Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi Ký Sihanouk

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12168 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi Ký Sihanouk
SIHANOUK

Bàn tay phá hoại của CIA.

Phản ứng đầu tiên của tôi khi nhận được những tin tức gây rối loạn ở Phnompenh là nghĩ ngay đến bàn tay của Cục Tình báo trung ương Mỹ, gọi tắt là CIA. Trong bài phát biểu trên Đài Truyền hình Pháp ngày 14-3-1970, tôi đã nêu lên ý nghĩ này, đến khi tới Bắc Kinh tôi lại nhắc lại một lần nữa. Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa có những bằng chứng cụ thể mà mãi sau này mới có những tư liệu, tài liệu đầy đủ. Nhưng CIA đã từng gây ra quá nhiều vụ phá hoại lật đổ ở Campuchia tới mức tôi nghĩ ngay rằng vụ đảo chính ngày 18-3-1970 chỉ là kết quả logic của một chuỗi âm mưu trong quá khứ.
Thử thách đầu tiên của tôi đối với những hoạt động can thiệp của CIA bắt đầu từ cuối năm 1955 khi Alen Đa-lét là trùm CIA tới thăm Phnompenh.
Anh trai Alen Đa-lét là Giôn Phôxtơ Đa-lét hồi đang làm Ngoại trưởng Mỹ cũng đã đến Campuchia xin gặp tôi ngỏ ý muốn mời Campuchia gia nhập khối Liên minh quân sự Đông Nam Á, gọi tắt là SEATO do Mỹ cầm đầu. Tôi từ chối, vì gia nhập SEATO có nghĩa là đi ngược lại đường lối trung lập mà Campuchia cam kết tại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 và tại Hội nghị Băng đung - Inđônêxia tháng 4-1955 tôi đã khẳng định.
Tôi không chủ trương tham gia SEATO vì tôi nhận xét đây là một khối liên minh quân sự xâm lược chống lại các nước láng giềng trong khu vực, là những nước mà Campuchia không cùng một hệ tư tưởng nhưng vẫn duy trì những quan hệ hữu nghị.
Tôi đã giải thích rất rõ với Giôn Phôxtơ Đa-lét, một con người ngạo mạn, cay cú, nhưng ông ta vẫn chưa nghe ra. Bây giờ, em trai Ngoại trưởng Phôxtơ Đa-lét là Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA Alen Đa-lét lại tới đây, vác theo một cặp hồ sơ đầy những tài liệu nói rằng Campuchia đang là nạn nhân đứng trước “nguy cơ xâm lược của cộng sản”, cách độc nhất để cứu sống chế độ quân chủ Campuchia, đất nước Campuchia, và cứu sống cả bản thân cá nhân tôi là chấp nhận sự che chở của khối SEATO. Những tài liệu do Alen Đa-lét đưa ra không phù hợp với những nguồn tin tôi thu lượm được. Tôi đã trả lời Alen Đa-lét như đã nói với Phôxtơ Đa-lét, Campuchia không gia nhập SEATO. Nền trung lập và đạo Phật của Campuchia là đủ rồi. Trùm tình báo Mỹ không còn cách nào khác là lại xếp những tư liệu dẫn chứng vào trong cặp rồi ra về.
Đại sứ Mỹ tại Campuchia hồi đó là Rôbớt Mác Clintốc, mà các cơ quan an ninh của Campuchia đã xác nhận đó là một nhân viên CIA, lúc này cũng đang hết sức gây sức ép, không chỉ đối với tôi, mà cả với mẹ tôi, với cha tôi. Đại sứ Mỹ Mác Clintốc phát triển thêm những lý lẽ mà trước đó, trùm CIA Alen Đa-lét đã nói với tôi, tức là “Trung Quốc có ý định nuốt chửng Campuchia; một quốc gia dù có trung lập đi nữa, cũng không thể nào chống chọi được với chủ nghĩa cộng sản toàn cầu; Quốc hội Mỹ sẽ cắt viện trợ đối với những nước nào đi theo đường lối trung lập... Không tham gia cuộc thập tự chinh chống cộng sản cùng với Mỹ, có nghĩa là chống lại Mỹ...”. Lý luận cho rằng “trung lập là một thái độ vô đạo đức và nguy hiểm” còn được Ngoại trưởng Mỹ Phôxtơ Đa-lét nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mãi tới năm 1958 khi gặp lại tôi, ông ta vẫn còn đe doạ: “Campuchia không thể đi theo đường lối trung lập được. Các ngài phải chọn lấy một trong hai con đường: hoặc là đi theo thế giới tự do, hoặc là đi theo cộng sản”.
Ngày 31-1-1956 tôi tới Manila theo lời mời của Chính phủ Philippin, được đón tiếp rất nồng nhiệt. Các đường phố đều treo đầy cờ, hoa, người dân đứng đầy đường, những người đứng ở cửa sổ tung hoa đón chào tôi. Tôi cảm thấy có một cái gì đó hơi quá đáng trong cuộc đón tiếp này.
Nhưng, ai là người chẳng bị quyến rũ vì sự lộng lẫy và nhiệt tình như vậy? Ngày hôm sau, tôi mới rõ lý do. Buổi sáng sau khi tắm tôi bắt đầu đọc báo và phát hiện ngay bài xã luận trên tờ Thời báo Manila dòng chữ: “Chuyến viếng thăm của Hoàng thân Sihanouk tới Manila có thể kết thúc bằng việc tuyên bố Campuchia gia nhập SEATO... Chuyến thăm này đã được chuẩn bị rất chu đáo và là một phần trong chiến dịch vận động nước Campuchia trung lập gia nhập cuộc đấu tranh của phương Tây chống phương Đông”. Tôi lặng người đi một lát, cảm thấy đắng cay chua chát khi nhận rõ tất cả những đoá hoa, ban nhạc và các nữ nghệ sĩ được huy động đón chào tôi chỉ là một cái bẫy lôi cuốn nhưng xảo trá, đó là sự tiếp nối, bằng những thủ đoạn êm ái, dê chịu, tiếp theo những sức ép chính trị thô bạo mà anh em Đa-lét đã đối xử với tôi, có thêm đại sứ Mỹ Mác Clintốc cũng tham gia.
