Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi Ký Sihanouk

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12183 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi Ký Sihanouk
SIHANOUK

Trên đường giải thoát.

Bắt đầu từ tháng 11-1978, tiếng pháo của Khmer Đỏ và Việt Nam ngày càng vang vọng tới thủ đô Phnompenh. Những cửa kính trong ngôi nhà bé nhỏ của tôi bắt đầu rung lên từng đợt như xảy ra động đất. Đến tháng 1-1979 chiến tranh đã tới sát Takmau rồi Pôchentông. Trong suốt quãng thời gian đó, tức là cho tới ngày 5-11-1978, tôi nuôi ý nghĩ sẽ phải đi theo Angca lên bưng biền. Trừ bác gái tôi và mẹ vợ tôi đã cao tuổi chắc không đi được vợ chồng con cái chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hành trang: quần áo đen, mũ cát-két kiểu Mao, dép cao su, để theo ông Khieu Samphan và các nhân vật khác của Khmer Đỏ lên rừng.
Trong bầu không khí khủng khiếp của chiến tranh, một buổi vào lúc nửa đêm tôi đột ngột được mời đi ra khỏi Phnompenh bằng xe ô tô, không một lời báo trước. Vợ chồng chúng tôi nghĩ ngay đến số phận nhiều thành viên Mặt trận và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc đã lìa trần. Họ cũng đã từng được Angca mời đi “dạo mát” trong đêm bằng xe ô tô. Nhưng đó chỉ là để lĩnh án tử hình, trước khi chết còn bị tra tấn hành hạ rất dã man. Trong số này có ông Chia Xan và các Hoàng thân Norodom Phurissara, Sisowath Methavi. Trước khi chết ông Chia Xan đã bị tra tấn tại nhà ngục Tuôn Xleng, trước kia là trường trung học Phnompenh. Bộ đội Việt Nam khi tiến vào Phnompenh đã nhìn thấy nhiều hồ sơ tài liệu về cái chết khủng khiếp của ông Chia Xan, một con người tận tuỵ phục vụ đất nước, chỉ phạm một tội duy nhất là không chịu từ bỏ “chủ nghĩa quốc gia”. Phurissara và Methavi cũng bị giết chết vì tuyệt đối trung thành với tôi. Trong cái đêm 5-1-1979 khi được Angca “mời” đi, vợ chồng tôi có nhiều lý do để tin rằng, kết thúc chuyến đi này tôi sẽ bị Angca thủ tiêu bằng cuốc, xẻng.
Người cán bộ Khmer Đỏ đem lệnh “mời” cho biết tất cả gia đình và những người phục vụ chúng tôi sẽ lên đường sau mười lăm phút, chỉ được mang theo rất ít hành lý. Chúng tôi hầu như không mang theo gì và đã lên đường theo trang phục Khmer Đỏ: Quần áo vải đen, khăn rằn, dép lốp cao su.
Trong đêm hầm hập nóng, chúng tôi rời Phnompenh trên ba chiếc xe ô tô, dẫn đầu là chiếc chở tôi, đi qua thủ đô vắng tanh như sa mạc rồi rẽ vào con đường đi Compuông Choang - Pursat -Battambang. Người cán bộ Khmer Đỏ ngồi ở ghế trước, gần lái xe. Vợ chồng chúng tôi ngồi ghế sau cùng với con chó con rất thông minh mà bà Souphanouvong đã tặng tôi từ năm 1971 khi tôi còn ở Bắc Kinh. Tới Pursat, xe dừng lại lấy xăng. Vợ tôi rất lo vì không thấy chiếc xe đi sau chở hai đứa con thằng cháu, bác gái và mẹ vợ tôi. Nhưng người lính đi theo nói xe bị nổ lốp, đang thay bánh. Chúng tôi lại lên đường. Nhiều giờ sau đã tới Xixôphôn, một thành phố giáp Thái Lan. Chiếc xe sau vẫn chưa tới. Rất lo ngại, chúng tôi tự hỏi liệu những người trong xe có bị “thanh toán” trong đêm không. Mã năm giờ sáng các con tôi cùng với toàn bộ người thân trong gia đình và những người phục vụ mới tới. Đúng là xe nổ lốp thật, và sau đó xe lại đâm vào đống đá, suýt lăn xuống hố. Cuối cùng mọi việc đều ổn. Vợ chồng chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.
Chúng tôi dừng lại Xixôphôn, chiều ngày 3-1-1979 Chủ tịch Khieu Samphan bất ngờ tới gặp chúng tôi, nói ông được sự uỷ nhiệm của Angca tới thông báo cho tôi rõ:
1. Phnompenh vẫn yên ổn, an toàn, kể cả sân bay Pôchentông.
2. Vì vậy chúng tôi được mời trở lại Phnompenh.
3. Chính phủ muốn cử tôi đi Liên Hợp Quốc và ngài Pen Nouth di một số “nước bạn” để bảo vệ chính nghĩa của Campuchia bị Việt Nam “xâm lược”.
Ngày mai sẽ quay về Phnompenh. Khi tới đó sẽ có đầy đủ các tài liệu cần thiết để chúng tôi đi công tác, chủ tịch Khieu Samphan nói thêm, các nhà lãnh đạo Campuchia chấp nhận mọi hy sinh cần thiết nhằm phục vụ cho “công cuộc cứu nước”. Tôi nghĩ thầm, sự hy sinh to lớn nhất đối với Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chia, Khieu Samphan là đã phải mở cái “chuồng” giam Sihanouk và Pen Nouth, để chúng tôi đi tới các vùng trời mới, trong khi chế độ của họ đang chìm nghỉm. Như tôi đã rõ từ trước Khmer Đỏ đã từng mơ ước củng cố lâu dài chế độ của họ cho tới lúc có thể thủ tiêu tôi mà cộng đồng quốc tế không thể phản ứng được. Đúng là nếu không có sự can thiệp quân sự thắng lợi của Việt Nam vào Campuchia thì có thể Sihanouk sẽ bị Khmer Đỏ thủ tiêu. Chắc chắn là, nếu không bị sụp đổ trong cuộc đối đầu với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và ngược lại nếu Khmer Đỏ tiến được tới chỗ củng cố chế độ của họ ở trong nước cũng như trên trường quốc tế thì họ có thể có “toàn bộ lợi ích để thủ tiêu tôi”. Tôi có ý thức về điều đó.
Đúng là nay họ rất cay đắng khi phải trao cho tôi danh vị “đại diện tối cao của Campuchia dân chủ” để tôi lên đường đi công cán ở nước ngoài.
Sau khi đã trở về Phnompenh, chiều ngày 5-1-1979, Chủ tịch Khieu Samphan lại đến gặp tôi trong ngôi nhà nhỏ đằng sau chùa Botum Vatđay. Ông tươi cười báo tin “đồng chí Thủ tướng Pol Pot” mời tôi tới uống nước chè tại dinh chính phủ. Vợ tôi không được mời, nhưng Xamđec Pen Nouth cũng có mặt trong buổi tiếp.
Dinh chính phủ là một toà lâu đài do Pháp xây dựng từ trước chiến tranh thế giới thứ hai giữa sông Tônlê Xáp và đồi bà Pênh. Sơn Ngọc Thành, Sirik Matak và Cao uỷ Pháp Raymond đều đã ở đây và tất cả đều đã gặp tai hoạ. Pol Pot nhất định cũng không tránh khỏi.
Lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện với Pol Pot là khi tôi về thăm vùng giải phóng năm 1973, đến nay mới gặp lần nữa. Nhà độc tài của Campuchia “dân chủ” tươi cười đứng đón tôi trước cổng lớn của toà lâu đài. Thật ngạc nhiên, Pol Pot lại chắp tay cúi đầu chào tôi theo kiểu chào của “xã hội cũ”. Ieng Sary đứng bên cạnh Pol Pot cũng bắt buộc phải chào tôi theo kiểu chắp tay cổ truyền, nhưng tính kiêu ngạo đã khiến ông ta không chịu cúi mình trước “cựu hoàng đáng kinh tởm”. Ông Pen Nouth, đến sau tôi một chút, vẫn chào tôi một cách kính cẩn như phong tục cổ xưa. Trong phòng khách danh dự, Pol Pot mời tôi ngồi phía tay phải, trên một trong hai chiếc ghế bành vẫn dành riêng cho thượng khách. Tất cả chúng tôi đều mặc quần âu áo sơ mi trắng kiểu Trung Quốc. Những nhân viên phục vụ của Khmer Đỏ ăn mặc rất chỉnh tề mời chúng tôi nước trà, bánh ngọt, nước cam. Đây là giống cam Pursat rất ngon, vỏ xanh mà múi ngọt, từ thời còn chế độ quân chủ vẫn được chọn để tiếp khách quý, rất được ca ngợi. Đã lâu lắm mới được thưởng thức, tôi uống tới một chục cốc nước cam trong buổi nói chuyện kéo dài suốt bốn giờ.
