Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Cơ hội của chúa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9823 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cơ hội của chúa
Nguyễn Việt Hà

Chương 6

Chương 6.1

Những trang viết tay còn sót của Hoàng được đánh số từ 1 đến 9 trong tập bản thảo tự tay Hoàng đốt lần thứ ba. Nhã lưu lại ở Album ảnh đầy tháng bé Phương Phương.
Mùa thu. Dòng sông Bộc đục lờ đờ trôi, gió nhẹ vờn lau sậy. Mênh mang nước. Bờ bãi hai bên nhìn không rõ trâu hay ngựa. Dọc rìa sông, một bãi bồi chạy chênh chếch ra giữa dòng. Hoang mang là gió. Một người đàn ông đang ngồi câu. Rất khó đoán tuổi. Cũng có thể là ba mươi, cũng có thể là năm mươi. Bố y phong phanh. Cạnh giỏ tre thô là một nậm rượu. Cần câu gióng trúc cong queo, đốt xù xì lởm chởm rễ mọn. Thỉnh thoảng giật câu. Lúc được lúc trượt hoặc cá to hoặc cá nhỏ. Không thấy reo mừng, không thấy nuối tiếc. Ðương nhiên là uống nhiều rượu. Chừng chốc một, buông câu với nậm ngửa cổ tu từng ngụm lớn. Rồi thong thả nhìn sông. Người ngồi câu với sông với nước, tạo vẻ hài hoà như dáng trời đất. Tự nhiên không chướng. Bỗng phía đầu thượng nguồn có tiếng xe ngựa. Rõ dần. Chừng ba cỗ xe song mã. Hoa đồng cỏ nội chim trời nháo nhác ồn. Cách người ngồi câu khoảng năm trượng xe dừng. Hai người đàn ông bước xuống, phong độ sang trọng ăn mặc quyền quí. Một già, một trẻ. Người trẻ để ria theo kiểu minh tinh Clar Gable ôm tráp sơn son thếp rồng vàng vờn mây. Tiến gần sát người ngồi câu, hai người cúi mình thi lễ:
- Hai chúng tôi là Quý Cống, Lư Triệt. Ðại phu nước Sở xin được yết kiến hiền sĩ.
Người ngồi câu vẫn quay lưng không đáp. Gió sông thổi phồng áo vải. Cần gióng trúc điềm đạm không rung. Lư Triệt, quan Ðại phu trẻ ý chừng nóng ruột, to giọng.
- Chúa chúng tôi là Sở Y Vương, mộ danh Trang lão nhân xin đem nghìn vàng ra mắt ngài. Rất mong ngài đoái tới chỉ giáo vài đường về chính pháp trị nước. Ðược vậy, nội ngày mai, Chúa tôi thân đến tận đây xin trao ngài ấn Tướng quốc.
Ðộc điếu ông, họ Trang tên Chu, vẫn không quay lại rầu rầu giọng:
- Tôi nghe nước Sở có rùa thần, chết đã ba nghìn năm. Nhà vua đựng trong hòm vải cất ở miếu đường. Ngày sóc ngày vọng hương trầm nghi ngút phụng kính. Con rùa ấy mong chết để lại bộ xương quí giá hay mong sống mà lê đuôi trong bùn lầy.
Hai quan Ðại phu, thuở thanh niên sáu lần trốn nghĩa vụ quân sự, đồng thanh đáp:
- Mong sống mà lê đuôi trong bùn lầy.
Trang Chu bật cười.
- Hai người về đi, tôi sẽ lê đuôi trong bùn lầy.
Tiếng xe ngựa khuất dần. Gió thu rì rào trên cây thu. Trang tử cuốn dây câu lững thững đi bộ về nhà. Nhà Trang đầu xóm, ba gian lợp gianh vách đất. Một sân rộng. Một vườn cây. Có mấy công ty liên doanh gạ mua xây khách sạn du lịch, trả bốn chỉ một mét. Trang đứng từ ngoài đường gọi vọng vào. Vợ Trang đang ngồi tán láo với mấy bà hàng xóm chạy ra. Trông khá đẹp. Cách đây hơn năm ra tỉnh học nghề may. Trong bụng thì rất thích sự sinh hoạt trác táng xa xỉ của thành thị nhưng ngoài thì dè bỉu chê bai bọn dân phố không tiết hạnh thuỷ chung. Trang ghét thói đong đưa, giả chết. Vợ Trang nghe lời tình nhân là thằng cò nhà định ra mộ cắt mũi chồng. Trang trong quan tài cười nhạt, vợ xấu hổ lắm, bớt xoen xoét miệng về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng Tử bảo Phụ nhân nan hoá. Biết vậy, đành vậy. Gượng gạo cũng không được. Trang đưa xâu cá dặn vợ luộc tất. Vợ Trang cười nịnh, thông báo:
- Nhà có khách đấy, thầy Huệ đến chơi.
Trang vẻ không vui cũng không buồn đi ra ngoài giếng tắm. Hơn tháng trước đây, Trang có việc đi ngang nước Lương. Thật ra, người buồn bực, chỉ muốn loanh quanh giang hồ vặt. Cũng định bụng đến chơi thăm bạn thân là Huệ Thi đang làm tướng quốc. Bọn Ðại phu trong nội các mới lập đến nhà riêng Huệ Thi to nhỏ:
- Trang tử đến nước Lương thuyết vua, muốn thay thầy mà làm tướng.
Thầy Huệ sợ, ngầm sai công an mật lùng trong nước ba ngày ba đêm. Cuối cùng thấy Trang nằm khểnh trong khách sạn mini đọc báo lá cải. Trang ra mắt Huệ cười mà bảo:
- Phương Nam có giống chim, tên nó là Uyên Sồ, bác biết nó chăng. Uyên Sồ cất cánh từ biển Nam bay sang biển Bắc. Phi ngô đồng chẳng đậu. Phi hạt luyện chẳng ăn. Phi suối ngọt chẳng uống. Lúc ấy Cú ta được con chuột, Uyên Sồ bay qua. Nó ngẩng lên trông mà kêu "hoé". Nay bác muốn đem nước Lương nhà bác mà "hoé" tôi sao.
Thầy Huệ ngượng, thầm rủa bọn dưới cấp thích nịch. Huệ Thi bảy tuổi thông Tứ thư. Mười tuổi đọc hết Ngũ kinh. Xong lớp mười hai thi đại học ba môn hai mươi chín điểm đủ tiêu chuẩn xuất ngoại. Ngao du giẫm nát thiên hạ, được coi là tổ sư của triết phái danh học. Nhưng Huệ thi không phải là hạng hủ nho nhá văn nhai chữ. Ðọc sách quên sách chỉ cốt đạt ý. Trang Tử quí tính ấy mà coi như bạn. Trang thường bảo:
- Người đất Sính lấy vữa đắp lên đầu mũi như cánh ve. Rồi sai Phó Thạch đẽo nó. Phó Thạch vung búa nghe thành tiếng gió mà đẽo. Vữa hết mà mũi không sứt. Huệ Thi là người đất Sính chăng. Ta là Phó Thạch chăng.
Huệ tử đàm luận với Trang tử thường bị cùng lý. Nhiều lúc phẫn chí chỉ mặt Trang thề tuyệt giao. Nhưng cứ về đến nhà tâm chính lại giận tự tan. Hối quá, vòng sang nhà Trang xin lỗi. Mười lần vậy cả mười. Hai người chơi bời đi lại mười mấy năm với nhau mà không nhạt. Trang dội được gần ba gầu nước, chợt nhớ ra bánh Camay mua hôm nhân đi du lịch, vội lên nhà bếp lấy xuống gội đầu. Tắm xong, Trang thong thả mặc áo thô đi lên nhà trên. Huệ Thi râu để ba chòm ngồi xếp chân vòng tròn trên phản, đang đọc bản thảo Nam Hoa kinh chương Tiêu dao du. Ngẩng lên nhìn tóc Trang ướt, nói:
- Chà, xà phòng ngoại. Tưởng bác là người giản dị hoá ra cũng cầu kỳ gớm.
Trang tử rót một chén nước, khẽ cười.
- Người có Ðức tiếp với vật mà chẳng chối. Dùng với vật mà chẳng luỵ vào vật. Camay dạo này sẵn hơn chanh, cớ gì phải gội bằng chanh để tạo vẻ thanh sạch.
Vợ Trang đã luộc xong cá, để hết vào tô lớn bày ra. Chiều muộn. Trăng thu tròn chới với ngọn tre. Trang với hũ rượu rót đầy hai chén. Thường thường, những buổi như thế này, hai người song ẩm luôn qua đêm.
- Mời bác.
- Có lẽ tôi xin phép, dạo này thấy hơi ngâm ngẩm về bao tử. Hơn nữa thời gian tới tôi định đi sâu vào sáng tác.
- Tuỳ bác thôi. Trái đất này mang ta đi là vì ta có thể xác. Làm cho ta mệt mỏi vì ta sống. Cho ta rỗi rãi là vì tuổi già. Cho ta nghỉ ngơi là vì ta chết. Cho nên khéo nuôi cái sống của ta là khéo liệu cái chết của ta. Tạng của bác, thích tham chính để cải phép nước. Thích viết sách để giáo hoá nhân gian. Tạng của bác vậy, tuỳ bác thôi. Biện sĩ lấy cãi nhau làm thích. Ðàn bà lấy ngồi lê đôi mách làm hay. Bác thấy giữ gìn sức khoẻ là điều tốt thì bác cứ giữ.
- Sức khoẻ đành rằng là quan trọng nhưng còn có cái hơn. Ðó là tư cách là phong độ. Bác cứ lang thang, cứ uống rượu dài dài thế này tôi e cách sống của bác nát mất. Hoa tàn để hương, người mất để danh. Bác chủ trương vô vi, cuộc sống vô nghĩa. Như vậy nên chăng.
Trang cười lớn:
- Thế nào là nghĩa, thế nào là vô nghĩa. Thế nào là phải, thế nào là quấy. Kẻ biết đạo tất đạt về lý. Kẻ đạt lý tất rõ về quyền biến. Con người ta ở đời đều thích người ta đồng với mình mà ghét người khác mình. Thế nên vô tình hữu ý ai cùng thích áp đặt. Cho hành vi của mình xuất từ ý thiện. Bác Huệ này, xưa kia chim biển đậu trên cánh đồng nước Lỗ. Vua Lỗ ngự ra chuốc rượu cho nó ở nhà Thái miếu tấu Cửu thiều mà làm nhạc. Sắp trâu bò để làm món ăn. Chim biển nhớn nhác lo buồn mà không dám ăn một miếng, không dám uống một chén. Ba ngày mà chết. Ðó là vua Lỗ, lấy cách nuôi mình mà nuôi chim, chẳng phải lấy cách nuôi chim mà nuôi chim. Kìa, lấy cách nuôi chim mà nuôi chim thì nên cho nó đậu ở rừng sâu, chơi ở đồng ruộng, bơi trên sông hồ, ăn bằng tôm cá, theo hàng lối mà chạy, ung dung mà ở. Nó cứ nghe người ta nói là không thích, huống chi còn léo nhéo. Những bản Sonata của Betthoven hay đoản khúc của Beatles người nghe thì xúm quanh, chim nghe thì bay đi. Nhìn các hoa hậu báo Tiền Phong cá chỉ muốn lặn. Vì sao cá ở dưới nước thì sống người ở dưới nước thì chết. Chúng khác với nhau, nên chúng yêu ghét khác nhau. Do vậy những bậc thánh ở đời không giống nhau về tài. Không đồng nhau về việc. Danh dừng ở thực.
Trang nói nhiều, khát, chiêu giọng bằng ngụm rượu lớn. Huệ tử hỏi:
- Thế theo bác con người tiêu chuẩn là như thế nào.
- Tôi không biết. Tuy nhiên bậc chí nhân lúc ngủ không mộng, lúc thức không lo. Không biết thích sống, không biết ghét chết. Bề ngoài họ có nghĩa mà không bè đảng như không đủ mà không thừa phụng. Nhởn nhơ họ vuông mà không rắn. Bao la họ trống rỗng mà không phù hoa. Họ biết dừng ở chỗ mình không biết. Bậc thật là người, có hình của người nhưng không có tình của người. Có hình của người nên cùng đàn với người. Không tình của người nên phải trái không bận đến thân. Mừng giận thông với bốn mùa. Có cách hợp với vật mà không ai biết đến đâu mà cùng.
