Tin quân Thanh kéo quân đến ải Nam Quan bay về tới Thăng Long. Ngô Thì Nhậm hay tin ấy nhủ thầm: Trước khi về Phú Xuân, Chúa công có trao cho ta một lá thư và dặn rằng khi nào quân Thanh sang đánh mới được mở ra xem, sẽ có kế chống giặc. Vậy ta mau xem thử trong thư ấy nói gì.
Nghĩ xong làm liền. Thư viết rằng:
Khi quân Thanh sang đánh, khanh nên khuyên Ngô Văn Sở bỏ Bắc Hà rút bộ binh về giữ ải Tam Điệp, đem thủy binh đóng tại cửa biển Biện Sơn, làm kế “không thành” trên toàn cõi Bắc Hà rồi ta sẽ có cách vây đánh chúng. Còn việc thuyết cho Ngô Văn Sở nghe theo, ta nghĩ rằng khanh thừa sức để làm việc đó!
Đọc thư xong Ngô Thì Nhậm lại nghĩ thầm:
- Sao Chúa công không lệnh cho Ngô Văn Sở làm theo kế ấy mà phải bảo ta thuyết Ngô Văn Sở. Ấy là Chúa công muốn ta lập công với Văn Sở, Văn Lân, Văn Tuyết đây mà. Chúa công thật là chu đáo, ta dù phơi gan trải mật cũng quyết đáp đền ơn tri ngộ của Chúa công.
Nghĩ xong ngoảnh về Nam lạy ba lạy. Bỗng quânvào báo:
- Đại tư mã Ngô Văn Sở mời tiên sinh sang trướng phủ bàn việc quốc gia.
Ngô Thì Nhậm liền vội vã đi ngay. Đông đủ văn thần võ tướng, Ngô Văn Sở lo lắng nói:
- Chúa công giao cho bọn ta được trọn quyền điều xử mọi việc ở Bắc Hà. Nay quân Thanh mượn cớ phò vua Lê xua binh ba mươi vạn sang xâm lược nước ta. Vậy theo ý các ông ta nên tiến thủ thế nào?
Nguyễn Văn Tuyết bàn:
- Bọn ta là võ tướng hễ giặc đến thì đánh. Nay chúng kéo binh bằng ba đường xâm lược nước ta. Vậy ta phải chia quân làm ba đạo lên biên cương ngăn giặc.
Ngô Văn Sở lắc đầu bảo:
- Đánh giặc tất là phải đánh, nhưng chia quân làm ba đạo là việc không nên.
Tuyết vểnh râu hỏi:
- Vì sao không nên.
Văn Sở đáp:
- Quân ta ở Bắc Hà chỉ non hai vạn, nếu đem ra biên cương sao ngăn được ba mươi vạn quân địch.
Tuyết lại hỏi:
- Theo ý ông ta phải đánh thế nào?
Sở đáp:
- Giặc chia quân làm ba đạo tiến theo đường Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Nhưng ba đường này đều gặp nhau ở bờ Bắc sông Như Nguyệt mới đến được Thăng Long. Từ ngàn xưa đến nay ông cha ta đều dựa vào sông Như Nguyệt này làm hào chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Bài thơ do Lý Thường Kiệt làm ra giả là của thần để kích động tinh thần chiến đấu của quân sĩ rằng:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
cũng ở sông Như Nguyệt này đấy. Vậy ta nên lệnh toàn quân các trấn lui về cố thủ ở bờ Nam sông Như Nguyệt rồi cấp báo cho Chúa công đem đại binh ra đánh, đó mới là thượng sách.
Ngô Thì Nhậm khen Ngô Văn Sở:
- Ngô tướng quân đã có tài thao lược, thông kinh sử rành văn thơ thật là văn võ toàn tài. Nhưng theo tôi kế của tướng quân chưa phải là thượng sách.
Ngô Văn Sở nghi ngại hỏi:
- Theo Ngô mưu sĩ thế nào mới là thượng sách.
