Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mùa thu màu hạt dẻ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 55629 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùa thu màu hạt dẻ
Trần Thị Bảo Châu

Chương 8

- Sao lại giận anh? Em có biết suốt hai tuần nay anh muốn điên lên vì nhớ em không?
- …
Nhã tủm tỉm cười, anh nhẫn nại chờ nghe Phượng nói, nhưng cô xoay lưng về phiá anh, mắt lơ đễnh nhìn ra sân nơi Hoài Tú đang chơi một mình với con chó điện tử biết sủa, biết đi, và biết cả… ngoáy tít đuôi mừng.
Nhã xuống nước thật ngọt:
- Tuần trước anh ra Hà Nội tìm hiểu thị trường ở đấy, tuần này anh ở suốt ngoài Côn Đảo, Vũng Tàu. Công việc không cho anh có thời gian để được bên em. Vừa về tới nhà là anh vội đến đây ngay. Sao em cứ lạnh như băng vậy Gà xước!
Nghe Nhã âu yếm gọi cái tên một thời của mình, Nhật Phượng mềm lòng, cô gục đầu xuống ấm ức:
- Nhưng ít ra anh cũng phải cho em biết anh đi đâu, làm gì chứ! Tự nhiên bặt vô âm tin hơn nửa tháng làm sao em chịu đựng nổi.
Những lời trách cứ không làm vơi đi lo âu trong lòng, Phượng nghi ngờ hỏi tiếp:
- Anh đi một mình hay đi… với ai?
- Anh đi một mình, nhưng luôn với em trong tâm tưởng. Tin anh không? Trước khi đi Hà Nội anh đã nhờ Thiên nhắn em rồi, bây giờ em trách cứ anh. Khổ ghê cơ!
Phượng ngạc nhiên:
- Anh Thiên có nói gì với em đâu. Ảnh chỉ bảo là anh không đi xa đâu. Em lên lầu mà đợi, phòng của anh đầy đủ tiện nghi nhất nhà.
Nhã kêu lên:
- Em tìm tới tận chỗ anh ở à? Trời ơi! Rồi em có vào không? Sao anh chưa hề nghe hắn ta hé môi về chuyện này!
- Không! Em không vào vì đâu có anh ở đó. Chờ… lỡ anh không về rồi sao?
Nhã thở phào:
- Cô bé khờ khạo của anh không đến nỗi ngu ngơ, anh vừa lo sợ. Em vào đó một mình với Thiên chẳng khác nào cừu non vào hang cọp. Chính vì vậy anh chẳng muốn đưa em tới nơi anh ở.
Mắt nhìn Hoài Tú lò cò theo con chó, Nhã thì thầm:
- Thiên là đứa không ra gì. Hắn sẵn sàng bán rẻ lương tâm để giở trò với người yêu của bạn mình. Em phải cẩn thận khi tiếp xúc với anh ta.
Phượng hoang mang nhìn Nhã, gương mặt anh nghiêm nghị một cách đáng tin tưởng, và dĩ nhiên cô tin anh chớ không thể nào tin Thiên, kẻ đã lừa cô một lần.
Nghe Nhã ân cần dặn dò, sau khi đã kêu lên đầy lo lắng, Phượng bỗng thấy như mình là người có lỗi, cô rụt rè:
- Em bao giờ cũng thận trọng với đàn ông lạ.
- Anh nghĩ, với người quen em càng phải đề phòng hơn nữa. Đàn ông đời nay đâu có được mấy kẻ đàng hoàng.
Nâng cầm Phượng lên, Nhã nhẹ nhẹ lắc đầu:
- Em ngây thơ quá nên không thể hiểu hết lời anh nói đâu. Anh cũng thuộc loại không đàng hoàng. Đừng yêu anh nữa!
Cứ nghĩ là Nhã đùa, Phượng phụng phịu đáp:
- Khi yêu anh, em đã chấp nhận rằng mình đương đầu với một tên lãng tử từng đi Tây về với biết bao là cuộc tình mà. Nên dù biết anh thuộc loại không đàng hoàng, em vẫn yêu…
- Nói như em là mê đắm chớ không phải là yêu. Đến một lúc nào đó em sẽ suy nghĩ lại và thấy lời mình vừa nói thật bốc đồng.
Ngước mắt nhìn anh với đôi mắt trong sáng, Nhật Phượng nói tiếp:
- Em không bốc đồng vì em tin với tình yêu em dành cho anh âm thầm lặng lẽ trong bao nhiêu năm, anh có không đàng hoàng cỡ nào, anh cũng phải nghĩ lại để thương em trừ phi anh đến với em như đến với kỳ nghi? Hè lý thú, sau đó anh lại ra đi và tất cả còn là kỷ niệm… mà cho dù thật sự là như vậy em cũng không trách, anh từng là con gió thổi vô tình bên đời em, anh lại sẽ là con gió thổi hun hút vào tâm hồn em. Em không đủ sức giữ anh lại thì thôi…
- Có thật em yêu anh đến như vậy không?
Giọng Phượng chắc chắn:
- Thật! Và yêu từ lâu rồi. Anh không tin em hay sao? Anh không yêu em hay sao?
Đó là câu hỏi mà Nhã không dám trả lời. Lẽ ra không nên tạo điều kiện để Phượng hỏi như vậy.
