"Trẫm nhuốm cấp bệnh, tự biết mình khó lành. Tứ hoàng tử Hoàng Lịch tỏ ra rất hiếu thảo đối với trẫm, sẽ lên kế vị hoàng đế. Khâm thử".
Khi Ngạc Nhĩ Thái đọc di chiếu, Bảo Thân vương quỳ dưới điện. Chiếu vừa đọc xong, tức thì có một đội thị vệ, cung nữ và thái giám cầm nghi trượng trên tay, đi dần xuống thềm, rước vương lên trên điện, đổi long bào, đội mũ đại mão cho vương rồi rầm rầm rộ rộ đưa vương lên ngai vàng. Phía dưới thềm, các đại thần đồng thanh, bò rạp xuống đất hành lễ, hô vang "Vạn tuế!"
Tân hoàng đế hạ chi, đổi niên hiệu là Càn Long nguyên niên, đại xá thiên hạ, một mặt phát táng Đại hành hoàng đế, một mặt ngầm hạ mật chỉ cho Sử Dĩ Trực tìm kế truy bắt hung thủ, bí mật xử chết.
Trực vâng mật chỉ, cho trinh thám đi khắp nơi truy lùng nhưng có lẽ hung thủ thấy đại thù đã báo, bèn rời xa kinh thành vào nơi thâm sơn cùng cốc, tiêu dao tự tử lâu, thử hỏi Trực làm cách nào lùng cho ra được nữa chứ!
Ta hãy kể lại chuyện Lã Tứ Nương trả thù Ung Chính hoàng đế. Nàng theo Cầu Nhiêm Công ngụ trong thành Bắc Kinh, có Ngư Nhương làm bạn. Ngoài ra còn có Chu Dung Kính, nhân vì không thể rời xa nên đành theo lên kinh với nàng. Cảm ân tình của chàng, nàng hứa sau khi báo được thù nhà, sẽ cùng chàng chắp mối lương duyên. Đối với Ngư Nhương, Dung Kính cũng đối đãi hết sức kính trọng và luôn sẵn lòng giúp đỡ. Thường thường, ba người ngồi trò chuyện với nhau trong nhà, khi nói khi cười, người ngoài nhìn vào cứ tưởng như Cầu Nhiêm Công có một cậu trai, một cô gái và một cô con dâu, mà không bao giờ có thể nghi ngờ gì khác được Công thấy nhà mình quá rảnh rỗi, sợ có kẻ dị nghị, bèn mở một tửu quán. Rượu ngon, thịt béo, cả bọn quan viên, thái giám, thị vệ trong thành cũng hay lui tới. Nhờ đó, Công mới dò ra được đường xá trong cung cấm qua miệng họ, để Lã Tứ Nương và Ngư Nhương, hai người cứ đêm khuya canh vắng, vượt tường vào cung. Họ thấy cung điện lâu đài san sát, tường góc chênh vênh, ngói vàng rực rỡ khiến tìm kiếm mãi vẫn chẳng thể biết được tẩm cung của hoàng đế ở chỗ nào. Nhưng đã tới, hai người quyết chẳng chịu về không. Nhờ bản lĩnh chạy tường bay mái, hai nàng xông qua bắc rồi vọt sang tây, chỗ nào cũng đặt chân tới. Bọn thị vệ, thái giám chỉ thấy hai đạo bạch quang bay đi bay lại khắp trong cung, như đã kể trên. Sợ hỏng mất đại sự, Công khuyên hai nàng hãy nhẫn nại, để dò xem chỗ nào đích là nơi ở của Ung Chính hãy động thủ. Vì vậy, hai nữ hiệp lại im hơi bặt tiếng một thời gian. Trong cung cấm nhờ đó cũng được yên ổn một dạo.
Cũng một phần vì sự yên ổn giả tạo đó mà Ung Chính hoàng đế thiên cư sang vườn Viên Minh. Lã Tứ Nương cùng Ngư Nhương đem theo lương khô, ẩn nấp trong những khu hẻo lánh nhất trong vườn, dò la tin tức về Ung Chính. Thế rồi cũng có lúc hai nàng nghe lỏm được bọn cung nữ và Thái giám trò chuyện, biết rằng Ung Chính ngày ngày ở lại thư viện Bích Đồng để duyệt xét mọi việc quốc sự. Thật là cơ hội trời cho. Hằng đêm hai nàng chia nhau đi dò la đường sá.
Cuối cùng, đã thuộc làu mọi đường đi lối lại, cổng ra ngõ vào trong vườn. Lúc đó chính là dịp để hai nàng trổ tài hiệp khách để hạ thủ kẻ tử thù. Và đã thành công.
