Lại nói nhà Thanh trải qua loạn Quyền phỉ, rồi Bát quốc Liên quân dày xéo Bắc Kinh, thêm vào đấy những bồi khoản về chiến phí, từ đó về sau xem ra nhụt hẳn nhuệ khí, mất hãn bộ mặt kiêu bạc như trước. Nhưng ở đời, phần nhiều cứ đến hồi đốn mạt, thì việc trước chưa qua, việc sau đã tiếp.
Thực tế, những miền như Hà Nam, Quảng Đông, các đảng cách mạng đang nổi lên như nấm chống lại nhà Thanh. Những đảng cách mạng đó có từ đâu vậy? Ngay từ khi Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu cùng vua Thanh thi hành tân chính thì những đảng này đã được phát động rồi.
Tại Quảng Đông, hồi đó có một tổ chức gọi là Hưng Trung hội, vị thủ lĩnh tên là Tôn Văn, tự là Dật Tiên. Văn người huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông, tất nghiệp trường Trung Tây Y học hiệu. Văn cũng đã từng là giáo sĩ đạo Thiên Chúa.
Như thế Văn vừa là y sĩ vừa là giáo sĩ. Về sau, Văn chuyên dùng nghề thuốc Tây chữa bệnh, đến đâu Văn cũng tuyên truyền cách mạng. Người tin theo Văn hồi đó đông lắm. Ấy cũng vì vậy nên triều đình nhà Thanh mới được mật báo, và từ đó theo dõi hành động của Văn.
Tổ chức thành Trung Hưng hội, Tôn Văn thấy hội viên của hội mình càng ngày càng đông. Bọn mật thám nhà Thanh ở Quảng Đông cũng được lệnh theo dõi Văn, và cuối cùng bắt Văn, bảo Văn kết hội lập đảng, giải tới nha môn của Tổng đốc Lưỡng Quảng.
Tổng đốc Lưỡng Quảng lúc đó là Lý Hông Chương. Chương thấy Văn ăn nói hoạt bát, biện luận khéo léo, nhìn người lại ra vẻ phẩm cách xuất chứng, tự nhiên phát sinh lòng mến.
Chương tự nghĩ một nhân tài như vậy, Trung Quốc đâu phải dễ có, hơn nữa bảo rằng Văn mưu phản chống lại triều đình thì chứng cứ chẳng có để kết tội. Thế là Chương thừa lúc công chuyện chưa đâu vào đâu liền phóng thích để Văn chạy thẳng một mạch, mất hút.
Sau khi thoát ngục, Tôn Văn tuyên truyền cách mạng càng hăng. Thêm một chuyện nữa là Lý Hồng Chương chẳng bao lâu lại được lệnh điều động về kinh để đứng ra nghị hoà với nước Đức, viên Tổng đốc kế nhiệm là Đàm Chung Lân. Nhân thấy Tổng đốc mới đáo nhiệm chưa am tường mọi việc, Tôn Văn bèn mưu việc khởi sự với bọn Trịnh Bật Thần, Lục Hạo Đông, Hoàng Bân Lệ, Chu Hạo Thanh, tính cướp chính quyền tỉnh Quảng Đông trước. Văn lại đánh điện cho bọn Đường Tài Thường ở Hồ Nam đợi tới giờ quyết định thì hưởng ứng.
Nhưng không ngờ chuyện bại lộ, Tổng đốc Lưỡng Quảng Đàm Chung Lân biết được mưu cơ của bọn Văn, đặt kế hoạch bắt trọn ổ bọn Lục Hạo Đông, đem ra pháp trường chém đầu ngay tức khắc.
Chuyện hỏng rồi, Tôn Văn hết thế đứng ở đây, nên chỉ còn cách tìm đường chạy sang Nhật Bản, nếu không thì rồi cũng bị thanh trừng như Lục Hạo Đông.
Đảng cách mạng đâu có chịu thua, đảng viên của Trung Hưng hội là Sử Kiên Như lập tức xách một trái tạc đạn ném vào giữa nha thự của Tổng đốc Lưỡng Quảng để báo thù và gây tiếng vang. Thực thế, tiếng vang cách mạng sau trái tạc đạn này càng ngày càng lan rộng đến khủng khiếp trong nội địa Trung Hoa, khiến nhưng người yêu nước lâu nay trùm chăn đều thức tỉnh.
Triều đình nhà Thanh lúc này đã biết rõ Tôn Văn là thủ lĩnh đảng cách mạng. Bởi thế, chuyện ném tạc đạn của Sử Kiên Như đều bị bọn vua nhà Thanh đổ lên đầu Văn. Biết Văn đã trốn ra hải ngoại, Thanh triều tức tốc đánh công điện cho công sứ Trung Quốc tại các nước ngoài, lưu ý lùng bắt.
Văn trốn sang Nhật Bản, Thanh triều biết được, liền chiếu hội Nhật Bản bắt giùm. Nhưng may cho Văn là khi ở Hoành Tân, Văn có quen một người Nhật tên là Cung Kỳ Dần Tàng, được ông này cho biết nếu không sớm chạy thì thế nào cũng bị bắt, chi bằng chạy sang Anh Quốc là hơn. Tôn Văn hoảng hốt tính cách chuồn khỏi Nhật Bản, nhưng khổ là tiền nong không có một đồng một cắc. Trong tình cảnh này, Văn nhận thấy có hoạt động cũng chẳng được, hơn nữa còn nguy đến tính mạng. Cung Kỳ Dần Tàng bèn giúp cho Văn mấy trăm bạc làm lộ phí để Văn lên đường sang Tây phương.
Tôn Văn miễn cưỡng ra đi, lên tàu thuỷ vượt Thái Bình Dương, thẳng nẻo Anh Quốc tiến phát. Ít lâu sau, Văn đã có mặt tại Luân Đôn, thủ đô sầm uất của Anh Quốc. Văn vội vàng tìm tới nhà y sĩ Kinh Lập Đức, nói rõ cho Đức biết lý do lưu vong của mình.
Tôn Văn và Kinh Lập Đức là hai bạn cũ quen nhau từ trước. Thấy tình cảnh Văn như vậy Đức liền dặn Văn phải cẩn thận:
- Thanh triều gửi điện đi khắp nơi truy nã ngươi rất gắt. Hiện nay, tại Anh Quốc, cũng có Trung Quốc sứ quán. Có thể bọn công sứ Trung Quốc tại đây đã nhận được lệnh của Thanh triều. Bởi thê, hễ khi nào ngươi muốn đi ra ngoài phố, nên báo cho ta biết một lời để ta sai người theo hộ vệ cho.
Tôn Văn gật đầu đồng ý, để tỏ lòng chiều theo ý kiến của Kinh Lập Đức đó thôi, chứ thực bụng Văn vẫn nghĩ rằng đâu có chuyện động trời đó. Văn cho rằng mình đã chạy ra hải ngoại, nhất là mãi Anh Quốc xa xôi này, dù Thanh triều có tìm cách truy lùng gắt gao đến đâu chăng nữa cũng chẳng thể biết được mà bắt. Lý luận kiểu đó, Tôn Văn bất cần những lời khuyên của Đức, đi ra ngoài, chẳng thèm báo cho Đức, cứ ngang nhiên xông xáo khắp nơi. Đã thế, Văn còn hay lảng vảng vào những nơi lưu trú học sinh Trung Quốc ở Anh, chẳng coi bọn công sứ Trung Quốc ra gì cả.
Thế rồi bỗng một hôm, có một người đồng hương tỉnh Quảng Đông tới mời Văn đi chơi. Văn chẳng nghi ngờ gì, liền đóng bộ vào đi ngay. Người đồng hương nọ dẫn Văn đi loanh quanh mấy phố, đến một toà nhà, mời Văn bước lên lầu. Khi lên tới trên lầu, quay lại nhìn không thấy người đồng hương nọ đâu, lúc đó Văn chột dạ đâm nghi. Văn vội đẩy cánh cửa sổ bên hông lầu, nhìn xuống dưới, bất giác hoảng hồn bạt vía, tóc gáy tự dưng dựng ngược cả lên.
Thì ra Tôn Văn nhìn thấy một cây Long kỳ (cờ có thêu con rồng biểu hiện cho Trung Quốc) đột nhiên kéo cao trên ngọn cột cờ, tung bay phấp phới trước gió. Văn vội quay vào trong, lớn tiếng gọi mấy tiếng; tức thì phía trong có một người đầy tớ chạy ra, trạc tuổi trung niên, vừa cười vừa hỏi chuyện gì Tôn Văn cất tiếng hỏi:
- Đây là nơi nào? Tại sao mời ta đến, lại giam cầm ta nơi đây như vậy?
Người đầy tớ nọ mỉm cười nói:
- Ngài tới đây đã một lúc rồi mà vẫn chưa biết gì sao? Nơi đây chính là tư gia của Củng công sứ Trung Quốc đấy. Sở dĩ có chuyện mời ngài tới đây là vì hoàng đế nhà Thanh muốn tìm ngài về nước để làm quan. Điện văn gửi tới tri chiếu cho ngài công sứ hiện có đây.
Nghe tên đầy tớ nói xong, Tôn Văn biết mình đã tự đưa cổ vào thòng lọng, tra chân vào cùm rồi, có lắp cánh vào lúc này cũng khó mà thoát nổi. Văn mặt tái xanh đi, bụng rối như tơ vò, suy đi nghĩ lại mãi mà vẫn không tìm ra một kế nào thoát thân. Văn nghĩ rằng chỉ còn có mỗi một cách gửi thư cho Kinh Lập Đức để nhờ Đức lập kế cứu mình, nhưng ai đem thư đi mới được chứ? Nghĩ quanh tính quẩn mãi một lúc, Văn đành quay về với anh chàng đầy tớ cất tiếng nói khó:
- Đã vào đây rồi, ta cũng chẳng tính đến chuyện ra làm gì Song ta có một người bạn, rất cần cho y biết tin ta. Vậy ngươi có vui lòng đi giúp ta đưa một bức thư không?
