Nước Tần vốn là khu vực du mục của Nhung Địch, Thành vương phong người em cùng mẹ Thúc Ngu làm Đường hầu, lấy luật lệ Nhung làm cơ sở (Tả truyện Định công năm thứ tư), có nghĩa là căn cứ vào cách làm của Nhung Đich mà phân phối đất chăn thả, không như Lỗ Vệ tại khu vực nông nghiệp, căn cứ vào phép tắc nhà Chu mà phân phối đất cày. Thúc Ngu thay đổi quyết định của cha, đổi tên nước là Tấn.
- Phạm Văn Lan “Trung Quốc thông sử giản biên” đệ nhất biên
Trần Trận lấy ra hai thẻo thịt khô, thêm một ít mỡ cừu, nấu cho sói con một nồi cháo đặc. Sức ăn của sói con ngày càng lớn, một chậu đầy cháo thịt chưa no. Trần Trận thở dài, vào lều tranh thủ ngủ một giấc, chuẩn bị tinh thần cho trận chiến đêm nay. Hơn một giờ chiều, cậu tỉnh dậy vì tiếng gọi, vội chạy ra ngoài.
Trương Kế Nguyên cưỡi con ngựa cao lớn chạy đến bãi đất trống trước cửa lều. Nửa thân trước con ngựa bê bết máu, cà nhắc cà nhót không áp sát được vào chiếc xe bò. Đàn chó ùa tới vây quanh người ngựa, rối rít vẫy đuôi. Trần Trận dụi cặp mắt ngái ngủ, giật mình: Con ngựa Trương Kế Nguyên chở trên lưng một con ngựa choai bị thương. Cậu vội chạy lên giữ hàm thiết cho con ngựa đứng yên. Con ngựa choai đau đớn vật vã, mấy vết thương ở ngực, ở cổ đang chảy máu, nhuốm đỏ yên và thân trước con ngựa lớn. Con ngựa lớn giương mắt khiếp hãi, mũi phun phì phì, một chân trước liên tục gõ móng, còn chân kia cào đất. Trương Kế Nguyên ngồi trên mông ngựa, sau yên, tư thế rất khó xuống, lại sợ con ngựa choai rớt xuống kinh động con ngựa đang cưỡi. Trần Trận giơ tay cầm chân trước con ngựa choai, Trương Kế Nguyên cố rút chân phải ra khỏi bàn đạp rồi thận trọng xuống ngựa, thiếu chút ngã bổ chửng.
Hai người đứng hai bên nâng con ngựa choai nhẹ nhàng hạ xuống đất. Con ngựa lớn vội quay lại nhìn bằng con mắt thương cảm. Ngưạ choai đã không thể cất đầu lên, mở cặp mắt đen tuyệt đẹp nhìn mọi người cầu cứu. Nó rên rỉ, chân trước chống xuống đất nhưng không đứng lên được nữa. Trần Trận hỏi: Còn cứu được không? Trương Kế Nguyên nói: Batu đã xem xét vết thương, khẳng định không cứu được. Chúng mình đã lâu không có thịt, phải giết khi nó hãy còn sống. Saxưleng cũng cho khênh đến nhà ông Pilich một con bị thương.
Trần Trận chột dạ. Cậu bê cho Trương Kế Nguyên một chậu nước để cậu ta rửa tay, vội hỏi: Đàn ngựa có chuyện phải không? Thiệt hại có lớn không?
Trương Kế Nguyên buồn bã nói: Đừng nhắc đến nữa. Đêm qua đàn ngựa của mình và Batu bị cắn chết bốn con, bị thương một con. Đàn ngựa của Saxưleng càng thảm hơn, trong mấy ngày bị năm sáu con. Những đàn khác không biết thế nào, chắc chắn thiệt hại không nhỏ. Các vị lãnh đạo đều xuống các đàn ngựa.
Trần Trận nói: Đêm qua đàn sói xung quanh đại đội tru suốt đêm. Chúng tụ tập tất cả ở bên này, làm sao đến chỗ đàn ngựa?
Trương Kế Nguyên nói: Thế mới gọi là chiến thuật bầy đàn, xuất kích toàn diện, bốn phía nở hoa, giương đông kích tây, yểm hộ lẫn nhau, đánh dứ cộng với đánh thật, đánh được thì đánh, không đánh được thì kiềm chế, khiến đối phương đầu đuôi không cứu được nhau, cứu được chỗ nọ mất chỗ kia. Chiêu này của đàn sói còn lợi hại hơn chiến thuật tập trung ưu thế binh lực dứt điểm từng trận. Trương Kế Nguyên rửa tay xong, nói: Làm thịt ngay con ngựa đi, đợi nó chết rồi thì máu đọng trong thịt, ăn không ngon.
Trần Trần nói: Nghe nói mã quan đầy sói tính quả không ngoa. Cậu bây giờ ra vẻ mã quan rồi đấy, khẩu khí ngày càng lớn, tính cách thì có vẻ như võ sĩ thảo nguyên thời xưa. Trần Trận đưa cho Trương Kế Nguyên con dao Mông Cổ chuôi đồng, bảo: Cậu giết nó đi, con ngựa đẹp như thế mình không dám đụng dao.
