Chúng tôi thu xếp xong chỗ nằm, bụi vẫn còn bay lơ lửng khắp gian phòng thì bác thọt đã trở lại, nói là đội trưởng sai bác dẫn chúng tôi đi ăn cơm.
Hay quá! Đi ăn cơm!
Thôn xóm có sự sống. Mặt trời mùa đông đã xế, toả nắng như dát vàng. Các ô cửa sổ với những miếng kính chắp vá đủ loại, phản chiếu rực rỡ. Những ống khói nho nhỏ toả khói màu xanh đục. Khắp nơi đậm mùi ngải cứu và lau sậy. Cái không khí chẳng giống chút nào so với nông trường lao cải và phong cảnh thôn y chang như trong các tiểu thuyết đã mô tả, khiến tôi thấy vui vui. Nghèo cũng được, khổ cũng được, nhưng tôi đã được trở về với cuộc sống bình thường.
Nhà bếp rất nhỏ. Xem ra chẳng có mấy người ăn ở đây. Tôi hơi lo, vì rằng người ăn càng ít thì nhà bếp sẽ bóc lột càng dữ. Còn may là chúng tôi bây giờ đã là công nhân, được ăn trong nhà ăn. Bác thọt – bây giờ chúng tôi đã biết bác là thủ kho kiêm quản lý – thông báo cho nhà bếp về định lượng suất ăn của chúng tôi, trong khi đó tôi đưa mắt quan sát một lượt. Trên bàn cán mì, vuông vải còn dính khá nhiều bột. Loại người như tay "Chủ nhiệm kinh doanh" thậm ngu. Họ không ngừng rên rỉ với gia đình, làm cho cả nhà cuống lên, tay đùm tay gói tiếp tế. Còn tôi thì sao? Tôi không nỡ bóc lột mẹ, vì vậy tôi bắt trí tuệ mình phải làm việc. Trí tuệ của tôi chỉ khoanh lại trong việc kiếm cái ăn thì chắc chắn sẽ kiếm được không ít hơn những thứ do người nhà họ gửi đến.
Mỗi người bốn lạng. Một cái bánh quả cỏ, một bát canh dưa. Tôi là người cuối cùng lấy cơm. Tôi vừa cười vừa gạ nhà bếp:
- Tôi không nhận cái bánh thì bác cho tôi cạo lấy chỗ bột ở vuông vải nhé?
- Được – bác bếp ngạc nhiên, đưa cho tôi cái xẻng cơm – anh cứ cạo lấy.
Tôi cạo bột dính trên mặt vải rất cẩn thận, sạch đến mức đem giặt cũng không bằng, được đầy một ống bơ, ít nhất cũng nửa ký lô.
"Phúc đức quá". Tuy có mùi tanh của chảo gang, nhưng vẫn ngon.
Chỉ có con người tự do mới được vào bếp cạo bột ngô! Tự do thích thật!
Cơm xong thì đội trưởng đến, tay xách chiếc đèn bão.
- Đủ rồi hả? Tốt, tốt!
Bác ta lần túi tìm diêm. Tôi vội đến cầm giúp cái đèn bão, châm lửa rồi treo ngay trên đầu tôi. Thế là một nửa chiếc đèn này đã thuộc về tôi. Tôi nhanh trí vì được rèn luyện qua cuộc sống lao động cải tạo mà không có sự giúp đỡ của gia đình. Còn những người như "chủ nhiệm kinh doanh" thì sống nhờ vào tiếp tế.
- Thưa bác đội trường, chúng tôi ngủ được chứ? – "Chủ nhiệm kinh doanh" nằm bên cửa ra vào, cất tiếng hỏi. hắn muốn xoay chuyển tình thế.
- Ngủ lúc nào thì ngủ. Tùy! – bác đội trưởng ngồi bệt xuống đất, chân xếp bằng tròn, chưa hiểu ý "Chủ nhiệm kinh doanh".
- Có phòng nào khá hơn không bác? – vị trung uý đã từng ở chiến trưởng Triều Tiên giọng bất mãn – Phòng này không có bếp!
- Ở tạm vậy, đang cho thu xếp – bác đội trưởng ra vẻ không vui.
Bác ta đã đứng tuổi, tự xưng tên là Tạ. Dưới ánh sáng tù mù của cây đèn bão, chỉ thấy bác râu ria đầy mặt, dáng mệt mỏi, bộ quần áo cán bộ vá chằng vá đụp. Bác nói rằng muốn ngủ trên bếp lò thì phải đắp giường bếp, mà bây giờ là giữa mùa đông, có đắp cũng không chắc chắn. Sang xuân hẵng hay.
Như thế có nghĩa là sang xuân mới được ngủ trên bếp lò. Mà khi đó thì không có bếp cũng xong.
