Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Chuyện làng Cuội

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29640 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện làng Cuội
Lê Lựu

P 1- Chương 1

Nào ai ngờ cái chết của bà Hiêu Đất lại tạo cho làng Cuội ta một khí thế tưng bừng sôi nổi, rất là tự hào. Sau hàng tháng trời lơ lửng trong nỗi buồn ngơ ngác “được phân phối hụt” do huyện chỉ đạo tháo đê quai, cái xác trôi lênh phênh của bà Đất dạt về bến Chợ Quán như nắp thùng tô-nô đựng đầy ám khí được bung ra. Tiết trời mấy ngày nay cũng quang quẻ hẳn. Xa xôi quá thì ít người am tường, chỉ tính năm sáu chục năm đổ lại đây, kể từ năm Quý Dậu, năm cuối cùng của hội thi nói khoác ở miếu Ông Cuội cũng là năm cô Đất bỏ làng đi biệt tăm, đến bây giờ làng mới lại có một vẻ mặt đồng loạt buồn. Nhưng mà sôi động. Khi nào làng có chung một khuôn mặt buồn đều ào ào náo nhiệt và thì thào còn chán. Thế lại hoá vui. “Tuổi Mão đi năm Mùi là đúng cách. “Hợi Mão Mùi”, “Nam xung nữ hợp”, nhất định bà lão phải “đi” vào năm nay. Ông đã biết từ lâu rồi. Nhưng bà lão này thiêng lắm. Không à? Ông dám chắc bà ấy mà dạt về đúng quê, nhất định làng Cuội có sự. Đại sự”.
Ông thống Bứt vừa liêu xiêu đi ra phía bờ sông vừa quát lác. Không cần có ai, hoặc giả trong cơn say ông đã nhìn thấy một thằng người cứ theo ông, ông bước bước nào nó bước bước nấy, nên ông cứ tự hỏi rồi tự giả nhời như thế. Hôm nay ông phải làm một việc hệ trọng. Bắc cầu cho mẹ đồng chí Lưu Minh Hiếu phó chủ tịch tỉnh lên bờ. Khổ thân bà lão. Suốt đời long đong tủi nhục, được lúc con cái ăn nên làm ra, đi Tây đi Tàu như đi chợ lại lăn xuống sông mà chết. Cũng là số trời run rủi. Đồng chí Hiếu là hiếu nghĩa với bố mẹ, đời nào để bà lão chết nhục nhã đến nỗi thế này.
Xác bà lão được vớt lên từ trưa hôm qua. Một cái xác trương phềnh. Cả mặt và hai cánh tay xước tướp táp, không hiểu do cá rỉa hay mắc mớ vào đâu mà không còn một mảng da nào nguyên. Trưa hôm qua, chiếc tàu chở khách từ Hà Nội xuôi, sóng rào rạt xô vào bờ một người mặc quần đen, áo nái vàng, tóc xoã như là ma nhoài lên nằm nghiêng ở bờ cát một tay dang ra như là cố bám lấy cát để khỏi trụt xuống. Các cô bé đang đập chiếu tàm tạp trông thấy thế, kêu lên thất thanh, chạy lao lên ngã dúi dụi vào quán bà Cu Từ. Tiếp theo là ông Cu Mỡ, em ruột ông Cu Từ, vác một manh chiếu xuống bờ sông đắp lên cái xác cũng với câu: “Đ. mẹ nó, điềm này, làng Cuội lại ăn cứt”. Rồi đám người gỡ dây khoai, những người gieo ngô, đám đốt lò vôi, dân thợ xẻ, lò rèn bỏ hết đồ nghề, giống má, chạy túa lại quán bà Cu Từ và ông Cu Mỡ đứng nhìn xuống sông và nghe các cô gái thuật lại “đầu đuôi”. Mấy anh thợ “phơ” đóng gạch, cầm kéo cắt đất táo tợn chạy đến hất chiếu ra, lấy tay kéo lật ngược mặt bà lão lên nhìn: “Đếch phải người làng này”. “Chắc lại oan khuất gì, tự vẫn đây”. “Có khi bị trấn, lấy của rồi nó cho xuôi”.
Khách qua đò ùn tắc lại. Trẻ con tan học hổn hển chạy đến rào rào như gió. Chả mấy chốc bến đò Chợ Quán nghìn nghịt như một cái chấm đen khổng lồ tụ giữa cánh đồng làng Cuội bát ngát phù sa. Quán nhà bà Cu Từ, ông Cu Mỡ nứt nở kẻ đứng người ngồi. Cho đến 10 giờ đêm các đồng chí Đảng uỷ, uỷ ban, hợp tác xã, công an, bàn bạc trong quán bà Cu Từ hết 37 bìa đậu phụ, một bình lạc rang, gọi tròn năm chục chén, mười ba cút rượu, tám gói thuốc lào hội nghị mới ra được một quyết định: lập biên bản báo cáo lên huyện chờ xin ý kiến.
Cần nghiên cứu thêm ý kiến của trưởng ban thông tin văn hoá: có thể đưa lên “quảng cáo” trên ti vi. Độ này người ta quảng cáo tất tần tật, không thiếu thứ gì. Dễ lắm. Thân nhân của họ về nhận sẽ phải tính công vớt từ giữa sông lên rồi công của mấy chục con người canh giữ suốt 24 trên 24 không để thi hài thất thoát. Biết đâu lại chả trúng quả đậm. “Có gì ta làm bữa thả phanh cho bõ công đêm hôm lăn lội, ngồi suông”. Mặt khác, ngày mai, uỷ ban thảo một công văn lên phòng thương binh xã hội xin duyệt một cỗ ván. Việc này có trở ngại là: muốn được duyệt nhanh chóng thì phải có dăm bao ba số, thậm chí còn phải kéo ra cửa hàng lòng lợn, hoặc “cầy tơ”. Kinh phí lấy vào khoản nào? Vậy, tất cả cứ chờ ý kiến của huyện và chờ đồng chí chủ tịch đi thăm bố vợ ốm trên tỉnh, nội nhật ngày mai về. Tối mai ta hội ý lại rồi quyết định sau. Đằng nào bà ta cũng rữa ra rồi. Cho anh em bảo vệ hắt mấy xẻng đất xơ xơ cho đỡ bốc mùi, rồi thù lao cho anh em. Cũng chả cần trông nom gì. Ai họ lấy đi cho là phúc. Đúng là cái vạ cho xã ta.
