Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nắng Trên Đồi Cali

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 881 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nắng Trên Đồi Cali
Trần Quang Thiệu

Khang đã đậu xe xong xuôi ngoài parking nhưng vẫn còn ngần ngừ, không biết là mình có nên vào hay không.  Nghĩ tới những nghi lễ phiền phúc, những diễn văn tràng giang đại hải, chúc tụng lẫn nhau Khang cảm thấy chán nản nhưng không quên lời ông chủ bút dặn dò “tạt qua, viết vài dòng tin tức, lấy lòng cộng đồng”. Hội Đồng Hương Cần Thơ năm nào cũng họp mặt dạ vũ vào dịp tết. Trời lạnh và như muốn mưa, đầu óc Khang bồng bềnh, bước chân vô định theo dòng người qua khung cửa,  trả $30 mua vé muộn, và được dẫn tới một bàn đã có vài người ngồi, nhưng vẫn còn hai chỗ trống.
    Khang gật đầu chào mọi người và kéo ghế ngồi xuống bên phải một bà đã đứng tuổi. Phía bên trái bà ta có đứa bé chừng năm sáu tuổi và cô gái còn trẻ, có lẽ là mẹ đứa bé. Ví xách tay của cô ta đặt trên chiếc ghế trống bên cạnh, hình như là để dành chỗ cho một người thân. Bà đứng tuổi đon đả chào Khang:
    -     Chào thày. Thày cũng người Cần Thơ?
    Khang gật đầu:
    -     Chào bà. Vâng,  tôi ‘người Cần Thơ’.
    Người đàn bà có vẻ ngạc nhiên:
    -     Ủa, thày người Cần Thơ mà sao nói giọng Bắc?
    Khang mỉm cười:
    -     Bố mẹ tôi người Bắc, ông cụ ở trong quân đội thời Cộng Hoà, làm việc tại quân đoàn IV, và sinh tôi tại đó năm 1974, nên có thể coi mình là người Cần Thơ.
    -     À ra thế, vậy thày qua Mỹ hồi nào?
    Khang thấy vui vui với người đàn bà tính tình cởi mở:
    -     Thưa bà, năm 1975.
    -     Chua choa, vậy là qua Mỹ khi mới một tuổi mà nói tiếng Việt rành quá há. Tui thứ Tư, còn thày thứ mấy?
    Khang bật cười:
    -     Thứ mười mấy lận. Xin phép gọi bà là thím Tư. Thím cứ gọi  tôi là Khang.
    Bà Tư cũng cười, chỉ người con gái ngồi bên trái:
    -     Con gái tui thứ hai tên Thu, còn đây là cháu ngoại tui, tui đặt nó tên Hường nhưng mẹ nó gọi nó là Rose.
    Thu e dè gật đầu chào Khang, đôi mắt to đen láy như có thoáng buồn. Khang cũng im lặng nghĩ ngợi, cái ghế trống đó có lẻ là dành cho ông chồng tới muộn hoặc bước ra ngoài đi đâu đó. Đứa bé dựa vào vai mẹ, mắt nhìn bâng quơ, ngoan như con nai hiền. Đây phải là một gia đình hạnh phúc nhưng sao đôi mắt Thu lại quá buồn? Khang cúi đầu, lơ đãng nghe những bài diễn văn, hờ hững vỗ tay theo mọi người, và như choàng tỉnh khi bà Tư nghiêng đầu nói nhỏ vào tai mình:
    -     Chà, ông Mỹ này nói mấy câu tiếng Việt coi tức cười quá há.
    Phần nghi lễ đã chấm rứt, Khang thở phào:
    -     Ông nghị viên đó thích cộng đồng Việt Nam mình lắm nên có buổi lễ nào cũng tới, cũng mặc áo dài, và nói vài câu tiếng Việt. Tôi làm phóng viên nên gặp ổng hoài.
    -     Ủa? Thầy Khang làm phóng viên cho báo nào vậy? Báo Mỹ hay báo Việt?
    -     Báo Mỹ thím Tư à. Tôi cũng có viết tạp ghi cho một tờ báo Việt nữa.
    -     Chèng đét ơi. Học tiếng Việt hồi nào, ở đâu mà viết được cả tiếng Việt vậy?
    Khang mỉm cười:
    -     Khi nhỏ tôi có theo học trường Hồng Bàng, nhưng đa phần là do ông cụ tôi dạy.
