Một lát sau, chúng tôi đã ở ngoài đường. Phải đi ngay lập tức theo một hướng nào đó, làm như thể chúng tôi đang đi đường. Những kẻ lang thang sẽ bị nghi ngờ và nếu người ta hỏi chúng tôi đi đâu, mọi sự sẽ hỏng bét. Thế là chúng tôi vội vã đi một cách mạnh dạn, như thể sợ đến trễ nơi người ta đang chờ chúng tôi.
- Chúng ta đi đâu? – Tôi vừa hổn hển vừa hỏi bố tôi.
Không khí lạnh lẽo mà tôi hít vào sắc như một lưỡi dao.
- Có thể còn có một cơ may – bố tôi nói – Nhưng điều đó không thành công, chúng ta không còn giải pháp nào khác ngoài việc lại đáp một chuyến tàu và ở trên đó cho đến tối mai. Không thể đến khách sạn và cũng không thể ở trong phòng đợi của nhà ga, cảnh sát thường đến khám xét những nơi ấy.
Chúng tôi đi theo những con đường lạ hoắc và cuối cùng đến trước một nhà thờ. Bố tôi bước lên tam cấp, chúng tôi bước lên theo. Cửa không khoá. Chúng tôi đẩy cửa bước vào. Trong bóng tối dày đặc, ngọn đèn chong đêm toả ánh sáng leo lét trước bàn thờ mờ ảo. Kiệt sức, mẹ tôi và tôi, chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Còn bố tôi, ông biến mất. chúng tôi phải ngồi đây cho đến sáng sao? Và sau đó chúng tôi sẽ làm gì, suốt cả ngày? Chúng tôi không thể ở mười bốn giờ trong một nhà thờ. Bây giờ tôi phải câu nguyện nhưng tôi không còn đủ sức nữa. Tôi lạnh, tôi đói, tôi buồn ngủ.
Bố tôi trở lại và sờ vào vai chúng tôi. Ông nói nhỏ:
- Hãy đi theo tôi.
Chúng tôi đi dọc theo lối đi giữa của giáo đường để vào trong phòng mặc áo lễ và chỗ để đồ thánh. Trong phòng tối om, nhưng tia sáng lọt qua kẽ hở của một cánh cửa cho chúng tôi thấy có một linh mục đứng trước mặt chúng tôi. Người bắt tay chúng tôi và bảo chúng tôi đi theo người. Người hạ thấp giọng nói với chúng tôi:
- Các con hãy thận trọng và đi lom khom cúi xuống sát đất khi các con ở trong gian phòng sắp đến. Cửa sổ không có màn và, ngoài đường, có một ngọn đèn đường chiếu sáng cửa sổ ấy. Ngôi nhà ở phía trước mặt là một đồn cảnh sát và các người cảnh sát có thể thấy tất cả những gì xảy ra trong phòng ấy. Nếu chúng ta treo một bức màn, điều đó sè gợi sự tò mò của họ.
Tôi muốn thấy nét mặt của vị linh mục ấy để biết mức độ nhân ái và sợ hãi của người, nhưng không thấy rõ được mặt người. Người mở cửa cho chúng tôi và chúng tôi đi vào bên trong phòng, cong lưng cúi xuống sát đất. Ngọn đèn ngoài đường đu đưa trong gió và bóng của nó giao động trên tường. Chúng tôi ngồi bệt xuống đất.
Bố tôi nói:
- Chúng ta có thể ở đây cho tới tối mai.
- Làm sao ông có thể sắp xếp được việc này?
Nhưng bố tôi không trả lời.
Tôi nói:
- Có thể cởi áo ra không?
- Chỉ cởi áo măng tô mà thôi, nghe con – bố tôi dặn.
