Biển Lạ
Nguyễn Việt Hà
"Đó là những lời trúc trắc ngây ngô và rời rạc”
Faulkner nhại Shakespeare
Nữ thi sĩ đứng trên tầng chót của toà nhà cao tầng Hà Nội tower. Mây tầm thường trắng báo hiệu vĩnh viễn vắng những mùa hè không có dông. Không có dông không hẳn sẽ là không có mưa. Nhưng không có mưa thì sẽ không bao giờ có những vũng nước đọng. Nữ thi sĩ đăm đắm nhìn xuống. Phía dưới chân tháp là một vũng nước hình ô van đã lắng bùn, không cần cố lắm nữ thi sĩ cũng thấy gương mặt mình long lanh hiện trên gương nước. Một khuôn mặt nửa quen nửa lạ có cặp mắt âu sầu không có tuổi. Những nét trên khuôn mặt ấy là đau đớn là ngổn ngang buồn. Trong sâu xa cô ngờ ngợ đấy chính là khuôn mặt của cô. Cô đã nhiều lần phải bơ phờ luỵ một nhiếp ảnh gia dâm đãng chuyên về chụp ảnh nghệ thuật chân dung, chụp hàng ngàn cuốn phim nhưng khuôn mặt đó vẫn không ra hình. Chỉ có cô là nhìn ra và muốn nhìn thấy rõ nó bắt buộc phải đứng đúng chỗ tầng thượng này. Tất nhiên phải có vũng nước ấy. Cô định không nói với ai, nhưng trong một lần đắm đuối hôn anh, cô buột môi đánh rơi bí mật.
“Em nhìn từ trên ấy xuống bằng mắt thường”
Anh hỏi như hỏi một người bình thường chứ không phải hỏi một nhà thơ, cô khó chịu.
“Thế tại sao em lại biết chỗ đó”
Cô đanh đá, thế tại sao anh không hỏi là tôi đã bay lên đó bằng cách nào. Anh hình như cũng có làm thơ nhưng chính xác anh là một doanh nhân. Khi muốn bay, những loại người như anh phải đi mua vé của hãng hàng không Vietnam Airlines. Còn cô, cô là nữ thi sĩ, cô có thể muốn bay bất cứ lúc nào khi cô đang sáng tác. "Đừng có tưởng là thế”. Anh cưòi khẩy và cô không nghe thấy. Đã rất nhiều lần cô chậm rãi từ dưới tầng một đi bộ lên. Những gã bồi phòng mặc đồng phục xanh sẫm đầu húi cua tò mò nhìn. Nếu không có một vầng hào quang rất lạ vòng quanh khuôn mặt mệt mỏi của cô thì những gã trai nông nổi ấy đã nhầm cô là ca ve. Trong bảy trăm ba mươi hai lần đi lên đi xuống, duy nhất có một lần mới đến tầng tám cô chợt thấy khuôn mặt mình. Hôm ấy trời chan chát nắng, mặt đường nhựa héo rũ mềm nhũn. Cổng chợ Âm Phủ có con bé người ở Nhổn bán bánh đúc ế khách, đang ngao ngán ngồi lót đít bằng một quyển tuyển tập phê bình văn học. Vũng nước hình ô van sau cơn mưa đêm đột nhiên loang rộng ra. Nó trong vắt và sâu thăm thẳm. Cô hồi hộp nhìn thật kỹ khuôn mặt trong vũng nước. Cô cười nó cũng cười. Cô thè lưỡi nó cũng thè luỡi. Thế nhưng khuôn mặt đó không thể là của cô. Hai gò má múp míp căng mỡ. Cặp môi dầy đỏ au tương ớt cay nồng như vừa ăn xong bún ốc phố Mai Hắc Đế. Cái trán ngắn tủn lấm chấm trứng cá của tuổi mãn kinh thiếu hẳn một thời trác táng hồi xuân. Năm nay là năm Tân Tỵ hai nghìn lẻ một, còn cô sinh năm ất Mão, tử vi bảo vậy tức năm 1975, chứng minh thư nhân dân ghi vậy. Và cô nổi tiếng trên thi đàn vào đúng hôm cô sinh nhật ba mươi sáu tuổi. Bốn nhà phê bình văn học nhớn, vừa cổ vũ thơ trẻ vừa ủng hộ thơ già, đồng thanh ấn chứng vậy. Độc giả hoang mang. Này