Tôi sinh ngày 31-10-1922. Từ đầu tháng 10-1976 tôi đã gửi Chủ tịch Khieu Samphan lá thư viết:
“Kính thưa ngài!
Tháng 4 vừa qua, Angca kính yêu đã uỷ nhiệm ngài báo tin cho tôi biết toàn thể gia đình tôi và tôi đều được hưởng sự che chở cao cả của Angca. Vì vậy tôi xin phép đề nghị Angca cho tôi một đặc ân được gặp các con cháu tôi, trong khoảng thời gian 24 giờ thôi, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của tôi vào ngày 31 tháng 10 sắp tới, đó cũng là ngày tôi tròn 54 tuổi và nếu Angca cho phép tôi cũng rất sung sướng được đặc ân gặp lại vợ chồng người anh họ tôi là Norodom Phurissara, một người em họ nữa của tôi là Sisowath Methavi (lúc viết thư này cho Khieu Samphan tôi chưa biết vợ Methavi đã trở về Campuchia, cử tưởng cô ta vẫn còn ở Pháp) cùng với Xamđec Pen Nouth, cựu Thủ tướng, hiện nay là Cố vấn tối cao của ngài, và phu nhân Pen Nouth...”.
Thời gian cứ trôi dần. Ngày 31-10 đã tới. Tôi không nhận được câu trả lời nào, một lời chúc tụng nào như trước kia những người lãnh đạo Khmer Đỏ vẫn thường chuyển tới tôi “những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất”, trong khoáng thời gian 1970-1975. Họ cũng đã từng hứa hẹn (khi nào Campuchia được giải phóng khỏi nanh vuốt đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai” mỗi năm đến ngày 31-10 sẽ tổ chức lễ mừng ngày sinh của tôi rất linh đình.
Ngày 31-10-1976 cuộc sống trong Hoàng cung thật buồn tẻ vô cùng. Những đứa con gái, con trai, con rể, những đứa cháu của tôi lúc này đang ở xa, rất xa tôi, và tôi cũng không biết chúng còn sống hay đã chết. Đài phát thanh vẫn cứ lải nhải công kích chế độ cũ của tôi đã cáo chung chế độ quân chủ. Dù sao, những người còn lại chung quanh tôi hôm đó cũng tặng tôi một lẵng hoa. Mọi người đề ti mặc đẹp, trang điểm như ngày hội, trừ Narinđrapông đã trở thành phần tử thân Khmer Đỏ.
Đêm hôm đó, tôi nằm trên giường miên man suy nghĩ. Tôi nghĩ đến đất nước đang đau khổ. Tôi nghĩ đến các con, các cháu tôi đang thiếu thốn đủ mọi thứ. Trong gian phòng vốn là Cung riêng của mẹ tôi, Narinđrapông và em họ nó là Chittara tiếp tục hoan hô Angca và chửi rủa chế độ quân chủ. Tôi không sao ngăn được dòng nước mắt. Kể từ ngày 27-4-1975 là ngày Mẫu hậu, bà mẹ đau khổ cả về tâm trí lẫn sức khỏe của tôi từ trần, cho đến hôm nay, sinh nhật tôi, tôi mới lại khóc.
Các nhà sư thường cạo trọc đầu. Tôi không đi tu nhưng cũng nhiều lần cạo trọc đầu. Đối với người dân Khơme thì cái tóc là vật rất thiêng liêng. Nhiều phụ nữ, thiếu nữ Campuchia nguyền rủa Khmer Đỏ vì chúng bắt họ không được để tóc dài mà phải cắt rất ngắn làm cho đầu họ như quả dừa. Khmer Đỏ nói, phải cắt tóc ngắn để đoạn tuyệt những hủ tục thời Sangkum. Bà nào, cô nào để tóc dài và trang điểm đều bị kết tội nặng, thậm chí bị kết án tử hình. Có điều rất kỳ lạ, Khmer Đỏ không cho để tóc dài, nhưng cũng không cho phép cạo trọc đầu. Trước mặt tôi, Khieu Samphan đã nhiều lần chửi rủa các sư sãi cạo trọc đầu. Có nghĩa là Khmer Đỏ cũng chửi cạnh khóe tôi vì tôi đã cạo trọc đầu tới bốn lần. Sự phản kháng của tôi không chỉ dừng lại ở mức đó. Trong năm 1976 tôi cũng đã hai lần tuyệt thực. Bị Khmer Đỏ chất vấn, tôi nói là nhịn ăn để chay giới tụng kinh niệm Phật, nhịn ăn để “nhập thiền” theo Phật.
Những sợi dây liên hệ của tôi với thế giới bên ngoài vẫn chỉ là vụng trộm nghe Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, BBC, Australia, đài Viễn Đông và cả đài của tín đồ đạo Thiên Chúa phát đi từ Manila, đài Pháp, đài Bắc Kinh, đài Hà Nội, đài Băng cốc...
Nhiều đài loan tin tôi được phong danh hiệu “người yêu nước”, được dựng tượng, được trợ cấp hậu hĩnh bằng đô-la Mỹ. Sự thật trái ngược hẳn.
Tôi chẳng những không có một đồng đô-la nào, một mẩu tượng nào, mà cả những quyền sơ đẳng của con người như tiếp khách, viết thư cũng không có. Không một ai, kể cả họ hàng thân thích được phép đến thăm tôi. Từ ngày 1-11-1976 tôi không bước ra khỏi phòng nữa. Khoảng hai tuần sau, Khieu Samphan đến chỗ tôi. Tôi nói luôn:
- Xin ngài cho phép tôi hỏi một câu: Angca có định bắt tôi phải tù suốt đời không? Có định tước bỏ mọi quyền sơ đẳng của con người đối với tôi không? Các ngài đang cắt đứt mọi cây cầu nối tôi với những bạn thân của tôi mà cũng là của các ngài, như Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Tôi xin các ngài hãy đối xử với tôi như Rumani đã đối xử với vua Michel của Rumani sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tức là cho đi sống lưu vong ở nước ngoài. Còn tôi thì tôi muốn luôn luôn ở lại đây với nhân dân dưới sự che chở của Angca. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, những tù binh của nước Đức phát xít còn được Hítle cho phép nhận thư và bưu kiện của những người thân trong dịp lễ Noel và ngày Tết. Ở đây tôi không bằng tù binh của Hítle. Tôi không được tiếp khách, kể cả các phái đoàn từ Trung Quốc và Triều Tiên tới thăm Campuchia. Tôi không được gặp lại Xamđec Pen Nouth và anh họ tôi là Phurissara. Tôi không nhận được thư của các bạn thân ở Pháp.
Tôi nói tiếp:
- Đối với tôi điều nhục nhã nhất là sự nghi ngờ của Angca, dù tôi đã từng là bạn chiến đấu của các ngài, đã giúp đỡ các ngài hết sức và bằng tất cả uy tín của mình để các ngài chiến thắng và giành được chính quyền. Nếu bây giờ các ngài không tín nhiệm tôi nữa thì hãy để tôi sống lưu vong ở Thuỵ Sĩ hoặc bất cứ nước nào do các ngài quyết định. Còn nếu các ngài cứ thích giam tôi vĩnh viễn trong cung điện này thì xin Angca hãy đưa tôi ra xử trước một toà án nhân dân. Ngay đến ông Risớt Nixon sau khi bị kết án về vụ Watergate cũng vẫn còn được sang thăm Trung Quốc. Còn tôi là cựu Quốc trưởng, được Quốc hội Campuchia dân chủ tuyên dương là “đại ái quốc” thế mà vẫn là cựu nguyên thủ quốc gia duy nhất không được đi ra nước ngoài. Ngay ở trong nước tôi cũng không được tự do đi lại. Tôi chỉ cách ông bạn già Pen Nouth có vài bước chân thế mà cũng không được sang chơi. Thế thì Angca hãy bắn tôi đi. Tôi chỉ xin các ngài, nếu có bắn thì xử bắn công khai trước mặt dân chúng.
