Đứng ở phía nào nhìn về làng Cuội cũng trơn mượt, múp míp khi đỏ ối đất phù sa, khi mơn mởn màu xanh, tre, chuối và những hàng nhãn đầy lên lùm lùm. Có lẽ vì cái dáng tròn nhẵn nhụi của làng mà ngày xưa các cụ lại nhìn nó giống như hòn đá cuội để gọi tên làng mình là làng Cuội? Cũng có thể những người nông dân vốn hay mộng mơ, mỗi năm nước lụt băng hà, giữa cánh đồng mênh mang trắng lạnh, nằm ngửa trên chiếc bè chuối, lênh đênh trôi, họ đã nhìn thấy cái đầm và cây đa của làng mình bay lên mặt trăng, chỗ chú Cuội ngồi. Để rồi sau trận lụt, dân làng vội vàng xây miếu thờ ông Cuội. Xã ông Cuội cũng có từ đấy. Với hai lí do quá thô sơ không đủ để những đời sau tin vào nó. Năm Tân Mùi (1931) vừa nhận chức, chánh tổng Lỡi đã cho gọi bốn mươi bảy cụ bô lão cao niên nhất của tất cả các làng thuộc xã ông Cuội để hỏi nguồn gốc cái tên làng Cuội và cho mở hội thi nói khoác vào ngày 16 tháng 2 hàng năm, sau hội rước ông Cuội đi gặp cô chúa Hằng Nga. Mỗi người giảng giải một phách, tam sao thất bản, không còn đủ căn cứ để ghi thành điển tích. Một điều khó hiểu nữa là: Xã ông Cuội có ba thôn mà chỉ có thôn Thượng lập miếu thờ Ngài còn thôn Trung lại xây đền thờ đức thánh Trần và thôn Hạ thờ ông thần đánh giậm.
Bà cô chúa Hằng Nga ngự ở làng Rào bên kia sông. Mỗi lần rước nước đưa Ngài đi gặp bà cô chúa thuyền rồng chỉ áp mạn chạm bờ rồi nhanh chóng quay mũi “bay” trở về. Người ta giải thích rằng: Ngài thiêng lắm. Bao giờ đi cũng chỉ như trôi ngập ngừng không hề có một tiếng mái chèo khua nước, tiếng sóng va mạn thuyền. Ngài đi như là ngượng nghịu, như là thẹn thùng e ấp. Gặp được cô chúa thoả nỗi ước mong rồi (các ngài gặp nhau trong mây trong gió chứ đâu có tục tằn như người trần mắt thịt), khi trở về, Ngài cho thuyền lướt rào rào như là bay trên mặt sông. Bao nhiêu sự huyền bí rắc rối hoặc không đủ sức thuyết phục, hoặc không thể giải thích được, đều không quan trọng gì. Điều quan trọng ở chỗ các làng thuộc xã ông Cuội cũng như bất cứ làng xã nào ở hai bên dòng sông này dù nghèo xơ xác không có một viên gạch xây nhà nhưng nhất thiết phải có một ông thánh. Đã có làng là có thánh riêng, không chung đụng, không nhờ vả, cầu cạnh làng khác cho làng này thờ thánh nhờ. Người ta có đủ sức xây những đền chùa, miếu mạo nguy nga để thờ cúng và nhất định đức thánh của người ta phải thiêng liêng sáng láng hơn ông thánh làng khác. Tất nhiên những bậc thánh hiền cao siêu lại không thể là của riêng làng nào. Khi người ta biết đến Đức Ngài nào thiêng liêng trên đấng thiêng liêng, người ta thờ phụng không cần ai thúc giục hò hét, vẫn cứ tìm đến, nô nức mà đến. Dù có đi hàng ngàn hàng vạn cây số cầu xin cũng không ai quản ngại. Cho nên, 47 vị bô lão cao niên đều không ai nhớ hội thi nói khoác của làng Cuội có từ bao giờ, nó bắt đầu từ điển tích gì, vẫn xin ông tổng Lỡi “sức” cho các làng thuộc xã ông Cuội từ nay phải góp phần cùng làng Thượng coi nó như cái lệ hàng năm phải gánh vác phí tổn cho cả hội rước và hội thi. Được nhời của quan trên, dân càng nô nức. Cho đến năm sau, hội làng Cuội đông chưa từng thấy. Còn bảy ngày nữa mới vào hội, dân làng đã nườm nượp kéo ra ngồi như nêm ở sân miếu. Đêm nào cũng rậm rịch inh ỏi cho đến hết trống canh hai, canh ba. Trẻ con và trai tráng thi nhau khua chiêng, thúc trống để hàng chục cô gái líu ríu vào nhau đứng tận ngoài cửa tam quan chiêm ngưỡng rồi trêu chọc. Các ông trung niên tán chuyện tầm phào. Các cụ già đi lại và nói năng đầy vẻ nghiêm trọng. Còn đàn bà ngồi nhai vỏ quạch, rì rầm bàn chuyện đồng áng.