Lúc đầu, anh chàng đầy tớ nọ không chịu đi, nhưng sau nhiều lời ngon ngọt khéo léo của Văn, anh chàng nọ mới gật đầu ưng thuận, Văn được lời mừng quýnh lấy bút giấy viết vội mấy câu đưa cho anh đầy tớ nọ dặn đưa tới cho Kinh Lập Đức.
Tay cầm bức thư đưa cho anh chàng nọ, nhưng bụng vẫn sợ nửa đường hắn thay lòng đổi dạ, Văn bèn đem cái thuyết cứu người của Gia tô giáo ra thuyết cho anh chàng đầy tớ người Gia tô nọ nghe, mãi một lúc mới yên tâm để cho anh nọ ra đi.
Thực ra, Tôn Văn muốn làm yên lòng anh chàng đầy tớ nọ không phải chỉ có cái thuyết cứu người lúc cấp nạn của Gia tô giáo mà được. Văn còn phải cam kết một câu thật chắc, "Ngươi cứ can đảm mà đi. Nếu có xảy ra chuyện gì, ta sẽ nhờ người Anh can thiệp, khỏi phải lo tí nào".
Anh chàng đầy tớ nọ nghe được lời nói quyết này, lại thấy Văn không phải là một kẻ tầm thường, trong lòng cũng thấy tin tưởng sẽ không xảy ra việc gì liên luỵ đến y, bởi thế mới hăng hái ra đi cho Văn. Anh chàng giấu bức thư nguệch ngoạc mấy dòng của Văn vào trong túi áo rồi te te lên đường tới gặp y sĩ Kinh Lập Đức. Đức mở thư ra xem, hiểu rõ sự thật, giật mình hậm hực nói:
- Chết rồi! Mình đã dặn hắn rồi mà hắn văn không nghe. Thế là hắn đã tự đút cổ vào thòng lọng.
Kinh Lập Đức một mặt cho anh chàng đầy tớ nọ ra về, mặt khác chạy tới xúi anh chàng ký giả một tờ báo Anh đăng tải và chỉ trích tùm lum việc viên đại sứ Trung quốc ngang nhiên bắt người giữa nước Anh, không coi chính quyền Anh ra cái quái gì cả.
Chính phủ Anh được tin này, đời nào chịu bỏ qua, để cho người Tàu ngang tàng coi khinh luật pháp của nước mình. vội thảo ngay công văn chiếu hội sang cho sứ quán Trung Quốc, nói trắng rằng sứ quán Trung Quốc bắt người giữa nước Anh như thế làm tốn thương pháp quyền của nước Anh. Đã thế, chính phủ Anh còn giải thích thêm về Quốc tế công pháp và quyết rằng không một nước nào hiểu luật pháp mà lại đi làm việc vô luật pháp như vậy…
Sứ quán Trung Quốc thấy ngoại nhân đã can thiệp vào nội vụ, tự nhiên đâm ra ngán, chẳng dại gì mà trái luật, chỉ có nước thả Tôn Văn rồi ra nghiêng mình trước chính phủ Anh mà phân trần với những lời lẽ hết sức khiêm nhường lễ độ. Thế là công việc xong. Tôn Văn thoát được một tai nạn chết người.
Văn thoát thân rồi, tự lấy làm hối không theo lời bạn mình, mặt khác cũng không còn gan mật nào ở lại Anh Quốc. Ngay đêm hôm đó, Văn vội vàng cuốn gói khỏi nước Anh, lại quay về Nhật Bản, tìm một số đồng chí kỳ cựu hiện lấn trốn tại đây để bàn mưu tính kế hoạt động cách mạng.
Trong khi Tôn Văn thất bại bỏ trốn khỏi Trung Quốc, nhưng vẫn đeo theo sự nghiệp cách mạng, thì ở Quảng Đông, hội viên Dương Thiếu Bạch cùng một số đồng chí khác cũng nhất định không rời bỏ cái sự nghiệp của mình. Nhưng họ án binh bất động để chờ thời.
Đám cách mạng Quảng Đông thì chờ thời, nhưng những người ở Hồ Nam là nhóm Lý Tiếp Hoà, lại không chịu ngồi im. Họ cứ hoạt động, gây rất nhiều tổn thất cho Mãn Thanh, khiến tuần phủ Hồ Nam phải sai mật thám giăng lượn khắp nơi để lùng bắt.
Lý Tiếp Hoà thấy cơ nguy sắp tới, biết không tiếp tục hoạt động được nữa, vội chạy sang Mỹ.
Tôn Văn ở Nhật Bản được tin Trung Hưng hội của mình vẫn không bị tiêu diệt, bèn in một số lớn truyền đơn gửi về nước, tuyên truyền cách mạng, chiêu dụ thêm những thanh niên ưu tú vào hội.
Tin tức này truyền tới Bắc Kinh, bọn ngự sử người Mãn bèn dâng sớ tâu thái hậu, trong bản sớ có kèm theo cả tờ truyền đơn của Tôn Văn.
Tây thái hậu đọc một lượt bản sớ tâu lên, nhận thấy tờ truyền đơn của Tôn Văn, câu nào câu nấy đều nói về chính trị của nhà Thanh: nào là nội chính hủ bại, nào là dành riêng đại quyền cho người Mãn, nào là coi người Hán như nô lệ v.v… Những lời trình bày bên trong thật vô cùng thống thiết lâm ly. Hơn nữa tơ truyền đơn còn nêu rõ hết những tệ đoan, đập trúng vào tâm khảm của Tây thái hậu.
Tây thái hậu xem xong, suy nghĩ một chập, bất giác cả cười bảo bọn đại thần:
- Tên này hoạt động cách mạng lâu nay nhiều kẻ đã bị hắn mê hoặc tưởng chẳng phải là kẻ không tài. Đáng tiếc là hắn không chịu quy chính. Rồi đây mọi việc ngửa nghiêng cũng không ngoài con người này.
Lời nói này của Tây thái hậu tuy nhẹ nhàng, kín đáo nhưng xem ra cũng rất hợp với ý kiến chung của đám đại thần, ngự sử. Và cả bọn cũng đều coi đó như một ý chỉ của Thái hậu muốn đem ra thi hành.
Thế là qua ngày hôm sau, cả bọn dâng ngay lên Tay thái hậu một tờ sớ xin cho chiêu dụ Tôn Văn trở về với triều đình. Tây thái hậu đọc xong tờ sớ, không nói gì nhưng miệng lại cười ruồi làm cho bọn đại thần ngơ ngác không hiểu ra sao cả!
Thời giờ thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc mà cuộc đời đã tàn tạ. Thực thế, Vinh Lộc, viên đại thần cháu ngoại cưng nhất của Tây thái hậu đã chết. Bà được tin, triệu tập bọn đại thần lại để tìm cho Lộc một cái thuỵ hiệu, cả bọn nghĩ mãi mới ra được bốn chữ: "Khác cương chính trung" rồi trình lên. Tây thái hậu bèn cầm ngay châu bút khoanh tròn lấy chữ "Trung" ở dưới chót, do đó, thuỵ hiệu của Lộc là hai chữ "Văn Trung"…
Sau cái chết của Vinh Lộc, người ta lại thấy các chức vụ trong triều thay đổi suốt lượt. Lưỡng Hổ tổng đốc Trương Chi Động được điều về làm Thự Quân cơ đại thần, Na Đồng là Hiệp biện đại học sĩ. Ngoài ra, còn xuống chiếu cấm tục bó chân, thực hành việc thông hôn giữa hai dân tộc Mãn Hán (trai gái Mãn và Hán đều được phép lấy nhau).
Trong triều đình tuy có những cuộc tranh cãi như vậy, nhưng bên ngoài, bảy tỉnh an duy, bỗng sinh ra cuộc binh biến.
Hùng Thành Cơ hiệu triệu Dân đảng gây phong trào, dựng cờ khởi nghĩa, nhưng cuối cùng bị tiêu diệt. Binh biến vừa êm thì cuộc cách mạng phát sinh vào trung tuần tháng năm năm đó, đạo viên hậu bổ là Từ Tích Lân phát động phong trào cách mạng. Lân vốn là một học sinh tại Nhật Bản, tuổi chưa đầy ba chục, nhưng thường ôm chí lớn, tư tưởng lúc nào cũng đầy ắp lý thuyết cách mạng dân tộc. Thấy triều đình Mãn Thanh thối nát, bọn Tây phương bên ngoài xâm lăng, láo lếu khinh miệt dòng tộc Hán, Lân quyết chí xô đổ triều đình Mãn Thanh để tổ chức thành một quốc gia theo thể chế Cộng hoà. Có chủ trương như vậy, Lân kết giao một số các đồng chí khi còn ở Trường Kỳ (một hòn đảo lớn tại Nhật) sau đó quay về Trung Quốc tuyên truyền cách mạng.
Triều đình Mãn Thanh nhận thấy cách mạng hoạt động thường nổ ra đó đây gây nhiều vụ náo loạn, bèn ra lệnh truy nã các đảng viên cách mạng gắt gao.
Từ Tích Lân thấy mình là một anh lưu học sinh, nhất cử nhất động đều bị bọn quan lại địa phương theo dõi, tự biết mình rơi vào thế bất lực trong việc hoạch định kế sách. Bởi thế Lân nhận ra rằng phi nhảy vào trong chính giới quyết không thể hoạt động gì được. Hơn nữa, lúc này Lân hai tay trắng thì thử hỏi làm ăn gì được. Giữa lúc tiến thoái lưỡng nạn ấy, Lân may thay gặp được một nữ hiệp tên gọi Thu Cẩn.
Thu Cẩn và Tích Lân vừa giao đàm, tức thì hợp ý tâm đầu ngay. Thế là Thu Cẩn bỏ tiền ra giúp Tích Lân hoạt động.
Thu Cẩn vốn là một người đẹp nổi tiếng đương thời, lại là con gái trong một gia đình khá giả, đã từng tốt nghiệp tại đại học đường. Sau khi tốt nghiệp, nàng còn đi du lịch khắp Anh, Mỹ, Nhật Bản. Vừa có tài năng vừa có tư tưởng cách mạng, nàng được rất nhiều người tôn trọng. Cũng nhờ có ưu điểm này nàng thường giao du với bọn quan trường hiện đại, đấy chính là một con đường rất thuận lợi, khả dĩ giúp Từ Tích Lân hoạt động được.