Trương Kế Nguyên nói: Sói giết con ngựa này chứ không phải người, không liên quan gì đến thiện ác của con người. … Được thôi, mình giết cũng chẳng sao, nhưng phải giao hẹn trước: Mình chỉ giết, còn như lột da xẻ thịt các cậu làm tất, chịu không? Trần Trận đồng ý.
Trương Kế Nguyên tay cầm dao, chân chặn một bên ức con ngựa, đè đầu nó xuống sao cho một mắt nhìn thẳng lên trời theo truyền thống thảo nguyên, rồi thọc một nhát cắt đứt động mạch cảnh, máu tuy không vọt ra, nhưng vẫn chảy. Trương Kế Nguyên nhìn con ngựa giãy chết mà chỉ như một con cừu. Lũ chó thèm rỏ dãi, đuôi ngoáy tít. Lũ chó cún xông lên liếm máu ngựa trên cỏ. Sói con ngửi thấy mùi máu cũng chui ra khỏi hang, giằng xích, mắt loé lên những tia hung dữ.
Trương Kế Nguyên nói: Cách đây mấy hôm mình đã phải giết một con kém thịt hơn con này. Mình và một số mã quan ăn hai bữa bánh bao nhân thịt ngựa non. Thịt ngựa non cực mềm cực thơm, nhưng ăn vào mùa hạ với dân du mục là chuyện bất đắc dĩ. Bánh bao nhân thịt ngựa non là món ăn nổi tiếng của thảo nguyên hàng ngàn năm nay. Kế Nguyên rửa tay xong, ngồi trên càng xe xem Trần Trận lột da ngựa.
Trần Trận xẻ những tảng thịt ngựa vừa non vừa béo. Cậu cũng vui, nói: Con ngựa này khá lớn, gần bằng một con cừu đực thiến. Tháng này mình chưa ngửi thấy mùi thịt. Người ta con bảo, mình sắp sửa biến thành sói con thành cừu non, không cho nó ăn thịt, nó sẽ be như cừu cho mà xem.
Trương Kế Nguyên nói: Con ngựa này sinh sớm nhất đầu năm nay. Bố mẹ to nên nó cũng to. Nếu các cậu thấy ngon, vài hôm nữa mình lại chở đến cho một con. Mùa hè là mùa tang tóc của đàn ngựa, năm nào cũng thế. Mùa này ngựa đẻ con, sói bắt dễ nhất là ngựa con. Đàn ngựa nào cũng bị sói bắt mất một hai con, rất khó tránh. Lúc này, mùa sinh sản đã qua, mỗi đàn ngựa tăng thêm khoảng một trăm bốn năm mươi con ngựa con. Ơlôn cỏ tốt, sữa mẹ đủ, ngựa con lớn nhanh, con nào cũng khoẻ mạnh, hiếu động, ngựa giống và ngựa mẹ quản không nổi.
Trần Trận dùng rìu lọc ra những chỗ thịt bị sói xé rách ở đầu, ngực và cổ ngựa rồi thái miếng. Sáu con chó đã vây kín xung quanh. Năm con đuôi vẫy như cờ lau gặp gió, riêng con Nhị Lang đuôi dựng đứng như lưỡi lê, đứng xem Trần Trận chia thịt. Nhiều ngày chưa ngửi thấy mùi thịt, sói con cuống quýt chạy quanh, bật ra tiếng “âu âu” của chó.
Thịt và xương đã chia xong, vẫn ba suất lớn ba suất nhỏ. Trần Trận cho con Nhị Lang nửa cái sọ, một mảng cổ. Nó quẫy đuôi, tha chỗ thịt tới chỗ gầm xe ăn nghiến ngấu. Con Vàng, con Ilưa và ba con cún đều có phần. Mỗi con tha phần của mình đến chỗ bóng râm hoặc trong lều. Trần Trận đợi lũ chó đã đi mới lấy chỗ thịt dành cho sói con thái thành miếng nhỏ bỏ vào chậu của sói được nửa chậu, lấy huyết đọng trong khoang ngực ngựa tưới lên chỗ thịt rồi gọi to: Sói con, ăn cơm nào! Nói rồi đi đến chỗ sói con.
Cái cổ con sói đã thành chai, ngửi thấy mùi thịt tươi lẫn máu, nó kéo căng xích chẳng khác con bò kéo cỗ xe chở nước leo dốc, rớt dãi lòng thòng. Trần Trận nhanh nhẹn chạy tới chỗ chuồng sói. Con sói vồ lấy chậu thịt ngựa như sói lớn vồ mồi, nhe răng gầm gừ đuôi Trần Trận đi nơi khác. Trần Trận trở lại chỗ lột da con ngựa, tiếp tục xẻ thịt vừa trông chừng con sói. Nó ăn ngấu nghiến, nhưng mắt vẫn canh chừng người và chó, gồng mình lên, chuẩn bị tha những miếng thịt vào trong hang.
