Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Chuyện làng Cuội

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29920 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện làng Cuội
Lê Lựu

P1 - Chương 5

Dù đồng chí Cu Từ có xăng xái bao nhiêu, chủ tịch Việt Minh lâm thời của huyện có dễ dãi như thế nào cũng không thể bỏ qua những nguyên tắc, thủ tục mà tổ chức đang theo dõi thử thách đồng chí Kiêm. Nhất là đụng đến cái chuyện quan hệ nam nữ, yêu đương, chuyện tày đình như thế này càng không thể châm chước qua loa. Không có văn bản nào quy định đây là chuyện hệ trọng số một nhưng ai cũng phải có nhận thức tối thiểu rằng nó quyết định tất thảy. Không thể có ý chí chiến đấu kiên cường, không thể có lòng căm thù sâu sắc, không thể có bản lĩnh chính trị vững vàng, không thể có lòng yêu nước nồng nàn, trung thành kiên định với giai cấp, không thể có sự hi sinh vô điều kiện và cũng không thể nào có được tài năng ở một kẻ yêu đương không rõ ràng, giấu giếm tổ chức, nhất là yêu con gái đẹp. Lại đụng phải con gái tư sản, địa chủ, phong kiến quan lại thì, theo cách nói bây giờ, là “toi rồi”. Dù sao; những ngày đầu cách mạng cái chuyện này còn có vẻ lơi lỏng hơn, chưa đủ hiểu biết để nhận thức được mối quan hệ mang tính bản chất hết sức biện chứng của nó.
Từ đêm ăn tết độc lập đến hôm Kiêm đi học có bảy ngày. Trong bảy ngày ấy không thể nào thẩm tra xác minh xem đồng chí Kiêm đã có vợ ở quê chưa? (dù là lí lịch của Kiêm cũng đã được xác minh là chưa có vợ), chưa kiểm tra được tinh thần yêu nước của chị Đất như thế nào, dù biết chị ấy đã có vợ liệt sĩ (cái này cũng cần phải có giấy tờ, mà anh ấy lại hoạt động bí mật. Chị ấy chỉ biết anh là người dưới xuôi lên theo Việt Minh. Trường hợp này nếu nghiêm túc mà nói thì phải đợi thời gian thẩm tra đã). Với những lí do trên cộng với nhiệm vụ quan trọng của đồng chí Kiêm là đi học lớp “cộng sản sơ giải” do tỉnh bộ Việt Minh mở cho những cán bộ nòng cốt trẻ nên tạm hoãn việc tổ chức cưới của đồng chí Kiêm, chị Đất lại. Muốn có niềm hãnh diện phấp phỏng là một người vợ của Việt Minh thì phải biết thót bụng lại mà trông mong, đợi chờ, biết làm sao! Nhất là đối với Đất, lần này chị sẽ có một người chồng Việt Minh thật, có thể ôm ấp nhìn ngắm được không phải là một anh Việt Minh bịa đặt, giả. Khi đã biết chắc chắn anh không phải hạng người thay lòng đổi dạ chị thấy ngày đêm nào cũng dài, hơi thở lúc nào cũng dồn dập, việc gì cũng nhẹ như tên bay. Nhưng... Sau lớp học (sáu tháng) chị nhận được thư anh gửi về. “Anh được bổ sung vào bộ đội tỉnh. Em có mừng cho anh không? Việc tổ chức của chúng ta, anh sẽ báo cáo đơn vị, em cứ đợi, em nhá. Trường kì kháng chiến còn dài mà em ơi. Đừng quên anh. Chào thi đua giết giặc”. Chị đọc đi đọc lại mấy chữ ấy với cái miệng cười cười. Rồi cứ để nguyên cái vẻ cười ấy cho những giọt nước mắt mặn chát chảy vào, không sao cầm được. Hơn một năm sau, tức là vào đầu năm 1947, anh mừng cuống quýt chạy 17 cây số trong một đêm để về gặp chị với tờ quyết định như sau:

Việt Nam dân chủ cộng hoà
Độc lập Tự do Hạnh phúc



Tỉnh đội H.
Ban chính trị
Số: 02 CT.
Quyết định
Kính gửi: Ban chỉ huy đại đội 25
Sau khi xét hồ sơ và đơn xin cưới vợ của đồng chí Nguyễn Văn Kiêm. Sau khi thẩm tra lai lịch, nghe phản ảnh dư luận và đề nghị của đơn vị, ban chính trị tỉnh đội H ra quyết định:
Điều 1: Đồng ý cho đồng chí Nguyễn Văn Kiêm. Chức vụ B phó, Đơn vị 25 được phép lấy vợ tên là: Bùi Thị Đất, quê quán: Thôn Thượng (tức Cuội Thượng) xã Ngoại Thượng, huyện...
Điều 2: Đại đội 25, đồng chí Nguyễn Văn Kiêm có trách nhiệm thi hành.
Quyết định này có giá trị từ ngày kí.
Ngày 18 tháng 2 năm 1947.
(Kí tên, đóng dấu)

Thế là... đợi ba năm để... ân ái một giờ.