Huệ Thi gắp miếng cá, hơi tanh, đành nhấp chút rượu:
- Thôi được. Bác ba hoa thế là đủ rồi. Ý bác mông lung chẳng giúp gì cho người đời. Các Mác nói: "Tất cả các triết gia chỉ biết giải thích thế giới là thế này, thế giới là thế kia mà không biết đâu căn bản. Phải cải tạo thế giới".
- Bác lại trích lời hậu học. Trí nhớ bác xuất sắc thật. Mà các triết gia mấy ai đáng gọi là thánh nhân. Nhưng trong đời, hạng thiện ít, hạng bất thiện nhiều. Thánh nhân làm lợi thiên hạ thì ít mà làm hại thiên hạ thì nhiều. Vì sao, ngựa ở cạn thì ăn cỏ, uống nước. Mừng thì tréo cổ tựa nhau. Giận thì quay lưng đá nhau. Dân cũng vậy. Ngậm cơm mà vui vỗ bụng mà chơi. Những bậc được xưng tụng là thánh nhân, bắt bê lễ nhạc để bó buộc hình người đời. Treo cao nhân nghĩa để yên ủi lòng người đời. Nên dân bắt đầu cạnh khóe thích khôn. Những bậc thánh nhân đó, đều biết tìm cái mình không biết mà chẳng ai biết tìm cái mà mình đã biết. Ðều biết chê cái mình cho là không phải mà không biết chê cái mình đã cho là phải.
Ðồng hồ buông bảy tiếng. Bình sinh, Trang điềm đạm ít nói. Cứ ngồi với Huệ đâm nói nhiều. Cũng dễ hiểu. Ðồ mồi nghèo hũ rượu lớn lại lai rai. Không tán láo đâm đơn điệu. Trời nhờ nhờ tối. Có ánh đèn pin lia qua sân, ông hàng xóm về hưu năm ngoái bước vào.
- Ồ vui vẻ gớm. Chào hai bác.
- Kính bác ngồi.
Huệ Thi lấy thêm chén. Trang giới thiệu:
- Ðây là bác Huệ. Ðây là bác Ðông Quách.
Ðông Quách tiên sinh trịnh trọng uống. Ðặt chén, xã giao vui vẻ với Huệ tử:
- Hai bác đang bàn gì vậy.
- Dạ, đang bàn về đạo.
Thầy Ðông Quách quay sang hỏi Trang:
- Cái gọi là đạo ở chỗ nào?
- Không chỗ nào là nó không ở.
- Phải chỉ ra mới được.
- Ở con muỗi, ở con kiến.
- Sao mà thấp vậy.
- Ở đầm sâu, ở vực.
- Sao lại thấp hơn vậy.
- Ở hũ rượu, ở sàn nhẩy.
- Sao lại phù phiếm thế.
- Ở toilette.
Thầy Ðông Quách sầm mặt buông đũa về thẳng nhà. Bực mình quên cả họp tổ hưu xã.
Tối hôm ấy Huệ Thi về rồi, Trang say quá đái dầm cả ra phản, ướt chiếc chiếu mới. Vợ Trang cằn nhằn đủ ba ngày.
Chương 6.2

Hoàng đến Hải Phòng vào khoảng chín giờ. Một trăm lẻ tám cây số đường trường nhiều gió và buốt, không thể đi nhanh. Bàn tay không đeo găng, từng đốt muốn rụng. Anh rời Hà Nội đúng tút tút sáu giờ. Vừa chẵn ba tiếng. Hải Phòng là thành phố trẻ, nó loay hoay đang lớn. Nhịp đập sinh hoạt vẫn phụ thuộc nhiều vào giờ giấc hành chính. Nó cũng có những nét riêng của nó. Nếu tiên tri Êdekien gọi Giê su gia lem là một con điếm đàng, thì tạm gọi Hải Phòng là thằng cao bồi. Các thiếu nữ trông thô, nói giọng hơi đục. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cho rằng tại nước. Sinh viên ít, làm bộ mặt thành phố mất vẻ mềm mại. Hoàng vòng qua Nhà hát lớn, lưỡng lự tạt vào một phố nhỏ có cái biển gỉ loè nhòe tên. Một gánh phở vỉa hè buổi sáng kha khá đông người. Kinh nghiệm nhiều năm lang thang cho rằng chắc ăn cũng được. Anh gọi chén rượu, một cỗ lòng gà quấn hành chần. Nói chung, rượu vùng Ðông Bắc mới uống thấy nhạt và hơi ngang, nhưng quen dần cũng là tông rượu dễ chịu. Hoàng xuống đón Thủy. Hết tháng cô mới xong thực tập, nhưng chủ nhật tuần sau Tâm ăn hỏi. Thuỷ xa Hà Nội mới hơn tuần. Hôm cô vào giáo vụ khóc lóc mãi, cũng được đồng ý chuyển lên Hà Nội. Nhưng đã trót phân thì cứ đi cho tròn tháng. Thuỷ vẫn giận Hoàng. Hôm anh đi tiễn, cô khó chịu lắm. "Hãy để tự tôi nguôi ngoai". Biết làm sao được, Hoàng sốt ruột nhưng lại sợ người yêu đành hanh. Buổi sáng thành phố Cảng không ồn ào, nhưng khá bụi. Hoàng uống sang chén thứ hai, tay đã đỡ cóng hơn. Bỗng vỉa hè bên kia đường nhốn nháo. Một gã đàn ông lực lưỡng, săn sắt tuổi bốn mươi đang đấm đá một thiếu phụ gầy gò. Bà hàng phở thở dài. "Lại vợ chồng nhà Dần". Gã vũ phu một tay túm ngực áo tay kia tát lấy tát để vào mặt vợ. Hoàng đặt chén xuống. Mọi người đang ăn phở quay sang nhìn. Xung quanh cặp vợ chồng, đã tròn tròn một đám đông, dửng dưng xem. Ðứng sát vỉa cống đầu kia, ba đứa trẻ, chắc là con, mặc nhếch nhách ôm nhau lập cập khóc. Chị vợ vùng chạy sang bên vỉa hè Hoàng ngồi. Gã kia đuổi theo, kiểu chạy loạng choạng của kẻ đã uống không dưới một lít. Gã sáp tới gần, chị vợ đổi hướng nên gã chới với túm trượt. Ðám đông sắc sảo bình luận, thiên về ủng hộ kẻ yếu. Một ông đeo kính, tay cầm Từ điển Pháp Việt, ví cú quặt của chị vợ y xì như động tác đảo người lừa bóng của một danh thủ đất Cảng. Cuộc cút bắt tăng tốc độ. Chị vợ đột ngột vấp, ngã xóng xoài. Cái gì nhói làm Hoàng bật lên. "Bình tĩnh, anh gì bình tĩnh đã". Hoàng thẳng người chận gã đàn ông. Gã kia khựng lại ngơ ngơ một lúc nhìn Hoàng không hiểu. Chợt gã bật cười nghe khùng khục như nghiến đá. Quả đấm nhanh đến nỗi Hoàng chẳng cảm thấy đau. Anh bật ngửa ra vỉa hè. Hàng phố xung quanh cười rộ lên. "Ðánh nhau như xi-nê". Bà chủ quán giải khát gần đấy, cố nhịn cười hổn hển nói. Suốt nửa tháng sau, khi kể cho khách quen cảnh một thanh niên bị đấm ngã tơ hơ, bà chủ quán vẫn không sao nhịn được cười.
Hoàng thanh toán tiền rượu. Ðám đông cổ vũ Hoàng tỏ vẻ thất vọng khi thấy anh ủ rũ không phản ứng. Gã đàn ông ngà ngà rượu, hình như cũng hả, đứng nhún nhẩy kiểu võ quyền Anh miệng vui vẻ hét: "Nào, nào!" Hoàng lên xe đi mãi hai vòng mới kiếm được quán cà phê thật vắng. Anh kêu ly cà phê đen và điếu ba số. Chủ quán là một thiếu phụ mơ màng, mắt long lanh đưa tình. Theo sách tướng phải đi hai lần đò mới đứng số. Hoàng hỏi xin ít dầu hỏa. Trời lạnh, chỗ bị đánh sưng húp và đau nhức. Thiếu phụ chủ quán rất nhiệt tình, đưa Hoàng mượn cả chiếc khăn mùi xoa Trung Quốc thêu hoa leo.
- Anh vừa từ Hà Nội xuống.
- Vâng.
- Chắc ngã xe hả.
- Vâng, chỗ Quán Toan. Tôi cua gấp quá.
Thiếu phụ nhìn cái Dream, lấy làm mừng cho ông khách là xe không bị xước sơn. Kể chuyện hôm nọ cậu em, cũng phi Dream đi nhẩy đầm, uống nhiều bia ngã vỡ hết xi nhan, mất đứt chỉ rưởi. Hoàng an ủi là của đi thay người. Thiếu phụ chủ quán uốn éo váy hoa đi vào buồng trong, bật băng nhạc có ca sĩ Tuấn Vũ hát bài đêm đêm ngửi mùi hương. Hoàng ngồi quay mặt ra phố, chầm chậm hút thuốc. Tại sao, tại sao mình lại làm vậy? Mình đã thề với mình biết bao lần là không nhấp nhổm nữa. Một thằng đàn ông uống rượu rồi đánh vợ. Chuyện vặt liên tục của đời thường. Mình đã chứng kiến không ít điều khốn nạn. Liên quan gì đến mình. Buổi tối bọn họ lại làm lành. Gã đàn ông kia có thể đạp xích lô, có thể là phu khuân vác hoặc có thể là công nhân tay nghề bậc cao của một nhà máy cơ khí nào đó. Cuộc sống đơn điệu theo chiều xoáy một đinh vít. Sau một việc nặng thì kiếm chén rượu để hưng phấn tinh thần. Lâu thành quen. Bảo nghiện ngập cũng được. Rượu gây ra nhiều ảo ảnh. Hoặc chua chát hoặc hạnh phúc. Nhưng ít nhất người uống cũng được bước chân sang thế giới khác. Khi bị tuột ra khỏi, đối mặt với muôn năm đời thường. Con nhõng nhẽo. Vợ ốm. Ðã mệt đứt hơi lại còn nghe cằn nhằn. Mà con đề nuôi nửa tháng nay nhất quyết không chịu ra. Thế thì phải đánh vợ thôi. Có cái gì bải hoải vô nghĩa đầy phi lý quẩn quanh thắt ngang cổ họng Hoàng. Anh gọi chủ quán tính tiền. Thiếu phụ thay bộ pyjama mới màu hồng nhạt, liếc Hoàng. Ra đến cửa Hoàng sờ lại chỗ bị ăn đòn. Hình như sưng hơn.
Ngân hàng Hải Phòng xây từ thời Pháp. Kiểu kiến trúc gotique đá xám toát ra vẻ lành lạnh uy nghiêm của đồng tiền. Hoàng trình giấy ở phòng bảo vệ. Gửi xe. Tích kê ghi số 461. Ði ngang qua sân, Hoàng gặp một thanh niên rất trẻ, để ria rậm ôm một mớ chứng từ. Anh ta lấy vai huých Hoàng.
- Có lửa không.
Hồi Hoàng bé, ông ký nhà băng thi thoảng lại dắt con ra cơ quan. Phòng kế toán Ngân hàng Hà Nội nhan nhản phụ nữ. Ông cán bộ lưu dung năm nào cũng bị phòng tổ chức gọi lên doạ cho về mất sức ngồi cóm róm trong góc. Hoàng ngồi xem bố hoặc viết bằng khen hoặc đánh số thứ tự sổ lưu. Các cô các bà sồn sồn đi ngang thò tay cấu véo tháng bé mảnh khảnh đẹp giai. Trong phòng duy nhất một gã thanh niên. Hình như là con sếp. Mặt béo no nê là thoả mãn. Chị em trong phòng khá nhiều, cùng chẳng hiểu tại sao. Gã béo sống lâu với đàn bà nhiễm âm khí, ưỡn ẹo đi lại ăn nói. Thi thoảng nói đùa rất tục. Gã lấc cấc, ông ký còm sợ một phép. Từ đấy Hoàng mang nặng sự khó chịu với những thanh niên cống hiến tuổi thanh xuân cho ngành ngân hàng. Hoàng sờ túi tìm bật lửa, gạt nấc ga hết cỡ. Gã thanh niên ngậm điếu Héro ghé sát xuống. Tia lửa phụt dài chừng mười phân. Bật lửa mác Malbro, Hoàng mượn của cậu Khánh cùng phòng, thấy tốt quá rất ngại giả. Có mùi tóc cháy khen khét. Gã thanh niên be be thét lên. Hoàng chân thành xin lỗi, nhã nhặn hỏi thăm phòng tín dụng. Lên đến gác hai, anh rẽ phải. Cửa phòng mở một cánh. Hoàng dừng trước ngưỡng rụt rè nhìn. Bàn giấy của tất cả các công sở có không khí giống nhau. Hoàng nhận ra mùi vị quen thuộc của cơ quan mình. Hai bà trung niên đan len. Ở góc phòng, ba thiếu nữ đang túm tụm bình phẩm chiếc áo khoác mới của thiếu nữ thứ tư.
