Tôi không thể hình dung được cuộc sống trong tù sẽ như thế nào nếu như tôi không duy trì được sợi dây liên lạc độc nhất với thế giới bên ngoài là cái máy thu thanh. Tôi nghĩ tôi sẽ phát điên nếu không có phương tiện nghe ngóng tin tức thế giới, dù chỉ nghe lén lút. Chính những “tin xấu” mà các đài phát thanh bên ngoài truyền đi về chế độ phản dân của bọn Pol Pot đối với tôi và những người chung quanh tôi, trừ Narinđrapông và Chittara lại là những “tin tốt lành”. Nó như liều thuốc làm dịu vết thương của chúng tôi.
Qua các đài phát thanh nước ngoài, tôi được biết một vài người bạn Pháp cùng với một số người trong gia đình tôi lúc này đang sống ở Pháp, đang vận động các nhà lãnh đạo một số nước vốn có thiện cảm với tôi, gây sức ép để Khmer Đỏ phải cho biết số phận hiện nay của tôi ra sao. Sau này tôi được biết thêm, nhiều vị đứng đầu các nước và nhiều nhân vật nổi tiếng ở châu Á, châu Phi, châu Âu và thế giới Arập đã tích cực liên tiếp vận động Pol Pot, Ieng Sary và Khieu Samphan trả lại tự do cho tôi. Tổng thống Mỹ thời kỳ bấy giờ là Jimmi Catơ có lần đã làm tôi vô cùng phấn khởi khi nghe thấy ông công khai tuyên bố chế độ Pol Pot ở Phnompenh là phản động nhất thế giới. Nhưng một lần khác ông lại làm tôi buồn nản khi ông lên tiếng không đồng ý với thượng nghị sĩ Mác Gavôn đòi thành lập khẩn cấp một lực lượng quốc tế giải phóng cho nhân dân Campuchia thoát khỏi bàn tay bọn đao phủ. Thế là, hi vọng cuối cùng được nhìn thấy đất nước tôi, nhân dân tôi và bản thân tôi thoát khỏi địa ngục Pol Pot vụt tan biến. Hỡi ôi thượng nghị sĩ Mỹ Mac Gavôn lúc đó mới chỉ là một nhà chính trị duy nhất trên thế giới dám công khai tuyên bố, biên giới của một nước có thể phải vượt qua nhằm cứu vớt toàn bộ một dân tộc, một chủng tộc, đang có nguy cơ tuyệt diệt.
Những tin tức khác, hấp dẫn hơn và đỡ buồn hơn, cho tôi biết về cuộc sống của các đoàn ngoại giao ở Campuchia. Từ cuối năm 1977 một vài đài phát thanh trên thế giới đã loan tin có sự bất đồng giữa chế độ Phnompenh với một số nước xã hội chủ nghĩa có đặt sứ quán tại Phnompenh. Đặc biệt là Cuba và Anbani, tuy chưa hoàn toàn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pol Pot nhưng đã tuần tự rút đại sứ, rồi đại biện lâm thời, rồi cả một số cán bộ ngoại giao nữa ở Pol Pot về nước. Sau khi rời Phnompenh, đoàn ngoại giao của Cuba lớn tiếng tuyên bố với thế giới: “Phnompenh là một thành phố ma và đoàn ngoại giao ở Phnompenh là những người tù thật sự”. Những nhà ngoại giao này của Cuba cho biết ở Phnompenh không sao nói chuyện điện thoại với nhau được. Tuy sứ quán nào cũng có máy điện thoại, nhưng chỉ có một đường dây liên lạc nối với Bộ Ngoại giao do Ieng Sary đứng đầu. Từ Bộ Ngoại giao gọi xuống các sứ quán thì được, nhưng từ các sứ quán gọi cho nhau thì lại không được. Chỉ riêng sứ quán Trung Quốc được ưu tiên gọi đi các nơi. Tôi phải biết ơn Cuba và những đài phát thanh bên ngoài đã tiết lộ những chi tiết cụ thể vạch trần chế độ quái gở của Pol Pot. Tôi tự an ủi và khuây khoả đôi chút khi nghĩ rằng các nhà ngoại giao thuộc các nước bạn của chế độ Khmer Đỏ cũng chẳng được tự do hoạt động hơn tôi mấy tí. Cả chúng tôi cũng như họ đều là những người tù của Khmer Đỏ theo những cung cách hình thức khác nhau.
