Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Cali Ngày Em Về

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2004 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cali Ngày Em Về
Trần Quang Thiệu

Cali Ngày Em Về

     Đã lâu lắm rồi Dũng mới lại tới thăm Dân. Dũng không thích khu nhà có cổng gác, khách khứa mỗi lần đến thăm đều bị chặn hỏi, và chủ nhà phải xác nhận khách mới được phép vào.  Dũng càu nhàu khi gặp Dân:
-        Nhà chú vào khó bỏ mẹ. Thảo nào bố Ngụy có việc lên Orange County thường ngủ khách sạn chứ không chịu vào nhà chú.
Dân cười:
-        Em đã đưa anh số ‘pin’ rồi mà. Anh vào lane dành riêng cho resident, bấm số ‘pin’ là cổng tự động mở, không phải qua vọng gác!
-        Số nhà chú tôi còn không nhớ, làm sao nhớ số ‘pin’. Mẹ kiếp, cha gác cổng làm khó dễ mãi vì tôi không biết số nhà. May mà có cái điện thọai cầm tay gọi cho chú.
-        Take it easy, man. Have a beer to cool off rồi anh em mình nói chuyện chơi.

Phòng khách nhà Dân thật sang, sàn gỗ bóng, tấm thảm Ả-Rập thật dày trải dưới bàn coffee rộng mênh mông. Dũng ném mình trên chiếc sofa dài bằng da mầu crème, hít đầy lồng ngực không khí ấm áp hắt ra từ ngọn lửa hồng trong lò sởi, mắt lim dim tạm hưởng chút  tiện nghi của đời sống vật chất. Dân trao cho Dũng chai bia lạnh:
-        Where’s Lianne? Tưởng anh và con nhỏ Tàu đó ‘going steady’.
-        Chú làm cứ như là tụi mình còn đang ở high school! Lianne với anh vẫn chỉ là bạn thân thôi.
-        I don’t believe it! Cuối tuần rồi anh đưa nó về nhà chơi, nó nép vào anh như cô dâu mới. Mẹ còn khen hai người đẹp đôi nữa.
Dũng cúi đầu không nói. Dân tò mò:
-        Something wrong?
-        No, nothing wrong, but …
Dũng ngần ngừ cho Dân biết là Lianne sẽ phải trở về Taiwan cuối niên học này vì nặng gánh gia đình. Dân buột miệng:
-        Sao anh không marry her! She can stay in the U.S.!
-        Không được Dân ạ. Mẹ Lianne cũng không được khoẻ, cần người chăm sóc. Lianne phải về, vả lại …
-         What?
-         Anh cũng không biết nữa, một phần vì đời sống anh chưa ổn định, và có lẽ anh không yêu Lianne như là cô bé đó yêu anh!
-        Oh man! Bộ anh còn nhớ chị Thùy-Dung à?

Dũng không trả lời, chỉ lắc đầu nhè nhẹ, ngước mắt nhìn lên trần nhà. Dân cũng không hỏi thêm, chỉ lặng lẻ nhìn anh đợi chờ. Lâu lắm Dũng mới khẽ thở dài:
-         Không, anh với Thùy-Dung broke-up đã lâu. Bây giờ tụi anh chỉ là bạn, rất thân,  và vẫn thường đi ăn trưa với nhau. Thùy-Dung cũng biết là lúc này anh hay đi chơi với Lianne. Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Dạo này Dân ra sao, vẫn làm cho Softsmith phải không?
-         Yep! Từ ngày ra trường tới giờ. Phải travel thăm viếng clients nhiều quá nên có lúc em đã định tìm job khác nhưng bỏ đi không đành.
-        Bận không?
-        Anh biết mà. Software developers làm việc 24 giờ một ngày. We think while we sleep! Ăn cũng nghĩ làm sao fix cái bug người ta mới report. Lái xe cũng suy nghĩ how to increase performance! Mấy lần suýt có accident!
Dũng tủm tỉm cười:
-        Hay là chú mày lấy vợ đi! Có vợ sẽ lo cho vợ nhiều hơn là lo cho công việc!
-        Hey, man! You làm như you biết rõ vậy! Anh đã có vợ hồi nào đâu. Anyway, nhớ con nhỏ Thái em mang về nhà giới thiệu không? She dumped me!
-        How come? Xem ra chú mày chẳng buồn tí nào.
-        Nope! She’s too demanding! Mẹ em chỉ muốn em cưới vợ Việt Nam. Bố còn đùa hỏi em là bộ muốn lấy con thằng hải tặc hay sao!
Dũng bật cười:
-        Bố Ngụy lúc nào cũng vui. Sao em không về thăm nhà thường hơn. Từ Irvine về San Diego chỉ độ một giờ lái xe. Cuối tuần em nên về!
Dân lắc đầu:
-        Anh là con nuôi nhưng bố hợp với anh hơn là với em. Em nói tiếng Việt pha chữ Anh, bị bố mắng hoài. Em lại không biết văn chương, thơ phú VN. Oh, how the hell can I talk to him! Nghe anh và bố nói chuyện ca dao em chẳng hiểu gì. You know what, bố nói là bố cho em tất cả, chỉ thiếu một tâm hồn VN. Sorry, I don’t have it!
-        Anh biết, bố còn nặng lòng với dĩ vãng. Mà thôi em ạ, cũng chẳng ra gì ba cái chuyện văn nghệ văn gừng, thơ phú lăng nhăng. Coi anh này, vẫn nghèo rớt mùng tơi.
Dân cười ha hả:
-        Cái này thì anh nói đúng. Anh học biology, xong BS đáng lẽ thi vào medicine shool, hoặc ra đi làm nhưng lại đổi ý, chuyển sang học history vì hoài bão về tiền đồ của Việt-Nam, mấy năm rồi vẫn còn bận bịu với cái thesis khốn khổ. Mai mốt có xong Ph. D. cũng chỉ đi dạy học, đủ sống là may! Lại còn đam mê văn chương, âm nhạc, như vậy thì làm sao mà giầu có cho được. Nhưng có lẽ vì vậy mà bố thích anh. Ngày xưa bố cũng muốn đi dạy học. Bố thành người đi biển cũng chỉ vì hoàn cảnh mà thôi.
-        Anh biết, anh cũng suy nghĩ nhiều về việc này, và anh cũng đang băn khoăn không biết là học xong cuối năm nay anh sẽ trôi giạt về đâu. Chú hay qua New York, chú thấy nơi đó thế nào?
-        Why New York?
Dũng mơ hồ biết vì sao mình nghĩ tới New York nhưng không dám nói thật lòng mình:
-        Anh có người bạn bên đó.
-        Who?
Dũng ngần ngừ:
-        Nhớ Candy không?
-        Ah, your fan? Cô bé bay từ San Francisco xuống Santa Ana một đêm để nghe anh thổi kèn? She must be something! Hình như Candy là em họ của Thùy-Dung?
-        Yes. She’s something! Ngày xưa Candy theo học high-school ở Fountain-Valley, sau đó mẹ cô bé thuyên chuyển sang New York làm việc. Candy đi theo và hiện đang học năm đầu tiên tại một đại học cộng đồng bên đó. Mấy tháng trước Candy theo mẹ từ New-York sang San Francisco thăm gia đình bên ngoại, nhưng xin mẹ xuống Santa Ana một mình thăm chị Dung. Lúc đó anh còn chơi nhạc cho vũ-trường Ritz để kiếm sống, và chính Dung đã đưa Candy tớì Ritz nghe anh thổi kèn. Sau khi về lại New-York Candy vẫn liên lạc bằng email với anh, và thân thiết hơn khi biết anh và Thùy-Dung không còn yêu nhau. 
-        Do you love her?
-        No … I’m not sure! Anh không biết nữa, nhưng lâu nay anh nghĩ tới cô ta nhiều, vì lần gặp gỡ đầu tiên đó là một kỷ niệm khó quên.
-        Candy đối với anh ra sao?
-        Dạo này Candy viết cho anh rất thường. Thư nào cũng dịu dàng đằm thắm nhưng kín đáo chứ không sôi nổi nên anh cũng không biết rõ tình cảm thực sự của Candy với anh ra sao. À, mẹ cô ta đi Âu Châu chơi với bạn nên cô ta sẽ về Cali thăm Thùy-Dung, thăm người bạn học high-school cũ, Tim Nguyễn, đang đau, và cô ta nói, ‘nhất là thăm anh Dũng Ngố’. Chú biết không, anh và Candy nhẩy với nhau một bản slow lần đầu gặp gỡ ở vũ-trường Ritz, Candy đã dựa đầu lên vai anh và gọi anh là ‘Dũng Ngố’ một cách thân tình!
Dan cười vang:
-        Ha ha. Gập nhau lần này rồi sẽ biết. But you know what? You’re such a mess! Thùy-Dung, Lianne và bây giờ Candy. I’m not sure that you know what you’re doing!
Dũng thở dài:
-        Đôi lúc anh biết rất rõ là mình muốn gì, nhưng đôi lúc chẳng hiểu được chính mình!