Trong bài diễn văn đầu tiên đọc tại Manila, tôi kiên quyết bảo vệ lập trường trung lập nhưng cũng tránh không công kích SEATO, vì vậy đã được vỗ tay hoan nghênh. Một số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ còn ngỏ ý sẽ xem xét lại chính sách của Philippin dưới ánh sáng phong trào không liên kết.
Trước khi đọc bài diễn văn này tôi có nhận lời tới thăm thượng nghị sĩ Manglapút mà tôi đã có dịp quen thân trong Hội nghị Băng đung. Cũng như tôi, ông say mê âm nhạc, việc tôi đến thăm mang cho ông một sự hãnh diện bởi vì ông đã tích cực hoạt động, vận động để tôi tới thăm chính thức Philippin mà ông tin chắc rằng trong chuyến thăm này tôi sẽ chính thức nhận cái “ô bảo hộ” của SEATO. Nhưng tôi kiên quyết từ chối khiến cho buổi đàm thoại tối hôm đó giữa tôi và ông trở nên trái ngược nhau một cách tệ hại. Theo chương trình đã ấn định, tôi còn phải đến thăm căn cứ quân sự Mớcphi, nơi đặt trụ sở Bộ Tham mưu quân đội, tham dự lễ duyệt binh và đọc một bài diễn văn. Trước khi đi thăm Philippin, tôi có quen một người tên là Phrăngxoa Barúc tự xưng là một “nhà doanh nghiệp” gốc Libăng đang làm ăn sinh sống tại Phnompenh từ nhiều tháng nay, nhưng nhiều người cho rằng anh ta còn làm nhiều việc nữa chứ chẳng riêng gì kinh doanh buôn bán. Tôi rất ngạc nhiên khi đến Manila cũng thấy người lái buôn này có mặt ở đó. Anh ta nói, đến Philippin vì công việc buôn bán, nhưng lại ngỏ ý với tôi trong bài diễn văn đọc tại Mớcphi cần “hạ bớt giọng cứng rắn đôi chút” với bài đã đọc tại Manila, trước Quốc hội Philippin. Phrăngxoa Barúc còn nói, anh ta đã được những người rất thân cận với chính phủ Philippin gợi ý soạn thảo một bài diễn văn mà anh nghĩ rằng rất dễ được hoan nghênh. Liền sau đó, anh ta đưa cho tôi bản thảo bài diễn văn này, viết ngay trên tập giấy có sẵn ở nhà nghỉ Manila.
Tôi nhận tờ giấy này và nói sẽ dùng để tham khảo. Sau đó, một số nhân viên tháp tùng tôi, báo cáo với tôi là nhìn thấy một thư ký của toà đại sứ Mỹ tại Manila tới khách sạn Manila “đọc” cho Phrăngxoa Barúc viết bài diễn văn trong quầy bar ở khách sạn để rồi chuyển cho tôi khi tôi tới doanh trại Mớcphi. Chính vì vậy cho nên, tôi đã cẩn thận trao cho Câu lạc bộ báo chí Philippin toàn văn bài nói chính thức của tôi, đề phòng báo chí lẫn lộn với bản dự thảo của Phrăngxoa Barúc. Sau thất bại trong “sứ mệnh tại Manila” Phrăngxoa Barúc đã bị CIA gọi về Mỹ. Sau đó tôi được tin thêm, tên tay sai này của CIA đã chết.
Sau khi trở về Phnompenh tôi trở thành mục tiêu công kích của báo chí Thái Lan và Nam Việt Nam, hồi đó đang còn phụ thuộc vào Mỹ. Họ lên án tôi đang “mở đường cho Trung Quốc xâm lược Thái Lan và Nam Việt Nam”, kêu gọi Thái Lan và chế độ Sài Gòn phải “áp dụng các biện pháp phòng vệ”.
Đại sứ Mỹ Mác Clintốc ở Phnompenh phụ hoạ ngay với những luận điệu này bằng những lời lẽ đe doạ. Bên kia biên giới Campuchia, CIA đã cắm chân vững chắc ở Thái Lan, Đại sứ Mỹ tại Băng cốc năm 1954 là Uyliam Đônôvan đã từng giữ chức Giám đốc Sở Tình báo chiến lược OSS, tiền thân của CIA, kế tục Đônôvan là Giôn Pơriphôi cũng là một quan chức hàng đầu của CIA, đã từng trực tiếp tổ chức cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Goatemala Arbenxơ, khi thấy Goatemala đi chệch quỹ đạo Mỹ. Sau khi tôi từ Philippin về nước, Thái Lan và Nam Việt Nam cùng phối hợp bao vây phong toả kinh tế Campuchia, gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn vì giao thông đường thuỷ của Campuchia với bên ngoài phải qua bến cảng Sài Gòn, đường sắt thông với nước ngoài phải qua Thái Lan. Để tăng cường thêm hiệu quả của việc bao vây kinh tế, máy bay quân sự của Thái Lan và Sài Gòn thường xuyên vi phạm sâu vùng trời Campuchia, biệt kích do CIA tổ chức, huấn luyện đột nhập sâu vào lãnh thổ Campuchia ở các khu vực biên giới. Không còn là sự uy hiếp đe doạ nữa, mà thật sự là những cuộc thăm dò chuẩn bị cho đảo chính, theo kiểu đã làm ở Goatemala.
Tháng 4-1955, các thành viên khối quân sự SEATO họp tại Băng cốc đã quyết định đặt Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự che chở của SEATO mà không cần hỏi ý kiến trước.
Campuchia chỉ còn biết lên tiếng phản đối và tôi đã báo cho đại sứ Mỹ Mác Clintốc ở Phnompenh biết “chúng tôi không cần sự che chở mà chúng tôi không tự nguyện yêu cầu”, mặc dù tôi biết rõ, sự từ chối này sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho Campuchia. Tháng 3-1956, nhân dịp tiếp nhà báo Liên Xô Xuri Grisencô và nhà báo Australia Uynphrét Bớcsét tôi đã giải thích, nếu Mỹ thật sự là một nước dân chủ thì chính phủ Mỹ cần phải tôn trọng lập trường trung lập của chúng tôi.
