Một cuốn sổ nhoè nhoẹt nhưng vẫn đọc được, tựu trung chỉ vẻn vẹn mấy trang giấy học trò, được bọc cẩn thận trong những lần giấy xi măng để ở đáy hòm khoá chuông. Vừa đúng hai mươi hai năm sau, năm 1955, khi đứa con đã làm uỷ viên chấp hành chi đoàn thanh niên xã và lấy vợ, nó buộc người mẹ phải trao cuốn sổ để nó đốt đi. Bà run rẩy đưa sổ cho con và ứa nước mắt nhìn nó châm lửa đốt vào những trang giấy bà ghi như đốt vào ruột bà. Tuy là cô gái độc nhất của làng Cuội biết chữ nhưng con gái thời ấy không được biên, chép bất cứ một thứ gì. Biên chép thứ gì cũng là biên thư cho giai mà đã là phận gái phải biết câu: “Thụ thụ, bất thân”. Nhưng đấy là luật lệ ở làng Cuội. Đến La Hiên, Đất gặp chị họ của ông tổng bán hàng ở ngã ba thị trấn. Bà cho người dẫn cô đi tiếp nửa ngày đường rừng mới đến chỗ cô ở. Đưa cho cô một gói mực tím, cái ngòi bút “lá tre”, quản gỗ mộc, một quyển sổ, bà nói:
- Cậu tổng dặn tôi đưa những thứ này cho cô. Ngày nào cần gì hay muốn chuyện trò với ai cứ biên vào đây. Lựa có người là chỗ tin cẩn về xuôi hoặc ở dưới xuôi lên tôi gửi cho nó nhanh. Thời Tây bây giờ người ta có thời giờ đâu mà con cà con kê như chị em mình.
Cứ trông chờ được gửi về cho ông tổng và ông sẽ lên đây như đã hẹn với cô, nên bao nhớ thương, buồn tủi, bao phen đắng cay hiểm nghèo cô đều muốn trút vào quyển sổ những mong ông đọc, hiểu thấu nỗi lòng của cô.
Nhưng đã bao nhiêu đêm thổn thức để cô nhớ lại quá nhiều những gì đã xảy ra trong tình cảm của cô mà chép được vào sổ lại quá ít. Cô cũng không còn biết ngày tháng là gì nên ngày nào cô cũng chỉ ghi: “Hôm nay” Hôm nay chắc là hội làng rã đám rồi. Ông còn đủ sức làm chủ trò hay là như nhời ông bảo em: “Em đi thì hội tan, anh thiết quái gì cái hội ăn tục nói phét hở em”.
Cô nhớ đến cái buổi sớm hôm tiễn cô đến bến đò Phương Trà, sờ trán ông đầm đìa mồ hôi, cô sợ quá tưởng ông bị cảm vì ban đêm ông và cô nằm giữa sương gió. Ông lại ghì riết lấy ngực cô, bảo: “Cứ nghĩ đến ngày mai, ngày kia không nhìn thấy em, không hiểu anh có gượng dậy mà lo toan mọi việc cho chúng ta!” Cô muốn oà khóc nhưng sợ ông đau đớn quá đành phải cắn chặt hai hàm răng lại, gỡ tay ông ra, cô vừa lấy đuôi yếm chấm nước mắt vừa chạy lao xuống bến đò, vì lo trời tảng sáng có ai nhìn thấy, khổ cho ông. Nếu không, làm sao cô rời được ông ra. Ruột gan cô lại cồn cào lo không biết ông còn đứng lại ở chân đê lâu không? Còn cô, sang đến bờ bên kia không thể quay bước lên đê được. Sương mờ quá nhìn mãi không thấy bãi bồi bên mình, cô chỉ chực nhào xuống sông bơi về với ông. Làm sao những ngày như thế này cô và ông có thể rời nhau ra được, làm sao cô lại mất ông nhanh như thế hở giời? Ấy là cô chỉ dám nghĩ vậy thôi. Lúc ấy cô đã khóc oà lên như một đứa trẻ, như hồi bố cô đột nhiên lăn ra chết. Khóc được, cô mới nhẹ được bước chân để chạy vào ga tàu kẻo muộn. Hết một ngày rưỡi đi đường, đến La Hiên, bà Nhớn đã cho người đưa cô đi ngay không để ai thấy mặt. Đi từ trưa đến khi không nhìn rõ mặt người một lúc, thì đến một gian lán ở giữa rừng. Xung quanh lán rào nứa để chắn hổ. Ông chủ của nó là một người làm thợ sơn tràng đã bỏ đi đâu hơn một năm nay. Bà Nhớn bảo: “Cứ yên phận mà ở đây, khi nào người ấy về bà sẽ dàn xếp”. Người quen của bà Nhớn dẫn cô đi cũng nói với mấy người Mường, Mán gì đấy ở bên kia suối là giúp cô trồng sắn, gieo hạt. Họ chỉ cười, gật đầu và nói gì cô không hiểu. Bà Nhớn dặn cô: “Có ai hỏi thì bảo: Tôi là cháu bà Nhớn. Chồng tôi nó bán hết mọi thứ để đánh bạc, uống rượu. Đêm về nó lại đánh đập hành hạ, không chịu được. Bà Nhớn phải gửi tôi lánh vào đây”.
Ông có bằng lòng cho em nói như thế không? Em cầu mong cuối tháng này hoặc đầu tháng sau ông thu xếp lên với em vài ba ngày. Giời ơi, mới có mấy hôm mà em tưởng không thể chịu nổi. Tiếng những con gì đêm nào cũng gào, hú như muốn ngấu nghiến nhai nát em ra. Cứ cảnh rùng rợn, mất ngủ thế này, em chết mất ông ơi. Nhớ được như thế, day dứt bao nhiêu điều như thế mà cô không thể xếp những ý nghĩ của mình ra để chép vào giấy được nhiều. Cô lại chỉ ghi:
“Hôm nay lại tưởng chết vì những trận nôn tám ngày nay, không biết bao nhiêu trận cứ móc họng lôi thốc cả ruột gan ra ngoài”.
Suốt tám ngày qua, đêm nào cô cũng trằn trọc đau đớn và lo sợ. Không hiểu vì sao ngày nào cô cũng ăn đất, lại nôn ra toàn đất và đắng đến run lên. Hay là đứa con có sự gì mà đạp, rẫy, làm người mẹ tắc thở, ngất đi, tỉnh lại không biết bao nhiêu lần. Cô đã phải thầm thì lạy con: “Con thương mẹ, cho mẹ yên, mẹ cố sức mỗi ngày kiếm vài xu tiền củi để khi mẹ tròn, con vuông còn có miếng rau, miếng cháo nuôi con”.
