Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi Ký Sihanouk

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12167 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi Ký Sihanouk
SIHANOUK

Không thể nào tiếp tục hợp tác vời Khmer Đỏ

Như vậy là từ tháng 3-1970, sau khi bọn Lon Nol, Sirik Matak làm đảo chính lật đổ rồi kết án tử hình vắng mặt tôi, tôi sống lưu vong ở Bắc Kinh cùng với vợ tôi là Bà hoàng Monic. Sau khi ra lời kêu gọi kháng chiến, tôi được các thủ lĩnh Khmer Đỏ ở bưng biền Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn, Thiun Mun hưởng ứng, cùng tham gia Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia, do tôi đứng đầu. Chính phủ này có trụ sở “kép” đóng ở Bắc Kinh, trong đó có Pen Nouth, Thiun Mun... và đóng ở bưng biền trong nội địa Campuchia trong đó có Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn... Điều đó có nghĩa là tôi đứng đầu một Chính phủ có Khmer Đỏ tham gia, nhưng lúc đó họ chưa phải là những kẻ tàn sát nhân dân, đồng bào của mình. Trong thời gian này họ vẫn là những người kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn đảo chính tiếm quyền, tự xưng là những người “cộng hoà”.
Quan hệ giữa tôi với các thủ lĩnh Khmer Đỏ ngày càng trục trặc. Tôi thường đề nghị với các bộ trưởng Khmer Đỏ ở bưng biền cho tôi về thăm vùng giải phóng. Lần nào họ cũng từ chối, viện lý do tính mạng tôi là rất quý, tôi không được liều mạng... Cuối cùng, mãi đến tháng 3, tháng 4-1973 các vị đó mới chấp nhận để tôi về thăm các khu vực giải phóng. Tại đây tôi đã được gặp Khieu Samphan, Son Sen , Hou Youn, Hu Nim và... Saloth Sar tức Pol Pot. Nhưng người ta chỉ cho tôi nhìn cái gì họ muốn tôi xem. Ngay từ đó, tôi đã hiểu phải xử sự như thế nào. Tôi quyết định thông báo cho các “đồng chí” Khmer Đỏ của tôi biết, sau khi chiến thắng tôi sẽ từ chức. Bởi vì đến lúc đó thì có lẽ tôi chẳng còn phục vụ gì được cho những nhà cách mạng kiểu Khmer Đỏ này nữa.
Từ đó, nhiều lần tôi công khai bầy tỏ ý định này. Tại Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1975 của Việt Nam, tức ba tháng trước khi những người cộng sản giành được thắng lợi vào hồi tháng 4 năm đó, tôi đã nói rõ với ông Ieng Sary và các bạn của ông ta, có cả các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng chứng kiến là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, là sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tôi sẽ từ bỏ mọi chức vụ, xin trở về Campuchia sống như một công dân bình thường.
Ở Trung Quốc, tôi cũng đã nhiều lần tâm sự với Thủ tướng Chu Ân Lai, có lẽ tôi không thể nào hợp tác được với Khmer Đỏ, sau thắng lợi đã thấy rõ. Ông Chu Ân Lai cam đoan là ông thông cảm với tôi nhưng khuyên tôi đừng bộc lộ ý định này cho đồng bào tôi biết, vì họ đang cầm súng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp chính nghĩa của Sihanouk.
Tôi trả lời, sẽ cố kìm hãm ý định từ chức cho đến ngày thắng lợi. Chủ tịch Mao cũng biết được ý định của tôi sẽ từ chức sau ngày đạt được “thắng lợi chung”, và đã thuyết phục tôi đừng “bỏ rơi” Khmer Đỏ.
Tháng 9-1975, trước mặt ông Khieu Samphan, Khieu Thirith  (vợ Ieng Sary), Xamđec Pen Nouth (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia) và vợ tôi là Monic, Chủ tịch Mao nói:
- Hoàng thân thân mến! Tôi biết rõ giữa ngài với các đồng chí cộng sản Campuchia của ngài có những sự hiểu lầm. Nhưng không nên quên rằng, những yếu tố hoà đồng vẫn nhiều hơn bất đồng.
Vì tôn kính nhân vật vĩ đại rất cao tuổi và cũng đã rất ốm yếu này, tôi đành mỉm cười. Khieu Samphan cũng cười theo nhưng là một nụ cười nhăn nhúm và lạnh lùng. Còn ông bạn già Pen Nouth của tôi thì tỏ ra không lấy gì làm khoan khoái lắm. Lúc đó tôi còn hi vọng, mà sau này mới biết mình ngây thơ, là sau ngày chiến thắng có lẽ tôi vẫn có thể sống yên ổn ở trong nước như một người nghỉ hưu bình thường, không phiền toái mà cũng không nhục nhã...
Ngày 17-4-1975, quân Khmer Đỏ tiến vào Phnompenh. Ngay sau hôm chiến thắng tôi đã đề nghị ban lãnh đạo Khmer Đỏ cho tôi được về nước. Vài ngày sau, Angca, tức tổ chức lãnh đạo của Khmer Đỏ và chính phủ mới, thông qua ông Khieu Samphan lúc đó đang giữ chức Phó Thủ tướng, đề nghị tôi “kiên nhẫn” chờ đợi vì trước mắt đang còn phải truy quét “những tên tay sai của địch đang còn nhung nhúc ở Phnompenh” đe doạ tính mạng tôi. Họ nói thêm, những điều kiện vệ sinh trong thủ đô hãy còn tồi tệ, đang có “bệnh dịch hạch và dịch tả”.
Thật ra, Khmer Đỏ lúc đó đã xua đuổi toàn bộ dân chúng ra khỏi thành phố rồi. Liền sau đó, qua báo chí và đài phát thanh nước ngoài mà tôi rất háo hức theo dõi ở Bắc Kinh, tôi được biết tình cảnh thảm khốc của việc lùa dân ra khỏi thành phố. Nhiều đồng bào của tôi chạy trốn sang Pháp, viết thư kể chuyện cho tôi rõ, Khmer Đỏ đã lần lượt thanh toán những người thuộc phe cánh của Lon Nol và của cả Sihanouk. Ngay đến dân chúng Campuchia, những người chờ đón Khmer Đỏ tiến vào như những người giải phóng cho họ, cũng bị đuổi khỏi thành phố, hàng ngàn người chết gục trên các nẻo đường.
Ông bạn Kim Nhật Thành của tôi, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên là người đã đón tôi sang Bình Nhưỡng, cũng là người đã thương lượng, trong những điều kiện hết sức khó khăn, để tôi được trở về Phnompenh “tương đối nhanh”, tránh cho tôi khỏi bẽ mặt trước thế giới. Trước khi chịu mở cánh cổng Phnompenh cho tôi trở về vào tháng 9-1975, những người gọi là “đồng chí đỏ” của tôi còn dựng lên trước mặt vị lãnh đạo Triều Tiên hàng ngàn vật chướng ngại.
Họ chỉ chịu đưa tôi về khi họ cần sử dụng tôi làm tấm bình phong, một thứ cosmetic  để “Quốc trưởng” Sihanouk đọc một bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào lúc đang loan truyền những tin đồn đáng lo ngại về tai hoạ diệt chủng ở Campuchia.
Nếu tôi nhận lời đi họp ở Liên Hợp Quốc, cũng là để có dịp ngẩng cao đầu trở về Campuchia, xuất hiện một lần cuối cùng trên thế giới như một người đã góp phần xây dựng chiến thắng chung sau 5 năm nhục nhã sống lưu vong và chịu nhiều hy sinh. Tôi chưa muốn rời bỏ sân khấu chính trị trước khi bắn một “chùm pháo hoa” tại Liên Hợp Quốc.