Đồng chí Nạc – anh đã đổi cái phụ âm đầu nhưng chỉ có cấp trên gọi anh là Lạc còn bà con trong xã vẫn gọi anh là Nạc. Ở vùng này thường lấy tên con đệm trước tên bố mẹ hoặc đẻ con trai đầu gọi là cu, con gái là đĩ. Anh Cu Từ, cụ Cu Từ, ông Cu Mỡ là thế. Bà Hiêu Đất cũng vì con là Hiếu  (họ bỏ dấu sắc đi để gọi cho tiện chứ không hẳn là tin theo kẻ xấu bụng, đổi họ và tên anh từ Lưu Minh Hiếu thành Lưu Manh Hiêu).
Đồng chí Nạc cầm quyển sổ có treo bút chì bằng dây gai, ghi các khoản nợ của tối hôm nay. Bà Cu Từ hấp háy đưa ra trước ánh đèn soát lại. Trên mặt chõng cũng nhẵn hoén không còn sót lấy một viên lạc, gói thuốc. Bà yên trí “xin phép các cụ” “cứ tự nhiên” để bà ngả cái nong xuống nằm khoanh tròn trong ấy. Bí thư Đảng uỷ ngồi chồm hỗm trên những đoạn tre đóng vào hai đầu cọc hàng giờ không biết tê, lúc anh thả hai chân xuống, phủi đít quần đứng dậy thì Nạc lại có một sáng kiến mới. Nghiêng tai nghe tiếng ngáy rất dư dật của bà bác dâu, anh vươn người về phía bí thư nói nhỏ nhưng mọi người đều nghe. Anh nói rằng tình hình này sự đồn đại thất thiệt sẽ còn lan đi ghê lắm. Nhưng có lợi cho ta. Ai cũng bịa tạc những tin giật gân, bí hiểm nên người tò mò kéo đến đây xem càng đông. Nhất là cho lên ti vi thì sẽ không biết cơ man nào là người từ các thành phố kéo về đây. Thành phố bây giờ họ có làm gì đâu. Một người ngã xe máy còn xúm đông xúm đỏ lại xem, huống hồ nghe tin có ma hiện lên ở bờ sông làng Cuội. Bí thư cắt ngang.
- Lạy bố. Thế thì rách việc lắm. Mà hơi sức đâu lại đi tìm hiểu để báo cáo nguyên nhân từ đâu có cái tin ấy. Rồi còn phải giải quyết tư tưởng cho bà con. Chết, chết!
- Thiên hạ họ đồn mắc mớ gì đến mình. Biên bản mình sẽ gửi đi. Pháp y họ về, họ làm gì kệ xác họ. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy. Anh không hiểu ý tôi. Tôi hỏi các anh: Các anh có công nhận là mới từ trưa đến giờ đã bao nhiêu người bổ về đây xem thực hư? Đấy là chưa kể bao nhiêu người ở bên kia không có đò sang.
- Đúng rồi – Gần như mọi người cùng trả lời.
- Tôi quả quyết ngày mai còn đông hơn.
- Nhất trí!
- Trời nắng này, người như nêm ấy, có cần uống nước, hút thuốc không?
- Có quá chứ lị.
- Tôi chưa nói đến hương hoa trà quả và thức ăn thức uống. Thiên hạ mê tín, ai đến đây mà chả mua thẻ hương, gói hoa thậm chí cả tiền âm phủ, quần áo giấy cúng cho vong hồn. Ngay chiều nay các anh đã thấy mọc lên một rừng hương quanh bà ta chưa?
- Đúng quá!
- Tại sao ta lại không nhanh chóng tổ chức cái dịch vụ ấy? – Anh nghiêng mặt sang phía bác dâu, giọng có vẻ thì thào:
- Nó cũng là cơ sở phục vụ các đám tang sau này. Sau này kể cả đội hiếu của tôi cũng sẽ nhập vào đây thành tổ hợp dịch vụ đám ma mà trên trung ương người ta vẫn gọi là Tô hô di vu đa ma. Nghe như tiếng Tây, tiếng Nhật, nó cũng làm sang hẳn cái làng Cuội mình lên. Đời sống bà con sau trận lụt cũng được cải thiện.
Vốn ngại Nạc dựa thế ông Hiếu nên bí thư uỷ thác mọi việc “đối ngoại” cho Nạc nhưng anh vẫn không thể tin. Có lẽ vì ấn tượng ấy cộng thêm sự mệt mỏi, buồn ngủ, anh nổi cáu.
- Theo tôi, không có tô hô hở hang gì cả. Cả xã đói, mặt ai cũng méo như bị rách, không lo được lại làm di vu cho con mụ chết trôi. Nhận ra mình cần phải dịu lại, anh tiếp: – Ta cứ đợi đồng chí chủ tịch về bàn, rồi quyết định sau.
Nạc nghĩ thầm: “Đợi bàn thống nhất chủ trương, ra được quyết định, tổ chức nhân lực... thì hết mẹ nó cơ hội”.
Thấy sự im lặng có phần căng, trưởng ban văn hoá thông tin lại nói:
- Nếu việc này nó phức tạp quá, ta hất quách nó xuống sông.
Nạc:
- Thế là gọn.
Bí thư:
- Pháp y đến ta nói thế nào?
Trưởng ban thông tin văn hoá:
- Thì lại “sóng đánh tụt xuống, trôi đi rồi”. Ai bắt vạ?