Hôm đó, hai nàng nữ hiệp mang theo muộn hương (tức mê hồn hương) cho nên khi Ung Chính hoàng đế bị chặt đầu thì bọn tả hữu thị vệ cũng đều bị mê man khắp lượt, lăn quay dưới đất cả. Lã Tứ Nương cắt xong đầu Ung Chính, muốn đem về tế trước bàn thờ cha và ông nội, nhưng Ngư Nhương can bảo:
- Chị làm như vậy chỉ giúp bọn chúng tìm ra tung tích. Bỏ nó lại là hơn!
Nói đoạn, Ngư Nhương cầm chiếc đầu lâu nhét vào trong quần Ung Chính hoàng đế. Hai người nhìn nhau đắc ý mỉm cười. Rồi như một cặp nhạn, hai nàng uốn mình nhảy lên mái ngói, phóng đi, chỉ còn thấy hai cái bóng trắng mờ dần trên các nóc điện, trong vườn Viên Minh.
Cầu Nhiêm Công lập tức cho cởi dây khai thuyền. Khi bọn Ngạc Nhĩ Thái biết được tin chạy vào tới vườn Viên Minh rồi bao chuyện xảy ra tiếp theo, thì thuyền của Lã Tứ Nương xuôi gió thuận buồm, đã vượt khỏi địa phận Bắc Kinh hướng về nam mà lướt tới.
Chuyện kể cũng kỳ lạ. Khi Lã Tứ Nương chưa báo được thù cha thì lúc nào cũng mặt ủ mày chau, áo xô phấn nhạt, nhưng khi đã báo được thù rồi thì cười nói suốt ngày, nào xiêm áo, nào phấn son, đẹp ra trông thấy.
Chu Dung Kính mừng vui khôn tả, suốt ngày đêm trong đầu chỉ nghĩ tới chuyện trăm năm với nàng.
Thuyền trẩy tới địa phận tỉnh Hồ Nam, Cầu Nhiêm Công đưa Dung Kính về nhà. Phụ thân của Dung Kính gặp lại con, mừng như sống lại. Dung Kính nói với cha việc xin cưới Tứ Nương làm vợ. Cầu Nhiêm Công liền đứng ra làm chủ hôn, chọn ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ làm lễ cưới.
Ngày vui ngắn chẳng tầy gang, vừa mấy chốc đã một tháng trôi qua, Cầu Nhiêm Công muốn cáo từ ra về. Cha con Chu Dung Kính cố giữ lại mà không được. Lã Tứ Nương nói:
- Vợ chồng con nhờ sư phụ chu toàn nên mới có ngày nay. Sư phụ lên đường, chúng con xin tiễn đưa về mãi Tứ Xuyên.
Chu Dung Kính cũng nói:
- Phải đấy! Phải đấy!
Ngư Nhương quyến luyến, không muốn rời xa Tứ Nương. Nàng nhớ tới ngày cha bị hại mà thê thảm trong lòng. Cha chết, nhà không có, biết về đâu? Càng nghĩ nàng càng buồn, bất giác đôi dòng lệ tuôn rơi lã chã. Lã Tứ Nương hết lời khuyên giải và an ủi nàng, Cầu Nhiêm Công cũng nhân đó nhận nàng là con và hứa chăm sóc cẩn thận nàng mới nguôi ngoai được.
Bốn người lại bắt đầu cuộc hành trình. Lần này, thuyền ngược sông Trường Giang. Dọc đường, cảnh núi non hùng vĩ sông nước long lanh, cây cỏ tốt tươi, làm cho mọi người đều khuây khoả nỗi sầu ly biệt.
Thuyền đã tới địa phận Tứ Xuyên. Nơi đây núi non hùng vĩ, hiểm trở hơn. Bốn người bỏ thuyền lên ngựa, theo đường bộ. Vừa tới núi Ngũ Lão, dừng ngựa trên đồi cao, họ bỗng thấy từ phía chân đồi có một ông lão với một chàng thanh niên đang cho ngựa thong thả bước ra. Ngư Nhương nhanh mắt, nhận ra ngay ông lão đó chính là Ngư Xác, cha nàng. Nàng vội ra roi quất ngựa chạy tới trước cha. Hai cha con chỉ biết ôm nhau khóc ròng.
Cầu Nhiêm Công và vợ chồng Lã Tứ Nương sau đó cũng đã tới Hai bên thi lễ. Khi hỏi ra, Công mới biết rằng kẻ bị Lưu Thành Thuỷ bắt chém chi là một tên vô lại địa phương, còn Ngư Xác thì được Thuỵ cảm cái lòng nghĩa khí mà ngầm tha, song hứa là phải biệt tăm tích, đổi họ thay tên. Nay thấy Ung Chính đã chết, Ngư Xác mới thong dong xuất hiện thế này. Cũng có lần Ngư Xác nhớ con, tìm tới Cầu Nhiêm Công nhưng không gặp vì Công đã đem Ngư Nhương đi Bắc Kinh rồi.