- Xin lỗi các chị, làm ơn cho được hỏi thăm nhờ một chút.
Mọi người đều quay lại nhìn Hoàng. Một bà ngồi bàn riêng áng chừng trưởng phòng. Là người duy nhất có vẻ đang làm việc. Trước mặt, để tập công văn in ronéo. Một xấp giấy tờ to nhỏ các khổ kẹp trong cặp ba dây. Khuôn mặt khô khan với kính trắng, với bím tóc chạy vòng lửng qua gáy. Một nữ mẫu tượng điển hình của nền mỹ thuật công chức thập kỷ sáu mươi. Bà ta ngẩng lên.
- Anh hỏi gì.
Hoàng lễ phép.
- Dạ, hỏi cô Thuỷ là sinh viên thực tập người Hà Nội.
Trong phòng có vài tiếng xì xào. Mấy cô gái trẻ khúc khích cười đun đẩy nhau. Có - lẽ - Trưởng phòng nhìn Hoàng chằm chằm.
- Anh là thế nào với cô Thuỷ?
Một thứ oral tò mò công chức. Hoàng nhũn nhặn.
- Dạ, em là cháu họ đằng ngoại.
Có sự hụt hẫng nào đấy trên tất cả khuôn mặt mọi người trong phòng. Dù sao, chuyện tình là lĩnh vực khi dòm ngó vào đấy đàn bà rất dễ sinh khoái cảm.
- Cô Thuỷ về Hà Nội rồi. Chiều qua có anh chàng đẹp trai đi Cup đến đón. Tôi thông cảm nhà xa nên ký duyệt trước cho cô ấy cái báo cáo thực tập.
- Cám ơn các chị.
Hoàng uể oải xuống cầu thang. Có cái gì buồn bã. Không hiểu ai đưa Thuỷ về. Ðáng nhẽ trước khi xuất hành mình phải xem giờ. Ði qua phòng bảo vệ Hoàng nhìn đồng hồ treo tường. Mười một giờ hăm nhăm. Hoàng phóng xe qua nhà Huệ, cô bạn gái nội trú rất thân của Thuỷ. Gần hai tuần dưới Hải Phòng, Thuỷ đều ở nhà Huệ. Cửa sơn nâu im ỉm khép. Ngôi nhà ba tầng đồ sộ nuốt từng tiếng chuông dài. Một cơn gió buốt đột ngột cứa ửng đỏ ngón tay trỏ để quá lâu lên núm chuông lạnh. Ðến nhà thằng Bích vậy. Hoàng vòng qua chợ Sắt, mang máng tìm nhà người bạn cũ. Hải Phòng thay da đổi thịt từng giờ. Hai bên vỉa hè ngập đầy những sạp gỗ thông đóng vội, bày bán đủ thứ hàng nội ngoại. Các thiếu nữ mười sáu, mười tám bán hàng. Các bà già năm mươi, bẩy mươi bán hàng. Ngần ấy khuôn mặt lấp lánh hưng phấn về ước mơ bạc triệu. Họ hau háu mời khách. Thất vọng tràn trề nhìn những gã nhà quê khoác túi trôi sang hàng bên cạnh. Hai vòng loanh quanh rồi Hoàng cũng tìm ra nhà Bích. Khuất trong một ngõ nhỏ đông hộ nằm trên con đường chạy ra Ðồ Sơn. Bích có nhà. Hoàng thân Bích từ cái thủa lưu lạc vời vợi trong Sài Gòn. Mấy gã lãng tử lang thang gần chết đói ngẫu nhiên gặp nhau trong bữa rượu còm bàn kế kiếm sống. Một ban nhạc ra đời. Nó có cái tên thuần Việt "Sóng Ðêm". Nó hao hao giống một thứ Smoky nửa mùa, mà Bích đóng vai Christ Norman. Cùng gầy gò, cùng chất giọng hổn hển khàn khàn. Nó được một Mạnh Thường Quân chợ giời dư dật tiền viện trợ hải ngoại, đột nhiên ngộ độc nghệ thuật đứng ra làm ông bầu. Trong ban nhạc Hoàng chơi guitare bass.
- Xuống từ bao giờ đấy.
Bích chùi hai tay bê bết sơn vào vạt áo đứng lên tiếp bạn. Hơn một năm không gặp nhưng cũng chẳng vồ vập. Thuộc nhau quá mà. Dưới sàn, một tấm biển tôn đang được kẻ dở ba chữ "Phở đặc biệt". Một thằng nhóc chừng gần bốn tuổi lê la cạnh đấy nghịch hộp màu. Khuôn mặt nhếch nhác, giống Bích, nhưng quần áo thì bẩn hơn.
- Hai bố con mày ăn cơm chưa.
- Ðang định nhịn. Thằng ôn nhà tao có lẽ là đạo sĩ yoga bẩm sinh. Hắn như không bao giờ kêu đói. Uống chút gì nhớ.
- Ừ.
- Tao còn ít tiền. Ăn nhà hay ra tiệm.
- Mua về mày ạ. Mấy con mẹ hàng cơm gần phố tao cắm sổ nhiều quá.
Bích lục gầm giường lôi ra hai cái cặp lồng. Lớp bụi dầy. Giáo sư khảo cổ Hà Văn Tấn chắc cũng phải lắc đầu khi xác định niên đại. Còn vỏ chai thì sẵn lắm. Ðủ loại. Hoàng chọn một vỏ 0,65 lít lững thững đi bộ ra phố.
Ðầu năm tám nhăm ban nhạc "Sóng đêm" tự tan. Sóng vỗ mãi chẳng thấy bờ. Christ Norman bán rẻ cây ghi ta lấy tiền ăn đường về quê. Phiên bản có lỗi của Kinh Kha đành phải quay đầu. Nhớ năm xưa, vai khoác ba lô vượt cầu Thượng lý miệng ngâm bài Tống biệt hành. Quê hương yêu dấu và gia đình nhăn mặt tiếp nhận tráng sĩ vỡ nợ. "Chí lớn không thành bàn tay không". Văn chương quả là có ma. Hải Phòng những năm ấy ngột ngạt trong không khí đổi tiền. Cửa khẩu lớn nhất miền Bắc ấm ức suy nhược vì cơn sốt ác tính kinh tế. Và cái gì đến phải đến. Chính sách kinh tế mới ra đời. Tiểu thương tư doanh hả hê như cán bộ trong biên chế. Con bệnh nhóc nhách gượng lại sức đòi ăn giả bữa. Dân tình ham hố kiếm tiền. Có ba vạn chín nghìn cách làm giầu. Ðây là thời hoàng kim cho các "ếch". Ngoài ngoại thương, nội thương cũng bung ra. Nhiều cơ sở kinh tế được đầu tư thêm vốn đã thấy lãi. Nhiều vật tư quí hiếm trong kho Cảng đã bị mất cắp. Ở quán cà phê người ta chỉ bàn về "cầu" và "quả". Thuật ngữ "Ðổi mới tư duy", "Hạch toán kinh tế" được mài nhẵn trên các loa của phường. Cuộc sống sôi sục mùi đồng. Thuỷ thủ tàu Viễn dương là phù điêu nổi trong trái tim các thiếu nữ. Tất nhiên, nền kinh tế mới cũng phát sinh phụ tùng kèm. Một thằng nhóc mười sáu tuổi bắn chết trọn vẹn cả gia đình hàng xóm chỉ để lấy hai trăm nghìn. Và sáng tinh mơ một hôm giữa hè, dân chúng khiếp đảm vì tiếng hét trước khi trẫm mình xuống sông Cấm của một gã người Kiến An buôn dưa lê. Hôm qua, ngồi loạng choạng uống rượu ở vườn hoa Ðưa Người, gã bắt gặp cô vợ chưa cưới trốn vụ gặt ra thành phố hành nghề. Bích lao vào vòng xoáy, cũng kiếm chác được. Anh làm nghề kẻ biển. Gã cựu sinh viên nhạc viện vét vài hoa tay còn sót lại tặng cho ngành mỹ thuật công nghiệp. Nhà nhà bung ra, người người bung ra. Các cơ quan chạy theo mốt thi nhau thay tên đổi họ. Bích túi bụi không hết việc. Nhưng đấy là ban ngày. Chiều buông xuống, xách đàn đi đánh "pắc" ở các sàn nhảy đang mọc ra như nấm. Làm ra tiền thì người ta cũng phải xả. Mà nhảy đầm vừa là thể thao vừa là nghệ thuật. Một cây sô lô cỡ như Bích thì không lo thiếu chỗ. Rủng rình tiền. Không những làm lành với gia đình mà còn cưới được vợ. Câu "Sông có khúc, người có lúc" hoá ra là thật. Vợ Bích quá đẹp. Cao một mét sáu hai, mũi thẳng như đoạn thẳng nhất của quốc lộ số Năm. Nói chung là hoàn thiện trừ tật nhổ bậy. Nàng là tín đồ của đạo Disco. Mẹ nàng là bà chủ sạp quần áo lớn nhất nhì chợ Sắt. Nàng đã xong trung cấp Tài chính và qua bố, một ông kễnh có chức có quyền, đã kiếm được chỗ làm vững chắc ở công sở nhà nước. Nàng là tiêu chuẩn của tiêu chuẩn. Một phần ba những trái tim đàn ông của thành phố Cảng sẵn sàng chấp nhận cho gót giày đầm của nàng xéo nát. Thế mà, háo danh, ưa ăn diện, đức tính muôn đời của phụ nữ đã đẩy nàng tới chàng nhạc công con đẻ của vỉa hè. Ánh đèn mầu lung linh thông dâm cùng nét nhạc luyến láy huyền ảo đã lừa được nàng. Một đám cưới ngông nghênh khen khét mùi bạc triệu. Giá của đêm động phòng được hạch toán bằng một năm lao động quần quật của ngôi sao ca nhạc nhẹ miền Duyên hải. Cái veston của Dieter Bohlen rơi xuống lộ ra bộ ngực xương xẩu của gã nghệ sĩ còm. Cô dâu rú lên với tất cả trong trắng của sự nhẹ dạ. Giờ đây thành công của hôn nhân duy nhất phụ thuộc vào hồi môn đằng vợ, ở luận cứ này, đã bộc lộ rõ sự ngu dốt về tư duy kinh tế của Bích nói riêng và artist nói chung. Money is money. Họ nhà ngoại đồng ca bản nhạc kịch về gã Sở Khanh. Chủ xướng giọng cao vút là nhạc mẫu. Liên tục trong vòng ba tuần mục "Tâm sự" của báo Phụ nữ Việt Nam nhận được một trăm mười bốn bức thư nhuộm màu thảm thiết từ cùng một địa chỉ. Chị Thanh Tâm lên cơn co giật phải nhờ nhà ngoại cảm Ðồ Bá chữa bằng khí công. Bích chóng mặt, tự an ủi tương lai bằng việc tân nương đã có bầu hai tháng. Cô dâu đi xem tử vi đành chấp nhận tuổi buồn. Nhưng nàng không tin lắm vào bói toán. Ðẻ xong thằng bé kháu khỉnh chừng ba tháng, nàng lấy cớ về nhà mẹ điều dưỡng rồi hát bản Adieu L amour. Bích đến đón con, không gặp phải thủ tục nào rắc rối. Thằng nhóc bị cả họ ngoại ghét, nó giống bố quá. Mười một tháng lẻ một ngày sau, mẹ nó quay lại lấy chữ ký ly dị, hợp pháp hoá việc kết hôn với một thuỷ thủ Viễn dương. Dưới lá đơn để bốn lá vàng Kim Thành thơm thơm mùi biển. Bích ký, chữ ký tròn và đẹp. Còn vàng, anh lịch sự cảm ơn không cầm. Ðêm hôm ấy gã thợ kẻ biển nằm ôm trưởng nam khóc, nước mắt không tan đọng ở gối làm rám cả má trái thằng bé. Hoàng xin Nhã ít tiền xuống thăm ở với bạn tuần lễ. Chao ơi, sự tính toán của thằng đểu bạn anh, định hóng hớt ít mầu mỡ giầu sang, mong yên đi một bề để sống hết những gì sở thích. Suốt tuần, Hoàng với Bích uống hai tư trên hai tư. Những bữa rượu hồi ấy có ba thằng đàn ông. Hai thằng nhớn, một thằng bé. Một thằng bé cười nhìn hai thằng nhớn khóc.