Sau khi hai người đã tính toán trù liệu, Từ Tích Lân bèn mua lấy một chức đạo viên, để tiện việc hoạt động chính trị cách mạng, còn Thu Cẩn thì trở về quê nàng tức Thiệu Hưng, để tổ chức một trường học gọi là Đại thông học đường, mong quảng bá được tư tưởng cách mạng của mình.
Từ Tích Lân từ khi quyên được chức vị đạo viên, liền dốc hết tâm, mưu sự trong giới quan trường. Lân xoay sở nhập vào được cửa của viên quan phủ đài An Thuỷ tên là Ân Minh.
Chỉ cần thảo luận có một hôm thôi, Lân đã được Ân Minh công nhận là một nhân tài của đất nước. Thế là Lân được trọng dụng. Ít lâu sau, Lân được Ân Minh cho bổ sung vào chức vị uỷ viên luyện quân.
Cái mộng của Lân là làm sao nắm được binh quyền vì phải có binh quyền thì mới cách mạng được. Nay Lân đã có đủ thứ cần thiết trong tay, chỉ còn dần dần tìm cơ hội thuận lợi cho công cuộc nổi dậy của mình mà thôi. Một mặt luyện binh, Lân một mặt ước hội với các đồng chí ở Thiên Tân để thừa cơ khởi sự. Ở Thiệu Hưng, Thu Cẩn cũng tích cực chuẩn bị để hưởng ứng phong trào.
Không ngờ trời chẳng chiều người. Số là trước ngày khởi sự một hôm, một đảng viên tại Thiên Tân để cơ sự bại lộ, khiến bị bắt. Tin tức này tuy xảy ra, nhưng bị bịt kín, khiến Từ Tích Lân cũng chẳng hay biết một tí gì. Cho nên đúng ngày phủ đài An Thuỷ Ân Minh duyệt binh, Lân đã mật ước với đồng chí thừa dịp ám sát xong rồi khởi sự luôn.
Giữa lúc gieo neo nhất của sự kiện, tin tức bỗng đồn rầm lên là tại An Huy có cách mạng khởi nghĩa, bọn đồng đảng bị bắt tại Thiên Tân rồi. Viên tri phủ được tin ấy, vội hạ lệnh lùng bắt Từ Tích Lân, trong khi Từ Tích Lân lại đang đi tới gặp phủ đài Ân Minh.
Từ Tích Lân nghe tin đồn xôn xao phía ngoài dinh, cũng như phủ đài Ân Minh, cả hai đều không hiểu đấu đuôi ra sao. Viên phủ đài vội hỏi tin tức bên ngoài.
Từ Tích Lân lúc này biết cơ mưu đã bại lộ, chĩa ngay súng vào Ân Minh nã luôn hai phát, nhưng Ân Minh chưa chết ngay miệng vẫn còn hô lên được mấy tiếng:
- Bắt thích khách! Bắt thích khách!
Được báo động và nhất là nghe mấy tiếng "Bắt thích khách!" các quan văn võ trong nha môn nhất tề ùa ra và cổng phủ được đóng kín lại. Từ Tích Lân dù có cánh cũng khó lòng bay thoát được. Thế là chi trong mấy phút, Lân đã bị bắt.
Bọn nha lại hè nhau kéo đi bắt tiếp bọn học sinh quân. Đáng thương thay cho bọn này, ít không thể địch được nhiều, đến gần một nửa bị chết dưới làn đạn của quan binh.
Diệt xong đám học sinh quân, bọn nha phủ đem Từ Tích Lân ra thẩm vấn, Lân chẳng thèm chối cãi, nhận tất cả. Một vài kẻ còn đề nghị đem Lân ra mổ bụng lấy gan phổi để tế Ân Minh nữa. Chưa hết, còn có kẻ lục lọi hết những thư từ giấy má của Lân để tra xét; lúc đó, lại lòi thêm ra cái điện văn ước kỳ cử sự gởi cho Thu Cẩn. Tức tốc, họ đánh điện ngay cho viên tri phủ Thiệu Hưng, hạ lệnh bí mật lùng bắt Thu Cẩn, đem chính pháp để thị chúng.
Lại nói Thu Cẩn ở Thiệu Hưng mỏi mắt trông chờ hành động của An Huy, nhưng chẳng thấy tin tức gì. Giữa lúc nghi ngờ lo lắng ấy, Thu Cẩn bỗng nghe đồn. An Huy cách mạng bị thất bại. Tin đồn mỗi lúc một nhiều, nàng biết việc không thành rồi, tính tìm cách chạy trốn. Nhưng chưa kịp thoát ra ngoài thì bọn quan binh An Huy đã kéo đến vây khắp Đại thông học đường. Thấy không có cách nào trốn thoát Thu Cẩn đành thúc thủ chịu trói.
Điểm đặc biệt là tuy bị bắt, Thu Cẩn vẫn thản nhiên như không, chẳng có chút nào sợ hãi. Sở dĩ có thái độ thản nhiên đó, chỉ là do nàng tin tưởng ở viên tri phủ Thiệu Hưng vốn là nghĩa phụ của nàng. Nàng tin rằng thế nào rồi đây nàng cũng sẽ được nghĩa phụ nàng tìm cách cứu thoát.
Nhưng Thu Cẩn đâu có ngờ được rằng thế lợi thường làm mờ hết tình người.
Viên tri phủ Thiệu Hưng vỗ bàn đánh thình một cái, quát lớn:
- Thu Cẩn! Mi kết bè kết đảng, móc nối với bọn phản loạn như thế nào, khai thực hết ra đây, để bản phủ khỏi phải dùng hình.
Thu Cẩn đột nhiên thấy viên tri phủ trở mặt, bèn lớn tiếng kêu lên:
- Nghĩa phụ! Nghĩa phụ mà cũng ném đá xuống giếng nữa sao?
Viên tri phủ thấy Thu Cẩn nói vậy cũng giật mình, sợ mình liên luỵ vào nội vụ, liền lấy tay áo che mặt, miễn cưỡng nói:
- Tội mi đã rõ ràng, đừng che chống nữa!
Nói đoạn, viên tri phủ liền hét lớn, sai quân thẳng tay một hơi đánh bốn mươi roi song, máu bắn ra đầm đìa, xong rồi tống giam ngay Thu Cẩn vào nhà lao, đợi lệnh trên quyết xử.
Vài hôm sau, bọn đao phủ lôi nàng ra ngoài hiệu đình để xử chém. Khi ra pháp trường, từ biệt mọi người, Thu Cẩn nói lớn lên cho mọi người nghe thấy:
- Tội của ta bất quá chỉ là một tội tình nghi chưa đến nỗi bị chết chém! Đấy các người thấy chưa? Ta chỉ vì kết giao với bọn quan trường để đến nỗi mất mạng đó. Các người về sau này có muốn kết giao với chúng hãy nên lấy gương của ta mà soi trước.
Nói đoạn, Thu Cẩn ngang nhiên giơ thẳng cổ ra để cho bọn đao phủ chém, không hề tỏ ra sợ hãi. Quần chúng đi xem xử chém hôm đó đều than thở tiếc thương cho Thu Cẩn, mặt khác chửi rủa viên tri phủ vô tình, nhẫn tâm, chỉ vì tham ông cầu danh, khiến cho một cái đầu người phải rơi xuống một cách oan ức đau thương.
Lại nói Thanh triều thấy cách mạng càng ngày càng nổ ra, náo loạn khắp mọi nơi, chỗ này vừa dẹp tan thì chỗ kia lại xuất hiện, chỉ trong vòng một tháng mà đã thấy đến hai, ba lần ở hai ba nơi khiến gần như không còn một chỗ nào là yên tĩnh nữa. Mấy ông quan to trong triều cũng như các ông quan ở địa phương lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, bóp óc nặn gan ra để tìm cách cứu vớt tình hình xem ra đã đến lúc quá nát rồi. Bọn đại thần như Trương Chi Động lúc này đều cùng một chủ trương là phải lập hiến để thuận lòng dân. Họ cho rằng một khi lòng dân đã yên, thì cách mạng tự nhiên phải hết. Tây thái hậu nghe chủ trương này cũng rất tán thành.
Do đó, bà liền sai bọn Tải Trạch đi ra hải ngoại, và các nước tiền tiến văn minh, khảo sát hiến chính.
Bọn Tải Trạch lĩnh chỉ ý, đang sửa soạn lên đường, không ngờ bị Ngô Viện ném cho một tạc đạn ngay phía ngoài cửa Chính Dương. Trong số năm anh đại thần xuất dương, thì hai anh không may trúng phải mảnh tạc đạn bị thương nặng. Vụ ném tạc đạn này càng làm cho Thanh triều hoảng kinh và phải quyết tâm cao hơn nữa để tổ chức hiến chính. Bởi thế, Thanh triều lại định một ngày khác để cho phái đoàn khảo sát lên đường.
Hồi này, Khánh thân vương Dịch Khuông nắm trọn đại quyền trong tay. Bởi vậy, đồng bọn của vương như Kỳ Thiện Tải, Thiết Lương, ấm Xương… đều nhờ đó nắm quyền lớn cả.
Dịch Khuông vốn là một người hết sức tham lam. Nhất thiết chính sự, đều kệ bọn tiểu nhân mặc sức thao túng và vẽ vời, riêng ông chỉ biết ngồi để lượm bạc cắc do bọn này đem tới hiếu kính.
Tây thái hậu, từ sau khi hồi loan, mọi việc chính sự đều không tha thiết tới, nhưng chuyện tiền tài thì một mảy may cũng không tha, cho nên, trước khi có loạn quyền phỉ, bà đã để riêng được hơn một ngàn năm trăm vạn lượng vàng nén.
Khi bát quốc liên quân đánh vào Bắc Kinh, Tây thái hậu hoảng hốt chạy trốn, số vàng kếch xù này bị bọn nội giám chia nhau lấy hết sạch. Rồi lúc trở về đến cung tìm kiếm lại, bà chẳng còn thấy được một mảy may nào, ngay cả đến một đồng tiền. Đã nhiều đêm, nhớ đến đồng tiền do bao nhiêu mưu chước tinh quái mới có được bà ứa nước mắt. Nhưng địa vị, thế thần của bà thì cái gì mà chả được, cho nên bà lại quyết chí làm giàu một phen nữa. Bà thường nói với bọn nội giám thế nào bà cũng phải cho chúng thấy cái tài của bà.