Sau khi Khieu Samphan lẳng lặng ra về, vợ tôi trách tôi đã đi quá đà, không những chỉ hại đến tính mạng của tôi mà còn có hại cho tất cả các thành viên trong gia đình đang sống sót trong Điện Khêmarin. Đúng là sau đó tôi đã bị Angca trừng phạt, tuy chưa đến chỗ chết nhưng cũng đã bị hành hạ kéo dài suốt hai năm, bắt đầu từ ngày 30-3-1977. Ngày hôm đó, Angca cho người tới báo tin sẽ rút những cán bộ phục vụ trong Hoàng cung đi. Đêm hôm sau, bọn này kéo đi hết. Mọi người chung quanh tôi đều nghĩ, có lẽ trong đêm nay bọn sát nhân sẽ tới làm nhiệm vụ. Tôi cũng tin như vậy.
Bác tôi, tức công chúa Mom. bà già đã chăm bẵm tôi từ thời thơ ấu, oà khóc nức nở, mẹ vợ tôi ôm chặt lấy tôi, nguyện cùng chết với tôi.
Trời tối đen. Vắng lặng. Chỉ nghe thấy tiếng chim kêu đêm và những tiếng rít của đàn dơi kiếm mồi. Tất cả mọi người đều sợ hãi nhưng ai cũng cố gắng giữ thái độ đĩnh đạc trước cái chết đang tới gần, và nhất định là một cái chết thảm khốc.
Chúng tôi tắm rửa sạch sẽ, quỳ trước tượng Phật đọc kinh cứu khổ cứu nạn. Đạo Phật cấm không được tự sát. Tôi vẫn lo sợ bị tra tấn, hành hạ. Nếu bọn đao phủ tóm lấy tôi, lăng nhục tôi, chửi rủa tôi, nhổ vào mặt tôi rồi nướng dần tôi trên ngọn lửa nhỏ cho đến chết hẳn là tôi sẽ đau đớn lắm và sẽ kêu thét lên như con vật bị chọc tiết.
Có lẽ lúc đó tôi đã quá tưởng tượng. Nhưng sau này, tức vào năm 1979, những người Việt Nam đóng quân ở Campuchia và chính quyền Heng Xomrin đã công bố trước toàn thế giới, với những dẫn chứng cụ thể, những tội ác mà bọn Pol Pot, Ieng Sary đã hành hạ, tra tấn các “kẻ thù giai cấp” của chúng, bằng những hình thức mà tôi đã suy tưởng trong Điện Khêmarin từ hai năm trước.
Người Việt Nam và Heng Xomrin đã cho trưng bầy những cuốn vở trong đó Khmer Đỏ ghi tên những người bị chúng hành hình. Trong số này có hai nhân vật quen biết là đại sứ Chia Xan và đại sứ Huot Xambat, cả hai đều là cựu bộ trưởng chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc và Uỷ viên Bộ Chính trị Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia.
Dĩ nhiên, thảm hoạ ghê gớm hơn nữa sẽ dành cho tôi, người mà Khmer Đỏ lúc này coi là “kẻ thù số một”. Đó là điều mà Pen Thula, con trai cựu Thủ tướng Pen Nouth đã nói lại với tôi vào hồi tháng 5-1979. Nhờ cuộc tiến công của bộ đội Việt Nam Pen Thula đã thoát khỏi địa ngục Pol Pot, trốn sang Thái Lan rồi tìm đường tới Trung Quốc gặp tôi. Có lẽ, nếu bọn đao phủ tới đây điệu tôi đi thì tôi phải chạy vào buồng tắm uống thuốc độc tự tử hoặc treo cổ lên một sợi dây mà tôi đã chuẩn bị sẵn, không cho vợ tôi biết.
Nhưng rồi đêm đã qua đi mà không xảy ra chuyện gì cả. Chỉ có điều bọn phục vụ đã rút hết, không ai tiếp tế thức ăn cho chúng tôi nữa. Trong suốt ba ngày ba đêm, Angca cắt xuất ăn của chúng tôi. Mãi tới ngày thứ tư chúng tôi mới lại được tiếp tế rau, thịt, trái cây. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Angca đã chấm dứt trừng phạt chúng tôi.
Trong số những người theo tôi lúc này có Ong Meang là người trung thành tận tuỵ nhất, can đảm nhất. Năm 1939, lúc còn là một thanh niên rất trẻ anh đã phục vụ trong quân đội Pháp chống Hítle xâm lược. Sau khi Pháp ký Hiệp ước đầu hàng Đức, anh theo lực lượng kháng chiến của tướng Đờ Gôn, tham dự chiến dịch Bia Hakem nổi tiếng hai lần bị quân Đức bắt làm tù binh, một lần trên đất Pháp, một lần trên đất Libi, anh đều trốn thoát trở về tiếp tục chiến đấu. Năm 1953 khi Pháp trao trả cho Campuchia quyền quản lý về quân sự, Ong Meang trở thành một sĩ quan trong quân đội Hoàng gia Campuchia rồi làm tuỳ viên quân sự thuộc đại sứ quán Campuchia tại Paris. Anh ở lại Pháp cho đến ngày 13-3-1970 thì theo tôi sang Matxcơva khi tôi đàm phán với chính phủ Liên Xô, đề nghị Liên Xô viện trợ về quân sự. Cho tới khi giành được toàn thắng trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và Lon Nol, Ong Meang cũng như cấp trên của anh là Sisowath Methavi luôn ở bên cạnh tôi tại Bắc Kinh, phục vụ tôi với một tinh thần rất tận tuỵ và năng nổ. Tháng 12-1975, theo lệnh của Ieng Sary, Sisowath Methavi từ Bắc Kinh trở về Phnompenh. Vài tháng sau, vợ Methavi là Nanet (tức chị ruột của Monic) cũng theo chồng về Phnompenh. Tôi không bao giờ gặp lại họ. Họ đã “mất tích” sau khi về nước được một thời gian. Nay lại đến lượt Ong Meang.
Thật tình khi Ong Meang xin theo tôi về nước, tôi đã bảo anh cứ ở lại Pháp. Vợ đại uý Ong Meang là người Pháp, nhưng anh vẫn cứ tình nguyện theo tôi về Phnompenh, ngày 31-12-1975 để được theo sát bên tôi, mặc dù anh biết Ieng Sary và bè lũ luôn coi anh như kẻ tử thù, vì lúc còn ở Bắc Kinh (trong giai đoạn 1970 - 1975) anh đã công khai chỉ trích chính sách “chống Sihanouk” của Ieng Sary. Anh còn ngang bướng tới mức không bao giờ thèm chào hỏi Ieng Sary, Thioun Prasit, Kẹt Chuồn, Thiun Mum, thậm chí bắt tay họ cũng không.
Trở về Phnompenh, Ong Meang nói với tôi, nếu Khmer Đỏ hãm hại tôi anh sẽ lập tức chống lại Tôi trả lời, tôi lo cho đại uý nhiều hơn. Bắt đầu từ tháng 4-1976, khi Khmer Đỏ tước hết mọi quyền sơ đẳng của tôi và thế giới bên ngoài đang băn khoăn không hiểu Khmer Đỏ đối xử với tôi ra sao, Ong Meang đã xin phép tôi để cho anh trốn khỏi cái “nhà ngục vàng son” này. Anh sẽ ra nước ngoài báo động cho toàn thế giới biết tình cảnh của tôi Anh nói: “Tính mạng của Đức ông đang bị đe doạ”. Tôi trả lời viên sĩ quan tuỳ tùng lúc này đã trở thành người làm vườn, trồng hoa của tôi:
- Mang thân mến? Anh đừng tưởng anh sẽ đánh lừa được Khmer Đỏ như đã đánh lừa được bọn Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai đâu.