Trong phiên họp Quốc hội vừa qua tôi đã nêu ý kiến với các đại biểu dự họp: nếu ai tán thành Campuchia gia nhập SEATO, xin hãy giơ tay tỏ rõ thái độ. Không một người nào giơ tay cả. Tôi lại nêu ý kiến, ai từ chối gia nhập bất cứ một khối liên minh quân sự nào, xin giơ tay cho biết chính kiến.
Tất cả mọi người đều giơ tay. Sau khi Quốc hội Campuchia kết thúc kỳ họp khoá 3 được vài tuần, quân đội Thái Lan liền xâm lấn lãnh thổ, chiếm ngôi đền Preat Vihia của chúng tôi. Đường biên giới giữa Campuchia với Thái Lan và Nam Việt Nam luôn luôn đóng chặt, không còn giao lưu qua lại nữa.
Khi tiến hành Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Mỹ vẫn viện trợ 80% chi phí chiến tranh cho Pháp. Chính phủ Pháp trích một phần viện trợ này nhằm duy trì quân đội và bộ máy cai trị của Pháp ở Campuchia. Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ ngừng chuyển tiền cho Pháp và ngỏ ý viện trợ trực tiếp cho chúng tôi. Ý kiến do Mỹ đưa ra là quân đội Campuchia cần phải hiện đại hoá và phát triển thêm để có thể gánh vác nhiệm vụ chung là cùng bảo vệ thế giới tự do.
Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét một lần nữa lại dựng lên bóng ma của “sự xâm lược hiển nhiên của cộng sản” để chứng minh Campuchia cần phải có một đội quân vững mạnh do Mỹ chi tiền, đồng thời Mỹ cũng sẽ viện trợ tài chính cho Campuchia trên các lĩnh vực khác.
Đúng là chúng tôi cần có quân đội riêng, không phụ thuộc vào Pháp. Nhưng lúc đó chúng tôi cũng còn cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở bị hư hỏng vì chiến tranh, xây dựng các tuyến giao thông với nước ngoài không phụ thuộc vào các nước láng giềng, sửa chữa cầu cống... Ngoài ra còn phải nâng cao thêm đời sống vật chất của nhân dân lên một mức tối thiểu, đặc biệt là phải cải tiến lĩnh vực giáo dục, y tế. Vì vậy tôi đã chấp nhận viện trợ Mỹ nhưng liền sau đó đã sớm phát hiện, viện trợ tài chính của Mỹ đã đẻ ra nạn tham nhũng ở Campuchia. Chỉ trong vòng hai năm và chỉ bằng một cách là vận hành, điều khiển đồng đô-la, Mỹ đã thành công trong việc tạo ra một lực lượng nội ứng ngay trong lòng đất nước chúng tôi, một đạo quân thứ năm về chính trị nhằm huỷ hoại nền trung lập và buộc chúng tôi chấp nhận cái ô bảo hộ của SEATO. Mỹ hứa thưởng công không tiếc tiền cho những kẻ tay sai nào làm được điều đó. Tiền Mỹ ban thưởng cứ như là “của trời cho” và cũng từ trên trời hàng chục tấn bom B.52 được ném xuống. Nhưng cần gì đếm xỉa đến bom B.52 miễn là đồng đô-la cứ rơi như mưa từ trên trời xuống.
Quả là tôi không thể nào để mắt được tới lĩnh vực kinh tế, trong khi có những kẻ lại che giấu tôi những việc làm đen tối của họ. Đến cuối năm 1956 bùng nổ cuộc khủng hoảng nội các, mà nguyên nhân là sự phẫn nộ trước tệ nạn tham nhũng tràn lan khắp mọi nơi mà không bị trừng phạt cùng với tệ nạn buôn bán ngoại tệ và chợ đen, chính phủ bị đổ, mặc dù tôi cố gắng cứu vãn. Tôi có bằng chứng để nói rằng sứ quán Mỹ và bọn giầu có nhất trong giới tư sản mại bản đã gây ra cuộc khủng hoảng này. Ngay sau khi chính phủ sụp đổ, đã có nhiều tin đồn về cuộc đảo chính sẽ xảy ra nhưng lúc đó Mỹ chưa tìm được một tên tay sai thật đắc lực để thực hiện mưu đồ này. Phản ứng của tôi là triệu tập kỳ họp Quốc hội khoá 4, và kỳ họp này chỉ thảo luận một việc là ghi vào Hiến pháp đường lối trung lập. Trong bài diễn văn khai mạc, tôi nhìn thẳng vào đại sứ Mỹ hồi đó là Các Xtrôm và nói, theo những nguồn tin tình báo mà tôi thu lượm được thì “một cuộc bạo loạn lật đổ do nước ngoài giúp đỡ tài chính đang được chuẩn bị”. Tôi nhắc đến “những nhà chính trị và những tên đầy tham vọng đang tụ tập lại thành từng nhóm và cũng đang xâu xé lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực phục vụ cho lợi ích của một cường quốc ngoại bang”. Tôi cảnh báo, “các nước ngoài đó không cho không bao giờ, nhất là khi sự hào phóng của họ lại dành cho những tên tham vọng quay lưng lại với những lợi ích của dân tộc”.
Ngày nay, khi đọc lại bài diễn văn này, tôi càng thấy vẫn còn nguyên tính thời sự sau khi bùng nổ cuộc đảo chính ngày 18-3-1970.
Tháng 6-1958, tôi lại bị một cú “sốc” nữa.
