Hồi này, thế lực của quân tóc dài ở miền nam càng ngày càng mạnh. Hồng Thiên hoàng sau khi cướp được Nam Kinh rồi liền phát một đạo binh đánh Trấn Giang. Bọn quân lính Mãn Châu ở Trấn Giang, chẳng bắn lấy một mũi tên, bỏ thành trì chạy sạch.
Đoàn quân tóc dài lại cướp thêm Dương Châu. Viên tướng thống soái quân tóc dài lúc đó là Lâm Phương Tường.
Tường xung trận rất oai hùng, cướp được một hơi, nào phượng Dương của tỉnh An Huy, nào Quy Đức của tỉnh Hà Nam, lại vượt sông Hoàng Hà chiếm Hoài Nghĩa. Nhưng đến đây, Tường bỗng chuyển hướng, đánh thốc lên tỉnh Sơn Tây, đánh Trúc Lệ, cướp Bình Giá. Tường chiếm Cao Thành, sau đó đánh phá Thâm Châu, rồi dọc sông Vận Hà, đánh lấy cả một dải miền Tĩnh Hải…
Ngoài đạo quân trên, Hồng Thiên hoàng còn sai một đạo quân khác đánh cướp hết các vùng Niêm Tổ, Liêm Trấn, Phụ Thành… Thế là quân tóc dài càng ngày càng xích lại gần kinh đô, quan quân toàn thành cũng như văn võ đại thần được tin tức này ai nấy đều hoảng hốt sợ hãi.
Tiếp sau đó sớ tâu bầy thành trì miền nam thất hãm liên tiếp bay về kinh như bướm. Nơi quân cơ tiếp được công văn, vội đưa vào cung bất kể ngày đêm.
Nhưng lúc đó hoàng đế đang mải mê trong đám váy yếm, chẳng thèm để ý tới triều đình thì biết làm thế nào? Bọn đại thần hoảng hốt lo sợ chẳng biết xoay sở ra sao, chỉ còn cách ngày ngày ngồi đợi ngoài cửa ngọ môn. Họ ngồi đã mỏi đít mòn trôn mà vẫn chẳng thấy thánh chỉ hạ xuống.
Đệ nhất quân Bắc phạt của Hồng Thiên hoàng thắng lợi. Tiếp đó Hồng sai hai chiến tướng Cát Vân Nguyên và Lý Khai Phương điều động lộ quân thứ nhì cũng hướng bắc chinh phạt.
Đệ nhị quân này đánh thẳng một mạch suốt An Khánh, Đông Thành, Thư Thành, những châu quận phồn hoa náo nhiệt nhất, sau đó lại đánh luôn cả Lư Châu. Tuần phủ An Huy là Giang Trung Nguyên chết trận tại Lư Châu. Thanh thế của đệ nhị quân cũng vang dậy trong ngoài. Tiếp theo họ đánh chiếm Lục Hợp, Lâm Thanh, Châu Đường, Cao Châu.
Hiếu Trinh hoàng hậu một mặt cấm chỉ mọi người không được huyên náo, một mặt cho gọi Thôi tổng quản tới. Bà dám chắc chỉ có hắn là biết hoàng thượng nơi đâu. Bà quát bảo trói gô Thôi lại giao cho nội vụ phủ khảo vấn:
- Trước đây, hoàng thượng xuất cung đi chơi, là do chính mi dụ dỗ đưa ngài đi. Ngày nay cũng lại là mi chứ chẳng phải ai khác.
Thôi tổng quản chịu không nổi cực hình, đành phải cung khai ra hoàng thượng đang ở Thiên Phật tự. Nội vụ phủ liền sai áp Thôi tổng quản tới chùa Thiên Phật, quả nhiên tìm thấy hoàng thượng. Hàm Phong hoàng đế hỏi lý do tại sao thì Thôi tổng quản kể chuyện hoàng hậu nổi giận bắt trói hắn đưa tời cho Nội vụ khảo vấn tra tấn. Hoàng đế nghe nói vậy, biết không còn thể giữ bốn chị em nhà mụ Trúc được nữa, bèn ra mặt hồi cung. Đồng thời truyền thả Thôi tổng quản rồi rỉ tai bảo hắn đưa bốn chị em nhà kia ra mé sông ngoài Cấm thành ở tạm.
