Lễ bộ tiếp được thánh chỉ, bèn đem bàn định những nghi tiết cho Thái hậu hạ giá. Bộ chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ. Mặc khác, phái định Hoà Thạc thân vương là Sung Khâm sung chức Đại hôn chánh sứ, Nhiêu Dư quận vương sung chức Đại hôn phó sứ. Hai vị chánh phó sứ có nhiệm trách đưa Nhiếp chính vương tới cửa Ngọ Môn để làm lễ Nạp thái. Trên lễ đơn có kê khai đủ thứ như sau: ngựa vằn hai chục con, giáp trụ hai chục bộ, đoạn hai trăm tấm, vải bốn trăm súc, vàng bốn trăm lạng, bạc hai vạn lạng, đồ trà bằng vàng hai bộ, đồ trà bằng bạc bốn bộ, mâm bạc bốn chiếc, ngựa tốt bốn chục con, giáp của lạc đà bốn chục chiếc. Tất cả những lễ vật này bày thành hàng trong cung điện Thái Hoà. Còn ở Kiền Thanh cung thì hoàng đế tứ yến mời Nhiếp chính vương vào tiệc.
Tiệc xong, Nhiếp chính vương lại phải tới cung Thọ Ninh để làm lễ "Tam quy cửu khấu" tạ ơn.
Đến hôm lễ Đại hôn, ngay từ canh năm, Nhiếp chính vương đã sắm sanh đầy đủ cả một ban chấp sự: một cặp voi trắng dẫn đầu, phía sau là một cỗ xe báu, rồi đội nhạc, đèn đỏ, quản tượng sư, Chỉnh nghi uý, Dẫn trượng, Liễu trượng, Lập trảo, Ngoạ trảo, Tính Việt, cờ ngũ sắc Kim Long nhỏ, cờ Thuý Hoa, cờ Kim Tú, cờ Môn Kỳ, cờ Nhật Nguyệt, cờ Ngũ Dân, cờ Ngũ Lôi, cờ Bát Phong, cờ Cam Vu, cờ Liệt Tú, cờ Ngũ tinh, cờ Ngũ Nhạc, cờ Tứ độc, cờ Thần Võ, cờ Chu Tước, cờ Bạch Hổ, cờ Thang Long, cờ Thiên Mã, cờ Thiên Lộc, cờ Tịch Tà, cờ Tê Ngưu, Cờ Xích Hùng, cờ Bạch Hùng, cờ Bạch Chấn Lộ, cờ Minh Diên, cờ Xích Điểu, cờ tràng Hoa, cờ Hoàng hộc, cờ Bạch Tri, cờ Vân Hạc, cờ Khổng Tước, cờ Nghi Phượng, cờ Tường Loan, cờ ngũ sắc Long độc, cờ Tiền phong độc, cờ Hộ Quân độc, cờ Thiệp Kỳ Hoàng mao, Nghi Hoàng mao, Kim Tiết, cờ Tiến thiên nạp ngôn tình, cờ Phu văn chấn văn tình, cờ Bao công hoài viễn tinh, cờ Minh hình bật giáo tin, cờ Giáo hiếu biểu tiết tinh, cờ Long đều phan, cờ Báo vĩ phan, cờ Giáng dẫn phan, cờ Tin phan, quạt Loan phụng vượng đỏ, quạt đuôi trĩ, quạt đuôi công, quạt Đơn long nền đỏ, quạt Đơn long nền vàng, quạt chữ thọ, tàn vuông đỏ, tàn vuông tía, tàn hoa ngũ sắc, tàn cửu long ngũ sắc, tàn cửu long vàng, lọng Tứ Chi, lọng Thuý Hoa, lọng Cửu long vàng, Kích, giáo, thương đuôi beo, cung tên, nghi đao, thượng mã, kim cơ, giao ỷ bằng vàng, ống nhổ bằng vàng, hộp hương bằng vàng, lừ hương bằng vàng; phất trần, nắp bằng vàng, bình rượu. Tất cả những vật này cứ đôi một lần lượt tiến lên trước. Số nội giám hôm đó phải lực dịch vào việc nảy lên tới một ngàn hai trăm bốn mươi sáu người.
Đoàn chấp sự đi từ cửa Đại Thanh thẳng tới cửa cung Thọ Ninh đứng dày đặc con đường trải sỏi vàng.
Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn ngồi ngay ngắn trong xe Kim liễu, theo sau có các tên ngự lâm quân, tên nào cũng cầm thương đuôi beo, cầm nghi đao, cung tên, cưỡi trên lưng ngựa diễu võ dương oai. Chót hết là một cây cờ Hoàng long đại tộc được giơ cao tung bay trước gió.