    Nghĩ tới cha, Khang buồn buồn kể tiếp:
    -     Bố tôi nghiêm lắm. Bắt tôi quì vì đánh vần chữ  ‘nghèo’ mấy lần không xong. Bây giờ ông cụ mất rồi, mỗi lần viết chữ này là tôi lại chạnh lòng nhớ bố tôi.
    Bỗng nhiên Thu hỏi rụt rè:
    -     Xin lỗi anh Khang, anh cho hỏi, anh  viết tạp ghi dùng bút hiệu gì ạ?
    Khang thấy vui vì cô gái chú ý tới câu chuyện của mình:
    -     Tôi ký tên là Hưng Việt cô Thu ạ.
    Giọng Thu như reo vui:
    -     Ồ, như vậy là anh viết mục ‘Quê Nhà Yêu Dấu’ trên tờ Làng Ta?
    -     Vâng, tôi cũng chỉ mới viết cho tờ đó được gần năm nay. Viết cho vui thôi.
    -     Dạ, Thu hiểu. Anh về Việt Nam thường lắm hay sao mà viết về quê nhà thiết tha như vậy?
    Khang cười buồn:
    -     Cũng chỉ có một lần vì tờ báo Mỹ gửi tôi sang nhân dịp tổng thống Bush thăm Việt-Nam. Tôi có cơ hội đi khắp nẻo đường nên mới viết ‘Quê Nhà Yêu Dấu’ cho tờ báo Việt, vì những gì tôi nhìn thấy làm tôi xúc động, thương xót dân mình.
    Đôi mắt Thu long lanh:
    -     Thu có đọc những bài anh viết về những đứa bé anh gặp trên dọc đường quốc lộ từ Bắc vào Nam. Có lần Thu chảy nước mắt vì thương cảm.
    Khang cười buồn:
    -     Cám ơn cô. Còn có nhiều cảnh đời chúng ta không biết đến, và có thể còn xót xa hơn nhiều. Cô Thu có về VN bao giờ chưa?
    Bà Tư chen vào:
    -     Chưa thày Khang à. Tụi tui qua đây cũng được mười mấy năm, cũng tính chừng nào có dịp sẽ mang xấp nhỏ về Cần Thơ một lần cho biết. Chúng qua đây khi còn nhỏ hổng biết còn nhớ gì về VN không.
    Thu nhìn mẹ:
    -     Nhớ chứ má. Hồi qua đây con đã hơn 10 tuổi, biết đủ thứ chuyện rồi mà má. Con nhớ dòng sông Hậu Giang, nhớ vườn cây nhà ngoại, nhớ cả những bờ mương tụi con bắt ốc ăn mệt nghỉ đó.
    Khang gật gù:
    -     Cô có cả một tuổi thơ nơi quê nhà. Tôi không có cái may mắn đó.
    -     Dạ. Thu nhớ nhiều lắm, và đôi lúc cũng muốn viết về tuổi thơ và quê nhà của mình mà không biết viết sao!
    -     Thì cứ viết những gì cô nghĩ. Kỹ thuật là một phần nhưng những cảm nghĩ chân tình trong bài viết với là quan trọng.
    Thu đắn đo:
    -     Thu có viết ít nhiều nhưng chỉ giữ cho riêng mình. Hay là Thu gửi cho anh, nhờ anh duyệt xét dùm nhé?
    Khang vui vẻ gật đầu, móc ví trao business card của mình cho Thu:
    -     Vâng, tôi sẵn lòng. Cô cứ gửi bài về địa chỉ email này. Thú thật với cô nhiều lúc tôi cũng bí đề tài, gần đến ngày báo ra không có bài, lo phát khùng luôn. Nếu có bài của cô, nhất là lại cùng một đề tài, thì có lúc cô sẽ giúp được tôi đấy.
    Thu thẹn thùng cầm danh thiếp của Khang:
    -     Cám ơn anh. Thu chỉ mới tập viết, làm sao dám  mong có bài đăng báo. Anh Khang chỉ vẽ những sai lầm dùm là Thu mừng rồi.
    Bà Tư thắc mắc:
    -     Viết vậy có được tiền không?
    Khang mỉm cười:
    -     Dạ, được $30 mỗi tuần!
    -     Vậy sao sống!