Dịch Khuông được cơ hội này, bèn giả danh hiệu "liềm tiền" (tiền đóng góp) để hiếu kính Thái hậu, nhưng sự thật thì tám phần mười đóng vào hầu bao của Khuông, chỉ có hai phần mười vào tay Thái hậu mà thôi. Về sau, các khoản tiền này càng ngày càng nhiều. Chân đạo đài ở Thượng Hải thuộc tinh Giang Tô có thể nói là béo bở vào bậc nhất, mỗi năm phải cúng mười vạn lạng, gọi là tiền phấn sáp cho Thái hậu. Phàm văn võ quan viên, tất cả đều phải nói tới tiền trước, đều phải có tiền cúng đầy đủ, theo cấp bậc to nhỏ trên dưới. Bất luận chức vụ, cấp bậc cao thấp nào đều phải đánh giá qua cái tính cách béo gầy, thâu được nhiều hay ít lợi Đấy là cái lối tham nhũng ăn tiền, đục khoét của thời Quang Tự, mà lại do chính Tây thái hậu chủ trương trước.
Hối lộ tham nhũng công nhiên chẳng thèm che giấu như vậy trách sao bọn quan lại từ trên xuống dưới lại không tham nhũng và đục khoét xã hội Trung Hoa khiến người dân cơ hồ như không còn miếng ăn nữa.
Rồi đến lúc bọn quan lại bên ngoài bóc lột đã hết mức, không còn cách gì để bóc lột nữa, Dịch Khuông bèn nghĩ ra một kế hoạch mới: đó là mở toạc chiếc cổng hối lộ cho mọi người thấy, khỏi cần phải úp mở gì. Ai muốn làm quan lúc này thì đã có giá sẵn rồi, cứ việc đem số tiền đó mà cúng vào thì tự nhiên là thành quan, khỏi cần phải thi cử đỗ đạt, học hành gì cho thêm mệt. Ví dụ như: Chức tri huyện thì phải nua năm ngàn đồng bạc, từ chức tri phủ trở nên, muốn mua thì hoặc là một vạn, hoặc hai vạn, và cứ như thế mà tăng lên dần dần, đến mãi chỗ nào không thể được mới thôi.
Cái địa vị mà kẻ bạch đinh chân trắng dù nhiều tiền mà không thể ngồi lên nổi được, đó là hai cái ngôi vị của tước vương và tước công. Hai cái chỗ này thì quả là quan trọng, chỉ dành riêng cho những bậc hoàng thân quốc thích và những người đỗ đạt cao như tiến sĩ, trạng nguyên và có uy danh lừng lẫy, có công trạng đối với triều đình và quốc dân. Thực ra, lệ này cũng chỉ có hiệu lực ở buổi đầu thôi, chứ dần dần về sau, thì duy chỉ có tước vương là dân bạch đinh không thể leo lên được thôi, chứ còn từ cấp nhị phẩm trở lên cho đến tước công như ta vừa nói tới đều có thể với tới, miễn là có nhiều tiền. Có trường hợp ba, bốn anh họp lại thành một bọn để cùng mua một chức quan, rồi một anh đứng ra nắm chính quyền.
Mấy anh hùn vốn kia cũng kéo nhau tới nhiệm sở để hùa nhau tìm cách đặt kế bóc lột dân, đào khoét công quỹ đến kỳ hết mới chịu thôi. Cả bọn vơ vét được bao nhiêu, Lúc đó đem tính toán với nhau, trừ số tiền vốn hùn để mua quan ra, lời lãi còn lại sẽ đem chia đều để đút túi.
Chuyện mua quan bán tước này tuy nói rằng công khai đấy nhưng thực ra chỉ công khai đối với bọn thính mũi ngửi được hơi địa vị quan trường thôi chứ quần chúng thì thực như ngủ trong trống, không được biết một tí gì. Nhưng về sau, một câu chuyện bi hài xảy ra như sau khiến lúc đó tệ trạng này tiếng tăm tùm lum lên, không còn ai là không biết nữa:
Tại tỉnh Cam Túc, có ba anh chàng bán quán thường gọi là chú Ba, chú Tư, chú Bảy làm ăn ngày càng xuống dốc, sắp đi tới chỗ cụt vốn, anh nào anh nấy chán nản muốn tự tử.
Bỗng một hôm chú Ba ta nghĩ ra được một lối thoát. Chú reo lên vì vui sướng, chạy tới bàn với hai chú kia?
- Này các cậu! Bọn quan lại hiện nay bóc lột quần chúng đến xương tuỷ, cách làm ăn của bọn ta xuống dốc mãi, thì chỉ còn nước tự tử hay bị gậy thôi. Phải tìm cách khác mà sống. Trừ phi cái nghề làm quan lúc này còn thì không nghề gì sống nổi. Các cậu nghĩ xem?
Tư và Bảy thoạt nghe nói phá lên cười, cười ngặt nghẽo, cười đến đổ ghế xiêu bàn, cho rằng chú Ba nhà ta điên rồi.
Cười một lúc, Tư và Bảy mới chỉ vào mặt Ba mà bảo:
- Chú mày muốn được làm quan? Xin hỏi chú mày lấy cái tài gì, tư cách gì mới được chứ?
Hỏi vậy xong, Tư và Bảy lại cười tiếp. Ba ta nghiêm ngay sắc mặt lại, cất tiếng như quát vào hai tên kia:
- Tụi bay ngu lắm! Ngu thiệt! Ngu hơn ai hết! Làm quan đời nào, chứ đời này thì, có cần tư cách gì đâu. Tụi bay chỉ cần có năm ngàn đồng bạc là thành ông huyện ngay, nghe chưa?
Tư và Bảy nghe nói lấy làm lạ, hỏi ra mới rõ chuyện mua quan là thế nào, nghe mê quá, bàn ngay tới kế hoạch thực hiện. Thế là cả ba anh chàng bán quán chạy về nhà, có, gì bán nấy, bán hết bành cờ hiệu, thậm chí đến cái váy của vợ, cái quần xà lỏn của con cũng mang đi bán, cốt làm sao thu đủ được số tiền năm ngàn quan cho Ba để Ba ta lên đường mặc cả chức tri huyện với bề trên…
Việc mua bán đã xong chỉ còn chờ. Chẳng bao ngày, ghế tri huyện Thanh Điền khuyết, chàng Ba quán nhậu ta được bổ ngay vào đấy. Thật là trời chiều người, cờ đã đến tay, lúc này tha hồ phất.
Khi bát quốc liên quân đánh Bắc Kinh, Ba mất số tiền lớn là một ngàn năm trăm vạn, ấy thế mà ngoài số tiền một ngàn năm trăm vạn này đã thu lại nguyên như trước, Ba còn kiếm thêm được cả hai ngàn vạn nữa.
Nếu nói đến bọn nội giám trong cung đình hồi này, thì Lý Liên Anh già quá đã chết rồi, còn một số khác thì đã quá già hoặc cũng chết hết cả rồi. Kẻ đắc thế nhất lúc này phải nói tới tên nội giám Tiểu Đức.
Tiểu Đức vốn họ Trương, cho nên mọi người trong kinh thành vẫn thường gọi là Tiểu Đức Trương. Khi bước chân vào cung, Tiểu Đức Trương mới có mười tám tuổi, mặt mũi thật tuấn tú xinh đẹp và duyên dáng nữa là khác. Cha đẻ của Tiểu Đức có nghề buôn đồ cổ rất giỏi. Vào thời trung niên, ông ta làm ăn, góp nhặt được một sản nghiệp kha khá. Nhưng khi sanh Tiểu Đức ra chưa được bao lâu, người cha chẳng may mất đi, để lại hai mẹ con Tiểu Đức goá bụa, côi cút.
Bởi chỉ có một đứa con, bà mẹ Tiểu Đức cưng quá mức, khiến đến khi lớn lên, Đức suốt ngày lêu lổng, cờ bạc, chơi bời, đĩ điếm, không một cái gì truy lạc là không làm. Cơ nghiệp của người cha để cho hai mẹ con được bao nhiêu thì ngày nay Đức cho đội nón ra đi bằng hết. Mẹ Đức khuyên bảo con hết lời, nhưng tính nào vẫn tật ấy, Đức không động tâm, không sửa chữa, và đương nhiên là không nghe lời hơn lẽ thiệt của mẹ. Bà lão cũng vì thế mà buồn chán, rồi đâm bệnh, chẳng bao lâu bà đi theo luôn với ông già ngày nọ.
Cha chết, rồi mẹ chết, lúc này Tiểu Đức quả thực là tứ cố vô thân, không còn có chỗ nào để trông mong, nhờ cậy nữa.
Thế rồi, không đầy nửa năm, Đức bán cho bằng hết không gì còn sót lại của cha gây dựng trước đây, bán đến không còn sờ thấy một cây rơm cọng rác nữa. Nhà cửa sạch không rồi, Đức chỉ còn cách bỏ xứ đi tha phương cầu thực. Đức lang thang mãi, sự trời may nhờ gặp được Tiểu Vương, xin vào hầu hạ trong nhà kiếm chút cháo.
Tiểu Vương vốn là một tên nội giám trong cung cấm của Thanh triều. Thấy Tiểu Đức mặt mũi khôi ngô điển trai, Tiểu Vương bèn bảo:
- Mặt mũi mi khá quá. Nếu mi chịu thiến cái "của nợ" đó đi, thì tao quyết tìm cho mi cái giàu sang hơn người một phen cho mà xem. Giàu sang rồi thì mi tha hồ sung sướng.
Tiểu Đức nghe lời của Tiểu Vương dạy khôn. Sau một tháng trời rên la nhức nhối vì vết thương, Đức trở thành một con người có giá, lúc này có thể vào bên cạnh nhưng người đẹp của hoàng đế để hầu hạ vuốt ve nâng giấc thay cho ngài.