Trần Trận hỏi Trương Kế Nguyên: Mục dân có ăn nội tạng ngựa không? Trương Kế Nguyên nói: Ngựa bị thương vì sói cắn thì không ăn. Trần Trận trước hết moi dạ dày, ruột non ruột già vứt vào đống tro bên bếp, kệ cho lũ chó tranh cướp. Sau đó cậu lấy ra hai cái chậu không, chất đầy tim gan phổi vào rồi để chỗ mát trong lều, phần bữa sau của sói và chó.
Trần Trận hỏi: Chẳng lẽ mã quan các cậu không có cách đối phó?
Trương Kế Nguyên nói: Sau hai năm chăn ngựa trên thảo nguyên, mình nhận thấy khâu yếu nhất là đàn ngựa. Một đàn ngựa bốn năm trăm con mà chỉ bố trí hai mã quan, giờ thêm một thanh niên trí thức cũng không đủ. Hai ba người ngày đêm luân phiên mà còn gục nữa là chỉ một người làm sao trông xuể.
Trần Trận lại hỏi: Vậy vì sao không bố trí thêm mấy mã quan?
Trương Kế Nguyên nói: Mã quan là “phi công” trên thảo nguyên, thuộc loại công nghệ cao. Đào tạo được một mã quan chính hiệu không dễ, phải mất nhiều thời gian. Không ai dám giao đàn ngựa cho một mã quan bất tài, lơ mơ là một năm mất nửa đàn ngựa. Lại nữa, mã quan quá khổ, quá mệt, quá nguy hiểm. Những đêm mùa đông có bạch mao phong lạnh âm 30-40độ C, dồn ngựa là phải dồn suốt đêm, mặc ba áo da mà ngón chân vẫn bị rụng. Mùa hè, muối có thể hút kiệt máu của người và ngựa, rất nhiều mã quan chỉ bảy tám năm là giải nghệ, hoặc nghỉ hẳn vì thương tật. Đại đội ta có bốn mã quan là thanh niên trí thức, giờ chỉ còn lại mỗi mình. Mã quan thiếu kinh niên, làm gì có thừa để bổ sung? Đàn ngựa di chuyển nhanh trong đàn, có nhiều ngựa con và ngựa đực thiến, bọn này dát, rất dễ vỡ đàn. Mã quan chỉ thổi nồi cơm trong lều là đàn ngựa bên ngoài đã mất tăm. Lạc mất đàn ngựa, thường phải đi tìm hai ba ngày, cũng là nhịn đói hai ba ngày. Trong hai ba ngày ấy, đàn sói có thể truy sát ngựa con rồi. Lần trước mã quan tổ Bốn ngựa hụt chân bị ngã vỡ đầu, đàn ngựa trong đêm vượt biên, mục trường thông qua đồn biên phòng, mất mười mấy ngày mới đòi được đàn ngựa về, trong thời gian đó đàn ngựa không có người trông, tổn thất càng lớn.
Trần Trận hỏi: Quan hệ hai nước căng thẳng là thế, mà sao người ta không giữ ngựa lại?
Trương Kế Nguyên nói: Không đâu. Hai nước đã có hiệp định từ lậu. Chỉ cần báo chính xác thời gian, địa điểm vượt biên, số lượng, nhất là số đầu ngựa giống và màu lông, là người ta cử người đem trả. Bên ta cũng vậy. Nhưng trên đường đi bị sói ăn thịt mất con nào, hai đồn biên phòng không chịu trách nhiệm. Có lần, người ta báo trên 120 con, ta cử người tìm hai ngày chỉ tìm được 90 con. Mã quan nói, quá nửa số con không tìm thấy bị sói ăn thịt.
Trần Trận chớp thời cơ xoáy vào vấn đề cậu quan tâm: Mình vẫn không hiểu vì sao đàn ngựa cứ thích chạy bạt mạng?
Trương Kế Nguyên nói: Nguyên nhân thì có nhiều. Trời lạnh quá, chạy cho ấm; mùa xuân cần chạy toát mồ hôi để chong thay lông; mùa hè trốn muỗi, chạy ngược gió; mùa thu muốn ăn cỏ ngon ở bãi chăn cừu, chạy lên tới trước. Nhưng quan trọng nhất là chạy trốn cuộc truy sát của đàn sói, bốn mùa trong năm chạy chí chết. Đàn ngựa tính cơ động cao, không thể đem theo chó. Đêm đến, mã quan không có đàn chó giúp gác đêm, một mình trông nom đàn ngựa dát như cáy sao được? Nếu là đêm không trăng, đàn sói thường tập kích đàn ngựa. Nếu sói không đông, mã quan và ngựa giống có thể bảo vệ được đàn ngựa; nếu sói đông, ngựa vỡ đàn, vỡ trận như núi lở, mã quan và các ngựa giống không bảo vệ nổi.
