Vũ khí của Đột Quyết có cung tên, minh đích tiên bắn đi phát ra tiếng kêu gặp thương đao kiếm. Chốp cán có gắn đầu sói bằng vàng. Lính thị vệ gọi là Phụ Ly, tiếng Đột Quyết nghĩa là sói. Do sói sinh ra nên không quên gốc.
"Chu Thư. Đột Quyết"
Batu được Saxuleng tìm thấy trong một cái chuồng cừu cũ ở phía nam đầm lầy sau khi bão về một đêm và sáng hôm sau. Khi ấy anh đã bị thương đi không nổi, sắp chết vì lạnh. Saxuleng vực Batu lên con ngựa bị thương của cậu, đưa Batu về nhà. Để tổ điều tra nắm được đầu đuôi sự việc, Batu gượng đau cùng đến hiện trường. Hai mã quan kia tuy thương tích đầy mình, vẫn bị tạm giam để điều tra.
Trần Trận đi sau ông Pilich, cuối đoàn. Cậu hỏi nhỏ: Bố, trên sẽ xử lý thế nào về anh Batu?
Ông già dùng bao tay gạt sương trên bộ râu dê lưa thưa, cặp mắt đồng tử màu hổ phách ẩn chứa một tình cảm phức tạp. Ông không ngoảnh lại, mắt vẫn nhìn ra dãy núi xa xa, nói: Thanh niên trí thức các cậu thấy cần kỷ luật nó hay sao? - Quay lại, ông bổ sung một câu - ban quản lý mục trường và đại diện quân đội rất coi trọng ý kiến của các cậu. Mời các cậu đi cùng là để các cậu cho ý kiến.
Trần Trận nói: Batu là một hảo hán, anh ấy vì đàn ngựa mà suýt mất mạng, tiếc rằng anh không gặp may. Con thấy cứu được đàn ngựa hay không thì anh Batu vẫn là anh hùng thảo nguyên. Con ở với bố một năm, Batu là anh cả của con. Con hiểu thái độ của Bao Thuận Quý, ý kiến của con chẳng có ý nghĩa gì, sẽ không được coi trọng. Với lại các thanh niên trí thức cũng không thống nhất ý kiến. Con nghĩ, bố là đại biểu mục dân nghèo, lại là Ủy Viên Ủy ban cách mạng, mọi người đều nghe bố, bố nói thế nào, chúng con sẽ nói như thế.
- Những thanh niên trí thức khác nói gì? - Ông già hỏi.
- Các thanh niên trí thức đội con đều nhận xét tốt về anh Batu. Đợt bão tuyết sói này khủng khiếp quá, ai rơi vào hoàn cảnh ấy cũng thế thôi. Không thể kỷ luật anh Batu! Vậy mà có người bảo, có kẻ lợi dụng thiê tai để phá hoại, chống quân đội, chống cách mạng, nhất định phải điều tra thành phần xuất thân bốn mã quan!
Sắc mặt ông già càng u ám, ông không hỏi nữa.
Đoàn người vòng qua phía đông đầm lấy tới địa điểm Batu nổ súng lần cuối. Trần Trận cố trấn tĩnh, cậu chuẩn bị tinh thần mục kích cảnh tàn sát đẫm máu.
Vậy mà không trông thấy giọt máu nào. Tuyết dày hơn thước đã phủ kín tất cả những gì đêm trước đã diễn ra, chí ít là đầu những con ngựa mà cũng không thấy. Mặt đầm lổn nhổn những mô tuyết, giữa các mô là tuyết dày, sau mỗi mô là một đuôi tuyết dài do gió tạo nên, giấu đi những xác ngựa lẽ ra rất nổi bật. Mọi người lặng nhìn, không ai xuống ngựa, không người nào muốn vén tấm chăn tuyết, chỉ đứng đó tưởng tượng sự việc đã diễn ra.
Tiếc quá - Ông Pilich mở miệng đầu tiên. Ông giơ roi chỉ bờ đầm phía đông - Các vị xem, chỉ chạy thêm một quãng ngắn nửa là không việc gì. Batu dẫn được đàn ngựa từ Bãi Bắc về đây quả không dễ. Bão to sói đông cứ cho là người không sợ, nhưng con ngựa có sợ không? Batu từ đầu chí cuối bám đàn ngựa quyết tử với lũ sói. Nó đã làm tròn trách nhiệm.
Ông già không câu nệ, thanh mình cho con trai.
Trần Trận lại gần Bao Thuận Quý, nói: Vì tài sản của tập thể mà Batu đã chiến đấu suốt đêm với sói. Nên báo cáo lên trên sự tích anh hùng này.
Bao Thuận Quý trừng mắt quát: Gì mà anh hùng! Anh ta bảo vệ được đàn ngựa thì mới là anh hùng - Quay lại, ông ta giận dữ bảo Batu - Tại sao hôm ấy cho ngựa ăn cỏ ở Bãi Bắc? Chăn ngựa bấy nhiêu năm, chẳng lẽ anh không biết hể nổi gió bắc là đàn ngựa chạy xuống đầm lầy? Trách nhiệm lớn nhất của anh là ở điểm này.
Saxuleng dập đầu vào bụng ngựa, ngẩng lên cãi: Đó là bãi chăn do bản quản lý chỉ định, còn nói rằng ở đó còn nhiều cỏ thu và cỏ xuân thì đã mọc mầm. Những con ngựa chiến đi xa, cần được ăn uống tốt, béo lên một chút để các kỵ binh dân quân vui vẻ tiếp nhận. Tôi còn nhớ anh Batu hôm ấy nói tại hội nghị "Năm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất", rằng chăn ở Bãi Bắc không an toàn. Nhưng ban quản lý bảo, mùa xuân phần lớn là gió tây bắc. Ai ngờ lại có gió bắc? Ông cũng đồng ý với ban quản lý, vậy sao khi sinh chuyện ông lại đổ hết cho Batu?
Mấy ông trong ban quản lý không nói gì. Trưởng bãi Ulichi đằngg hắng một tiếng, nói: Saxuleng nói đúng, quả là có chuyện ấy. Mọi người ai cũng có tâm, muốn đàn ngựa béo khoẻ, góp chút công sức cho cuộc chiến. Ai ngờ lại xảy ra cơn bão, lại là bạch mao phong, lại thêm đàn sói, trăm năm mới gặp một lần. Tôi là người nắm sản xuất, tôi xin chịu trách nhiệm trong chuyện này.
Bao Thuận Quý giơ roi chỉ vào mũi Saxuleng, nói: Trách nhiệm của anh cũng không nhỏ. Ông Pilich nói đúng, chỉ chạy một quãng nữa là thoát nạn, nếu ba anh không bỏ chạy mà cùng Batu dồn đàn ngựa thì không đến nỗi sinh chuyện.