Thấy đã đến lúc nên đưa Tiểu Đức vào cung, Tiểu vương một hôm vào tâu và tiến cử thẳng cho Tây thái hậu. Được cái hay là Tiểu Đức vốn người hết sức lanh lợi, ngoài cái dáng vẻ điển trai ra. Tây thái hậu thấy thế càng thích, càng sủng ái. Bởi thế chẳng bao lâu, Tiểu Đức được Tây thái hậu cho làm thủ lãnh bọn tiểu thái giám trong nội.
Thấy được Tây thái hậu sủng ái, Tiểu Đức càng ngày càng lộng hành. Đức vốn chỉ là một kẻ tiểu nhân cho nên khi hầu hạ thân cận bên Thái hậu hắn tìm mọi cách để khiến cho bà tin cẩn để dễ bê làm bậy.
Bình sinh, Tiểu Đức thích đánh bạc. Trong cung cấm, hắn lại giở cái trò này ra. Thế là cả bọn, nào tiểu thái giám, đại thái giám, nào lão thái giám, nào cung nữ già, nào cung nhân trẻ, tất cả đều đổ xô lại kiếm hắn để đánh bạc. Chuyện thú vị nhất là chính Tây thái hậu cũng biết và thích chơi súc sắc, nữa. Thế là cái tính đánh bạc của Đức đã chẳng những được bà tha thứ lượng tinh, mà còn được bà cho phép tổ chức ngay tại trong cung để rồi chính bà cũng ghé vào đánh cho vui nữa.
Đã nhiều lần Tây thái hậu bảo Đức đứng ra làm cái để cho bà cùng bọn cung tần mỹ nữ trong cung cùng đánh Từ khi trò đánh bạc lên cao, toàn thể cung nhân nơi cung cấm đều túm năm tụm ba từng góc tường xó cửa để chơi. Bọn nội giám kẻ thua người được đâm tranh nhau, cãi nhau, thậm chí đánh nhau nữa. Quy chế hà khắc trong cung cấm đến lúc này quả đã hư hỏng đến cùng độ rồi.
Có một hôm, Tiểu Đức mở sòng. Tây thái hậu cũng như bọn phúc tấn và cách cách xúm nhau vào đặt tiền. Tây thái hậu nhắm đôi mắt lại để nhẩm tính nước bài. Giữa lúc ấy, Tiểu Đức cố ý đặt tay lên nắp hộp súc sắc, cất tiếng xướng lớn:
- Mở này! Mở này!
Tây thái hậu mở mắt lớn, cả giận nói:
- Thằng kia! Ai dạy cái lối hạ lưu đó?
Tiểu Đức thấy Tây thái hậu cả giận, vội dập đầu tâu:
- Nô tài vốn không biết cái lối này. Nhưng năm ngoái nô tài nhờ được một vị hậu bổ tỉnh Sơn Tây tên gọi Từ Tử Minh dạy cho lối đó. Tử Minh bảo nô tài: Thảng hoặc có người nhẩm tính nước bài thì thường mình chỉ có thua chứ khó lòng được. Bởi thế, bất luận xấu tốt cách nào, cũng phải chặn ngay, làm cho người đó phân tâm đi, không tính toán được nữa.
Tây thái hậu nghe Đức nói, gật đầu mỉm cười, không còn có ý tức giận, trái lại còn khoái nữa là khác.
Câu chuyện cờ bạc này truyền đi mỗi ngày một xa. Hậu bổ Từ Tử Minh được tin này lấy làm khoái lắm liền nói phét lác rằng:
- Cái lối đánh bạc của ta đến Tây thái hậu cũng biết đấy chứ chẳng phải chơi đâu! Chúng bây thấy chưa?
Doạ đàn em, vậy rồi, Tử Minh bèn mở ngay một sòng bạc lớn, công nhiên đánh bạc, lấy hồ, chẳng coi ai ra gì. Tri phủ Sơn Tây là Đào Cảnh Như thấy Minh làm chuyện phi pháp bèn bắt trói Minh, tống vào nhà giam, tước luôn cả chức vị của Minh. Khi nằm trong ngục, Tử Minh cho người đem tiền bạc hối lộ cho viên tri phủ Cảnh Như, nhờ đó Cảnh Như cũng vơ vét được một mẻ kha khá. Được chấm mút rồi, Cảnh Như thả ngay Từ Tử Minh, lấy cớ rằng Minh bị bệnh thần kinh.
Thoát ngục rồi, Từ Tử Minh lại mở sòng bạc, chuyến này còn lớn hơn nhiều.
Tri phủ Đào Cảnh Như mắt nhắm mắt mở, tuy có trông đấy nhưng hình như không thấy gì, nhất là cái sòng bạc lớn lù lù trước mắt. Thực là một quái trạng nhưng kỳ thú trong giới quan trường đời nhà Thanh hồi mạt diệp.
Tiểu Đức có một thế lực như vậy trong cung cấm, tất nhiên bọn nội giám bất đắc chí kéo nhau tới quy luỵ, nịnh nọt. Ngay cả bọn cung nữ, phi tần không một chị nào là không chạy tới để nhờ Đức che chở và làm theo mệnh lệnh của Đức. Kẻ không bị Đức chỉ huy có lẽ chỉ có một mình Long Dụ hoàng hậu mà thôi. Bình thời Đức chẳng sợ một ai cả, ngoài Tây thái hậu ra. Ấy thế mà duy chỉ có mỗi một mình Long Dụ hoàng hậu là Đức nghe theo hết mọi mệnh lệnh sai khiến. Cũng do chỗ kỳ lạ này mà người ta thấy Long Dụ hoàng hậu rất tin lời của Đức, rồi dần dần, ngày một ngày hai, Tiểu Đức biến thành một tên hầu thân tín nhất của hoàng hậu. Trong chốn cung đình, từ đó điều nọ tiếng kia, đồn đại trong ngoài, nào những chuyện dâm bôn tục tĩu, nào những tin giật gân, kỳ quái, xảy ra bàng ngày. Tây thái hậu e ngại những tin đồn đại nhơ nhớp này, đành phải tống cổ Tiểu Đức ra khỏi cung.
Về sau, khi Tây thái hậu mất, Long Dụ hoàng hậu còn tái dụng Tiểu Đức một lần nữa và thường nghe những chủ trương của y, ví dụ như việc xây cất Thuỷ tinh cung giả hàn. Song những chuyện này ở mãi về sau, khi nhà Thanh chẳng còn được bao lâu nữa. Chuyện sau đó, ta hãy tạm gác tại đây.
Lại nói từ khi xảy ra chuyện đánh gãy cành trâm ngọc của Long Dụ hoàng hậu do Quang Tự hoàng đế gây nên, Tây thái hậu biết là bất hoà giữa hai người không còn có cách gì hàn gắn được nữa. Bởi thế, ít lâu sau, bà truyền cho Long Dụ hoàng hậu rời khỏi Ỷ Hương điện chuyển qua ở tại Di Tâm các. Long Dụ hoàng hậu thấy Quang Tự hoàng đế bạc tình như vậy, trong lòng hết sức buồn bã. Nhưng từ khi Tiểu Đức vào cung, tìm đủ cách nịnh hót, đủ lối hầu hạ, hoàng hậu bỗng cảm thấy đời tươi lên. Đối với hậu lúc này, bất cứ việc gì, vật gì do Tiểu Đức làm hoặc dùng đều được bà khen tốt cả, hay cả, trái lại, do một người nào khác, thì bà đều quở là dở, không bao giờ vừa lòng. Bọn nội giám trong cung hiểu được duyên cớ bên trong của câu chuyện, đều rút lui ra sau, để mặc cho Tiểu Đức được tự do hầu hạ hoàng hậu. Thành thử, bất cứ chuyện gì tại cung hoàng hậu, Tiểu Đức đều tự mình lo liệu lấy hết, không để cho một kẻ nội giám nào khác mó tay vào.
Có một hôm, mưa xuân phơi phới đầy trời, Tây thái hậu đội mưa đi chơi xuân trong vườn, hoàng hậu cáo bệnh không đi còn tất cả phi tần cũng có mặt phụng giá.
Không ngờ, mưa mỗi lúc một nặng hạt, Tây thái hậu bèn ra lệnh cho các phi tử ai về nhà nấy, bà Cẩn phi vội vã đội mưa xông gió chạy đi trước.
Cá tính của Tây thái hậu là thích đi chơi dưới mưa bay. Bọn phi tần chạy theo sau, dù có lọng, cũng không dám giương lên. Đã nhiều lần, bọn phi tần, phúc tấn, cách cách theo Tây thái hậu dạo chơi dưới trời mưa trong vườn, đều phải để mặc cho mưa rơi, ướt sũng đầu tóc cũng phải chịu. Khi thái hậu ngồi kiệu thì cả bọn nhảy lên kiệu ngồi. Trái lại, khi thái hậu đi bộ thì cả bọn lại đành phải đi bộ, chứ không dám làm khác.
Hôm đó đi chơi dưới mưa, Cẩn phi biết cái tính kỳ quặc của Tây thái hậu, cho nên không mang dù đi. Rồi đến khi được lệnh cho về, quần áo bị ướt sũng, Cẩn phi thấy cần phải chạy về để thay. Cẩn phi ba chân bốn cẳng chạy qua phía dưới gác Di Tâm, bỗng nghe một tiếng ho, rồi một bãi đờm nhổ toẹt thẳng vào mặt nàng. Cái người nhổ đờm nào đó có lẽ khi nhổ không có ác ý gì, Cẩn phi chắc cũng biết thế, cho nên cái nhổ đỏ chỉ giúp cho nàng nhớ tới một việc là hoàng hậu cáo đau, không đi theo thái hậu dạo chơi trong vườn.
Nhớ lại như vậy, Cẩn phi thấy cần phải tới vấn an bà mới phải, hơn nữa cũng để tránh sự trách mắng vô lễ của bà. Chủ ý đã định, Cẩn phi bèn lặng lẽ bước lên gác. Chân nàng bước đã nhẹ, mặt đất lại lót bằng thảm nhung êm dày.
