Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Tây Sơn bi hùng truyện

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 86140 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tây Sơn bi hùng truyện
Lê Đình Danh

Chương 33
    Sáng sớm hôm sau, ngày mùng chín tháng chạp năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Huệ hội các tướng nói:
- Hôm này là ngày quân Tây Sơn ta giết giặc cứu dân. Các tướng hãy sẵn sàng nghe lệnh!
Các tướng đồng thanh nói:
- Chúng tôi xin chờ lệnh!
Huệ truyền:
- Cách thành Trường Đồn năm dặm có một cánh rừng dừa, đường đại lộ từ đồn Trà Tân đi đến Trường Đồn phải xuyên giữa cánh rừng dừa này. Vậy vờ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đem năm ngàn quân bộ đến rừng dừa mai phục. Quân Tiêm La kéo đến cứ để chúng đi qua, khi nào chúng thua trận chạy về thì Diệu, Xuân chặn đường về của chúng mà đánh.
Trần Quang Diệu bước ra lãnh lệnh. Bùi Thị Xuân hỏi:
- Thưa Long Nhương, trong đạo quân bộ này có Nguyễn Phúc Ánh hay chăng?
Huệ cười đáp:
- Hôm trước cô Xuân cuộc với ta nếu không khích được Phúc Ánh ra trận thì ta sai đâu phải tuân đó kia mà.
Bùi Thị Xuân đành làm thinh cùng chồng là Trần Quang Diệu đi ngay.
Nguyễn Huệ lại quay sang bảo Nguyễn Lữ:
- Em hay lãnh ba ngàn quân ở lại giữ thành Trường Đồn. Đêm nay quân Tiêm La đến đánh em cứ ở trên thành sai quân bắn tên xuống đừng ra đánh làm chi, đợi ta phá tan thuỷ binh của giặc trên sông Tiền Giang, quân bộ của chúng sẽ vội vã rút chạy. Em hay mở cửa thành đuổi theo truy sát, đã có Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân chặn đường về của chúng. Binh ta hai mặt giáp công giết cho hết loài lang sói cho ta. Đêm nay ta đích thân thống lãnh thuỷ binh tiêu diệt giặc trên sông Tiền Giang.
Phân công quân bộ xong Nguyễn Huệ lại truyền:
- Ngô Văn Sở đem một ngàn quân và một trăm khẩu đại bác đến phục ở cù lao Thới Sơn. Phan Văn Lân đem một ngàn quân và một trăm khẩu đại bác đến phục ở bờ sông phía bên kia cù lao Thới Sơn tả ngạn sông Tiền Giang, khi nào nghe pháo lệnh của quân ta thì hai người từ hai phía bắn đại bác xuống huyền quân Tiêm - Nguyễn.
Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân lãnh lệnh toan đi, Huệ gọi lại dặn:
- Hai tướng bố trận xong bảo quân nghỉ ngơi cho khỏe, đến lúc trăng gần lặn khoảng nửa đêm đầu giờ Tý gọi quân dậy sẵn sàng diệt địch. Không việc gì phải nôn nóng làm chi. Ngô Văn Sở hỏi:
- Thế ngộ nhỡ chúng đến trước nửa đêm trăng lặn thì sao?
Huệ cười đáp:
- Làm gì có việc đó! Mà nếu thật vậy thì ta không bắt tội hai tướng.
Sở và Lần nghe vậy an lòng lãnh lệnh đi ngay. Phân công Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân điều động pháo binh xong, Nguyễn Huệ đứng dậy toan đi. Đặng Văn Long kéo áo Huệ hỏi:
- Đại sư huynh đi đâu?
Huệ nén cười đáp:
- Ta phải đích thân đến tiền thuỷ binh của Lộc và Tuyết dặn dò hai tướng theo mưu hành động.
Đặng Văn Long tức tối hỏi:
- Nhị sư huynh Nguyễn Lữ và các tướng đều được phân công ra trận. Đặng Văn Long tôi đâu phải bất tài, sao đại sư huynh chê mà không dùng đến?
Nguyễn Huệ ôn tồn bảo:
- Ta đâu dám nói tứ sư đệ bất tài. Chẳng qua là còn một trọng trách lớn lao ngoài Văn Lộc ra không ai làm nổi.
Long nói:
- Tôi và Trương Văn Đa vì ít quân nên đành rút toàn quân về cố thủ Trường Đồn, chờ có đại sư huynh dẫn đại binh vào sống mái với giặc một phen. Đã có tới đây đại sư huynh còn đi gọi Nguyễn Văn Lộc làm gì?
Huệ xua tay đáp:
- Thắng giặc thì dễ, những tiêu diệt giặc mới là việc khó. Khi quân Tiêm - Nguyễn lọt vào trận mai phục của ta nhất định phải bại binh mà chạy. Ta sẽ đi gọi Văn Lộc đem thuỷ binh mai phục ở Rạch Gầm đợi khi giặc thua chạy thì đổ ra chặn đường về của chúng. Trận này phải bắt cho được thằng bán nước Nguyễn Phúc Ánh.
Đặng Văn Long lại hỏi:
- Việc như thế sao đại sư huynh không sai tôi mà lại đi gọi Nguyễn Văn Lộc?