Trương Kế Nguyên nói: Giờ đây mình mới hiểu vì sao kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn ngày đi ngàn dặm. Ngựa Mông Cổ ngày nào cũng buộc phải luyện tốc độ, chạy việt dã, luyện sức bền. Mình ở với đàn ngựa thường chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa sói và ngựa, thê thảm lắm. Trong đêm đàn sói truy sát đàn ngựa, tàn ác không thể tả, đuổi đến kỳ cùng, giết không thương tiếc, nhanh như tên bắn, liên tục tác chiến, không cho đàn ngựa xả hơi lấy một phút. Những con ngựa già, ngựa ốm, chạy chậm, ngựa non, ngựa choai, ngựa cái có chửa, hễ rớt lại lập tức bị đàn sói ăn thịt. Cậu chưa nhìn thấy thảm cảnh đàn ngựa chạy tháo thân, con nào cũng sùi bọt mép, toàn thân ướt đẫm. Có con chạy đến sức cùng lực kiệt, ngã xuống tắt thở liền. Con nào chạy nhanh vọt lên trước thì có thể dừng lại một thoáng gặm vài miếng cỏ, đói quá, gặp gì ăn nấy, sậy khô cũng ăn; khát quá, gặp gì uống nấy bất kể nước tù nước bẩn, có phân bò phân cừu đều uống tất. Ngựa Mông Cổ rất dai sức, khả năng tiêu hoá, chống bệnh, chịu rét nóng nhất thế giới. Nhưng chỉ có mã quan biết rằng, những bản lĩnh ấy của ngựa Mông Cổ là do đàn sói dung tốc độ và cái chết huấn luyện cho ngựa.
Trần Trận nghe say sưa, cậu bê tất cả thịt pha và thịt đã thái vào trong, phơi tấm da ngựa lên nóc lều. Cậu bảo Kế Nguyên: Cậu làm mã quan mới một năm mà đã sắp thành chuyên gia rồi. Những điều cậu nói rất quan trọng. Bên ngoài nóng, vào trong lều đi , cậu thì nói, còn mình thì làm bánh bao nhân thịt. Hai người vào trong lều. Trần Trận bóc hành, nhào bột, nặn nhân, chuẩn bị làm món bánh bao nhân thịt dân du mục thường ăn.
Trương Kế Nguyên uống một bát trà lạnh, nói: Những ngày này mình và một số mã quan luôn bàn tới chuyện ngựa. Mình nghĩ, chính là thảo nguyên Mông Cổ đã tạo nên loài ngựa Mông Cổ có sức chịu đựng bền bỉ nhất, và cũng tạo nên kỵ binh Hung Nô, Đột Quyết, Mông Cổ hung hãn thiện chiến. Hãn huyết mã, ngựa Ili, ngựa Arập, ngựa sông Đông đều là những loài ngựa nổi tiếng thế giới. Nhưng vì sao kỵ binh khu vực Trung Á, kỵ binh Nga La Tư, kỵ binh Arập, kỵ sĩ châu Âu… đều bị kỵ binh Mông Cổ đánh bại? Kỵ binh Mông Cổ đánh một lèo sang phía tây tới Ba Lan, Hunggari, Áo, tới cửa ngõ Ai Cập. Kỵ binh Hung Nô còn càn quét toàn bộ châu Âu, đánh thẳng tới nước Pháp. Ngựa chiến của dân tộc nào trên thế giới dẻo dai được như thế?
Trần Trận nói xen vào: Sử chép rằng, thảo nguyên Mông Cổ xưa người ít ngựa nhiều, khi ra trận, một kỵ binh dắt theo bốn năm con ngựa luân phiên cưỡi, ngày đi ngàn dặm. Vì vậy kỵ binh Mông Cổ đã được cơ giới hoá từ thời nguyên thuỷ, chuyên đánh chớp nhoáng. Ngựa nhiều nên có thể lấy ngựa bị thương làm quân lương, đói thì ăn thịt ngựa, khát uống huyết ngựa, không sử dụng hậu cần.
Trương Kế Nguyên gật đầu cưới: Đúng thế. Còn nhớ cậu có nói, từ Khuyển Nhung, Hung Nô, Tiên Ty, Đột Quyết cho đến dân tộc Mông Cổ hiện giờ, tất cả các dân tộc thảo nguyên từng sống và chiến đấu trên thảo nguyên đều biết những bí ẩn và giá trị của sói. Mình ngày càng cảm thấy cậu ấy có lý. Sói thảo nguyên Mông Cổ đã cho người thảo nguyên tính cách ngoan cường trong chiến đấu, trí tuệ trác việt về chiến tranh và ngựa chiến xuất sắc. Ba ưu thế về mặt quân sự đó là bí mật và nguyên nhân gây chấn động thế giới của người thảo nguyên Mông Cổ.
Trần Trận vừa ra sức nhào bột, vừa nói: Ngựa chiến Mông Cổ thiện chiến là do sói huấn luyện, phát hiện của cậu quan trọng đấy. Mình cứ tưởng totem sói giải quyết tính cách ngoan cường của người thảo nguyên và nguồn gốc của trí tuệ quân sự, không nghĩ rằng sói còn là huấn luyện viên làm nghĩa vụ dạy thú, đào tạo cho dân tộc trên lưng ngựa này những con chiến mã hạng nhất. Có loại chiến mã lợi hại này, tính cách và trí tuệ người Mông Cổ như hổ mọc thêm cánh. Được lắm, một năm làm mã quan của cậu không uống.