Dưới đây là tóm tắt nội dung câu chuyện giữa Pol Pot và tôi.
Pol Pot: Tôi rất sung sướng gặp ngài.
Sihanouk: Bữa nói chuyện đầu tiên giữa chúng ta là từ tháng 3-1973.
Pol Pot: Quả đúng như vậy! Xin Thái tử thứ lỗi cho tôi không tới thăm ngài được từ sau khi đất nước Campuchia được giải phóng. Đúng là tôi bận nhiều việc quá.
Sihanouk: Chắc chắn như vậy. Ngài rất bận. Trách nhiệm nặng nề đè trên vai.
Pol Pot: Cám ơn ngài đã thông cảm. Đồng chí Khieu Samphan đã tới gặp ngài và đã báo cáo với tôi là ngài chấp nhận lời mời của chính phủ tới Liên Hợp Quốc bảo vệ chính nghĩa của dân ta. Ngài là một nhà yêu nước. Ngài lại có rất nhiều bạn trên thế giới. Ngài có thể cống hiên nhiều cho nhân dân.
Sihanouk: Tôi chưa bao giờ ngừng khát vọng phục vụ nhân dân. Vì vậy, tôi phải cảm ơn ngài đã cử tôi làm “quân sư” để biện hộ cho chính nghĩa của nhân dân và đất nước ta trên trường quốc tế.
Pol Pot: Chiều mai, một chiếc máy bay của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sẽ đưa ngài, cùng với Bà hoàng Monic, toàn bộ gia đình và những người phục vụ ngài tới Bắc Kinh, là nơi ngài sẽ thiết lập một căn cứ thường trục trong suốt thời gian chiến đấu. Cuộc chiến tranh này không lâu đâu. Chỉ vài tháng thôi. Về phần Thái tử, chung tôi cam đoan rằng nếu ngài nhớ quê hương đất nước thì từ Bắc Kinh ngài có thể về thăm nước nhà bao nhiêu lần cũng được. Ngài sẽ luôn luôn được hoan nghênh.
Sihanouk: Rất cám ơn.
Ieng Sary (nói với Pol Pot): Về chuyến đi ngày mai của Hoàng thân, tôi nghĩ chỉ có Xamđec và Bà hoàng Monic là có thể đi được. Còn toàn bộ gia đình và những người phục vụ thì phải ở lại Phnompenh vì máy bay Trung Quốc không còn chỗ.
Pol Pot: Không! Cử để mọi người đi hết. Đồng chí thương lượng với các bạn Trung Quốc cố thu xếp đủ chỗ trên máy bay.
Sihanouk: Thưa ngài Thủ tưởng, tôi vô cùng cám ơn lòng tốt của ngài.
Sau khi trao đổi thêm vài câu xã giao nữa, Pol Pot mời tôi cùng với Xamđec Pen Nouth tới phòng thuyết trình nghe phổ biến tình hình, có cả Ieng Sary và Khieu Samphan cùng đi. Đứng trước tấm bản đồ lớn, ngài Thủ tướng bắt đầu một cuộc tóm tắt sơ lược tình hình chiến sự: “Hiện nay, tình hình chiến sự ở Campuchia là rất tốt đối với quân đội ta. Chúng ta đang giương một cái bẫy, nhử cho địch vào sâu để tiêu diệt luôn toàn bộ sức mạnh quân sự của chúng. Đứng trước kẻ địch, chúng ta phải lựa chọn một trong hai chiến lược, hoặc là chặn đứng sức tiến quân của đối phương trên suốt tuyến biên giới, nhưng làm như vậy thì quân Việt sẽ không bị tiêu diệt toàn bộ và vẫn có thê tiếp tục phát triển trong nội địa của chúng; hoặc là ta mở toang biên giới làm cho chúng tưởng ta rất yếu, khi đại bộ phận quân địch đã lọt vào trong đất nước ta, chúng ta sẽ bao vây chúng, chia cắt chúng, tiêu diệt chúng. Chúng sẽ bị chìm nghỉm và tan rã như muối gặp nước, trong đại dương hung dữ của cuộc kháng chiến toàn dân và các lực lượng vũ trang vô địch của chúng ta. Bộ Tổng tư lệnh đã chọn chiến lược thứ hai này. Chỉ trong vòng hai tháng, ba tháng nữa là cùng ta sẽ tiêu diệt, thanh toán toàn bộ sinh lực địch. Tôi hi vọng lúc đó sẽ có vinh dự được đón Thái tử trở về nước, khoảng ba tháng nữa là chậm nhất. Trong lúc chờ đợi, Thái tử sẽ được cử đi làm những nhiệm vụ to lớn cho nhân dân, cho dân tộc cho đất nước tại Liên Hợp Quốc và các nước bạn”.
Tôi chỉ còn biết cảm tạ và ca ngợi nhà chiến lược thiên tài, rất xứng đáng so sánh với Hítle trong những ước vọng ngông cuồng nhất, và cũng rất điên dại và ngu dốt như Lon Nol. Trái với Hítle thường hay dùng lời lẽ hùng hổ để động viên binh sĩ và thanh niên, Pol Pot mê hoặc bằng cách nói năng dịu dàng, tươi cười, cố giữ thái độ lịch sự, trong khi thật sự Pol Pot là một kẻ tàn bạo khát máu hơn tất cả những tên bạo chúa tồi tệ nhất trong lịch sử. Chính do cái “phép mầu” đó của sự “nói năng dịu dàng để thuyết phục”, Pol Pot đã động viên, và đến mãi những năm tám mươi còn có thế động viên được một số người để ném họ vào cuộc chiến đấu. Thành công của những bọn ngu muội như Lon Nol và Pol Pot cũng là do trong nước tôi còn có những người, kể cả tầng lớp trí thức, thích nghe những lời lẽ mị dân hứa hẹn sẽ “đánh chiếm Việt Nam” để khôi phục một “đế quốc Môn - Khơme” xa xưa, bao gồm toàn bộ Đông Dương đến cả Thái Lan và Miến Điện (Myanmar) hơn là chấp nhận một người lãnh đạo như Sihanouk là một con người quá thực tế, không thể hứa hẹn với họ cái điều không thể làm được như vậy.
Buổi tối ngày 5-1-1979 đó, Pol Pot và tôi đã chia tay nhau “rất hữu nghị” và chào nhau: “Hẹn gặp lại?”. Khi tôi về đến nhà bình yên thì vợ tôi, Sihamoni, bác gái tôi, mẹ vợ tôi mới nhẹ nhõm và vui mừng. Tôi đi lâu quá, mọi người cứ tưởng tôi đã bị Angca thủ tiêu. Sáng ngày 6-1-1979, một đặc phái viên của ông Ieng Sary đến báo tin, chiều nay tất cả chúng tôi sẽ đáp máy bay đi Bắc Kinh và đưa cho tôi 20.000 đô-la Mỹ của chính phủ Campuchia “dân chủ” trao cho tôi làm “công tác phí”. Quá trưa ngày 6, tôi bảo mọi người mang theo hành lý cùng tập hợp trong gian nhà nhỏ cửa tôi để khi các “ông chủ” Khmer Đỏ đến tìm thì không phải đi gọi. Chỉ có Narinđrapông và Chittara cưỡng lại, đồng thời cũng để cho tôi biết chúng chỉ tuân lệnh Angca mà thôi. Vợ chồng chúng tôi quyết định chỉ mang theo những thứ thật cần thiết như quần áo thay đổi để tránh cho máy bay chở nặng.