Một nguồn tin nữa cũng đem lại cho tôi một chút hi vọng về tương lai đất nước. Từ nửa cuối năm 1977 các đài phát thanh của những nước không thuộc khối cộng sản bắt đầu đưa tin về những quan hệ đang trở nên xấu giữa “Campuchia dân chủ” và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hình như đã xảy ra những cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Quân đội Việt Nam và Khmer Đỏ, dựa vào nhiều nguồn tin cho biết ở các tỉnh biên giới tiếp giáp với Việt Nam ngày càng có nhiều người kể cả cán bộ Khmer Đỏ chạy trốn sang miền Nam việt Nam. Người ta cũng loan tin về việc lính Pol Pot tiến hành những cuộc tiến công vào sâu rộng các tỉnh Việt Nam tiếp giáp với Campuchia. Đài Hà Nội công bố những chi tiết kinh tởm về những vụ Khmer Đỏ tàn sát dân thường Việt Nam.
Những cô phát thanh viên của Đài Hà Nội giọng nói nghẹn ngào đẫm nước mắt, phát đi bằng các thứ tiếng Thơm, Pháp, Anh... về những hành động cực kỳ man rợ của bọn lính Khmer Đỏ mổ bụng phụ nữ có thai, hãm hiếp thiếu nữ, bóp chết các cụ già, chặt các em nhỏ thành từng khúc và hành hạ những người chúng bắt được một cách rất dã man cho đến chết. Pol Pot tưởng rằng hắn sẽ trở thành một Hítle có vận may hơn. Mặt khác, hắn cũng muốn trả thù nước láng giềng Việt Nam và cả Thái Lan đã để cho nhiều người Khơme vượt địa ngục của Pol Pot trốn sang đó.
Bắt đầu từ tháng 10 năm 1977, việc lén lút nghe đài nước ngoài kết hợp với việc phân tích những buổi phát thanh của chế độ Pol Pot đã mang đến cho tôi niềm hi vọng khi thấy đảng của Pol Pot bị lột mặt nạ. Ngay chính Pol Pot, tên “phó của Hítle” cũng phải công nhận ở cả thành thị lẫn nông thôn đều đang có nhiều cán bộ Khmer Đỏ “không phục vụ tốt, không thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị của Đảng...”. Pol Pot gọi những cán bộ này là những con cua, không biết bò đi đằng nào, cứ tiến một bước lại lùi một bước, sang trái một bước rồi lại sang phải một bước.
Đã có một thời kỳ, Hu Nim, Hou Youn, Khieu Samphan được gọi là “ba gương mặt lịch sử”. Trong những năm năm mươi họ là những sinh viên đồ đệ của Sơn Ngọc Thành, mãi đến năm 1954 mới cùng với Pol Pot, (tức Saloth Sar), Ieng Sary, Son Sen chuyển sang hướng thành lập Khmer Đỏ chống lại Khơme Xanh của Sơn Ngọc Thành. Đến năm 1955 họ lao vào hoạt động chính trị chống chế độ quân chủ và dĩ nhiên chống cả Sihanouk. Năm 1955 cũng là năm tôi thoái vị, tự ý rời bỏ ngôi vua để thành lập tổ chức Sangkum Reastre Niyum, có nghĩa là Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân, nhằm phục vụ nhân dân Campuchia. Năm 1956, Hu Nim, Hou Youn và Khieu Samphan cùng gia nhập tổ chức này. Năm 1977, khi giữ chức Thủ tướng, Pol Pot công khai tuyên bố, Đảng của Pol Pot đã cử “bộ ba lịch sử” này chui vào pháo đài địch (tức tổ chức Sangkum) để phá hoại từ bên trong. Thế nhưng, do không làm lung lay được cái pháo đài Sangkum của Sihanouk trong những năm sáu mươi, Hu Nim, Hou Youn, Khieu Samphan đã phải bỏ chạy ra bưng biền theo Pol Pot, Nuon Chia, Ieng Sary.
