Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Tây Sơn bi hùng truyện

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 86162 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tây Sơn bi hùng truyện
Lê Đình Danh

Chương 12
Tin quân Tây Sơn làm chủ một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cấp báo về kinh thành Phú Xuân. Chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần lập tức thiết triều mời bá quan văn võ bàn luận kế sách đánh giặc. Định vương nói:
- Nay giặc cướp Tây Sơn dụ dỗ đám dân đen lại mị dân truyền hịch tôn phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương đánh đổ Quốc phó. Quả nhân từ lúc lên ngôi chúa đến nay thiên hạ thái bình, mọi việc đã có Quốc phó lo toan, vả lại ta mới hai mươi tuổi chưa từng biết việc chiến chinh. Nay giặc cướp Tây Sơn chiếm đất đai của ta từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, còn định kéo ra đánh lấy kinh thành. Các khanh đã biết việc ấy hay chưa?
Quốc phó Trương Phúc Loan râu tóc bạc phơ bước ra nói:
- Kính Chúa thượng, lúc này thành Quy Nhơn bị giặc Tây Sơn cướp lấy, tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên chạy đường bể về đây phi báo, lão thần liền sai người về Quảng Nam lệnh cho tổng binh Quảng Nam dinh là Tôn Thất Hương đem quân ở dinh Quảng Nam và phủ Quảng Ngãi vào tiễu trừ giặc cỏ. Không ngờ cha con Tôn Thất Hương đều tử trận ở huyện Bồng Sơn, Quy Nhơn phủ. Nghe tin ấy lão thần đã sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi đem ba vạn quân vào Quảng Nam đánh giặc. Nay mai chắc có tin báo tiệp khải hoàn, xin Chúa thượng an tâm.
Chúa Định vương quở rằng:
- Việc trọng đại như thế sao Quốc phó lại không cho quả nhân được biết?
Trương Phúc Loan khúm núm thưa:
- Kính Chúa thượng, cung điện Phấn Dương vừa mới xây xong, Chúa thượng đang buồn bực vì nhân dân ta thán, lão thần sợ làm kinh động Chúa thượng nên không dám tâu trình.
Trong hàng quan văn bỗng nhiên có tiếng nói lớn:
- Nay ba vạn quân trấn thủ kinh thành đều đưa vào Quảng Nam đánh Tây Sơn. Lỡ như họ Trịnh ở Đàng Ngoài đem quân xâm phạm Châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) thì ta biết phải làm thế nào?
Mọi người giật mình nhìn lại, thì ra đó là quan văn tước Tĩnh Điệp Hầu, tên húy Nguyễn Đăng Trường. Võ quan chưởng cơ Nguyễn Văn Chính cười nói:
- Ngài là quan văn không rõ việc binh. Ranh giới của ta và họ Trịnh là sông Linh Giang. Sông Linh Giang vừa rộng vừa sâu, ở bờ Nam lại có lũy Trường Dục kiên cố, quân ta đêm ngày canh phòng cẩn mật thì quân Trịnh dễ gì xâm phạm. Tôi nói có phải không tướng quân Tôn Thất Tiệp?
Tôn Thất Tiệp đồng tình gật đầu đáp:
- Lời quan chưởng cơ rất phải, lâu nay họ Trịnh ở Bắc Hà chuyên quyền lấn áp vua Lê khiến trăm họ bất bình nổi lên làm loạn khắp nơi. Ở Hải Dương có Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ nổi dậy năm Canh Thân (1740). Rồi đến năm Quý Hợi (1743) Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất lại nổi dậy ở Hải Dương. Cũng năm Canh Thân lại có Nguyễn Danh Phương làm loạn ở Việt Trì, Tam Đảo, sau chiếm lấy Tuyên Quang, suốt mười năm sau là năm Canh Ngọ (1750) chúa Trịnh Doanh mới đánh dẹp xong. Lại có Hoàng thân là Lê Duy Mật nổi dậy ngót hai mươi năm ở huyện Thạch Thành. Rồi đến năm Giáp Tý (1764) Lê Duy Mật cầu cứu chúa Vũ Vương của ta, nhưng Tiên vương không muốn gây việc binh đao với họ Trịnh nên mới chối từ. Quan quân đánh dẹp mãi, hao binh tổn tướng mới yên. Trong nước đã rối ren như thế, thì tâm trí đâu mà dòm ngó cõi ngoài. Vả lại mới hai năm trước đây Thái tử Lê Duy Vỹ bị chúa Trịnh Sâm giết chết. Trời đất bỗng hôn u địa ám, muôn dân đóng cửa khóc thầm, Trịnh Sâm càng lo sợ trăm họ nổi lên, thì dám đâu cho quân đi đánh đất người. Vậy việc họ Trịnh xâm phạm sông Linh Giang xin Chúa thượng chớ lo.
