Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tôtem Sói

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 43450 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tôtem Sói
Khương Nhung

Chương 24

Tần Mục Công… diệt 12 Nhung quốc, mở rộng đất đai nghìn dặm, trở thành bá chủ Tây Nhung. Sau khi Tây Chu bị diệt, đất cũ Tây Chu là nơi tạp cư của các tộc Nhung Địch… Văn hoá Tây Chu bị tục lệ Nhung Địch và văn hoá Thương xoá sổ. Tần áp dụng chế độ (bao gồm em kế vị anh) và văn hoá lạc hậu này, tuy đã trở thành nước lớn phía tây, nhưng bị các chư hầu Hoa Hạ coi là nước Nhung Địch, không cho dự minh ước.
- Phạm Văn Lan “Trung Quốc thông sử giản biên. Đệ nhất biên”

           Đêm mùa hạ trên thảo nguyên Nội Mông thoắt cái đã lạnh như cuối thu. Đàn muỗi đáng sợ trên thảo nguyên chuẩn bị triển khai những trận tập kích. Đây là một trong mấy đêm yên tĩnh cuối cùng. Đàn cừu vừa cắt trụi lông nằm sát bên nhau thong thả nhai lại nghe rào rạo như tiếng máy cắt cỏ. Nhị Lang và con Vàng chốc chốc lại ngẩng mặt lên đánh hơi không khí, sau đó dẫn Ilưa và ba con chó nhỏ đi tuần một vòng quanh đàn cừu.
           Trần Trận cầm đèn pin, đem theo một tấm thảmto bằng chiếc đệm cá nhân đến góc tây bắc đàn cừu, chọn chỗ phẳng trải thảm ra, khoác chiếc áo lông mỏng rồi ngồi xếp bằng tròn chứ không dám nằm. Từ sau khi đến bãi chăn mới, chăn cừu, gác đêm, xén lông cừu, cho sói con ăn, đọc sách ghi nhật ký, ngày dài đêm ngắn, cậu thiếu ngủ trầm trọng, chỉ cần nằm xuống là ngủ say như chết, chó sủa dữ dội đến mấy cũng không đánh thức nổi. Lẽ ra có thể tranh thủ mấy đêm còn yên tĩnh mà ngủ, nhưng cậu không dám lơ là, vì sói thảo nguyên là bậc thầy về “chớp thời cơ”.
           Sau lần tốp sói tập kích thành công con bò ốm, ba người thần kinh căng thẳng. Đàn sói ăn thịt con bò là một tín hiệu cho mục dân, rằng sói đã di chuyển từ dê vàng, rái cá, chuột sang gia súc. Dê vàng chạy như bay, rái cá càng cảnh giác, đàn sói đói không bằng lòng với vài con chuột nhép, nên chuyển sang đánh lớn. Nơi bãi chăn mới, người và gia súc chưa kịp ổn định, ông Pilich đã triệu tập mấy cuộc họp nhắc nhở mọi người không được sơ suất, phải như sói, khi ngủ nếu hai mắt nhắm thì hai tai phải dỏng lên. Thảo nguyên Ơlôn lại bắt đầu cuộc chiến giữa người và sói.
           Trần Trận ngày nào cũng quét dọn cực kỳ sạch sẽ chỗ ở của sói con, khử hết mùi phân và mùi sói, lại rải lên một lớp đất mỏng. Làm vậy không những giữ vệ sinh cho sói, bảo đảm sói con khoẻ mạnh, mà quan trọng hơn, không vì hơi hướng sói con mà lộ mục tiêu.
           Gần đây Trần Trận thường nghiền ngẫm những tình tiết từ sau khi đem sói con từ ổ sói trở về, nghĩ đau cả đầu. Cậu cảm thấy bất cứ khâu nào cũng có vấn đề và sói mẹ có thể phát hiện. Thí dụ ở khu lều trại cũ, sói mẹ có thể đánh hơi thấy mùi nước tiểu sói con. Đêm nào cậu cũng lo đàn sói tập kích tắm máu đàn cừu, cướp đi sói con. Điều mừng duy nhất là trên đường đi vào bãi chăn mới, cậu nhốt sói con trong chiếc thùng đựng phân khô, không cho sói xuống xe lần nào, cho nên không để lại dấu vết trên đường. Cho dù sói con để lại hơi ở khu lều cũ, nhưng sói mẹ không biết sói con chuyển đi đâu.
           Trong không khí có mùi sói, ba con chó choai chạy tới bên Trần Trận, cậu vuốt ve từng con. Con Vàng và con Ilưa cũng chạy tới, mong được chủ nhân ve vuốt. Chỉ Nhị Lang là trung thành với chức phận, vẫn tuần tra mạn tây bắc đàn cừu. Nó hiểu sói hơn tất cả những con chó bình thường, luôn cảnh giác như sói.
           Gió đêm mỗi lúc một lạnh, đàn cừu càng nhích lại gần nhau, thu hẹp một phần tư bãi nghỉ. Ba con chó choai rúc trong vạt áo dài Trần Trận. Quá nửa đêm về sang, trời tối đến nỗi Trần Trận không nhìn thấy con cừu trắng nằm bên. Gió đã lặng, nhưng khí lạnh càng đậm đặc. Trần Trận đuổi những con chó trở về vị trí của nó, rồi cậu đứng lên quấn chặt áo dài, cầm đèn pin đi tuần quanh đàn cừu hai vòng.
           Trần Trận vừa trở lại ngồi lên tấm thảm, dốc núi gần đó vọng lại tiếng sói tru thảm thiết, dài lê thê, run run và ngắt từng quãng ngắn, âm thanh thuần chất, mạnh mẽ, tròn và sắc như xuyên thủng màng nhĩ. Dư âm chưa dứt, từ ba phía đông nam bắc có những tiếng tru đáp lại trầm trầm, lan xa trong khe, dưới thung lũng, trên mặt hồ rồi hoà vào tiếng gió rung cây sậy loạt soạt, thành bản hợp xướng tiéng sói gào và tiếng lau sậy vi vu trước gió, khiến Trần Trận cảm thấy lạnh cứng như đang ở Sibia.