Đêm khai hội thật là uy nghi. Chủ khảo là ông tổng Lỡi cầm chuôi trống khẩu tròn bằng miệng đấu giơ lên trước mặt giữa hai cụ đầu râu, tóc bạc một tiên chỉ, một bá hộ ngồi trên ghế có tay ngai. Bốn mươi bốn cụ bô lão xếp thành hai hàng quay mặt vào nhau trên chiếu hoa từ hậu cung, nơi chủ khảo ngồi ra tới cửa. Tất cả đều đội mũ cánh chuồn, áo thụng dài quét gót và đi hia đen. Giữa cảnh hồi hộp chờ đợi cái giây phút trang trọng người được gọi đầu tiên thì bỗng nhiên gã ăn mày què và toét mắt, quê ở quán Hàng Táo lại khoác bị, chống gậy vào ngồi giữa chiếu, chính cung. Từ cái nón mê, cái bị, bộ quần áo thủng, rách buộc túm, cho đến tay, chân, mặt mũi đều chạt ghét và đất có thể bóc ra như bóc vỏ sắn. Tiếng quát của cụ bá hộ, ngồi bên trái ông tổng:
- Thằng kia, mày đi đâu?
- Thưa, con đi thi.
- Ai cho phép mày? Tuần đâu?
- Thưa, loa truyền, mõ rao tất cả đàn ông từ 18 tuổi trở lên không kể giàu nghèo, sang hèn, đều...
Tiếng đế ào ào ở ngoài sân: “Lão ấy nói đúng đấy”. “Thì cho lão khai hội đi đã sao”. “Thôi cho nó nói nhanh nhanh lên rồi tống nó cút”. “Đằng nào lão cũng lỏn vào đấy rồi, đuổi lão ra nó mất vui. Trò chơi mà”. Cả hai cụ già và hai hàng bô lão đều bệch mặt nhìn vào ông tổng. Kể từ lúc gã ăn mày đột nhiên ngồi vào chiếu, ông tổng có vẻ bực, bứt rứt, quay đi quay lại. Có lẽ ông khó xử. Cho tuần đinh lôi hắn đi thì dân mất vui, mà ông vốn là người được lòng dân. Để hắn ngồi lại hoá ra quan tổng lại bị tên khố rách áo ôm lờn mặt. Ông tổng ra hiệu cho cả hai cụ già quay lại ông, để ông nói nhỏ những gì đó rồi vẫn vẻ mặt khó chịu, ông hầm hầm đi ra ngoài. Dân ở ngoài lại bàn tán. Người thì bảo ông giận quá, phải bỏ đi cho hả cơn giận. Có người lại nói: Ngồi lâu chắc ông không chịu nổi. Còn trẻ nhưng chiều được cả ba bà, tránh sao khỏi chân thận kém, ông ra sau miếu đái chứ đi đâu. Đếch phải. Ông ấy tránh mặt đi là lí trưởng phải hiểu mà cho tuần gô cổ hắn lại.