Không bao giờ tôi tưởng tượng ngồi bệt dưới đất mà cởi áo măng tô lại khó khăn đến thế. Chúng tôi giúp nhau được chừng nào hay chừng nấy. Bố tôi già rồi và huyết áp cao, nhưng ông không phàn nàn. Bên ngoài, gió thổi càng lúc càng mạnh thêm. Dòng tia sáng của cây đèn lồng kính ngoài đường chiếu vào trên tường ở phía trước mặt, đến tận trân nhà, ở đó nó biến mất nhanh như chớp, rồi một chốc lát sau mọi sự bắt đầu lại như trước. Tôi chóng mặt như thể ngồi trên một chiếc tàu thuỷ. Tôi nhắm mắt lại, nhưng ánh sáng ấy vẫn làm cho tôi khó chịu. Tôi có cảm giác đang say sóng. Áo quần đầm đìa mồ hôi làm cho tôi nghẹt thở và nỗi khó chịu và uể oải ấy lôi cuốn tôi vào trong thế giới ác mộng. Tôi muốn mở mắt ra, nhưng cái tia ánh sáng giao động ấy làm cho tôi tê liệt. Trong cơn quay cuồng lo sợ và tê mê ấy, tôi thấy hiện ra một cái miệng mà môi miệng cong như vòng cung. Cái miệng ấy là của ai thế, khi nào và ở đâu tôi đã thấy và để ý đến nó, bây giờ tôi lại thấy nó? Nó mỉm cười và nói với tôi, nhưng tôi không nghe được nó nói gì.
Cái đêm cực hình ấy tiếp diễn. Có lúc tôi thấy chúng tôi vượt qua biên giới, nhưng ánh sáng giao động của ngọn đèn đường lại kéo tôi trở lại với thực tế. Hai giờ sáng. Bố mẹ tôi ngủ. Cái miệng ấy là của ai thế? Tôi lại ngủ thiếp đi. Tôi chạy trên một con đường tối thui. Một người chết chạy tới gặp tôi, một trong những người nằm chết trước nhà chúng tôi ở Budapest. Người ấy ra dấu cho tôi và mỉm cười với tôi "Chúng tôi đã ăn cắp chiếc nhẫn đính hôn của tôi đeo nơi ngón tay – người ấy nói với tôi, với vẻ vui mừng – Tôi đi đòi người ăn cắp phải trả lại nó cho tôi. Chắc chắn lão ta cũng sẽ trả lại cho tôi cánh tay của tôi."
Và tôi chợt thấy người ấy không có cánh tay. Một bông hoa trổ ra nơi vết thương của ông ta và càng lúc nó càng lớn lên để rồi che khuất hết khuôn mặt của người chết. cuối cùng rồi bình minh cũng ló dạng. Chúng tôi đã lấy lại được sức lực, giống như trên bãi chiến trường, người bị thương vừa được bình minh làm cho tỉnh lại và đang bò lết tới một ngôi làng.
Chúng tôi đã rời khỏi gian phòng ông cha xứ như thế đó.
Trong hành lang, chúng tôi mới dám đứng lên, vào một góc để đi vệ sinh và rửa ráy qua loa. Luôn luôn chúng tôi phải mặc áo quần trên người. Một lát sau chúng tôi lại ngồi bệt dưới đất trong gian phòng mà chúng tôi đã ngủ qua đêm, một linh mục già, nét mặt điềm nhiên mang cà phê đến cho chúng tôi. Người để các ly cà phê xuống đất như thể điều đó là chuyện bình thường. Người không nói gì hết và hành động như thể không nhìn thấy chúng tôi.
Thời gian trôi qua một cách chậm chạp kinh khủng. Miễn là tối nay không có trăng. Bây giờ trời đang mưa và lạnh.
Những giờ phút dài đằng đẵng ngồi bó gối bất động, rồi cuối cùng màn đêm lại rũ xuống. Ánh sáng giao động của ngọn đèn đường lại bắt đầu. Sáu giờ. Sau một thời gian chờ đợi vô tận, cuối cùng đã tám giờ. Tôi nép mặt vào hai bàn tay để che mắt tránh ánh sáng. Tôi có cảm giác như trán tôi tựa vào một bàn tay lạ. Cảm giác ấy không mới mẻ gì đối với tôi, nhưng bàn tay ấy là của ai và nó đã vuốt ve mơn trớn mặt tôi lúc nào?