Cưới tập đoàn ở đình Cuội Hạ. Khẩu hiệu: “Vui đời sống mới, không quên giết giặc” bằng chữ vàng dán lên nền giấy xanh phết vào cót treo ở đúng giữa cửa đình. Cái khẩu hiệu ấy cùng với tất cả những quà tặng được kể lại dưới đây, theo cách nói sau này nó là luồng gió mới thổi vào nền văn minh làng Cuội. Một năm sau, trước khi làng lập tề, bảy đám du kích lấy nhau đều dập khuôn đám cưới đầu tiên. Nghĩa là dưới khẩu hiệu có một bàn thờ Tổ quốc. Một bên lọ độc bình cắm hoa giấy. Một bên là ống hương cắm thanh kiếm do lò rèn “công binh xiểng” của xã đánh, tặng chú rể. Hai quả mìn và lựu đạn đều nung ở lò gạch làng Hạ được gói giấy đỏ tặng cô dâu, với một hàng chữ kẻ nắn nót viết trên nền giấy vàng đặt bên cạnh. Khi trao tặng mìn lựu đạn cho cô dâu, xã đội trưởng đọc rất dõng dạc: “Anh đi xông phá (pha) trận tiền. Ở nhà em cũng giết giặc Tây”. Cả sân đình hoan hô rầm rầm, khen hay quá, có ý nghĩa lắm. Người chủ trò, các đại biểu lên căn dặn cô dâu, chú rể cứ nói vài câu lại đọc thơ, được tán tụng ầm ĩ. Xem ra làng Cuội cũng sính thơ ca, hò vè. Hết dặn dò và hứa hẹn là đến liên hoan hát trống quân, hát xẩm có cả các anh bộ đội huyện về góp phận vui sống. Hát “Cùng nhau đi hồng binh”, “Diệt phát xít”, có cả nhị, sáo của phường bát âm Cuội Thượng đệm theo, hay ơi là hay. Tài thật.
Không cần tập tành gì, các anh bộ đội cứ hát, sáo nhị cứ lựa theo mà lại khớp. Chỉ thỉnh thoảng có thừa thiếu một tí, họ co kéo khớp lại được ngay. Hàng chục bài như thế, không bài nào gãy mới kinh chứ lị.
Tất cả những thơ ca, hò hát ban vui sống chủ trò hôm nay đề là giúp vui cô dâu, chú rể mà cô dâu, chú rể ngồi ở hai cái ghế tựa ngoảnh ra đồng bào trông thật khổ sở. Không biết ai bày vẽ ra, lấy giấy đỏ bôi vào môi hai người đỏ choét. Hai cái miệng cứ loe lên như cười, như cố tránh nước bọt làm nhoè đi mà trông lại như hai cái triện đóng vào hai cái mặt cứng đờ như gò bằng sắt.
Có năm ngày nghỉ phép thì ba ngày chuẩn bị, hai người cứ phải ngồi với nhau hai đầu ghế, khêu đèn rõ sáng đặt chính giữa. Anh sợ chưa được chính quyền công nhận thì mình không thể “vô tổ chức” được. Cho nên ngồi nhìn nhau đến quá nửa đêm chị thì thở dài, còn anh nóng bừng bừng khắp người lại phải sang nhà bác Từ để ngủ. Để rồi hai người cứ thấp thỏm về nhau mà không ai ngủ được. Cưới xong mang nhau về nhà, lần đầu tiên Kiêm ngủ ở nhà này. Thằng Hiếu lại thích ngủ với chú nên mẹ nó phải nằm ở giường trong nghe trộm tiếng thở, tiếng cựa mình của con, của chồng. Mãi gần sáng biết con ngủ say chị mới rón rén ra bấm vào chân chồng, ra hiệu cho anh là giời sắp sáng rồi.
Hôm sau bác Từ hỏi thằng Hiếu:
- Tối qua sao mày không sang bác ngủ cho rộng.
- Chú Kiêm bảo cháu nằm với chú. Ngày mai chú đi rồi, bác không biết à?
Ông Từ xầm mặt lại.
- Tao biết... là... mày ngu. Tối nay sang bác ngủ nghe chửa. Mai chú ấy đi thì cũng phải để chú dặn dò mẹ mày ở nhà phải làm ăn ra sao, có hiểu không?
Thế là hai vợ chồng chỉ sống trọn vẹn bên nhau được có một đêm, để từ đêm sau họ lại bị xé lìa ra, có thể là vĩnh viễn không còn gặp nhau mà chị không hề biết.