Hơn nữa, anh muốn cứu mạng tôi nhưng lại trốn khỏi cái nhà ngục này thế thi Khmer Đỏ lại càng nghi ngờ tôi ra lệnh cho anh tẩu thoát, cái chết của tôi càng đến gần. Họ biết anh rất tận tuỵ đối với tôi, vậy thì không khi nào anh lại bỏ tôi một mình để anh trốn chạy. Mang thân mến! Anh không được ra khỏi cung điện. Đó là mệnh lệnh, và cũng là lời cầu khẩn của tôi.
Suốt từ tháng 4-1976 đến tháng 4-1977, Norodom Narinđrapông và em họ nó là Sisowath Chittara luân phiên nhau khủng bố tinh thần Ong Meang bằng cách chửi rủa chế độ quân chủ và chế độ cũ của tôi trước mặt Ong Meang. Ong Meang không chịu hứa sẽ tuân theo mệnh lệnh “không được đi trốn” của tôi. Anh vẫn tiếp tục lén nghe tin tức từ các đài Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp để tìm hiểu xem thế giới bên ngoài đang bàn tán những gì chung quanh tình trạng im lặng nặng nề và đáng lo ngại của Sihanouk từ ngày từ chức.
Ngày 18-4-1977, tức một ngày sau lễ Quốc khánh của Campuchia “dân chủ”, Ong Meang biến mất. Như thường lệ, vào hồi 17 giờ anh kéo chiếc xe rác ra bờ sống đổ. Những lần trước thường có hai tên lính đi kèm. Lần này, chẳng có ai đi theo Ong Meang cả. Chúng tôi chờ mãi tới 18 giờ, rồi tới bữa ăn tối cũng không thấy anh trở về.
Khoảng 20 giờ, một cán bộ quân sự của Khmer Đỏ đến rủ Ong Meang đi dạo mát ngắm trăng. (Sau này, những người trốn thoát gặp lại tôi ở Bắc Kinh cho biết, được mời đi “dạo chơi buổi tối” có nghĩa là bị kết án tử hình), Ong Meang không có ở Hoàng cung. Lúc đó, tên Khmer Đỏ này mới cho biết, người ta chỉ nhìn thấy chiếc xe hãy còn đầy rác bỏ lại trên đường phố ở cổng phía nam Hoàng cung, mà không thấy Ong Meang đâu cả. Hắn kết luận, vừa ra khỏi cổng Ong Meang đã lập tức đi trốn và mất tích.
Mất Ong Meang chưa phải là nỗi đau tột cùng của tôi. Tôi còn nỗi đau thấm tận da thịt nữa.
Sau khi Ong Meang bỏ đi biệt tích, chính một số thành viên trong gia đình tôi đã dìm tôi xuống đáy vực của nỗi đau tinh thần, nỗi tủi nhục và tuyệt vọng. Narinđrapông đứa con thứ hai của tôi với Monic và em họ nó là Chittara, con thứ của người em gái Monic hiểu rằng tiền đồ của tôi chỉ là bị thất sủng thậm chí có thể còn bị giết chết, nên càng ngày càng tỏ ra khinh miệt tôi. Thế mà trước kia, khi tôi còn cầm quyền và cả trong những năm 1971, 1972, 1973, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố là có thể tôi sẽ trở lại Campuchia đứng đầu Nhà nước thì chính hai đứa này đã tâng bốc tôi hết lời, cả trong phát biểu cũng như trong thư. Chỉ đến năm 1974 chúng mới bắt đầu thay đổi thái độ, khi Khmer Đỏ mở cuộc tiến công mùa khô có tính quyết định vào bọn Lon Nol đã mất tinh thần. Ở Bắc Kinh, Ieng Sary và vây cánh cũng nổi lên như ông chủ lớn về chính trị và ngoại giao thay vào chỗ trước kia người ta dành cho Sihanouk để dễ bề hoạt động trên trường quốc tế nhân danh Mặt trận đoàn kết dân tộc và chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia.
Tháng 7-1974, Narinđrapông đang học khoa Kinh tế chính trị tại trường Đại học Lơmônơxốp, từ Matxcơva tới Bắc Kinh trong dịp nghỉ hè. Chịu ảnh hưởng của bọn thanh niên Khmer Đỏ do Ieng Sary cầm đầu, Narinđrapông bắt đầu kịch liệt công kích Sihanouk, công kích chính bố đẻ ra nó. Nó đã tiêm nhiễm thủ đoạn của Khmer Đỏ là khuyến khích con cái do thám, điều tra, tố cáo bố mẹ. Cũng cần phải nói rằng, trong đám con trai đông đúc của tôi thì Narinđrapông là đứa con duy nhất công khai tuyên bố là kẻ “tử thù” của tôi, theo đúng câu chữ nó nói. Cho đến năm 1979 khi đã thoát được sang Paris, nó vẫn cho biết sẽ “chiến đấu đến cùng chống lại Sihanouk” và làm mọi cách không cho Sihanouk có thể nắm lại chính quyền ở Phnompenh.
Tại sao nó lại hằn thù tôi đến như vậy trong khi chính nó lại là đứa con được tôi rất nuông chiều, dạy dỗ. Trong số mười bốn đứa con trai của tôi, chỉ có Sihamoni và Narinđrapông là con người vợ chính thức của tôi tức là Monic. Từ khi hai đứa ra đời cho đến tận năm 1970 là năm tôi bị lật đổ, Sihamoni và Narinđrapông đều được hưởng tất cả những vinh dự quốc gia và quốc tế tương xứng với những người con trai của bà vợ chính thức của một Nguyên thủ quốc gia. Năm 1969, tức chỉ một năm trước khi tôi bị Lon Nol truất phế, Narinđrapông còn được mời tới Compuông Chàm là thành phố quan trọng thứ hai sau Phnompenh để dự lễ đặt tên cho một sân vận động mới khánh thành: Sân vận động Narinđrapông. Từ tuổi ấu thơ, Narinđrapông đã được chúng tôi đưa sang Pháp và đi thăm nhiều nước bạn. Nó được theo học tại các trường tiểu học, trung học, đại học tốt nhất ở trong và ngoài nước.
Chủ tịch Liên Xô Nikita Khrusev đã cho Narinđrapông hồi đang học tại trường Lomonosov về nghỉ hè tại nhà riêng của ông và ngồi trong lòng ông để chụp ảnh. Cũng như Sihamoni, Narinđrapông không thiếu một thứ gì, và nhất là luôn luôn được hưởng hơi ấm của gia đình, của bố mẹ, trong khi những đứa con khác của tôi lại không được cùng sống trong cung điện. Có nên trách người Xô-viết đã nhồi sọ Narinđrapông không? Dứt khoát không, bởi vì chính Narinđrapông vẫn tuyên bố nó chống Liên Xô, và chỉ tán dương hết sức cái chủ nghĩa Pol Pot mà nó đánh giá là tuyệt vời.
Tại Điện Khêmarin, trong khoảng thời gian từ tháng 4-1976 đến tháng 1-1979, Narinđrapông và em họ nó là Chittara mặc dù thuộc phái thân Pol Pot nhưng cũng phải trải qua một cuộc sống khổ sở trong cảnh tù đầy như tôi và Monic. Nhưng hai đứa vẫn hằng ngày chửi rủa thậm tệ bà già Mom, và chửi cả bà ngoại của chúng, trong khi hai cụ cố hết sức làm vui lòng chúng bằng đủ mọi cách. Hai đứa chửi tất cả các thành viên trong gia đình, gọi mọi người là “đồ Sangkum bẩn thỉu”, là “bọn phong kiến mục nát”.
Những đau khổ tinh thần do chính thằng con Narinđrapông của tôi gây ra, đã làm tôi đau đớn tới mức không tài nào chịu nổi hơn tất cả những điều mà những kẻ thù xấu xa nhất đã nhục mạ tôi.
