Chàng nhìn phi đạo Temphehol thấp dần xuống. Leamas không phải là người hay suy tư và cũng không phải là người hay triết lý vụn. chàng biết chàng đã bị xóa tên khỏi danh sách-đó là sự kiện của đời sống mà chàng từ nay phải nhận lấy như một người phải sống với chứng ung thư hay trong vòng lao lý. Chàng biết không có sự sửa soạn nào có thể lấy được khoảng cách giữa lúc đó và lúc này. Chàng đã nhận chịu thất bại như một ngày nào đó có lẽ chàng sẽ nhận chịu cái chết, với sự cay đắng mỉa mai và lòng can đảm của một kẻ cô độc. Chàng đã sống lâu hơn nhiều kẻ khác và bây giờ chàng đã cùng đường. Người ta bảo con chó chỉ sống khi còn răng. Có thể nói răng của chàng đã bị nhổ sạch và kẻ nhổ răng chàng chính là Mundt. Mười năm trước đó đáng lẽ chàng có thể chọn con đường khác-có nhiều công việc tại bàn giấy trong các toà nhà vô danh của chính quyền tại Công trường Cambridge mà chàng có thể đảm được và bám vào đó đến khi già khọm. Nhưng Leamas không phải là người sinh ra để làm thế. Ai có thể yêu cầu một anh nài ngựa trở thành một viên thư ký trường đua, họa chăng mới có thể mong Leamas bỏ cuộc đời hoạt động để xoay qua lối sống xu hướng và vị kỷ một cách mờ ám của Whitehall . Chàng đã ở lại Berlin, biết rằng Nha nhân viên đã xếp hồ sơ của mình vào loại sẽ xét mỗi cuối năm-tức loại bướng bỉnh, thích làm theo ý mình, coi thường chỉ thị. Và thế nào cũng có chuyện cần tới chàng. Nghề tình báo chỉ có một luật lệ được biện minh bằng các thành quả. Ngay cả lối lý luận của Whitehall cũng theo luật đó, mà Leamas thì đã gây được nhiều thành tích. Cho đến khi Mundt đến. Thật kỳ lạ vì Leamas sớm nhận ra Mundt chính là dấu hiệu của định mệnh. Haos Dieter Mundt ra đời cách đây 42 năm Leipzig. Leamas biết rõ hồ sơ của y, biết rõ tấm hình chụp của y trong hồ sơ, gương mặt cứng và trơ dưới mái toác vàng hoe. Chàng thuộc lòng diễn tiến câu chuyện Mundt leo lên địa vị thứ hai trong Abteilung kiêm chức trưởng khối hoạt vụ. Ngay cả trong nội bộ cơ quan của y, Mundt cũng bị người ta ghét. Leamas biết điều này qua những chứng cứ cung cấp bởi những tên phản bội, và do Riemeck, một thành viên trong chủ tịch đoàn SED của những ủy ban an ninh cùng với Mundt và sợ Mundt như sợ bệnh dịch hạch. Riemeck đã không lầm, vì cuối cùng Mundt cũng đã giết anh ta. Mundt chỉ là một nhân viên quèn của Abteilung cho đến năm 1959, hoạt động ở London dưới lốt Phái Bộ Thép của Đông Đức. Y trở về Đức một cách vội vã và sau khi giết hai nhân viên của y để tự cứu và sau đó người ta không nghe nhắc nhở gì đến y trong hơn một năm. Bất thần y xuất hiện tại đại bản doanh của Abteiling ở Leipzig với chức vụ Trưởng Khối Phương Tiện, có trách nhiệm phân phối tiền bạc, dụng cụ và nhân viên cho các công tác đặc biệt. Cuối năm đó xảy ra cuộc tranh dành quyền hành trong nội bộ Abteilung. Số lượng và ảnh hưởng của các sĩ quan liên lạc Nga xô giảm xuống