*
* *



Anh đi đến dốc Vĩnh, cách nhà hơn bảy cây số, bị lính Tây phục kích bắt. Trước khi chúng xông vào trói, anh đã kịp nhai nuốt tờ quyết định cưới vợ và giấy nghỉ phép viết tay do đại đội trưởng kí. Không có dấu. Gói cơm nếp chị gói bằng lá chuối và bộ quần áo nâu trong chiếc khăn vuông đen hợp với lời khai, anh là thợ phơ đi đóng gạch. Quê anh ở chợ Chảy bên kia sông, sang bên này làm thuê. Chợ Chảy là quê thật của anh, địch chưa đến được. Ở quê lại vẫn tưởng anh ở với anh rể, chị gái ở Văn Giang, không ai biết anh đi Việt Minh. Nghề đóng gạch anh cũng thuộc, chả sợ gì. Duy có gói cơm nếp còn nóng là vô lí với quãng đường từ chợ Chảy đến đây. Lúc chúng hô anh giơ tay, anh quăng luôn gói khăn vuông xuống rãnh nước. Chúng tưởng anh quẳng lựu đạn vội nằm rạp xuống. Lúc trói anh giải đi rồi chúng vẫn để ba thằng mò tìm lựu đạn. Cũng vào cái thời khắc đó chị vẫn thơ thẩn ở đầu ngõ nhìn theo hướng anh đi nhưng làm sao chị biết được chúng đang treo ngược anh ở cây bàng đình làng Vĩnh, đánh anh thâm tím khắp người, máu ộc ra tràn mặt, rỏ tong tong xuống nền đất. Chị chỉ thấy cồn cào ruột gan, không biết điều gì chẳng lành với anh mà lúc ở bờ đầm, giữa sương muối dày đặc, chị chỉ muốn ôm chầm lấy anh mà van lạy: “Anh ơi, em sợ lắm. Tự dưng người em run hết lên thế này. Thôi quay về với em đi. Hôm nay chúng mình đóng cửa lại với nhau cả ngày, cả đêm anh ơi. Em khổ sở bao nhiêu chỉ ao ước có một ngày mưa to, gió lớn, chúng mình khoá trái cửa lại nằm ôm chặt lấy nhau, em không cho anh rời ra, không cho anh được đi đâu. Sao anh lại nỡ để em đứng đây một mình anh ơi”. Nhưng khi người chị mê đi, hai chân như muốn khuỵu xuống thì anh bóp thật đau bàn tay, anh phải quay mặt đi, hàm răng tự cắn vào môi mình như muốn đứt ra, bàn tay run rẩy nắm lấy tay vợ, giọng anh nghẹn lại: “Thôi, về đi em. Anh phải chạy cho kịp giờ về đơn vị”. Không biết anh sợ chậm chễ hay không dám nhìn vào khuôn mặt tê dại, đầm đìa nước mắt mà anh rảo bước chạy thật. Hôm ấy quân Pháp đóng trại ở dốc Vĩnh, dốc Đà để những ngày sau bắt phu xây bốt Thiệt. Anh đi lúc gà gáy, mãi đến chiều tối mới có tin loan báo quân Pháp đang tràn về dốc Vĩnh. Sáng tinh mơ ngày hôm sau mới có tiếng tù và báo động từ mạn dốc Vĩnh truyền xuống. Bao nhiêu nồi niêu, xanh chảo, quần áo, chăn chiếu cho vào bao tải khoác ở vai, đội lên đầu, còn ngô, khoai và trẻ con thì để vào thúng gánh. Cả làng, cả tổng, bồng bế, dắt díu nhau chạy xuống xuôi. Du kích ở lại chống càn. Chạy đi sáng hôm trước, chiều hôm sau nghe ngóng thấy yên yên, cả làng cả tổng kéo nhau về. Làng đã bắt đầu đào hào, đắp lũy, rào làng chiến đấu và “tiêu thổ kháng chiến”. Cứ vài ba ngày lại có báo động, làng xóm lại xô lên như sóng, chạy rạt xuống cuối làng, cuối xã. Nghe ngóng hôm thì: “Nó đi bắt phu ở Phương Trà đấy”. Hôm thì “nó dẫn phu đi lấy gạch ngói xây đồn, không phải đi càn đâu”. Cứ sáng chạy, trưa, chiều hoặc tối quay lại, rập rờn thấp thỏm. Cho đến hai tháng sau, vào giữa vụ thu hoạch ngô, khi cả làng trông cậy vào những hào rãnh, những hàng rào chéo cánh xẻ quanh làng, những ụ ngang, dọc, chữ chi trên đê, những bàn chông, hố mìn gài cắm khắp đường ngang ngõ tắt có thể làm cho quân địch khiếp sợ thì quân địch lại vào làng dễ dàng như đi dạo chơi và một cuộc tàn sát lớn đã xảy ra, những thiệt hại ở cả ba xã ngoại bối không ai lường nổi.