o0o

Trích nhật ký của Dũng:
 
Ngày 15 tháng Hai, năm 2007 - Buổi chiều

Khi tôi viết những dòng này thì có lẽ Candy đang trên đường bay về California thăm bạn bè. Tôi hứa đón Candy và sẽ ra phi trường LAX vào lúc 8 giờ tối nay.

Hôm qua chú Duy cũng gọi cho tôi từ VN, nói là bạn bè bên đó rất cần chúng mình giúp đỡ trong lãnh vực giáo dục. Chú nói tôi cố gắng hoàn tất thesis năm nay rồi về giúp chú một tay. Tôi cũng không biết nghĩ sao. Xa quê hương hơn 16 năm, tôi cũng muốn về góp một bàn tay. Thế nhưng còn Candy ở bên này?

Tôi đã nhiều lần hỏi lại lòng mình, và tôi biết quả thực là tôi đã yêu cô bé đó nhưng sao tôi vẫn thấy có gì mong manh như sương khói. Candy ở xa quá, mới gặp nhau có một lần, và nhất là tôi chưa nhìn thấy cảm tình sôi nổi từ cô bé còn rất bé bỏng đó qua những thư từ trao đổi cho nhau. Cảm tình, nếu có, hãy còn rất nhẹ nhàng và mơ hồ.

‘Biết ra sau ngày sau’, nhưng càng ngày tôi càng nhìn thấy nét mong manh của đời sống. Chuyện gì tưởng như thật mà cũng như ảo. Nếu Candy không yêu tôi như tôi nghĩ thì cũng chỉ là thêm một ảo ảnh ở đời, và về VN vơí chú Duy biết đâu chẳng là một con đường.

Gần cuối năm rồi nên suy tư có mang mầu yếm thế. Hay là tôi luôn luôn yếm thế? Cũng chẳng biết nữa, nhưng dù sao cuối năm cũng là lúc tôi kiểm điểm lại cuộc đời. Tình yêu, sự nghiệp chẳng đâu vào đâu nên dĩ nhiên là có chút buồn vậy thôi.

Tối nay đón Candy, mai đưa em tới nhà bác Bân cho Candy thăm Tim và gặp mọi người, còn tôi, tôi có nên ở lại đó không hay tìm một nơi cho riêng tôi? Hay là tới thăm Lianne? Có gì như bứt rứt mổi lần nghĩ tới cô ta, nhưng biết làm sao bây giờ. Thôi muộn rồi, đi đón Candy rồi khuya nay viết tiếp.

o0o 
 
Ngày 15 tháng Hai, năm 2007 - Buổi tối
 
Cuối cùng em đã trở lại,  tôi bồn chồn nhìn qua cửa kính cho tới lúc em tươi cười bước ra:
-        Candy!
Tôi vẫy tay, đỡ dùm em chiếc suitcase và trao cho em một bồng hồng nhỏ mà đáng lẽ tôi phải gửi tơí em vào ngày lễ của tình yêu.
-        Anh Dũng!
Em kiễng chân hôn nhẹ lên má tôi, cười bằng mắt:
-        Anh chờ em lâu không.
Tôi muốn đùa với em, muốn nói với em là tôi chờ em từ kiếp nào, nhưng rồi tôi không nói, chỉ nhè nhẹ lắc đầu:
-        Bé mệt không?
Em cũng lắc đầu, ríu rít kể cho tôi nghe những cảm nghỉ, những gì em thấy, những gì em nghe trên chuyến bay từ New York đến LAX, trong lúc chúng tôi chậm chạp theo dòng người ra bãi đậu xe.