Quân đội Sài Gòn chiếm tỉnh Xtung Treng ở miền Đông Bắc Campuchia. Binh lính Sài Gòn đã tiến sâu vào đất Xtung Treng hơn mười kilômét và có ý định ở lại đây lâu dài bằng cách cắm lại những cột mốc biên giới tiếp giáp với Nam Việt Nam. Điều cay đắng là tôi không được huy động quân đội để xua đuổi đám quân này chỉ vì tôi đang tiếp nhận viện trợ quân sụ của Mỹ. Đại sứ Mỹ hồi đó là Các Xtrôm nói thẳng với tôi là “viện trợ quân sự của Mỹ chỉ được dùng để chống lại sự xâm lược của cộng sản, chứ không được phép, bằng bất cứ cách nào. sử dụng để chống lại các đồng minh của Mỹ nhất là các thành viên SEATO”. Tôi đành đề nghị Xtrôm, dùng ảnh hưởng của mình đối với Ngô Đình Diệm, gây sức ép để Diệm rút quân. Đại sứ Mỹ trả lời, Mỹ không muốn can thiệp vào việc tranh chấp giữa hai nước láng giềng vì những nước này đều là bạn của Mỹ. Sao lại gọi là việc tranh chấp được. Làm gì có chuyện tranh chấp lãnh thổ? Đây chính là sự xâm lược rất rõ ràng, hiển nhiên.
Tôi nói, tôi không còn cách lựa chọn nào khác là ra lệnh báo động cho toàn quân. Phản ứng của đương kim đại sứ Xtrôm giống hệt như cựu đại sứ Mác Clintốc trước kia: Mỹ sẽ cắt ngay viện trợ nếu có một viên đạn bắn vào toán quân đang được Mỹ che chở. Ngay cả dùng xe tải do Mỹ viện trợ cũng không được phép. Tôi đã giải thích rất nhiều với ông Xtrôm là tôi không nhìn thấy một chút đe doạ xâm lược nào từ phía cộng sản, ngược lại càng ngày chúng tôi càng bị Nam Việt Nam và Thái Lan uy hiếp, nhưng ông ta vẫn không chịu hiểu. Khi tôi đặt vấn đề sẽ buộc phải đi tìm nguồn viện trợ từ các nước khác (ngầm hiểu là Trung Quốc) đại sứ Mỹ đã gạt phắt bằng cách nói rằng nước được Mỹ viện trợ phải cam kết từ chối bất cứ sự viện trợ nào của bất cứ nước nào trong phe xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi đã chấp nhận viện trợ Mỹ chỉ vì một lý do duy nhất là để đảm bảo việc bảo vệ các đường biên giới. Nhưng các điều khoản viện trợ của Mỹ đã trói chặt chân tay chúng tôi trong khi biên giới của chúng tôi bị xâm phạm, lãnh thổ của chúng tôi bị chiếm đóng. Rồi sự việc còn đi tới đâu nữa? Vấn đề khẩn cấp đặt ra là chúng tôi phải làm chủ hơn nữa trên đất nước của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, chúng tôi phải áp dụng một chính sách hợp với logic và lẽ phải, hợp với lợi ích sống còn của dân tộc, với tư cách là một giống nòi, một dân tộc, một đất nước tự do, độc lập.
Tháng 8-1958, tôi đi thăm Trung Quốc lần thứ hai. Quân đội Sài Gòn vẫn tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ của chúng tôi. Tôi đã nói chuyện rất lâu với Chủ tịch Mao Trạch Đông xoay quanh vấn đề này. Sau chuyến thăm này, hai nước Campuchia và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Trung Quốc nhận lời giúp Campuchia xây dựng một số xí nghiệp. Dĩ nhiên, sự kiện này làm cho CIA càng thêm tức tối và sự cay cú này càng bộc lộ rõ rệt hơn cả chuyến thăm Trung Quốc lần thứ nhất của tôi năm 1956, Sơn Ngọc Thành được CIA chọn làm con chủ bài trong âm mưu lật đổ tôi, ráo riết củng cố tăng cường các căn cứ của bọn phản động vũ trang Khơme Xơrây trên đất Thái Lan và Nam Việt Nam. Cũng xin nói rõ thêm, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Campuchia, Sơn Ngọc Thành đã được Nhật chọn làm Thủ tướng bù nhìn kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Sau khi Nhật bại trận, quân Pháp tiến vào Campuchia dưới sự che chở của quân Anh, Sơn Ngọc Thành đã bị Pháp bắt, tuyên án tử hình vì tội phản bội. Chính tôi đã đề nghị với người Pháp tha cho Thành tội chết, và cho phép Thành sống lưu vong ở nước ngoài. Nhưng Thành vẫn nung nấu ý đồ triệt hạ tôi. Thật là logic vì lúc này Thành lại phục vụ CIA, được CIA cho cầm đầu các lực lượng vũ trang Khơme Xơrây do CIA nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị vũ khí, tập trung tại các khu vực biên giới Nam Việt Nam và Thái Lan tiếp giáp với Campuchia.
Tháng 9-1958, khoảng một tháng sau khi tôi từ Bắc Kinh trở về Phnompenh, khối SEATO lại họp ở Băng cốc. Ba tháng sau cuộc họp này của SEATO, đến lượt Sơn Ngọc Thành tới Băng cốc gặp các quan thầy CIA và trong cuộc họp do CIA triệu tập còn có cả Ngô Trọng Hiếu  là Tổng lãnh sự của chế độ Sài Gòn tại Phnompenh.
Những tin tức tiết lộ sau đó cho biết cuộc họp đã thông qua nghị quyết ba điểm:
1- Sử dụng nguồn tài chính của Mỹ để thành lập một đảng đối lập ở Campuchia nhằm phá hoại đường lối trung lập của Campuchia.
2- Tiến hành các hoạt động gây rối loạn như bắt cóc, cướp của giết người, kết hợp với những tin đồn về một cuộc xâm lăng sắp tới của cộng sản.
3- Tổ chức những nhóm vũ trang bí mật ngay trong nội địa Campuchia sẵn sàng khởi sự vào giờ G, ngày N.
Sơn Ngọc Thành được phân công nắm các lực lượng vũ trang tập trung ở khu vực biên giới Thái Lan tiếp giáp với Campuchia đã được CIA chi 1 triệu đô la vào việc tuyển mộ, nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị vũ khí. Ngô Trọng Hiếu có nhiệm vụ nắm các lực lượng vũ trang tập trung ở khu vực biên giới Nam Việt Nam tiếp giáp với Campuchia.
