"
Sói xám là khẩu lệnh của quân ta!"
Ánh nắng ban mai dọi vào trường Uhu Khan, một sói đực lông xanh bờm xanh hiện ra trong nắng, dùng tiếng sói tâu lên Uhu Khan:... Thần xin dẫn đường cho Khan...
Uhu Khan nhổ trại, con sói đực lông xanh bờm xanh đi trước dãn đường, đại quân theo sau.
Sau đó, Uhu Khan gặp lại con sói lông xanh bờm xanh, sói dùng tiếng sói bảo Khan: "Lập tức lên ngựa cùng quân sĩ!" Uhu Khan lập tức lên ngựa. Sói bảo: "Dẫn theo tất cả A Khun và dân chúng, thần xin đi trước dẫn đường."
Từ đó Khan luông cùng sói xanh xuất chinh...
"Sử thi Uhu Khan".
Hàn Nho Lâm trích dẫn từ "Cùng Lô tập" Trên thảo nguyên Mông Cổ, cuộc vây ráp quy mô lớn được tổ chức vào đầu mùa đông, khi những con rái cá cạn đã ngủ đông, trong hang. Rái cá lớn hơn thỏ, béo núc ních, món ăn khoái khẩu của sói, là nguồn thực phẩm quan trọng của sói trên thảo nguyên. Khi rái cá ngủ trong hang, sói đói bắt đầu tấn công đàn gia súc, mục trường phải tập trung thợ săn đối phó. Đầu mùa đông là lúc sói có bộ lông dài chống rét, da mềm, lông sáng màu, tuyết lông mịn, những bộ lông thượng hạng như vậy chỉ có ở mùa này và được trạm thu mua định giá cao nhất. Săn bắn mùa đông là nghề phụ quan trọng của mục dân. Săn bắn là dịp để các mã quan rèn luyện và khoe tài cưỡi ngựa, tung thòng lọng và sự gan dạ; cũng là dịp thi thố tài chỉ huy, trinh sát, chọn địa điểm, định giờ giấc, tổ chức, điều phối, hiệu lệnh; cũng là một dịp để các tù trưởng, các Khan, Đại Khan, Đại Đinh huy động bộ tộc diễn tập quân sư trên thực địa, một truyền thống từ ngàn xưa để lại cho đến tận bây giờ. Trận tuyết đầu mùa vừa dứt, công việc chuẩn bị cũng đã hoàn tất. Lúc này, dấu chân sói trên tuyết rất rõ, đàn sói dễ bị lần ra tung tích. Sói tuy chân dài, nhưngk hông thể chạy nhanh trên tuyết mới, dễ dàng bị ngựa đuổi kịp vì chân ngựa dài hơn.
Tuyết đầu mùa và thời điểm đầu đông rất bất lợi cho sói, mục dân trên thảo nguyên lợi dụng thời tiết này rửa hận cho người và gia súc một năm khổ vì sói.
Thế nhưng, con người nắm được quy luật của thảo nguyên thì sói cũng không lại gì quy luật của thảo nguyên. Những năm gần đây sói ngày càng tinh quái, sói biết mỗi năm một lần săn, nên khi tuyết đầu mùa vừa ngưng rơi là chạy hết sang bên kia biên giới, hoặc chui vào thâm sơn cùng cốc bắt dê bắt thỏ cầm hơi, hoặc nằm co nhịn đói, gặm xương khô hoặc xác súc vật thối, đợi khi tuyết rắn lại, chạy trên tuyết đã quen và người thì đã nản, chúng mới kéo về phá phách.
Tại cuộc họp trên mục trường, Ulchi nói: Mấy năm nay, đầu vụ đông chỉ săn được vài con, mà toàn là những con sói choai. Từ nay ta cũng phải làm như sói, hạn chế đến mức thấp nhất cách đánh đúng bài bản, mà phải làm cho rối tinh rối mù, đánh rồi ngừng, ngừng rồi đánh, tuy không đúng binh pháp, nhưng sói không mò ra quy luật. Thường thì không săn vào mùa xuân, nhưng nay ta làm một cuộc tập kích lớn vào mùa xuân xem sao? Lúc này, bộ da không tốt bằng bộ da mùa đông nhưng vẫn còn được, một tháng nữa sói mới rụng lông, tuy không được giá, nhưng được thưởng đạn.
Hội nghị quyết định, quán triệt tinh thần chỉ thị của trên về việc diệt sói trên cao nguyên Ơlon, xóa bỏ ảnh hưởng rất xấu do sự cố đàn ngựa, huy động toàn thể mục dân triển khai phong trào diệt sói trên quy mô lớn. Ban quản lý nói: Bây giờ là mùa bắt sói con, huy động nhân lực không dễ, nhưng phải kiên quyết tổ chức cuộc săn, nếu không, ăn nói làm sao với thiên hạ!
Ulichi nói: Kinh nghiệm cho thấy, sau một trận đánh lớn, sói chủ lực chắc chắn rút xa, chúng biết con người sẽ trả thù. Lúc này chúng đang quanh quẩn vùng biên, hễ có động là vọt sang bên kia. Vì vậy những ngày sắp tới không nên đánh, phải đợi cho thịt ngựa trong bụng sói tiêu hoá hết, chúng sẽ nhớ đến đàn ngựa đông lạnh. Rái cá cạn và chuột đồng chưa ra khỏi hang, sói đói ăn, chắc chắn phải tìm về ăn thịt ngựa.
Ông già Pilich gật đầu tán thành: Tôi sẽ cùng một số anh em đi đặt bẫy quanh hồ tuyết để đánh lừa. Sói chúa thấy ta đặt bẫy cho rằng ta chỉ nghĩ đến phòng thủ. Trước kia ta thường thu hết bẫy về trước khi tấn công để chó nhà khỏi nguy hiểm. Lần này ta để bẫy đấy không thu về, sói chúa tinh ranh đến mấy cũng bị lừa. Nếu một vài con mắt bẫy, đàn sói sợ chỉ đứng xa mà nhìn, ăn không dám ăn, bỏ đi thì tiếc. Khi ấy ta lập tức bủa vây, chắc chắn bắt được không ít, biết đâu vớ được con đầu đàn cũng nên.
