Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Thần Điêu Đại Hiệp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 212610 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thần Điêu Đại Hiệp
Kim Dung

Hồi 81
Quách-Phù hướng về phía Trình-Anh đưa ra một thế kiếm gọi Ngọc lặng thôi ngân tiễn" môn kiếm thuật này do mẫu thân đem hết tuyệt kỷ kiếm phong ra truyền dạy, do đó kiếm thế ảo diệu phi thường, khi vung ra kình lực của nó chiếm cả một vùng đất rộng bao quanh thân mình như muôn ánh hào quang. Trừ người nào có võ công cao hơn mới tiếp được vài chiêu, rồi rút ra chớ tuyệt nhiên không có chỗ công kích được.
Trình-Anh nhíu mày và suy nghĩ:
- Vị cô nương này, chưa chi đã dùng một thế công quá đáng, tiểu muội ta dù có lỡ lời đắc tội với nàng, thì cũng không đến nỗi phải coi nhau như cường cừu đại địch, không hiểu điều khinh lẽ phải, mà nỡ xuống tay độc sát. Mọi việc cũng tại Hoàng dược Sư dạy cho con cháu những đường kiếm quá sớm.
Quách-Phù đưa ra kiếm phong sắt xoáy vào bụng nàng, Trình-Anh đưa ra một ngón tay vận kình phong chận lại. Lưỡi kiếm đang như vũ bão bỗng bị làn kinh phong cản lại, nên không đâm được vào bụng nàng. Trình-Anh vươn tay ra dùng kình lực đẩy lưỡi kiếm đội ra sau. Cái xuất thủ vừa rồi của Trình-Anh rất quái dị, hơi gió mạnh thổi bạt lưỡi kiếm, kêu vo vo. Kình lực này là một ngón đàn, đẩy rơi cây kiếm của Quách-Phù xuống đất.
Chiêu võ nầy là một ngón trong "Đàn chỉ thần thông" mà Trình-Anh núng thế mới đem ra sử dụng.
Ngón đàn chỉ của Trình-Anh sử dụng ban nẫy, tuy lấy trong "Văn chỉ thần thông", và nàng còn tiếp vào những kình lực kinh hoàng, vì nàng không rõ được đường kiếm của Quách-Phù ra sao cả, nên cả hai đều cẩn thận đề phòng.
Trình-Anh lại nghĩ:
- Lúc nầy chỉ làm hạ kiếm của Quách-Phù thì chưa gọi là thắng được, nếu ta đem "Nhứt chỉ lực" mà họp với "Đàn chỉ thần thông" thì cướp lưới kiếm của Quách-Phù dễ như trở bàn tay.
Nghĩ như thế, nàng vung ra một ngón "Đàn chỉ thần thông" vào người Quách-Phù, tay trái giơ cao tiếp chưởng, rồi nhảy vài bước chân mặt búng một đá nhằm ngay tay cầm kiếm, đồng thời mặt rút ra ống tiêu ngọc, nhắm ngay huyệt đạo sau lưng Quách-Phù mà điểm.
Quách-Phù bị ba thế của Trình-Anh tấn công một lượt, hễ "Đàn chỉ thần thông" thì bị điểm huyệt, lại bị chiếc đá vào tay. Nàng liền nhảy lùi ra sau, tránh ngọn thần chưởng lợi hại, thì đã bị Trình-Anh dùng hai ngón tay kẹp chặt cây kiếm thâu về. Nàng mắc cỡ nhảy tháo ra ngoài.
Quách-Phù võ công chẳng kém ai, tuy nhiên kinh nghiệm tranh đấu, chỉ giỏi tài háo thắng trong giây lát, để rồi phải thua thiệt với người. Nếu nàng chịu khó để ý trong khi giao đấu thì Lục-vô-Song cũng như Trình-Anh phải kém nàng.
Gia-luật-Tề thấy vậy hỏi:
- Ôi chao! Cô nương chỉ giùm ta phép đoạt kiếm đó.
Trình-Anh lẳng lặng giắt thanh quang tiêu vào lưng, và chuyển người đến, cặp tay Lục-vô-Song dẫn ra ngoài.
Quách-Phù nhặt thanh trường kiếm đưa về phía Trình, Lục:
- Khoan đi đã, chậm lại! Ta muốn bàn một chuyện tốt.
Lục-vô-Song mỉm cười đáp:
- Trở lại bàn...