Bao nhiêu ban bệ, ngành giới của xã, của huyện, lại cả của tỉnh tăng cường cho đi dò la thám thính, bắt rễ nhân mối ngay giữa lòng địch mà không ai biết đích xác từng ngày từng tháng thậm chí cả một giai đoạn địch đang có những âm mưu, thủ đoạn gì, mặc dù ngày nào cũng có báo cáo, phản ánh về “âm mưu địch”. Nhưng những “âm mưu” nắm được là do nghe hơi nồi chõ. Hoặc người cung cấp tin lại phải dựa theo ý muốn người nghe tin mà cung cấp. Thành ra ngày nào cũng nắm chắc địch nhưng địch làm việc gì cũng thấy nó bất ngờ, cũng thấy nó “xảo quyệt”. Thật sự chỉ có đơn giản thế này. Những ngày đầu đến cắm mốc ở vị trí mới, chưa thông thuộc địa hình và không nắm được lực lượng của ta nên chúng co cụm lại chủ yếu là để phòng thủ. Đi càn nhiều, bắn súng nhiều cốt ra oai “xua” chứ không phải nhằm tiêu diệt đối phương là chủ yếu. Trong khi đó nhanh chóng củng cố các làng xung quanh nơi đóng quân thành làng tề, dựng lên hội đồng hương chính, xã uỷ, lập bảo an, hương dũng vừa để ổn định “hậu phương” vừa bắt phu phá dỡ đình chùa miếu mạo lấy gạch xây đồn. “Bước một” hoàn thành, chúng chuyển bước hai theo chiến thuật “sâu đo” đánh rộng ra vùng du kích thực hiện âm mưu lớn, chiếm đồng bằng bắc bộ. Giữa “hai bước” ấy chúng dùng lực lượng hương dũng làm “bia” đỡ đạn thăm dò lực lượng ta. Đám lính làng, lính xã “quân hồi vô phèng” không tập tành, không cần lương lậu, được đi càn oai hơn mò cua đánh dậm, vạc bờ cuốc đất, chỗ nào cũng xông đến, ngày nào cũng có thằng sa chông, vấp mìn và động thấy có súng của du kích là bỏ chạy.
Thực tế là thế. “Bộ” chỉ huy miền Tây của huyện chủ yếu là ba xã ngoại bối lại nhận định hoàn toàn ngược lại. “Lúc đầu địch mạnh ta tạm lui. Hiện nay địch đang suy yếu, tinh thần bạc nhược có nguy cơ tan rã. Việc “nhổ” bốt Thiệt sẽ không khó khăn gì, chỉ cần chúng ta củng cố lòng tin cho toàn dân không sợ địch thì nhất định địch phải sợ ta. Ta thắng, địch thua là không thể khác được”. Tất nhiên, rồi hàng chục năm sau ta cũng thắng, địch cũng thua, vùng ngoại bối cũng được giải phóng như tất cả mọi làng xã. Nhưng lúc này có thể tránh được sự thảm sát tang thương không? Cái nhận định như “đinh đóng cột” không ai được phép mở mồm thì thầm ngược lại có thể thay đổi được không? Sau trận này chỉ được rút kinh nghiệm là “chủ quan khinh địch”. Các đồng chí ấy vẫn không ai làm sao, vẫn là những người lãnh đạo chủ chốt của huyện của tỉnh sau này, còn ba xã ngoại bối năm nào cũng cứ đến ngày 3 tháng 5 ta (hôm ấy là 21-6 dương lịch) là ngày giỗ trận của 121 người. Sau khi cho bọn phòng nhì, chỉ điểm “mua tre”, “bán chuối”, “hoạn lợn”, “hàn nồi” dò từng hang cùng ngõ hẻm và biết chắc làng nào, xã nào cũng nhơn nhơn tuyên bố: “Bọn Tây bốt Thiệt có biến thành những con chuột nhắt cũng không chui lọt hàng rào để vào đây”, chúng đánh úp bắt gọn bốn trong số sáu trung đội du kích mà không hề mất phát súng nào. Tất cả 121 người bị chặt đầu bêu trên cọc cắm dọc đê quai từ miếu làng Cuội đến cuối xã ngoại Hạ ấy, được nhận định kín đáo ở trong báo cáo của huyện là “Do lơ là cảnh giác... Không thấy hết...”
1117 nóc nhà bị đốt sạch trong ba ngày. Ngô đỗ ở trong nhà hay còn ở ngoài đồng cũng đều cháy thành than. Những “ổ” du kích bị bắt rồi, dân chúng mới kéo nhau chạy đi lúc trời còn tối đất. Ai cũng biết địch đã vào làng, nhà nọ bấm nhà kia, luồn lách trong các đường ngang ngõ tắt bíu ríu lặng lẽ kéo nhau chạy đi. Xuống đến Xuôi, trời đã xế chiều, quay mặt nhìn về làng. Những đụn khói ùn ùn bốc lên, mặt ai cũng xám đen, rúm ró như chỉ bật lên câu: “Nó đốt làng rồi”. Đêm đến nhìn quầng lửa đỏ cháy rực góc trời làng mình, nước mắt chảy ra như máu ứa từ ruột trào lên, hai hàm răng cắn lại nuốt nước mắt như nuốt máu mình chảy vào miệng mình. Già trẻ, lớn bé, đứng suốt đêm nhấp nhoá như lửa cháy trên những khuôn mặt đang tựa vào nhau thành từng làng.
Thằng Hiếu đứng bên mẹ nó. Từ sáng đến giờ nó không ăn gì chỉ vì mẹ không ăn thì nó cũng nhịn. Nó không rời mẹ nó bước nào. Đến nửa đêm nó lay tay mẹ nó:
- Con đi về mẹ ạ.
Chị Đất giật mình nhìn con. Phần lo bụng mang dạ chửa, ở cái tháng thứ ba đầy trắc trở, phần sợ con lại cảm đói, hai chân run run chị phải ghì lấy tay nó:
- Mẹ còn sung sướng lắm đấy hở con?
- Con về xem nhà mình còn không? Mấy lị xem bác Từ gái với nhà bác Mỡ có tin tức gì?
