Đêm càng khuya canh càng vắng. Người con gái lấy tay kéo vạt áo Nga đứng dậy bước đi. Không hiểu tại sao, Nga đứng dậy ngoan ngoãn bước theo. Hai người một trước một sau, bước vào gian phòng có màn lụa trướng thêu, có kính quý lược ngà, có gối êm nệm ấm, khiến kẻ gan lim dạ sắt cũng phải lạc phách tiêu hồn.
Người con gái tỏ ra vô cùng tình tứ. Nàng giúp Nga cởi bỏ áo ngoài rồi đưa chàng lên giường nằm nghỉ. Nàng cũng tự thay bộ quần áo ngủ mỏng tanh, chui vào chăn, kề đầu mặt má bên cạnh chàng, để mùi thơm phưng phức xông vào mũi chàng. Không còn cầm lòng được nữa, Nga quay mình ôm ghì người con gái vào lòng…
Giữa lúc chàng đang mê đắm tận hưởng khoái lạc, bỗng có một tiếng xẹt ngoài cửa sổ rồi một đại hán nhảy vụt vào phòng. Hắn trước hết giơ tay cướp lẹ chiếc áo dài có đeo đạo kim phù của Dân Nga rồi mới quay mình lại, tay cầm cây cường đao sáng quắc đâm thẳng về phía hai người. Nga vội đẩy mạnh người con gái đang ôm trong lòng bật văng ra xa, quát lên một tiếng: "Mau!". Bỗng từ trong miệng chàng, không biết bao nhiêu là "kim xà"(1) bay vun vút về phía tên đại hán.
Từ ngoài cửa sổ, bốn, năm tên đại hán khác, tay đều cầm bảo kiếm, nhảy vào vây lấy chiếc giường buồng màn gấm, tấn công ráo riết. Chẳng ngờ kim xà bắn ra hết sức lợi hại, khiến đao kiếm của bọn đại hán gần như trở thành vô dụng. Bọn sát thủ thấy đánh mãi khó bề thắng nổi bèn phát lên một tiếng "Rút!", tức thì cả bọn nhảy vù ra, chạy trốn mất dạng.
Bọn chúng về cung tâu Ung Chính hoàng đế. Ung nghe nói lấy làm lạ vội hỏi vị quốc sư, quốc sư nói:
- Đó là Linh Xà trận của Bà La Môn giáo. Bệ hạ yên tâm. Phàm học môn Linh Xà trận này, phải thề với đất trời là không được tham phú quý cõi nhân gian. Xét ra Dân Nga quyết không có ý phản nghịch đâu mà ngài lo.
Ung Chính nghe lời vị quốc sư nửa tin nửa ngờ. Mãi về sau, nhân lúc Nga bị bạo bệnh, mất hết nội lực, ngài cho đi bắt về giam trong lao, dùng độc kiếm hạ thủ. Trước khi chết Nga còn đấu với bọn lực sĩ ba ngày liền, giết luôn một hồi ba tay kiếm khách của Ung Chính.
Nhổ được cái đinh trong mắt rồi, từ đó Ung Chính mới thấy lòng khoan khoái. Chẳng ngờ chưa được mấy hôm ngài lại được tin cấp báo từ biên cảnh về, nói La Bốc Tàng Đan Luật miền Thanh Hải dẫn dụ Đại Lạt ma Sát Hãn Nặc Môn, nhè giữa lúc thế tôn mới đăng vị, nơi cung đình có nhiều biến cố, thừa cơ tạo phản. Trước hết La Bốc sai người tới khuyên Quận vương Nhan Nhĩ Đức Ni và Thân vương Sát Hãn Đan Luật, để hai người cùng cất binh đánh thốc vào quan nội nhưng hai vị vương này không nghe. La Bốc nổi đoá, liền điều động binh mã tới cưỡng ép hai vị vương phải xua quân đánh Thanh triều. Thấy tiến thoái vô lộ, hai vị vương chỉ còn cách viết văn thư cáo cấp về Bắc Kinh.
Ung Chính hoàng đế xem văn thư, lòng do dự chưa quyết, bỗng viên nội thị chạy tới báo có quốc cữu Long Khoa Đa xin vào bệ kiến. Hoàng đế nói luôn mấy tiếng.
- Xin mời vào.
Khi hai người gặp nhau, Ung Chính nói:
- Quốc cữu tới thật đúng lúc quá!