    Thu đập nhẹ vào cánh tay mẹ, trả lời thay cho Khang:
    -     Thì anh Khang đã nói là viết cho vui mà.
Nhà hàng đã bắt đầu dọn ăn, Khang nhìn cái ghế trống, đưa mắt hỏi Thu:
    -     Ba của Rose không tới sao?
    Thu cúi mặt thở nhẹ:
    -     Dạ, tối nay ảnh mắc bận ở bệnh viện nên không tới được.
    Bé Rose từ nảy vẫn lặng yên bỗng nhiên lên tiếng:
    -     He’s not my father.
    Thu bối rối:
    -     Mẹ biết, con ngoan nào. Mẹ lấy thức ăn cho con nhé.
    Bé Rose yên lặng, nhưng mặt vẫn còn nét hờn giận. Bà Tư ghé tai Khang nói nhỏ:
    -     Tội nghiệp con bé. Cha mẹ nó ly dị hơn năm rồi, con bé nhớ cha, và vẫn không thích người bạn trai mới của mẹ nó.
    Khang thấy mình ngượng ngùng:
    -     I’m sorry, Rose. I don’t mean that! Xin lỗi cô Thu, tôi vô ý làm cháu buồn.
    Thu đưa mắt nhìn Khang, nhưng không nói, chỉ nhè nhẹ lắc đầu, con mắt buồn như phủ sương. Khang cũng không nói gì thêm, cúi nhìn đĩa thức ăn của mình. Mọi ngưòi đều yên lặng cho đến khi xong bữa ăn, bà Tư mới nhìn ngón tay đeo nhẫn của Khang:
    -     Bà nhà hôm nay cũng bận sao?
Khang nghe nhói đau trong lồng ngực, thở một hơi dài, từ tốn trả lời:
    -     Nhà tôi mất được vài năm rồi thím.
    Đến lượt bà Tư ngỡ ngàng ngồi yên. Khang giơ cao bàn tay nhìn chiếc nhẫn vàng lòng buồn hiu hắt. Thu nhìn anh, ánh mắt xót xa. Khang gượng cười đứng lên: 
    -     Chào thím và cô, tôi cần về sớm.
    Anh lại gần vuốt tóc bé Rose:
    -     Rose, chú … ước gì chú …
    Khang không nói hết câu, gật đầu chào mọi người một lần nữa, vội vàng hướng về phía cửa ra vào. Trời vừa đổ mưa, những hạt mưa nhẹ như hơi nước hắt vào mặt, Khang để yên không buồn đưa tay vuốt. Chưa ai ra về, bãi đậu xe còn vắng lặng, Khang mở cửa xe, ngồi ngửa đầu trên ghế. Những giọt nước mưa, và nước mắt, lăn trên trên gò má, mặn bờ môi. Khang nấc lên, mình ơi, sao mình và con bỏ anh trên đời này?
o0o
    Trời mưa rất nhẹ nhưng highway 50 nhỏ hẹp trơn trượt và uốn luợn khi tới gần Tahoe. Chỉ chừng nửa giờ nữa là tới nơi rồi, Khang nhìn về đằng trước, giữ vững tay lái chiếc Toyota, miệng hát nho nhỏ một bài hát quen thuộc trong lúc Nhàn tựa nhẹ đầu vào thành xe, mắt lim dim. Bất chợt bé Kimberley nằm ngủ trong ghế an toàn phiá sau giật mình khóc lớn. Nhàn cũng giật mình, tháo giây an toàn, nhoài người về phiá sau bồng con lên dỗ dành. Khang lo ngại nhìn qua bên phải nhắc vợ:
    -     Em cẩn thận, đường quanh co nguy hiểm lắm.
    Chỉ vài giây Khang không để mắt nhìn về phía trước chiếc Toyota đã lệch sang lane bên trái trên con đường hai chiều. Chiếc xe SUV chạy ngược chiều bấm còi inh ỏi làm Khang hốt hoảng, bẻ tay lái về phía bên phải thật gấp.  Mắt Khang hoa lên, tiếng Nhàn la thất thanh khi chiếc xe đâm sầm vào gốc cây bên đường, và Khang bất tỉnh, không còn biết gì!