Chín giờ, chúng tôi bò ra khỏi gian phòng. Vị linh mục già đứng trong bóng tối mờ, ra dấu vĩnh biệt chúng tôi. Từ phòng kho đồ lễ, chúng tôi bước vào giáo đường. Ngọn đèn trên bàn thờ toả một thứ ánh sáng lờ mờ trước mắt tôi.
Chúng tôi được trả lại cho đêm tối. chúng tôi vội vã đi tới nhà người đưa đường. Giữa đường, thỉnh thoảng chúng tôi nhìn trời. Những đám mây dày đặc giăng giăng, thấp đến nỗi người ta có cảm giác có thể sờ được chúng.
Đến nhà người đưa đường, bố tôi vừa gõ tiếng đầu tiên thì cửa đã mở ra liền. Lần này, hai vợ chồng người đưa đường có vẻ dễ chịu hơn. Bà vợ hâm rượu để mời chúng tôi.
Ngạc nhiên, bố tôi hỏi:
- Uống rượu? Bây giờ sao?
- Tôi đãi rượu tất cả mọi người trước khi lên đường – người đưa đường mỉm cười đáp – nó làm cho chúng ta tăng thêm sức mạnh, lên tinh thần. Tôi không thể làm gì được với những người sợ sệt. Mà đói bụNgười thì tất cả mọi người đều sợ, ngay cả tôi. Vậy chúng ta hãy uống, uống đi.
Ông ta uống cạn một ly rượu lớn đang bốc hơi. Tôi đưa ly của tôi lên miệng và nếm thử thứ nước ấy. Nó cay cay và âm ấm. Tuy nhiên nó kích thích khẩu vị, tôi uống cạn ly một cách thèm thuồng và cương quyết. Nó làm cho chúng tôi phấn khởi lên, như thể người ta đã truyền huyết thanh cho chúng tôi.
Tôi nói với bố tôi:
- Con đã uống hết.
Tôi cười toe toét. Tôi có cảm giác miệng tôi mở rộng quá cỡ sang tận mang tai và không bao giờ có thể trở lại nghiêm trang được nữa.
Bố tôi nói:
- Con giỏi lắm! – ông cũng lên tinh thần như tôi rồi với một phong thái ung dung, ông chỉ ra cửa – bây giờ chúng ta có thể lên đường được chưa?
Người đưa đường uống thêm rượu.
Mẹ tôi nói:
- Ôi! Quá nhiều rồi, uống quá nhiều rồi. Nếu ông uống thêm nữa, ông sẽ lạc đường mất.
- Và nếu ông ấy lạc đường, điều gì sẽ xảy ra? – tôi nói rồi cười toe toét. Tôi muốn khóc, nhưng tôi lại càng cười to hơn.
Người đưa đường đột ngột nói:
- Thôi, chúng ta đi – ông ta vừa nói vừa choàng chiếc áo măng tô vào người. Ông ôm hôn vợ ông rồi căn dặn chúng tôi:
- Không bao giờ đi hàng ngang, người này bên cạnh người kia. luôn luôn đi hàng dọc , người đi sau cách người đi trước một chút, như thể không phải chúng ta đi chung với nhau. Nếu tôi ngừng lại, các người cũng ngừng lại. Nếu tôi nằm sấp xuống sát đất, các người cũng phải làm như thế. Nếu tôi chạy, các người cũng phải chạy.
Bố tôi ngắt lời ông ta một cách chất phác:
- Ông bạn của tôi ơi, tôi sáu mươi tuổi rồi, làm sao chạy theo ông nổi.
Người đưa đường đột ngột trở lại lạnh lùng:
- Bất luận bao nhiêu tuổi, chạy để cứu lấy cái mạng sống của mình thì cũng phải chạy – ông ta nói – Hãy lên đường thôi.