Lòng trời run rủi, hôm nay cha con lại gặp nhau, thật là vui mừng ngoài ý muốn. Ngư Xác tạ ơn công lao dạy dô con gái mình của Cầu Nhiêm Công, chúc mừng Lã Tứ Nương đã trả được đại thù, lại còn đẹp duyên với người chồng vừa ý.
Năm người chuyện trò vui vẻ, mãi sau Ngư Xác mới sực nhớ bèn giới thiệu cho họ biết người đi cùng ông là ai. Chàng họ Đặng, tên Vũ Cửu, người Tứ Xuyên, vốn là một vị đại tài chủ chuyên kết giao những tay anh hùng, hào kiệt. Ngư Xác hiện cũng đang được Đặng Vũ Cửu mời ở lại Đông trang, là một thôn trang ở ngay dưới chân núi Ngũ Lão, có tới hai ba trăm nóc nhà và nuôi đến năm, sáu trăm môn khách. Cửu cũng biết đôi chút võ nghệ, tuổi năm đó đã ba tám, còn có mẹ già, chưa lấy vợ. Cửu lập chí từ lúc thiếu thời, quyết lấy cho kỳ được người vợ tài mạo song toàn, bởi thế chàng chọn kén mãi tới nay mà chưa tìm được người như ý.
Hôm đó, Đặng Vũ Cửu sai bày tiệc rượu, thết đãi hai cha con nàng Ngư Nhương và ba thầy trò, vợ chồng nàng Lã Tứ Nương. Rượu đến giữa chừng, nhân nói tới võ nghệ của Ngư Nhương, Cầu Nhiêm Công liền bảo nàng múa một bài kiếm giúp mọi người hạ tửu. Ngư Nhương vâng lời sư phụ liền cởi bỏ áo ngoài, vung cặp uyên ương kiếm lấp loáng, vụt bên đông, chém bên tây. Kiếm múa càng lúc càng nhanh, mọi người chỉ còn thấy một vầng ánh sáng lăn bên này, lộn bên kia trong luồng gió kiếm vù vù nghe lạnh người.
Đặng Vũ Cửu xem thấy mê quá, nhịn chẳng được bỗng thốt lên một tiếng: "Tuyệt quá!". Tiếng khen vừa dứt thì đạo bạch quang cũng vừa phóng tới sân như một mũi tên bắn. Ngư Nhương đã thu kiếm, miệng cười tươi như hoa nở, thong thả ngồi lại vào bàn.
Mọi người trên bàn tiệc đều nâng cao ly rượu, hướng về phía Ngư Nhương cùng nói "Cung hỉ" rồi một hơi cạn chén. Bữa tiệc quả là vui hiếm có. Chủ cũng như khách, hai bên sướng ẩm mãi tới khuya mới tan.
Đêm hôm đó, Ngư Nhương đưa cha vào phòng an nghỉ rồi cũng kiếm một chỗ ở góc phòng để được ngủ gần cha mà hầu hạ khi cần. Chu Dung Kính cùng với Lã Tứ Nương, được dành riêng một phòng, còn Đặng Vũ Cửu đưa Cầu Nhiêm Công về phòng mình. Hai người lại đề cập tới võ nghệ của Ngư Nhương.
Đặng Vũ Cửu coi chừng, thấy trong phòng không còn ai, bèn đứng dậy, chắp tay lạy Cầu Nhiêm Công rồi ngỏ lời xin Công đứng làm mai cho mình cưới nàng Ngư Nương làm vợ, Cầu Nhiêm Công nghe đoạn, vừa lấy tay vỗ vào ngực mình vừa tươi cười bảo:
- Việc gì chớ cấu hôn thì cứ việc tin tưởng vào lão hán này!
Qua ngày hôm sau, quả nhiên Cầu Nhiêm Công tìm Ngư Xác để nói chuyện mai mối. Ngư Xác vui lòng lắm nhưng ông vẫn do dự:
- Cha con tôi xa nhau đã lâu, thực không rõ lòng dạ cháu nó ra sao bây giờ.
Cầu Nhiêm Công liền cho gọi Lã Tứ Nương tới, nói cho nàng rõ chuyện rồi nhờ nàng dò ý Ngư Nhương. Tứ Nương chạy về phòng, trước hết bảo chồng đi chỗ khác, rồi mới kéo tay Ngư Nhương ngồi xuống bên giường, thì thầm to nhỏ chuyện Đặng Vũ Cửu cầu hôn và cha nàng đã tỏ ý bằng lòng, tiếp đó, hỏi thẳng Ngư Nhương sẽ định liệu thế nào?