Hoàng mua đầy một cặp lồng phở xào. Còn cặp lồng kia đựng vịt quay. Nghĩ ngợi thế nào, chơi sang, mua hai chai Lúa mới. Rượu không quen mua hàng lạ, uống dễ đau đầu. Bích dọn nhà tươm tươm, lộ một khoảng trống giữa sàn. Thằng bé được rửa qua mặt ngồi chờ xếp chân vòng tròn. Mâm là tờ Văn hoá thể thao số cũ. Hoàng và Bích chạm chén. Sĩ biệt tam nhật, tiện đường quát mục tương đãi. Kẻ sĩ lâu lâu không gặp nhau xã giao dùng lễ. Trong vòng bẩy phút thằng bé ăn hết cặp lồng lèn đầy ba đĩa phở. Một thực nghiệp chứng minh khả năng phi thường của lứa tuổi mẫu giáo. Ông bố lẩm bẩm là Lúa mới dạo này nấu ẩu, nồng quá, lén lau mắt. Ðược giữa tuần rượu, Bích ngà ngà.
- Chắc mày xuống có việc gì?
- Ừ, có vài chuyện.
- Dính dáng đến tao không.
- Thuỷ nó thực tập dưới này.
- Trời đất, sao mày không bảo tao. Nó xuống lâu chưa.
- Hai đứa cãi nhau.
Bích nốc cạn chén rượu.
- Mày nhiều lúc ngu lắm. Chuyện này mà không giữ được thì uổng quá.
- Tao cũng đang cố giữ.
Hè năm ngoái. Bích bế con lên Hà Nội chơi với bác Hoàng chừng nửa tháng. Hoàng giới thiệu Thuỷ. Thằng bé con quấn quít cô kinh khủng. Chắc nó đói mẹ. Hoặc cũng có thể vì chiều nào Thuỷ cũng nhồi cho nó đầy một bụng chè.
- Ba năm nay hai bố con tao sống với nhau, tao ngộ ra một điều. Muốn giữ hạnh phúc và ổn định của gia đình mình không thể chỉ bằng tình cảm. Phải có thủ đoạn. Mỗi đứa phải có một con tẩy.
- Tao nhớ là mày chưa bao giờ đánh "Xì" mà được.
- Mày ngu lắm. Tao hiện giờ đang có những kinh nghiệm trả bằng máu. Tao không muốn mày lập lại vết xe đổ của chính tao. Mày là thằng thông minh duy nhất mà tao tôn trọng. Sức học của mày, tài năng của mày. Thế nhưng tất cả điều đó đều là siêu hình. Nó có lợi cho một cái gì đó ngoài cõi trần. Tiên sư mày, đã bao giờ mày mua tặng cho người yêu mày một thỏi son chưa, chứ đừng nói một cái áo. Ở đây, tao loại đi sự thô thiển của chủ nghĩa thực dụng. Nhưng mày phải nhớ, Thuỷ là chị cả của một gia đình đông em. Một cô con gái nhớn của một gia đình cán bộ chỉ biết trông vào đồng lương. Tao biết Thuỷ yêu mày, rất yêu. Nhưng muốn giữ người yêu thì phải có thủ đoạn, thậm chí, độc ác.
Lý thuyết gia về cấu trúc hôn nhân phấn khích vung tay suýt đổ cặp lồng thịt vịt.
- Nói chuyện khác đi.
- Thế Thuỷ nó về rồi à?
- Ừ, hình như có ai đón.
- Mẹ kiếp.
- Nói chuyện khác đi.
Bích đần mặt. Hoàng rót nốt cho cạn chai thứ nhất. Quá thuộc bạn, nên chẳng vặt nhau làm gì. Gào lên, thét lên. Ðộc ác, thủ đoạn. Có làm được đâu mà gào. Lạy Chúa, Chúa sinh ra những người "Mắt đền mắt, răng đền răng" và Chúa cũng sinh ra những người "Bị tát má trái thì chìa má phải".
- Mày dạo này có chạy chọt gì thêm không - Hoàng hỏi - Thằng Tâm nó nhờ tao xuống dưới này nghe ngóng thị trường.
Bích mắt sáng.
- Nó có tiêu thụ được Niken không. Hiện giờ tao có ba tấn. Nguyên đai nguyên kiện.
- Tao không biết.
- Mày lên Hà Nội hỏi lại xem. Nếu đánh trôi quả này tao với mày mỗi thằng đút túi năm triệu.
Hoàng tủm tỉm cười. Lần trước Hoàng xuống, Bích đang vò đầu bứt tai vì tiếc quả chỉ trỏ hụt một xe du lịch Toyota với tiền hoa hồng là bảy triệu. Bao nhiêu năm thằng bạn anh vẫn vậy. Hóng được một thông tin kinh tế ở hàng nước, gã nghệ sĩ leo lên cái xe đạp cứ ba vòng là tuột xích, lao từ quận Hồng Bàng, qua Ngô Quyền rồi xuống Lê Chân. Trời chạng vạng tối đến được nhà chính chủ mới biết, xe đã được bán cách đây hai tháng. Thằng con gửi tạm hàng xóm khóc hết nước mắt. Thẫn thờ, hai bố con lếch thếch bế nhau ra hàng cơm vỉa hè, ăn chịu. Và cho đến nửa đêm, papa hì hụi kẻ biển trừ nợ. Hoàng châm điếu thuốc.
- Dưới này còn cái tàu chiến lẻ nào không.
- Cái gì.
Thằng Tâm nhà tao muốn ôm một cái tầu chiến đập hộp...
Bích văng rất tục. Thằng con ăn no xong, nằm phơi bụng nghe thấy lẩm bẩm nhắc lại cố nhập tâm. Nó đi nhà trẻ phường một tuần thì bị đuổi cổ. Người ta không chịu được một thằng ranh học lớp cơm nát chửi bậy quá xuất sắc. Bữa rượu đến nửa đêm thì tàn. Hai vỏ chai nằm ngả nghiêng dưới chân ba thằng đàn ông. Thằng nhóc nằm gối đầu lên hộp đàn ghita bong véc ni, há hốc mồm ngủ. Hoàng với Bích hết hai chai lè nhè song ca. Hàng xóm bên cạnh mấy lần đập vách yêu cầu hai ông đang say hát be bé.
Sáu giờ sáng tỉnh rượu, Hoàng quay về Hà Nội. Bố con Bích vẫn ngủ. Hoàng khép hờ cửa, vô phúc cho thằng trộm nào vào cái nhà này. Ra đến cây số bẩy, sương hơi tan. Quốc lộ vắng, lác đác ôtô tải. Hoàng đỗ xe bước xuống vỉa đường móc họng nôn. Có thằng chăn vịt, mông thâm tím ngồi bĩnh sớm ở bên kia rệ đường, thao láo mắt nhìn. Cố về đến Hải Dương, ăn tạm bát phở thịt lợn. Chủ quán nhiệt tình cho mượn cả bài chải đánh răng. Xe đi không nhanh. Ðầu Hoàng đau nhức, tay mỏi. Qua cần Chương Dương là gần mười một giờ. Hoàng tạt về cơ quan. Trưa lạnh nhiều mây mầu xám chì, phòng Hoàng vắng lèo tèo. Sếp nhớn đi họp. Chuyên môn của sếp là họp. Gọi một cách thuật ngữ là họp chuyên môn. Dĩ nhiên là vẫn còn Mộng Hoa. Một tấm gương sáng về giờ giấc hành chính. Nàng đang ngồi xem một tập báo tết, chỗ của ông phó phòng. Hôm nay không quá lạnh, nhưng nàng mặc áo vét, trong ba áo len. Trông ngộ và tức anh ách như thơ Bút Tre. Hoàng ra vẻ vô tư ngồi lên mặt bàn hỏi trống không.
- Sếp nhỡ đi đâu ý nhỉ.
Mộng Hoa đứng bật lên. Chiều cao một mét năm mươi.
- Cậu Hoàng, tôi ngồi thế này mà cậu dám ngồi thế à?
- I am very sorry.
- Cuối tuần phòng họp, cậu nhớ có mặt. Có cần tôi nhắc lại không.
- Tôi đang nghỉ không ăn lương.
- Trường hợp của cậu, tôi đã đề nghị Ban giám đốc xét lại. Ðầu tháng này cậu phải đi làm không thể để tình trạng vô kỷ luật buông trôi mãi được.
Nàng lấy đâu ra cái giọng quan chức ấy. Hoàng định đùa nhưng rồi thôi, mệt mỏi quá. Anh sang phòng tổ chức xin gia hạn nghỉ thêm. Chánh văn phòng, cùng dân làng nhậu, xuề xoà tính. Cửa phòng tổ chức nhân sự mở. Nhìn qua mành trúc, ông phó phòng của anh đang trình bày, giọng hơi run run thỉnh thoảng nấc khan. Tháng sau, chính thức sếp phải nghỉ hưu. Hoàng đi ra ngoài cổng cơ quan uống chén nước chè rong. Ðã hiểu tại sao Mộng Hoa dám nói vậy. Ðàn bà mà có quyền lực, luôn luôn là một mẫu câu sai ngữ pháp. Tổ trưởng công đoàn được đôn lên làm phó phòng. Unlucky. Nàng sẽ càng khó lấy chồng. Hoàng đi vào, gặp nguyên phó phòng đang dắt xe đạp ra, mắt ầng ậng đỏ, trông sọm thêm vài ba tuổi.
- Bố về sớm vậy.
- Chào cậu.
- Lâu quá con mới qua cơ quan. Bố đi làm choác bia với con, hôm qua con vừa trúng đề.
Sếp cũ nhìn gã nhân viên nghi ngờ. Hồi đang chức, Hoàng hay chọc ông. Chưa bao giờ nó mời mình nửa chén rượu. Hay nó nghe tin mình về hưu định đem chuyện đó ra làm đồ mồi. Sếp lạnh lùng từ chối. Hoàng hiểu, tự nhiên thấy rất buồn. Bơ vơ lang thang trong cái buổi trưa vắng không muốn về nhà. Rất nên uống thêm một chút. Vô thức đưa anh đến quán rượu quen. Vẫn như muôn thuở quán ế khách. Qua tết năm nay, hai bà cụ chủ quán sắm thêm vài bộ ghế mây. Cả hai cụ có vẻ chờ anh. Bà cụ em ngồi xuống đối diện Hoàng. Mặt bàn bầy ba chén.
- Vẫn còn thịt chó phần con đấy.
Hoàng giật mình, anh sơ suất quá. Hôm qua hai mươi tư âm giỗ cụ ông cả. Hoàng xin phép vào thắp ba nén hương lên bàn thờ. Bàn thờ Phật mới đóng sau ngày hai cụ ông mất. Anh thành tâm khấn Ðức Phật phù hộ độ trì cho cụ được vãng sinh cực lạc nơi tịnh độ. Hai bà cụ đã sắp thêm bát ra, cửa quán khép hờ. Trên mặt bàn thịt chó bày trong đĩa sứ Hải Dương. Hai cụ bà thời con gái theo đạo Phật rồi lấy chồng theo chồng. Hai cụ ông ngoài bàn thờ gia tiên thì cũng chẳng theo đạo gì, lấy ăn ngay ở lành làm tâm đạo. Di chúc miệng nhắn lại giỗ chạp có làm phải là thịt chó. Khi sống coi đấy là nhất khoái hà cớ lúc chết phải bỏ. Trần sao âm vậy. Rựa mận, bát sáo, vài ba gắp chả và một đĩa thật to thịt luộc. Vẫn nghi ngút khói. Mưa phùn hơi lạnh uống rượu với thịt chó hai lửa. Thật là tiếc, lúc hai cụ ông còn Hoàng không có duyên mà gặp.
- Hôm qua sao con không lại.
- Dạ, con phải đi công tác đột xuất.