           Đã lâu, Trần Trận chưa nghe bản hợp ca của bầy sói trong đêm khuya tĩnh mịch. Cậu bất giác rùng mình cuộn chặt áo dài, nhưng hình như vẫn có cảm giác những âm thanh sắc lạnh như lọt qua kẽ nứt của băng, qua lần vải áo xuyên thấu da thịt, từ đỉnh đầu tới đốt xương cùng. Trần Trận quờ tay ôm con Vàng vào long mới cảm thấy có chút hơi ấm.
           Khúc dạo đầu trầm đục và dài lê thê vừa chấm dứt, bản hợp ca giọng nam cao của mấy con sói gộc nổi lên. Lần này thì chó của đại đội sủa đồng loạt. Chó lớn chó bé xung quanh Trần Trận đều hướng về phía tây bắc, đứng vòng ngoài đàn cừu, sủa như điên. Nhị Lang lúc đầu thì vừa sủa vừa chạy về phía có tiếng sói gào, nhưng chỉ lát sau, sự đàn sói chặn mất đường về, nó dừng lại ở đoạn đàn cừu đối mặt với đàn sói không xa, tiếp tục sủa. Lều trại của đại đội trải dài như con mãng xà trên triền núi dọc theo thung lũng, đều loé lên ánh đèn pin, hơn một trăm con chó của đại đội sủa râm ran trong nửa giờ mới tạm lắng.
           Đêm càng tối, khí lạnh càng đậm đặc. Chó vừa ngừng sủa, thảo nguyên im ắng tới mức nghe rõ tiếng lá xào xạc. Lát sau, con sói lĩnh xướng bắt đầu bản hợp ca thứ hai. Ngay lập tức, từ ba mặt bắc, tây, nam nổi lên tiếng tru dày đặc như ba bức tường âm thanh dựng lên bao vây khu lều trại, áp đảo hoàn toàn tiếng chó sủa. Toàn bộ chó của đại đội kêu như bị chọc tiết, đám phụ nữ gác đêm cầm đèn pin quét loạn về phía sói, miệng la: A…ha! U…hu! Ơ…hơ!... Tiếng la sắc nhọn từng đợt như song áp đảo đàn sói. Giọng ca của các ca sĩ thảo nguyên có lẽ được luyện từ những trận la hét đuổi sói ban đêm.
           Chó cậy gần nhà, lũ chó lớn sủa càng dữ. Tiếng sủa, tiếng gào, tiếng gừ, tiếng rít ư ử, tiếng sủa khiêu khích, tiếng sủa uy hiếp của chó thành một mớ âm thanh hỗn độn như tiếng trống trận, không phân biệt được rành rẽ từng âm. Gay go căng thẳng, long trời lở đất, như một trận huyết chiến sắp sửa nổ ra, các loại chó dữ, chó săn, chuẩn bị sẵn sàng xuất kích, quyết một trận sống mái.
           Trần Trận cũng gân cổ lên mà gào thét quát tháo, nhưng tiếng cậu ồ ồ như bò rống, thua xa tiếng thét lanh lảnh của đám phụ nữ.
           Đã lâu lắm thảo nguyên chưa xảy một trận chiến âm thanh và ánh sáng điện quy mô lớn như thế. Lều trại nơi bãi chăn mới rất tập trung, khiến cuộc phản kích bằng âm thanh và ánh đèn pin so với nơi ở cũ càng dầy đặc, càng quyết liệt. Và cũng đem lại cho thảo nguyên, cho phiên gác đêm đơn điệu một không khí chiến đấu ồn ào. Trần Trận nhất thời lấy lại tinh thần. Cậu nghĩ, giả dụ thảo nguyên không có sói, các dân tộc thảo nguyên sẽ trở nên uỷ mị và trung nguyên chắc chắn sẽ gánh chịu hậu quả: Dân tộc Hoa Hạ sẽ không cần xây dựng trường thành nữa, như vậy thì dân tộc Hoa Hạ đã sớm diệt vong trong vũng nước tù vì không còn nạn ngoại xâm.
           Tiếng tru của đàn sói đã bị lấn át. Cách bố trí lều trại của ông Pilich và ông Ulichi rất hữu hiệu, thế trận vững chắc, lều trại kiên cố, đàn sói rất khó hạ thủ.
           Trần Trận chợt nghe thấy tiếng xích sắt leng keng, vội chạy tới chỗ sói con. Sói con tránh nắng, tránh ánh sang, tránh người suốt một ngày trời, giờ đang nhe nanh múa vuốt nhảy như choi choi. Nó tỏ ra phấn khích cao độ trước trận chiến người- sói- chó- âm thanh- ánh sáng đèn pin. Nó nhảy liên tục, không ngừng lao tới cắn xé kẻ thù giả tưởng, chỉ tiếc không dứt đứt được xích sắt, lao vào cuộc chiến. Sói con nóng ruột thở phì phò chỉ sợ lỡ cơ hội tham chiến, khó chịu hơn khi không cướp được thịt.
           Sói ưa thích bóng đêm, tối đến, sức mạnh toàn thân sói bột phát; Sói ưa thích chiến đấu, tối đến, những xung động về tâm lý cầu chiến phát tiết ra ngoài. Đêm tối là thời gian sói quậy phá, ăn từng miếng to, uống từng ngụm lớn, xé xác con mồi. Nhưng sợi xích đã giữ sói con trong một không gian chật hẹp, khiến tính hiếu chiến, tính ưa đánh đêm bẩm sinh của nó càng sôi sục. Nó như một chiếc nồi áp suất bịt chặt lỗ thoát hơi, lúc nào cũng có thể nổ tung. Không dứt đứt cái xích, nó phát điên. Ý muốn tham chiến mãnh liệt khiến nó co rúm lại rồi bật lên như một quả bóng, chạy như điên quanh chuồng, vừa chạy vừa vồ con mồi tưởng tượng vừa cắn gió. Có lúc nó đột nhiên dừng lại tiếp theo là một cú vồ, tiếp theo nữa là một cú lộn vòng, rồi sau đó là khợp, xé, lắc, làm như đã chộp được con mồi bằng xương bằng thịt, rồi như đang cắn vào chỗ chí mạng cho con mồi chết hẳn.