Ông Pilich dùng cây gậy dằn cây roi của Bao Thuận Quý xuống thấp, nghiêm mặt nói: Thưa ông đại diện quân đội, ông tuy là người Mông nông nghiệp, nhưng cũng nên hiểu phong tục của người Mông du mục. Trên thảo nguyên chúng tôi, không cho phép chỉ roi vào mũi người khác khi nói. Chỉ có bọn vua chúa, bọn Đaichi, bọn chủ bãi chăn thả mới làm như thế. Không tin, ông đi hỏi thủ trưởng phân khu. Đợt kiểm tra sắp tới ông ấy về đây, tôi và ông sẽ hỏi.
Bao Thuận Quý chuyển roi ngựa sang tay trái, chỉ ngón trỏ vào mặt Saxuleng, quát: Còn anh nữa, sao không xuống ngựa xúc tuyết? Xúc đi chứ! Tôi cần kiểm tra từng cái xác, để xem sói lợi hại đến mức nào mà tất cả đều đổ lên đầu chúng? Mao Chủ Tịch đã dạy: Nhân tố con người quyết định tất cả!
Mọi người xuống ngựa, cầm lấy xẻng gỗ, xẻng sắt và chổi tre, bắt đầu dọn tuyết. Bao Thuận Quý vẫn ngồi trên yên, lấy máy ảnh Hai Âu ra chụp làm tư liệu, miệng sa sả: Dọn sạch, dọn hết! Vài hôm nữa, tổ điều tra quân sự Minh và Kỳ (cấp huyện) cũng về điều tra tiếp.
Trần Trận cùng các ông Ulichi, Pilich và Batu lội sâu vào tận trong cùng, băng phía dưới chưa tan, tuyết phía trên kêu lạo xạo dưới chân. Ông già Pilich nói, chỉ cần xem con ngựa trong cùng có bị sói ăn thịt không, sẽ biết đàn sói lợi hại đến mức nào!
Trần Trận vội hỏi vì sao.
Ông Ulichi nói: Cậu thử nghĩ mà xem, vì rằng càng vào sâu bên trong càng nguy hiểm, sói cũng biết thế. Vậy nếu con ngựa này cũng bị cắn chết, thì đúng là đàn sói vô cùng nguy hiểm.
Ông già ngoảnh lại bảo Batu: Có bắn cũng chẳng ăn thua!
Batu nhăn nhó khổ sở: Con đem theo có mười viên đạn, chỉ một lúc là hết nhẵn. Bạch mao phong át hết tiếng sút. Sói sợ bỏ chạy, nhưng khi thấy hết đạn, chúng liền quay lại. Trời tối, đèn lại sắp hết pin, con nâng tầm bắn cao lên một thước.
- Khi ấy đâu có nghĩ dài dòng - Batu dùng ngón tay ấn nhệ vết thương trên mặt, nói - Trời tối mà tuyết thì lớn, chỉ sợ bắn phải ngựa. Con cầu trời tạnh gió, đầm không đóng băng, sói không ra được, ngựa sẽ sống sót một số. Con nhớ là đã nâng đầu nòng lên một thước.
Ông già Pilich và Ulichi thở dài nhẹ nhõm.
Đến bên mô tuyết trong cùng, Batu do dự một thoáng, rồi nhanh nhẹn xúc sạch tuyết ở chỗ đầu con ngựa. Mội người lập tức bị sốc. Con ngựa bạch to lớn bị cắn đứt một nửa cổ, đầu ngật ra phía lưng, mắt lồi hẳn ra ngoài như quả trứng muối bóc vỏ, trong suốt. Sự sợ hãi tột độ còn hằn trên khuôn mặt ngựa. Thật kinh khủng! Tuyết dưới đầu ngựa đã đóng băng, thấm máu tươi, xẻng xúc không vỡ. Mọi người hì hục xúc và quyét, hai thân ngựa lộ ra. Trần Trận có cảm giác đây không phải là những vết cắn, mà như một quả tạc đạn nổ trong bụng, hai bên sườn vỡ toạc, ruột gan văng ra ngoài xa vài mét, một nửa mông không còn, xương lộ ra trắng hếu. Rải rác trên tuyết những đoạn xương, những mảnh da và lông. Sói chỉ ăn tim gan và một ít thịt bắp. Con ngựa chỉ là đối tác cho sót trút cơn giận. Trần Trận nghĩ, hình phạt phanh thây đối với con người phải chăng học từ sói? Hay là phần thú tính của nhân tính cùng một nguồn gốc với chất sói trong thú tính? Trong các cuộc đấu tranh trong lịch sử nhân loại, quả thật người ta đã áp dụng luật sói đối với nhau. Mục kích cuộc tàn sát quy mô lớn của sói, thú tính trong con người Trần Trận cũng nổi dậy, cậu tiếc không chộp ngay được một con sói để lột da, cắt gân cho hả giận! Chẳng lẽ người đánh bạn với sói lâu ngày sẽ biến thành sói? Hoặc con người ngày càng nhiễm chất thú!
Mọi người lặng nhìn. Trần Trận cảm thấy chân tay lạnh thấy xương!
Ông già Pilich hai tay tì lên cán xẻng, vẻ đăm chiêu, nói: Có lẽ đây là đàn sói nếu không đông nhất nhì thì cũng đông thứ ba tôi thấy trong đời. Con đầu đàn mà bị cắn xé đến như thế này, thì những con khác tôi không cần xem nữa, đảm bảo không còn con nào nguyên vẹn.
Ulichi mặt sa sầm, thở dài: Con ngựa này tôi cưỡi hai năm, bắt được ba con sói. Nó chạy nhanh nhất nhì trong đàn. Năm xưa tôi là đại đội trưởng kỵ binh đem quân đi tiễu phi, chưa khi nào được cưỡi con ngựa nào hay như nó. Chiến lược chiến thuật của đàn sói này còn hay hơn cả bọn phỉ họ Mã năm xưa. Chúng triệt để lợi dụng bạch mao phong và đầm lầy khiến ta cảm thấy con ngựa lười suy nghĩ. Nếu tôi thông minh hơn sói một chút thì con ngựa này không chết. Để xảy ra chuyện này, tôi xin chịu trách nhiệm, giá khi ấy tôi khuyên lão Bao một câu thì đâu đến nỗi!
Trần Trận vừa nghe chuyện hai ông già, vừa nghĩ chuyện của mình ở Trung Quốc, người ta thường coi hổ bảo sài lang là mãnh thú. Nhưng hổ báo là loại thú hiếm, không sống theo bầy đàn, chuyện về chúng không nhiều. Còn sài lang (sói) thì tương đối phổ biến, đâu cũng có. Chúng sống thành đàn, có nhiều chuyện động trời. Sói là loại thú dữ uy hiếp con người lớn nhất, nhiều nhất, lập lại nhiều lần nhất. Trên thảo nguyên, sói là thiên đích lớn nhất của người, ngựa, bò, cừu. Vậy vì lẽ gì các tộc trên thảo nguyên lại sùng bái sói? Trần Trận rút lại lập trường mà gần đây cậu mới xác lập.