Từ hôm tiễn cô đi đến nay đã được hai tháng, tám ngày. Ông bận việc quan hay ốm đau. Hay trắc trở điều gì mà ông vẫn bặt vô âm tín để một mình cô cứ phải khốn khổ, khốn nạn như thế này. Suốt đêm lo chống chọi, chạy trốn tiếng hổ, tiếng báo. Ban ngày kiếm được gánh củi ra đường cô lại sợ có người dưới xuôi lên nhìn thấy mặt mình...
Hôm nay bà Nhớn đến cho em ba đồng bảo là tiền của mẹ em gửi thì em biết mẹ em một thân một mình lần không ra một xu lấy đâu những ba đồng cho em cầm mấy đồng tiền vào tay, tay em cứ rụng rời ra không lên được với em ông tiếc cả mấy hàng chữ mà không cho em được mấy nhời bà Nhớn hỏi rằng là nhà cháu với cậu tổng là thế nào thì em thưa bà ơi bố cháu là chỗ bạn học của ông tổng ông tổng coi bố cháu như là anh khi bố cháu mất đi ông tổng lo cho cháu như là lo cho con cái trong nhà thế rồi bà lại bảo tiếng là người ở quê nhưng đi từ thuở bé ngoài mấy người ruột thịt bà có biết ai vào ai em lại phải thưa với bà là bà ơi cháu cũng không ngờ đến nông nỗi này thôi thì đã có nhời của ông tổng trăm sự cháu nhờ cậy vào bà thì bà lại bảo thế cái thằng chết tử chết tiệt nó phản cháu bây giờ nó ở đâu em xin với bà là anh ấy cũng bỏ làng đi ngay sau cái lần làm cho cháu lỡ dở rồi bà lại bảo rằng là ừ cái... của của thằng đàn ông nó như cái gậy thằng ăn mày bạ đâu nó cũng chọc mình là phận gái nhẹ dạ cả tin là ô nhục khốn khổ cả một đời em lạy bà anh ấy thề với cháu là nếu không lấy được cháu làm vợ anh ấy không sống được nữa bà ơi thì bà lại bảo thế hả thế cháu giở vành váy cháu ra xem còn lời thề của nó ở đấy không thề thốt thề thốt của thằng đàn ông ra khỏi miệng nó giống như cái... của nó rút ra khỏi cái của mình nó vẩy đi vẩy lại một cái là ráo hoảnh lấy gì làm bằng cớ lẽ ra phải bắt nó nuốt nước miếng mà chờ dạm hỏi cưới xin đàng hoàng bà đã về nhà mày rồi thì mày đã mất tiền mua mâm bà kệ xác mày cứ đâm cho thủng khổ cháu tôi thật thà dại dột quá ai lại chỉ nghe nó thề sống thề chết vài lời mà đã vội vàng ngửa ra ở bờ bụi xó xỉnh cho nó thì cả trăm ngàn vạn thằng đàn ông đều biết lừa lọc nó chỉ cốt... xong mình chưa kịp ráo nó đã vác cái mả cụ tổ nhà nó đi, mình ăn thịt nó à. Lúc ấy cô thấy bủn rủn cả người. Nhưng cô vẫn tin không đời nào ông là con người như bà Nhớn nói. Cô nghĩ ông vẫn còn thương mẹ con cô. Chắc có bề gì làm ông không đi được. Biết vậy cô vẫn cứ thèm lúc sinh nở, ông đến với mẹ con cô một lần để ông nhìn con ông, cho cô bõ những ngày chui lủi một mình.
Có lần bà Nhớn lại bảo cô: “Có một thằng chuyên đi bốc mả thuê, nó khoẻ mạnh mà tốt nết lắm lại là trai tơ. Để bảo nó đến đây. Có hơi thằng đàn ông cũng đỡ trống trải”. Cô thưa: “Cháu đội ơn bà có lòng thương. Nhưng cháu tin anh ấy nhà cháu còn thương mẹ con cháu lắm. Chắc anh ấy phải bỏ đi là để làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi mẹ con cháu”. “Vậy là nó biết mày ở đây à?” “Dạ, không ạ. Khi đi anh ấy có dặn cháu là có ở chân trời góc biển nào thì cũng cứ mà yên trí, anh sẽ tìm đến”. Bà Nhớn thở dài rồi bảo: “Thôi được, mày đã quyết như thế tao cũng không ép”.
Hôm nay bà lại đến bà lại bảo mày có ý định đánh thư về xuôi cho bà lão thì đưa tao nhờ người tin cẩn đưa về cho cậu tổng cậu ấy giúp, em bảo là cháu không ạ nếu được xin bà nhắn ông tổng bắn tin là cháu chết rồi. Đêm ấy cô lại thức trắng, nhớ lại lúc ngồi với bà Nhớn, bà mắng cô: “Ăn nói độc mồm, độc miệng, hổ báo nó bắt mày đi”. “Bà cứ nhắn hộ cháu là cháu đi kiếm củi bị hổ nó ăn thịt rồi”. “Con mẹ mày, Mày điên rồi hay sao? Mày có sợ phải tội với cái thai trong bụng mày không?”. “Bà ơi mẹ cháu yếu lắm rồi. Lọ mọ một thân, một mình, sống chết lúc nào không hay. Cháu muốn mẹ cháu chỉ đau đớn một lần nữa thôi. Cứ để thân già, chết dần chết mòn, cháu khổ lắm”. “Cớ sao bà lão còn gửi tiền cho mày?” “Chắc là bán được cái gì đấy”. “Tao muốn nói: cớ sao bà lão lại biết mày đang ở đây mà gửi tiền đi?”. “Có lẽ ông tổng thương tình mẹ cháu mà cầm. Còn mẹ cháu thì lại tin ông tổng đi ngược về xuôi, chỗ nào chả biết. Nên cháu nghĩ thế này: cháu nhờ bà chuyển cả ba đồng về cho ông tổng nhờ ông nói với mẹ cháu là không nhờ ai tìm thấy nó ở đâu, đành gửi lại bà. Sau này ông tổng có nhớ đến tình làng nghĩa xóm thì giúp cháu, cho mẹ cháu xin cỗ áo quan”.
Thấy cảnh sống và những lời nói gở của cô, không chịu được nữa bà Nhớn đùng đùng bỏ ra về.
Hôm nay đêm qua em nằm mơ thấy ông tổng lên với em, lên với đứa con của ông thì em mừng quá vội vàng chạy vào nhà để ông phải vào đấy với em để ông nghe thấy đứa con ông nó đập thình thịch làm em phải đau đớn quằn quại thì ông quay ngựa đi ông bảo ông không thèm biết mày là ai, thế là em vội kêu lên rồi thì mắt em mở ra em sợ quá.
Hôm nay con đạp mạnh quá có điều gì mà con đạp mẹ làm mẹ phải ôm lấy gốc cây khỏi ngã vật ra. Cô như thì thầm với đứa con, van lạy nó đừng hành hạ cô lâu, nhưng cô vẫn không thể đứng dậy được, đành bỏ gánh củi ở bờ suối, ôm bụng vừa đi, vừa bò về nhà. Hôm trước bà Nhớn bảo cô đừng lo, nó đùa đấy. Con đùa vui thì cô mừng quá. Nhưng cô phải “lạy” con là thương mẹ, con đùa nhè nhẹ cho mẹ đỡ đau mẹ còn lấy sức cho con chui ra. Nếu đúng chín tháng mười ngày thì hôm nay đã là tám tháng bảy ngày rồi.
“Hôm nay”. Có lẽ không bao giờ cô nhắc đến người tình của mình, người cha của đứa bé sắp ra đời, ông tổng Lỡi. Những dòng cô ghi như là đánh dấu để sau này cô nhớ lại những đận gian truân khốn khổ của mình. Cô không phải mong ngóng mòn mỏi chờ ngày con ra đời. Cô đã bắt được cục vàng của cô rồi. Cô đang bám vào cột quằn người kêu la tưởng là đứt ruột chết ngay, không thể nào chịu được nữa thì thấy nhẹ “hẫng” đi. Cô nhìn xuống để thấy “con chó” nằm lên bàn chân cô. Cô vội vàng cúi xuống bế con lên. Cái ánh sáng nhập nhoè của đĩa dầu lạc để cô chợt nhìn thấy vòm mắt sâu sâu của con, cô bỗng giật thót người như có ai chẹt lấy cổ làm tức thở. Cô sững sờ vì tưởng lại nhìn thấy đôi mắt sâu sâu của người tiễn cô xuống bến đò đêm nào. Nhưng “người đó” quên mẹ con cô rồi. Người đó đưa giấy mực bảo cô hôm nào cũng chép tất tật mọi chuyện để gửi cho người đó, người đó cũng quên ngay rồi. Nhưng cô cần gì.
“Hôm nay, con đầy tuổi tôi.” Mỗi lần nhìn con, cô lại thấy đứt ra từng khúc ruột. Có con, cô sung sướng bao nhiêu thì lại càng hoảng sợ bấy nhiêu. Mỗi ngày cô lại đau nhức, tê dại cả hai tay, hai chân mà người thì cứ như không còn hơi để thở. Chiều nay run quá. Đi nhặt củi, xách nước cô phải bò xuống suối rồi lại cõng củi, cõng nước bò lên. Từ hôm đứa con ra đời, cô chưa đụng đến hạt cơm nào. Ngay đến cháo húp vào cũng thấy nhạt, mồm miệng lúc nào cũng thấy hôi hôi, đắng ngắt. Mỗi lần húp bát cháo cô cố nhắm mắt, nhắm mũi húp cho qua miệng để lấy sữa cho con. Nhưng nếu ăn vào lại nôn thốc ra như sáng nay thì con bú bằng gì? “Con ơi, nếu nhỡ ra mẹ có mệnh hệ nào thì...” Tự nhiên con khóc ré lên như mắng cô. Cô phải xin con. “Mẹ xin. Cho mẹ xin. Mẹ không khóc nữa. Mẹ nín rồi mà. Đừng nhăn mặt mắng mẹ thế. Nào nào, mẹ cười rồi, ư ư mẹ cười đấy chứ. Mẹ không mếu nữa đâu. Ư ư”. Con chó con của mẹ thấy mẹ khóc nó mắng mẹ nó đấy, ghê chưa?. Lần đầu tiên trong đời, cô cất tiếng ru: “À ơi. à à, ơi... ơ...” Bà Nhớn vào kêu: “Giời ơi, tao trông mày ngỡ là con ma. Sao mày bảo phải đến tháng này?” “Cháu cũng không biết thế nào mà thiếu đúng một tháng, ba ngày”. “Thế ai đỡ cho mày?” “Không có ai bà ạ. Cháu đau bò lê bò càng từ chiều tối. Đến nửa đêm cháu bò về nhà, đang ôm lấy cái cột giữ nhà thì cháu bà nó buột ra khóc rất đanh”. “Ai cắt rốn cho nó?”. “Trời ơi, cháu mừng quá. Cháu quỳ xuống ôm lấy con rồi ghé răng cắn nhay mãi mới đứt. Cháu đặt nó đấy, đi chôn rau rồi mới chạy về bế cháu”. Cả tháng giời rong huyết, không nhìn thấy mặt mình nó xanh xao, méo mó như thế nào để đến lúc mới nhìn cô, bà Nhớn hét lên định bỏ chạy. Cô phải gọi: “Cháu đây, Đất đây bà ơi. Cháu sinh cháu trai được một tháng rồi bà ạ”.
Hôm nay mẹ ngồi nhìn con thì con ơi nếu mỗi ngày mỗi đêm không có tiếng khóc của con thì không tài nào mẹ gượng dậy được. Bà Nhớn chạy đi tìm một bà gọi là bà mế mang lá đến cho cô. Người đẻ kiêng mọi thứ sống sít, bà mế lại bắt cô nhai một nắm lá nuốt cả nước lẫn bã. Cô không ngờ đời cô lại có người hết lòng cứu giúp. Chỉ chưa đầy nửa ngày máu đã cầm hẳn. Bà Nhớn bắt một con gà trong lồng gà bà mang đến. Làm xong, bà chặt ra kho với một vốc gừng và cả lưng bát bột nghệ. Cái gánh của bà, một nửa là gà, nửa bên kia toàn là gừng với nghệ. Bà bảo trừ cơm ra còn bất cứ thứ gì kho cũng thái gừng, giã nghệ trộn vào. Không kiêng khem cẩn thận, sau này khốn vào thân. Trưa nay cô mới thấy đói và thèm cơm. Bà Nhớn ép, cô ăn được vực cơm chặt. Gần một năm lên đây, nói thực ra từ tết năm ngoái đến giờ, trưa nay mới được ăn miếng thịt gà, tự nhiên nước mắt cô cứ ứa ra, xấu hổ quá.
Hôm nay con được hai tháng mười bảy ngày Cô vẫn chỉ ghi lại như cái cớ để sau này nhớ lại kể với con rằng: mỗi ngày con lại có thêm một trò cho mẹ. Mấy ngày trước thì chỉ thấy ngủ. Ăn cũng ngủ. Khóc thét lên đòi thay tã, đòi nước cũng vẫn nhắm nghiền hai mắt lại, ngủ. Mấy hôm nay lại chỉ có cười, ngủ cũng tủm tỉm cười. Ai dạy con cái cười mà ghét ơi là ghét. Thỉnh thoảng lại nhách mép ra một cái, đến là nghịch. Có phải dạo này con thấy mẹ khoẻ dần lên, con vui con trêu mẹ? Mẹ chỉ muốn ngồi cả ngày, cả đêm nhìn con ngủ, con cười thôi, con chó con của mẹ! Nhưng mẹ còn phải đi kiếm củi, làm lụng nuôi con.