Thời gian đầu của tôi ở trong nước tương đối dễ chịu. Ban lãnh đạo Khmer Đỏ lúc này vẫn còn cần dùng tôi làm người phát ngôn cho các chế độ của họ trên diễn đàn Liên Hợp Quốc, và cũng là để sơn phết lại các huy hiệu của chế độ này trên trường quốc tế, thông qua chuyến đi thăm hữu nghị chính thức của tôi tới nhiều nước bạn ở châu Á châu Âu, châu Phi. Vả lại, Khmer Đỏ có lẽ cũng đã suy tính, nếu để sổng mất Sihanouk trong chuyến đi công cán ở nước ngoài (từ tháng 9 đến tháng 12-1975) thì thật là “nguy hiểm”. Vì vậy, họ đã cố làm ra vẻ tử tế đối với tôi và gia đình tôi Khieu Samphan và Son Sen đã thưa với tôi:
- Tâu Đức vua (đúng thật vậy, họ gọi tôi là Vua, nguyên văn tiếng Thơm là Preah Karuna), các hoàng tử Sihamoni và Narinđrapông có thể tiếp tục học tập ở nước ngoài. Đức vua và Hoàng hậu Mônêang (tức Monic, vợ tôi) có thể tự do đi lại từ Campuchia tới Trung Quốc, Triều Tiên, tuỳ thích...
Trong thâm tâm, tôi tự nhủ thầm: “Khmer Đỏ quả là những gentlemen, những người rất lịch sự, thế mà trước kia ta vẫn nghi oan cho họ. Dù họ không yêu thích ta đi nữa, ít nhất họ cũng khá thông minh để đối xử tốt với ta. Vả lại, họ cũng còn phải lưu ý đến những lời cực kỳ thắm thiết mà Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gửi gắm ta cho họ. Nhất định ta vẫn sẽ từ chức Quốc trưởng nhưng vẫn có thể chịu đựng được suốt đời trong “xã hội mới” vì không bị tách rời khỏi các con, các cháu, vẫn được tự do đi lại ở trong nước cũng như ngoài nước”.
Còn về việc dân chúng đồng bào tôi bị lùa ra khỏi Phnompenh và các thành phố, đưa về nông thôn sinh sống ra sao thì Khieu Samphan cam đoan với tôi là “họ vẫn mạnh khỏe, tất nhiên phải lao động chân tay, vất vả nhưng ai nấy đều “tự nguyện”(?) và rất “phấn khởi”. Tôi ngây thơ tin ngay.
Từ tháng 9-1975, Ban lãnh đạo Khmer Đỏ cho tôi ở trong Điện Khêmarin, ngay bên cạnh Cung điện có đặt ngai vàng. Điều đáng buồn là Cung điện có ngai vua không được bảo quản chút nào, phủ đầy bụi và ngày càng đổ nát. Không nói gì đến Cung điện Vécxai ở Pháp mà ngay tại Liên Xô, Điện Kremli và các cung vua ở Lêningrát vẫn được giữ gìn cẩn thận. Tại Trung Quốc vẫn bảo quản, trùng tu, tô điểm các hoàng cung cũng như các đền chùa. Còn ở Campuchia, Khmer Đỏ tiếp tục mối thù hận của họ đối với chế độ quân chủ và với cả đạo Phật, kể cả những vật vô tri, vô giác.
Khmer Đỏ không thoả mãn với việc giết hại một hoàng tử, công chúa, hoàng thân, những nhân vật bảo hoàng, những tín đồ đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa..., bọn cực đoan này còn “tàn sát” cả tượng Phật, san bằng đền chùa thiêu huỷ các bản Kinh Phật, những báu vật của văn minh, văn hoá và triết học Phật giáo.
Lúc này, bác gái tôi là Công chúa Môm, mẹ vợ tôi là Pom Peang vẫn sống chung với Monic và tôi trong điện Khêmarin. Ngoài ra, được phép sống trong Hoàng cung với chúng tôi còn có: bà Sar Saorot là thư ký riêng của vợ tôi; ông Ker Mêat, cựu quan chức lễ tân của Triều đình và cựu đại sứ Mặt trận đoàn kết dân tộc ở Bắc Kinh; bà Bua Tan là em họ Mẫu hậu; bà Náp, hầu phòng của vợ tôi. Ban lãnh đạo Khmer Đỏ còn dành cho chúng tôi một ân huệ nữa: bà Chin, tiến sĩ y học thành viên Đoàn y tế Cộng hoà nhân dân Trung Quốc tại Phnompenh và một nữ y tá Bệnh viện trung ương từ Trung Quốc tới cũng sống ngay trong Hoàng cung để tiện đêm ngay chăm sóc sức khỏe cho tôi và gia đình tôi. Con gái tôi là Sorya Roenxi cùng với gia đình sống tại một ngôi nhà kiểu mới gần tượng đài Độc Lập, sát tư dinh của vợ chồng Xamđec Pen Nouth. Hoàng thân Norodom Phurissara lúc này hãy còn giữ chức Bộ trưởng Tư pháp cùng với vợ và con rể cũ của tôi là Hoàng thân Sisowath Đussađi, con trai tôi là Khêmanurắc, đã từng tham gia kháng chiến chống Lon Nol, trung thành phục vụ sự nghiệp cách mạng của Khmer Đỏ, cũng được phép thường xuyên tới thăm tôi.
Các ông Khieu Samphan, Son Sen, Hu Nim, bà Ieng Sary, ông Côi Thuôn - Bộ trưởng Tài chính và Thương mại, ông Tốc Thon Bộ trưởng Công chính và một vài cán bộ cấp cao khác của Khmer Đỏ cũng thường xuyên đến “cùng cơm gia đình” với tôi và những người thân của tôi trong Điện Khêmarin. Họ ăn rất ngon lành, nhiệt liệt ca ngợi bác gái tôi là cụ Môm đã chỉ đạo làm những món ăn tuyệt vời.
Bộ phận Khmer Đỏ phục vụ tôi lúc này có một cán bộ (tiếng Thơm gọi là Kammaphibal) vốn là một kỹ sư bưu điện đã học tại Pháp, hai nhân viên vừa là thư ký vừa là quản lý cũng là hai kỹ sư đã tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và Tiệp Khắc, ba thanh niên phục vụ việc quét dọn nhà cửa và hai cô gái làm bếp. Nhiều quân nhân (tiếng Thơm gọi là Yuthea) phụ trách canh gác Hoàng cung và làm vườn. Tất cả những người phục vụ tôi đều rất lễ phép và chăm chỉ. Khi nói chuyện với tôi, các cô các cậu này hãy còn sử dụng những danh từ cũ của Triều đình, nếu không hoàn toàn biểu lộ niềm tôn kính và ưu ái đối với tôi thì ít nhất cũng chứng tỏ họ là “dân đô thị”. Một số binh lính cho biết đã học cấp tiểu học và trung học rồi mới gia nhập quân đội Khmer Đỏ sau khi Lon Nol làm đảo chính.
Chuyến trở về nước đợt này của tôi chỉ vẻn vẹn có ba tuần, thời gian vừa đủ để cùng với ban lãnh đạo Khmer Đỏ soạn thảo bài diễn văn mà tôi sẽ đọc trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, tôi chỉ ra khỏi Cung điện có một lần, mà lại là bằng tàu thuỷ! Từ dưới sông nhìn lên, tôi không thấy một bóng người nào trên bờ sông Mê công, sông Tônlê Xáp và sông Bassac. Thủ đô đã trở thành một thành phố chết.
Tôi bàng hoàng cả người.
Sau ba tuần được coi như một thiên diễm tình khá kỳ lạ với Khmer Đỏ, tôi lại rời đất nước một lần nữa để thực hiện một chuyến công du dài ba tháng đến Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Hợp Quốc, Rumani, Nam Tư, Anbani, Irắc, Xyri, Xuđăng, Tandania, Pakixtan... Thiên diễm tình không kéo dài nữa. Khi đến Bắc Kinh, tôi được ông Nut Sôhom, vốn là tuỳ viên báo chí cũ thời kỳ thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia báo cáo với tôi là ông đã thông báo với giới báo chí nước ngoài (chủ yếu là các báo xuất bản ở Pháp và Hồng Công) những tin tức về tình hình Phnompenh dưới chế độ Khmer Đỏ từ hồi tháng 9-1975. Ông lượm lặt những “tin tức quý giá” này từ một số thành viên trong gia đình tôi đã theo tôi từ Bắc Kinh về nước rồi lại cùng với tôi đi thăm Bắc Kinh hồi tháng 9-1975. Những thành viên này ngoài vợ tôi còn có bác gái tôi, mẹ vợ tôi, bà Sar Saorot, bà Náp. ở lại Phnompenh lúc đó chỉ có ông Ker Mêat, bà Bua Tan, bà Tan, con gái tôi là Sorya Roenxi và gia đình cháu. Còn Khêmanurắc, Phurisssara, Đussađi thì từ tháng 5-1975 đã phải tuân thủ một kỷ luật của Khmer Đỏ: không bao giờ được đi ra nước ngoài. Ông Nut Sôhom đã thông báo với giới báo chí quốc tế là, những thành viên trong gia đình tôi thừa nhận, Phnompenh đã thật sự trở thành một “thành phố ma”. Tất cả bầu bạn của những người đi theo tôi đã “biến mất”.