- Mẹ cũng sốt ruột lắm. Nhưng để đợi xem binh tình thế nào. Mẹ con mình đi một mình sao được.
Chị lần tay nải lấy ra những bắp ngô luộc đã cứng đanh lại và mấy củ khoai lang cũng luộc từ tối qua. Là luộc để sáng nay mẹ con mang đi đào hầm trú ẩn chứ biết đâu là nó càn đến. Chị dỗ dành cho con ăn. Thằng bé lại dỗ dành lại mẹ nó.
- Ừ nào, mẹ thích ăn cái này – Chị rút hai củ khoai sống ở thúng, lấy tay xoa xoa rồi cắn ăn ngon lành. May mà lần này chị lại thèm khoai sống, không thèm đất như lần trước. Chị giục con.
- Ăn được, cứ ăn hết con ạ. Tằn tiện cũng được dăm bữa. Không lo. Nếu còn ở đây... Độ này người ta đang dỡ khoai chiêm. Tháng sáu dỡ lạc.
Thằng Hiếu biết ngay là mẹ nó nghĩ đến chuyện đi mót khoai, mót lạc, nó đòi mẹ phải cho nó đi cùng, nếu không, nó về dỡ khoai, bẻ ngô ở nhà. Hai mẹ con rì rầm an ủi, dỗ dành nhau, tựa vào vai nhau ngồi thiếp đi từ lúc nào không biết. Sáng ra, có đến hàng dăm bảy chục cán bộ đoàn thể, ngành giới của huyện, của tỉnh cũng phờ phạc đau đớn đến an ủi, động viên từng “làng”. Mỗi làng được riêng từng khu. Đồng bào sở tại sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo, xếp dọn nhà cửa đón bà con tản cư. Khắp nơi trong huyện, trong tỉnh ngùn ngụt căm hờn giặc Pháp dã man tàn sát nhân dân. Bao nhiêu thư từ, quân áo, gạo, khoai ở khắp nơi gửi đến chia sẻ nỗi đau và cứu trợ cho đồng bào ngoại bối khỏi bị đói, rách. Nỗi đau thương tang tóc và nỗi hận thù của dân ngoại bối vẫn ngùn ngụt bốc lên như lửa. Nhưng giặc Pháp tàn bạo vẫn cứ “nuốt” dần hết khu tự do của đồng bào. Làm sao có thể chạy đi xa mãi? Người nông dân rời khỏi đồng ruộng như cá rời khỏi ao chuôm làm sao chịu nổi. Huyện lại có chủ trương “bám đất, bám làng”. Du kích cũng bám dân, bám địch để chiến đấu. Nhân dân lục tục trở về làng cũ trên những nền tro tàn, cỏ hoang mọc lút đầu người. Ông Từ chưa xong lớp học bảy ngày ở tỉnh, được phép về tìm dân làng ở chỗ tản cư. Ông ứa nước mắt vì nhục và đau, định củng cố lại lực lượng du kích trở về trả thù, nhưng trên không cho phép manh động. Bây giờ huyện quyết định ông và tất cả cán bộ du kích các xã ngoại bối trở về hoạt động bí mật. Ông cho người bắt mối để Ngoại Thượng lập tề. Chủ trương là lập làng tề giả vờ. Cốt để dân làng yên ổn làm ăn sinh sống và cách mạng gây dựng lại cơ sở trong lòng địch. Xã uỷ hội tề, hội đồng hương chính, bảo an hương dũng là của ta, do ta lập nên. Thế nhưng cũng như các làng xã khác, ở đâu cũng có kẻ phản. Những kẻ tham lam, ngu si, vô học hoặc biết dăm ba chữ mà bất tài, hèn hạ không bao giờ dám đứng thẳng người, đàng hoàng, khẳng khái trước quan trên, thì bằng cách gì nó cũng chui lủi, luồn lọt, hầu hạ, nịnh hót, làm bất cứ một việc gì mà mọi sinh vật ở trên đời này làm, để được tựa vào kẻ khác. Ôm chân hay núp bóng, làm tôi tớ hay chỉ được tin dùng hờ hững thì cũng chỉ cốt tìm lấy một chỗ dựa dẫm. Không có chỗ dựa dẫm, kẻ đó không bao giờ thành người. Thế là làng có phòng nhì, chỉ điểm. Làng nghèo thì thằng chỉ điểm cũng rủi ro. Chỉ cần một cái vỏ hộp sữa, vỏ hộp thịt của Tây vứt lại là đủ có thể xuất hiện sự ước ao thèm muốn có được những thứ ấy đem về đục lỗ cho cán vào làm gáo múc nước, hoặc đựng khoai, đựng canh mang ra đồng. Làng trên, xóm dưới xô xát, hằn thù nhau cũng chỉ vì tranh cướp nhau cái vỏ đựng hộp sữa, vỏ hộp thịt lính Tây vứt lại sau đêm “ba tui” phục kích Việt Minh ở quanh làng. Những thứ ấy ở hàng rào bốt Thiệt thiếu gì. Chịu khó đi phu lên đồn là lấy được. Nhưng cũng phải luồn lọt, làm quen, hoặc nịnh bợ tán tỉnh gì đấy thì mới được đến bên hàng rào mà nhặt, mà xin. Khốn khổ khốn nạn cho ba thằng phòng nhì ở làng Cuội. Chúng nó trở thành tay sai cho Tây phản lại bà con, đồng bào là bắt đầu từ những cái vỏ ống bơ ấy, có ra tấm, ra miếng gì cho cam. Đã là phòng nhì là phải có cái mũi thính nhạy như con chó béc giê và hơn cả con chó béc giê để ngửi thấy Việt Minh ở bất cứ chỗ nào trong cái tổng Cuội này (lấy lại tên ngày xưa, bỏ hết những tên do Việt Minh đặt). Chỉ trong vòng tám tháng, kể từ tháng tám năm 1948 đến cuối tháng năm 1949 lần lượt các cán bộ bí mật và du kích chưa ra đầu hàng hoặc đầu hàng giả vờ đều bị bắt, bị giết không còn sót một ai, không ai chạy khỏi vùng ngoại bối. Làng Cuội và những làng khác trong tổng Cuội bước vào thời kì đen tối mà không ai có thể hình dung nó lại đến mức như thế.