- Thế, gọn đấy. – Phó chủ tịch văn hoá nói. – Sẵn tập thể đây, xin các anh quyết định cho luôn. Để sáng mai ruồi nhặng bu đến, gây dịch bệnh nguy hiểm lắm. Xã ta lại vừa được huyện biểu dương đi đầu trong nếp sống văn hoá.
Chủ nhiệm hợp tác ngồi trên đôi dép nhựa “Tiền phong” tựa lưng vào cọc “ghế”, đầu ngoẹo hẳn xuống một bên vai nói:
- Các bác cứ ý kiến. Khi nào xong bảo nhà em. Nhà em cho hai chú bảo vệ “tùm bê” một cái là dứt điểm.
Trưởng công an nói:
- Trường hợp này nhất định phải mổ khám nghiệm tử thi. Thời gian này bọn lưu manh côn đồ hoạt động mạnh. Kẻ địch bên ngoài cũng tung gián điệp vào hoạt động dưới mọi hình thức, có rất nhiều âm mưu thủ đoạn xảo quyệt. Có thể đây là...
- Kệ! – Chủ nhiệm “gật” chúi đầu quá mạnh, giật mình, chép miệng cắt ngang lời trưởng công an. – Đợi thằng cháu nhà bác Nạc quay lại đây. Có rượu là quyết. Không rượu ta để lại ngày mai nghiên cứu. Tập thể đây đã nhất trí là cứ như đinh đóng vào... vào...
Sáng hôm sau tỉnh lại chủ nhiệm mới hú vía. May đêm qua thằng cu mang cái vỏ chai không quay lại. Có rượu vào mà rủ nhau lẳng bà lão đi rồi thì... Đúng là họ đóng đinh vào đầu mình.
Mới bảnh mắt, hai công an huyện đã phóng hon-đa về dựng các cán bộ chủ chốt của xã dậy, tập trung ở trụ sở uỷ ban để trả lời những câu hỏi trịnh trọng của các anh công an:
- Có chắc chắn áo lụa tơ tằm màu vàng không?
- Vâng
- Quần đen?
- Vâng
- Dép cao su quai nhỏ đủ cả quai trước quai sau?
- Vâng
- Thôi được, các bác, các anh đã mục kích là có thể khẳng định được rồi.
Trong khi một anh cùng đi với Nạc ra bờ sông xác minh, anh kia tiết lộ điều quan trọng: nếu mọi chi tiết đúng như họ vừa nghe thì người đàn bà đó chính là mẹ ông Hiếu nguyên bí thư huyện ta rồi lên phó chủ tịch tỉnh.
- Trời ơi, sao lại như thế. Đúng là bà Đất ư? Đúng rồi.
Có hàng chục người tranh cướp nhau để nói rằng mình đã ngờ ngợ, đã nghi nghi, đã đoan đoán ngay từ đầu nhưng, không dám nói ra vì không thể ngờ vì sao bà cụ lại đến nông nỗi ấy.
Ông Hiếu là con trai đời chồng trước của bà cụ Đất (người ta cũng có thể gọi là bà Cụ Đất). Bà Đất là con cụ đồ Mục em trai cụ đồ Ngoạn. Cụ đồ Mục dạy chữ nho nhưng không gặp thời nên chỉ còn xác nhà bố mẹ để lại. Người nghèo thành kẻ yếm thế, cụ ít giao du, chỉ quanh quẩn trong nhà dạy con trai học chữ nho, con gái học chữ quốc ngữ. Hai đứa con đầu đặt tên là Từ và Mỡ. Người ta bảo đấy là thời kì cụ sống cầm hơi bằng củ từ, củ mỡ. Hai loại ấy đều là dây leo quanh vườn lại thích hợp với người nhàn rỗi và không đủ sức theo việc đồng áng. Hai loại củ cũng dễ ăn, luộc hay xào... đều được. Đến đứa thứ ba, con gái thì bà đặt là Đất. Bà mẹ khốn khổ với lần có mang này lại dở chứng, toàn cậy đất vách và ghè đầu rau bếp ra ăn nên nhất quyết giành lấy quyền đặt tên con từ khi chưa đẻ. Có lắm khi bà xấu hổ phải úp thúng vào mặt vì cái họ “Bùi Như” của nhà chồng nhưng lần này dù có là con trai thì bà vẫn cứ đặt nó là Đất.
Từ cô bé Đất đến cụ Đất, người đàn bà này hiền như đất, lòng yêu người rộng như đất, nhưng để dẫn đến kết cục cái chết ngày hôm nay, bà đã phải gánh chịu một chặng đường mà kẻ chép chuyện định kể tất thảy sáu câu chuyện tình xảy ra từ làng Cuội có liên quan đến bà Đất và nó quyết định toàn bộ cuộc đời bà. Cả cái chết ngày hôm nay cũng từ đấy, không thể coi là bình thường. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Không, thể để cái xác bà lão đã nằm sấp úp mặt xuống cát do người lấy gậy, lấy xẻng đẩy, lăn đi, lăn lại trong lúc đảng uỷ, uỷ ban đang bàn bạc ra quyết định ở quán bà cụ Cu Từ. Vậy xin bạn đọc rộng lượng chờ đợi cho kẻ chép chuyện nói đôi chút nơi bà lão nằm vào buổi sáng ngày hôm nay rồi mới bắt đầu vào cuộc đời bà. Từ khi câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng làng Cuội mở hội thi nói khoác, năm Quý Dậu cô Đất rời làng ra đi, cho đến sáng nay khi chiếc “U oát” đỗ lại bên kia sông, ở bên này thi hài bà cụ Đất được đặt lên chiếc chõng tre. Một tấm vải trắng muốt phủ kín người. Đôi dép cao su được cọ rửa chồng lên nhau để ở phía cuối. Chiếc bàn làm việc của uỷ ban xã được khiêng đến phủ vải đen, trên mặt có khúc cây chuối cắm hương cháy nghi ngút, một mâm bồng đặt nải chuối tiêu và hai lọ độc bình hai bên cũng cắm hai cây chuối đều bắt đầu ra lá thứ ba. Một vòng hoa của uỷ ban xã có viết chữ “Vô cùng đau đớn thương xót vĩnh biệt cụ Bùi Thị Đất”. Ấy là sáng kiến có phần vội vã của anh trưởng ban văn hoá đã được Nạc đồng ý. Đúng ra phải đưa hương hồn cụ về nhà rồi mới phúng viếng. Sự khiếm khuyết dân làng chê bai lại làm Hiếu hài lòng. Nó vừa tạo ra không khí trang trọng, vừa làm ông cảm động về sự chu đáo đầy tình nghĩa của quê hương dành cho bà cụ, mà thực chất họ muốn dành cho ông.