Cẩn phi bước đã lên đến từng trên gác, mà hoàng hậu vẫn không hay biết một tí gì. Đợi đến khi Cẩn phi bước hẳn vào bên trong cửa, nghe mấy tiếng động nhẹ, hoàng hậu mới tưởng là tên tiểu thái giám thường hầu hạ bà. Bà lên tiếng hỏi:
- Đứa nào chạy lộn xộn ngoài đó đấy?
Theo lệ, thường thì khi phi tần vào yết kiến Đế hoặc Hậu, họ đều phải có một tên tiểu thái giám chạy vào báo trước, Cẩn phi đã vào đây nhiều lần, quá quen rồi, cho nên chẳng để ý đến thông lệ này. Bỗng tiếng hỏi bất ngờ của hoàng hậu làm cho Cẩn phi dừng ngay gót lại, không dám tiến sâu vào nữa.
Hoàng hậu thấy người nào dừng lại, không bước thêm liền sinh nghi, vội chạy ra. Vừa thấy bóng hoàng hậu, Cẩn phi vội vàng cúi xuống thỉnh an. Nhưng cũng cái lúc thảng thốt mà hoàng hậu chạy ra thì Cẩn phi đã thấy trên giường của hoàng hậu anh chàng Tiểu Đức trần như nhộng, đang nằm dài thườn thượt như có vẻ đã được thoải mái quá rồi, đến lúc phải nghi ngơi đôi chút.
Hoàng hậu lúc đó, cử chỉ có vẻ hơi bấn loạn, vội lên tiếng quát bảo Tiểu Đức:
- Thằng kia! Mi không cút đi ngay phải không? A thì ra cái thằng này láo lếu bừa bãi thực?
Tiểu Đức đâu có ngờ tới Cẩn phi bất chợt bước vào, không một tiếng động, không một lời báo trước. Cho nên ngay cả lúc hoàng hậu đứng nói chuyện với nàng, hắn cũng cứ thản nhiên nằm trên giường dương dương tự đắc, chứ đâu có ngờ rằng oan gia gặp đường hẹp. Nhưng đến lúc biết là Cẩn phi rồi, thì Tiểu Đức mới hoảng hốt vùng dậy, tay chân run lên, quơ bên này cào bên nọ, lôi cái áo, rút cái quần, quýnh quýnh đúng như một thằng ăn vụng có tội. Giữa lúc tiến thoái lưỡng nan của Tiểu Đức, may thay cho hắn được hoàng hậu quát thêm lên vài tiếng bảo hắn đi lấy phất trần để quét bụi trên bàn. Ấy thế mà hắn cúng quýnh quýnh mãi một hồi nữa mới mặc xong quần áo mà vội vã chạy đi.
Long Dụ hoàng hậu bị bắt tại trận, tất nhiên không thể nào bình tĩnh được. Mặt bà bỗng đỏ ửng lên, mắt bà như tá hoả thành trăm ngàn tia lửa nhưng rồi dễ tắt lịm đi, tối om. Đôi tay bà nêu có ai để ý thì sẽ thấy mười ngón tay chúng bắt chuồn chuồn không ngớt.
Cẩn phi nhìn thấy quang cảnh này dù chỉ trong chớp nhoáng cũng phải biết tại nơi đây, đã xảy ra chuyện gì rồi. Nàng chẳng còn cách gì hơn là thăm hỏi vài ba câu qua loa, để từ giã hoàng hậu ra đi, cho đỡ bẽ cả đôi đường.
Trên đường đi trở về Doanh đài, Cẩn phi càng nghĩ càng lấy làm lạ cái cảnh vừa qua. Gặp Quang Tự hoàng đế, định nói toạc ra nhưng lại ngập ngừng không dám nói. Tại sao vậy.
Số là sau ngày thổ huyết, bệnh tình của Quang Tự hoàng đế không thuyên giảm được bao nhiêu. Hơn nữa, chính hôm thổ huyết té ngửa đó, hoàng đế đã trợn mắt lên, nghiến răng ken két như có điều vô cùng căm hận đối với hoàng hậu. Bởi thế, nếu đem nói toạc trò quỷ quái vừa thấy ra, nàng e rằng có hại cho sức khoẻ của hoàng đế. Tuy nhiên, sực nhớ lại những lúc hoàng hậu ton hót với thái hậu, và những lúc đánh đập làm khổ nàng nhiều phen, nàng lại thấy máu uất bốc lên, tiếng kêu gọi trả thù lại vang lớn trong thâm tâm. Thế rồi cuối cùng hận thù đã thắng, nàng bèn rỉ tai Quang Tự hoàng đế thuật lại một lượt tất cả những gì nàng vừa thấy trong phòng ngủ của hoàng hậu.
Quang Tự nghe xong chuyện kể, nhảy đến vù một cái từ mặt giường lên khoảng không, để rồi lại rơi xuống mặt giường, miệng quát lên như điên:
- Con tiện tỳ khốn nạn! Con khốn nạn! Tao phải giết mi! Tao phải giết mi.
Quát xong, Quang Tự hoàng đế nhoài ra cạnh giường, đứng dậy, tính bận quần áo chạy đến gặp Tây thái hậu. Cẩn phi thấy quang cảnh sôi động bất ngờ và nhất định là tai hại không biết tới đâu mà lường, vội chạy lại ôm lấy ngài để khuyên can, nàng nói:
- Bệnh tình của hoàng thượng vừa mới bớt, cần nên tĩnh dưỡng. Chuyện này, sớm chiều gì rồi sẽ giải quyết, vội vã làm gì? Hơn nữa, chuyện này, chính mắt thần thiếp được mục kích. Nếu câu chuyện nổ ra tùm lum thì thế nào mà thần thiếp chẳng bị luỵ vào đấy.
Quang Tự hoàng đế suy nghĩ một lát rồi nói:
- Ta đã biết vậy rồi. Nhưng nếu không cho chúng biết tay một phen, thì về sau còn làm gì được nữa? Nếu không gặp Thái hậu để tố cáo cho bà biết chuyện của con khốn nạn nọ thì rồi ta cũng phải gọi cái thằng khốn kiếp kia đến đây để cho nó một bài học mới được.
Nói đoạn. Quang Tự hoàng đế liền gọi một tên tiểu thái giám chạy đi triệu tên Tiểu Đức đến Doanh đài ngay để kiến giá.
Lại nói khi Cẩn phi trở về Doanh đài rồi, Tiểu Đức biết câu chuyện vỡ lở, thế nào cũng gây hoạ, liền nói với Long Dụ hoàng hậu:
- Tiểu yêu chuyến này chắc nguy rồi đây! Vạn nhất mà hoàng thượng truy ra vụ này thì tiểu yêu chỉ còn biết nhờ vào sức che chở của hoàng hậu mà thôi.
Hoàng hậu nghe nói, nét mặt vừa buồn vừa giận, cất tiếng nói:
- Biết làm sao được bây giờ? Chỉ tại con khốn nạn đó nó thấy? Và cũng tại bọn ta không cẩn thận đề phòng mà ra. Ngươi đâu có hiểu được ta với hoàng thượng vốn không thuận đã từ lâu. Giả thử hoàng thượng cho chuyện đó là đúng là thực, thì đến ta cũng chịu, chẳng biết làm sao hơn. E đến cái mạng ta cũng khó thoát nữa là!
Tiểu Đức nghe xong, miệng câm như hến, đứng ỳ ra như một pho tượng đất, mặt thộn hẳn ra. Giữa lúc khó xử này, bỗng một tên tiểu thái giám chạy tới triệu Đức. Long Dụ hoàng hậu biết câu chuyện đã bị phát giác rồi, chỉ còn biết lấy đôi mắt nhìn theo Tiểu Đức, miệng lặng thinh không nói một lời nào.
Tiểu Đức thấy vô phương thoát tội, toàn thân run lên lẩy bẩy, líu ríu theo gót tên tiểu thái giám ra đi về ngả Doanh đài.
Tiểu Đức bước lại gần giường nằm của Quang Tự hoàng đế. Hắn nhìn thấy mặt ngài đầy vẻ căm giận bực tức, vội quỳ xuống, dập đầu, không dám ngẩng đầu lên nữa:
Quang Tự hoàng đế lớn tiếng quát:
- Mi đã làm một việc quá đẹp. Ta khỏi cần phải giảng giải gì cho mi thêm.
Quát xong Quang Tự hoàng đế gọi mấy tên nội giám kéo cổ Đức ra phía ngoài đánh một trăm gậy, tung toé máu đít, tống cổ sang bên cung Thái hậu.
Bọn nội giám lãnh chỉ, kéo cổ Tiểu Đức ra ngoài, đánh đúng một trăm gậy, xong rồi ngồi chờ giấy của hoàng đế. Quang Tự hoàng đế viết bốn chữ "Tiểu Đức vô lễ" vào một tờ giấy rồi sai bọn nội giám cầm tờ giấy đó, đồng thời áp giải tên Tiểu Đức sang bên cung Tây thái hậu.
Lúc này Tây thái hậu được biết tin, liền cho gọi hoàng hậu sang trách mắng một hồi. Bỗng bà thấy bọn nội giám áp tải Tiểu Đức tới, vội truyền lệnh cho hoàng hậu hãy tạm lánh mặt vào phía trong. Tiểu Đức vừa thấy thái hậu, vội quỳ xuống đất, mắt sa lệ, cất tiếng van xin:
- Cầu xin Lão Phật gia tha thứ cho.
Tây thái hậu nói:
- Mi đã tự tay làm chuyện đồi bại thì đến ta cũng chịu. Hiện hoàng thượng đã bảo ta phát lạc. Vậy cung nội này không có cách gì giữ mi lại được nữa cả. Mi nên quay lẹ về nhà, thu xếp khăn gói mà đi đi.
Tiểu Đức chỉ còn biết dập đầu một cái, rồi đứng dậy, chạy đi thu xếp hành trang để xuất cung.
Lại nói Quang Tự hoàng đế trách mắng đánh đòn tên Tiểu Đức xong rồi nhưng lòng giận vẫn chưa nguôi, bệnh thế của ngài vốn đã trầm trọng từ lâu, nay lại trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần quá kịch liệt, khiến càng trở nên nguy nan thêm. Từ đấy, bệnh ngài đã chẳng thuyên giảm đi mà càng ngày càng nặng mãi, để đến mùa đông năm đó, ngài chỉ còn lại như một đống xương khô hay như một bó củi khô mà thôi. Thân xác cũng như tinh thần của ngài lúc này đều đã mất gần hết và cái chết coi như đã gần kề.