Trong những năm 1970-1975, Pol Pot và Ieng Sary lớn tiếng tuyên bố với thế giới là “bộ ba lịch sử” Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn đều là những lãnh tụ chủ chốt của Khmer Đỏ. Tháng 3 năm 1973 khi Khmer Đỏ đồng ý để tôi về thăm vùng giải phóng một tháng, Pol Pot và Ieng Sary cùng nói với tôi là họ ở dưới sự chỉ huy của “bộ ba lịch sử”.
Trong cuộc mít tinh quần chúng đón chào tôi tại khu rừng dưới chân núi Kulen cách Ăngco khoảng ba mươi kilômét, Monic và tôi được mời ngồi trên những chiếc ghế bành kê chính giữa, hai bên là “bộ ba lịch sử” Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn. Còn Pol Pot, Son Sen, Ieng Sary đều ngồi ở hàng ghế sau. Mãi đến tháng 9-1977 trong khi đọc bài diễn văn kỷ niệm ngày thành lập Đảng Khmer Đỏ lúc đó Pol Pot mới lại thừa nhận một cách trơ trẽn là “bộ ba lịch sử” này đặt dưới quyền chỉ huy của Pol Pot, và chính Pol Pot mới thật sự là “Tổng tư lệnh”, là “nhà chiến lược vĩ đại” và chính Pol Pot thời kỳ 1955-1960 đã cử những “con chuột chũi” Hu Nim, Hou Youn, Khieu Samphan này chui vào Sangkum của Sihanouk để do thám và phá hoại.
Theo tôi, Hou Youn và Hu Nim là những kẻ có quá nhiều tham vọng vì thế họ không thể chịu ép một bề quá lâu dưới sự chuyên chính ngu dốt có tính chất phong kiến của Pol Pot và Ieng Sary là những kẻ trình độ học thức kém xa “bộ ba lịch sử”.
Riêng Khieu Samphan là người duy nhất trong bộ ba này đã thoát khỏi mọi cuộc thanh trừng nội bộ bởi vì Khieu Samphan là một tên cơ hội chủ nghĩa, cũng là một tên không kém phần cực đoan trong việc theo đuổi chủ nghĩa cứng rắn của Pol Pot, Ieng Sary. Nhờ sự bép xép của những chú lính trẻ canh gác chúng tôi, vợ tôi được biết Angca đã thẳng tay thủ tiêu Hou Youn vào năm 1975 ngay sau chiến thắng 17-4. Còn Hu Nim thì đến tháng 3-1977 tức ba năm sau cũng bị thủ tiêu. Hou Youn bị giết vì đã tranh cãi nẩy lửa với Pol Pot và Ieng Sary xoay quanh chủ trương trục xuất toàn bộ nhân dân ra khỏi các thành phố. Còn Hu Nim thì bị giết vì tội “phản lại Angca”, có nghĩa là chống lại Pol Pot, Ieng Sary. Hồi đó, Hu Nim muốn có đủ thẩm quyền trên cương vị Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền, do đó đã làm phật ý Ieng Sary là kẻ hay ghen ghét với tất cả mọi người, chỉ trừ có Pol Pot. Rồi đến Tốc Phôn, Bộ trưởng Công chính cũng bị “mất tích”. Côi Thuôn Bộ trưởng Tài chính và Thương mại cũng bị thủ tiêu.