Bao Thuận Quý gọi ông Pilich: Nghe nói sói ở đây rất khôn, đặt bẫy không mắc. Sói già và sói đầu đàn còn cắn bỏ hoặc đánh dấu chỗ thịt tẩm độc để sói cái và sói con ăn chỗ không độc. Có con lôi bẫy lên để trêu ngươi, có thật không?
Ông già Pilich trả lời: Cũng không đúng hẳn. Bả sói của Hợp Cung tiêu rắt nặng mùi, chó nhà còn nhận ra huống hồ sói? Xưa nay bọn tôi không đánh bả, sợ chết chó nhà. Tôi ưa đánh bẫy. Tôi mà đặt bẫy là không thể ngửi thấy, trừ sói thần.
Bao Thuận Quý cảm thấy ban quản lý mục trường giống hệt một bộ tư lệnh, hội nghị sản xuất giống hệt hội nghị quân sự. Xem ra năm xưa trên điều đại đội trưởng kỵ binh Ulichi về đây là đúng chỗ. Với ông ta cũng vậy, làm đại diện quân đội cũng hợp. Ông ta gõ bút vào cốc trà, tuyên bố: Quyết định như vậy nhé!
Ban quản lý ra lệnh: Nếu chưa được sự đồng ý của ban quản lý, cấm các đội và cá nhân tự ý đi săn ở mạn bắc mục trường, đặc biệt không được nổ súng làm kinh động đàn sói. Mục trường sẽ tổ chức cuộc săn sói quy mô lớn, các đội chuẩn bị sẵn sàng, đợi thông báo.
Các đội bắt đầu chọn ngựa, vỗ béo chó, sửa thòng lọng, mài dao, lau súng, tất cả chuẩn bị theo trình tự như khi đi bắt sói con vào tiết thanh minh, xén lông cừu vào mùa hạ, cắt cỏ vào mùa thu, giết thịt cừu vào đầu đông, bận rộn nhưng không lúng túng.
0o0
Sáng sớm, mây đen đầy trời sà thấp cắt ngang các đỉnh núi. Thảo nguyên Ơlon phẳng lì như bị nén. Tuyết lất phất, gió hiu hiu, ống khói trên nóc lều thở khò khè nặng nhọc như người lên cơn hen. Khói sà xuống mặt tuyết đầy phân cừu, phân bò và cỏ vụn. Đợt rét muộn hình như còn dài, chưa có dấu hiệu chấm dứt. May mà gia súc vẫn còn mỡ dự trữ, dày khoảng đốt ngón tay, đủ cầm cự đến khi trời ấm lên, tuyết tan, cỏ bắt đầu mọc. Phía dưới tuyết vẫn còn cỏ, cừu có thể bới tuyết mà gặm.
Đàn cừu nằm ườn trong chuồng nhai lại thức ăn, không muốn ra. Ba con chó sủa suốt đêm, giờ vừa rét vừa đói, nằm run rẩy trước cửa lều. Trần Trận vừa đẩy cửa, con Vàng đã vùng dậy chồm hai chân trước lên vai cậu mà liếm mặt, đuôi vẫy rối rít đòi ăn. Trần Trận bê từ trong lều ra một lô xương chưa lọc hết thịt cho lũ chó. Chúng tranh nhau mỗi con tha một khúc ra một chỗ nằm xuống, hai chân trước ôm khúc xương mà gặm sồn sột, rồi chén tuốt cả xương lẫn tủy.
Trần Trận lại vào trong lều lấy ra mấy miếng thịt mỡ cho con chó cái Ilo. Ilo lông đen mượt, đầu dài, thân dài, chân dài, eo thon, lông mỏng. Hai con này thuộc giống chơ Hưng An, chạy nhanh, ngoặt gấp nhanh, biết giữ và xẻ con mồi, trông thấy sói là lao lên như động đực. Cả hai là cao thủ bắt cáo, nhất là con Vàng học được tuyệt kỹ săn mồi từ bố mẹ. Nó không bao giờ bị con cáo mê hoặc, đớp rất trung đuôi rồi ghìm chặt để con cáo cố trườn lên rồi bất thình lình nhả ra, khiến con cáo chổng bốn vó, con Vàng xông tới cắn một phát đứt họng. Cắn vào họng thì bộ da lành lặn, bán được giá. Những con chó lười nhác thì bị vướng đuôi cáo gãy chân, hoặc cắn con cái nát bét, thường ăn đòn của chủ. Con Vàng và con Ilo không sợ sói. Chúng nhanh nhẹn tránh né cầm chân sói, tạo điều kiện thuận tiện cho người đi săn và chó hạ thủ.
Con Vàng là của ông già Pilich và Caxumai cho Trần Trận. Ilo là của chủ nhà Dương Khắc cho. Dân thảo nguyên Ơlon luôn tặng học sinh Bắc Kinh những thứ tốt nhất. Vì thế, con Vàng và con Ilo lớn lên đẹp hơn những con khác. Về sau Batu thường rủ Trần Trận và Dương Khắc đi săn cáo, lý do chính là vì Batu rất thích hai con chó. Mùa đông vừa rồi, con Vàng và con Ilo bắt được năm con cáo lớn. Hai chiếc mũ lông cáo Trần Trận và Dương Khắc đội trên đầu là tặng phẩm của hai con chó cưng. Sau tết, con Ilo đẻ một lứa sáu con; ba con đã bị ông Pilich, anh Lanmutrac và một thanh niên trí thức bế đi; còn lại ba con thì một cái hai đực, hai vàng một mực, béo mũm mĩm trông chẳng khác lợn bột, rất đáng yêu.