Chúng tôi đi ra trong đêm tối. Người đưa đường đi đầu, mẹ tôi đi tiếp sau, rồi đến tôi. Bố tôi sau chót. Chúng tôi đi cách nhau từ sáu đến tám bước. Lúc ấy là mười giờ kém mười lăm, đường vắng tanh. Tiếng bước chân chúng tôi vang dội như thể đang đi dưới một cái vòm tò vò. Chẳng mấy chốc, chúng tôi ra khỏi thành phố và đi vào những ruộng nho. Nho được chăm sóc rất tốt, nhưng rất khó đi trong đó. Đất gập gềnh và trơn trượt. Trời lại tối thui. Người đưa đường đi nhanh và tất nhiên chúng tôi cũng phải đi nhanh theo. Bố tôi vấp và kêu lên một tiếng. Người đưa đường càu nhàu:
- Im ngay!
Trời tối, bố tôi bước đi một cách khó khăn, ông vấp váp và trượt chân luôn, nhưng không dám kêu. Tôi muốn dìu ông, nhưng trong ruộng nho, người ta chỉ có thể nối đuôi nhau mà đi. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được dưới chân một ngọn đồi. Một con suối chảy trước mặt chúng tôi và trời bắt đầu mưa trở lại. Mưa che chở chúng tôi, vì nó làm cho tầm nhìn yếu đi rất nhiều. Lính biên phòng cũng như cả chúng tôi.
Tác dụng của rượu trong người tôi đã hết. Tôi nhìn hai chân tôi và tôi nghe tiếng kéo lết của những bước chân mình. Tôi không biết tôi sợ hay không. Cái giai đoạn ấy làm tôi sửng sốt, tôi không theo kịp các biến chuyển đang tràn ngập người tôi và tôi cảm thấy lâng lâng như đã ra ngoài giới hạn nhận thức của con người. Tôi tiếp tục bước đi.
Đột ngột người đưa đường dừng lại và đưa tay ra dấu cho chúng tôi ngồi xuống. Thở hổn hển, chúng tôi ngồi bệt xuống trên cỏ ướt. Thật là thoải mái được ngồi nghỉ một chút! Tôi nhìn đồng hồ dạ quang của tôi: mười một giờ.
Lẽ nào chúng ta đã đi được một giờ rưỡi đồng hồ rồi? Mồ hôi bắt đầu lạnh trên lưng tôi. Tôi khát nước.
Người đưa đường lom khom đi đến gần chúng tôi. Ông nói nhỏ:
- Tôi không biết chúng đã đi qua chưa – rồi ông nói thêm – Tôi sợ.
Hãi hùng và bực mình khi nghe ông ta nói như thế. Ông ta mà sợ, thì thử hỏi chúng tôi, chúng tôi còn sợ đến mức nào? Chúng tôi nằm dài xuống cỏ ướt. Không xa chúng tôi bao nhiêu là con đường lớn. con đường đá ấy rõ ràng và nhẵn nhụi trong đêm tối. Chúng tôi vô cùng lo sợ khi biết rằng chúng tôi sẽ phải băng qua con đường rộng và nhẵn nhụi ấy. Chúng tôi còn phải đợi như thế này trong bao lâu nữa? một tiếng còi xa xa xé tan tĩnh mịch. Vài phút sau, một chiếc xe chạy qua. Người đưa đường đứng lên và nói:
- Bọn chúng đi rồi. chúng ta có thể thử đi qua.
- Có phải con đường ấy là biên giới không? – tôi hỏi ông ta.
- Không phải. Biên giới còn xa – ông ta đáp.
Đây là biên giới? Biên giới như thế nào? Chúng tôi tới bờ đường. Mặt đường đúc bê tông trải rộng ra trước mắt chúng tôi như thể có một bàn tay vô hình nới rộng nó ra.
Người đưa đường ra lệnh.
- Chạy mau lên!
Bố mẹ tôi băng qua con đường lớn như thể đó là sân trượt tuyết. Hai ông bà muốn chạy, nhưng cứ lảo đảo và vấp váp. Chúng tôi đã ở giữa đường. Một sức mạnh bên trong người thúc đẩy tôi chạy, nhưng tôi phải theo tốc độ của bố mẹ tôi. Người hướng dẫn đã ở phía bên kia đường từ lâu rồi. Ông ta hoa chân múa tay và càu nhàu nguyền rủa.