Nhã thở dài kéo Phượng vào lòng rồi hôn cô, nụ hôn mạnh bạo thoang thoảng mùi thuốc lá thơm như một câu trả lời lơ lửng. Khi Nhã rời môi cô ra, Phượng chẳng biết cách nào để kéo anh trở lại vấn đề… yêu hay không. Nói gì thì nói, làm sao cô chịu nổi chuyện đơn phương với tình yêu thầm lặng một chiều hôi xưa. Trong khi Nhã đã quá biết rằng cô cần anh, yêu anh hơn cả cuộc sống.
- Anh còn ở lại bao lâu nữa Nhã?
- Chưa biết! Nhưng công việc của anh đang thuận tiện. Có thể anh còn ở lâu… Về bên ấy anh sẽ chết héo vì nhớ…
Nhật Phượng nghịch ngợm nhắc lại câu của Nhã:
- Có thật yêu em đến mức như vậy không?
- Anh luôn luôn nghĩ rằng” Không” cho đỡ khổ!
Nhìn nét cười trên vành môi của Nhã lúc đó giống như nét cười của người nào rất lạ, Phượng giận dỗi:
- Em cũng sẽ tập nghĩ rằng “Không” cho quên và cho anh đừng khổ vì đã lỡ nói yêu con gà cú rú này.
Nhã cười, anh đưa tay bẹo má cô và hỏi:
- Chiều nay em có đi học không?
Phượng gật đầu. Anh nheo mắt rủ rê:
- Lặn… được chứ?
- Em gần thi rồi! Không dám đâu!
Nhã thất vọng:
- Mốt anh lại đi Đà Lạt. Làm sao được gần em hả nhỏ
- Tối nay đến nhà em đi! Sao anh không chịu ghé thăm em ở nhà?
Giọng Nhã bỗng khô khan:
- Anh sẽ ghé nhà, nhưng chưa phải là bây giờ.
- Anh làm em phải thắc mắc về chuyện của hai đứa. Yêu mà dấu tình yêu của mình. Chẳng bù với chị Uyên…
- Uyên làm sao?
- Có bao nhiêu bạn trai chỉ cũng dẫn về nhà khoe ầm lên là bồ. Em không hiểu trái tim của chỉ yêu cách nào cho hết ngần ấy người.
Nhã hóm hỉnh:
- Nè! Sao anh nghe trong giọng nói của em có chút gì như ganh tỵ với Nhật Uyên vậy.
Phượng chua ngoa:
- Ganh tỵ chớ sao không ganh tỵ, cm chỉ có mỗi một người thôi, mà không được đưa về trình làng. Hay anh đang tính toán điều riêng tư gì đây?
Nhã gượng cười:
- Anh có xa lạ gì với nhà em đâu mà em đòi trình làng. Có điều anh đã ba mươi tuổi rồi, anh sợ mang tiếng cho em. Khi dặt xong cơ sở làm ăn anh sẽ đường đường chính chính tiến tới. Bây giờ thì quá sớm, em còn đang đi học, anh chưa tỏ cho mọi người thấy khả năng của mình thì anh chưa thể tính chuyện gì được. Em phải hiểu cho anh Phượng ạ!
Thấy cô xụ mặt làm thinh, Nhã trêu cô:
- Sợ Nhật Uyên bóp kèn qua mặt hả bé? kể thử cho anh nghe xem cô nàng có bao nhiêu bồ bịch, bạn bè.
- Chị Uyên nhiều người để ý lắm, em biết đâu mà kể. Trước đây chị thân với anh Sơn, gia đình tưởng hai người yêu nhau, ai dè khi hỏi chỉ chê ảnh cù lần. Dạo này chỉ lại quen người khác, người này chỉ giấu kín mít, đố ai hỏi cho ra.
- Khi thật sự yêu nhau người ta kín đáo lắm! Anh cũng thích vậy. Nhưng không lẽ chị em trong nhà cũng giấu kín niềm riêng hay sao?
Phượng trầm tư:
- Nhà em kỳ lắm! Anh chị em trong nhà rất thương yêu nhau, nhưng mỗi người là một kim tự tháp bí mật, khó ai vào được bên trong. Chị Uyên còn có lúc bộc lộ sự ồn ào, chị ấy chê cách sống nghèo nàn đơn điệu của ba mẹ em, và cũng có thể là cả tụi em, nên đôi khi em đoán biết được nguồn vui qua việc giao tiếp với bạn bè của chỉ. Còn chị Linh thì thôi! Kín bưng như chiến lũy Magino của Pháp.
Liếc vội Nhã, cô thấy anh có vẽ chăm chú nghe nên nói tiếp:
- Anh Trung gọi chị Linh là bức tường rêu phong kiên cố, là niềm kiêu hãnh của gia đình, vì chỉ vừa lạnh vừa giỏi, bọn đàn ông xếp de chẳng dám đến gần. Trong nhà đứa nào cũng ngán… cái uy của chị
- Anh có gặp chi Linh một lần ở nhà Nhật Vi, cô ấy cũng cởi mở đấy chứ!
Phượng bênh vực điều mình nói:
- Thì xã giao mà. Ngoài đời chị bặt thiệp lắm!
Rồi chợt nhớ có lần Nhật Trung lơ lửng nói rằng Nhã muốn tấn công bức tường rêu phong kiên cố của nhà mình, Phượng mỉm cười.
- Anh là đàn ông, anh có thích phá vỡ những bức tường rêu kiểu như chị Linh nhà em không?