Dương Khắc chăm sóc con chó hơi quá đáng. Cậu ngày nào cũng nấu cho Ilo một nồi cháo đặc gồm thịt vụn và kê. Đã dùng hết quá nửa kê tiêu chuẩn của trạm lương thực cấp cho thanh niên trí thức. Khi đó thanh niên trí thức vẫn hưởng tiêu chuẩn lương thực của Bắc Kinh: 30 cân (15 kilogam) một tháng, nhưng chủng loại thì không như ở Bắc Kinh, 3 cân gạo rang, 10 cân bột mì, còn lại 17 cân là kê. Kê dùng để nuôi chó, đám thanh niên trí thức ăn thịt như dân du mục. Tiêu chuẩn lương thực của dân du mục chỉ 19 cân một tháng. Cháo kê nuôi chó rất tốt, cách nấu do Caxumai dạy cho. Ilo nhiều sữa, đàn chó con của bọn Trần Trận bụ bẫm hơn chó của mục dân.
Một con chó mực giống Mông Cổ to lớn khác thường chừng năm sáu tuổi, đầu vuông miệng rộng, ngực nở chân dài, trường thân, tiếng sủa như hổ gầm. Nó thương tích đầy mình, đầu và lưng nhiều chỗ trụi lông, da đen nhẻm. Nó vốn có hai con mắt giả ở phía trên mắt thật, nhưng nay chỉ còn một, cùng với hai con mắt thật hợp thành ba mắt như Nhị Lang Thần, mặc dù con mắt giả không cân đối trên mặt.
Con Mực hung thần ác quỉ này, Trần Trận nhặt được khi đi mua hàng trên cung tiêu. Hôm ấy trên đường về, Trần Trận luôn cảm thấy có luồng khí lạnh phía sau, con bò cũng có vẻ sợ sệt. Cậu ngoảnh lại trông thấy một con chó to như sói, lưỡi thè ra rất dài lẳng lặng theo sau. Cậu suýt ngã xuống xe vì sợ. Cậu giơ roi dọa đánh, nó không đi, cứ theo về nhà. Đám mã quan biết con chó. Nó có tật cắn chết cừu, bị chủ đuổi ra khỏi nhà, lang thang đã hai năm, tuyết xuống thì nằm dưới chân tường, ban ngày tự đi kiếm ăn: bắt thỏ đồng, rái cá cạn, ăn thịt súc vật chết, nhặt lương thực rơi vãi, và đôi khi tranh ăn với sói độc. Nó cũng đã từng tự đến ở một vài nhà, nhưng vì cái tật cắn chết cừu, lại bị đuổi ra khỏi cửa. Nếu người ta không thương vì nó từng hạ thủ mấy con sói thì họ đã đánh chết nó rồi. Theo quy định, chó nhà cắn chết cừu là phải giết đi, để phòng nó liên kết với sói nổi loạn, và cũng là để răn đe những con chó vẫn còn thú tính. Mọi người khuyên nên đuổi con Mực đi, nhưng Trần Trận thấy nó rất đáng thương. Cậu cũng rất tò mò về nó. Nó đã từng sống chung với sói, từng tồn tại qua những mùa đông khắc nghiệt, rõ ràng là nó rất có bản lĩnh. Với lại, từ sau khi dọn nhà xa con Balua oai phong lẫm liệt, Trần Trận cảm thấy thiếu người đỡ đần bên cạnh. Cậu nói với các mục dân, chỗ các cậu chỉ có chó săn tuổi còn non, thiếu một con chó dữ để trông nhà, nên tạm thời giữ con Mực lại. Nếu nó cắn chết cừu, cậu sẽ bồi thường.
Vài tháng trôi qua, "Nhị Lang Thần" không cắn chết con cừu nào, nhưng Trần Trận vẫn nhận ra nó cố gắng kiềm chế, chủ động lánh xa đàn cừu. Cậu nghe ông già Pilich nói, vài năm trở lại đây có một số lưu manh đến làm thuê ở Ơlon, đã giết thịt hầu hết những con chó hoang. Họ dụ chúng vào trong lều, đóng cửa lại rồi giết thịt. Hình như con Mực đã có lần bị bắt nhưng chạy thoát. Nó không dám lang thang, không dám trở thành chó hoang. Chó hoang không sợ sói, nhưng sợ người giết. Con Mực rất dữ, gác đêm sủa tới sáng, tấn công sói quyết liệt, lúc nào cũng có máu sói dính trên mép. Một mùa đông đã qua, đàn cừu của Trần Trận và Dương Khắc không con nào bị sói vồ hoặc bị cắn chết. Nhiệm vụ chính của chó thảo nguyên là gác đêm, giữ nhà và đi săn. Ban ngày chó không đi theo đàn cừu và cũng không ở cùng đám cừu non vì cách bức tường xây. Có lẽ vì thế mà con Mực dần cải tà quy chính.
Mấy cậu thanh niên trí thức ở cùng Trần Trận cũng đối xử rất tốt với con Mực, thường cho nó ăn. Nhưng con mực chưa khia nào tỏ ra gần gũi với người, chưa bao giờ biểu thị tình cảm đối với những người đã bao dung nó. Nó không chơi đùa với con Vàng và con Ilo, ngay cả khi gặp chủ, phải tinh mắt mới thấy nó vẫy đuôi. Buổi sáng rảnh rỗi, nó thường đi dạo một mình trên đồng cỏ hoặc nằm một nơi rất xa căn lều ngắm trời ngắm đất, trầm tư mặc tưởng, cặp mắt lim dim, biểu lộ một tình cảm lưu luyến đặc biệt với thảo nguyên.