Thế rồi một hôm, Quang Tự hoàng đế bỗng nhiên biến chứng, ngài đâm ra thở dốc, cuối cùng cứ thở giật từng hồi như hắt ra. Cẩn phi ngồi trông nom bên cạnh hất hoảng đến cực độ một tay cố giữ lấy ngực cho ngài, còn một tay khoát gọi tên tiểu thái giám hầu cận chạy ngay đi phi báo cho Tây thái hậu biết.
Chỉ một lát sau. Tây thái hậu đã cùng viên ngự y bước vội vào cung. Bắt mạch chẩn bệnh một lát, viên ngự y tâu với thái hậu.
- Bệnh tình của hoàng thượng do ở chỗ nguyên khí bị tổn thương, động tới can phong, cho nên thở dốc không chỉ. Thở mãi mà không chỉ, ta nên đề phòng có khi ngất đi đấy.
Một viên ngự y nói vậy, bảy, tám viên ngự y khác xem mạch chuẩn bệnh cũng đều nói thế. Tây thái hậu lúc này đã thấy xốn xang bối rối lắm. Bà bảo Cẩn phi trông nom nhà vua, còn mình thì hối hả chạy về Dưỡng tâm điện triệu tập tức khắc bọn quân cơ đại thần vào ngay đêm đó để nghị sự.
Hồi này, Trương Chi Động đã nghỉ chức, chỉ còn lại có bọn Na Đồng. Bọn đại thần này vào đến cung yết kiến thái hậu, bà tuyên bố bệnh tình của Quang Tự hoàng đế cho họ nghe rồi nói:
- Nếu chẳng may hoàng thượng có mệnh hệ nào, thì biết chọn ai kế vị?
Khanh thân vương Dịch Khuông tâu:
- Theo như trước đây thì đến Phổ Tuấn như vậy là không thể nối ngôi được nữa. Đếm ngón tay ta thấy muốn kế vị Đức Mục tôn nghi hoàng đế, ắt vẫn phải chọn người có chữ lót là Phổ mới được.
Tây thái hậu gật đầu nói:
- Ta đã nghĩ tới điều đó. Trong số người có chữ Phổ trừ con trai Thuần thân vương là Phổ Nghi và con trai Cung thân vương là Phổ Huân ra, là hết. Con của bọn Tải Tuân đã thuộc chi xa, lại còn nhỏ tuổi hơn cả Phổ Nghi. Hơn nữa người như Tải Tuân thực chẳng đáng để trao phó cho đại quyền. Theo ta, thì trong Phổ Nghi và Phổ Huân, hai người ấy nên chọn lấy một. Y ta là như thế, nhưng không biết các vị thân vương nghĩ như thế nào?
Dịch Khuông nghe Tây thái hậu hỏi, vội cúi đầu tâu:
- Đây vốn là việc đại sự quốc gia, tự nhiên đã có Lão Phật gia anh minh quyết đoán, hà tất phải hỏi bọn thân vương có đồng ý hay không đồng ý mà làm gì. Công việc trong tôn tộc, có khác gì công việc ngoài quốc gia, cả hai cũng chỉ là một, xin Lão Phật gia minh xét cho.
Na Đồng cũng tâu lên:
- Lời nói của Khánh vương rất đúng. Y kiến của nô tài cũng y hệt như thế đấy.
Tây thái hậu nói:
- Tuy lời nói đó có lý đấy, song đại quyền vẫn thuộc về hoàng thượng. Ta bất quá chỉ thay thế nhất thời mà thôi. Quyết nhiên lúc này phải là ta hạ lệnh, nhưng trong tương lai chỉ sợ có chuyện xảy ra này nọ đó thôi.
Dịch Khuông vội nói:
- Bất tất phải quá lo xa như vậy. Đến lúc đó, ta hãy giải quyết cũng không muộn.
Giữa lúc Tây thái hậu và bọn đại thần đang còn hội nghị, bỗng một tên nội giám chạy vội vào tâu:
- Hoàng thượng mê đi rồi!
Vừa được tên nội giám chạy đến báo tin cho biết Quang Tự hoàng đế đã mê đi, Tây thái hậu vội vàng cùng bọn Dịch Khuông kéo nhau tới Doanh đài để xem tình trạng hoàng đế ra sao. Nhìn vào thân thể ngài, họ chỉ thấy mặt ngài trắng bệch ra như tờ giấy trắng, đôi hàm răng cắn chặt lại, đôi mắt trợn ngược lên.
Cẩn phi mặt đầy nước mắt vừa xụt xịt khóc vừa lay gọi, Long Dụ hoàng hậu lúc này được báo tin cũng đã chạy tới. Bà nhìn thấy Quang Tự hoàng đế trong tình cảnh như vậy, cũng không khỏi rỏ vài giọt nước mắt.
Tây thái hậu ngồi bên cạnh bảo hai người đừng có hoảng hốt. Bà bảo hoàng thượng đuối sức một lúc sẽ tỉnh lại, chứ không có chi đáng ngại. Một mặt, bà cho một tên tiểu thái giám tức tối đi gọi cả thái y viện tới để chạy chữa. Bọn Dịch Khuông thì ngồi yên lặng tại phía dưới điện Hàm Nguyên chờ đợi.
Chỉ một lát, người ta đã thấy bọn thái y lóc cóc chạy tới, nào dao cầu thuyền thuốc, đầy đủ đồ nghề. Nhưng bọn nội giám sớm đã reo lên:
- Hoàng thượng tỉnh lại rồi! Hoàng thượng tỉnh lại rồi!
Giữa lúc đang mơ mơ màng màng như người đi trong mộng, Quang Tự hoàng đế mở choàng mắt ra, thấy mọi người vây khắp quanh mình, người thì đứng kẻ thì ngồi, bất giác tỏ vẻ lạ lùng bèn hỏi:
- Các người tới đây làm gì vậy?
Cẩn phi ghé sát vào mặt nhà vua khẽ nói:
- Họ tới để hầu hạ bệ hạ đó.
Quang Tự hoàng đế nói:
- Ta khoẻ mà. Hầu hạ làm gì?
Nói đoạn, ngài thở dài một tiếng, quay mình vào trong dỗ giấc ngủ. Tây thái hậu bảo với mọi người:
- Hoàng thượng mê đi vừa mới tỉnh, thần kinh đang thác loạn. Các ngươi không nên nói chuyện với ngài. Cho gọi thái y chẩn mạch cho ngài xem ra sao.
Thế là bọn thái y được gọi lại, chẩn mạch xong, chạy ra phía ngoài hất thuốc, rồi lại chạy vào ngay. Cẩn phi đích thân lo việc sắc thuốc, sau đó đổ cho ngài uống.
Tây thái hậu đợi cho Quang Tự hoàng đế thần sắc trở về nguyên trạng rồi lúc đó mới quay trở về cung. Hoàng hậu và bọn đại thần Dịch Khuông cũng tiến vào cung để vấn an thái hậu rồi mới giải tán, ai nấy về nhà mình.
Quang Tự hoàng đế thấy mọi người đi hết rồi, mới quay mình lại, nhìn Cẩn phi hỏi:
- Bọn họ đi hết rồi ư?
Chỉ hỏi được có mỗi một câu đó, Quang Tự hoàng đế lại đã lên cơn suyễn, tắc họng lại, không thể nói được nữa. Cẩn phi vội nằm sát xuống bên giường, ghé miệng sát vào tai nhà vua mà nói:
- Xin bệ hạ bảo trọng thân thể. Đừng có nói gì, đợi đến khi khỏi rồi hãy trò chuyện.
Quang Tự hoàng đế bèn thò cái tay chỉ có xương và da ra nắm lấy bàn tay ngọc ngà của Cẩn phi rồi nói qua hơi thở khò khè:
- Bệnh tình của ta xem ra khó lành được rồi. Hôm nay tá muốn nói vài câu tối hậu với ngươi.
Cẩn phi nghe đến đây, bỗng đôi dòng lệ chảy ra, ướt cả vạt áo phía trước ngực. Quang Tự hoàng đế khoát nhẹ bàn tay, như ra hiệu thôi đừng khóc nữa, rồi nói tiếp:
- Theo ý ta lúc này thì chả còn gì để phải lưu luyến nữa. Khi đôi mắt nhắm lại, thế là hết, hết sạch. Tiếc thay! Con nối dõi ta không có. Quyền bính đều nằm trong tay mẫu hậu. Khi ta chết rồi, không biết ai là người kế thừa đại thống? Ta thực chưa từng biết. Mà cũng chẳng can dự gì đến ta. Ta cứ im lặng, chẳng nói một câu nào là hơn, cứ để cho mọi việc trôi qua đến đâu thì đến. Ấy thế nhưng, dù sao, ta cũng không thể bình thản được trước mọi chuyển biến. Ta nhớ lại từ khi bước vào cung để thừa kế đại thống, tính đến nay đã hơn ba mươi năm rồi. Suốt trong thời gian lâu lắc này, tuy ta không có công trạng gì nhưng nói cho cùng thì cuộc đời ta cũng đã được an bài. Đến như chuyện quyền chính được rồi mất đó, thực chỉ tại ta quá nhu nhược mà ra. Buồn thay cho ta là từ khi bước chân vào cung, trong không có ai là người tâm phúc, ngoài không có ai là người trung lương phò trợ, muốn phấn phát tinh thần mà làm việc đấy nhưng lại không biết hoạt động vào đâu. Năm Mậu Tuất, có cuộc binh biến. Ta vốn tưởng đem cựu chế mà cải cách một phen, chỉnh đốn lại chiêng trống, phóng động lên một phong trào, huy trương lại nhuệ khí, khiến cho mọi người hăng hái canh tân lại xứ sở. Không ngờ mẫu hậu không lượng tính, giữa đường đánh quy ta, biến ta thành một loại tội tù không hơn không kém. Lần đả kích ta này, quả thực khiến ta vô cùng chán nản. Bởi thế, từ đó ta đâu có còn tha, thiết đến chính sự nữa. Bất luận là chuyện trong hay việc ngoài, ta có thèm mở miệng ra nói một lời nào nữa đâu. Giả thử lúc ban sơ đó, mẫu hậu có nghe theo lời ta, thực hiện theo kế hoạch của ta thì quốc gia này đâu có đến nỗi như ngày nay. Về sau, năm Canh Tý, trải qua một cuộc loạn quyền phỉ, chạy lên Tây An rồi lại trở về, lúc đó mẫu hậu mới tỉnh ngộ cải quả, thì sự đã trễ rồi. Tóm lại mà nói, giang sơn nhà Thanh ta chẳng bao lâu nữa sẽ bị người khác cướp mất đó thôi.