Hôm nay mẹ tưởng phải đâm đầu xuống suối mà chết con ơi. Lúc đi bán được gánh củi về thì không thấy con đâu. Ai bế mất con tôi rồi? Cô chạy sấp ngửa đi các khe, các hẻm kêu la. Không thể đừng được thì cô gào khóc, kêu than chứ ở đây có ai nghe. Chạy đi khắp nơi không thấy con, cô quay về định cầm con dao quắm tự bổ vào đầu mình cho nó nhẹ nợ. Lúc quay ra lại thấy con nằm ở sườn dốc, không một mảnh tã trên người. Giời ơi, còn may mà con vướng được vào giữa hai cây mọc sát nhau không thì đã lăn xuống suối chảy đi tận đâu rồi. Bế con về, ủ trong lòng, vắt sữa vào miệng, mãi con mới mở mắt, chép chép nuốt những giọt sữa mẹ. Cô hoàn hồn mà ruột gan vẫn cứ run bắn lên. Nào cô có ngờ đâu đến nông nỗi này để tìm cách treo con khi cô đi khỏi nhà. Người ta bảo “chó treo, mèo đậy” cô lại để con nằm ở ổ nên khi con “bậy”, một con chó ở đâu đã nhảy vào lôi giẻ đi tìm phân. Nó kéo giẻ, kéo cả con đi. Khi con vướng vào gốc cây nó kéo giẻ đi mươi bước nữa, dọn hết phân nó mới để giẻ lại. Cũng là đoán vậy thôi. Làm sao cô biết được hết đầu đuôi mà con thì chưa thể nói cho cô hiểu. Đêm nay ngồi ôm con, cứ mỗi bận con thon thót giật mình, cô lại thấy đau thắt ruột lại. Từ ngày mai cô phải làm thế nào để vừa trông con, vừa kiếm củi bán, đong gạo nấu cháo cho con ăn?
*
* *
Nhưng chuyện chó tha con xuống bờ suối chưa phải là nỗi kinh hoàng cuối cùng. Quyển sổ như là những bức thư, như là nhật kí có thể gọi nó bằng cái tên: “Hôm nay” không còn hào hứng, không còn sức lực ghi lại những đận long đong sau này nhưng không ai đốt được, không ai cậy răng người mẹ nói ra nửa lời. Nó ở tận đáy lòng bà và nó im lặng cho đến ngày bà trôi về quê.
Con được năm tháng, bảy ngày thì lên sởi rồi chạy hậu, vào phổi. Suốt ba tháng trời mỗi ngày mẹ ăn một củ sắn lùi, ngồi ôm con. Mười tám tháng tuổi con đi ỉa chảy rồi kiết lị cả nửa năm trời. Ba tuổi, con bị trúng gió rồi lên cơn sài giật lăn ra chết. Anh thợ bốc mả đến chơi, chưa kịp vào nhà đã chạy đi chặt cây giang chẻ lạt bó con bằng manh chiếu rách. Bó được ba lạt, anh thương quá gục mặt xuống ngực cháu khóc. Anh giật mình kêu lên: “Còn thở. Thằng cu nó còn thở”. Lại một thầy lang ở bên kia núi mang xác rắn, rễ cà và thứ thuốc bí truyền gì đấy cho uống. Đổ vào đến đâu, mắt con mở ra đến đấy. Rồi phải bỏng. Rồi chết đuối. Rồi trèo cây ngã gãy tay và rắn độc cắn vào cổ chân... Chỉ mỗi lần con sổ mũi, nhức đầu, nghe tiếng con hắt hơi mẹ đã giật thót người lại, huống hồ bao phen con chết đi sống lại! Nhưng có người mẹ nào lại nhẩm đếm đã bao lần ôm con vò võ thâu đêm! Bao phen phập phồng theo từng nhịp đập thoi thóp của quả tim non nớt ốm yếu của con! Cái cơ thể nình nịch đẫy đà kia chỉ qua bốn, năm năm trời nuôi con đã teo tóp như một cành cây lìa khỏi thân cây thì làm sao người mẹ ấy lại trở thành “đồ dã tâm độc địa, hãm hại con” vào những ngày cuối cùng của đời mình, khi đứa con, cái “giẻ rách vắt vai” đã thành phó chủ tịch tỉnh, rồi làm cán bộ đối ngoại cao cấp ở một bộ quan trọng. Bao nhiêu vất vả gian truân, bao nhiêu đau đớn tủi nhục người mẹ nuốt hết vào lòng cốt để trở thành bất tử, thành người hạnh phúc nhất trần gian lúc đứa con bập bẹ tập nói: “Con thương ai nhất?” “Con thương mẹ nhất”. “Con thương mẹ có nhiều không?” “Con có nhiều thương mẹ lắm”. “Con thương mẹ nhiều như thế nào?” “Con thương mẹ nhiều như cứt con cò ỉa xuống gốc tre”. “Ấy con ơi, đừng nói thế”. “Mẹ bảo cứt cò nhiều ơi là nhiếu, làm sao lại không được hả mẹ”. “Cứt cò xấu lắm. Con phải bảo thương mẹ như nước suối”. “Ứ ừ... nhiều hơn nước suối cơ”. “Ừ được, nhiều hơn. Thế thương mẹ con để ở đâu?” “Con để ở trong cái đầu này này. Xong rồi con để ở cổ, ở bụng con nữa mẹ nhỉ?”. “Ừ, ừ. Thế lớn lên con làm gì?”. “Nhớn lên con đi ăn trộm củi” “Ấy chết. Sao lại đi ăn trộm, con phải đi kiếm củi với mẹ chứ”. “Đúng rồi, nhớn lên con đi kiếm củi với mẹ cơ”. “Kiếm củi làm gì?” “Kiếm củi bán lấy tiền đong gạo”. “Đong gạo làm gì?” “Đong gạo nấu cơm cho mẹ ăn thật no. Con nuôi mẹ nhớn mẹ nhỉ. Nhưng không được đi chơi xa ông hổ bắt đấy. Ông hổ có cái răng to lắm, mẹ không biết được đâu”. “Con có sợ ông hổ không?” “Sợ lắm. Ông hổ đuổi. Thế là con trèo lên ngọn cây tít tít trên đầu núi ông Vượn, ông hổ không làm gì được con”. “Chết chết. Trèo lên cao là ngã gãy xương như cái tay gãy ấy, không được đâu”. “Nhưng con trèo lên con chơi với ông giăng có được không?” “Không được” “Thế con lấy cái sào dài ơi là dài con kều ông giăng xuống với con có được không mẹ?” “Cũng không được”... “Thế con không có gì chơi à?” “Thì mo nang lá mít còn bao nhiêu đấy”. “Ngày nào cũng chỉ có thuyền mo nang, lá mít, chán lắm”. “Chịu khó, rồi hôm nào mẹ cho lên bà Nhớn mua cái đèn ông giăng xanh đỏ đẹp lắm”. “Nhưng phải như ông giăng thật cơ”. “Ừ, như thật”. “Mẹ ơi, thế ai thắp lửa cho ông giăng?”. “Ừ, ừ... thằng Cuội thắp lửa cho ông giăng”. “Thế ai đổ dầu vào đĩa lạc cho ông giăng?” “Thằng Cuội đổ”. “Thế ai nấu cơm cho ông giăng ăn?” “Thằng Cuội”. “Ai đưa ông giăng đi chơi hả mẹ?” “Thằng Cuội”. “Thằng Cuội giỏi nhỉ. Nhớn lên con làm thằng Cuội được không mẹ” “Ừ... ừ... được” “Thế nhà thằng Cuội ở đâu?”. “Nhà nó ở... làng ta” “Làng ta ở đâu hả mẹ? Sao mẹ không cho con về làng ta?” “Nhớn lên mẹ cho con về”.