Ngô Thì Nhậm đáp:
- Ta nên bảo toàn lực lượng rút toàn quân về núi Tam Điệp, thủy binh về đóng tại cửa biển Biện Sơn, bỏ Bắc Hà và thành Thăng Long cho giặc. Đó mới là thượng sách.
Phan Văn Lân nãy giờ chưa bàn định gì, nghe Ngô Thì Nhậm nói xong Lân xen vào hỏi:
- Giặc đến chưa đánh đã lui, ngộ nhỡ Chúa công bắt tội bỏ đất cho giặc thì biết ăn nói thế nào. Tôi tuy bất tài cũng xin lãnh binh đến bờ Nam sông Như Nguyệt chặn giặc. Xin Ngô huynh thuận cho.
Văn Sở bảo:
- Văn Lân đừng nóng nảy, cứ để Ngô mưu sĩ nói hết ý xem sao.
Ngô Thì Nhậm giở bản đồ ra nói:
- Trong binh pháp giặc đến thì đánh, đánh không được thì giữ. Nay giặc đông ta ít, vả lại người Bắc Hà lắm kẻ còn trung quân mù quáng vẫn tin rằng nhà Thanh đem quân sang giúp Lê Chiêu Thống. Bởi vậy nên bấy lâu quân sĩ ta có người nào đơn độc đi vào đồng nội rừng hoang đều bị bọn người này giết chết. Quân ít, lòng dân không theo, đánh tất phải thua. Đánh không được còn giữ thì thế nào? Sông Như Nguyệt tuy sâu nhưng thành Thăng Long trống trải. Nếu ta đem quân chặn giặc ở bờ Nam sông Như Nguyệt ngộ nhỡ quân Thanh đem thủy binh vào cửa Lục Đầu hoặc cửa Đại An theo sông Nhị Hà đánh chiếm Thăng Long thì quân ta ở sông Như Nguyệt tiến thoái lưỡng nan phải làm thế nào.
Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Nguyễn Văn Tuyết chưa biết trả lời sao, Ngô Thì Nhậm liền nói tiếp:
- Chúa công còn ở tận Phú Xuân đường xa hàng vạn dặm mà quân Thanh ngấp nghé ải Nam Quan. Nước xa không cứu được lửa gần, đánh không được mà giữ cũng không xong, chi bằng ta rút binh lui về ải Tam Điệp. Đây là đường độc đạo muốn ra Bắc vào Nam đều phải qua ải này. Ta dựa vào thế núi hiểm trở chống giặc dù chúng có thiên binh vạn mã cũng chẳng hề chi. Trong có thể khích được lòng quân sĩ, ngoài có thể khiến giặc kiêu căng mà không phòng bị, đợi Chúa công kéo đại binh ra ta sẽ đuổi chúng đi. Ấy là kế “không thành” trên toàn cõi Bắc Hà, xem như ta cho chúng ngủ trọ một đêm nào có hại gì. Nếu Chúa công bắt tội, Ngô Thì Nhậm tôi xin chịu, các vị chớ lo.
Ngô Văn Sở trầm ngâm nói:
- Chúa công bắt tội cả bọn ta cùng chịu sao đổ lỗi một mình ông. Nhưng cách này mới là thượng sách. Vậy phiền Ngô mưu sĩ mau thảo một lá thư giảng hòa, tôi sai người tâm phúc đem dâng Tôn Sĩ Nghị làm kế hoãn binh để ta có đủ thời gian gọi quân các trấn lui về hội tại Thăng Long.
Ngô Thì Nhậm nghe lời lập tức thảo thư. Ngô Văn Sở lại gọi quân đến bảo:
- Hãy đem lệnh bài của ta đến gọi các quan trấn thủ phải kíp lui binh về Thăng Long. Trên đường rút có dừng quân nấu ăn rồi phải xóa ngay mọi dấu vết và vãi gạo sống đầy đường. Ai sai lệnh chém đầu.