           Lát sau, nó lại nhìn trân trân về phía bắc, sốt ruột dỏng tai nghe, hễ có động tĩnh là lại điên cuồng cắn xé. Bản năng chiến đấu của sói con bị không khí chiển tranh kích thích cao độ,nó gần như không phân biệt địch ta, cứ thấy có đánh nhau là xông vào, còn nhào vào bên nào nó không quan tâm, cắn chết một con chó hay một sói con, nó đều thích.
           Sói con trông thấy Trần Trận liền nhào tới nhưng bị vướng xích, nó lùi lại mấy bước chờ Trần Trận đi lại gần. Trần Trận hơi sợ. Cậu tiến lên một bước, vừa ngồi xuống liền bị nó vồ lấy gối như hổ vồ mồi. May mà Trần Trận đã phòng bị trước, vội dùng đèn pin đẩy mũi con sói ra. Cậu hơi buồn, con sói bị tù túng quá, khổ thân nó!
           Đàn chó của đại đội lại sủa ran, có lúc chạy tới chỗ sói con, nhưng lại chạy lên mạn bắc, coi như không biết có sói con ở đấy. Ba con chó cún nghiễm nhiên chính thức tham chiến, sủa anh ách, rên ư ử, khiến sói con giận run lên. Bản tính, lòng tự trọng, ý thích tham chiến của nó bị coi thường, bị tổn thương chỉ Trần Trận mới hiểu. Cậu đoán đêm nay sói con sẽ tham chiến bằng mọi giá, dứt khoát không chịu đứng ngoài.
           Sói con ngoẹo đầu nghe tiếng sủa đầy nam tính của chó lớn, suy nghĩ hồi lâu, nó chợt nhận ra nó không thể sủa như chó thì kém quá. Đây là lần đầu tiên nó có ý nghĩ như thế. Nhưng sói con mong muốn lập tức thoát khỏi cảnh ngộ này. Nó há miệng, rõ rang là định bắt chước tiếng chó sủa. Trần Trận hơi bị bất ngờ. Cậu ngồi xổm, quan sát sói con bằng ánh mắt tò mò. Sói con liên tục nhịn hơi lấy hơi, há miệng ngậm miệng, thót bụng phình bụng, mất bao công phu mà chỉ rặn ra được mấy tiếng khè khè quái gở, không thể sủa “gâu gâu” hoặc “óc óc” như chó. Sói con nổi hung, lại nhái những cử chỉ của chó, kết quả chỉ bật ra những tiếng chẳng phải của chó chẳng phải của sói, khiến nó tức giận càng lồng lộn.
           Trần Trận nhìn bộ dạng kỳ quặc của sói con mà buồn cười. Nó chưa biết tru mà đã định sủa như chó thì khó cho nó quá. Tuy sói và chó có cùng tổ tiên, nhưng cả hai tiến hoá ngày càng xa nhau. Đa số chó bắt chước được tiếng tru của sói, nhưng sói chưa bao giờ học tiếng sủa của chó, có lẽ sói lớn không thích tiếng sủa của chó. Vậy mà lúc này, sói con lớn lên trong tiếng chó sủa lại muốn học tiếng sủa của chó. Nó vẫn chưa biết thân phận của nó, thật đáng thương!
           Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, sói con vẫn không từ bỏ ý định học tiếng chó. Trần Trận cúi xuống ghé tai sói con nhái một tiếng sủa thật to. Sói con hiểu “ông chủ” muốn dạy nó, ánh mắt đang đần thổi bỗng chuyển sang hung dữ vì ngượng. Nhị Lang chạy tới bên sói con, thong thả sủa từng tiếng, kiên nhẫn như một nhà sư phạm. Đột nhiên Trần Trận nghe thấy từ họng con sói phát ra tiếng “âu… âu!” tiết tấu thì đúng nhưng vẫn không thành tiếng “gâu!” Con sói phấn khởi nhảy lên liếm mặt Nhị Lang. Sau đó cứ cách sáu bảy phút, sói con lại phát ra tiếng “âu… âu!” khiến Trần Trận cười nôn ruột.
           Tiếng kêu quái gở không phải sói không phải chó khiến lũ chó cún đổ xô lại xem, đàn chó lớn cũng khành khạch cười giễu. Trần Trận cười đến gập người lại, mỗi khi sói con “âu…âu!”, cậu lại đế “đâu đâu”…
           Sói con hình như biết người và chó cười giễu, nên nó càng cuống, lũ chó cún đứng vây quanh xem nó lăn lộn. Vài phút sau, chó của đại đội đều ngừng sủa. Sói con không có chó lĩnh xướng,lại kêu.
           Tiếng chó sủa vừa dứt, từ ba phía núi liền vọng lại tiếng sói tru. Cuộc chiến âm thanh và thần kinh giao phong bốn năm chục hiệp, cuối cùng người và chó đều mệt lử. Đàn sói rất giỏi lặng lẽ tập kích, ngay cả lúc xung phong cả tập đoàn mà vẫn im lặng như tờ, vậy mà đêm nay chúng khua chiêng gõ trống, hò hét ầm ĩ, rõ rang là hư trương thanh thế, không có ý công kích thật sự. Ba phía núi một lần nữa vọng lại tiếng sói tru, tiếng người thì đã dừng, đèn pin đã tắt hết, ngay chó cũng sủa lấy lệ, vậy mà tiếng sói tru mỗi lúc một gay gắt. Trần Trận cảm thấy trong chuyện này có âm mưu gì đó lớn hơn, có thể đàn sói phát hiện phòng tuyến người và chó quá đông, nên áp dụng chiến thuật tiêu hao sức lực, đợi khi người và chó mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác, chúng mới tập kích. Có thể trận chiến âm thanh nhằm tiêu hao sức khoẻ còn tiếp diễn nhiều đêm nữa. Trần Trận nhớ tới chiến thuật đánh du kích của Bát lộ quân “địch ở ta quấy”, lại còn đốt pháo tép trong thùng sắt tây giả làm súng liên thanh uy hiếp kẻ địch. Nhưng những chiến thuật này, sói đã nắm vững cách đây hàng vạn năm.