Tôn Thất Tiệp nói một hơi nghe ra hữu lý, chúa Định Vương và Quốc phó Trương Phúc Loan vừa ý gật gù. Nguyễn Đăng Trường chậm rãi bước ra nói:
- Kính Chúa thượng, đành rằng là như vậy, nhưng lòng tham của con người vốn sâu không đáy. Chỉ e rằng Trịnh Sâm nghe tin quân Tây Sơn đánh phá phía Nam, hắn chỉ thấy cái lợi lấy đất ta ngay trước mắt, quên cái hoạ diệt vong trong nước phía sau lưng, mà đem quân xâm phạm mặt Bắc thì Kinh đô lưỡng đầu thọ địch. Vậy nay phải gấp dẹp cho xong giặc Tây Sơn, để lỡ có bề gì còn điều quân ra ngoài đánh Trịnh. Vả lại từ lâu nay trong dân gian có truyền câu sấm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” nay nghe giặc Tây Sơn làm loạn lòng trung quân rất là lo lắng. Xin Chúa thượng xét soi.
Chúa Định Vương liền hỏi:
- Vậy theo khanh thì nên làm thế nào?
Nguyễn Đăng Trường đáp:
- Kính Chúa thượng, quan trấn thủ dinh Long Hồ là lão tướng Tống Phước Hiệp gồm tài thao lược. Chúa thượng nên sai sứ giả vào đất Gia Định lệnh cho Tống Phước Hiệp lãnh binh ở ba dinh Long Hồ, Phiên Trấn, Trấn Biên. Lập tức đem quân Bắc tiến cho giặc Tây Sơn lưỡng đầu thọ địch, thì quân ta mới mong toàn thắng.
Chúa Định Vương vỗ tay khen:
- Thật là kế sách vẹn toàn. Tống Phước Hiệp trấn thủ nơi xa xôi ngàn dặm nếu không nhờ Tĩnh Điệp Hầu nhắc nhở thì ta đã quên mất ông ấy rồi! Nay ta phong cho Tĩnh Điệp Hầu làm tham tán quân cơ để cùng bàn việc quân.
Nói rồi liền viết chiếu phong Tống Phước Hiệp làm tổng binh Quản dinh Bình Tây Đại tướng quân, điều binh ba dinh ra Bình Thuận đánh Tây Sơn.
                                                       *
                                                *          *
Lại nói về Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi vâng lệnh Trương Phúc Loan đem quân vào đến phủ Quảng Ngãi, quân Tây Sơn lùi về đóng ở phía Nam sông Trà Khúc. Đồn lũy lập xong, trong đại bản doanh Nguyễn Nhạc hỏi Trương Văn Hiến:
- Nguyễn Văn Hoằng đem ba vạn quân đến đánh ta, tôi nghe lời quân sư lui một mạch đến phía Nam sông Trà Khúc. Sông này vừa cạn vừa hẹp, địa thế không có gì hiểm yếu, sao quân sư lại khuyên tôi lập đồn luỹ nơi đây?
Trương Văn Hiến cười nói:
- Nguyễn Văn Hoằng dù có gan dạ như Quan Vũ đời Hán cũng không dám vượt sông, xin Chúa công chớ ngại!
Vũ Văn Nhậm hỏi:
- Quân sư dựa vào đâu mà quả quyết như thế?