Trước kia, do muốn thắt chặt những quan hệ giữa Campuchia với các nước xã hội chủ nghĩa, thời kỳ còn làm Quốc trưởng tôi đã gửi năm con trai đi học ở nước ngoài. Yuvanath, Khêmanurắc, Nariđapô học ở Trung Quốc, Sihamoni học ở Tiệp Khắc sau đó chuyển sang Triều Tiên, Narinđrapông học ở Liên Xô. Trong số này chỉ có một mình Narinđapông theo Khmer Đỏ. Cũng không một đứa nào học ở nước ngoài lại phản lại bố nó như Narinđrapông.
Yuvanath, đứa anh cả, sau thắng lợi của Khmer Đỏ đã không chịu về nước mà ở lại Hồng Công rồi sang Mỹ; Khêmanurắc, sau cuộc đảo chính năm 1970 đã lên bưng biền chiến đấu, thư nào gửi cho tôi cũng khẳng định “thuộc phái Sihanouk” và đã bị Khmer Đỏ giết chết từ trước khi tôi từ chức Quốc trưởng năm 1976. Nariđapô không bao giờ có cảm tình với Khmer Đỏ, trong những năm 60 đã quản lý một tờ báo hằng ngày in bằng tiếng Trung Quốc xuất bản ở Phnompenh.
Sau cuộc đảo chính của Lon Nol cháu vẫn ở lại Phnompenh tham gia các hoạt động đấu tranh bất hợp pháp (như rải truyền đơn ủng hộ Sihanouk...) và đã bị chính quyền Lon Nol kết án 5 năm tù.
Ngày 17-4-1975 Khmer Đỏ tiến quân vào Phnompenh đã trục xuất cháu ra khỏi thành phố cùng với toàn bộ dân chúng, sau đó ít lâu đã bị giết chết. Cuối cùng, chỉ còn lại Sihamoni, anh ruột Narinđrapông, đã luôn luôn và cho mãi tới nay vẫn còn là người thuộc phái bảo hoàng, quốc gia, và... thân Sihanouk. Ít lâu sau, bà Khôn vốn là một cung tần phục vụ Mẫu hậu mẹ tôi và bà Náp là người hầu phòng của vợ tôi cũng xin đi nơi khác để “xa lánh bọn phong kiến”. Từ tháng 4-1977 vợ tôi bắt đầu phải tự mình cáng đáng mọi công việc nội trợ. Rác chất đống trong vườn vì từ ngày Ong Meang đi mất, không ai dám đẩy xe rác ra bờ sông nữa. Tôi không bị đưa đi lao động khổ sai tại công xã, cũng không bị giết, nhưng lại phải chịu một hình phạt thậm chí còn đau đớn hơn: đó là thái độ chửi rủa, hỗn xược của những kẻ mới cách đây ít lâu còn đội ơn tôi.
Vợ tôi có lý khi nói với tôi: “Tại các nước khác, bọn tội phạm đều biết bị kết án tử hình hoặc bao nhiêu năm tù. Chúng biết rõ, cuộc sống của chúng sẽ dừng vào lúc nào, như thế nào. Còn chúng ta, chúng ta cứ phải sống trong tình trạng bấp bênh nhất, mất tinh thần nhiều nhất. Điều không thể chịu được là sống qua hết ngày hôm nay không chắc chắn ngày mai sẽ còn sống nữa hay không”. Bắt đầu từ năm 1977 những thủ lĩnh Khmer Đỏ lại bắt tôi chịu đựng thêm một hình phạt mới. Họ đã cho lùa vào Hoàng cung một đàn bò, một đàn trâu, một lũ cừu rồi dê cái dê đực để chúng phá vườn, hai cây ăn quả, huỷ diệt các gốc chuối, và là đái khắp mọi nơi, đặc biệt là ngay trước nhà ở của chúng tôi. Tôi buồn rầu khi nghĩ rằng toà lâu đài này đã từng đón tiếp nhiều nhân vật như Tướng Pháp Đờ Gôn và Nguyên soái Nam Tư Titô nay trở thành một vườn thú thảm hại, hôi thối, suy sụp điêu tàn.
Sau này, mãi đến tháng 9-1977 đàn gia súc mới được lùa ra khỏi Hoàng cung, nhưng thay vào đó lại là một con bò rừng và hai con nai tơ. Một cô nai phải lòng ngay chú bò rừng lực sĩ, đi đâu cũng cặp kè bên nhau nom rất dễ thương nhưng tôi không nhìn thấy chúng giao phối với nhau bao giờ.
Có thể nói, phải đợi đến tận bây giờ là khi tôi đã 55 tuổi tôi mới dần dần được biết nếp sống của những con vật cùng chung sống trong nhà. Nếu Angca không giam giữ tôi trong cung điện thì chẳng bao giờ tôi thèm để ý đến việc quan sát những con vật này. Trước khi xảy ra cuộc đảo chính của Lon Nol cung điện đều phải giữ gìn hết sức sạch sẽ, trừ diệt hết chuột, thằn lằn, thạch sùng... không được để chúng xuất hiện. Trong thời gian hơn ba năm tôi bị cầm tù trong cung vua “nhà ngục vàng son” của tôi ngày càng có thêm nhiều chuột, thạch sùng, thằn lằn, và cả rắn độc bò vào thăm vợ tôi trong nhà tắm, hoặc bò vào nhà bếp thăm bà Sar Saorot và bà Khôn. Lại thêm những tiểu đoàn côn trùng có cánh như ruồi muỗi, bướm, cào cào, châu chấu, dế mèn, chuồn chuồn.., cứ đến tối là tràn vào các gian phòng của chúng tôi. Muốn ngăn sự xâm lăng của chúng thì phải đóng cả cửa kính lẫn cửa chớp, nhưng đóng kín như thế thì chết ngạt. Đành phải sống chung với chúng.
Khoảng từ năm 1976 đến 1978 vợ chồng chúng tôi sống tại những gian phòng trước kia đã từng tiếp đón Tổng thống Pháp Đờ Gôn, ngày nay có cả chuột kéo vào sinh sống. Những con chuột liều lĩnh từ phòng chúng tôi chạy ra ngoài không thấy trở về đầy đủ vì lính Khmer Đỏ đã chộp lấy chúng đem nướng sống. Phần lớn lũ chuột to cứ mất dần, chỉ còn nhiều chuột con, chuột nhắt. Buổi sáng lũ chuột này biến đi đâu mất hết, buổi tối mới trở về để cùng “mặt đối mặt” với vợ chồng chúng tôi trong lúc ăn cơm. Chuột bố và chuột mẹ đi trước lũ chuột anh, chuột chị, rồi mới đến chuột con và cả chuột cháu.
Thỉnh thoảng chúng lại trình diện chúng tôi một lứa chuột mới đẻ, nom rất kháu khỉnh. Lũ chuột không sợ chúng tôi. Chúng như một đàn chó tí hon, ngồi không xa bàn ăn của chúng tôi, chăm chú nhìn chúng tôi và còn nói chuyện với chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ riêng của chúng, cố làm cho chúng tôi hiểu rằng phải cho chúng ăn. Chúng tôi tặng lũ chuột những mẩu bánh mì vụn và những mẩu quả ăn thừa. Khi chậm cho chúng ăn, chúng kêu “chít, chít” tỏ ý phản đối. Bữa ăn kết thúc, chúng khôn ngoan đi theo một hàng dọc trở về tổ, tránh sự thèm muốn của lũ gecko.
Gecko, theo định nghĩa trong Từ điển ngôn ngữ Rôbe của Pháp là một từ gốc Malaixia, có nghĩa là “một loài bò sát có bốn chân, mỗi chân có những ngón dính với nhau bởi những mảng da như lá mía”. Người Khơme chúng tôi gọi nó là con tắc kè, bởi vì nó kêu: “tắc kè, tắc kè, tắc kè”...