- Hú hồn! Sao mà chậm thế? – ông ta nói khi chúng tôi tới nơi – Bây giờ có một khoảng rừng trống không cây, rồi mới tới rừng già.
Con đường lớn trải dài phía sau chúng tôi như một giải băng ngăn tuyến. Chúng tôi chạy băng qua khoảng rừng trống và cuối cùng đã đến được chỗ có cây. Tôi tựa người vào thân cây ướt đầu tiên và thở dốc.
Người đưa đường không ngớt càu nhàu:
- Đây là chuyến chót mà tôi đi với những ông bà già. Thật chậm chạp như rùa!
Chúng tôi tiếp tục đi, lá khô ngập đến tận mắt cá. Trời tối om, thỉnh thoảng một cành cây ướt chạm qua mặt tôi. Và tôi bỗng nhớ lại cái miệng và bàn tay mà tôi thường thấy trong các giấc mơ là của ai.
Của Pista. Tôi thấy lại anh ấy khi, một hôm, anh đã nói với tôi một điều gì đó, gần một bên ngọn đèn mỡ. Tôi không còn nhớ những gì anh ấy đã nói với tôi, nhưng tôi thấy lại cái miệng và hai hàm răng trắng muốt của anh. Và bàn tay cũng của anh, cái bàn tay đã giúp tôi đi qua tấm ván bên trên người chết trôi. Chính ở tại đó, anh ấy đã vuốt ve mái tóc tôi. Và bây giờ tôi mới nhận thức được điều đó. Đúng, bây giờ, anh ấy đang ở bên tôi. Anh nắm bàn tay tôi, dẫn tôi đi.
Người đưa đường nói thật khẽ:
- Nằm xuống! Nằm xuống ngay lập tức!
Chúng tôi nằm dài trong lá khô ẩm ướt, nhưng bây giờ tôi không còn cảm thấy bị bỏ mặc. Có Pista ở đây để giúp tôi vượt qua những khó khăn trở ngại cuối cùng này. Người đưa đường ra lệnh cho chúng tôi tiếp tục đi. Tôi chỉ nghe giọng nói hách dịch của ông ta, tôi chỉ biết tôi đang tiếp xúc với đất mùn ẩm ướt và không thấy gì cả, vì trời tối. Bố mẹ tôi thở hổn hển. Chúng tôi đi. Chúng tôi phải ráng sức đi nhanh một cách rất mệt nhọc và tôi cảm thấy không còn đủ sức để liếc nhìn đồng hồ nữa.
Rừng đã trở lại thưa dần, người đưa đường càng lúc càng lo âu và cay nghiệt.
- Rồi các người sè phải trả thêm tiền cho tôi đấy. Với các người già cả như các người, tôi sẽ đòi thêm tiền thôi.
- Ông sẽ có tất cả những gì ông muốn, nhưng hãy đưa chúng tôi vượt qua biên giới – bố tôi nói và tôi nghe tiếng của ông như thể ông đang ở rất xa xôi. Tuy nhiên, ông chỉ cách tôi có hai bước.
Lại một khoảng trống không có cây và đột ngột mặt trăng bắt đầu sáng lên vằng vặc một cách lạ lùng. Người đưa đường lại nguyền rủa. nhưng tôi không còn để ý đến điều ấy nữa. Tôi đoán mồ hôi như tắm, tóc tai, quần áo tôi ướt dầm dề.
Cảnh vật trông sáng sủa hẳn ra dưới ánh trăng. Người đưa đường càu nhàu:
- Đây là biên giới, mà cái mặt trăng quỷ sứ ấy lại sáng rực! chúng ta hãy chạy, các người hãy chạy, mệt lử cũng phải chạy.
Vì sao tôi đã luôn luôn tưởng rằng một biên giới tất nhiên nhiên phải là một chướng ngại vật hữu hình? Một barriere, một bức tường như những bức tường xây dọc theo một số con đường núi. Và bây giờ, trong lúc tôi rágn hết sức để chạy, tôi ngạc nhiên thấy biên giới chỉ là cỏ đen và ánh trăng thanh. Tôi chạy, như tắm trong ánh trăng, và nơi mà nó sáng tỏ hơn hết, nơi mà bàn tay tôi, tóc tai tôi và trái tim tôi sáng tỏ hơn hết, chính nơi đó là biên giới.