Bãi tha ma đã dọn được quá nửa, mặt đầm thây ngựa ngổn ngang, máu loang tuyết trắng đỏ ngầu, chẳng khác mặt trăn bị bom đạn cày đi xới lại. Những sinh mệnh đầy sức sống chuẩn bị ra trận bị phạt ngang, biến thành mồi cho pháo đạn. Cảnh tượng thê thảm của từng con, cùng một đạng với con ngựa bạch. Xác ngựa dầy đặc, xương cốt chân cẳng lẫn lộn, chỉ căn cứ vào cái đầu và màu lông để đếm. Hai mã quan ngồi xổm trên băng, dùng bao tay và cả vạt áo khoác lau mặt ngựa, vừa lau vừa khóc. Mọi người thẩn thờ vì thảm cảnh trước mặt. Trần Trận và mấy thanh niên trí thức Bắc Kinh chưa bao giờ mục kích cảnh tàn sát tập thể dã man kiểu này, nên cứ đứng nhìn nhau, không thốt được lời nào. Phản ứng đầu tiên của đám thanh niên trí thức là, người nào trong chúng ta gặp đàn sói này, thì có bị phanh thây như đàn ngựa không?
Trước mắt Trần Trận hiện ra cảnh thảm sát Nam Kinh, qua tính cách của sói, cậu nhìn thấy tính chất phát xít của bọn giặt Nhật. Cơ thể cậu phản ứng dữ dội: Kinh tởm, phẫn nộ, buồn nôn, muốn nguyền rủa, muốn giết hết lũ sói. Một lần nữa, cậu buột miệng nói trước mặt ông già Pilich: Loài sói dã man quá! Dã man hơn cả bọn phát xít Nhật! Phải xé xác chúng mới hả giận!
Ông già nhìn Trần Trận, mặt như chằm đổ nhưng giọng nói thì chắc nịch: Tính phát xít của Nhật Bản là có từ trong máu, không phải học từ sói. Tôi đã đánh Nhật tôi biết, Nhật không có thảo nguyên lớn, không có đàn sói lớn. Người Nhật thấy sói bao giờ chưa? Vậy mà chúng giết người như ngoé? Tôi dẫn đường cho Hồng quân Liên Xô, đã từng thấy những việc lầm của người Nhật. Đường Thạch Tử là con đường từ mục trường ta đi Cát Lâm, Đông Bắc, riêng sửa đường đã chết bao nhiêu người? Xương trắng đầy hai bên đường, mỗi hố to chất đống mười mấy sinh mạng, một nửa là người Hán, một nửa là người Mông.
Ulichi nói: Chuyện này cũng không nên chỉ quy tội cho sói. Con người cướp hết lương thực cứu đói của sói, bắt đi bao nhiêu sói con, làm sao nó không trả thủ? Có trách là trách chúng ta không trông nom đàn ngựa cẩn thận. Sói rất ham sống, nếu không cùng đường, sói không cắn người. Người có chó, có súng, có thòng lọng. Trên thảo nguyên sói sợ người, đa phần sói bị người giết. Còn giặc Nhật thì sao? Trung Quốc chúng ta chưa bao giờ xâm lược họ, còn giúp họ nhiều chuyện, vậy mà họ giết người Trung Quốc như ngoé!
Ông già Pilich rõ ràng là không bằng lòng, lườm Trần Trận, nói: Người Hán ngồi không vững trên yên ngựa, ngồi đã không vững thì khi bị vấp dễ lộn cổ xuống đất.
Trần Trận rất ít khi bị ông già mắng. Lời ông khiến đầu óc cậu sáng ra. Cậu hiểu ý tứ trong câu nói của ông. Cậu nhận thấy tôtem sói ngự trong ông già vững vàng hơn kỵ sĩ Mông Cổ ngồi trên lưng ngựa. Các dân tộc thảo nguyên qua ngàn năm vật đổi sao dời, nhưng tôtem sói thì nghiễm nhiên tồn tại cho đến bây giờ, không dao động mảy may vì cái chết của bảy tám chục con ngựa chiến. Trần Trận chợt nhớ lại những câu: Hoàng Hà trăm hai, không lai một giầu", "Hoàng Hà vỡ đê, người biến thành cá", "Hoàng Hà sông Mẹ", "Hoàng Hà - cái nôi của dân tộc Trung Hoa". Dân tộc Trung Hoa không vì Hoàng Hà gây trăm hại mà không gọi bằng "Mẹ". Thì ra, trăm họa có thể song hành với Mẹ. Tôtem sói của dân Mông Cổ cũng được coi trọng như "sông Mẹ" của dân tộc Trung Hoa.
Bao Thuận Quý cũng không nhăn nhó nữa. Ông ta vẫn ngồi trên mình ngựa để quan sát hiện trường rõ ràng hơn. Ông ta không hề nghĩ rằng sói Mông Cổ lại tàn bạo đến như vậy, cũng không nghĩ rằng đàn ngựa đông như thế mà vẫn bị sói xơi tái. Ông ta ngạc nhiên từ đầu đến cuối. Trần Trận trông thấy ông ta run run khi cầm máy ảnh, ông ta liên tục đổi cách cầm mới không bị rơi.
Ông già Pilich và ông Ulichi xúc tuyết bên một lô xác ngựa ở giữa đầm, hai ông đào bới như đang tìm cái gì ở đó. Trần Trận vội đến đào giúp. Cậu hỏi ông già Pilich: Bố tìm cái gì thế? Ông già trả lời: Tìm đường đi của sói. Kìa cậu, xúc nhẹ thôi! Trần Trận cẩn thận lựa chỗ đặt chân rồi cúi xuống quan sát. Lát sau ba người đã tìm ra con đường của sói - con đường tuyết dày bốn lóng tay, rất rắn, được hình thành trên mặt bùn nhão. Quét sạch lớp tuyết xốp mới phủ bên trên thì thấy dấu chân sói, to thì như chân bê, nhỏ như chân chó gộc. Mỗi dấu để lại vết lỏm, có vết còn vương máu ngựa.
Ông Ulichi và ông già Pilich gọi mọi người lại, tập trung quét sạch con đường sói. Ông bảo, quét sạch tuyết sẽ đoán được đàn sói lớn hay nhỏ. Quét được một lúc, mọi người nhận thấy đường sói không thẳng mà cong, quét tiếp lại thấy đó là đường cánh cung, quét hơn một giờ, thì ra nó là một đường tròn, một đường tròn bằng tuyết rắn, trong tuyết có máu, mặt đường cao hơn mặt bùn một cạnh bàn tay, băng thấm máu tươi khiến người kinh hãi, y như con đường dẫn xuống âm phủ, như một đồ thị đầy những ký hiệu quái quỉ. Đường rộng hơn mét, chu vi năm sáu chục mét, bên trong tập trung rất nhiều xác ngựa. Mặt đường dày đặc những dấu chân sói vấy máu. Mọi người sợ run, bàn tán sôi nổi:
- Tôi ngần này tuổi đầu chưa bao giờ thấy dấu chân sói to như thế?
- Đâu phải sói, yêu quái thì có!
- Đông khiếp!
- Ít nhất cũng bốn năm chục con. Batu bợm thật! Một mình mà dám chơi đàn sói này. Phải tôi thì đã ngã ngựa, làm mồi cho sói rồi!