Chúng tôi bỏ lại phần lớn quần áo, các bát đĩa, bộ đồ ăn bằng bạc, bộ đồ sứ có in dấu ấn nhà vua đặt làm từ bên Pháp, những khăn thêu trải bàn...
Chúng tôi làm như vậy để muốn tỏ cho Angca biết, chúng tôi tin vào lời hứa hẹn “thắng lợi” mà ông Pol Pot đã nói với tôi hôm trước. Khi ra sân bay, vợ tôi nói với ông Ieng Sary, tin tưởng ông sẽ dặn các binh lính dũng cảm chiến đấu bảo vệ ngôi nhà và các tài sản của chúng tôi để “ba tháng nữa” chúng tôi sẽ trở về sau khi chiến thắng. Rất nghiêm chỉnh, ông Ieng Sary trả lời sẽ làm tất cả mọi việc và sẽ hoan nghênh chúng tôi trở về Phnompenh “sau ba tháng” hoặc... lúc nào cũng được?
Đã đến giờ cất cánh. Bộ đội Việt Nam đã tới cách Phnompenh không xa, nhưng không bắn một phát đạn pháo nào và cũng không đưa máy bay chiến đấu đến vùng trời Pôchentông để cản trở việc lên đường của chúng tôi. Trên máy bay có ba nhân vật Khmer Đỏ tự giới thiệu được Angca uỷ nhiệm đi theo tôi khắp mọi nơi nhằm bảo đảm an toàn cho tôi và phục vụ tôi thường xuyên theo mọi yêu cầu của tôi. Đó là Thiuon Prasit, cháu gái ông ta là cô Poc Mona và ông Ket Chuôn, một cán bộ cấp cao của Khmer Đỏ (trước kia đã từng làm Bộ trưởng Công nghiệp trong chính phủ vương quốc Campuchia).
Ngoài ra tôi còn có một sĩ quan tuỳ tùng là một quân nhân Khmer Đỏ. Ngồi trên máy bay, tôi miên man suy nghĩ với những dòng tư tưởng trái ngược nhau.
Trước hết, đó là niềm vui được cùng với những người thân thoát khỏi cái chết hiển nhiên. Nhưng đồng thời cũng là nỗi buồn một lần nữa lại phải sống lưu vong xa Tổ quốc. Thật là những ý nghĩ xót xa. Tôi không thể sống sung sướng khi phải xa Tổ quốc và nhân dân đang đau khổ. Tất nhiên có cái may là nhờ có cuộc chiến đấu này nên tôi mới được “nhấc bổng sang Trung Quốc. Nhưng đối với tôi, chủ nghĩa yêu nước chân chính và cả lòng dũng cảm nữa không phải là sống lưu vong “bỏ rơi” Tổ quốc, đi thổi kèn đánh trống ở Tây âu, ở Mỹ, hoặc đến vùng biên giới Thái Lan là nơi dễ dàng xin tị nạn.
Vợ tôi, con trai tôi là Sihamoni và tất cả những người còn trung thành với tôi vừa cười vừa khóc. Trở lại tự do lần này là thật hay mơ? Chỉ có Narinđrapông và Chittara ngồi sát bên nhau là cười chế giễu, nhạo báng sự xúc động của chúng tôi. Là những tên đầy tớ trung thành của Angca, trong thâm tâm hai đứa rất bực mình khi thấy các “ông chủ” tôn kính đã nương nhẹ chúng tôi, rồi lại còn trả lại tự do cho chúng tôi. Chúng không hiểu Angca đang sử dụng tôi, dù tôi là một “tên phản động”.
Chúng tôi tới Bắc Kinh vào ban đêm, sau một chuyến bay bình yên. Ông Đặng Tiểu Bình thân chinh ra tận sân bay quốc tế đón tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau, cảm động và vui sướng. Phóng viên hãng tin Pháp AFP cùng một đồng nghiệp người Anh vượt được qua hàng rào bao vệ lại gần tôi xin phép chụp ảnh. Tôi sẵn sàng chấp nhận. Đó là tấm ảnh một Sihanouk tươi cười được đăng trên nhiều tờ báo.
Về đến nhà khách chính phủ tôi uống một liều thuốc ngủ để thần kinh dịu bớt sau mấy ngày căng thẳng và cuối cùng đã ngủ thiếp đi.
Buổi tối ngày 7-1-1979, chính phủ Trung Quốc tổ chức giúp tôi một buổi chiêu đãi tại gian phòng chính thuộc Đại lễ đường Nhân dân.
Cũng chính tại đây, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1974, ông bạn Chu Ân Lai của tôi vẫn thường tổ chức giúp tôi những buổi chiêu đãi lớn, có sự tham dự của các quan chức trong bộ máy cầm quyền của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và tất cả những nhà ngoại giao của những nước có cảm tình với Sihanouk và Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Lần này số khách mời hạn chế hơn những lần trước rất nhiều. Nguyên nhân là do tình hình nghiêm trọng đang diễn ra trên đất nước tôi và Khmer Đỏ đang thất bại. Hơn nữa, hiện nay tôi không còn là Quốc trưởng mà chỉ là đại sứ tầm thường của Campuchia “dân chủ”.
Tôi không có hứng thú cần thiết để soạn thảo bài diễn văn đọc trong buổi chiêu đãi. Vì vậy tôi đề nghị ông Ket Chuôn viết giúp bài nói bằng tiếng Thơm theo quan điểm và ý thích của... Angca. Tôi đã phát hiện được trong bài diễn văn gọi là “của tôi” một lối hành văn lâm li và hùng tráng, kịch liệt công kích Việt Nam và hết lời ca ngợi Campuchia dân chủ, một bài diễn văn nội dung đặc sệt Khmer Đỏ, chứa đựng những quan điểm và tư tưởng chính trị không phải của tôi. Phải vất vả lắm tôi mới đọc nổi bài diễn văn này, nhiều chỗ ngắc ngư, ấp úng. May cho tôi, các vị khách của tôi chẳng ai nghe tôi đọc cả. Từ trên diễn đàn, tôi nhìn thấy các quan chức Trung Quốc đang chụm đầu bàn tán với nhau cái gì đó, tất cả đều có vẻ như đi đưa đám ma. Sau khi đọc hết bài diễn văn rồi trở về chỗ ngồi, tôi mới được nghe chính miệng các vị khách của tôi báo tin thủ đô của chúng tôi đã rơi vào tay Việt Nam, nhưng tổn thất về phía Campuchia “dân chủ” là “nhẹ”, tất cả các thủ lĩnh Khmer Đỏ (tức Pol Pot và đồng bọn) đều bình yên vô sự, đang rút vào bưng biền tiếp tục chiến đấu. Tôi đề nghị tất cả mọi người nâng cốc rượu Mao Đài, uống theo kiểu Trung Quốc, tức là “cạn chén” để chúc mừng “chiến thắng... trong tương lai” của Campuchia “dân chủ”.
Khi quay về ngôi nhà dành cho chúng tôi, tôi lại uống một liều thuốc ngủ. Tôi cần phải ngủ để lấy sức vì vừa được báo tin sẽ phải “đương đầu” với một trăm nhà báo Trung Quốc và nước ngoài.
