Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cây hợp hoan

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21229 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cây hợp hoan
Trương Hiền Lượng

Chương 17

Nét mặt của cô khiến tôi nhớ lại hồi nhỏ cùng cô em họ trốn học, hai đứa đưa nhau đến một chỗ trong công viên mà chỉ có chúng tôi mới biết. rất tự nhiên, tôi coi như giữa cô và tôi đã có sự thoả thuận ngầm. Tôi cũng cười. Tôi cười không phải vì được ăn thêm một miếng, mà vì cảm giác vui sướng, thấy mình đã trở lai những chuyện từ hồi xa lắc xa lơ.


Hôm nay cô dỡ bếp ra thật.


Anh chàng Hỉ ngồi bó gối ở cửa, đôi môi mỏng mím chặt, ánh mắt sa sầm – một khuôn mặt không vui. Ngoài cửa một đống đất được nhào kỹ. Trong buồng, mặt bếp đã dỡ tung ra, đất sét đã chuẩn bị sẵn. Xem ra chỉ đợi tôi đến là làm
-         Anh chỉ huy là được rồi -  cô nói – Anh Hỉ sẽ đến làm, anh ấy khoẻ như con lừa ấy. Nào, mời  các anh ăn chút đậu cho ấm  bụng, làm xong tôi hấp bánh mì trắng.
-         Hắn chỉ huy tôi kia à? – Hỉ không thèm nhìn tôi, nhổ nước bọt xuống nền đất, cũng không nhận bát đậu cô đưa cho.
-         Các thứ đầy đủ rồi. Ta làm đi! – tôi nói – Xong nhanh, nổi lửa nhanh, muộn thì lò sẽ không khô được.
Hỉ vẫn ngồi bó gối ở cửa. Sự thờ ơ của anh và thái độ khinh thường đối với tôi, khiến tôi hăng lên. Tôi bước qua vách lò, vào trong.
-         Một mình tôi làm thôi – tôi ra vẻ sung sức.
-         Anh có làm không nào? – cô trừng mắt nhìn Hỉ, giọng gay gắt.
Hỉ giống như con chó  bị đá một cái, bật dậy, xắn tay áo lên.
-         Con khẹc! Để mình tôi làm!
-         Anh là đầu bã đậu, người ta đầu hoá học – cô đưa bát đậu cho tôi, trêu anh chàng Hỉ - Hôm nay anh cứ xem người ta làm, chỉ cần đóng vai phụ việc cho tốt thôi.


Cô thường xuyên dùng những từ rất sinh động mà tôi không tưởng tượng được, những từ mà nhà văn, nhà thơ cũng phải thán phục. Nông dân vùng này gọi những đồ dùng bằng nhựa mà họ chưa từng thấy, bằng cái tên "hoá học", thí dụ "lược hoá học", "cúc hoá học", "cốc hoá học". Cái từ "đầu hoá học" và "áo quan" khiến tôi phục sát đất.


Thì ra, hôm qua khi ăn đậu, tôi nói là cái lò của cô tuy đã cháy tốt nhưng giường bếp thì đắp chưa khoa học. Nông dân đắp lò, ống khói và cửa lò một đường thẳng góc, phần lớn hơi nóng chạy tuốt ra ống khói, chỉ có chỗ đầu giường là hơi ấm. Khoa học nhất và kinh tế nhất là phải cho lửa chạy vòng quanh, hình chữ O. Tôi vẽ sơ đồ trên nền đất cho cô xem rồi bảo:
-         Giường bếp này chỉ cần một mồi lửa là nóng đều khắp. Thật ra, sửa lại cũng có lợi. Chỉ cần sửa một chút cho đúng kỹ thuật là xong.
Hôm nay cô nhất nhất làm theo cái "đầu hoá học" của tôi.
Tôi vừa ăn đậu vừa làm. Từ nhỏ, tôi rất thích những tác phong của các nam diễn viên điện ảnh, vừa ăn vừa làm việc, tôi thích các anh lính thuỷ khi nghe lệnh "lên boong, tập hợp!" là miệng ngậm bánh mì, lao ra khỏi buồng, leo lên cột buồm. Tôi thấy những cái đó biểu hiện phong cách người đàn ông: bận rộn, xốc vác, tài thao lược và ý chí vì sự nghiệp mà coi thường đói no, ấm lạnh. Nhưng trước kia tôi chưa làm được gì, giờ đây phải làm thì người ta không cho ăn, mà công việc thì khó có thể gọi là công việc!