Hết khoảng trống, ánh sáng đột ngột nhường chỗ cho bóng tối. và tôi nghe tiếng của người đưa đường bây giờ đã bớt căng thẳng:
- Các người có thể ngồi xuống được rồi. Chúng ta đã ở trong "vùng không có người".
Tôi gục đầu xuống bên cạnh bố mẹ tôi. Tôi áp một bên má vào đất, vào mảnh đất vô chủ và bây giờ là đất của tôi.
Mới nghỉ được một chút, người đưa đường đã giục:
- Chúng ta hãy đi tiếp thôi.
Chúng tôi đạp lên đất nước Áo. Nhưng cái nhà ga mà chúng tôi phải đến còn xa. Mẹ tôi cởi giày ra và bó chân với khăn phu la mà bà vừa xé làm hai miếng. Bố sẽ tiếp tục đi như thế đó. Bố tôi bước đi lảo đảo, tuy nhiên lòng can đảm của ông không hề bị lay chuyển.
Tảng sáng chúng tôi đi đến một nhà ga nhỏ. Những bà bán rau quả rong và những ông mặc quần cụt bằng da đang ở trong phòng đợi. họ nói một thứ tiếng tôi không hiểu. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi ở nước ngoài. Nếu tôi nói, chắc họ sẽ nhìn tôi với sự ngạc nhiên. Người đưa đường đi đâu một lát với bố tôi rồi khi trở lại, ông ta bắt tay chúng tôi:
- Các người gặp may mắn. bây giờ các người đã được bình an vô sự. Chuyến tàu sẽ đưa các người đến Vienne khởi hành trong mười lăm phút nữa.
Và nói xong lời từ biệt ấy, ông ta biến mất trong đám đông.
Mẹ tôi mang giày lại và tôi, tôi thèm uống một ly cà phê nóng, thèm không thể tả.
Bố tôi nói:
- Tôi đã mua nơi ông ấy hai ngàn Schillings. Ông ấy đã để lại với giá thị trường và đã mua vé cho chúng ta đi Vienne. Thật là một con người trung hậu!
Tôi hỏi:
- với hai ngàn Schillings ấy, chúng ta có thể đủ sống trong bao lâu?
Bố tôi suy nghĩ một lát:
- Chừng hai tháng.
- Và sau đó, chúng ta sẽ ra sao?
- Sau đó, phải bắt đầu làm lại cuộc đời…
Phòng đợi càng lúc càng náo nhiệt. Các bà bán rau quả rong chất hàng lên những cái giỏ to và vội vàng đi ra sân ga. Tay chân chúng tôi tê cóng, chúng tôi lê bước với sự nỗ lực của người bị đắm thuyền, gần ngất đi nhưng còn chống chọi với sóng gió và đã bơi tới đất liền nhưng kiệt sức.
Ngồi trên những cái ghế nhỏ dài, chúng tôi ngủ gà ngủ gật. một người soát vé đóng dấu vào vé của chúng tôi một cách thờ ơ. Phía trước tôi, một người đàn ông đốt thuốc hút ống điếu một cách trịnh trọng. Mùi thuốc rẻ tiền làm cho tôi buồn nôn. Trời lại mưa. Cảnh vật tiêu điều, bầu trời u ám, những đổ nát hoang tàn luôn luôn là những đổ nát hoang tàn diễn qua trước mắt tôi. Tôi có cảm tưởng mình ở trong chuyến tàu này từ nhiều năm rồi, như thể định mệnh đã đóng đinh tôi vào cái ghế gỗ cứng này và bắt tôi phải đi không ngừng ở giữa những đổ nát hoang tàn, giữa những con người im lặng. Tôi đã tưởng ở bên kia biên giới, ở bên kia nước Hungari, trong những đất nước mà người ta gọi là Tây phương, bầu trời sẽ xanh ngắt và người người được sung sướng. Họ sẽ vây quanh chúng tôi vui mừng và nụ cười đón tiếp của họ sẽ làm cho chúng tôi quên đi quá khứ. Nhưng, trong chuyến tàu này, không có ai mỉm cười với tôi và khói thuốc càng lúc càng dày đặc hơn và rất khó chịu.