Theo tập quán mê tín từ thời tổ tiếng người Khơme chúng tôi thường đếm tiếng tắc-kè để bói xem người chung sống với mình có lừa dối không; và nếu chưa có vợ có chồng thì đếm tiếng tắc-kè để bói xem người vợ hoặc người chồng tương lai của mình có phải đã goá chồng, goá vợ hay không, hoặc người vợ, người chồng tương lai của mình có phải là gái trinh, trai tân hay không. Ví dụ, nghe tiếng “tắc-kè” đầu tiên anh con trai đang cầu hôn nói: “Krâmom” (nghĩa là gái trinh) đến tiếng “tắc-kè” thứ hai lại nói “mêmay” (có nghĩa là gái goá) và cứ thế, tuần tự nói “krâmom” rồi lại nói “mêmay” nhịp với tiếng kêu của con tắc-kè cực kỳ xấu xa ghê tởm cho tới khi con tắc-kè chấm dứt bài ca dai dẳng bằng cái giọng khàn khàn đáng sợ của nó.
Nếu tiếng kêu cuối cùng của con tắc-kè nhịp với câu “mêmay” thì mọi người chung quanh sẽ cười ồ lên, tới tấp chia buồn với người bói toán, bởi vì sẽ lấy phải gái goá, và những người goá chồng hoặc đã ly dị chồng đều bị coi là “đồng tiền mất giá”.
Về phần tôi, tôi chỉ bói tắc-kè để xem có thoát khỏi tay bọn Pol Pot hay không, khi con tắc-kè vừa bắt đầu kêu tiếng đầu tiên, tôi nói: “sẽ thoát”. Đến tiếng thứ hai, tôi nói: “không thoát” và cứ thế tiếp tục, tuần tự nhịp với tiếng kêu của con tắc-kè cho tới tiếng kêu cuối cùng. Thật lạ cùng, bao giờ tiếng tắc-kè cuối cùng, dù là con tắc-kè trong phòng tối hay con tắc-kè trên cây bên ngoài nhà, cũng nhịp với tiếng tôi nói: “không thoát”. Có nghĩa là tôi sẽ bị Khmer Đỏ giam giữ suốt đời.
Điều đó làm tôi rất buồn. Cũng may, tôi không bao giờ tò mò tới mức muốn hỏi con tắc-kè xem liệu tôi có bị bọn Pol Pot, Ieng Sary thủ tiêu hay không.
Tôi chịu đựng rất khó khăn cảnh tượng con vật này nhai ngấu nghiến con vật khác một cách không thương tiếc, vì ngày nào tôi cũng đứng trầm lặng hàng giờ trong phòng khách, tôi đã buộc phải nhìn thấy, rồi đi tới chỗ chăm chú quan sát tập quán của những con vật nhỏ chung quanh tôi, nhung nhúc trên tường và cả trên trần nhà. Vì vậy, ngày nào tôi cũng phải chứng kiến con vật bé bị con vật lớn tàn sát, con vật yếu bị con vật khỏe ăn thịt. Đó là luật rừng. Luật rừng không phải chỉ có trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, nơi có sư tử hổ báo, chó soi, cá sấu tiến công và ăn ngấu nghiến những con vật không có gì để tự vệ. Luật rừng khủng khiếp diễn ra ở khắp mọi nơi, ở cả dưới nước, nơi con cá sấu hung dừ đớp cả người. Nhưng cũng không nên quên, chính những con cá nhỏ bé, xinh xinh có vẻ vô hại cũng lại là những con “cá sấu” không thương sót đối với những con vật bé nhỏ hơn chúng.
Trong gian phòng ở “Cung vua” của tôi, tôi nhìn thấy ngay trước mắt mình những con thằn lằn cắn con thạch sùng. Con thạch sùng vừa giãy giụa một cách vô ích vừa kêu những tiếng tuyệt vọng xé lòng. Rồi thì những con thạch sùng bé nhỏ (cũng thuộc loài bò sát) cứ dần dần lọt thỏm trong miệng con thằn lằn, y như con thỏ lọt vào mõm con trăn. Những tiếng kêu tắt hẳn khi những chi dưới của con thạch sùng không còn cử động được nữa và cái đầu cũng biến mất. Tuy nhiên, những con thạch sùng “ngây thơ và vô hại” đến lượt chúng cũng biến thành những con quái vật hung dữ khi chúng bắt gặp trước tầm mõm những con vật bé nhỏ hơn chúng, và chúng cũng nuốt trửng không thương tiếc những miếng mồi đó.
Dù sao, những con vật nhỏ này cũng có những lý do để xá tội: trước hết, chúng không phải như chúng ta, chúng không có trí óc thông minh để phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác, trong khi chúng ta là những con người, chúng ta thật sự phải chịu trách nhiệm vì chúng ta có ý thức về những hành động của mình. Hơn nữa, nếu những con vật nhỏ này tiến công những con vật nhỏ hơn hoặc yếu hơn để ăn thịt, là bởi vì chúng đói và cần tồn tại. Còn tội ác của con người thì không thể biện minh được.
Những con vật bị hi sinh, nhiều khi chúng cũng tự nguyện làm mồi cho những con khác. Điều đó, âu cũng lại là một định luật của tạo hoá muốn một số loài vật phải tự nguyện hiến thân cho đao phủ. Đó là những con bướm trong gian phòng của tôi ở Điện Khêmarin. Một số con bướm này, khi mới nhìn thấy, con thạch sùng đã vội ngừng đùa giỡn với ánh sáng đèn điện để đến làm mồi cho thạch sùng. Với những chiếc cánh của nó, bướm có thể bay đi trốn tránh tới cùng, không để cho thạch sùng đớp phải, nhưng nó vẫn cứ có vẻ như tự nguyện dâng mình cho kẻ ăn thịt nó. Tôi đã cố cứu bướm thoát chết bằng cách dùng khăn mặt hoặc dùng quạt đuổi bướm ra xa thạch sùng. Nhưng không được. Bướm vẫn quay tít lại gần con vật “ngấu nghiến” chúng. Tôi dùng gậy đuổi thạch sùng đi. Nhưng, bướm vẫn trung thành theo đuổi tên đao phủ cho tới khi bị ăn thịt. Cũng đã nhiều lần, tôi cố đuổi tắc-kè xa thạch sùng, nhưng rõ ràng thạch sùng không tỏ ra một chút cố gắng nào hòng thoát khỏi kẻ giết mình. Vậy mà những con thạch sùng lại nhẹ nhàng hơn, linh hoạt hơn, chụp nhanh hơn những con tắc-kè khá nặng nề.
Tôi cũng đã từng được biết những con gà trống cực kỳ thông minh. Năm 1970, vài tuần trước khi xảy ra vụ đảo chính của Lon Nol, khi đến chơi nhà ông bạn Xam Lơ Trôn ở bên Pháp, tôi đã nhìn thấy những con gà trống hút thuốc lá, biết nhào lộn và những con gà mái chỉ đẻ trứng khi ông bạn tôi ra lệnh. Trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến năm 1977 ở Điện Khêmarin tôi rất chú ý đến một con gà trống xinh đẹp trong đàn gà của Khmer Đỏ. Con gà trống này có ba vợ, sáng nào cũng dẫn ba con gà mái này đi dạo chơi. Con vợ nó yêu thích nhất là một cô gà mái có vẻ trẻ nhất, có bộ lông đen nhất, lúc nào cũng như dính sát bên cạnh con gà trống. Con gà chồng dẫn đàn vợ đi một cách tự hào đến trước mặt vợ chồng chúng tôi để xin ăn. Nó thích ăn chuối vô cùng. Khi không nhìn thấy tôi xuất hiện trước cửa sổ vào khoảng mười giờ sáng như thường lệ, con gà trống liền nhảy lên chiếc ghế dài đặt ở bên dưới cửa sổ. Tôi núp kín một chỗ, bí mật quan sát. Con gà trống chăm chú nhìn qua cửa sổ, đảo mắt tìm tôi. Nếu vợ chồng chúng tôi chậm xuất hiện, nó liền cất tiếng gáy tỏ vẻ sốt ruột. Lúc đó chúng tôi mới vứt một quả chuối cho nó. Con gà chồng mời các bà vợ cùng ăn, dành cho các bà vợ những mẩu ngon nhất. Quả là một đức ông quý tộc hào nhoáng, bên cạnh nó tôi cảm thấy bị... lu mờ?