Hiến vuốt râu đáp:
- Nguyễn Huệ đã đem ba ngàn quân chi viện phía Nam, quân ta hiện chỉ có bảy ngàn quân, vả lại nhựa hỏa hổ đã hết, ở Quy Nhơn chưa vận chuyển ra kịp, nếu đánh nhau với ba vạn quân địch e rằng bất lợi, nên tôi mới khuyên Chúa công bảo toàn lực lượng lui quân. Vừa đến đây tôi đã cho thả cho một số quân Nguyễn triều bị bắt trong trận đánh ở sông Lại Dương lúc trước. Chủ ý của tôi là để bọn quân này về báo với Nguyễn Văn Hoằng vì sao ba cha con Tôn Thất Hương phải chết. Nay lại thấy quân ta lui về bờ Nam sông Trà Khúc, Nguyễn Văn Hoằng ắt sợ trận “Thủy hỏa ký tế” như Tôn Thất Hương, thì làm gì mà dám vượt sông!
Nguyễn Nhạc mừng rỡ khen rằng:
- Ấy thật là diệu kế!
Vừa nói xong bỗng có quân vào báo:
- Thưa Chúa công, quân triều đã kéo đến bờ Bắc sông Trà Khúc.
Nguyễn Nhạc cùng Văn Hiến, Văn Dũng, Văn Nhậm, Đình Tú liền lên ngựa ra ngoài quan sát thấy binh triều quân đông vô số, khí thế hung hăng. Nguyễn Văn Hoằng định hô quân vượt sông tiến đánh, bỗng có quân đến báo:
- Thưa tướng quân, chúng tôi bắt được mấy tên quân, chúng nói là lính của tướng quân Tôn Thất Hương, nên dẫn đến cho tướng quân tra xét.
Nguyễn Văn Hoằng liền cho đưa mấy tên quân đến. Hoằng trợn mắt nạt:
- Chúng bay có phải là quân gian chăng hãy mau khai thật, nếu không ta chém mất đầu?
Mấy tên quân quỳ lạy khóc:
- Thưa tướng quân, chúng tôi ở trong quân của tướng Tôn Thất Hương. Tướng Tôn Thất Hương cùng hai con tử trận, chúng tôi bị quân Tây Sơn bắt được lén trốn về đây. Xin tướng quân chớ khá vượt sông!
Hoằng nghi ngờ hỏi:
- Tại sao các ngươi khuyên ta đừng vượt sông đánh giặc?
Tên quân đáp:
- Thưa tướng quân, lúc tướng Tôn Thất Hương dẫn ba vạn quân vượt đèo Thạch Tân tiến đánh phủ Quy Nhơn giặc Tây Sơn chỉ lui mà không đánh, nhử quân ta vượt sông Lại Dương ở Bồng Sơn. Rồi chúng cho quân lên thượng nguồn sông Lại Dương đắp đập chứa nước, sau đó chúng từ huyện Phù Ly đánh ra. Quân của chúng có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại ấy là một cái ống chứa lửa bên trong, khi giặc vung lên lửa từ trong ống bắn ra, giáo gươm chưa đụng được quân địch thì quân ta đã bị cháy áo phồng mình. Tướng quân Tôn Thất Hương dẫn chúng tôi chạy về sông Lại Dương, thì quân địch ở thượng nguồn phá đập, một nửa quân ta đang vượt sông bị nước cuốn trôi chết cả, lũ chúng tôi không còn đường chạy đành phải đầu hàng. Nay thấy tướng quân toan vượt sông đánh giặc nên mới đến đây dập đầu can gián.
Nghe tên quân kể xong Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi vã mồ hôi trán. Hoằng đưa vạt áo lên lau mồ hôi rồi nói:
- Thảo nào quân thua mà không thấy một người về báo. Đến lúc quân ở đèo Thạch Tân thua chạy về mới hay cha con Tôn Thất Hương thua trận, mà chẳng biết thua thế nào. Truyền quân không được vượt sông, lập tức lập đóng lũy ở bờ Bắc sông Trà Khúc chặn giặc.
Ở bờ Nam sông Trà Khúc, Nhạc thấy quân triều đóng đồn hạ trại ở bờ Bắc bèn vỗ tay cười lớn:
- Quả đúng như quân sư dự đoán, quân Nguyễn Văn Hoằng không dám vượt sông. Đợi ít hôm chúng sinh lười nhác ta đánh phá một trận ắt là toàn thắng.
Văn Hiến can:
- Xin Chúa công chớ vội đánh làm gì khi binh Nguyễn triều còn đang mạnh. Không lâu nữa chúng sẽ rút quân về, chừng ấy lấy đất Quảng Nam mà đỡ tốn xương máu của anh em nghĩa sĩ.