Khi xe đã ra khỏi những con đường nhỏ đông đúc, bắt vào xa lộ 405 N, hướng về Fountain Valley tôi mới thở phào nhìn em:
-        Welcome to California. Ai cũng muốn đi đón em nhưng rồi có lẽ họ muốn dành cho chúng mình một chút … riêng tư.
Em nhìn tôi thật lâu không nói. Tôi hỏi:
-        Trông anh lạ lắm sao.
Em gật đầu chúm chím cười:
-        Khác nhiều lắm.
Tôi muốn hỏi em là khác thế nào nhưng lại thôi, và em cũng giữ yên lặng, nhìn thẳng vào dòng xe cộ, nhưng tôi thấy đuôi con mắt em nheo lại. Chắc là em đang cười! Tôi nhìn đồng hồ. Mới hơn 9 giờ tối. Tôi hỏi em:
-        Dinner trên máy bay chắc chẳng ra gì. Anh đưa em đi ăn nhé. How about phở?
Em gật đầu nói rất nhẹ:
-        Dạ, phở Nguyễn Huệ mà anh và chị Dung hay nhắc tới đó!
Tôi cười với em:
-        Ừ ngon lắm, em ăn rồi sẽ … quên đường về New York.
Em chỉ cười nhẹ, im lặng cho đến khi chúng tôi bước vào tiệm ăn. Tôi hỏi em:
-        Em thích ăn gì để anh gọi. Mẹ đi vắng bấy lâu nay, chắc ở nhà đói meo!
Em mỉm cười, nói nhỏ:
-        Anh gọi cho em đi. Gì cũng được. Em dễ ăn lắm. Không tin anh nuôi thử em xem!
Tôi muốn nói với em là tôi mong nuôi em suốt đời chứ đâu phải chỉ nuôi thử nhưng tôi không nói được, vì thật lòng tôi không biết là mình có giữ được lời, dù rằng tôi biết là bây giờ tôi đã rất yêu em! Tôi lặng lẽ nhấm nháp ly café và nhìn em ăn. Trông em có chút mệt nhọc vì đường xa nhưng em vẫn tươi trẻ như bông hoa vừa hé nở trên cành. Tôi đã gần 30 còn em mới hơn 18 tuổi đầu. Tôi bâng khâng hỏi thầm giữa chúng ta có gì ngoài một khoảnh cách về tuổi tác, và ba ngàn dậm xa?

Tôi đưa em về tới khách sạn Marriott gần Mile Square Park, và để tránh cho em khỏi bối rối, tôi ngừng xe bên ngoài lobby, kéo valise ra khỏi thùng xe, trao cho em chìa khóa phòng và nói nhỏ:
-        Anh check-in cho em rồi. Phòng 213 trên lầu. Em ngủ ngon nhé. Độ 9 giờ sáng mai anh tới đưa em đi ăn sáng rồi chúng mình tới nhà bác Bân thăm mọi người. Nhớ khóa cửa cẩn thận. Còn giữ số cell của anh không?
Em gật đầu nhìn tôi ngập ngừng:
-        Mai Bé gặp anh. Khuya rồi, anh lái xe về San Diego cẩn thận nhé.
Tôi gật đầu nhìn em kéo valise vào lobby, và chỉ lên xe sau khi đã thấy em nhìn lại, dơ bàn tay nhỏ vẫy chào. Có điều Candy không biết là tôi không về San Diego, thực ra tôi cũng đã check-in một phòng riêng cho tôi. Tôi biết là sẽ không có chuyện gì xảy ra, nhưng tôi vẫn không thể nào không ở đâu đó gần bên em trong lúc này!

16/02/2007, Buổi Sáng:

Em xuống gặp tôi tại lobby. Buổi sáng trông em như bông hồng còn đọng sương mai. Đôi mắt em như lúc nào cũng cười, kể cả khi em nhìn tôi không nói. Mai sau dù có thế nào tôi cũng không bao giờ quên được đôi mắt em. Em hỏi tôi:
-        Hi anh Dũng. Anh lái xe từ San Diego lên có mệt không?
Tôi chỉ cười, ngỏ ý muốn cùng em ăn sáng tại nhà hàng trong khách sạn trước khi tới nhà bác Bân thăm bạn bè nhưng em không chịu, chỉ xin một ly café nhỏ. Em phân trần:
-        Để bụng ăn bánh chị Dung làm.
Tôi nheo mũi:
-        Chứ không phải là em muốn giữ eo? Em còn ‘bé tí’ mà đã sợ mập rồi!
Em lườm tôi nhưng môi vẫn nở nụ cười. Tôi dắt em ra xe:
-        Chúng mình tới gặp chị Dung, chiều nay đi chợ Tết Bolsa cho em thấy Sài-Gòn nhỏ của người Việt mình. Tối đi ăn quán Hỉ. Em ăn cơm Huế được không?
Em chỉ gật đầu, bé bỏng và ngoan hiền như con chim non.

Tôi đã email và điện thoại trước nên Dung đã có mặt ở nhà bác Bân, ba của Tim. Tim hình như nóng lòng nhất. Anh chàng đứng lóng ngóng ngoài cửa và khi xe tôi vừa ngừng Tim đã tiến ra mở cửa xe cho Candy. Nhìn ánh mắt đó, và những cử chỉ đó tôi biết là Tim đã xúc động đến bàng hoàng khi nhìn thấy Candy nhí nhảnh, mỉm cười, đưa tay bắt tay Tim. Tôi nhẹ thở dài nghĩ thầm “Có lẽ Tim còn giữ những cảm tình thân thiết với Candy từ ngày học chung. Không biết Candy nghĩ về Tim ra sao, hay lại một mốt tình đơn phương để cho người con trai buồn phiền.”

Thùy-Dung đứng đón Candy trên thềm nhà, đưa tay vẫn chào và hug Candy thật lâu,  như thể là đã xa nhau rất lâu. Hằng, mẹ Tim,  là người đàn bà khéo léo, vui vẻ đón tiếp, chuyện trò với Candy và mọi người thật tự nhiên. Cả Dân được tôi báo tin cũng có mặt, nó nói nhỏ vào tai tôi “Damn you! She’s so cute!”

Tôi dắt Candy đến gần Thùy Dung và nói nhỏ với cả hai người:
-        Hai em ở lại đây chuyện trò cho thoả thích. Anh có chút việc cần phải đi. Độ chừng 2 giờ chiều anh về đưa hai em đi chợ hoa nghe. Em xin lỗi mọi người dùm anh.
Candy có vẻ như ngạc nhiên, nhưng Thùy-Dung đã kéo em vào sát mình, gật đầu:
-         Ừ, anh đi đi. Chị em tôi có nhiều chuyện riêng muốn nói. Nhớ quay lại đúng giờ nhé. Em chờ.

Tôi nhìn Candy âu yếm trước khi vẫy tay chào mọi người. Hình như lần đầu tiên Dung xưng em với tôi, tiếng ‘em’ trước đây tôi chờ đợi bao ngày, nhưng bây giờ đã muộn, và nghe sao quá bình thường. Thực ra tôi chẳng có việc gì, và cũng chẳng biết đi đâu. Tôi chỉ muốn bỏ đi cho mọi người được tự nhiên, cho Tim những giây phút êm đềm, cho Candy quay trong vòng tay của hạnh phúc, giữa tình thương của mọi người, không ngộp thở vì đôi mắt yêu thương của tôi.