Ba người vừa lên khỏi đò, ngoài Hiếu, có Huyền con vợ trước của ông, vẫn đều đặn đưa người yêu hoặc bồ bịch về ăn ở với bà nội ở quê. Người thứ ba, một cô gái tưởng là con vợ sau của Hiếu nhưng thấy ông gọi là cháu. Cô bé cao, trắng, mũi dọc dừa, như tây. Ngay từ khi con đò chưa kịp áp mạn vào bờ, Huyền đã nhao đến chỗ bà nằm. Cô lật tấm vải để lộ ra khuôn mặt đã bệch bạc trông méo mó nham nhở và các thớ thịt như sắp sửa tở ra. Cô hét lên vừa đau đớn vừa man rợ như thể cái khuôn mặt kì quái kia vừa bật dậy. Đập mặt xuống ngực bà, cô vật vã, hai tay cào cấu vào thành chõng, hai chân nện lõm nền đất cát phù sa vừa se mặt. “Ối bà ơi! Bà ô... ối bà ơi! Bà ơi ối! ối!”. Chừng vài chục phút sau, đuối hơi cô tựa vào vai bà, mặt nghiêng lên cánh đồng, hai mắt đờ dại, mặt cũng bệch ra, cổ thở gấp gáp như đứt hơi. Trong hơi thở của cô, người ta nghe thấy tiếng gọi lào thào: “Bà ơi! Bà ơi. Trời ơi. Trời... ời ối bố ơi là bố... ố... ời... Bà ờ... ó... hợ... hợ...” Cô bạn gái xinh tươi của cô mặc quần thụng túm, chiếc áo phông cộc tay của nước ngoài màu xanh, lụng thụng dài sát đầu gối. Một hàng chữ trắng chạy ngang như áp vào bộ ngực dư thừa sức lực của cô! “Let’s kiss me”. Nhiều lần Huyền đã mặc loại quần áo như thế về quê nên không có nhiều người xô lại nhìn, chỉ trỏ và thì thào... Cô đi lại, đứng ngồi, nói năng rất tự tin rõ ra là người từng trải, lịch thiệp. Cô không chạy lao đi như bạn, nhưng lên khỏi đò cô rảo bước, trịnh trọng cầm bó hoa huệ và những bó hương đến cắm hoa vào bình, châm hương và lẩm nhẩm khấn, không cần biết người xung quanh đang nhìn chằm chằm vào mình. Khấn, vái xong, cô lấy chiếc mũ trắng của mình chụp lên đầu che nắng cho bạn, rồi cúi đầu lặng lẽ, chia sẻ nỗi đau đớn đột ngột của bạn. Hiếu vừa lên bờ, chủ tịch huyện và bộ máy lãnh đạo của xã, vài ba chục người lủi thủi đi, khuôn mặt nào cũng rầu rĩ, mồm miệng ai cũng như sắp sửa bật ra tiếng khóc thảm thiết nên phải mím chặt môi lại đến nỗi gặp Hiếu họ chỉ hơi gật đầu và môi họ cũng chỉ có thể mấp máy như là đau đớn quá không thể nào nói ra thành lời được. Cùng đi theo Hiếu về chỗ thi hài đã nặng mùi, chủ tịch huyện coi như không thấy gì, nói:
- Báo cáo anh, tôi vừa họp ở tỉnh về nghe anh em nói đêm qua anh có điện về. Tôi bảo anh em: “Bằng mọi giá các cậu phải xác minh ngay để báo cáo với anh Hiếu...”
Hiếu:
- Cảm ơn.
Trưởng ban văn hoá thông tin xã sụt sùi lau nước mắt, nói:
- Báo cáo bác Hiếu, chiều hôm qua khi phát hiện có xác người trôi đến, em đã nghi nghi cụ nhà nhưng không dám nghĩ đến chuyện không may đến với gia đình. Dù sao em vẫn cứ có cái gì đấy không yên. Chính em bàn với bác Nạc và các anh trong đảng uỷ phải triệu tập gấp lãnh đạo chủ chốt của xã bàn biện pháp xử lí ngay. Mãi gần một giờ đêm mới họp xong. Chúng em định sớm nay đi Hà Nội đưa lên ti vi. May quá, đêm qua bác lại điện về cho huyện. Chính lúc ấy là chúng em đang bàn căng thẳng ngay tại quán cụ Từ.
Một người khác, Hiếu chỉ thấy mặt quen quen không nhớ tên và không biết anh ta làm gì, nói:
- Báo cáo bác, em là Hở con ông Hớn ở xóm Hạ. Hiện nay em là chủ nhiệm hợp tác xã ta. Chúng em đã chuẩn bị tươm tất mọi phương án để rồi lát nữa lên quán em xin trình bày với bác. Thôi cũng là may. Cụ nhà sinh ra và lớn lên ở làng Cuội ta, nay lại trở về với quê hương làng Cuội. Lạy vong linh hồn cụ sống khôn, chết thiêng, trời đất run rủi thế nào cụ lại về đúng nơi chôn rau cắt rốn của mình, về với tình làng nghĩa xóm, bà con nội ngoại quây quần.