*
* *



Đêm ập xuống. Thằng Hiếu chưa mớm hết một củ dong riềng cho đứa em chưa đầy một tuổi thì chó cắn cùng với tiếng người kêu đã xồ lên. Hiếu vội vàng mớm nốt miếng dong riềng cuối cùng gọn ghẽ như nhổ một miếng nước bọt vào mồm em rồi ôm nó đứng nép vào cái xó lán lợp lá mía. Tiếng người, tiếng chó đã xô về chỗ bờ rào nhà bác Từ. Tiếng chân chạy rầm rập. Ba bốn tiếng quát táp vào cửa lều cùng với ánh đèn pin loang loáng:
- Con mẹ Đất đâu?
- Con Việt Minh cái đâu rồi.
Một người chạy tọt vào lán quát rất hách:
- Đất!
Đứa bé giật thót người, khóc. Thằng Hiếu ôm chặt lấy em.
- Con giặc cái lại đi liên lạc với Việt Minh rồi hả?
Thằng Hiếu nói:
- Mẹ cháu đi lên đồn trình diện.
- Diện mạo cái mả mẹ mày. Sao giờ chưa về?
Một người khác túm tóc thằng Hiếu đập vào tường:
- Mẹ mày kẻng gái thế, ở lại cho ông đồn trưởng dùng rồi. Thằng Việt Minh con liệu mà mang em đi ngủ đi con ạ.
Người khác:
- Con mẹ mày cũng sướng. Toàn Việt Minh với phản động đầu sỏ mê... dùng... ùng...
Người khác:
- Ông đồn trưởng không cẩn thận lại mù mắt như lão phán con cụ tổng thì khốn. Con mẹ này nó “giảo quệt” lắm.
Trong đám bảo an, hương dũng lốn nhốn ấy trước đây hầu hết cũng là hội viên nông dân, là du kích, thanh niên cứu quốc hoặc là thiếu nhi lớn lộc ngộc trong đội thằng Hiếu. Chúng cũng hò hét, hô hào, cũng rào làng, đắp ụ, ào ào sống chết với giặc. Thế mà bây giờ! Bao nhiêu nỗi tức nghẹn không tranh cãi với đám hương dũng, bảo an được, thằng Hiếu ấm ức khóc oà lên khi mẹ nó về. Hỏi thế nào con cũng không nói, dỗ mãi nó không nín, chị cũng tức tưởi khóc bảo:
- Có chuyện gì, con phải bảo mẹ. Bây giờ chỉ còn mấy mẹ con với nhau. Con cứ thế này mẹ sống làm sao được hở con. Con chả thương mẹ tí nào cả!
- Sao con lại không thương.
- Thương thì có chuyện gì phải nói để mẹ còn liệu.
Thằng Hiếu chùi nước mắt kể lại cho mẹ nó nghe chuyện bọn hương dũng nói bậy. Chị hỏi con:
- Có lúc nào con sợ mẹ như thế không?
- Chẳng đời nào. Nhưng nghe chúng nó nói con không chịu được.
Dù còn ngồi “giãi bày” với nhau bao nhiêu cũng không thể nào quên từ sáng đến giờ ngoài hai củ dong riềng luộc cho thằng em thì hai mẹ con vẫn “nồi lạnh, bếp tắt”. Chị giục con thái vài củ khoai, lấy dúm gạo nấu bát cháo húp cho đỡ xót ruột. Mẹ mệt quá. Thằng Hiếu bảo sợ đốt lửa lên nó lại cho là mình làm ám hiệu cho Việt Minh. Mẹ bảo, kệ xác nó muốn làm gì thì làm.