Trong khi ông cởi quần trắng vắt qua cổ, phía ngoài áo ba đờ xuy quáng quàng men theo bờ cỏ quanh đầm Cuội đến chỗ hẹn thì ruột gan các cụ cứ nảy lên thon thót. Tất cả các quan chức trong làng đều tái mặt. Lại cụ bá hộ giật giật các đường gân ở cổ, tay run run quát hắn tội phạm thượng. Một tên hành khất nhem nhuốc dám ngồi vào chốn uy nghiêm thế này là tội rất hệ trọng, không những hắn sẽ phải chết mà cả làng cả tổng mang vạ. Tiếng ồn ã của dân chúng nói rằng: “Các quan trên như quan huyện ta đây, dâm đãng, tham lam, vu oan giá hoạ, hà hiếp dân chúng làm cho hàng ngàn dân làng điêu đứng, sống dở, chết dở, còn bẩn hơn thằng ăn mày chứ”. “Mỗi quan có hàng bồ đơn từ kêu oan ức, kiện tụng, có chứng cứ ba năm rõ mười cứ rành rành ra đấy cũng chả đụng đến một cái lông chân các quan, huống hồ cái chuyện bông phèng của thằng ăn mày có gì phải cuống lên”. Hắn cóc cần. Thế mạnh của hắn là ở chỗ: chết còn hơn sống. Tự hắn chết thì ngại và vất vả hơn kẻ khác giúp hắn. Vào tù cũng sướng hơn ở ngoài. Đánh đập thì như gãi vào lớp da chân chạt hắc lào của hắn. Càng thích.
Đấy là dấu ấn cuối cùng hội thi nói khoác truyền thống của làng Cuội. Nhưng không phải sự phá hoại của tên ăn mày. Có hàng trăm tên ăn mày cũng không thể phá nổi nếu như ông tổng Lỡi không bỏ đi. Hoặc giả có việc quan trên đột ngột cấp kíp quá như ông nói, ông giao cho bá hộ hay tiên chỉ, ai cũng được, nhưng chỉ một cụ có toàn quyền một ông chủ trò như mọi năm thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Đằng này “Cả hai cụ lựa xem dân chúng thế nào mà xuống lệnh”. Hai cụ già cứ phải nhìn sang nhau, nhìn xuống dân chúng. Không ai được giao làm chủ hội, có hai người lựa được ý nhau đã khó, làm sao lựa nổi ý dân tứ chiếng quân hồi vô phèng! Còn dân các làng thuộc xã ông Cuội? Họ háo hức đợi chờ lễ hội, dù là hội thi nói khoác vẫn có lớp lang trật tự. Không ngờ mới mở màn đã sàm sỡ. Họ có thể tán dương sự liều mạng của lão ăn mày nói hộ nỗi ấm ức của họ nhưng họ vẫn nghĩ đây không phải cung cách một nghi lễ, hội hè, nó đầy vẻ đầu đường xó chợ. Khi đã biến chỗ tôn nghiêm hoặc tưng bừng vui nhộn thành đầu đường xó chợ mà người chủ trò lại ngập ngừng, tiến không ra tiến, lùi chả ra lùi, tiến sợ quá đà, lùi sợ mất thế ắt là vỡ cuộc. Công tâm mà nói, việc chấm dứt có tính chất trừng phạt ấy không phải cuộc ẩu đả của những người dân làng Cuội và đám trai tráng tứ chiếng trong đêm mở màn. Mọi việc vẫn do ông tổng Lỡi định đoạt. Năm trước, đang lúc đói kém dân chúng cầm hơi chỉ bằng nắm dải khoai và bát cháo cám ngô ông sức cho làng phải mở hội linh đình để dân tình quên nỗi khổ hạnh, làng xã đỡ tiêu điều ảm đạm. Năm sau, ông xuống lệnh cấm chỉ mọi làng rước xách, khai hội vì mùa màng thất bát do lụt bão gây nên, hội hè sẽ làm hao của, tốn sức của dân. Năm sau nữa cả làng được mùa khoai lang, giêng hai nhà nào cũng khoai ăn rả rích ông truyền: ơn quan trên lo cho dân no đủ, bọn khố rách áo ôm, ăn xin ăn nhặt sẽ ganh tị, ghen ghét. Nếu ta lập hội hè chúng sẽ mượn cớ nói xấu quan trên, gây bè cánh bên dưới làm dân tình không yên thừa cơ cho bọn trộm cướp hoành hoành. Vậy nên... Mỗi năm một lí do, ông còn làm chánh tổng ở khu ngoại bối năm nào, ông cấm tiệt mọi đình đám năm ấy trừ hai năm đầu mới nhận chức. Những uẩn khúc trong sự thay đổi đột ngột của ông, tưởng cái chết của bà Đất đã mang đi nhưng nó còn lẩn khuất đâu đây, như cái xác nặng mùi đã lèn đến 37 cân chè quanh người bà trong chiếc áo quan được thửa quá rộng vẫn không hết cái cảm giác ghê ghê, lạnh.