Sáng sớm ngày 8-1, một cuộc họp báo truyền hình tại chỗ được tổ chức tại gian phòng rộng lớn thuộc Đại lễ đường Nhân dân. Không phải một trăm mà gần hai trăm nhà báo đã đứng đợi tôi. Thật là bất ngờ và ngạc nhiên, họ đã vỗ tay rất lâu, nồng nhiệt chào tôi. Có rất nhiều câu hỏi. Người ta đề nghị tôi vén tấm màn cho tới nay vẫn còn đang che phủ những bí mật của Khmer Đỏ và giấu giếm những tội ác của chúng; những tội ác này mới chỉ được hé mở qua những lời tố cáo của những người may mắn trốn thoát nhà ngục của Pol Pot đang tị nạn ở nước ngoài. Trước rất nhiều câu hỏi, tôi không thể trả lời một cách ngắn gọn được. Tôi phải có những lời giải thích chính xác về vấn đề rất phức tạp là Khmer Đỏ, về cuộc sống bị giam hãm từ tháng 4-1976 sau khi tôi từ chức Quốc trưởng, về cuộc xung đột giữa Khmer Đỏ và Việt Nam và nhất là về sự “im lặng kéo dài” của tôi, tại sao tôi không gửi điện chia buồn sau khi Mao Chủ tịch qua đời. Sau đó, tôi không thể kiềm chế được nữa và cứ thế tiếp tục tố giác. Tôi nói hết, không giấu giếm điều gì, về việc tôi và nhân dân tôi bị tước đoạt các quyền tự do, về việc bọn Pol Pot cắt đứt mọi liên hệ giữa tôi với thế giới bên ngoài, làm tôi không thể viết thư cho bất cứ ai, không thể tiếp bất cứ một người bạn nước ngoài nào. Tôi nói thêm, từ hồi tôi từ chức, năm đứa con và mười bốn đứa cháu của tôi đã bị đưa đi các “công xã”, thực tế là đi đến chỗ chết.
Thế là, cuộc họp báo mà các ông bạn lớn Trung Quốc của tôi chuẩn bị rất công phu vụt biến thành buổi lên án Pol Pot và Khmer Đỏ. Từ lâu tôi đã phải giấu giếm những ý nghĩ của tôi vì mục đích cứu mạng sống cho tôi và gia đình, nay tôi không thể nói dối được nữa trước những nhà báo là những người có trách nhiệm đánh động dư luận thế giới.
Tôi nói trơn tuồn tuột như một cái máy bấy lâu bị những người thợ máy kìm hãm. Các bạn Trung Quốc dự tính cuộc họp báo sẽ kéo dài khoảng hai giờ. Thực tế, nó đã phá kỷ lục, kéo dài hơn sáu giờ, từ mười giờ sáng đến bốn giờ rưỡi chiều mới kết thúc. Tôi đã phải đề nghị các ông bạn Trung Quốc là những người thường đáp ứng đòi hỏi của tôi một cách lịch sự và độ lượng, cung cấp bánh mì nhồi thịt và nước giải khát để mời các nhà báo. Hôm sau, một số nhà báo phương Tây viết rằng tôi đã phạm sai lầm là làm cho cuộc họp báo này kéo dài gần như vô tận bởi vì tôi đã nói không ngừng và vẫn còn muốn nói nữa. Thật ra tôi chỉ muốn trả lời những câu hỏi nhiều vô kể. Mặt khác, sau gần hai giờ bị các nhà báo hỏi dồn dập như “bắn súng máy”, tôi cũng muốn thổ lộ nỗi niềm. Tiếc rằng điều đó đã không làm vừa ý những người muốn tới đây để nghe tôi “vụt tới tấp Việt Nam” chứ không phải để đánh đòn các ngài Pol Pot, Ieng Sary.
Khi trở về khu nhà ở dành riêng cho thượng khách, ông bạn Pen Nouth của tôi tỏ ý đồng tình và ca ngợi tôi đã trả lời đầy đủ các nhà báo. Còn ông Thioun Prasit, người của Pol Pot thì tái mặt, tỏ vẻ rất khó chịu về những lời tôi tố cáo chế độ Pol Pot.
Nhưng cả Thioun Prasit lẫn tôi lúc này đều chưa lường hết việc dư luận thế giới lên án chế độ Pol Pot như thế nào. Khi tới New York tôi còn bị giới báo chí hỏi vặn rất nhiều hơn nữa. Cho mãi tới năm 1985 tức là lúc tôi đang viết cuốn hồi ký này bất cứ đi đến đâu tôi cũng bị chất vấn về nhiệm vụ mà Khmer Đỏ giao cho tôi tại Liên Hợp Quốc là “bảo vệ cái không bảo vệ được” trong việc bào chữa cho Campuchia “dân chủ”.
Ngày 9-1-1979, một chiếc máy bay Boeing của Công ty hàng không quốc gia Trung Quốc đưa tôi đi Mỹ, có dừng lại ở Nhật Bản. Tại sân bay quốc tế Tôkyô, đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản tổ chức một bữa cơm trưa sang trọng (theo kiểu Pháp) có vài quan chức Nhật Bản cùng dự. Giới báo chí Nhật Bản và những tay “sừng sỏ” trong giới báo chí quốc tế nài tôi mở một cuộc họp báo tại sân bay.
Những câu hỏi của các nhà báo Nhật Bản đều lịch sự. Nhưng một vài nhà báo phương Tây, trong đó có một phụ nữ Anh rất hùng hổ, đã chất vấn tôi về Pol Pot, về Khmer Đỏ và về việc tôi chấp nhận làm đại diện cho cái chế độ đang bị toàn thế giới kinh tởm. Trong dàn hoà tấu của các nước, tôi đo được tất cả mức độ không được lòng người của Campuchia “dân chủ”, vượt xa sự tưởng tượng của tôi hồi tôi đang còn bị giam hãm ở Phnompenh.
Tại sân bay New York có hàng trăm nhà báo và phóng viên truyền thanh, truyền hình đứng đợi sẵn để phỏng vấn tôi. Ngược lại, về phía các nhà ngoại giao thì hầu như vắng tanh. Ngoài đại sứ Trung Quốc và một nhà ngoại giao Triều Tiên, tôi chỉ thấy có thêm đại sứ Xênêgan ở Liên Hợp Quốc là người dám ra sân bay chào đón tôi. Nhớ lại, hồi tháng 9-1975 khi tôi tới đây có tới hơn 80 đại sứ, 2 quốc vụ khanh, nhiều trưởng đoàn ngoại giao thế giới tự do, nhiều nhà ngoại giao thế giới thứ ba và cả các nhà ngoại giao thuộc khối Liên Xô, chạy đến vui vẻ tươi cười chào đón tôi, chúc mừng tôi chiến thắng. Vốn luôn luôn hào phóng như một bà mẹ, chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã thuê khách sạn Asteria, một khách sạn đắt tiền nhất và sang trọng nhất nước Mỹ để tôi, vợ tôi và đoàn tuỳ tùng của tôi đến ở. Trung Quốc cũng dành cho vợ tôi một ngân khoản hậu hĩnh nhất. Đại sứ Trung Quốc nài ép tôi chớ nên tiết kiệm trong việc chi tiêu. Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy suy sụp tinh thần bởi vì chính phủ Trung Quốc chẳng thông báo gì được cho tôi biết về số phận năm đứa con và mười bốn đứa cháu của tôi đang mất tích ở Campuchia. Các nhà báo phương Tây cũng làm cho cuộc sống của chúng tôi rất căng thẳng vì suốt ngày đêm họ luôn gọi điện tới phỏng vấn và chất vấn làm tôi mất ngủ.
Một nhóm phóng viên Pháp chịu mọi phí tổn to lớn cất công từ Paris tới New York để liên tục “tra hỏi” tôi trong cuộc phỏng vấn đầy bão táp. Một nhà báo tóc mầu hung, đẹp trai như tài tử điện ảnh đã kết tội tôi ngay trước mặt các bạn đồng nghiệp là “đồng loã” với bọn tội phạm Khmer Đỏ. Những câu phỏng vấn đều giống nhau tới mức tôi thuộc lòng.
Thấy vậy, một viên thanh tra cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tôi trong thời gian tôi ở New York đã tỏ vẻ thương hại và nói:
- Thưa Hoàng thân Sihanouk, những cuộc phỏng vấn với những câu hỏi tương tự như nhau đã làm ngài mệt nhoài. Cả những câu hỏi của các nhà báo lẫn câu trả lời và giải thích của ngài, tôi đều thuộc lòng. Vậy thì xin ngài cứ nghỉ trong phòng. Ngài hãy uỷ nhiệm cho tôi, thay mặt ngài trả lời và giải thích cho họ. Ngài đừng lo ngại! Tôi đã nhớ và hiểu hết. Tôi không trả lời nhầm câu nọ sang câu kia đâu!