Nhã nhún vai ra chiều bị bắt buộc phải nói:
- Anh chỉ muốn phá vỡ bức tường đó để tìm vật quý. Anh không ngốc lắm nên anh hiểu rằng cần phải thu phục tình cảm của Linh để có được em.
- Anh nghĩ tới chuyện này từ hồi nào vậy?
- Từ lúc anh tính xem khi nào tới nhà em, và khi tới đó ngoài ba má ra anh sẽ… làm như nhằm mục đích thăm riêng ai đấy?
Phượng bật cười:
- À! Em hiểu rồi. Nhưng chị Linh khó động trời. Chỉ mà biết anh muốn làm… em rể thì chết, mặt chỉ sẽ lạnh như nước đá, không cởi mở như lần đầu gặp anh đâu.
Nhã tự tin:
- Chưa gì đã dọa anh rồi! Nhã này không đến nỗi tệ. Một ngày nào đó em sẽ hiểu rõ anh hơn. Tất cả các cô gái sẽ mở rộng lòng ra với anh.
Nhật Phượng xụ mặt:
- Vậy là hồi đó tới giờ em vẫn chưa hiểu hết về anh, anh cố tình giấu kín mình, hay tại em hời hợt không đủ khả năng lan tới tim anh?
- Em nhiều tự ái quá đã vậy lại trẻ con nữa. Hiểu hết một người là chuyện cả đời chớ đâu phải một ngày một buổi. Biết rõ về nhau quá cũng mất hay cô bé ạ!
Giọng Phượng khổ sở:
- Em… ghét kiểu lấp lửng của anh. Vì nó làm em không yên tâm, em thích nói thẳng suy nghĩ của mình và thích được nghe những bộc bạch chân tình đơn giản từ người khác. Sao anh không như người ta.
Nhã lạnh lùng:
- Người ta là ai?
- Là… là tụi bạn trai của em. Tụi nó dễ hiểu lắm!
- Em bé ơi! Còn trẻ con ai cũng dễ hiểu hết. Tiếc là anh đã qua thời đó rồi. Yêu anh em sẽ chán vì anh khô khan, già nua. Anh đã sống qua một thời hết sức phức tạp gay go mới có được ngay hôm nay. Anh không thể đơn giản được.
Nhật Phượng lo lắng:
- Ngay cả trong tình yêu cũng vậy sao?
Không ngần ngừ Nhã gật đầu:
- Đúng vậy! Vì yêu một người không giản đơn chút nào.
Bỗng dưng Phượng nhớ giọng anh ấm như nốt nhạc trầm, thì thầm nói lời yêu rồi thái độ hơi diễu cợt khi cúi xuống hôn cô. Lúc đó mọi cái diễn ra với Nhã dễ dàng tự nhiên quá, sao bây giờ anh lại khó hiểu như vậy? Cô chợt hốt hoảng nhận ra khoảng không mơ hồ giữa hai người khi nghe Nhã khẽ khàng: “Yêu một người không đơn giản chút nào hết”.
Hình như đọc được những xao động trong mắt cô, nên Nhã liền trấn an:
- Anh nói không đúng sao? Em yêu anh và em lo lắng, ghen tuông, giận dỗi, nhớ nhung đủ thứ. Đó là chưa kể những biến cố bất chợt từ bên ngoài. Rõ là yêu rất phức tạp, chớ không như em nghĩ đâu.
Thấy Phượng có vẻ trầm tư, Nhã nói tiếp:
- Bỏ chuyện đó đi! Anh muốn nghe em kể tiếp về Nhật Linh, Nhật Trung rồi Nhật gì gì nữa của nhà em. Xa cách bảy tám năm, các cô các cậu lớn hết, mỗi người một tánh ý, anh làm sao biết được ai như thế nào mà chiều.
Nghe Nhã nhắc, Phượng tươi ngay nét mặt, cô bắt đầu kể lể:
- Trong nhà em chị Uyên và anh Trung giống nhau về bề ngoài lẫn tính tình. Hai người vừa đẹp vừa hoạt bát nên nói nhiều ơi là nhiều.
Phượng cười tủm tỉm:
- Bởi vậy chị Uyên với anh Trung sáp lại là có “cự”. Chuyện gì cũng ồn ào nhà cửa được hết. Anh Trung là vừa móc lò, chị Uyên lại hay… hò để ông Trung chọc, thế là sinh chuyện.
Nhã cũng cười theo:
- Những lúc như vậy, em về phe ai?
- Em hả! Em làm sứ giả thiện chí, giảng hòa. Ở giữa lúc nào cũng có lời phải không anh?
Nhã gật đầu, anh nhìn vẻ nhí nhảnh hồn nhiên của Phượng bằng đôi mắt xa vời. Cô lại ríu rít:
- Còn chị Linh với anh Minh thì xời ơi! Chán! Hà tiện lời nói dễ sợ luôn, hai người chỉ nghe chớ chẳng khi nào cho ra ý kiến ý ruội gì hết. Giống tánh nhau y chang luôn.
Che miệng cười khúc khích, Phượng nói nho nhỏ:
- Anh Trung đặt cho anh với chị biệt hiệu là “Linh hồn tượng đá” ý muốn bảo rằng hai người lạnh lùng khép kín như những pho tượng, nhưng tượng này có linh hồn. Gặp em là em tự ái rồi. Ai ngờ anh, chị tỉnh bơ, đúng là như đá… thật!