- Đêm ấy tối trời mà tuyết thì lớn, cháu chẳng nhìn thấy gì, đâu biết đàn sói đông như thế.
- Rồi ta sẽ gặp nhiều rắc rối đây!
- Đám con gái còn dám đi đêm nữa không?
- Các ông trên mục trường bộ thiển cận quá, cướp sạch thức ăn dự trữ cứu đói của sói, khiến chúng nổi khùng. Tôi mà là sói, tôi chén sạch gà lợ của các vị ấy.
- Ông nào dở thế không biết. Đào bắt bao nhiêu là sói con, hèn gì chúng chẳng nổi điên? Những năm trước bắt ít, đàn ngựa có sao đâu!
- Ban quản lý cũng nên làm vài việc nghiêm chỉnh. Phải tố chức diệt sói. Cứ đà này, sói sẽ ăn thịt người!
- Bớt họp đi, tập trung vào những việc thiết thực.
- Tình hình này thì đàn gia súc không đủ cho sói tráng miệng.
- Lãnh đạo mục trường có một số xuất thân nông nghiệp, làm toàn những chuyện thất đức nên Trời sai sói xuống cho một bài học.
- Đừng có phát ngôn bừa bãi! Có muốn đấu tố không?
.......
Bao Thuận Quý cùng Ulichi và ông già Pilich quan sát, chụp ảnh con đường của sói, chốc chốc lại trao đổi ý kiến. Nét mặt cau cau của ông, Bao Thuận Quý bắt đầu giãn ra. Trần Trận đoán ông già đã tác động được vào "nhân tố con người quan trọng nhất" của ông ta. Tai họa cỡ này, con người làm sao chống lại? Tổ nào về điều tra cũng vậy thôi, nhìn hiện trường là thấy sức người khó mà đối phó, nhất là với bầy sói ranh ma quỷ quyệt lợi dụng bạch mao phong tấn công về đêm.
Trần Trận thấy đỡ lo cho ông già Pilich và ông Ulichi.
Trần Trận bắt đầu suy nghĩ về con đường của sói, một đường tròn ma quái khiến người rợn tóc gáy. Nó như xiết từng vòng quanh ngực cậu, vòng sau chặt hơn vòng trước, khiến cậu tức thở. Vì sao lũ sói chạy một đường tròn như vậy? Động cơ nào? Mục đích gì? Hành vi của sói thảo nguyên người ta không hiểu. Mỗi dấu vết của sói để lại thường là câu hỏi hóc búa.
Chống lạnh ư? Để cho nóng người lên? Có thể như thế. Bởi vì đêm ấy có bạch mao phong, lạnh ghê gớm. Đàn sói đang chạy đường dài mà đột ngột dừng lại, chắc không chịu nổi rét, nên sau khi ăn no, chúng chạy cho nóng người lên.
Giúp tiêu hóa chăng? Tiêu hao năng lượng để có thể ăn thêm. Cũng có thể. Bởi vì sói không phải loài chuột. Chuột biết tích trử lương thực trong hang. Sói không biết để dành, muốn sử dụng thức ăn được nhiều hơn, sói chỉ mỗi cách nhồi nhét, sau đó chạy để tiêu hóa nhanh thức ăn, tăng nội dưỡng, tạo ra chỗ trống trong dạ dày để rồi nhồi tiếp. Nhưng đó phải là loại dạ dày sắt thép, đàn hồi, cao su, hoặc là không có manh tràng (ruột thừa) nên không sợ viêm. Nếu vậy thì đáng sợ.
Hay là chúng duyệt binh, chuẩn bị cho trận đánh tiếp? Hay là chúng điểm quân? Cũng có thể. Xem dấu chân ta thấy sói rất có ý thức tổ chức kỷ luật. Con đường chỗ nào cũng rộng hơn mét, rất ít bước ra ngoài. Không phải là duyệt binh thì làm sao đội ngũ chỉnh tề như thế? Nói chung, sói độc lập tác chiến, hoặc hành động theo nhóm, một nhóm bốn năm con, tổ chức vây ráp thì chỉ một gia đình bảy tám con, còn tác chiến với quy mộ binh đoàn thì rất hiếm. Trần Trận không thể hiểu, sói vốn quen độc lập tác chiến, vì sao bỗng dưng chuyển sang vận động chiến với quy mô binh đoàn? Năm xưa Bát lộ quân và Tân tứ quân tốn bao công sức mới nâng cấp được như thế. Chẳng lẽ sói có tài năng quân sự bẩm sinh? Hay tổ tiên nhà sói rút kinh nghiệm từ những cuộc tàn sát đẫm máu, truyền lại cho sói con cháu? Nhưng sói không biết nói thì truyền bằng cách nào? Quả là khó hiểu.
Vậy thì, hay là sói ăn mừng chiến thắng? Hay là một nghi thức trước hay sau khi ăn? Khả năng này cực lớn. Cuộc truy kích thắng đậm, đàn ngựa không sót một con, sói đã bảo thủ tuyết hận, có thể coi là toàn thắng. Đàn sói đói hạ gục một đàn ngựa béo, ai bảo không sướng? Hẳn là khi đó sói sướng như điên, diễu hành rất lâu xung quanh những xác ngựa đến nỗi thành con đường.
Trần Trận lấy cái bụng của con người để hiểu sói, cắt nghĩa một số hành động của sói. Chó hiểu tính người, người hiểu tính sói hoặc sói hiểu tính người. Thiên địa nhân là một. Sói, người, chó không thể không liên quan với nhau. Có lẽ nghiên cứu về người nên bắt đầu nghiên cứu từ sói, hoặc nghiên cứu sói nên bắt đầu nghiên cứu từ người, khoa sói học liên quan mật thiết với nhân học - một bộ môn khoa học vĩ đại.
Một đoàn người theo sau Batu, lần ngược con đường dẫn đến sự cố, lên phía bắc. Trần Trận lại gần ông Pilich, hỏi: Bố, vì sao sói chạy thành một con đường như thế? Ông già nhìn quanh, cố ý buông lỏng dây cương cho ngựa đi chậm lại, nói khẽ: Tôi sống ở Ơlon đã 60 năm, chưa bao giờ thấy đàn sói lớn như thế! Hồi nhỏ tôi cũng từ hỏi ông thân sinh ra tôi. Ông bảo, sói là do Trời sai xuống bảo vệ quả núi thiêng Bayinoloa và thảo nguyên Ơlon. Kẻ nào phá hoại, Trời nổi giận, sai sói xuống cắn chết rồi thưởng luôn cho sói ăn thịt. Mỗi khi được thưởng, sói vui sướng chạy quanh phần thưởng nhiều vòng, tròn như mặt trời mặt trăng. Vòng tròn này là hồi âm của sói, giống như thư cảm ơn bây giờ. Sau khi trời nhận được hồi âm, sói ăn thoải mái. Sói thích ngửa mặt nhìn trăng, hếch mũi lên trời mà hú dài, nếu như trăng có quầng, chắc chắn đêm ấy nổi gió, sói không đi săn mồi. Sói dự đoán thời tiết giỏi hơn người, sói biết khi nào trăng tròn, biết vẽ hình tròn, chính là sói có khả năng thông thiên.