Monic, vợ tôi, trong thời gian ở New York không đến mức mệt nhoài như tôi. Quả thật vợ tôi đã phải làm nhiệm vụ người hầu phòng vì không một bà phục vụ nào của chúng tôi được Angca cho phép từ Bắc Kinh sang đây. Cũng như hồi tháng 9 và tháng 12-1975, mỗi khi đi công tác ra nước ngoài vợ chồng chúng tôi đều phải đặt dưới sự quản lý thường xuyên của một nhóm Khmer Đỏ “trong sạch và cứng rắn”, từng người một đều do Angca chọn lọc cẩn thận. Sự theo dõi chặt chẽ đó làm cho tôi càng ngày càng khó chịu, bởi vì tôi không thể nào chịu được sự giám sát của bất cứ ai.
Vậy mà, trong tháng 1-1979 này, khi tôi vừa vui mừng được tự do thì tại New York của đất nước có “tượng thần Tự Do chiếu sáng” này tôi lại bị bao vây, theo dõi cẩn mật suốt cả ngày lẫn đêm bởi những người của Pol Pot và Ieng Sary. Họ ăn cơm ngay trong phòng ăn của chúng tôi. Họ không thiếu một thứ gì, bàn ăn của họ đầy ắp những thức ăn hiếm nhất và đắt tiền nhất. Trong khi đó vợ chồng chúng tôi chỉ ăn bánh mì nhân thịt và pho-mát. Chúng tôi ăn ngay trong phòng ngủ để tránh khỏi nhìn thấy những tên cai ngục của chúng tôi.
Hai giọt nước có thể làm tràn cốc nước. Đây là giọt nước thứ nhất. Một hôm, Thioun Prasit nói với tôi:
- Thưa Xamđec, nhiệm vụ công tác của ngài tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất định sẽ thành công rực rỡ, bởi vì chính cái vốn (đúng nguyên văn) mà từ năm 1975 đến nay đồng chí Ieng Sary tích luỹ được (đúng nguyên văn) đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngài, nhằm làm cho nước Campuchia “dân chủ” của chúng ta đạt được sự tín nhiệm, cảm tình, khâm phục và ủng hộ của đa số áp đảo các thành viên Liên Hợp Quốc.
Tôi hiểu rất rõ tình cảm hết mức của Thioun Prasit đối với Pol Pot và Ieng Sary, cũng như sự thù hằn và khinh miệt mà Thioun Prasit thường bộc lộ không cần giấu giếm đối với bản thân tôi cũng như với chế độ quân chủ Campuchia. Tuy nhiên, sau khi đã bị các nhà báo “đập tơi bời” nát vụn tất cả thần tượng của Khmer Đỏ cũng như của bản thân anh ta, vậy mà anh chàng vốn là một kỹ sư tốt nghiệp từ một trường đại học của Pháp, cũng thuộc loại thông minh đấy, không hiểu tại sao vẫn còn giũ được một chút ảo tưởng cho rằng cộng đồng quốc tế có thiện cảm với Pol Pot và Ieng Sary, hai con quái vật uống máu nhân dân.
Nếu Angca không cần đến tôi khi con tàu của họ đang chìm đắm thì có lẽ họ chẳng bao giờ kéo tôi ra khỏi nhà tù và sau này, đến năm 1982 đã chẳng lại đề nghị tôi giữ chức vụ cũ.
Và đây là giọt nước thứ hai đã thật sự làm tràn cốc: Tôi nhận được từ Bắc Kinh một bức điện thông báo, sau khi Hội đồng Bảo an tranh luận và bỏ phiếu, tôi sẽ được cử làm “quyền trưởng đoàn” đại biểu cũng “dân chủ” tại khoá họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong thời gian chờ đợi Phó Thủ tướng đặc trách vấn đề đối ngoại Ieng Sary tới New York giữ chức “Trưởng đoàn chính thức”. Vì đã hiểu rõ tính chất không được lòng người của Ieng Sary và của chế độ Khmer Đỏ, tôi không thể hình dung nổi tại sao giữa lúc đang thảm bại trước cuộc tiến quân của Việt Nam người ta lại có thể phóng túng tới mức trao cho một tên bị thế giới căm ghét và khinh bỉ chức Trưởng đoàn đại diện Campuchia tại Liên Hợp Quốc? Còn tôi, một Cựu vương, đã ba lần giữ chức Quốc trưởng Nhà nước Thơm thì người ta lại giao cho làm... trợ tá của ông Ieng Sary tại khoá họp thứ 34 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc! Thật là một sự lăng nhục. Lòng tự trọng không cho phép tôi chấp nhận điều xỉ nhục đó Tôi quyết định sau khoá họp cuối cùng của Hội đồng Bảo an sẽ tự giải thoát khỏi sự kiểm soát không tài nào chịu đựng nổi của Angca.
Sau khi ra khỏi phòng họp của Hội đồng Bảo an, tôi viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ tiếng Anh bằng bút chì trên mẩu giấy: “Ông thanh tra thân mến! Tôi nhờ cậy nhóm cảnh sát của ông giúp tôi thoát khỏi sự kiểm soát, giám sát của Khmer Đỏ hiện đang ở chung với chúng tôi trong khách sạn Asteria. Đúng 2 giờ đêm nay tôi sẽ lẻn ra khỏi phòng một mình, chỉ đem theo một chiếc va-ly. Các ông làm ơn đưa thẳng tôi bằng xe ô tô tới văn phòng ông Anđru Yâng, đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Rất cám ơn. Norodom Sihanouk”. Tôi bước vào khách sạn nơi đang ở, có ba cán bộ Khmer Đỏ và ba cảnh sát Mỹ đi kèm. Tôi dúi vội mảnh giấy vào tay viên thanh tra cảnh sự Mỹ. Đây chính là viên thanh tra đã đề nghị thay tôi trả lời các nhà báo. Phản ứng đầu tiên của ông ta là khẽ kêu lên một tiếng tỏ vẻ không đồng ý bởi vì ông ta tưởng tôi “cho quà”. Tôi vội nhìn thẳng vào mắt ông ta và khẽ lắc đầu, để ông ta hiểu đây là chuyện khác. Còn các ông Thioun Prasit và Ket Chuôn thì lại cứ tưởng tôi muốn tặng viên thanh tra một khoản thù lao. Riêng về phần tôi, tôi cũng mới chỉ yên tâm có một nửa.
Tôi kể hết mọi chuyện với vợ. Tôi nói, tôi quyết định “đi tìm tự do” vì không thể nào sống nổi với Khmer Đỏ trong sự tủi nhục thường xuyên như thế này. Vợ tôi trả lời nếu làm như vậy tôi sẽ có thể lại rơi vào những tủi nhục khác. Tôi đáp lại, quyết định của tôi là không thể đảo ngược.
Đúng hai giờ sáng, tôi sẽ ra đi một mình. Tôi nhờ vợ giải thích với các vị “đồng hành” Khmer Đỏ và các ông bạn Trung Quốc là tôi không giận họ, Trung Quốc vẫn là người bạn lớn nhất của tôi. Sau đó vợ tôi sẽ đến văn phòng ông Anđru Yâng. Chắc chắn người ta sẽ đưa vợ tôi lên xe ô tô, có cảnh sát đi theo bảo vệ, an toàn đến gặp tôi ở một nơi nào đó.
Vợ tôi, vốn rất can đảm và quen phục tùng tôi, đã nhận lời sớm hôm sau sẽ làm đúng lời tôi dặn, kể cả việc hoàn lại các ông Thioun Prasit và Ket Chuon số tiền 20.000 đô-la mà ngày 9-1-1979 chính phủ của Pol Pot đã trao cho tôi trước khi tôi rời Bắc Kinh. Tôi không muốn mắc míu một chút nợ nào đối với Khmer Đỏ. Tuy nhiên, vợ tôi cũng hỏi lại, cuộc sống của chúng tôi rồi sẽ ra sao, bởi vì chúng tôi không có một đồng xu trong túi, cũng không có cả đồ nữ trang để đem bán, chỉ có vừa đủ vài bộ quần áo thay đổi. Tôi cố làm cho vợ yên lòng bằng cách trả lời tôi sẽ viết những tập sách kể lại cuộc sống đau khổ suốt ba năm trong tay Khmer Đỏ và như vậy sẽ có một khoản tiền nhuận bút. Tôi nói thêm, mới đầu hai vợ chồng tôi sẽ xin cư trú tạm thời ở Mỹ, sau này sẽ sang Pháp tị nạn, chính phủ Pháp chắn sẽ không “bỏ rơi” chúng tôi.
