Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Cơ hội của chúa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9354 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cơ hội của chúa
Nguyễn Việt Hà

Chương 4

Chương 4.1

Hành trình của cuộc sống va chạm phải vô số khái niệm siêu hình. Ða phần là vô nghĩa, đã thế, làm Tâm loạn. Băn khoăn, day dứt, trăn trở, thao thức. Cứ tưởng với tới lại hụt hẫng, càng muốn trốn lại càng khó thoát. Lạy Chúa, ý của Người quả là tăm tối. Mọi sinh vật ra đời đã hoàn thiện. Qua bàn tay của Chúa không thể có mặt hàng thứ phẩm. Vậy làm sao lại có cái ác. Chúa tạo ra thiên nhiên đa dạng và mỗi vật có chức năng riêng. Lão Tử nói: "Ngắn dài đo nhau". Mỗi vật tuy tiểu dị nhưng thực là đại đồng. Quá trình vận động tạo sự cọ xát giữa các chức năng của vật nên lầm tưởng rằng giữa các vật có sự hơn kém. Mọi vật đều bình đẳng, không có sinh vật cao cấp hoặc hạ cấp. Con người, hỡi ôi, sản phẩm thiêng liêng của Chúa. Vì Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của mình và cây sậy có tư tưởng đó nhất quyết đòi sự độc tôn trong thế giới tự nhiên. Và giữa người này, người kia cũng vậy. Ðã đòi một sự khẳng định, tất cả đều muốn bành trướng cái bản ngã tự cho là duy nhất. Cái ác đầu tiên manh nha từ sự so bì cao thấp, ghen tỵ. Dần dần, cùng hành trình của nhận thức (ở đây hiểu theo nghĩa cái gọi là sự phát triển của nền văn minh, khái niệm do con người tự tạo, Chúa không tác tạo ra khái niệm). Cái ác đạt đến một cấp độ cao, nó được nuôi dưỡng tinh vi bằng vô số nhưng đạo đức giả. Nó bám theo cái Thiện. Vậy là con người đòi cạnh tranh với Thượng đế. Và Người đã thấy sự tha hoá. Lòng thương của Người được thể hiện bằng cách cho Ðức Chúa con giáng thế. Nhằm cho cái ác mất hẳn đi trước ngày phán xét. Chao ôi là bất lực. Cái ác, hiểu một cách đơn giản là tất cả những gì đi ngược ý Chúa. Cho nên muốn giải trừ cái ác hãy để mình tan vào ánh sáng trong suốt của Chúa. Hay khác đi, Chúa sống qua thân xác của mình. Con người chân chính là phiên bản của Chúa. Phải thế chăng mà Nietzche nói: "Thượng đế đã chết". Ma tổ Đạo Nhất nói: "Phật chỉ như que khô củi mục". Ðành tạm minh hoạ như vậy.
Lạy Chúa, chỉ có sức mạnh hiển linh tuyệt vời của Người mới cứu được con. Biết bao hố bùn đê tiện quyến rũ con nhẩy vào, con đã lưỡng lự hay đã trượt chân. Vâng, con quen dùng những từ giả dối để tự biện hộ. Lạy Chúa con là kẻ có tội, con đã ác với nhiều người vì nghĩ rằng nhiều người đã ác với con. Con đã không dằn lòng khi đã kêu xin Người khản cả tiếng, xin Người hãy cho con lòng tin. Xin Người hãy làm chậm trễ hành trình vào bẩn thỉu của con để con được ngửa mặt nhìn đời. Con tin rằng tất cả những người thiện lương đều có thể mắc lỗi lầm, nhưng không bao giờ rơi vào sự quay quắt đểu giả đê tiện. Và Chúa đã sinh ra họ với nỗi quằn quại đau đớn của sự trung thực. Con là đứa con bé nhỏ của Người và Người không nỡ quên. Khi con vượt qua được sự cám dỗ, dạn dĩ nhìn vào bình minh của ngày hôm sau, nhìn thẳng vào mắt người đầu tiên trong ngày đang đi đường kia, con mới biết ân Chúa to lớn nhường nào. Con vẫn được là con của Chúa, không phải vì con có học, có lòng trung thực hay dũng cảm. Mà đó là ý Chúa.