Văn Dũng, Văn Nhậm, Đình Tú cùng ngạc nhiên hỏi:
- Vì sao vô cớ quân Nguyễn lại lui quân?
Văn Hiến vuốt râu đáp:
- Hơn một trăm năm nay họ Trịnh ở Đàng Ngoài lúc nào cũng có tham vọng thôn tính Đàng Trong của họ Nguyễn. Trong lịch sử của cuộc nội chiến này, cả bảy lần đánh nhau đều do họ Trịnh động binh trước, nhưng không lần nào quân Trịnh vượt khỏi sông Linh Giang. Nay chúa Trịnh Sâm nghe quân ta khởi binh đánh chiếm từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi, quân Nguyễn triều đem ba vạn quân ở kinh thành vào chống giữ, Trịnh Sâm nhất định sẽ đem quân xâm phạm châu Bố Chánh, khi ấy Nguyễn triều chỉ còn một cách duy nhất là điều binh của Nguyễn Văn Hoằng ra ranh giới sông Linh Giang đánh Trịnh, chỉ để lại đây một lực lượng nhỏ mà thôi. Đối với Nguyễn triều dù sao quân Trịnh vẫn là kẻ thù nguy hiểm hơn ta. Khi ấy ta đánh chiếm Quảng Nam chẳng khó gì!
Nghe xong Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:
- Ta có quân sư khác nào ngày xưa Lưu Bị có Gia Cát Lượng, bày mưu lập kế, định quốc an dân. Nếu không có quân sư mở mang trí óc thì tầm nhìn của ta chắc không ra khỏi Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Ngãi, thì có đâu biết đến việc ở xứ Bắc Hà. Mượn quân người để làm quân mình, không đánh mà thắng, nếu không có quân sư chỉ vẽ ta cứ mang quân gặp địch bừa thì việc thành bại chưa biết phải ra sao! - Rồi quay sang các tướng Nhạc nói - Truyền quân: Án binh bất động, canh phòng cẩn mật, giữ vững doanh trại, ai trái lệnh chém đầu!
                                                  *
                                          *            *
Ngày ấy tại kinh đô Thăng Long, trong phủ chúa Trịnh Sâm thiết triều hội bá quan văn võ, Sâm nói:
- Trấn thủ đồn Hoành Sơn là Quyền Trung Hầu Hoàng Nghĩa Hồ vừa gửi mật thư cho ta nói rằng: Ở phủ Quy Nhơn có giặc Tây Sơn nổi lên đánh chiếm từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi. Chúa Nguyễn phải sai tướng đem ba vạn quân ở kinh thành đi dẹp loạn, lính ở Phú Xuân không còn được bao nhiêu. Ta nên thừa cơ đem đại binh mở cuộc Nam chinh, thu phục đất Thuận Hoá. Cơ đồ của nhà Nguyễn phen này ắt là sụp đổ. Các khanh thấy thế nào?
Trịnh Sâm vừa dứt lời, trong hàng quan văn bỗng có tiếng nói lớn:
- Khải Chúa! Việc ấy không nên!
Mọi người cùng nhìn lại, thì ra ấy là Tứ Xuyên Hầu Phan Lê Phiên. Trịnh Sâm hỏi:
- Theo ý khanh tại sao ta không nên động binh?
Phan Lê Phiên bước ra quỳ tâu:
- Khải Chúa thượng, mấy chục năm nay trong nước giặc giã nổi lên làm trăm họ sinh linh rất là thống khổ. May nhờ hồng phúc của Chúa thượng nên năm năm nay bốn phương yên ổn. Xin Chúa thượng chớ nên động binh cho thiên hạ được hưởng cảnh thái bình. Vả lại đã hơn trăm năm nay nước ta với chúa Nguyễn lấy sông Linh Giang làm ranh giới, bờ cõi của ai thì người ấy trị vì. Vậy nên vào năm Giáp Thân (1764) niên hiệu Cảnh Hưng thứ hai lăm, ở nước ta Lê Duy Mật làm loạn xứ Thanh Hoá có viết thư vào muốn cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhưng họ Nguyễn vì muốn cầu hoà với ta nên chẳng chịu động binh. Nay nhân lúc người ta có loạn mình đem quân xâm phạm e thiên hạ cười rằng là thừa cơ nước đục thả câu. Hơn nữa từ xưa đến nay phàm làm việc gì cũng danh chánh ngôn mới thuận, nay ta muốn mang quân đi đánh phía Nam thì lấy danh nghĩa gì để động binh? Xin Chúa thượng xét lại!