           Trần Trận nằm xuống thảm, bảo con Vàng nằm xuống rồi gối đầu lên. Không một tiếng người la chó sủa, cậu có thể lắng nghe và phân tích âm tố âm điệu trong tiếng tru để hiểu ngôn ngữ sói. Lên thảo nguyên, Trần Trận rất mê tiếng tru của sói. Tiếng tru của sói đối với dân tộc Hoa Hạ thực khủng khiếp, cư dân trung nguyên hễ nghe thấy tiếng tru là kinh hồn tang đởm, đến nỗi người Trung Quốc thường ví “quỷ khóc” với “sói gào”. Lên thảo nguyên Trần Trận đã quen với tiếng tru của sói, nhưng cậu vẫn không hiểu vì sao nó lại thê thảm đến thế. Nó như tiếng khóc nỉ non của người phụ nữ dưới xuôi mất chồng. Trần Trận ngay từ lần nghe đầu tiên đã cảm thấy lạ, vì sao người hùng trên thảo nguyên dũng mãnh có thừa, mà trong lòng sao lại đau khổ xót xa đến thế? Chẳng lẽ do cuộc sống trên thảo nguyên quá khó khăn, sói bị chết đói chết rét, bị bắt bị giết quá nhiều, nên mới khóc thương số phận đến thế? Trần Trận đã từng nghĩ rằng, con sói bề ngoài có vẻ hung hãn, thực ra nó rất mềm yếu.
           Nhưng hơn hai năm đối mặt với sói, nhất là trong nửa năm nay, Trần Trận dần bỏ cái nhìn trước kia. Cậu cảm thấy, so với những người gan dạ nhất, sói còn gan dạ hơn. Sói thường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, thà chết không chịu cúi đầu khuất phục. Trong từ điển nhà sói không có từ mềm yếu. Sói mẹ mất con, sói đực trọng thương cụt chân cụt ngón, nỗi đau tạm thời càng làm cho sói điên cuồng hơn, chỉ đợi có dịp là trả thù. Trần Trận nuôi sói con đã được mấy tháng, càng chứng minh điều đó. Cậu chưa từng thấy sói con uỷ mị, trừ phi mỏi mệt thực sự, còn thì lúc nào cũng mắt nẩy lửa, tinh thần phấn chấn, nhanh nhẹn hoạt bát. Tuy bị mã quan xiết cổ suýt mất mạng, nhưng chỉ lát sau, nó đã đầy sức sống như cũ.
           Lắng nghe hồi lâu, Trần Trận cũng nhận ra ý tứ doạ giẫm trong tiếng tru, nhưng vì sao lại dùng cái giọng thê thảm để doạ giẫm? Gần đây, đàn sói không bị thiên tai nhân hoạ đả kích, hình như không phải nguyên nhân do đau thương. Chẳng lẽ như một số mục dân đã nói, con sói than khóc cho số kiếp của người và gia súc, khiến con người rùng mình sởn gáy, chưa đánh đã thua? Sói thảo nguyên hình như còn nắm được tư tưởng chiến lược giành thắng lợi bằng cách làm cho quân địch ngã long, hoặc khủng bố tinh thần. Cách nói này tuy có lý đôi chút, nhưng vì sao khi gọi đàn, tìm bạn, tổ chức chiến dịch, báo tin cho thân hữu ở một nơi xa, chào hỏi gia tộc hoặc chia chác vật săn được sói đều dùng cái giọng khóc ấy? Rõ ràng là không lien quan đến tâm lý.
           Vậy thì vì nguyên nhân gì con sói tru như khóc? Dòng suy tưởng như chiếc dùi khoan sâu vào vấn đề còn nghi vấn. Cậu  nghĩ, con sói hung hãn tuy có lúc đau thương, nhưng không phải bất cứ lúc nào, ở đâu và bất cứ tâm trạng vui buồn hờn giận nào cũng “khóc”. “Khóc” không phải giọng điệu cơ bản trong tính cách sói.
           Nghe đến quá nửa đêm tiếng tru của sói, đầu óc Trần Trận ngày càng sáng ra, thường thì so sánh và đối chiếu là chìa khoá giải mật. Cậu bỗng nhận ra có sự khác biệt trong tiếng sói tru và tiếng sủa của chó. Cậu thấy chó sủa tiếng ngắn, còn sói thì tru dài, hiệu quả khác hẳn: Tiếng tru vang xa hơn tiếng sủa. Tiếng chó sủa vọng lại từ đoạn cực bắc của đại đội nghe không rõ bằng tiếng tru của sói gần đó. Phía đông, Trần Trận vẫn nghe thấy mơ hồ tiếng sói tru, nhưng tiếng chó sủa thì tuyệt nhiên không nghe thấy. Tiếng chó sủa không vang xa đến thế.
           Trần Trận dần ngộ ra một điều: Sở dĩ sói lấy khóc làm giai điệu chính cho tiếng tru, vì rằng diễn tiến tự nhiên hàng triệu năm khiến đàn sói phát hiện ra, kéo dài giọng khóc là có thể truyền âm đi rất xa, rất rộng và rất rõ trên thảo nguyên, giống như “gần nghe sáo, xa nghe tiêu”, tiếng sáo lảnh lói không thể lan xa bằng tiếng tiêu trầm đục. Kỵ binh thảo nguyên thời xưa dùng tù và truyền lệnh, hoặc tiếng chuông chùa ngân xa là có lý do của nó.
           Sói thảo nguyên rất giỏi cơ động đường dài, phân tán trinh sát, tập trung công kích. Sói là loại mãnh thú tác chiến bầy đàn trên phạm vi rộng. Để tiện liên lạc trên cự li rộng, sói chọn tín hiệu liên lạc tiên tiến nhất trên thảo nguyên. Chiến tranh tàn khốc rất coi trọng hiệu quả thực tế, còn như khóc hay cười, êm tai hay khó nghê, sói không bận tâm. Quân đội hùng mạnh cần phương tiện thông tin tiên tiến; phương tiện thông tin tiên tiến tăng cường sức mạnh quân đội. Có thể ngày xưa đàn sói đã sử dụng tiếng tru làm phương tiện thông tin tiên tiến trên thảo nguyên nên mới tăng cường sức chiến đấu, trở thành lực lượng quân sự lớn nhất sau con người, đuổi sạch những cá thể to lớn như hổ báo gấu đi nơi khác.