*
* *
Kệ cha cái hội hè khoác lác ấy, lần mò ra đến bờ đầm ông tổng hỏi:
- Đợi lâu hả?
Im lặng
Rét? Làm nũng? Lại khóc nữa! Kệ. Với đàn bà chỉ cần nói dài dòng với bộ mặt ủ rũ, thương hại có duyên khi nó còn là của người khác. Nó là của mình thì lại phải có tài im lặng. Phải tạo cho được cái “uy” của thằng đàn ông. Nó có lỗi, phải bắt nó quỳ xuống mà van lạy. Mình có lỗi thì không bao giờ được nhận, dù biết mình sai mười mươi. Cùng lắm lại im lặng coi như không có chuyện gì.
Nhưng “sách” của ông chỉ thành công ở bà cả và bà hai. Cả hai đều là con nhà danh giá, người chân quê thuộc tổng này. Nói trộm vía hai bà tổng; ngay từ thời con gái, về đường nhan sắc của các bà cũng có phần “đuôi đuối”. Cho nên cứ mỗi lần nghe ông sai bảo, răn dạy các bà ngồi ngửa mặt trông như những con chó chồm hỗm chầu ông chủ. Còn với bà ba, răng trắng, vấn tóc người phố phủ thì ông lại “rất thành công” trong im lặng, nhất là những khi bà nghiến hai hàm răng, rít lên: “Mả mẹ thằng chó dái câm mồm đi bà còn đỡ lộn ruột”. Bà làm ông tổng “rúm” lại vì cái thế trẻ đẹp tân tiến hơn hẳn hai bà chị.
Đất mới bước sang tuổi 18. Cái cơ thể cứ rực rỡ như lửa cháy có thể đốt thành tro bất cứ một thằng đàn ông trai trẻ nào và bà ba không thể “xách guốc” cho cô về mọi phương diện. Vậy mà đêm nay ở bờ đầm Cuội, cô lại phải quỳ lạy ông tổng ban phát cho chút tình thừa vương vãi của ông.
- Ối giời ơi, giời ơi. Ông ơi, có bao giờ được thế này nữa không? Em cắn cỏ lạy ông, đừng bỏ, đừng bỏ em, ông có lấy em làm vợ thật không ông ơi?
Ông tổng ghìm lại như là nghỉ để lấy hơi, như là chuẩn bị sức lực cho trận cuối cùng, lần gặp nhau cuối cùng không thể để phí “của giời”. Ông trả lời trong hơi thở phì phì như rắn phun rằng là nếu bỏ được cái chức chánh tổng để đi theo em đêm nay ông cũng bỏ. Cô gái biết ông nói lấy lòng thế thôi, nhưng cũng thấy sướng rân rân hỏi lại:
- Ông có yêu em thật không?
- Lại chả!
- Liệu có cho em về quê thành vợ thành chồng với ông được không?
Ông tổng phật lòng chống hai tay nhổm dậy:
- Không thì đã làm gì?
Không sờ tay, cũng không nhìn thấy gì nhưng ông biết nước mắt giàn giụa hai vòm mắt sáng của cô, ông gắt:
- Đã bảo mãi rồi. Cứ chắc lép.