Hôm nay, tôi làm việc một cách thích thú. Giường bếp đã được sửa xong. Bụng tôi cũng đã nhét đầy đậu tương.


Hỉ không ăn đậu, có lẽ không muốn ăn hoặc đã ăn no. Anh chuyển đất, chuyển gạch cho tôi, mặt sa sầm, miệng thì lẩm bẩm: nói là các loại giường bếp mà cứ từng tảng đất sét xếp liền nhau làm tâm lò, nếu nóng được thì anh ta đi đàng đầu! Tôi vờ như không nghe thấy, xếp xong tảng cuối cùng, tôi phảy tay bảo:
-         Xong rồi, anh trát bùn đi!
Anh ta ngồi xổm, ngắm nghía hình như cố tìm bằng được chỗ thiếu sót. Còn cô thì cũng đã làm xong bánh, đặt vào chảo hấp. Cô quát lên:
-         Anh nhìn gì mãi thế? Khéo hoa mắt lên đấy! Phẳng hay lõm thì chỉ cần một nắm bùn! Anh không biết thợ nề còn phải làm gì hay sao? Trát từ chỗ để chảo này này. Tôi nhóm lò đây.


Giữa lúc tuyết mênh mông thế này, không biết cô lấy ở đâu từng bó củi khô đem về xếp vào lò rồi nổi lửa. Lúc đầu, một ít khói gỉ qua kẽ hở của mặt giường bếp, về sau, cùng với bề mặt càng trát càng rộng, khói ít dần đi, cuối cùng thì mất hẳn. Trát xong, Hỉ nhảy xuống đất, thấy lửa hừng hực từ bầu lò vươn thẳng vào đường dẫn khói và cái giường bếp đã ấm đều, đất  bùn màu cánh gián chuyển dần sang màu trắng, anh ta không nói gì được nữa.
-         Anh chết đi! Anh đi đằng đầu đi! – cô cười trêu chọc Hỉ.
Ánh lửa hắt lên gương mặt linh lợi của cô. Đã lâu lắm tôi chưa được trông thấy một khuôn mặt tươi tắn và xinh đẹp đến thế.
Tôi ngồi trên bục đất, chậm rãi rít từng hơi thuốc, lần đầu tiên cảm thấy sự tôn trọng của con người đối với lao động. Cái cảm giác ấy đã xua tan nỗi tủi nhục của tôi hôm qua, khi giơ tay ra nhận của bố thí, nó cân bằng lại tâm lý của tôi. Tôi nghĩ, mình hiện nay đã "sống bằng sức lao động của mình", đã là công nhân nông nghiệp. Vả lại, tôi mới hai mươi lăm tuổi, nếu trong lao động, tôi trở thành một lực điền, thông thạo nghề nông, thì từ đó về sau, tôi không thể yên thân. Hôm nay, chỉ nhờ đôi chút kỹ năng tôi học được ở ông công trình sư năng lượng, đã thay đổi mối quan hệ giữa tôi và Hỉ. Cách đây vài hôm, anh còn là một xà ích mà tôi không thể với tới, hôm nay đã phải phụ việc cho tôi. Điều đó chứng tỏ, ở đây, ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, ở cái nơi mà có lẽ tôi phải ở lại suốt đời này, chỉ có thành quả lao động chân tay mới là thước đo giá trị của con người. Và từ công việc vừa rồi mà suy ngẫm, thì chỉ cần được ăn no, tôi hoàn toàn có thể trở thành một con người toàn năng, khôi ngô, chững chạc, ném vào đâu cũng làm được việc. Tôi tin chắc rằng, tôi sẽ trở thành một con người "sống bằng sức lao động của mình".


Bốn năm khổ sai, bốn năm đói khát, sau khi được tha, vẫn còn cái mũ "phái hữu", đã huỷ diệt chí hướng của tôi.


Cô hấp hai vỉ bánh mì trắng, ninh một chảo đậu với rau cải bẹ. Cô gọi bé Xá được gửi ở nhà bên về, chúng tôi bắt đầu ăn.


Đây mới là một bữa cơm thật sự! Bao năm rồi tôi  chưa được ăn. Bao năm?
-         Này, ăn hết lại xúc! – cô xúc cho tôi một bát to đậu cải bẹ, đưa tôi một cái bánh – Bánh thì bây giờ anh ăn hai cái. Một cái để dành. Lúc nào anh đến, hấp lại cho anh ăn.