Vẫn nhìn không rời cô, anh hỏi:
- Còn em, em có biết mình giống ai không?
Ngơ ngác nhìn Nhã, Phượng lắc đầu:
- Không! Em không giống ai hết!
Giọng Nhã bâng khuâng xúc động:
- Có đó! Em rất giống Nhật Thu! Thu hạt dẻ ngày xưa. Lúc anh mới biết Nhật Vi chắc Thu trạc bằng tuổi em bây giờ.
Nhật Phượng ngạc nhiên:
- Anh nhớ hay thiệt! Em tưởng anh quên khuấy chị Thu của em rồi chớ? Ai ngờ anh nhớ cả biệt hiệu của chị.
Nhã vuốt nhè nhẹ tóc Phượng:
- Em giống Thu lắm! Nhất là mái tóc mềm nâu nâu như màu hạt dẻ không lẫn với bầt kỳ ai trong nhà em hết.
Nhật Phượng chớp mắt:
- Giống chị Thu khổ thấy mồ! Em hổng chịu giống chỉ đâu. Hồng nhan đa truân.
- Mỗi người mỗi khác, đâu phải giống nhau là sẽ y như nhau. Chị em song sanh mà còn mỗi người một phận huống chi em với Nhật Thu.
Chống tay dưới cằm giọng Phượng xa xôi:
- Em nghe anh Vi kể chị Thu hồi con gái có lắm cây si, trong những cây si cổ thụ đó bạn anh không phải là ít. Anh Vi lớn hơn chị Thu một tuổi, nhưng lúc ba mẹ em làm khai sinh cho anh Vi thì khai nhỏ đi chừng bốn năm tuổi gì lận, cho nên anh lại học sau chị Thu, cho nên bạn anh toàn nhỏ hơn anh bốn năm tuổi lận.
Nghiêng đầu lém lỉnh nhìn Nhã, cô nói:
- Anh cũng vậy chớ gì. Năm nay anh ba mươi tuổi, bằng tuổi chị Linh em. Nghĩa là nhỏ hơn chị Thu ba tuổi.
Ngượng ngập ngó ra chỗ Hoài Tú đang chơi, Nhã hơi gắt:
- Em so sánh như vậy để làm gì?
- Tại em vừa nhớ ra chị Thu và em cùng cầm tinh một con. Chị lớn hơn em đúng một con giáp đó! Rốt cục anh thật sự có thể làm em của anh Vi và chị Thu rồi, còn từ chị Linh trở xuống thì… chà! … Muốn xưng em, anh phải nhớ chuyển hệ à nhe!
Nhã lặng im nghe tiếng Nhật Phượng cười thật vô tự Cô đâu ngờ vừa rồi cô đã khơi dậy từ lòng Nhã một nổi đau không dứt. Anh lầm lì nói:
- Anh là bạn của Nhật Vi, những ai là em của Vi đều là em của anh.
Phượng nheo nheo mắt:
- Nhưng anh là người yêu của em. Em thì bé nhất nhà. Vậy anh tính sao nào?
- Đừng gài anh vào thế bí bé à! Em lại giống Nhật Thu ở tật… lớn lối này nữa rồi. Hồi đó Thu hay ăn hiếp đám bạn của Nhật Vi.
- Thế anh có… bị ăn hiếp không?
- Sao lại không? Vừa bị ăn hiếp lại vừa bị cho ăn bánh vẽ.
Nhật Phượng lách chách:
- Nhưng anh không phải là một trong nhiều cây si của chị Thu chớ.
Lửng lơ nửa đùa, nửa thật Nhã đáp:
- Phải hay không cũng là chuyện ngày xưa. Em thấy đó, ai cũng có một thời: Rừng cây si hồi nào của Nhật Thu bây giờ đâu hết rồi? Tất cả còn là kỷ niệm. Người ta có thể buồn, vui, bàng hoàng, đau đớn và cũng có thể hận thù khi nhớ về kỷ niệm.
- Hận thù à? Anh nói gì nghe ớn quá!
Nhã gượng gạo:
- Ôi! Đó chỉ là một cách nói không được khéo lắm của anh, vì anh nghĩ có những người càng yêu chừng nào họ càng hận thù chừng ấy khi biết mình bị phụ bạc hay dối lừa trong tình yêu.
Phượng bỗng thở dài:
- Nói tới chị Thu, tự nhiên em buồn. Chị ấy đa tình, lãng mạn nên không hạnh phúc. Chị đã chọn cho mình một tình yêu phù du với một anh chàng nghệ sĩ và chối bỏ thật phủ phàng tình cảm của những người khác. Với chị Thu, không người đàn ông nào bằng anh An. Dù đã li dị rồi nhưng chị vẫn còn khổ. Bây giờ chị ấy làm ở du lịch, quen biết bao nhiêu người rốt cuộc có ai là của riêng chị đâu.
Nhã ngần ngừ hỏi:
- An bây giờ làm gì?
- Anh hát ở các vũ trường, các tụ điểm ca nhạc ở thành phố.
Cười bằng giọng mũi đầy mai mĩa, Nhã nói:
- Nghệ sĩ tài năng mà chạy “sô” cho các tụ điểm, nghĩ cũng đáng buồn.
Phượng nhíu mày nghĩ ngợi:
- Anh An đâu phải là bạn của anh Vi, sao anh biết ảnh?