Tướng Đáp Chuôn  lúc đó là Tư lệnh các lực lượng vũ trang Campuchia trong khu vực từ Xiêm Riệp  đến Compuông Thom, (vốn là một sĩ quan nổi tiếng trung thành chính trực chưa bao giờ bị nghi ngờ) cùng với Sam Sary  phụ trách việc lật đổ ở trong nước. Một điệp viên CIA tên là Vichto Maxaô Matsui (một người Mỹ gốc Nhật Bản) giữ nhiệm vụ liên lạc với ba nhóm vũ trang nói trên và chuyển giao vũ khí, phương tiện, tài chính cho những nhóm này. Năm 1958, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Campuchia đi dự khoá họp Liên hợp quốc tại New York rồi sau đó đi Washington gặp Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao. Khi tôi quay trở về New York, các nhân viên trong đoàn đại biểu Campuchia báo cáo với tôi, một thành viên trong đoàn là Xlát Pêu có nhiều cuộc tiếp xúc mờ ám với người Mỹ, có khi trò chuyện với nhau ngay trong phòng ngủ của Xlát Pêu tại khách sạn, và không bao giờ Xlát Pêu cho biết về nội dung những cuộc nói chuyện bí mật này.
Xlát Pêu quen thân với Vichto Matsui và là em trai tướng Đáp Chuôn. Chính tướng Đáp Chuôn đã dùng ảnh hưởng của mình để vận động cho Xlát Pêu trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Xiêm Riệp và tạo điều kiện cho Xlát Pêu đi vào con đường hoạt động chính trị. Cũng vẫn Đáp Chuôn đã giúp Xlát Pêu đi Ấn Độ học tiếng Anh. Rất có thể CIA đã bắt mối với Xlát Pêu ở Ấn Độ trước khi Xlát Pêu được cử làm một thành viên trong đoàn đại biểu Campuchia đi dự cuộc họp Liên Hợp Quốc và CIA đã dùng Xlát Pêu làm sợi dây liên lạc với Matsui, Ngô Trọng Hiếu, Đáp Chuôn.
Tất cả sự việc sau đó đã diễn ra đúng như kịch bản đã soạn thảo tại Băng cốc. Đầu năm 1959, Sam Sary gửi tôi một “bức thư ngỏ” đề nghị cho phép thành lập một đảng chính trị. Cùng lúc này hàng ngàn truyền đơn được tán phát tại thủ đô Phnompenh, quảng cáo cho các đảng chính trị mà Sam Sary sắp thành lập, nói rằng đảng này sẽ đẩy mạnh đấu tranh đỏi chính phủ áp dụng một “chủ nghĩa trung lập thân phương Tây” chứ không phải trung lập một cách độc lập và đơn độc. Những tờ truyền đơn này cũng tuôn ra những luận điệu mị dân đã phá chế độ quân chủ lập hiến mà mới đọc qua đã thấy “sặc mùi” giọng lưỡi quen thuộc của Sơn Ngọc Thành. Rõ ràng đây không phải là chuyện tổ chức một đảng chính trị mới mà là gieo rắc sự hoài nghi và gây rối loạn. Cũng trong thời điểm này, nạn khủng bố, cướp bóc cũng lan tràn, nhiều trẻ em con các quan chức cấp cao bị bắt cóc.
Sơn Ngọc Thành còn đe doạ nhân dân vùng Battambang là ba tiểu đoàn Khơme Xơrây và nhiều toán biệt kích dưới quyền hắn đang từ các căn cứ đặt trong các tỉnh Tây Ninh và Kiến Tường ở Nam Việt Nam đang thâm nhập vào nội địa Campuchia. Trong khi đó, Đáp Chuôn lặng lẽ bố trí quân tại những địa điểm chiến lược trong khu vực các tỉnh Xiêm Riệp và Cômpuông Thom và còn bí mật đưa được một số tay chân vào đội quân cảnh vệ ở Hoàng cung việc này không khó khăn lắm vì lúc đó tôi rất tin cậy hắn.
Nhìn chung, các cơ quan an ninh của chúng tôi hồi đó vẫn hoạt động khá tốt, và chúng tôi còn còn may mắn được các nước bạn cung cấp cho nhiều tin tức quan trọng thông qua các quan hệ ngoại giao hữu nghị. Vì vậy, chúng tôi thu lượm được những thông tin không phải chỉ từ các cơ quan an ninh của mình. mà còn từ các sứ quán Trung Quốc và Pháp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tin tình báo, chưa có chứng cớ cụ thể để tiến hành bắt giữ.
Dù sao, trong bài diễn văn đọc tại Cômpuông Chàm ngày 13-1-1959 tôi cũng nói bóng gió rằng chúng tôi đã phát hiện được một âm mưu nhằm mục đích thủ tiêu tôi, để chiếm chính quyền và thay vào đó bằng một chế độ thân Mỹ, chấm dứt nền trung lập của Campuchia.
Trên thực tế, còn phải làm rất nhiều việc nữa để phanh phui toàn bộ mưu đồ phản loạn trước ánh sáng. Dù sao mấy lời cảnh báo của tôi trong bài diễn văn cũng làm cho bọn cầm đầu đang ẩn náu tại Sài Gòn và Băng cốc chột dạ, bớt hung hăng đôi chút. Sau đó một tuần, khi đã có đủ chứng cứ, tôi hạ lệnh bắt giữ toàn bộ bọn âm mưu phan loạn đang có mặt tại Phnompenh. Nhiều tên bị tóm gọn, riêng Sam Sary chạy thoát. Sau này tôi mới biết, hắn đã được Matsui, Ngô Trọng Hiếu và cả Lon Nol kịp báo tin và đã vội vã tháo chạy. Quân đội Campuchia cũng đã được điều động tới các khu vực biên giới làm thất bại phần lớn mưu đồ tiến công vũ trang của bọn phản loạn.