    Khang mang dây an toàn nên chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện Khang đã khóc nức lên khi biết là Kimberley bị văng ra ngoài xe và đã qua đời, còn Nhàn bị thương nặng ở đầu, hiện vẫn mê man trong phòng hồi sinh! Dù hãy còn yếu Khang vẫn ngồi bên giuờng vợ hàng giờ cho đến khi Nhàn mở mắt. Khang cầm tay Nhàn, cố nín nhưng những dòng nước mắt vẫn lăn dài. Nhàn mở mắt rồi lại nhắm mắt lại nhiều lần, cố gắng thều thào:
    -     Kim…Kimberley…
    Nuớc mắt Khang lại ứa ra:
    -     Con nằm phòng bên cạnh. Em yên tâm. Anh … anh … xin lỗi em.
    Môi Nhàn nhếch lên, như muốn nói hay như muốn mỉm cười với Khang, bàn tay Nhàn run lên trong tay Khang, và từ từ lạnh dần. Khang oà khóc nức nở, gục đầu trên ngực vợ, cho đến khi người y tá dìu Khang lên, và đưa tay vuốt mắt cho Nhàn.
    Mấy tháng sau đó hầu như chiều nào Khang cũng lên nghĩa trang Oak-Hills thăm mộ vợ con, chôn chung với nhau trên sườn đồi. Anh ngồi bó gối nhìn khuôn mặt xinh đẹp của Nhàn khắc trên tấm bia cẩm thạch mầu đen, lâu lâu lại đưa tay chùi mắt. Những nén hương đốt cho Nhàn đã tàn nhưng Khang vẫn còn ngồi đó, có khi đến tận lúc bóng chiều nhạt nhoà. Khang ngồi câm nín nhưng những lời nói thầm cho vợ con mang nặng niềm xót xa.
    “Em và con hãy tha tội cho anh.  Từ ngày không có em anh sống vật vờ, nhiều lúc chỉ muốn theo em xuống lòng đất lạnh, ôm em trong vòng tay để chúng mình có nhau đời đời … Em còn trẻ đẹp, con còn thơ ngây, sao anh vụng về để cho chúng mình xa cách … Mình ơi, tha lỗi cho anh nghe mình!”
    Khang nổ máy xe, đưa tay vuốt mặt, từ từ ra khỏi parking. “Mình ơi, giờ này mình và con ở đâu?” Ánh đèn đường soi rõ những hạt mưa rơi nghiêng. Ừ, nếu còn sống thì bây giờ Kimberley cũng gần bằng bé Rose. Con bé xinh đẹp nhưng lúc nào cũng như buồn. Cha nó đi đâu cho nó mong chờ, còn mình, mình mong có con để săn sóc mà sao con bỏ đi? Nước mắt Khang lại ứa ra nhạt nhoà trong bóng đêm.
o0o
    Thu xót xa đưa mắt nhìn theo người đàn ông cúi đầu ra khỏi phòng hội ồn ào, nhè nhẹ thở dài, nhìn chiếc ghế trống bên cạnh. Tài không tới như đã hứa nhưng Thu cũng không mấy thiết tha. Ai cũng cho là Thu may mắn, vừa ly dị được hơn năm đã có người tình mới, môt bác sĩ y khoa độc thân, giầu có và chững chạc, nhưng Thu đã nhiều lần tự hỏi không biết đây có phải là tình yêu? Khi chia tay với Khoa, Thu thấy lòng mình khô héo, không còn tin tưởng bất cứ người đàn ông nào. Tin làm sao được khi mà Thu vất vả, chắt chiu từng đồng luơng thư ký, nuôi con và nuôi Khoa ăn học thành tài, để rồi ngay sau khi tốt nghiệp Khoa nhận việc ở một nơi xa, viết lá thư chia tay để lại trên bàn, như thể là báo tin cho người quen.
    Thu đã khóc, đã oán hận, và muốn trả thù, muốn chứng tỏ cho con người bội bạc là Thu có thể có người đàn ông sáng giá hơn Khoa. Tài mang lại cho Thu lòng ước vọng đó, vì với nhan sắc chín mùi của người đản bà một con dưới 30 tuổi Thu đả dễ dàng chinh phục Tài sau mấy lần đưa con tới khám bệnh tại văn phòng chuyên khoa của Tài do bác sĩ già đình, và cũng là người quen, giới thiệu.