Tôi không có chủ ý nhưng rồi bỗng nhiên tôi thấy mình đã đến gần UCI! Tôi nhẹ thở dài:
-        Hay là mình gặp Lianne, say hello, chúc mừng năm mới?
 
Bãi đậu xe trưa thứ sáu trước ‘long weekend’ vắng tanh, sinh viên đã về thăm nhà, nhất là sinh viên Á Châu vì Tết cũng đúng vào cuối tuần này. Tôi đến thư-viện vì tôi biết trưa nào Lianne cũng ở đó học bài, và chờ tôi đến thì thào nói chuyện vẩn vơ ngày mà tôi còn theo học tại đây. Thư viện hầu như không có người, Lianne không ngồi tại chỗ vẫn thường ngồi. Tôi nhìn quanh không thấy Lianne đâu, nên thả bộ về khu dormitory. Lianne cũng không có trong phòng, cánh cửa im lìm mặc dù tôi đã gõ nhẹ vài lần.  Tôi xé một mảnh giấy nhỏ trong cuốn sổ tay ghi vội vài chữ, nhét vào khe cửa :
-         Miss you! 新年快洛 - Michael.
‘Tân Niên Khoái Lạc/Chúc Mừng Năm Mới’ nghe sao khách sáo, nhưng tôi biết nói gì hơn? Mai kia trở về Đài Loan Lianne sẽ quên tôi. Còn tôi, những cuộc tình đã qua, và  tình yêu với Candy này đã chiếm đầy một tâm tư. Tôi đã có những ưu phiền khi chia tay với Thùy-Dung, với những người đàn bà đã một thời gắn bó. Rồi cuộc tình mới này sẽ ra sao? Candy có thật yêu tôi như tôi yêu em? Hơn thế nữa, tôi mang lại được gì cho em hơn là một tình yêu mong manh? Trên xe quay về Fountain Valley tự nhiên tôi thấy thật u-buồn.

2/16/2007 - Buổi Chiều:

Candy len vào giữa tôi và Thùy-Dung, bước chân em như chim nhẩy trên cành, em quay qua quay lại trầm trồ khen hết cái này tới cái kia, và đôi lúc lặng đứng nhìn một tà áo dài hiếm hoi bay phất phới trong chợ hoa Bến Thành đông đảo chiều trước Tết.

Em thủ thỉ với Thùy Dung:
-        Chị ơi, vui quá. Ước gì mẹ moves về lại bên này!
Dung nhìn tôi cười:
-        Em vui hay anh Dũng vui?
Em đẩy nhẹ vai Dung:
-        Ứ ừ
Tôi cũng cười trêu em:
-        Hay là Tim mới là người vui?
Em nhìn tôi như trách móc, và tôi nói nhỏ vào tai em:
-        Anh xin lỗi.
Tôi định nói thêm:
-        Anh muốn qua New York, sống gần em.
Nhưng tôi chỉ nghĩ thầm và nhè nhẹ thở dài. Candy dừng lại giữ hai hàng chậu hoa, em đưa cho tôi chiếc máy hình nhỏ xíu:
-        Chụp cho em và chị Dung, để em gửi cho mẹ. Mai mẹ về rồi!
Em đứng bên cành mai vàng cười thật tươi. Tôi chưa kịp nhắm thì đả thấy ánh đèn flash loé lên. Tôi giật mình quay sang bên cạnh thấy bà Mỹ già cuời giả lả:
-        She’s so beautiful. May I?
Tôi mỉm cười gật đầu. Thùy Dung cũng chụp một tấm riêng và một tấm chung với Candy, nhưng khi Dung muốn chụp cho tôi chung với Candy thì tôi lắc đầu:
-        Con trai ai lại chụp dưới hoa. Để tìm chỗ nào thích nghi hơn.
Không biết là tôi nói thật lòng, hay là tôi chỉ sợ nỗi buồn ngày nào đó khi em phải xé tấm hình chụp chung. Tôi yêu em, nhưng biết ngày sau ra sao!

Tôi ít khi bén mảng vào Little Sài-Gòn vì ngại xe cộ đông đúc và không khí ngột ngạt của khu chợ VN, nhưng hôm nay tận mắt thấy sự trù phú của dân mình, dù đang sống tha hương, chợt làm tôi xúc động, nhất là khi tôi nhìn thấy ánh mắt say mê của Candy. Chúng tôi dừng chân trước một quán nhạc. CD và DVD bầy bán ê hề. Tôi biết Thùy Dung yêu nhạc nên kín đáo chọn mua một băng nhạc của Ngô Thụy Miên tặng Dung. Băng nhạc đó có bài ‘Niệm Khúc Cuối’ mà một đêm tôi và Dung đã nghe với nhau ở Ritz. Dung nhận CD nhạc chỉ nói nhẹ:
-        Cám ơn Dũng.
Tôi chắc rằng em không thể nào quên được chút tình cảm của một thời đã qua. Tôi đã quên nhưng nhiều lúc vẫn ngơ ngác như lạc đường.


Candy không biết nhiều về nhạc VN cho lắm nên tôi không mua tặng em. Tôi hỏi:
-        Em muốn anh Dũng mua tặng em cái gì không?
Em ngập ngừng một lúc rồi mới nói nhỏ, đủ cho tôi nghe:
-        Anh tặng em hôm qua rồi.
Tôi chợt nhớ đến bông hồng nhỏ ở phi-trường khi tôi đón em. Tôi nhìn em. Mắt em long lanh. Tôi muốn được hôn lên đôi mắt đó.

Khi chân đã mỏi, Candy phụng phịu dựa nhẹ vào vai tôi:
-        Em mỏi chân rồi. Hay mình về khách sạn nghỉ một chút rồi anh cho em và chị Dung đi ăn.
Tôi nghĩ tới một phim Đại Hàn mới xem hôm nào, và tôi định nói:
-        Để anh cõng em.
Nhưng tôi chỉ cười nhẹ:
-        OK. Tối nay anh mời tất cả mọi người, cả gia đình bác Bân, đi ăn cơm Huế ở quán Hỉ.
Quay sang Thùy-Dung tôi nói tiếp:
-        Để xem ai ăn ớt nhiều. Cay nhiều chừng nào thì ghen chừng nấy. Phải không Dung?
Thùy-Dung không trả lời, chỉ vu-vơ nhìn vào đám đông. Chắc là em cũng có những niềm riêng, như tôi chiều nay.
 
02/17/2007: Ban Ngày:

Khi chúng tôi vào tới ‘Main Street’ của đất thần tiên Disney thì em giơ hai tay lên trời, quay một vòng. Tôi cười, em cười, Dung cũng cười ,và nàng ‘Snow White’ của chuyện  cổ tích ‘Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn’ vẫy tay chào. Em tới gần, ôm vai nàng Bạch Tuyết cho tôi chụp hình. Nét mặt em rạng rỡ, nụ cười em trẻ thơ, và hồn tôi bay bổng lên cao!