Huệ cười đáp:
- Vì ngươi lãnh sứ mạng chặn đường về của giặc chỉ cần dùng sức chẳng phải dùng mưu. Năm xưa Nguyễn Văn Lộc theo Nguyễn Lữ vào đánh Gia Định lần thứ nhất, bị Đỗ Thành Nhân dùng kế điệu hổ ly sơn vây ấp Hoà Hưng. Nguyễn Văn Tuyết đã phá vây được mà Lộc vẫn không chịu rút quân, dũng mãnh chống trả giữa vòng vây giặc để Văn Tuyết quay là hợp sức thắng giặc. Nay giặc bị chặn đường về ắt cùng đường hung hãn. Trọng trách này nếu không ở Văn Lộc đảm đương thì con ai làm nổi.
Đặng Văn Long tức tối nói lớn:
- Cây kích của tôi đã từng chém đầu Tống Viết Nghĩa ở Phú Yên. Cửa Hàm Luông bắt sống một trong Gia Định Tam Hùng là Nguyễn Huỳnh Đức là không phải là dũng mãnh hay sao?
Làm như không quan tâm, Huệ đáp:
- Ở Phú Yên chém Tống Viết Nghĩa thì quân ta đang thắng thế. Cửa Hàm Luông bắt Nguyễn Huỳnh Đức là tứ sư đệ dùng mưu, chưa dũng mãnh bằng Nguyễn Văn Lộc giữa vòng vây của giặc.
Đặng Văn Long càng tức tối nói to lên rằng:
- Tôi xin biểu diễn một môn võ bí truyền để đại sư huynh xem thử Văn Long này có vũ dũng bằng Nguyễn Văn Lộc hay chăng?
Nói rồi Đặng Văn Long nắm tay Nguyễn Huệ kéo ra ngoài doanh trại. Long gọi tên quân đến bảo:
- Ta cho ngươi cầm côn mà đánh. Nếu đánh không hết sức lập tức chém đầu.
Tên quân vâng lệnh cầm côn đánh Văn Long. Long chỉ dùng hai tay không mà đỡ chẳng hề đánh trả. Tiếng côn đập vào đôi tay của Văn Long chan chát. Đánh một hồi tên quân đổ mồ hôi hột, mệt thở chẳng ra hơi mà Văn Long vẫn điềm nhiên như không. Bá quan mục kích reo hò vỗ tay như sấm dậy.
Nguyễn Huệ bảo Văn Long:
- Thầy của ta là Trương Văn Hiến thì giỏi về nhu công. Ta có nghe dòng họ Đặng của Văn Long chân truyền về môn cương công, những lâu nay chưa được chứng kiến. Nay ta mượn việc đi gọi Nguyễn Văn Lộc để khích Văn Long trổ tài, chứ phải đâu ta không biết tài vũ dũng của tứ sư đệ. Nay được tận mắt thấy quả nhiên là tứ sư đệ có cánh tay như sắt vậy. (Từ ấy về sau quân thường gọi Long là: Thiết thu đại đô đốc Đặng Văn Long).
Long hỏi Huệ:
- Vậy cái vũ dũng của tôi đã cầm binh chặn đường về của liên quân Tiêm - Nguyễn được chưa?
Nguyễn Huệ mừng rỡ nói:
- Hay lắm! Phen này có bắt được Nguyễn Phúc Ánh chăng là ở trọng trách này đây. Ta cấp cho Văn Long một trăm đại thuyền và một vạn quân. Và Long đem binh thuyền đến phục ở nhánh sông Rạch Gầm. Khi thuỷ binh Tiêm - Nguyễn tiến quân hãy chờ cho chúng đi qua. Lúc chúng lọt vào trận mai phục Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc sẽ quay thuyền lại đánh, Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở sẽ bắn đại bác xuống chiến thuyền địch. Đợi đến lúc đó Văn Long đem binh thuyền từ nhánh sông Rạch Gầm đổ ra chặn đường lui của giặc trên sông Tiền Giang. Bấy giờ chúa tôi Phúc Ánh và quân Tiêm La như cá nằm trong nơm. Có bắt được cá chăng là do người cầm nơm vậy, Văn Long nên cố sức lập đại công.
Đặng Văn Long lãnh lệnh đi ngay. Phân công đâu đó xong xuôi, Nguyễn Huệ lại xuống thuyền đến thuỷ trại của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc. Huệ bảo Tuyết và Lộc:
- Hai tướng cứ giả vờ lơ đễnh việc canh phòng. Đêm nay cuối giờ Tuất đầu giờ Hợi (tức 21-22 giờ ), chúng sẽ đến đánh. Tuyết và Lộc giả thua vừa đánh vừa chạy nhử cho quân Tiêm - Nguyễn lọt vào trận mai phục dùng vào giữa giờ Tý. Khi ấy là trăng lặn nước triều sẽ lớn, quân ta phản công xong sẽ thuận nước tiến đánh Trà Tân. Hai tướng nên gắng sức, trận này ta có tiêu diệt được năm vạn quân Tiêm La chăng là nhờ công của hai tướng vậy!
Dặn dò xong Nguyễn Huệ lại quay thuyền về đại bản doanh ở Trường Đồn.
Lúc ấy trong doanh trại quân Tiêm - Nguyễn, quân do thám về báo cùng Phúc Ánh rằng:
- Tâu Chúa thượng, chúng thần đi do thám ở Rạch Gầm và cù lao Thới Sơn mãi đến đêm hôm qua là ngày mùng tám vẫn không thấy quân Tây Sơn mai phục, lại thấy ở thành Trường Đồn, Nguyễn Huệ cùng các tướng lên mặt thành bày yến tiệc không phòng bị gì cả.
Phúc Ánh mừng rỡ reo lên với Chiêu Tăng:
- Nguyễn Huệ quả nhiên trúng kế giương đông kích tây của ta. Xin tướng quan hạ lệnh xuất quân.
Chiêu Tăng hạ lệnh:
- Lục Côn, Sa Uyển đem hai vạn quân bộ theo tả ngạn sông Tiền Giang tiến đánh Trường Đồn.
Lục Côn và Sa Uyển cùng bước ra lãnh lệnh. Chiêu Tăng lại dặn:
- Hai tướng đi đường bộ tất chậm hơn thuỷ quân vậy hãy lập tức xuất quân, chờ đến nửa đêm thuỷ binh ta theo nước triều tiến xuống đánh thuỷ trại của Nguyễn Huệ, hai người sẽ tấn công thành Trường Đồn, làm cho chúng thuỷ, bộ không thể cứu ứng lẫn nhau.
Nguyễn Phúc Ánh hạ lệnh cho tướng của mình rằng:
- Lê Văn Quân đem một ngàn quân đi tiên phong dẫn đường cho hai tướng Lục Côn và Sa Uyển tiến đánh Trường Đồn.
Hai tướng Tiêm là Lục Côn, Sa Uyển và tướng Nguyễn là Lê Văn Quân lãnh lệnh đi ngay.
Chiêu Tăng lại bảo:
- Chiêu Thuỷ Biện và Thát Si Đa lãnh năm ngã quân ở lại giữ doanh trại, ta cũng Chiêu Sương sẽ dẫn đại thuỷ binh tiến đánh thuỷ trại của giặc Tây Sơn.
Phúc Ánh hăng hái nói:
- Ta còn trong tay vài mươi viên đại tướng và năm ngàn quân sĩ, xin làm tiên phong dẫn đường cho đại binh của tướng quân. Phen này nếu không bắt được Nguyễn Huệ, cũng phải đánh cho quân Tây Sơn không còn manh giáp.
Đêm hôm ấy, trời vừa chạng vạng tối, trăng đứng giữa đỉnh đầu, nước thuỷ triều vừa rúng chảy, ba vạn thuỷ binh Tiêm - Nguyễn, trên ba trăm đại chiến thuyền xuất phát. Chiến thuyền thì tắt hết đèn đuốc, quân sĩ miệng ngậm tăm, âm thầm theo dòng nước chảy tiến đánh trại Tây Sơn.
Tiền thuỷ binh Tây Sơn do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và đô đốc Nguyễn Văn Lộc thống lĩnh cho quân thắp đèn đuốc sang cả mặt sông, lại đem nước lã đổ vào bình rượu ngồi uống cười nói huyên thuyền. Đến gần hết giờ Tuất, Nguyễn Văn Lộc hỏi Nguyễn Văn Tuyết:
- Long Nhương dặn ta đêm nay cuối giờ Tuất đầu giờ Hợi quân Tiêm La sẽ tiến đánh. Vậy đã tới giờ sao không thấy chúng đến đánh?
Lộc vừa dứt lời, Nguyễn Văn Tuyết chỉ tay về thượng nguồn sông Tiền Giang nói:
- Long Nhương tướng quân thật là thánh nhân. Quả nhiên quân Tiêm La đến thật.
Phía xa xa dưới ánh trăng mờ mờ thuyền Tiêm -Nguyễn ào ào tiến tới. Chờ quân địch đến gần tầm súng, Tuyết và Lộc lệnh quân bắn vài phát đại bác rồi rút chạy. Nguyễn Phúc Ánh trông thấy thế nói với các tướng:
- Quân Tây Sơn quả nhiên không phòng bị. Mau đuổi theo.
Quân Tây Sơn vừa đánh vừa chạy. Liên quan Tiêm - Nguyễn rầm rộ đuổi theo, không hay rằng đang đi vào chỗ chết.
Lúc ấy Ngô Văn Sở phúc pháo binh ở cù lao Thới Sơn đợi đến nửa đêm nhủ thầm:
- Long Nhương dặn ta đến nửa đêm trăng lặn quân Tiêm - Nguyễn sẽ lọt vào trận, sao đến bây giờ vẫn chưa thấy?
Vừa nghĩ xong đã thấy tiền thuỷ binh Tây Sơn trá bại chạy về. Ngô Văn Sở buột miệng khen:
- Long Nhương của ta thật là bậc thánh. Ba quân cứ án binh bất động, bao giờ có lệnh ta mới được nổ súng.
Phan Văn Lân phục pháo binh trên tả ngạn sông Tiền Giang, thấy thuỷ binh Tiêm - Nguyễn bắt đầu lọt vào trận đúng giờ trang lên, Lân tấm tắc khen:
- Long Nhương tướng quân liệu việc như thần. Ba quân chờ pháo lệnh mới được nổ súng.
Đô đốc Tuyết và Lộc dẫn quân chạy đến sông Xoài Mút thì thấy Nguyễn Huệ đem đại binh đã đợi sẵn. Quân Tiêm - Nguyễn vô tình hăng hái đuổi theo. Bỗng nghe ba phát pháo lệnh nổ vang, chiến thuyền quân Tây Sơn nhả đạn về phía thuyền quân Tiêm -Nguyễn, pháo binh của Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở ở tả ngạn sông Tiền Giang và cù lao Thái Sơn bắn xuống. Quân Tiêm - Nguyễn đang thừa thắng đuổi theo bỗng nghe súng nổ ầm ầm như sấm sét, đạn lớn đạn nhờ đổ xuống như mưa thì tán đởm, kinh tâm, hồn phí phách lạc không biết đường nào mà chống đỡ. Nguyễn Phúc Ánh rụng rời tay chân than:
- Thôi chết. Phen này lại thua mưu Nguyễn Huệ nữa rồi. Mau rút quân!
Quân Tiêm - Nguyễn thua to, ba trăm đại chiến thuyền bị đại bác Tây Sơn bắn chìm gần hết, quân sĩ chết không biết bao nhiêu mà kể. Đại bác bắn xong Nguyễn Huệ hạ lệnh tấn công. Chiến thuyền Tây Sơn lúc bấy giờ mới ào ạt tiến lên truy sát. Quân Tiêm -Nguyễn là khóc vang trời, thây người trôi lềnh bềnh đầy sông, mau loang đó nước.
Nguyễn Phúc Ánh và các tướng Tiêm La là Chiêu Tăng, Chiêu Sương vội vàng tháo chạy, ba vạn còn không đầy năm ngàn quân. Đến gần nhánh sông Rạch Gầm lại thấy chiến thuyền Tây Sơn giăng ngang sông chặn mất đường về. Trên soái thuyền Tây Sơn thấy cờ thêu năm chữ "Đô đốc Đặng Văn Long" bay phấp phới. Nguyễn Văn Thành than:
- Đặng Văn Long là danh tướng của Tây Sơn. Năm trước chính nó đã bắt sống Huỳnh Đức ở cứ Hàm Luông, nay nó lại chặn mặt đường về của quân ta, phen này e khó thoát.
Chiêu Tăng ôm Chiêu Sương ứa nước mắt nói:
- Nguyễn Huệ thật là ghê gớm. Không ngờ anh em ta lại bỏ thây ở xứ người.
Phúc Ánh nghiến răng bảo:
- Ta phải liều chết mà đánh, mới tìm ra đường sống mà thôi.
Nói rồi hô quân xông lên. Quân Tiêm - Nguyễn cùng đường chết hết lớp này tiến lên lớp khác. Văn Long nói lớn bảo bá quan:
- Giặc Tiêm La tàn hại dân ta, nay cùng đường liều chết mà đánh. Vậy ta phải giết nó báo thù cho dân ta.
Quân Tây Sơn hô vang:
- Giết quân xâm lược báo thù cho dân ta!
Đánh một hồi quân Tiêm - Nguyễn chết quá nửa. Chúa tôi Phúc Ánh và hai tướng Tiêm La sợ Đặng Văn Long trông thấy bèn vớt thây quân mình rồi cởi bỏ áo bào vua tướng, mặc áo quân sĩ vào toàn tìm đường chạy trốn, nhưng quân Tây Sơn vậy chặt quá không thể nào ra khỏi, phía sau lưng Nguyễn Huệ lại xua quân đánh tới. Quân Tây Sơn hô vang:
- Lệnh Long Nhương tướng quân phải giết cho được Phúc Ánh.
Phúc Ánh ngửa mặt than:
- Phen này ắt phải chết. Trời cứu ta ở đảo Côn Lôn làm gì để giờ đây phải chết thêm mấy vạn sinh linh!
Ánh vừa than dứt lời bỗng trời đổ mưa như trút. Trương Tấn Bửu nói:
- Trời mưa to đèn đuốc đều tắt cả, trong đem tối địch, ta không phân biệt được. Quân Tây Sơn thuyền lớn ở sau, vậy ta nên dùng thuyền nhỏ men theo bờ cạn ra khỏi vòng vây.
Phúc Ánh khen phải. Chúa tôi và hai tướng Tiêm La dầm mưa ngồi trên thuyền con men theo bờ cạn mà đi. Quân sĩ đi theo chỉ còn có vài mươi người thoát khỏi vòng vây quân Tây Sơn chạy về đồn Trà Tân. Nguyễn Phúc Ánh thoát rồi trời liền dứt mưa. Nguyễn Huệ ở phía trước, Đặng Văn Long ở phía sau hai đạo binh ập lại bắt hết quân Tiêm - Nguyễn. Kiểm điểm lại không thấy Phúc Ánh và các tướng Nguyễn đâu cả.
Đặng Văn Long nói:
- Chắc chúa tôi Phúc Ánh đều chết dưới dòng sông Tiền Giang cả rồi. Chứ vòng vây của ta con cá cũng không lọt lẽ nào Phúc Ánh lại chạy thoát được?
Không đáp lời Đặng Văn Long, Nguyễn Huệ hạ lệnh:
- Truyền quân thừa thắng tiến đánh Trà Tân truy kích Phúc Ánh!
Nói về đạo binh bộ Tiêm - Nguyễn do hai tướng Tiêm La là Lục Côn, Sa Uyển thống lĩnh và tướng Nguyễn là Lê Văn Quân dẫn đường theo tả ngạn sông Tiền Giang tiến đánh Trường Đồn. Hai vạn bộ binh Tiêm - Nguyễn đánh thành Trường Đồn lúc trăng gần lặn. Ngó lên mặt thành thấy quân Tây Sơn cờ xí nghiêm trang, quân canh hàng chỉnh tề, Lê Văn Quân nghĩ thầm: Nguyễn Huệ bị mắc mưu sao quân trong Trường Đồn canh phòng cẩn mật thế?
Vừa xong liền nghe Nguyễn Lữ trên mặt thành nói vọng xuống:
- Quân Tiêm - Nguyễn kia, phen này chúng bay đã lầm kế mai phục của ta, nếu không xuống ngựa quy hàng chỉ có còn đường chết mà thôi.
Nói rồi Nguyễn Lữ lệnh quân bắn tên đạn xuống như mưa. Lục Côn và Sa Uyển liền lui ra khỏi tầm tên, Sa Uyển nói:
- Ta tạm đóng bình ngoài thành, chờ có thuỷ binh của đại tướng quân tiến đánh thuỷ trại của địch, bấy giờ ta sẽ tấn công thành Trường Đồn.
Quân Tiêm - Nguyễn chưa kịp hạ trại bỗng nghe dưới sông Tiền Giang súng nổ rền trời, quân reo dậy đất, trống trận dập dồn, lửa cháy sáng cả một vùng. Lê Văn Quân thất kinh nói:
- Thôi chết, thuỷ binh ta đã lọt váo trận mai phục của Nguyễn Huệ ở Rạch Gầm và cù lao Thới Sơn. Đêm trước ta đã cho quân do thám thấy quân Tây Sơn vẫn án binh bất động nên ta mới tiến quân. Sao Nguyễn Huệ lại biết được quân cơ của ta mà điều binh tài tình thế, Bô binh ta phải lập tức rút quân.
Lê Văn Quân vừa dứt lời liền thấy quân Tây Sơn mở cổng thành xông ra, quân Tiêm - Nguyễn hoảng loạn rút chạy. Chạy về đến rừng dừa bỗng một phát pháo lệnh nổ vang, tên đạn quân Tây Sơn từ trong rừng dừa bắn ra như cát vãi, quân Tiêm - Nguyễn trúng tên chết không biết bao nhiêu mà kể. Lục Côn, Sa Uyển và Lê Văn Quân liều chết gạt tên mà chạy. Vợ chồng Trần Quang Diệu vung đại đao, Bùi Thị Xuân múa song kiếm xua quân xông ra đánh giết, sau lưng Nguyễn Lữ đuổi tràn tới, quân Tiêm - Nguyễn chết thây phơi như rạ, máu chảy thành khe. Các tướng Tiêm La là Lục Côn, Sa Uyển, tướng Nguyễn là Lê Văn Quân thoát được, quất ngựa chạy dài. Vợ chồng Xuân - Diệu đuổi theo truy sát. Trần Quang Diệu trương cung lắp tên bắn một phát nhằm chân con ngựa của Lục Côn. Lục Côn chạy không kịp bị Bùi Thị Xuân lướt đến chém một gươm đầu rơi xuống đất. Bỏ quân Tiêm - Nguyễn hai vạn còn lại mấy trăm quân theo chủ tướng chạy về đồn Trà Tân. Đến nơi, trái vừa hửng sáng bỗng thấy mấy tên quân đang cưỡi ngựa chạy như bay đến, Lê Văn Quân chặn lại hỏi:
- Các ngươi là thuỷ binh ta bại trận chạy về, và chúa ta và hai tướng Tiêm La quốc ở nơi đâu?
Mấy tên quân dừng ngựa, một tên nói lớn rằng:
- Ta là Thượng vương Phúc Ánh và các tướng chạy về đây, Văn Quân không nhận ra sao?
Lê Văn Quân và Sa Uyển thất kinh xuống ngựa quỳ lạy tả tơi:
- Bởi Chúa thượng và các tướng thay y phục quân sĩ, trên mặt lại đầy bụi đất nên chúng thần không nhận ra. Xin Chúa thượng và đại tướng quân tha tội.
Chiêu Tăng hổ thẹn nói:
- Ta lầm mưu Nguyễn Huệ, ba vạn thuỷ binh đã chết hết cả. Bọn ta may nhờ trời đổ mưa bên thay y phục quân sĩ, trát bùn lên mặt mới hòng chạy thoát về đây. Còn bộ binh hai tướng thế nào?
Sa Uyển cúi gằm mặt đáp:
- Hai vạn bộ binh ta bị quân Tây Sơn mai phục đánh chết hết cả. Lục Côn bị con nữ tặc Tây Sơn chém chết, tôi và Lê Văn Quân may thoát được về đây ra mắt đại tướng quân.
Nguyễn Phúc Ánh hỏi Lê Văn Quân:
- Con nữ tặc đó có phải là Bùi Thị Xuân chăng?
Lê Văn Quân đáp:
- Ấy chính là Bùi Thị Xuân!
Nguyễn Phúc Ánh liền nói với Chiêu Tăng:
- Thưa đại tướng quân, chúng ta hay mau mà đem mấy trăm quân trong đồn Trà Tân theo đường bộ bỏ chạy về Tiêm quốc. Nếu chậm trễ quân Tây Sơn theo hai đường thuỷ bộ đuổi đến thì nguy.
Chiêu Tăng vội vã dân tàn quân và chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh lập tức lên đường, đêm ngày không dám nghỉ, theo đường bộ chạy sang nước Chân Lạp rồi tìm đường về Tiêm Quốc.
Thế là chỉ trong một đem, Nguyễn Huệ thống lĩnh hai vạn binh Tây Sơn đánh một trận tiêu diệt hết năm vạn quân Tiêm La hùm cọp, đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Các đạo quân Tây Sơn đều toàn thắng, thu binh về thành Trường Đồn. Nguyễn Huệ bảo các tướng:
- Trước khi xuất quân vào Nam, ta đã hứa với hoàng huynh rằng sẽ thắng giặc rút binh về Quy Nhơn ăn tết Ất Tỵ. Nay ta đã quét sạch giặc Tiêm La ra ngoài bờ cõi, chỉ còn nửa tháng nữa là đến tết Ất Tỵ, ta phải kịp rút binh về Quy Nhơn. Vậy ta để Đặng Văn Long và Trương Văn Đa ở lại trấn thủ đất Gia Định. Văn Long nên dò xem Nguyễn Phúc Ánh trốn tránh nơi nào, kịp bắt giết đi để tiệt trừ hậu hoạ.
Đặng Văn Long hỏi:
- Thưa Long Nhương, chẳng phải là Nguyễn Phúc Ánh đã chết trong đám loạn quân làm mồi cho cá dưới sông Tiền Giang rồi sao?
Nguyễn Huệ đăm chiêu đáp:
- Đất Gia Định chỉ có hai mùa mưa và nâng. Từ tháng chín đến tháng hai là sáu tháng nắng không một giọt mưa. Nay trong đêm mùng chín tháng chạp lúc ta sắp bắt được chúa tôi Phúc Ánh trời bỗng đổ mưa như trút. Ta e rằng Phúc Ánh thừa cơ hội ấy trốn đi, nếu đúng như thế là cả ba lần trời đều làm mưa bão mà cứu Phúc Ánh cả. Thật ta vẫn lấy làm lo lắm!
Đặng Văn Long nói:
- Xin đại sư huynh yên tâm, tôi nguyện hết sức truy tìm tông tích của Phúc Ánh.
Bỗng Nguyễn Lữ bước ra hỏi:
- Long Nhương thật liệu việc như thần, lúc xuất bình đi đã định được ngày về. Nhưng trong trận Rạch Gầm vừa rồi sao Long Nhương biết được rằng lúc trăng lặn trong đêm mùng chín giặc sẽ tiến đánh ta?
Huệ đáp:
- Lúc xuất quân ở đất Quy Nhơn ta đã biết được rằng sẽ tiêu diệt giặc trong đêm mùng chín tháng chạp nên mới hẹn với hoàng huynh sẽ về Quy Nhơn ăn tết Ất Tỵ, chứ đâu phải kéo quân vào đất Gia Định này mới biết rằng giặc sẽ tiến đánh ta vào đêm mùng chín.
Các tướng đồng thanh hỏi:
- Dựa vào đâu mà Long Nhương biết trước để ngày giờ diệt giặc. Xin tướng quân phân giải?
Huệ đáp:
- Ba lần trước đem quân vào Nam đánh chúa Nguyễn, ta đã cho người vẽ bản đồ đất Gia Định đề phòng khi dùng tới. Đến khi nghe đô uý Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn báo rằng: Đặng Văn Long và Trương Văn Đa rút quân các trấn về chặn giặc ở Trường Đồn, ta đã nghĩ đến việc mai phục diệt giặc quân bộ thì phục ở Rừng Dừa, thuỷ binh thì phục ở cù lao Thới Sơn và Rạch Gầm trên sông Tiền Giang. Nhưng để giặc lọt vào trận mai phục, ta phải giả vờ sợ giặc, xin giảng hoà với quân Tiêm La. Chiêu Tăng và Phúc Ánh ngờ rằng ta tin quân Tiêm La sẽ rút quân về Tiêm quốc mà không phòng bị nên bất ngờ tiến đánh ta. Ta tương kế tựu kế phục binh đánh một trận, quả nhiên chỉ trong một đêm mà tiêu diệt cả năm vạn binh thuỷ, bộ của liên quân Tiêm - Nguyễn.
Nguyễn Lữ nôn nóng hỏi:
- Nhưng em muốn hỏi anh rằng, vì cớ gì lại đoán trước được giặc sẽ tiến đánh ta vào đêm mùng chín tháng chạp.
Huệ cả cười hỏi lại:
- Chậm rãi rồi anh sẽ giải thích. Khi ta sai sứ giảng hoà với Chiêu Tăng lá ngày mùng mấy?
Nguyễn Lư đáp:
- Ấy là ngày mùng bốn tháng chạp.
Bấy giờ Nguyễn Huệ liền treo tờ lịch lên vách rồi chỉ tay vào tờ lịch, Huệ nói:
- Đây là lịch của các ngày thuỷ triều trong tháng. Các tướng hãy nhìn cho rõ.
Mọi người đều nhìn vào tờ lịch viết rằng:
Tháng 2 và tháng 8 các ngày thuỷ triều là 3, 17, 29
Tháng 3 và tháng 9 các ngày thuỷ triều là 13, 27
Tháng 4 và tháng 10 các ngày thuỷ triều là 11, 25
Tháng 5 và tháng 11 các ngày thuỷ triều là 9, 23
Tháng 6 và tháng chạp các ngày thuỷ triều là 7, 21
Tháng 7 và tháng giêng các ngày thuỷ triều là 5, 19
Chờ các tướng xem tờ lịch thuỷ triều xong, Nguyễn Lữ hỏi:
- Đây là tờ lịch thuỷ triều mà năm trước đốt thuyền Chu Văn Tiếp ở Thất Kỳ Giang, Long Nhương huynh đã đem ra để luận giờ đổi gió. Còn hôm na anh luận thế nào mà biết được ngày giờ giặc sẽ tiến đánh ta để phục binh diệt giặc?
Nguyễn Huệ cười rồi chậm rãi nói:
- Ngày thuỷ triều là ngày chuyển giao giữa hai con nước. Vào những ngày này nước thuỷ triều không lên không xuống nên việc lợi dùng sức nước để bất ngờ tiến binh cho nhanh không được thuận lợi. Ta đem quân đánh Trường Đồn nhằm ngày mùng một từ là thượng tuần tháng chạp, ắt thuỷ triều là ngày mùng bảy. Mùng bốn ta sai sứ giảng hoà với Chiêu Tăng, chúng liền cho quân do thám thấy ta chểnh mảng việc canh phòng mới lập mưu bất ngờ tiến đánh. Nhưng ngày mùng sáu và mùng tám là hai ngày cạn thuỷ triều, nước lên xuống rất kém không lợi cho việc thuỷ binh của chúng tiến đánh bất ngờ. Đến ngày mùng chín nước sẽ bỗng nhiên phát lên rất lớn, ắt đến đêm sẽ chảy rất mạnh. Giặc sợ để lâu e lộ việc quân cơ tất phải tiến đánh ta vào đêm mùng chín. Các tướng đã rõ vì sao ta biết được ngày giờ để phục binh tiêu diệt giặc hay chưa?
Các tướng đồng thanh thưa
- Long Nhương thật là bậc thánh, dẫu Tôn Ngô sống lại cũng chẳng bị kịp. Chúng tôi xin đập đầu bái phục!
Đặng Văn Long hỏi:
- Long Nhương liệu việc như thần thì lo gì không trừ được Phúc Ánh.
Nguyễn Huệ nói:
- Đánh thắng giặc là việc của ta. Nhưng giết được Phúc Ánh là mệnh của trời, ta không lường trước được.
Nói rồi Nguyễn Huệ để Đặng Văn Long và Trương Văn Đa trấn thủ đất Gia Định, rồi rút đại binh về Quy Nhơn. Vua Thái Đức sai mở tiệc khao quân nhằm vào tết năm Ất Tỵ.
***
Nhắc lại chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh theo Chiêu Tăng và Chiêu Sương chạy sang Vọng Các là kinh đô của Tiêm quốc. Chiêu Tăng và Phúc Ánh quỳ tạ tội, vua Tiêm than:
- Nếu biết quân Tây Sơn hùng mạnh thế thì ta đâu vì ham lợi nhỏ mà khiến cho hơn bốn vạn quân của ta phải bỏ thây ở xứ người.
Phúc Ánh cố nói:
- Xin Tiêm Vương chớ lo buồn. Quân ta bại trận là do Chiêu tướng quân thả quân cướp bóc của dân khiến lòng người oán hận. Ta phục binh thì lộ, giặc phục binh thì không người nào tố giặc. Vì lẽ ấy nên ta mới bị Nguyễn Huệ mai phục đánh thua. Nay xin Bệ hạ ban hành quân lệnh nghiêm minh, cho quân sang đánh báo thù ắt là phải thắng!
Tiêm Vương nói:
- Được! Ta sẽ cấp binh lương cho Chiêu Tăng và Chiêu Sương sang nước An Nam lần nữa đánh Tây Sơn báo thù cho quân ta. Ý hai tướng thế nào?
Chiêu Tăng lưỡng lự rồi thưa:
- Bệ hạ đã xuống lệnh, hạ thần xin tuân mệnh.
Tiêm vương truyền bãi triều. Lúc ra về Chiêu Sương tìm đến nhà Chiêu Tăng hỏi:
- Tướng quân một lần nữa đem binh đưa Nguyễn vương về nước, liệu có thắng được quân Tây Sơn chăng?
Chiêu Tăng đáp:
- Quân Tây Sơn hùng mạnh, Nguyễn Huệ lại rất giỏi dụng binh. Nay họ vừa thắng trận khí thế đang hăng, quân ta vừa mới bại, nhuệ khí giảm sút, cái lẽ được thua là rõ, sao người còn phải hỏi.
Chiêu Sương ngạc nhiên hỏi:
- Vậy tại sao giữa triều, tướng quân lại tuân lệnh Bệ hạ đem quân sang đất An Nam lần nữa?