    Đã hơn 40 tuổi, Tài cũng đã từng trải trên đường tình, nhưng cuộc tình nào cũng không đưa đến hôn nhân, không phải là Tài không yêu những người đàn bà đã gặp gỡ ở đời, nhưng chỉ tại vì Tài quá giầu, và không người đàn bà nào mà Tài yêu thương chịu ký prenuptial agreement, một thứ hợp đồng hôn nhân, đề phòng nếu chia tay, Tài không phải phân chia đồng đều cái gia tài đồ sộ của mình. Họ cho là Tài đã coi nhẹ họ, thiếu lòng tin, và có lẽ không yêu thương thật tình.
    Tài đã tìm thấy ở Thu gần như tất cả những gì mình mong mỏi. Thu đẹp, đằm thắm và quan trọng nhất là Thu rất hiền. Khi đã trở thành người tình, Thu hầu như lúc nào cũng nghe theo ý kiến của Tài, được Tài kể cho nghe về những mối tình cũ, và nguyên nhân tế nhị không đưa tới hôn nhân, Thu chỉ mỉm cuời, nhún vai : “Đưa đây, em ký ngay!”.  Tài đã cầu hôn, đã đưa hợp đồng do một luật sư Mỹ danh tiếng soạn thảo, ghi rõ lả nếu phải chia tay, Thu sẽ được chia phần 500 ngàn Mỹ kim. Thu thấy hợp đồng như thế là ‘fair enough’, nhất là những ngày gần đây, ngoài những món quà đắt giá, Tài còn đã chu cấp thêm cho Thu để Thu thanh toán những nợ nần credit cards mà Thu gánh chịu trong những ngày nuôi con và nuôi Khoa ăn học. Tài cũng giúp Thu mướn một căn apartment khang trang nhưng giá rất rẻ của bạn Tài.
    Có một điều không ghi trong hợp đồng nhưng làm Thu rất phân vân. Tài muốn Thu cho riêng mình, không muốn Thu chia xẻ tình cảm cho bất cứ ai, dù đó là Rose, đứa con riêng không mấy có cảm tình với Tài. Tài đề nghị Thu gửi con vào nội trú, chỉ mùa hè mới được đón về, hoặc gửi con cho mẹ ở Santa Ana nuôi, lâu lâu đi thăm viếng một lần. Thu đã nghĩ, đã biết là mình không thể xa con, đã cố gắng thuyết phục Tài, mong Tài thay đổi ý kiến, nhưng chưa đi đến đâu, và hôm nay Tài không đi cùng với Thu tới dự họp mặt với người đồng hương vì hai người vẫn còn bất đồng ý kiến.
    Thu biết mẹ mình rất vui mừng thấy con tìm được nơi nương tựa vững vàng, và sẵn lòng nuôi con dùm mình, và Thu cũng rất thương mẹ nhưng nhìn đôi mắt buồn của Rose mỗi lần nhắc tới cha làm sao Thu đành xa con. Thu nghĩ tới người đàn ông vừa quen biết, thấy đôi mắt như rớm lệ của Khang khi nhắc tới người vợ quá cố, Thu biết rằng không có gì đau khổ hơn khi phải xa cách những người thân yêu.
o0o
    Khang bật cười khanh khách làm Tony thò đầu sang cubicle của Khang hỏi:
-          Mày cười cái gì?
    Khang lắc đầu:
    -     Mày không hiểu đâu!
    Tony gật gù:
    -     OK. Tao không hiểu, nhưng thấy mày không còn cái mặt đưa đám bấy lâu nay là tao mừng cho mày.
    Tony đưa cao ngón tay cái, nhoẻn miệng cưới với Khang trước khi rụt đầu, trở lại cubicle của mình. Khang nhìn theo lắc đầu  nhè nhẹ. Cái thằng tò mò nhưng dễ thương, thấy Khang buồn thường hỏi han dù chỉ là đồng nghiệp chứ không phải là bạn thân tình. Email của Thu vẫn còn hiện rõ trên màn hình máy PC. Khang bật cười vì không biết Thu hỏi ai mà biết trả lời Khang bằng mấy chữ bắc kỳ đặc là “anh nói thánh nói tướng”  khi Khang nói đùa là Thu phải lên trường Hùng Vương ngồi cùng các em nhỏ, học tiếng Việt với cô giáo Huệ-Tường, vì Thu khoe với Khang là hồi còn ở quê nhà Thu nhiều lần đi câu “cá gô”! Hai người đã là bạn khá thân để Khang có thể nói đùa từ ngày Thu gửi cho anh những bài viết về thời thơ ấu, để cho anh sửa trước khi Thu post trên diễn đàn ‘Quê Chúng Mình”.
