Vua Hán Quang Vũ Lưu Tú ban bố hiệu lệnh, phái đại tướng Cảnh Yểm thảo phạt thế lực cát cứ Trương Bộ. Cảnh Yểm thu thập toàn bộ binh lực dưới tay mình, bao gồm cả hàng tốt bắt được trong chiến dịch trước đây và gia binh vốn có, điều động bộ thuộc xong, cùng Trần Tuấn và các bộ tướng dẫn đại quân từ Triệu Dương Kiều vượt Tế Thủy.
Trương Bộ nghe tin, phái đại tướng dưới quyền là Phí ấp thống lĩnh binh mã phòng giữ các nơi Lịch Hạ, Chúc A, đồng thời lấy binh lực hàng chục trại ở Chung Thành Thái Sơn chuẩn bị nghênh đánh Cảnh Yểm.
Cảnh Yểm đầu tiên vượt Tế Thủy, rồi vượt Hoàng Hà, lấy ngay được Chúc A. Trận này đánh rất thuận lợi, trời sáng bắt đầu công thành, chưa đến trưa đã hạ được thành. Cảnh Yểm cố ý bỏ ngỏ một góc thành Chúc A, để cho bại binh trong thành tháo chạy về Chung Thành. Sau đó, Cảnh Yểm tiến binh áp sát Cự Lí.
Trong Chung Thành, quân giữ thành của Phí ấp nghe nói Chúc A đã bị đánh bại, tất cả đều trở thành chim sợ cành cong, vội vàng tranh nhau bỏ trốn khỏi thành. Phí ấp thấy tình thế không tốt, liền lệnh cho Phí Cảm em ông ta nhất định phải giữ vững Cự Lí. Có ai ngờ lúc ấy, Cảnh Yểm lại cứ xông tới đánh Cự Lí.
Cảnh Yểm cho tướng sĩ thủ hạ chặt rất nhiều cây, rêu rao rằng cần phải lấp thành Cự Lí. Mấy ngày sau, trong thành có lính ra hàng, cung cấp tin tức nói rằng: "Phí ấp nghe nói Cảnh Yểm đánh Cự Lí, em ông ta dường như không chống đỡ nổi, bản thân ông ta cũng muốn đến cứu viện".
Cảnh Yểm một mặt ra lệnh tướng sĩ trong quân nhanh chóng làm các loại dụng cụ đánh thành, mặt khác công khai công bố mệnh lệnh, rằng ba ngày sau chính thức tổng tấn công Cự Lí. Lại ngầm thả lỏng sự canh giữ tù binh quân đối địch, để cho chúng trốn chạy về báo tin.
Quả nhiên, tù binh trốn về đem tin tức Cảnh Yểm đánh Cự Lí truyền đi. Phí ấp tin đó là thật, ba ngày sau quả thật đích thân dẫn hơn 3 vạn tinh binh đến cứu viện em ông ta, Phí Cảm.
Cảnh Yểm mừng lớn: "Thỏ non lần này mắc câu rồi". Ông ta nói với bộ tướng: "Ta muốn mọi người làm dụng cụ đánh thành, chính là để dụ Phí ấp đến đây. Lần này Phí ấp đến thật rồi, hậu quả sẽ khiến hắn thân làm thân chịu”. Lập tức phái 3000 tinh binh giữ Cự Lí, tự mình dẫn chủ lực lên sườn núi gần đó, ở trên cao nhìn xuống, dàn trận thế đánh nhau với Phí ấp.
Phí ấp đi đường gấp gáp, vừa đến ngoài thành Cự Lí thì bị đánh ập xuống đầu xuống mặt. Ông ta còn chưa kịp hiểu ra sự thể làm sao thì đã bị chém chết. Cảnh Yểm lệnh đem thủ cấp của Phí Ấp treo cao thị chúng, nhằm cảnh cáo quân phòng bị ngoan cố kháng cự trong thành Cự Lí. Binh tướng thủ hạ của Phí Cảm lòng quân đã loạn, người người sợ hãi. Phí Cảm thấy thế lớn đã mất, liền dẫn một đám quân ít ỏi bỏ trốn Trương Bộ.
Đại quân của Cảnh Yểm đã rất thuận lợi đánh hạ được thành Cự Lí, san bằng hơn 40 dinh lũy ngoan cố kháng cự trong và ngoài thành, giành đại thắng.