Đoàn người từ từ tiến vào cửa cung. Phía trong cung, lúc đó đã có một bọn Thân vương phúc tấn, các phu nhân của bối lặc, bối tử, các bà mệnh phụ của các nội vụ đại thần, các bà mệnh phụ nội quản lĩnh, xét theo phẩm trật mà ăn vận đại phục, đều đứng chờ đợi. Đến giờ tốt, Hoàng Thái hậu mặt đồ cát phục vào, trong khi đó hoàng đế xuất lĩnh một bọn Thân vương đại thần vào nội cung làm lễ "Tam quy cửu khấu" và mời bà lên Phượng liễn, có mười sáu cung nữ tuỳ tùng hộ vệ và ba mươi hai tên nội giám khiêng liên ra khỏi cung. Bọn các bà phúc tấn, phu nhân, mệnh phụ hộ tống đều ngồi trên những chiếc xe sơn, màu đỏ, theo phía sau. Còn chiếc kim liễn của Nhiếp chính vương thì đi phía tay mặt hộ tống.
Khi tới cổng vương phủ tất cả nghi trượng đều dừng lại nhưng bọn các quan lớn nhỏ thì tới cửa nghi môn mới dừng.
Phượng liễn của Thái hậu đi thẳng mãi vào chính viện mới đỗ xuống. Bọn nữ quan tiến lên, nâng Thái hậu ra khỏi phượng liễn rồi đưa bà vào tây viện nghỉ ngơi.
Giờ động phòng tới. Bọn nữ quan vào mời Thái hậu ra, rồi quỳ xuống dâng rượu. Nhiếp chính vương cùng bà làm lễ hợp cẩn. Bọn nữ quan đưa hai người vào động phòng.
Qua ngày hôm sau, Thuận Trị hoàng đế thăng điện Thái Hoà. Trăm quan dâng biểu khanh hạ. Hoàng đế giáng dụ cho quần thần yến tiệc linh đình ngay tại hai bên thiên điện ở mé đông cũng nhứ mé tây. Và sau đó, hoàng đế hạ chỉ, tôn Duệ vương lảm Hoàng phu Nhiếp chính vương.
Mỗi ngày tảo triều, Hoàng phu Nhiếp chính vương ngồi ở phía tay mặt hoàng đế, cùng chịu trăm quan quỳ lạy. Thái hậu từ khi lấy Nhiếp chính vương, suốt ngày ở tân phòng mua vui hưởng lạc, quên mất là mình đã tới 40 cái tuổi mà chỉ coi mình như cô gái đôi tám, sáng nào cũng kề vai áp má, đêm nào cũng ấp ngực ủ môi. Nay đã lấy Đa Nhĩ Cổn, định hẳn danh phận thì thái hậu có còn phải kiêng kỵ gì ai. Suốt ngày, bà nằm trong phòng, độc chiếm lấy thúc thúc, báo hại hai chục cô hầu thiếp cùng cả cô cháu dâu chẳng còn ai được xơ múi gì nữa.
Nhiếp chính vương suốt ngày kề vai sát vế với bà chị dâu, thôi thì hết tân hoan đến cựu ái, mối ân tình quả thật nồng nàn mùi mẫn. Nhưng rồi một tháng sau, thúc thúc Nhiếp chính vương đâm chán, tự nhiên nhạt dần bà chị dâu. Cặp chị dâu em chồng này khi chưa cưới hỏi, còn tằng tịu giấu giếm thì tha thiết lắm, thèm thuồng lắm, nhưng nay đã công khai thì còn có gì ham hố mà chả chán. Bởi vậy Nhiếp chính vương thường lẻn vào buồng cô cháu dâu để gỡ gạc. Thái hậu biết được, máu ghen nổi lên thế là sóng gió tơi bời không ai can nổi.
Thực ra, Thái hậu cũng chẳng lép gì! Bà chợt nhớ tới người xưa là Đại học sĩ Hồng Thừa Trù của mình. Thế là bà cho triệu tình nhân vào phủ để trò chuyện mua vui khi vương ta vắng mặt. Ở đời có cái gì bí mật mãi được! Chuyện Thái hậu tằng tịu với trai một ngày kia cũng lọt vào tai Cổn. Ức lắm, nhưng không có cách đối phó nên Cổn đành chịu vậy.