    Những bài viết đầy lỗi chính tả nhưng mộc mạc, dễ thương và chứa chan tình người làm Khang xúc động nên không nề hà ngồi sửa từng dấu hỏi ngã, và những chữ viết sai vì cách phát âm của người miền Nam. Khang tưởng như là mình đang đứng trên bờ rạch, nhìn Thu xắn cao ống quần, bước những buớc e dè xuống nước:
    “… Em không biết lội nhưng thích theo bạn bè xuống rạch bắt ốc đem về luộc cho cả nhà ăn. Có lần em trượt chân, té ngập đầu, may mà được Chín Mập kéo lên, và ngạo là em vồ ếch hụt. Chín Mập nói thương em, nhưng chơi ác lắm, dạy em tập lội, cho chuồn chuồn cắn rốn, đau phát khóc mà em có biết lội đâu. Nhiều năm rồi mà em vẫn nhớ cái miệng méo xệch của Chín Mập khi em báo tin là gia đình em qua Mỹ định cư, nhớ như là nhớ … mà thôi hổng nói nữa đâu …”
    Khang quyết định đưa bài viết của Thu cho ông chủ bút báo Làng Ta để đăng trong mục ‘Quê Nhà yêu Dấu’ tuần này. Khang chưa cho Thu biết, định là khi báo in xong sẽ mang tận tay một tờ tới nhà Thu. Khang nghĩ sự bất ngờ sẽ làm Thu xúc động và vui mừng vì đây là lần đầu tiên bài viết của Thu được in trên giấy trắng mực đen, và sẽ được đọc bởi bao nhiêu là người Việt trong cộng đồng.
o0o
    Thu ôm tờ báo vào ngực, nhìn Khang bằng đôi mắt biết ơn:
    -     Cám ơn anh Khang đã sửa bài cho Thu và còn đưa bài lên báo.
    Khang pha trò:
    -     Tại tôi thương Chín Mập, bị người yêu bỏ rơi.
    Thu bật cười:
    -     Anh Khang ngạo Thu hoài!
    -     Tình đầu hả? Còn nhớ nhiều không?
    Thu mỉm cười e thẹn:
    -     Puppy love mà anh. Hồi đó còn nhỏ xíu, giờ nhớ lại thấy tức cười.
    Khang nâng tách nước trà lên môi, trầm ngâm:
    -     Tôi không có tuổi thơ thi vị như vậy, chưa bao giờ được bơi ở một dòng sông, lội bùn dưới con rạch, nghe chim hót giữa vườn cây ăn trái mênh mông ở quê hương mình như Thu.
    -     Nhưng anh có tuổi thơ đầy đủ và yên lành trên nước Mỹ, không như Thu, mới lớn đã buồn rầu nhìn ba má lo lắng vì đời sống chật vật.
    Khang đặt tách nước trà xuống bàn, mỉm cười:
    -     Cũng không yên lành lắm đâu Thu. Khi còn đi học tôi thường bị tụi Mễ và Mỹ đen bắt nạt, bị tụi nó đánh sưng mặt nhiều lần. Về nhà còn bị bố tôi phạt quì vì tội đánh lộn ở trường.
    Thu cuời hi hí:
    -     Anh cao lớn như vậy nên thích đánh lộn, phải hông? Sao không thành võ sĩ như Lê Cung mà lại hành nghề viết văn?
    Khang chỉ cười xoà, không trả lời. Bé Rose từ lúc nãy vẫn ngồi yên, dựa và mẹ trên ghế sofa dài. Đôi mắt Rose mở lớn nhìn Khang. Con bé không hiểu sao người đàn ông này không vồ vập, ôm ấp mẹ nó như ông Tài! Cái ông đó còn không muốn nó ở gần mỗi lần ông tới nhà nó, và nó ghét cay ghét đắng mỗi lần ông ta đưa mẹ nó đi chơi vào dịp cuối tuần, bỏ nó cho người hàng xóm trông nom dùm. Mổi lần như thế nó khóc rấm rức, mặc dù khi mẹ nó khi trở về đều mua quà cho nó, và ôm nó vỗ về. Có lần nó thấy mẹ nó chảy nuớc mắt khi vuốt tóc nó, và trong đầu óc ngây thơ của nó, nó nghĩ là ông Tài làm mẹ nó buồn, nó thủ thỉ bên tai mẹ: “I hate him”.