- Hoàng An nổi tiếng trong đám văn nghệ học sinh của trường anh. Ai mà không biết! Hồi anh mới học lớp chín, Hoàng An đã học lớp mười hai. Anh ta nổi tiếng với bài hát tự biên là “Thu Khúc…”
Gật đầu, Phượng nói như khoe:
- Bài đó anh viết cho chị Thu em chớ đâu.
Nhã mơ màng:
- Phải công nhận lúc ấy bọn con trai tụi anh mê bài “Thu khúc” và nể Hoàng An hết biết!
Nghiêng nghiêng đầu Phượng khe khẻ hát:
“Thu về phải không em
Lá vàng rơi đầy ngõ
Em về phải không Thu
Hàng cây im dừng gió
Khúc thu ca ngày đó
Chỉ còn trong chiêm bao
Em đi về phương nao
Đàn lên cũng sướt mướt
Thu là chiều của năm
Chiều là thu của ngày”
Em là Thu của ai
Để lòng tôi như lá
Chao nghiêng giữa vườn đời
Cuối chiều thu mây bay…”
Im lặng một lúc, Phượng mới tiếc nuối:
- Anh An nổi tiếng duy nhất với bản nhạc này. Phải nói hồi đó anh si chị Thu như điếu. Chị là nguồn cảm hứng của anh mà! Tiếc rằng anh An đào hoa và đam mê quá, khổ vợ khổ con. Li dị rồi mỗi người cũng cô đơn một mình, anh cặp cô này, cô kia cho đỡ buồn, chớ có bà vợ nào đâu?
Giọng Nhã đanh lại:
- Đúng là Nhật Thu nhẫn tâm từ chối tình yêu của người khác để chuốc khổ vào thân. Rồi cô ấy còn ân hận hơn nữa, khi có dịp gặp lại người xưa ngày xưa cô đã rẻ rúng và xem như trò đùa.
- Anh nói vậy là sao chứ?
- Có sao đâu! Càng về già người ta càng hay nhớ về những ngày mình còn dang dở. Nhật Thu hay anh hoặc em rồi cũng vậy. Nếu cuộc sống cho chúng ta nhiều thành công và hạnh phúc thì khi nhìn lại chặng đường đã qua mình sẽ hãnh diện. Còn ngược lại, quá khứ luôn là nổi ám ảnh khủng khiếp nếu như ta đã từng làm nhiều điều không phải với nó.
Nhìn Nhã như nhìn người lạ, Nhật Phượng cố suy nghĩ xem anh muốn hàm ý gì khi nói nhiều cái xa vời khó hiểu thế. Nhưng cô nghĩ mãi không ra. Vừa lúc đó có tiếng Hoài Tú reo ầm:
- Cậu Thiên! Cậu Thiên!
Bất giác Phượng chớp mắt liên tục, cô nghe tiếng Nhã gầm gừ khó chịu:
- Hổm rày nó hay ghé vào những lúc có em lắm phải không?
- Em có để ý đâu mà biết!
Dường như không bằng lòng câu trả lời né tránh của Phượng, Nhã càu nhàu:
- Vậy mà anh biết. Liệu chừng đó! Nó ghé vì em, chớ không phải tự nhiên tới thăm Hoài Tú đâu.
Phượng đổ bướng lên:
- Anh nói nghe lạ ghê! Nhà của chị Tâm cũng như nhà của anh Thiên. Ảnh muốn ghé lúc nào chẳng được. Em chỉ là con nhỏ sinh viên nghèo dạy kèm con nít, có đáng gì đâu để ảnh phải quan tâm.
- Em chả hiểu đàn ông chút nào hết. Nếu có cái túi tham không đáy thì đó là lòng dạ những thằng như thằng Thiên. Em thấy đấy! Nhà giàu, có địa vị nhưng lại nhẫn tâm bỏ vợ để thoải mái ăn chơi, khỏi bị ràng buộc. Một mẫu người đàn ông trí thức hiện đại khá hiếm hoi ở xã hội này. Trước kia anh tưởng loại đó chỉ có ở các bar bên Canada hay Mỹ, ngờ đâu về nước cũng thấy. Họ chơi bời nhưng biết lựa chọn các cô gái trẻ có ăn học mà lại ham đua đòi sẽ là mồi ngon cho họ. Thiên chẳng tự nhiên ghé đây hoài, rồi nó sẽ rủ rê tán tỉnh em và nói xấu bạn bè. Thiên sẵn sàng bịa nhiều chuyện động trời, miễn sao chiếm được tình cảm hay bản thân em.
Khi Nhật Phượng còn đang nhìn Nhã với nỗi hoang mang cực độ thì Thiên bước vào phòng học của Hoài Tú. Trên tay con bé là một hộp giấy chắc lại là đồ chơi. Gương mặt hai cậu cháu trong thật rạng rỡ.
Thấy Nhã, Thiên nheo nheo đôi mắt, giọng đùa cợt vang lên:
- Thú vị thật! Nghe Hoài Tú nói có cậu Nhã đến chơi, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ thấy một khung cảnh ấm cúng như vậy. Vui vẻ cả chứ!