Quang Tự hoàng đế nói đến đây, lại ho rốc lên một hồi.
Cẩn phi nuốt lệ nói:
- Bệ hạ nói ít thôi!
Đợi cho hết ho, dễ thở, Quang Tự hoàng đế thu hết tàn lực lại để cố nói cho được lớn:
- Nay không nói, còn đợi đến lúc nào nữa?
Quang Tự hoàng đế khựng lại một chút để lấy hơi, rồi tiếp để dặn dò Cẩn phi:
- Ta có câu nói khẩn yếu này, muốn nghe hay không, tuỳ ý họ. Nếu ngươi không nói ra, ta sê có tội đối với tổ tiên. Sau khi ta mất rồi, người kế vị chưa được định rõ, trong số mấy người thôi. Song Tải Tuân là người kém tháo vát, nếu giao phó cho đại chính e có chỗ chưa đủ, mất nước là cái chắc! Đến Phổ Tuấn, người đã từng lập làm Đại A Kha, Tuấn hết sức ngu ngốc cầm quyền làm sao được chứ? Lại đến Phổ Nghi? Nghi vào thừa kế đại thống e rằng quá con nít. Chẳng biết khi trưởng thành, Nghi sẽ ra sao. Một đứa con nít lâm trào, cần phải có một người lớn nhiếp chính. Mà cái người nhiếp chính ấy phải chăng là Thuần thân vương Tải Thuần? Hai người có cái tình phụ tử với nhau, tất nhiên việc phụ chính sẽ được tận tâm kiệt sức khỏi phải nói. Song Tải Thuần lại phải cái nhu nhược mà võ đoán. Thuần cũng chẳng phải là người an bang định quốc, lỡ gây ra chuyện bất hảo, ta e rằng quốc gia này sẽ đi đứt do tay y. Theo ý kiến ta thì cái đám Phổ này đều còn nhỏ cả, cần phải có người nhiếp chính, trong khi chúng chỉ làm bù nhìn thôi. Như vậy, thì chi bằng chọn một người kế vị lâm chính ngay trong tầng lớp của ta có hơn không? Chẳng biết mẫu hậu quyết định ra sao?
Trong lúc nói mấy câu trên, Quang Tự hoàng đế mắt nhìn thẳng vào mặt Cẩn phi. Rồi đến khi nói xong, đôi mắt ngài như đứng hẳn lại, có ý chờ đợi một câu đáp của Cẩn phi. Hiểu được ý đó của nhà vua, Cẩn phi bèn gật đầu nói:
- Để thần thiếp tâu lại cho thái hậu rõ.
Nghe được vậy, Quang Tự hoàng đế se sẽ gật đầu rồi nhắm dần mắt lại. Hơi thở của ngài lúc này lại trở nên gấp gáp hơn trước. Cẩn phi cho rằng bệnh tình của ngài xem ra lành ít dữ nhiều. Nàng một mặt thút thít khóc, một mặt nằm nép xuống cạnh giường. Nhân lúc thấy Quang Tự hoàng đế mở choàng mắt ra, nàng ghé vào tai ngài khẽ hỏi:
- Bệ hạ có thấy đỡ phần nào không?
Quang Tự nghe hỏi chỉ khe "ừ" một tiếng và thêm một cái gật đầu như ra hiệu. Cẩn phi lại hỏi tiếp:
- Ví thử bệ hạ có thực mệnh nào, thì bảo thần thiếp phải làm sao?
Nghe xong câu hỏi của Cẩn phi, Quang Tự hoàng đế nhìn thẳng vào mặt Cẩn phi, ngừng một lát rồi mới thì thào nói:
- Ngươi tất phải lo. Khi ta còn sống, bọn chúng tác oai, tác phúc. Rồi đây khi ta chết rồi, một triều đại mới ắt sẽ có một quần thần mới. Bọn chúng cũng chỉ đối với ngươi vậy thôi. Lúc đó, ta e rằng chúng còn phải lo cho mình chưa xong chứ còn lấy thì giờ đâu mà chống đối với ngươi nữa. Ngươi chắc chắn lúc đó còn sướng hơn bây giờ nữa là khác.
Cẩn phi còn muốn hỏi nữa, nhưng Quang Tự hoàng đế xem ra thần trí đã mơ hồ, không nhận định rõ được mọi vật nữa. Cẩn phi thấy hình sắc ngài có vẻ biến thái nhiều rồi, cho nên không dám rời khỏi bên ngài.
Cho mãi đến hửng sáng, Quang Tự hoàng đế thực không còn có thể nói nữa. Ngài chỉ còn biết lấy tay chỉ vào miệng mà thôi. Giờ Thìn, Long Dụ hoàng hậu chạy tới. Vừa nhìn thấy bà, Quang Tự hoàng đế ngước mắt lên vài lượt, rồi bỗng nắm tay lại đấm vào đầu giường mấy cái, tựa hồ như có ý tức giận lắm.
Long dụ hoàng hậu vừa gạt lệ, vừa se sẽ hỏi Cần phi về bệnh tình của hoàng đế. Một lát sau, thái y viện lại đến để chẩn mạch cho ngài. Tuy bề ngoài nói rằng bệnh tình của Quang Tự hoàng đế còn có cơ hội vãn hồi được, nhưng thái y viện đã tâu nhỏ với Tây thái hậu là nên chuẩn bị chuyện hậu sự cho nhà vua đi là vừa.
Lại nói Tây thái hậu ngay từ hôm qua sau khi ở Doanh đài về, bà bỗng cảm thấy khó ở. Tuy đã được thái y chẩn mạch và hết thuốc, nhưng bệnh tình của bà đã từ nhẹ chuyển sang nặng. Do đó, bà không có thể gắng gượng đi đây chạy đó. Cho đến khi nghe nói Quang Tự hoàng đế bệnh nguy, bà tính đích thân mình tới Doanh đài nhưng bị bọn nội giám cung nhân khuyên can nên lại thôi,: mà chỉ sai Long Dụ hoàng hậu qua thăm để xem tình thế bệnh trạng ra sao mà thôi.
Buổi chiều hôm đó, Quang Tự hoàng đế chỉ còn lại có chừng ba phần khí lực. Tây thái hậu tuy lúc đó đầu choáng mắt hoa nằm quỵ tại một nơi rồi, nhưng vẫn còn nghĩ được cách lo liệu hậu sự cho nhà vua. Bà tức tốc truyền lệnh cho triệu ngay bọn quân cơ đại thần như Na Đồng, Thế Tích vào cung để nghị sự.
Lúc này Khánh vương Dịch Khuông đã đi yết Đông Lăng cho nên không có mặt tại triều. Bọn Na Đồng, Thế Tích vào cung thấy Tây thái hậu đầu buộc một cái khăn xanh biếc đang ngồi tựa vào thành giường. Vừa thấy bọn Na Đồng vào, bà liền cất tiếng hỏi:
- Ta định lúc này lập sử đây. Bọn ngươi có ý kiến gì không?
Thế Tích nghe hỏi, vội tâu:
- Hoàng thượng thánh thể không được an. Thái hậu rất nên quyết định ngay đại kế lúc này.
Tây thái hậu sẽ gật đầu nói:
- Ta định chọn một vương tử trong số các thân vương cận chi. Các ngươi nghĩ sao?
Na Đồng lặng thinh, không nói, Thế Tích cúi đầu tâu:
- Ý kiến chọn sử của thái hậu chính như cái tâm của Văn vương chọn hiền. Đấy là việc vô cùng khẩn yếu, và cũng còn là việc vì xã tắc đời sau mà mưu tính. Hiện nay, quốc gia gặp phải lúc hết sức đa sự, thiết tưởng thái hậu cần phải chọn người lớn tuổi mới có thể lâm chính độc lập, mong hữu vọng ở tương lai, không đến nỗi phải giao quyền cho người tá thần. Ý kiến của thần là như thế.
Tây thái hậu nghe xong lời tâu, giơ thẳng cánh tay đập xuống bàn đánh thình một cái, mắt trợn ngược lên, miệng quát lớn:
- Lập sử là một chuyện trọng đại. Ngươi dám nói bậy nói bạ như vậy à?
Thế Tích hoảng hồn bạt vía, vội dập đầu như tế sao, một lúc lâu mà chưa thấy y thôi. Tây thái hậu lại ngó về phía Na Đồng mà nói:
- Còn ngươi? Ý ngươi như thế nào?
Na Đồng bị hỏi, mặt tái xanh lại, tự nghĩ dại gì mà nói khác, để lại phải dập đầu đến trớt trán như Thế Tích. Nghĩ vậy Đồng sẽ cất tiếng đáp:
- Chọn sử là một việc lớn của quốc gia. Xin thái hậu quyết định.
Tây thái hậu chậm rãi nói:
- Nếu vậy, Phổ Nghi, con Thuần thân vương, có được không? Nghi chỉ phải cái con nít quá. Bởi thế, cái người phò tá tất phải chọn lựa một cách thận trọng.
Na Đồng biết Tây thái hậu đã quyết định xong, có tranh luận thêm cũng vô ích. Do đó, Đồng chỉ còn biết thừa thời gian mà tâu thêm vào:
- Dạ đúng thế! Thuần thân vương có tình phụ tử, hơn nữa, còn hiền minh hơn người, rất nên cử để phò tá.
Tây thái hậu nghe câu nói gần với ý mình, bèn nói tiếp: