Sáng hôm sau, lúc ngủ dậy tôi mới cảm thấy đói và ê ảm toàn thân. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng, thế là có chuyển biến tôi. Cảm thấy đói và đau nhức là một biểu hiện của sức sống. Bằng mọi cách, tôi phải kiếm cớ để ở nhà.
Ăn sáng xong, tôi nói với các tổ viên là qua một đêm sử dụng, lò đã nứt nhiều chỗ, nếu không trét lại sẽ xả hơi than ra ngoài:
- Không phải chuyện đùa, đừng có vừa thoát khỏi đội lao cải lại rơi xuống điện Diêm vương! Tôi bảo họ nói với đội trưởng Tạ cho tôi ở nhà sửa lò.
Tôi đã trở thành tổ trưởng, quan trọng hơn, cái lò đã trở thành của quý, được mọi người quan tâm. Anh trung uý nói:
- Được thôi, anh đừng đi. Tôi sẽ nói với ông đội trưởng rậm râu một câu.
Tôi đề phòng ông đội trưởng đâu có thả lỏng tôi vì một câu nói của họ. Tôi chậm rãi xách một thùng nước đem về cùng với vài xẻng đất. Quả nhiên vừa nhào xong, đội trưởng Tạ đã vác xẻng đi tới.
- Quái quỷ thật! – Bác ta xem xét cái lò một lượt bằng con mắt nhà nghề, khen hết lời. Rồi bác ta ngồi xổm bên lò, hơ tay – Thì ra chú biết đắp kiểu lò này. Đơn giản, vừa tiết kiệm than vừa đượm lửa.
- Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền – tôi cười, nói với bác ta chuyện tôi học đắp lò ở ai.
- Quái thật! Bọn "phái hữu" các anh toàn là những người giỏi – bác ta nhổ nước bọt lên nệm cỏ - dân chúng tôi ở đây, đời cụ đời kỵ đắp lò thế nào thì bây giờ cũng vẫn như thế. Phí cả bùn cả đất sét, dầy như tường thành hơi nóng không sao toả ra được!
Khi đã ấm người, bác ta, nước mắt nước mũi ràn rụa. Bác dùng lòng bàn tay vuốt mặt rồi chùi vào tay áo. Bàn tay to bè, đầy những vết nẻ. Quanh năm lao động ngoài trời đã khắc những nét rất sâu trên khuôn mặt và hai bàn tay của bác. Tôi chợt cảm nhận bác đã già yếu nét khoan dung của người già đã lộ rõ trên khuôn mặt đầy nếp nhăn, hiền hậu và gần gũi.
- Bác Tạ ạ, nếu cái lò nhà bác không tốt lắm, tôi sẽ sửa hộ - tôi nghĩ cách lấy lòng bác.
- Không cần – bác nói nhỏ nhẹ như kể chuyện nhà – Nhà tôi dùng bếp củi. Tiền đâu mà dùng bếp than. Chú không thấy những nhà khác à? Toàn là bếp củi, vừa để thổi cơm, vừa đốt lấy hơi nóng cho giường ngủ. Đêm, chỉ cần một nắm củi là ấm. Cái bếp của tôi là chú Hỉ đắp cho đấy. Thằng cha đó cũng giỏi!
- Anh Hỉ không phải là cán bộ? – Tôi vừa trát kẽ lò vừa hỏi – Hôm nọ đón chúng tôi, tưởng anh ấy là cán bộ?
- Cán bộ cái cóc khô! – Đội trưởng Tạ cười nhạt – hắn từ Cam Túc đến hồi đầu năm. Nghe hắn nói thì hồi nhỏ hắn đã là Mala ở chùa, không chịu học, bỏ đi lang thang. Lao động thì chịu khó. Có sức thì có lực mà! Tôi thích hắn là ở điểm này. Đi tha phương không đến nỗi đói. Hề hề..
Đội trưởng Tạ cười thành tiếng. Tôi chưa hiểu vì sao bác lại cười. Ngừng một lát, bác nói tiếp:
- Tối nay phát lương. Ngày mai nghỉ. Các chú muốn đi đâu thì đi.
- Đi Trấn Nam Bảo được không?
Dù sao tôi còn trẻ, muốn được hưởng cái thú đi đây đi đó một tí.
- Sao không được? Đi đâu thì đi.
Tôi nghĩ, không phải bác ta thuận miệng nói bừa, có thể cố ý cho tôi hiểu thân phận của tôi nay đã khác xưa. Nhưng, tôi vẫn không dám tin ở bác, một con người thô lỗ, lại biết thương người! Tôi liếc nhìn bác. Nét mặt bác vẫn như thế, im lặng ngồi sưởi. Dù sao, tôi rất cảm động vì câu nói của bác. Bác lại hỏi tôi trước kia công tác ở đâu, gia đình còn những ai, sau đó, hình như chợt nhớ ra điều gì, bác vác xẻng đi luôn.
- Tốt đấy, chú làm đi – bác nói – Đừng để nóng quá, cẩn thận hơi than, tốt nhất khoét một lỗ trên báo dán lên cửa sổ.
Bác không dặn tôi trét lò xong thì đi làm.
Bác vừa đi khỏi là tôi vội trét cho xong lò, rửa sạch lưỡi xẻng đặt lên miệng bếp, lấy gói bột trên tường xuống đem ống bơ ra, đổ bột vào, rồi nướng bánh như hôm qua.
Ăn hết chỗ bột, tôi rũ tờ báo gói rồi đóng đinh căng nó trên tường chỗ tôi nằm. Thế là tôi được một khoảng sạch sẽ bên người. Tôi không dám chạy đi xem ngựa nghẽo gì nữa. Tôi đốt nửa điếu thuốc còn lại hôm qua, khoan khoái nằm trên đệm cỏ phía tường đã dán báo.
Ngay bên đầu tôi, Castro đang sôi nổi hô hào cách mạng thế giới. Kennedy đang phát biểu về chính sách "Biên giới mới". Các nước phương Tây đang mê hoặc quần chúng bằng khẩu hiệu "Làm lợi cho đất nước", nơi nào đó đang bình tuyển "hoàng hậu bò sữa"…Những điều đó đối với tôi cực kỳ xa xôi. Vậy thì, giờ đây tôi đang ở vào một hoàn cảnh sinh tồn như thế nào? Tôi cảm thấy, ở các nơi hẻo lánh, nghèo khổ, hoang dã, lạc hậu đến như thế này, ở cái nơi gần như bị đời bỏ quên, bị văn mình cho ra rìa, không báo chí nào thèm nhắc tới này, vậy mà lại có cái gì đó, rất mờ nhạt, khó có thể diễn đạt bằng lời, khiến tôi cảm thấy tươi mới, gần gũi và ấm lòng. Hồi nhỏ, ông nội tôi mà con người như kiểu cụ Lớn Cao, bác tôi và bố tôi như kiểu Ngô Tôn Phủ, mỗi khi tôi xuống nhà dưới chơi với đám kẻ ăn người ở, các cụ lại mắng tôi "Mày chỉ thích chơi với bọn khố rách áo ôm". Sau, tiếp xúc với những người trí thức, tôi xây dựng hình tượng nghệ thuật về nhân dân lao động toàn là áo trắng quần xanh, đội mũ bát giác, nét mặt hồng hào, thân hình béo tốt, khí phách hiên ngang, sải bước trên con đường thênh thang xán lạn. Khi lãnh đạo hô hào học tập "Nhân dân lao động" trong tôi chỉ như một khái niệm mơ hồ, thánh thật đấy, nhưng vẫn không sao hiểu nổi. Ở đây, coi như tôi đã ở giữa "nhân dân lao động". Trước hết, tôi lấy làm lạ về cái không khí lạc quan vô tư ở đây, điều mà nông trường lao cải không có.
Nghèo đến như thế, lạc hậu đến như thế mà vẫn lạc quan, vẫn vô tư, là điều đáng quý và không ai được phép bình phẩm, tuy rằng lạc quan và vô tư ấy được biểu hiện một cách quê mùa, nhưng chính vì thế mà nó chất phác và ngây thơ. Nhớ lại những điều mắt thấy tai nghe trong ngày lao động hôm qua, tôi bất giác mỉm cười.