độc giả, nữ thi sĩ không bao giờ có tuổi, chỉ có tình yêu và mãi mãi không có bầu. Tiếng chuông đồng hồ nhà Bưu điện bị gió thổi mất nét, yếu ớt nhả mười một tiếng. Nữ thi sĩ cô đơn tự ngắm mặt mình đã được tròn ba giờ. Hôm nay là một ngày đổ vỡ. Có một cái tục tằn vô nghĩa nào đó lướt qua cô, nó dấm dứt để lại một câu vọng cổ, chết thì cũng chẳng có gì là mới. Gió cuốn từng vòng ngược từ dưới lên. Cô lễnh loãng nghe những tiếng ú ớ của đường phố. Cô giữ chặt gấu váy, xung quanh cô là mênh mông cao. Bạch vân thiên tải không du du. "Mây trắng ngang trời trôi linh tinh. Tôi sẽ nhẩy xuống". Cô thử gào, cái giọng khàn khàn bị lấp nhợt nhạt ngay trong tiếng gió. Giọng khàn chỉ thời thượng trên sân khấu ca nhạc còn trên thi đàn giọng đó là vớ vẩn. Văn chương khắc nghiệt lắm, một trong tứ đại phê bình gia đã chân thành khuyến cáo các cây bút trẻ... Thơ hay là phải có giọng. Nhưng to quá thì ồn nhỏ quá thì nhược thánh thót quá thì sến. Làm sao nó phải vừa to vừa nhỏ, hoặc lúc thì dài hoặc lúc thì ngắn. Cứng khi cần cứng mềm lúc muốn mềm. ”Đừng lý luận nữa, thế cuối cùng nó giống cái gì”. Cô đã hơn một lần gào lên trong những buổi hội thảo về thi ca hiện đại. ”Nó giống cái giống”. Đại phê bình gia tốt nghiệp đại học đường Cambridge có biệt danh là Tây Đọc thâm thuý bình tĩnh bảo. Cô đã nghe theo và mất gần hai năm cô mới đau đớn nhận ra là mình lầm lẫn. Cô là phụ nữ, cô không cần cái đó và cô không thể có cái đó. Cô tháo bớt vòng để buộc chỉ cổ tay thề tuyệt giao với nhà phê bình Tây Đọc, chỉ chơi với ba người còn lại theo kiểu vong niên đó là Nam Gào, Bắc Thét và Đông La. Nhân sự phê bình chuyên cho thơ luôn là nỗi lo thường trực của những người yêu văn học đương đại. Đến bây giờ duy nhất thành danh chỉ còn bốn vị trên. Điều nguy hiểm mang tính học thuật là, theo thuyết ngũ hành thì tuy đủ bốn phương nhưng vị trí trung tâm lại thủng. Có phải thế chăng mà thi ca hiện đại cứ có chiều kích hướng nội thì lại bị trượt vào hư vô. Một nền phê bình tử tế thì phải có tâm. Nhiều độc giả nồng nhiệt thấy cô hay trả lời phỏng vấn mục văn nghệ trên các loại báo đã gửi bao nhiêu thư đến nhất quyết bắt cô thôi làm thơ để ứng vào vị trí trung ương đang thủng ấy. Phía dưới vỉa hè có vũng nước bắt đầu lúc nhúc người. Cô mệt mỏi nghe những tiếng lào phào trộn sền sệt trong tiếng gió. Cô là nhà thơ già hay là nhà thơ trẻ. Người ta mơ hồ bảo thơ hay thì không có tuổi. Cô nức nở văng tục. Đám công chức nhà nước trốn giờ sớm đi ăn cơm bụi ào ra đầu tiên. Những khuôn mặt đồng phục đều đặn nhàn nhạt một nỗi lo âu không duyên cớ. Cuộc sống chật chội ít vui ít buồn làm cho bụng họ chóng ngót. Khoảng ba mươi phút nữa mới đến giờ tan của những nhân viên văn phòng làm thuê ở các công ty có người nước ngoài. Mặt đám này trông no nê nhưng luôn căng thẳng vì overtime nhợt nhạt xanh phảng phất mầu của giấy bạc Mỹ. Anh không bao giờ đi lẫn vào cả hai đám đó, cái đám của anh trông bảnh bao và nguy hiểm hơn.