Ông Nut Sôhom còn cho biết, báo chí nước ngoài đưa tin tôi bị ngược đãi và khinh miệt. Thật ra, điều này lúc đó chưa xảy ra với tôi, đến cuối năm 1975 nó mới trở thành sự thực. Báo chí cũng viết, tôi đã khóc nức nở vì tuyệt vọng. Thật ra, điều này cũng chưa đúng. Hồi tháng 9 này tôi chưa khóc, vì tôi chỉ ở Campuchia có ba tuần, và cũng chỉ sống tại Phnompenh, trong Hoàng cung, lúc này tôi đang còn yên tâm. Thế nhưng, những điều báo chí đăng và Sôhom tiết lộ với tôi đã như một tàn lửa bén vào mồi thuốc súng. Trong khi tôi đang ở thăm Triều Tiên thì tại Campuchia, Hội đồng các bộ trưởng của Khmer Đỏ đã quyết định gửi cho tôi một bức thư khiển trách, báo cho tôi biết: “Trong tương lai những nhà cách mạng anh hùng (tức Khmer Đỏ) đã từng đổ không biết bao nhiêu máu để cứu nước và vực nhân dân đứng dậy sẽ không dung thứ cho bất cứ kẻ nào xúc phạm đến vinh dự và thanh danh của họ trên trường quốc tế, vu không chế độ mới”.
Trong câu kết luận, cái chính phủ họp ở Phnompenh dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo Khmer Đỏ đã ném vào mặt tôi một câu chửi, hỗn láo chưa từng thấy, nguyên văn như sau:
“Ông đã chọn con đường xấu, ông sẽ chẳng được gì cả và sẽ mất hết”.
Lá thư, với lời lẽ không bình thường, do Khieu Samphan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng ký tên. Vậy mà lúc đó ở Phnompenh vẫn còn có Xamđec Pen Nouth rất khỏe mạnh đang làm Thủ tướng. Sau này tôi mới được chính Pen Nouth sửng sốt và buồn bực báo cho biết, Khmer Đỏ đã soạn thảo “công hàm khiển trách” này mà không thông báo gì cho ông biết cả. Tôi cũng nhớ lại trong khoảng thời gian 1970 - 1975 tức là đang còn kháng chiến, những thông báo của Khmer Đỏ phát ra nước ngoài khi nói đến những phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng trong vùng giải phóng đều nhấn mạnh đến sự có mặt của anh họ tôi là Norodom Phurissara. Vậy mà, đến tháng 9-1975, khi gặp tôi ở Điện Khêmarin, Phurissara lại bộc lộ với tôi là cái “Bộ Tư pháp” của ông cũng không có quan toà, ông không bao giờ được mời đi dự các phiên họp của chính phủ cả. Khmer Đỏ đưa tên Norodom Phurissara trong các bản thông báo để làm ra vẻ đây là một chính phủ của “vương quốc” và “đoàn kết dân tộc” Campuchia, nhằm lừa bịp dư luận. Thật ra, chỉ có một mình ban lãnh đạo Khmer Đỏ quyết định mọi việc.
Giờ đây, nhận được lá thư khiển trách của Khmer Đỏ, lá thư đã làm tôi nhiều đêm mất ngủ, phản ứng đầu tiên của tôi là viết thư trả lời báo tin tôi từ chức rồi sẽ sang sống lưu vong ở Pháp.
Nhưng rồi, như một ngạn ngữ Pháp đã nói: “Đêm tối đem tới lời khuyên”, tôi lại quyết định cứ trở về nước. Trước hết, đây là tôi trở về với nhân dân của tôi. Tôi biết, Khmer Đỏ không coi trọng tôi như là một người đứng đầu Nhà nước Campuchia cách mạng. Tôi không trở về do tham vọng cá nhân về quyền lực, mà do tình yêu đối với nhân dân, nhất là trong lúc nhân dân đang bị hành hạ. Tôi là người theo đạo Phật. Đức Phật Tổ chẳng phải là người tràn đầy tình thương đó hay sao?
Thế là, đến tháng 12-1975, tôi nhất định trở về Campuchia, mặc dù nhiều người thân của tôi đang định cư vô thời hạn ở Pháp, van nài tôi đừng trở về. Tôi trả lời: “Chính phủ Campuchia đề nghị ta hoàn thành một sứ mệnh ở Liên Hợp Quốc và khoảng một chục nước bạn. Ta đã làm xong nhiệm vụ và sẽ không làm gì cho chính phủ này nữa. Ta sẽ từ chức. Nhưng, ta tự coi mình như một người lính, trước khi xin giải ngũ phải trở về doanh trại đã”.
Lúc này tôi đang ở thăm Nam Tư, cùng với một số người trong gia đình đến nơi họp mặt.
Không ai hào hứng về Campuchia. Cũng như tôi, mọi người cảm thấy không có điều gì tốt lành đang chờ đón. Tôi bảo họ: “Gia đình ta phải nêu cao tấm gương yêu nước. Chiến tranh đã kết thúc. Chính quyền Lon Nol đã bị quét sạch. Bọn đế quốc đã bị trục xuất và không trở lại nữa. Khmer Đỏ sau khi làm ta héo hon gầy mòn trong những ngày sống xa Tổ quốc, cuối cùng đã chấp nhận cho chúng ta sống trong lòng “chế độ mới”. Ta phải chớp lấy vận hội này, vì danh dự của Hoàng tộc, bằng cách chấp nhận cuộc sống bình dị, thanh bần, như những dân thường, những nông dân”.
Các con tôi, mỗi gia đình nhỏ quyết định một cách. Sorya Roenxi cùng với chồng là một đảng viên cộng sản và các con đã trở về Phnompenh từ tháng 9-1975. Botum Bopha cùng chồng con, tuy chẳng thích thú gì nhưng lúc này cũng miễn cưỡng vì đạo làm con mà theo tôi trở về nước.
Yuvanath cùng vợ con xin được di tản sang Hồng Công, sau đó ít lâu vì cuộc sống quá khổ cực đến 1980 lại xin sang Mỹ. Ranarit, tiến sĩ Luật học tốt nghiệp ở Pháp cùng với gia đình xin ở lại Pháp tiếp tục công việc giảng dạy tại một trường đại học.
Sakrapông, được sự giúp đỡ của nhiều cô vợ, mở một tiệm ăn tại Pháp. Bopha Devi cùng chồng con xin định cư ở Paris. Còn Sihamoni và Narinđrapông là hai người con chung của tôi với Monic tiếp tục học tập ở Bình Nhưỡng và Matxcơva.
Khi tới Anbani, tôi lại gặp một chuyện nhục nhã nữa do các “ông chủ mới” ở Phnompenh dành cho tôi. Trong bữa tiệc chiêu đãi, tôi được Thủ tướng Anbani nâng cốc chúc mừng nhân sự kiện Hiến pháp mới của Campuchia vừa công bố. Tôi rất sửng sốt vì chẳng biết gì cả. Đến Bắc Kinh, tôi gọi điện cho Khieu Samphan đề nghị cho biết nội dung bản Hiến pháp mới. Xamphon trả lời khi tôi trở về Phnompenh sẽ đưa cho xem. Tại Bắc Kinh, bà vợ ông cựu đại sứ Đức ở Campuchia và là một người quen thân của tôi đã không sao ngăn được những dòng nước mắt khi tôi và gia đình đến chào từ biệt và xin lỗi vì không thể nghe theo lời khuyên thân thiết của bà là đừng trở về nước nữa. Bà lo ngại có chuyện chẳng lành xảy đến với chúng tôi và toàn bộ Hoàng gia.