Cách mà Cảnh Yểm dùng để thắng Phí Cảm chính là thủ pháp đánh lạc hướng hư hư thực thực. Ông ta tạo ra một hiện tượng giả đánh lừa địch, chờ địch mắc câu rồi thì tung một mẻ lưới quét sạch. Trong thương chiến hiện đại, kiểu thủ pháp hư hư thực thực này cũng thường hay gặp, nhất là trong đàm phán thương mại, loại thủ pháp này rất dễ thu được hiệu quả.
Năm 1984, một công ty Thượng Hải, Trung Quốc để nhập một dây chuyền sản xuất, qua lựa chọn so sánh rất nhiều nhà, đã chọn công ty G của Mỹ. Công ty G cử ông E đại diện của công ty này ở Hồng Kông đến Thượng Hải đàm phán việc này.
Ông E này là người Trung Quốc, đến Hồng Kông chưa được mấy năm, mắt đã để lên trán rồi. Ông ta ngạo mạn nói: " Các ông đừng có nhầm lẫn, chúng tôi không phải là công ty Nhật, cũng không phải là công ty Hồng Kông, mà là công ty Mỹ. Người Mỹ xưa nay là thật, không có giả bao giờ". Lại còn tăng thêm áp lực với phía Trung Quốc. "Tôi đã mua sẵn vé máy bay về Hồng Kông ngày kia. Nếu như các ông có thành ý, cần làm kịp hợp đồng”.
Công ty Thượng Hải này rất hài lòng về sản phẩm của công ty G, chỉ cho là giá cả hơi cao. Ông E về giá cả lúc đầu không chút nhượng bộ, sau lại nói: "Nể mặt các ông, giảm cho các ông 1%".
Để trước hết về khí thế làm tiêu tan thái độ ngạo mạn của ông E, phía Trung Quốc cử ông Tân Quốc Thanh giàu kinh nghiệm ra mặt. Ông Tân Quốc Thanh không bàn chuyện làm ăn, mà nói chuyện thường ngày trong nhà. Ông ta lấy giọng bình tĩnh nói với đối phương: "Tôi cũng đã từng làm việc mấy năm ở Hồng Kông”. Ý của câu nói này là, đừng có hễ ra khỏi nước mình là trở thành "giặc ngoại xâm giả” quên mất chính mình, ngay bản thân mình là người nước ngoài cũng không biết nữa. Ông E nghe ra câu nói có hàm ý khác, thái độ ngạo mạn mới bớt đi phần nào.
Tiếp theo, ông Tân huơ huơ mớ tài liệu trong tay, nói với ông E: "Hạng mục này còn có mấy công ty cũng muốn làm, về báo giá mà nói, báo giá của các ông thực sự quá cao. Đây là hư thôi, tình hình thực tế công ty G còn thấp hơn hai công ty khác 10%.
Ông E nghi ngờ: Thật sao? ông nói cao, cao bao nhiêu?
Ông Tân đáp: "Cao 13%. Ví dụ như thiết bị L". Ở đây thực, hư đều có, thiết bị L là thực, 13% là hư.
Ông E trán bắt đầu đổ mồ hôi: “Thế này vậy, tôi thử liên lạc lại với tổng bộ xem sao".
Ông Tân còn muốn đánh thêm một đòn. Ông ta nói với nhân viên phía trên: "Ông ngày kia phải về rồi, công ty khác kia bao giờ có thể tới?"
Nhân viên đáp: "Ba ngày sau khi ông E đi". Tất nhiên, đây cũng là hư.
Ông E nghe xong, sợ việc làm ăn bị người khác đoạt mất, ngay trong ngày liên lạc với tổng bộ, đến ăn ngủ đều không rời phòng, ông ta sợ không nghe được điện thoại.
Rất nhanh, hợp đồng giữa hai bên được ký. Phía Mỹ giảm giá 12%, phía Trung Quốc nhận được một mức giá rất lý tưởng.
Ông Tân không hổ là tay lão luyện vận dụng thành thục kỹ xảo đàm phán hư hư thực thực, ông ta làm cho đối phương mất cảnh giác về tâm lý, từng bước từng bước bị dẫn vào cái bẫy đã giương sẵn, tự nhiên làm đối phương phải nhượng bộ.