Nắng Cali hôm nay đẹp quá, trời xanh, mây trắng, và em như đóa hoa lung linh cùng gió xuân. Em bám tay tôi thì thầm:
-        Vui quá. Bây giờ mình đi đâu anh?
Tôi cười với em:
-        Nhiều chỗ lắm.
Tôi nói với em về lần đầu tiên tôi được chú Duy dẫn tới chỗ này, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy con tàu cổ xưa, những cỗ đại bắc nổ đùng đùng, những thành trì và quân lính mặc áo giáp đeo gươm, và những tên hải tặc của biển Caribbean leo trèo trên cột buồm, mắt tôi đã mở lớn, miệng há tròn như chữ O! Nhưng có lẽ vì là con trai nên tôi say mê với phiêu lưu, với biển cả, còn em chắc là em thích những nàng công chúa của xứ thần tiên, thích Tinker Bell với đôi cánh mỏng manh thì thầm trên vai, hay những chú gấu dịu dàng dễ thương để em ôm ấp vuốt ve.

Thùy Dung cũng thích thú không kém. Dung kéo tay Candy chạy tung tăng, hết chỗ này tới chỗ nọ, nhiều lúc bỏ xa tôi một đọan đường. Em chê tôi ‘chậm như ruà’, và Dung phụ hoạ thêm ‘lười như hủi’ để rồi cả ba cười oà trong nắng mai.

Những lines xem shows càng ngày càng dài. Em đứng không yên bên tôi, quay qua quay lại, lâu lâu ngước cổ nhìn tôi cười. Tôi chúm môi thổi nhẹ vào vành tai em để thấy em rụt cổ khúc khích cười. Ước gì cho thời gian đứng lại, cho tôi và em không bao giờ cách xa nhau. Ừ biết đâu, ở xứ thần tiên này giấc mơ nào cũng có  thể thành. Chỉ không biết là có bao giờ em ước mơ như tôi không.

Gần đến trưa, nắng gắt hơn và những giọt mồ hôi đã bắt đầu ứa ra bên làn tóc mai. Tôi muốn cúi xuống hôn lên làn tóc đó nhưng chỉ dịu dàng dùng tay vuốt nhẹ những giọt mồ hôi cho em, để thấy em nhìn tôi bằng ánh mắt ân tình.

Chúng tôi ngồi ăn trưa trên một bãi cỏ xanh. Nắng làm má em đỏ hồng và em hình như hơi mệt nên dựa đầu vào vai tôi, mắt nhắm hờ, lơ đãng nghe tôi và Thùy-Dung nói chuyện văn chương.  Tôi khuyên Dung nên xuất bản một tập thơ. Dung nhún vai:
-        Bán cho ai, hả anh?
Tôi cười:
-        Sao lại bán. Tặng người tri âm thôi. Anh quen một nhà in. Em chọn bài đi rồi anh giúp cho.
Dung nhìn tôi không nói, hình như em vẫn có gì đó ưu phiền không muốn nói. Lâu lắm em mới nhẹ thở dài:
-        Cám ơn anh ‘Dũng khờ’.
Khi chúng tôi về đến khách sạn trời đã về chiều. Candy phụng phịu:
-        Mỏi chân quá. Bắt đền anh Dũng đó.
Tôi cười:
-        Nếu em bé hơn chút nữa anh đã mướn cái xe, đẩy em quanh park thì đâu em có mỏi chân!
Dung cười vang, em phụng phịu và tôi làm lành:
-        Em lên phòng, tắm nước nóng, nằm nghỉ một lúc cho khỏe, mai là lại nhẩy như chim!
Em nhìn tôi rất lâu:
-        Bao giờ anh trở lại?
Tôi nheo mắt:
-        Nhớ anh rồi à?
Em lườm tôi không nói, tôi ôm vai em thì thầm:
-        Anh đưa chị Dung về rồi anh trở lại. Tối nay chỉ có hai đứa mình đi ăn, rồi tới Ritz nghe nhạc. Nhớ nơi đó không?
Em lặng lẽ gật đầu, vẫn tay chào Dung trước khi bước vào thang máy.

Tôi đưa Dung về. Em có vẻ câm nín, tôi gợi chuyện:
-        Dung mệt không? Mai xuống nhà bố Ngụy ăn tết với Dũng và Candy nhé.
Dung nhìn tôi thắc mắc:
-        Dung tưởng bác Ngụy không tiếp khách?
Tôi cười:
-        Candy và em đâu có phải là khách. Với lại em chưa biết bố Ngụy đấy thôi, bố tếu và ‘soft’ vô cùng, quí bạn và rất thương anh. Mai anh đón Dung nhé.
Dung gật đầu. Khi xe dừng trước nhà Dung nhìn vào mắt tôi:
-        Anh đừng bao giờ ‘hurt’ Candy nhé!
Tôi quàng tay qua vai Dung:
-        Dung biết là không bao giờ anh Dũng đang tâm. Yêu ai anh cũng chỉ mong cho người ấy có hạnh phúc, dù không phải là với anh. Nhớ không khi chúng mình broke up? Chúng mình không còn là tình nhân nhưng vẫn là bạn thân và mong cho mỗi đứa chúng mình tìm được hạnh phúc riêng. Candy như là một thiên thần nhỏ. Anh yêu Candy dù rằng anh không rõ là anh sẽ mang lại được gì cho người anh yêu, but I wouldn’t hurt her. Dung, you take care.  See you tomorrow at 10.

Tôi lặng lẽ nhìn cho đến khi Dung vào hẳn trong nhà.  Lúc này trong tôi chỉ có một hình bóng. Candy ơi, hôm qua anh hỏi em khi em về N.Y. có bao giờ em nhớ anh không. Lòng anh đã chùng xuống khi nghe em trả lời “Nhớ như chưa từng nhớ bao giờ!" Có thương mới nhớ, phải không em? Lúc này anh Dũng đang nhớ em!
 
02/17/2007: Buổi Tối

Người bảo vệ nhận ra tôi nên không thắc mắc gì về tuổi tác của Candy. Những người giúp việc trong vũ trường hình như cũng náo nức nhìn thấy tôi, vài người giơ tay vẫy, vài người gọi lớn “Dũng Kèn”, và tôi được dành cho một bàn gần sân khấu, cũng là cái bàn mà trrước đây tôi và Thùy-Dung đã ngồi với nhau nghe Thu Phương hát.