Ngày 31-12-1975 một chiếc máy bay của Trung Quốc đưa tôi cùng gia đình và những cán bộ Khmer Đỏ “tháp tùng” từ Bắc Kinh trở về Phnompenh.
Ngày 5-1-1976 tôi chủ toạ phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng tại Hoàng cung.
Chương trình nghị sự gồm có: trình Quốc trưởng bản hiến pháp mới mà Khmer Đỏ đã biên soạn và cũng đã thông qua toàn bộ. Giới thiệu quốc kỳ mới, quốc ca mới cũng đã do Khmer Đỏ quyết định.
“Vương quốc Campuchia” mà dưới nhãn hiệu này Khmer Đỏ đã chiến đấu chống lại “chế độ cộng hoà” Lon Nol nay bãi bỏ, thay bằng tên “Campuchia dân chủ”. Phật giáo không được coi là quốc đạo như đã ghi trong Cương lĩnh chính trị của Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia trong cuộc chiến đấu chống Lon Nol. Mọi tôn giáo khác cũng đều bị thủ tiêu. Quyền tư hữu, từ bàn ghế, nhà cửa, tiền bạc... đều bị cấm. Tất cả mọi người phải trở thành vô sản. Toàn dân phải sống trong tập thể, trong các trại lao động. Hệ thống luật pháp “cổ điển” bị bãi bỏ. Tổ chức của Khmer Đỏ, gọi là Angca, là tổ chức cao nhất, lớn nhất, mạnh nhất, có thẩm quyền quyết định nhất, ngay cả trong lĩnh vực sống chết. Danh từ “công dân” bị loại bỏ.
Đầu tháng 12-1975: trong lúc tôi chưa trở về Campuchia, ông Yêng Xary ra lệnh cho các trưởng đoàn ngoại giao của chính phủ Campuchia phải về ngay Phnompenh dự một khoá “tập huấn” kéo dài bốn tuần. Ông Chia Xan, một cán bộ trung thành nhất với tôi đã kháng nghị lại. Ông nhấn mạnh, Quốc trưởng Sihanouk sắp tới thăm Rumani, bản thân ông Chia Xan lại đang làm đại sứ ở đó. Nếu rút ngay đại sứ về nước thì vừa bất kính đối với Quốc trưởng, lại vừa bất nhã đối với Chủ tịch Rumani Nicôlai Xêauxexcu là vị chủ nhà nghênh tiếp Quốc trưởng Campuchia tới thăm hữu nghị chính thức. Yêng Xary bác bỏ kháng nghị của Chia Xan, viện lý do công việc nội bộ của nước “Campuchia mới” còn quan trọng hơn chuyến đi thăm các nước bạn của Sihanouk. Cuối cùng, do đích thân Thủ tướng Pen Nouth can thiệp, các đại sứ Campuchia ở những nước mà tôi sẽ tới thăm mới được tạm hoãn về nước cho tới khi tôi hoàn thành chuyến công cán này. Khoảng cuối tháng 12-1975, tất cả các đại sứ và trưởng đoàn ngoại giao Campuchia ở nước ngoài đều đã trở về nước. Tôi về muộn vài ngày vì còn ở lại Bắc Kinh chào từ biệt các quan chức Trung Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh.
Ngày 31-12-1975 tôi về đến Phnompenh. Tất cả các đại sứ đã về nước trước tôi không ai được phép ra sân bay đón, cũng không ai được tới điện Khêmarin chào tôi. Ngay tối 32-12-1975, Khmer Đỏ mở tiệc tại dinh Chính phủ đặt trụ sở trong toà biệt thự cũ của Khâm sứ Pháp nhằm chiêu đãi các nhà ngoại giao nước ngoài tại Phnompenh. Vẻn vẹn chỉ có đại sứ Trung Quốc, đại sứ Triều Tiên, đại sứ Việt Nam và đại biện lâm thời Cuba. Bữa tiệc này được đặt dưới sự chủ toạ của tôi! Khăn trải bàn, khăn ăn, đĩa, cốc, thìa, dĩa, dao đều có thể chấp nhận được về mặt vệ sinh, nhưng mỗi vị khách chỉ có một chiếc thìa, một dĩa, một dao dùng trong suốt bữa tiệc. Mãi đến khi tráng miệng mới thay bằng một chiếc dĩa nhó xíu. Bát đĩa, cốc chén đều là những thứ nhặt nhạnh từ nhiều nhà dân đã bị cưỡng bức lùa ra khỏi thành phố từ ngày 17-4-1975. Tôi nhớ lại, hồi tháng 9 năm đó, trong đợt về nước đầu tiên, khi đi dạo chơi trên tàu thuỷ, tôi được dùng cơm ngay trên tàu. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những đĩa bầy trên bàn ăn lại in hình quốc huy... Malaixia! Hẳt những thứ này là tài sản quý của sứ quán Malaixia tại Phnompenh. Ngay từ hồi đó, tôi đã lưu ý các ông chủ Khmer Đỏ là khi chiêu đãi khách quốc tế chớ dùng những bộ đồ ăn có in hình quốc huy nước ngoài. Tôi cho họ biết, trong Hoàng cung có những bộ đồ ăn rất sang trọng. Hơn nữa, những thứ đó đều in hình quốc huy Campuchia. Nhung đối với họ, quốc huy của Malaixia còn thích thú hơn quốc huy của Vương quốc Campuchia?
Tháng 9 năm 1975, khi lên đường đi Bắc Kinh, Liên Hợp quốc và tới thăm khoảng một tá nước bạn, tôi để lại trong Điện Khêmari bác gái tôi cùng với bà Bua Tan là em họ Mâu hậu, bà Khôn là cung tần của Mẫu hậu và ông Ker Meat, cựu quan chức lễ tân của Triều đình. Khi tôi trở về Phnompenh ngày 31-12, ông Ker Meat bị mất tích. Sau đó tôi được biết, thừa dịp tôi vắng nhà, bọn lính Khmer Đỏ đã lôi ông ra một chiếc xe Jeep đưa đi một nơi nào đó không ai biết. Bà Bua Tan và bà Khon cũng bị đưa đi một công xã thuộc tỉnh Battambang tiếp giáp với Thái Lan. May mắn làm sao, bà Ieng Thirith là vợ ông Ieng Sary, người hùng số hai của chế độ mới đã vui lòng chấp nhận lá đơn của vợ tôi là bà hoàng Monic, để cho hai bà phục vụ của Mẫu hậu được trở về với chúng tôi.
Việc “phóng thích” hai bà này là một ân huệ đặc biệt và duy nhất, bởi vì trước đó và sau đó, Khmer Đỏ không để cho bất cứ một ai thoát khỏi những công xã địa ngục mà không bị trừng trị. Dĩ nhiên, Angca đã chẳng vui vẻ gì khi quyết định trả lại chúng tôi bà Tan và bà Khon. Họ phải làm điều đó vì hai lý do: trước hết, Angca chưa muốn cho tôi từ chức như tôi đã bộc lộ với các ông Khieu Samphan và Ieng Sary nên họ muốn làm việc này để tôi vui lòng phục vụ Angca. Thứ hai bà Ieng Thirith thời nhỏ cùng học một trường trung học ở Phnompenh với Monic, vẫn thường gọi Monic là “Monich bé nhỏ đảng yêu”, có khi còn gọi là “em gái Monic của chị”.
Bà Tan và bà Khon khi được trở về nhà thường thì thầm kể lại: “Trong công xã mà chúng tôi lao động có gài mật vụ của Angca theo dõi chặt chẽ tất cả mọi người thế mà vẫn không ngăn được mỗi đêm có vài “nô lệ” chạy trốn. Người ta còn lôi kéo mua chuộc trong đám nô lệ một số người trở thành đao phủ của Angca. Một mụ đàn bà không hề giấu giếm mình là một trong những tên đao phủ đó. Mụ khoe đã giết được vô khối tên phản cách mạng bằng cách đập gậy vào đầu cho đến chết”.