Trình-Anh không để cho Lục-vô-Song nói hết lời, đẩy nàng phía trước ba thước, rồi cắp tay nàng tiến lên cách xa mười trượng.
Lục-vô-Song rất ức vì chưa được nói hết lời.
Gia-luật-Tề nói:
- Quách cô nương! Tuy Trình cô nương đã hơn một chiến thế, song sự thật theo ta thấy chưa chắc thắng bại về ai.
Quách-Phù cười hận nói:
- Phải đấy! Thế ưng trảo của ta toan đưa ra, song chưa kịp nàng đã thừa hư đánh một chỉ lực, cũng tại ta vô ý không rõ cục diện, chứ chưa hẳn là thua đâu nhé!
Gia-luật-Tề không nói, chỉ kêu một tiếng "Hừm", vì tâm trạng trước cũng như sau, can trường chánh trực, không bao giờ đua bợ ai, nên ông tỏ ra lời chê trách Quách-Phù bị thua thiệt, nói:
- Quách cô nương! Trình tiểu thơ võ công trác tuyệt, sau nầy gặp lại nhau, thì hãy đề phòng cẩn thận, chớ có khinh địch mà thiệt đó.
Quách-Phù là một thiếu nữ tự tôn tự đại, nghe Gia-luật-Tề nhắc đến Trình-Anh, làm cho lòng nàng mờ tối hẳn lại, và tức khí hét lên:
- Gia huynh! Ngươi bảo võ công nó trác tuyệt ư?
Gia-luật-Tề nói:
- Phải đấy! giỏi thật đấy!
Quách-Phù nói như hét vào lỗ tai Gia-luật-Tề:
- Này ông ơi! Tôi chẳng thấy lời nói ông đúng tí nào cả, hãy nói xem ai giỏi dở ra sao?
Nói rồi nàng nhoài mình ra như muốn đi kiếm Trình-Anh và Lục-vô-Song.
Gia-luật-Tề hoảng vía hét to:
- Không phải vậy đâu! Đừng vội vàng, tôi yêu cầu cô đừng khinh địch! Yêu cầu cô lưu ý. Tôi bênh vực cô, chớ có bênh vực nàng đó đâu?
Quách-Phù nghe lời biện luận êm dịu, trong lòng khoan khoái nhoẻn miệng cười.
Gia-luật-Tề nói:
- Chẳng phải tôi bênh vực cô để đoạt lại kiếm sao? Sao cô kỳ vậy?
Quách-Phù quay đầu lại nhìn ông ta mỉm cười và nói:
- Coi người kỳ quái, hì hì... Coi kỳ quá!
Và gương mặt nàng lộ vẻ cười thích chí.
Gia-luật-Tề thấy bầu không khí ôn hòa cũng vui vẻ lại.
Bỗng nghe tiếng hú liên hồi từ đại sảnh vọng ra và hòa với tiếng "leng keng" như tiếng sắt chạm nhau, rầm rầm trong đại sảnh.
Quách-Phù cũng nghe như vậy nên hoảng hốt bảo:
- Gia huynh, mau vào trong xem cớ sự.
Lúc vào đây, Quách-Phù thấy Cửu lão bà lúc nào cũng nói những lời cay đắng, làm cho Quách-Phù không hiểu được câu chuyện mười năm về trước lỗi phải về ai? Nhưng nàng cũng hiểu sơ là Cửu-thiên-Xích muốn gây sự với mẹ nàng. ở đây nàng không chịu nổi với bầu không khí oi bức nặng nề do Cửu-cốc chủ tạo ra, nên nàng mới lui ra ngoài đại sảnh tìm làn không khí dễ chịu hơn. Rồi duyên cớ nàng mới gây sự đánh nhau với hai nàng Trình, Lục.
Bấy giờ nghe tiếng nổi lên rầm rộ, làm cho nàng hết sức lo cho hoàn cảnh của mẫu thân đang ở trong hang hùm nọc rắn, vậy nàng hối hả chạy vào đại sảnh.
Vào bên trong, nàng đưa mắt quan sát, thấy có Nhất-Đăng sư ngồi giữa, miệng niệm Phật, nhắm nghiền đôi mắt, như một pho tượng. Vẻ mặt rất từ thiện trang nghiêm. Về phía trên khách sảnh thấy Từ-Ân hòa thượng, tay múa máy, chân bước tới thụt lùi như đang tỉ võ, miệng kêu to những lời thê thảm như cọp gầy. Tiếng kêu lẻng kẻng là do đôi vòng sắt trên tay ông chạm nhau.
