Năm đó, Lưu Bang nhân lúc hậu phương của Hạng Vũ bỏ trống, bí mật tấn công vào sào huyệt Cổ Thành, không ngờ bị Hạng Vũ phản kích thất bại thảm hại. Lưu Bang chạy trốn vào một làng nhỏ, được sự khoản đãi của một ông già người Hán. ông lão thấy mặt Lưu Bang có quý tướng, nên đem gả con gái cho, người con gái này sau này sinh hạ một người con tên là Như ý.
Sau khi lập triều đại nhà Hán, Lưu Như ý được phong làm Triệu Vương. Thích phu nhân rất được sủng ái. Cao tổ Lưu Bang vì nặng tình với Thích phu nhân, không chịu được cảnh Thích phu nhân chau mày rơi lệ nên đồng ý sẽ xét việc phế bỏ thái tử Lưu Doanh, lập Như ý làm thái tử. Đương nhiên việc Lưu Bang lập thái tử mới không phải hoàn toàn là vì quá sủng ái Thích phu nhân. Lưu Bang cũng không hài lòng với tính cách nhu nhược của Lưu Doanh, cảm thấy Lưu Như ý thông minh, tính cách có nhiều mặt giống mình. Lữ Hậu sau khi biết ý định của Lưu Bang trong lòng rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao.
Hôm đó, Lưu Bang triệu tập quần thần, bàn việc phế thái tử, không ngờ người đầu tiên phản đối lại là ngự sử đại phu Chu Xương. Lưu Bang muốn ông ta nói lý do, Chu Xương lắp bắp, cuống đến nỗi đỏ cả tai mà cũng không nói được câu nào, nhưng thái độ phản đối thì rất kiên quyết, cho rằng không thể phế thái tử được.
Tại sao Chu Xương lại phản đối. Bởi vì trước đó mấy ngày Chu Xương tận mắt thấy cảnh Lưu Bang và Thích phu nhân vui đùa hoan lạc trong nội cung. Lưu Bang trông thấy ông vào nhưng quên không gọi, Chu Xương cũng không nói lời nào đi thẳng ra ngoài. Lưu Bang bắt ông ta quay lại, quỳ sát đất còn mình thì cưỡi lên vai và nói: "Ngươi vào cung mà lại không chịu nói chuyện với trẫm, trong mắt ngươi có còn trẫm nữa không?" Chu Xương cũng không chịu nhịn, trả lời: "Bệ hạ thật giống như vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Ân". Đây là những vị vua bị mất nước cuối đời nhà Hạ, Thương. Chu Xương cho rằng việc phế truất thái tử cũng là một trong những việc làm dẫn đến mất nước, nên dù chết cũng không đồng ý. Thái hậu họ Lữ vì việc này mà rất cảm kích Chu Xương.
Lưu Bang thoái triều, Thích phu nhân rất thất vọng, lấy việc phế thái tử ra làm điều kiện trói buộc, Lưu Bang chỉ nói: "Ta sẽ nghĩ cách dần, nhất định không để mẹ con nàng thiệt thòi". Để cho việc này thuận lợi khi nghị triều, Lưu Bang phế bỏ chức ngự sử đại phu của Chu Xương, chuyển sang làm Triệu tướng quốc, chuyên môn phụ tá Lưu Như ý.
Sau này Lưu Bang lại bận xuất binh chinh phạt đám phản loạn Trần Hi, việc thái tử bị gác lại. Tuy rằng việc này đã tạm thời bị gác lại nhưng Lữ hậu vẫn lo lắng như trước, bèn đi tìm Trương Lương, xin ông nghĩ cách bảo vệ ngôi thái tử của Lưu Doanh. Lúc này Trương Lương mặc dù đã ở ẩn nhưng vẫn kiêm việc dạy dỗ cho thái tử, không thể ngồi yên mà nhìn. Thế là ông đưa ra một chủ kiến, mời anh của Lữ hậu là Lữ Thích mời "thương sơn tứ hạo” ra mặt bảo lãnh cho thái tử.
Bốn vị này là bốn ẩn sĩ ở núi Thương Sơn, bọn họ là Đông Quốc Công, Hà Hoàng Công, Khởi Lý Lê, Nhiễm Lý tiên sinh, đều là những lão ông tiếng tăm trong thiên hạ. Lữ Thích lấy danh nghĩa của Trương Lương mời, lại được sự tiếp đãi thịnh tình của Lưu Doanh, bốn vị liền ở lại trong cung thái tử. Lưu Bang đã định cho thái tử làm giám quân chinh phạt Anh Bố làm phản nhưng bốn vị này nghĩ hộ một cách để cho thái hậu gặp Lưu Bang dùng tình cảm thuyết phục, miễn được việc phải làm giám binh, để thái tử toàn tâm tĩnh trí tại kinh đô tìm cách bảo vệ ngôi vị của mình.
Lưu Bang thân chinh dẫn quân chinh phạt trở về, Thích phu nhân lại nhắc đến việc phế bỏ thái tử cũ, đúng lúc Lưu Bang quyết tâm hạ lệnh thì Trương Lương cố ý xuất hiện dùng lời lẽ tình cảm để thuyết phục, Thúc Tôn Thông thậm chí còn lấy cái chết ra để mà can gián, ông dẫn ra những điển cố: "Ngày trước Phổ Hiến Công vì quá sủng ái Ly Cơ mà phế thái tử Thân Sinh, làm cho nước Phổ loạn hàng mấy chục năm. Tần Thủy Đế vì không sớm lập Phù thái tử mà sớm bị diệt vong, ngày nay, thái tử nhân nghĩa, hiếu thuận tại sao lại phế bỏ". Nói xong định rút gươm tự sát.