Lúc đó, Đa Đạc ở Giang Nam đã dẹp yên khắp miền này, hưởng dụng đủ cảnh phồn hoa khoái lạc. Quan quân thủ hạ bắt được gái đẹp, Đạc đem dâng cho Dự vương. Gái Giang Nam có cái tuyệt là nước da mịn mát, thân hình mềm mại, quả là một cái thú đặc biệt. Trong phủ Đa Đạc đám son phấn xanh đỏ này ít ra cũng được bốn năm chục nàng, đều là những trang tuyệt sắc giai nhân. Trong số này có quả phụ Lưu Tam Tú, người tuy đã luống tuổi, nhưng mặt hoa da phấn, sắc sảo quyến rũ hết sức. Dự vương yêu quý muôn phần, nên phong cho nàng làm vương phi, ngày ngày cùng nàng du ngoạn hưởng lạc.
Hồi đó, gặp lúc Đoan dương giai tiết, Dự vương cùng Lưu Tam Tú theo tới bờ sông xem bơi thuyền rồng. Thế rồi vương liên tưởng tới Thái hậu ở trong cung cấm, tuy tận hưởng vinh hoa nhưng có khi nào được xem cái trò vui này bao giờ. Bởi vậy vương, cho đóng mười chiếc thuyền rồng, chọn một chục gái đẹp, tuyển một đội nhạc rồi gởi thẳng về kinh dâng Thái hậu. Thái hậu nhận thuyền liền hạ chỉ mở đại hội thuyền rồng ở vùng Tam Hải, mời rất nhiều phúc tấn, phu nhân, mệnh phụ ngồi trong thuỷ các để xem thuyền. Thuận Trị hoàng đế ngồi ở chính giữa, có Nhiếp chính vương ngồi bên cạnh. Mười chiếc thuyền rồng gióng lên mười hồi chiêng trống rồi lướt đi lướt lại rẽ sóng thành những vệt hoa trên mặt nước. Một lát sau, đoàn thuyền rồng nhất tề chèo gần lại bên thuỷ các.
Hai chục cô gái bước lên xin Thái hậu và hoàng thượng ban thưởng. Thái hậu nhìn bọn gái đẹp bỗng cảm thấy vui thích bèn hạ một tiếng thưởng, tức thì bọn Thái giám đưa những cái giỏ đã chuẩn bị sẵn nào là bạc vụn, nào là y phục, nào là đồ chơi, nào là trái cây xuống thuyền cho bọn con gái.
Giữa lúc mọi người đang mải ngắm, bỗng một đại hán nhảy từ mũi thuyền lên gác, tay cầm một cây đao nhọn đâm bổ vào Nhiếp chính vương. Vương mắt lẹ chân nhanh né được sang bên. Nhưng cây đao nhọn cũng đã hạ xuống nhanh như chớp chém chết một tên tiểu thái giám. Quân ngự lâm nhất tề xông lên, bắt giữ ngay tên thích khách, rồi giao cho hình bộ thẩm vấn. Hắn khai thẳng ra rằng y nhận lệnh của một vị đệ nhất đại nhân trong thiên hạ để hành thích.
Qua ngày hôm sau, hình bộ lại vào nhà lao gọi ra để hỏi tiếp nhưng hung thủ đã tự vẫn chết từ lúc nào.
Nhiếp chính vương biết chuyện, hết sức tức giận, tức khắc cách chức một loạt từ binh bộ thượng thư đến bọn quan thừa thẩm rồi bắt cho hết để tra vấn. Vương lại ngờ là tên thích khách từ Giang Nam tới. Hơn nữa Dự vương có cái thù với vương từ lâu, cho nên vương càng ngờ chính Dự vương đã sai người hành thích. Càng ngờ càng tức giận. Vương lập tức đòi Thái hậu hạ một đạo Thánh chỉ cách chức ngay Giang Nam tổng đốc, rồi phái Thừa Trù tới thay, dặn kín Trù thu phục để nắm lấy quân đội và lần lần thu phục hết binh quyền của Dự vương. Thành thử một việc ra mà lợi đủ đường, khiến vương tống khứ được cả tên Trù, chẳng khác gì nhổ được cái đinh trong mắt. Tất cả những chuyện này đều do kế hoạch của Hà Lạc Hội vẽ vạch cho vương.