Năm thằng Hiếu mười tuổi, chị đã dắt con về làng. Ngày ấy mạn ngược đã nhao nhác nghe cái tin Việt Minh nổi dậy. Tây, Nhật hục hặc nhau, sợ loạn lo. Biết là bà con chòm xóm, anh em ruột thịt, bạn bè gần xa sẽ phải hỏi han, thì thào nên Đất phải sắp sẵn một “lai lịch” cho cả khi ra đi và lúc trở về đột ngột của cô. Những ngày đi cắt cỏ ở cánh đồng Tam Bách Mẫu đem bán, Đất thường gặp một anh tên là Lâm. Anh ấy khoẻ mạnh, đẹp trai, chịu thương chịu khó, mà lành. Anh ta hay bó hộ cỏ, có khi còn gánh hộ đến nửa đường để Đất kịp buổi chợ rồi mới quay lại gánh cỏ của mình gửi ở chỗ bà hàng nước vối. Lâu dần Đất mến rồi say anh ấy. Anh dụ Đất cùng trốn lên mạn ngược với anh ấy để nhờ bà cô mới có lực đứng ra làm lễ cưới cho hai đứa. Cưới đầu năm thì cuối năm có con. Cuối năm 1941 không ngờ anh ấy đi hoạt động Việt Minh ở trong rừng, biệt tăm tích. Đến đầu năm nay mới biết tin là anh ấy đã bị Tây bắn chết. Chồng chết rồi, ở lại đất khách quê người nơi rừng rú nó trống, lạnh nghĩ cực quá mẹ con đành đem nhau về quê trăm lạy các bác Cu Từ, Cu Mỡ và họ hàng nội ngoại thương cho mẹ con cô. Cái “lai lịch” ấy được tạo nên từ hai người: một người là chủ ngôi lán bỏ không bà Nhớn đưa cô đến ở. Chị không hề biết tên tuổi, tướng mạo của người ấy là thế nào. Người ấy là Việt Minh. Một người tên là Lâm làm nghề bốc mả thì cu Hiếu biết rất rõ. Bác ấy là người riết đến nút lạt thứ tư trên người nó thì kêu nó còn sống, lại cởi lạt ra, thế là nó ngồi dậy. Bác còn cho mẹ con Hiếu một thúng thóc, bổ một cái gốc to ơi là to để mẹ con Hiếu lấy củi sưởi cả mùa đông Hiếu ốm. Có lần mẹ phải bế Hiếu cả ngày cả đêm, bác đến vác nước hộ. “Nhưng ngày trước mẹ bảo bố con đi vào rừng bị ông hổ ăn thịt sao bây giờ mẹ lại nói với bác Cu Từ, bác Lâm là bố của con?” “Mẹ đã bảo để khi nào con lớn mẹ sẽ nói hết mọi chuyện. Bây giờ đừng hỏi gì mẹ, mẹ khổ lắm”. Dù đã “vâng ạ” nó cũng không thể hiểu hết nỗi khổ nhục của mẹ nó. Đang là cô gái hiền lành, thật thà, bỗng dưng thành kẻ gian dối. Hàng chục năm nay mẹ nó phải nghĩ ra những người bố “mất tích”, “bố bận việc ở xa lắm”, “bố đang đi kiếm ăn chưa về...”. Nghĩ ra hàng loạt ông bố cốt để cho con có một người cha, chỉ cần có một người cha chứ không cần mẹ có một người chồng. Năm ngoái, nhận tin ông tổng sẽ lên Thái cần gặp mẹ con ở nhà bà Nhớn, chị tím bầm mặt lại vì căm giận kẻ lừa đảo. Khi tĩnh tâm chị nghĩ: hay là ông ta đã hối, muốn nhận lấy con. Đằng nào mình cũng là kẻ đĩ thoã coi như bỏ đi. Để con đi với ông ta nó cũng được ấm thân nó mai sau. Chuyện này thì thằng Hiếu nhớ lắm. Hôm ấy, hai mẹ con mang cơm nắm và bốn củ sắn luộc đi từ lúc mặt trời chưa mọc. Khi mặt trời chưa đứng bóng đã đến nơi. Bà Nhớn đang ốm nặng. Mẹ đi giặt rồi xách nước, bổ củi. Xong mọi việc hai mẹ con ngồi nắn tay, nắn chân cho bà. Quá trưa bỗng có tiếng kêu ở ngoài đường. “Bà Nhớn có quan lớn ở dưới quê lên thăm”. Không hiểu sao mẹ lại vội vàng kéo tay con sấp ngửa chạy lại cửa sau, luồn ra vườn, nấp vào bụi cây rậm rạp nhìn ra đường. Con ngựa đứng lại mãi ở ngoài đường cái chính. Ông quan ở quê ngồi trên lưng ngựa và một bà béo như một đống thịt đổ vào sau lưng ông quan. Ông quan xuống ngựa đi theo bọn trẻ con, chỉ nhà bà Nhớn cho ông. Bà béo vẫn ngồi ở lưng ngựa cầm lấy dây trông oai lắm. Mẹ lại kéo tay Hiếu chạy lại cửa sau, cạnh giường bà Nhớn. Ông quan lấy tay ra hiệu xua lũ trẻ đứng ở ngoài hàng rào vườn trước, đi vào nhà một mình. Mẹ bấm vào tay Hiếu: “Con chào đi”. Thằng Hiếu khoanh tay lại run rẩy: “Cháu chào ông quan ở quê ạ”. Ông quan phì cười, nhanh chóng tiến đến vừa bế bổng nó lên vừa hỏi: “Hiếu hả?” rồi ông hỏi nhỏ mẹ: “Cô có được khoẻ không?” Nước mắt mẹ tự nhiên lại chảy xuống má. Thằng Hiếu vội vã ôm lấy mẹ như để che không cho ông quan ở quê đụng vào người mẹ nó. Mẹ nó chùi nước mắt hỏi. “Con có thích đi theo ông quan không?”. Thằng Hiếu chưa kịp giả nhời, ông quan đặt vào tay mẹ nó một gói giấy rồi ra khỏi nhà đón bà béo ở trên lưng ngựa dưới gốc cây ngoài đường cái chính. Mẹ lại kéo tay con len lén đi ra vườn sau, chui vào chỗ cây rậm ngồi như hai kẻ ăn trộm ngồi rình lấy của. Mẹ cứ cắn răng vào môi, lặng im chùi nước mắt. Có bao nhiêu điều thằng Hiếu muốn hỏi mẹ: “Tại sao ông quan lại biết tên con?”. “Thế ông quan với nhà mình là thế nào?”