Cuộc sống của chúng tôi ở Versailles có nhịp độ của một cái đồng hồ cát. Tôi làm việc từ sáng đến tối, không một chút nghỉ ngơi. Tôi không thích nghe những mệnh lệnh gay gắt và thúc giục của bà Bruller, tôi lật đật làm trước khi bà ta ra lệnh. Một cuộc chạy đua điên cuồng. Tôi phải è vai gánh vác tất cả công việc trong nhà. BBuổi sáng, tôi là người thức dậy đầu tiên, tôi sửa soạn bữa ăn điểm tâm và tôi đi đánh thức cô bé Monique luôn luôn nũng nịu, luôn luôn sẵn sàng quấy rầy, với một thùng nước mắt phía sau cặp mắt đen của nó. Bà Bruller đi xuống phòng ăn, bước chân lảo đảo vì còn ngái ngủ, mỏi mệt vì những giấc mơ. Ông Bruller, nóng nảy, tay sờ mặt bị dao cạo làm đứt da và nhìn cái khăn tay dính máu của ông . Trong lúc bà Bruller đi mau đồ dùng hàng ngày, thì tôi quét dọn nhà cửa và trông chừng Monique chơi trong vườn suốt ngày, vì nó được nghỉ hè. Những tiếng kêu thất thanh của con gà Ondine thường buộc tôi phải xuống xem sự gì đã xảy ra. Một hôm Monique đã đối đầu với tôi:
- Côhãy để cho tôi yên, con gà mái này là của tôi.
- Nhưng cô không cho phép em được hành hạ nó – tôi đáp, hơi dữ dội.
Monique doạ tôi:
- Má đã nói là Má làm thịt nó, vì nó không đẻ nữa.
Quả thật Ondine để quá mệt mỏi. Từ một tuần nay tôi đi nhặt trứng của nó mà không có. Nó kêu cục tác, cục tác một cách tuyệt vọng, xoay đầu nhìn tôi trù trừ bất quyết. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng tánh mạng của nó bị đe doạ. Trong lúc tôi nói chuyện một cách sôi nổi với Monique, thì nó chạy trốn và biến mất sau một bụi cây rậm rạp.
Tôi trở lên lầu một và tiếp tục dọn dẹp quét tước trong phòng ngủ của ông bà chủ. Cái giường với tình trạng âm ẩm lạt lẽo của nó, các cửa sổ mà tôi mở toang ra một cách đột ngột, những đồ vật mà tôi làm cho linh động trong trí tưởng tượng của tôi, tôi đều quyết định rằng chúng có một cái hồn. Và đây là cái lược đầy tóc đen của bà Bruller, nó rên siết "Thật là ghê tởm…" và đây là những đôi giày vải mà đế giày đã mòn lẹm gót, chúng khóc nỉ non "Người ta có thể nói chúng tôi là những con lạc đà hay những con voi…" Ngôi nhà đã hoàn toàn thoáng khí, bà Bruller rùng mình ớn lạnh, bà kêu lên "Ôi luồng gió lò lạnh quá!"
- Thưa bà, nay đã là tháng bảy rồi.
- Nhưng con bé sẽ bị bệnh viêm tai cho mà coi.
Tôi không nói một lời nào nữa, tôi đóng các cửa sổ lại và ngẫm nghĩ "Ồ, thật là khốn nạn! Ta sẽ thoát ra khỏi nơi này!"
Bà Bruller lấy cái ghế xếp duy nhất trong nhà ra và nằm phơi nắng, bà tự buông thả mình hoàn toàn, tôi hầu như chắc chắn rằng không bao giờ bà hiến thân cho chồng bà với một vẻ khoái lạc đến như thế.
Tôi sửa soạn xong bữa ăn trưa và lúc một giờ và ông Bruller về tới nhà. Ông ta thắng xe nghe kèn kẹt, và tôi, tôi cũng muốn nghiến răng kèn kẹt. Tôi đóng vai bồi bàn và đến khi tôi có thể ngồi xuống, tôi ăn qua loa cho xong bữa, tôi mệt quá nên không thấy đói. Tôi đem cà phê ra ngoài vườn cho ông bà chủ. Tôi trở vào rửa chén bát và những mẩu chuyện mà hai ông bà nói với nhau lọt qua cửa sổ mở của nhà bếp tới tận tai tôi. Tôi biết họ đã thuê một biệt thự ở bờ biển kể từ ngày một tháng tám.
"Một cuộc nghỉ mát thật sự…Một cuộc nghỉ mát lý tưởng…"
giọng nói của ông chủ hứa hẹn những điều tuyệt vời, những chuyện hão huyền.
"Em sẽ không cần nhìn đến bếp núc, nhưng lẽ tất nhiên, Christine, nó sẽ bằng lòng, không khí ở đó trong lành…"
ngày mai, tôi sẽ nói với họ quyết định của tôi. Hôm nay tôi còn là tôi mọi, nhưng ngày mai, họ sẽ biết rằng con chim sẵn sàng bay đi.