- Con hơi mệt hả, uống thêm tí nữa nhớ.
- Vâng, con xin.
Mấy năm gần đây, giỗ lần nào Hoàng cũng lên. Sinh thời, hai cụ ông đều là tửu đồ xuất chúng. Rồi bạo bệnh đột ngột đưa cả hai cụ đi đẫn ở tuổi năm ba. Chỉ biết uống rượu, hút thuốc lào đâu biết hại người, thế mà đã yểu thọ chưa hả giời. Hai cụ bà khóc nhiều lắm. Ðều cảnh cô quạnh không con. Có lẽ kiếp trước nội ngoại có ai đấy đẩy vỡ tượng Phật hay trộm chuông chùa. Một buổi tối mùa đông trước khi lên giường ngủ, hai cụ bà chợt nhớ ra hũ rượu vẫn còn dở. Chén đầu thấy cay. Hôm đầu thấy váng vất. Và mùa đông năm sau hai cụ chỉ còn biết cảm tạ Ðức Phật đại từ đại bi đã minh giác chỗ cất hũ rượu. Ngoài một cháu họ xa đằng nội, hai cụ chẳng còn ai. Hoàng muốn ngồi một mình. Bữa rượu thật ngon làm anh đỡ mệt. Anh đợi một tuần hương nữa tàn xin phép cáo lui. Hoàng đi vào thư viện. Mới ra giêng vắng ngăn ngắt người. Cái yên tĩnh dễ thở không chỗ nào có thể có nổi. Cây bàng cao xanh và những khóm hoa đang xuân. Hoàng lên phòng báo. Cô thủ thư ngáp vặt và hai cụ về hưu. Tại sao mình buồn. Mình buồn hay là mình hậm hực. Từ lâu, mình đã linh cảm thấy sự mỏng manh dễ vỡ. Thực ra mình có gì để đến với em. Mặc áo blu còn ấm mùi huy hiệu đoàn và sau lưng là hệ số dương đáng sợ của thời gian. Em mong muốn đạt đến chân lý một cách minh bạch khúc chiết. Mà chân lý là khái niệm cực đoan. Một khái niệm rỗng, đúng với người này và sai với người kia. Chân lý tuyệt đối nằm ở đâu. Lạy Chúa, chỉ có Chúa biết. Em đã thất vọng ở anh. Anh yêu em, Thuỷ ơi. Em tự tin vì nghĩ mình luôn luôn đúng. Biết làm sao được, đành phải chấp nhận. Hoàng sờ túi lấy điếu thuốc. Cô thủ thư nhìn. Anh đi ra ngoài cửa sổ. Khói không tan trong hơi lạnh buổi chiều. Cảm giác nặng hao hao giống những ngày ở Sài Gòn. Hoang mang. Không phải. Cái đáng sợ không biết nó là cái gì. Nhưng tại sao mình phải chấp nhận. Thằng Bích phẫn lên, và không phải là nó không có lý. Thủ đoạn. Mình đã biết vô số những điều bỉ ổi. Hạnh phúc của mình, mình phải gìn giữ. Thuỷ, em sẽ là của anh.
Hoàng rẽ vào cái ngõ nhỏ quen thuộc. Cái ngõ nhỏ mùa mưa thì lầy lội, mùa hanh thì nứt nẻ. Thuỷ có ở nhà, đang ngồi tiếp khách. Bố Thuỷ ngồi cạnh cửa sổ trông xéo ra chuồng lợn soạn giáo án. Bọn trẻ con chắc đi chơi hết. Hoàng vào. Ngồi đối diện với Thuỷ là Bình, bạn Tâm. Bây giờ thì Hoàng đã biết ai đón Thuỷ từ dưới Hải Phòng.
- Em chào anh - Bình xã giao.
- Vâng - Hoàng quay sang chào bố Thuỷ một câu lấy lệ.
- Chiều nay anh đi đâu - Thuỷ đi gần lại anh. - Em qua nhà, xong còn sang cả bên chị Nhã.
- Em về từ bao giờ.
- Hôm qua, anh Bình đi công tác xuống dưới ấy, em nhờ xe ôtô về cùng.
- Những người ở phòng em thực tập nói là có ai đi Cub đến đón.
Bình mời Hoàng điếu Marlboro. Hoàng cắn cắn đầu lọc không châm. Bình cười tươi.
- Em ra Ðồ Sơn họp mấy ngày. Tâm phôn cho em nhờ đón Thuỷ hộ anh. Em mượn xe của thằng bé bảo vệ khách sạn. Chúng em về Hà Nội cùng ôtô với sếp.
- Thế cả ngày hôm nay anh đi đâu - Thuỷ hỏi.
- Anh ở trong thư viện.
- Em được chuyển hẳn chỗ thực tập rồi. Từ tuần sau em xuống Ngân hàng Công thương quận Hai Bà.
- Cháu chào bác - Bình xin phép ra về - Em chào anh, à, thế sáng mai anh có phải qua chỗ giáo vụ trường em không.
- Thôi được rồi. Em cám ơn anh.
Thuỷ tiễn khách ra tận cổng. Hoàng ngồi và thấy đắng miệng. Anh lơ đãng nhai mất một nửa điếu Malbro.
- Nhà ăn cơm chưa.
- Vừa ăn xong thì anh Bình đến.
- Anh chưa ăn gì.
- Thế em đi với anh cho anh ăn phở nhé?
- Ừ.
- Bố ơi, con xin phép đi với anh Hoàng một xíu.
- Ði sớm rồi về.
Macarenko tiếp tục nhìn cửa sổ tư duy. Thuỷ thay đồ vội vàng. Ra hết ngõ cô ngồi sát và ôm chặt anh.
- Cưng dạo này gầy quá.
- Ừ.
- Anh định ăn phở hay ăn mỳ.
- Người ta thường thích cái gì lạ miệng.
- Anh sao vậy.
Thuỷ buông tay thôi không ôm Hoàng.
- Anh lạ thật. Gầm gà gầm gừ. Không có anh Bình thì em đã phải đi ôtô khách mà về. Có bao giờ anh nghĩ ra một điều đơn giản là anh phải xuống đón em.
- Anh cũng thấy em lạ. Lâu lắm rồi, hôm nay đột ngột em tình cảm.
- Cái gì.
- Em nói anh gầy.
- Thế thì làm sao.
- Thế thì em quan tâm đến anh.
- Hôm nay em mệt lắm. Anh đừng kiếm cớ cãi nhau.
- Từ Hải Phòng về đây đâu có dài. Lại có người đưa người đón.
- Ðưa đón nào.
- Anh thấy em không nên bực mới phải.
- Em không bực.
- Ðương nhiên. Người ta sẽ không bực khi người ta đang hạnh phúc.
- Anh đỗ xe lại.
Hoàng đỗ xe. Thuỷ tụt xuống. Không nói, chân lảo đảo cô đi ngược về phía nhà mình. Hoàng dựng xe, anh sải bước dài chặn mặt cô.
- Em đi đâu.
- Ði về.
- Em hẹn ai à.
Thuỷ cắn môi. Hoàng nắm chặt tay cô.
- Anh bỏ ra.
- Không bỏ.
Thuỷ hất mạnh tay. Hoàng bị bất ngờ loạng choạng. Bỗng anh chồm lên man rợ. Anh tát Thuỷ. Chưa bao giờ, chưa ở đâu Hoàng nghĩ là mình tát Thuỷ. Cô bật khóc quay người chạy. Hoàng đứng. Phía trong anh, tất cả như rơi rụng, tất cả như đổ vỡ. Khi Hoàng đủn được xe vào trong nhà mình thì anh đã say lắm. Lúc ấy khoảng gần một giờ sáng. Lạ cho những người uống rượu, say mấy thì say, vẫn lò mò về được đến nhà. Tâm vẫn còn thức. Hoàng đổ phịch xuống xa lông lè nhè.
- Hết rồi, hết tất cả rồi.
Tâm xếp lại đống sổ sách, cố nén khó chịu.
- Anh có muốn nôn không.
Hoàng lờ quờ hai tay.
- Hết rồi.
- Em dìu anh lên nhà nhớ.
Hoàng nôn. Một bãi nước lờ nhờ gờn gợn đục. Hoàng gập người cố oẹ. Nước mắt ứa. Nước dãi thiểu não kéo tơ.
- Khăn đây này.
- Cám ơn.
Trước khi về nhà Hoàng đã nôn thốc nôn tháo ở chân cột điện. Mỗi lần ra được thấy tỉnh hơn.
- Anh uống với ai?
- Một mình - Hoàng loè nhoè - Anh chỉ cần một mình. Làm ơn đừng can thiệp vào chuyện của anh.
- Em đi ngủ đây.
- Tại sao em nhờ Bình đi đón Thuỷ.
- Anh say rồi, không có chuyện ấy đâu.
- Có đấy.
- Chiều hôm qua, em ngồi với nó tiếp mấy thằng Tầu. Nó có hỏi chị Thuỷ về chưa. Thế thôi.
- Thế hôm qua Bình nó không đi Ðồ Sơn à.
Tâm lặng thinh. Anh cắn môi, hình như anh chợt nhớ ra vài điều gì đấy.
- Em đưa anh lên gác nhớ. Anh mệt lắm rồi, đi ngủ đi anh.
Hoàng tỉnh dậy trời sâm sẩm tối. Ðài truyền hình Hà Nội đang đưa tin kết quả xổ số. Hoàng nằm ly bì đã gần một ngày. Chai nước suối để đầu giường. Chắc Tâm để Hoàng một ngụm lớn, anh tỉnh hẳn.
Hoàng đi đến nhà Bình. Một vài lần trước anh đã đến cùng Tâm nhưng chỉ đứng ngoài trông xe. Số nhà lẻ mười lăm. Phố vắng yên tĩnh với kiểu villa quen thuộc được xây từ thời Pháp. Trước cổng sắt sơn nâu im lìm, Hoàng bấm chuông. Bình mặc bộ Sport của hãng Adidas ra mở cửa. Cặp kính trắng lộ vẻ ngạc nhiên nhìn Hoàng. Rồi Bình cười tươi lịch sự mời khách. Qua một sân rộng có cây nhãn to, một bồn hoa đẹp, rất nhiều hồng bạch. Phòng riêng của Bình toát vẻ thượng lưu trí thức. Trên tường treo vài ba phiên bản của Picasso và Henri Matisse. Tiện nghi trong phòng sang trọng. Nhạc Baetles ngập lãng đãng. Bình với gói thuốc rút châm một điếu, hơi cười, hỏi.
- Anh Hoàng dùng cognac hay whisky?
- Cho mình xin ly vodka.
Tủ rượu của Bình đẹp, đa phần là những chai đang uống dở. Nó chứng tỏ chủ nhân rất có gu chứ không đơn thuần chỉ để trang trí nội thất như nhiều nhà giầu mới nổi. Bình mở tủ lấy chai nửa lít của Balan, cổ chai thắt gợi cảm, sóng rượu dập dềnh lúc lắc một nhành cỏ. Bình rót đầy hai ly pha lê Tiệp chân cao, Hoàng không chạm chén nhấp một ngụm rượu.
- Có thể vặn bớt nhạc đi một ít không.
Ðầu Hoàng vẫn ong ong nhưng rượu ngon làm anh hồi hẳn xoay nhẹ volume về phía trái. John Lenon bé mồm hơn.
- Mình đến cám ơn về việc Bình đã đón Thuỷ hộ mình.
Bình uống một hơi hết ly.
- Hôm qua em có gặp Thuỷ.
- Như vậy kể cũng hơi nhiều.
- Em tạt qua đưa Thuỷ cái thư tay của ông hiệu phó. Thuỷ buồn lắm, cũng có kể chuyện đôi chút.
Hoàng vẫn lơ đãng nhìn tủ rượu. Anh cố kìm để không uống thêm ngụm nữa. Bình lại rót, hai phần rượu vẫn đều nhau.
- Cậu có biết bọn mình yêu nhau không?
- Vâng.
- Cậu đã yêu bao giờ chưa.
- Em đang yêu.
- Mình nhận thấy phố cậu là tuyến đường học cấp III của Thuỷ.
- Vâng.
- Mình xin phép về đây.
- Anh ngồi uống với em một xíu nữa đã - Bình cười - Em nghe nhiều về tửu lượng của anh, cứ như huyền thoại.
Bình tĩnh. Phải thật bình tĩnh. Ðã bao lần mình ân hận về chuyện nóng nẩy. Lạy Chúa, xin Người cho con can đảm để con đủ bình tĩnh. Hoàng châm điếu thuốc.
