Đêm ấy có người đập cửa. Chúng tôi nghe, sửng sốt vì sợ. Ông Radnai ra mở cửa và sự ngạc nhiên làm ông thụt lùi lại vài bước. Ba người Đức bước vào…Chúng tôi tái xanh cả mặt, như thể đã thấy những con ma. Đó là những tên lính đã muốn cho nổ sập ngôi nhà vì luơng thực của chúng bị đánh cắp.
Ông chủ quán hỏi:
- Các ông muốn gì nơi chúng tôi?
Viên đại uý đáp:
- Bây giờ chúng tôi không còn muốn gì nữa hết, chúng tôi chỉ yêu cầu các người cho chúng tôi một ít quần áo thường dân. Đó là hy vọng duy nhất và mong manh có thể làm cho chúng tôi thoát khỏi vòng nguy hiểm..Nếu người ta tìm thấy chúng tôi mặc quân phục chúng tôi sẽ chịu số phận như những người khác , nằm chết trước các ngôi nhà…
Lúc ấy chính là lúc mỗi người chúng tôi có thể đánh giá mức độ mà tôn giáo đã ảnh hưởng đến tư tưởng và hành vi của mình. Chúng tôi đã đối diện với quân thù đã phá hoại kinh đô của chúng tôi, họ là những người phải chịu trách nhiệm về tất cả sự đổ nát này. Nhưng bây giờ họ đứng đó, do dự, lo âu. Họ cũng có một gia đình ở một nơi nào đó tại nước Đức, vợ con và bố mẹ. Những người này chắc chắn đang cầu nguyện để được gặp lại họ… vì mỗi người lính đều có một người nào đó đợi họ quay về… và mỗi người đã hành động theo lệnh của cấp trên.
Tất cả chúng tôi đều có những tư tưởng giống nhau, vì sau một lúc chúng tôi đều hành động như nhau. Người gác cổng lấy trong tủ ra một bộ comlê và nói:
- Bộ này trước kia là của con trai tôi.
Chúng tôi rụt rè nhìn ông Radnai. Bây giờ ông ta đeo huy hiệu sao vàng. Người Đức có tội nặng hơn hết đối với ông ta và kể từ nay, lời nói của ông ta rất nặng ký đối với người Nga. Một lời tố giác của ông ta có thể đưa chúng tôi lên giá treo cổ. Ông ta nói với một giọng lạnh lùng:
- Tôi là người Do Thái, toàn thể gia đình tôi đã bị lưu đày…
Đến đây có một sự im lặng. Chúng tôi chỉ nghe những tiếng la hét om sòm của vài binh sĩ Nga ở đâu đó.
- Nhưng – ông Radnai nói tiếp – để chứng minh với các người rằng còn có lòng nhân đạo, tôi sẽ để cho các ông ấy chuồn đi….
Ông ta quay mặt đi và chỉ trong vài giây, chúng tôi lấy áo quần cho mấy người lính Đức mặc và họ rời khỏi nhà bằng cách đi nép sát vào tường, kẹp dưới nách cái bị đựng bộ quân phục của họ.
Đêm ấy, tiếng ồn ào của trận đánh ác liệt xảy ra ở một nơi xa xa nào đó, làm cho chúng tôi không ngủ được.
Sáng hôm sau, chúng tôi nghe nói quân Đức bị đánh tán loạn, đã tập trung lại và mở một cuộc chiến phản công. Chúng đã bị tàn sát cho tới tên lính cuối cùng.
Trong ngôi nhà của chúng tôi, đồ đạc mọi thứ lộn tùng phèo vì từng lúc có quân Nga đi vào và đi ra. Ilus quyết định vượt sông Danube để trở về với gia đình bà ta. Chúng tôi tiễn đưa bà đến tận bờ sông, nơi mà trước kia là những khách sạn tráng lệ hơn hết của thành phố, bây giờ chỉ còn lại là một đống đổ nát, dòng sông dơ bẩn, bị nghẽn vì các cây cầu sụp đổ, nơi đó các tảng băng còn chồng chất lên nhau và các bến tàu thuyền đã hoàn toàn bị ngập nước.
Vài người lính Nga, ở trên bờ sông, đòi một giá cắt cổ để chở hành khách qua bên kia sông, trên những chiếc thuyền mà họ đã tịch thu. Ilus thương lượng với một người trong bọn bằng cách nhượng cho đương sự cái đồng hồ đeo tay và một cái đồng hồ báo thức. Bà, đứa con bà và người lính bước lên một chiếc thuyền, rồi người lính chèo thuyền ra xa. Chúng tôi đưa mắt nhìn theo họ. khi thuyền ra tới chỗ nước xoáy ở giữa sông, chúng tôi để ý thấy ở trên bờ phía bên kia có một tốp lính Nga huơ huơ tay và bắn chỉ thiên để lôi cuốn sự chú ý.
Chúng tôi không hiểu lý do vì sao họ làm như vậy và chiếc thuyền tiếp tục chèo tới. Nó vừa lướt qua một cột trụ của cái cầu sập thì chúng tôi nghe một tiếng nổ lớn. tất cả chúng tôi đều bị choáng váng vì tiếng nổ ấy. Chiếc thuyền, Ilus, đứa bé và cả người lính Nga đã vĩnh viễn biến mất trong các đợt sóng dữ dội.
Về sau chúng tôi biết được rằng để tránh cho thành phố khỏi bị ngập lụt, người ta khai thông dòng sông Danube bằng cách cho nổ mình phá huỷ các trụ cầu. Vào lúc ấy, rất xúc động, nhưng không còn nước mắt, chúng tôi đứng yên tại chỗ, sững sờ, cho đến lúc lính Nga đuổi chúng tôi đi.
Với tâm trạng tang tóc, chúng tôi trở về nhà của chúng tôi, nếu người ta có thể gọi đống gạch đá đổ nát, ở đó xác người lính Đức đang thối rữa trong cầu thang, là nhà của chúng tôi.
Trên đường, khắp nơi, các xác chết nhìn đăm đăm các người còn sống với cặp mắt lờ đờ của họ. Mùi hôi thối không còn có thể chịu đựng được nữa. Bố mẹ tôi quyết định rời khỏi Budapest ngay lúc nào có thể đi được, để về ngôi nhà của chúng tôi ở thôn quê.