... Nhưng nó thấy mẹ nó đang buồn nên nó chỉ im lặng nhìn ông quan, bà quan đi. Rồi nó phục xuống nhìn vào nhà cho rõ. Ông quan và bà quan, nghe người trong nhà gọi thế – quan chỉ đứng hỏi han và cho quà bà Nhớn rồi ông quan nói phải về chỗ quan phủ bạn ông kẻo trời tối. Mẹ giở gói giấy đọc mấy chữ ở mảnh giấy con phía trong, lại cắn răng vào môi, nước mắt chảy giàn giụa hai má rồi gục đầu vào gốc cây mít nức nở khóc thầm. Mãi sau này thằng Hiếu mới đọc mảnh giấy có mấy chữ: “Bà lão nhà cô mất được gần một năm. Tôi đã vào làm việc hẳn trong sở Tây nên từ nay không thể gặp bất cứ ai. Cho cháu Hiếu năm đồng để sắm quần áo và sách bút đi học”. Mười lăm năm sau, nó đọc mảnh giấy cùng với quyển sách “hôm nay” của mẹ. Nhưng bây giờ thì nó không biết chuyện gì. Chỉ thấy mặt nó hầm hầm nhìn lão quan và mụ béo leo lên lưng ngựa. Và khi vợ chồng lão đi hẳn rồi, mẹ nó gào lên: “Ối mẹ ơi, mẹ ơi. Mẹ chết đi thì... ì... ì...ì...” Thằng Hiếu cũng ôm lấy mẹ khóc. Một lúc sau mẹ lau nước mắt, bỏ tờ giấy vào túi còn tiền thì cầm ở tay. Quỳ ở đầu giường bà Nhớn, đợi bà tinh tỉnh, mở mắt ra mẹ bảo: “Bà ơi con phải đưa cháu về kẻo tối. Con có năm đồng biếu bà. Gọi là thêm thắt để bà thuốc thang, đồng quà tấm bánh lúc ốm đau”.
Bà Nhớn quờ quờ vào tay mẹ thều thào:
- Gia cảnh nhà mày như thế bà chả giúp được gì thì thôi. Lấy ở đâu ra cho bà những năm đồng. Bà không lấy một xu nào đâu. Cầm về đong gạo cho con.
- Bà ơi, độ này con kiếm được rồi. Bà cầm lấy cho mẹ con con được vui lòng.
Bà Nhớn quyết ấn đồng tiền giấy như gí xuống lòng tay mẹ. Mẹ lật úp bàn tay để tờ giấy năm đồng “Đông dương” có hình người gánh quang gánh vào tay bà. Bà rụt tay lại, đồng tiền tụt khỏi tay rơi xuống chiếu cạnh bà. Mẹ đứng dậy nói:
- Con về đây. Mấy hôm nữa phiên chợ củi, con lại thăm bà.
Không thể ngồi dậy đuổi theo được mẹ, bà đành bực dọc lẩm bẩm những câu gì đấy, cả hai mẹ con đều nghe không rõ.
*
* *
Có rất nhiều tin đồn đại về cô Đất sau gần chục năm mất tích lại trở về quê. Đã là chuyện lạ nhất định phải có tin đồn. Đã đồn đại, nhất định có sự thêm thắt, sai lệch. Nhưng tựu trung lại, toàn sự thêm thắt, bịa đặt có lợi cho cô. Trong ấn tượng của dân làng hôm nay, cô là người xấu số, không gặp may, tuyệt nhiên không ai nghĩ đến chuyện giăng gió của cô. Người ta tin điều ông tổng Lỡi nói ngày xưa là có lí: “Chính mắt tôi trông thấy nó đi với thằng lực điền, không biết người tổng nào, lạ lắm”. Ngay ngày ấy, những ông bà già nghiêm ngặt nhất với chuyện trai lơ cũng bảo: “Nó có mắc mớ uẩn khúc gì đấy. Một con bé như con Đất nhất quyết không có chuyện trai trên gái dưới. Ông chánh đã nói thế làm gì có sự sai ngoa”. Ngay cái chuyện to tát, có thật mười mươi nữa thì “Đồn ba tháng chứ ai đồn ba năm” huống hồ cái chuyện đã mười năm giời. Người ta đã quên cô rồi. Ai cũng yên trí cô đã chết. Chết vì sông nước, chết vì cướp bóc, ức hiếp, chết nổi hay chết chìm thì cũng là chết rồi, ai nhắc đến làm gì.
Mẹ con cô trở về đột ngột như một người chết tự dưng sống lại, như từ trên trời rơi xuống. Cả làng cả tổng sững sờ mừng. Người ta tin vào những lời chị kể và hai con mắt đỏ hoe của thằng cu con khi nó nói đến bố nó chết, thì y như một triện đỏ chót đóng vào “bản khai” của mẹ nó. Nhưng các bác nó lại có vẻ không vừa lòng mỗi khi mẹ con nó nói đến cái ông bố “Việt Minh” mà chính nó cũng không thể biết là ai. Tất nhiên, chuyện mẹ con nó trở về, không ai có thể mừng rỡ hơn anh em, con cháu nhà bác Cu Từ, Cu Mỡ. Ngay hôm mới về bác Cu Từ đã để mẹ con nó về ở trong ngôi nhà mẹ đẻ, tức là ở nhà bà ngoại. Thằng cu Hiếu phải gọi thế. Anh Cu Từ, Cu Mỡ là trai mà để cho em gái ở lại trong ngôi nhà bố mẹ đẻ là trường hợp ngoại lệ với người nông dân ở làng Cuội, nhưng như thế nó càng chứng tỏ cái gia phong nề nếp của nhà cụ đồ Mục. Anh em con cháu còn đùm bọc, yêu thương nhau lắm mới đủ sức vượt ra khỏi cái lề thói không ai dám vượt qua, mới có chuyện các anh trai phải ra ở riêng, tự gây dựng lấy, còn em gái ở lại nơi thờ cúng tổ tiên. Ngày trước còn mẹ thì những ngày rằm, mồng một, giỗ chạp, tết nhất anh Cu Từ vẫn phải ra vào, hương khói. Sau khi mẹ và con trai anh mất đi, việc hương khói có phần sao nhãng. Vì anh Cu Từ buồn, sinh ra rượu chè. Anh giao việc thờ cúng tổ tiên cho em giai trông nom. Người ta đồn, ông Cu Từ không còn con giai nên có ngầm ý giao ngôi nhà thờ tổ tiên cho thằng Nạc con anh Cu Mỡ hưởng hương hoả. Việc cho mẹ con Đất trở lại ở nhà thờ tổ là trái khoáy nhưng lại là niềm hãnh diện của anh em ông Cu Từ, Cu Mỡ ngẩng mặt lên cho cả làng, cả tổng chiêm ngưỡng, coi như một mẫu mực của sự nhường nhịn, cưu mang. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng một tháng sau, ông Cu Từ đến chỗ em gái vào buổi tối. Ông đuổi thằng Hiếu đi chơi, đóng cửa lại hỏi em:
- Có thật sự bố thằng Hiếu là Việt Minh không?