- Bình bằng tuổi thằng Tâm à.
- Anh Hoàng, Thuỷ có nói chuyện gì thêm với anh không.
- Tuyệt đối không.
- Em cũng muốn nói vài chuyện với anh.
- Ðể hôm khác thì tiện hơn.
Bình lại uống một hơi hết ly.
- Hôm kia em có việc xuống Hải Phòng. Cũng có ý định qua thăm Thuỷ nhưng không nghĩ là đón Thuỷ về. Thuỷ trông xanh và mệt mỏi. Ðột nhiên Thuỷ nói anh ốm có lẽ không xuống được. Em không thể chịu cái cảnh để Thuỷ đi ôtô hay tầu hoả. Em nói đưa Thuỷ về. Thuỷ lưỡng lự rồi cũng đồng ý. Dọc đường, Thuỷ kể nhiều về anh. Em gạt đi.
- Chuyện riêng của bọn tôi chắc làm cậu khó chịu.
- Không hẳn vậy.
Hoàng lần này tự cầm lấy chai. Vô tình siết chặt tay quanh cổ chai rồi chầm chậm lại nới ra. Không hiểu vô tình hay rượu ngon anh uống liền một suất đúp. Bình với tay lên cassette ấn autoreverse nhạc Trịnh Công Sơn. Kèn Saxophone thổi điêu luyện bản "Hạ trắng".
- Em lấy cái gì mồi nhè nhẹ nhé.
- Thôi, có lẽ mình xin phép.
- Anh Hoàng hình như giận em.
- Cũng có thể.
Trong đời mình đã vài ba lần đánh nhau. Nói chung, chẳng giải quyết được gì. Nhưng lúc ấy thì biết sao. Ðánh nhau thì đâu có kịp nghĩ. Cái lần thằng Du say bị đánh chí chết trong quán cơm ký túc xá. Mấy thằng bên khoa Sử quá chén vụt gãy cả ghế. Mình loạng choạng đấm đá. Bị chai nước mắm tương vào đầu bôi dầu hoả suốt ba tuần vẫn không hết cục u. Hoàng đứng dậy. Bình xã giao mời một lần nữa. Hoàng cảm ơn. Mình lại thua rồi. Chấp nhận. Lạ thật. Cứ bao giờ xẩy ra chuyện tranh đấu là mình thua. Mọi sự đều là ý Chúa, xin đừng cưỡng lại. Nhưng còn lần này Hoàng loạng choạng suýt trượt ở bậc tam cấp. Bình dắt hộ xe cho anh. Ra đến đường trời cũng sẫm hẳn vào tối. Gió nhiều và mưa xuân dầy hạt. Hoàng không có thói quen đội mũ. Mưa nhẹ đã kết thành từng dòng trên mặt, ở gốc cây nào đó một cặp tình nhân đang hôn nhau. Mình mong tìm sự giải thoát ở tình yêu. Tình yêu an ủi mình trên con đường hướng tới Đức tin. Anh đã tát em. Chẳng thể biết là đúng hay là sai nữa. Nhưng anh đã tát em. Hay đành ở ẩn trong rượu. Chúa ơi, con những tưởng đã ở trong vòng tay của Chúa. Ảo ảnh. The Last trial for God. Hy vọng là vậy. Hay mình tự huyền hoặc mình. Lạy Chúa con đã kiệt sức. Con cầu xin ân sủng của Người. Một tiếng còi xé tai. Tay cảnh sát trẻ măng trong bộ đồng phục mới phát chăm chăm nhìn Hoàng. Anh ta bật hắt hơi vì mùi rượu nặng. Chiếu theo đúng bộ luật hình sự mới ban hành, đang say đi xe máy ngược chiều. Hoàng bị phạt mười lăm ngàn.
Chương 6.3

Dạo này tôi bỏ chơi tenis. Ðã thế thỉnh thoảng lại còn uống rượu. Hôm Tâm cưới tôi uống khá nhiều. Người chếnh choáng. Một cốc rượu đại Làng Vân được làm bằng một hơi. Ông già sùng đạo hàng xóm của Tâm hoảng sợ nhìn tôi kín đáo làm dấu thánh. Ðám cưới của Tâm không đông nhưng vui. Bạn bè Tâm nhiều nghề, nhiều kiểu. Tâm khác Hoàng, xô bồ chơi tạp. Cậu ta giống tôi. Có phải thân đâu mà cần chọn. Hoàng say, khăng khăng đòi làm phù rể. Ngất nga ngất ngư đi cạnh Tâm, nát hết cả hoa cưới. Thuỷ vẫn không thấy đâu. Tôi giấu Hoàng, vòng qua nhà Thuỷ. Ðứa em gái út chạy ra kêu chị nó đi vắng. Lần cãi nhau này có vẻ căng. Tôi biết Thuỷ đang ở trong nhà không cố gọi. Thôi thì đành. Một buổi tối không xa, Hoàng đi Hải Phòng về gõ cửa đưa trả tôi xe. Tóc tai bơ phờ với cặp mắt thất thần. Hoàng dựng xe vất vả rồi đi thẳng vào toa lét rửa mặt. Tôi pha sẵn cà phê để trên bàn, quay ra giả vờ chăm chú xem tivi. Hoàng uống, động tác máy móc chắc chắn là không biết mình đang uống gì. Không phải say, tôi thuộc Hoàng lắm. Con bé Phương vùng chăn chạy ra ôm cổ Hoàng. Tôi bảo: "Mình giải đệm xuống dưới sàn cho cậu ngủ". Hoàng lắc. Bà U hôm mùng sáu Tết, xin phép về quê đến giờ vẫn chưa ra. Nhưng đấy không phải điều Hoàng ngại, chắc thế, Hoàng đã ngủ ở nhà tôi vài ba lần khi chỉ có hai mẹ con. Hoàng đứng dậy tay vẫn bế bé Phương: "Mình về nhà đây. Tối nay Nhã cho phép bé Phương ngủ với mình". Con bé Phương reo, nó khoái. Tôi nhìn ra ngoài sân, trời vẫn mưa nhẹ và rất lạnh. "Tuỳ cậu". Hoàng mở tủ lấy áo len mặc thêm cho con bé, cẩn thận phủ kín nó bằng cả cái chăn dạ Nhật. Tôi đi theo ra khoá cổng, Hoàng vẫy chiếc xích lô đang bơ vơ trên lòng đường đen trũi. Tôi nhìn theo đến khi cái xe khuất ngã tư rẽ phải. Tôi vào nhà. Ti vi tối nay chiếu phim "Ván bài lật ngửa". Thể loại trường thiên trinh thám. Tôi thích phim Việt Nam. Nó mềm mại hơn phim gangster Mỹ vì nhân vật chính tài đã cao đức lại trọng. Xem rất hào hứng nhưng vài ngày sau là quên. Tôi vặn bớt volume cho bé tiếng. Hoàng buồn, chắc là buồn khủng khiếp. Hoàng không phải là mẫu người trầm cảm, nhưng khi có chuyện gì xảy ra thì tuyệt nhiên không nói. Tôi lấy chai Cognac, đốt điếu Dunhill, cố gắng nhìn vào màn hình. Trung tá Nguyễn Thành Luân trong vòng hai phút đá ngã ba đối thủ. Tôi nhấp rượu, rùng mình vì ngon. Tôi biết Hoàng vào hồi thi học kỳ một năm thứ hai. Trưởng lớp của Hoàng mê tôi, viết thư tỏ tình nhờ Hoàng chuyển hộ. Tôi ngồi ở phòng khách để hai chân lên bàn, lẩm bẩm bài dịch ngược. Hoàng vào thẳng vấn đề bằng kiểu xã giao trân trọng. Tôi không bỏ chân tò mò nhìn gã giao liên. Herald of love. Khá đẹp trai, giọng dửng dưng mang vẻ giễu cợt rất hiếm ở lứa tuổi mười chín. Tôi mượn cậu ta bút, không giở thư viết ngay ngoài phong bì "Hãy lau mũi trước khi tỏ tình". Tôi học muộn, so với sinh viên cùng khoá tôi hơn tuổi. Cậu ta khẽ liếc bỗng bật cười, cầm lại thư không chào bỏ đi.
Tâm nhờ tôi đến trang điểm cho cô dâu. Huyền không đẹp nhưng da mặt mịn, đánh sẫm tay khi vào ảnh chắc là xinh. Tôi kẻ đậm lông mày và gắn mi giả cho Huyền. Tiếng pháo nổ dài đanh, mọi người ồn ào. Họ nhà giai đã đến. Huyền lập cập đi ra buồng ngoài. Mốt cưới mới không có phù dâu. Bỗng dưng tôi buồn. Tôi đi xuống bếp kiếm can rượu trắng cẩn thận rót cho mình một chén nhỏ. Cũng một dạo tôi bé như Huyền, cũng hạnh phúc khi nghĩ đến ngày cưới. Chao ôi, tôi sẽ vĩnh viễn không có tiếng pháo đón dâu riêng của mình. Ðấy đâu phải là những phù phiếm với váy cưới và xe hoa. Nhiều người, đặc biệt là đàn bà, chỉ biết sống nhờ vào những cái bị coi là nhảm nhí. Ba ngày tết năm nay tôi nằm ở nhà, chẳng đi đâu. Bạn bè quen có đến, tôi lấy cớ mình ốm. Trần nhà trắng đục. Một mớ tiểu thuyết và chồng băng video chưởng bộ. Bà U lúng túng làm hỏng món giò xào. Con bé Phương loay hoay với bộ đồ lắp ghép nhà. Ðến chiều mùng bốn tôi quyết định đi dancing. Lên Hotel Thăng Long chỉ cần ra đến sàn nhảy là gặp vô số người quen, vô số trò vui. Tôi trang điểm rất kỹ. Con bé Phương ngủ ở nhà với bà U. Tôi dắt xe ra cổng. Nép sát vào cổng sắt nhà tôi một cặp tình nhân đang hôn nhau. Tôi dắt xe quay vào. Tôi úp mặt xuống bàn và khóc khan. Năm nay tôi ba mươi mốt tuổi tây và ba mươi hai tuổi mụ.