Nhãt Phượng bực bội ngó lơ ra chỗ khác, từ lâu cô đã không ưa cách nói chuyện thích châm chọc của Thiên, hôm nay cô càng ghét hơn khi đã nghe Nhã nói về anh. Dạo này đúng là Thiên hay ghé thăm mẹ con chị ĐanTâm. Mỗi lần ghé, anh lại luợn một vòng qua phòng học của Hoài Tú, cười rất tươi với Phượng, quanh quẩn ngoài vườn rồi về. Chưa bao giờ Thiên tỏ vẻ gì rủ rê, tán tỉnh cô như Nhã vừa dọa, nhưng nếu Thiên là người có lối sống phóng đãng thì tốt nhất Phượng nên lơ anh ta từ sớm.
Thiên cố tình mai mỉa khi thấy thái độ của cô:
- Xin lỗi cô Phượng! Hoài Tú đã hết giờ ra chơi hay chưa?
Nhã đứng bật dậy. Anh liếc xéo Thiên một cái đầy hằn học rồi quay lại phiá Nhật Phượng, anh nhỏ nhẹ:
- Anh về vậy!
Nhãt Phượng định nói chiều nay cô sẽ bỏ học để đi chơi với anh, nhưng không hiểu sao cô cứ chôn chân một chỗ, miệng không thốt nên lời. Cô nghe Nhã nói loáng thoáng gì đó với Thiên và cô nghe tiếng hắn ta cười rộn rã. Tiếng cười đó làm cô tức nghẹn.
Không biết trút bực dọc cho ai, Phượng gọi to:
- Hoài Tú! Dẹp đồ chơi, tới đây học tiếp.
Con bé tiếc rẻ bỏ bộ đồ chơi ghép hình Thiên mới mua cho nó xuống, rồi chậm chạp bước tới bàn ngồi.
Phượng nghe giọng Thiên khổ sở kêu lên:
- Cô hiểu lầm câu đùa của tôi rồi! Đâu phải tôi hỏi vậy để nhắc nhở công việc của cô.
- Tôi cũng đâu dám nghĩ anh có ý như vậy.
Phượng lầm lì nói mát.
Thiên tươi nét mặt:
- Thế thì cho con bé chơi hết buổi sáng này nhe Phượng?
- Tôi được về sớm à?
- Không! Không!
Nhìn Thiên với vẽ cảnh giác cao độ Phượng thắc mắc bằng giọng cực kỳ khó chịu.
- Vậy tôi làm cái gì? Ngồi giữ Hoài Tú hay sao? Xin lỗi anh nhe! Tôi không được trả lương khoản này.
- Hình như lúc nào Phượng cũng quan tâm đến vấn đề lương hướng. Tôi nghĩ Phượng phải là người đặc biệt lắm, nên Đan Tâm lẫn Hoài Tú mới thật lòng yêu mến xem như người thân trong nhà, chớ có đâu như lời Phượng vừa nói cứ thế, sòng phẳng không chút tình cảm.
Ngượng ngùng vì lời thẳng thắn của Thiên. Phượng làm thinh mà lòng ấm ức sao lại để kẻ mình ghét nói dông dài như vậy.
- Tôi thật vô duyên quá! Lại làm Phượng giận nữa rồi. Tôi biết Phượng nói như vậy cho bõ ghét… thôi, chớ lòng cô không đời nào nghĩ thế.
Vẫn giữ thái độ cảnh giác, Phượng hỏi:
- Hôm nay anh không đi làm sao mà lại ghé thăm… Hoài Tú?
- Có chứ! Nhưng tôi về sớm. Tôi không thích bị gò ép bởi giờ giấc, bởi người khác. Phóng túng một chút vẫn dễ tạo ra cảm hứng.
Phượng buột miệng:
- Chính vì vậy mà anh tôn thờ chủ nghĩa độc thân!
Thiên cười, nhắc lại với giọng đùa cợt quen thuộc:
- Tôn thờ chủ Nghĩa độc thân. Phượng nói gì nghe nặng nề quá vậy? Tôi luôn ao ước có một tình yêu và một hạnh phúc gia đình đơn giản. Tại số tôi lận đận nên còn “solo”, chớ làm gì có chuyện tôi theo chủ nghĩa độc thân.
- Đủ điều kiện như anh mà thân lận đận, khó tin thật!
- Biết nói thế nào cho đúng. Khổ là trong tình yêu, chẳng hiểu thế nào là đủ, thế nào là thiếu. Có những người thủy chung với một mối tình, nên dù thiên hạ thấy họ lủi thủi đơn côi thì họ vẫn cảm thấy ấm áp cõi lòng, vì với họ, yêu như đã từng yêu là đủ rồi. Trái lại nhiều người một lúc bốn năm người yêu, mà họ vẫn còn muốn yêu thêm nữa. Với họ yêu như thế nào cũng chưa đủ, bao giờ họ cũng cô đơn.
Phượng bỉu môi khi nhớ lời Nhã nói lúc nãy, cô lên giọng hiểu biết:
- Họ đùa chớ yêu giống gì! Còn anh thì sao anh Thiên? Chắc anh khác họ chứ?
Nhìn Phượng với tia mắt ấm áp, Thiên đáp:
- Tôi à! Tôi vẫn đang đi tìm cho mình tình yêu.
Nhếch môi lên, Phượng cười mỉa:
- Xem cũng hơi trễ đó!
Cô nghe tiếng Thiên dịu dàng:
- Không trễ đâu, vì tôi nhỏ hơn Nhã hai tuổi mà…
- Nhưng anh Nhã đâu phải đi tìm nữa…
- Phượng nghĩ như vậy à? Có chủ quan quá hay không khi lúc nào anh ta cũng nhờ người này người nọ mai mối…
Có một ngọn gió lạnh buốt như đùa cợt sau gáy Phượng, nó làm cô chợt run lẩy bẩy. Cô phải cố tự kiềm chế mới không thốt ra câu rủa “Đồ ác độc!”. Giọng cô vỡ ra cộc lốc:
- Anh muốn nói gì cứ nói thẳng đi!