Chiêu Tăng thở dài nói:
- Ta thân làm đại tướng đem quân sang đánh đất người, bị lầm kế Nguyễn Huệ thua binh, quân nay vẫn còn lại mấy trăm người băng rừng chạy về nước. Giữa triều nếu chối từ thượng lệnh, e vua bắt tội thua binh chém tướng thì biết liệu làm sao? Bởi vậy nên ta mới tạm thời tuân lệnh vừa rồi sau sẽ tìm kế khuyên vua bãi binh. Nếu cãi lời vua không ra trận cũng chết, mà mang quân sang đánh với Nguyễn Huệ thì cũng chết mà thôi. Ta thật chưa biết phải tính sao cho thoát nạn này.
Chiêu Sương nói:
- Tôi có một kế khiến vua ta phải ra lệnh bãi binh mà không bắt tội tướng quân được.
Chiêu Tăng liền hỏi:
- Kế thế nào ngươi hãy mau nói xem. Nếu ta thoát khỏi nạn này thì ngươi là an nhân của ta vậy.
Chiêu Sương hiến kế:
- Tướng quân hãy vờ như hăng hái, lệnh cho quân các doanh trại chuẩn bị quân trang để chờ ngày kéo quân sang nước An Nam đánh báo thù. Quân sĩ của ta ắt sẽ như vậy... như vậy... Nhà vua hay được tin đó nhất định sẽ bại binh.
Chiêu Tăng mừng khấp khởi khen:
- Ấy thật là diệu kế.
Nói rồi liền theo kế thi hành. Đêm hôm ấy, Tiêm vương cũng Nguyễn vương đang đàm đạo, bỗng quân vào báo:
- Tâu Bệ hạ không hiểu vì cớ gì mà nghe quân cả trại nhốn nháo, than khóc om sòm. Xin tâu cùng Bệ hạ được rõ.
Tiêm vương và Nguyễn Phúc Ánh ngạc nhiên thân hành ra các doanh trại xem xét. Đến nơi nghe quân khóc lóc than thở với nhau:
- Quân Tây Sơn rất là hùng mạnh, chỉ trong một đếm đánh năm vạn quân, ta còn lại mấy trăm người mang đầy thương tích lủi thủi chạy về nước. Nay vua sai Chiêu đại tướng quân đem bọn ta sang An Nam đánh báo thù. Bọn ta xa vợ xa còn đi viễn chinh phen này chỉ có chết mà thôi.
Tiêm vương nghe thấy những lời ấy bèn quay về ngự điện nói với Nguyễn vương:
- Quả nhân những muốn cất quân sang đánh Tây Sơn báo thù thua trận ở Rạch Gầm và đưa Nguyễn vương về nước, không ngờ lòng quân khiếp sợ như thế thì còn đánh được ai. Thôi thì quả nhân xin cấp đất cho tướng sĩ Nguyễn vương nương náu chờ có cơ hội rồi sẽ liệu sau.
Nguyễn Vương buồn bã nói:
- Cám ơn lòng tốt của Bệ hạ. Phúc Ánh tôi cùng đành phải thế chứ chẳng biết làm sao hơn.
Nói rồi chúa tôi Nguyễn vương theo người hướng đạo ra trú ngụ ở đất phía Tây thành Vọng Các. Nguyễn vương nói cùng các tướng:
- Sau trận Rạch Gầm người Tiêm La sơ giặc Tây Sơn như cọp, không mong gì nhờ vả họ được nữa. Và ta nên mời Bá Đa Lộc đến bàn việc cầu viện người Pháp Lang Sa đem quân sang giúp mới mong khôi phục cơ đồ.
Nói rồi sai người đi mời Bá Đa Lộc. Bá Đa Lộc đến, Nguyễn vương nói:
- Vua Tiêm La từ khi thua trận, sợ Nguyễn Huệ không dám hưng binh giúp cho ta. Vậy xin Giám mục hãy đem con ta là Thế tử Cảnh sang nước ngài là tin cầu vua ngài đem quân sang giúp. Sau khi đuổi được giặc Tây Sơn lấy lại nước, vua nước ngài muốn gì Ánh này cũng xin vâng.
Bá Đa Lộc bảo:
- Vậy xin chúa hãy làm tờ cam kết có điều khoản rõ ràng, để về sau cứ theo tờ cam kết ấy mà thi hành.
Nguyễn vương bằng lòng cùng Bá Đa Lộc làm tờ cam kết gồm các điều khoản sau:
Nước Pháp Lang Sa đồng ý giúp Nguyễn Vương:
- Năm mươi chiếc tàu đồng, trên tàu trang bị đã đủ súng đại bác.
- Hai trăm khẩu súng đại bác trang bị cho quân bộ.
- Hai ngàn binh lính và vũ khí cá nhân để hướng dẫn sử dụng số tàu đồng và đại bác nói trên.
- Lương thực đủ để quân dùng trong 6 tháng.
Đổi lại Nguyễn vương bằng lòng giao cho nước Pháp Lang Sa:
- Trọn quyền sử dụng cửa Đà Nẵng, phố Hội An và đảo Côn Lôn.
- Để người Pháp Lang Sa được độc quyền sang buôn bán và truyền đạo trên lãnh thổ nước Nam.
Tờ cam kết viết xong, Bá Đa Lộc liền từ tạ Nguyễn vương đem Thế tử Cảnh lên đường về nước. Chúa tôi Nguyễn vương ở lại nước Tiêm La cày cấy nuôi nhau, chờ ngày Bá Đa Lộc đem binh thuyền đến giúp!

<< Chương 32 | Phần III - Chương 34 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 765

Return to top