           Trần Trận lại nghĩ, một trong những nguyên nhân chó được người thuần dưỡng, có lẽ vì thời thượng cổ, thông tin của chó lạc hậu, do đó bị sói đánh bại, đành phải ăn nhờ con người. Ý thức độc lập tự do của sói, tính cách dũng mãnh ngoan cường của sói được xây dựng trên cơ sở bản lĩnh siêu mạnh đó. Người cũng vậy, một dân tộc bản lĩnh không cao, tính cách không mạnh, lại muốn độc lập tự do, dân chủ giàu mạnh thì chỉ là không tưởng. Trần Trận bất giác thở dài nghĩ thầm: Tài giỏi nên có gan, có gan nên càng tài giỏi. Thảo nguyên gợi mở và cung cấp bao nhiêu là bài học cho con người. Xem ra, kỵ binh thảo nguyên từng càn quét thế giới, họ cũng được sói gợi mở về thủ đoạn thông tin: Tiếng tù và lê thê trên chiến trường xưa từng tập hợp bao nhiêu kỵ binh thảo nguyên, phát lệnh chiến đấu cho biết bao cuộc chiến?
           Tiếng tru của sói thưa dần, đột nhiên tiếng tru của con sói miệng còn hơi sữa từ chuồng cừu vọng tới. Trần Trận giật thót, tưởng sói đã bít đường rút của đàn cừu. Nhị Lang dẫn toàn bộ số chó chạy đi. Trần Trận lồm cồm bò dậy, cầm gậy và đèn pin chạy theo. Đến trước lều, cậu thấy Nhị Lang và tất cả chó lớn chó bé vây quanh chuồng sói con, gầm gừ nhìn sói con kinh ngạc.
           Trong quầng sang của đèn pin, Trần Trận nhìn thấy sói con ngồi xổm bên cọc, mũi nhọn hếch lên trời mà tru, tiếng tru phát ra từ cái họng bé tí của nó. Sói con đã biết tru rồi sao? Đây là lần đầu tiên Trần Trận nghe sói con tru, cậu cứ tưởng con sói trưởng thành thì mới biết tru, không ngờ con sói chưa đến bốn tháng tuổi mà đã phát ra tiếng “hu…u…”, âm thanh và động tác hoàn toàn giống con sói hoang dã. Trần Trận vui sướng ôm sói con vào long, thơm nó một cái. Nhưng cậu không muốn cắt đứt niềm vui của sói con và cũng muốn nghe thật gần tiếng ca của sói con yêu quý của cậu. Cậu xúc động hơn ông bố trẻ lần đầu nghe đứa con yêu quý cất tiếng gọi “bố”. Không đừng được, cậu vuốt ve sói con, sói con vui sướng liếm tay cậu, sau đó lại tiếp tục bài ca.
           Lũ chó đâm ra hồ đồ, không biết nên cắn chết hay chặn đứng con sói lại không cho tru. Trên cùng trận tuyến bảo vệ đàn cừu, lũ chó đột nhiên nghe tiếng tru, vậy là đội ngũ chó rồi loạn. Chó nhà Quanbu cũng ngừng sủa, có mấy con còn chạy sang lều Trần Trận để xem cho rõ thực hư và chuẩn bị chi viện. Chỉ có Nhị Lang vui vẻ đến ben sói con liếm đầu nó rồi nằm xuống bên cạnh nghe nó hát. Con Vàng và con Ilưa giận dữ trừng mắt nhìn sói con. Lúc này, sói con từng ăn ở cùng lũ chó ba bốn tháng trời, bỗng không khảo mà xưng, hiện nguyên hình là sói chứ không phải là chó, hoàn toàn giống những con sói hoang dã vừa khẩu chiến với đàn chó. Con Vàng và con Ilưa thấy chủ vuốt ve con sói thì chỉ bực chứ không dám can thiệp. Mấy con chó nhà hàng xóm thấy cảnh chung sống hoà bình giữa người, chó và sói thì không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chỉ giương mắt nhìn nghi hoặc, không hiểu rốt cuộc là sói hay là chó. Chúng ngoẹo đầu nhìn con vật cổ quái hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi.
           Trần Trận ngồi xổm bên con sói nghe nó tru, quan sát tỉ mỉ từng động tác tru của nó. Cậu nhận thấy khi bắt đầu tru, con sói hếch mũi lên trời. Cậu hân hoan thưởng thức dư âm mượt mà lan xa mãi, chẳng khác con lợn biến ló cái mũi dài lên mặt biển lặng, tạo nên những gợn sóng lan ra tứ phía. Trần Trận chợt hiểu, con sói hếch mũi lên trời là để sóng âm đi xa, chỉ có chĩa thẳng mũi lên trời mới khuếch tán được sóng âm đều khắp cả bốn phương tám hướng dòng họ nào cũng nghe thấy. Tiếng tru như khóc và âm thanh kéo dài là sự sáng tạo của sói để thích ứng với thực tiễn sinh tồn và dã chiến trên thảo nguyên. Sói thảo nguyên tiến hoá hoàn mỹ như thế, thành công như thế, xứng đáng là kiệt tác của Tăngcơli (Trời). Tù và của kỵ binh thảo nguyên, đầu thoát hơi cũng chĩa thẳng lên trời. Âm thanh kéo dài và động tác chĩa tù và lên trời hoàn toàn giống sói. Chẳng lẽ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Xem ra người thảo nguyên cổ xưa nghiên cứu rất sâu nguyên nhân vì sao âm điệu và tư thái của sói phải như thế. Sói thảo nguyên đã dạy cho người thảo nguyên khá nhiều bản lĩnh.
           Trần Trận máu nóng sục sôi trong huyết quản. Trong hoàn cảnh du mục nguyên thuỷ, ở một nơi tận cùng của thảo nguyên Nội Mông trước đây chưa hề in dấu chân người mà cậu có thể vỗ lưng con sói nghe nó hát. Ngồi kề bên con sói để nghe tiếng tru thì quả là rõ, mềm mại, tròn trĩnh, trơn tru và trong vắt, tuy vẫn theo tiêu chí của tiếng tru, nhưng tuyệt nhiên không chút bi thương. Trái lại, sói con tỏ ra hưng phấn lạ thường, nó vô cùng xúc động vì chất giọng của nó, cao vút, âm sau dài hơn âm trước. Sói con như một ca sỹ lần đầu lên sân khấu đã thành công, lần nữa không chịu rút lui.