Phan Lê Phiên vừa dứt lời, các quan văn đồng thanh nói:
- Lời Tứ Xuyên Hầu rất phải, xin Chúa thượng chớ động binh!
Bỗng trong hàng quan võ có tiếng nói lớn:
- Lời Tứ Xuyên Hầu nói sai rồi!
Đó chính là đại tướng Hoàng Ngũ Phúc, tước Việp Quận Công. Phan Lê Phiên hỏi:
- Xin hỏi Việp Quận Công lời tôi nói sai chỗ nào?
Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đứng lên cười nói:
- Lời Tứ Xuyên Hầu sai ở chỗ: một là hơn một trăm năm nay dù rằng lấy sông Linh Giang làm ranh giới nhưng giữa chúng ta và họ Nguyễn đã bảy lần chinh chiến với nhau, sao lại gọi là bờ cõi của ai thì người ấy trị vì. Điều sai thứ hai, đây là dịp tốt trời cho, nếu ta động binh thì dễ dàng thống nhất sơn hà, làm bá chủ thiên hạ. Nay Chúa thượng động binh ấy chẳng phải gây hoạ binh đao, mà là mượn sự binh đao trong một lúc để muôn dân được thái bình mãi mãi về sau. Ấy là việc nên làm. Điều sai thứ ba là năm ấy Lê Duy Mật viết thư cầu cứu, chẳng phải chúa tôi họ Nguyễn có ý tốt với ta mà không đem quân đánh giúp Lê Duy Mật. Chẳng qua vì năm đó chúa Nguyễn Phúc Khoát tham dâm quá độ mắc bệnh nặng nề, tinh thần bải hoải, thì tâm trí đâu mà nghĩ đến việc chiến chinh. Nay, nếu ta xuất quân Nam chinh thì trên hợp ý trời, dưới thuận lòng người. Vả lại Quốc phó Trương Phúc Loan tham lam bạo ngược để dân Đàng Trong nheo nhóc lầm than, ta lấy danh nghĩa diệt trừ Phúc Loan thì ấy là danh chánh ngôn thuận vậy. Xin Chúa thượng đừng bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này.
Trịnh Sâm mừng rỡ đứng lên nói:
- Lời của khanh rất hợp ý ta. Nay ta phong Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc lãnh chức Bình Nam thượng tướng quân, đem bốn vạn binh thủy bộ vào đánh châu Bố Chánh. Ta nán lại kinh thành sắp xếp việc triều chính xong sẽ điều binh các trấn về họp tại kinh thành, ta sẽ thân chinh đem đại binh tiếp ứng. Phen này nếu không diệt được nhà Nguyễn thì không còn cơ hội nào khác nữa.
Hoàng Ngũ Phúc quỳ lạy tạ ơn. Trịnh Sâm truyền bãi triều.
Tháng mười năm Giáp Ngọ (1774), niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba lăm, Hoàng Ngũ Phúc cùng các tướng là Hoàng Bình Thể, Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Bảo đem bốn vạn quân theo hai đường thủy bộ, hẹn gặp nhau ở sông Linh Giang để cùng đánh nhà Nguyễn.
                                                  *
                                        *              *
Nghe tin quân Trịnh đem bốn vạn quân đã đến gần sông Linh Giang, tại kinh thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Định Vương lập tức thiết triều. Chúa lo sợ trách rằng:
- Hôm trước ta nghe lời Nguyễn Văn Chính và Tôn Thất Tiệp bảo không lo quân Trịnh xâm phạm mặt Bắc. Nay ở trong thì giặc Tây Sơn đánh phá, ngoài thì họ Trịnh đem quân sắp tới Linh Giang. Ở kinh thành chỉ còn năm ngàn quân cấm vệ, vậy các ngươi phải liệu thế nào đây?