một cách thảm hại, nhiều tay kỳ cựu bị thải hồi với những lý do do có tính cách ý thức hệ và ba người nổi bật : Fiedler, trrưởng khối phản giáo, Jahn thay Mundt làm trưởng khối phương tiện, và Mundt với được một chức ngon lành : Phó giám đốc hoạt vụ - vào lúc 41 tuổi. Thế rồi tình hình bắt đầu đổi khác. Nhân viên đầu tiên mà Leamas mất là một cô gái. Nàng chỉ là một mắt xích trong mạng lưới, làm công việc liên lạc. Chúng bắn nàng chết ngoài phố khi nàng ra khỏi rạp chiếu bóng ở Tây Berlin. Cảnh sát không bao giờ tìm ra thủ phạm và thoạt tiên Leamas định coi như biến cố, không liên hệ đến công tác của nàng. Một tháng sau một gã khuôn xác của sở hỏa xa tại Dresden, một cựu nhân viên của mạng lưới Peter Guiliam, bị giết chết và nát thây tại một khúc đường rầy. Leamas biết không phải là chuyện ngẫu nhiên nữa. Sau đó không lâu hai nhân viên khác của một mạng lưới dưới quyền Leamas bị bắt và kết án tử hình. Cứ thế tình hình tiếp diễn : một cách tàn nhẫn và đáng giận. Và bây giờ chúng lại hại Karl. Leamas rời Berlin như khi chàng đã đến-không có được lấy một nhân viên nào đáng giá. Mundt đã thắng. Leamas là một người đàn ông thấp với mái tóc xám tro hớt ngắn, và thân hình của một tay bơi lội. Chàng rất khoẻ. Sức khoẻ này hiện rõ nơi vai và lưng, nơi cổ và nơi hai bàn tay với mười ngón tay lớn. Chàng có một quan niệm duy dụng về quần áo, cũng với hầu hết mọi thứ khác, ngay cả cặp kính đôi khi chàng đeo cũng có gọng bằng thép. Phần lớn quần áo chàng mặc đều bằng hàng nhân tạo, không bao giờ có áo nịt. Chàng thích mặc sơmi kiểu Mỹ có nút ở đầu 2 cánh cổ, và mang giày da hoẵng đế cao su. Chàng có một gương mặt điển trai, quả quyết và một cái miệng bướng bỉnh. Đôi mắt nhỏ mày nâu, có vẻ Ái Nhĩ Lan. Có người nói vậy. Khó ai đoán được Leamas thuộc vào hạng người như thế nào. Nếu chàng phải bước vào một hội quán tại London, tên bồi sẽ không thể lầm lẫn chàng là một hội viên ; nếu chàng vào một hộp đêm ở Berlin người ta sẽ dọn cho chàng bàn tốt nhất. Chàng có vẻ như một người có thể gây chuyện, một người theo đuổi tiền, một người không hẳn lịch thiệp. Theo mắt cô chiêu đãi hàng không, chàng là một người đáng lưu ý. Nàng đoán chừng chàng sinh quán ở Miền Bắc Anh Quốc, điều đó có lẽ đứng, và giàu có, điều hoàn toàn sai. Nàng tưởng tượng chàng 50 tuổi, kể như gần đúng. Nàng đoán chàng độc thân, chỉ đúng một nửa. Cách đây đã lâu, đã có một vụ ly dị ; ở một nơi nào đó có một mấy đứa trẻ, giờ chúng đã mười mấy cả rồi, vẫn nhận tiền trợ cấp nơi một ngân hàng tư hơi lạ kỳ trong thành phố. Nàng nói với Leamas: - Nếu ông muốn uống một ly whisky nữa thì xin nhanh lên. Máy bay sẽ tới phi trường London trong 20 phút nữa. - Thôi. Chàng không nhìn nàng, chàng đang nhìn ra ngoài cửa sổ, về phía những cánh đồng xanh mướt của Kent. Fawley đón chàng ở phi trường và lái xe đưa vào London. Y liếc về phía Leamas , cho hay : - Control bực vì chuyện Karl lắm. Leamas chỉ im lặng gật đầu Fawley hỏi : - Chuyện xảy ra thế nào? - Bị bắn. Do Mundt hạ. - Chết? - Chắc vậy. Thế vẫn hơn. Anh ta suýt thoát được. Nếu anh ta không quá hấp tấp, chúng còn chưa thể biết chắc. Bọn Abteilung đến nút chặn ngay sau khi anh ta vừa được phép qua. Chúng thổi còi và một tên Vopo bắn anh ta ở cách lằn ranh chừng hai mươi thước. Anh ta chỉ cựa quậy trên mặt đất một chút, rồi nằm yên - Tội nghiệp - Đúng thế. Fawley không có cảm tình với Leamas và nếu Leamas biết chàng cũng cóc cần. Fawley là loại người của các hội quán, luôn luôn mang cà vạt một cách long trọng, nói năng có vẻ sành thể thao và giữ một chứ thư ký soạn thảo văn thư. Anh ta nghĩ là Leamas khả nghi, còn Leamas thì cho là anh ta ngu. Leamas hỏi : - Anh ở ban nào ? - Nhân viên. - Thích không? - Tuyệt. - Tôi ra sao bây giờ? Phế thải? - Nên để chính Control cho bồ hay. - Bồ biết không? - Biết chứ. - Mẹ kiếp, sao không cho tôi biết? Fawley vẫn ấm ớn: - Rất tiếc không thể được Leamas bỗng suýt nổi sùng. Nhưng rồi chàng nghĩ có lẽ Fawley chỉ là một tên khoác lác. - Thế thì bồ hãy cho biết một điều này, được không ? Tôi có phải đi một căn phòng thổ tả nào ở London không? Fawley gãi tai : - Chắc không đầu, bồ ạ - Không? Tạ ơn đức Chúa trời. Họ đậu xe gần công trường Cambridge, ngay trước một máy thu tiền đậu xe và cùng bước vào cổng. - Ê, chắc bồ không có thẻ ra vào? Bồ phải điền tên vào một tấm phiết. - Ở đây có cái trò này thẻ ra vào từ hồi nào vậy? McCall biết tôi quá mà. - Chỉ thị mới. Cơ sở mình đang bành trướng, chắc bồ đã biết. Leamas không nói gì, gật đầu chào McCall và bước thẳng vào thang máy không trình thẻ. Control bắt tay chàng hơi cẩn thận, như bác sỹ khám xương. Ông nói với vẻ thông cảm, giọng vẫn rè rè, lạnh nhạt như thường lệ. - Chắc anh mệt lắm, ngồi xuống đi Leamas ngồi xuống một chiếc ghế đối diện một lò điện màu ôliu có một tô nước đặt phiá trên. Con trol hỏi : - Anh có thấy lạnh không? Ông ta khom mình trên lò sưởi, xoa 2 tay vào nhau. Ông ta mặc một áo len đan bện dưới chiếc vét đen, màu nâu đã xộc xệch. Leamas chợt nhớ đến bà vợ của Control, một mụ đàn bà nhỏ người và ngu đần, có cái tên Mandy, lúc nào cũng tưởng chồng mình làm việc cho Uỷ ban than đá, chàng đoán chính mụ đã đan chiếc aó len đó cho ông ta. Con trol nói tiếp - Trời khô quá, thế mới phiền. Càng sưởi cho ấm, mình lại càng làm cho bầu không khí thêm khô. Như vậy lại càng nguy hơn nữa Ông ta tiến tới bàn giấy và nhấn một cái nút, nói : - Mình gọi càphê uống nghe. Ginnie đang nghỉ phép, thế mới phiền. Họ gửi đến cho tôi một cô mới. Thật quá tệ. Ông ta còn lùn hơn cả mức Leamas nhớ trong trí, ngoài ra thì cũng như trước. Cũng cái vẻ giả bộ xa cách, cũng cái hợm hình hĩnh cổ lỗ, cũng vẫn sợ gió máy, lịch thiệp theo kiểu cách mà Leamas đã mất hẳn từ đời nào. Cũng nụ cười đãi bôi, cũng cái lối làm ra vẻ nhút nhát, cũng cố bám theo một cung cách xử sự mà chính ông ta giả bộ coi là lố bịch. Tóm lại, cũng vẫn tầm thường. Ông ta lấy một gói thuốc lá từ bàn giấy và đưa cho Leamas một điếu. - Anh sẽ thấy thứ này sắp sửa lên giá. Leamas gật đầu lấy lệ. Control vừa bỏ bao thuốc vào túi vừa ngồi xuống. Im lặng một lát. Cuối cùng Leamas lên tiếng: - Riemeck chết rồi. Control bảo, tựa hồ Leamas đã nói một ý gì hay : - Phải, đúng thế. Thật quá xui xẻo. Hầu hết… Tôi đoán cô gái đó đã làm cho anh ta tiêu mạng – Elvira? - Tôi cũng nghĩ thế. Leamas không có ý định hỏi tại sao ông ta biết về Elvira. Control nói thêm : - Và Mundt đã cho lệnh bắn anh ta. - Vâng. Control đứng lên đi quanh phòng tìm cái gạt tàn thuốc. Ông ta tìm được một cái và đặt nó xuống một cách vụng về trên mặt bàn giữa 2 người. - Anh cảm thấy thế nào? Khi Riemeck bị bắn. Anh trông thấy tận mắt cảnh đó chứ? Leamas nhún vai: - Tôi hết sức bất mãn. Control nghiêng đầu, lim dim mắt. - Chắc chắn anh phải cảm thấy hơn thế. Chắc anh phải bối rối lắm? Tự nhiên là như vậy. - Tôi bối rối thật. Ai mà không thế? - Anh có cảm tình với Riemeck không – tôi muốn nói về phương diện nhân tính? Leamas đáp một cách khổ sở : - Chắc có. Rồi chàng tiếp ngay : - Nhắc đến chuyện đó làm gì nữa. - Đêm ấy anh làm gì, sau khi Riemeck bị bắn? Leamas sẵng giọng : - Kìa, chuyện gì vậy? Ông muốn nói gì? Control trầm ngâm : - Riemeck là người cuối cùng, cuối cùng của một loạt người chế. Nếu tôi nhớ không lầm thì bắt đầu là cô gái. Cô gái bị bắn ở Wedding ngoài cửa rạp xinên. Rồi đến anh chàng ơ Dresden, rồi những vụ bắt vớ ở Jens. Như trong truyện “Mười chú mọt con ”. Bây giờ lại tới Paul, Viereck và Landser – tất cả đều đã chết. Và sau cùng là Riemeck. Ông ta mỉm một nụ cười chua chát: - Thật là những tổn thất quá nặng. Tôi không hiểu đối với anh như thế đã đủ chưa? - Ông muốn nói gì? Đủ là thế nào? - Tôi tự hỏi anh đã mệt mỏi chưa, chán chưa? Im lặng thật lâu. Cuối cùng Leamas nói : - Cái đó tuỳ ở ông. - Chúng ta phải sống không cảm tình, chứ gì. Dĩ nhiên là không thể như vậy được. Chúng ta xử sự thế đối với nhau, cứng rắn quá ; nhưng bản chất chúng ta không như thế. Ý tôi định nói là người ta không thể ở ngoài trời lạnh giá mãi được, người ta phải đi tránh cái lạnh chứ. Anh hiểu ý tôi không? Leamas hiểu. Chàng còn nhớ con đường dài ở phía ngoài Rotterdam, con đường dài thẳng tắp cạnh những cồn cát, và dòng suối người tị nạn dọc theo đó. Thế rồi, chiếc phi cơ nhỏ xíu từ xa bay đến, dòng người ngừng lại và nhìn về nó đang tới gần, ngay trên những cồn cát. Liền đó là cảnh hỗn loại, là địa ngục phi lý, khi những trái bom rơi trúng con đường. Sau cùng Leamas bảo : - Tôi không thể tiếp tục nói chuyện như thế này mãi được. Ông muốn tôi làm gì bây giờ? - Tôi muốn anh ở ngoài trời lạnh thêm chút nữa. Thấy Leamas vẫn im lặng, Control lại nói tiếp “ - Theo tôi hiểu, luân lý của nghề chúng ta dựa trên một giả thuyết mà thôi. Đó là chúng ta sẽ không bao giờ gây hấn. Anh nghĩ thế có đúng không? Leamas gật đầu. Làm bất cứ gì để khỏi phải nói chuyện. - Tức là ta làm đủ chuyện một cách bất đắc dĩ, chỉ vì ta phải tự vệ. Như vậy cũng là hợp lý. Ta làm những chuyện bất đắc dĩ để các người dân thường ở đây và nơi khác được ngủ yên trên giường ban đêm. Nói thế có lãng mạn lắm không? Dĩ nhiên thỉnh toảng chúng ta đã làm những điều rất đáng trách. Ông ta nhe răng cười như một cậu bé học sinh: - Riêng về vấn đề đạo đức thì chúng ta không ngại. Dù thế nào, ta không thể so sánh lý tưởng của bên này với những phương pháp của bên kia. Leamas bối rối. Chàng đã từng nghe Control nói đủ thứ bá láp trước khi đi đến kết luận, nhưng chưa hề nghe một chuyện nào như thế này. - Tôi muốn nói rằng anh phải so sánh phương pháp với phương và lý tưởng với lý tưởng. Tôi cho rằng từ khi có cuộc chiến đến giờ, những phương pháp của đôi bên – của ta và của đối phương – đã thành giống nhau nhiều quá. Ý tôi là bây giờ anh không thể kém tàn nhẫn so với địch chỉ vì chính sách của chính phủ ta nhân đạo, chắc anh phải nhìn nhận điều đó? Ông ta tự mỉm cười với mình - Như thế sẽ không bao giờ nên chuyện. Trời ơi, Leamas nghĩ, lão như một anh thầy tu bất hảo. Lão đang định bày trò gì đây? Control tiếp tục: - Đó là lý do tại sao tôi cho rằng ta nên cố tìm cách loại trừ Mundt. Ồ thật vậy. Nói đến đây, ông ta quay nhìn về phía cửa, lên tiếng gắt: - Càphê đâu không thấy thế này? Control bước ra, mở cửa và nói với một cô gái khuất mặt nào đó ở phòng bên ngoài. Khi quay vào ông ta nói tiếp: - Tôi thật tình nghĩ rằng chúng ta cần phải thanh toán hắn nếu có thể. - Tại sao? Chúng ta đâu còn gì ở Đông Đức nữa? Ông vừa nói thế - Riemeck là người cuối cùng. Ta chẳng còn gì để bảo vệ. Control ngồi xuống và nhìn tai bàn tay một lúc, rồi sau cùng ông ta nói : - Cũng không hẳn thế. Nhưng tôi nghĩ không cần phải làm phiền anh với những chi tiết. Leamas nhún vai, Control lại tiếp lời: - Anh cứ nói thật, có phải anh đã chán nghề điệp báo này? Tôi xin lỗi vì đã hỏi đi hỏi lại câu đó. Tôi muốn nói đây chỉ là 1 hiện tượng chúng ta đều hiểu. Nói theo ngôn ngữ của các nhà vẽ kiểu phi cơ – độ môi của kim khí – nếu anh đã nản, cứ nói thẳng ra. Leamas nghĩ đến chuyến bay hồi hương sáng nay và sinh ra phân vân. - Nếu anh đã nản, ta phải tìm một cách để khác để đối phó với Mundt. Những gì tôi đang nghĩ đều hơi khác thường. Cô gái bưng cà phê vào. Nàng để khay trên bàn và rót vào hai tách. Control đợi cho nàng đi ra khỏi phòng mới nói, như nói với chính mình: - Thật là một con bé ngu ngốc. thật là lạ vì họ không tìm được ai khá hơn. Ước gì Ginnie không nghỉ phép vào những lúc như thế này. Ông khuấy cà phê với vẻ bực bội trong một lúc, rồi bảo: - Nhất định ta phải hạ Mundt. Anh uống rượu nhiều không? Whisky chẳng hạn? Thế mà Leamas vẫn tưởng đã hiểu rõ Control. Chàng trả lời: - Chút đỉnh, có lẽ chỉ hơi quá mức trung bình. Control gật gù một cách thông cảm” - Anh biết gì về Mundt - Y là một tên giết mướn. Trước đây một hai năm y đã trở về đây với Phái Bộ Thép Đông Đức. Hồi đó mình đã có một cố vấn trong phái bộ là Maston. - Đúng vậy. - Mundt đã chỉ huy một nữ nhân viên, vợ của một tên trong Bộ Ngoại Giao. Sau đó hắn đã giết bà ta. - Y đã cố giết Geogre Smiley, và dĩ nhiên y đã bắn chết luôn chồng của người đàn bà. Y là một kẻ đáng tởm. Xuất thân từ phong trào thanh niên thời xưa của Hitler. Hoàn toàn không phải là một tên cộng sản trí thức. Một tay chuyên ngiệp trong ngành chiến tranh lạnh. Leamas vắn tắt bảo - Thì cũng như mình vậy. Control không cười. - Geogre Smiley biết rất rõ về vụ này. Hắn không còn làm cho ta nữa, những tôi tưởng anh nên tìm cho ra hắn. Hắn đang nghiên cứu gì đó về nước Đức thuộc thế kỷ 17. hắn sống ở Chelsea, ngay sau công trường Sloane, đường Bywater, anh biết khu đó chứ? - Vâng - Và Guiliam cũng rành chuyện này. Hắn ở Ban vệ tinh 4 lầu 1. Tôi e rằng mọi việc từ ngày anh đi đã thay đổi - Vâng - Anh hãy bỏ một hai ngày với họ. Họ biết tôi đang nghĩ gì trong đầu. rồi tôi xin mời anh đến nhà cuối tuần này. Có lẽ vợ tôi sẽ thăm bà cụ. Chỉ có anh và tôi thôi. - Cám ơn ông. Tôi xin hoan hỉ nhận lời - Mình có thể nói chuyện một cách thoải mái. Như thế cũng thú chứ. Tôi nghĩ sau vụ này anh có thể kiếm được khá nhiều tiền. Anh có quyền giữ tất cả những gì kiếm được. - Cám ơn ông. - Nghĩa là, dĩ nhiên nếu anh chắc chắn anh muốn … không bị chán nản mệt mỏi gì nữa? - Nếu đó là chuyện giết Mundt, tôi xin tình nguyện lãnh công tác của ông. Control hỏi một cách lễ độ: - Anh có thật cảm thấy thế không? Rồi sau khi trầm ngâm nhìn Leamas một lúc, ông ta nhận xét: - Phải, tôi quả thật tin rằng anh đang cảm thấy thế. Nhưng anh không được nghĩ là anh phải nói như thế. Tôi muốn nói… trong thế giới ta sống tình thương yêu và lòng thù hạn thường mất hương vị quá nhanh-như nhiều âm thanh mà một con chó không nghe được. Mọi thứ còn lại rốt cược chỉ là một loại buồn nôn, mình không còn muốn gây đau khổ nữa. Anh hãy tha lỗi cho tôi, nhưng phải chăng đó là điều anh cảm thấy khi Karl Riemeck bị bắn? Không ghét Mundt, cũng không thương Karl, mà chỉ là xao động buồn nôn, như một cú đấm trên một thân hình vô tri giác… Tôi nghe nói anh đã đi bộ suốt đêm, lang thang qua các đường phố của Berlin. Đúng vậy không? - Đúng là tôi đã đi dạo. - Suốt đêm? - Vâng. - Còn Elvira thì sao? - Trời mới biết được… tôi chỉ muốn nhảy ngay vào vụ Mundt. - Tốt … tốt. À, nếu anh gặp bạn bè cũ lúc này, nhớ đừng nói gì với họ về chuyện anh đang làm. Control im lặng một lát, và nói thêm : - Tôi nghĩ nên giấu họ thì hơn, cứ để họ nghĩ chúng tôi vẫn còn xử tệ với anh. Hay nhất là mình hãy khởi sự khi mình định tiếp tục, phải không anh?