    Khang đưa mắt nhìn đứa bé. Nó e dè dụi đầu vào vai mẹ. Anh hỏi nhẹ nhàng:
    -     How old are you, Rose? Cháu mấy tuổi rồi?
    Con bé ngập ngừng xòe bàn tay nhỏ xíu ra trước mặt:
    -     Five!
    -     Ồ, đã 5 tuổi rồi cơ à? Thế cháu đi học chưa?
    Thu đỡ lời:
    -     Dạ cháu mới vào pre-school. Hàng ngày Thu đưa con tới trường, buổi chiều bà Mỹ già hàng xóm đón về, và trông dùm cho đến khi Thu đi làm về.
    Chợt Thu ngập ngừng:
    -     Chắc anh có mang theo hình của Kimberley. Cho Thu xem được không?
    Khang nhè nhẹ gật đầu, mở bóp rút một tấm hình nhỏ đưa cho Thu xem. Đứa bé gái chỉ mới hơn một tuổi, cười đưa hai chiếc răng cửa trong lúc đôi mắt mở lớn như muốn nhắn nhủ điều gì. Thu nhìn tấm hình, nhìn khôn mặt thẫn thờ của Khang, xúc động nắm nhẹ bàn tay anh:
    -     She’s so beautiful!
    Khang mỉm cười xa vắng. Bé Rose cũng tò mò quan sát tấm hình, bất thình lình hỏi Khang:
    -     Your daughter?
    Khang gật đầu:
    -     Yes. Con gái bác đó.
    -     She’s cute. Where’s she?
    Mắt Khang lại muốn rớm lệ:
    -     She’s gone.
    -     Gone?
    -     Yes. Up in the sky with her Mom.
    Rose ngập ngừng rồi như chợt hiểu:
    -     I’m so sorry.
    -     Thanks you, Rose.
    Khang đứng lên, cất tấm hình vào ví:
    -     Cũng muộn rồi. Tôi phải về.
    Anh nhìn đứa bé ngập ngừng:
    -     You’re so nice, Rose. May I have a hug?
    Con bé gật đầu, dời vai mẹ, chạy tới ôm ngang hông Khang, đôi mắt buồn ngước nhìn. Khang cúi xuống, vuốt tóc và hôn nhẹ lên trán con bé:
    -     Mong là chú được thăm cháu thường. Good night, and have a sweet dream. Will see you again.
    Thu tiễn chân Khang ra tới cửa. Cô thì thầm:
    -     Con bé chưa hug một người đàn ông nào ngoài cha nó. Cám ơn anh đã cho mẹ con em một buổi tối thật vui. Mong anh bảo trọng, và đừng quá buồn. Rose chắc cũng mong anh trở lại thăm chúng em thường.
    Khang nhận biết Thu vừa đổi cách xưng hô. Anh thân mật nắm cánh tay Thu:
    -     Tôi … Anh phải cám ơn Thu mới phải, đã lâu lắm rồi anh mới có những giây phút êm đềm như thế này.  Anh về nhé. Chúc em và con ngủ ngon đêm nay.
    Khang quay lại vẫy tay chào Rose, trước khi cúi đầu, lầm lũi bước ra nơi đậu xe. Thu đứng nhìn theo chiếc bóng Khang đổ dài trên mặt đường. Đêm chưa khuya lắm nhưng vắng lặng, Thu có cảm tưởng như đang nghe được bước chân xa dần của Khang, và tiếng đập nhẹ của trái tim mình khi nghĩ tới người đàn ông dịu dàng như một người bạn thân đã quen nhau lâu lắm, như từ một kiếp nào.
o0o
    Khang nắm nhẹ bàn tay Thu, dắt nhau đi trên đường nhỏ đầy bóng mát trong nghiã trang Oak Hills. Thu dựa sát vào Khang như muốn ngả đầu trên vai anh. Giọng Thu thì thầm:
    -     Em thấy êm đềm chứ không sợ hãi khi vào nghĩa trang. Chắc tại có anh đi bên em.
    Khang mỉm cười:
    -     Nhưng nếu anh không đi cạnh em, mà nằm đâu đó trong này thì sao?
    Thu nhăn mặt:
    -     Anh đừng có nói gở.