Đầu tháng 2-1959, tôi được báo cáo có nhiều sự kiện đáng ngờ vừa xảy ra tại Xiêm Riệp. Ngô Trọng Hiếu là tổng lãnh sự của Ngô Đình Diệm tại Phnompenh đã tới Xiêm Riệp gặp Đáp Chuôn rồi lại bay đi Sài Gòn. Ngày 7-2, có hai người Đài Loan nói là làm việc cho hãng phim Kam Wah đã từ Hồng Công tới Xiêm Riệp, mang theo nhiều hòm to chở các dụng cụ và nghỉ ngay tại tư dinh tướng Đáp Chuôn. Cũng trong ngày hôm đó, một vị thượng khách là đô đốc Mỹ Hari Phen cũng tới thăm Đáp Chuôn. Xiêm Riệp là nơi có khu đền Ăngco nổi tiếng, thường vẫn có nhiều du khách tới tham quan các di tích lịch sử của Campuchia nhưng chưa bao giờ người ta thấy có những vị khách quan trọng tới đây dồn dập trong hai tuần đầu tháng. Sau đô đốc Mỹ Hari Phen là tướng Mỹ Laotơn Colin đang phụ trách việc huấn luyện cho quân đội Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam cũng từ Sài Gòn tới Xiêm Riệp. Điều đặc biệt là tướng Lênxđên một điệp viên cao cấp nhẵn mặt quen tên của CIA cũng tới đây. Cuối cùng là đô đốc Mỹ Hôpút là tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương sau khi chiêm ngưỡng khu đền Ăngco cũng đến nhà tướng Đáp Chuôn uống rượu Uýt-ki. Sự việc ngày càng sáng tỏ, hai người Đài Loan thật ra là hai người Việt Nam đóng giả làm người Hoa, các hòm dụng cụ quay phim thật ra là hai máy thu phát tin, được cất giấu trong rừng gần khu đền Ăngco. Còn tướng Đáp Chuôn thì đột nhiên bố trí nhiều vọng gác rào suốt tuyến đường từ Phnompenh đến Xiêm Riệp nhằm theo dõi việc điều động quân đội từ thủ đô đến biên giới.
Nhưng, đến ngày 21-2-1959 khi tôi quyết định cho hành quân lên Xiêm Riệp bắt Đáp Chuôn thì chính những binh lính tại các vọng gác do Đáp Chuôn bố trí đã sốt sắng dẫn đường cho lực lượng vây bắt tiến vào tư dinh của hắn mà không cần phải nổ một phát súng nào và bản thân Đáp Chuôn cũng không hay biết gì cả. Lúc này Đáp Chuôn đang bình thản đi dạo trong vườn.
Thấy nhiều binh lính không thuộc Quân khu do hắn chỉ huy ập vào nhà hắn vội vàng chạy trốn nhưng đã bị bắn bị thương và bị bắt giữ. Vào thời điểm này tôi chưa có chút nghi ngờ gì về Lon Nol nên đã giao cho Lon Nol lúc đó là Tổng tham mưu trưởng trông nom việc chữa trị cho Đáp Chuôn, chờ khi hắn bình phục sẽ lấy khẩu cung. Thật ra, lúc đó Đáp Chuôn chỉ bị thương nhẹ và sau khi bị bắt đã đề nghị xin gặp cấp trên để nói rõ sự thật. Lon Nol đã báo cáo với tôi là Đáp Chuôn bị thương rất nặng rồi thủ tiêu luôn Đáp Chuôn để bịt đầu mối.
Tuy nhiên vẫn còn hai tên phụ trách điện đài đang ẩn náu trong nhà Đáp Chuôn bị vây bắt. Hai tên này mang hộ chiếu do chế độ Sài Gòn cấp nhưng không có thị thực nhập cảnh vào Campuchia. Tang vật bị tịch thu ngoài điện đài còn có cuốn sổ ghi rõ nội dung các buổi liên lạc giữa Đáp Chuôn với các ông chủ của hắn ở Sài Gòn và Băng cốc, 270 ki lô vàng thoi dùng để trả công cho bọn điệp viên và lính biệt kích cũng bị thu giữ. Vai trò của Matsui, Ngô Trọng Hiếu và Xlát Pêu đã bị vạch trần qua những tang chứng và tài liệu văn bản. Matsui và Ngô Trọng Hiếu vì là người nước ngoài nên đã bị trục xuất khỏi Campuchia. Xlát Pêu bị xử bắn vì tội phản quốc. Hai tên phụ trách điện đài cũng bị kết án tử hình vì tội làm gián điệp.
Toàn bộ hồ sơ vụ án được trao cho đại sứ Mỹ Xtrôm.
Ngày 26-3-1959 tôi trực tiếp dẫn hai mươi nhà ngoại giao trong đó có đại diện Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp lên Xiêm Riệp vào tận tư dinh của Đáp Chuôn nhìn tận mắt các tang vật bị tịch thu đang trưng bầy để họ tự rút ra những nhận xét. Họ đã nhìn thấy đủ loại vũ khí và thiết bị do thám của Mỹ không nằm trong danh sách “viện trợ quân sự” cho chính phủ Campuchia.
Âm mưu gây bạo loạn của Đáp Chuôn chỉ là một trong nhiều biến động xảy ra tại Campuchia năm 1959. Ngày 31-8, tức sáu tháng sau khi vụ Đáp Chuôn bị dập tắt tôi chuẩn bị tới vấn an cha mẹ tôi tại chính điện như thường lệ. Hôm đó tôi đến chậm vì còn phải dặn dò công việc với Thủ tướng lúc đó là Xon Xan  đang chuẩn bị dẫn đầu đoàn đại biểu Campuchia dự họp tại Liên Hợp Quốc. Thủ tướng đề nghị xin được tới chào hai vị thân sinh ra tôi. Trước đó, Mẫu hậu mẹ tôi vừa nhận được một hộp quà gửi qua đường bưu điện.