Một lúc nào đó, Trần Trận chợt thấy con Mực không giống chó mà có phần giống sói. Tổ tiên của chó là sói. Khuyển Nhung là bộ tộc có mặt sớm nhất trên thảo nguyên tây bắc Trung Quốc, tự nhận tổ tiên của họ là hai con chó trắng. Tôtem của Khuyển Nhung là chó. Trần Trận thường tự hỏi: Vì sao một bộ tộc mạnh trên thảo nguyên lại thờ một con vật đã bị nhân loại thuần hóa làm vật tổ? Có lẽ cách đây vài ngàn năm, sói thảo nguyên cực kỳ dũng mãnh, đầy thú tính, hoặc giả là chó nhưng chưa mất hết thú tính. Hai con chó trắng mà tộc Khuyển Nhung sùng bái có thể là sói trắng. Trần Trận nghĩ, phải chăng con Mực hung dữ mà cậu đem về là một con chó nhưng mang đầy đủ tính sói? Hay là một con sói nhưng một trăm phần trăm tính chó? Hay là nó có những dấu hiệu trở lại sói?
Trần Trận thường ngồi xuống bên cạnh vuốt ve, gãi ngứa cho con Mực, nhưng nó ít khi hưởng ứng, ánh mắt không rõ u tối hay thâm trầm, đuôi phe phẩy rất nhẹ, chỉ cậu mới cảm thấy. Trần Trận không hiểu nó cần gì để giúp nó trở lại tập tính thông thường của loài chó như con Vàng chẳng hạn, có công ăn việc làm, có người thương, sống bằng sức lực của mình, một cuộc sống vô lo. Nhưng đôi khi Trần Trận cũng nghĩ lan man: Chẳng lẽ nó không muốn cuộc sống bình thường của chó, trở về với thế giới của loài sói? Thế thì vì sao hễ trông thấy sói là nó nổi hung, coi như kẻ thù không đội trời chung? Đó là nhìn vẻ bên ngoài. Nó là một con chó một trăm phần trăm, lông đen tuyền đã đủ vạch rang giới giữa nó với loài sói. Nhưng sói Ấn Độ, Liên Xô, Mỹ, cổ La Mã và sói Mông Cổ ngày xưa từng nuôi dưỡng trẻ con. Chẳng lẽ nó không thích nuôi chó con? Nhưng nếu nó gia nhập đàn sói thì là tai họa cho những đàn ngựa, đàn bò, đàn cừu. Có thể nỗi đau của nó là cả chó và sói đều không nhận nó, hoặc giả nó không muốn ngả về bên nào. Trần Trận nhiều lúc nghĩ, nó quyết không phải chó - sói, chó - sói tuy dữ nhưng tính chó trăm phần trăm. Có thể nó là loài sói - chó rất ít gặp, hoặc tính nết mỗi thứ một nửa, hoặc tính sói trội hơn tính chó. Trần Trận chưa hiểu sâu con Mực. Cậu thấy nên đối xử tốt với nó, dần dà sẽ hiểu nó. Cậu rất muốn trở thành người bạn của nó. Cậu định bụng sẽ không gọi nó là "Nhị Lang Thần" mà gọi "Nhị Lang", gọi đúng tên, không thần thánh gì hết.
Trần Tận cho lũ chó ăn để đợi Dương Khắc và Cao Kiên Trung ngủ dậy. Cậu cũng vuốt ve con Nhị Lang luôn luôn tỏ ra vô cảm.
0O0
Bốn học sinh cùng lớp ở cùng lều đã hơn một năm. Bốn người: Một mã quan (chăn ngựa), một ngưu quan (chăn bò), hai dương quan (chăn cừu).
Mã quan Trương Kế Nguyên năng nổ, cẩn thận, cùng Batu và Lanmatrac chăn đàn ngựa chừng năm trăm con. Ngựa ăn nhiều tốn cỏ, nên phải đi xa để không tranh ăn với bò, cừu. Vào những nơi thâm sơn cùng cốc xa xôi cách trở, sói đàn lảng vảng, chen chúc trong lều dã chiến chỉ vừa đủ cho hai người nằm, đun nấu trên cái lò bằng sắt tây, nhiên liệu là phân ngựa khô, cuộc sống còn hoang dã hơn sống trong lều Mông Cổ. Công việc của mã quan nguy hiểm và gian khổ, trách nhiệm thì nặng nề, nhưng mã quan có địa vị cao nhất trong cộng đồng. Đây là cái nghề đáng tự hào nhất của bộ tộc sống trên lưng ngựa.
Tung thòng lọng bắt ngựa là một nghệ thuật, đẹp và hấp dẫn. Cũng có thể dùng thòng lọng bắt sói. Mã quan gần như ngày nào cũng dùng đến thòng lọng để đổi ngựa cưỡi, sửa bờm ngựa, cho ngựa uống thuốc hoặc tiêm chích, kiểm tra ngựa, luyện ngựa... Mã quan nào cũng rèn luyện kỹ thuật bắt ngựa bằng thòng lọng. Sử dụng cây sào dài, trên mình con ngựa phi như bay, nhắm chuẩn, rướn người tung cuộn dây thòng lọng trúng cổ ngựa. Mã quan giỏi hễ tung là trúng, rất ít khi hụt. Với kỹ năng này mà bắt sói, chỉ cần ngựa chạy nhanh, cự li gần, có chó săn giúp sức, là có thể tròng trúng cổ sói rồi phóng ngựa trở về, sói sẽ bị xiết cổ chết, hoặc cho chó cắn chết. Ban ngày, sói rất sợ mã quan, hễ thấy mã quan cầm thòng lọng là chạy trối chết hoặc nấp trong cỏ rậm. Trần Trận nghĩ sói sợ ban ngày mà không sợ đêm, có lẽ liên quan tới chiếc thòng lọng. Chiếc thòng lọng bắt ngựa của mục dân Mông Cổ đã có lịch sử mấy ngàn năm, thời gian ấy đủ để thay đổi tập tính của sói.