“Tại sao anh cứ thích quan hệ với những người như thế”
“Họ là tương lai của đất nước này”
“Nếu đám đấy là tương lai thì em không chịu nổi”
“Thôi làm ơn em đọc thơ đi”
Hôm ấy anh đang mệt nhưng cô không biết. Với riêng cô, nếu ba ngày không được đọc thơ thì mồm thấy rất hôi. Cô đã đọc cho anh hai lần trích đoạn một trường ca cô đang làm dở, tâm trí anh để đâu đâu. Hoặc anh để nó bập bềnh theo những công tơ nơ hàng lậu chưa xác định được ngày cập bến Đông Âu. Hoặc anh nghĩ cách nói dối nàng vợ già rằng tại sao tối nay anh không thể về. Anh luôn nói với cô là anh yêu cô nhất nhất nhất thế giới. Anh với bố cô là bạn đồng tuế đồng hương nhưng khác tài. Tài của bố cô là tài bé và tài của anh là tài nhớn. Bố cô đăng bài thơ đầu tiên vào năm mười tám tuổi và đến nay ông đã năm mươi tám tuổi người ta vẫn chỉ nhớ ông có một bài thơ đầu tiên. Nếu ông chết yểu ông đã thành Vương Bột hoặc Hoàng Lộc hoặc thành Vân Vân. Lịch sử thi ca luôn trân trọng cúng tế những người nổi tiếng vì một bài. Cái bi kịch sống dai đã làm ông nát rượu và thành người hầu rượu cho các thi sĩ có nhiều bài. Chiếu rượu nhà ông lúc nào cũng chật đông những người nổi tiếng. Của nả hương hoả ông bà để lại được chưng cất thành rượu chim Hổ, rượu tay Gấu, rượu Tắc kè và cuối cùng là rượu Bìm bịp. Mẹ cô liên tục bị hắt hơi,đành bỏ lại hai cha con cô để theo làm thiếp một tay Lễ bộ thị lang mà thi nghiệp có hẳn ba bài. Bố cô lã chã nước mắt vừa bế cô vừa ngậm ngùi ngâm Hai sắc hoa ti gôn cho một vòng tròn thi hữu ngồi xung quanh. Đấy là năm cô bẩy tuổi. Rồi đến năm cô mười bẩy tuổi các thi hữu ngồi xung quanh chia sẻ gánh nặng nỗi đau của bố cô bằng cách lần lượt bế cô. Anh ngồi một góc uống rượu ngâm rễ cau núi chua xót cười... Nếu cô yêu anh là cô yêu sự độc đáo. Trước khi thành thương nhân anh đã là thi nhân. Thi phẩm của anh gồm hai tuyển tập thơ lục bát nhưng câu sáu chỉ có một chữ còn câu tám có mười một chữ. Thi pháp lạ thì đành phải chờ ba trăm năm sau. Cô đã từng nói với anh rằng anh đừng có nguỵ biện. Những kẻ không có thi tài thường hay đê tiện bám víu vào tương lai. Tương lai là cái quái gì, tại sao cứ gán cho nó cái quyền minh xét. Biết bao kẻ bất tài xúm vào cố công kênh cái sọt rác mù mờ ấy để ngong ngóng một ân sủng an ủi. Cô thấy chán quá, ở độ cao này mới thấy chán làm sao. Cô lưỡng lự xoay tròn một vòng. Anh từng nói nghệ thuật là phải đứng riêng rẽ ở trên, cho dù nó vô luân và vô đạo. Hôm qua cô đã phù phiếm tin. Phía dưới chân tháp nhan nhản đông người. Những con người bé li ti như kiến và có dáng đi xấu hơn kiến. Chưa nhìn ra ai quen nhưng cô không thể chờ. Cô muốn hét lên rằng cô không phải là kiến kể cả làm kiến có cánh...”