Chúng tôi đến gần thành phố Vienne. Tôi nhìn ra ngoài một cách khao khát. Trái tim đập nhanh. Đã biết bao lần, bố mẹ nói với tôi về thành phố tiên cảnh này, một thành phố luôn luôn vui tươi hớn hở.
Tàu ngừng lại ở giữa những đống đổ nát. Đây chắc là nhà ga, vì tất cả mọi người đều đi xuống. Chúng tôi cũng xuống. Nước mưa chảy dọc theo các bức tường cháy đen. Chỉ trong vài giây, chúng tôi ướt dầm dề. Đám đông lôi cuốn chúng tôi ra cửa, áo măng tô của tôi càng lúc càng nặng và tôi muốn xé toang những áo quần mà tôi đã phải mặc, không thể cởi ra từ ba ngày rồi. Bỗng tôi cảm thấy các kim băng mà tôi đã gài để thâu ngắn chiếc áo ngủ mặc trong bị bung ra. Tôi đứng giữa mưa, nước mưa từ mặt chảy xuống áo măng tô, ngắn hơn cái áo ngủ bằng lụa mà tôi mặc bên trong. Màu áo xanh tươi của chiếc aó ngủ dài phết đất ấy và màu xám của chiếc áo khoác tương phản đến nỗi nó bắt đầu làm cho người ta để ý. Họ đứng lại ngắm nghía tôi mà chẳng mỉm miệng cười.
Xấu hổ quá, tôi vừa khóc vừa lao mình tới một cái lều bằng ván gần đó. Cái áo ngủ làm tôi vướng chân, dính vào mặt cá, nước bùn lọt vào giày và bắn vào cái áo tơi. Đến được chỗ núp rồi, tôi phải đợi cho hai bàn tay hết run. Mới đầu muốn xé bớt phần vải lộ ra ngoài một cách dị hợm ấy, nhưng vải bền quá. Nó mạnh hơn tôi. Tôi đành phải mày mò mãi mới thâu ngắn nó lại được với các kim băng cũ. cuối cùng tôi cũng trở lại với bố mẹ tôi và chúng tôi rời khỏi nhà ga. Mưa giăng giăng đầy trời, chúng tôi chẳng thấy rõ đường xá gì cả.
Chúng tôi cứ đi liều đến đâu hay đến đó. Cũng may là chúng tôi đi đến trước cửa một tiệm cà phê. Chúng tôi vào trong đó. Người bồi bàn liếc nhìn chúng tôi một cái rồi tiếp tục nói chuyện với một người khách. Tại một cái bàn khác, một cặp vợ chồng đang uống cà phê. Thỉnh thoảng người chồng mới nói vài tiếng, người vợ chẳng bao giờ trả lời.
Chúng tôi ngồi xuống. Người bồi bàn tới gần và đưa khăn lau sơ cái mặt bàn.
Bố tôi nói bằng tiếng Đức
- Ba ly cà phê và một ít thức ăn.
Chúng tôi mệt mỏi đến nỗi chẳng còn biết nói gì với nhau. Ngồi bất động, chúng tôi nhìn ra đường, trời đang mưa to gió lớn. một bà già mập phệ xô cửa bước vào, ôm trongtay một con chó chân lùn dài tai. Điều đó làm cho tôi nhớ lại con chó của tôi. Có thể nó còn chạy theo con tàu một cách tuyệt vọng và tin cậy vào lòng thuỷ chung của con người.