Cây thòng lọng trên thảo nguyên Ơlon là cây thòng lọng đẹp nhất, đắc dụng nhất và hoàn mỹ nhất mà Trần Trận từng thấy. Nó dài hơn, tinh vi hơn, thực dụng hơn những cây thòng lọng mà cậu đã thấy trên sách báo phim ảnh của mục dân nơi khác. Mã quan Ơlon thường tự hào mà khoe caya thòng lọng của họ là loại cao cấp nhất, lợi hại nhất và đẹp nhất so với toàn Mông Cổ. Thảo nguyên Ơlon nằm ở phía bắc lưu vực sông Mã Câu nổi tiếng của Mông Cổ, nơi sản sinh chủ yếu giống ngựa Uchumuxin nổi tiếng (xưa gọi là ngựa Đột Quyết). Ngựa là bạn, là chiến hữu thân thiết của người Mông Cổ. Cây thòng lọng bắt ngựa cũng không thể tùy tiện, xấu tốt cũng năm sáu mét đến bảy mét. Nó thường được ghép bởi hai mảnh bằng gỗ bạch hoa. Trần Trận có lần trông thấy cây thòng lọng dài tới chín mét. Sào càng dài càng dễ tròng trúng cổ sói. Thẳng thì như cây trúc không đốt. Muốn thẳng, mã quan bào phẳng các mắt gỗ, chỗ nào cong thì dùng phân ngựa tươi để hun cho mềm ra, sau đó nắn thẳng bằng cách ép khít vào một vật phẳng. Đầu cây sào còn cột omoojt đoạn roi nhỏ dài chừng nửa mét, thô bằng ngón tay, đầu roi nhỏ tết một cái khuyết bằng lông bờm ngựa, dây thòng lọng luồn qua khuyết đó sẽ không bị trơn. Dây thòng lọng bắt ngựa là loại dây bền nhất, chịu lực tốt nhất, không làm bằng những sợi da bò, mà bằng ruột cừu bện như thừng. Đây là một công nghệ phức tạp, mã quan không tự làm được mà phải mua trên Cung tiêu. Công đoạn cuối cùng là trộn phân cừu tươi với lông cừu, miết trên cây sào từ màu trắng chuyển sang màu phân cừu, đợi phân khô, lấy khăn lau sạch. Lúc này cây sào có màu đồng điếu, giống như một loại vũ khí bằng kim thuộc thời xưa.
Khi mã quan ngồi trên ngựa nách kẹp cây sào, ngọn sào chúc xuống tự nhiên theo sức nặng, thòng lọng đung đưa theo nhịp chân ngựa, linh hoạt như con rắn dài. Lũ sói đều đã từng trông thấy cảnh tượng hãi hùng khi thòng lọng xiết cổ. Có lẽ trong con mắt sói, chiếc thòng lọng đáng sợ như long thần. Ban ngày trên thảo nguyên, bất kể lớn bé già trẻ, dù chỉ đi một mình trên đồng cỏ vắng vẻ hoặc trong thung lũng heo hút, chỉ cần trong tay có cây thòng lọng là bình yên vô sự. cây thòng lọng coi như một đạo bùa.
Trương Kế Nguyên làm mã quan đã được một năm. Cậu tay nghề kém, thường tung thòng lọng không trúng. Cậu không thể tự thay ngựa, mà phải nhờ Batu giúp. Có khi cậu thòng trúng, nhưng trong khoảng khắc khi chiếc thòng chưa tròng vào cổ con ngựa, cậu không kịp ngồi lùi lại phía mông, để dùng yên làm vật cản giữ người lại, cây sào liền bị con ngựa giật khỏi tay, chỉ lát sau cái vật mà cậu mất mấy ngày mới làm ra đó, bị ngựa xéo gãy làm ba khúc. Cậu thường đến chỗ đàn cừu để luyện khiến đàn cừu chạy tán loạn, có con suýt trụy thai, ông già Pilich phải có ý kiến mới thôi. Về sau ông già bày cho cậu tập tung thòng lọng vào chiếc cọc phía sau xe bò, cậu tiến bộ trông thấy, đã có thể đổi ngựa cho cả ba người, một vấn đề không dễ dàng thực hiện. Trương Kế Nguyên rất ít khi về nhà, một tháng về tổng cộng một tuần là nhiều. Về đén nhà là lăn ra ngủ, thức dậy lại kể cho cánh Trần Trận nghe những chuyện về người, ngựa và sói.
Mã quan có nhiều ngựa tốt, được đi nhiều biết nhiều. Mục trường cấp cho mã quan bảy tám con ngựa chuyên dụng, còn được sử dụng những con ngựa mới nhập đàn, ngựa vô chủ. Mã quan gần như thay ngựa mỗi ngày, có khi ngày hai lần. Mã quan không nương nhẹ con ngựa, hễ lên yên là phóng như điên bất kể đường ngắn đường dài. Mã quan đến các lều đổi ngựa theo yêu cầu, đưa thư hoặc chở giúp đồ đạc, mời thầy thuốc, báo tin. Mã quan nhận được nhiều nhất những nụ cười duyên của các cô gái, khiến các cậu dương quan (chăn dê) rất hâm mộ, vì các cậu này chỉ được cấp bốn năm con ngựa, còn thông tin thì mù tịt. Nhưng chăn ngựa là công việc nặng nhọc và nguy hiểm trên thảo nguyên. Nếu không có những tố chất của loài sói: kiên trì, dũng cảm, khoẻ mạnh, mưu trí, nhạy cảm, cảnh giác, chịu đói chịu khát, dãi dầu mưa nắng... thì mục trường không tuyển. Cứ bốn người mà chọn được một mã quan thì đã là may rồi. Những chuyện về sói Trần Trận thu thập được phần lớn do Trương Kế Nguyên kể. Mỗi khi về nhà, Trương Kế Nguyên thường được Trần Trận chăm sóc chu đáo từ cái ăn cái uống. Hai người rất hợp gu trong những chuyện về sói. Mã quan là những người đứng trên tuyến đầu chiến đấu sinh tử với sói, nhưng thái độ đối với sói thì rất mâu thuẫn. Trần Trận, Dương Khắc, Trương Kế Nguyên thường trò chuyện tới khuya, đôi khi tranh luận không dứt. Trương Kế Nguyên bao giờ cũng trở về với đàn ngựa hơi muộn. Cậu mượn của Trần Trận vài quyển sách đọc cho đỡ buồn.