Hiếu nhìn người nói mà hai hàm răng phải cắn vào môi cố nén tiếng khóc. Phần vì đau đớn, phần không thể nào ngờ các đồng chí ở địa phương lại sống tình nghĩa và chu đáo đến mức này. Không thể để mọi người đứng cạnh mẹ mình lâu, anh quay ra chắp hai tay cúi đầu:
- Cảm ơn, cảm ơn. Xin các bác, các anh lên quán bác tôi xơi nước, tôi đứng lại với cụ tôi chút nữa rồi lên xin phép được bàn công việc của cụ tôi với các anh.
Lúc này Huyền như đã hồi sức lại hay vì mọi người trong làng xóm đã đi, cô chạnh lòng nghĩ đến nỗi đau đơn độc của mình mà kêu bà, kêu giời, và “Bố ơi, là bố... ơi... Sao bố lại... ờ...”. Hiếu nghiến hai hàm răng lại nói vừa như lạy, vừa như ra lệnh:
- Mày nói gì đấy? Giời ơi, mày hãy để cho tao chôn mẹ tao xong đã Huyền ơi.
Thế là tiếng cô lại gào lên:
- Ối bà ơi, bà ôi. Con có ngờ đâu bà lại bỏ con bà đi mà không mang con đi theo. Bà ôi! Bà ôi!
Nạc đã chỉ huy đám người mang bạt đến bắc rạp trên thi hài, chuẩn bị làm lễ bắc cầu cho cụ và gọi hồn nhập vào xác. Anh quát lác mọi người phải tránh ra. Cô bạn cùng đi, dỗ dành và dìu Huyền lên nghỉ tạm chỗ bóng mát.
Hiếu lên quán không phải để bàn bạc, nhờ vả mà để nghe bí thư đảng uỷ xã trình bày với anh về nghi lễ tiến hành tổ chức đám tang. Ai cũng có sẵn nỗi buồn, có sẵn tấm lòng nhận làm một việc gì đó để Hiếu nhận ra mình, nhận ra các đồng chí ở địa phương luôn luôn quây quần bên anh cả lúc vui vẻ cũng như khi hoạn nạn. Sở dĩ có được tình cảm ấy vì họ có những cái tai thính, biết được “ô” của anh còn mạnh lắm. Anh còn “lên”. Cũng chả cần xa xôi thế. Với chức vụ trưởng vụ đối ngoại của bộ anh, từ bí thư, chủ tịch tỉnh trở xuống, thiếu gì người có con, cháu, dâu rể, họ hàng nội ngoại, cháu của vợ, con của bồ, bạn của bạn con, cần đi Tây. Đi Tây “đường thẳng” cũng phải chạy vạy mửa mật, chui cửa trước, luồn cửa sau, huống hồ “chen ngang”.
Công việc sắp đặt xong xuôi, Hiếu xuống chỗ thi hài mẹ. Lúc này chỉ đứng ở cạnh, cúi đầu như mặc niệm. Anh nghe tiếng thì thào của dân làng bàn tán tại sao anh không nhìn xem có thật là mẹ mình không? Làm sao con trai lại không nhìn mặt mẹ lần cuối cùng. Vậy thì anh phải xuống nhìn để dân chúng khỏi xì xào.
Nếu không có anh Nạc và bác Mỡ giữ hai cánh tay, ghì lấy người thì anh đã khuỵu xuống ngay khi thoáng nhìn thấy mặt mẹ. Dù khuôn mặt đã phềnh vỡ, nhưng bóng tối uẩn ức vẫn đọng lại ở vòm mắt và những cái “rãnh” chằng chịt trên mặt bà. Anh đã kêu “ối” một tiếng khi nhận ra vệt hằn ở khoé môi. Vệt hằn ấy nó tối lại trước ánh đèn rọi nghiêng vào mặt bà. Lúc ấy đã hơn một giờ đêm. Anh cố ghìm câu nói cuối cùng lại: “Đồ súc vật. Ngu như con lợn. Sao lại câm như hến! Bà nói đi, nói đi. Tại sao? Tại sao bà lại độc ác với tôi như thế. Chính bà là kẻ đã giết tôi! Rồi bà sẽ biết tay tôi”.
Hai chân vẫn để trong đôi dép cao su thả thõng. Không nhúc nhích. Hai tay thu vào lòng. Không hề động đậy. Cái lưng như còng thấp xuống. Không nhúc nhích. Hai mắt tê dại, đờ đẫn. Không hề chớp. Cái miệng nhếch lên như cười. Trông lại như đang mếu. Cái bóng tối hằn lại ở khoé môi oằn lên như vỏ đỗ kéo khuôn mặt xô lệch đi như chỉ chực khóc. Lại cố tỏ ra mình vẫn cười. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn như lúc ấy. Có ngờ đâu, mọi chuyện xảy ra không thể lường nổi đến mức này. Nếu anh biết nó sẽ đến mức này? Dù phải tựa đầu vào vai Nạc, toàn thân lả héo đi, anh vẫn nghe thấy tiếng thì thào than vãn của dân làng:
- Những kẻ độc ác thì chả chết đi cho. Bà lão phúc hậu thế tưởng giời phải có mắt để bà cụ sống thêm ít năm hưởng chút bổng lộc của con cho bõ cả đời tất tưởi gian truân.
- Ông Hiếu là người có nghĩa với cụ lắm. Chỉ phải cái chị vợ là đáo để.
- Ngày xưa thì thế. Nghe nói độ này là chị ta cứ sợ ông Hiếu một phép.
- Nghe đâu ngoài Hà Nội có cả cướp ngày. Không khéo nó biết tiếng ông Hiếu của nả nhiều mà bà cụ ở nhà một mình.