Người bồi bàn mang đến cho chúng tôi cà phê và ba lát bánh mì màu xám. Tôi cúi xuống trên ly cà phê của mình và nhắm mắt lại. Tôi uống. Tuy chẳng có mùi vị gì là cà phê hảo hạng nhưng nó nóng hổi và sưởi ấm cả thể xác lẫn tâm hồn. ngoài đường mưa gió đã dịu bớt. Tôi ăn ngấu nghiến một lát bánh mì. Lúc ấy, tôi chợt nhìn thấy tôi trong một tấm gương ở trước mặt và tôi thấy tôi mỉm cười.
Bố tôi nói thì thầm:
- Chúng ta đã thành công.
Ông bảo bồi bàn tính tiền và rút trong xấp tiền ra một tờ trăm Schillings để lên bàn. Tên bồi bàn đến gần ngắm nghía nhưng không đụng đến tờ giấy. rồi anh ta nói:
- nó mất giá trị rồi. Số tiền mà ông có trong tay nó đã hết hạn lưu hành từ hơn một năm nay rồi, nó không còn giá trị gì nữa.
trái tim tôi đập mạnh đến nỗi mỗi tiếng đập làm cho tôi đau nhói như bị một nhát dao đâm vào. Mẹ tôi khiếp sợ, bố tôi xanh mặt. chúng tôi nhìn sững các tờ giấy bạc để trên bàn.
Người bồi bàn liền có thái độ hằn học:
- Các người không có gì khác để trả tiền ăn sao?
Người đàn ông ở cái bàn bên cạnh đặt tờ báo xuống và chống tay quan sát cảnh tượng ấy. Cặp vợ chồng im lặng kia cũng quay lui nhìn. Bà già có con chó lùn cũng quan sát chúng tôi.
Mẹ tôi cởi chiếc nhẫn duy nhất còn lại của bà, chiếc nhẫn bà không bao giờ cởi ra, chiếc nhẫn mà bà đã đeo từ ngày đám cưới. Từ chiếc nhẫn hột xoàn chiếu ra một tia sáng màu xanh lấp lánh, như một tiếng kêu cấp cứu.
Mẹ tôi đưa chiếc nhẫn cho tên bồi bàn:
- Đây, để trả tiền cà phê. Chúng tôi không biết tiền của chúng tôi đã hết giá trị.
Tên bồi bàn cầm chiếc nhẫn với vẻ hoài nghi:
- phải đồ giả không?
nhưng viên kim cương lóng lánh đến nỗi đã thuyết phục được anh ta.
Tôi năn nỉ mẹ tôi bằng tiếng Hungari:
- Mẹ ơi, đừng cho anh ta chiếc nhẫn ấy!
Bố tôi liền nói:
- Bắt buộc phải đưa thôi, con ạ. Chỉ Chúa mới biết điều gì đang chờ đợi chúng ta nếu anh ta sinh chuyện lôi thôi. Chúng ta vừa mới tới đây một cách bất hợp pháp và chúng ta không có giấy tờ hợp lệ.
Mẹ tôi nói với người bồi bàn:
- Chúng tôi sẽ đến chuộc lại chiếc nhẫn này.
Anh bồi bàn lắc đầu và người ta thấy rõ anh ta đã quyết định sẽ không bao giờ nhận có quen biết chúng tôi và sẽ chối phăng tất cả mọi sự.
Anh ta cầm chiếc nhẫn với vẻ suy nghĩ, thảy lên thảy xuống trong tay và đút vào túi.
Vừa dọn dẹp ly dĩa, anh ta vừa nói với chúng tôi:
- Các người vừa mới tới đây, không phải thế sao?
Rồi anh ta rút lui vào phía sau gian phòng.
Lo âu, tôi hỏi:
- Và bây giờ?
Bố mẹ tôi im lặng. Năm phút ấy đã làm bố mẹ tôi già đi nhiều tuổi.
Một nỗi tuyệt vọng kinh khủng xâm chiếm lấy tôi. Tôi muốn khóc nấc lên, nhưng mắt tôi ráo hoảnh.
Và tôi tự hỏi, tận đáy lòng của bản thân tôi, không biết rồi đây có một ngày cuộc đời sẽ thương hại tôi và sẽ đồng ý cho tôi có một cuộc sống riêng của mình hay không.