- Dạ... Sao bác lại hỏi em như thế?
- Cô có biết quan huyện sức cho các nơi phải lùng sục, tố giác Việt Minh như thế nào?
- Nhưng bố cháu chết rồi.
- Chết rồi thì cho nó chết, thương nhớ chôn vào lòng, không được giở giáo đến nó rồi mang vạ vào thân. Cô phải cấm tiệt thằng cu không được toe toét, chỗ nào cũng khoe: bố tao là Việt Minh đi đánh Tây.
- Bác dạy thế em xin bảo cháu.
- Cứ bảo nó, ai hỏi thì bảo tôi không có bố. Tôi không biết bố tôi là ai. Còn cô, có ai hỏi cô, cô cũng bảo: em đi làm ăn, đêm hôm khuya sớm ở nơi đồng đất người ta. Không may một lần bị thằng ăn sương nó đón đường. Cứ nói thế, không có tội vạ, xấu xa gì cả. Thời buổi này khối kẻ vụng trộm dan díu đã đứa nào chết. Mà cô có giăng gió đi nữa, cũng mười năm giời rồi, sợ gì.
Đất ngước mắt nhìn anh. Nhưng đêm đặc như sắn được ấy, không cho cô nhìn rõ nét mặt của người anh trai, niềm sợ hãi duy nhất của cô khi quyết định trở về quê. Cô có ngờ đâu từ cái đêm bị cướp giật sự trinh trắng của người con gái, nỗi đau đớn, oán thù lão tổng Lỡi không bằng nỗi khiếp sợ các lề thói gia đình. Nếu chỉ là nỗi oán thù cô có thể xuống sông, xuống đầm Cuội mà chết cho hết nợ. Nhưng sợ nó để lại tai tiếng cho mẹ, cho các anh, cô không dám xuất hiện bất cứ một ý định liều lĩnh nào. Sau những ngày đầu đau đớn kinh hoàng khi gặp Lỡi, cô cũng khao khát một cuộc đời được làm vợ, làm mẹ như tất cả những người con gái sinh ra ở làng Cuội. Nỗi khao khát của cô được chiều chuộng vuốt ve và hứa hẹn, được đôi bàn tay mũm mĩm xoa dịu êm ấm, được ghì riết lấy sự sung sướng, nó làm bật dậy tất cả sự liều lĩnh mà ở ngoài cuộc ai cũng có thể chê bai nguyền rủa, đến khi vào cuộc đều ngu si, mù quáng như nhau. Nó lớn lao đến nỗi hàng triệu triệu lời răn dạy, phán bảo và bao nhiêu sự kiềm toả, vây bủa, phòng ngừa vẫn cứ bị bất lực, vẫn cứ bị quên lãng trước cái quy luật nhàm chán cũ kĩ, để cô nhanh chóng quên đi rằng mình là con nhà hiền, mình còn có mẹ già. Cô đã bất chấp tuổi tác, bất chấp sự “thu xếp” ra sao, bất chấp rừng núi âm u hiểm độc để trở thành liều lĩnh, thành kẻ bất hiếu, thành kẻ lưu lạc, bơ vơ. Cô đã thành cái xác ve chờ đợi mòn mỏi và hi vọng lại có một “mùa hè” để con ve lại rút ruột mình kêu râm ran inh ỏi điếc tai thiên hạ mà cứ tưởng là hay ho, chỉ có mình mới đủ sức kiên trinh làm nên sự cực kì, ít ai lường tới. Cô đã trở thành kẻ suốt đời ân hận về sự dối trá nhưng không bao giờ muốn làm người thành thật với lỗi lầm của mình. Mong ngày, mong đêm cái giây phút dắt đứa con đi cạnh chồng giữa thanh thiên bạch nhật, rốt cuộc cứ phải trốn lủi cả người quen lẫn người lạ, cả ánh mặt trời và giật mình với cả tiếng lá rơi. Để rồi sau khi ông tổng lên thăm bà Nhớn, mấy chữ của ông như những lưỡi dao chém vào niềm hi vọng cuối cùng của cô về một đứa con có bố. Cô trở thành... thành hai bàn tay không đen đúa cào vào bóng đêm dày đặc ở góc rừng La Hiên mà than rằng: “Ối giời đất ơi! Tôi có độc ác, đâm chém gì ai, mà ông giời đày đoạ tôi đến thế này. ..”. “Ơi mẹ ơi, sao mẹ không cho con đi theo mẹ, để con sống làm gì chốn này... để con là kẻ bội bạc lừa dối mẹ, mẹ ơi ời... ờ... ơ...”. Chị cắn răng dắt con về quê cốt cho con có chỗ nương tựa, bấu víu vào họ hàng, để đêm khuya thanh vắng chị ra đầm Cuội, hay là ra sông Cái: “về” với ông bà, bố mẹ cho thoát cái tội trầm luân. Không ngờ... có hai sào đất hương hoả năm ngoái khi mẹ mất hai bác Cu Từ, Cu Mỡ chia đôi để mỗi người đều có phận sự đóng góp giỗ tết. Hai bác đều “cho cô làm nuôi cháu, việc gia tiên chúng tôi khắc lo”. “Em thật lòng chả biết nói thế nào với các bác”. “Thôi. Vẽ. Cứ lo cho cháu nó bằng anh, bằng em. Thằng bé nó nhanh nhảu, lễ phép lắm. Thế là ngoan”. Những ngày mới về các anh đã che chở, đùm bọc cho mẹ con khỏi bơ vơ, đói khát. Bây giờ anh cả, một ông anh lúc nào Đất cũng sợ hơn cả bố mẹ lại cứu cho em gái khỏi nỗi giằng xé ruột gan rằng mình là một con người lừa lọc, gian dối. Nhưng ở đời thật lắm nỗi ngược đời. Lúc nói dối thì ai cũng tin. Bây giờ nói thật lại chẳng ai nghe. Cả làng ai cũng quả quyết không bao giờ chị Đất lại để xảy ra chuyện như thế. Những thằng cướp đường cướp chợ, ăn sương ăn gió có xé người chị ấy ra làm năm làm bảy chị ấy cũng cắn lưỡi mà chết không để cho chúng làm càn. Chắc ngại có chồng là Việt Minh chị ấy phải nói tránh đi như thế.