           Tuy mấy tháng gần đây, sói con luôn có những chuyện khiến Trần Trận giật mình, vậy mà lúc này cậu vẫn bị kinh ngạc thật sự. Sói con bắt chước tiếng chó sủa không được, chuyển sang học tiếng tru của sói, thành công liền. Nhưng bắt chước tiếng tru thì có thể mô phỏng bầy sói, còn tru dài thì tư thế học ở ai? Thảo nguyên trong đêm, sói con không thể nhìn thấy sói lớn trong tư thế tru dài như thế nào. Vậy mà nó không học cũng biết. Sói con bắt chước tiếng chó sủa cực kỳ khó khăn, học tiếng sói tru thì như có phép thần thông, loáng cái đã học được. Đó là do nó mang sẵn chất sói. Sói con từ con đường tắt học tiếng chó sủa, nay trở về với thế giới loài sói. Nó không tru lên thì thôi, tru lên là khiến người kinh hoàng. Nó lớn rồi, từ nay nó sẽ trở thành một con sói thực thụ. Trần Trận vui mừng không kể xiết.
           Thế nhưng, cùng với tiếng tru ngày càng thành thục, cao vút, vang xa, Trần Trận chợt thấy nhói một cái như bị con sói cào trúng. Thanh la trộm về không dám gõ cho kêu, nhưng sói con bắt về nuôi lén thì lại tự “gõ” cho kêu lên, chỉ e không ai biết đến mình. Trần Trận than thầm: Cha nội! Mày không biết có bao nhiêu người và chó muốn đập chết mày không? Có bao nhiêu sói mẹ muốn cướp lại mày không? Để tránh mặt người, mày đào một cái hang, ẩn mình dưới đó, vậy là tru lên một tiếng, tất cả công lao đổ xuống sông xuống biển? Thế là tự sát, mày có biết không? Nhưng nghĩ lại, Trần Trận nhận ra rằng, sói con không nề nguy hiểm mà tru lên, chắc hẳn gọi bố mẹ nó đến cứu. Sau khi phát ra tiếng nói của chính nó, sói con theo bản năng ý thức được thân phận của mình. Nó không phải con chó sủa “gâu gâu”, mà là một thành viên trong những “bóng đen” lang thang tru dài trên đồng cỏ. Trần Trận toát mồ hôi lạnh, cảm thấy sức ép ghê gớm từ phía sói và phía người.
           Đột nhiên sói con vận hết hơi sức toàn thân tru một tiếng dài.
           Về tiếng tru của sói con, vì trở tay không kịp, mọi người, đàn chó, đàn sói phía xa không kịp phản ứng. Trong lúc vội vàng, vẫn là đàn sói phản ứng nhanh nhất. Khi tiếng tru thứ ba thứ tư cất lên, đàn sói lập tức im bặt, có con đang tru vội cắt đứt tiếng ngân, nuốt trở lại bụng như nấc cụt.
           Trần Trận đoán rằng, đám sói chúa, sói già, sói đầu đàn và sói mẹ trên thảo nguyên chưa bao giờ nghe thấy tiếng sói tru chính hiệu nổi lên từ lều trại của người. Cậu có thể hình dung mức độ kinh hoàng của đàn sói, có thể chúng nghĩ: Chẳng lẽ có một sói con nào đấy không nghe lệnh dám tự ý xông vào lều trại của người? Không phải thế, thường thì con sói đó lập tức bị chó dữ xé xác. Nếu vậy sao không nghe thấy nó kêu thảm thiết, mà có vẻ vui mừng tru mãi không thôi.
           Vậy chẳng lẽ không phải sói con, mà là một con chó tru tiếng sói? Trần Trận thử dịch địa vị của sói mà suy đoàn. Nhưng họ hàng nhà sói chưa khi nào nghe tiếng chó sủa mà như tiếng tru của sói chuẩn xác, tinh tế, chỉ sói mới có thể. Chẳng lẽ người nuôi sói con? Nhưng xưa nay chỉ có chuyện sói nuôi người, không có chuyện người nuôi sói. Cứ cho là người nuôi sói, vậy con sói đó là con nhà nào? Dạo mùa xuân, người và chó đã bắt đi rất nhiều sói con, khi đó chúng chưa biết tru, nên các sói mẹ không thể phân biệt nó là con cái nhà ai?
           Đàn sói rõ rang là lúng túng và mất khả năng phân tích. Trần Trận đoán chúng đang mắt tròn mắt dẹt không nói lên lời. Hành vi ngang ngược của một thanh niên trí thức đến từ Bắc Kinh, khiến các sói đầu đàn ngớ ra. Nhưng sớm muộn đàn sói sẽ nhận ra đó là một con sói thực thụ. Những sói mẹ mất con vào mùa xuân còn hi vọng tìm thấy và cướp lại con trong cái nóng như lò của thảo nguyên. Sói con đột nhiên tự bộc lộ, khiến sự việc mà Trần Trận quan tâm nhất, cuối cùng hiện ra trước mắt.
           Đợt phản ứng thứ hai về tiếng tru của sói con là của đàn chó đại đội. Đàn chó bắt đầu nghỉ ngơi, nghe thấy tiếng tru từ nội bộ khu lều trại, chắc vô cùng kinh hoảng, cho rằng đàn sói thừa cơ người và chó mỏi mệt, tập kích đàn cừu nhà ai đó, vậy là toàn thể chó của đại đội sủa vang. Hình như chúng hổ thẹn đã để xảy ra sơ suất, nên có bao nhiêu hơi sức vận ra bằng hết, sủa như điên, sủa lộn tùng phèo thảo nguyên lúc gần sáng. Đàn chó quyết một trận sống mái, đánh động cho các chủ nhân, rằng đàn sói đang tấn công trên tất cả các mặt, mau cầm lấy súng mà đối phó.