Thấm thoát, đã tới ngày 31-12-1977. Vào ngày này năm ngoái, Đài Phát thanh Campuchia dân chủ không quên báo trước chương trình đặc biệt mừng năm mới dương lịch và trọng tâm là bài diễn văn (tràng giang đại hải) của ngài Khieu Samphan, Chủ tịch nước Campuchia. Tôi nghĩ thầm: “Ngày mai chắc cũng lại như vậy thôi!”, cứ là tái diễn những đau khổ về tinh thần khi Đài Phnompenh om sòm lên tiếng qua loa phóng thanh. Tôi uống một liều thuốc ngủ và cuối cùng đã chợp mắt sau khi đọc khoảng mươi trang sách triết lý đạo Phật. Ngày 1-1-1978 do ngấm thuốc ngủ nên tôi dậy muộn. Chợt thư ký riêng của vợ tôi là bà Xan Xaorôt, vốn là người quen dậy sớm chuẩn bị ăn sáng cho mọi người, chạy vụt từ nhà bếp vào phòng ngủ, với vẻ xúc động lộ rõ trong giọng nói, báo cho vợ chồng chúng tôi biết, Đài Phnompenh vừa loan tin một trận đánh ác liệt suốt mấy ngày vừa diễn ra giữa quân Khmer Đỏ và bộ đội Việt Nam. Chính phủ Campuchia đã cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tôi rất xúc động, vội vàng dò tìm luồng sóng các đài phát thanh của thế giới tự do từ chiếc máy thu thanh đặt trong phòng ngủ. Thế giới bên ngoài xác nhận, quả là có một trận đánh đẫm máu vừa xảy ra trong mấy ngày qua giữa Campuchia “dân chủ” của Pol Pot và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phải nói ngay rằng, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất một bước ngoặt mới trong lịch sử Campuchia, một dấu hiệu báo trước tiền đồ của Campuchia “dân chủ” của Pol Pot từ nay sẽ chẳng có gì chắc chắn. Trước kia các thầy bói đã đoán chế độ “cộng hoà” của Lon Nol sẽ tồn tại “một nghìn năm”, nhưng nó đã đổ sụp trong vòng 5 năm. Ngày nay, các thủ lĩnh Khmer Đỏ lại khẳng định Campuchia “dân chủ” có thể tồn tại tới “năm vạn năm và hơn nữa”. Nhưng nó đang có nguy cơ tan biến trong kiếp phù du ngắn ngủi.
Cả hai chế độ của Lon Nol và của Pol Pot đều là kẻ thù của chúng tôi, cả hai đều phạm một sai lầm tai hại đối với bọn chúng, đồng thời cũng mang lại tai hoạ cho Campuchia. Đó là, khiêu khích liên tục nước Việt Nam láng giềng của chúng tôi và dại dột tiến công những người Việt Nam. Tôi, Sihanouk, tôi đã tìm cách để không xảy ra tai hoạ đó trong việc làm cho những người hàng xóm láng giềng của chúng ta tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta sau khi họ đã rõ ràng chiến thắng đạo quân viễn chinh của Mỹ và lũ tay sai. Khmer Đỏ lại nghĩ khác. Họ muốn đánh phủ đầu Việt Nam mà họ gọi là “kẻ thù truyền kiếp”. Quả là Khmer Đỏ cứ tưởng mình vô địch, muốn làm gì cũng được. Khmer Đỏ là những kẻ sùng bái Mútxôlini và Hítle. Khmer Đỏ cứ tưởng mình khỏe hơn phát xít. Chính Pol Pot đã tuyên bố rất nghiêm túc, không chút khôi hài: “Việt Nam quá yếu. Một mình Việt Nam không dám đọ sức với ta đâu?”. Chính vì vậy, Khmer Đỏ đã tự chui mình vào cạm bẫy của chính họ.
Từ năm 1973 Khmer Đỏ đã tàn sát hàng vạn kiều dân Việt Nam, tố cáo họ là “gián điệp”! Khmer Đỏ còn giết hại cả những đảng viên cộng sản có thiện cảm với Việt Nam. Trước khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973, Khmer Đỏ đã trục xuất những đơn vị quân đội Việt Nam (giúp Campuchia đánh Lon Nol) đóng trên đất Campuchia về nước. Sau chiến thắng ngày 17-4-1975, Khmer Đỏ còn mưu toan đánh chiếm những vùng có người Khơme Khom trên lãnh thổ Việt Nam, phạm nhiều tội ác kinh tởm đối với dân thường, kể cả phụ nữ, trẻ em. Khmer Đỏ khước từ mọi đề nghị thường lượng, đàm phán hoà bình của Việt Nam. Vì vậy, đến cuối năm 1977, những người Việt Nam quá bực tức vì Khmer Đỏ tiến công khiêu khích đã đánh lại bọn Pol Pot trên nhiều mặt trận suốt dọc biên giới hai nước. Xe tăng Việt Nam có lần chỉ cách Phnompenh 50 kilômét nhưng đến hôm sau lại rút ngay về phía bên kia biên giới.
