Người thi hộ
Nguyễn Việt Hà
Căn buồng tầng hai yên tĩnh do sự ồn ào của đám thí sinh tan thi đang lấy xe. Bạch đã ngồi thật lâu một mình trước cái bàn rộng, mặt gỗ dán đánh véc-ni vàng lỏng chỏng mấy chén trà nguội. Lúc nãy nộp bài, Bạch chợt linh cảm điềm gở. Vị giám thị có tuổi nhìn anh chằm chằm. Bạch ký tháu cẩn thận theo dòng kẻ. Số báo danh 395. Trần Đức Long. Ra đến cửa phòng Bạch khẽ từ từ thở. Cái nặng nề chẹn bên ngực trái nhẹ dần. Bạch vòng ra đầu hồi dãy nhà gửi xe vẫn với cảm giác ai đang theo dõi. Sáng danh Chúa, lẽ ra hôm nay mình phải đi bộ. Một cô bé nữ sinh liếc vội xung quanh rồi cho tay vào sâu trong ngực tròn căng rút ra một tập giấy photo khổ nhỏ. Cô bé lật xuôi lật ngược, chợt bật khóc, có lẽ lúc thi đã giở nhầm trang. Bạch lấy vội cái xe đạp dắt ra cổng trường. Có hai người đàn ông trung niên mặc thường phục chắn lối. Người đàn ông cao hơn đeo kính nói điềm đạm “Mời anh theo tôi”. Trong tiểu thuyết trinh thám các nhân viên an ninh quen dùng những mẫu câu như vậy.
Bạch thấy thèm thuốc thậm chí thèm một ngụm rượu. Hồi học năm thứ ba, Bạch bắt đầu uống nhiều. Hình như là tuổi trẻ, hình như là thất tình. Chẳng còn muốn nhớ. Người đàn ông đeo kính lúc ấy đi vào cùng một phụ nữ có khuôn mặt dài tóc phi dê kiểu cổ. Cô Loan. Vậy là họ đã biết hết. Cô Loan dạy toán từ hồi Bạch còn ở lớp chuyên. “Một trong những học trò cưng của tôi đấy”. Ông trung niên lạnh lùng rút gói “555”, thong thả châm điếu thuốc chằm chằm nhìn Bạch.
- Anh thi hộ lần này là mấy lần.
- Dạ thưa lần đầu.
Lần đầu Bạch thi hộ cách đây ba năm. Tất nhiên cũng được tiền nhưng không nhiều như bây giờ. Hàng phở Tân Mỹ nổi tiếng chỉ bán buổi sáng và buổi tối. Cái vỉa hè rộng, buổi trưa cho gánh bún chả rong của mẹ Bạch ngồi ké. Bạch làm hợp đồng ở một viện sang trọng nhưng nghèo nàn việc. Giáo sư viện trưởng lấy vợ trẻ, kỳ trăng mật miên man kéo dài. Đều đều buổi trưa, Bạch ra ngồi quạt than nướng thịt và trông chừng công an. Mồng một và ngày rằm, mẹ Bạch mua cân táo hoặc cân cam mang biếu ông bà Tân Mỹ. Gọi là thơm thảo cái nghĩa chịu ơn. Ông bà chủ hàng phở nhiều tiền và hiếm con, duy nhất một cậu. Hoàng tử Phở đẹp giai, rất thích ăn béo nhưng mỡ mặt vừa đủ. Cậu thi tốt nghiệp phổ thông bốn môn hai mươi điểm rưỡi. Ông bà Tân Mỹ hãnh diện về học lực của hoàng tử, ông bà không phải chạy mất ba “vé” xin phúc tra điểm như hai cô công chúa sinh đôi nhà mỳ vằn thắn giữa phố. Hoàng tử Phở kém Bạch chừng sáu tuổi và đã hai lần thi trượt đại học. Mẹ bảo Bạch “Cơn xem có gì giúp được cho em, ông bà Tân Mỹ có ơn lớn với nhà mình”.