Thường thường, những loại quà biếu như thế này Mẫu hậu vẫn triệu tập đông đủ toàn gia đình tới chính điện rồi mới cho mở để cùng chia vui với mọi người. Nhưng hôm đó, do sắp tiếp đón Thủ tướng Xon Xan tại chính điện, nên Mẫu hậu cho mở ngay gói quà đó tại tiền sảnh. Thủ tướng Xon Xan đang tới cổng điện thì nghe thấy một tiếng nổ lớn phát ra từ phía trong. Hoàng thân Vakrivan phụ trách lễ tân bị chết ngay tại chỗ vì chính tay ông đã mở bưu kiện. Sức nổ còn khoét lõm nền nhà, giết chết thêm một quan thị vệ và hai người nữa đứng gần đó. Cuộc điều tra cho biết, một quả bom nhỏ đã được cất giấu trong chiếc hộp sơn mài dùng làm quà kính dâng lên Mẫu hậu. Sau đó, những tin tức thu lượm được còn cho biết thêm, chủ mưu vụ nổ bom này là Sam Sary lúc đó đang ở Sài Gòn cùng với Sơn Ngọc Thành. Chúng đã gửi bưu kiện chứa chất nổ mạnh này từ một căn cứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam tới Phnompenh.
Nhằm loại trừ tôi, bọn giết người đã không ngần ngại âm mưu giết cả những người thân của tôi trong cùng một lúc bằng kỹ thuật do CIA cung cấp Thời kỳ đó, có một tờ báo Ấn Độ đã sao chụp bức thư do Sam Sary gửi Etmun Kenlốc là một chuyên viên cao cấp CIA công tác tại sứ quán Mỹ ở Phnompenh và cho đăng trên báo trong số tháng 1-1960. Sam Sary ngỏ ý trong thư “rất lấy làm tiếc” vì âm mưu gây bạo loạn lật đổ ngày 3 1-8-1959 bị thất bại. Hắn cho rằng phải dùng đến thủ đoạn mưu sát mới đạt mục đích. Sam Sary còn nói, hắn hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Uyliam Trembơn (hồi đó đang làm đại sứ Mỹ ở Campuchia thay Xtrôm) và còn khoe “rất tin tưởng vào sự giúp đỡ và hợp tác của ngài đại sứ”. Có thể nói, tất cả những âm mưu ám sát tôi, hoặc gây bạo loạn trên đất nước tôi đều có ghi dấu ấn của CIA. Từ năm 1954 cho tới khi tôi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1964, cũng là lúc không còn sứ quán Mỹ ở Phnompenh nữa, ít ra cũng đã có tới hai mươi bẩy điệp viên CIA đóng giả làm các nhà ngoại giao Mỹ bị lộ mặt tại Campuchia, chưa kể đồng bọn và tay sai của chúng tại Sài Gòn và Băng cốc. Cuộc đảo chính ngày 18-3-1970 của Lon Nol cũng không nằm ngoài kế hoạch lật đổ do CIA chỉ đạo. Cũng phải thừa nhận rằng, tôi đã may mắn lắm mới thoát chết, kể cả chết về thể xác cũng như chết về chính trị trước ý đồ độc ác quyết tâm loại trừ tôi. Xin được tiếp tục nêu lên một số dẫn chứng nữa:
Cuối năm 1959, CIA đã thuê tiền tên Rát Vat do Sơn Ngọc Thành tuyển mộ bí mật từ Nam Việt Nam lẻn về Campuchia tìm cách giết hại tôi, theo bài bản do CIA chỉ dẫn. Rát Vat đã trà trộn vào đám đông dân chúng thường nô nức đón chào tôi khi tôi đi thăm các địa phương trong nước. Nhưng do quá hồi hộp, Rát Vat đã biểu lộ một số cử chỉ đáng nghi và đã bị cảnh sát giữ lại để khám xét, tịch thu một quả lựu đạn và một khẩu súng ngắn giấu trong người. Rát Vát thú nhận, hắn đã được lệnh ám sát tôi để bù lại vụ thất bại không đạt mục đích của qua bom giấu trong bưu kiện dâng Mẫu hậu.
Ám sát cá nhân là một thủ đoạn độc ác và quen thuộc của CIA. Ngày 1-4-1963 tại nước láng giềng với Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Lào thuộc phái trung lập đã bị tay chân CIA bắn chết bằng một loạt đạn súng ngắn ngay trước cổng nhà. Bà vợ ông cũng bị thương nặng. Đúng một tháng sau vụ ám sát Ngoại trưởng Lào Kinim Phônxêna, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tới thăm Campuchia. Sau lễ đón tiếp rất trọng thể tại sân bay, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và tôi cùng ngồi chung với nhau trong một chiếc ô tô trên đường về Hoàng cung, hai bên đường có rất đông người Campuchia và người Hoa mang cờ hai nước vẫy chào nồng nhiệt, kèm theo những tiếng hoan hô nhiệt hệt. Phía sau chúng tôi là một đoàn xe chở phái đoàn Trung Quốc đi theo Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ trong chuyến thăm chính thức Campuchia, các thành viên chính phủ Campuchia và nhiều quan chức khác. Nếu sự việc xảy ra đúng như kế hoạch của CIA thì tới một điểm đã được chọn, đoàn xe chính phủ và cả đoàn người chào đón đứng hai bên đường sẽ bị tan xác, biến thành những mảnh vụn. Thế nhưng, ngay trước khi tôi mời Chủ tịch Lưu lên xe, tôi đã được báo cáo, toàn bộ bọn tay sai CIA đã bị bắt giữ và đưa về trại giam, đúng như kế hoạch của chúng tôi.
Một tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc tới thăm chính thức Campuchia, có hai người nước ngoài tới thuê một căn hộ ở bên lề đường từ thủ đô tới sân bay, gần khách sạn Nakri Bopha nổi tiếng do người Việt Nam quản lý. Người lớn tuổi là một sĩ quan Quốc dân đảng đến từ Đài Loan. Liền sau khi thuê được nhà, hai tên này đào một đường hầm từ nơi ở đến đoạn đường dẫn tới sân bay, đặt một quả bom cực mạnh do CIA cung cấp. Chính Trung Quốc đã báo cho lực lượng an ninh của chúng tôi đề phòng theo dõi, ngay sau khi hai tên tay sai CIA này vừa bay từ Đài Loan tới Phnompenh.
