Sau cuộc đi nghỉ mát cuối năm ở đồng quê, gia đình bà Saulner trở về Paris. Cũng có tổ chức ăn mừng lễ Noel mà tôi muốn quên đi kỷ niệm.
Khi làm hầu bàn và đang phục vụ món xà lách, thì tôi thấy xây xẩm mặt mày. Cái gáy của bà chủ trở thành to tướng, cái bàn rung rinh, bây giờ nó giống như một tảng nước đá đang tan ra dưới ánh mặt trời. Tôi đặt đĩa xà lách xuống và chạy vào trong phòng để thức ăn, tôi ngã ngay vào trong vòng tay của bà Hélène:
- Hélène, tôi choáng váng buồn nôn…
Bà cho tôi uống một ly nước và Georges cũng chạy vào, có vẻ ngạc nhiên:
- Em bệnh à? – anh hỏi.
- Anh ra đi – tôi đáp – để tiếp tục phục vụ món xà lách, em đã để đĩa xà lách ngoài đó.
Ngồi dựa vào ghế, hai bắp chân tôi mềm nhũn, tôi lắng nghe tiếng đập rối loạn của trái tim tôi. Lần đầu tiên tôi thấy cái đầu của Hélène rất gần, bà đứng một bên tôi và đặt nhẹ bàn tay lên trên trán tôi.
- Cơn đau gan – bà nói, nhưng tôi không trả lời.
Thể xác tê mê trong một sự bất động tuyệt vời, tôi cảm thấy người tôi nhẹ lâng và trong lòng lâng lâng một niềm vui khó tả, tôi nhắm mắt lại và tôi muốn treo một tấm bảng trên mũi tôi có ghi câu: xin vui lòng đừng quấy rầy tôi.
Nhưng Georges đã trở lại với đĩa xà lách hết sạch và lấy khay pho mát:
- Bà ấy đã hỏi em bị bệnh gì – anh nói – Anh phải trả lời như thế nào đây, hả em?
- "Nothing" – đó là một trong những từ hiếm hoi mà tôi còn nhớ được, như thể tôi đã học tiếng Anh trong tám năm chỉ để thốt ra một cách thoải mái "hãy trả lời bà ta: nothing"
Georges lại đi ra với cái khay pho mát và khi Hélène biết nghĩa của từ ấy, bà ta chưng hửng, bà đã tưởng đó là một tiếng rủa.
Sau bữa ăn trưa, tôi rửa bát đĩa và tôi tưởng tượng tôi là cậu bé thuỷ thủ trên một chiếc tàu bập bềnh vì sóng gió. Vào lúc bốn giờ chiều, tôi gặp bà Saulner trong hành lang. Bà ta nói:
- Cô tái mét một cách dễ sợ! Cô bị bệnh gì thế?
- Thưa bà, đau gan..
Bà ta lộ vẻ hầu như vui mừng:
- Cô thấy đó, ở đây cô được ăn uống đầy đủ, các món ăn quá bổ dưỡng đối với cô..Về sau, cô hãy kìm hãm bớt..Phải biết nói "không" khi người ta ăn quá nhiều. Và bây giờ, cô vào trong phòng của cô để nghỉ ngơi trong nửa giờ, cô hãy ngủ đi một chút, trông mặt cô thấy sợ..
Tôi nằm trong phòng, cô đơn một mình, tôi nhắm mắt lại, lần đầu tiên tôi nói thầm với mình rằng, tôi tin tôi sẽ có một đứa con.
Tôi không muốn bộc lộ tư tưởng của tôi trong nhà bếp. Tôi muốn ít ra nó được bộc lộ trong một bầu không khí tự do hơn. Tôi sợ cái bầu không khí tôi đòi ấy làm lây bệnh cho con tôi như một bệnh sởi tinh thần. Đột ngột Georges bước vào. Anh ấy ngồi xuống mép giường, nắm lấy bàn tay tôi. Tôi im lặng, tôi không tìm một hiệu quả nào cả, nhưng giả thuyết của tôi là của riêng tôi, đến nỗi tôi chưa dám chia xẻ với anh.