Thi xong học kỳ một năm thứ hai, Hoàng chủ động làm quen. Riêng tôi cũng mến Hoàng. Chúng tôi thường đi chơi tay ba, có thêm Du, bạn rất thân của Hoàng. Du làm thơ. Khác với phần đông thi sĩ, cậu ta xấu giai. Nhưng cặp mắt rất đẹp. Nó rười rượi buồn và ăm ắp bất hạnh. Tôi không thích thơ Du. Ðọc nặng nề. Ðôi phần khó hiểu, nhiều câu hoa mỹ đại ngôn. Có cái tôi nể là Du học khá và không bao giờ có ý định đăng thơ của mình lên báo. Hoàng và Du thân nhau nhờ đồng về tửu lượng. Cả hai đều uống ở cường độ không thể hình dung nổi. Liên miên. Về chuyện rượu chè tôi không lấy đấy làm điều. Có khi đấy lại là thước đo của đạo đức. Ða phần những người nhiều rượu thường không giả dối lắm. Tất nhiên cũng có kẻ nát. Biết sao được. Ở đời, đã nát thì nát nhiều thì. Nát bài, nát gái, thậm chí nát cả chữ. Tất cả những đam mê mang tính doping này chỉ nên dành cho những tâm hồn lớn. Kẻ tiểu nhân mon men vào trước sau cũng làm nô lệ cho những thói quen. Khi uống nhiều, Hoàng ba hoa nghe rất buồn cười và Du im lặng, chỉ thỉnh thoảng tủm tỉm. Tôi không thân Du, không ưa thì đúng hơn. Một điều rất đơn giản là Du phản đối tôi yêu Lâm. Hoàng hay nói Du có những linh cảm tuyệt vời, linh cảm của những người cao số yểu mệnh. Du coi thường Lâm ra mặt, đấy không phải là dũng cảm, Lâm không dạy cậu ta. Một chiều thứ bảy, tan học muộn, Hoàng và Du đi cùng tôi về. Lâm phải lại họp Ðảng. Trong tổ Ðảng nhà trường Lâm là một trong những Ðảng viên trẻ nhất. Chúng tôi đã sang năm thứ tư và sắp chuẩn bị đi thực tập. Hoàng đèo tôi. Lâm rất quý Hoàng. Không bao giờ Lâm ghen mà còn yên tâm khi thấy Hoàng thân tôi. Hoàng cũng quí Lâm. Nói chung, Hoàng được cảm tình của giáo viên trong trường. Du khen Hoàng khéo nịnh. "Ðiểm số của mày tỷ lệ thuận với những lần viếng thăm nhà riêng". Hoàng cười rất nhạt. Du và Hoàng hoặc song ẩm hoặc có bất kỳ ai, nói nhau rất độc địa. Thoạt nghe tưởng như sắp tuyệt giao. Kiểu nói chuyện đến lạ. Hoàng bảo. "Kiểu uống rượu thiếu đồ mồi đành nhắm bạn". Quen giọng, cả hai đều sợ những bữa rượu lạ. Ðột ngột nhỡ khẩu, đâm mang thù chuốc oán. Du bảo lên Hồ Tây chơi. Cậu ta rất buồn và tôi mang máng là cậu ta bị thất tình. Hồi ấy tôi đang hạnh phúc. Yêu và được yêu. Phải rất lâu sau tôi mới hiểu, thông cảm được với nỗi đau người khác đòi hỏi một năng lực tuyệt vời. Chúng tôi ngồi trên bãi cỏ và ngắm hoàng hôn. Mặt hồ còn một vài thuyền lẻ. Những đám mây lô nhô tạo hình ở phía xa xa góc làng Nhật Tân. Ðường Thanh Niên ngập đầy học sinh. Du rút trong túi thổ cẩm ra một chai rượt trắng, một hộp thịt, một hộp dưa chuột muối. Mấy thanh chocolate, thứ kẹo lúc đó rất hiếm, đồ ăn mà tôi ưa nhất. Hoá ra là có sự chuẩn bị sẵn. Nhắc lại bữa rượu cuối cùng đó bao giờ Hoàng cũng khóc. Hoàng và Du uống rượu. Tôi ăn kẹo. Du liên tiếp cạn ly và chỉ uống xăng puốc xăng. Hoàng kể một câu chuyện rất buồn cười về ông giáo dạy Triết, Du lặng lẽ uống, cậu ta không biết hút thuốc, vẻ mặt cau cau. Vẻ mặt xấu giai đã làm Du vất vả lắm mới không bị thi lại trong những kỳ oral. Hoàng uống ba chén, đã hơi phê phê ra trêu chọc cô bé bán thuốc lá rong. Còn tôi và Du. Tôi hát khẽ một bản tình ca thời thượug. Du nói.
"Cậu yêu ông Lâm thật à"
"Như cậu thấy đấy."
"Mình không muốn thô bạo. Nhưng đành. Ông Lâm không phải là người cho cậu."
"Thế là thế nào. Thế là tốt, hay xấu."
"Không. Ðơn giản là không đáng tin."
"Mỗi người có một cách nhìn. Mà tại sao hôm nay cậu lại nói chuyện này."
"Thì không còn dịp nào khác nữa."
"Hoàng cũng rất quí anh Lâm."
"Cậu đừng nghe thằng Hoàng, nhiều lúc nó ngu lắm."
"Mình chẳng cần phải nghe ai cả."
"Vâng, có lẽ mình uống hơi nhiều."
Tôi chưa muốn dừng. Tôi bực mình và tôi độc ác.
"Cậu đang bị người ta bỏ rơi, đúng không."
Du cúi xuống chén rượu. Một lúc sau cậu ta ngẩng lên mắt u ám nhìn tôi.
"Tha lỗi cho mình, Nhã nhớ."
Ðến bây giờ tôi đã hiểu tại sao Hoàng thuộc nhiều thơ Du. Tôi cũng hiểu tại sao Du không thích Lâm. Linh cảm của một thi sĩ quả là đáng sợ.
Quá chín giờ, mọi người đều mỏi. Hai họ nội ngoại cũng thôi tranh luận. Bữa ăn vét cỗ cưới tàn dần. Ở góc nhà Thắng mê mệt ngủ cạnh bãi nôn. Trần Bình uống ít ngồi chơi chắn với mấy ông chú ông bác nhà quê. Tôi lên phòng riêng của Hoàng. Con bé Phương đang bóp trán cho anh. Mắt Hoàng lờ đờ. Con bé Phương không thèm nhìn tôi, nó thương chú Hoàng nhiều. Tôi đi về nhà. Cô dâu chú rể đang cuống quýt với vài thủ tục cuối nên chẳng ai níu giữ. Rượu làm tôi đau đầu. Bà U lấy củ gừng, giã dập với dầu hoả tóc rối đánh gió cho tôi. Người thấy đỡ nặng hơn. Tôi châm điếu Dunhill. Mệt mỏi. Tôi không có đức tin như Hoàng, tôi không biết làm thơ như Du. Những lúc như thế này Hoàng hoặc ngồi viết lăng nhăng hoặc uống rượu. Tôi đã đọc một cái "lăng nhăng" của Hoàng. Chẳng ra làm sao. Câu chuyện lộn xộn về một triết gia người Tầu. Nam Hoa Kinh, Hoàng có cho tôi mượn, đọc đâu chừng nửa trang rồi bỏ. Hoàng để ra ba ngày giảng giải cho tôi về Thiền. Không hiểu lắm. Tóm lại mỗi người phải tự giải quyết lấy chính mình. "Quy y" nguyên nghĩa đen là quay về và dựa vào. Quay về đâu, dựa vào đâu. Hoàng giải thích dài dòng bằng những thuật ngữ Hán Việt. Bất khả tư nghị. Liệu các Thiền sư có tĩnh tâm khi ở cảnh bị người yêu lừa dối và bỏ rơi chưa. Và bi kịch của gia đình tôi và số kiếp của mẹ tôi. Rồi đây là con bé Phương Phương của tôi. Hoàng nói đùa là thể nào cũng thấy tôi lõm bõm trong vạc dầu. Phải, đã có lúc tôi nghĩ đến đao búa. Lâm đưa tôi quyển sổ hộ chiếu và những giấy tờ anh ngấm ngầm chuẩn bị trong suốt nửa năm. Lâm thề rất độc là mọi chuyện không có ý gì trước, mọi sự đều đến đột ngột. Cái nửa năm mà tôi sống như một người vợ của Lâm. Tôi không hề hoang mang khi biết mình có bé Phương. Em yêu anh. Em yêu anh. Tôi vô hồn lẩm bẩm điệp khúc. Lâm nói là cho anh thời gian. Một năm không là bao và chúng mình vĩnh viễn ở bên nhau. "Nhưng tại sao anh không nói gì với em trước?". "Thì chính anh cũng có biết đâu". "Thế anh có biết chúng mình sắp có con không?". "Anh biết". Lâm cũng không quá độc ác, anh ta chỉ tham thôi. Cái cơ hội mà anh ta khát khao mong mỏi từ thuở sinh viên. Châu Âu là thiên đàng để lột xác. Anh ta sẽ thoát khỏi sự nghèo và sự hèn. Tôi lùng bùng câu được câu chăng. Và chỉ tỉnh khi Lâm chốt rằng phải đến Viện. Mặt tôi tái xanh. Chắc Lâm thấy ánh mắt quyết liệt của tôi nhìn quyển hộ chiếu, anh ta hoảng hốt cầm lại. Tôi chợt ghê tởm. "Allright. Không có chuyện gì đâu. Còn nếu có ai phải xé quyển hộ chiếu thì người đấy chính là anh". Tôi tan nát quay ra cửa trong tiếng thất thanh gọi của Lâm. "Anh đừng đuổi theo tôi. Nếu không tôi sẽ băm nát mặt anh." Anh ta rã rời đi vào nhà với quyển passport với dòng chữ tim tím Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam in thật nghiêm túc trên nền xanh lục. Mười ngày nữa Lâm bay và mười đêm tôi mất ngủ. Tôi không khó khăn lắm để biết những cái Lâm âm thầm làm sau lưng tôi. Anh ta đã bán tôi, bán rất rẻ để đổi lấy một chuyến đi. Bây giờ nói đã dễ, chứ lúc ấy rất nhiều cái tôi chưa minh bạch. Tôi đã nghĩ đến acid, tôi đã nghĩ đến thuốc ngủ. Cái trước cho anh ta và cái sau cho tôi. Nói như Hoàng, chỉ với ý nghĩ đó tôi sẽ rơi thẳng xuống địa ngục ở với quỷ. Hoàng cư xử tuyệt vời nhưng không thể đỡ cho tôi. Và tôi cũng không cần ai giúp đỡ, kể cả ông chúa đẹp giai của Hoàng. Những ngày của năm tháng đó, tại sao tôi không thấy mệt mỏi. Tôi không được phép bước ngã. Ý nghĩ đó xuyên suốt thậm chí trong mơ tôi còn lẩm nhẩm thành lời. Muốn không ai dẫm đạp lên mình phải có tiền. Sẽ không tin bất cứ điều gì và không tin bất cứ vào ai. Lâm bay được ba ngày thì mẹ Lâm đến gặp tôi. Một giọt nước làm tràn cốc. Mẹ Lâm hao hao giống mẹ tôi. Những phụ nữ chỉ biết chịu đựng hy sinh cho chồng con. Mẹ Lâm vừa nói vừa khóc. Lâm rất khổ sở khi phải quyết định như thế này. Lâm thông minh nhưng đánh giá tôi quá thấp. Sự ghê tởm làm tôi tỉnh táo. Anh ta quyết định lợi dụng những giọt nước mắt thật thà của bà mẹ để mặc cả. "Bác cứ yên tâm về nghỉ đi. Số phận đã không cho con làm con dâu của bác nhưng lúc nào con cũng coi bác như mẹ. Còn chuyện chờ đợi hay tha thứ con không thể". Mẹ Lâm liếc nhanh xuống bụng của tôi. "Con cũng biết là bao giờ bác cũng thương con, các cụ bảo một đêm nằm bằng năm ở". "Bác cứ yên tâm đi, không có chuyện gì đâu". Mãi cho đến sau khi có bé Phương Phương tôi mới thôi ý nghĩ trả thù Lâm. Xét cho cùng, một kẻ như anh ta vào một tình thế như vậy đương nhiên phải cư xử như vậy. Mẹ Lâm bán quà rong chắt bóp cho các con đi học. Ba anh em nhà Lâm đều đỗ đạt. Giờ đây tôi đã biết, sau những tấm bằng thơm phức mùi vinh quang của những trường đại học lớn là lép nhép mồ hôi và máu của những ai khác. Cách đây hai năm tôi có một thương vụ về nhập phế liệu sắt. Những người đỡ đầu của tôi cho phép tôi được làm trực tiếp. Thủ lĩnh bên đối tác tôi cần gặp là anh trai Lâm. Vị Phó tổng giám đốc có hai bằng phó tiến sĩ ở hai chuyên ngành thời thượng. Tôi đã gặp vô số cao thủ nhưng đây là cao thủ bậc nhất. Thương vụ đó tôi bị lỗ, không nhiều, ba mươi lăm ngàn đô. Hình như tôi luôn luôn bị đằng nhà Lâm chơi át vía. Tuy nhiên, tôi cũng biết được nhiều thông tin cần thiết. Nó khẳng định sự lựa chọn của tôi với cuộc đời này là đúng đắn. Anh em của Lâm cho đến những năm đại học vẫn phải mặc chung áo. Mặc chung nghe hơi đoàn kết, thực ra là mặc trộm của nhau. Từ bé mỗi người đã có một góc tủ riêng và đôi khi phải vay nhau cả giấy toillette. Lâm