Trương Phúc Loan quỳ tâu:
- Kính Chúa thượng, ở lũy Trường Dục hãy còn năm ngàn quân của tướng quân Nguyễn Duy trấn thủ. Lũy Trường Dục thành cao hào sâu, năm xưa dưới thời Chúa thượng Phúc Lan, nội tổ của tôi là Trương Phúc Phấn chỉ có mấy ngàn quân trấn giữ lũy này chống nhau với quân Trịnh cả hàng mấy vạn chẳng hề hấn gì, đủ biết lũy Trường Dục hiểm trở thế nào! Quân Trịnh không dễ gì một sớm một chiều mà hạ được, xin Chúa thượng an tâm. Bây giờ ta lập tức điều hai vạn quân của Nguyễn Văn Hoằng ở Quảng Nam, sai Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính ra lũy Trường Dục tiếp viện, thì không phải lo gì nữa. Xin Chúa thượng mau mau xuống lệnh.
Định Vương vẫn lo lắng hỏi:
- Ta yên tâm thế nào được. Vậy nếu Nguyễn Văn Hoằng ở Quảng Nam chỉ còn một vạn quân e không phải là đối thủ của quân Tây Sơn!
Mọi người còn đang lo lắng thì Tĩnh Điệp Hầu Nguyễn Đăng Trường bước ra nói:
- Kính Chúa thượng, thần có một kế khiến quân Tây Sơn không thể tiến binh ở mặt Nam để ta rảnh tay điều quân ra Bắc đánh Trịnh.
Định Vương vội vàng hỏi:
- Tĩnh Điệp Hầu có kế gì hãy mau nói ra?
Nguyễn Đăng Trường chậm rãi nói:
- Trong lúc điều hai vạn quân ra Bắc, Chúa thượng nên sai một người vào Quảng Nam trấn giữ cùng Nguyễn Văn Hoằng thì nhất định quân Tây Sơn không dám tiến binh.
Mọi người đồng thanh hỏi:
- Ấy là người nào?
Nguyễn Đăng Trường đáp:
- Ấy chính là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương!
Quốc phó Trương Phúc Loan vốn không ưa Nguyễn Đăng Trường, nay nghe vậy lạnh lùng hỏi:
- Tĩnh Điệp Hầu có đùa không đấy? Hoàng tôn Dương mới mười tám tuổi, chưa từng biết việc binh nhung, thì sao có thể cầm quân đánh giặc Tây Sơn?
Nguyễn Đăng Trường bình thản đáp:
- Nếu Hoàng tôn Dương vào trấn Quảng Nam thì không cần dùng đến binh đao. Quân Tây Sơn danh nghĩa tôn phò Hoàng tôn Dương đánh đổ quan Quốc phó để thu chúng động binh. Nay Chúa thượng hãy phong cho Hoàng tôn Dương làm Đông cung Thế tử, cho vào trấn đất Quảng Nam. Rồi sai Hoàng tôn Dương viết thư cho Nguyễn Nhạc nói rằng: Chúa thượng và Hoàng tôn lúc ấy đều nhỏ dại, việc soán nghịch là do quan Quốc phó chuyên quyền làm bậy, nay Chúa thượng đã thu giữ binh quyền, giáng chức Quốc phó về làm dân dã, phong Hoàng tôn làm Đông cung Thế tử, vào trấn đất Quảng Nam. Nếu làm như thế thì quân Tây Sơn không lấy danh nghĩa gì mà tiến quân cho được. Nếu chúng bỏ danh nghĩa tôn phò mà đánh quân Hoàng tôn ở Quảng Nam thì lòng người tan rã, việc ấy chắc chắn Nguyễn Nhạc không làm. Ấy là kế sách vẹn toàn, xin Chúa thượng chớ nên chậm trễ.
Định Vương mừng rỡ khen rằng:
- Ấy thật là diệu kế!
Bỗng Trương Phúc Loan quát:
- Nguyễn Đăng Trường to gan phạm thượng. Ngươi bảo ta là chuyên quyền làm bậy. Vậy ngươi dám bảo là Chúa thượng soán nghịch hay sao? Chúa thượng sao không lệnh chém đầu làm gương cho kẻ khác!
Đăng Trường không chút sợ hãi, nói:
- Thần không có ý đó. Ấy là ta mượn danh nghĩa Hoàng tôn Dương nói với giặc Tây Sơn như thế thôi. Xin Quốc phó hãy dẹp bỏ lòng tự ti vị kỷ mà lấy xã tắc làm trọng. Nếu không làm như thế thì chẳng còn cách nào có thể cứu chúa ta trong cơn nguy khốn được đâu!