Trương Kế Nguyên cười, nói: Mình cũng bị lây cậu, rất mê sói. Hai năm nay cậu giảng cho mình bao nhiêu kiên thức lịch sử trong sách vở, mình cũng phải cung cấp cho cậu một ít tài liệu sống chứ.
Trần Trận cũng cười, nói: Một sự trao đổi ngang giá. Tuy nhiên, có một điều mình vẫn chưa hiểu, đàn sói ngoài chuyện truy sát, còn dùng thủ đoạn nào nữa để ăn thịt ngựa con?
Trương Kế Nguyên nói: Nhiều lắm. Đàn ngựa khi lên đồi cao hoặc một nơi địa hình phức tạp, mình thường rất căng thẳng. Sói ép bụng sát đất mà bò, không cần ngóc đầu lên, mũi và tai nó cho biết con mồi đang ở chỗ nào. Ngựa mẹ thường xuyên gọi khẽ ngựa con, sói căn cứ vào âm thanh phát ra mà đoán ngựa con ở xa hay gần rồi nhích tới, nếu không có ngựa giống ở đấy là nó vồ liền, đầu tiên cắn một phát vào yết hầu, sau đó kéo ngựa con ra chỗ khuất ăn ngấu nghiến. Nếu bị ngựa mẹ hoặc ngựa giống phát hiện, sói bỏ chạy liền. Đàn ngựa khi di chuyển không đem được con ngựa chết đi theo, đợi đàn ngựa đi rồi, sói quay lại ăn. Có con sói đặc biệt ranh ma, biết đánh lừa ngựa con. Nó phát hiện trong đàn có ngựa con nhưng bên cạnh có ngựa mẹ, nó liền nằm rạp xuống bò tới đám cỏ cao, sau đó nó giấu kín mục tiêu lớn là cái thân, còn mục tiêu nhỏ là bốn cái chân, nó thò ra ngoài động đậy khẽ, từ xa tưởng đó là hai cái tai con thỏ hoặc đầu con chuột hôi đang ló ra nghe ngóng, hoặc sinh vật bé bỏng nào khác. Có điều không giống sói hoặc chó. Ngựa con mới chào đời rất tò mò, thấy có sinh vật nào ngọ nguậy chạy đến xem sao. Ngựa mẹ chưa kịp ngăn thì sói đã cắn đứt họng ngựa con rồi.
Trần Trận nói: Có khi mình cảm thấy sói không phải con vật, mà là quái vật.
Trương Kế Nguyên nói: Đúng là quái vật! Cậu nghĩ coi, ban ngày đàn ngựa tản ra rất rộng, mã quan dù ở ngay trong đàn ngựa cũng không thể đảm bảo sẽ không xảy ra chuyện. Đêm đến đàn sói càng ngang ngược, trộm được thì trộm, cướp được thì cướp, trộm cắp đều không xong thì tổ chức đánh phá. Các ngựa giống đẩy ngựa cái ngựa con vào giữa rồi đứng ra vòng ngoài dẫm đạp cắn xé đàn sói. Đàn sói bình thường không phá nổi liên hiệp phòng vệ của mười mấy con ngựa giống, không khéo còn bị ngựa giống đá chết hoặc cắn bị thương. Nhưng gặp khi thời tiết xấu và đàn sói thì đang đói, các ngựa giống ngăn không nổi, bầy sói liền phá vỡ đàn ngựa, tiếp tục tàn sát ngựa non. Sói con trong đàn đã lớn, sức ăn của đàn tăng, chúng bắt không được dê vàng và rái cá cạn, liền quay sang bắt ngựa con trong đàn ngựa.
Trần Trận hỏi: Vậy mỗi năm đàn ngựa tổn thất bao nhiêu ngựa con?
Trương Kế Nguyên nghĩ một lát, nói: Đàn ngựa của mình và Batu, năm ngoái đẻ được 110 con, đến mùa hè năm nay chỉ còn lại 40 con, có 70 con bị sói cắn chết hoặc ăn thịt, tổn thất hàng năm 70% được coi là thịt hại ít nhất trong bốn đàn ngựa của đại đội. Tổ chăn nuôi số 4 chỉ còn mười mấy con, thiệt hại một năm trên 80%. Mình hỏi ông Ulichi, tổn thất của toàn bộ mục trường hàng năm tính theo tỉ lẹ phần trăm là bao nhiêu, ông ta bảo tổn thất bình quân khoảng 70%.
Trần Trận giật mình, nói: Tỉ lệ tử vong của ngựa con cao quá, chẳng trách các mã quan căm thù sói.
Trương Kế Nguyên nói: Chưa hết, ngựa con lên hai tuổi chưa qua thời kỳ nguy hiểm, vẫn là mục tiêu công kích của sói. Ba tuổi, ngựa non tạm coi là có thể đối phó với sói, nhưng sói đàn hoặc sói đói thì vẫn không thoát. Cậu thấy mã quan chúng mình có vất vả không? Một năm làm việc bán sống bán chết mà chỉ giữ được ba bốn mươi phần trăm, chỉ lơ là một chút là trắng tay, công sức cả một năm đổ xuống sông xuống biển.