. Tôi sẽ không làm thơ nữa”. Một tiếng thất thanh gần giống tiếng hú của nhà thơ nửa Thiền nửa hippy Ginsberg. Phía dưới dòng người nườm nượp vẫn tất tả trôi. Những khuôn mặt có những vầng trán nhiều nếp nhăn đang cố nhớ là hôm qua mình đã ăn gì để hôm nay ăn lệch sang món khác. Hình như chỉ có con bé người Nhổn bán bánh đúc ế là nghe được. Nó ngơ ngác ngái ngủ đứng dậy ngó xung quanh. Không có công an, không có bảo vệ chợ, nó lại đặt mông xuống quyển sách lim dim ngồi gật gù tiếp. Cô tuyệt vọng cố không khóc và tự nhủ sẽ hét thêm lần nữa. Đau đớn thay là thi ca. Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ.Tân thanh đáo để vị thuỳ thương. Một chút tài mà luỵ cả thiên cổ. Tiếng kêu này biết thương xót cho ai... Những cay đắng ứa lem luốc trên khuôn mặt lấm tấm trong trắng của cô. Cách đây không lâu cô đã lang thang theo Bắc Thét và Nam Gào đi bán thơ. Thi tập mới nhất nhan đề chỉ một chữ “Ôi” cô đơn không dấu chấm hỏi không dấu chấm than. Trang đầu có lời phi lộ của Bắc Thét, trang cuối có lời bạt của Nam Gào “Ôi là một tập thơ tươi nên đương nhiên có nhiều mới lạ. Nó sẽ không có những độc giả trên sáu mươi tuổi, những người đã sống nhẵn một hoa giáp. Ôi là một tiếng kêu miên dại của một bản ngã thanh tân Tôi đã mất Tê. Vì vậy nó cựa quậy sống động. Ôi không bao giờ là thiu”. Cô đi giữa khoác chật căng chiếc ba lô chứa đầy những quyển thơ vừa in của mình. Hai nhà phê bình đi hai bên gương cao băng rôn có đề dòng chữ "Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Hai nhà phê bình ủng hộ thơ cô bằng một tình yêu nghệ thuật thuần khiết vô tư. Toàn bộ thi đàn tuy đau lòng nhưng không thể dung tục nổi một sự thật ấy. Ba người đi dọc theo kinh tuyến một trăm linh sáu độ đông và đều đặn dừng lại ở các vĩ tuyến mười ba độ bắc mười năm độ bắc và mười bẩy độ bắc. Ở vĩ tuyến 13 bán được 13 quyển. Ở vĩ tuyến 15 bán được 15 quyển và ở vĩ tuyến 17 bán được 17 quyển. Càng xa xích đạo, số của vĩ tuyến càng lớn nhưng trời càng lạnh. Nhìn chồng thi tập còn dầy Bắc Thét và Nam Gào bắt đầu cằn nhằn nhau. Cả hai cố tình sụt sịt mũi tỏ vẻ bị cảm khi nghe cô nồng nhiệt đọc bài thơ mới “Tuyết vịnh”. Cô thở dài quay gót nhoi nhói nhớ lại những lời thề thốt chung thuỷ văn chương, ba người lập cập rét lếch thếch trở về Hà Nội. Phúc chẳng đến hai hoạ không lại một. Trong thời gian cô đi hoằng dương thi đạo, tờ nguyệt báo của ngành lắp ráp xe máy lậu đã đăng ảnh cô minh hoạ cho mục "Cách chữa mụn ở tuổi dậy thì”. Liên tục hai số sau toà soạn đã đính chính đã xin lỗi, thanh minh rằng đã nhầm ảnh cô với ảnh của siêu người mẫu có tên