-Bạch vâng. Ông bà Tân Mỹ bán phở có nghề, nhiều quan chức đầu ngành sáng chủ nhật nào cũng đưa vợ con đến ăn. Miệng quan khác mồm dân, đã khen ngon không phải sự thường. Báo chí cũng đồng tình coi đây là một địa chỉ văn hóa ẩm thực đặc sắc của Hà Nội. Ông bà Tân Mỹ rất vui khi Bạch đến dạy thêm cho cậu hoàng tử. Buồng hoàng tử Phở nồng nặc mùi nước hoa Cologne. Thi thoảng cơn gió nam lãng đãng mang theo mùi thơm tái gầu từ thùng nước dùng đang sôi dưới chân cầu thang. Bạch nuốt nước bọt. Đến buổi học thêm thứ tám, hoàng tử Phở ngập ngừng nhờ Bạch thi hộ. Bạn hoàng tử Phở năm ngoái đã đỗ theo kiểu ấy. Một phương pháp đơn giản nhưng tương đối chắc chắn. Bạch vẫn làm một bộ hồ sơ thi vào trường Bách Khoa theo đúng tên hoàng tử Phở, ngày tháng năm sinh na ná. Hai bộ hồ sơ dự thi sẽ nộp cùng một ngày. Số báo danh thường được xếp theo vần chữ cái nên xác suất ngồi cùng phòng là 95%. Nếu được ngồi cạnh nhau thì quá đơn giản. Hoàng tử Phở cứ việc chép lại. Còn nếu ngồi cách, Bạch sẽ để trống số báo danh, khi nộp bài sẽ ghi số báo danh của hoàng tử Phở và hoàng tử Phở thì làm ngược lại. Mọi chuyện thay ảnh ở thẻ dự thi, ép dán, bạn hoàng tử Phở lo liệu. Bạch im lặng hút thuốc. Tàn trắng đục chạy dài đến đầu lọc không gãy. Có lẽ không còn cách nào khác. Hoàng tử Phở tuy biết H20 là nước, nhưng lại đọc là ích xì đi hai nạng tiến tới hột lạc ngã ngửa. “Cậu phải thưa chuyện này với ông bà”. Hoàng tử Phở lưỡng lự rồi gật đầu. Ông bà Tân Mỹ ngồi sập gụ thợ Bắc Ninh đóng giả cổ nói chuyện với Bạch. Nếu hoàng tử Phở đỗ, ông bà sẽ giả Bạch năm triệu. Còn nếu trượt mẹ Bạch vẫn đều đặn được bán bún chả qua trưa. Cả Bạch và ông bà Tân Mỹ cố tránh nói chuyện về khả năng xấu hơn. Mùa thu tựu trường năm ấy, hoàng tử Phở run run cầm giấy nhập học, điểm số hai mươi lăm rưỡi chỉ thua thủ khoa một điểm. Đây cũng là kinh nghiệm cho Bạch, những lần thi sau thường thường Bạch bỏ không làm câu cuối.
- Anh có ý thức được việc làm của anh không.
Ông trung niên trầm giọng hỏi. Cô Loan nhìn Bạch, cô vẫn đứng xoay xoay cái bút bi, thói quen nhiều năm của giảng đường.
- Dạ thưa, em nông nổi quá.
- Anh nghe tôi đọc lại biên bản, có điều gì thắc mắc anh cứ nói.
- Dạ.
Mình sẽ cố vớt vát. Mọi người dễ mủi lòng trước những gì ghê thảm. Bạch cúi gầm đầu hơi rung rung đôi vai, cố sụt sịt hai lỗ mũi khan không có nước. Năm năm gần đây Bạch không còn biết khóc. Lần khóc cuối cùng là khi nghe ông bác sĩ nói bố Bạch bị cảm nặng bán thân bất toại, bệnh không thể chữa. Ông trung niên quay người nhìn ra phía cửa sổ. Cô Loan vẫn không ngồi, mắt vu vơ nhìn xa. Bạch biết cô Loan nhiều, cô đa cảm nên luôn tỏ vẻ nghiêm khắc. Bạch hơn một lần được cô bảo đến nhà ăn cơm chiều. Cô Loan lấy chồng muộn và hiếm con. Chồng cô, đương kim thứ trưởng của một bộ tên tuổi, tò mò ngắm thằng con trai gầy gò mà vợ trân trọng giới thiệu là thần đồng toán học. Hồi năm ngoái, Bạch có nghe mấy thằng bạn cũ kể lại, vợ chồng cô đã ly dị. Chồng cô nhiều tiền, thông thường những đàn ông dư dật khó yêu nổi vợ.