Hiếu Trinh hoàng hậu thấy hoàng đế về cung bèn quỳ xuống khuyên can. Bà nói:
- Hiện nay, quân vụ biến loạn, hoàng thượng có lo ngày đêm, còn lo chưa xuể. Thế mà tại sao còn tự ý đi tìm vui một mình, gác hết mọi việc triều chính như vậy?
Hoàng đế nghe xong cười khì khì đáp:
- Trẫm nhân việc nước lo phiền, ở trong cung buồn quá, nên xuất kinh vài hôm đi săn đó thôi, nàng hoảng hốt nóng nảy làm gì?
Nói đoạn, ngài bước ra khỏi cung Khôn Minh về ngự thư phòng. Ngài thấy sớ tấu chất trên án thư cao như núi. Cầm lên xem thì toàn những bản tấu cấp báo các nơi thất thủ gọi về. Ngài giật mình vội triệu tập toàn thể vương công đại thần mở Ngự tiền hội nghị bàn tính đến mấy canh giờ liền mới quyết định được một số việc phải làm. Ngài lập tức truyền chỉ phái Binh bộ thượng thư Bảo Thắng đích thân chỉ huy đại quân tới Bình Giã chống một lộ của quân tóc dài lại sai Thân vương Khoa Nhĩ Bí Mông Cổ tên là Tăng Cách Lâm Bị thống lĩnh kỵ binh địch lại một lộ khác ở Liêu Trấn.
Cả hai người đều là chiến tướng, vâng lệnh hoàng đế, hăng hái xuất quân. Chẳng bao lâu, Bảo Thắng quả nhiên đánh bại quân tóc dài, lấy lại một dãy Cao Thành, Tăng vương cũng thu phục được một dãy Phụ Thành. Tăng vương còn dùng kế sách của đạo viên Trương Tấn Tường, phá vỡ đê sông Vận Hà để rót nước vào doanh trại quân tóc dài do Phùng Quang Đồn chỉ huy cho chết chìm hết. Tướng Lý Khai Phương của đoàn quân tóc dài tới đại doanh của Tăng vương đầu hàng.
Tăng vương dùng tù xa nhốt Phương đưa về kinh. Hàm Phong hoàng đế truyền dụ đưa Phương ra trướng bên mé tây thành chặt đầu. Từ đó, quân tóc dài lộ thứ nhất cũng như lộ nhì đều phải trốn về Nam Kinh.
Thấy đất nước có vẻ thái bình rồi, Hàm Phong hoàng đế lại nhớ đến những giây phút mê ly bên người đẹp. Ngài lại ngầm gọi Thôi tổng quản tới hỏi xem bốn chị em nhà mụ Trúc có còn đó không. Thôi tổng quản lắc đầu nói:
- Sau khi hoàng thượng bảo nô tài đưa họ ra ở mé ngoài cấm thành thì ít lâu sau họ đều lấy chồng quan lớn làm phu nhân cả mất rồi.
Hàm Phong hoàng đế nghe nói đành nuốt nước miếng, than tiếc, chứ còn biết làm cách gì hơn. Thôi tổng quản biết hoàng đế trong lòng chẳng thể nào vui được.
Cách mấy hôm, bỗng Thôi tổng quản hí hửng chạy tới trước mặt hoàng đế, khẽ bảo ngài:
- Gần đây nô tài nghe tin ở mé nam thành có một mỹ nhân tên gọi Băng Hoa, lại còn gọi là Cái Nam thành.
Hoàng đế nghe nói, tỏ vẻ ngạc nhiên, liền hỏi:
- Tại sao lại gọi là Băng Hoa?
Thôi tổng quản đáp:
- Chỉ vì nàng ta sắc đẹp như hoa mà tính lại lạnh như băng khiến chẳng ai dám đùa cợt gì. Ví thử có mấy tiên du côn lãng tới trêu ghẹo thì thế nào cũng bị nàng mắng nhiếc đến phải bỏ đi. Do đó, mọi người mới dành cho nàng cái tước hiệu Băng Hoa.