Chương 4.2

Tôi tốt nghiệp đại học năm 1982. Luận văn, trái với sự mong đợi của tôi và thầy hưởng dẫn, bị đánh giá thấp. Ðến bây giờ tôi đã phần nào thông cảm với những bó buộc của trường quy, những hạn hẹp của cuộc sống, còn lúc ấy đặc biệt là ấm ức. Ông giáo già vì tuổi tác lẫn lý lịch không có bằng Phó tiến sĩ khuyên tôi đừng đi làm. Cùng với thời gian tôi càng hàm ơn người thầy. Một trí thức duy nhất tôi tôn trọng. Thầy đã nâng cao cả tửu lượng lẫn kiến thức cho tôi. Lá số tử vi thầy lập cho tôi rồi chiết giải, thỉnh thoảng bị va đập những ngúc ngoắc từ cuộc sống, tôi giở ra xem và nhớ lại vẫn thấy đúng đến ghê người. Và lạ thay, ngày thầy mất trùng đúng ngày tự tử của người bạn thân cùng tháng cùng năm chỉ khác giờ. Tất nhiên là phải khác giờ. Giỗ đầu hai người khi trời mưa, tôi khóc suốt năm tiếng, nuốt vã hết ba lít rượu trắng. Ðó cũng là đỉnh cao trong lịch sử độc ẩm của tôi. Ba tháng sau khi tôi tốt nghiệp, Tâm đi Ðức. Bảy tháng sau có giấy gọi nhập ngũ. Tôi chẳng vui chẳng buồn. Mẹ tôi bần thần rút ra hai chỉ để chạy vạy, mặt trận Tây nam và biên giới phía Bắc đều đã ngớt tiếng súng. Tại sao tôi không thi hành nghĩa vụ quân sự, tiêu chuẩn tối thiểu của một nam công dân lương thiện. Tôi sợ sự gian khổ và những nộì quy khắc nghiệt chăng, hay có sự liên tưởng nào đến Hemingway và Remarque. Không biết. Thật nhiều sự loay hoay ở tôi.
Tôi gặp lại nàng khi đến hỏi tin anh bạn. Mùa đông năm 1985 tôi đã là cán bộ nhà nước. Một viên gạch được đóng dấu trong công cuộc xây dựng xã hội. Nàng ở nhà một mình, bố đã đi lấy vợ lẽ. Mẹ mất hút sau chuyến buôn đường dài lần thứ hai. Tôi chìa tờ Nguyệt san hải ngoại có đăng bài thơ kí tên Du. Giọng ca thê lương của gã sinh viên mất quê.
- Cách đây hai tháng rưỡi em có nhận được một lá thư của anh ấy. Ðọc sởn da gà. Anh ấy buồn lắm.
Tôi thấy nàng cũng buồn. Son phấn đánh kĩ chỉ tăng thêm phần ảm đạm. Ngày Du còn ở nhà, nàng xinh và tươi hơn.
- Em sống thế nào.
Câu hỏi xã giao làm tôi tự đỏ mặt. Cô em gái duy nhất của người bạn thân duy nhất, gần bốn năm không qua cửa. Nàng không trả lời, nhìn tôi. Ðâu đó ở lúc nào đó một cô bé đã nhìn tôi như vậy. Ðầu năm học thứ ba, khi đòi lại cuốn giáo trình tiếng Anh cho Du mượn, giữa trang 34 và 35 kẹp một lá thư tình của cô bé lớp mười hai, ấp úng đầy lỗi chính tả, nói yêu tôi. Cứ nghĩ rằng tương lai giải Nobel sẽ lủng lẳng ở cổ mình, tôi lãnh đạm đi qua mối tình đầu của thiếu nữ mới lớn với sự cao đạo của minh tinh Clack Gable.
- Ði ăn chiều cùng anh nhé.
Nàng nhận lời. Và đến giờ nỗi đau của tôi vẫn trọn vẹn. Chưa khi nào, chưa ở đâu với riêng tôi nàng lại đắn đo. Hà Nội qua mùa lá rụng trời thu trong mây đã úa đông. Suốt gần bốn tháng bên nhau chúng tôi lê la khắp các quán cà phê. Tôi bơ vơ và lang thang trong nỗi buồn vô cớ. Nàng bên tôi nhí nhảnh, khuôn mặt mang vẻ hạnh phúc. Thỉnh thoảng nàng dúi tay vào tôi tờ trăm đô bảo đi đổi. Tôi chưa vô tư đến mức tiêu tiền không biết xuất xứ. Vả lại, nếu đủ dũng cảm xin tiền phụ nữ tôi chỉ dám xin Nhã.
- Hôm nay anh không uống?
- Sao thế anh?
- Nếu anh nói em có ghét anh không?
- Sẽ không bao giờ em hết yêu anh.
Ðồng lương tượng trưng của tôi tất nhiên khi tiêu pha phải theo chủ nghĩa ấn tượng. Tôi chìa tờ giấy bạc xanh có dòng chữ "We trust in god" hôm qua nàng mới đưa. Nàng nhìn tôi khẽ cười. Chúng tôi nói chuyện tay ba trong quán đặc sản. Chả cá Lã Vọng là một di tích cần bảo tồn của nền văn hoá ẩm thực. Chàng kĩ sư Thụy Ðiển hai mươi bảy tuổi cao một mét tám, cặp mắt xanh lơ sáng màu trung thực. Nàng xã giao giới thiệu và tôi thấy mến chàng trai. Vốn tiếng Anh của tôi về kĩ thuật chỉ cho phép hiểu lơ mơ nghề nghiệp. Hình như là chuyên gia nhiệt điện. Chúng tôi nói chuyện linh tinh về tập quán phong tục. Anh ta nói nhanh nhưng dễ nghe, không nuốt âm. Tôi chưa sang Bắc Âu, thông tin loáng thoáng qua sách báo, tâm hồn và văn hoá của họ tôi không biết. Duy nhất chỉ quen một người ở mảnh đất hình con hổ đó. Chàng thanh niên xấu xí, gầy gò lang thang cho đến tuổi già đi kể chuyện cổ tích. Tônxtôi bảo: "Andecxen là kẻ cô đơn, chỉ có kẻ cô đơn mới đi nói chuyện với trẻ con!”. Tôi tin Tônxtôi. Tôi hay tin những người bất hạnh. Ngà ngà cuối bữa tôi dịch cho chàng Viking một bài thơ của Du. Anh ta khóc, hóa ra bọn tư bản cũng có khá nhiều thằng đa cảm.