Chính phủ Việt Nam đề nghị dàn hoà, đổng thời đề nghị thiết lập một khu phi quân sụ dọc theo biên giới hai nước có chiều rộng 10 kilômét, (ăn sâu vào lãnh thổ mỗi bên 5 kilômét). Một đội giám sát quốc tế do hai nước cử ra sẽ tuần tiễu trong khu phi quân sự đó để bảo đảm hoà bình lâu dài giữa hai nước. Suốt mấy tháng liền, Đài Hà Nội liên tục nhắc đi nhắc lại đề nghị này. Nhưng các thủ lĩnh Khmer Đỏ, thông qua Pol Pot, đã bác bỏ mọi đề nghị của Việt Nam. Những cuộc tàn sát người Việt Nam do hằn thù dân tộc, bắt đầu diễn ra từ thời kỳ ngự trị của Lon Nol, nay lại tiếp tục dưới thời Pol Pot. Do kiêu ngạo và quá ngu dốt, Pol Pot đã cố tình gạt cái sào mà Hà Nội đã chìa ra, do đó Pol Pot đã chuốc lấy sự sụp đổ của chính bản thân cùng với sự sụp đổ của chế độ Pol Pot.
Một buổi sáng tháng 8-1978, Chủ tịch Khieu Samphan tới điện Khêmarin mời tôi cùng với Monic, Sihamoni, Narinđrapông, Chittara cùng đi dạo chơi với ông bằng xe ô tô, thăm các khu vực quanh Phnompenh. Ông Khieu Samphan lúc này tỏ ra rất đáng yêu, gần giống như thời kỳ mà tôi chưa từ chức Quốc trưởng (bù nhìn). Nhưng tôi không còn có quyền sử dụng chiếc xe Mercedes hạng “lux” như trước kia nữa. Thay vào đó là chiếc xe Ford nhiều chỗ ngồi đã đưa chúng tôi đi chơi (lần cuối cùng).
Rời Hoàng cung chúng tôi theo con đường dẫn tới Compuông Cantuoth thuộc tỉnh Kandal, cách Phnompenh 24 kilômét về phía Tây - Nam.
Đó là một thị trấn trên bờ sông Prek Thuot rất đẹp mà trước kia cha tôi, hồi còn là Hoàng thân Xuramarit chưa lên ngôi vua, rất thích. Hồi đó, cha tôi là quan Thượng thư dưới triều đại Quốc vương Monivong là ông ngoại tôi. Compuông Cantuoth thời kỳ đó hãy còn là một vùng nông thôn tươi đẹp với những cánh đồng lúa điếm những hàng dừa. Nông dân ở đây nuôi gà thả rông, gà tha hồ tự do nhặt thóc, ngô và sâu bọ. Thịt gà ở đây nổi tiếng không kém thịt gà xứ Basque ở Pháp. Cha tôi, vốn là người sành ăn, đã tuyên bố thịt gà và trứng gà ở đây có hương vị “toàn thế giới không đâu có”, ông đã cho xây một ngôi nhà sàn xinh đẹp phía trước có một nền đất nổi bật trên bờ sông Prek Thuoth. Đó là nơi cha mẹ tôi và tôi thường về nghỉ cuối tuần. Khi quay lại nơi đây cùng với ông Khieu Samphan những gì nhìn thấy đã làm tôi đau đớn vô cùng. Thị trấn này, trước kia trù phú, nay chỉ còn là một đống hoang tàn. Vài ngôi nhà, tường lỗ chỗ vết đạn đang được vài tên lính Khmer Đỏ sử dụng làm nơi đóng quân.
Chiếc xe chở chúng tôi nhẩy chồm chồm trên con đường trước kia trải nhựa nay toàn “ổ gà”, còn gà thật thì tôi chẳng nhìn thấy một con nào cả.
Nhà nghỉ của cha tôi đã đổ nát, nền đất trở thành vườn rau nhưng do ít chăm sóc nên cỏ dại nhiều hơn rau. Hai bên đường trước kia là nhà cửa phố xá thì nay thay bàng hai dẫy lán trại, sàn tre, mái rơm, chắc là nhà ngủ dành cho “những người lao động” nô lệ của Angca. Sau Compuông Cantouth, cuộc “dạo chơi còn đưa chúng tôi tới một vài thị trấn nữa, nơi nào cũng chỉ thấy những cảnh tương tự. Cuộc dạo chơi đã kết thúc. Chúng tôi vòng về Phnompenh bằng một con đường khác đi qua thị trấn Kandal Sun thuộc tỉnh Kandal. Những cảnh thay đổi khiến tôi vừa sửng sốt vừa đau đớn. Còn ông Khieu Samphan thì lộ rõ vẻ rất thích thú. Trái tim tôi như rớm máu khi nhìn thấy Khmer Đỏ chặt trụi hàng vạn cây thốt-nốt, tức là một loại cây thuộc loài cọ, có đường, mảnh khảnh, duyên dáng, ngọn cây điểm những tàu lá hoặc chùm quả màu gụ. Đó là những cây mà không có nó thì phong cảnh Campuchia không còn gì nét cổ xưa nữa.