Xem chừng sự bàn tán có phần phức tạp mà không biết rồi sẽ đi đến đâu. Những người đứng ở vòng trong, quay mặt ra phía ngoài “xuỵt”, “xuỵt” cho mọi người im lặng. Ông Mỡ lấy vạt áo lau nước mắt bảo:
- Thôi nén lại đã anh Hiếu ạ.
Hiếu gỡ tay bác Mỡ định cúi xuống kéo tấm vải che kín mặt mẹ. Anh “văn hoá” xã đã hiểu ý và làm việc đó trước ông.
Cụ Từ đã ra quán.
Hiếu vội vã đi lên gặp cụ. Từ sáng sớm đã biết tin người chết trôi là em gái mình, cụ Từ vẫn tránh mặt. Phần đau và nhục vì cái chết không lấy gì làm đẹp đẽ đã gây tai tiếng ồn ã khắp nơi, phần vì tính cụ vốn thế. Cái tính của cụ cũng được tạo nên ở hai nhẽ. Thứ nhất: cụ là con trưởng. Đã là con trưởng là có quyền “anh thay mặt cha” để sai bảo, hạch sách và không cho phép ai được làm trái ý. Dù có tốt đẹp hoàn hảo đến mấy cũng không được. Đã trái ý cụ là bị cấm đoán, ngăn chặn. Khi không còn đủ sức ngăn chặn cấm đoán nữa, cụ dỗi, càng già càng hay dỗi, càng hay châm chọc phá quấy và thù vặt, thù rất dai. Nhẽ thứ hai, cụ là người đầu tiên làm tổ trưởng du kích làng này. Chính cụ là người nhận quả lựu đạn thật duy nhất do đồng chí Văn Yến chủ tịch Việt Minh huyện, sau này làm đến bí thư tỉnh uỷ rồi vào trung ương trao tận tay cho cụ xong, còn nắm lấy bàn tay lắc lắc ba cái nữa. Cụ là người đầu tiên ở xã này lên huyện phá kho thóc cùng chú Kiêm, em rể, bố anh Hiếu (bố dượng chứ không phải là bố Hiếu nhưng chỉ trừ có thời cải cách, còn lại anh toàn gọi là bố). Người đầu tiên đi phục kích Tây ở bốt Phương Trà... Trong hàng chục cái “đầu tiên”, không bao giờ cụ quên mình là một trong những đảng viên đầu tiên ở làng Cuội này. Bởi có nhiều cái “đầu tiên” quá nên khi đã già yếu, không còn giữ chức trách gì và đã không còn đủ minh mẫn giữ gìn lề thói cốt cách của mình, cụ vẫn tìm cách có mặt ở những chỗ trang trọng mà lại coi như không, lại cố ý quay mặt đi, đợi khi nào có nhời mới quay lại. Không có nhời, không hỏi ý kiến là cụ cho người phá ngang. Không phá được, cụ chửi. Cụ có thể chửi từ cây đa ở miếu ông Cuội trên đầu làng Thượng xuống đến cây bàng ở cuối làng Hạ, từ quán chỗ bờ sông về nhà rồi từ nhà vào cửa hàng của con gái ở quán hàng Táo dưới chân đê, giáp giới xã Tây Kết dài gần 4 ki lô mét. Cụ chửi cái gì thì cái đó phải mục ra. Cụ chửi kiên nhẫn dai dẳng như mỗi lần bộ răng giả của cụ nhai phải miếng thịt trâu dọc thớ. Phần ngại “giây” vào cụ, phẩn nể Hiếu và Nạc nên chẳng những việc của xã, ngay chủ tịch huyện có về đây cũng phải hỏi ý kiến cụ. Rất nhiều khi họ hỏi giả vờ, mời mọc, vồn vã giả vờ, lại rất được việc. Không cần biết thật giả, cứ thấy mình còn quan trọng là cụ thích. Cụ đã thích thì có lội xuống sông vào ngày đông tháng giá để được biểu dương là gương mẫu cụ cũng không ngần ngại. Nhưng chỉ cần sơ suất một chút, quên cụ đi một chút là cụ lại gồng mình lên mà chửi. Chửi cay độc, cạnh khoé nanh nọc rỉa rói như xé mặt người ta, chán rồi, cụ chửi “đối thoại” tục tĩu với trẻ con mà cuộc chửi nào cũng có trẻ con chạy theo để trêu ghẹo cho cụ chửi, “đối thoại”. Chẳng hạn: “Cụ Cu Từ ơi, cụ chửi hay lắm, cụ chửi nữa đi”. “Tiên sư con cái nhà ai đấy. Khi ông đi đánh Tây, đuổi Nhật thì bố mày còn đỏ hon hỏn bệu nhệu như cái bìu dái người ta, bây giờ mày định dạy ông hả?”. Lúc ấy, những người dân ở trên bờ hay dưới ruộng, ngồi trong nhà hay đứng ngoài ngõ chỉ quay mặt đi thở dài ngao ngán, cám cảnh cho ông cụ, cho một đời người, một thời đánh giặc tiếng tăm lừng lẫy, một đức độ mẫu mực là thế, chẳng hiểu từ đâu lại sinh ra đổ đốn đến thế.
Chính Hiếu, khi làm bí thư huyện uỷ có lần đã nghe cuộc chửi “đối thoại” của ông. Anh lặng người, kêu lên: “Trời đất. Nhăng nhố hết chỗ nói”. Dù là người biết tính toán chi li cho mọi cử chỉ của mình anh cũng phải gọi ông lại quát:
- Ông có câm mồm đi không?
- Ông nói cho cái mặt anh biết nhá. Từ thằng tổng Lỡi khét tiếng hống hách ở làng Cuội này cũng chưa dám sờ đến cái lông chân ông bác mày đâu nhá.
Trong một vài giây, mặt Hiếu có hơi biến sắc nhưng anh lại trấn tĩnh ngay:
- Ngày xưa ông khác bây giờ lắm. Nếu ngày xưa ông cũng như bây giờ, người ta vặn cổ ông hàng trăm lần rồi.