    Khang thành thật:
    -     Trước đây có nhiều lúc anh đã muốn chết hết sức.
    -     Em biết, anh rất yêu chị Nhàn, nhưng chuyện đã qua, anh cần quên.
    -     Khó quên được, nhưng cũng đang yêu em đây. Em không thấy sao.
    Thu trìu mến:
    -     Cám ơn anh.
    Khang hôn nhẹ lên tóc Thu, ân cần:
    -     Em và Rose là hạnh phúc của anh lúc này. Anh sẽ lo cho em và con suốt cuộc đời này như anh hứa. Dù sao thì anh cũng có niềm ân hận, là vì anh mà em và Tài xa nhau.
    Thu thở dài:
    -     Em đã nói rồi. Không phải là chỉ vì anh mà vì Rose, và vì có lẽ em chẳng bao giờ yêu Tài. Em yêu những tiện nghi ông ta mang lại cho em thì đúng hơn. Em đã trả lại ông ta tất cả những gì em nhận, và đã xin lỗi ông ta khi chia tay.
    -     Ông ta có biết là em yêu anh?
    -     Ban đầu thì không. Nhưng khi ông ta không để cho em yên thì em nói thật là em đã yêu người khác. Ông ta đã tức giận như diên khùng, sỉ vả em không tiếc lời, vì chưa bao giờ ông ta bị một người con gái bỏ rơi. Ông ta hỏi anh là ai, và em cũng bực mình nên nói lại với ông ta là: “It’s not your damn business!”
    -     Tội em đã phải chịu đựng nỗi cay đắng này. I’m sorry.
    -     Don’t say that! Với anh em lại biết thế nào là tình yêu, em chỉ sợ anh coi thường em vì em đã quá dễ dãi trong vấn đề tình cảm.
    Khang nâng cầm, nhìn sâu vào mắt Thu:
    -     Anh biết thế nào là sự yếu đuối của con người. Em đã bị phụ bạc, em muốn chứng tỏ với mọi người là em không phải là người kém cỏi, và em cũng có những nhu cầu của người đàn bà còn rất trẻ. Anh hiểu và không ghen với quá khứ của em. Chỉ mong em quên, và  yêu anh chân thật như em nói.
    Thu dụi đầu vào vai Khang:
    -     Em chỉ còn yêu anh.   
    Khang đi chậm lại, chỉ một ngôi mộ:
    -     Chúng mình đến nơi rồi.
    Anh đón lẵng hoa và bó nhang từ tay Thu, đặt trước tấm bia, lúi húi bật lửa, cầm bó nhang cháy đỏ khấn thầm.  Đầu Khang gục xuống, tóc xõa che vừng trán, và đôi mắt nhắm hờ nhưng giọt nước mắt đọng trên bờ mi. Thu lặng lẽ  đứng nhìn từ xa, chỉ khi thấy Khang cắm những cây nhang trên đầu mộ bia Thu mới lại gần, chắp tay nhin hình người đàn bà trè đẹp và đứa bé tươi cười khắc trên mộ bia. Thu cúi đầu nói nói nhò với người dưới mộ:
    -     Chị Nhàn, em xin phép chị cho em được yêu thương và chăm sóc anh ấy suốt cuộc đời còn lại của chúng em. Em biết anh lúc nào cũng yêu chị, và em chỉ là một phần nhỏ trong đời anh. Xin chị phù hộ cho em, cho chúng em thương yêu nhau mãi mãi.
    Thu quỳ xuống mặt cỏ, cúi đầu thật  thấp, và khi Thu ngửng lên nhìn, qua khói hương nghi ngút, Thu thấy người đàn bà trên mộ bia như cười đang cười với mình. Khang đỡ Thu đứng dậy, ôm ngang lưng Thu, để cho Thu nghiêng đầu dựa vào mình. Hai người đứng nhìn mộ bia như thế rất lâu, cho đến khi những cây nhang đã tàn, mới chậm chạp ra về. Những vạt nắng vẫn còn rơi rớt trên đồi. Khang và Thu yên lặng đi bên nhau, lâu lâu đưa mắt nhìn nhau không nói, nhưng hình như cái im vắng của cuối ngày trong nghĩa trang cũng êm đềm như tình yêu họ gửi gấm cho nhau qua ánh mắt.

Trần Quang Thiệu
May 2008



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 433

Return to top