Trần Trận không nói gì, bắt đầu làm vỏ bánh bao.
Trương Kế Nguyên rửa tay, giúp Trần Trận bao nhân bánh. Cậu nói: Dù khổ đến mấy cũng không thể thiếu sói. Batu bảo, nếu không có sói thì chất lượng đàn ngựa sẽ xuống cấp, chúng sẽ lười đi, béo lên, chạy không nổi. Trên thế giới, ngựa Mông Cổ vốn nhỏ con, nếu không có tốc độ và sức bền thì không bán được tiền, bộ đội kỵ binh sẽ không sử dụng làm ngựa chiến. Còn nữa, nếu không có sói, đàn ngựa sẽ phát triển quá nhanh. Cậu nghĩ coi, một đàn ngựa một năm thêm một trăm mấy chục con ngựa con, nếu phần lớn sống sót thì tỉ lệ tăng trưởng của đàn là hai ba mươi phần trăm, thêm vào đấy số ngựa cái đến tuổi sinh đẻ, tỉ lệ ngựa con còn cao hơn nữa. Vậy là, cứ khoảng ba bốn năm đàn ngựa tăng gấp đôi. Nói chung, ngựa được bốn năm tuổi mới bán, vậy là dưới bốn năm tuổi phải nuôi, mà ngựa là loại gia súc huỷ diệt cỏ, Ulichi bảo, trừ chuột và thỏ, ngựa là kẻ phá hoại đồng cỏ lớn nhất. Ngựa Mông Cổ ăn nhiều, một con ngựa mỗi năm ăn một lượng cỏ bằng vài chục đến hơn một trăm con cừu ăn trong năm. Hiện giờ mục dân chỉ lo ngựa ăn hết cỏ của bò, cừu. Nếu không hạn chế đàn ngựa phát triển thì e rằng chẳng còn mấy năm nữa, bò cừu sẽ không còn cỏ để ăn, thảo nguyên Ơlôn sẽ biến thành sa mạc…
Trần Trận gõ chiếc chày cán bột xuống mặt thợt, nói: Như vậy là mục dân thảo nguyên lợi dụng sói để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch cho đàn ngựa, kiểm soát số đầu ngựa, đồng thời nâng cao hoặc giữ vững chỉ tiêu về chất lượng của đàn ngựa?
Trương Kế Nguyên nói: Đương nhiên, kỳ thực người thảo nguyên là những cao thủ về vận dụng phép biện chứng của thảo nguyên, còn đặc biệt tinh thông “dạo trung dung” của thảo nguyên. Họ không cực đoan như người Hán, rêu rao nếu gió đông không thổi bạt gió tây, thì gió tây thổi bạt gió đông. Người thảo nguyên rất giỏi cân bằng các mâu thuẫn trong “trong công đôi việc”.
Trần Trận nói:
Tuy nhiên, sẽ cân bằng ấy dã man quá. Mùa xuân các mã quan đi đào ổ sói bắt sói con, hễ đào là đào mấy chục ổ, giết một hai trăm con sói con, có điều là không tận diệt; Sang hè, đàn sói trả miếng, giết ngựa con, hễ giết là giết 70-80%, mã quan không cho giết 100%. Cái giá của sự cân bằng là máu chảy thành sông, mà phải dựa vào cuộc chiến đấu không mệt mỏi của mục dân. Sự trung dung này mang tính chiến đấu hơn trung dung của người Hán, gần chân lý hơn.
Trương Kế Nguyên nói: Hiện nay số cán bộ đến từ khu vực nông nghiệp ra lệnh bừa, những là phát triển số lượng và chỉ có số lượng! Rốt cuộc, chắc chắn là “một việc làm hỏng nhiều việc”, một hành động làm mất nhiều thứ: Hết sói, ngựa Mông Cổ không ai mua, đại thảo nguyên Mông Cổ cát vàng cuồn cuộn, bò cừu chết đói, bọn ta có thể trở về Bắc Kinh…
Trần Trận nói: Đừng có mà nằm mơ. Bắc Kinh trong lịch sử từng nhiều lần bị kỵ binh thảo nguyên đánh chiếm, nhiều lần trở thành thủ đô của chính quyền dân tộc thảo nguyên. Chỉ kỵ binh thảo nguyên mà Bắc Kinh còn không chống nổi, nói gì đến chống lại “hoạ vàng” (cát lấn).
Trương Kế Nguyên nói: Chuyện ấy chúng ta không quản, mà có muốn cũng không quản nổi. Hàng triệu nông dân sống bạt mạng, khẩn hoang bạt mạng, mỗi năm dôi ra số người bằng dân số của một tỉnh, đám người này xông lên thảo nguyên, ai cản nổi?