Trần Trận như mê đi, cậu vốn thích thần thoại. Giải thích về đường tròn của sói, bản thân nó đã đầy đủ xét từ góc độ vă học. Vả lại, không thể nói thuyết này không khoa học. Trong quá trình săn bắt lâu dài, người ta đã biết đá đổ mồ hôi thì mưa, trăng có quầng thì gió. Trần Trận tấm tắc: Hay thật! Những quy luật của tự nhiên trên thảo nguyên, mặt trời có quầng, mặt trăng cũng có quầng. Mục dân ra hiệu cho người khác đi tới thì giơ tay vẽ một vòng tròn. Cái vòng tròn đúng là một tín hiệu ma quái! Chuyện của bố làm con tỉnh người, sói thảo nguyên quá giỏi, biết vẽ vòng tròn, biết phát tín hiệu, sợ thật! Ông già Pilich nói: Sói thảo nguyên rất tinh quái! Tôi cả đời đối mặt với chúng mà không khi nào thắng. Tôi không lường trước được sự cố tai hại này. Sói luôn hành đọng đúng lúc, đúng chỗ mà ta không ngờ, đã đến thì cả bầy. Cậu bảo nếu không có Trời giúp thì làm sao sói lợi hại đến như thế!
Đoàn người ngựa phía trước dừng lại, có người xuống ngựa, bới tuyết. Trần Trận thúc ngựa chạy theo ông già lên chỗ đó. Đã phát hiện những xác ngựa, nhưng không tập trung, mà bốn năm con rải thành một vệt. Ở một chỗ xa hơn, có người kêu: Có xác sói! Trần Trận nghĩ, chắc đây là nơi sói tấn công tự sát như Batu đã kể. Và cũng là bước ngoặt dẫn đàn ngựa đến tử vong. Cậu thót tim, trống ngực đập thình thịch.
Bao Thuận Quý vẫn ngồi trên yên, vung cây roi quá đầu quát: Không được lộn xộn! Tất cả quay lại, trước hết bới hai con ngựa, sau đó mới đến sói. Mọi người chú ý kỷ luật chiến trường. Tất cả xung công! Ai vi phạm sẽ bị đưa đi học tập cải tạo.
Mọi người nhanh nhẹn tập họp xung quanh hai con ngựa, bắt đầu gạt tuyết.
Hai con ngựa đã lộ ra. Ruột gan tim phổi của từng con đều bị chính nó giẫm nát, vương vãi đến mấy chục mét. Hai con này không bị sói xé xác sau khi chết. Có lẽ chúng đã ăn no ở chỗ đầm lầy nên bỏ qua. Tuy vậy, Trần Trận vừa bới vừa nghĩ, con ngựa này tuy không bị xé xác, nhưng cái chết của chúng thê thảm hơn, đáng sợ hơn cái chết của đồng loại ở đầm lầy, cặp mắt thất thần khi chết gây một ấn tượng hãi hùng.
Bao Thuận Quý giận giữ gầm lên. Lũ sói này tàn bạo như giặc Nhật! Làm sao chúng nghĩ ra cái cách cắn rách bụng để ngựa tự lôi ruột ra mà chết cơ chứ! Độc ác quá đi mất! Bọn này đúng là tinh thần võ vĩ đạo của bọn Nhật, dám tấn công tự sát. Sói Mông Cổ thật đáng sợ. Tôi mà không giết sạch chúng thì chớ kể.
Trần Trận không nhịn được, xen vào: Không nên coi tự sát là tinh thần võ sĩ đạo của bọn Nhật. Đổng Tồn Thụy, Hoàng Kế Quang, Dương Văn Tư dám cùng chết với kẻ thù, nhưng đó không phải võ sĩ đạo. Một con người, một dân tộc nếu không có tinh thần thà chết chứ không chịu khuất phục, không dám chết cùng kẻ thù thì chỉ có làm nô lệ, bị người khác thống trị. Tinh thần tự sát của sói vận dụng đúng chỗ thì là anh hùng, đáng ca ngợi, không đúng chỗ thì là võ sĩ đạo của chủ nghĩa phát xít. Nhưng nếu không tinh thần quyết tử thì cầm chắc không thể thắng tinh thần võ sĩ đạo.
Bao Thuận Quý im lặng hồi lâu, hừm một tiếng: Cái đó thì đã hẳn.
Ulichi nét mặt đăm chiêu, nói với Thuận Quý: Kiểu tấn công tàn bạo này thì Batu và đàn ngựa làm sao chống lại? Batu quần nhau với sói từ Bãi Bắc về đến đây quả không đơn giản. Không chết người là may rồi. Cứ để tổ điều tra về đây, tôi tin là họ sẽ có kết luận chính xác.
Bao Thuận Quý gật đầu, ông ta bắt đầu dịu giọng, hỏi Batu: Khi ấy cậu có sợ lũ sói ăn thịt con ngựa cậu đang cưỡi không?
Batu ngượng nghịu trả lời: Cháu căng thẳng đến mức chẳng còn nghĩ gì khác. Tiếc quá, chỉ chút nữa là thoát đầm lầy!
Bao Thuận Quý lại hỏi: Thế sói không vồ cậu à?
Batu chìa cây gậy thép ra trước mặt Bao Thuận Quý: Cháu đập gãy răng cửa một con, đánh giập mũi một con khác bằng chiếc gậy này, nếu không, chắc là bị chúng xé xác. Các cậu Saxuleng không được trang bị súng, gậy, nên không có phương tiện phòng thân. Đừng kết tội họ đào ngũ.
Bao Thuận Quý cầm cây gậy nắn thử, khen: Gậy này thì hay rồi. Cậu cũng tàn bạo đấy chứ! Tốt, với sói thì càng tàn bạo càng tốt. Cậu can đảm, có bản lĩnh, khi cấp trên về điều tra, nhớ kể tường tận chuyện đánh nhau với sói.
Nói xong, Bao Thuận Quý trả lại cây gậy cho Batu rồi ngoảnh lại nói với Ulichi: Tôi thấy sói Mông Cổ khủng khiếp quá, đầu óc hơn con người. Tôi đã hiểu cách đánh của chúng. Chúng có mục tiêu cụ thể, đó là bằng mọi giá dồn đàn ngựa xuống đầm lầy. Anh xem này - Ông ta xoè bàn tay - Sói biết thời tiết, biết đánh gần, biết chọn thời cơ, biết địch biết ta, biết chiến lược chiến thuật, biết đánh đêm, biết đánh du kích, biết đánh cơ động, biết đánh lén, biết tập trung ưu thế binh lực đánh tiêu diệt, lại còn xây dựng kế hoạch tác chiến, từng bước tiêu diệt đàn ngựa. Binh pháp này có thể đưa vào sách giáo khoa quân sự! Hai ta xuất thân bộ đội, tôi thấy trừ trận địa chiến, đánh lấn bằng giao thông hào là sói chưa biết, còn thì toàn bộ chiến lược chiến thuật của du kích, của Bát lộ quân, sói biết hết. Không ngờ sói thảo nguyên tài tình đến thế, cứ tưởng chúng hữu dũng vô mưu, chỉ biết trộm gà bắt chó...