Cửu-thiên-Xích thì ngồi trơ trơ trên chiếc ỷ, vẻ mặt hầm hầm xanh như ánh thép, đôi chân mày cau có, miệng nhăn nhó, ai nhìn vào gương mặt xấu xí này, cũng phải bật cười.
Hoàng-Dung và Võ-tam-Thông ngồi ở góc phòng theo dõi hành động của Từ-Ân hòa thượng.
Từ-Ân nhảy lui lại lồng lộn một hồi, trán của ông mồ hôi đổ như tắm, hơi thở dồn dập. Ông càng nhào lộn càng thở nhiều.
Nhất-Đăng đại sư mở to đôi mắt nhìn Từ-Ân cất tiếng bảo:
- Từ-Ân! Từ-Ân! Thiện ác ngươi đã rõ, hôm nay sự giác ngộ đang đón chờ ngươi, hãy quyết chọn cho mình một lối thoát!
Từ-Ân nghe tôn-sư nói thế, hơi thở càng nhiều, ông lảo đảo ngã quỵ.
Cửu-thiên-Xích hét to:
- Lục-Ngạc! Hãy đỡ cậu con lên! Lục-Ngạc đâu?
Từ-Ân hé mắt nhìn Công-Tôn Lục-Ngạc qua màn lệ, thấy nàng dung mạo đoan trang, mày ngài mắt phượng, mơ màng tưởng đến người em gái của ông lúc trước cũng dung mạo thế này, nên ông nói với giọng mơ màng:
- Tam muội! Ta ở đâu đây!
Công-tôn Lục-Ngạc biết cậu mình mê muội nên đáp to:
- Cậu ơi! Cậu! Cháu là Lục-Ngạc đây, Công-tôn Lục-Ngạc cháu của cậu!
Từ-Ân lảm nhảm nói:
- Cậu, cậu! Ngươi bảo ai là cậu? Ngươi nói ai thế hả?
Cửu-thiên-Xích chua xót tận tâm can đáp:
- Nhị ca! Cháu là con gái của Tam-muội, và cháu phải gọi Nhị-ca bằng Cậu!
Từ-Ân bấy giờ sực tỉnh nói có vẻ bối rối:
- Đại ca! Đại ca của ta ra sao? Tam-muội đâu rõ! Đại ca của ta chết tại núi Thiết-chưởng, thân thể rơi xuống vực thẳm tan tành xương thịt! Xác chết không còn!
Rồi ông quay qua Công-tôn Lục-Ngạc nhìn nàng trân trối và lẩm bẩm:
Cháu của ta! Ta là cậu! Ha ha! Ta là cậu.
Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu hiện trước mặt ông. Đôi mắt ông trào ra hàng suối lệ.
Trong khoảnh khắc ông ta lại nức nở, đứng dậy đi lại trước mặt Hoàng-Dung giơ tay ra điểm vào mặt nàng thét to:
- Ngươi là Hoàng-Dung! Phải, chính ngươi giết đại ca ta. Ngươi là Hoàng-Dung! Ngươi hãy thường mạng. Sát nhân giả từ! Hoàng-Dung đây, Hoàng-Dung! Quách-Phù đi vào khách sảnh, tiến lại đứng bên mẫu thân, và đưa tay ra bồng bé Quách-Tường. Nàng nhìn thấy Từ-Ân hòa thượng gương mặt hung ác lạ lùng, tay chỉ vào mặt mẹ nàng quát mắng. Nàng là một cô gái chung thân không nhường ai cả, mắt thấy tai nghe Từ-Ân như vậy, nàng cả giận chạy đến trước mặt Từ-Ân nói to:
- Hòa thượng! Hòa thượng chớ nên vô lễ! Ta sẽ không dung tha cho ông đâu?
Cừu-thiên-Xích cười to bảo:
- Con nhỏ điên rồi! Ngươi dám to gan như vậy!
Từ-Ân hỏi to:
- Người là ai?
Quách-Phù đáp:
- Ta đã nói nhiều lần rồi! Hòa thượng đôi tai có điếc không? Ta nói lại cho ngươi nghe đây: Ta là Quách-Phù, con gái của Quách-đại-hiệp và Hoàng bang chủ, nghe rõ chưa?
Từ-Ân đưa ngón tay chỉ Quách-Tường nói:
- Còn con nhãi con nầy là ai?