           Phản ứng chậm chạp nhất là người. Hầu hết số phụ nữ gác đêm đều đã ngủ vùi không nghe thấy tiếng tru của sói con. Họ bị tiếng sủa khác thường của đàn chó đánh thức, tiếng hò lảnh lói bắt đầu rộ lên, ánh đèn pin loang loáng chiếu lên trời và trên sườn núi. Không ai ngờ đàn sói lại tấn công trước khi đàn muỗi về.
           Trần Trận gần như bị choáng trước sóng âm của bầy chó. Cậu đã tự rước hoạ vào thân. Cậu không biết sáng ra sẽ ứng phó với sự chỉ trích của toàn thể đại đội như thế nào.Cậu rất sợ một số mục dân sẽ quăng con sói của cậu lên trời. Con sói vẫn không ngừng tru, sung sướng như đang ăn một cái tết của tuổi thanh niên. Và nó vẫn chưa chịu kết thúc, sau khi uống mấy ngụm nước cho trơn họng, nó hào hứng tru tiếp. Màu đen kịt trên trời đã nhạt, những phụ nữ không gác đêm đã dậy vắt sữa. Trần Trận vội ôm con sói, tay trái bóp chặt cái mõm dài của nó không cho tiếng phát ra. Con sói không chịu để con người coi thường, quẫy mạnh bằng tất cả sức lực để giằng ra. Nó đang lớn, Trần Trận không ngờ nó lại khoẻ đến thế, một tay cậu không đè nổi nó, còn tay kia bóp mõm thì không dám bỏ ra. Lúc này mà bỏ tay ra, chắc chắn bị nó đớp.
           Con sói chống cự điên cuồng. Nó trở mặt không nhận Trần Trận là người quen, hai mắt long sòng sọc, đồng tử vàng choé như hai mũi dùi đồng. Không gỡ được mõm khỏi tay Trần Trận, con sói bắt đầu cào cấu, quần áo Trần Trận bị xé rách, mu bàn tay phải bị cào chảy máu. Trần Trận đau quá gọi Dương Khắc. Cửa mở, Dương Khắc chân trần chạy ra, hai người cố sức đè con sói xuống đất, nó thở phì phò, hai chân cào đất thành hai hố nhỏ.
           Mu bàn tay Trần Trận rỉ máu. Hai người đành một…hai…ba đồng thời buông tay rồi nhảy ra khỏi chuồng. Sói con không chịu bỏ cuộc, chồm tới nhưng bị chiếc xích giữ chặt. Dương Khắc chạy vội vào trong lều lấy bông băng và bạch thược Vân Nam ra bôi thuốc và băng bó vết thương cho Trần Trận. Cao Kiện Trung cũng bị tiếng ồn đánh thức, cậu bước ra ngoài, giận dữ chửi: Sói nào mà chẳng bạc ác! Cậu ngày nào cũng hầu hạ nó như hầu hạ quan lớn, vậy mà nó còn cắn cậu. Cậu không dám ra tay thì để đấy cho tôi, lát nữa tôi sẽ hoá kiếp cho nó.
           Trần Trận vội xua tay: Đừng, đừng! Lần này không phải lỗi tại nó. Mình bóp miệng nó, nó không cáu sao được?
           Trời rạng sang, sói con vẫn chưa thoả dạ, nó nhảy như choi choi, thở phì phò, chốc chốc lại ngồi xuống mép chuồng ngó về phía tây bắc, ngửa mặt hếch mũi lên trời định tru tiếp. Nào ngờ sau trận vật lộn, sói con đã quên mất tiếng tru mới học, rặn mãi không ra, kết quả lại bật ra những tiếng “âu…âu”. Nhị Lang thích thú vẫy đuôi. Ba người cũng vui vẻ không kém. Thẹn quá hoá giận, sói con nhằm bố nuôi Nhị Lang mà nhe răng nhe lợi.
           Trần Trận đâm lo: Sói con đã biết tru hệt như sói hoang dã, mọi người đều nghe thấy hết, chắc chắn sẽ rất phiền toái, làm thế nào bây giờ?
           Cao Kiện Trung kiên trì bảo lưu ý kiến của mình: Giết luôn nó đi, nếu không đêm nào đàn sói cũng vây quanh đàn cừu mà tru, lại thêm hơn một trăm con chó sủa thì ngủ sao được? Nếu chúng bắt cừu thì buộc phải di chuyển thôi.
           Dương Khắc nói: Không giết, chúng mình bí mật thả, bảo nó cắn đứt xích bỏ chạy.
           Trần Trận nghiến chặt hai hàm răng, nói: Không giết mà cũng không thả! Giữ được ngày nào hay ngày ấy. Muốn thả cũng không thể thả ngay bây giờ. Bên ngoài khu lều trại toàn là chó của các gia đình khác, thả ra là bị chúng cắn chết. Những ngày này, cậu chăn cừu ban ngày, mình canh gác ban đêm, còn ban ngày mình trông sói con.
           Dương Khắc nói: Đành vậy thôi. Nếu đại đội ra lệnh dứt khoát phải giết sói con thì ta lập tức thả cho nó đi. Đem nó đến một nơi thật xa không có chó hãy thả.
           Cao Kiện Trung hừ một tiếng, nói: Các cậu toàn nghĩ viển vông, hãy đợi đấy, lát nữa sẽ có mục dân gõ cửa cho mà xem. Mình bị nó quấy rầy suốt đêm không ngủ được, đau đầu quá. Mình muốn giết béng nó.
                                                                     
   *
*      *
           Bữa trà sang chưa xong, bên ngoài đã có tiếng vó ngựa đến gần. Trần Trận và Dương Khắc hốt hoảng chạy ra. Ông Pilich và ông Ulichi đã tới trước cửa. Hai người chưa xuống ngựa, đi quanh lều hai vòng mới trông thấy sợi xích sắt luồn xuống một cái hang. Ông già xuống ngựa, ngó vào trong hang, nói: Thảo nào tìm không ra, nó ở dưới này. Trần Trận và Dương Khắc vội đón lấy dây cương từ tay hai ông, dắt ngựa cột vào trục xe bò. Hai cậu không dám nói gì, chuẩn bị nghe kể tội.
           Ông Pilich và ông Ulichi ngồi xổm bên cạnh hang, ngó vào trong. Sói con đang nằm nghỉ. Nó rất ghét có người quấy nhiễu nên nhe răng gầm gừ, mắt long sòng sọc.