Định Vương xen vào nói:
- Lời Tĩnh Điệp Hầu nói rất phải. Nay xã tắc ngả nghiêng, tình thế nguy ngập như ngàn cân treo sợi tóc. Nếu không dùng kế này thì cơ nghiệp của nhà Nguyễn ta ắt là sụp đổ. Quốc phó chớ nên nóng giận vì những lời trung nghĩa của Tĩnh Điệp Hầu.
Phúc Loan giận lắm nhưng vì có lệnh chúa nên đành bấm bụng ngồi im. Chúa Định vương liền sai người đi mời Hoàng tôn Dương đến bệ kiến. Định Vương vừa trông thấy liền ôm chầm lấy Nguyễn Phúc Dương khóc lớn:
- Cháu ơi! Cơ nghiệp nhà Nguyễn ta đến đây là tan nát mất rồi!
Nguyễn Phúc Dương dìu chúa đến ngai vàng an toạ rồi nói:
- Xin Chúa thượng đừng nên bi lụy. Cháu từ lâu không tham gia việc triều chính quốc gia, nhưng vẫn biết nước nhà đang trong cơn nguy khốn. Chẳng hay Chúa thượng cho gọi cháu có điều gì sai bảo?
Định Vương vẫn khóc, vỗ tay lên ngai nói:
- Cái ngai vàng này vốn là của cháu, nhưng lúc ấy cháu còn nhỏ dại, nên lúc lâm chung Phụ vương mới cho ta kế vị. Nay ta phong cho cháu làm Đông cung Thế tử vào trấn đất Quảng Nam chặn giặc Tây Sơn, còn ta sẽ đem quân ra sông Linh Giang đánh Trịnh. Đợi khi non nước bình yên ta sẽ thoái vị nhường ngôi chí tôn cho cháu vốn dòng chính thống. Cháu hãy vì cơ nghiệp nhà Nguyễn ta chớ khá chối từ.
Nguyễn Phúc Dương nghe nói được phong làm Đông cung Thế tử trong bụng mừng thầm, nhưng phải vào Quảng Nam đánh giặc Tây Sơn thì lo sợ hỏi:
- Đánh giặc Tây Sơn đã có tướng quân Nguyễn Văn Hoằng. Cháu chưa từng trải việc quân cơ, đánh nhau với Tây Sơn thế nào được?
Định Vương trấn an rằng:
- Nói là vào chặn Tây Sơn nhưng không phải cầm quân đánh giặc. Tĩnh Điệp Hầu Nguyễn Đăng Trường vừa thảo xong một bức thư, cháu cứ sai người mang thư này cho Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc tất phải nghe lời cháu mà không dám tiến binh.
Nói rồi liền trao thư cho Phúc Dương. Dương xem xong mừng rỡ reo lên:
- Ấy thật là diệu kế. Nhưng tại sao trong thư bảo giáng chức Quốc phó, cho về làm dân dã mà Quốc phó vẫn đứng hầu bên Chúa thượng vậy?
Trương Phúc Loan giận dữ mắng rằng:
- Thằng con nít không được vô lễ. Ta là Quốc phó nắm quyền nhiếp chính, muốn phong cho ngươi làm Thế tử hay giết ngươi là quyền của ta. Nếu không nể vì Chúa thượng thì ta đã lôi ngươi ra chém tức thì.
Phúc Dương quăng thư xuống đất nói:
- Nếu vậy thì ngươi cứ chém ta đi, rồi quân Tây Sơn sẽ kéo đến đây bằm ngươi làm trăm mảnh. Năm xưa ngươi giết chết Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và Thái úy Trương Văn Hạnh, lại giam lỏng ta suốt chín năm nay. Nếu ta là Đông cung Thế tử thì không có Trương Phúc Loan làm Quốc phó.
Phúc Loan giận quá thét:
- Võ sĩ đâu lôi ra chém!
Quan Đô thống chưởng cấm vệ là Chữ Đức làm thinh, không hạ lệnh cho võ sĩ vào bắt Nguyễn Phúc Dương. Trương Phúc Loan run lên hét:
- Chữ Đức, ngươi có nghe lệnh ta không?