Nói đoạn, ngài bèn cầm tờ văn thơ cáo cấp nơi quan ngoại đưa cho Đa. Đa xem xong liền nói:
- Thần cũng vì việc này mà tới. Bệ hạ há chẳng thường nói đến công lao phò trợ của Miên Canh Nghiêu mà chưa từng báo lại, chẳng thường bảo Dân Đê chinh chiến bao lâu, rất được ai nấy quan tâm, đáng nên lo ngại đó sao? Hơn nữa, khi còn làm quận vương, bệ hạ chiêu nạp rất nhiều hảo hán, nuôi họ trong phủ, nay việc lớn đã thành, bọn họ cậy mình có công thường hoành hành bất pháp chốn kinh thành, chẳng ra thể thống gì cả. Nhân dịp biên quan có biến, chi bằng hệ hạ xuống một đạo chỉ dụ phong Dân Đê làm Phủ viễn đại tướng quân, Miên Canh Nghiêu làm phó tướng quân, còn bọn anh hùng hảo hán chiêu nạp trước đây, cũng đều phong cho họ làm quan võ rồi giao cho Miên Canh Nghiêu đem theo ra Thanh Hải, như thế tất tránh được chuyện gây rối làm bậy nơi kinh kỳ.
Ung Chính hoàng đế nghe xong, bèn nói:
- Kế tuy hay đấy nhưng hiềm nỗi lão Miên kia đã từng gian khổ bao năm mà chỉ cho y làm phó tướng, e rằng bẽ mặt y quá Lại nữa, cho Dân Đê làm đại tướng quân, sợ rằng thế lực hắn thêm lớn, khó có thể chế phục được sau này. Còn bọn anh hùng hảo hán cũng chẳng chắc gì giữ nổi họ được mãi nơi Thanh Hải, rồi đến một ngày nào đó trở về họ vẫn tính nào tật ấy, tình trạng đâu có hơn gì ngày trước.
Long Khoa Đa nghe xong, cười nói:
- Bệ hạ khỏi lo. Thần đã có dụng ý ở chỗ này…
Sau đó, Đa ghé sát tai Ung Chính thì thầm nói về dụng ý của mình. Ung Chính bất giác vỗ tay đánh đét khen hay và gật đầu lia lịa tỏ ý phục Đa.
Qua ngày sau, Ung Chính hoàng đế toạ trào, phong Dân Đê làm Phủ viễn đại tướng quân, Miên Canh Nghiêu làm phó tướng quân, đi chinh tiễu quan ngoại. Mặt khác ngài cho gọi Ngạc Nhĩ Thái cất mật dụ trong tay áo, tới gặp Miên Canh Nghiêu dặn Nghiêu y kế thi hành như vậy… như vậy…
Miêu Canh Nghiêu nhận mật dụ, suốt mấy ngày liền tập hợp bọn giang hồ hảo hán, cắt cử họ, kẻ thì làm phó tướng, kẻ thì làm tham tán, kẻ thì đô thống, đô đồng, thiên tổng, bá tổng, đủ cấp quan lớn quan nhỏ trong quân ngũ.
Bọn hảo hán được làm quan, anh nào anh nấy khoái trí lắm, diễu võ dương oai, vác kiếm vác đao đi. Khi tám vạn đại binh đã đủ số, Ung Chinh hoàng đế truyền lệnh cho phó tướng đem quân mã đi trước. Đến hôm xuất quân, nhổ lều trại lên đường, đấng thiên tử đích thân ra khỏi thành tiễn đưa. Thế rồi ba tháng hành quân liên miên không ngừng, đại binh đã tới biên cảnh Tứ Xuyên, hợp nhất với bốn vạn quân nữa của phó tướng Nhạc Chung Kỳ, rồi mới ùn ùn kéo thẳng ra Thanh Hải cự địch.
Hai tháng sau, khi tướng Nghiêu đã vạn dặm nơi sa trường rồi, Ung Chính hoàng đế mới cho Dân Đê xuất binh, mang ấn tướng đại soái, đem theo một trăm thân binh, mặc áo thường, bỏ bớt đồ nhu tòng, gấp rút lên đường. Đê tới Tứ Xuyên, được tin Nghiêu đã xua quân ra quan ngoại, trong lòng rất lấy làm nghi hoặc, tự nghĩ sao phó tướng không đợi quân lệnh của đại tướng mà lại tự ý xuất binh. Giữa lúc phân vân buồn bã, Đê bỗng được báo có thánh chỉ tới. Đê vội bày hương án đón nhận.
Một thái giám tuyên đọc.