- À, anh cậy làm lên to về đây phỉ báng doạ nạt dân chúng, bêu riếu người ruột thịt, bất chấp cả những cống hiến không tiếc xương máu cho cái làng Cuội này, cho anh mở mày mở mặt ra hả? Ối bà con ơi, ối các đồng chí đảng uỷ ơi, ra đây chứng kiến bí thư huyện uỷ nhục mạ đảng viên lão thành... ối... ối...
Chính sau cái lần lu loa ấy thì ông lại sợ Hiếu một phép. Đến bây giờ anh có bao nhiêu bổng lộc, bao nhiêu người quỵ luỵ kiêng nể, tưởng cụ già phải sợ anh hơn, ai nghĩ, anh lại một phép thưa gửi kính cẩn cụ. Thì ra ở hai bác cháu nhà này cũng chán vạn cái trái khoáy éo le. Lúc tưởng thế này nó lại ra thế khác. Khi tưởng thế khác nó lại hoá ra thế này.
Cụ Từ ra quán là vì biết Hiếu về. Ra đây thử xem việc này nó xử sự ra sao? Nguyên do gì mẹ nó chết tội, chết nợ giữa sông, giữa biển? Hiếu biết điều đó nên được tin ông ra quán, anh phải lên ngay. Vào đến cửa, anh chưa kịp nhận ra ai trong đám người ồn ã, Nạc đã bấm vào tay ra hiệu “cụ” ngồi xổm trong cái nong ở góc nhà đang cúi mặt, mắt nhắm như ngủ. Biết cụ hay “điếc” khi không cần trả lời, anh cùng Nạc len vào quỳ xuống cạp nong, chào to:
- Bác ạ.
Cụ vẫn nhắm mắt:
- Ai đấy.
- Dạ cháu đây mà bác!
- Anh mới về.
Cụ hơi xoay nghiêng người, mở mắt nhưng không nhìn vào Hiếu:
- Anh đi mà lo công việc cho mẹ anh, gặp tôi làm gì mất thì giờ.
- Ấy chết. Có lo gì thì cũng phải đợi xin ý kiến bác chỉ bảo. Cháu định về trong nhà, may bác lại ra đây.
- Thôi được. Chuyện ấy sau. Tôi chỉ hỏi anh vì nguyên do gì bà lão lại ra cơ sự này?
- Nói thật với bác, cháu cũng chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân gì. Chỉ do cháu sơ suất một chút.
- Anh sơ suất?
- Vâng ạ. Không ngờ cháu mất cảnh giác một chút mà xảy ra sự việc đau thương như thế này.
- Anh mất cảnh giác?
- Vâng ạ. Chiều mồng 8 tháng 6, tức là đến hôm nay vừa tròn một tuần mẹ cháu bảo: “Không hiểu sao ruột gan mẹ cứ nóng hôn hốt. Mẹ thấy nhớ nhà quá. Con cho mẹ về thăm các bác trai, bác gái, bà con xóm giềng dăm bữa”. “Cháu bảo: “Mẹ đợi con đi công tác Hải Phòng vài ba ngày rồi con lấy xe đưa mẹ về”. Mẹ cháu bảo “Mẹ không thích đi xe ô tô đâu, cứ để mẹ đi ca nô. Độ này ca nô màn bến Chợ Quán, mẹ lên hàng bác Từ mẹ chơi với bác trước rồi về trong làng. Thấy bảo nhà bác Mỡ cũng ra bãi mở quán nước gần bác Từ. Mẹ về đấy thăm hai bác cả thể”. Cháu nói: “Thôi, mẹ cố đợi con đi về rồi sẽ tính”. Không ngờ nửa đêm hôm ấy mẹ cháu đi bộ ra bến Phà Đen.
- Từ Đội Cấn mà bà lão đi bộ ra Phà Đen giữa đêm?
- Không biết mẹ cháu có gọi xích lô không?
- Chị ấy nhà anh đâu?
- Nhà cháu nó ở trên gác. Sáng ra xuống mời cụ đi ăn sáng mới cuống lên nhưng lúc ấy xe họ lại đón cháu đi rồi.
- Tôi đã bảo mà. Phố xá bây giờ là cứ mỗi người đút mình vào một ô, tường xây, lồng sắt chắn tứ phía. khoá trái cửa lại để tự dốt mình vào đấy, còn bí bách hơn là cái cũi chó. Ý anh bây giờ thế nào?
- Việc tang lễ cho mẹ cháu ạ?
- Ý anh còn muốn việc gì khác?
- Dạ. Cháu định xin ý bác. Còn cháu nghĩ: đằng nào cũng phải để đến mai, các cơ quan ở Hà Nội và tỉnh mới về kịp.
- Định để nó thối inh lên à?
- Đến lúc liệm sẽ đổ chè. Cháu đã báo về Hà Nội, tối nay sẽ có phương tiện làm lạnh giữ thi hài mẹ cháu.
- Còn việc tổ chức?
- Mọi việc sẽ do các anh ở huyện và xã lo.
- Thế à?
Ông cụ sầm mặt đứng bật dậy giật chiếc áo vắt lên vai đi ra cửa. Hiếu biết mình lỡ lời. Nói dối hàng trăm câu thì thành thạo mà nói thật một câu lại vụng về hỏng việc. Cốt lên đây làm cụ vừa lòng. Đầu óc mê muội thế nào lại làm cụ thấy mình là kẻ ngoài cuộc. Tiếng ông cụ khi bước ra khỏi quán:
- Người nhà ông chết, chúng ông thiệt, chúng nó mất gì mà chả lập ra ban nọ, bệ kia. Thằng Nạc đâu. Gọi bố mày về nhà. Ông cấm họ hàng con cháu đứa nào dính vào đấy. Việc của ban tổ chức tang lễ người ta làm, bận gì đến chúng mày.
