước không biết đâu là bờ, bến, đứng nhìn và dường như ai cũng lặng đi trước cái thực rất vô lí. “Tại sao mình còn sống? Như thế này mà gọi là làng xóm quê hương ư?”
Càng ra xa, nước xoáy càng mạnh. Ông Từ rạp người miết tràng bới ra cả hai cánh mới lôi được bè đi. Đến giữa đầm Cuội từng vòng xoáy hút xuống tận đáy đầm sâu hàng chục mét. Nhìn xung quanh, tứ bề nước mênh mang cuồn cuộn chảy, chợt nhớ đến giữa lòng đầm đã từng “hút” hàng chục người cả trẻ con và người lớn, tóc gáy ông dựng cả lên. Sống lưng thì lạnh toát mà mồ hôi lại toá ra đầm đìa.
- Cháu ơi. Sắp ra đến sông rồi. Để bác đưa cháu đi cho dài, rộng mát mẻ. Ở lại cái đầm Cuội tù túng này làm gì.
Ông cố sức sải hai tay gấp gáp miết bơi để át hai đầu gối đã hơi run run.
- Thằng Bốn có khôn thiêng thì phù hộ cho bác để hai bác cháu ta “lên” được bờ đầm, nào. Thôi đừng “đùa” bác nữa, cháu ơi không may cháu nằm xuống, bác có bụng dạ nào để chia lìa cháu với bố mẹ, anh em, với xóm làng đâu. Bác xin cháu “đừng đùa” chỗ đồng không mông quạnh này bác sợ lắm. Nào cho bác “lên” nào. Bác, lạy cháu. Lạy cháu. Lạy cháu Bùi Văn Bốn của bác.
Chiếc bè đã xoay dọc theo hướng mũi thuyền nan để cho ông kéo đi được nhẹ hơn đưa cháu ra sông, đến gần dòng chảy xiết ông ghìm lại. Vừa cởi dây thừng buộc ở thang mủng ông vừa lẩm bẩm:
- Lạy vong hồn cháu Bùi Văn Bốn sống khôn, chết thiêng, đánh chữ đại xá cho làng Cuội khốn khổ, khốn nạn này cũng vì nước sông to quá, làng lụt ngập băng hà không lấy đâu ra một tấc đất để cháu nằm yên nghỉ mà cháu phải lênh đênh không cửa, không nhà, không làng, không xóm, không người thân thích ruột rà lưu lạc nơi đất khách quê người thế này thì cực khổ lắm cháu ôi.
Lật bật cởi xong dây, một tay ông lựa tràng bơi, một tay kéo bè bát thêm ra một chút nữa. Không hiểu để nói với cháu hay nói cho mình yên dạ hơn. Miệng ông vẫn lẩm bẩm:
- Cháu ơi. Cháu đi xuôi đằng này thấy chỗ nào cao ráo, cháu dạt vào để người ta đưa cháu lên bờ, để cháu khỏi dầm mưa, dãi nắng, để khi nào nước rút bố mẹ cháu cùng bà con họ hàng đi theo bờ sông này xem nơi nào người ta làm phúc chôn cất cháu thì bố mẹ cháu mới sửa sang cho cháu mồ yên mả đẹp cháu ơi. Ôi cháu ôi!
Ông cầm sợi dây thừng giữa hai bàn tay chắp lại vái cháu ba vái rồi từ từ buông dây ra. Sợi dây rơi xuống nước trôi theo bè, ông Tư ghìm cho chiếc thuyền nan dừng lại, hướng múi theo chiếc bè đang lập lờ. Bỗng ông rùng mình nhắm mắt lại vì một vòng xoáy nào đó ở giữa dòng đã làm cho chiếc bè hơi chúi đi. Ông không dám nghĩ đến đoạn cháu đi tiếp sẽ còn những vòng xoáy, những trận mưa gió to sóng lớn nào? Thế là ông lại nhắm nghiền mắt, quay mũi không dám nhìn vào manh chiếu bó thi hài cháu ở trên bè đang bập bềnh, bập bềnh trôi đi...
*
* *
Cho đến một tuần sau, chưa hoàn hồn về cái hôm đưa thằng cháu “đi”, ông lại phải đứng ra mai táng cho bố ông Thống Bứt, bạn ông. Đã có một hồi Thống Bứt theo đuổi cô Đất nhưng cô ấy ngủng ngẳng ngoải ra. Thống Bứt ngượng không đi lại mất mấy năm. Sau rồi xin nhận là “em rể hụt” của hai anh Cu Từ, Cu Mỡ và Thống Bứt đối xử với hai anh như là anh vợ thật.
Đám ma bố Thống Bứt không âm thầm lạnh như đám ma của cháu bé mấy ngày trước đây. Ông “nằm xuống” đúng vào ngày nước bắt đầu rút. Sau ba ngày thì chỗ đê quai đầu làng Cuội Thượng đã nhô mập mờ một khoảng đất rộng bằng hai chiếc chiếu. Dẫu chỉ toen hoen vậy, vẫn là có tấc đất để chôn, không phải thả trôi sông. “Thật là may quá là may. Nhà cháu còn đầy hồng phúc”. Thống Bứt nói với dân làng như thế. Bán con gà, con chó đi còn thấy trống trải buồn, huống hồ bố chết, sao lại “may, quá may”. Quả là Thống Bứt không thể giấu giếm được nỗi vui sướng bất ngờ trước cái chết đột ngột của bố mình. Sự may mắn vì lẽ “cái lẽ không bao giờ ông nói ra được nhưng xem ý dân làng đều biết cả.) Ông cụ đã 91 tuổi, liệt cả hai chân mà cứ phải chạy ăn đủ hai bữa vào lúc này, thật như một cái hoạ lớn. Dẫu chỉ ngô bung hoặc bánh đúc cũng bằng ngô trong khi con cháu lặn ngụp mò mẫm suốt ngày cũng chỉ mỗi bữa vài rúm ngô rang cầm hơi. Thế là chật vật lắm. Không chạy đủ ăn cho cụ, con cháu mang tiếng bạc. Lạy trời lạy phật, trời bắt cái chân cụ liệt đã năm năm nay. Hai mắt cụ bị mộng thịt trùm kín cả lên lòng đen, lòng trắng, không còn thấy gì. Đầu cụ ngoẹo lả đi, đặt đâu để nguyên đấy. Nhưng giời lại bù vào sự thiệt thòi ở các bộ phận ấy bằng cách cho cụ cái dạ dày thật hảo hạng. Nó làm việc cần mẫn liên tục suốt 91 năm không mệt mỏi, đến giờ vẫn tiêu thụ mỗi ngày một bát ô tô ngô bung vào buổi sáng và hai bát yêu tàu bánh đúc đầy giàn ra xung quanh vào buổi chiều. Cái môi đã cứng đờ và hàm răng thì chỉ trơ lại tí lợi khi nói cụ cứ rung rung phều phào mãi không rõ một câu nhưng cụ ăn lại rất nhanh chỉ sợ con cháu nó vồ giật mất. Cụ lại hay dỗi, lại giận rất dai. Chấp nhặt đủ thứ. Hồi còn trai trẻ, con cháu có lầm lẫn, sai sót gì cụ chỉ cười hoặc nghiêm mặt lại bảo: “Thôi cấm, không được thế nữa”. Bây giờ thì bất cứ điều gì làm phật ý cụ cũng chết. Các rãnh ở mặt cụ đều tím lại, giật giật. Có xuống lỗ cụ cũng còn để bụng mang theo.