viết tắt là V.A.C. khi người mẫu này chưa bị cảnh sát hình sự bắt về tội làm gái gọi. Cô âm thầm quay lại ngôi nhà của mình nơi có người cha đang say. Bố cô nặng nhọc ti hí đôi mắt mụ mị sưng mọng nước hình như nhìn cô rồi khàn khàn đọc thơ. Vẫn bài thơ tứ tuyệt cô thuộc đến nhầu nhĩ làm từ hồi ông mười tám tuổi. Cô lặng lẽ mở tủ rượu, hết sạch gấu hổ tắc kè rắn biển chỉ còn xâm xấp thuần một loại bìm bịp. Cô sẽ uống nửa lít và cô sẽ lao đến với anh. Cô không muốn vịn vào thơ nữa cô muốn vịn vào tình yêu. Cô muốn vò xé mái tóc muối tiêu của anh, cắn vào những chỗ mà anh hay kêu buồn. Cô lấy chìa khoá căn phòng anh đã mua tặng riêng cho cô nhân dịp cô in tập “Ôi”. Cái chìa khoá hơi gỉ vì thời gian cô đi xa, nó nằm nép tủi thân dưới vô số những bài báo viết về thơ cô mà bất cứ bài nào cô cũng đều đi ép pờ lát tíc. Cô đau đớn nhớ đến một ông vua không hiểu thời Lý hay thời Trần không hiểu ở Việt Nam hay ở Trung Quốc, ông này đã tụt bỏ ngai vàng như tụt bỏ một cái dép rách. Cô mím môi ném xấp bài báo lẫn lộn cả chứng minh và phân tích vào sọt rác. Cô tự tin đi ra đường có đông người. Cô hạnh phúc mở căn phòng tầng hai ở phố Trần Thái Tông và cô đã thấy. Anh đang nằm trong lòng của nhà phê bình nữ Đông La rên rỉ tự đọc thơ mình. Anh tiếp tục bình thường giống như nhiều đàn ông, cố nâng cấp tình dục lên tình yêu bằng cách tráng men thi ca. Đau đớn thay phận đàn bà. Cô thấy sâu sắc thương cho mình và cho cả nữ phê bình gia kia. Bọn đàn ông có vô số cách đè phụ nữ và chín mươi phần trăm các cách đè ấy đều mang vẻ cao thượng. Trống rỗng, cô đã bay lên tầng chót này với nỗi mệt mỏi được soi lại mặt mình. Vũng nước mờ mờ nét dần khuôn mặt của cô. Là lạ, cô đã thấy khuôn mặt xanh non mười bẩy tuổi hồi cô chưa làm thơ. Cô bâng khuâng xa xăm nhớ. Đâu đó có ánh mắt rụt rè nhiều trong trẻo của cậu bé lớp trưởng thầm yêu cô năm cuối trung học, lúc ấy cả lớp cô đi píc níc ở Sầm Sơn. Cô và cậu bé hoang mang đứng trên bãi cát mìn mịn mưa không dám nhìn nhau cùng ngắm bình minh biển. Cô thở rất dài. Phải có bao nhiêu vũng nước như dưới kia mới thành được biển. Đột nhiên, một nỗi khát khao ngập đầy, cô vươn hai tay khe khẽ cầu nguyện. ”Xin cho tôi được ra tới biển”. Tiếng thì thầm của cô chạy dài vào gió. Những người đang nhốn nháo đi lại phía dưới chân tháp bỗng ngơ ngác. Lần đầu tiên đám đông đã nghe được mong manh lời của gió. Một vài khuôn mặt bằng phẳng bị xáo động ngước lên. Những nam nữ công chức này vừa tan ra khỏi cao ốc thuộc ngân hàng Công Thương. So với các công chức ở các công sở khác, công chức ngân hàng bao giờ cũng nhạy cảm hơn bởi thói thóc mách và tính xúc động vặt.