Candy nép vào người tôi cho đến khi tôi kéo ghế cho em. Em nhìn quanh không thể nào ngờ được một đêm vài tháng trước em đã nằn nì Thùy-Dung đưa em đến đây gặp tôi, nghe tôi thổi saxophone bài ‘Forever in Love’, vì nhiều lần nghe Dung nói về ‘anh Dũng với tiếng kèn thiết tha’. Em chỉ có một buổi tối ngắn ngủi nên phải vội vã ra về làm tôi bồi hồi nhớ thương.

Người waiter mỉm cười:
-        Lâu lắm mới lại thấy anh Dũng Kèn. Anh uống gì để em mang lại.
Tôi nghiêng người thì thầm vào tai em:
-        Wine?
Em lắc đầu nhìn tôi như cầu khẩn. Tôi mỉm cười gọi cho tôi một ly cognac và cho Candy một ly cam vắt. Em nói nhỏ:
-        Anh đừng uống say.
Tôi lắc đầu nhìn em:
-        Anh say rồi.
Em quay đi dấu một nụ cười:
-        Anh Dũng xạo!
Thì ra con gái đều giống nhau, Dũng khờ, Dũng cà chua … tôi lại nhớ tới Thùy-Dung, và tôi kín đáo thở dài.

Candy vít đầu tôi xuống nói nhỏ vào tai:
-        Anh thổi kèn cho Bé nghe.
Tôi gật đầu “
-        ‘Forever in love’ or ‘You are always in my mind’?
Em thì thào:
-        Both.
Ban nhạc đang chơi một bản nhạc xuân vui nhộn. Tôi kéo em đứng dậy, lắc lư theo điệu nhạc, và hoà mình vào đám đông. Em đi vòng quanh sàn nhẩy nhưng mắt không rời tôi. Khi ban nhạc đổi sang một bản slow êm dịu , tôi giang hai tay và em nghiêng đầu nép vào vai tôi. Chúng tôi hình như đứng yên một chỗ, lâu lâu em ngước mắt nhìn tôi mỉm cười. Tôi ôm thân hình bé nhỏ sát vào người, ngửi hương tóc em bay, và mong cho bản nhạc kéo thật dài thật lâu.

Khi chúng tôi trở lại bàn em nhìn tôi như muốn nói nhưng rồi lại thôi. “What?”, tôi nhắc em. Em lắc đầu nhưng rồi em chợt cười cười ghé tai tôi:
-        Ngố ơơơi là ngốốố!
Em kéo dài chữ ngố trước khi đỏ mặt cúi nhìn ly nước cam! Tôi ngẩn ngơ nhưng rồi chợt hiểu, đáng lẽ tôi phải hôn em khi ôm em trong vòng tay dưới ánh đèn màu. Tôi chỉ biết cười:
-        Chắc là anh lại quá ‘old fashioned’ chứ gì?
Em không nói chỉ nhìn tôi cười bằng mắt. Tôi nắm tay em:
-        Bé ngồi đây, anh lên sân khấu thổi kèn cho em nghe.
Em gật đầu, bóp nhẹ bàn tay tôi. Người nhạc trường quen biết giới thiệu tôi vắn tắt. Tôi cầm saxophone, nhìn em nói vào micro:
-        For my love.
Tôi  thổi lại bài ‘Forever in love’ mà tôi đã chơi cho em nghe khi chúng tôi gặp gỡ lần đầu. Khi bản nhạc đã chấm rứt, có tiếng vỗ tay lác đác và có vài tiếng hét lớn “Bis”.  Tôi mỉm cười nói cám ơn và lần này tôi rành mạch hơn:
-        Cho một người con gái ‘always in my mind’.
Tôi mang hết tâm hồn vào dòng nhạc, vũ trường im lặng và tiếng kèn tôi như xoáy vào không gian. Khi tôi cong người thổi những nốt nhạc cuối cùng tôi thấy em đứng lên vỗ tay cùng với mọi người. Mắt em long lanh như có ngấn nước, và tôi ước gì tôi có thể ôm em vào lòng. …

Khi chúng tôi ra khỏi vũ trường vẫn còn gần 30 phút nữa mới tới nửa đêm. Chúng tôi có thể đến chùa Việt-Nam trên đường Magnolia để đón giao thừa với mọi người, nhưng lại ngừng xe ngay công viên Mile Square Park. Công viên chỉ còn lác đác vài người da trắng. Chúng đi bộ một block, băng qua đường, mua hai ly café Starbucks và yên lặng nắm tay nhau đếm bước trên đường khuya trở lại công viên. Có tiếng pháo đốt lén đâu đó rời  rạc, tôi nhìn đồng hồ: 12 gìò 1 phút. Tôi kéo sát Bé vào người và hôn phớt nhẹ lên đôi môi hồng:
-        Mừng tuổi em.

Chúng tôi nhìn lên cao. Bầu trời tối đen có muôn vì sao lóng lánh. Tôi không biết sao nào cho tôi, sao nào cho em, nhưng hình như tất cả các vì sao đang reo vui. Ước gì tôi và em bay được lên cao, đắm mình vào giải ngân hà, lánh xa trần thế và có nguyên vũ trụ cho riêng mình … Tôi sẽ không còn lo lắng ngày nào em sẽ vượt khỏi tầm tay,  ngày nào tôi lại bơ vơ trên trần thế, long đong với dăm ba mối tình, tưởng nhớ những người đã đi qua đời tôi để mà u buồn!

Lâu lắm tôi mới nói nhỏ:
-        Anh đưa em về.
Em không nói, chỉ nhẹ nhàng gật đầu, nép mình dựa nhẹ vào tôi … Dù sao thì chúng tôi cũng còn có nhau phút này.  
 
02/18/2007: Ban Ngày;

Mẹ mở cửa, bố Ngụy cầm ly rượu vang đứng sau cười hề hề:
-        Sao trễ vậy Dũng, bố tưởng mày bị bắt cóc mất rồi!
Mẹ luờm bố, nói bố đầu năm mà dại mồm dại miệng. Mẹ đon đả mời mọi người vào nhà. Em khép nép cúi chào, cả Dung nữa, cũng mất đâu vẻ bướng bỉnh hàng ngày, “chào bác” rất là dịu dàng. Tôi giới thiệu em với bố mẹ. Mẹ thật vui, kéo em lại gần hỏi han đủ điều làm em luống cuống, trả lời e dè, và lâu lâu lại quay nhìn tôi cầu cứu. Tôi nhìn mẹ, nhìn em mà lòng tôi ấm áp hân hoan.