Nàng hôn tôi. Hôn kiểu trẻ con mới lớn. Day day bằng răng.
- Anh không yêu em và rồi anh cùng chẳng yêu ai. Lúc nào trông anh cũng buồn.
- Hôm qua anh lại trượt xổ số.
- Em chỉ toàn mơ thấy anh. Chẳng biết khi xa anh em sẽ như thế nào.
- Bên ấy có tuyết, em cố quen nhé.
- Anh yêu. Tại sao anh không yêu em - Bỗng nàng bật cười, nghe chua xót lạ - Em biết rồi.
Tôi úp mặt vào gối. Nàng ở nhà một mình và trên giường nàng là hai chúng tôi. Những ngày cuối đông nàng chẳng muốn đi đâu, im lặng nhìn tôi và đôi khi uống nhiều rượu. Một buổi chiều trở gió nàng cầm passport đưa tôi xem. Vậy là còn mười một ngày nữa.
- Nếu anh muốn em sẽ xé nó đi.
- Anh xin. Thomson là người chồng tốt...
- Nếu em cứ muốn ở lại với anh.
Tôi cho tay vào tóc nàng. Tự biết, mình đã làm một việc ác.
- Em hiểu vì sao anh không đến với em.
Vâng, dễ hiểu lắm. Anh chỉ là thằng hèn. Một cái hũ rượu dột chứa đầy dối trá. Vâng, anh sợ hãi dư luận. Những năm tháng đó anh vẫn tưởng mình làm được cái gì. Thanh danh. Trinh tiết. Quả là những khái niệm chân chính. Nàng bịt mồm tôi lại, hôn rất lâu lên trán. Tại sao mình lại phải cắn rứt. Nàng biết ngay mọi chuyện rồi sẽ như thế nào. Mình ái ngại quá khứ. Những thằng như mình lấy đâu ra cao thượng. Rằng quá khứ của nàng đã vấp phải bánh xe Toyota mang biển NN. Hãy nguỵ biện đi, kẻ chối chúa. Ðức Chúa Giêsu quay lại bảo ông thánh Phê rô: "Ðêm hôm nay trước khi gà gáy lần thứ hai thì con sẽ chối thầy ba lần". Nàng biết tất cả, kể cả vẻ nhờn nhợt cao đạo của mình. Kể cả sự khốn nạn của mình. Và nàng sẵn sàng chết vì mình. Lạy Chúa, con run rẩy trước cơn giận dữ của Người. "Mày đong cho người khác đấu nào, Chúa sẽ đong cho mày đấu ấy".
Tôi nhận được bức thư duy nhất của nàng vào cuối tháng tư năm 1988. Nàng đã li dị và đã đi bước nữa. Người chồng mới gốc Pháp, quốc tịch Canada. Cuối thư, vẫn lo về chuyện rượu chè của tôi. Thư kể chi tiết về cái chết của Du, anh đã buộc viên đá to trẫm mình xuống biển, cái chết gây xôn xao cho cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ. Những người cánh tả cực đoan cho là âm mưu của bọn lưu vong phản động. Dư luận khác đổ tại rượu, một thứ trầm uất ở vài ba trí thức Việt kiều. Tôi không biết, tôi đọc lại những bài thơ của Du. Anh viết giản dị.
Khi tôi chết là tôi được về với Mẹ
Biển cả ơi tôi đã tin người.

Người ta tìm mọi cách vớt thi sĩ lên. Hoả táng hài cốt, cho vào bình nhựa tổng hợp. Such as life. Nhân loại đầy rẫy những kẻ cẩn thận.
Sau hôm giỗ đầu của thầy và bạn hai ngày người tôi mệt mỏi nôn nao. Không muốn bất cứ cái gì. Ngửi mùi rượu thấy sợ đành đến chơi uống trà suông với anh bạn vong niên. Trước anh là nhạc sĩ sau đó trượt sang là hoạ sĩ. Nhạc phẩm ít người biết nhưng hoạ phẩm thì bán được. Anh mở một gallery con con buôn tài năng của mình và đồng nghiệp. Mùa hè rỗi, tranh thủ sáng tác nhạc và cạnh khóe các nhạc sĩ trẻ. Mùa đông vẽ sơn dầu và ca tụng San Vador Dali. Nhạc gia kiêm hoạ sĩ đang có khách, khá đông người. Một chai sáu nhăm ngất nghểu để trên mặt bàn mộc. Có tửu phải có sắc. Hơi sem sém, hai nữ nhân da phấn mặt hoa phì phèo điếu thuốc. Tôi khúm núm chào. Bạn tôi trịnh trọng.