Nói chuyện với vợ xong, tôi lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi lén ra khỏi khách sạn. Thông thường bọn Khmer Đỏ trong kíp “phục vụ” tôi, vốn là những kẻ rất có kỷ luật, chỉ lên giường ngủ vào đúng nửa đêm. Quyết định đến hai giờ sáng mới ra đi, tôi đã “trừ bì” khá rộng rãi. Nhưng đêm hôm đó các vị “đồng hành” của tôi làm việc mãi đến tận mười hai giờ rưỡi, cho tới lúc đó, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng máy chữ của cô Poc Mona. Họ đang nghi ngờ điều gì chăng? Mãi một giờ sáng mới thật yên tĩnh. Tất cả bọn họ đã ngủ chưa? Dù còn thức chắc họ cũng chẳng dám ra khỏi buồng để quấy rầy tôi trong lúc này. Tôi nghĩ như vậy.
Đúng hai giờ sáng trước cửa phòng nghỉ của tôi xuất hiện bốn người Mỹ cao, to, lặng lẽ, nét mặt nghiêm nghị, cặp mắt đầy cảnh giác. Đó là đội cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ tôi. Nhớ lại năm 1960 khi tôi còn là người đứng đầu “đầy uy quyền” của Nhà nước Campuchia lúc đó tôi cũng chỉ có được một cảnh sát Mỹ hộ tống trong chuyến đi thăm Mỹ hồi đó. Bây giờ có lẽ chính phủ Mỹ nghĩ “một cách hợp lý” rằng hiện nay tôi đang phục vụ cho Campuchia “dân chủ” thì sẽ kém an toàn hơn trước. Những cảnh sát Mỹ có tầm vóc đáng gờm chỉ cho tôi hướng đi. Một người mang giúp tôi chiếc vali mà vợ tôi vừa đưa ra khỏi phòng. Chúng tôi nhanh nhẹn và lặng lẽ đi về phía thang máy dành riêng cho nhân viên khách sạn, mau lẹ xuống tầng trệt. Từ đó chúng tôi men theo một hành lang dài vắng lặng rồi đi ra một phía mà tôi cũng không biết là phía nào của khách sạn, chỉ biết đó là một sòng bạc lớn, sang trọng. Chúng tôi đi qua những gian phòng đèn điện sáng trưng, vẫn còn những người lịch sự mặc quần áo dạ hội đánh bạc. Mọi người không ai ngạc nhiên khi thấy xuất hiện một người châu Á tầm vóc nhỏ bé, đi giữa bốn cảnh sát cao, to, trong đó có một người xách vali. Hình như chẳng ai để ý đến chúng tôi. Ra tới đường phố, tôi thấy có xe cảnh sát đang đợi sẵn. Xe phóng thật nhanh đưa chúng tôi tới văn phòng ông Anđru Yâng. Ông đang cùng với các phụ tá chủ chốt ngồi đợi chúng tôi trong phòng khách, tiếp đón tôi rất lịch sự. Ông Yâng, một nhân vật rất cấp tiến trong kíp Jimmi Catơ, là một người gốc da đen nhưng lại có nước da sáng, tính tình thẳng thắn, tế nhị, tỏ thái độ rất thân mật đối với tôi. Ông hẹn, khi trời sáng sẽ gọi điện ngay tới Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington. Thật là khôi hài: Sihanouk, một người mà ai cũng biết là chống Mỹ rõ rệt, lại xin tị nạn chính trị ở Mỹ. Quả là tôi có viết đơn gửi chính phủ Mỹ xin tị nạn chính trị tạm thời, và ông Yâng đã chuyển ngay lá đơn đó tới Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời thẳng yêu cầu nêu ra trong đơn, nhưng báo ngay cho tôi biết, tôi có thể ở Mỹ bao lâu cũng được. Chính phủ Mỹ sẽ chịu tiền chi phí về ăn và ở cho vợ chồng chúng tôi.
Lúc này, vợ tôi hãy còn ở trong tay Khmer Đỏ ông Yâng đã trao nhiệm vụ cho cảnh sát Mỹ bảo vệ vợ tôi... từ xa. Thế rồi mọi việc cũng ổn cả.
Tôi chân thành cảm ơn chủ nhà và liền sau đó, đề nghị được vào điều trị tại một bệnh viện ở New York để hồi phục sức khỏe do suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần, và nhất là để chữa trị “chấn thương vì Khmer Đỏ”, một chứng bệnh đã khiến cho nhiều đồng bào tôi bị chết. Ông Anđru Yâng chỉ thị cho cấp dưới, ngay sau khi vợ tôi đến văn phòng của ông, sẽ đưa cả hai vợ chồng tôi đi điều trị tại bệnh viện Lennox là một bệnh viện mà, theo ông, từ viện trưởng đến các bác sĩ đều thuộc loại giỏi.
Khi biết tin tôi đang ở văn phòng của ông Yâng, các ông Thioun Prasit và Ket Chuon đã khẩn khoản xin được gặp tôi để “kính chào” và để nhân danh Angca, nài ép tôi nhận khoản tiền hai mươi ngàn đô-la “công tác phí”. Tôi xin lỗi không thể tiếp các ông và cũng không thể nhận món quà hậu hĩnh của Khmer Đỏ. Ngược lại, trước khi cùng với vợ đi bệnh viện, tôi đồng ý tiếp Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc ở một phòng bên cạnh văn phòng ông Yâng.
Chúng tôi nói chuyện thân mật với nhau bằng tiếng Anh, có cả hai nhà ngoại giao Mỹ cùng dự theo yêu cầu của tôi. Tôi hứa hẹn với những người bạn Trung Quốc là một ngày nào đó tôi sẽ trở về sống tại Bắc Kinh, nhưng hiện nay tôi cần phải vào ngay bệnh viện New York vì tôi bị chấn thương và kiệt sức.
Tại bệnh viện Lennox, tôi được tiếp nhận lịch sự, được điều trị chu đáo, thoải mái. Điều kiện sinh hoạt ở bệnh viện thật hoàn hảo, vì vậy đến năm 1984 tôi lại tới đây điều trị một lần nữa. Một bà rất đáng yêu chịu trách nhiệm lấy ý kiến nhận xét của bệnh nhân, thường đến hỏi tôi có phàn nàn điều gì không, hoặc ít nhất cũng cho một vài nhận xét về những thiếu sót của bệnh viện. Tôi phải thề rằng quả thật tôi không có thắc mắc gì về cái bệnh viện tuyệt vời này và đã ca ngợi bệnh viện rất chân thành. Bà quay ngoắt đi, tỏ vẻ thất vọng vì gặp phải một “con chim hiếm” đã hài lòng với tất cả mọi thứ.
Trong thời gian điều trị tại bệnh viện Lennox, tôi rất ngạc nhiên khi được ông Bộ trưởng Mỹ Xairớt Venxơ tới thăm. Tươi cười và đáng yêu, ông thay mặt chính phủ Mỹ bầy tỏ thiện cảm và tin tưởng đối với tôi và nói, có yêu cầu gì cứ báo cho ông biết, đừng e ngại. Ông sẽ làm mọi việc để những ngày tôi ở Mỹ được dễ chịu. Nhưng ông nín bặt không hé mở một chút gì về lý do chính phủ Mỹ dè dặt đối với đơn xin tị nạn chính trị của tôi.
Trước sự im lặng đó, vợ tôi ngỏ ý với tôi, nên vận động ngay chính phủ Pháp cho chúng tôi tị nạn chính trị trong lúc chính phủ Mỹ có vẻ như từ chối.
Tôi nhờ ông Đại diện thường trực của Pháp tại Liên Hợp Quốc chuyển giúp đề nghị lên chính phủ Pháp như sau:
1. Tôi đề nghị được cùng với vợ đến tị nạn ở Pháp và sống tại ngôi biệt thự nhỏ bé Đơ Mugin mà chúng tôi đã có sẵn trên đất Pháp.