Ulichi nói: Kể từ khi tôi chuyển ngành về đây, chưa thấy mình đã xa chiến trường. Quanh năm chiến đấu với sói, súng bất li thân, giờ đây tôi bắn còn chuẩn hơn lúc ở bộ đội. Đúng như anh nói, sói rất giỏi binh pháp, chí ít biết vận dụng hữu hiệu những nguyên tắc quan trọng trong binh pháp. Đối mặt với sói mấy chục năm, tôi đã học được nhiều điều. Giờ mà cho tôi đi tiễu phỉ, bảo đảm là tôi làm tốt.
Trần Trận càng nghe chuyện càng mê, vội hỏi: Vậy binh pháp của người là học từ sói?
Ulich mắt sáng lên, nói với Trần Trận: Đúng, rất nhiều điều trong binh pháp con người học từ sói. Trước kia dân thảo nguyên vận dụng binh pháp của sói đánh nhau với dân tộc nông nghiệp bên quan nội. Người Hán không chỉ học dân du mục mặc áo ngắn, quần đi ngựa, cưỡi ngựa bắn cung mà dân sách vở gọi là "Hồ phục kị xạ", còn học binh pháp của sói từ dân du mục. Năm học bổ túc chuyên ngành chăn nuôi ở Hồi Hột, tôi đọc khá nhiều binh thư, thấy binh pháp Tôn Tử không khá mấy binh pháp của sói. Thí dụ: "Biết mình biết người, binh quý ở thần tốc, ra quân khi địch không ngờ, tiến đánh khi địch chưa kịp chuẩn bị"... sói thuộc lòng từng khoản.
Trần Trận nói: Vậy mà binh thư Trung Quốc không hề nhắc đến dân tộc và sói thảo nguyên, quả không công bằng chút nào!
Ulichi nói: Sự thua thiệt của người Mông Cổ là lạc hậu về văn hóa, ngoại trừ cuốn "Mông Cổ bí sử" là có giá trị, còn những sách khác chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể.
Bao Thuận Quý bảo Ulichi: Xem ra, ngành chăn nuôi trên thảo nguyên phải nghiên cứu kỹ về sói, phải nghiên cứu binh pháp, nếu không sẽ thiệt. Muộn rồi, ta đi xem mấy con sói chết, tôi cần chụp mấy phô ảnh.
Hai ông đầu ngành đi rồi, Trần Trận đứng thần người. Chuyến khảo sát thực địa này khiến cậu càng mê những kỳ tích của mục dân thảo nguyên và Thành Cát Tư Hãn. Chỉ vẻn vẹn hơn một vạn quân kỵ mà Thành Cát Tư Hãn và các con cháu ông ta tung hoành từ Á sang Âu, tiêu diệt mấy chục vạn thiết kỵ Tây Hạ, một triệu quana của nhà Đại Kim, hơn một triệu thủy quân và kỵ binh Nam Tống. Làm thế nào chiếm được Trung Á, Hungari, Ba Lan, toàn bộ nước Nga, Iran, Ấn Độ, lại còn bắt Hoàng Đế Đông La Mã thực hiện chính sách hòa thân của Trung Quốc, gả công chú Mali cho chắt của Thành Cát Tư Hãn, dựng nên một đế quốc lớn nhất trong lịch sử thế giới? Một dân tộc bé nhỏ khi khởi nghiệp ngay cả chữ viết và mũi tên bằng sắt chưa có, vẫn phải dùng xương thú làm mũi tên, lấy đâu ra sức mạnh và tri thức quân sự lớn lao đến thế? Đây là một câu đố chưa có lời giải. Hơn nữa, kỳ tích của Thành Cát Tư Hãn và các con cháu không phải ở chỗ lấy thịt đè người, lấy mạnh thắng yếu, mà ngược lại, lấy ít thắng nhiều, thắng bằng mưu trí. Phải chăng họ dựa vào trí tuệ của sói và tốc độ của ngựa? Dựa vào tố chất và tính cách của sói? Và tinh thần dân tộc được nuôi dưỡng bằng Tôtem sói?
Hai năm nay Trần Trận đối mặt với sói, kinh nghiệm và những câu chuyện thu thập cùng với những điều mắt thấy trong khi đi thực địa sói bắt dê vàng, tính kinh điển trong trận sói tận diệt đàn ngựa, khiến Trần Trận càng tin rằng những kỳ tích của Thành Cát Tư Hãn có khả năng từ sói.
Chiến tranh là hành vi vũ lực giữa quần thể này với quần thể khác. Chiến tranh khác về bản chất với săn bắn. Chiến tranh có tiến công, có phòng ngự, hai bên tham chiến đều vũ trang đến trận răng. Còn săn bắn thì con người chủ động hoàn toàn, hầu hết con mồi ở vào thế bị động, bị săn đuổi. Săn thỏ, rái cá trên cạn, dê vàng đều là săn bắn, nhưng là lấy thịt đè người, quyết không phải chiến tranh. Tuy rằng săn bắn có thể học được một số kỹ năng quân sự, nhưng chỉ có chiến tranh thật sự mới cung cấp cho người ta kiến thức toàn diện về quân sự.
Trần Trận lật lại vấn đề: Trên thảo nguyên không có những đàn hổ, đàn báo, đàn gấu, đàn sư tử, đàn voi. Chúng không thể tồn tại trên thảo nguyên Mông Cổ khắc nghiệt. Cho dù chúng thích ứng với điều kiện tự nhiên, cũng không thể thích ứng với những cuộc chiến tranh sinh tồn tàn khốc trên thảo nguyên, không thể chống lại những cuộc vây ráp của sói và người trên thảo nguyên. Chỉ người và sói là cặp đối thủ hạt giống trong cuộc quyết đấu trên thảo nguyên Mông Cổ. Các sách giáo khoa quân sự trước kia cho rằng, kỹ năng quân sự trác việt của dân du mục có nguồn gốc từ săn bắn. Ta không phủ nhận ý kiến này. Nhưng kết luận chính xác phải là, tài năng trác việt của dân du mục bắt nguồn từ cuộc đấu tranh sinh tồn dai dẳng và tàn khốc giữa dân du mục và đàn sói. Đó là một cuộc chiến cân sức, kéo dài hàng vạn năm. Qua thực tiễn lâu dài đó, con người và sói đã rút ra những kinh nghiệm mà sau này các binh thư coi là những nguyên tắc và tín điều cơ bản, tỉ như biết mình biết người, binh quý ở thần tốc, binh không ngại trí trá, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, chuẩn bị sẵn sàng, tránh đụng tinh nhuệ, ra quân bất ngờ, đánh địch lúc chúng chưa kịp chuẩn bị, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh, đả thương mười ngón không bằng chặt đứt một ngón, địch đến ta rút, địch ở ta quấy, địch mệt ta đánh, địch chạy ta đuổi... Sói tuy phân bố khắp địa cầu, tuy thảo nguyên Mông Cổ không có tường cao hào sâu như những vùng văn minh nông nghiệp, nhưng đây vẫn là chiến trường chính trong những cuộc quyết đấu - đấu trí và đấu lực, giữa người và sói.