Nhìn gương mặt tái xanh, đôi mắt tóe lửa của Nhật Phượng, Thiên hiểu mình đã phạm sai lầm. Từ hôm biết Nhã tán tỉnh một lúc hai chị em Nhật Phượng và sẽ ruồng rẫy cô, Thiên vẫn hay ghé nhà Đan Tâm, anh muốn tiếp xúc với Phượng và dần dà cho cô biết bộ mặt thật của Nhã, nhưng lúc nào Thiên cũng được nhìn thấy nét mặt khó khăn đăm đăm kiểu… bà giáo già gương mẫu của Nhật Phượng. Anh thừa kinh nghiệm sống để hiểu rằng cô căm ghét anh vô cùng. Vì vậy lời anh nói ra chắc gì Phượng đã tin.
Ngập ngừng Thiên dè dặt nói:
- Tôi muốn nói là… là… Phượng có biết gì nhiều về Nhã không, mà có vẻ chủ quan tin vào anh ta dữ vậy. Dù sao Nhã cũng là một người xa quê bảy, tám năm dài.
Nhật Phượng lạnh nhạt:
- Cám ơn anh đã lo cho tôi! Nhưng anh Nhã từng là bạn anh Vi tôi, thậm chí bạn cả chị Thu tôi nữa. Gia đình tôi có xa lạ gì với anh. Anh Nhã từng nói ở Việt Nam ngoài gia đình tôi ra, anh chỉ còn gia đình anh là thân quen. Chính vì tình thân từ hồi xưa mà tôi tin anh…
- Nhã vẫn thường ghé nhà Nhật Phượng thăm hai bác và các anh chị khác chớ?
- Ơ… Không! Thường anh ghé nhà anh Vi.
Thiên bất ngờ hỏi:
- Tại sao Nhã không ghé nhà Nhật Phượng, trong khi anh ta nói… thương cô lắm?
Phượng đỏ mặt:
- Chuyện riêng của tụi tôi. Anh hỏi làm gì? Kỳ cục thật.
- Không kỳ đâu! Tôi hỏi để tự Phượng suy nghĩ xem vì sao. Nhã muốn né tránh ai mà không ghé thăm cô tại nhà, để thỉnh thoảng tới đây vừa phiền phức vừa không được tự nhiên vì có Hoài Tú.
Mặt Phượng càng đỏ hơn nữa. Cô bừng bừng tự ái khi hiểu sai câu nói vừa rồi của Thiên:
- Té ra ý tốt của anh là thế! Từ giờ trở về sau tôi sẽ không để anh Nhã tới đây vì tôi. Vậy khỏi trái tai, gai mắt anh, dù thật ra từ trước đến giờ chúng tôi cũng chỉ ngồi trò chuyện, chớ không làm gì sai quấy để chẳng được tự nhiên như anh vừa vẽ vời ra đó.
Thiên ngồi làm thinh trước cơn thịnh nộ bất ngờ của Phượng. Anh biết cô tin tưởng tuyệt đối Nhã, anh có nói gì đi chăng nữa cũng là những lời nói xấu. Đối với đàn ông, không còn gì tồi tệ hơn đi nói xấu người đàn ông khác, nhất là gã đàn ông đó lại là thằng bạn ở chung nhà với mình.
Mặc kệ, cô ta muốn nghĩ gì cũng được… Thiên chợt đổi thái độ, giọng anh đanh lại dữ tợn:
- Có thể cô cố tình nghĩ sai điều tôi nói, nhưng nghe rõ này, Nhã không thật lòng với Phượng đâu. Anh ta đang rắp tâm quyến rũ luôn cả chị Nhật Uyên của cô. Với Nhã, chị em Phượng chỉ là một trò đùa không hơn không kém!
Phượng trừng trừng nhìn Thiên, mặt cô trắng bệch ra, đôi lông mày thanh tú nhướng lên:
- Tôi đoán sẽ có lúc anh nói đôi điều gì đó đại loại như vậy với tôi, nhưng không ngờ anh nói hơi sớm và độc ác đến như vậy. Anh nghĩ sao nếu tôi kể toàn bộ cho anh Nhã nghe?
Mắt Thiên thoáng có chút châm chọc:
- Người khôn ngoan không đời nào làm thế. Tốt nhất cô nên im lặng để ý xem lời tôi… dỏm dắt đúng hay sai. Và trong suốt thời gian đó, hãy thận trọng, bình tĩnh để du dần sâu thêm vào cõi mơ hồ Nhã đang mời gọi.
Nhật Phượng cười khẩy:
- Hoan hô tình bạn vĩ đại và cảm động của anh… đối với Nhã. Thật không ngờ!
- Cô nên hoan hô tình yêu trong sáng của mình với Nhã thì hơn! Thật dại dột! Rồi một ngày nào đó, cô sẽ thấy lời tôi nói là thật. Chỉ sợ lúc đó quá muộn thôi!
Nhật Phượng khinh khỉnh nhìn Thiên:
- Cũng may là anh Nhã hiểu rõ con người anh hơn tôi.