Tôi vẫn thường mơ về một hành tinh đẹp” là trái đất của chúng tôi. Nhờ có những vệ tinh nhân tạo của trái đất và những con tàu vũ trụ, ngày nay người ta đã có những tấm ảnh rực rỡ của trái đất, đẹp đẽ và cuốn hút, với tất cả những màu trắng của mây, màu xanh tươi của thực vật, mầu xanh thẫm của biển và đại dương, màu vàng màu da cam, màu son, màu xám của đất và đá... Từ trên cao nhìn xuống, trái đất có vẻ như thiên đàng.
Nhưng nếu các thiên thần hạ cánh xuống trái đất thì có lẽ họ sẽ khiếp hãi vì những cảnh khốn cùng ở khắp mọi nơi.
Con người đã chế tạo được nước hoa, nhưng không bao giờ khử được hết mùi phân lộn mửa.
Và nhất là, có những người tự xưng là văn minh nhưng lại là hiện thân của cả quỷ Sa-tăng lẫn ông Bụt, là những kẻ đối xử với nhau tàn ác nhất.
Chẳng ở đâu có an ninh. Nơi nào cũng có sự xấu xa kinh tởm, ngay cả ở Liên Hợp Quốc cũng là nơi người ta nhìn thấy một ông Ieng Sary không chút mặc cảm nhân danh chế độ “diệt chủng” thảm sát dân tộc và nhân dân “long trọng” ký tên gia nhập Hiến chương bảo vệ nhân quyền. Sự tuyên truyền của Khmer Đỏ không ngừng tuyên bố Angca đạt được những nguyên tắc tốt nhất về vệ sinh và tiết kiệm đã khắc sâu trong óc người dân và người lính. Bị giam trong Hoàng cung nhiều tháng không được ra ngoài, tôi không có điều kiện nhìn thấy những cái gọi là “kết quả vĩ đại và không gì so sánh nổi” của chính sách moha aschar (cực kỳ ghê gớm) của Angca trong lĩnh vực này. Nhưng tôi đã có thể quan sát được tất cả những gì trong lòng Hoàng cung đang trở thành một thứ trại lính của Khmer Đỏ.
Từ khi đại uý Ong Meang, viên sĩ quan tuỳ tùng trung thành của tôi biến mất, tôi không còn ai giúp việc để đi ra bờ sông đổ những đống rác đang chất thành từng đống. Vả lại, con sông Tônlê Xáp xinh đẹp từ ngày Khmer Đỏ lên nắm quyền cũng đã biến thành con sông cực kỳ bẩn thỉu, hai bên bờ, ngập đầy những đống rác, nhất là vào mùa nước xuống. Nước sống ngày càng bị ô nhiễm.
Những người dân (mới đến) vẫn cứ phải tự coi là những người sung sướng ở Phnompenh vì còn có cái thứ nước sông ô nhiễm này để giặt quần áo (chỉ còn ít ỏi), để tắm rửa và... uống. Trong Hoàng cung có nước máy. Nhưng vin vào lý do phải tưới cây, lính Khmer Đỏ cứ để cho nước máy chảy tràn suốt ngày đêm không buồn nghĩ đến chuyện khoá với nước. Những ống dẫn nước, lắp nối rất kém, đã rò rỉ. Việc lãng phí nguồn nước có thể uống được quả là kỳ cục. Nước sạch cứ thế ngập úng thảm cỏ, ngập cả lối đi suốt ngày đêm. Trong Điện Khêmarin thỉnh thoảng người ta cũng sửa chữa những ống dẫn nước. Nhưng căn cứ vào những nguyên tắc mà bộ đội Khmer Đỏ, bao gồm cả những bộ tộc miền núi, cho rằng cái gì mình cũng biết làm; ta hãy thử hình dung các anh thợ hàn và thợ điện bất đắc dĩ của năm 1977 này như thế nào?
Năm 1976 hãy còn vài công nhân chuyên nghiệp của “xã hội cũ”. Đến năm 1977, có vẻ như những người Khmer Đỏ “thuần chủng” có thể tự bay bổng được đôi cánh của mình và làm chủ được bất kể môn khoa học nào, bất kể ngành kỹ thuật nào.
Những công nhân và nhân viên kỹ thuật của xã hội cũ cứ biến mất dần. Tôi không bao giờ còn được gặp lại họ nữa. Kết quả làm “ngôi nhà cung vua” của tôi cứ dần dần mục nát và đến cuối năm 1978 thì không thể ở được nữa. Các ống dẫn nước tiếp tục ngày càng rò rỉ. Mỗi ngày nhà máy điện thành phố lại có ít nhất một hoặc hai sự cố kéo dài nhiều giờ. Những lần mất điện ban đêm càng làm cho những buổi tối và đêm trong cung điện thêm nặng nề, lo ngại và khiếp sợ. Ngay cả đêm sáng trăng cũng rất ảm đạm. Cuối cùng, đến những cánh cửa ra vào và cửa sổ cũng không mở ra khép vào được từ những chốt sắt đã gỉ. Những toà nhà khác trong Hoàng cung cũng ngày càng tồi tệ. Điện chính, nơi đặt ngai vàng, phủ đầy bụi. Phần lớn các cánh cửa sổ không khép lại được. Nhưng ngược lại, có những cánh cửa không mở ra được. Thời tiết nắng mưa ảnh hưởng xấu đến nội thất.
Lính Khơme Đó chiếm đóng một phần trong số nhiều toà nhà ở Hoàng cung. Khi một căn hộ nào đó không còn ở được nữa hoặc một phòng tắm không dùng được bọn lính lại cuốn gói kéo đi tìm một toà nhà khác. Thế là cuối cùng, chúng lần lượt chiếm cả toà lâu đài lộng lẫy nhất trong Hoàng cung, sau Điện Khêmarin. Đó là Điện Cantha Bopha. Toà nhà đẹp đẽ có đồ đạc sang trọng này đã được sử dụng làm nơi tiếp đón nhiều vị thượng khách tới thăm chính thức hoặc với tư cách cá nhân, như vợ chồng Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn, Công chúa Alêchxanđra xứ Kenia, Nguyên soái Trung Quốc Trần Nghị, Thống chế Ai Cập Amer... Bộ đội Khmer Đỏ đã biến nơi đây thành trại lính với giường dã chiến, võng... Nhà bếp biến thành chuồng nuôi một con khỉ, một con vẹt vài con gà. Một trong những phòng khách sang trọng đã từng nghênh tiếp Công chúa Alêchxanđra và Phu nhân Tổng thống Vanhxăng Ôriôn nay trở thành bếp ăn của lính Khmer Đỏ. Qua cửa sổ một số nhà trong Hoàng cung có thể nhìn thấy những toà nhà gần, như Viện Bảo tàng Quốc gia kiến trúc theo kiểu Khơme truyền thống, những vườn hoa đã biến thành vườn rau trồng chuối hoặc biến thành những bãi đất trồng dâu, trồng mía, gỗ cửa sổ đã bị dùng làm củi để nấu cơm. Bên trong Hoàng cung, những đống rác rưởi phế thải lâu ngày chất cao như núi, thu hút hàng “sư đoàn” ruồi. Lính Khmer Đỏ tha hồ bắt chuột đem nướng sống vì chuột nhung nhúc khắp mọi nơi, cũng bởi vì không còn cả chó lẫn mèo để bắt chuột nữa. Lính Khmer Đỏ ăn cả chó, mèo, rắn...