Bố Ngụy rót cho mọi người một ly rượu chát nhưng chỉ có tôi và Dung đón nhận. Em nhìn tôi bối rối. Bố cười:
-        Dũng, take care cái Kẹo đi – và quay sang Thùy-Dung - để bác đưa các cháu thăm nhà và làm quen với mọi người.
Nhà bố Ngụy nằm trên lưng đồi, khu rừng thông lá xanh quanh năm, và có con đường mòn dẫn lên đỉnh, nơi mà tôi thường tìm đến thổi kèn những khi buồn phiền. Thư phòng của bố rộng mênh mông nhưng bề bộn. Bức hình cắt ra từ một tờ báo cũ được treo ngay ngắn trên tường. Bố mặc quân phục, đứng chào tay nhưng nước mắt chảy dài. Tôi nói nhỏ với Dung:
-         Đó là ngày thất trận năm 75. Đoàn người di tản chào cờ VNCH lần cuối cùng  ở Subic Bay, Philippines.
Đi qua một hành lang hẹp Bé kéo tay áo tôi:
-        Phòng anh Dũng đâu?
Tôi cười chỉ cánh cửa khép kín:
-        Đó, nhưng không có gì đáng  xem!
Dung nói nhỏ với Candy:
-        Chắc là eo ơi khiếp lắm.
Candy mỉm cười, nụ cười đầu tiên từ lúc tới nhà:
-        Có hình cô nào trong đó không?
Tôi lắc đầu:
-        Không, nhưng sắp. Candy có chịu cho anh tấm hình không nào?
Em lắc đầu, nhưng đôi mắt vẫn cười.
  
Dân vừa từ Irvine về tới, trợn mắt nhìn tôi:
-        A ha, you beat me, darn!
Mẹ cau mày:
-        Lại sắp nói bậy. Con chào các chị đi!
Dân lè lưỡi
-        Hi chị Dung, Hi Candy!
Có lẻ Dân thấy Candy nhỏ quá nên cảm thấy ngượng ngùng, không gọi Candy bằng chị. Tôi cố tình:
-        How about chị Candy?
Dân cười như nắc nẻ “You bet!” còn má em đỏ hồng. Mẹ kéo Dung và Candy xuống bếp, khoe mấy món ăn mà mẹ lỉnh kỉnh chuẩn bị cả tuần lễ. Dân tìm chai bia trong tủ lạnh, vừa uống vừa kéo tôi ra ngoài patio nhìn xuống sườn đồi:
-        She’s a babe! You’re a lucky son-of-the-gun!
Tôi thở dài
-        Cũng chưa biết ra sao Dân ạ. Candy chưa bao giờ nói yêu anh.
-        Is it necessary? – Dân vung tay -  không nói đâu có nghĩa là không yêu. Em đâu thấy bố mẹ nói yêu nhau bao giờ.
Tôi mỉm cười
-         Có thể là chú mày không nghe thấy đó thôi.
Dần dần Candy đã quen với không khí gia đình. Em giúp mẹ dọn bàn ăn trong lúc Dung và bố Ngụy đang bàn cãi sôi nổi về một vấn đề gì đó trong phòng khách. Candy thấy tôi nhìn em qua cửa kính. Em le lưỡi trêu tôi rồi nhoẻn miệng cười. Oh, baby, your smile! Khi em đi rồi làm sao tôi không thương nhớ em…

Sau bữa ăn trưa tôi muốn đưa em và Dung đi thăm thành phố, và có thể là Sea World hay San Diego Zoo nhưng bố Ngụy gạt đi:
-        Mấy chỗ đó để cho con nít. Đi thăm vịnh San Diego bằng tàu đẹp hơn nhiều.
Tôi biết bố lại muốn khoe chiếc tàu câu cá mới mua, cái mũ luỡi trai có hình mỏ neo, và cái ống nhòm nhìn xa hàng cây số, nên tỏ ý tán thành:
-        Trời khá đẹp để đi biển. Candy và Dung, các em nghĩ sao?
Bé chỉ e lệ gật đầu, riêng Thùy-Dung  hình như muốn vui đùa với bố:
-        Thế ‘cụ’ còn nhớ lái tàu thế nào không?
Bố cười ha hả:
-        Còn cháu, có bao giờ cháu quên được tình yêu ban đầu?
Thùy-Dung đỏ mặt, chỉ liếc mắt nhìn tôi mà  không trả lời.

Biển yên gió những cũng có những con sóng nhỏ nhấp nhô. Thùy-Dung loay hoay với bố Ngụy học cách lái tàu. Candy và tôi đứng gần nhau, dựa lan can nhìn ra khơi. Tôi chỉ về phía biển:
-        Nếu cứ đi mãi hướng này thì sẽ về đến VN.
Em cười:
-        Còn về New York thì đi hướng nào.
Tôi chợt buồn nên lặng thinh. Em nắm tay tôi:
-        Anh Dũng, Bé …
Hình như em nghẹn lời. Tôi nhìn lên trời cao, có đôi chim hải âu đang bay sát cánh, tôi chỉ cho em:
-        Bé xem đôi chim kià. Chúng nó bay đi đâu nhỉ? Ngoài biển làm gì có chỗ nào là nhà!
Em đứng lặng yên, gió bay những sợi tóc em cuốn vào mặt tôi, hương tóc và gió biển trộn lẫn thơm nồng. Biển về chiều gió lạnh hơn, tôi quàng tay qua lưng em, truyền cho em hơi ấm, nhưng khi chúng tôi trở về đến bến em đã hơi run, phải nép sát vào tôi.

Khi chúng tôi về đến Fountain Valley thì trời đã gần tối. Mọi người đều hơi mệt vì dù biển êm nhưng tàu vẫn lắc lư. Tôi rủ mọi người đi ăn tối nhưng mọi người đều lắc đầu. Candy đưa cao một gói quà mẹ bọc cho mỗi đứa trước khi ra về, cười khúc khích:
-        Em có ăn tới mai cũng không hết.
Em khoe tôi cái phong bì hồng:
-        Mẹ còn lì xì cho em nũa này!
Tôi kêu lên:
-        Sao anh và Dung không có!
Em nheo nũi:
-        Ơ hơ, tại em còn bé chứ bộ.
Cả Dung và tôi đều cười! Tôi nói với Dung trước khi Dung ra khỏi xe:
-        Một giờ chiều mai Candy phải ra tới phi trường. Dung nhắn gia-đình bác Bân là nếu muốn đưa tiễn Candy thì có mặt tại quầy vé United Airline tại LAX trước 1 giờ.
Dung tế nhị:
-        Anh Dũng nên đưa Bé tới chào gia đình bác Bân rồi  hãy ra phi trường.
Bỗng dưng Dung bông đùa:
-        Đừng có khóc nhé!
Tôi không biết là Dung nói tôi hay nhắn Candy, thế nhưng tôi cũng thấy thật buồn khi mở cửa xe cho Dung, nhìn theo em vào hẳn trong nhà trước khi quay đầu xe đưa Candy về khách sạn.