Phan Văn Lân đứng lên nói:
- Tôi xin đem một ngàn tinh binh đến sông Như Nguyệt chặn giặc.
Nguyễn Văn Tuyết vội can Lân:
- Đại tư mã vừa hạ lệnh rút binh, ai sai lệnh chém đầu. Sao Văn Lân còn xin đi đánh giặc.
Lân đáp:
- Ấy là tôi làm theo lệnh rút quân của Đại tư mã Ngô Văn Sở đó chứ.
Tuyết ngạc nhiên hỏi:
- Văn Lân nói vậy là ý thế nào.
Lân đáp:
- Quân các trấn ở Bắc Hà muốn rút về Nam đều phải về hội tại Thăng Long. Nếu ta không ngăn giặc ở bờ Nam sông Như Nguyệt để quân Thanh tiến đến Thăng Long ắt quân ta ở các trấn không còn đường rút. Nay tôi xin đem quân chặn giặc cho quân ta ở các trấn kịp lui về . Ấy chẳng phải là làm theo lệnh của Đại tư mã Ngô Văn Sở ư.
Ngô Văn Sở nói:
- Phan đệ muốn đánh giặc Thanh và đã tìm được một lý do rất là chính đáng. Nhưng chỉ xin ngàn quân sao ngăn được giặc?
Lân đáp:
- Quân cốt giỏi chớ chẳng cốt nhiều. Nếu quân Thanh đến được Thăng Long trước quân các trấn của ta rút binh về, Văn Lân tôi xin chịu mất đầu theo tướng lệnh.
Văn Sở bảo:
- Vậy Phan đệ hãy đi đi. Khi có tin báo quân ta đã lui kịp thì phải lập tức rút ngay.
Phan Văn Lân mừng rỡ lãnh lệnh mà đi.
*
**
Nói về Tôn Sĩ Nghị đem đại binh đến ải Nam Quan gặp lúc tối trời liền dừng quân đóng trại. Chợt quân vào báo có sứ giả Tây Sơn đến xin ra mắt. Tôn Sĩ Nghị liền cho vào hỏi:
- Nguyễn Huệ sai ngươi đến đây có việc gì?
Sứ giả đáp:
- Chúa công tôi xin Đại tướng quân hãy rút binh về tránh cho hai nước khỏi nạn can qua. Chúa tôi xin lui quân về đất Tây Sơn, trả nước cho vua Lê. Đây là thư Chúa tôi viết, trình đại tướng quân duyệt lãm.
Tôn Sĩ Nghị cầm thư đắc ý cười lớn:
- Ta nghe người nước Nam ca tụng Nguyễn Huệ dùng binh như thần. Sao mới nghe tiếng ta đã mất mật xin giảng hòa. Phen này ta quyết bắt anh em thằng buôn trầu Nhạc - Huệ trị tội dám dấy loạn giết chúa đuổi vua thì cần gì phải xem thư Nguyễn Huệ.
Nói xong Nghị xé toạc thư quăng xuống đất rồi thét võ sĩ lôi sứ Tây Sơn ra chém tức thì. Lê Quýnh và Trần Danh Án là hai sứ thần của vua Lê Chiêu Thống thấy vậy quỳ tâu:
- Đại tướng quân thật là uy vũ anh minh.
Bỗng quân vào báo rằng:
- Thưa đại tướng quân, vua An Nam là Lê Chiêu Thống xin vào ra mắt.
Tôn Sĩ Nghị liền mời vào. Chiêu Thống vào đến, Lê Quýnh và Trần Danh Án cùng quỳ thi lễ rồi vua tôi ôm nhau ứa lệ. Vua Chiêu Thống nói:
- Nhờ hai khanh lội suối trèo đèo sang thiên quốc cầu viện nên đại tướng quân mới đem binh sang giúp. Phen này ắt là đuổi được giặc mạnh Tây Sơn phục hồi nước cũ của Tiên đế.