Theo dòng suy nghĩ đó, Trần Trận cảm thấy mình như đang đứng trước cửa đường hầm năm nghìn năm lịch sử văn minh Hoa Hạ. Trên cao nguyên Mông Cổ, cuộc chiến giữa người và sói lúc ban ngày, lúc ban đêm, chạm trán như cơm bữa, đôi khi lại một trận lớn, xảy ra nhiều hơn tất cả những cuộc chiến tranh giữa sói và người, giữa người và người ở khu vực nông nghiệp cộng lại. Thậm chí về tần suất còn cao hơn các cuộc chiến giữa các bộ tộc du mục phương Tây ngoài chiến trường chính là chiến trường giữa sói và người. Thêm vào đó cuộc chiến dai dẳng, tàn khốc giữa các bộ tộc du mục, những cuộc chiến tranh dân tộc, chiến tranh xâm lược, khiến tài năng quân sự được rèn luyện không ngừng.
Do đó, dân tộc thảo nguyên Mông Cổ thiện chiến hơn, hiểu chiến trận hơn, kiến thức quân sự bẩm sinh ưu việt hơn tất cả các dân tộc nông nghiệp và du mục khác. Từ nhà Chu, Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Hán Đường Tống toàn là những nước văn minh nông nghiệp, có ưu thế tuyệt đối, đất rộng người đông, vậy mà luôn bị một dân tộc du mục bé nhỏ trên thảo nguyên Mông Cổ đánh cho thất điên bát đảo, nhục nhã ê chề. Đến cuối đời Tống thì bị Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ làm chủ trung nguyên trong một thế kỷ. Vương triều cuối cùng của Trung Quốc - triều Thanh, cũng do một bộ tộc du mục sáng lập. Tộc Hán - nông canh không có huấn luyện viên tài giỏi về quân sự, không được thường xuyên rèn luyện trong cuộc chiến đấu với sói. Người Hán cổ có binh pháp Tôn Tử, nhưng chỉ là đánh giặc trên giấy, vả lại, Tôn Tử Binh Pháp có nguồn gốc từ binh pháp của sói.
Trần Trận hình như đã tìm ra cái vực thẳm chôn vùi hàng triệu sinh linh dân tộc Hoa Hạ trong mối họa phương bắc. Và hình như cũng tìm ra thủ phạm gây nên hao tài tốn của trong công cuộc xây dựng trường thành, vét sạch quốc khố Trung Quốc qua các triều đại. Cậu cảm thấy như tỉnh ra, đồng thời lại thấy đầu óc mụ đi vì đau xót. Quan hệ nhân quả giữa muôn vật quyết định lịch sử và số phận con người. Tài năng quân sự giữ nước giữ nhà là cái vốn để lập thân, là cội nguồn của sự tồn vong của một dân tộc.
Mọi người ồ lên rồi chạy ra một chỗ xa. Trần Trận đang mơ màng chợt tỉnh, cũng lên ngựa đuổi theo.
Hai con sói đã được bới lên. Đây là một phần cái giá phải trả của đàn sói cho việc dồn đàn ngựa xuống đầm lầy. Trần Trận bước lại gần con sói. Batu và Saxuleng vừa quét sạch tuyết trên mình nó vừa kể cho mọi người nghe lối đánh phanh bụng ngựa của đàn sói. Con sói trước mặt tương đối nhỏ, đó là một con cái, nửa thân sau bị ngựa giẫm nát nhưng vẫn thấy những bầu vú vồng lên, sữa trộn với máu tươi ướt đẫm.
Ông già Pilich nói: Thương quá! Con sói này chắc là bị người ta bắt mất con, nó gọi cả đàn đến trả thù, bản thân nó cũng không thiết sống. Trên thảo nguyên, làm bất cứ việc gì không nên cạn tàu ráo máng. Chó cùng rứt giậu, mẹ bị dồn vào ngõ cụt là cắn trả.
Trần Trận nói với các thanh niên trí thức: Sử chép rằng, sói mẹ trên thảo nguyên mang thiên chức của tình mẫu tử, chúng nuôi trẻ con. Tổ tiên của dân tộc Hung Nô, Cao Xa là con của sói, được sói mẹ nuôi dưỡng.
Bao Thuận Quý nói xen vào: Nuôi với nấng! Sói ăn thịt người mà lại nuôi trẻ con? Chỉ nói bậy! Người và sói không đội trời chung, phải giết chúng không còn một mống. Chính tôi ra lệnh bắt sói con. Trước kia ta bắt mỗi năm một đợt, tác hại quả có giảm nhưng vẫn chưa đủ, phải giết sạch. Phải bắt bằng hết các ổ sói. Sợ chúng báo thủ hả? Chết sạch rồi còn sống đâu mà báo thù? Tôi chưa rút lệnh, xử lý xong vụ này lại tiếp tục bắt. Hai hộ phải nộp một bộ da, không có sói con thì cho phép nộp sói lớn. Không nộp, trừ công điểm.
Bao Thuận Quý chụp ảnh những con sói chết, rồi hạ lệnh khiêng ra xe.
Mọi người lại tới bên con sói thứ hai. Trần Trận ở cao nguyên đã hơn hai năm, thấy rất nhiều sói, sống có, chết có, nhưng cậu không thấy con nào lớn như con này. Đầu nó to gần bằng đầu con báo, vòng ngực thì lớn hơn, tuyết trên người đã phủi sạch, lớp lông màu vàng rợm, những sợi lông cứng như dây thép thò ra từ đám lông mềm mại. Nửa thân dưới bị xéo nát, máu me vung vãi.
Batu thử đùn cái xác đã đông cứng, không chuyển. Anh lau mồ hôi: Con này hơi chậm, ngoạm không chuẩn. Ngoạm đúng chỗ thì khi ngựa rách bụng, sói rơi ra liền, ngoạn chệch, răng mắc xương, kẹt cứng. Rủi cho nó!
Ông già Pilich nhìn con sói hồi lâu ngồi xuống vạch đám lông đẫm máu ở cổ: Hai lỗ thủng đầy máu. Đám thanh niên trí thức ngạc nhiên. Những lỗ thủng này trông rất quen, thường thấy ở cổ những con cừu bị sói cắn chết. Tất cả bốn lỗ, mỗi bên hai lỗ. Đó là vết răng sói cắn thủng động mạch cảnh. Ông già nói: Con sói này bị ngựa đá trọng thương nhưng chưa chết. Nó bị một con khác sau khi ăn no thịt ngựa, cắn chết.
Bọn sói này ác như thổ phỉ, giết cả thương binh.