-Ơ, có con điên kìa.
Một cô bé làm kế toán mũm mĩm trong bộ đồng phục áo dài mầu boóc đô ngây thơ hét lên. Tất cả những người tầm thường ở Hà Nội đang lim dim ngủ trưa tò mò chạy tới. Đám đông ồn ào tranh nhau dung tục bình phẩm. Cô bỗng thấy rã rời. Cô đã thấy cả tứ đại phê bình gia cả bố cô và cả anh nữa. Hai tiếng trước cô còn nôn nao mong mỏi họ đến chứng kiến, còn bây giờ cô chỉ thấy xót xa nghẹn ngào. Bố cô cuống quýt lảm nhảm chạy đi chạy lại. Anh hoảng hốt rút mô bai gọi xe cứu thương nhưng lại gọi lộn vào số của quán karaoké Phượng Hồng. Duy nhất có Nam Gào bình tĩnh rành rọt tiên tri.
-Cô bé sẽ không nhẩy đâu. Trong lịch sử năm nghìn năm nhân loại chưa có nữ thi sĩ nào đi nhẩy lầu. Còn cô bé bất chấp quy luật vẫn nhẩy và kêu “con đây” thì cô bé sẽ rơi vào ông bố. Còn nếu kêu “em đây” thì sẽ rơi vào người tình này. Còn nếu vừa nhẩy vừa ngâm thơ...
Chợt Nam Gào thảng thốt dừng lời.Đương nhiên thi ca trượt chân thì sẽ rơi vào phê bình. Ông ta rùng mình sờ cổ len lén nhìn ba đồng nghiệp, xác suất một phần tư hẹp quá. Lãng mạn và lịch sự, Nam Gào đi giật lùi ra khỏi đám đông rồi thong thả đạo mạo tới ngã tư Tràng Thi - Quang Trung. Từ trên chót tầng thượng, thiếu nữ sinh năm 1975 cô đơn nghe và nhìn. Thiếu nữ bật khóc. Những giọt nước mắt thật nặng không rõ trọng lượng và đậm chất của mặn muối. Những giọt nước mắt không rõ số lượng rơi vô tận xuống vũng xâm xấp nước chật hẹp hình ô van. Đáy nước từ từ mở sâu. Cái lờ nhờ trong của vũng nước rùng mình chuyển mầu. Những mép nước lúc đầu còn thấy sau duyềnh lên duyềnh lên rộng ngút ngát thăm thẳm xanh nối vào chân trời. Thiếu nữ ngửa mặt nhìn làn mây ưng vô sở trụ, vẻ người mềm mại như quỳ như cúi. Một nghi lễ tận hiến chưa có trong bất cứ tôn giáo nào. Thiếu nữ sùng kính nhè nhẹ cười rồi tung mình vào mênh mông. Đám đông nín lặng kinh ngạc. Tất cả mọi tầm thường chợt nhiên tan biến. Chưa bao giờ, chưa ở đâu người ta thấy một cảnh tượng đẹp như vậy. Một thiếu nữ bay trên nền của mầu nắng trong và trắng. Phía dưới là bao la đại dương xanh, một mầu xanh thiêng liêng rộng rãi. Hết thẩy mọi người đều lẩm nhẩm những lời vô nghĩa không hẳn là cầu nguyện không hẳn là sám hối. Thiếu nữ bay mắt mở tự nhiên và cặp môi bình lặng mím. Không một lời, thiếu nữ thanh thoát chầm chậm rơi vào giữa bao la lao xao xanh của biển.