           Ông già nói: Chà, lớn thế này rồi cơ à? Lớn nhanh hơn bọn sói hoang. Ông quay lại bảo Trần Trận: Cậu quý nó thật đấy, đào hang cho nó tránh nắng. Lão cứ nghĩ trời nắng này mà buộc nó ở ngoài trời, không ai giết nó cũng chết vì nắng.
           Trần Trận thận trọng, nói: Bố, hang này không phải con đào, mà nó tự đào. Hôm ấy nó suýt chết nắng, loay hoay một hồi, nó bèn nghĩ ra cách này.
           Ông già ngạc nhiên chăm chú nhìn con sói. Lát sau, ông nói: Không có sói mẹ dạy mà nó tự đào được hang? Đó là Tăngcơli không muốn nó chết.
           Ông Ulichii nói: Đầu óc con sói khá linh hoạt, khôn hơn chó nhiều, rất nhiều chuyện thông minh hơn người.
           Trần Trận tim đập thình thịch, cậu thở ra một hơi, nói: Con cũng băn khoăn. Nó còn nhỏ vậy mà đã có bản lĩnh. Khi bắt về, nó chưa mở mắt, ngay cả mẹ nó cũng chưa nhìn thấy.
           Ông già nói: Sói có linh tính, sói mẹ không dạy thì Tăngcơli dạy chứ sao! Đêm qua cậu trông thấy nó ngửa mặt lên trời mà tru chứ gì. Trên thảo nguyên, bò, cừu ngựa, chó, cáo, dê vàng, rái cá… tất cả khi kêu đều không ngửa mặt lên trời, chỉ sói là ngửa mặt lên. Vì sao? Lão đac có lần nói, sói là cục cưng của Trời, khi có chuyện phiền muộn, sói ngửa mặt lên trời mà tru, cầu Trời giúp đỡ. Tài năng đa dạng của sói là do trời cho. Từ lâu, sói thảo nguyên đã biết “sáng thỉnh thị, tối báo cáo”. Người thảo nguyên khi gặp khó khăn cũng ngẩng mặt cầu Trời. Vạn vật trên thảo nguyên chỉ có sói và người là tôn kính Trời.
           Ánh mắt ông già đã dịu khi nhìn con sói. Ông lại nói: Người thảo nguyên tôn kính Trời là học từ sói. Khi người Mông Cổ chưa đến thảo nguyên, sói đã ngày đểm ngẩng mặt lên Trời mà tru. Cuộc sống trên thảo nguyên khổ quá, con sói lại càng khổ. Đêm đêm nghe tiếng sói tru, người già thường rơi nước mắt.
           Trần Trận giật mình. Trên thảo nguyên mênh mông, quả là chỉ có sói và người là ngửa mặt tru dài hoặc cầu khấn. Người và sói thảo nguyên sống trên thảo nguyên xinh đẹp nhưng nghèo khó quả thật gian nan, chỉ biết kêu trời để vơi bớt nỗi niềm.Từ góc độ khoa học, sói ngửa mặt tru là để cho tiếng tru vang xa, rộng và đều khắp. Nhưng về mặt tình cảm, Trần Trận thích cách giải thích của ông già Pilich. Kiếp người nếu không có sự bảo trợ nào đó của thần linh, thì cuộc sống quả vô vọng. Trần Trận nước mắt chạy quanh.
           Ông già Pilich quay lại bảo Trần Trận: Đừng giấu cái tay đi. Bị sói con cào phải không? Đêm qua lão nghe thấy hết. Con ơi, con tưởng ta đến giết sói con chứ gì? Sáng nay có một số mã quan, dương quan đến chỗ ta kiện con, đề nghị đại độ xử lý con sói. Ta và ông Ulichi bàn nhâu cứ để con nuôi nhưng phải cẩn thận đấy. Chà, ta chưa thấy người Hán nào mê sói như con!
           Trần Trận ngớ ra hồi lâu mới hốt hoảng hỏi lại: Đúng là cho con tiếp tục nuôi hở bố? Con cũng rất sợ gây tổn thất cho đội, sợ làm phiền bố. Con đang tính may chiếc rọ mõm cho con sói khỏi tru.
           Ông Ulichi nói: Muộn rồi, sói mẹ đều đã biết nhà cậu có một con sói. Tôi đoán đêm nay đàn sói nhất định đến. Tuy nhiên, các tổ của ta đã khoá rất chặt, người nhiều chó nhiều súng nhiều, đàn sói khó làm gì được. Chỉ sợ sau này về bãi chăn mùa thu lều trại phân tán, cái lều của các cậu sẽ gặp nguy hiểm.
           Trần Trận nói: Khi ấy ba con chó của cháu đã lớn. Năm con chó lớn, lại thêm con săn sói Nhị Lang, chúng cháu tăng cường tuần đêm, rồi lại có pháo nhị thanh, chúng cháu không sợ sói.
           Ông già nói: Khi ấy hãy tính.
           Trần Trận vẫn chưa yên tâm, hỏi lại: Bố, rất nhiều người đòi giết con sói, bố nói với họ thế nào?
           Ông già nói: Những ngày này đàn sói đang bắt ngựa con. Đàn ngựa tổn thất rất lớn. Nếu sói con dụ được đàn sói về phía này, thì đàn ngựa đỡ thiệt hại, các mã quan đỡ vất vả và đàn ngựa được yên.      
           Ulichi bảo Trần Trận: Cậu nuôi con sói thế mà hay! Chia lửa với đàn ngựa… Cậu nhất thiết không để nó cắn phải. Không phải chuyện chơi đâu. Cách đây ít hôm một dân công lấy trộm phân bò khô của một gia đình mục dân, bị chó nhà ấy cắn, suýt toi mạng vì bệnh dại. Tôi đã bảo cậu Bành lên mục trường bộ lấy ít thuốc về.
           Ông già và ông Ulichi lên ngựa phóng về phía đàn ngựa. Rất vội, chắc là đàn ngựa có sự cố. Trần Trận trông theo hai vệt bụi vàng, trong bụng không hiểu nhẹ nhõm hay căng thẳng.

<< Chương 23 | Chương 25 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 571

Return to top