Nhiều trẻ nhỏ đã bị giết chỉ vì đi lạc. Trời tối, đáng lẽ phải trở về công xã này thì các em lại đi nhầm sang công xã khác. Thế là người ta phải thanh toán những tên “gián điệp” đó, mặc dù kẻ bị tình nghi chỉ là những trẻ nhỏ sáu, bảy tuổi. Những hình phạt đối với trẻ em phạm mỗi ở mức “trung bình” chưa tới tội tử hình cũng cực kỳ độc ác, tức là bắt nhịn ăn, bắt phơi nắng hàng giờ không cho uống nước vụt bằng roi, đánh bằng gậy. Nếu đứa trẻ trót nhặt một trái cây đã thối một nửa, rụng từ trên cây xuống đất mấy ngày rồi cũng bị ghép vào tội ăn cắp tài sản của tập thể. Ngay cả con cái của binh lính Khmer Đỏ khi đau ốm cũng không được chăm sóc, thuốc men”.
Tôi rất hoang mang khi nghe những câu chuyện này, được kể lại bằng giọng nói thì thào trong đêm tối. Tại sao lại có sự độc ác này, những tội ác này? Những câu hỏi đó cứ rộn lên trong đầu óc tôi Trong lúc đó, cuộc sống của tôi vẫn cứ được bố trí một cách giả tạo. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, tôi vẫn cứ phải tiếp các đại sứ, vẫn phải tổ chức những bữa tiệc chiêu đãi. Khách mời của tôi xếp theo trình tự như sau: đại sứ Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Anbani, đại biện lâm thời Cuba, các đại sứ Zambia, Palestin, Thuỵ Điển, Nam Tư, Xênêgan... Tôi mời người này người khác những món ăn Pháp và được tất cả mọi người nhiệt hệt khen ngon trong đó có cả các ông Khieu Samphan, Son Sen, Hu Nim, Coi Thuôn và cả hai vợ chồng ông bà Ieng Sary. Tôi mang từ Bắc Kinh về cả một cửa hiệu thực phẩm trong đó có món gan hấp béo và vài thứ đặc sản khác của Pháp để dùng trong các bữa tiệc chiêu đãi. Còn về khoản rượu nho thì toàn là thứ thượng hảo hạng mà bọn Lon Nol đã nhập từ Pháp và dùng suốt 5 năm tiệc tùng vẫn chưa cạn.
May mắn thay không phải ngày nào tôi cũng ăn nhậu. Tôi còn phải dành thời gian cho đời sống tinh thần. Mỗi tháng bốn lần theo “ngày tuần” của đạo Phật tôi tới chùa Bạc tụng kinh niệm Phật, tuân theo tám điều răn của Phật rồi đi viếng lăng tẩm ông bà, cha mẹ tôi. Trong Điện Khêmarin, bọn Lon Nol không hề đụng đến tủ sách của tôi trong đó có nhiều tác phẩm văn học Pháp và cả nhiều tờ báo cũ. Tôi tự khuây khoả bằng cách đọc lại các bài của Rôbe Cuatin trên tờ Thế giới và Giannơ Đơ Côkê trên tờ Lơ Figarô viết về pho-mát và những món ăn ngon của Pháp... Tôi mơ nước Pháp để cố quên lãng Campuchia đang đau khổ của tôi.
Tháng 1-1976, sau khi đã “phê chuẩn” cái gọi là Hiến pháp mới của Campuchia, từ nay gọi là “Campuchia dân chủ”, bản Hiến pháp đã giết một cách hợp pháp nền quân chủ của chúng tôi lần thứ hai trong lịch sử hiện đại (lần thứ nhất là “chế độ cộng hoà” của Lon Nol) tôi được tiếp xúc với nhân dân lần đầu tiên. Tôi bắt đầu bằng việc tới thăm Compuông Chàm. Qua những khu đất trước kia là đồng ruộng, tôi không nhìn thấy bóng một người nào. Đến khi tới một thung lũng trước kia vẫn bỏ hoang, lúc đó tôi mới nhìn thấy một đám đông, trai có, gái có, từ 15 đến 25 tuổi đang lao động dưới trời nắng gắt. Nhìn thấy tôi, mọi người rất kinh ngạc. Nhiều người cũng mạnh dạn cười với tôi, nhưng không ai dám động đậy. Cho tới khi tôi đến gần, họ mới vỗ tay... theo lệnh của một cán bộ Khmer Đỏ. Tôi hỏi ông Khieu Samphan, “người bạn đồng hành” quyền cao chức trọng của tôi xem có bắt tay họ được không. Sau khi được ông Khieu Samphan “bật đèn xanh”, vợ chồng chúng tôi mới nắm lấy hàng trăm bàn tay đang chìa ra nhưng không được “sờ tay” tất cả vì người cán bộ Khmer Đỏ đã hô đám nô lệ phải tiếp tục ngay công việc lao động, không được để mất thời gian.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tới Compuông Chàm. Cũng như Phnompenh, thành phố này đã bị lùa hết dân. Bàn ghế giường tủ bị vứt hết ra ngoài, dãi dầu mưa nắng. Có lẽ, chúng bị “trừng phạt” vì là tài sản của những chủ nhà thuộc tầng lớp tư sản. Đến đây ở là binh lính Khmer Đỏ và những người phục vụ, lao động khổ sai. Tất cả những thị trấn từ Phnompenh đến Compuông Chàm cũng đều bị tàn phá triệt để, tan hoang đổ nát như trong thời kỳ chiến tranh. Tại thành phố Compuông Chàm vợ chồng chúng tôi được mời nghỉ tại dinh tỉnh trưởng cũ. Chúng tôi xúc động và... buồn rầu khi nhìn thấy những dinh thự cũ xiêu vẹo, bẩn thỉu, phòng tắm không có nước, ống dẫn nước han gỉ.
Đến thăm những lò cao (đốt bằng củi) luyện kim từ những khung xe ô tô, xác xe tăng, máy bay cũ của địch, tôi ngạc nhiên khi thấy những người lao động không được bảo hiểm một chút nào, trang bị của họ như thời cổ xưa ở châu Âu. Trong suốt cuộc đi thăm, tôi chỉ nhìn thấy vẻn vẹn có một đôi mắt kính bảo hiểm chống tia sáng chói.
Tôi nói với Khieu Samphan nên đề nghị Trung Quốc viện trợ một số thiết bị phòng hộ lao động.
Ông ta đáp: “Không cần! Bởi vì các đồng chí của chúng ta rất anh hùng, giầu tinh thần tự hào dân tộc biết dựa vào sức mình chứ không ỷ lại vào viện trợ của nước ngoài”.
Chúng tôi tới thăm Chamcar Anđung, trước kia là một đồn điền cao su của Pháp, nay đã bị Khmer Đỏ “quốc hữu hoá”. Đây là một đồn điền tương đối ít bị ảnh hưởng vì chiến tranh. Tuy nhiên, các công xưởng, nhà kho vẫn lộ vẻ tang thương đổ nát. Hệ thống điện bị hư hỏng nặng, thợ điện đang sửa chữa. Đây là những công nhân cũ mới thoạt nhìn đã biết là thạo nghề. Người nào cũng lộ vẻ ngỡ ngàng hoảng hốt. Tất cả đều biết tôi. Họ lén nhìn tôi một cách tuyệt vọng. Tôi mỉm cười với họ, bắt tay để động viên họ như đã bắt tay các công nhân viên Khmer Đỏ mà phần lớn là thiếu nữ và phụ nữ. Theo lời những binh lính Khmer Đỏ có nhiệm vụ canh gác Hoàng cung tin cẩn bộc lộ với các bà trong “triều đình” nhỏ bé của tôi ở Điện Khêmarin thì Angca thường cho gọi công nhân và nhân viên kỹ thuật lành nghề của “xã hội cũ” đến sửa chữa “một cái gì đó phức tạp”, hoặc đến truyền nghề cho “lớp người trẻ tuổi thuộc thế hệ cách mạng”, sau đó thủ tiêu buôn những công nhân bậc thầy này. Hẳn vì lẽ đó nên tôi đã gặp vẻ khiếp sợ của những người thợ già ở đồn điền cao su Chamcar Anđung. Cách nấu cao su ở đây cũng rất thủ công. Tức là nướng “crếp” như nướng cá. Trước kia crếp cao su sản xuất từ các xí nghiệp thường mềm mại và rất trắng. Ngược lại cao su sản xuất tại đây dính đầy bụi, đen sạm khói cứng như da trâu. Nhưng không lo chỗ bán. Trung Quốc sẵn sàng tiêu thụ.
Buổi kết thúc chuyến thăm Compuông Chàm của tôi đã diễn ra như vậy. Ngoài cuộc gặp gỡ trong thung lũng Batheay, tôi không nhìn thấy nơi nào có dân nữa, chỉ thỉnh thoảng mới gặp vài chục thanh niên Khmer Đỏ được tổ chức Angca ở địa phương chỉ định “thay mặt nhân dân” đứng đón tôi. Họ vỗ tay như một cái máy. Vẻ mặt cũng không hồn như người máy. Trên đường về Phnompenh, tôi mới lại nhìn thấy một đám đàn ông, đàn bà, trẻ con, đông như kiến đang lao động trên bờ trái sông Mê công, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Chỗ ở của họ là vài mái lán lợp lá thốt nốt, trống trải cả bốn mặt.
Khieu Samphan cho biết, đây là những người dân sơ tán từ Phnompenh gồm có nhà buôn và công chức. Từ nội thành nay “được” ra ngoài lao động. Với vẻ lạc quan hiện rõ trên nét mặt, Khieu Samphan nói với tôi:
- Họ rất sung sướng vì không bị giam hãm trong bốn bức tường như trước. Ra ngoài này lao động, họ được thở hít khí trời trong lành, lánh xa ô nhiễm.
Tôi hỏi Khieu Samphan:
- Thưa ngài, hiện nay vấn đề sức khỏe của nhân dân là rất quan trọng. Liệu Angca đã nghĩ đến việc thu thập vài trăm thầy thuốc của chế độ cũ để phục vụ cho Bộ Y tế của chúng ta chưa?
Khieu Samphan đáp ngay không cần suy nghĩ:
- Bọn thầy thuốc đó chẳng giỏi giang gì mà cũng chẳng phải là không thể thay thế được. Chúng nó chỉ là những kẻ thối nát, cực kỳ tha hoá, phản dân, hại nước, chỉ nghĩ đến thu vén đầy túi, ăn cắp của công và phá hoại sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Hiện nay đã có đủ thầy thuốc cách mạng. Họ xuất thân từ các tầng lớp bần cố nông thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, và cũng biết cách chữa bệnh cho dân.
Tôi hỏi một câu cuối cùng:
- Thế các thầy thuốc của xã hội cũ hiện nay ở đâu?
Ngập ngừng một chút, rồi Khieu Samphan nói:
- Ở trong các công xã lao động.
Xế chiều hôm đó, tôi về đến Điện Khêmarin.
Chuyến đi làm cho tôi ngao ngán: nỗi đau của tôi, nỗi buồn của tôi trước nhân dân yêu quý đang bị Khmer Đỏ biến thành nô lệ thật khó tả xiết.
Tháng 2-1976, Khieu Samphan lại đưa tôi đi một vòng quanh đất nước, cốt để tôi ca ngợi những “thành tựu” của chế độ Khmer Đỏ. Đấy là chuyến đi chính thức cuối cùng của tôi trên cương vị Quốc trưởng trong chế độ Khmer Đỏ. Chúng tôi khởi hành từ Phnompenh bằng xe lửa. Suốt chặng đường dài hơn ba trăm kilômét, Khieu Samphan quả quyết khẳng định “nước Campuchia mới không thể áp dụng chế độ ngày nghỉ cuối tuần theo “kiểu Tây” vì lý do đơn giản là “nhân dân lao động không muốn”. Sau này, mãi tới năm 1978, tức một năm trước khi chế độ Pol Pot sụp đổ, Angca cực kỳ sáng suốt mới áp dụng “trên lý thuyết” cho bầy nô lệ được nghỉ một ngày sau mười ngày làm việc.
Tôi nói “trên lý thuyết” là vì ngày nghỉ đó còn phải sử dụng vào việc học chính trị phê bình và tự phê bình trong các tổ các nhóm, hoặc chăm chú nghe lãnh tụ Pol Pot, nhà “thông thái mọi việc” nói đủ mọi điều vớ vẩn qua đài phát thanh, rồi lại còn phải làm nhiều việc phụ nữa. Tóm lại, nghĩa là chẳng được nghỉ chút nào trong nhùng ngày gọi là “ngày nghỉ”.
Trên con tàu đưa chúng tôi đến Battambang, Khieu Samphan chỉ cho tôi xem những người đang làm việc ngoài đồng và nói:
- Ngài nhìn xem, những người anh em của chúng ta vui sướng biết chừng nào? Họ lao động trong niềm vui. Họ tuyệt đối sung sướng. Đối với họ, ngày lao động nào cũng là những ngày hội. Còn dưới xã hội cũ mỗi năm chỉ có vài ba ngày hội mà thôi. Hơn nữa, trong xã hội cũ anh em chúng ta làm ăn cá thể đầu tắt mặt tối, ai lo phận nấy, cuộc sống thật buồn tẻ. Ngày nay cuộc đời anh em ta cực kỳ vui tươi. Họ được sống tập thể, làm tập thể, ăn tập thể, không còn tánh bạch riêng rẽ nữa đấy! Họ vừa lao động vừa hát, chẳng phải là vui như hội đó hay sao.
Tới Battambang, tôi được đưa về nghỉ tại dinh tỉnh trưởng cũ. Khoảng hai chục nhân viên Khmer Đỏ cả nam lẫn nữ vỗ tay đúng phép, nghĩa là như một cái máy. Suốt hai ngày chúng tôi ở thăm Battambang, các cô tiểu thư Khmer Đỏ tận dụng mọi cơ hội ngắm nhìn Monic vợ tôi bằng một thái độ vừa tò mò, vừa bẽn lẽn. Ngày hôm sau, luôn luôn có Khieu Samphan đi kèm, chúng tôi đi xe ô tô tới Xixôphôn, một thành phố giáp Thái Lan.
Trong những năm 60 của thế kỷ, chính phủ Sihanouk rất phiền vì chính phủ Vương quốc Thái Lan không chịu công nhận ngôi đền và ngọn núi thiêng liêng Preat Vihia là thuộc Campuchia. Thái Lan muốn thôn tính cả ngôi đền và ngọn núi này mặc dù Toà án Quốc tế La Hay đã phán xét chúng thuộc về Campuchia. Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Campuchia và Thái Lan trong những năm 60 không cản trở Xixôphôn phát triển, bởi vì những hoạt động buôn lậu trong đó có cả sự tham gia mà không bị trừng phạt của các quan chức, các binh sĩ và cuối cùng là cả công ty đường sắt lẫn những người trong Sở Thuế quan đã biến Xixôphôn thành một thành phố buôn bán sầm uất.
Ông Khieu Samphan dẫn tôi đi thăm một hợp tác xã nông nghiệp. Tới đây tôi gặp một vài người còn trung thành với Sihanouk vỗ tay nồng nhiệt nhưng không dám hoan hô. Chủ tịch hợp tác xã là một Khmer Đỏ “thuần chủng”, tỏ ra đặc biệt hữu nghị với tôi tới mức, cuối cùng chúng tôi cùng khoác tay nhau đi dạo quanh như những người bạn. Anh ta nói:
- Thưa Xamđec, chúng tôi được biết ngài muốn rời bỏ chúng tôi. Thưa ngài, xin ngài hãy ở lại với chúng tôi. Ngài hãy tin tưởng ở nhân dân. Nhân dân cũng sẽ cảm thấy được cổ vũ bởi sự có mặt của ngài.