Quách-Phù nhanh miệng đáp:
- Nó là em gái nhỏ của ta!
Từ-Ân cười lên sặc sụa nói to:
- Hừm! Hoàng-Dung và Quách-Tỉnh ở với nhau, sanh được hai đứa con à? Hai đứa con nhỏ à!
Hoàng-Dung nghe giọng nói của Từ-Ân hoảng kinh la to:
- Phù-Nhi! Hãy trở lại đây mau!
Quách-Phù có vẻ khinh hờn Từ-Ân, vì nàng thấy ông ta cả nửa ngày mà chỉ nói điên khùng không dám ra tay đối địch, nên nàng lầm tưởng Hòa-thượng nầy kính sợ mẹ nàng. Bởi vậy, Quách-Phù không nghe lời lui lại, mà còn bước tới vài bước nữa nói thêm:
- Hòa-thượng nói có chuyện hận thù, mà không nói rõ cốt chuyện ra sao?
Từ-Ân bảo:
- Ta có chuyện hận cừu, và muốn trả sự hần cừu ngay bây giờ!
Những lời nói sau này như sét nổ làm rung rinh cả chiếc kê trà, ly chén chạm nhau kêu "lảng cảng".
Quách-Phù thấy thế run lên, vì từ nhỏ đến giờ nàng chưa thấy lời nói của người nào mãnh liệt như vậy.
Nàng lại thấy Từ-Ân đưa cả hai tay ra, tay trái muốn chụp bắt nàng, tay mặt tung ra một chưởng long trời đổ đất. Bây giờ nàng muốn thối lui, đã trễ quá rồi...
Hoàng-Dung, Võ-tam-Thông, Gia-luật-Tề, không hẹn nhau mà cả ba tung mình ra phía Từ-Ân sắp đưa ra thiết chưởng vô cùng lợi hại, và tay trái sắp bấu vào người, vô phước cho ai bị lão bấu nhằm sẽ tan xương nát thịt, vì trong cái chụp bắt người của ông trong lòng tay trái có một kình lực bén như thép.
Hữu chưởng đưa ra kêu to ba tiếng "ầm! ì ì ì". Ba người đang đi tới bị dội ngược lại lảo đảo.
Gia-luật-Tề võ công rất kém, nên bị chưởng phong đẩy văng ra xa. Riêng có Hoàng-Dung chỉ lảo đảo và giữ dược vị trí cũ. Nàng liếc mắt nhìn xem thấy Từ-Ân đã nắm chặt bé Quách-Tường trong tay, còn Quách-Phù ngã lăn xuống đất làm nàng kinh hãi vô cùng.
Hoàng-Dung hét lên một tiếng kinh khiếp và bảo thầm:
- Việc này chẳng tại Phù-Nhi, và có lẽ nàng bị thương và trúng phải chưởng lực.
Bà lập tức bước đến bên Quách-Phù, giơ tay đỡ con gái dậy và dìu vào góc phòng. Tay mặt nàng với rút ở sau lưng ra ngọn roi đả cẩu, tung mình tới trước, tay tả vung ra ngọn cẩu bổng, sử dụng chữ phong ra chống lại.
Từ-Ân hòa thượng tung ra chưởng lực mạnh gấp đôi, nhưng bị ngọn đả cẩu kềm giữ, nên chẳng hại được mình bà.
Quách-Phù kỳ thật là không bị một tí thương tích nào cả, và chỉ bị hỗn loạn nội tâm đến cực độ.
Đến lúc được mẫu thân dìu vào trong góc đại sảnh, nàng mới kêu được một tiếng "A".
Lúc bây giờ, Gia-luật-Tề, Gia-luật-Yến, anh em Võ Thị với Hoàng-nhan-Bình, thấy Từ-Ân khai chiến, mỗi người đều rút binh khí ra khỏi vỏ. Chỉ có Nhất-Đăng đại sư ngồi im lặng giữa đại sảnh, tay cầm hạt bồ đề, miệng niệm Phật hiệu, an nhiên bất động, làm như ông không thấy không nghe những biến cố xảy ra trước mắt.
Từ-Ân đưa đứa bé Quách-Tường ra trước mặt bảo to:
- Con gái nhỏ, con gái nhỏ của Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung đây! Bây giờ ta giết ngươi trước, sau mới giết Quách, Hoàng!