Mỗi buổi chiều, khi mặt trời lặn tôi thường nhìn qua cửa sổ đàn chim bay về phía chân trời xa tắp Con chim có cánh để bay. Khoảng trời tự do của chúng không bờ bến. Mặc dù dưới vòm trời thanh bình vẫn có những con chim lớn săn mồi có thể đuổi bắt chim nhỏ để ăn thịt, nhưng ít nhất con chim dù nhỏ bé nhất vẫn có cánh tung bay, tìm một vận may ở một nơi nào đó. Còn tôi, tôi đang bị đóng đanh trên mặt đất, chẳng những không bay đi tìm tự do được, mà cũng chẳng giúp gì cho nhân dân của tôi đang bị giết hại.
Tất cả mọi người xứng đáng với chữ “người” đều phải yêu thích trẻ con vì đó là hiện thân của sự ngây thơ, trong trắng. Đi ra ngoài quy luật này, bọn Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chia... đã dìm lũ trẻ Khơme trong đại dương của sự khốn cùng, phải lao động cực nhục, bị cưỡng bức, hành hạ, kèm theo những sự trừng phạt tàn nhẫn. Năm 1978 đài phát thanh của Việt Nam đã phát đi nhiều chứng cớ do những người Khơme thoát khỏi địa ngục Pol Pot trốn chạy sang miền Nam Việt Nam lánh nạn kể lại. Những người này cho biết những trẻ em bị Angca quyết định trừng phạt đã bị, hoặc vứt xuống hồ nuôi cá sấu, hoặc nắm cẳng chân rồi quật mạnh vào thân cây cho đến chết, hoặc trùm kín đầu trong túi ni-lông cho đến khi nghẹt thở, hoặc bị đập gậy vào đầu, vào gáy bị giết bằng rìu, búa, xẻng, cuốc, bị treo lên cây, mổ bụng moi gan đưa về bếp ăn cho binh lính. Ở nước chúng tôi, gan người được coi như thuốc bổ trường sinh nổi tiếng. Trong những năm 1981, 1982 tôi cũng đã được nghe chính miệng những người trốn thoát ra nước ngoài xác nhận cái chết của mười bốn người con, người cháu gọi tôi bằng ông, cùng với bố mẹ chúng là con trai, con gái, con dâu, con rể của tôi bị giết hại trong các công xã.
Tôi hình dung thấy những nỗi đau đớn không tả xiết mà đàn cháu nhỏ vô tội của tôi đã phải chịu đựng trước khi trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ, trước khi chết, các cháu trai cháu gái khốn khổ của tôi đã tự hỏi, tại sao ông nội, ông ngoại “đế vương” lại quyết định đưa các cháu về Campuchia cùng với bố mẹ để rồi phải chịu đau khổ và chết thảm như thế này. Trong lịch sử loài người chưa bao giờ có một sự độc ác dã man như vậy đối với trẻ nhỏ. Nỗi ân hận cứ ám ảnh tôi suốt ngày đêm. Từ đó trở đi, không đêm nào tôi chợp mắt được nếu không uống thuốc ngủ, và những giấc ngủ ngắn ngủi của tôi cũng toàn là những cơn ác mộng.
Trước khi bị đưa đi đầy tại các trại lao động tập trung, đàn cháu gọi tôi bằng ông vẫn còn được ở trong một biệt thự hiện đại gần đài Độc Lập cùng với bố mẹ các cháu. Đó là một “đặc ân” của Angca.
Các cháu không được phép nhặt các trái cây đã bị thối, rụng xuống nền đất và trên bãi cỏ. Người lính chịu trách nhiệm canh giữ đã báo với chúng và bố mẹ chúng: “Những trái cây này, dù đã bị thối, cũng vẫn thuộc tài sản của Angca. Không được phép của Angca thì không ai được nhặt”.
Những đứa con và đàn cháu không được ưu tiên sống với tôi trong Hoàng cung mỗi ngày chỉ nhận được một suất ăn không đủ no mà cũng chẳng ngon lành gì. Đàn cháu gọi tôi bằng ông, nhất là những cháu còn nhỏ, rất đói, thường khóc nức nở suốt ngày. Để dẹp bớt phần nào cơn đói, mặc dù đã có lệnh cấm, bố mẹ các cháu vẫn cố lén lút nhặt vài quả nhỏ từ trên cây rụng xuống. Một lần, tên lính canh bắt được đã đe doạ giết chết “để dạy cho con cái biết tôn trọng của cải của nhân dân trước kia đã từng bị bọn vua chúa bóc lột”.
Trước khi tôi bị thất sủng, đàn con cháu này theo lời đề nghị của tôi, vẫn được Angca cho phép tới thăm tôi mỗi tháng một lần, khoảng hai mươi bốn giờ, tại Hoàng cung. Tôi đã cho con cháu ăn trong một ngày bằng một tháng của chúng. Và hôm đó, các cháu cũng có thể tha hồ nhặt các trái cây rơi từ các cây trong vườn Hoàng cung, từ cuối tháng 12-1975 đến tháng 4-1976 thì chấm dứt sau khi tôi từ chức.
Một hôm, tôi sửng sốt thấy hai cổng lớn ở vành ngoài Hoàng cung và hai cổng nội cung mở rộng. Tôi chưa kịp tự hỏi điều gì xảy ra thì từ cửa sổ gian phòng tỏi đã nhìn thấy cả một đội quân trẻ con từ năm đến tám tuổi, mang theo các dụng cụ làm vườn tạp nham và thô sơ, có binh lính khoảng từ 15 đến 20 tuổi đi kèm, tiến vào Hoàng cung. Lúc này, khu vườn trong Hoàng cung đã trở thành một khu rừng thanh tân có nhiều thú vật bốn chân và rắn rết, thằn lằn, còn các “đường mòn” trong rừng thì đầy phân súc vật và phân người. Hẳn là Angca đáng tôn kính nghĩ rằng đã tới lúc phải tắm rửa đôi chút cho cái công viên đang biến thành rừng này, bởi vì thỉnh thoảng ở vành ngoài Hoàng cung vẫn có các vị khách nước ngoài tới thăm cung điện trước kia đặt ngai vàng. Hơn nữa, thời kỳ tôi chưa bị thất sủng, một người lính đã nói với tôi: “Những đám cỏ mọc quá cao và những lùm cây quá rộng có thể bị bọn gián điệp và kẻ địch dùng làm nơi ẩn nấp để tìm cách tiếp xúc với những người chung quanh Xamđec, hoặc xâm phạm đến tính mạng Xamđec”.
Sứ mệnh trao cho lũ nhóc “đàn con của Angca” gồm có: cắt hoặc nhổ cỏ, tỉa cành tỉa là cho cây bớt rậm rạp. Bọn con nít đi thành hàng hai. Khi chúng đến cách cửa sổ của tôi khoảng năm chục mét, tôi cố tìm một cách tuyệt vọng trong đám trẻ con lam lũ, bẩn thỉu, đầu tóc bù xù, quần áo bạc mầu bám đầy bụi và bùn đất, rách rưới, xem có các cháu tôi bị tách biệt với tôi từ tháng 4-1976 trong đo không. Hỡi ôi? Chẳng có đứa trẻ nào thuộc gia đình tôi. Hơn nữa phần lớn bọn trẻ con này đều thuộc các bộ tộc miền núi giọng nói của chúng không thể nhầm lẫn được. Thái độ cử chỉ của chúng cũng khác với trẻ con thành phố và vùng đồng bằng châu thổ Mê công. Nhưng, điều làm cho tôi ngạc nhiên, chính là những câu nói không biết chúng đã học được của ai, kể từ ngày Angca tách rời vĩnh viễn bọn chúng với môi trường tự nhiên và cha mẹ chúng.
Ngay sau khi bọn lính đàn anh vừa cho phép chúng được giải tán chúng liền bắt đầu ngay một trò chơi kỳ cục: chúng chửi nhau, rủa nhau, vừa cười vừa tuôn ra những lời thô bỉ, tục tĩu. Đáng lẽ phải dọn dẹp sửa sang vườn tược (mà bản thân chúng cũng rất bẩn thỉu tới mức không thể tưởng tượng được là chúng lại có thể làm sạch được cung điện của các triều đại vua cũ của chúng tôi) lũ nhóc này lại lao ngay vào việc nhặt những quả rơi từ trên cây xuống đất. Rõ ràng chúng đang đói.
Từ trên cửa sổ nhìn xuống thấy cảnh tượng đáng thương này, tôi đau đớn nghĩ đến đàn cháu tôi đang mất tích. Nếu Angca vẫn còn cho chúng được sống, hoặc là nếu chúng còn sống sót, thì chúng cũng vẫn đang còn khốn khổ như đám trẻ con miền núi này. Dù còn “man rợ” vì sinh ra trên mảnh đất vốn quen săn bắn và sống tự do, ít nhất chúng vẫn còn có thể được cười đùa, được chơi các trò chửi rủa nhau, đánh nhau một cách vui vẻ để giành giật vài trái cây chưa bị chim mổ nát. Tôi không thể không so sánh số phận lũ trẻ này với lớp thanh thiếu niên Bắc Triều Tiên. Tôi khâm phục Nguyên soái Kim Nhật Thành về những việc ông đã làm cho nhân dân và thanh thiếu niên của ông.
Tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, người ta có thể tuyên bố mà không phải cải chính, rằng trẻ con là vua. Ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng như tại các tỉnh, các thị trấn, cho tới tận các xóm làng xa xôi nhất, trẻ con không thiếu thốn một thứ gì, được cưng chiều trong lòng gia đình, được Nhà nước và chính quyền chăm sóc tốt. Người ta chính thức gọi chúng là “đàn con của lãnh tụ vĩ đại” ở nơi nào các cháu cũng có những Cung thiếu nhi, những nhà trẻ, những trung tâm nghỉ hè. Các cháu lúc nào cũng rất sạch sẽ, quần áo đẹp. Không những các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục rất hiện đại mà còn có cả những đồ chơi như thường thấy ở châu Âu, châu Mỹ. Trong Cung thiếu nhi, từ khi còn rất ít tuổi, các cháu đã được học ký xướng âm và chơi nhạc cụ. Thanh niên nam nữ Triều Tiên hiện nay, mỗi người chơi được hai thứ nhạc cụ tuỳ theo sở thích của mình như pianô; accoócđêông, xacxôphôn, clarinit, kèn đồng, viôlông xen, ghita, sáo và các nhạc cụ dân tộc truyền thống. Tất cả các lớp học nhạc đều không phải đóng tiền. Ngoài ra còn được học múa ba lê và các điệu múa dân tộc hoặc hiện đại, kể cả múa cổ điển phương Tây.
Ông Khieu Samphan đã chọc tức tôi khi ông nói:
- Những việc chính phủ Triều Tiên làm đối với trẻ con nước họ thật khó hiểu. Các bạn Triều Tiên chúng ta quả đã tốn nhiều thời gian và tiền của để dốc vào việc nuông chiều trẻ con. Thật là kỳ cục khi dậy trẻ con chơi pianô; accoócđêông. Ở nước ta, không có cái kiểu giáo dục trẻ con như thế!
Khieu Samphan hiểu rằng tôi tán thành việc giáo dục âm nhạc, nghệ thuật cho trẻ em như thế nào. Ông ta cũng biết, bản thân tôi có chơi vài nhạc cụ khi chưa bị dìm sâu vào tai hoạ triền miên kể từ ngày 18-3-1970. Ông nhìn tôi, cố tìm phản ứng khi nghe ông chỉ trích ông bạn thân nhất của tôi là Chủ tịch Kim Nhật Thành. Nhưng tôi đành trả lời ông:
- Kính thưa ngài, mỗi nước có một cách giáo dục thanh thiếu niên thích ứng với từng nước đó.
Than ôi! Lứa thanh thiếu niên được Angca tôi luyện “cứng rắn” chẳng bao lâu nữa sẽ tháo chạy toán loạn trước đòn tiến công chớp nhoáng của Việt Nam trong khoảng thời gian từ 25-12-1978 đến ngày 7-1-1979. Còn bây giờ, “đàn con của Angca” sau khi đã chén no tất cả những trái cây có thể ăn được, rụng xuống đất trong vườn, bắt đầu bắt tay vào công việc. Nếu chúng tôi đang không phải ngụp trong tấn bi kịch thì cái cảnh “tắm rửa” cho cung điện do lũ nhóc này phụ trách quả là đã gây cười bởi vì nó là đỉnh cao của hài kịch. Đó là cảnh tượng vô chính phủ mạnh ai nấy làm. Bọn lính không phải làm công việc này. Còn lũ trẻ con cũng không biết làm được gì với những lưỡi liềm hái đã gỉ, những xẻng, cuốc, kéo cắt cỏ, kéo cắt cành cũng hoàn toàn gỉ, có những dụng cụ cao hơn cả bọn chúng. Bọn chúng cố làm được đến đâu thì làm.
Ta hãy thử tưởng tượng một đứa bé không có kinh nghiệm thợ cạo thế mà người ta lại bắt nó phải cắt tóc cạo râu cho một người râu tóc bù xù thì thật là một thảm hoạ. Trước khi có cuộc tắm rửa kỳ khôi này, những bãi cỏ vườn cây những cây to cây nhỏ dù hoang dã vẫn không thiếu vẻ lôi cuốn và vẻ bí ẩn kỳ vĩ. Nhưng sau khi lũ trẻ dọn dẹp sửa sang xong thì tất cả đều bị đảo lộn. Cỏ bị cắt xén lung tung, nham nhở cây nhỏ bị tỉa cành đã không tôn vẻ văn minh cho khu vườn mà còn làm mất đi vẻ hoang vu quyến rũ. Ngược lại, lũ trẻ con đã cung cấp cho tôi, suốt một ngày, một cảnh tượng khác thường của những “người - khỉ” rất linh hoạt vừa nô đùa vừa nhanh nhẹn trèo cây, chuyền cành, hái quả, rồi ngồi vắt vẻo như cưỡi ngựa trên những cành cây không bị chặt để nhấm nháp. Lúc mặt trời lặn, các chú Tác-giăng tí hon quay trở lại cái “công xã” hoặc một trại lao công nào đó tôi cũng chẳng biết nữa. Tất cả những cảnh tượng giữa hai lớp tường bao quanh hoàng cung chỉ mở đặc biệt trong ngày hôm đó nay lại khép kín, cài then và khoá chặt, tiếp tục dìm tôi trong nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng.
Vài tháng nữa tiếp tục trôi đi...
Một buổi sáng, lúc Sihamoni đang quét lối đi và tưới cây thì lũ “người - khỉ” tí hon này lại xuất hiện trên những cành cây phía ngoài bức tường bao quanh toà lâu đài trước kia là Cung vua. Chúng hái me. Tôi nghe thấy những tiếng cười lanh lảnh và những tiếng chửi rủa tục tĩu của chúng. Rồi, khi nhìn thấy Sihamoni, chúng chỉ tay về phía con tôi đang lao động vất vả, từ trên cành cây cao hơn bức tường một tên trong bọn chúng nói to: “Này, chúng bay ơi! Hãy nhìn thằng con bọn phong kiến đang bị Angca của chúng ta bắt tù. Nó phải làm việc cật lực thế này, quả là thú vị”.
Quả thật, với bộ quần áo lao động đã cũ và rách vá, Sihamoni giống hệt một thằng tù. Mà qui chế dành cho chúng tôi kể từ khi bị giam giữ chặt chẽ từ tháng 4-1976 đến giữa năm 1978, cũng là qui chế của nhà tù chính trị.