Tôi vuốt tóc Candy:
-        Đêm nay em ngủ sớm nhé. Nếu khó ngủ gọi cho anh, anh sẽ hát ru em. Biết đâu rồi chẳng còn có dịp …
Candy đưa tay bịt miệng tôi, không cho tôi nói hết câu:
-        Em còn đây mà. Anh đừng làm em sợ!
Tôi luồn cả hai tay vào tóc em, cúi đầu cho trán tôi chạm vào trán em:
-        Mai anh đến, chúng mình sẽ ăn sáng với nhau. Anh muốn có riêng với em vài giờ trước khi em về. Em bằng lòng nhé?
Giọng Candy cũng sũng buồn
-        Dạ. Anh về nghỉ đi. Em sẽ gọi anh. Nhớ chưa?
Tôi mỉm cười
-        Nhớ rồi. Chưa chia tay mà đã nhớ.

o0o

 
Trích email của Dũng gửi cho Candy:
 
Em yêu dấu,
 
Giờ này em đang trên chuyến bay về New York, ước gì có anh ngồi cạnh em, cho em bờ vai để em nương tựa thay vì gục đầu ngậm ngùi lau dòng nước mắt nhớ thương.

Sáng nay khi anh tới gặp em ở lobby khách sạn anh đã muốn ôm em vào lòng. Mắt em có quầng. Đêm qua chắc là em ít ngủ dù rằng anh đã dặn em lên giường sớm để ngày mai còn phải ra phi trường về NY.
 
Chúng mình ngồi ăn sáng với nhau trong phòng ăn khách sạn. Đĩa trứng omlette trước mặt cứ nguội dần mà không đứa nào nhấc tay.  Cuối cùng anh dùng nĩa xắn một miếng nhỏ đút cho em. Em hé miệng ngậm miếng trứng mà như nuốt không được. Mắt em u buồn, và lòng anh xót xa:
-        Em ăn một chút đi. Trưa nay bận bịu ở phi trường không có thì giờ ăn trưa em sẽ đói lắm.
Em gật đầu:
-        Dạ, anh nữa. Anh ăn với em nhé.
Anh gật đầu, nhưng rồi hai đứa vẫn ngồi nhìn nhau, bàn tay em nằm gọn trong bàn tay anh trên bàn.
 
Em có chút vui hơn khi anh đưa em tới nhà bạn để em giã từ. Tim vừa vui vừa buồn vì thấy em còn nhớ đến Tim, quen biết nhau từ khi còn học high school. Anh thấy Tim mang tặng em  món quà, và thủ thỉ ngồi nói chuyện với em.  Mẹ Tim ôm em mà mắt buồn như có ngấn lệ. Anh bỏ ra ngoài cửa ngồi hút thuốc cho em được tự nhiên. Thùy Dung,  ngồi bên anh, lâu lâu lại nói một câu. Anh ậm ờ, hồn anh bay nơi đâu, chẳng biết Dung nói gì, chỉ đến khi Dung kéo tay anh “Dũng đừng hút thuốc nữa” anh mới chợt tỉnh:
-         Cám ơn Bé nhắc anh. Oh, I’m sorry, I meant Dung. Dũng sẽ bỏ dần. Đêm qua Bé cũng nói là Dũng hút thuốc hơi nhiều.

Đến lúc em phải ra phi trường ai cũng muốn đi theo. Nhưng em chỉ nhìn anh. Mọi người hình như hiểu nên nhẹ thở dài.  Em ôm hôn từ giã từng người, cả Tim nữa. Bàn tay em vỗ nhẹ trên lưng Tim:
-        Tim khoẻ rồi đi học lại nhé. Write me whenever you can. OK?
Anh thấy Tim gật đầu, nói gì rất nhỏ mà anh không nghe.  Dung chỉ ôm em thật lâu mà không nói gì.

Khi xe đã lăn bánh em còn thò đầu ra đưa tay vẫy. Mọi người đứng im lìm trước cửa nhà Tim. Hình như họ dụi mắt. Anh âm thầm lái xe, em chợt nghiêng người về phía anh, hôn nhẹ lên vành tai anh:
-        Anh Dũng buồn hả?
Anh vẫn nhìn về phiá trước:
-        Có lần chia tay nào, dù chỉ là tạm biệt, mà không buồn, nhất là chia tay với người mình thương yêu.
Giọng em chợt ướt sũng:
-        Anh làm Bé khóc nè.
Anh đưa tay nắm tay em, đưa lên môi hôn nhẹ. Anh nói gì được với em bây giờ?
 
Hành lý đã đưọc gửi xong nhưng em vẫn chưa đi qua security gate. Em kéo anh ngồi  xuống  hàng ghế đợi chờ, ngã đầu trên vai anh và để bàn tay nhỏ bé của em trong bàn tay anh. Chúng mình không nói một lời, cứ như thế lâu lắm, cho đến khi anh nhắc:
-        Đến giờ rồi em.
Hai đứa đứng lên và em bật khóc, gục đầu vào ngực anh. Anh cũng rưng rưng. Con trai cũng biết khóc chứ em. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên bờ môi em:
-        Bé vào đi không muộn rồi.
Em ngửng lên nhìn anh rồi bất chợt vít đầu anh xuống hôn lên môi anh. Ừ thôi, em đi nhé, anh về giữ lại dấu môi hôn. Thơ của ai đó nhỉ, anh không nhớ nữa. Good bye, Candy. Em ngoái cổ nhìn khi đã đi qua security gate, giơ tay vẫy rồi cúi đầu gạt nước mắt còn đọng trên bờ mi.
 
Anh ngồi bất động trong xe ngoài parking. Lâu lắm. Nhìn những chiếc phi cơ cất cánh gào thét trên bầu trời, chiếc nào bay qua anh cũng tưởng như là có em.  Bây giờ anh mới thấy thắm thía nỗi buồn, có lẽ còn buồn hơn Cung Trầm Tưởng lúc chia tay người yêu bé nhỏ ở ga Lyon đèn vàng.

Tiễn em về xứ Mẹ.
Anh nói bằng tiếng hôn.
Không còn gì lâu hơn.
Một trăm ngày xa cách.




Chỉ một trăm ngày xa cách! Chúng mình thương nhớ nhau nên mùa hè này anh sẽ qua NY thăm em, hay đón em về lại Cali thêm một lần. Nếu có em bên cạnh anh sẽ nói nhỏ với em là chúng mình không bao giờ xa cách đâu em. Hàng ngày chúng mình sẽ viết cho nhau, em nghe chưa? Nhớ gọi cho anh khi em về đến nhà và đọc được email này. Yêu em đến dại khờ.

Anh Dũng.
 
Trần Quang Thiệu.
Mùa Xuân - 2007

Tình Thư Từ Mười Ngàn Dậm Xa >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 711

Return to top