Nếu tôi có thì giờ nằm nghỉ một chút, tôi sẽ ngủ thiếp đi ngay lập tức. Tôi muốn ngủ được một giấc dài, không mộng mị, ngủ như chết. Tôi run run vì mệt và tôi giật nảy mình khi nghe tiếng nói của bà chủ. Sau khi rửa chén bát, tôi sửa soạn bữa ăn nhẹ buổi chiều, sau đó tôi đi với Monique "Con bé tội nghiệp bị nhốt suốt cả ngày". Nó thích chạy nhảy và trốn vào trong các xó, tôi chạy theo nó, tôi thở hổn hển . Tôi đã học được cách khóc mà không có nước mắt, nước mắt làm cho cổ họng tôi nóng bỏng và để lại một vị cay đắng trên vòm miệng. Tôi chụp được Monique, tôi nắm chặt bàn tay nó. "Ái, cô làm em đau", nó nói. Nhưng tôi không nói gì cả, tôi cứ đi và hai đầu gối tôi run run.
Khi trở vào trong nhà bếp, tôi bắt đầu sửa soạn bữa ăn tối. Bà Bruller đi vào nhà bếp, bà ngồi trên một cái ghế và nhìn tôi:
- Christine, chúng ta sắp đi nghỉ mát ở bờ biển. Ở đó, cô sẽ bớt xanh xao. Sự thật, vì sao cô xanh xao đến như thế? Tôi hy vọng là cô không có bệnh gì chứ? Tôi phải lo âu là vì con bé.
Tôi gọt vỏ những củ khoai tây cũ, chúng xanh nhạt và hư nhiều chỗ. Bà Bruller chống tay lên bàn và phán một câu như để mở đầu dấu hiệu còn gọi chó săn đến ăn bộ lòng của con thú săn được.
- Ngày mai Chủ nhật, tôi sẽ làm thịt con gà mái, nó rất béo, chúng ta sẽ có một món xúp ngon lành, ông chủ mê món xúp gà lắm.
Tôi tiếp tục gọt vỏ khoai tây, không thèm nhìn cái mặt tàn bạo của bà chủ. Sáng Chủ nhật, tôi sẽ ra đi luôn, không trở lại đây nữa.
Tối hôm ấy, sau bữa ăn tối, tôi được phép đi tắm. Tôi vào trong phòng tắm, đóng cửa lại và một khi đã trần truồng, tôi nhìn thân hình tôi. Nó gầy nhom, hai xương bả vai nhô lên.
Đã hai tháng rồi, tôi sống như một bà chủ nhà quái dị mời vào trong túp lều tranh của mình cả một gia đình. Khách mời của tôi là ông và bà Bruller và con gái của ông bà là Monique. Tôi đã chăm sóc họ rất chu đáo, nhưng tôi đã làm xong nhiệm vụ của tôi rồi, ngày mai tôi sẽ ra đi. Với hai tháng tiền lương trong túi, tôi sẽ thuê một cái phòng nhỏ xíu và kiếm một công việc khác.
Có tiếng gõ cửa.
- Cô tắm chưa xong sao?
- Thưa bà, xong rồi.
Ở trong giường của tôi, tôi nằm co như mọi đêm. Tôi còn thức dậy một lần nữa để lấy nước cho Monique.
Khi tất cả đã ngủ yên giấc, tôi suy nghĩ. Tôi không trở về trại tị nạn Jufstein. Tôi muốn, tôi phải ở lại Paris. Tôi sẽ tìm ra được một việc làm khác. Thân thể tôi đau đớn vì mệt mỏi và tôi không dỗ được giấc ngủ. Tử tưởng của tôi sáng suốt lạ lùng. Không thể giữ một chỗ tối tăm nào trong tâm hồn của tôi, vì sao phải nói dối với người khác hay chính mình? Ngày mai Georges sẽ đợi tại sân ga Saint Lazare, như thường lệ, cuộc gặp ngày mai sẽ là cuộc gặp quyết định.
Không khí nóng nực trong ngôi nhà này làm cho tôi ngột ngạt. Tôi cảm thấy choáng váng, mơ màng giữa mộng và thực. Tôi hất tung cái mền đắp chân như thể xua đuổi một con chó già nằm ngủ trên chân tôi. mùi mốc của cái gối làm tôi nghẹt thở. Nằm yên không cựa quậy, tê mê, tôi cảm thấy mồ hôi toát ra và chảy dọc lưng tôi, nỗi niềm cô đơn hành hạ tôi như một cơn đau dai dẳng.
Tôi chờ đợi bình minh và trong ánh sáng vừa ló dạng, tôi mặc áo quần, tôi ngồi trên mép giường và vào khoảng bảy giờ, tôi xách cái va li nhỏ bằng các tông cứng của tôi. Tôi rời khỏi nhà và đóng cửa lại cẩn thận. Tôi đi tới cái chuồng của Ondine. Nó ngủ trên ổ rơm của nó. Tôi đánh thức nó dậy. Nó xù lông và muốn bảo vệ những quả trứng vô hình của nó, nó ấp. Tôi đuổi nó ra khỏi chuồng, nhưng nó không hiểu gì cả và cứ đi được năm bước là nằm xuống và kêu cục tác cục tác. Tôi thì thầm:
- Mày ngu lắm, bà ta sẽ giết mày nếu mày ở lại đây…
Nhưng Ondine, với một bản năng muốn làm mẹ bền vững, lại nằm xuống, nó muốn ấp trứng. Tôi bắt nó. Gần nhà ga, trong một con đường nhỏ, tôi đã có thấy nhiều lần một bà già làm vệ sinh cái lồng nuôi chim yến của bà nơi cửa sổ. Chắc chắn bà sẽ không roti con chim của bà khi nó không hót nữa. Tôi ôm Ondine và bước nhanh, tôi để nó trước cửa ra vào của bà già.
Nửa giờ sau, tôi đáp xe lửa đi Paris.