"Phủ viễn đại tướng quân, lập tức miễn chức, Ấn thụ đại tướng giao lại cho Miên Canh Nghiêu, được phong làm Phủ viễn đại tướng quân, Nhạc Chung Kỳ làm tham tán".
Dân Đê nghe thánh chỉ xong, quay đầu lại sau, thì đã thấy ông tướng Miêu Canh Nghiêu quỳ cạnh mình từ lúc nào để tiếp chỉ. Đến lúc đó, Đê mới rõ hoàng đế đã dùng kế điệu hổ ly sơn để diệt trừ đối thủ. Quân đội hiện không còn ở bên mình, binh quyền lại đã mất vào tay kẻ khác, thử hỏi Đê còn biết làm cách nào hơn mà không, trao trả ấn tín, phất tay áo ra đi? Đê đã trở thành người không quyền không thế, do đó hành tung của Đê chẳng ai thèm để ý tra hỏi tới nữa.
Sau chuyện này ít lâu, người ta thấy ở thành Quảng Đông tại chợ Châu có một ngôi hàng buôn bán của chủ nhân người họ Lương lâu nay buôn thua bán lỗ, vốn liếng gần tới chỗ khánh kiệt. Từ ông chủ tiệm cho tới bọn làm công, cả nhà đều buồn rười rượi, ngồi so ro suốt ngày trong tiệm, chẳng biết làm cách nào hơn. Năm hết tết đến chủ nợ kéo tới đòi tiền gây gổ om sòm. Ông chủ họ Lương suốt ngày thở vắn than dài, Buồn quá, ông bèn bảo tên gia nhân ra bờ sông chiêu thần tài cầu may.
Nguyên lai, theo tục lệ của bọn con buôn tỉnh Quảng Đông thì mỗi khi buôn bán thua lỗ, họ ra bờ sông trồng một cây cờ phan, trên ngọn treo một chiếc đèn đỏ gọi chiêu thần tài.
Gia nhân nhà họ Lương vừa mới trồng cây cờ phan ngoài bờ sông và chưa treo xong chiếc đèn đỏ thì đã thấy một chiếc thuyền hàng lớn ghé vào đỗ lại. Từ trên mũi thuyền, một người ăn mặc kiểu nô bộc, mũi lớn như mũi trâu, nói tiếng Bắc Kinh, bước xuống tìm hỏi ông chủ quán có nhà không. Ông chủ họ Lương vội vàng chạy ra, kế đó lếch thếch theo lên chiếc thuyền hàng vừa mới đô bến. Ông chủ họ Lương thấy một người đàn ông vào trạc trung niên, mặt mũi khôi ngô, cử chỉ đàng hoàng, tự xưng là họ Kim, cất tiếng nói:
- Chuyến này tôi có đem theo rất nhiều trà, quả, hàng hoá từ Bắc Kinh tới Quảng Đông để bán nhưng tìm mãi mà chẳng ra nhà quen. Nay thấy cửa hàng ông treo đèn đỏ cầu thần tài nên tôi vội tới để nhờ ông giúp cho một việc.
Ông chủ họ Lương thấy thuyền của vị khách thương họ Kim chất hàng cao như núi, trị giá ra cũng bốn năm chục vạn lạng bạc thì đâu có dám tính đến chuyện mua bán. Thành Quảng Đông hồi đó thiếu nhiều hàng miền bắc cho nên ông ta nghì nếu mua được thuyền hàng này thì nhất định đại phát tài.
Nhưng ông tự nghĩ minh làm gì có tiền mà mơ ước. Nỗi băn khoăn tiếc nuối hiện rõ trên nét mặt ông. Người khách thương họ Kim đoán biết niềm tâm sự của ông bèn nói:
- Tôn ông không có vốn, chuyện đó cần gì. Trong thuyên tôi hiện có tới bốn mươi vạn lạng bạc hàng. Tôi tạm gửi ông, để nhờ ông bán dần cho. Tôi không cần ông trả nửa đồng kẽm nào bây giờ đâu. Tôi đợi tới ngày này năm sau sẽ kết sổ tiền hàng cũng chẳng muộn!
Lương chủ nhân nghe ông khách nói vậy, sung sướng đến phát điên lên. Ông chắp tay vái dài, miệng cảm tạ rối rít, cho dọn một bữa rượu thịnh soạn để khoản đãi khách quý, đồng thời thuê phu bốc hàng về nhà. Ông khách họ Kim ăn xong nói gọn một câu: "Chẳng dám phiền", rồi bước lên thuyền đi luôn.