- Mẹ về! Mẹ về!
- Mẹ về! Mẹ về!
Hoài Tú nhẩy cởn lên, bỏ mặc những miếng xếp hình trên gạch bông nó chạy ùa ra hành lang
Đan Tâm thong thả bước vào, mắt cô thoáng ngạc nhiên khi thấy Thiên:
- Anh ở đây à. Vậy mà mẹ nói anh đi làm.
- Thì đi làm chớ sao! Anh ghé cho bé Tú đồ chơi. Hôm kia anh đã hứa với nó.
- Anh cưng nó quá, nó hư chớ ích lợi gì!
Thiên nghiêm mặt ra vẻ đàn anh:
- Con bé tối ngày ở nhà thui thủi một mình, không chơi với ai. Anh chẳng cưng nó như em tưởng đâu, chỉ tội ở bố mẹ toàn lo làm giàu, chớ lo chăm nom con cái.
Đan Tâm cười cười nhìn Phượng:
- Nhật Phượng thấy chưa. Chị sắp bị lên lớp rồi đó! Khó ai mà ưa nổi tánh ảnh.
Quay sang Thiên, Đan Tâm hỏi:
- Sao anh không đi Đà Lạt vậy? Lúc nãy em gặp chị Vân. Chị có vẻ buồn, thấy cũng tội!
Thiên hừ trong mũi. Anh lẩm bẩm:
- Ở nhà thì gặp mẹ, đến đây lại gặp em vẽ chuyện. Không có anh, đã có người khác, cô ta vờ, chớ buồn gì mà buồn. Sao ai cũng muốn buộc anh vào cái bến đò dựa ấy?
- Ai đâu mà muốn buộc với cột. Chị Vân từng là bến đợi của anh từ hồi xưa tới giờ. Chỉ đợi anh cũng mười năm rồi chớ ít ỏi gì.
Giọng Thiên khô khan:
- Anh chưa bao giờ hứa hẹn gì với cô ta hết. Tự ý đợi chờ thì chịu, anh không biết.
Đan Tâm chưng hửng:
- Lạ chưa! Tự nhiên quạu với em. Tại anh không hứa hẹn và cũng không dứt khoát, cứ lơ lửng con cá vàng cho khổ người ta….
Thấy Nhật Phượng nhìn mình với cái nhếch môi đầy ác cảm, Thiên không muốn cô biết thêm nữa chuyện riêng tư của anh, nên khoát tay:
- Đủ rồi Tâm! Chuyển hệ là vừa.
Tâm mỉm cười:
- Ở lại đây ăn cơm với mẹ con em và với cả Nhật Phượng nghe!
Nghe nói đến mình, Phượng từ chối ngay:
- Em phải về, không thì mẹ em rầy!
Thiên cũng nói hùa vào để xoa đi sự căng thẳng giữa anh và Phượng:
- Anh cũng phải về, không thì mẹ chờ…
Biết Thiên trêu Phượng, nên Tâm nói:
- Nếu anh và Phượng chỉ sợ như vậy thôi thì không sao. Hôm nay ngày tốt nên cả hai bà mẹ đều không rầy, khi tới giờ cơm mà con mình chưa về… xơi. Phượng biết tại sao không?
Ngơ ngác Phượng lắc đầu. Đan Tâm hứng chí nói tiếp:
- Thứ nhất mẹ chị đi ăn cơm tiệm với chị Vân và anh Nhã, bữa cơm này đó anh Nhã mời chị Vân để thắt chặt tình bạn gì đó trước khi anh sẽ đi Đà Lạt với chị. Rõ ràng mẹ không có ở nhà để chờ anh nha… anh hai.
Thấy Thiên hơi ngẩn ra, Tâm nháy mắt:
- Sao! Chê bai bến đò dựa, mà nghe có thuyền khác đậu lại ghen à?
Thiên nhún vai:
- Không phải ghen! Tại thấy Việt kiều chơi kiểu Tây, tao buồn cười cho thế thái nhân tình vậy thôi! Chả hiểu người ta, và cả mẹ nghĩ sao mà đưa nhau đi tiệm.
- Thắc mắc làm gì. Ở đây ăn cơm ngon hơn tiệm. Về nhà ăn mỗi một mình, buồn chết.
Nghe hai anh em Đan Tâm nói chuyện với nhau, Phượng mơ hồ như hư hư thật thật. Tại sao lại có Nhã trong đây nữa? Đang còn mụ mẫm với những câu hỏi khốn khổ, cô chợt nghe Tâm gọi mình:
- Còn Nhật Phượng nữa! Cứ an tâm ở lại ăn cơm với chị, không bị rầy la đâu mà sợ. Lúc nãy chị nhắn Nhật Uyên rồi.
Phượng thảng thốt:
- Chị gặp chị Uyên ở đâu?
- Ồ! Ở đầu hẻm vào nhà mẹ chị. Uyên đợi bạn bè gì đó mà…
Ai ở đó? Phượng cố nhớ nhưng không tìm ra người bạn nào của Uyên hết, ngoại trừ… Bất giác cô nhìn sững vào Thiên, anh ta thản nhiên đứng dậy như không để ý gì tới Phượng cả. Nhưng qua nét mím môi hả hê của Thiên, cô biết anh ta đang thích thú vì đã thành công khi gieo được vào đầu cô những hạt nấm ghen tuông ngờ vực với chính chị ruột của mình.

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 234

Return to top