Ông dứt khoát ngồi thẳng người, định rời khỏi cô. Cô vội vàng gạt nước mắt kéo tay ông xuống âu yếm vuốt vuốt mái tóc làm dịu lòng tự trọng của ông bị xúc phạm. Và cô sửa chữa nỗi ân hận của mình bằng cách cầm hai tay ông, dạy nó bóp bóp vào đầu vú của mình rắn như hai quả ổi xanh. Ông tổng thích. Hai bàn tay mềm múp míp của ông như bàn tay kẻ mù loà sờ soạng, lần tìm, mơn trớn rồi đột nhiên ụp chộp lấy hai bầu vú, như hai cái nơm chộp được hai con cá sộp, ông cười hích hích:
- Đổi mẹ nó một vạn dân cái tổng chết tiệt để lấy hai cái này cũng sướng,
- Chỉ được cái nỡm là tài.
- Lại chả thế! Nó chọc vào lòng bàn tay này, giần giật khắp cả người. Có thấy thích không?
- Có.
- Nào duỗi thẳng chân ra.
Trước khi làm theo lời ông, cô hỏi:
- Không sợ con mụ ba à?
- Sợ đếch gì nó.
- Nói mẽ.
- Chậc, thôi quàng lên
- Nói đi đã. Nếu nó không cho...
- Ừ ừ... Cái con mụ giời đánh ấy... sẽ liệu.
Cái cơ thể nồng nhiệt của cô gái bỗng hững hờ lạnh lùng mặc cho sự vần vò điên dại ở tuổi 30 của ông tổng. Cuối cùng ông lại hỏi trong hơi thở phì phì như phun vào mặt cô:
- Không nói gì à?
- Không.
- Sao?
- ...
- Lại nghĩ chuyện gì đấy.
- Không.
- Thế sao lại im
- Em sợ nói nữa ông buồn.
- Thì có gì cần cứ nói hết đi. Định đặt tên con là gì?
- Tuỳ ông.
- Sao lại chủng chẳng hả.
- Thì đã biết là con trai hay con gái.
- Cứ nghĩ cả hai tên trước đi.
- Ông nhiều chữ hơn sao không nghĩ?
- Nghĩ rồi.
- Tên gì?
- Nếu thằng cu là Hiếu. Đệm Minh. Minh Hiếu. Cái đĩ, đặt tên Thảo. Cứ thị Thảo là được - hay hay. Hiếu - Thảo, Có bằng lòng thế không?
Cô gái oà khóc. Không hiểu vì quá sung sướng mình sẽ có đứa con hay kinh hoàng đau đớn về cuộc đời tan nát của mình! Thế là hết một đời con gái. Mới hôm nào còn là một cô bé đẹp, nết na, không chỉ đàn ông mê mẩn ngay cả đàn bà cũng thèm. Cả làng, cả tổng này kháo nhau về mỗi chiều cô bé đi tắm thì hệt như một tiên sa xuống đầm Cuội. Những chiều ấy tiếng cười loang ra, mặt đầm rập rờn xô đẩy những lá rau, vỏ khoai lang luộc và mày ngô dạt vào một góc bờ nơi con chim bói cá dẩu mỏ ngồi như ngủ trên cành cây sung. Mỗi lần nó tung mình lên, lao chúi xuống mặt nước, nghe “tõm” một cái rất nhẹ đã thấy một con tép trắng nằm ngang mỏ và nhanh chóng được xoay dọc, chui tọt vào mỏ rồi nó lại bay về đậu vào cành sung lim dim như vẫn ngủ từ bao giờ. Ở góc đầm ấy sâu thun thút người ta bảo có ma thuồng luồng đã rút mất bảy người, không biết từ năm nảo năm nào. Nghe thế ai cũng rờn rợn, không dám bén mảng. Chỉ trừ góc phía Tây Bắc gọi là bờ chim bói cá ấy được yên tĩnh còn cả mặt đầm rộng mênh mang gần trăm mẫu ruộng kín đặc tiếng người, tiếng nước. Bao giờ cũng bắt đầu bằng những người đàn ông, vứt hết quần áo trên bờ, hai tay bưng bít, ráo riết lấy cái bộ phận rất khó gọi tên, và hơi cúi khòng khòng, chạy té tát xuống nước ngập quá thắt lưng mới dừng lại. Đấy là hình ảnh của những cậu học trò và những ông có chức sắc ở làng hoặc những ông đồ và những người cả thẹn. Còn những ông trung niên táo tợn và cánh thợ phơ đóng gạch, thợ đấu đào ao và những anh chàng mới lớn ranh mãnh thì chỉ lấy một tay úp hờ hững, vừa đi vừa chuyện trò, đủng đỉnh, có khi cứ thả đườn đưỡn từ trên bờ, hai tay vung vẩy, ưỡn ẹo cười khì khì trong khi các cô gái phải nhắm mắt lại, xô đẩy nhau, ngã ùm ùm. Những bà già thì cứ nhìn chằm chằm vào những “của nợ” ấy mà chửi tục hoặc ít ra cũng buông một lời âu yếm: “Khỉ gió nhà các anh chết tiệt”.