Thế là từ đó, ông chủ tiệm họ Lương trở thành người bán giùm hàng cho vị khách thương phương bắc. Không đầy nửa năm, tất cả hàng hoá đều bán hết sạch, lời lãi lên tới mười vạn lạng bạc. Ông đem một ít lời ra làm vốn mở phố sinh lợi, còn bao nhiêu thì đợi ông khách quý trở lại thanh toán. Ngày tháng qua mau năm lại sắp hết. Ông chủ tiệm họ Lương cho quét dọn nhà trên nhà dưới, sửa soạn tiệc rượu. Hôm đó ông khăn đóng áo dài, đợi khách.
Đêm hôm đó, quả nhiên ông khách quý tới nơi, mười chiến thuyền lớn đậu thành hàng ngoài bến trước tiệm, thuyền nào thuyền nấy đầy ắp đủ thứ hàng nam, hàng bắc, lại còn cả sâm, quế, nhung, yến, không thiếu vị nào. Người khách bước lên bờ, vừa trông thấy ông Lương là tay bắt mặt mừng, tươi cười vồn vã, cất giọng nói:
- Lần này, tôn ông nhất định phải bận lắm rồi đấy. Thuyền của bọn tôi hiện có đến bốn trăm vạn lạng bạc hàng. Tôn ông phải nghĩ cách bốc ngay hàng về kho đi.
Lương chủ nhân một mặt đon đả mời ông khách quý đánh chén, một mặt triệu tập hết bọn thương gia toàn thành lại để bàn tính việc bốc và chứa hàng. Thế rồi trong chốc lát, năm bảy trăm phu khuân vác đã tề tựu đông đủ. Tiếng "dô ta", tiếng hò hát vang động khắp mấy khu phố.
Ông Lương ngồi hầu rượu khách quý, đến lúc cơm no rượu say rồi mới khệnh khạng bưng một chồng sổ sách ra để mời khách kết toán. Ông khách đẩy chồng sổ sách sang bên, bảo Lương:
- Thôi, tôn ông tính đúng rồi, hà tất phải xem lại, hãy để đó bán sau.
Nói đoạn, ông khách đứng dậy, cáo từ rồi đi luôn. Lúc từ biệt, ông khách còn dặn thêm:
- Chuyến này, xin hẹn ba năm sau, tôi sẽ lại tính toán sổ sách tiền nong với tôn ông. Bây giờ chẳng gấp gì!
Nói vừa dứt, ông khách nhẩy lên thuyền, nhổ neo giong buồm, thuận gió như bay, chẳng bao lâu đã mất dạng.
Ông chủ tiệm họ Lương sau khi tiễn đưa ông khách kỳ lạ lên đường rồi, đem hết tài ba ra kinh doanh. Tiệm ông càng ngày càng phát đạt. Không đầy ba năm, mười chiếc thuyền hàng lại đã bán xong, ông lại khăn đóng áo dài ngồi đợi khách.
Rồi một hôm, vào đêm trừ tịch, ông khách kỳ lạ kia lại tới. Vừa thấy chủ nhân, ông khách đã tươi cười chào hỏi. Ông Lương cho dọn rượu và trình bày với khách việc mình buôn bán hàng hoá thế nào.
- Số hàng của tôn ông đã bán xong, hiện được lời trên sáu trăm vạn lạng bạc. Số tiền đó hiện gửi tại các ngân hàng tỉnh Quảng Châu. Vậy xin tôn ông cho biết tôn kiến ra sao.
Người khách nghe xong, liền nói:
- Hãy đem số tiền chia đôi: một nửa gửi vào ngân hàng Đức Dụ tại Hán Khẩu, còn một nửa vẫn để lại Quảng Châu, sau này sẽ tính.
Lương chủ nhân được lệnh của ông khách lập tức tới các ngân hàng để lo liệu mọi việc cho xong.
Chẳng mấy ngày lại đã mồng năm tháng giêng. Ông khách lần này ở lại tiệm ông Lương, bên cạnh chỉ có một tên gia nhân. Tuy ngày nào cũng như ngày nấy khách được chủ nhận cung phụng nào cơm ngon canh ngọt, nào rượu nồng dê béo, nào cao lương mỹ vị nhưng khách vẫn cảm thấy nỗi cô đơn lạnh lẽo trong những đêm trường vắng lặng nơi đất khách quê người.
Chú thích: (1) Tên gọi một loại vũ khí rất nhọn và cực độc.