Đang lúc Lưu Bang ở vào thế bí giữa hai bên tả hữu, bốn vị công thần liền xuất hiện trước mặt, tướng mạo phi phàm, râu tóc trắng như tuyết. Lưu Bang trợn tròn mắt: "Trước đây trẫm vời các vị các vị đều tránh không xuất diện, hôm nay đến đây là có gì chỉ giáo trẫm." Bốn vị đồng thanh nói: " Trước đây bệ hạ xem thường nhân sĩ, bọn thần không chịu được sự coi khinh đó nên không tuân lệnh vào triều. Nhưng ngày nay thái tử hiếu thuận, kính bậc cao sĩ, hạ thần có thể vì thái tử mà chết, chẳng quản đường xa đến đây phụ tá thái tử".
Bốn vị ẩn sĩ này mang dáng dấp thần bí, các bậc đế vương trước đều rất kính sợ. Nay bốn vị chịu đích thân đến giúp thái tử Lưu Doanh như vậy là có thần tiên giúp đỡ rồi, không thể làm trái ý bốn vị được. Thế là việc phế thái tử không còn được nhắc đến nữa, thái tử Lưu Doanh yên ổn với ngôi vị của mình.
Mượn sức mạnh của quyền thế, tăng sự nổi tiếng của mình, từ đó củng cố địa vị của mình, không gặp thất bại. Trương Lương thật không hổ danh, bày cho Lữ hậu mưu kế mượn danh của bốn vị "thượng sơn tứ hạo” làm lung lay quyết tâm của Lưu Bang, thật là dụng tâm sắc sảo, đáng được người đời ca ngợi.
Trong thương trường ngày nay, việc mượn danh người khác để nâng cao danh tiếng của công ty, xí nghiệp mình trong xã hội, từ đó mà dành được thành công cũng không phải là ít. Khách sạn liên doanh Trung - Mỹ tên là Trường Thành ở Bắc Kinh rất giỏi trong việc lấy tên tuổi của người khác để gây ảnh hưởng tốt cho mình. Năm 1984, khách sạn Trường Thành khai trương đêm trước, thì nhận được tin tổng thống Mỹ là Reagan sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 4. Tầng lớp lãnh đạo của khách sạn quyết định phải lợi dụng triệt để cơ hội tốt ngàn năm không có này để nâng cao danh tiếng. Thông qua hàng loạt hệ thống đối nội, đối ngoại, điều mơ ước này đã được thực hiện. Ngày 24 tháng 4 tiệc rượu chiêu đãi cảm tạ của Tổng thống Reagan được tổ chức ở khách sạn Trường Thành. Hơn 500 nhà báo đi cùng trong cuộc viếng thăm này khi đưa tin về buổi chiêu đãi đã nói về Trường Thành ở những mức độ khác nhau. Mọi người thông qua phát thanh, truyền hình, báo chí... đều biết đến khách sạn Trường Thành. Chỉ trong một buổi tối mà danh tiếng của khách sạn này đã nổi như cồn trên toàn thế giới.
Sau này, nhiều khách du lịch nước ngoài đến Bắc Kinh đều muốn tận mắt ngắm nhìn nơi mà Reagan đã thết tiệc chiêu đãi, muốn được thưởng thức những món ăn ngon lành ở đây. Việc kinh doanh của khách sạn lên như diều gặp gió.
Năm 1989, Tổng thống Mỹ Bush thăm Trung Quốc, các nhà quản lý của Trường Thành lại quyết tâm một lần nữa dùng uy danh của tổng thống để nâng cao danh tiếng của mình. Tối 26 tháng 2 hơn 500 vị khách quan trọng đã đến Trường Thành tham dự buổi tiệc chiêu đãi của tổng thống Bush. Khách sạn Trường Thành lại một lần nữa lừng lẫy tiếng tăm, trở thành trung tâm của báo chí.
Khách sạn liên doanh năm sao này có 24 tầng, cao 82 mét, có 1.000 phòng khách, 9 phòng ăn lớn, lại còn có phòng họp, rạp chiếu phim, bể bơi trong nhà, trên tầng thượng là một vườn hoa, phía ngoài được lắp toàn bộ kính màu, từ xa nhìn lại thật sang trọng, lộng lẫy. Cho đến nay, khách sạn đã tiếp hơn chục nguyên thủ quốc gia, cơ quan hàng đầu chính phủ. Các vị khách quan trọng của Trung Quốc hay nước ngoài, sau khi đến Bắc Kinh đều chọn Trường Thành làm nơi mở tiệc đãi khách. Các cuộc họp báo hoặc chiêu đãi thì không thể tìm thấy ở đâu tốt hơn ở đây. Bởi vì trong tâm trí của khách đến đây đều có một ấn tượng là: nơi đã tiếp đón tổng thống thì những kiến thiết phần cứng, phần mềm, sự phục vụ nhất định phải là hàng đầu.
Lấy ảnh hưởng, tiếng thơm của người nổi tiếng để nâng cao tiếng tăm của mình, điều này còn có hiệu quả hơn nhiều lần so với đi làm quảng cáo. Trung Quốc có câu thành ngữ "Lấy cờ to mà làm da hổ", lấy danh làm da hổ, có lẽ hiệu quả còn tốt hơn nhiều.