Trần Trận thở dài: Đúng là không cản nổi, thế mới sốt ruột! Nho gia Trung Quốc về bản chất là sự pha trộn hệ thống tinh thần hoàng đế nông canh với tiểu nông. Hoàng đế là đại phú nông, còn chủ của một gia đình nông dân Trung Quốc là “tiểu hoàng đế” (ông vua con). “luân phiên làm hoàng đế, thì mai đến lượt nhà mình”, “nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”, kẻ nào không thích ứng làn song nhân mãn của dân số nông canh, kẻ đó sẽ bị “lật thuyền”, rơi vào thảm hoạ. Mảnh đất nông canh chỉ có thể sinh ra vua, không sinh ra nền cộng hoà, “nước có thể chở thuyên, cũng có thể lật thuyền”, thực tế là “nông canh có thể chở vua, cũng có thể lật vua”, chở đi lật lại, cuối cùng vẫn là vua. Mấy nghìn năm nay, khi dân số khủng hoảng liền nổ ra tạo phản, do giết nhau mà dân số giảm rồi, thay vua rồi, lại tiếp tục sống trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Tuy văn minh nông canh được đẩy lên, vua tôi trên dưới đồng lòng lấy nông làm gốc, là lực lượng tiến bộ phát triển theo hình xoắn ốc, nhưng khi đã lên tới đỉnh, lực lượng này cũng đi xuống theo hình xoắn ốc, và như cái máy cắt cỏ, nó cắt sạch mầm mống của quan hệ sản xuất mới…
Trương Kế Nguyên gật đầu lia lịa. Cậu xếp phân khô, nhen lửa, cho bánh bao vào khay hấp. Hai người ngồi bên bếp mùa hạ, kiên nhẫn đợi bánh chin, chuyện trò càng hào hứng.
Trần Trận nói: Hôm nay nghe cậu nói, mình mới hiểu vì sao dân tộc sống trên lưng ngựa lại không chọn ngựa làm tôtem, mà lại chọn sói là kẻ thù của ngựa. Mình cũng được đả thông một điều: Cái logic trái khoáy này lại bao hàm sâu sắc logic của thảo nguyên. Vì rằng ngựa Mông Cổ là “học trò” do sói thảo nguyên và người thảo nguyên cùng huấn luyện, mà “học trò” thì làm sao có thể là linh vật và tổ sư để thầy sùng bái? Con sói thảo nguyên thì chưa bao giờ bị người thuần dưỡng. Tính cách và bản lĩnh của sói, hàng nghìn năm nay con người vẫn chưa học được. Sói thực sự thống soái thảo nguyên, đứng trên tầm cao mà điều phối các mối quan hệ chồng chéo lên thảo nguyên…
Trương Kế Nguyên nói: Mình quả thực lấy làm tiếc cho Khuyển Nhung và Hung Nô. Họ là những dân tộc ưu tú. Sùng bái tôtem sói là do học xác lập từ xa xưa truyện lại cho đến tận bây giờ, và chắc chắn còn tiếp tục.
Trần Trận nói: Tinh thần của linh vật sói sẽ lâu bền hơn nhiều tinh thần Nho gia. Nó được tiếp tục một cách tự nhiên và tràn đầy sức sống. Trong hệ tư tưởng Nho gia, chẳng hạn như “tam cương ngũ thường”, một bộ phận trong cương lĩnh này đã lỗi thời, cổ hủ, còn tinh thần tôtem sói thì tràn trề sức sống, vẫn tiếp tục ở các dân tộc tiên tiến nhất hiện nay. Tôtem sói của dân tộc thảo nguyên Mông Cổ, nên là di sản tinh thần quý báu của toàn nhân loại. Nếu người Trung Quốc có thể cắt bỏ phần hủ lậu về mặt tinh thần dân tộc của Nho gia, và cấy vào chỗ trống đó cái mầm tinh thần tôtem sói để nó kết hợp với truyền thống hoà bình chủ nghĩa, coi trọng giáo dục và nghiền ngẫm sách của Nho gia dựng lại tính cách quốc dân, thì Trung Quốc còn có hi vọng. Chỉ tiếc tôtem sói là hệ thống thuần tinh thần mà về mặt văn tự không ghi chép được nhiều. Nhược điểm chí mạng của dân tộc thảo nguyên là lạc hậu về văn hoá văn tự, mà các nhà nho, nhà sử học Trung Quốc hàng ngàn năm quan hệ với dân tộc thảo nguyên cũng chưa từng ghi chép về văn hoá tôtem. Mình nghĩ rằng, những nho sinh đó đã cố ý cắt xén những điều ghi chép trong sử sách. Cho nên bây giờ chúng ta tìm tư liệu về tôtem sói trong sử sách Trung Quốc chẳng khác mò kim đấy biển. Mấy trăm quyển sách ta mang đến đây cũng không đủ dùng, lần sau về thăm gia đình, phải kiếm thêm ít nữa.