Những cán bộ chủ chốt của huyện và xã dồn lại bên Hiếu. Anh thuật lại vắn tắt rồi nhờ chủ tịch huyện và bí thư đảng uỷ xã chạy theo “lạy” cụ hộ anh. Họ mời cụ làm đại diện cho gia đình là uỷ viên thường trực của ban lễ tang. Vừa kính nể, vừa thương Hiếu, ai cũng lặng lẽ nhìn anh trước khi chạy đi. Những cử chỉ ấy đều như nói với anh: mọi việc sẽ ổn thoả. Nhất định cụ già sẽ nguôi giận. Những người bạn đi khỏi, Hiếu ôm đầu, gục xuống chõng bán hàng của bác Từ gái. Bà con vẫn xúm quanh, dõi theo từng cử chỉ của anh. Vẫn kính phục và cảm thông nỗi đau xé lòng, xé ruột của anh nên khi thấy anh gục xuống, người như lịm đi, thì bỗng hàng trăm người ào lên hò nhau đi lấy lông gà, tóc rối, đi gọi y sĩ trạm xá... Nghĩa là ai quen thứ gì chữa được cảm thì hò nhau thứ ấy, tới tấp xô vào cấp cứu. Trong lúc bà con xiết đậu xanh, vo gạo, bắc bếp, nấu cháo hành, tía tô cho anh, đầu Hiếu vẫn rần rật câu hỏi: “Tại sao con Huyền lại nói nửa kín nửa hở như thế? Nó đã biết gì về chuyện xẩy ra giữa bố và bà để dẫn đến cái chết này? Liệu bà đã kể cho nó những gì về quan hệ giữa tổng Lỡi với anh?”
Từ khi nghe con nói như đứt ra từng hơi thở trách bố về cái chết của bà, người anh tê dại, mồ hôi toát ra đầm đìa mà trong ruột lại run như sốt rét. Và bây giờ thì anh thiếp đi trong mệt mỏi và khiếp sợ. Có đến ba, bốn người cùng đi theo một bà chủ bê bát cháo bốc hơi nghi ngút đến chỗ anh nằm. Họ giật mình sững lại vì tiếng hét của anh. Anh cũng giật mình nhổm dậy thở gấp. Mỗi người một lời dỗ dành khuyên anh cố húp bát cháo cho thoát mồ hôi ra nhưng anh thì đã ướt đầm đìa quần áo vì mồ hôi toá ra sau cơn kinh hoàng của cái đêm ông tổng Lỡi đưa mẹ anh xuống đò. Mẹ anh kêu: “Lạy ông, ông cứ để cho em đẻ ở đây với ông. Em không đi đâu”. Ông tổng vẫn gỡ tay mẹ ra, mẹ rú lên và thế là anh tòi ra và rơi tõm xuống nước. Ông lái đò nhảy xuống vớt anh lên đặt vào lòng mẹ. Người mẹ nhũn ra. Anh sờ vào mặt, mặt cũng nhão như cháo vữa. Anh kêu thét vùng vẫy chạy, mở mắt ra đã thấy mùi cháo hành ngào ngạt trước mặt. Mọi người giục anh ăn cho nóng. Anh bê bát và cảm ơn rồi đặt xuống chiếu. Trong đầu anh vẫn đau nhói như có những cuộn dây thép gai vòng vèo, mắc nối dài dặc từ cái đêm mẹ rời bến đó ra đi để đẻ ra anh cho đến cái chõng tre mẹ đang nằm, hình như vẫn chỉ có một chỗ này. Một chỗ người ta đóng cái cọc ở giữa những cuộn dây thép gai và cứ kéo nó ra, lại cuốn nó vào, kéo đi kéo lại trong đầu anh. Đau đầu quá. Anh lại gục xuống. Đến gần tối anh mới tỉnh dậy là do chính bàn tay ông cụ Từ lay gọi:
- Thôi. Cố nén lại cháu ơi. Bác cũng đau lắm. Từ khi ông bà đẻ mẹ mày ra, hàng trăm phen bác sống chết để nuôi nấng cưu mang, đỡ đần, an ủi em, bây giờ em lại đi trước anh. Em đi khổ đi sở ngay trước mắt anh, có thằng anh nào chịu được. Ối em ơi... ối... ối! Đất ôi là! Ờ ơ ơ...
Ông cố kìm tiếng nấc thì nước mắt Hiếu lại giàn ra. Sự đau thương của hai bác cháu chìm vào đêm như những tảng đá chìm dưới đáy sông, nó đang nhúc nhích trôi do những bàn tay dìu đỡ đưa cả hai bác cháu đi theo thi hài đã có hồn nhập trở về nhà, ngôi nhà của cụ tổ để lại. Từ đêm rời nhà đi biệt tăm hàng chục năm trời đến nay tất cả mọi thăng trầm, tất cả những lần đi và về quyết định đời bà đều diễn ra vào ban đêm. Đêm tối ở làng Cuội cũng vắng lặng âm thầm như mọi làng quê nhưng với bà lão Đất thì nó vừa là người che giấu tội lỗi, vừa là viên quan toà nghiệt ngã, vừa là người bạn đường tin cậy, vừa là ma quỷ ẩn nấp phía sau từ bi. Với bà, được run rẩy yêu thương hay bị cào xé hành hạ, được ngẩng mặt tươi cười nhìn chúng bạn hay cứ mãi mãi cắn hai hàm răng lại nuốt nước mắt vào lòng, cho đến lúc này đều vô nghĩa. Khi bà cần sự cưu mang cứu vớt thì chả thấy ai, cứ lầm lũi một mình chịu đựng. Lúc hàng trăm người ồn ã nâng bà lên trên tiếng khóc xót xa và thương tiếc thì bà cứ dửng dưng lạnh lùng cùng bóng đêm mang đi mọi bí mật của chính cuộc đời bà và của những kẻ lặn lội vật vã quanh cái xác đã rữa ra của bà đang được đưa về nhà thờ tổ đêm nay.

<< P 4- Chương 4 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 185

Return to top