- Xin giới thiệu với chư vị đây là Hoàng, một cây ghi ta xuất sắc trong nền âm nhạc trẻ đương đại. Người duy nhất thấu hiểu được phần hồn các ca khúc của tôi. Gần đây chán cảnh tình duyên đi làm công chức.
Tôi chắp tay cung kính cúi đầu, động tác cố gắng tương xứng với ngôn từ của bạn. Mọi người tiếp tục tranh luận về nghệ thuật, vấn đề căng thẳng nhất, là thế hệ kế thừa.
- Xin lỗi, anh đang công tác bên cơ quan nào.
Người hỏi đầu to râu cằm lổm nhổm. Mười lăm phút sau tự bộc lộ hình như là nhà viết kịch. Tôi nghĩ thế vì anh ta chửi ngành Sân khấu hơi nhiều.
- Cám ơn anh tôi ở mảng kinh tế.
Kịch gia cao đạo nhìn tôi, khái niệm công chức hoặc kinh tế xa lạ với nghệ thuật. Cơn mưa đêm qua để lại những vũng nước đọng, trời xam xám, bữa rượu trầm trầm. Các nghệ sĩ đều thầm ao ước có thêm đồ mồi. Thiếu phụ ngồi cạnh tôi xin phép được đọc thơ. Bài thơ dụ dỗ libido của giống đực. Chỉ một năm sau tôi thường xuyên gặp tên nàng trên các trang phụ san về tình yêu và tuổi trẻ. Những vần thơ và truyện ký bốc lửa của nàng đã giúp cho Nhà hộ sinh A, Bệnh viện C, Bệnh viện sản Giảng Võ vượt kế hoạch trong công tác nạo hút. Anh bạn tôi hát. Vài nghệ sĩ phối theo bằng giọng terno. Tôi đi về mệt mỏi, cái xe đạp lăn chầm chậm. Nhiều đường Hà Nội tôi thuộc từng ổ gà. Vẩn vơ hai vòng đành chui vào thư viện. Tôi ra phích sách chọn mục tôn giáo và triết học. Thiền của Suzuki. Ðể chữa cái đầu ong ong suy nhược tốt nhất là rơi vào vận hệ Ðại thừa. Và tôi cũng rất yêu sách của vị thiền giả người Nhật này. Phòng đọc đang mùa thi nên đông người, những sinh viên năm cuối vừa học vừa liếc tình nhân. Dãy bàn dành cho cán bộ san sát các cụ về hưu đưa đẩy nốt tuổi già qua các trang sách cũ. Còn một chỗ trống tôi chưa kịp tiến lại thì một học giả trung niên, trán mênh mông rộng cầm một tập in roneo ngồi xuống trước. Gió quạt thổi lật trang bìa: "Phương pháp phối giống chó Nhật”. Thôi thì tìm chỗ khác, chỉ còn những góc bàn rất bất tiện. Tôi đành toạ thiền cố đưa tâm trí sang bờ bên kia. Chừng mười phút sau gặp đúng một công án hiểm hóc của Mã tổ Đạo Nhất. Thiền sư có lối khai tâm người khác bằng cơ bắp. Theo Truyền đăng lục ông có ảnh hưởng nhiều đến Vô ngôn thông, thiền sư khai tổ một dòng thiền lớn ở Việt Nam. Ðau đầu quá. Có lẽ đốn ngộ bằng một chén rượu. Căng tin thư viện chật nghẹt những trí thức trẻ. Họ hành hạ tranh luận nhau những vấn đề có tầm vũ trụ. Vài đám chơi bài tiến lên. Môn thể thao đỏ đen thời thượng đang triệt để phổ cập ở các kí túc xá nội trú. Cô bé bán hàng nhìn thấy tôi, liếc xung quanh, cúi xuống gầm bàn khe khẽ rót rồi giấu giếm đưa tôi một chén tống. Không dám công khai, đơn giản là có khá nhiều kẻ sĩ sẵn sàng phá đời vì thi trượt. Tôi ngồi nghe lỏm những chuyện gẫu. Hai gã sinh viên để đầu kiểu Tiệp ngồi cạnh tôi bỗng ngừng trao đổi triết học. "Xinh quá". Tôi nhìn theo ánh mắt, từ chỗ gửi xe đạp sát ngoài cổng có hai cô bé sóng đôi đều khoác túi thổ cẩm. Cô bé đi ngoài, ngờ ngợ là Thuỷ. Mới năm thứ nhất em vào đây làm gì. Ðúng em rồi, cứ gì vào thư viện là phải học.
Trước Tết Bính Dần không quá mười ngày, Mai Linh cùng chồng đi Thuỵ Ðiển. Tôi không tiễn, mua ít rượu về nhà uống. Mẹ tôi đang rửa lá dong. Ông già hàng xóm độc thân, ngày xưa là thầy tu xuất, tỉa một cành đào to loay hoay ngồi đốt gốc. Buổi tối, tôi thường sang nhà ông chơi cờ. Trời mưa phùn. Mưa xuân và mưa phùn. Trên bàn tôi là tập giấy trắng và cây bút đã mở nắp. Tôi muốn viết lá thư cho em trai đang ở Ðức. Tết, những người xa quê dễ sầu xa xứ. Tôi viết một đoạn tạp văn, những ý nghĩ cong queo chạy ra thành hàng chữ thẳng. Chẳng nhẹ nhàng hơn là bao. Viết lách là một trò chơi vô nghĩa. Vô nghĩa như những ngày này của tôi. Ba ngày Tết, tôi đi chơi cùng em gái, lang thang các nhà bạn nó. Bọn trẻ con mười bảy, mười tám suốt ngày tính chuyện nhảy đầm. Con bé Phượng là người tình cảm, nó biết tôi buồn. Năm rồi nó trượt đại học, nó không khóc và tôi cũng không hỏi. Có một lần tôi đã tát em trai tôi. Là lần đầu tiên và sẽ là lần cuối cùng. Nhờ Chúa tôi cũng biết nhiều nhưng không có nghĩa cứ biết là được. Cuối tháng hai âm tôi đi chùa Hương cùng lớp phổ thông cũ của con bé Phượng. Tôi không rỗi nhưng cũng chán cảnh độc ẩm ngồi ngắm trong gương cái vẻ mặt ủ ê của chính mình. Tôi cầm theo một chai sáu lăm rượu Ước Lễ cẩn thận giấu ở đáy túi. Ðến ngã ba gần bến đò, bọn trẻ con cãi nhau. Hai mươi trên hai bảy muốn lên chùa chính, số còn lại đòi vào chùa Tuyết. Om xòm. Vài ba đứa đa cảm suýt bật khóc. Rồi cũng xong. Tôi theo em gái đi vào chùa Tuyết. Bảy anh em đi hàng một, dẫn đầu là cựu lớp trưởng, một thanh niên gày gò lêu đêu tự trang bị bằng cây ghita. Tôi sau rốt ôm bị thức ăn. Xuống đò lại chia đôi, tôi là hiệp sĩ tháp tùng hai cô bé, một tròn tròn, một gầy gầy. Thiếu phụ chở đò có nét tinh ranh của thôn nữ buôn rượu lậu. Ðò trôi, nước trong in mầu mây xám. Tôi rút chai đong ra ca nhỏ tự thư giãn và tháo bị lấy bánh mì đưa hai cô bạn đồng hành mời thiếu phụ. Nàng mỉm cười từ chối. Gió sáng xuân khua lau lách ven bờ. Hoa mơ nở trắng thấp thoáng trong rừng mơ. Tôi đi chùa Hương nhiều lần, nhưng cứ ngồi đò lại nghẹn ngào tức thở. Vài thuyền không khách trôi ngược. Bọn trẻ con đùa nhau. Học sinh lớp mười hai bao giờ cũng là những nhà lãng mạn chân chính. Thuyền bên kia, lớp trưởng tự đệm đàn hát sai gam một bài của ban nhạc Joy. Em gái tôi gõ nhịp vào mạn thuyền. Tôi uống hết ca rượu và tự nhiên cũng muốn gào lên. Cô bé tròn tròn chỉ những di tích trên bờ hỏi xuất xứ. Tôi ba hoa. Rất may đã đọc lướt cuốn hướng dẫn du lịch Hương Sơn giá hai đồng rưỡi. Thiếu phụ chở đò thỉnh thoảng chêm vào, hóm lắm. Chập choạng tới nhà trọ đầu mùa vắng khách. Mấy anh em kiếm củi để đốt lửa thức qua đêm. Lúc đầu, lớp trưởng nhất quyết bắt cả nhóm vào ngủ trong rừng phía rậm rịt cây xa xa sâu lòng thung lũng. Tôi rùng mình và góp ý là tôi bị thấp khớp. Lớp trưởng tuyên bố nể mặt tôi nên cho phép cả nhóm ở ngoài này nhưng đứa nào ngủ trước là hèn. Bọn trẻ con mệt nhoài nên ăn rất bạo. Tôi uống rượu cố dặn mình để lại một phần ba đến mai. Lớp trưởng tợp một hụm, lúc đầu hơi nhăn nhó nhưng lạnh lùng kêu rượu nhẹ. Cô bé gầy đòi uống. Tôi nhìn cô bé, xinh quá, hình như tên là Thuỷ. Có lẽ cả ngày lo giữ thế ông anh tôi chưa dám nhìn kĩ. Cô bé uống rượu. Tất cả cười phá lên vì vẻ mặt Thuỷ. Bọn trẻ uống hết hai chai bia Trúc Bạch rồi quay ra chơi bài. Cậu lớp trưởng ngồi cạnh em gái tôi, cô bé Thuỷ gầy gầy chầu rìa. Mình sẽ uống hết chai này mất. Có cái gì cay đắng. Tuổi trẻ của tôi hình như đã qua rồi và tuổi trẻ của em gái tôi và các bạn của nó. "Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi". Rượu dễ làm người ta chua chát. Tôi nhớ Du, tôi nhớ bạn tôi quá. Không thể hiểu được khi bạn vắng mặt lúc này. Tôi cũng nhớ Mai Linh. Tôi nhớ em, tôi đau đớn vì đã biết cách mặc cả với lương tâm. Tôi cầm đàn chơi một bản tình ca buồn. Du ơi, Juliet của mày vẫn chưa đi lấy chồng. Hôm tao đến nhà nàng báo tin mày mất, nàng khóc. Mày không bao giờ trách nàng và tao cũng không trách nàng. Cũng có thể vì mày nghèo, cũng có thể vì mày xấu. Nhưng người ta không thể có mày vì mày làm thơ. Những bài thơ chua chát và buồn đến kỳ lạ. Thập kỉ này không cho phép những thằng thi sĩ như mày được tồn tại. Nàng hiểu. Làm gì có sự tàn nhẫn. Tôi buông đàn. Bọn trẻ vẫn đang chơi bài. Cô bé gầy gầy nước mắt ngập mi rân rấn nhìn tôi. Uống nốt chén rượu tôi loạng choạng đi ra ngoài. Gió núi lạnh lất phất mưa rơi. Tôi ngồi bệt xuống phiến đá đầu quay quay. Có ai đó đi lại. Cô bé gầy gầy chập chờn trước mặt tôi. Tự nhiên tôi hùng biện, một thứ Cicéron đã ngâm bình năm lít. Người lâng lâng ba hoa. Tôi lơ mơ nói về nỗi buồn về tình yêu hay tuổi trẻ gì đó. Hình như có cả lịch sử Thiền tông. Rồi tự động ngắt volume bằng cú ngã lộn ngửa. Lạy Chúa khi bọn trẻ khênh tôi về nhà trọ chúng không kịp phát hiện bãi nôn hình ôvan lẫn trong đám cỏ đẫm sương. Vài hôm sau khi về đến nhà trong một lần kể chuyện vui, em gái tôi còn nhắc cô bé Thuỷ hốt hoảng chạy đến sái chân về báo cấp cứu. Thuỷ không phải là bạn em tôi. Thuỷ học phổ thông sớm hơn tuổi một lớp. Năm nay, cô đã là sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Ngân hàng. Cô chơi với một cô bé khác cùng lớp Phượng. Mà thôi tôi và cô bé đâu có gì. Thỉnh thoảng trong tiềm thức nhợt nhạt mối mặc cảm đầy xấu hổ về buổi tối ba hoa bên phiến đá chùa Tuyết. Cô bé sẽ nghĩ về tôi như thế nào. Tôi nhớ cặp mắt đen rân rấn của Thuỷ. Tôi đã qua cái tuổi tự an ủi mình bằng ảo ảnh. Tôi thấy mình lố bịch, tôi chẳng là cái gì cả. Phải mất gần bốn năm sau khi tốt nghiệp đại học tôi mới hiểu điều đơn giản đó. Ðức Chúa anh minh công bằng. Tôi đã được hưởng khá nhiều, kể cả sự mất mát. Tôi đã làm nhiều điều tồi tệ nhưng cuộc đời vẫn độ lượng với tôi. Tôi ghét khái niệm trả giá. Khi mang một ý nghĩa mình là chủ thể tự mình đặt lên bàn cân cò kè với Thượng đế.
Tôi đứng lên đi vào phòng đọc, Thuỷ ngồi đối diện tôi. Ngẫu nhiên hay phi ngẫu nhiên. Theo xét đoán logic thì điều đó là tất yếu. Những chỗ bất tiện chỉ dành cho những kẻ đến muộn. Vâng, ở đây có hay không sự linh cảm của tình yêu. Khi đã yêu nhau Thuỷ khẳng định với tôi là có. Cái buổi chiều hôm ấy ở thư viện là có sự sắp đặt của số phận. Tôi không tranh luận. Mọi sự đều là ý Chúa. Thuỷ cũng có đức tin, vài ba lần Thuỷ rủ bạn hoặc bạn rủ Thuỷ đi xem bói. Người yêu của tôi tin vào số phận. Cũng như Karl Marx tin vào qui luật tự nhiên và tôi tin vào Chúa. Tôi ngồi xuống và cố không ngẩng lên. Tôi lẩm nhẩm đọc kinh Bát Nhã và xem kĩ phần chú giải. Suzuki không quyến rũ nổi tôi. Thế còn lần trước chẳng nhẽ cũng không ngẫu nhiên. Cách khoảng hơn tháng sau khi đi chùa Hương tôi gặp lại Thuỷ. Không phải ở những nơi đứng đắn như thư viện hay nhà thờ mà là tại quán rượu. Quán rượu đó là sáng tạo lớn của tôi. Một quà tặng hào hiệp của Chúa an ủi những ngày tháng buồn chán trống rỗng. Thực ra nó là một hàng cà phê bán đồ giải khát lành mạnh lèo tèo khách. Chủ quán là hai cụ bà, hình như là hai chị em dâu. Hai cụ ông chắc đã quy tiên. Hai bà sống hợp nhau đều không có con. Có một thằng cháu họ xa đằng nội thỉnh thoảng đến thăm, hắn là quản đốc một phân xưởng xe đạp của Lixeha. Một lần ngồi uống nước với tôi gã quản đốc khẽ than hai cụ sống lâu quá. Hắn và vợ con đang tồn tại chật hẹp trong căn hộ phân theo tiêu chuẩn ở khu Thành Công. Tôi thấy thương hắn. Hàng tháng hắn phải rút ruột chắt bóp từng đồng lương mua quà biếu hai bà dì dâu còn rất khỏe. Một chiều thu tan tầm nào đó, số phận đã để tôi lạc vào quán. Một mảnh vườn hoang nhỏ chỉ có gió thổi những lùm cây dại và hai cụ bà đang song ẩm. Rượu trắng nấu lấy. Tôi hỏi mua một chén và vĩnh viễn trở thành khách quen. Hai cụ không bao giờ hỏi tôi ở đâu, làm gì. Tôi được cảm tình là nhờ tửu lượng. Và chỉ độc ẩm một chai nửa lít hôm còn hôm hết. Một gói thuốc và vài ba gói lạc. Ðôi khi tôi mồi theo bữa chiều của hai cụ. Lâu lâu không lại, tôi lấy cớ đi công tác biếu hai cụ gói khô mực hoặc bình nước mắm Khánh Hòa. Ngay cả Mai Linh tôi cũng chưa một lần rủ đến quán này. Nó là của riêng tôi, nơi dung dưỡng sự cô đơn, một thiền xá. Chiều cuối xuân có mưa phùn không có hoàng hôn, những dải nắng đã bị mây xám giết chết từ giữa trưa. Tôi đã đi được hai chén tống, bao Hero vơi hơn nửa. Ðã đến lúc ngấm cái đơn điệu của cuộc sống công chức. Lâu lắm rồi tôi chưa đi xa. Khi thấy mình tuyệt đối vô dụng thì thiền cũng không đỡ nổi. Quán có thêm người, tôi không nhìn vì có thói quen ngồi quay lưng ra cửa. Tiếng đàn ông hơi rè gọi hai cốc nước cam và ly cà phê đá, không thấy gọi thuốc. Một giọng nữ kim bàn về cuộc thi thơ ở báo Văn nghệ mà nàng có hân hạnh tham gia. Chúa sinh ra tôi ở một đất nước mê thơ, chửi nhau cũng có vần có điệu. Ðột ngột giọng nàng bỗng sặc. Quán ế khách chắc cam hay ủng. Tôi vẩn vơ. Cụ bà em đưa thêm đĩa kiệu. Tôi đi ra quầy châm điếu thuốc, gã đàn ông đang ngồi với hai cô bé đứng dậy cười. Bạn cũ, hình như công tác tại toà soạn báo hay tạp chí gì đó. Vét tông màu nhã và mái tóc trí thức bồng bềnh. Tôi cười xã giao. Anh bạn nhiệt tình mời tôi ngồi. Ðẹp trai, nhiều tiền, kiến thức đảm bảo bởi hai bằng đỏ cả nội và ngoại. Thần tượng của các nữ sinh viên năm thứ hai đến năm thứ tư. Tôi nghĩ mình chỉ làm vướng. Anh ta chạy đến bàn tôi cầm sang cả chai và chén. Tôi nhận ra một trong hai cô gái là Thuỷ. Ðành bán rẻ trí nhớ để đổi lấy tư cách. Cũng chẳng đáng tự hào lắm khi mình cứ kè kè với cái hũ trước mặt thế hệ trẻ. Hơn nữa tôi chưa quên xấu hổ về cái buổi tối huênh hoang nọ. Anh bạn giới thiệu, cách hành ngôn thoang thoảng mùi nước hoa Pháp. Tôi hân hạnh cư xử như quân tử Tầu trong buổi sơ kiến. Ðương nhiên là không dám nhận đã biết Thuỷ, đành phải chối bay quá khứ. Thuỷ nhìn tôi, một vài nét buồn thấp thoáng trong mắt. Tôi nói là mới ra Hà Nội từ hôm kia sau chuyến biệt phái công tác dài ngày ở Sài Gòn từ trước Tết. Thuỷ tròn mắt nhìn tôi trơ tráo, chắc cô bé được giáo dục kĩ lắm về nề nếp làm con gái. Tôi ngầm nguyền rủa gã bạn si tình đang vận đỏ. Anh bạn hỏi sơ qua về sinh hoạt Tết Bính Dần ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi uống rượu và mời nhưng chẳng ai hưởng ứng. Tôi tái bản những thông tin trên tờ Sài gòn giải phóng số xuân. Cô bạn Thuỷ háo hức suýt giở sổ tay ra ghi chép. Nàng là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Văn hoá. Ngấm ngầm làm thơ từ hồi phổ thông trung học, đang thai nghén một tiểu thuyết có dự định là năm trăm mười hai trang. Tôi thấy đỡ tủi thân hơn khi thấy nàng uống hết ly cam đá. Thường thường những lúc bị đau bụng con người ta ít đặt những câu hỏi hiểm hóc. Thuỷ không nhìn tôi, nghịch gãy nát điếu thuốc. Dũng cảm tôi làm một hơi cent pour cent ly cối. Anh bạn cũng uống một chén rồi trượt chân vào chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ La Tinh. Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách, tôi tìm một cớ để rút lui trong danh dự. Thuỷ cũng nằng nặc đòi về. Anh bạn tôi và cô bạn Thuỷ đang sa vào phả hệ rắc rối của dòng họ Buendia. Quân tử Tầu gặp hiệp sĩ Tây. Gabriel Marquez phiên bản bắt tôi phải đưa Thuỷ về đến tận nhà. Về sau khi biết tôi yêu em, gã nhà báo lá cải lên mặt khai quốc công thần. Để đền ơn thỉnh thoảng gặp nhau tôi phải nộp đứt cho hắn hai chén rượu trắng kèm một đôi chân gà. Ðến ngã tư hồ Halais, giống một thằng bất lịch sự chuyên nghiệp tôi xin phép cáo từ. Thuỷ đỗ xe nhìn tôi:
"Tại sao anh phải nói dối".
"Không, anh có việc thật mà".
"Thế hôm ở chùa Hương anh có nói dối không".
Câu hỏi thật lạ lùng. Hay tối hôm ấy tôi trót nói quá điều gì. Nguyên nhân lớn nhất khiến người ta trở nên hèn nhát đó là đã dối trá. Tôi không muốn nói dối. Nhưng em vẫn còn bé và trong sạch. Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Các mối quan hệ của em đều ưu tú giản dị. Nó chưa bị phức tạp bởi vô số những điều ngu dốt tàn nhẫn. Biết nói gì với em đây. Khi người ta đã dám nói dối một lần thì cũng dám nói dối lần hai. Tôi hút thuốc đi im lặng bên Thuỷ. Lá cây ướt đẫm những hạt mưa nhỏ. Cô bé cắn môi dắt xe ngước nhìn xung quanh. Rõ ràng là chưa quen cái cảnh lang thang với một gã đàn ông mang đầy vẻ khả nghi. "Em về đây". Cô bé đột ngột lên xe. Tôi đạp song song. "Anh về đi". “Có hôm nào em rỗi không". "Không bao giờ". Tôi bơ vơ gần tỉnh rượu nhìn theo bờ vai gầy run run của em trong buổi chiều cuối xuân mưa phùn chập choạng. Suốt một tuần tôi hụt hẫng. Tôi vẫn uống rượu và khi trời trở tối người hâm hấp sốt. Tôi đến cơ quan xin phép nghỉ ốm. Rồi chiều nào cũng vào trường Thuỷ, đợi cô bé tan học lẽo đẽo theo sau đằng xa. Em không để ý và tôi thấy hạnh phúc. Ðêm mất ngủ, tôi đọc vô số tiểu thuyết như thuở sinh viên. Nhà Thuỷ hun hút trong một ngõ Khâm Thiên. Tôi kiếm quán rượu xa xa đầu ngõ ngồi uống vẩn vơ cho hết chiều. Và một hôm cô bé tan học về không có bạn. Tôi rụt rè vẫn đi đằng sau em. Xe cô bé tự nhiên tuột xích. Xe tôi cũng tuột xích. Cô bé ngoái lại và tôi bận ngắm hàng xổ số bên kia vỉa hè. Sau lần ấy, tôi không dám theo cô bé nữa. Tôi không là cái gì, chỉ là khối lố bịch đen ngòm ngòm. Tôi gượng đi làm đều, ngâm vẩn vơ của mình trong rượu. Phòng đọc thư viện mùa thi. Tôi cố tập trung sức để đạt tới Bát nhã ba la mật. Bao giờ mình mới đắc ngộ, tự đánh lừa mình là việc làm không thể. Ðạt Ma sư tổ bích diện tu tâm. Còn tôi đang đối mặt với cô bé. Một tờ giấy đúp năm hào hai trắng nguyên, nét chữ mỏng mảnh run run. "Anh Hoàng, chúng ta có thể nói chuyện như những người lớn được không?" Tôi ngẩng lên. Thuỷ nhìn. Ánh mắt trong suốt của em hay của tôi. Tất cả chúng sinh trở nên rực rỡ và từ từ tan ra. Trong khoảng khắc, tôi đã đốn ngộ được tâm ấn. Tôi viết giữa trang giấy. "Anh yêu em". Tôi đưa lại tờ giấy của chúng tôi cho em. Cô bé cầm rồi đi ra cửa. Tôi đứng dậy theo sau. "Em không muốn nói chuyện ở đây, chúng mình nên đi ra đâu". Tôi quay vào trả sách. Tạm biệt Suzuki, hẹn gặp lại ông ở cõi niết bàn.
Hai tháng lẻ ba ngày sau, trong buổi đi chơi chỉ có hai đứa lần thứ mười một, tôi đã được phép hôn em.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 303

Return to top