Đàn bà cũng như đàn ông, thói quen của làng đã tắm dưới sông, dưới đầm là không để cái gì vướng víu vào người mà sau này mấy ông có ít tiếng Tây nhưng vẫn nói ngọng gọi là “luy”. Các bà, các cô cởi yếm và ruột tượng, xà tích, còn váy thì một tay túm lại, dâng lên chùm kín bờ vai, tay kia nâng gấu cao hơn mặt nước cho đến khi ngồi thụp xuống, dìm mình dưới nước mấp mé hai vai, coi như an toàn, cuốn váy đội lên đầu, vừa kì cọ vừa rì rầm chuyện trò và đám con gái té nước trêu chọc cánh con trai để rồi khi bị té trả chỉ biết kêu ré lên, đổ dúi dụi vào nhau, nước bắn tung toé. Những bà con mọn và cụ già bị bọn trẻ làm ướt váy, ướt tóc lập tức có bao nhiêu “của ngon, vật lạ”, các bà, các cụ đổ ra cho các cô, các cậu tưởng đặc kìn cả đầm nước. Mặc các cụ. Đám trẻ vẫn té tát trêu ghẹo nhau, làm cho tiếng cười, tiếng nói cứ vỡ ra dập dềnh, sóng sánh đến tận lúc tối nhọ mặt người. Những chiều cả tổng đổ ra đồng tắm táp, đùa rỡn, Đất và các bạn cô thường tìm đến một chỗ văng vắng, không cho anh con trai nào bén mảng đến. Nhưng các cô tắm ở khúc nào, lập tức ngày hôm sau các anh trai tráng trong làng lại ùa ùa xí phần trước làm các cô phải kéo nhau ra chỗ khác. Chính cái chỗ lặng lẽ nhất ấy là nơi các cô thả sức ngắm nghía và vờn rỡn bộ ngực hết sức căng thẳng đang rập rờn lóng lánh dưới làn nước của cô gái vừa tròn 17 tuổi, mà thì thào tra khảo: “Chị ơi, tên chị là Đất, sao trông chị lại nõn nà như tiên thế này. Giời ơi, đúng “của chị” là của giời cho, trông cứ thích thích là”. “Chúng em hỏi thật chị nhá: Đã có thằng ông mãnh nào nó bóp chửa? Chửa à? Sao nó mẩy ơi là mẩy?”. “Chị có chữ, lại xinh đẹp nữa, không thằng đàn ông nào ở tổng này đáng mặt với chị đâu”.