Hai mẹ con đã liều lĩnh bất chấp vẫn phải lấy nong che cửa. Khốn nỗi cái “nhà” này chỉ có một phía gá vào tường cũ còn ba bên đều thưng bằng lá chuối khô và cây ngô khô, không thể chỉ che cái cửa mà bịt được ánh lửa khỏi thoát ra ngoài. Thành ra khi mẹ vừa bế em nấu cháo, thằng Hiếu phải lấy chiếc chiếu của ba mẹ con nằm che lấy phía ngoài đường. Một cái “nhà” chỉ vừa đựng được cái hòm gian, và cái chõng tre. Cả hai đều dìm xuống ao, khi chạy loạn về mới vớt lên. Cái chõng là chỗ nằm của mùa hè và cái ổ lá chuối là của mùa đông. Một khoảng vừa bằng cái chõng làm bếp. Bếp đun toàn lá tre khô. Trên dưới cũng toàn lá khô. Đất ra khỏi nhà là lo con vừa trông em vừa lúi húi củi lửa. Cũng may giời còn thương tình cảnh ngộ mẹ con Đất nên không xảy ra chuyện gì. Húp được bát cháo ấm bụng, nỗi ấm ức lại nổi lên, thằng Hiếu hỏi:
- Sao tối nay mẹ lại về muộn?
Còn gì nhục nhã hơn khi sự nghi ngờ khinh bỉ lại ở ngay trong đứa con đứt ruột của mình. Chị cố nén lại, nói ôn tồn với con là thằng đồn trưởng giữ lại hạch sách tại sao, tối qua chị lại bỏ không đến trình diện. Hai mắt thằng Hiếu gầm gầm cúi xuống như cố nén sự uất ức với cái chuyện trước đây của mẹ nó. Tất cả những nhà có chồng con đi Việt Minh, chưa rõ đích xác đã chết hoặc đi tù, vợ và các con đến tuổi 18 ngày nào cũng phải lên đồn trình diện. Khi các xã ngoại bối chưa xây đồn hương dũng, những người đi trình diện phải lên tận bốt Thiệt. Đặc là con vợ cả tổng Lỡi, người tổng này nhưng ra Hà Nội ăn học từ bé, bây giờ về làm thông ngôn cho tên quan hai đồn trưởng. Chính những ngày Đất phải đến ngủ “trình diện” ở đồn Tây, thằng Đặc đã giở trò mất dạy, Đất lấy kim băng, đâm mù mắt ngay khi nó vừa sấn đến chị. Đáng nhẽ phải xử bắn. Không hiểu thế nào mà chị lại được tha về trình diện ở xã. Năm tháng nay tổng Cuội xây đồn hương dũng và rào chéo cánh xẻ liên hoàn các làng. Những người bị tình nghi là du kích “hai mặt” và vợ Việt Minh chiều chiều phải đến trình diện và ngủ đêm ở đồn. Thằng đồn trưởng là cháu vợ Thống Bứt. Thống Bứt là xã uỷ tề do ta dựng lên. Nhưng lão không phải là người của ta, cũng không phải là kẻ làm tay sai cho địch. Nhà lão vốn là loại có tiếng làm nghề đồng bóng. Bố làm ông đồng, con là con thống. Cả tổng biết đến. Bố về già giở chứng, dân làng và ngay cả con cháu trong nhà cũng không ưa. Nhưng chấp các cụ già có khác gì chấp trẻ con. Cụ đồng khó tính thì Thống Bứt không bao giờ nề hà. Việc gì ai cần, ới một tiếng là Thống Bứt đi ngay. Sẵn kinh kệ ở sách, lại đi theo ông cụ nhiều năm lão thuộc ối, biết hết cung cách, ai thích đâu, lão chiều đấy, việc gì phải khó khăn. Gia chủ được an ủi mà mình thì được đánh chén say sưa. Thế là sướng. Lúc say lên lão quát tháo lung tung, đe đánh, đe giết bất cứ ai nhưng chẳng bao giờ đụng đến lông chân ai nên chẳng ai chấp. Nói gọn lại, lão là người “không bụng dạ” nào hại ai. Kẻ không có âm mưu, không ham quyền lực. Dân bảo ra làm xã uỷ để che mắt địch thì lão làm. Làm xã uỷ cũng oai ra phết. Có triện. Kí cái giấy, cộp triện là được bữa chén rồi. Mà mình không mất gì. Mà dân được việc, chả thích à? Cứ thế ông làm. Ai không thích thì làm lấy. Ông lại đi cúng. Ngày vài ba đám túy lúy mà vẫn được trọng vọng. Vậy thôi. Xã uỷ với thầy cúng đã chắc anh nào hơn anh nào. Thực bụng, ông thấy làm thầy cúng thuận hơn. Ông thuộc mọi quy cách phù phép. Làm xã uỷ nhiều lúc khó bỏ mẹ. Ông Tây sai một đằng, ông ta bắt một nẻo, chả biết đường nào mà lần. Lúc mới ra làm, ông có hai người giúp việc ở hai phía. Việc gì bên “ta” làm cho dân khỏi khổ thì “đồng chí” Cu Từ bảo ông. Việc bên Tây đã có thằng Bạt cháu vợ nó làm. Lên đồn, xuống phủ nó cũng bẩm báo hộ. Ông không phải làm gì. Sướng. Mấy tháng sau, lính Tây đến bắt ông Cu Từ cho đi tù, ông xin thế nào cũng không được. Không hiểu làm sao quan Tây thóc mách hết mọi chuyện của bạn ông, ông không sao cãi lại. Ông uất. Rồi tự nhiên thằng cháu vợ ông làm trưởng đồn hương dũng trông coi cả tổng. Mọi việc của ông là nó sai bảo chứ không phải quan Tây. Nhưng ông không sợ. Khi ông được biết đích xác nó là thằng chỉ điểm bắt ông Cu Từ và những cán bộ khác, ông đã chửi thẳng vào mặt nó:
- Ông nói cho mà biết nhá. Nhà ông có mạt vận đến đâu cũng không đến nỗi hèn hạ đi làm thằng chỉ điểm đâu nhá. Hàng xóm láng giềng thật thà, đùm bọc nhau mới khó, làm cái thân thằng rình mò thì thụt thì khó gì mà cứ nhắng nhít cả lên. Mày có làm đến quan năm, quan bảy thì ông cũng không quên cái ngày bám đít ông lên đồn nhặt mấy cái vỏ ống bơ đem về cho vợ mày ngồi ở đầu chợ Quán bán đâu. Cho nên ông thấy cái gì thất lương tâm là ông không làm. Mày có bắn ông ông cũng đấm dái vào cái thứ chánh đồn của mày.