Ngày ấy cái chữ Việt Minh đối với làng Cuội vừa hãi hùng, kinh sợ vừa kính trọng, thèm khát, vừa ngại ngùng giây đến nó lại vừa muốn được gặp gỡ nói năng vụng trộm. Đất là niềm kiêu hãnh của làng xóm và là chỗ dè chừng của đám người có chức sắc trong làng, trong tổng. Những người đàn bà, cả già, cả trẻ và lớp bạn bè của chị nay xấp xỉ tuổi ba mươi thì hầu như không ai để ý đến chuyện ấy. Cái ấn tượng về chị một con người dịu hiền, nết na, biết nhường em, kính chị vẫn giữ nguyên ở mọi người. Thế là ở chỗ nào có chị là cũng có chuyện trò ríu rít, cười đùa tung toá. Tuy bệnh tật những ngày con nhỏ, ăn uống kham khổ và làm lụng vất vả nhưng cũng do tần tảo, kiếm củi, chạy chợ mà người chị nở nang. Từ khi về quê đến nay, lúc nào cũng tươi tắn, trông lại nhuận sắc ra. Sang tháng tư. Trời nắng hầng lên. Các cô, các bà lại tắm ùm ùm ở đầm Cuội. Những người bạn cũ của chị hầu hết đã có chồng, có con nhưng vẫn hồn nhiên nô nghịch tí tởn “sờ tí” chị Đất như ngày nào: “Eo ơi, vẫn còn mẩy. Mà to ơi là to. Tiếng là “gái một con” chả bù cho chúng em cứ nhằng nhằng kéo xuống như cái dây chun giắt vào cạp váy thế này”. Có cô táo tợn hỏi: “Chị ơi, Việt Minh thế nào hả chị. Khi “ấy” chị, ông ấy có bóp ngấu nghiến vào hai quả bầu này không?”. Mặt chị đỏ rần rật, hơi cúi xuống thẹn thùng. Bắt gặp cử chỉ như là ngượng, như là buồn ấy, cô gái tuế toá liến thoắng: “Cái lão nhà em cứ mỗi lần “ấy” nó lại xoắn xuýt, bóp nặn rối rít làm em vừa sướng, vừa đau. Có lần em sướng quá chửi: “Ối anh ơi. Tiên sư bố anh. Em đau quá. Sướng quá. Ấy cứ bóp đi, lấy răng mà cắn vào đấy, nhưng nhè nhẹ thôi. Như thơm vào ngực ấy. Giời ơi. Tiên sư nhà anh, anh ơi có giã được cối nữa cho em không? Ối giời ơi, là giời ơi. Tôi đang ăn đến miệng sao lại giật lấy của tôi... ôi ôi”. Tất cả đám cười ré lên mắng té tát cái cô bạn nanh nọc. Nhưng không có nó thì không thể vui, cũng như không có chị Đất thì lúc nào cũng trống trải.
Đêm ấy là đêm đầu tiên kể từ ngày đưa con về làng, Đất không thể ngủ được. Một câu đùa rất hồn hậu của bạn lúc chiều cũng làm chị nhói đau và nó vò xé lòng chị suốt đêm. Chị đã đánh đổi những ngày ê chề khốn đốn để được sum vầy đầm ấm bằng cách hạ nhục người khác? Một người Việt Minh bỏ nhà lại cho chị, và đã chết. Một người sống đã từng cứu con, cứu mẹ khỏi cơn hoạn nạn, kẻ cả giặt những bộ quần áo bẩn thỉu của chị khi chị mắc bệnh hậu sản. Đem tên tuổi linh thiêng của người đã khuất cộng với ơn nghĩa của người còn sống để lấp đầy tội tình của tổng Lỡi đổ xuống người mình? Việt Minh là gì? Chị đâu có biết. Chỉ thấy mấy lần bà Nhớn thì thầm. “Đừng nói ra. Mất đầu như chơi. Việt Minh là người đằng mình. Mai kia Việt Minh lên là dân chúng không bị cùm kẹp giam hãm, không còn đói rét như bây giờ đâu”.
Cái tiếng Việt Minh còn thì thào sợ hãi chỉ mấy năm sau khi Nhật về bắt dân nhổ ngô trồng đay thì đêm đến dân làng Cuội tụm năm túm ba bàn tán xôn xao là trên mạn ngược Việt Minh đã kéo cờ đỏ sao vàng đi giữa ban ngày. Chả mấy mà tràn về đến đây. Bao nhiêu anh Nhật lùn, anh Tây mũi lõ là phải chuồn hết cho mà xem. Cái tin Đất có chồng là Việt Minh bị Tây bắn chết bây giờ làng xóm lại thì thào. Và mấy tháng sau ông Cu Từ trở thành nòng cốt của Việt Minh chỉ vì đã có người em rể đi Việt Minh bị Tây bắn. Mỗi lần bắt gặp những cái nhìn vừa thán phục vừa âu yếm của mọi người, Đất chỉ thấy sượng sùng. Chị không ngờ mình đã trót gian dối với cả cái việc tày đình như thế. Càng chối, càng xấu hổ, chị em, bà con, lại càng quý mến cái tính khiêm nhường, kín đáo của chị. Đến bao giờ mình mới không là kẻ ăn cắp tấm lòng ngay thẳng, thật thà của bạn bè, làng xóm! Một nỗi xót xa âm thầm lại vò xé chị. Nhưng... Rồi lại không ngờ. Cả cuộc đời chị cho đến hôm nay vừa tròn ba mươi tuổi, toàn là những chuỗi dài của sự không ngờ. Chị không ngờ lại có một cuộc đời thực trở lại với chị. Một hạnh phúc thực sự như từ trên trời rơi xuống đậu vào nỗi mong đợi thầm vụng của chị. Như là một giấc mơ. Còn hơn cả một giấc mơ. Chị sẽ có chồng. Chắc chắn con người thật thà ấy sẽ là chồng chị. Một anh Việt Minh đã đến với chị mà mối tình rụt rè, quê mùa của cả hai người lại bắt đầu bằng một cuộc tình thơ mộng, mênh mang ngay ngõ nhà ông Cu Từ, chỗ nước ngập rập rờn đến ngang vai.