Đấy là những ngày nắng gắt gao cuối cùng của mùa thu năm ngoái. Còn bây giờ mới là đầu mùa xuân năm nay. Ông tổng Lỡi không quen chịu được tiếng khóc của đàn bà. Nhưng ông đã quyết chí huỷ hoại cả đời người con gái thì cũng phải cố dằn lòng năm mười phút nghe tiếng khóc giữa giời ở chỗ bờ đầm. Cũng chỉ dăm mười phút nữa là cô phải buông những đám cỏ gà đang túm ở hai tay và nâng đầu khỏi mặt đất để ông bế lên lưng ngựa đi lên mạn Phương Trà, qua đò ở cái bến xa lạ không ai có thể biết cô là ai. Ông sẽ trút được một gánh nặng. Dẫu có là gánh rượu nếp ngọt và say sưa rất êm ái thì ông cũng đành nuốt nước miếng mà ủ nó lại chờ cơ bốc bải vụng trộm, sức nào ông đeo đẳng nổi. Một dinh cơ “nhà ngói cây mít” ở làng Cuội Trung do bố ông để lại, ông sắp đặt cho hai bà cả và hai ở hai buồng hai đầu hồi với hai chiếc giường Tây giống hệt nhau còn ông nằm trên sập gụ nhà ngoài. Hai con mẹ nó tốt nết. Hàng tháng, sau này, có khi dăm bảy tháng ông không mơ tưởng gì đến cũng cứ là tươi tỉnh, thưa gửi phân minh. Hoặc giả ông “cho” ở buồng đầu này, không “cho” đầu kia thì cũng chỉ dám trở mình, vặn giường kêu trèo trẹo đố dám mặt nặng, mày nhẹ. Ở với những mụ vợ lành, chỉ biết cung cúc nghe lời rất dễ chán. Đến con mụ vợ ba trên phố huyện nó biết làm cho ông thích thú thì cũng biết hành ông như hành một thằng ở. Lúc nào ông cũng có cảm giác mình đang è cổ đội cái cối đá trên đầu vô cùng bức bách, uất giận nhưng bỏ nó đi, thấy nhớ, thấy bâng khuâng như mất một cái gì, không thể chịu nổi. Thế là nó biết ông sợ nó. Đã sợ là hèn. Ngay cả những ngày mê mẩn và tìm cách chiếm dụng bằng được cô Đất đẹp như tiên giáng, ông vẫn không thể bỏ được thói quen hoảng hốt sợ, dù nó không hề biết gì sự dan díu của ông ở dưới quê. Bởi thế ông phải đánh thư cho người chị con bác ruột trên mạn ngược để Đất đến đấy, ẩn náu. Đẻ xong ông sẽ liệu. Chả còn mấy chốc nữa đến trống canh ba. Trống canh ba phải lên ngựa, tảng sáng qua đò thì mới kịp tàu ngược. Tự nhiên cô hét lên rồi ôm mặt khóc, không hề biết rằng ông tổng đã dỗ dành như lạy cô: “Tĩnh tâm lại em ơi”. Câu đó vừa van nài cô, vừa trấn tĩnh cho ông khi khắp người đã ướt đầm mồ hôi và run. Ông hoảng hốt sợ mọi chuyện vỡ lở. Còn cô, đến lúc này mới bắt đầu cảm nhận thấy hết mọi tủi hổ, nát một đời người! Một con đĩ, chửa hoang phải bỏ làng ra đi. Sáng mai, trưa mai, tối mai rồi ngày kia mẹ tìm con ở đâu? Con cắn cỏ lạy mẹ trăm lạy, cố chờ con quay về với mẹ! “Liệu ông có lấy em thật không?” “Đã bảo rồi. Sao lại không. Tôi nói lại là: em phải tĩnh tâm lại, coi như không có chuyện gì xảy ra để tôi còn tỉnh táo mà thu xếp mọi bề. Nghe chửa?” Cô ngồi lên lưng ngựa, ở phía sau ông, ôm vào ngang người ông, cô ôm lấy niềm hi vọng sẽ được ông tìm cách cho cô trở về với dân làng, bầu bạn, về với mẹ. Ông vừa là ân nhân vừa là kẻ sát nhân đã giết chết