Cao Kiện Trung chăn hơn một trăm bốn mươi con bò. Chăn bò là công việc thoải mái nhất trên thảo nguyên. Người Mông Cổ có câu: ngưu quan sướng hơn huyện quan. Đàn bò đi sớm về muộn, thuộc đường ra bãi, nhớ đường về nhà. Bê con buộc thành hàng vào sợi thừng tết bằng lông bờm ngựa trước lều, bò mẹ về cho con bú rất đúng giờ. Chỉ lũ bê choai là đáng phàn nàn đôi chút. Đâu có cỏ non là chúng chạy đến và sau đó không thích trở về. Vất vả nhất là đi tìm bò lạc và đuổi bò về. Một con bò khi đã nổi khùng thì gân cổ lên, mắt trợn trừng, ỳ ra không chịu bước, những muốn đập cho một trận. Ngưu quan có nhiều giờ rỗi, cần giúp việc gì có thể nhờ họ. Mông Cổ mà không có bò thì rất vất vả. Kéo xe, dời nhà, cho sữa, các món ăn bằng sữa bò, thịt, da, phân, tất cả trông vào con bò. Dân tộc trên lưng ngựa, tất yếu gia đình trên lưng bò. Ngưu quan, mã quan, dương quan ba loại công việc gắn với nhau như một chuỗi xích, không thiếu được khâu nào.
Trần Trận và Dương Khắc cùng chăn đàn cừu hơn một ngàn bảy trăm con, hầu hết là giống cừu đuôi to nổi tiếng của vùng Ơlon, khu đuôi to như cái đĩa cỡ trung bình, mỡ màu trắng đục, ròn mà không ngấy, thịt thơm mà không có mùi hôi. Ông Ulichi nói: Cỏ ở Ơlon tốt nhất so với cỏ các nơi trong khu vực, mà cừu Ơlon cũng là giống cừu tốt nhất, xưa kia là cừu tiến vua, là món thịt cừu mà Hốt Tất Liệt sau khi tiến vào Bắc Kinh đích thân tuyển chọn. Ngày nay khi lãnh đạo nhà nước tiếp nguyên thủ các nước A Rập theo đạo Islam đều chọn cừu Ơlon. Nghe nói nguyên thủ các quốc gia đó thường bỏ bê việc nước để đến thăm xứ sở của loại cừu này. Trần Trận nghĩ, sói Ơlon cao lớn lạ thường, đầu óc tính toán nhanh hơn người, có thể là do ăn thịt cừu Ơlon. Trong đàn cừu có những con lai giống Tân Cương với giống bản địa, lông mịn, cho len tốt, sản lượng cao gấp ba bốn lần cừu nội, nhưng thịt nhão, không thơm, dân du mục không thích ăn. Rồi đến sơn dương, số lượng rất ít, chiếm khoảng 1/30 đàn cừu. Tuy sơn dương ăn cỏ cả rễ phá hoại đồng cỏ, nhưng bộ lông rất được giá, hơn nữa, những con sơn dương thiến sừng nhọn rất dũng cảm, dám quần nhau với sói. Đàn cừu nào mà có sơn dương là có thể chống lại sói độc. Do vậy, đàn cừu Mông Cổ thường là do vài chục con sơn dương làm nhiệm vụ đầu đàn. Sơn dương nhớ bãi chăn, nhớ đường về, lại dám tự quyết, gặp cỏ ngon là cho đàn dừng lại ăn, cỏ không ngon thì dẫn đàn đi nơi khác. Sơn dương còn một ưu điểm nữa so với cừu. Đó là khi bị sói công kích, chúng be rầm lên và chạy lung tung, mục đích là báo động cho cả đàn. Còn cừu thì bị cắn thủng bụng mà vẫn im như thóc không dám be một tiếng, mặc cho sói xé xác. Trần Trận nhận thấy dân du mục Mông Cổ rất giỏi lợi dụng sở trường các các loài vật trên đồng cỏ, nhằm mục tiêu hại ít lợi nhiều.
Hai cậu dương quan, một chăn ban ngày, một gác đêm. Ngày công, ban ngày mười điểm, ban đêm tám điểm, hai người luân phiên hoặc đổi phiên cho nhau, người này đi vắng thì người kia làm thay. Nếu chó tốt thì gác đêm vụ xuân có thể ngủ đẫy giấc. Nhưng ba vụ sau là du mục, không có chuồng xây để chăm sóc cừu con như vụ xuân, chỉ dùng xe bò, hàng rào tạm và thảm quây thành hình bán nguyệt, hoàn toàn không ngăn nổi sói, nếu nạn sói nghiêm trọng thì đúng là khổ sai, suốt đêm đừng hòng chợp mắt, cầm đèn pin lượn quanh chuồng, quát tháo khản cổ lũ chó. Ông Ulichi nói: Trực đêm chủ yếu là phòng sói, hàng năm công điểm trực đêm bằng 1/3 tổng số công điểm của mục trường. Đó chính là khoản chi rất lớn về sói. Trực đêm là công việc chính của phụ nữ Mông Cổ. Phụ nữ ban đêm trực, ban ngày làm việc nhà, rất ít khi ngủ đẫy giấc. Người ban ngày làm lụng, sói ban đêm quậy phá; người khốn đốn, sói hung hăng. Sói thảo nguyên quậy phá đến nỗi con người ăn không ngon ngủ không yên. Sói đánh gục từng gia đình, từng thế hệ phụ nữ. Do vậy, các nữ chủ nhân thường ốm đau, chết yểu. Nhưng cũng có nhiều người có sức khoẻ, trụ vững. Sói thảo nguyên sinh sản quá nhanh, còn người thì không thể tăng trưởng nhanh trên quy mô lớn. Do đó xưa nay chưa hề xảy ra nạn nhân mãn mà chỉ có chuyện khai khẩn đất hoang để có cai ăn. Chính là sói đã khống chế sự phát triển dân số trên thảo nguyên.