Trương Kế Nguyên bỏ thêm mấy cục phân bò khô, nói: Mình có người an hem họ giữ một chức nhỏ ở xí nghiệp sản xuất giấy, nhà xưởng chất đầy sách tịch thu khi lục soát các nhà, công nhân thường xé lấy giấy ở những quyển đóng bằng chỉ, cuộn thuốc hút. Người thích sách có thể đem thuốc lá đến đổi lấy sách kinh điển. Mình làm mã quan lương tháng 70tệ được coi là cao, mua thuốc lá đổi lấy sách thì để mình. Nhưng mà từ khi lập nước đến nay, chính phủ ra sức tuyên truyền diệt sói, “anh hùng” diệt sói trên thảo nguyên sắp trở thành anh hùng của thảo nguyên mới. Lớp trẻ Mông Cổ, nhất là những mã quan, dương quan đã học xong tiểu học hoặc cấp hai, gần như không biết tôtem sói là gì. Cậu xem chúng ta nghiên cứu những cái này phỏng có ích gì?
Trần Trận đang mở nắp vung, ngoảnh lại nói: Nghiên cứu khoa học thực sự thì không hỏi dùng để làm gì, chỉ là tò mò hứng thú. Với lại, làm rõ được vấn đề xưa kia mình không hiểu, sao lại bảo là vô dụng?
Bánh bao nhân thịt ngựa được lấy ra khỏi lồng hấp, bốc hơi ngùn ngụt. Trần Trận luôn đổi tay cầm cho cái bánh, đợi bớt nóng cắn một miếng. Ngon. Vừa thơm vừa mềm. Từ sau nếu có ngựa bị thương, cậu nhớ cho bọn mình một con.
Trương Kế Nguyên nói: Ba lều khác đều có yêu cầu, mình sẽ đưa lần lượt.
Trần Trận nói: Vậy cậu lấy lại cho mình những chỗ bị sói cắn, mình phải nuôi sói con.
Hai người ăn một mạch hết một típ bánh. Trần Trận rất thoải mái. Cậu đứng dậy nói: Mình không nhớ đây là lần thứ mấy ăn thức ăn của sói. Nào, ta chơi trò “ném sói bánh bao”!
Đợi bánh bao nguội, Trần Trận và Trương Kế Nguyên mỗi người cầm một chiếc, phấn khởi bước ra ngoài đi về phía con sói. Trần Trận gọi: Sói con ăn cơm! Hai chiếc bánh được đặt nhẹ lên đầu và lên lưng con sói. Nó sợ cụp đuôi “oắc” lên một tiếng chui luôn xuống hang, bánh bao bị Ilưa và con Vàng cướp mất. Hai người ngớ ra một lúc mới phản ứng. Trần Trận cười nói: Chúng mình ngốc quá, sói con từ nhỏ tới giờ chưa ăn bánh bao. Ném sói bằng bánh bao, vô tích sự. Con sói vốn tính đa nghi, mình nuôi nó mà nó chẳng tin mình. Chắc hản nó coi bánh bao nhân thịt là hòn đá. Mấy hôm nay, lũ trẻ Mông Cổ đi qua có đứa lấy đất ném nó.
Trương Kế Nguyên vừa cười vừa đi đến bên miệng hố, nói: Con sói hay thật, mình phải bế nó lên và thơm nó một cái. Trần Trận nói: Sói con chỉ quen với mình và Dương Khắc, ngay cả Cao Kiện Trung cũng không được bế, đụng vào là cắn. Cậu nên thôi thì hơn.
Trương Kế Nguyên cúi xuống gần miệng hang, gọi: Sói, đừng quên là tao đem thịt ngựa đến cho mày đấy nhá. Ăn no rồi, không nhận tao phải không? Trương Kế Nguyên còn gọi mấy tiếng nữa nhưng sói con chỉ nhe răng nhe lợi mà không lên. Cậu ta vừa lôi sợi xích, sói con đã vọt lên há miệng cắn khiến Trương Kế Nguyên ngã bổ chửng. Trần Trận ôm lấy cổ con vật mới đè được nó xuống và luôn tay xoa đầu nó. Trương Kế Nguyên đứng dậy phủi bụi đất trên người, vừa cười vừa nói: Được lắm, sói hoang cũng chỉ dữ đến thế. Lần sau mình sẽ đem cho nó ít thịt ngựa.
Trần Trận kể lại cho Trương Kế Nguyên nghe tiến hú của sói đã gây ra bao nhiêu phiền toái. Trương Kế Nguyên đổi cuốn “Sói biển” lấy cuốn “Thế giới thông sử”. Cậu nói với Trần Trận: Theo kinh nghiệm của mình, đêm nay sói sẽ đến. Phải hết sức cẩn thận, đừng để sói cướp mất sói con. Phải tinh, sói sợ nhất thuốc nổ, nếu nó tấn công đàn cừu thì đốt pháo nhị thanh. Lần trước mình đem về cho các cậu một bó, kiểm tra lại đi, bị ẩm thì nổ không đanh.
Trần Trận nói: Dương Khắc dùng giấy dầu gói lại, cất phía trên cùng của hòm gỗ, chắc chắn không ẩm. Hôm trước đụng độ với đám lưu manh cậu ta đốt ba quả, nổ rung trời đất!
Trương Kế Nguyên vội vã phóng về chỗ đàn ngựa.