trở thành một người đạo đức là tất yếu. Lâm thường bảo tôi đi vào chuyện bé cần phải có tâm hồn lớn. Nghe hay thật. Dẫm đạp lên người khác là chuyện bé và ai đấy hơi phiền là chuyện lớn. Ðấy là đạo đức của người quân tử. Tôi phải hiểu nhiều điều và phải hiểu thật nhanh, thật chắc chắn. Con bé Phương Phương được sáu tháng, tôi đến gặp ba tôi. Người tôi chẳng yêu cũng chẳng ghét; ông ta cũng có đủ đạo đức của một người thành đạt. Xét về mọi khía cạnh mẹ tôi cũng có lỗi. Ai bảo mẹ tôi nhu nhược. Ba tôi chấp nhận những yêu cầu mà tôi đưa ra. Những người thông minh luôn hành động hợp lý. Tôi có một số vốn nhất định, cộng với hệ số IQ của tôi nó sẽ là sự đảm bảo. Người bạn buôn đầu tiên với tôi, một gã nhà giàu háo sắc. Bốn mươi sáu tuổi và có bẩy đứa con cái hoàn toàn trong giá thú. Tôi qua mặt gã ma cô bằng những đòn cổ điển. Kiểu dập dờn của thị Hến. Gã chỉ nhớ rằng tôi có nhan sắc mà quên là tôi cũng có khá nhiều tiền. Lúc gã hiểu ra và định thần tôi đột ngột cắt quan hệ. Tôi chưa đủ sức đỡ đòn của gã. Hơn nữa, không nên tham. Trong thương trường táo bạo là điều quyết định nhưng thận trọng là đức tính không thể thiếu. Trong vòng hai năm tôi học được vô số bài học và cũng kịp dạy cho khá nhiều kẻ khác. Suốt thời gian này Hoàng ở trong Nam. Tôi bặt tin luôn. Con bé Phương Phương cứng cáp dần. Chuyện của Lâm vẫn buốt nhói. Nhưng thật sự tôi không có thời gian để ủ ê. Làm cho được nhiều tiền là một công việc có hấp lực mạnh. Thực ra, kiếm được nhiều tiền không hẳn phải là câu chuyện rùng rợn. Nó đòi hỏi một số tố chất thiên bẩm. Những người như mẹ tôi, những người như Hoàng vĩnh viễn không bao giờ là người giầu. Tôi chưa thấy ai có nhiều tiền mà nhu nhược hoặc nhân hậu. Cũng có người rộng rãi, cũng có kẻ bủn xỉn nhưng trong tất cả bọn họ bói không ra được nửa người trung thực. Người có tiền cũng thật nhiều ưu điểm. Họ mạnh mẽ, sắc sảo, có khả năng chơi bài ngửa đến mức tối đa. Ở nhiều phương diện, tôi yêu thích kẻ mạnh. Lâm làm tôi ghê tởm vì sớm bộc lộ sự hèn hạ. Một người đàn ông hèn hạ rất khó làm giầu. Những người đàn ông đến sau Lâm đều cố tỏ ra mình mạnh. Tôi không tha thiết với ai. Hoặc tôi chỉ nhìn ra được cái xấu, hoặc tôi chưa thoát ra khỏi quán tính của mối tình đầu. Ðầu năm tám tư, tôi gặp Henry Barker. Những ý nghĩ của tôi về ông ta rất khó tả. Barker người Úc và nói tiếng Pháp khá. Là thương nhân đại diện cho một hãng điện tử lớn. Baker thăm dò thị trường Việt Nam. Hồi ấy người ta hầu như chưa nói đến thuật ngữ Marketing. Những chồng chéo trong chuyện làm ăn dẫn tôi gặp Baker. Một étranger ít nói và cư xử thông minh. Một khuôn mặt không đẹp nhưng hóm hỉnh. Ba ngày sau lần gặp đầu tiên Baker mời riêng tôi đi ăn tối. Tôi nhận lời. Barker đã và sẽ là người nước ngoài duy nhất tôi tiếp xúc tête à tête. Ngoài những xì xào của dư luận xã hội, Việt Nam năm 1984 còn có những chính sách ngô nghê về quan hệ với người ngoại quốc. Mặc dầu khá nhiều chuyên gia Thuỵ Ðiển, Hung, Pháp cưới vợ là thiếu nữ Hà Nội. Những đám cưới tràn đầy rượu ngon ở những khách sạn sang trọng. Bố mẹ nhìn chàng rể hỉ hả mơ màng nghĩ đến mức lương, rồi thầm thì nhân hối đoái ra tiền Việt. Tôi biết mình phải chịu đựng điều gì nhưng công việc là công việc. Khúc dạo đầu đã hơi thuận lợi tôi phải triệt để tận dụng. Lãi suất quá cao của nó làm tôi ham. Tháng trước tôi liên tiếp đi xem bói hai lần. Một lần bằng bài tây, một lần rút thẻ. Những tiên tri khoa học và lời mách của thánh thần đều khẳng định hậu vận tôi rất dư dật. Tôi sẽ gặp một người chồng tuyệt vời và tướng của tôi là tướng vượng phu ích tử. Ðúng hay sai chưa cần biết chỉ cần thêm vài tự tin. Restaurant tư nhân ấm cúng và có nhiều đồ biển thật ngon. Barker uống vừa phải, dịu dàng nhìn tôi đốt thuốc liên tục. Tôi kể sơ qua đôi nét về mình và bàn thẳng vào công việc. Barker nghe, thỉnh thoảng nói đùa. Mọi người trong quán đều nhìn tôi. Tự nhiên tôi nhớ Lâm, nhớ đến cồn cào. Một bó dây đầy gai lướt xé trái tim tôi. Tám giờ, Barker đưa tôi về. Lúc ấy tôi chưa đủ tiền để mua nhà riêng. Cái Toyota màu kem đỗ trước khu chung cư xam xám loang lổ rêu. Căn hộ tầng hai được cấp từ hồi bố tôi lên Vụ phó. Nhà của ông, nhưng chẳng bao giờ ông về, trừ một lần vào ngày vợ mất. Vài bà có tuổi thập thò ở đầu hành lang. Dăm bẩy cô hàng xóm quá lứa ế chồng vừa bình phẩm mùi nước hoa của tôi vừa bàn chuyện đức hạnh. Tôi ngồi xuống bàn trang điểm chằm chằm nhìn vào gương. Tôi muốn tắm. Tôi chùi kỹ son môi. Căng thẳng. Tôi thức trắng đêm sau khi vứt gói Seduxent qua cửa sổ. Tôi không được phép gục ngã. Tôi không còn hệ số lùi và tôi còn bé Phương Phương. Tôi phải là người chiến thắng. Tôi phải được quyền cười khinh miệt vào tất cả cái mà tôi muốn cười. Tôi khinh bỉ đàn ông hơn bao giờ hết, trừ Hoàng. Về sau theo bác Barker nói tôi đã để lại cho ông ta một spécial impression. Do tính chất công việc chúng tôi hay gặp nhau. Barker về nước, hai mươi tư ngày sau quay lại Việt Nam ngỏ ý cưới tôi. Ông ta tế nhị kê khai tài sản và tình yêu. Tôi cười lịch sự từ chối. Nhưng tôi cũng đồng ý đi chơi miền Nam với ông ta một chuyến dài. Thương vụ đã thành công rực rờ. Bây giờ, tôi muốn đi tìm Hoàng. Tôi nhận được vài thông tin không hay về bạn tôi. Ðã tìm thấy Hoàng giữa đống vỏ chai. Tôi nhắc nhiều về Barker vì đơn giản đó là người đàn ông duy nhất tôi chấp nhận ngủ qua đêm, ngoài Lâm.
Người đàn bà trưởng thành khác một gái trong trắng ở điểm gì? Tiêu chuẩn phân biệt là trinh tiết (virginite) chung cho cả Ðông lẫn Tây. Phương Ðông đay nghiến hơn. Cả một hệ thống lễ nghi chèn chặt quanh khái niệm này. Trình Y Xuyên nói: "Nhiên tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại". (Tuy nhiên chết là sự cực nhỏ, thất tiết mới là sự cực lớn). Một sự đay nghiến có bề dày lịch sử. Phi lý chăng. Vô nhân đạo chăng. Ðến như Kiều cũng phải biết ơn "Bởi lòng quân tử khác lòng người ta". Tiết hạnh các liệt nữ đều được đốt trầm phụng kính. Báo Tiền Phong với diễn đàn "Sống hiện đại - yêu hiện đại xuyên suốt hai mươi nhăm số cũng quanh quẩn phụ nữ chưa chồng có nên mất trinh không.
Tôi châm tiếp một điếu thuốc. Ðòi cắt nghĩa cuộc đời đó là dấu hiệu của tuổi già. Loay hoay với những câu hỏi siêu hình là công việc của những triết nhân. Tôi bất hạnh hay không bất hạnh. Trước đây tôi xa lạ với tất cả chuyện đó. Thế mà. Sông có khúc người có lúc. Tôi biết, tiền của không đem lại hạnh phúc nhưng nó là phương tiện tốt nhất để đi đến hạnh phúc. Bà U pha cho tôi cốc nước cam. Không muốn uống. Không thể hiểu được mình. Rất nhiều người khen mình là thông minh, là tự tin.
- U ơi, U ngồi đây với con. Vừa rồi U về quê có chuyện gì mới không?
- Bà Hai Tít ốm lắm, không chắc đã qua được đợt này.
- Bà ấy là ai vậy.
- U chịu con. Bà ấy là cô ruột mẹ con. Mà hôm nào con về quê đi.
- Con có biết ai vào với ai đâu, ngại lắm. Chào hỏi lẫn lộn rồi các cụ chửi cho ủng mả.
- Gớm con cứ về xem nào. Nhiều lúc cầm quà con gửi cứ thấy ngại. Lâu con không về họ mạc người ta nghĩ. Con mẹ Cảnh hôm nọ mát mẻ, những là đói một năm chứ ai đói một bữa. Mới cả người Hà Nội người ta sợ xa, sợ quê nghèo. U tức quá chửi cho mấy câu. U bảo con ốm. Mọi người xúm vào mắng cho con mẹ một trận.
- Thôi được, rồi hôm nào con về vậy.
- Con cứ rủ cả cậu Hoàng, cậu ấy cư xử với người trên khéo lắm.
Tôi tắt đèn, quay mặt vào tường. Hôm mẹ tôi mất ở quê ra không nhiều. Mẹ tôi là con bà thứ. Cũng chẳng hẳn. Ông ngoại tôi là chánh tổng. Bà ngoại tôi xay lúa thuê. Ông chánh tổng hút thuốc phiện, nửa đêm tỉnh táo rồi mò xuống nhà dưới. Mẹ tôi vất vả từ tấm bé khổ cả trăm đường. Chưa có cách mạng, khổ phận tôi đòi. Có cách mạng, khổ là con địa chủ. Một thân phận nửa dơi nửa chuột. Ðã thế lại có chút nhan sắc, đủ để chuốc lấy vô số bạc bẽo, vô số là lừa đảo. Hôm mẹ mất, tôi về hơi chậm. Mẹ cầm tay nước mắt dăn deo cố muốn nói gì. Mẹ ơi là mẹ ơi, mẹ muốn nói gì. Hoàng vuốt mắt cho mẹ tôi rồi quỳ xuống đọc kinh. Mẹ tôi chưa kịp tin cái gì. Bị người đời lừa nhiều lên thánh thần thương cũng chẳng nỡ dối lừa. Sau giỗ đầu tôi đi gọi đồng thiếp. Bà đồng kêu là tôi cứng vía quá nên bà không về nổi. Khi sống sợ chồng con, chết vẫn giữ tính. Hoàng bảo: "Cậu đừng chua chát quá mà cụ bà buồn". Bà U nói Hoàng khéo. Ừ, Hoàng khéo thật. Hay là nhờ rượu. Mình có bản lĩnh không. Một người có bản lĩnh là một người va chạm với những khắc nghiệt phức tạp của cuộc sống vẫn giữ được mình. Nếu như vậy Hoàng cũng có đôi chút bản lĩnh đấy chứ. Bao nhiêu năm vẫn giữ cái vẻ nhơn nhơn không trách ai, không đổ tại số. Lâm xấu hay tốt. Ðừng nghĩ tới anh ta nữa. Hoàng nói kiến thức ở một số người chỉ là sự an ủi, ở số người khác là phương tiện. Thế cái nào tốt hơn. Hoàng cười. Hoàng hay nói nước đôi. Ðộng lực phát triển nhân loại là sự tự khẳng định đi lên. Lâm bảo vậy. Quên anh ta đi. Hãy thử đặt mình vào địa vị của người khác. Mình kinh tởm khi ai khuyên mình câu ấy. Một giả thuyết không thể chứa đầy dối trá. Tôi vùng dậy bật Video. Sẽ cố xem hết một phim cao bồi. Những gã trông thật đàn ông rút súng thật nhanh và đội mũ rộng vành. Mình sai lầm. Ðương nhiên là Lâm cũng sai lầm. Cô bé Thuỷ có sai lầm không. Trong chuyện Trần Bình đến với Thuỷ liệu có sự dối trá. Khi người ta nói dối một lần dễ nói dối lần thứ hai. Chao ôi sao ba tháng gần đây mình lại hay nghĩ lẩn quẩn thế này. Ðàn bà tuyệt đối không nên cô đơn.

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 225

Return to top