Đàn cừu là nền tẳng của nghề chăn nuôi trên thảo nguyên. Nuôi cừu để có thịt ăn, có áo mặc, có phân khô để đun nấu, thu nhập hai công điểm một con, bảo đảm cuộc sống nguyên thủy của người thảo nguyên. Vậy mà cuộc sống của người chăn cừu tẻ nhạt, mòn mỏi và tù túng, từ sáng tới đêm một mình với đàn cừu trên đồng cỏ ngút mắt hoặc tuyết trắng. Từ trên cao nhìn ra, vài chục dăm vuông không một bóng người. Không có người để chuyện trò, có sách không dám đọc chăm chú, vì phải coi chừng sói tập kích. Ngày nào cũng cảm thấy mình như Tô Vũ chăn dê, cô đơn thui thủi, con người khác gì cỏ dại. Cảm giác này đuổi không đi, vì nó đã thấm sâu vào xương tủy. Trần Trận thường cảm thấy mình đã già, rất già, già hơn cả Tô Vũ. Ngàn năm nay thảo nguyên không hề thay đổi, con người vẫn sống cuộc sống du mục nguyên sơ, vẫn đang tranh giành miếng ăn với sói, quyết liệt và bất phân thắng bại. Trần Trận cảm thấy mình như người vượn Bắc Kinh, kẻ thù là sói. Nếu như một ngày nào đó Tô Vũ tay cầm gậy trúc, hoặc người vượn quấn tấm da thú xuất hiện trước mặt, thì cậu cũng không lấy làm lạ. Có thể trong câu chuyện giữa họ với nhau, đầu đề vẫn là sói. Thời gian trên thảo nguyên Ơlon đọng lại như hóa thạch. Cái gì đã giữ nguyên bộ mặt của thảo nguyên từ thời viễn cổ, không mảy may thay đổi? Phải chăng là sói?
0O0
Với Trần Trận, chăn cừu là công việc rất có lợi. Cậu có thì giờ một mình nghiền ngẫm, cho đôi cánh của tư tưởng tự do bay lượn. Hai hòm sách to tướng đem từ Bắc Kinh về, lại thêm một hòm sách lịch sử và sách cấm có chọn lọc của Dương Khắc, cậu có thể tiêu hóa tất cả số sách bằng cách nhai lại của con cừu. Ban đêm, cậu ngốn sách kinh điển như cừu ngốn cỏ; ban ngày cậu ngốn tinh hoa văn hóa Trung Quốc và nước ngoài. Cậu nghiền ngẫm, suy từ, coi sách voẻ khô khan như cỏ non đầy nhựa. Ban ngày chăn cừu, cậu thường dành nhiều thời gian cho suy nghĩ, cậu chỉ đọc lướt, chỉ khi chắc chắn không có sói, cậu mới đọc thật sự. Chẳng lẽ như lời ông già Pilich: Phải hiểu thảo nguyên, hiểu người Mông Cổ thì mới hiểu được sói! chẳng lẽ thảo nguyên ngàn vạn năm vẫn giữ nguyên bộ mặt, dân tộc thảo nguyên không thể phát triển thành dân tộc lớn, liên quan tới sói? Cậu cho là có thể như thế. Chỉ ít sự tấn công của sói đã gây ra những tổn thất có thể tính đếm cũng như không thể tính đếm cho mục trường, khiến sự nghiệp chăn nuôi và sự nghiệp con người không thể tích luỹ nguyên thủy, khiến người và gia súc dừng lại ở trình độ tái sản xuất giản đơn, duy trì nguyên trạng trình độ nguyên thủy, không thể dôi ra nhân lực và tài lực để phát triển mậu dịch, thương nghiệp, nông nghiệp, càng không thể phát triển công nghiệp. Những vấn đề mà sói can dự rất rộng và rất sâu. Vậy mà hiểu được sói thì khó quá. Người ở chỗ sáng, sói trong bóng tối. Tiếng tru của sói có thể nghe thấy từ xa mà không thể lại gần. Trần Trận rất muốn nuôi một con sói nhỏ ngay bên lều để cậu ngày đêm quan sát từ lúc còn nhỏ tới lúc lớn.
Cậu lại nghĩ tới con sói cái tha con cừu non đi đâu, và ổ sói con ở chỗ nào?
Hôm ấy sau khi quan sát đàn cừu một lượt thấy không có gì, cậu bèn nằm ngửa trên bãi cỏ ngắm con chim ưng đang bay lượn trên trời xanh. Thấy đàn cừu có vẻ xôn xao, cậu bật dậy trông thát một con sói lớn xông vào giữa đàn cừu ngoạm lấy gáy một con cừu non hất lên vai, chạy dọc theo khe về phía Núi Đen, thoáng cái đã mất hút. Cừu non thường hay kêu, tiếng kêu lảnh lói. Chỉ cần nghe tiếng kêu của con cừu non là xảy ra phản ứng dây chuyền, hàng trăm con cừu non và cừu mẹ kêu đinh tai nhức óc. Nhưng con sói ngoạm vào gáy, khiến họng con cừu không phát ra thành tiếng, rồi sói mẹ lẳng lặng rút lui, khiến hầu hết những con cừu không biết đã xảy ra chuyện gì, có thể cừu mẹ cũng không biết đã mất con. Nếu Trần Trận không tinh mắt và cảnh giác cao thì chiều về điểm lại số cừu mới biết. Trần Trận kinh hoàng như đụng phải một phi tặc vào loại cao thủ, thó túi tiền ngay trước mũi cậu.
Khi đã bình tĩnh, Trần Trận cưỡi ngựa đến chỗ con sói bắt cừu non. Cậu nhìn thấy trong bụi cỏ rậm có một cái hố, cỏ trong hố bẹp đi. Rõ ràng là con sói nằm phục tại đây từ lâu chứ không phải chạy từ đâu tới, nếu chạy đến thì cậu đã nhìn thấy. Trần Trận nhìn mặt trời, nhẩm tính con sói đã phục ở đây hơn ba tiếng đồng hồ. Chỉ sói mẹ mới bắt cừu non trong mùa này, nó dùng con mồi còn sống để dạy con. Và cũng là để cho các con ăn vì chúng đang cai sữa. Thịt cừu non dễ tiêu.