Mọi người hỏi thăm đội trưởng viết thư thì gửi ở đâu, nông trường bộ ở chỗ nào, giờ làm việc của phòng nhân sự ra sao, tìm ai để làm thủ tục nhập hộ? Đội trưởng Tạ hiểu đây là những người ở lâu dài. Bác ta nheo mắt nhìn tôi đang ngồi dưới bóng đèn, hỏi:
- Này, chú tên gì?
- Trương Vĩnh Lân – tôi khẽ nhúc nhích, lớp cỏ kêu soàn soạt.
Bác ta cố đọc tờ giấy dưới ánh đèn.
- Nhà chú ở Bắc Kinh à? Hai mươi lăm tuổi à?
- Vâng, ở Bắc Kinh. Vừa tròn hai mươi lăm.
- Chú trẻ nhất bọn. Thế nào, có về quê cũ không?
- Tôi không về.
- Ừ, không về thì ở lại làm ăn cho tử tế - bác Tạ trở nên vui vẻ, dịu dàng nhìn tôi - ở đây cũng không đến nỗi tồi lắm đâu, còn khá hơn nơi cũ. Về lương thực, mỗi tháng mười hai kí rưỡi, hai gói thuốc lá. Tiền công thì loại hai được mười tám đồng, loại một được hai mươi mốt đồng. Các anh hãy tạm lĩnh mười tám đồng, qua nửa năm, căn cứ vào sức lao động sẽ tính lại.
- Vâng, vâng – tôi gật đầum, tỏ ra thoả mãn.
Những người khác ngồi yên lắng nghe, ánh đèn leo lét trông họ như đeo mặt nạ.
Thực ra, ở đây chẳng có gì đáng phấn khởi. Cái gọi là tốt hơn nông trường lao cải chỉ là có lương, mà lương mười tám đồng thì chưa mua nổi năm cân củ cải. Lại nữa, quần áo không được phát. Định mức lương thực cũng như ở nông trường lao cải, bị xén đơn xén kép, được ăn vào miệng không quá mười kí. Mười hai kí rưỡi lương thực một tháng, bình thường cũng tạm đủ. Nhưng trong hoàn cảnh không có lương thực phụ, không dầu mỡ rau cỏ, mà lại phải lao động nặng, anh cứ thử ăn một tháng xem sao? Vậy mà phải ăn như vậy quanh năm suốt tháng. Năm 1960, định mức còn thấp hơn nữaở, mỗi tháng chỉ có bảy kí rưỡi. Tôi thoả mãn là vì trong câu chuyện, bác ta không cố ý dùng cái tên "đội trường cải tạo".
Bác ta lục lọi hơi lâu, móc ra một lô thuốc lá phát cho mỗi người hai bao nhãn hiệu Song Ngư, thu một hào sáu, tức là tám xu một bao. Đây mới là thuốc lá thứ thiệt, chứ không phải lá hướng dương, lá bắp cải, lá cà…hút thay thuốc. Với tôi, thuốc lá cũng quan trọng như lương thực. Thấy tay "Chủ nhiệm kinh doanh" không hút thuốc mà vẫn có phần, tôi đâm bực. Hắn sẽ "nhượng" cho anh với giá hai xu một điếu khi anh lên cơn nghiện. chủ nghĩa bình quân có cái tệ của nó.
- Hàng ngày, chín giờ ăn cơm, mười giờ ra đồng. Bốn giờ chiều tan buổi làm. Đang giữa mùa đông, không có hoạt động gì khác. Vì vậy ngày mai các anh ra đồng, đến ngày nghỉ hẵng nghỉ.
Nói xong, bác đứng lên, phủi đít quần định đi. Bác ta không nói "chủ nhật" mà nói "ngày nghỉ", không biết ngày nào mới là "ngày nghỉ"?
- Bác đội trưởng, không có giường bếp thì đắp cái lò được không? Phòng này về đêm lạnh đến chết người đi được!
Tay trung úy dùng chăn quấn quanh người nêu một đề nghị đặc biệt. Tập thể này cần một người dám nêu lên những vấn đề như vậy.
- Lò thì phải đắp thôi, mấy cục đất là xong. Nhưng nông trường chỉ có than bùn, không c ó than đá – đội trưởng Tạ lồng bàn tay vào trong ống tay áo, bác cũng thấy lạnh – Còn cửa sổ cũng phải dán lại. Sáng mai các anh lên văn phòng lĩnh ít giấy báo cũ, rồi đến nhà bếp lấy hồ dán.
- Lò than bùn thì tôi biết đắp – tôi xung phong nhận việc.
Trong túi tôi có hai cái mô mô, tôi vui lòng lao động nặng.
- Ô, khác với lò đốt than đá đấy nhé – bác Tạ không ngờ tôi lại biết đắp lò, nhìn tôi ngạc nhiên – Thế này nhé, ngày mai chú ở nhà đắp lò, dán cửa sổ. Ừ, các anh phải có một tổ trưởng. Theo tôi, giao chức ấy cho chú Lân.