Ngư Nhương thoạt nghe chuyện vợ chồng, xấu hổ quá, chẳng nói được lời nào. Về sau bị Tứ Nương gặng mãi, nàng bất giác nhỏ đôi hàng lệ. Tứ Nương vội hỏi thì nàng nói:
- Chỉ vì ở mãi quen rồi, em chẳng muốn bỏ chị mà đi. Em chẳng muốn lấy ai, cứ ở chung với chị, như thế có, hay không?
Lã Tứ Nương phì cười, lấy tay vỗ nhẹ vào má Ngư Nhương một cái rồi bảo:
- Con bé này, nói chuyện trẻ con? Chị của em đã lấy chồng rồi. Lấy chồng thì phải theo chồng chứ, ở mãi với nhau sao được?
Ngư Nhương lắc đầu không chịu. Lúc sau mới nói:
- Nếu anh chàng Đặng đã có lòng như thế thì chị hãy bảo hắn theo chị em mình về Hồ Nam cùng ở.
Tứ Nương nghe xong lại vỗ vai Ngư Nhương, cười nói:
- Em chỉ đùa thôi! Lẽ nào lại bắt người ta phải bỏ gia tài điền sản để theo bọn mình tới Hồ Nam hóng gió tây bắc được?
Như Nhương vênh mặt lên nói:
- Nếu không chịu thế, em chẳng lấy chồng đâu!
Giữa lúc Tứ Nương đang không biết khuyên giải ra sao, bỗng Chu Dung Kính từ sau giường nhô ra, vỗ tay cười vang:
- Chị không bỏ được em, em không bỏ được chị. Đến tôi cũng chẳng thể bỏ được cô em Nhương nữa. Vậy thì để tôi đem hết dinh cơ Hồ Nam lên núi Ngũ Phong mà ở để cho hai chị em nhà này được sớm tối gặp nhau. Lúc đó hẳn cô em Nhương sẽ chịu lấy chồng chứ gì?
Ngư Nhương lườm Kính một cái thật dài rồi mới nói:
- Em chẳng chịu đâu! Can gì tới anh mà anh nói? Vợ chồng anh cũng một lòng với nhau để bắt em lấy chồng phải không? Em nhất định không lấy, xem làm gì em nào?
Lã Tứ Nương còn nói không biết bao nhiêu điều, nào là ưng chịu đem cả gia tài tới Tứ Xuyên, nào là mãi mãi ở chung với nhau, lúc đó xem chừng Ngư Nhương mới xiêu lòng phần nào, nhưng miệng vẫn không chịu nói. Nàng cúi gằm mặt xuống, tay mân mê chiếc khăn tay màu hồng nhạt. Chu Dung Kính đưa mắt cho Tứ Nương, chỉ tay ra hiệu vào chiếc khăn hồng.
Tứ Nương hiểu ý liền giật chiếc khăn rồi đưa lẹ cho Dung Kính, nói:
- Anh đem ngay chiếc khăn này lên cho sư phụ, bảo em nó đã bằng lòng rồi đó. Có khăn này làm bằng cớ, xin sư phụ cứ đứng làm mai ngay đi cho.
Chu Dung Kính cầm chiếc khăn, chạy đi báo tin mừng.
Đặng Vu Cửu thấy Ngư Nhương đã bằng lòng, mừng khôn xiết kể, liền chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ. Riêng Ngư Nhương thấy câu chuyện đã lỡ như vậy rồi còn biết nói gì hơn, đành mời Tứ Nương tới để đặt ba điều kiện. Điều thứ nhất là phụ thân nàng cũng ở tại nhà họ Đặng và Đặng Vũ Cửu phải nuôi dưỡng mãi tới khi khuất núi. Điều thứ hai là sư phụ Cầu Nhiêm Công, Đặng Vũ Cửu cũng phải lo cung dưỡng không được thiếu sót điều gì. Điều thứ ba là chị Tứ Nương cũng như anh Dung Kính bằng lòng ở cùng trang viên với vợ chồng nàng.
Đặng Vũ Cửu nghe xong, cam đoan thoả mãn hai điều kiện thuộc về phần mình. Vợ chồng Tứ Nương cũng cam kết thực hiện. Đặng Vu Cửu bèn một mặt cho sửa sang nhà cửa, xếp đặt nơi ăn chốn ở cho hai vị lão nhân, một mặt xây cất ngay một toà nhà mới để hai vợ chồng Chu Dung Kính ở. Chu Dung Kính quay về nhà đón cha lên cùng ở với vợ chồng mình. Đến ngày vui của Ngư Nhương. Người ta thấy không biết bao nhiêu là anh hùng háo hán giáng hồ tới mừng. Trong ngoài khắp trang, cỗ bày la liệt, tính ra có tới một trăm hai mươi mâm cả thảy. Thật là một ngày vui, say đến lệch đất nghiêng trời.