Tôi nhìn Georges, như chưa bao giờ trông thấy anh. Anh mặc cái tạp dề xanh như một học sinh bị phạt, anh không muốn xua tan sự im lặng của tôi, anh luôn luôn thích được yên tâm vì chưa biết chắc chắn một sự việc gì.
- Hãy cởi tạp dề của anh ra…- tôi nói và khi ngẩng đầu lên, tôi lại thấy buồn nôn.
- Anh phải xuống làm việc…
- Hãy cởi áo tạp dề ra, chúng ta phải nói chuyện với nhau như thể chúng ta là những người tự do.
Anh nhìn tôi và tôi nói:
- Em chắc chắn chúng ta có con..
- Không! – anh nói, hãnh diện nhưng đồng thời cũng run sợ - không thể nào!
Và anh nói thêm, một cách nóng nảy:
- Em có chắc chắn không?
Phải thêm một cái gối nữa để tôi nhìn thấy rõ khuôn mặt của anh mà không cần ngẩng cổ lên vì cổ tôi đang co lại để khỏi buồn nôn.
- Ừ, em gần như chắc chắn.
Anh đứng trước mặt tôi như một đứa con trai lớn tú thật đã phạm lỗi lần đầu tiên với mẹ mình:
- Bây giờ chúng ta phải làm gì đây?
Câu hỏi ấy được tiếp nối bằng những từ mà tôi không muốn nghe. Tôi nhào tới phía anh, bụm miệng anh lại, tôi không muốn anh nói tiếp.
- Câm mồm đi, em van anh, câm mồm đi, hay là hãy nói đi một lần những lời em chờ đợi…
Anh vùng ra với vẻ giận dữ:
- Em muốn anh luôn luôn nói với em những lời em chờ đợi, thì em cứ đọc đi, để cho anh lặp lại. Anh phải nói gì đây? Em cho phép anh nói gì đây?
Tôi quay mặt vào tường và xấu hổ vì tôi đã khóc, tôi giấu nước mắt vào cái gối. Lạ thay, những giọt nước mắt do Georges gây ra làm cho tôi thấy xấu hổ, như thể đó là một người xa lạ đã làm cho tôi khóc.
- Anh yêu em – anh nói – em biết rõ anh yêu em mà!
Nhưng tôi không trả lời, tôi mong nỗi ưu phiền của tôi như con ốc mang cái vỏ cứng của nó.
Một lát sau, khi anh đã đi rồi, tôi mới ngôi dậy. Tôi để hai bàn tay lên trên bụng tôi. Bụng tôi lép kẹp. Tôi sờ hai cái háng hẹp của tôi, tôi thấy mình gầy quá. Tôi bước ra khỏi phòng. Tầng này dành cho những người giúp việc, chúng tôi làm việc đến tận khuya và bây giờ, mới năm giờ chiều, ở đây hoàn toàn yên lặng. Khi đi tới cầu thang, tôi thấy bước chân của tôi có tiếng vang, tôi nhón chân đi tiếp, tôi không muốn bị quấy rầy bởi tiếng động của chính các bước chân của mình. Cái cầu thang xoắn ốc hình như hẹp hơn bình thường. Tôi nhìn các bậc cấp rất cẩn thận và nắm chặt lan can mà từ trước đến bây giờ tôi chưa bao giờ dùng đến. Tôi đi xuống rất chậm rãi, tôi không còn sợ như trước nữa. Có một tình cảm khác đã xâm chiếm lấy tôi, tôi có trách nhiệm với đứa con trong bụng mình.
Bà Saulner cho việc tôi xin nghỉ làm là một thắng lợi của bà ta! Bà nói:
- Christine, tôi thông cảm với cô, cô mảnh mai quá, khó lòng đảm đương được công việc này.
Nhưng lập tức bà hối tiếc đã dùng từ "mảnh mai", quá thanh nhã. Bà lưỡng lự một chút, tìm một tính từ phẩm chất khác và thốt ra với vẻ khinh bỉ:
- Cô bị bệnh thiếu máu, nên người xanh xao như thế đó. Tôi tự hỏi cô sẽ xoay sở ra sao trong tương lai. Cô không có quốc tịch Pháp và người Pháp không muốn có những bảo mẫu người nước ngoài để chăm sóc con cái họ.