Điều nghiêm trọng hơn nữa là khi chặt trụi những cây thốt-nốt, Khmer Đỏ đã bóp chết một trong những tài nguyên chính về xã hội - kinh tế của Campuchia. Thật vậy? Những cây cọ cho đường tức là cây thốt-nốt này ngoài bóng mát còn cung cấp cho dân vùng nông thôn đường, quả, vật liệu xây nhà từ vách đến mái, kể cả vật liệu để đan mũ và nhiều vật dụng khác rất được ưa chuộng, thu hút nhiều khách du lịch, dĩ nhiên trong thời kỳ còn có khách du lịch tới Campuchia. Như vậy là trong danh sách những “kẻ thù của Khmer Đỏ”, gồm có: hoàng tộc, tư sản, tư thương, trí thức, sinh viên, nông dân khá giả... nay Angca lại thêm cả “cây thốt-nốt” nữa. Việc huỷ diệt cây thốt-nốt chỉ làm nghèo thêm nông thôn và nền kinh tế nông nghiệp của chúng tôi. Còn về phía nông dân thì họ mất đủ mọi thứ: tự do, làng xóm, nhà cửa, ruộng vườn, gia súc (vì phải tập trung trong các công xã lao động) chưa kể đến chuyện mất cả gia đình.
Qua chuyến đi chơi, tôi đã nhìn thấy rải rác chỗ này chỗ khác những lán trại làm theo kiểu nhà sàn, mỗi lán có thể chứa được khoảng năm chục người. Những công trình xây dựng này dùng để làm gì? Mãi sau khi thoát khỏi nanh vuốt Angca vào năm 1979, lúc đó bà Pen Nouth, tức bà vợ trẻ của ông bạn già cựu Thủ tướng của tôi, mới cho tôi biết: từ năm 1977 đứng trước cái mà Pol Pot gọi là “hiểm hoạ Việt Nam”, Angca chợt nhận thấy số dân Campuchia đang giảm sút (mà chính Angca phải chịu trách nhiệm do chính họ đã gây ra nạn diệt chủng khủng khiếp). Do đó, Angca đã nẩy ra ý định phát động chiến dịch tích cực sinh đẻ nhiều trẻ con cho Campuchia “dân chủ” bằng cách tập trung tại những lán trại này, mỗi lán khoảng năm mươi đàn ông đàn bà để họ làm công việc sản xuất trẻ con. Nhưng cho đến năm 1979 những đứa trẻ ra đời từ cuộc tập dượt này cũng mới chỉ chưa tròn hai tuổi và lẽ dĩ nhiên không thể đương đầu nổi với bộ đội Việt Nam.
Phải chăng, cái sáng kiến này của Khmer Đỏ cũng gần gũi với sáng kiến của Himle, tên trùm phát xít SS hung ác? Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Himler đã lập ra những cái được gọi là “trại ngựa giống thượng hạng”, để cho những binh lính Đức trẻ, đẹp, ghép đôi với những nữ thanh niên Đức, nhằm sản sinh ra những trẻ em Đức “thuần chủng” để tạo ra một dân tộc Đức “thượng đẳng”. Cả Himle lẫn Pol Pot đều thiếu thời gian...
Sau khi kết thúc cuộc dạo chơi, trên đường về, ông Khieu Samphan chợt nhìn thấy bên đường có một đầm sen. Vị Chủ tịch Nhà nước tập tức cho dừng xe lại. Một quân nhân từ chiếc xe hộ tống vội chạy tới chờ lệnh. Ông Khieu Samphan giơ một ngón tay, chỉ về phía các hoa sen trong đầm. Anh lính trẻ vội vã xắn quần lội bì bõm hái một ôm hoa sen xinh tươi mang về cho ông Khieu Samphan.