Cảnh sát Campuchia đã tóm gọn chúng rất đúng lúc, cùng với tất cả bom, mìn, dụng cụ phá hoại và các giấy tờ giả mạo. Bọn chúng đã khai báo tất cả những quan hệ với CIA, đã bị xử án theo pháp luật và bị kết án tử hình. Nhưng tôi đã can thiệp, không để cho chúng bị xử bắn. Không phải tôi ân xá cho chúng mà là vì lúc đó Campuchia đang có những quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng, tôi không muốn gây rắc rối thêm. Vả lại chính Lon Nol cũng đề nghị giảm án cho chúng. Tôi biết rõ Lon Nol là nhân vật rất cứng rắn thường chủ trương xử bắn đối với những kẻ phạm tội nặng, vậy mà lúc này lại tỏ thái độ khoan hồng rất đáng ngạc nhiên. Dù sao hồi đó tôi cũng chưa nghi ngờ gì về Lon Nol. Và đến cuộc đảo chính 18-3-1970 Lon Nol lại lộ rõ nguyên hình là kẻ thảm sát những người rơi vào tay hắn.
Cũng trong năm 1963, một viên thanh tra Sở Thuế quan phát hiện ra trong số một loạt các hòm gửi từ nước ngoài tới sứ quán Mỹ tại Campuchia, có một hòm bị hư hỏng, để lộ các vật dụng đáng ngờ chứa đựng ở bên trong, đề nghị tôi cho mở hòm để kiểm tra. Mặc dù qui chế ngoại giao cho phép sứ quán Mỹ được hưởng sự miễn trừ đối với tất cả các thứ gửi tới sứ quán, nhưng do chiếc hòm đã bị vỡ ít nhiều, tôi đã cho phép được tiến hành khám xét.
Tất cả mọi chiếc hòm đều chứa đầy vũ khí. Theo điều tra của cơ quan an ninh, đây là những vũ khí chuẩn bị phát cho bọn phản loạn đã bí mật nằm chờ ngay trong nội địa Campuchia.
Năm 1963 không phải chỉ là một năm xấu đối với Campuchia và Lào mà cũng là năm mà Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu ở miền Nam Việt Nam đều bị giết hại bởi bàn tay CIA. Cuối năm 1963 tình hình có vẻ lắng dịu đôi chút. Tuy nhiên nếu những vụ phá hoại lật đổ trong nội địa Campuchia tạm ngừng thì tại các khu vực biên giới tiếp giáp với Thái Lan và Nam Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng, CIA vẫn tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện bọn biệt kích Khơme Xơrây chuẩn bị tung vào nội địa Campuchia. Tháng 11-1963 các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam tiêu diệt được một trong nhiều căn cứ của bọn Khơme Xơrây đặt tại Hiệp Hoà, tỉnh Cần Thơ. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã chuyển cho tôi nhiều tài liệu tịch thu được tại căn cứ này xác minh CIA đang xúc tiến tổ chức trong lòng đất nước Campuchia những đội phá hoại ngầm. Các sách giáo khoa cho CIA biên soạn dạy bọn này các kỹ thuật ám sát, phá hoại, gây rối loạn kể cả bỏ thuốc độc xuống các giếng nước. Từ các đài phát thanh đặt tại Nam Việt Nam và Thái Lan, Sơn Ngọc Thành liên tục thoá mạ cá nhân tôi, bài xích chế độ quân chủ, đường lối trung lập và kêu gọi dân chúng nối bên lật đổ tôi.
Tôi quyết định cắt đứt nốt viện trợ kinh tế như đã cắt đứt viện trợ quân sự của Mỹ, vì cả viện trợ kinh tế của Mỹ cũng có rất nhiều ràng buộc, bắt chúng tôi phải phụ thuộc vào Mỹ.
Quốc hội Campuchia đã thông qua với đa số áp đảo cắt đứt hoàn toàn mọi viện trợ của Mỹ. Dựa trên những quyết định của Quốc hội ngày 20-11 chính phủ Campuchia gửi chính phủ Mỹ một công hàm vạch rõ: “Phẩm chất cơ bản của Campuchia không cho phép Campuchia tiếp tục nhận viện trợ Mỹ bất kể dưới hình thức nào trên toàn bộ các lĩnh vực quân sự, kinh tê, kỹ thuật, văn hoá”, mặc dù việc này gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn và tôi đã phải gánh chịu nhiều chỉ trích trên lĩnh vực điều hành kinh tế. Tôi đã giải thích: “Thà chúng ta cùng chết bên nhau một cách dũng cảm vẻ vang còn hơn là bị chết dần mòn vì nghẹt thở, và thối nát bởi viện trợ Mỹ”. Bởi vì việc phân phối đồng đô-la thường đi kèm những tệ nạn về xã hội và chính trị. Năm 1965 càng khó khăn hơn đối với Campuchia vì hai lý do. Một là, từ tháng 2-1965 Mỹ bắt đầu mở rộng ném bom tới miền Bắc Việt Nam. Tháng 3 năm đó, các đơn vị chiến đấu của Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tiến hành chiến tranh. Hai là trước tình hình đó tôi phải cảnh giác hơn bao giờ hết, không để chiến tranh lan rộng tới Campuchia. Chúng tôi kịch liệt lên án cuộc xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam và tố cáo Mỹ tổ chức đạo quân ngầm trong nội địa Campuchia để chuẩn bị cho mưu đồ phá hoại và lật đổ. Mặt khác chúng tôi cũng tăng cường những quan hệ với các nhà lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng đang tiến hành cuộc kháng chiến ở miền Nam Việt Nam.
Trong những ngày đầu tháng 5-1965, máy bay Mỹ ném bom vùng Mỏ Vẹt của Campuchia tiếp giáp với Nam Việt Nam, làm nhiều người dân Campuchia bị chết và bị thương.
Sau nhiều bước thảo luận lâu với Xamđec Pen Nouth, chúng tôi đi tới kết luận là, nếu muốn còn giữ được một hạt nhân về phẩm giá của Campuchia thì chỉ có một con đường là cắt đứt nốt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Quyết định lịch sử này đã được đưa ra vào ngày 3-5-1965.

<< Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ Me Đỏ | Trên bước đường đấu tranh gay go phức tạp. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 629

Return to top