- Thưa bà, tôi đã nghe người ta nói điều trái lại. Ở đây có những bảo mẫu người Anh, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Thuỵ Điển…
- Một người bảo mẫu đến từ một nước được mọi người biết đến, đó là một chuyện khác. Người ta có thể đòi hỏi họ những chứng chỉ nghề nghiệp, ít ra người ta cũng an tâm cho con cái của người ta. Nhưng cô, người Hungari, với ngôn ngữ Slave của cô….
- Thưa bà, tiếng Hungari không phải là ngôn ngữ Slave, đó là một ngôn ngữ có cùng nguồn gốc với tiếng Phần Lan..
Bà ta không bằng lòng về việc tôi đã dám ngắt lời bà ta, cãi lại bà ta và đã làm cho bà ta khó chịu vì đã nói đến nước Phần Lan. Theo bà ta, không có gì khác biệt giữa các nước Bắc Âu và bà ta vừa để cập đến nước Thuỵ Điển
Tôi thấy bà ta đã đi gần đến mục đích của bà ta khi bà nói chuyện dài dòng với tôi, bà ta nghiền ngẫm từng câu, từng chữ, rồi bung ra như hơi nước nâng cái nắp ấm lên càng lúc càng cao hơn:
- Và cái ý kiến kỳ cục của cô, viết tiểu thuyết!
Bà ta cười gằn một tiếng và tôi cảm thấy bà ta ghen tị với tôi, một mối ghen tị mà bà ta sẽ không bao giờ chịu thú nhận với chính mình.
- Viết tiểu thuyết..và còn gì nữa! Mơ ước những chuyện hão huyền, không phải sao?
Bà ta dữ dội như thể bà đóan được những tư tưởng của tôi. Bà ta lặp đi lặp lại mấy chữ "Viết tiểu thuyết" bà ta muốn làm cho tôi hoảng hồn, nhưng tôi hoàn toàn bình tĩnh. Còn lâu bà ta mới biết sự thật. Bà ta không biết bản thảo hiện nay của tôi, cũng như một trong những bản thảo sau này, trong đó tôi sẽ dành vài trang cho bà ta. Và nhất là bà ta không biết rằng tôi sẽ có một đứa con. Tôi chịu đựng tất cả, nhưng tôi sẽ không thể chịu đựng ánh mắt của bà ta nhìn thân hình tôi, nhìn từ ngực đến bụng và dừng lại ở háng. Tôi sẽ không chấp nhận việc bà ta đoán già đoán non về cuộc đời của tôi, khi nào, bằng cách nào, vì sao? Đam mê hay vụng dại?
Tôi nghe bà ta nói một cách dữ dội và tôi bằng lòng việc bà ta dữ dội như thế. Bà ta ngồi không yên, bà ta động đậy luôn, bà ta vặn mình trong chiếc ghế phô tơi. Tôi thấy tội nghiệp cho bà ta. Ôi! Cuộc đời của bà ta, một cuộc đời vô lương, trong đó thế giới được chia làm hai bên, một bên là những người giàu có và độc ác, còn bên kia là những kẻ sa cơ thất thế phải làm tôi mọi, phải cúi đầu vâng lời họ.
Bà ta đứng dậy, cao lớn hơn bao giờ hết, bà ta chỉ cho chúng tôi cái tủ sách của bà với cử chỉ của bạo chúa Néron điên rồ trên những phế tích của thành La Mã bị tiêu huỷ. Bà nói:
- Tôi cho phép cô được chọn một quyển sách để làm kỷ niệm…
Bà ta vượt quá giới hạn đảo ngược thế quân bình lực lượng và đột ngột chính tôi là người đắc thắng, nhờ bà ta mà tôi có thể trả lời với giọng bình tĩnh:
- Thưa bà, tôi không muốn có vật kỷ niệm, tôi muốn quên bà đi.