Hỉ ngồi xổm bên lò, mặt đen lại, nhìn như hút lấy hai cánh tay của cô, không giấu giếm vẻ ghen tức.


Tôi không đếm xỉa gì đến anh ta. Hôm nay, tôi ăn bữa cơm rất chính đáng ở đây. Nông dân có cái lệ, đắp lò, lợp nhà giúp ai thì ăn cơm nhà người ấy. Tôi đàng hoàng cầm cái bánh lên.


Bánh hôm nay có bột nở, trắng hơn hôm qua. Tôi lật đi lật lại, không nhìn thấy có dấu vân tay trên bánh.


Nhưng giả dụ vẫn có vân tay như hôm qua, thì tôi sẽ nghĩ thế nào? nếu không phải hôm qua, mà là hôm nay có vân tay, thì tôi sẽ nghĩ thế nào?


Ôi, con người sao mà dễ dàng bị hoàn cảnh sai khiến, dễ dàng quên quá khứ!


Ăn  xong, tôi về nhà, lại ăn luôn phần mô mô lấy từ bếp tập thể mang về, tôi mới hiểu thế nào là "no". "No" chứ không phải "căng bụng".


Tôi nằm trên đệm cỏ, dưới cây đèn bão, mắt lim dim, mơ màng trong cảm giác no, đầu óc lâng lâng, nhẩm tính xem hôm nay tôi ăn những gì, nhưng hồi lâu vẫn không nhớ ra. Vì no, nên tôi có thể nghĩ sang chuyện khác, ngoài chuyện cái ăn. Tôi nghĩ đến cô và Hỉ. Rõ ràng không phải là vợ chồng, nhưng quan hệ hình như không bình thường. Trực giác cho tôi biết rằng Hỉ vẫn chưa chiếm được cô. nếu Hỉ đã thực hiện được điều ấy – chiếm hữu ngoài vòng pháp luật, thì anh ta không phục tùng cô như con chó, chịu đựng sự giễu cợt nhiều khi đến tàn nhẫn của cô. Quan hệ giữa hai người tế nhị, đến mức khó mà tìm ra cái gì, đặc biệt là cô, vừa lương thiện lại vừa đanh đá.


Lại nói về Hỉ, con người lao động này có điểm khiến tôi rất hâm mộ. Tục ngữ có câu nhìn động tác biết tay nghề, ngay dù công việc rất đơn giản như phụ hồ, tôi nhận ra ngay anh ta rất tinh. Khi trát bùn cũng vậy, anh áp dụng nguyên lý vận trù học y như tôi, không có động tác thừa. Công việc đất cát mà sau khi làm xong, người sạch, chân tay sạch, gần như không có một vết bẩn. Nông thôn người ta rất chú ý đến điểm này. Thí dụ các cô gái, cô dâu nhào bột, nhào một cân, có đến hai lạng dính vào tay, dính chậu, dính bàn cán mì. Mọi người đều khen cô nào thực hiện được « ba sạch » : tay sạch, chậu sạch, bàn cán sạch. Lao động cũng như vậy. Sạch, gọn, nhanh là tiêu chuẩn cao nhất của lao động chân tay cũng    như biểu hiện cao nhất của trí tuệ trong văn học là cô đọng. Điều này không thể dựa vào kinh nghiệm mà đạt được. Người nào chưa trải qua lao động sản xuất nông nghiệp, cho rằng chỉ cần có sức khoẻ thì không thể gọi là giỏi nghề nông. Tôi đã từng thấy những ông lao động cả đời người, vậy mà khi làm việc vẫn lóng ngóng, dân vùng này gọi là thợ vụng mất kim, mèo ỉa cứt nhão, hoặc có người cả đời viết lách mà câu chữ vẫn lủng củng.


Lao động chân tay giản đơn cũng thể hiện trí tuệ, khí chất và phong cách con người.


Tôi ngủ thiếp đi. Trong mơ, tôi thấy mình trở thành người lao động chân tay thực thụ như tấm áp phích « Đồng chí đã đóng góp cho tổ quốc », nhưng rất lạ là khuôn mặt tôi lại rất giống Hỉ.

<< Chương 16 | Chương 18 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 363

Return to top