Bạch nhận lời thi hộ lần này tự nhủ là lần phiêu lưu cuối. Thân chủ do hoàng tử Phở giới thiệu. Thực ra chuyện này có đôi chút tế nhị. Hoàng tử Phở mách mối cho Bạch một cô bé con nhà mới giàu. Đây là một định hướng kinh tế không phải là không hiện thực. Cô bé mười chín tuổi nhí nhảnh học đại học mở, yêu thi ca và thi sĩ. Chính vì nàng, các nam sinh viên cùng trường đã làm thơ. Tập thơ với lời tựa của một thi sĩ có danh, suýt được giải khuyến khích của Trung ương Đoàn. Mối tình đầu của nàng với vị thi sĩ đầu bạc ấy bị tan vỡ bởi nguyên nhân thuần túy thơ ca. Vào ngày sinh nhật nàng, vị thi sĩ có tuổi đọc tặng bài thơ tình tứ tuyệt. Do cách gieo vần hiện đại nên trong khi đang ngâm thi sĩ bị rơi ba cái răng giả. Là tín đồ của chủ nghĩa duy mỹ, nàng thấy tổn thương trước sự xúc phạm cái đẹp. Để khuây khỏa bất hạnh, chiều chiều nàng cô đơn lượn quanh Hồ Tây trên chiếc Suzuki màu hồng nhạt. Bạch bắt đầu lên đường chinh phục “tình yêu-kinh tế” bằng kế hoạch thi hộ anh trai nàng vào trường Kinh tế kế hoạch. Long, anh giai của nàng, là người minh bạch. Với tinh thần bi-di-nít của thị trường mở, anh giai của nàng bắt Bạch phải nhận thầu từ A đến Z. Tất nhiên với giá hấp dẫn. Hợp đồng được soạn trên máy computer OLIVERTY đời mới nhất, đầy đủ chữ ký của cả hai bên đối tác. Ngoài ra, anh giai nàng thỏa thuận miệng sẽ giúp đỡ tối đa để Bạch nhanh chóng trở thành em rể. Và để chứng tỏ là người đứng đắn, anh giai nàng đã cung cấp không tính toán về những sở thích của cô em gái. Có một chi tiết Bạch cho là quan trọng. Gần đây, sau cái chết đột ngột của nam diễn viên Lê Công, nàng bỏ cơm hai ngày và sáng tác ba bài lục bát. Trước đây Bạch chỉ biết nàng thích ăn bún chả. Bây giờ Bạch đã biết món ăn tinh thần của nàng là gì rồi. Trong bữa rượu trước hôm thi ước chừng một tuần, tuân thủ đúng trình tự hợp đồng, anh giai nàng đưa trước sáu “vé” kèm theo tấm thẻ dự thi mang tên Trần Đức Long, số báo danh 395 có ảnh 4x6 của Bạch. Không hiểu sao ngay từ hôm ấy Bạch đã thấy một nỗi phập phồng vô cớ. Các buổi chiều, Bạch đi lễ đều mông lung cầu nguyện. Rõ ràng có một điều gì đó gờn gợn. Chắc Thiên Chúa đã mách bảo thông qua linh tính thiên cảm. Nhưng Bạch cần tiền, rất cần tiền.
Ông trung niên tiếp tục hút thuốc, căn phòng quẩn đặc nhiều khói. Giây phút phán xử của ngày tận thế sắp tới. Cô Loan bỗng ngừng bước, ngồi xuống cạnh Bạch. Cô bâng quơ cầm tờ biên bản đọc lướt lướt nhưng mắt để đâu đâu. Đột nhiên, Bạch thấy lờ mờ hy vọng. Bạch nhớ nhanh rằng, đã có lần cô Loan nghẹn, bỏ dở bữa cơm khi cô hỏi về gia cảnh Bạch. Cô Loan nói chậm.
- Xin lỗi, tôi muốn nói chuyện riêng với anh được không.
Tim Bạch đập nhanh khi thấy ông trung niên đeo kính gật đầu, chắc ông ta cũng chỉ biết cô Loan là người nguyên tắc. Căn phòng trống chơ vơ chỉ còn có Bạch. Bạch thì thào đọc kinh Kính mừng. Lạy Đức Mẹ nhân từ, xin Người phù hộ cho con. Cô Loan đi vào một mình tay cầm tờ biên bản hình như vẫn chỉ có một chữ ký. Bạch khẽ cúi đầu, khép hờ mắt nhìn xuống chân ghế, cố giữ vẻ rúm ró thương hại. Cô Loan lưỡng lự ngồi xuống cạnh Bạch, cái bút bi BIC ở tay cô ngừng xoay. Cô có vẻ muốn nói rồi lại thôi. Vài phút thật lâu chống chếnh yên lặng. Ông trung niên ngậm điếu thuốc đã tắt đi vào cùng một người mặc sắc phục cảnh sát. Ông ta nói không nhìn “Xin lỗi chị, tôi không thể làm khác”. Mọi chuyện thế là hết. Bạch mệt mỏi đứng dậy. Cô Loan nặng nhọc ký, nét cuối bị vấp suýt rách tờ biên bản. Bạch muốn chào cô nhưng vòm họng khô đắng. Ông trung niên gập đôi tờ biên bản bỏ vào cặp. Ra đến hành lang, Bạch vô thức ngoái lại nhìn. Cô Loan đang ngồi đúng chỗ Bạch, vẻ mặt đẫm buồn của cái buổi chiều xa xưa khi cô bỏ dở bữa cơm. Bạch thấy nghẹn ngào quanh ngang cổ. Không cần giả vờ, Bạch khóc.