Chữ Đức đáp:
- Thưa Quốc phó, có!
Loan vênh mặt lên hỏi:
- Sao còn chưa tuân lệnh?
Đức cúi đầu đáp:
- Nếu giết Hoàng tôn chẳng may giặc kéo đến thì chúa tôi của ta cũng phải chết theo.
Phúc Loan lúc ấy già quá thét ít câu thì đã hụt hơi, vừa mệt run run hỏi:
- Ngươi chẳng sợ ta sao?
Chữ Đức lầm lì đáp :
- Sợ Quốc phó không bằng sợ giặc! Thần giờ chỉ nghe lệnh của Chúa thượng mà thôi.
Phúc Loan gắng gượng nói:
- Năm xưa chính ta đã lập kế đưa Đô thống Ngô Mãnh ra khỏi kinh thành, cất nhắc ngươi thay Ngô Mãnh làm Đô thống, nay ngươi lại trở mặt phản ta sao?
Nét mặt không thay đổi, Đức đáp:
- Không còn cách nào khác. Quân Tôn Thất Hương ba vạn bị Tây Sơn đánh một trận không một người chạy thoát. Nay điều hai vạn quân ra Bắc đánh Trịnh thì Nguyễn Văn Hoằng chỉ còn một vạn quân trấn giữ mặt Nam. Nếu không có Hoàng tôn Dương thì lấy ai khiển giặc? Thần không phải là phụ ơn Quốc phó, nhưng chỉ làm theo cái lẽ sinh tồn.
Nghe Chữ Đức nói xong Phúc Loan thất vọng thả mình xuống ghế chẳng nói ra lời. Các quan văn võ thấy thế đều khấp khởi mừng thầm. Nguyễn Đăng Trường bước ra nói:
- Kính Chúa thượng, nay Chữ Đức đã nghe lệnh của Chúa thượng, thật là hồng phúc của nước nhà. Thần xin tiến cử một người chặn được đường tiến binh quân Trịnh.
Chữ Đức vội vàng nói:
- Ta vốn sức mạnh hơn người, tinh thông võ nghệ nên thống lĩnh năm ngàn quân cấm vệ, chứ thật ra tài điều binh không thể bằng Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính được.
Nguyễn Đăng Trường cười nói:
- Tôi không tiến cử tướng quân đâu, người mà tôi tiến cử chính là quan Quốc phó đó!
Chúa Định vương ngạc nhiên hỏi:
- Quốc phó đã răng long đầu bạc còn đánh giặc nỗi gì?
Nguyễn Đăng Trường ung dung đáp:
- Quân Trịnh kéo quân đến Linh Giang đã cho người truyền hịch các nơi rằng: Chỉ đem quân vào bắt Quốc phó Trương Phúc Loan để trừ hại cho dân, chứ không có ý xâm phạm đất đai của ta. Vậy Chúa thượng nên bắt Phúc Loan mà nộp cho Trịnh Sâm, thì quân Trịnh lấy cớ gì để tiến binh được nữa. Chúng đã truyền hịch đi cùng khắp thiên hạ, lý đâu Trịnh Sâm quyền hơn vua một nước mà lại nuốt lời.
Các quan đồng thanh nói:
- Lời Tĩnh Điệp Hầu rất phải. Xin Chúa thượng nghe theo để giữ yên xã tắc.
Định Vương vốn cảm cái ơn Phúc Loan đưa mình lên ngôi chúa còn đang phân vân, thì Chữ Đức đã sai quân trói Phúc Loan, lột cân đai áo mão. Phúc Loan ngửa mặt lên trời than rằng:
- Lúc trước ta có thề trước mặt Tiên Vương là sẽ làm theo lời di chiếu. Không ngờ lời thề ấy nay lại thành sự thật. Trong cõi đời này lại có trời đất thật sao?
Chúa thấy các quan đều đồng lòng chẳng biết làm sao đành lệnh tạm giam Trương Phúc Loan, sai Nguyễn Văn Chính và Tôn Thất Tiệp vào Quảng Nam lãnh hai vạn binh điều ra mặt Bắc, lại trao ấn Đông cung Thế tử cho Nguyễn Phúc Dương vào Quảng Nam trấn thủ.

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 758

Return to top