đời cô từ hơn 50 ngày nay tức là bắt đầu đêm 21 tháng chạp. Hôm ấy mẹ cho cô đến nhà bà ngoại ở phủ Trường Giang xin bà dăm cân nếp về gói bánh. Bà đi chợ đến quá trưa mới về. Bà bảo ở lại ngày mai. Cô sợ mẹ mong, và vội lưng cơm nguội rồi khoác mươi cân thóc trong chiếc tay nải ra về. Không ngờ trời mùa đông xuống nhanh. Cô vừa ra khỏi cánh đồng Tam Bách Mẫu um tùm lau, sậy thì trời nhá nhem tối. Còn năm cây số nữa, với sức cô vừa đi, vừa chạy về đến nhà đã lấy gì là muộn, nếu không có ngựa ông tổng Lỡi chặn ngay trước mặt cô. Sau này cô mới biết ông đã “nhắm” cô từ hội thi nói khoác của tổng Cuội năm ngoái. Ông ngồi trên ghế chủ khảo là để nhìn xuống đám dân chúng, tuyển lựa lấy những cô gái đẹp mà tìm cách chiếm đoạt. Năm nay ông sức cho các xã phải sửa soạn cho ngày hội thật long trọng vì năm ngoái ông đã liếc thấy một con bé đứng ngấp ngó tận ngoài gốc bàng làm ông bàng hoàng. Hỏi ra biết cô ta tên là Đất, ở thôn Cuội Thượng. Ông lặng lẽ theo đuổi cô cả năm nay. Hôm 21 ông đã theo cô đi và chờ cô về. Hỏi:
- Ai như cô Đất?
- Cháu chào ông tổng ạ.
- Thế cháu đi đâu, giờ này còn ở đây. Liều quá.
- Dạ thưa...
- Dạ dơm gì? Ngồi lên đây.
- Thưa ông... Dạ... cháu cảm ơn ông. Cháu không dám... Cháu sợ lắm ạ.
- Thôi được. Tao dắt nó đi bộ. Khi nào dạn nó thì lên, tao cho về. Cái bọc gì kia. Nào đưa đây vứt lên yên.
- Cháu cảm tạ ông tổng quá.
Thế là chả cần phông màn, đạo cụ, chả cần dàn dựng, tập dượt, mọi tích trò cũ kĩ vẫn cứ diễn ra một cách hồi hộp. Màn đầu: kêu la, chửi bới, cào xé. Màn hai: sự bất lực tất yếu và người con gái bị khuất phục. Sau đấy là nỗi ê chề nhục nhã, khóc than thầm vụng có thể chết dài, chết rạc, hoặc quẫn trí treo cổ lên xà nhà hoặc nhảy xuống sông, xuống đầm mà tự vẫn. Màn ba: những mong mỏi tốt đẹp hé mở. Cái câu: “em sẽ là bà bốn của anh” bị cô nhổ ngược lên cái mặt đang úp sấp của ông trong lần đầu tiên bị cưỡng bức thì những đêm sau nó lại lấp loé hi vọng như quyền được hi vọng ở bất cứ người con gái nào. Hồi bấy giờ những nhà phú ông, nhà ông tổng, ông chánh năm thê bảy thiếp là thường. Nửa tháng sau, cái thói quen thường kì rất đều đặn trong cô đã bị dừng lại. Cô hoảng hốt về một đứa con không bố, đứa con hoang. Và, tất nhiên cuộc gặp gỡ vụng trộm lần thứ hai sẽ xảy ra. Ông tổng mừng quýnh quáng vì một lúc ông được cả hai: một cô bé đẹp tuyệt trần và một đứa con. Ông hứa chắc như đinh đóng vào cột gỗ lim rằng sẽ thu xếp để lấy cô làm vợ. “Hừ hừ... hự... em ơi nhất định em phải là vợ của anh. Em có nghe không? Ừ, phải nghe anh. Phải có cách làm cho mọi chuyện êm thấm. Để vỡ lở ra không những tai vạ mà... trời ơi, em ơi, có thích làm vợ anh không?” Cô cũng mê man bay bay trong cõi mây mờ cao vút để quên hết mọi tủi nhục, mọi hoảng sợ, để bay bay lâng lâng trên con đường chui lủi sớm nay còn mịt mùng hơn cả trong cơn mê say.