2. Tôi đề nghị cấp cho vợ chồng chúng tôi hai hộ chiếu Pháp vì tôi không muốn ra đi bằng hộ chiếu Khmer Đỏ.
Tôi lưu ý chính phủ Pháp, ông thân sinh ra Monic là người Pháp, vì vậy vợ tôi phải được công nhận là một công dân Pháp. Tôi cũng tự giới thiệu, tôi đã từng làm Vua Campuchia dưới sự bảo hộ của Pháp, tôi cũng đã từng được Hội đồng tối cao khối Liên hiệp Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng nhất dành cho công dân Pháp; cuối cùng tôi còn là đại uý trù bị trong quân đội chính quốc của Pháp, đã hai lần tập sự sĩ quan trù bị tại trường Cao đẳng Thiết giáp và Ky binh Xômuya của Pháp, năm 1946 và 1948.
Vài tuần sau, trong lúc tôi đang ở Nhà khách Liên Hợp Quốc, một khách sạn quan trọng do chính phủ Mỹ đài thọ hoàn toàn cả ăn lẫn ở, đại sứ Pháp Lơprét đã chuyển tới tôi điện trả lời của Paris: nước Pháp đồng ý cho ông Hoàng Sihanouk và bà Hoàng Monic được tị nạn chính trị, nhưng chỉ một mình bà Monic được cấp Hộ chiếu Pháp. Ngoài ra, ông Hoàng Sihanouk phải cam kết từ bỏ mọi hoạt động chính trị trong thời gian ở Pháp, không được cho các nhà báo cũng như các phóng viên truyền thanh, truyền hình, phỏng vấn về các vấn đề chính trị.
Ngán ngẩm, tủi hổ, tôi quyết định trở lại Bắc Kinh sau khi nhận được lời mời chính thức của ông Đặng Tiểu Bình, người hùng của Trung Quốc, mời tôi trở lại sinh sống trên đất nước ông. Ông Đặng vừa hoàn thành thắng lợi chuyến đi thăm Mỹ. Vợ tôi đồng ý ngay. Tôi đã dự kiến trước lời mời này vì biết Trung Quốc khá thông minh để hiểu rằng sẽ mất nhiều nếu không “thu hồi” được tôi. Để cho Sihanouk “ly dị” Trung Quốc rồi tị nạn ở phương Tây sẽ là điều chẳng vinh dự gì đối với Trung Quốc. Vốn cũng là một nước châu Á, Trung Quốc rất coi trọng vấn đề “giữ thể diện”.
Ngày 31-1-1979, ông Đặng mời tôi tới ăn cơm trong toà nhà dành riêng cho các vị thượng khách cao quý nhất của Mỹ tại thủ đô Washington.
Năm 1952 khi còn là Quốc vương Campuchia, trong một lần đi thăm Mỹ tôi cũng đã được mời tới ở tại toà nhà này. Hồi đó tôi đến Mỹ để cố vận động chính phủ Mỹ ủng hộ trong cuộc đấu tranh đòi Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Campuchia (nhưng không thành công).
Dưới đây xin tóm tắt nội dung cuộc nói chuyện quan trọng buổi tối hôm đó giữa tôi với vị lãnh đạo Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Đặng Tiểu Bình: Các vị lãnh đạo Campuchia dân chủ nhờ tôi thỉnh cầu quý ngài trở lại tiếp nhận một lần nữa chúc vụ Quốc trưởng Campuchia.
Sihanouk: Thưa ngài Phó Thủ tướng, nếu tôi ngừng phục vụ Khmer Đỏ, điều đó không có nghĩa là tôi bất mãn với chúc vụ đại sứ hiện nay. Từ ngày được giải phóng, tôi đã ý thúc được tầm quan trọng cực kỳ của dư luận, dư luận quốc tế và đồng bào tôi, phản đối các đồng chí Campuchia của ngài Như ngài đã biết ngay ở đây, ở Mỹ, ở Pháp, ở nhiều nơi khác nữa, ở đâu người ta cũng chửi rủa tôi chỉ vì tôi đại diện cho chính phủ Campuchia dân chủ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm bảo vệ chính nghĩa của đất nước tôi bị xâm lược. Người ta còn kết tội tôi đồng loã với Khmer Đỏ trong việc thảm sát rất nhiều đồng bào vô tội của chúng tôi, chứng cớ là Khmer Đỏ đã để cho tôi an toàn tính mạng và đã cư xử với tôi tương đối tốt trong ba năm bị họ giam hãm. (Thật ra họ phải đối xử như vậy là do Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nhiều lần can thiệp, bảo lãnh cho tôi). Lương tâm tôi không cho phép tôi tiếp tục cộng tác với Khmer Đỏ nữa, nhưng với tư cách là một thường dân tôi vẫn hết lòng phục vụ Tổ quốc tôi.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi, Trung Quốc, chúng tôi biết là Đảng và Chính phủ Campuchia dân chủ đã phạm nhiều sai lầm lớn đối với đại đa số nhân dân Campuchia cũng như đối với Xamđec, chúng tôi đã phê bình họ. Nhưng trong quan hệ với nhau chúng tôi không thể làm điều gì có thể bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo Campuchia dân chủ vừa thông báo với chúng tôi là họ sẽ không tái phạm những sai lầm trong quá khứ nữa. Họ cũng đã thừa nhận là ngay sau ngày giải phóng đã thực hiện một chính sách sô-vanh nhằm phá vỡ mặt trận đoàn kết dân tộc. Ngay từ bây giờ, họ sẽ cố gắng thực hiện một chính sách đại đoàn kết. Thưa Xamđec, ngài chính là người tập hợp nhân dân chung quanh mình, để chính sách đại đoàn kết dân tộc có thể thực hiện được. Ngài được nhất trí cứ làm Chủ tịch của Mặt trận mới, mặt trận đại đoàn kết dân tộc, một mặt trận thật sự dân chủ.
Sihanouk: Thưa ngài Phó Thủ tướng, xin ngài cho phép tôi trình bầy thăng thắn ý kiến của mình.
Vì cái gọi là “thiện chí” của những người lãnh đạo Khmer Đỏ, tôi không thể nào tin được. Con hổ không thể thành con mèo. Còn về cái Mặt trận đại đoàn kết dân tộc cũng không thể nào thật sự thành lập được bởi vì Khmer Đỏ đã thủ tiêu phần rất lớn thành viên không phải là đảng viên Khmer Đỏ trong mặt trận FUNK mà tôi đã từng làm chủ tịch.
Tôi là người duy nhất thoát chết trong quá trình phiêu lưu theo Khmer Đỏ. Tôi không thể tập hợp được các hồn ma để giúp họ. Vả lại, nếu tôi có dại dột thí nghiệm một lần nữa một mặt trận thông nhất với Khmer Đỏ thì rồi cuối cùng họ cũng thủ tiêu tất cả các thành viên không thuộc thành phần với họ, kể cả Sihanouk, sau khi đạt được “chiến thắng chung” (cứ cho là thế đi) chống Việt Nam...
Đặng Tiểu Bình: Ta chuyển sang vấn đề khác nhé! Chúng tôi được biết Xamđec không muốn trở về Trung Quốc mà sẽ sang sống ở Pháp.
Sihanouk: Ơ miền Nam nước Pháp tôi có một biệt thự nhỏ.
Đặng Tiêu Bình: Nhưng mà Trung Quốc đã xây cho ngài một biệt thự to, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của ngài! Ngài vẫn thưởng nói, Trung Quốc là Tổ quốc thứ hai của ngài, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là người bạn trung thành nhất của ngài. Hôm nay tôi chính thúc mời ngài sang ở Trung Quốc. Nếu ngài cần phải chọn một nước nào đó khác với Tổ quốc của mình, tại sao không chọn tổ quốc thứ hai?