Trần Trận rất căm con sói, nhưng cậu thấy vãn còn may. Gần đây cậu và Dương Khắc cứ hai ba hôm lại mất một cừu non, các cậu nghi cho chim ưng hoặc đại bàng bắt. Loại giặc nhà trời này nhanh như chớp lao xuống quắp lấy một con cừu non rồi bay vút lên cao. Nhưng khi chúng bổ nhào thì đàn cừu kinh hãi chạy tán loạn, các cậu không thể không biết. Vì vậy, các cậu không hiểu cừu non vì sao mà mất? Cho đến khi mục kích con sói dùng kỹ xảo bắt cừu và trông thấy cái hố, Trần Trận mới vỡ nhẽ. Nếu không, con sói cái còn tiếp tục bắt trộm.
Mặc cho mọi người nhắc nhở, Trần Trận vẫn để xảy ra sai sót. Binh vô thường pháp, sói thảo nguyên rất giỏi tùy cơ ứng biến, sử dụng rất nhiều đấu pháp. Sói không có cánh nhưng cứ như từ trên trời rơi xuống, khiến anh trơ mắt ếch, không khôn cũng phải khôn ra.
Trần Trận vuốt ve con Mực, nó không tỏ vẻ hàm ơn.
Tuyết rơi, Trần Trận chui vào trong lều cùng Dương Khắc, Cao Kiện Trung uống trà, ăn thịt hun, ăn đậu phụ của Caxumai cho, bên bếp lò đun bằng phân ngựa. Trần Trận lại thuyết phục Dương Khắc và Cao Kiện Trung cùng cậu đi bắt sói con. Phải nuôi một con để có sự hiểu biết về sói, biết địch biết ta.
Cao Kiện Trung nướng thịt bên bếp lò, mặt ỉu xìu, nói: Bắt sói con đâu phải chuyện đùa. Cách đây mấy hôm, các anh Lanmutrac hun khói một hang sói. Sói mẹ liều chết chống lại, suýt cắn đứt cánh tay Lanmutrac, ba bốn mã quan, ngưu quan cùng bảy tám con chó xúm lại mới tóm được con sói. Cái hang sâu quá, họ thay phiên nhau đào hai ngày mới thấy sói con. Cừu mẹ bênh con dám húc người, sói mẹ bảo vệ con dám chết bỏ. Chúng mình không có súng, chỉ dùng xẻng và roi ngựa thì làm sao đánh lại? Đào hang sói đâu phải việc nhẹ, lần trước tôi đi cùng Tang Kiệt, đào hai ngày mà vẫn chưa tới ổ, cuối cùng đành hun khói rồi lấp hang, không hiểu sói con có chết không? Tang Kiệt bảo, sói mẹ biết bị khói, trong hang có lỗ thông hơi ngầm. Sói thường xuyên di chuyển chỗ ở. Mục dân bắt sói con mà khó như thế, không hiểu chúng mình có làm nên trò trống gì không?
Dương Khắc trái lại rất vui. Cậu bảo Trần Trận: Tớ sẽ đi với cậu. Tớ có một cây gậy sắt, đầu vát nhọn như mũi giáo, đảm bảo gặp sói mẹ chiến đấu được. Lại có cả dao quầm, giá gỗ có chân. Giờ mà đánh bắt được một con sói gộc thì chúng ta tha hồ mà vênh váo!
Cao Kiện Trung trêu: Lại một tấc đến trời rồi! Cẩn thận kẻo sói biến cậu thành "nhắm lại anh hùng có một người" - anh chột, thành chó dại, à mà không, thành sói điên thì rầy rà to!
Dương Khắc lắc đầu: Không sao, tớ cao số, hồi vũ đấu ở trường, tổ tớ có năm người thì bốn thằng bị thương, chỉ mỗi mình tớ là không việc gì. Vì sao người ta cứ lo sợ vẩn vơ thế nhỉ? Người Hán như cậu mới để cho dân du mục vào chiếm trung nguyên! Lanmutrac bảo tớ là cừu ăn cỏ, anh ta là sói ăn thịt. Ta mà bắt được sói con thì Lanmutrac không gọi ta là "đồ con cừu" nữa! Tớ dám lấy một mắt để đánh cuộc!
Trần Trận nói: Được rồi, nói lời thì phải giữ lời, không được bỏ cuộc đấy nhé!
Dương Khắc dằn chén trà lên mặt bàn, hỏi: Khi nào đi? Đi càng sớm càng tốt. Để muộn thì có khi mục trường điều chúng mình đi vây ráp đàn sói. Với lại, mình cũng thích công việc này lắm.
Trần Trận đứng lên nói: Vậy thì ăn xong đi luôn, phải trinh sát trước.
Cao Kiện Trung quệt mép, nói: Được, lại phải nhờ Quanbu chăn cừu hộ, vậy là bọn mình mất một ngày công.
Dương Khắc nói khảy: Lần kéo về một xe đầy ắp dê thì được bao nhiêu công điểm. Cậu keo kiệt thế?
Cao Kiện Trung và Dương Khắc đang chuẩn bị yên cương chợt thấy Bayan cưỡi con ngựa lông vàng chạy tới nói ông Pilich muốn gặp Trần Trận. Trần Trận nói: Bố già chắc có chuyện quan trọng. Dương Khắc nói: Chưa chắc đã phải chuyện vây ráp, cậu đi ngay đi, nhân tiện hỏi cách nào bắt sói con.
Trần Trận lập tức lên yên, Bayan thấp bé không lên ngựa được ở chỗ đất bằng. Dương Khắc định bế Bayan lên yên nhưng cậu bé không chịu. Cậu dắt ngựa tới bên cỗ xe bò, trèo lên xe, lồng chân vào bàn đạp rồi nhảy lên ngựa. Hai người ra roi cho ngựa phi nước đại.