Hoàng đế nghe xong gật đầu, lại hỏi:
- Tại sao lại gọi Cái Nam thành?
Thôi tổng quản tâu tiếp:
- Đó là vì nàng đẹp quá, đẹp có thể trùm lên trên trên hết bọn chị em suốt một dãy cửa Nam thành.
- Đã có thứ người đẹp đến thế thì trẫm phải đi thăm một phen mới được.
Thôi tổng quản vội ngăn lại nói:
- Hoàng thượng nên cẩn thận! Nàng là người đàn bà có chồng. Nhà nàng lại mở một tiệm bán hài đinh ở một đường phố hết sức náo nhiệt, e khó có thể lọt vào tay được.
Hoàng đế nói:
- Trâm không tin, để trẫm đi xem cái đã. Trẫm quyết làm cho Băng Hoa hoá thành Đào Hoa, khiến nàng phải vào cung bầu bạn với trẫm vui ngày đêm mà gây khoái lạc.
Nói đoạn ngài giục Thôi tổng quản thắng ngựa. Ngài cải trang thành một chàng công tử con nhà giàu, lẻn khỏi cung, nhảy lên ngựa. Cùng với Thôi tổng quản, hai người một trước một sau, chạy ra ngoài cửa Nam thành.
Ngài thấy một căn nhà nhỏ mở tiệm bán giày đinh, trong có một gã đàn ông hói đầu, râu quai nón mọc tua tủa, nằm bò trên mặt ghế khâu giày, mà không thấy người con gái nào cả. Hai người đi qua đi lại trước nhà đến mấy lần, cố ý nhìn xem người đẹp đâu, nhưng tuyệt nhiên không thấy nàng ta bước ra, Hàm Phong cụt hứng, chẳng biết làm cách nào, đành tiu nghỉu trở về.
Qua ngày thứ hai, hai thầy trò lại ra đi, cũng không thấy như lần trước. Nhưng lại dò la biết được gã đàn ông hói đầu nọ chính là chồng của nàng ta.
Hoàng đế thở than thành tiếng:
- Một cành hoa đẹp như thế kia mà đem cắm vào bãi cứt trâu!
Qua ngày thứ ba hoàng đế lại đi lần nữa. May thay lần này ngài đã thấy được nàng, may hơn nữa là lần này không thấy tên đàn ông nọ trong tiệm mà chỉ có một đứa gái nhỏ đầu bù tóc rối đang ngồi bên cạnh quay hàng giặt áo mà thôi.
Hoàng đế và Thôi tổng quản nhảy xuống ngựa, nhanh chân bước vào tiệm. Chỉ thấy bùn lầy khắp mặt đất, mùi hôi thối xông lên mùi nồng nặc. Hoàng đế chưa bao giờ tới một nơi ô uế dơ dáy như vậy nhưng chỉ vì gái mà đành phải bước liều vào trong.
Người con gái thấy khách hàng vào vội bỏ cái áo đang giặt xuống, giơ hai tay nước còn nhỏ ròng ròng; một mặt xốc cái cheo áo cao lên, một mặt bước lên nhà trên gọi người bán hàng.
Hoàng đế nhìn mặt nàng, quả nhiên thấy da trắng như tuyết, đôi mày dài cong vút, thật chẳng khác gì một pho tượng Phật Quan Âm. Ngắm đến tay nàng, ngài thấy nó trắng nõn lại mũm mĩm xinh xẻo lạ thường, tuy làm lụng suốt ngày nhưng tuyệt nhiên không có một nếp nhăn hoặc một vết sẹo nào.
Ngài lại nhìn tới thân hình nàng. Thật là một tấm thân vừa phải, không có chỗ chê! Đứng trước pho tượng thiên nhiên đó, vị hoàng đế phong lưu tài hoa nọ mặt thộn ra, mắt gần như không chớp nổi.
Thôi tổng quản giả trang làm một kẻ mua giày bước tới trả giá với nàng. Hoàng đế đứng bên cạnh tha hồ nhìn. Ngài không cầm nổi lòng nữa, bèn lên tiếng nói nhỏ với nàng.
- Ngày hôm trước, tôi có lại đây thăm nàng mà không gặp, vậy nàng đi đâu thế?