Rất rõ ràng, Angca đang muốn giữ tôi lại làm Quốc trưởng... bù nhìn, một vai trò bung xung mà người Anh gọi là Figurehead . Thật là khôi hài khi Angca uỷ nhiệm cho một anh chủ tịch thấp bé tại một công xã xa xôi, khêu gợi tôi một vấn đề mà tôi đã giữ hết sức bí mật là tử chức. Tôi trả lời anh chủ tịch đáng yêu này bằng mấy câu chung chung như sau:
- Tôi rất xúc động về sự tin cậy của đồng bào thân yêu mà ông là đại biểu. Tôi không có ý định sống lưu vong. Ngay cả một ngày nào đó nếu có rút lui thì tôi vẫn sống với nhân dân yêu quý ngoài việc mỗi năm sang thăm Trung Quốc một đợt ngắn.
Khieu Samphan vẫn kèm sát tôi, nghe rõ chúng tôi nói chuyện và... nở một nụ cười khó hiểu. Sau đó chúng tôỉ tới Xiêm Riệp là một thành phố cổ vì có di tích, những khu đền Ăngco. Người nước ngoài biết đến cái tên Ăngco nhiều hơn địa danh Xiêm Riệp.
Xiêm Riệp có nghĩa là đánh bại quân Xiêm. Từ thế kỷ 14, chúng tôi bị Xiêm La tiến công nhiều lần. Phải thừa nhận rằng, trong cuộc chiến đấu tay đôi kéo dài này chúng tôi không phải là những người chiến thắng và chiến tranh chỉ chấm dứt khi Pháp đặt nền bảo hộ lên Campuchia vào năm 1863. Những tai hoạ của Xiêm Riệp và Ăngco là hình ảnh của số phận đất nước chúng tôi, chỉ có hai khoảng thời gian hoà bình là giai đoạn từ năm 1863 đến 1939 và từ năm 1955 đến 1969. Hoà bình và hạnh phúc không tự nguyện đến với Cambốt hoặc Campuchia.
Danh từ Campuchia bắt nguồn từ ngôn ngữ Pali của Ấn Độ. Theo truyền thuyết, đất nước chúng tôi vốn là một vương quốc thành lập bởi một ông hoàng Ấn Độ tên là Kambu (phát âm theo Khơme là Campu) thuộc dòng dõi Mẫu hậu Nagia (còn gọi là Naga). vì thế trước kia có tên Kambu Nagia rồi biến thành Campugia: sau đó là Cambodia, Cambôt. Nhưng đứng trước những tai hoạ dồn dập giáng xuống đầu mình hàng thế kỷ nhân dân tôi đã chuyên địa danh Campuchia thành Cam và puchia. Theo tiếng Khơme, Kamm có nghĩa là đau khổ. Puchơ có nghĩa là chủng tộc. Chea nghĩa là dịu hiền, không độc ác.
Campuchia, theo sự chuyển hoá trong tiếng gọi của nhân dân chúng tôi, không còn là vương quốc của Cambu và Nagia nữa, mà đã là chủng tộc (Khmer) dịu hiền gặp nhiều đau khổ. Hỡi ôi, điều đó trong lúc này đang là sự thật.
Tới Xiêm Riệp, tôi được một Kammaphibal (cán bộ Khmer Đỏ) vùng Đông Bắc biển Hồ và Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp đón tiếp. Trong ngôn ngữ của Khmer Đỏ Kammaphibal có nghĩa rất rộng, vừa là cán bộ, nhà chức trách sĩ quan, tư lệnh, thống đốc, quản trị... Tôi ở lại Xiêm Riệp vài ngày. Sự thân ái của các Kammaphibal ở đây đối với tôi kéo dài liên tục không lúc nào chấm dứt.
Trong những bài diễn văn đọc tại bữa tiệc đón tiếp và tiễn đưa tôi, ông Kammaphibal vùng Đông Bắc Biển Hồ luôn gọi tôi là Xamđec trăm kính ngàn yêu, ông Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp lại còn quỳ gối vái tôi trước tượng Phật và đọc kinh niệm Phật trong khu đền Bayon. Tại sao, từ Battambang trở đi, các Kammaphibal lại có thái độ đáng yêu dai dẳng như vậy? Tôi cảm thấy, việc này có liên quan đến ý định từ chức Quốc trưởng mà tôi đã nói riêng với ông Khieu Samphan.
Thú tướng Pen Nouth là người bạn trung thành cùng đi với tôi, tỏ vẻ lo ngại về dự định từ chức này. Ông nói riêng với tôi, chớ nên bộc lộ cho Khmer Đỏ biết tôi đang muốn rời bỏ họ. Vốn là người khôn ngoan- sáng suốt, ông khuyên tôi phải tỏ ra bình tĩnh kiên nhẫn và nói thêm:
- Hiện nay, chế độ mới đang cần có sự bảo lãnh của Xamđec. Khi nào họ cảm thấy đã khá mạnh để tự cất cánh tung bay, lúc đó tất nhiên họ sẽ để cho Xamđec rút lui. Xin Ngài hãy kiên trì chờ đợi. Mọi việc rồi sẽ ổn. Tôi cam đoan, cuối cùng Ngài sẽ được tự do.
Cuộc đi thăm Xiêm Riệp và khu di tích Ăngco thật ngao ngán. Trung tâm thành phố trước kia xinh đẹp, duyên dáng, nay đổ nát tan hoang. Nhà khách vừa mới được quét vôi, nhưng bên trong thật thảm hại. Sàn nhà mất nhiều gạch lát. Một vài chỗ phải lấy gạch lát từ phòng tắm để lát phòng khách. Thang máy không chạy. Một gia đình nhện đã vào làm tổ bên trong. Các gian phòng của nhà khách cũng đều bỏ mặc cho nhện giăng tơ. Những vườn hoa chung quanh các khách sạn trước kia xinh tươi nay chuyển thành vườn rau và là nơi chế tạo các loại phân bón “số một”, tức là phân người.
“Đến thăm Ăngco rồi chết cũng hả dạ”. Đó là câu mà vợ chồng chúng tôi đã nói với nhau hồi 1-3-1973 khi về thăm vùng giải phóng Campuchia bằng tuyến đường Hồ Chí Minh. Tại điện Bayon là ngôi đền đẹp nhất và quan trọng nhất sau Ăngco Vát, hai tượng Phật khổng lồ từ thời kỳ trước triều đại Ăngco đã bị quật ngã lăn chiêng xuống đất, đầu bị đập nát. Tôi sực nhớ lời lời bà Tan kể lại cho chúng tôi nghe tại Điện Khêmarin vào một buổi tối, khi bà vừa mới được từ công xã lao động của Khmer Đỏ trở về. Bà nói:
“Trong hợp tác xã nơi chúng tôi lao động, có một ngôi chùa đã biến thành kho thóc. Các tiểu thư Khmer Đỏ đã chọn các tượng Phật làm mục tiêu công kích. Trước khi chặt đầu và đập nát tượng, các cô còn chửi rủa đức Phật Tổ: “Mày là con vật bất lương? Đạo Phật của mày đã kìm hãm nhân dân ta hàng mấy ngàn năm trong vòng ngu dốt, đói nghèo. May mà Angca đã được thành lập, đã lật đổ mày để giải phóng cho nhân dân từ nay làm chủ vận mệnh của mình. Chúng tao, con cháu Angca, chúng tao xéo nát vụn mày dưới chân như sâu bọ”.
Tôi hỏi ông Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp đi kèm:
- Tại sao người ta lại quật ngã hai pho tượng lớn này?
Với vẻ bối rối, ông ta đổ lỗi cho máy bay Mỹ đã phá huỷ. Thật là lời nói dối trắng trợn, bởi vì nếu Mỹ ném bom thì tại sao những cây cổ thụ chung quanh tượng Phật vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí thân cây không bị xước vỏ, cành cây không trụi lá?
Cũng ngay tại tỉnh Xiêm Riệp này, trước kia tôi đã cho dựng một ngôi đền nhỏ theo kiểu Ăngco để bảo quản pho tượng gỗ tuyệt đẹp từ thời trước Ăngco, có thể là từ thế kỷ 15. Ngày nay, ngôi đền đa bị san bằng, các tượng Phật đều bị mất. Thay vào chỗ đó là một vườn rau.
Tôi tiếp tục đi thăm một số ngôi đền nữa. Con đường trải nhựa từ “thời Sihanouk” hãy còn khá tốt, trừ một vài chỗ bị chiến hào Khmer Đỏ cắt ngang trong thời gian chiến tranh. Ông Kammaphibal có dừng xe trước những vệt cắt ngang đường cốt để tôi phải nhìn ngắm kỹ vì đây là những chiến hào của Khmer Đỏ anh hùng đã chiến đấu chống lại bọn Lon Nol. Để khỏi thoá mạ lịch sử, cần phải thừa nhận trong những năm 1970, 1971, 1972 không phải Khmer Đỏ mà chính các đồng minh Việt Nam đã góp phần quyết định trong việc bảo vệ khu đền Ăngco. Các sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam đã vui lòng để cho những viên chức trường Viễn Đông của Pháp là những người có nhiệm vụ gìn giữ và trùng tu khu đền Ăngco chụp ảnh làm kỷ niệm ngay trước khu đền này. Hồi đó, những bức ảnh này đã được in trên nhiều tờ báo và tạp chí thuộc thế giới tự do để chứng minh rằng cuộc chiến tranh chống Lon Nol không phải chỉ là “một cuộc nổi dậy của Khmer Đỏ”. Cuối cùng, Khmer Đỏ đã trục xuất cả bộ đội Việt Nam lẫn các nhân viên trường Viễn Đông của Pháp, vu cho họ làm “gián điệp”. Chính ông Kammaphibal đi kèm tôi đã kết lại hiệp đầu kết thúc đầy sóng gió giữa các cán bộ Khmer Đỏ với nhà bác học Pháp Becna Grôxliê và các nhân viên của ông đã bị Khmer Đỏ hung hăng trục xuất. Ngoài ra, Khmer Đỏ còn thủ tiêu một số người Khơme làm việc cho ông Grôxliê, cũng buộc tội họ “làm gián điệp”. Sau khi ông Grôxliê và các nhân viên người Pháp, người Khơme rời khỏi khu đền Ăngco, tất cả các công trình xây dựng trong khu di tích này đều bị bỏ rơi không ai chăm sóc, bảo quản.
Chúng tôi tới thăm một công trường tưới tiêu ở Phnôm Krôn gần Biển Hồ. Con đường đi qua một vài bản làng cây cối sum sẽ: có rất nhiều dừa, cau, xoài, chuối, chanh, bưởi, mít... Nhà nào cũng khang trang, chứng tỏ chủ nhân kiếm được khá nhiều tiền bán trái cây. Nhưng Khmer Đỏ đã liệt những người này vào loại “kẻ thù của giai cấp vô sản” và họ đã “biến mất”. Đến chiếm chỗ của họ là binh lính Khmer Đỏ. Đây là những người trung thành vô hạn với Pol Pot - Ieng Sary, những kẻ đã cho họ hưởng tất cả của cải trong làng và dĩ nhiên cả quyền định đoạt cái sống, cái chết của dân làng.
Những “nô lệ” lao động trên công trường này được điều động từ các nơi xa tới. Phần lớn đều là thanh niên, thiếu niên, cả nam lẫn nữ. Theo lệnh Angca, họ phải đảm đương những công việc nặng nhọc nhất “bởi vì họ trẻ và khỏe”, và phải liên tục lao động từ công trường này đến công trường khác không được nghỉ. Ví dụ: một đội lưu động vừa đào xong một con sống dài mấy trăm cây số trong khu vực Puaxat - Battambang thì ngay tối hôm đó Angca ra lệnh phải hành quân cấp tốc tới một công trường mới ở Xiêm Riệp, bên kia Biển Hồ. Angca không dung thứ cho bất cứ một lời kêu ca phàn nàn nào. Mọi ý kiến chống đối hoặc đề nghị cho nghỉ giải lao hai mươi bốn giờ để lấy sức tiếp tục đi bộ đều bị thủ tiêu ngay. Đó là những câu chuyện mà năm 1980, một người trốn thoát khỏi Campuchia đã viết thư kể lại cho tôi biết.
Những cán bộ Khmer Đỏ ở địa phương này là “những người cứng rắn nhất, trong số cứng rắn”. Họ không thân mật với tôi lắm. Những nam nữ thiếu niên trong “đội lưu động” có vẻ ngây ngô đần độn. Tất cả chỉ nhìn tôi bằng “một góc con mắt” và không dám bộc lộ một chút tình cảm nào đối với tôi. Chỉ tới khi người cán bộ địa phương của Khmer Đỏ ra hiệu, lúc đó các cháu mới dám vỗ tay rồi lại tiếp tục làm việc, vừa làm vừa nhìn trộm tôi.
Chủ tịch nông trường Phnôm Krôn tiếp đón tôi một cách lạnh nhạt, không buồn trả lời những nhận xét của tôi về những cái mà tôi hỏi về “thành quả tiến bộ của chính sách tưới tiêu”. Cuối buổi đi thăm, ông Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp cho kê vài chiếc ghế gần đám người lao động để chúng tôi ngồi và mang nước dừa có đá mời “các vị thượng khách”.
Tôi chưa ngồi vội mà còn đi bắt tay các cháu trai, cháu gái đang cuốc đất gần đó. Vẻ xúc động hiện rõ trên mặt lũ trẻ. Những thanh, thiếu niên khác liếc trộm nhìn chúng tôi. Tôi hoan hô các cháu, lớn tiếng ca ngợi chủ nghĩa yêu nước có hiệu quả của các cháu. Rồi tôi chào tạm biệt mọi người.
Một cảm giác ngao ngán tràn ngập tâm hồn tôi suốt ngày mà cuộc đi thăm trung tâm nuôi cá sấu cũng không làm tiêu tan được. Trước kia, tôi đã từng đi thăm một khu nuôi cá sấu của người Việt Nam ở Compuông Chơnăng. Ở đây, Khmer Đỏ nói với tôi thực đơn nuôi cá sáu là chó, mèo, khỉ.
Sau này, khi thoát khỏi địa ngục của Pol Pot, tôi đọc báo phương Tây mới biết đôi lúc Khmer Đỏ vứt cả trẻ em “khó bảo” cho cá sấu ăn thịt. Thật là một tội ác không sao tả xiết.
Chúng tôi trở về Phnompenh, luôn luôn có ông Khieu Samphan đi kèm, bằng con đường Compuông Thom - Xcun - Preat Kham, rồi dùng phà vượt sông Tônlê Xáp. Từ Compuông Thom tới Phnompenh những vết thương chiến tranh vẫn còn nguyên trạng. Vào cửa ngõ Phnompenh, chiếc cầu lớn qua sống Tônlê Xáp mà tôi khánh thành một năm trước khi đảo chính và sau đó đặc công Việt Nam tới giúp chúng tôi đã đánh sập trong cuộc chiến tranh chống Lon Nol vẫn chưa được Khmer Đỏ sửa chữa. Sứ quán Pháp vẫn trong tình trạng đổ nát thảm hại. Trường đại học Y đóng cửa và việc học cũng đã bị xoá bỏ.
Tại chùa Bạc do cụ nội tôi là Quốc vương Norodom xây dựng, chiếc bình bằng vàng đựng cốt tro sau khi hoả táng con gái tôi là Cantha Bopha, chết năm 1952 vì bệnh bạch cầu lúc mới bốn tuổi đã bị lấy mất. Theo lời nhiều người trong gia đình tôi chạy được sang Pháp lánh nạn thì bọn Lon Nol đã ăn cướp chiếc bình vàng đựng toàn bộ tro than, di cốt của con gái tôi, nhằm trả thù tôi đã phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chúng. Dù là Khmer Đỏ hay bọn Lon Nol, hành động của bọn chúng đã dìm tôi trong tuyệt vọng. Nhờ có những viên thuốc ngủ rất quý mà bác sĩ Gioócgiơ Pathê, người bạn trung thành và người thầy thuốc tận tuỵ đã chăm sóc tôi trao cho tôi từ bệnh viện Grasse ở Pháp mà mãi vài giờ sau tôi mới chợp mắt được.
Sau khi nhận rõ Khmer Đỏ đã dìm nhân dân Campuchia vào tình trạng thảm hại như thế nào, tôi nhất quyết rời bỏ mọi chức vụ.

<< Cuộc kháng chiến chống CIA buộc phải tiến hành. | Khẩn khoản xin từ chức. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 626

Return to top