Ông Khieu Samphan lộ vẻ rất hào hoa phong nhã, biếu vợ tôi bó hoa sen vừa hái. Vợ tôi lịch sự cám ơn, kèm theo một nụ cười duyên dáng đúng như tôi chờ đợi. Tôi không thể không nghĩ rằng, chính những thắng lợi quân sự của ông bạn láng giềng Việt Nam đang đẩy vợ chồng chúng tôi lên dốc một cách có hiệu quả, trong khi Khmer Đỏ lại bị đẩy xuống dốc với một tương lai ngày càng trở nên không chắc chắn.
Đến tháng 9-1978, một cán bộ quân sự quan trọng của Khmer Đỏ mà tôi không bao giờ được biết tên lại được Angca cử đi tháp tùng tôi từ Phnompenh đến Compuông Som bằng ô tô. Trong suốt cuộc hành trình và cả những ngày tôi nghỉ lại ở Compuông Som, người cán bộ quân sự tiếng Thơm gọi là Kammaphibal này đã xử sự rất đúng đắn có thể nói là rất lịch sự với tất cả những người cùng đi theo tôi. Riêng đối với tôi, anh ta tỏ ra rất lễ phép, ân cần, đồng thời còn cố tận dụng thời gian gần tôi để tuyên truyền về chính sách của Khmer Đỏ. Mỗi khi có dịp thuận tiện anh ta lại nhắc đi nhắc lại với tôi về sự “tín nhiệm cao” mà các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia “dân chủ” đã dành cho tôi, vì những “cống hiến lỗi lạc” mà tôi đã phục vụ cho tổ quốc của chúng ta và cả cho cuộc cách mạng của anh ta. Rất rõ ràng, những khó khăn về quân sự mà bọn Pol Pot đang gặp tại các khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam đã đóng góp vào việc làm thay đổi cách đối xử của Angca đối với tôi. Cũng có thể Trung Quốc đã thúc ép để họ phải cho tôi ra khỏi sự giam hãm lâu ngày, để tôi thỉnh thoảng lại xuất hiện càng nhiều càng tốt trước nhân dân và thanh niên trong nước.
Với những quả cà chua chín mọng, tôi có thể làm nước sốt cà chua và mứt. Tủ lạnh của tôi bấy lâu trống rỗng nay đầy ắp thịt. Nhưng, Việt Nam tiến quân quá nhanh đã khiến cho tôi không thể hưởng lâu những của quý bất ngờ trời ơi đất hỡi này?
Trong khi đó, chế độ Pol Pot ngày càng mất lòng dân. Nó lên tới đỉnh cao hồi tháng 11-1978 khi toàn thế giới đều biết rõ tội ác diệt chủng của Pol Pot. Hàng ngàn nô lệ của Khmer Đỏ cố tìm cách chạy trốn. Hàng trăm người đã bị bắt giết hoặc chết trong rùng. Nhưng nhiều người cũng đã đến được khu vục biên giới của Thái Lan.
Họ tập trung trong các trại tị nạn, kể lại những tội ác của Khmer Đỏ rồi được truyền đi toàn thế giới qua các Đài BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ, Australia, Pháp, quốc tế... Khắp nơi trên trái đất người ta sợ hãi kinh tởm khi Angca công khai tuyên bố thà chỉ giữ lại từ một đến hai triệu người thật sự trung thành còn hơn duy trì từ sáu đến tám triệu “kẻ thù giai cấp”. Liệu các thủ lĩnh Khmer Đỏ có tính đến hậu quả mà chế độ của họ gây ra không? Chính Ieng Sary, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã triệu tập phái đoàn ngoại giao (rất nhỏ bé) ở Phnompenh để thông báo (thật là ngây thơ!) là trong vòng hai năm qua đã xảy ra tới sáu vụ mưu toan chống lại chế độ “dân chủ” của Khmer Đỏ. Trong số các tội phạm, Ieng Sary nêu tên ông Coi Thuôn, Bộ trưởng Nội các, và sau đó cả hai vợ chồng Coi Thuôn đều bị tra tấn đến chết. Chính ông Khieu Samphan sau đó cũng đã thừa nhận với tôi là nhiều tỉnh tiếp giáp với Việt Nam đã “ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ” vì vậy, ông đã quyết định cấp tốc dồn càng nhiều dân “tăng cường lực lượng” cho các vùng đang còn (tạm thời) dưới sự cai trị của Khmer Đỏ.