Ông già Pilich nhìn Bao, nói: Thổ phỉ chết không được lên trời, còn sói thì lên. Con sói này chết không chết được, sống không sống nổi, thà chết còn hơn. Những con còn sống đành cắn chết nó, thân đỡ khổ mà hồn thì lên trời. Con sói đầu đàn không ác, mà chính là có thiện tâm. Nó sợ đồng loại bị hạ nhục khi rơi vào tay con người. Sói là loại thà chết chứ không chịu nhục. Con đầu đàn không muốn người anh em của nó bị lâm nhục. Anh Bao này, anh xuất thân nghề nông, nơi anh có mấy người thà chết không hàng giặc? Tính cách này của sói thảo nguyên khiến cánh già chúng tôi mỗi khi nghĩ đến lại ứa nước mắt.
Ulichi thấy Bao Thuận Quý có vẻ không vui, vội nói: Anh có biết vì sao sói thảo nguyên chiến đấu hăng như vậy không? Là vì sói luôn khử thương binh nặng, giảm nhẹ gánh năng cho đàn, bảo đảm đội ngũ nòng cốt chiến đấu hiệu quả. Điều này khiến ta phải cẩn thận hơn khi chiến đấu với sói.
Bao Thuận Quý như hiểu ra, gật đầu: Quả vậy, trong chiến đấu, bộ đội thường mất khá nhiều nhân lực: Cáng thương, y tá, bảo vệ, hộ lý, bác sĩ, lại còn xe cộ, bệnh viện... Tôi có làm hậu cần mấy năm, tính ra có đến mười mấy người phục vụ cho một thương binh, quả là một gánh nặng, ảnh hưởng rất nhiều đến sức chiến đấu của bộ đội. Vậy là tính cơ động của sói cao hơn bộ đội, nhưng mà thương binh đa phần chiến đấu hăng, sau khi lành thương, vẫn là nòng cốt của quân đội. Vì sao sói giết thương binh mà lại không ảnh hưởng đến sức chiến đấu của đàn sói?
Ulichi thở dài, nói: Sói dám giết thương binh là có lý do. Sói mắn đẻ, mỗi lứa bảy tám mười, mười mấy con, tỉ lệ sống rất cao. Có lần vào mùa thu, tôi trông thấy con sói mẹ dẫn một đàn mười một con đẻ trong năm, con lớn nhất chỉ ngắn hơn con mẹ nửa cái đầu, chạy nhanh không kém mẹ. Hai năm sau, con cái trong đàn đã sinh con. Bò mẹ đẻ bò cái, ba năm thành năm con. Sói mẹ đẻ sói cái, ba năm bao nhiêu con? Tôi cho rằng, ít nhất một trung đội. Sói bổ sung quân số nhanh hơn người. Sói chỉ hai năm là trưởng thành. Mùa xuân đẻ, mùa xuân năm sau đã là con sói trưởng thành, biết đủ mọi thứ. Chó một tuổi biết bắt thỏ, sói một tuổi biết bắt cừu, trẻ con một tuổi còn mặc quần thủng đít. Người không trưởng thành nhanh bằng sói. Nguồn bổ sung binh lực của sói phong phú, cho nên sói dám giết thương binh. Tôi cho rằng, sói giết sói bởi vì sói đông quá, ngay chúng cũng cảm thấy nhiều. Sói giết sói là thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Cưỡng bức giảm quân số, chỉ để lại quân hùng tướng mạnh, sói thảo nguyên ngàn năm nay nhuệ khí không suy giảm vì lẽ đó.
Bao Thuận Quý mặt giãn ra: Chuyến đi này giúp tôi hiểu hơn về sói. Chống thiên tai có sự hỗ trợ của dự báo thời tiết, còn chống sói thì ai hỗ trợ? Dân nông nghiệp chúng tôi hiểu rất sai về sói thảo nguyên. Đúng là con người không thể chống lại sự cố vừa rồi , trên có về điều tra cũng phải thấy như thế.
Ulichi nói: Phải là con người minh bạch thì mới làm rõ được sự việc.
Bao Thuận Quý nói: Bất kể trên có xuống hay không thì chúng ta vẫn phải tổ chức vài chiến dịch diệt sói. Nếu không, mục trường của ta sẽ trở thành nhà ăn tập thể của đàn sói. Tôi sẽ xin trên ít đạn nữa.
Nhóm thanh niên trí thức chụm lại một chỗ, bàn tán sôi nổi. Hồng vệ binh Lý vốn là học sinh cấp II, cầm đầu đội "thi hành án" hồng vệ binh Bắc Kinh, tỏ ra bức xúc: Sói đúng là kẻ thù giai cấp. Bọn phản động trên thế giới đều là sói dữ. Sói độc ác quá, đã tàn sát đàn ngựa, tài sản của nhân dân, lại giết cả đồng loại. Ta phải tổ chức diệt sói, phải chuyên chính vô sản với sói, kiên quyết và triệt để tiêu diệt sói. Kiên quyết phê phán những quan điểm, phong tục, tập quán cổ hủ đồng tình thương cảm sói, thậm chí khi chết còn đem thân cho sói ăn thịt.
Trần Trận thấy Lý Hồng Vệ chĩa mũi nhọn vào ông già Pilich, liền cắt lời cậu ta: Cậu ăn nói quá đáng! Chỉ vạch thành phần giai cấp đối với động vật đứng trên hai chân thôi. Nếu xếp sói vào đội ngũ giai cấp thì cậu là sói hay người? Cậu không sợ bỏ cùng một rọ lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản với sói? Với lại, người giết người có phải là tàn sát đồng loại không? Người giết người nhiều hơn sói giết sói. Thế chiến I chết vài triệu, Thế chiến II chết vài chục triệu. Sau người vượn Bắc Kinh, con người đã nhiễm tập tính giết đồng loại. Bản chất người tàn nhẫn hơn sói. Cậu cần phải học nhiều!
Lý Hồng Vệ nổi đóa, trỏ roi ngựa vào mũi Trần Trận: Cậu là theo đóm ăn tàn, đọc toàn những sách độc hại của tư bản, phong kiến, xét lại. Cậu chịu ảnh hưởng rất sâu cái lão đẻ ra cậu, ở trường thì cậu ngậm miệng ăn tiền, về cái nơi bần cùng lạc hậu này cậu như cá gặp nước, chơi với toàn kẻ xấu.
Trần Trận nóng mặt, chỉ muốn nện cho hắn một cú ngã ngựa, nhưng chợt nhớ tính kiên nhẫn của sói, cậu chỉ trừng mắt nhìn hắn rồi vụt hai roi thật mạnh vào ủng dưới chân, bỏ đi.
Trời chạng vạng tối, những thanh niên trí thức đã quen với nếp sinh hoạt trà sáng cơm chiều, nên lúc này đói meo. Các vị cán bộ mục trường cùng một số mục dân, thanh niên trí thức trở về cùng cỗ xe ngựa chở hai con sói. Trần Trận ở lại cùng Batu, Saxuleng đi tìm hai chiếc thòng lọng, và cũng hy vọng phát hiện thêm một hai con sói. Riêng Trần Trận rấth thèm nghe chuyện quần nhau với bầy sói của hai mã quan.