Từ khi Nhiếp chính vương với Thái hậu chính thức thành vợ chồng thì ân tình giữa hai người lại không được nồng thắm như trước. Hồng Thừa Trù tuy đã bị tống đi nhưng máu ghen làm sao có thể dứt hẳn trong lòng Nhiếp chính vương được, lại thêm một việc mưu sát đột ngột khiến vương phải đôi phần hoảng sợ. Thái hậu tuy nói hạ giá nhưng bà chỉ ở tại phủ của Nhiếp chính vương vẻn vẹn có một tháng, rồi lại vào Từ Nình cung ở miết trong đó, vương phải chạy đi chạy lại, khi thì ở phủ khi thì vào cung, việc này khiến vương càng lo có người ám toán dọc đường. Bởi vậy, vương cũng bớt dần vào cung mà chỉ ở trong phủ mình cùng cô cháu dâu mua vui hưởng lạc mà thôi. Nhưng lâu ngày rồi vương cũng chán, Vương lại thèm của lạ.
Hồi đó nước Triều Tiên có phái một vị thần tên Kim Ngọc Thành đem đồ tiếng cống, ngụ tại khách quán. Thành có dịp thổ lộ cho Hà Lạc Hội biết quốc vương của y có hai nàng công chúa nhan sắc tuyệt vời. Hội vội chạy vào rỉ tai Nhiếp chính vương. Giữa lúc đang chán ngán kém vui, Nhiếp chính vương được tin đó vội đặt ngay kế hoạch cho Hội thi hành.
Hội được lệnh lập tức tới thương lượng với đại thần Triều Tiên. Vị này thấy đây là lệnh của Nhiếp chính vương, đâu dám trái ý, vội quay về nước, tâu tỏ cho quốc vương hay. Vua Triều Tiên là Lý Minh vốn có ý chơi trèo với thượng quốc đã từ lâu nên khi nghe nói Nhiếp chính vương muốn lấy hai nàng công chúa của mình làm phi tử, thì còn gì đắc ý hơn. Bởi vậy ông một mặt trả lời ưng thuận, một mặt báo cho hai cô con gái ông hay. Hai cô công chúa được biết sắp trở thành phi tử của nước Đại Thanh, trong lòng cũng lấy làm mãn nguyện lắm.
Nhưng họ còn phải giữ kẽ, bởi vì họ biết bà Thái hậu nước Đại Thanh đã hạ giá lấy Nhiếp chính vương, tất nhiên là được sủng hạnh chuyên phòng. Họ cho rằng nếu hai chị em họ qua Thanh quốc thì thế nào cũng bị bà ta khi dễ. Nếu vương muốn lấy họ thì chi bằng mời vương tới nước họ để thành thân rồi làm cho họ một toà vương phủ cao rộng to lớn để họ vĩnh viễn ở đó, khỏi phải xa cha xa mẹ. Hai cô công chúa tính toán với nhau như vậy, nên vua cha của hai nàng bèn cho người đem sở nguyện đó báo cho Nhiếp chính vương hay. Vương được hồi đáp, lúc đầu cũng lấy làm nguyện ý vì như thế tránh xa được tai mắt của Thái hậu, nhưng về sau suy đi nghĩ lại vương lại thấy bất tiện, cho rằng chẳng ra thể thống gì khi mình đường đường là một vị Nhiếp chính vương mà lại đi cầu thân ở một nước thuộc quốc. Mãi về sau Hà Lạc Hội mới nghĩ ra một kế, đại thể vương cho xây cất một toà Hành cung ở thành Khách Thích gần biên giới Triều Tiên để hai nàng công chúa ở còn vương thì láy cớ là xuất quân đi tuần cảnh rồi tới với hai nàng.
Mọi việc xếp đặt đã xong, Nhiếp chính vương chọn ngày Cát Nhật khởi trình từ Bắc Kinh, đem theo bọn quan binh của Bắc kỳ Cô Sơn Ngạch Châm. Thái hậu tuy không muốn cho Nhiếp chính vương xa mình, nhưng vì việc quốc gia đại sự chẳng tiện ngăn trở đành phải để cho vương đi. Lại nói Thuận Trị hoàng đế mỗi ngày một lớn. Bởi vậy việc chung thân của ngài trở nên rất khẩn yếu. Trước đây, Nhiếp chính vương đứng làm chủ đã hỏi con gái của bộ chủ bộ lạc Khoa Nhĩ Bí Ngô Khắc Thiện cho hoàng đế làm hoàng hậu. Nay Nhiếp chính vương lên đường xuất binh, nên Thái hậu phải nói với vương chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ đại hôn cho hoàng đế. Nhiếp chính vương lúc đó, ngày đêm chỉ nghĩ tới hai nàng công chúa Triều Tiên cho nên mọi việc trong cung vương để mặc thái hậu định liệu.