Thật ra thì, bất kể ai, rồi cũng phải đến tuổi già yếu, cũng có chặng ốm đau rầm rề. Con cháu phải hầu hạ, cứt đái, phải nâng giấc sớm hôm. Phải giành giật với thần chết từng phút sống còn của ông bà, cha mẹ dù biết rằng trước sau rồi ai cũng chết. Đấy là cái thời điểm bộc lộ thành thật nhất nhân cách, đức độ của kẻ làm con, làm cháu. Không thể có lòng kính trọng, yêu thương người khác ở một thằng, một con nào đấy cứ nhem nhẻm riếc mắng, chửi lại bố mẹ mình. Không có sự cưu mang đùm bọc người khác ở một đứa con dửng dưng lạnh nhạt trước những đòi hỏi ở tuổi già yếu, trước đau ốm, hoạn nạn của bố mẹ, ông bà nó. Đừng tin, một ngàn vạn lần đừng tin kẻ yêu mình khi nó không yêu tha thiết, không biết kính trọng, hiếu nghĩa với bố mẹ nó. Ấy vậy những cái công sức sâu dày của cha sinh mẹ dưỡng phải để con cháu nó tự nghĩ lấy, tự nó biết đền ơn, trả nghĩa chứ đừng có đòi. Đòi là chả còn gì. Giá như cụ đồng Dư biết đến cảnh ngộ lụt lội khốn nạn này mà độ lượng, mà thương con, thương cháu đừng nghiệt ngã đay nghiến, đừng phều phào chửi rủa dằn hắt và kể lể như tụng kinh rằng: “Ai đẻ ra chúng mày? Ai nuôi chúng mày khôn nhớn đến bây giờ? Chúng mày trả ơn ông thế à? Chúng mày khinh ông, lại cho ông ăn đôi đũa lệch như cho thằng ăn mày thế này hả làng nước ơi”. “Nằm đây dưng ông biết hết. Ông biết sáng nay chúng mày dí dáu nhai gì ở đằng xó bè kia mà tịnh không nhắc nhở gì đến ông. Ông có không nhai được ngô rang thì chúng bay cũng phải giã ra, lấy bột bê lên “mời ông xơi ạ”. Đã chắc gì ông thiết. Nhưng chúng bay cũng không được phép quên ông, bắt ông nằm suông bẹp dí ở đây mãi gần trưa mới cho ông được bát ngô bung thì vẫn trợn trạo rắn như cái đầu lâu con mẹ mày, ai nhai được. Chúng bay ác với ông thì giời đánh thánh vật chúng bay...”
Vậy khi cụ bị cơn gió đột ngột “đưa cụ đi” lúc nửa đêm, con cháu lại thản nhiên bảo nhau: “Thôi, đằng nào cụ cũng “đi” rồi, cứ để sáng ra hãy hay”. Và họ lại đi ngủ điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Ba ngày sau, con cháu đưa cụ ra đồng. Vẫn nghìn nghịt người. Vẫn đủ tang thương, lăn lộn than khóc, kể lể thống thiết và đau đớn tiếc thương. Nhưng lại cứ thấy vui. Con cháu vui vì cụ “đi” rất nhẹ nhõm. Cả làng vui vì lâu lắm mới lại được nghe kèn trống, bát âm râm ran và tưng bừng cờ quạt. Cũng các vãi cầu kinh. Cũng đám gia nhân phục dịch do ông Cu Từ hò hét tất bật. Một thuyền bồng chở quan tài, gia quyến và phường kèn, phường bát âm. Hai thuyền gỗ chở các vãi và những người máu mủ đội khăn trắng. Hàng trăm thuyền nan, mủng, bè chuối kéo thành cái đuôi dài dằng dặc theo sau. Đám ma cụ đồng Dư như là sự biểu dương sức mạnh chạy lụt của làng Cuội. Nó râm ran vui và đông nghịt như hồi rước nước ở sông cái. Nhưng đến khi hạ huyệt thì vất vả. Từ chiều hôm qua đã đào mò xong, sáng nay đất lại trụt xuống phải đào lại. Khi quan tài đến nơi đã đắp bờ rất dầy, be ở xung quanh và tát nước liên hồi. Nhưng quan tài thì vẫn cứ nổi. Hàng chục người đứng lên nắp cũng không ghìm nổi nước ở dưới đáy, đẩy quan tài phềnh lên. Sau rồi phải lấy bốn cây tre đực đóng chéo gạc gầu ghì diết lấy hai đầu ghìm xuống cộng với ba chục con người lấm láp như trâu đầm và ông Cu Từ thì bùn trát kín đầu, chỉ hở hai con mắt, chạy ngược chạy xuôi hò hét. Nhưng đấy là đê quai, chỉ được để tạm. Dăm bữa nửa tháng chờ đồng đất khô phải đưa cụ ra bãi. Vậy là ít ngày nữa khô ráo lại phải đào mả bố lên đưa ra chỗ khác! “Cũng đành chịu thôi”. Chiều hôm qua ông Thống Bứt đã bảo như thế. Sau câu ấy thì ông Cu Từ mới đi hò hét người ra đê quai đào huyệt tạm cho ông cụ đồng.
*
* *
Chưa bao giờ người làng Cuội thấy ngày rằm tháng bảy thực sự là ngày “xá tội vong nhân” cho mọi linh hồn như ngày hôm nay. Gần một tháng giời như bị sặc thở trong lụt lội, hôm nay làng mới ngoi lên khỏi mặt nước. Cây cối, vườn tược, nhà cửa, đã lộ ra trông mốc thếch. Cả những xóm ở chỗ trũng nhất, nước cũng đã rút khỏi nền nhà. Tất cả già trẻ, gái trai, tất cả cỏ cây, đồ dùng đều phơi mình dưới ánh trăng khô ráo. Người ta đã có thể bê nửa đĩa xôi, nồi cơm nguội và bát canh bí ra sân ngồi ăn “trông giăng”. Ở đâu thì không biết, ở làng này có được bát cơm gạo, đĩa xôi vào ngày rằm tháng bảy đã là một hạnh phúc đột ngột như là nằm mơ mà bắt được. Trận lụt kinh khủng đã lùa đi sạch sẽ mọi thứ. Từ đám dây khoai lang gỡ sớm, từ nải chuối, buồng cau đến cái chổi cùn, rế rách... không còn mảy may một tí gì. Dân làng Cuội chỉ còn hai bàn tay trắng cuốn lên thuyền thúng, bè mảng để chạy tháo thân. Rồi lại dẫn cái thân không trở về cào bùn, múc nước cọ gnhà, rửa nền mà cái bụng móp teo cứ phải diết mãi sợi dải rút cho nó thót mãi lại. Vay mượn, đổi chác, giật gấu vá vai thế nào chăng nữa thì những người lớn cũng vẫn chỉ có những hạt ngô rang cầm hơi được chia đều thành hai bữa, gọi là bữa sáng và bữa trưa cứ giống hệt như những nơi có hai bữa ăn thật.
Cái gia tài đầu tiên, có tính chất toàn dân là những cỗ đầu rau nặn bằng đất. Ba ông đầu rau như ba cái chân kiềng khòng khòng suốt cuộc đời đứng còng lưng đội những nồi niêu xanh chảo trên đầu để cho lửa đốt mặt. Cám bã, cơm nước sôi rào xuống đầu trông nhem nhuốc cháy đen, lại được gọi bằng cái tên rất sang trọng oai vệ: những ông vua bếp.
*
* *
Người dân làng Cuội vốn có truyền thống mở hội nói khoác họ không nỡ phỉnh nịnh đầy tính chất giễu cợt đối với các ông “vua” nên gọi các “vua” là những ông đầu rau. Đầu rau nghĩa là gì? Chịu. Ai lớn lên cũng thấy gọi thế – rất nhiều cái “thấy thế” – cứ thế mà gọi theo, làm theo. Đến 23 tháng chạp ta thì gọi các ông đầu rau bằng táo quân. (Thực ra thì gọi lúc nào chả được. Nhưng nghe nó cứ sường sượng thế nào. Thói quen của làng Cuội chỉ đến ngày 23 tháng chót của năm cũ mới gọi các ông đầu rau bằng táo quân). Chủ nhà giàu có thì mua cho các ông con cá chép chừng nửa lạng, làm ngựa để các ông cưỡi về giời. Nhà nghèo không sắm được “ngựa”, các ông cũng đành chịu. Theo cách nói của cánh trai trẻ những năm 90 thế kỉ này thì các ông cũng “hoàn cảnh” lắm. Nhà chị Đất cũng có một cỗ đầu rau đang phơi nắng ở bờ thềm. Thằng Hiếu thấy nhà nào cũng có niềm nô nức đầu tiên là nặn đầu rau, nó cũng xin đất và hì hục nặn được hai ông gầy ở hai bên và một ông “hơi” béo ở giữa, nó chí ngón tay cái vào bụng làm “rốn” cho ông. Ông đó được gọi là đầu rau cái... Giữa lúc ấy ở rìa làng tiếng kêu như ong vỡ tổ:
- Thóc. Thóc. Làng nước ơi. Thóc!
- Vào đê Bái, Việt Minh phát thóc!
- Thóc. Thóc làng nước ôi...
Việt Minh không biết từ đâu nổi lên hô hào dân chúng trong đê đi phá kho thóc của Nhật, của nhà Nghị Lại và tổng Lỡi. Thóc được kìn kìn gánh ra đê cứu dân ngoại bối ràn rạt thuyền thúng lao vào chân đê. Chưa thể tính được số dân, cứ tạm mỗi đầu người lĩnh 10 cân thóc. Ông Cu Từ không biết đã có mặt từ lúc nào được các đồng chí Việt Minh đưa cho cái loa sắt tây nói rằng mỗi làng lấy một chỗ, phải có người thông thuộc biết được nhà nào có bao nhiêu người. Riêng ba làng Cuội, ông sẽ đứng ra và mỗi làng có một người đứng với ông để không ai có thể man trá. Nói vậy nhưng ai mang được cái gì thì đổ đầy cái đó, kể cả khăn vuông, ruột tượng của đàn bà và quần dài của đàn ông (là những ông có khố ở trong) cũng được túm buộc để đổ thóc vào. Thế là cả chiều, cả đêm ngày 13 tháng 7 làng Cuội náo động trong tiếng chày giã thóc, tiếng sàng sảy, tiếng cười nói xởi lởi. Thế mới biết con người cũng dễ thoả mãn. Mới tối hôm trước còn rên rẩm, than vãn ước ao, thèm khát đủ thứ, tối hôm sau được mươi cân thóc đã phởn chí, trông mặt ai cũng tơn tởn sướng. Chưa biết Việt Minh là ai, khởi nghĩa, cách mạng là gì, hẵng cứ biết không phải chết đói là sướng cái đã.
Sang đến ngày rằm. Sự vui mừng của làng ở trong nỗi tất tưởi ngược xuôi khốn khổ, khốn nạn để lo liệu cho được lưng cơm, lưng canh cúng cụ. Và không biết bằng cách gì, nhà nào cũng có con gà, con vịt, nghèo kiết xác cũng có được lạng thịt lợn, quả mướp xào với tí giá đỗ, miếng bí nấu với nước luộc. Xóm nào cũng thấy tiếng băm, tiếng chặt vào thớt cứ rộn ràng hối hả, đình chùa lại khói hương nghi ngút, nhà nhà xuýt xoa khấn, lạy. Lạy trời, lạy phật, lạy ông Việt Minh phù hộ độ trì cứu vớt dân làng qua thời đói, khỏi thời loạn. Đúng là cầu được, ước thấy. Khấn buổi trưa thì buổi tối Việt Minh về thật. Ông Cu Từ nói rằng: ông nhớ như in. Hôm ấy đích thực là ngày 22 tháng tám Tây. Ở Hà Nội người ta lấy chính quyền từ hôm 19. Phủ ta cũng lấy từ 20. Là cái hôm ông đứng với anh Việt Minh chia thóc cho làng mình chứ còn gì. Ông cũng biết Việt Minh người ta ghê lắm. Chính em gái ông lấy Việt Minh, ông còn lạ gì. Không may anh ấy mất, nó phải mang con về quê. Nếu không, bây giờ ý à?... Ông không ngờ làng đang lụt lội thế này Việt Minh lại đến. Lúc ấy trăng lên cách ngọn tre độ một gang tay. Cả làng ngồi ở ngoài sân ăn “trông giăng” và nhìn ra đồng nước vàng rực rỡ ánh trăng, lấp lánh đến tận chân đê, chỗ những cót thóc còn đầy ngần ngật.
Bắt đầu từ đầu tiếng đàn măng-đô-lin, tiếng kèn ác-mô-ni-ca, tiếng sáo, tiếng hát, tiếng vỗ tay nghe lạ quá, nó rộn rã, sôi sục cứ như lôi cả dân làng lội vào đê mà nghe, mà nhìn. Rồi tiếng đàn, tiếng hát lan ra, vỡ trên mặt nước sóng sánh. Cả tổng Cuội, từ Cuội Thượng, Cuội Trung, Cuội Hạ, làng Nhập, làng Nhằng, làng Đại, làng Phù đều đứng trong bờ tre, thổn thức chờ đợi nghe ngóng. Chưa hiểu sự tưng bừng rộn rã từ đâu ra và cũng không biết bắt đầu từ chỗ nào có tiếng kêu thét lên “Việt Minh”. Thế là cả làng cả tổng đứng trong bờ tre, hét lên, nhảy cẫng lên hô: “Việt Minh. Hoan hô Việt Minh”. Thằng cu Hiếu hớt hải từ đâu về bảo bác Từ là nó đã trông thấy Việt Minh. Ông Cu Từ đặt cút rượu xuống vớ vội lấy áo. Hai bác cháu nhảy xuống chiếc thuyền nan bơi nhao ra chỗ con thuyền chở tiếng đàn, tiếng vỗ tay đang đi gần lại phía làng Cuội Trung. Trên thuyền có tiếng gọi:
- Các đồng chí ơi. Đồng bào ra đón chúng ta.
Ông Cu Từ không biết “đồng chí” là gì cũng cứ bắt chước theo.
- Các đồng chí lên đình làng Nhằng có sân rộng, tôi xin đi hô hoán bà con.
- Đình làng Nhằng chỗ nào ạ. À vâng, chúng tôi thấy rồi.
Ông Từ đã thấy hàng mấy chục chiếc thuyền thúng, bè mảng từ trong các xóm nhao ra, ông quát:
- Quay lại. Quay lại. Quay lại gọi bà con ra đình làng Nhằng nhanh lên. Mời bà con ra nhanh rước các đồng chí Việt Minh.
Chiếc thuyền Việt Minh đã áp sát chiếc thuyền nan của ông Từ. Một người đưa ông chiếc loa sắt tây nói:
- Mời bác đi tuyên truyền cho đồng bào hộ. Bác đưa loa lên thế này gồi gọi: “A lô, a lô, xin đồng bào chú ý, chú ý, Việt Minh đã giải phóng huyện nhà, phá kho thóc chia cho dân. Đêm nay Việt Minh về với các xã ngoại bối ta. Mời đồng bào ra mít tinh ở đình...”. Ông Cu Từ vớ được cái loa như vớ được vàng. Ông cho cu Hiếu nhảy tót lên tay đồng chí Việt Minh ở thuyền lớn rồi vội vã quay mũi thuyền nan như có ai đuổi. Được một đoạn xa, ông đưa loa lên miệng “A lô, a lô...”. Có mấy đứa trẻ ranh bơi thuyền thúng đến gần định nhoài người sờ tay vào chiếc loa. Ông mắng chúng nhưng miệng vẫn nói như gào ở trong loa. Thành ra những câu đầu tiên ông nói run run ở trong loa là:
- A lô, a lô. Thằng nào sờ vào ông đánh bỏ mẹ. Toá đi gọi đồng bào ra đình Nhằng, nhanh lên. A lô, a lô bà con đồng bào ơi. Việt Minh về đình làng Nhằng rồi. Ra để “rối tinh” ở đình Nhằng đồng bào ơi à mà, a mà, a lô, a lô...” (Thế quái nào, ông lại lẫn chữ mít tinh thành rối tinh.) Nhưng không sao. Cả làng, cả tổng lan truyền cho nhau, chả mấy chốc sân đình Nhằng ở trên mặt đê quai đã chật ních. Có năm người mặc quần soóc, áo sơ mi cộc tay, đội mũ chào mào (ca lô) còn độ hai chục con trai con gái, chắc là đám phường chèo làng Bái đi theo để hát, vỗ tay và hô khẩu hiệu.
Do những anh Việt Minh gọi nhau bằng đồng chí nên già trẻ, gái trai cả tổng Cuội có mặt đêm nay đều gọi nhau, gọi các anh Việt Minh là “đồng chí”. Ngay thằng cu Hiếu nhảy lên bá cổ một anh cũng nói: “Chào đồng chí Kiêm”. Anh ấy nói lại: “Chào đồng chí Hiếu”. Những người làng Cuội đứng quanh đấy nhìn thằng Hiếu như nhìn một thần tượng. Gặp Đất đứng nhìn con đùa với đồng chí Việt Minh, ai cũng thầm nghĩ: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Bố nó là Việt Minh có khác”.
Đồng chí Cu Từ – Đêm nay cả làng đều gọi ông như thế. Đồng chí Cu Từ lúc nói, lúc không nhưng từ tối đến giờ đồng chí cứ đặt miệng loa vào miệng mình đi hết vòng trong đến vòng ngoài với vẻ mặt nghiêm trang, trịnh trọng và dân làng cũng nhìn đồng chí đầy vẻ thèm khát. Đi chán rồi, đồng chí thì thào gật gù gì đó với đồng chí Việt Minh rồi vác loa đứng hẳn lên mặt bàn: “A lô, a lô đồng bào im lặng. Các cháu trẻ con ở chỗ gốc bàng không đuổi nhau nữa. Đồng bào im lặng để đồng chí Kiêm, cán bộ Việt Minh huyện, nói chuyện”.
Người nói có tên là Kiêm to, cao, da đen ngăm ngăm, tóc cứng như rễ tre trông hiền và hay cười. Đồng chí đặt thằng Hiếu xuống. Đất vội vàng len vào kéo tay con mắng:
- Ai bảo con liều thế.
- Đồng chí Kiêm cứ không cho con ra.
Đồng chí Kiêm đứng lên bàn, giơ tay lên vành mũ chào mào, quay bốn phía chào đồng bào theo kiểu nhà binh. Ông Cu Từ hét trong loa:
- Đồng bào vỗ tay hoan hô đi.
Đồng bào vỗ tay và reo lên ầm ầm, hoan hô Việt Minh.
Đợi đồng bào im, đồng chí Kiêm giới thiệu đồng chí Văn Yến trưởng ban Việt Minh huyện, người chỉ huy cao nhất của Việt Minh chiếm dinh quan phủ và chỉ huy phá kho thóc đem chia cho đồng bào. Đồng chí Văn Yến cũng đứng lên bàn giơ tay chào theo kiểu nhà binh. Đồng bào lại vỗ tay hoan hô rầm rĩ. Đồng chí Văn Yến nói là từ nay trở đi đồng chí Kiêm đại diện cho Việt Minh huyện ở lại đây xây dựng phong trào cho các xã ngoại bối nên đồng chí Kiêm sẽ nói chuyện với đồng bào đêm nay. Lúc đồng chí Kiêm nói, đồng chí Văn Yến vẫn đứng im ở bên cạnh trông oai phong như một vị tướng.
Ngày hôm sau, vùng ngoại bối như được thay bằng những người dân ở nơi khác mới đến. Hừng hực sức lực, phơi phới vui tươi như chưa hề biết lụt lội, đói rách, rét mướt là gì. Người lớn thì chỗ nào cũng râm ran bàn tán như học thuộc lời đồng chí Kiêm. Có hai cái ba, cái ba thứ nhất là dân ta bị một cổ ba tròng: Pháp, Nhật và phong kiến. Cái ba thứ hai là ba thằng giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Trẻ con thì làm mũ ca lô bằng lá chuối, cho áo vào trong quần đứng oai nghiêm như đồng chí Văn Yến, đồng chí Kiêm mà hò hét thì như đồng chí Cu Từ. Hiếu đang “làm” đồng chí Kiêm đứng ở bờ tường giơ tay chào theo kiểu nhà binh, đang quay đi bốn phía thì đứt mất dải rút. “Đồng chí” vừa ôm quần vừa giục:
- Hoan hô đi đồng bào!
- Hoan hô. Đếch phải đồng chí Kiêm ôm quần.
“Đồng chí Kiêm” vội vàng chạy vào buồng luồn lại dải rút. Tưởng mẹ sàng thóc không để ý, nào ngờ mẹ đã dựng sàng đứng trong cửa nhà ngoài xem con chơi từ bao giờ. Mẹ quay vào buồng cười:
- Giời ơi, “đồng chí Kiêm” đẹp mặt nhỉ?
Lại chính mẹ cũng không ngờ khi vừa nói xong câu đó, đồng chí Kiêm nhớn từ nhà bác Từ sang, chị quay ra đã thấy anh đứng ngay trước mặt chị. Hai má chị đỏ bừng vội vàng ôm mặt chạy xuống bếp. Tránh đi cũng dở, mà gặp đồng chí ấy cũng dở. Biết đâu đồng chí có việc gì. Một lúc sau, chị ngượng ngùng đi lên. Kiêm vẫn đứng ở cửa, thản nhiên như không hề biết gì. Anh hỏi.
- Cháu nó biết chữ chưa chị.
Chị đỡ ngượng, hơi ngước mắt nhìn vào khuôn mặt hiền, thật thà của anh, thấy vững tâm hơn:
- Dạ. Thưa... cháu nó có biết đọc, biết viết.
- Mai kia xã mở lớp bình dân học vụ, chị cho cháu học thêm.
- Được thế thì quý hoá quá.
- Cháu nó thông minh lắm. Tối qua tôi nói gì, cậu ấy nhớ hết, vừa mới nói với đám trẻ ngoài kia.
- Xin bác tha lỗi cho. Cháu nó bé. Ai lại trẻ con dám đi nhại lại người lớn.
- Tôi lại mong có nhiều “đồng chí Việt Minh” tí hon như thế.
Đấy là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chị và đồng chí chủ tịch uỷ ban lâm thời của cả ba xã ngoại bối. Từ nay các xã ngoại bối không gọi là tổng Cuội mà thành ba xã ngoại. Ngoại Thượng gồm ba thôn Cuội. Ngoại Trung là hai xã Nhập, Nhằng nhập lại. Hai thôn Đại và Phù là xã Ngoại Hạ. Mỗi xã một phó chủ tịch và một thư kí văn phòng. Cu Từ được chỉ định làm phó chủ tịch uỷ ban lâm thời xã Ngoại Thượng, còn thư kí là người của thôn Hạ (thay cho Cuội Hạ). Ngay từ sáng hôm nay uỷ ban lâm thời các xã đã phải bắt tay vào việc: lập đội du kích, ban diệt dốt, ban tăng gia sản xuất và lên danh sách những nhà túng thiếu, người chưa biết chữ, thống kê các lứa tuổi để chuẩn bị các ngành, các giới sẽ ra mắt nay mai, chuẩn bị chống đói, chống dốt, chống dịch bệnh sau vụ lụt. Trụ sở uỷ ban đặt ở đình làng Hạ. Còn việc ăn ở của đồng chí chủ tịch hãy tạm thời ở nhà đồng chí Từ. Ở Ngoại Thượng chưa hề có cơ sở và có rất nhiều điểm xung yếu nên thời gian đầu đồng chí Kiêm tập trung làm việc ở Ngoại Thượng là chủ yếu. Xem ra, chánh, phó chủ tịch ý hợp, tâm đồng lắm. Có đêm hai đồng chí nằm chỏng trên chiếc chõng tre ở giữa sân mà rì rầm hết việc công, đến chuyện riêng cứ háo hức say sưa như kiểu hai thằng bạn “mày, tao” đi xa lâu ngày gặp nhau. Sáng ngày thứ tư, kể từ hôm Kiêm đến ở nhà, anh Cu Từ chạy sang nhờ em gái kê hộ danh sách các làng đi nhận thóc. Chép xong, Đất đưa cho anh, anh lại hỏi:
- Cô thấy đồng chí Kiêm thế nào?
Đất thấy đột ngột, cô hỏi lại:
- Sao bác lại hỏi em thế?
- Ấy là tôi muốn nói với cô gia cảnh nhà đồng chí Kiêm cũng éo le lắm.
- Để làm gì ạ?
Ông Cu Từ đứng ngây người rồi có vẻ bực:
- Thì chả nhẽ người ta ở nhà mình, mình lại không biết gì. Mà anh em lại cùng làm việc với nhau.
- Vâng. Thì bác cứ biết thôi, em biết làm gì.
Ông Từ giận:
- Độ này cô trái tính, trái nết rồi. Thế từ xưa đến nay có chuyện gì không nói được với ai, tôi vẫn giấu cô đấy hẳn.
- Vâng thì em nghe, bác nói đi.
- Tôi nói để làm trò cho cô cười người ta à?
Đất nghiêm lại:
- Anh buồn cười. Đã bao giờ anh nói chuyện nghiêm chỉnh em lại dám cợt nhả?
- Thôi được, để lúc khác.
Ông bỏ về. Đất biết anh đang rất khó nói cái điều mà bằng sự tinh nhạy rất đặc biệt của đàn bà, Đất đã biết anh trai mình định nói chuyện gì.
Đến chập tối thì anh lại sang. Đất cứ đợi anh loanh quoanh mãi mới nói được với cô về cái gia cảnh đồng chí Kiêm. Người ấy học sáng dạ lắm. Bố mẹ chết sớm, phải đến ở nhà anh rể để vừa giúp anh chị, vừa học. Vậy mà lớp nào cũng đứng nhất. Học hết xéc-ti-phi-ca, anh rể định gả em gái anh, cho đồng chí Kiêm. Cô bé ấy cùng học lớp với Kiêm nhưng Kiêm chỉ giúp làm bài, không bao giờ để ý đến chuyện tình tứ. Hai người chưa kịp nói gì với nhau, dân làng đã thấy bụng cô phễnh lên. Thì ra nó tí táu tí mẻ với ai từ lúc nào không ai biết. Nó bỏ nhà trốn biệt tăm. Kiêm cũng trốn đi theo Việt Minh.
Rất may trời tối, anh trai không nhìn thấy mặt Đất rân rân đỏ lên. Nghe chuyện anh kể, cô giật mình tưởng anh nói về mình. Anh kể xong từ lúc nào, người cô cứ như tê dại đi, không để ý. Anh Cu Từ bảo:
- Đồng chí Kiêm ưa cô lắm.
- Ơ kìa, sao bác lại...
- Thì đồng chí ấy bảo: “Cô ấy đẹp người, đẹp nết thế sao không tính đi bước nữa?”. Tôi bảo là: “Lấy chồng một vợ một thì trai tơ ai người ta lấy. Mà chồng đôi vợ ba thì chắc cô ấy không chịu”. Rồi không biết thế nào, hôm qua tôi lên huyện đồng chí Văn Yến, chủ tịch lâm thời của huyện, đã về xã ta đứng cạnh đồng chí Kiêm tối hôm rằm đấy. Đồng chí Văn Yến bảo tôi: Anh “ủng hộ” cô em gái của anh cho cậu Kiêm đi. Xem ra cô cậu có vẻ đẹp đôi đấy.
Đất phì cười:
- Anh ấy quyến với cu Hiếu chứ có phải...
- Chuyện! Muốn được lòng mẹ phải được lòng con. Cái cách của đàn ông người ta, nó thế.
Suýt nữa thì Đất phì cười. Nhưng cô nén lại, giọng lạnh tanh:
- Thôi, em xin bác. Bác cứ cho em ở vậy nuôi cháu, không cháu bác nó tủi thân lắm.
- Cô thật buồn cười. Cô tưởng người ta “đoàn kết” với cô rồi thì bỏ mặc con cô chắc?
Anh trai về. Đất thấy trống ngực đập rộn rạo. Một nỗi hoảng sợ đột ngột dâng lên làm hơi thở của cô như nghẹn lại. Thằng Hiếu đi từ ngoài ngõ về, vẻ mặt rầu rầu hỏi:
- Mẹ ơi, bác Kiêm lên huyện bao giờ về?
Chị gắt:
- Muốn biết, sang mà hỏi bác Từ. Mẹ việc gì phải để ý đến bác ấy.
Con đứng thần mặt. Còn mẹ tự dưng chạy vào bếp khóc. Vui hay là buồn? Thật hay là giả? Đã gặp được số may hay là tai hoạ? Là chỗ hàn lấp cho những nỗi đau đớn của đời hay lại xé nát một phần người chị đang được sống lại! Cả đêm thao thức, chị không biết mình đang được hay là mất? Đến ngày hôm sau thì thấy văng vắng, trống trải, thỉnh thoảng lại nhìn ra con đường lội đi vào chợ Bái, vào huyện. Đến tối thì anh ấy về. Chị “không để ý” nhưng lại biết anh ấy phải hai lần bám tay vào cọc cầu ao khua chân. Đất thanh phần có chỗ bám đến đầu gối làm anh phải lấy tay kì rồi té nước mới sạch. Rồi anh mang cho thằng Hiếu cái bánh gai mua ở chợ phủ. Chị phải khêu to ngọn đèn dầu, mới dám mời bác vào ghế ngồi. Anh nói trước như khoe:
- Tôi đi nhận chỉ thị tổ chức ăn tết độc lập.
- Bao giờ hở bác?
- Ngày mùng Hai, tháng Chín này. Chỉ còn có 5 ngày. Cả ngày mùng Hai là sáu. Mọi việc phải gấp lắm.
- Thế là vào ngày hăm sáu tháng bảy ta bác nhỉ.
- Tổ chức mít tinh cả ba xã ngoại bối ở đình Nhằng.
- Thế thì vui phải biết.
- Ăn tết độc lập xong, tôi được cấp trên cho đi học.
- Có lâu không ạ?
- Độ khoảng 6 tháng hay một năm gì đấy.
Bỗng nhiên chị phải cố nén một hơi thở dài. Gian nhà lặng hẳn đi. Một lúc sau, cả hai người không biết làm gì và phải nói tiếp thế nào, anh đứng dậy bảo:
- Thôi tôi về.
Chị cũng đứng dậy nhưng lại thở dài rồi cầm đèn đưa anh ra cửa. Đến đầu nhà, anh đứng lại ngước mắt nhìn chị. Chị thấy nóng rát ở hai gò má, vội quay mặt đi. Anh úp bàn tay lên tay chị. Bàn tay mát rượi hơi run run để yên dưới lòng bàn tay nóng rần rật của anh. Cái bóng đèn như lỏng ra, rơi xuống sân, ngọn đèn phụt tắt chùm bóng tối xuống hai người. Chị hốt hoảng đẩy tay anh ra, đẩy về hướng nhà bác Từ như ngầm nói: “Anh về đi”. Chị vội vã xuống bếp trấu thổi lửa châm đèn ngồi chờ con đi họp thiếu nhi.
Sáu ngày sau. Con nước “chở mã” lại chảy ồ ồ vào các cống rãnh, ao chuôm. Nhưng nó chỉ đủ dềnh lên cho hàng ngàn thuyền thúng đỏ rợp cờ, khẩu hiệu của những làng phía trong tiến ra đê bối. Mặt nước vỡ loang loáng, tiếng trống “cà rình”, tiếng hô, tiếng hát, tiếng vỗ tay reo hò.
Từ sáng sớm, nhà bác Từ và nhà Đất đã vắng tanh. Thằng cu Hiếu bọc bát gạo và một hào đi cắm trại và “tự học” từ chiều hôm qua. Đất vào chân đem nước tiếp tế cho thiếu nhi. Nhà có một chiếc thuyền nan nhỏ xíu gọi là “mủng” thì đã được “mượn” để thanh niên làng đi bơi thuyền thúng thi. Đi về chỉ toàn phải lội từ nhà ra đê quai rồi từ đê quai chị em trong tổ mới khiêng nước xuống đình Nhằng. Chiều tối, xong việc đoàn thể, chị mới về “làm tết” ở nhà. Dường như nhà nào cũng “làm tết” vào buổi chiều để đến đêm mít tinh xong mới “phá cỗ”. Hôm qua chị bảo bác Từ: “Ngày mai tiện thể em mời các bác với bác Kiêm ăn tết bên nhà em”. Bác Từ bằng lòng ngay.
Làm cỗ, thắp hương cúng xong, đậy điệm cẩn thận, chị gọi chị em trong “tổ nước” lội đi mít tinh. Sân đình làng Nhằng rộng hàng chục mẫu ruộng mà người ken kịt lại như nêm cối, đông hơn hội nói khoác ở miếu ông Cuội đến hàng chục lần. Chưa mít tinh. Chị thấy người xem người. Chị đi tìm cu Hiếu. Chạy khắp nơi không biết nó ở đâu. Mãi mới thấy nó thì nó lại đuổi quầy quậy:
- Mẹ cứ về đi, con đang chuyển bị (chuẩn bị) thi.
Nói rồi, không kịp nhìn mẹ xem có bằng lòng hay không, nó lẩn ngay đi. Rồi nó thổi còi tập hợp. Ra nó là chỉ huy của mấy trăm thiếu nhi của cả ba thôn Cuội nay là xã Ngoại Thượng. Trông nó chỉ bằng nửa những đứa lớn nhất mà lại chỉ huy. Nó thổi còi rồi hô. Tất cả cứ theo nó răm rắp. Tất cả các môn thi xã Ngoại Thượng đều đứng nhất. Ai cũng khen thằng Hiếu bé nhất mà chỉ huy lại cừ nhất. Mới được học năm ngày mà chúng nó ghê thế. Đất thấy khắp người rạo rực giữa người lời dân làng bàn tán về con. Những cuộc thi cử, dù là thi những trò thường tình nhất của trẻ con thì sự hồi hộp lo âu, buồn phiền hay mừng quớ lên lại ở những người lớn, cứ y như là chúng nó đi thi hộ. Vì thế cho nên trong tất cả các cuộc thi hôm nay chỉ có cuộc thi của trẻ con là toàn dân phải nín thở chờ đợi kết quả và mấy ngày sau còn bàn cãi, bình phẩm. Mít tinh xong, các xã rước đuốc. Hàng nghìn bó đuốc châm lửa sáng bừng như cháy suốt dọc đê quai, tiếng trống, tiếng hô ào lên từng chập tưởng là bão nổi, tưởng là nước sông Hồng ào ạt chảy hết ra biển để dân ngoại bối không bao giờ lụt lội, đói rét. Đất đi theo đội rước đuốc của con một đoạn, chị lội về nhà trước. Chị dặn con là khi nào xong, mời cả bác Từ, bác Kiêm về ngay. Không biết nó có nhớ hay quên. Hàng trống canh, hết đứng lại ngồi, hết chạy sang nói chuyện với bác Từ gái lại ra đầu ngõ đứng. Năm lần, bảy lượt vẫn chả thấy ai. Đã gần nửa đêm rồi. Cô phải lội đi xem đầu đuôi thế nào.
Cũng lúc này Kiêm mới ra về. Mít tinh xong anh Văn Yến phổ biến chỉ thị mới rồi anh Từ trực tiếp bơi thuyền đưa anh Văn Yến vào đê. Thằng Hiếu theo đi. Còn một mình rẽ ngang đê quai anh quyết định cởi quần áo lội. Quê anh ở bên kia sông, lại là dân nội đồng, làm mầu không mấy khi lụt lội, nhưng “nhập gia tuỳ tục”, anh thích nghi với thói quen của làng ngay từ hôm mới ở đây. Suốt mấy ngày tối tăm mặt mũi, ngày nào cũng lội nước mà anh lại chưa tắm. Giữa lúc trời rực cơn nóng như sắp mưa, lội xuống nước; anh thấy tỉnh hẳn ra. Tay nâng quần áo, anh dìm mình xuống, ngụp đầu mấy cái rồi “tranh thủ”... kì. Những đám ghét lần lượt bở ra tan đi làm cho người anh thấy nhẹ như trút được gánh nặng. Quấn quần áo lên đầu giống hệt dân ngoại bối, xong anh nhoài người nhẹ nhõm rời hai chân khỏi mặt đất, sải hai tay bơi. Đã được một đoạn khá xa nhưng chưa kịp dừng lại, chợt một câu hỏi rất gần:
- Bác Từ ạ?
- Đất hả. Kiêm đây.
Đất hoảng hốt như kẻ cắp bị bắt quả tang. Chị cố trấn tĩnh lại:
- Chờ cháu Hiếu lâu quá. Sợ có chuyện gì... Em phải đi tìm cháu.
- Hiếu với bác Từ có việc về sau một tí.
Kiêm vừa nói vừa đi dấn lên. Còn Đất, từ lúc nghe thấy anh, cô đã lặng lẽ giật lùi. Nhận ra mình thồng thỗng thế này, mặt cô nóng giần giật. Dù đêm cuối tháng đặc quánh như đất phù sa, thì cũng sợ nhỡ ra. Cô sượng sùng muốn quay người. Đứng lại, dìm mình xuống, mặc quần cũng dở (từ mười hôm nay những người đàn bà còn trẻ trong làng đua nhau đi may quần để đến hôm nay tất cả đều mặc quần đi mít tinh). Cứ để thế này cũng không xong. Cô đành phải vừa bắt chuyện với anh vừa né người lội giật lùi. Đột nhiên Kiêm nhoài lên túm lấy tay làm cô rú lên. Kiêm lôi cô giật lại:
- Cô sa xuống ao rồi đấy. Tôi không ở làng này mà vẫn biết cả một dãy đầy ao ăn thông nhau ở cạnh đường.
- Cứ buông tay em ra, em quen rồi.
- Thế thì phải dắt tôi đi khỏi sa xuống ao vậy.
- Thôi... Buông em ra.
Chị lấy tay còn lại nậy tay anh. Tay anh vẫn nắm kéo chị gần lại mình.
- Đất để yên cho tôi nói câu này đã.
- Kìa anh... Để về nhà nói.
- Về nhà lại sợ đèn tắt, Đất cứ phải đi thổi lửa.
- Thế thì thôi.
- Đất không muốn nghe tôi nói thật à?
- Không... ông... ong...
Bàn tay lơi lỏng dần dần rồi rời hẳn bàn tay cô. Giọng anh buồn buồn:
- Thôi, Đất về đi vậy.
- Anh ở đây làm gì?
- Đất cứ kệ tôi.
- Hay là em đi trước một quãng rồi anh về sau nhá.
- Không cần phải như thế. Có lẽ từ giờ đến hôm tôi đi không gặp được nữa. Tôi chào Đất ở lại. Bảo hộ anh Từ ngày mai gặp tôi ở trụ sở để bàn giao.
Im lặng, ngay cả tiếng lóc lách do bàn tay Đất lùa lùa làm mặt nước hơi xô đi, nhè nhẹ vờn rỡn, như vỗ về quanh người cũng không còn nữa. Hai người đứng hơi nghiêng gần như quay lưng vào nhau. Đất trút bộ quần áo trên đầu ôm vào bộ ngực dìm trong nước. Nước mắt cô ứa ra, lặng lẽ chảy xuống hai má. Cô cúi mặt cắn chặt hai hàm răng vào áo vẫn không kìm được tiếng khóc đã bật ra, hai vai cô rung lên như sắp chúi người xuống. Kiêm vội vàng dấn lên giữ lấy vai hỏi:
- Sao Đất lại khóc?
Cô không ẩy bàn tay anh ra, cũng không trả lời.
- Hay là tôi có điểm gì không phải, làm Đất không bằng lòng?
-...
- Tôi có gì sai, Đất cứ tranh đấu cho tôi tự học, tự chỉ trích mình.
-...
- Tôi cũng chân thật với Đất là không biết đầu đuôi thế nào ngay hôm mới gặp, tôi đã mến Đất quá. Lúc nghe đồng chí Từ nói đến gia cảnh của Đất, tôi càng thương Đất nhiều hơn. Tôi định một lòng với Đất cùng nhau đoàn kết vợ chồng cho cháu Hiếu nó ăn học để nó cùng tiến với bạn bè, lớn lên đi con đường đấu tranh giành lợi quyền cho đồng bào. Đến bây giờ tôi mới được nghe nói là Đất không muốn tôi nói. Đất không muốn xây dựng với tôi thì tôi vẫn phải phấn khởi thôi.
Hình như là Đất thôi, không khóc nữa. Nhưng sao vẫn im lặng thế? Nói tất cả sự thật của mình mà Đất vẫn giận? Vì đâu? Hay mình lại đứng nói chuyện với cô ấy ở chỗ tối tăm, vắng vẻ? Lại phải buồn bã? Lại cả đau khổ! Đứng mãi mới lại nghĩ được cách nhận lỗi để cô ấy có thể lội về nhà, đừng đứng ngâm ở dưới nước mãi thế này. Nhưng anh vừa cất lời nói thì cô đã nhanh chóng lấy tay che miệng anh lại. Rồi, anh đang ngỡ ngàng với niềm vui sướng đột ngột, cô đã ghì lấy cổ anh. Chưa có sự tập dượt, cả đời chưa hề chạm đến da thịt người con gái mà anh vẫn biết ôm lấy em, ghì xiết em trong hai cánh tay lực lưỡng của anh, hai cơ thể khát khao không còn gì để che chắn, cách trở. Nhưng em lại lấy tay đẩy anh ra hỏi:
- Anh Từ bảo anh định lấy em. Thế anh đã biết em thế nào đâu.
- Anh biết cả rồi. Mà chả biết gì cũng được. Anh chỉ biết chúng mình đoàn kết vợ chồng thì anh sung sướng lắm.
- Sao anh bảo em không lấy anh thì anh vẫn phấn khởi.
- Ừ... ừ... ờ... ờ...
- Có bao giờ anh bỏ em không?
- Chỉ khi nào anh hi sinh thì...
- Giời ơi, ăn với nói.
Khi người con gái còn tỉnh táo để hỏi lục vấn những câu dài dòng thì anh con giai chỉ còn có thể ậm ừ đứt quãng trong hơi thở dồn dập. Anh nhấc em rời khỏi mặt đất nhẹ nhàng như nhấc cái bấc đèn. Em quặp hai chân vào ngang người anh. Hai tay em ghì xiết lấy cổ anh. Anh vục cả khuôn mặt vạm vỡ vào ngực em. Cả hai hàm răng trắng đều đặn của anh nhay nhay nhẹ vào một núm vú, một tay thì ôm ấp giữ gìn lấy bên còn lại khiến cho em cong người rên ời ời.
- Anh ơi, thơm nhiều vào ngực em đi. Thơm đi. Nhanh lên anh ơi, anh ơi...
Nhưng khi cả hai cơ thể đã hoà trộn vào nhau, dìu dẫn nhau đi, đã sắp tới tận cùng chót vót bỗng như hẫng hụt, như là sự phản bội, như là sự dối trá. Không hiểu sự gì đã xảy ra, em hơi ngửa mặt ngơ ngác, còn anh hơi quay mặt đi bần thần và có lúc lại nhăn nhó như là ai vừa lấy mất cái gì, như là có ai bóp chẹt vào cổ mình. Em lo sợ hỏi:
- Anh ơi, làm sao thế anh.
Nét mặt anh vội vàng tươi tỉnh, chối cãi:
- Không, không. Anh không làm sao đâu.
- Hay... em là gái goá. Anh chỉ định... thử em thôi.
- Đừng nói thế em. Nhất định em là vợ anh. Nếu cần đêm nay anh về báo cáo với anh Từ. Ngày mai anh lên huyện xin phép chúng mình yêu nhau.
- Mới lần đầu tiên anh đã chán em, lấy nhau làm gì.
- Khổ thân anh quá. Đã bảo là anh với em phải đoàn kết với nhau suốt đời. Anh yêu em suốt đời.
- Thế thì đầu đuôi làm sao, nếu anh là chồng em, anh phải nói đi.
- Khổ quá... Nhưng anh nói ra, em không được để cho ai biết...
-...
- Nó là... là thế này... thế này thôi... Lúc chúng mình trót... “ấy”... rồi anh mới nhớ ra là anh chưa kịp báo cáo tổ chức, đoàn thể.
- Để làm gì hở anh. Những lúc chúng mình như “thế này” cũng phải báo cáo? Thế mình cưới nhau rồi thì sao?
- Không có một điều gì là tổ chức người ta không biết. Nên mình cứ phải báo cáo.
- Nhưng giữa đồng nước đêm hôm thế này?
- Nhưng nếu sau này người ta điều tra ra, mình là người không thành thật, lừa dối tổ chức, đoàn thể. Sợ nhất là quần chúng mà biết thì mình không thể lãnh đạo được ai nữa.
Anh còn giải thích rất dài dòng về những nguyên tắc, kỉ luật của tổ chức đoàn thể mà anh không được phép làm trái. Không được làm mất lòng tin của quần chúng tin cậy yêu thương đùm bọc mình. Nhưng cô gái không thể hiểu. Cô chỉ thấy rối lên mù mịt trước những lời giải thích như là quái gở của anh mà ngay cái gia giáo, luật lệ của vua chúa cũng không đến nỗi khắc nghiệt như thế. Cô bắt đầu hoảng sợ về sự gặp gỡ dang dở đêm nay. Chả nhẽ cả đời cô chỉ cốt để cho kẻ khác lừa gạt, cưỡng bức làm cho dang dở? Lội về đến nhà, cô chỉ còn biết ngồi khóc suốt đêm cho cái số kiếp khốn nạn của mình.
Ở chỗ mạn thuyền áp vào bờ đất dưới chân quai đê, đồng chí Cu Từ nói trước khi đồng chí chủ tịch Việt Minh huyện bước lên bờ:
- Báo cáo các đồng chí. Được nhời của đồng chí, tôi đã bảo em gái tôi là: cô xem có đoàn kết được, với đồng chí Kiêm không thì nói để đoàn thể còn tổ chức tập đoàn. Thì em tôi nó bảo là cứ để mai kia, khi nào đồng chí Kiêm có nhời rồi sẽ hay.
- Các cô cậu ấy còn trẻ trung gì nữa mà dềnh dàng nhỉ? Đồng chí về bảo cậu Kiêm “có nhời” đi, việc gì phải mai kia. Hai bên nói xong với nhau, báo cáo đoàn thanh niên cứu quốc đứng ra tổ chức. Một buổi tối thôi, có gì phải dài dòng.
Trên đường về, thằng Hiếu bảo ông Từ:
- Mẹ cháu thích cháu, ứ thích lấy chồng đâu.
- Im. Mày trẻ con biết gì.
- Cháu không cho mẹ cháu lấy chồng đâu.
- Câm mồm. Đừng có láo, quyền gì mày. Quyền ở tao, tao muốn gả cho ai thì gả, hiểu không. Nhưng mày không thích bác Kiêm à?
- Thích. Nhưng không thích mẹ cháu...
- Mày không thích mẹ mày lấy bác ấy, tao gả cho người khác. Ối thằng muốn lấy mẹ mày. Thồng Bứt cũng đang nhờ tao hỏi mẹ mày làm lẽ, tao cũng thấy xuôi xuôi.
Thằng Hiếu im lặng. Ông cũng không nói gì. Buồn mồm thì ông “tuých” chuyện Thống Bứt cho vui. Cũng là để nó khỏi nói bậy với đồng chí Kiêm. Việc chồng con của mẹ nó ai cho nó được can dự vào. Mai kia ông sẽ “trị” em gái, nuông con, cứ để cho nó hóng chuyện người lớn... thế là láo.
Ông không ngờ về đến nhà đã sắp sáng. Thằng Hiếu về thấy mẹ nó vẫn thức. Nó thì thào tất cả mọi chuyện và dỗ dành mẹ nó:
- Mẹ ơi. Mẹ lấy bác Kiêm. Đừng lấy ông Thống Bứt nhá. Bác Từ bảo đã xuôi xuôi cho ông Thống Bứt rồi đấy mẹ ạ.
- Ừ mẹ nghe con.
- Con sang con gọi bác Kiêm nhá. Bác ấy còn ra đón bác Từ với con, bác chưa ngủ đâu.
Chị không cho con đi. Đến sáng tinh mơ ông Từ sang gọi em gái. Ông nói dồn dập tất cả nhưng điều chị đã biết rồi nhưng hai hàng nước mắt lại chảy lặng lẽ xuống hai má. Ông Từ kêu lên:
- Làm sao mà cô khóc? Sợ thằng Hiếu nó không...
- Không... – Chị lấy vạt áo chấm nước mắt, cười mếu máo: - là em không ngờ bác chủ tịch huyện lại thương chúng em. Bác về bảo anh Kiêm sang đây hộ em. Mâm cơm em bày từ tối qua vẫn còn kia. Sớm nay em mời bác với anh Kiêm xơi rượu bên em.
- Đồng ý.
Đồng chí Cu Từ khấp khởi như vớ được của, quay về. Đấy là buổi sáng ông không thể nào quên được. Ngay lúc ngồi ở quán nhìn xuống chỗ Thống Bứt “bắc cầu” cho em gái lên bờ, hai mắt đã khô khốc của ông ướt nhoèn cũng chỉ vì ông nhớ đến cái buổi sáng hôm ấy.