Người con gái hình như không nghe thấy, cứ lẳng lãng cúi đầu lựa giày chọn dép cho Thôi tổng quản.
Hoàng đế lại hỏi tiếp:
- Người chồng đầu hói của nàng hôm nay đi đâu?
Đến lần này thì nàng ta đã tỏ ý giận, quay mặt đi chỗ khác, chẳng thèm để ý tới hoàng đế. Ngài đến phút này mật xem ra đã lớn, liền thò tay qua quầy hàng nắm lấy tay nàng.
Nàng bỗng nổi giận như điên, cầm ngay chiếc hài đinh trong tay, thẳng cánh giáng một cái vào mặt hoàng đế. May Thôi tổng quản lẹ tay ngăn được.
Nàng ta giận càng sôi lên, cặp chân mày dựng ngược, kêu ầm lên, cả phố nghe thấy. Dân chúng đổ xô ra đông nghẹt, ai cũng đều mắng chửi:
- Giữa thanh thiên bạch nhật mà dám chọc gái, thật là khốn kiếp! Bọn mình đập bỏ mẹ nó đi!
Thế rồi một kẻ nói đánh hai kẻ nói đánh, cuối cùng cả đám đông quát rầm lên đòi đánh. Thôi tổng quản thấy câu chuyện đâm ra gây cấn, vội tuốt kiếm trong mình ra, đứng chặn ngay trước cửa không cho kẻ nào vào. Đám đông thấy Thôi tổng quản tuốt kiếm lại càng tức, nhất tề quát lớn:
- Thằng khốn kiếp! Cầm đao với tuốt kiếm, mi không còn coi phép nước luật vua ra gì nữa hả? Đánh bỏ mẹ nó đi!
- Đánh! Đánh! Anh em!
Cả một đám đông gậy gộc giơ lên tua tủa xông tới cửa tiệm. Hoàng đế thấy nguy quá rồi, vội nhảy lên mặt quầy hàng, vung đôi tay giật lấy giày đinh, hài đinh treo trên kệ liệng ra ngoài. Một số bị ngài ném trúng lỗ đầu sứt tai, máu chảy lênh láng. Đám đông bên ngoài lại càng tức. Họ lượm những chiếc hài, chiếc giày ngổn ngang dưới đất ném lại.
Hàm Phong hoàng đế hồi thiếu thời đã có luyện qua nghề võ, biết cách tránh né nên đều thoát cả. Trong nháy mắt căn tiệm thì thấy giày hài bay qua bay lại như bươm bướm. Thôi tổng quản đứng chặn cửa nẫy giờ bị ném vỡ đầu, máu cũng chảy xuống xối xả. Thế này mà y vẫn cầm kiếm đâm lia lịa.
Đám đông bên ngoài thấy lưỡi kiếm của Thôi tổng quản quá lợi hại, người nào cũng sợ chết, không dám nhảy vào nữa.
Giữa lúc nguy cấp quá đỗi bỗng nghe tiếng thanh la khua vang, cả bọn la lên:
- May quá! Quan tuần hành ngự sử đã tới!
Tiếng ồn ào bỗng im bặt. Quan ngự sử thấy đám đông đánh nhau vỡ đầu sứt tai, máu chảy lênh láng, nào gậy nào gộc nào dây nào nhợ vứt ngổn ngang, bèn cả giận quát lớn:
- Bắt lấy nó!
Bọn sai dịch nghe lệnh tức thì xông vào, tính cột cổ hoàng đế. Nhưng hoàng đế ngài cứ ngồi ngất ngưởng trên quầy hàng, chỉ nhếch mép cười.
Thôi tổng quản thấy bọn sai dịch xông vào, bèn nhào tới trước kiệu quan ngự sử. Lúc đó ông này mới nhận ra là viên thái giám tổng quản trong cung. Được Thôi tổng quản thì thào mấy câu, quan ngự sử cuống quýt nhảy xuống kiệu chạy vội vào tiệm, quỳ mọp dưới chân quầy hàng chắp tay lạy. Đám đông dân phố thấy vậy, biết là tai vạ tày trời đã tới, anh nào anh nấy tháo chạy tán loạn.