Chiêu Thống nói xong, Tôn Sĩ Nghị cười lớn mấy hồi. Chiêu Thống ngạc nhiên hỏi:
- Đại tướng quân cười gì mãi thế.
Tôn Sĩ Nghị vừa cười vừa nói:
- Vua tôi các ngươi thật là bất tài nên mới cho Nguyễn Huệ là anh hùng, quân Tây Sơn là giặc mạnh. Đối với ta, chúng chỉ là loài chim chuột mà thôi. Vừa nghe quân ta tới ải Nam Quan, Nguyễn Huệ đã vội sai sứ đến cầu hòa. Ta vừa chém đầu sứ giả của Nguyễn Huệ đó!
Đoạn Nghị quay lại bảo quân:
- Truyền lệnh ta lập tức xuất binh đưa Tân vương về nơi cố quốc.
Quân Thanh tiến liền một mạch đến bờ Bắc sông Như Nguyệt. Nhìn sang bờ Nam thấy đồn lũy quân Tây Sơn canh phòng cẩn mật, Tôn Sĩ Nghị cười bảo:
- Từ ải Nam Quan đến đây, quân Tây Sơn sợ chạy vắt giò lên cổ không dám dừng quân nấu ăn. Chúng lợi dụng sông Như Nguyệt vừa rộng vừa sâu lại là cửa ngõ của thành Thăng Long nên đóng quân ngăn binh thiên triều. Vậy ta hãy tạm nghỉ ngơi chờ hai đạo quân của Sầm Nghi Đống và Ô Đại Kinh đến rồi cùng tiến đánh Thăng Long.
Lê Chiêu Thống ngạc nhiên hỏi:
- Quân Tây Sơn nghe tiếng thiên binh đến đã sợ mà chạy về đây. Nhưng từ biên giới đến đây hết năm, bảy ngày đường chẳng lẽ chúng nhịn đói hay sao mà đại tướng quân bảo chúng không dám dừng quân nấu ăn.
Tôn Sĩ Nghị cười đáp:
- Bệ hạ còn nhỏ không rành binh pháp nên không biết đấy thôi. Trên đường tiến quân ta không thấy bếp lò của giặc mà chỉ thấy gạo rơi vãi đầy đường. Ấy là chúng không dám dừng quân nấu ăn, phải nhai gạo sống mà chạy đó.
Chiêu Thống vỡ lẽ tấm tắc khen:
- Đại tướng quân liệu việc như thần. Quân Tây Sơn quả nhiên sợ uy danh đại tướng quân như sợ cọp. Không biết Sầm Nghi Đống và Ô Đại Kinh có biết việc này mà tiến binh cho nhanh chăng?
*
**
Nói về Sầm Nghi Đống dẫn quân theo đường Cao Bằng tiến sang nước Nam mà không gặp một sự kháng cự nào. Sầm Nghi Đống bảo quân:
- Chúng bay dò xem trên đường rút chạy, giặc dừng quân nấu nướng ở đâu rồi báo cho ta hay.
Quân đi một hồi quay lại báo:
- Thưa tướng quân, chúng tôi chia quân lùng sục khắp nơi mà không thấy bếp lò nấu ăn của giặc.
Sầm Nghi Đống vừa ôm bụng vừa ngửa mặt lên trời cười lớn mấy hồi. Tả hữu ngạc nhiên hỏi :
- Tướng quân cười gì mãi thế ?
Đống nín cười đáp:
- Trên đường tiến quân ta thấy giặc Tây Sơn để gạo rơi vãi đầy đường, giờ nghe báo không thấy bếp lò nấu ăn của giặc. Ta cười vì nghe quân ta đến đây, giặc Tây Sơn sợ đến nỗi không dám dừng quân nấu ăn phải nhai gạo sống mà chạy. Thật xưa nay chưa từng thấy oai nào lớn như vậy.
Đoạn Sầm Nghi Đống truyền quân thẳng tiến. Đến bờ Bắc sông Như Nguyệt gặp quân Tôn Sĩ Nghị. Nghị họp các tướng nói:
- Nếu ngày nay quân Ô Đại Kinh chưa đến kịp, ngày mai quân ta vẫn tiến đánh Thăng Long.
*
**
Nói về Ô Đại Kinh dẫn quân theo đường Tuyên Quang tiến vào nước Nam. Trên đường tiến quân thấy gạo rơi vãi khắp nơi, Ô Đại Kinh nghĩ thầm rằng:
- Xưa nay người Nam nước nhỏ ít quân nên giỏi đánh phục binh. Trên đường tiến quân không thấy quân Tây Sơn dừng quân nấu ăn, chỉ thấy gạo rơi vãi đầy đường. Chẳng lẽ chúng nhai gạo sống mà chạy ư? Hay chúng dụ ta khinh thường đem quân vào sâu rồi phục binh đổ ra đánh. Ta phải đề phòng mới được.
Đoạn Ô Đại Kinh bảo quân:
- Mau dừng quân đóng trại canh phòng cẩn mật, cho quân thám mã đi trước dò la tin tức, có gì nghi hoặc phải lập tức phi báo.
Tả hữu hỏi:
- Quân Tây Sơn sợ ta đã bỏ trốn cả, sao tướng quân không gấp tiến vào Thăng Long trước để lập công đầu.
Ô Đại Kinh gạt đi bảo:
- Các ngươi biết gì mà bàn, cứ y lệnh mà làm, quân từ từ mà tiến đề phòng giặc mai phục.
*
**
Nhắc lại tướng Tây Sơn là Phan Văn Lân đem một ngàn tinh binh đến đóng ở bờ Nam sông Như Nguyệt. Nhìn sang bờ Bắc thấy quân Thanh đông như kiến cỏ, tinh kỳ rợp đất, gươm giáo ngời ngời, Phan Văn Lân bảo quân:
- Các ngươi tuần phòng dọc sông cho nghiêm ngặt, nếu thấy giặc vượt sông lập tức báo ta hay.
Bờ Bắc sông Như Nguyệt Tôn Sĩ Nghị và các tướng ra khỏi doanh trại đi thị sát địa hình. Vua Chiêu Thống lo lắng hỏi:
- Giặc Tây Sơn rút chạy đã phá cầu và thuyền bè, làm cách nào quân ta vượt sông?
Không trả lời vua Chiêu Thống, Sĩ Nghị bảo quân:
- Truyền lệnh ta lập tức bắc cầu phao.
Quân Thanh chặt cây đóng cọc, kết tre làm ván hối hả bắc cầu. Quân Tây Sơn vào báo với Phan Văn Lân:
- Thưa tướng, quân giặc Thanh đang bắc cầu qua sông.
Lân ra ngoài xem xét thấy quân Thanh đã bắc cầu vào tầm đạn đại bác, Lân liền hạ lệnh:
- Mau tập trung súng bắn vào cầu ấy cho ta.
Súng Tây Sơn ầm ầm nhả đạn, cầu quân Thanh lọt vào tầm súng đều đổ vỡ cả. Quân Thanh liền chạy về báo cùng Tôn Sĩ Nghị. Nghị hạ lệnh:
- Thượng Duy Thăng đem một vạn quân chặt tre, chuối làm bè rồi làm hình nộm đặt lên bè, chờ đêm đến thả bè thuận gió bấc trôi sang trại địch.
Trương Triều Long bước ra lãnh lệnh. Nghị hăm hở nói:
- Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống đốc thúc toàn quân kết thật nhiều bè chờ Trương Triều Long phá địch ở bờ Nam xong, lập tức sang sông tiến đánh Thăng Long.
Các tướng đồng thanh thưa:
- Đại tướng quân liệu việc hơn người, chúng thần xin tuân mệnh.
Nói rồi ai vào việc nấy.
Bờ Nam sông Như Nguyệt, Phan Văn Lân đốc thúc quân tuần phòng dọc sông thật cẩn mật. Tả hữu hỏi Văn Lân:
- Quân ta chỉ có một ngàn, địch đông hơn hai mươi vạn. Nếu địch lên thượng nguồn đánh vào sau lưng ta thì sao, chi bằng ta rút về Thăng Long cùng Đại tư mã Ngô Văn Sở lui binh vào Tam Điệp là hơn.
- Ta nhận lệnh đến đây ngăn giặc cho đại binh ta rút lui. Chưa có lệnh của Ngô huynh ta lui binh sao được.
Xảy quân do thám vào báo rằng:
- Thưa tướng quân, quân Thanh cho chặt rất nhiều tre và chuối, lại ra đồng lấy rơm rạ rất nhiều, chẳng biết định làm gì. Xin tướng quân định liệu.
Phan Văn Lân cười ngất nói:
- Tre, chuối làm bè, rơm rạ làm hình nộm, mẹo vặt này sao lừa ta được. Đêm nay ta tương kế tựu kế đánh chúng một trận mới được.
Nói rồi, Phan Văn Lân sai quân bố trận…
Canh ba đêm ấy Thượng Duy Thăng sai quân cột dây vào bè đẩy ra sông rồi bảo:
- Bao giờ quân Tây Sơn bắn đại bác ra thì cầm dây kéo bè về. Quân Tây Sơn thôi bắn lại thả dây cho bè trôi về địch.
Thượng Duy Thăng quay lại thi lễ rồi thưa với Tôn Sĩ Nghị:
- Tháng mười một đang là mùa gió bấc, bè nghi binh của ta thuận gió thẳng tiến về địch. Phan Văn Lân phen này trúng kế. Chờ Trương Triều Long đánh tập hậu giặc tất phải tan, đại tướng quân thật là thần cơ diệu toán.
Tôn Sĩ Nghị đắc ý bảo:
- Ta đã từng học sách binh thư của tiền nhân nước ta như Tôn Võ binh pháp, Ngô Khởi binh pháp, Khổng Minh binh pháp thì kế mọn này nào đáng kể gì.
Đoạn Tôn Sĩ Nghị hỏi quân:
- Bè nghi binh của ta đã vào tầm đạn của giặc chưa?
Quân đáp:
- Thưa đã vào rồi.
Nghị giật mình nghĩ thầm, bè nghi binh đã vào tầm đạn, sao Phan Văn Lân không bắn. Không có lẽ kế của ta đã lộ rồi sao. Nghĩ xong, Nghị hạ lệnh:
Nhắc lại Trương Triều Long đến phía sau doanh trại Tây Sơn thấy cờ quạt chỉnh tề, quân canh súng ống đều hướng xuống sông thì mừng rỡ nói:
- Quân Tây Sơn quả nhiên không phòng bị mặt sau. Ba quân tiến lên.
Quân Thanh hò hét xông thẳng vào. Đến nơi mới hay quân sĩ Tây Sơn toàn là hình nộm, còn súng ống toàn bằng cây gỗ. Trương Triều Long thất kinh than:
- Thôi ta đã trúng kế của quân Tây Sơn rồi. Mau rút quân!
Vừa dứt lời đã nghe một phát pháo lệnh nổ vang. Tên đạn quân Tây Sơn từ ba bên bắn vào như mưa. Quân Thanh năm ngàn hao hết một nửa. Trương Triều Long cầm khiên che tên liều mình dẫn quân theo đường cũ mà rút, bỗng thấy một viên tướng dáng dấp thư sinh, tay cầm trường thương, ngồi trên lưng bạch mã lướt đến chặn đường. Hai bên giáp chiến đánh nhau dữ đội, tiếng hò reo vỡ màn đêm tĩnh mịch. Quân Tây Sơn dũng mãnh, quân Thanh mỗi lúc một lùi. Trương Triều Long nghĩ thầm: Thằng học trò này đánh hăng quá, nếu không liều chết biết chạy đi đâu. Nghĩ rồi liền vung đao bảo quân:
- Giặc Tây Sơn chỉ có ngàn tên, các ngươi chớ sợ. Nay ta đã bị dồn vào mé sông, nếu không quyết đánh đành chịu chết hay sao?
Quân Thanh lại hò hét xông lên, hết lớp này đến lớp khác vẫn không sao mở được đường máu thoátthân. Trong cơn nguy khốn bỗng thấy phía sau quân Tây Sơn hàng ngũ rối loạn. Trương Triều Long mừng rỡ nói lớn:
- Quân ta có viện binh. Mau tiến lên.
Thượng Duy Thăng từ phía sau đánh tới, quân Thanh hai mặt giáp công. Quân Tây Sơn dần dần núng thế. Phan Văn Lân thét quân:
- Mau quay lại phá vây mà rút.
Nói rồi vung trường thương cầm đầu ba quân tả xung hữu đột. Đánh một hồi ngàn quân Tây Sơn dần dần chết cả. Phan Văn Lân đơn thân độc mã thúc ngựa nhắm hướng Nam mà đi, gặp tướng đánh tướng, gặp quân giết quân. Trường thương Văn Lân khi đâm tới xỏ lòi hai ba tên địch, lúc hoành thương lia ngang vỡ đầu đứt cổ năm bảy thằng quân, vung lên rồi bỏ xuống, gặp đao đỡ đao nhằm tên gạt tên vẫn bình tĩnh như đi vào chỗ không người. Quân Thanh sợ hãi không dám xáp lại gần. Thượng Duy Thăng thấy vậy giận lắm bèn vác đao ra chặn Văn Lân mà đánh. Văn Lân đâm lia đâm lịa làm Thượng Duy Thăng đỡ gạt liên hồi vã mồ hôi hột. Văn Lân không ham đánh liền đâm giả một thương rồi thúc ngựa phi ra khỏi trận. Thượng Duy Thăng hô quân đuổi theo. Chạy được vài dặm vừa ra khỏi một cây cầu nhỏ, Lân liền quay lại đứng chặn giữa cầu tay hờm sẵn cung tên. Duy Thăng vừa dẫn quân đuổi đến liền bị Văn Lân bắn một phát, mũi tên nhằm giữa miếng kính tâm, Thăng giật mình gò ngựa bên kia cầu hỏi quân:
- Thằng học trò thua quân còn lại một mình sao không chạy nữa mà chặn ta ở đây?
Tả hữu nghi hoặc đáp:
- Ngươi đâu mà to gan thế. Chúng có mẹo gì chăng. E rằng có mai phục.
Vừa dứt lời nhìn sang thấy một tên quân Tây Sơn phi ngựa từ hướng Nam về phía Văn Lân. Thượng Duy Thăng bảo quân:
- Quả nhiên là chúng có mẹo thật. Bọn bay mau đóng trại canh phòng chờ đại binh đến rồi đánh cũng chẳng muộn gì.
Bên kia cầu tên quân Tây Sơn nhảy xuống ngựa hỏi Phan Văn Lân:
- Quân ta đâu mà tướng quân chỉ có một mình?
Lân đăm đăm ngó sang phía quân Thanh, đáp:
- Ngàn quân ta bị vạn quân địch giết chết cả rồi. Ta thoát được về đây đứng chặn giặc ở cầu này.
Tên quân lại hỏi:
- Một mình sao địch nổi giặc. Sao tướng quân không chạy về Thăng Long.
Lân đáp:
- Ta nhận lệnh ngăn giặc ở bờ Nam sông Như Nguyệt cho quân ta từ các trấn về hội tại Thăng Long. Nếu ta bỏ chạy, giặc tiến chiếm Thăng Long, quân các trấn ta tất không còn đường rút.
Tên quân bái lạy Văn Lân rồi nói:
- Lòng trung dũng của tướng quân thật đáng cho người đời khâm phục. Quân các trấn đã kịp rút lui, đại tư mã Ngô Văn Sở sai tôi đến gọi tướng quân lập tức về ngay.
Phan Văn Lân liền quày ngựa theo tên quân chạy về Thăng Long rồi theo đại binh rút về Tam Điệp.
Quân Thanh vượt sông Như Nguyệt vào thành Thăng Long như chỗ không người. Tôn Sĩ Nghị họp các tướng bàn việc quân, Thượng Duy Thăng nói:
- Ta kéo binh đến đâu quân Tây Sơn chỉ lui mà không đánh. Tôi e Nguyễn Huệ dùng kế “không thành”. Xin Đại tướng quân suy xét.
Sĩ Nghị cười bảo:
- Kế “không thành” là phục binh bốn phía chờ địch vào thành rồi đổ ra vây đánh. Nay giặc nghe oai thiên binh bỏ chạy một mạch vào ải Tam Điệp, bỏ toàn cõi Bắc Hà cho ta, thì quân nào đổ ra vây đánh mà bảo là kế “không thành”.
Trương Triều Long thưa:
- Trận Như Nguyệt, Phan Văn Lân tuy thua còn một mình một ngựa chạy về. Quân Tây Sơn chết chỉ một ngàn, còn quân ta hao mất mấy ngàn. Vậy chứng tỏ quân Tây Sơn không phải là không dũng mãnh. Nay chúng bỗng dưng chưa đánh đã rút đại binh về ắt không phải là vô cớ, xin đại tướng quân minh xét.
Tôn Sĩ Nghị hỏi:
- Nếu không phải chúng sợ ta mà chạy, vậy theo ngươi Nguyễn Huệ có kế gì?
Các tướng đều đưa mắt nhìn nhau không ai đoán ra là Nguyễn Huệ có kế gì. Sĩ Nghị nói tiếp:
- Ngô Văn Sở ít quân bỏ Bắc Hà Thăng Long chạy về trấn giữ Tam Điệp, Biện Sơn là nơi hiểm yếu. Đạo làm tướng ai không làm như Ngô Văn Sở, có gì mà các ngươi phải ngại. Nay ta đã sai Lê Chiêu Thống xuống hịch cần vương hiệu triệu dân chúng lập thành quân đội đi trước đánh nhau với quân Tây Sơn. Ấy là không nhọc sức mà lập công to vậy, kế này là kế "dĩ Việt trị Việt” mà tiền nhân nước ta sang đô hộ An Nam vẫn thường làm đó.
Nghe xong các tướng đều khen:
- Đại tướng quân liệu việc sâu sắc chúng tôi không sánh kịp.
Sĩ Nghị đắc ý bảo:
- Ngô Văn Sở nghe oai ta đã bỏ chạy vào Tam Điệp. Từ Tam Điệp đến Thăng Long đường bằng đồng trống không núi non hiểm trở, vậy ta phải lập đồn lũy canh phòng giặc tiến công. Nay ta lệnh cho Trương Triều Long đem ba vạn quân vào làng Hà Hồi cách thành Thăng Long năm mươi dặm đóng đồn lập trại. Thượng Duy Thăng đem năm vạn quân vào làng Ngọc Hồi cách thành Thăng Long hai mươi dặm đóng đồn hạ trại. Hai đồn này làm thế ỷ giốc tiếp ứng cho nhau phòng giữ mặt Nam. Ta nghe quân Tây Sơn là giống người mọi giỏi đánh đường núi, vậy Sầm Nghi Đống hãy đem ba vạn quân đến làng Khương Thượng cách phía Tây thành Thăng Long mười dặm đóng đồn hạ trại. Ta đóng đại binh ở Thăng Long sẽ tùy cơ tiếp ứng. Chờ quân Ô Đại Kinh đến đây ăn tết Nguyên đán xong, ta sẽ xua binh vào Phú Xuân bắt Nguyễn Huệ.
Các tướng cùng bước ra lãnh lệnh, ai vào việc nấy.