Sihanouk: Tôi rất yêu Trung Hoa. Tôi phải chịu ơn Trung Quốc. Đó là món nợ to lớn đối với tôi. Hơn nữa, tôi còn có biết bao kỷ niệm với Trung Quốc: đó là tình hữu nghị đặc biệt mà Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dành cho tôi, đó là những quan hệ anh em, tin cậy, thắm thiết ràng buộc tôi với Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhưng, với tất cả sự chân thành của tôi, xin thú thật với ngài là tôi rất sợ khi quay trở về Trung Quốc lần này lại phải nghe những lời các ngài bào chữa cho Khmer Đỏ và phải từ chối những gì mà ngài nhân danh các đồng chí Khmer Đỏ của ngài đề nghị với tôi.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi hiểu tình cảm của ngài. Chỉ xin ngài nhận lời mời hữu nghị của chúng tôi tới sống ở Trung Quốc cho tới khi nào ngài có thể trở về Tổ quốc của ngài là Campuchia. Tôi xin hứa không nhắc đến chuyện ngài hợp tác với Đảng và Chính phủ Campuchia dân chủ nữa. Nhưng nếu một ngày nào đó ngài chủ động nêu lại vấn đề này với tôi thì tôi rất lấy làm sung sướng.
Sihanouk: Thưa ngài, xin ngài hãy từ bỏ hy hi vọng đó đi. Bởi vì từ nay cho đến lúc hết đời, không bao giờ tôi nêu vấn đề đó ra.
Đặng Tiểu Bình (cười): Tôi hiểu lắm chứ. Thôi nhé, chúng tôi xin chiều ý ngài. Xin nhấn mạnh: Ngài hoàn toàn tự do đi lại trong nước Trung Quốc và ra nước ngoài, bất cứ đi đâu, bất cứ lúc nao, tuỳ thích!
Sihanouk (cũng cười): Thưa ngài, tôi biết lắm. Nước Trung Hoa nhân dân không phải là nước Campuchia dân chủ.
Đặng Tiểu Bình: Vậy thì ngài nhận lời đến sống ở Trung Quốc chứ?
Sihanouk: Tôi xin nhận một cách vui vẻ và biết ơn.
Đặng Tiểu Bình (cười to): Nhiệt liệt cám ơn ngài.
Cùng dự buổi nói chuyện này, về phía Trung Quốc còn có bà Đặng Tiểu Bình. vợ chồng ông Hoàng Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông đại sứ Trung Quốc ở Mỹ. Về phía Campuchia còn có Bà Hoàng Monic.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc rõ ràng rất hài lòng vì đã tìm được lối thoát. Trong khi chuẩn bị rất chu đáo để đưa tôi trở về Trung Quốc, họ càng đặc biệt chăm sóc về mặt vật chất cho vợ chồng chủng tôi. Trung Quốc đề nghị tôi nhận một khoản tiền lớn bằng đô la Mỹ để chi tiêu cho việc chuẩn bị khởi hành”. Tôi từ chối một cách lịch sự, nhưng Monich lại chấp nhận mười nghìn đô-la là khoản tiền Trung Quốc tặng riêng Monic, vợ tôi giải thích, nếu không nhận thì không có tiền thù lao cho các nhân viên khách sạn đã phục vụ chúng tôi rất chu đáo. Hơn nữa, chúng tôi còn phải mua quà tặng bà Anđru Yâng vì ông Yâng đã giúp chúng tôi rất nhiều, tặng bà đại sứ Pháp Lơprét vì bà đã mời chúng tôi đến ăn cơm, tặng bà vợ ông đại sứ Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc là người cũng đã giúp chúng tôi nhiều việc. Tôi đành nghe theo vì Monic có lý hơn tôi.
Trong những ngày còn ở lại Niu York, vì thật sự không có tiền, tôi đành phải nhờ các bạn Trung Quốc giúp tôi tổ chức một bữa ăn “theo kiểu Pháp”, có rượu vương Pháp thượng hảo hạng để mời hai vợ chồng ông Anđru Yâng và những cộng sự viên chủ yếu của ông ở Liên Hợp Quốc, nhằm tỏ lòng biết ơn Mỹ đã đối xử với tôi rất tốt. Các bạn Mỹ không ngạc nhiên khi thấy tôi nhận lời trở lại Trung Quốc, coi đó là nơi tị nạn. Họ chúc tôi hạnh phúc.
Tôi cảm thấy các ông bạn Mỹ như trút được gánh nặng là tôi. Quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không bị vẩn đục vì “vấn đề Sihanouk”, một kẻ bất ngờ “rơi xuống” đầu họ.
Giờ lên đường đã tới. Những người bạn Trung Quốc của tôi chuẩn bị rất hoàn hảo mọi vấn đề cho chúng tôi, kể cả vấn đề tế nhị nhất là hộ chiếu.
Cuối cùng, chúng tôi đã ra đi với mảnh giấy “thông hành” đơn giản. Các nhà chức trách Mỹ đã đơn giản mọi thủ tục hải quan và xuất cảnh để chúng tôi ra đi dễ dàng. Ngồi trong khoang hạng nhất của chiếc máy bay phản lực thuộc Công ty hàng không liên Mỹ, tôi nhận thấy chung quanh phần lớn là các nhà đại tư bản công nghiệp Mỹ cùng với vợ đi thăm Trung Quốc. Có cả một viên tướng đã nghỉ hưu trước kia công tác trong Phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ tại Campuchia cũng đi thăm Trung Quốc cùng với vợ. Viên tướng này biết tôi rất rõ vì đã ở Campuchia từ trước năm 1963 (đến 1963 thì tôi từ chối viện trợ quân sự của Mỹ). Tới Bắc Kinh, tôi mời các bạn Mỹ mới quen trên máy bay đến thăm chỗ ở mới của tôi, đã trang bị xong nội thất, sáng rực ánh đèn, trang hoàng lộng lẫy.
Tôi mời họ dự bữa ăn “theo kiểu Pháp” được các đầu bếp Trung Quốc nấu rất ngon. Có một đầu bếp lành nghề ở Thượng Hải mà đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai đã tìm chọn để phục vụ tôi năm 1970. Năm 1979 ông được thăng cấp. Song song với công việc trong Quốc hội, ông vẫn tiếp tục chỉ huy công việc bếp núc của tôi ở Bắc Kinh, và đã thành lập được một đội ngũ khá đông những tay đầu bếp trẻ tuổi có thể làm được các món ăn Trung Quốc Pháp, Khơme một cách hoàn hảo. Thày dạy của họ về các món ăn Khơme là Công chúa Norodom Mônketh Kania, cô tôi. Sau bữa ăn ngon tuyệt này các vị khách Mỹ đã cổ vũ tôi rất nhiều bằng những lời chúc mừng của họ.
Chỉ còn lại một vết đen trong cuộc sống rất dễ chịu của tôi ở Bắc Kinh. Đó là Narinđrapông và Chittara, hai tên đồ đệ của Pol Pot không thể nào gột rửa được, vẫn cứ cặp kè bên cạnh tôi. Chúng vẫn tiếp tục chửi rủa bác gái tôi và các bà phục vụ chúng tôi. Quá bực tức, tôi đã đề nghị các nhà chức trách Trung Quốc trục xuất hai tên vô lại này ra khỏi nhà tôi. Một quan chức cấp bậc đại sứ, được chính phủ Trung Quốc uỷ nhiệm thường trực bên cạnh tôi, tỏ ra rất bối rối. Ông tìm cách dàn hoà giữa tôi với Narinđrapông và Chittara. Nhưng tôi nói tôi nhất định không sống chung dưới một mái nhà với hai tên “tướng cướp” này. Hoặc là đuổi chúng đi, hoặc chính tôi một ngày nào đó sẽ rời bỏ cái nhà này đi ẩn náu ở nơi khác. Đến lúc này các ông bạn Trung Quốc mới thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Họ chuyển chúng sang một ngôi nhà khác. Từ đó, mọi người mới “thở” được. Ít lâu sau Narinđrapông và Chittara di tản sang Pháp, mọi phí tổn do Trung Quốc đài thọ một cách hào phóng.
Đến đây, chấm dứt câu chuyện về cuộc sống của tôi với Khmer Đỏ trong khoảng thời gian từ tháng 12-1975 đến tháng 1-1979, và cũng chấm dứt những nỗi bực dọc của tôi sau khi tôi thoát khỏi nanh vuốt bọn Khmer Đỏ ở New York một cách kỳ lạ, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2-1979.


                                           Hết

<< Tin xấu... tức là tin tốt lành | Sihanuk về Campuchia, 1973 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 357

Return to top