Một lần khác. Ngày đầu tiên Đất về trình diện và phải ngủ lại ở đồn, thống Bứt đi với bốn bảo an đến đồn quát:
- Con mẹ Đất! Đêm hôm không về với con còn ở lại đây làm gì?
Thằng đồn trưởng lạnh lùng:
- Nó phải ở đây, sáng mai mới được về.
- Lệnh của ai?
- Tôi.
- Anh bắt nó ở đây, đêm con nó bậy ra, ai bốc cứt cho con nó?
- Ông không được nói láo.
Như không nghe thấy lời thằng Bạt, ông lại quát:
- Con mẹ Đất, đứng dậy. Về!
Vốn chỉ chực lao ra khỏi đồn kêu la ầm ĩ từ khi nó bắt ở lại, lúc này được thể, Đất đứng dậy.
- Ngồi xuống!
- Về. Ông cho về. Ông là xã uỷ. Bắt người xã ông, phải có lệnh của ông.
Lão vừa nói vừa đứng chắn mặt Bạt. Đất cứ thản nhiên đi ra. Thằng Bạt quát:
- Chúng bay, trói nó lại.
- Thằng nào đụng vào, ông cho xơi tạc đạn.
Lão làm xã uỷ được phát một quả lựu đạn phòng thủ. Lão sợ nó nổ nên đã nhờ ông Từ tháo kíp từ khi mới mang về. Đi đâu, kể cả đi cúng vẫn để lựu đạn trong túi. Nhiều khi uống rượu say nằm ngủ, lựu đạn lăn long lóc ở chiếu, chủ nhà kêu rú lên. Lão mở mắt thản nhiên cầm lựu đạn để lên giữa bụng làm mọi người khiếp vía. Từ đấy lão nổi tiếng: “Xã uỷ xã Cuội thế mà liều, coi mạng sống của mình cứ như bỡn”.
Đám hương dũng theo lệnh Bạt xô ra định túm Đất lại thì bốn người bảo an xã Cuội cản họ và lão Thống Bứt giơ lựu đạn ra làm họ sững lại nhìn vào đồn trưởng. Thằng đồn trưởng có thể giật lấy quả lựu đạn trong tay Thống Bứt một cách dễ dàng mà không hề xảy ra chuyện gì. Nhưng hắn ngại. Thứ nhất, đám bảo an lão mang theo thì một thằng con trai lão, một thằng con trai lão cu Mỡ tên là Nạc còn hai thằng kia đều là cháu ruột của lão. Làm căng, có thể xảy ra đánh lộn giữa bảo an với hương dũng thì còn mặt mũi nào với quan đồn Thiệt. Thứ hai, con Đất đã làm một việc tày trời ở bốt Thiệt với con tỉnh trưởng, dù là tỉnh trưởng có thương con mẹ Đất là người cùng làng thì cũng phải đau xót, nhục nhã và căm uất kẻ đã hại đứa con trai mình. Thế mà con Đất, vợ thằng Việt Minh đầu sỏ ở vùng này lại được tha về, chỉ phải trình diện ở đồn sở tại?
Biết Bạt có cái phút khó xử ấy, tên đồn phó cùng nghề chỉ điểm với Bạt từ đâu chạy vào can: “Xin anh Bạt bình tâm lại, tối sẽ cho anh em làm việc này”.
Hắn xẵng giọng:
- Ông Bứt, cất lựu đạn đi. Tưởng doạ được chúng tôi hả? Chúng tôi chưa “rờ” đến ông đâu.
- Có rờ vào d... ông này.
Thống Bứt vừa đút lựu đạn vào túi áo vừa ra khỏi cổng đồn, bỏ lại sự doạ dẫm cốt lấy mẽ của thằng Bạt.
- Được. Tao chưa tha đâu.
Lão Bứt cần đếch gì. Con mẹ Đất nó về được với con nó là lão vui rồi. Mày muốn nó gì kệ cha mày, ông thèm chấp à?

<< P1 - Chương 4 | P1 - Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 435

Return to top