Cừu-thiên-Xích cười lên sặc sụa nói to:
- Nhị ca! Nhị ca đáng quí, đáng mến! Thế mới đáng là Cừu đại chủ, rạng rỡ anh hùng "Thiết chưởng thủy thượng phiêu chứ.
Nhìn vào trong đại sảnh bấy giờ chẳng ai địch lại Từ-Ân dù có họp lại mà vây Từ-Ân cũng chẳng thắng nổi, vì ông có môn "Địch thử kỵ khí" và một thế thượng đẳng là bé Quách-Tường đang nằm gọn trong tay ông, thì chẳng có người nào dám nhúc nhích cả, chỉ biết đứng chết trân ra đó.
Trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng, bỗng nghe Quách-Phù kêu to:
- "Dương đại ca! Dương đại ca ở đâu? Mau đến cứu em gái tôi!

Dương đại ca!".
Lúc nàng nguy hiểm đến nơi, chỉ nhớ có một mình Dương-Qua là cứu cánh thôi. Cũng vì từ trước đến nay, mỗi lần nàng lâm vào đường tủ huyệt, thì có Dương-Qua xuất hiện cứu khỏi. Hiện tại nàng nhìn khắp mọi người, đều đứng trơ ra đó không ai dám tự động khai chiến, hay nói một đôi lời với Từ-Ân, do đó lòng nàng nảy ra tia hy vọng kêu Dương-Qua cầu cứu.
Dương-Qua lúc bấy giờ, cùng với Tiểu-long-Nữ chắp tay nhau tản bộ nhàn du, để hưởng ngoạn Tuyệt-tình-cốc trong lúc trời chiều. ánh sáng lê lói chiếu vào sườn non phong cảnh tuyệt đẹp.
Bỗng nhiên chàng sực tỉnh nhớ lời của Châu-tử-Liễu dặn là phải đến gấp đại sảnh để bảo vệ Nhất Đăng đại sư. Chàng bèn giục Tiểu-long-Nữ đi gấp về đại sảnh.
Từ-Ân hòa thượng bế Quách-Tường trước ngực, và hướng về Hoàng Dung bảo rằng:
- Dương-Qua! Ai là Dương-Qua chứ! Ta đã thử đấu khắp các anh hùng thiên hạ, nào là Đông-Tà, Tây-Độc, Bắc-Cái, Nam-Đế. Trung-thần-Thông, trong ngũ bá anh hùng cũng chưa làm tổn thương được Cửu-thiên-Nhận. Dù cho các ngươi triệu mời đủ năm ngươi cũng không chắc cứu nổi đứa bé nầy.
Nhứt-Đăng đại-sư từ từ mở mắt quay về phía Từ-Ân. Ông thấy tia mắt Từ-Ân có những tia hồng đẫm máu, sát khí đầy mặt, liền trầm giọng bảo rằng:
- Từ-Ân, ngươi vì người nhà mà báo oán. Người ta cũng tức ngươi mà trả thù, ngươi sẽ nghĩ sao?
Từ-Ân đáp:
- Ai cũng có gan mặt, há chẳng lầm lẫn.
Bấy giờ trời chiều bảng lảng, những vệt nắng yếu ớt chiếu vào đại-sảnh. Người nào cũng nhìn ra ngoài, đều có vẻ thương cảm mông lung. Riêng sắc mặt Từ-Ân-ân bị tia nắng chiếu vào trông thật đằng đằng sát khí.
Trong khoảng thời gian mọi người im lặng, đột nhiên Hoàng-Dung cất tiếng cười sặc sụa, cười quên thôi, khi cười thật to, khi cười thật nhỏ, thật là một chuỗi cười điên dại của một kẻ não lòng.
Mọi người trong đại sảnh nghe tiếng cười dòn dã của Hoàng dung, đều rợn người, tóc lông đều dựng đứng.
Quách-Phù gọi lớn:
- Má! Má ơi!
Võ-tam-Thông cùng Gia-luật-Tề nói lớn:
- Quách phu nhơn! Quách phu nhơn.
Mọi người đều nghĩ mà sầu não cho hoàn cảnh của Hoàng-Dung! Có lẽ bà ta bị người cướp mất đứa con yêu dấu, cho nên tâm tánh thất thường, tinh thần hỗn loạn.
Lại thấy Hoàng-Dung rút cây đả cẩu bổng ném xuống đất, và nhảy lên cao mấy trượng, làm chiếc búi tóc tỏa ra rủ xuống phủ lấp cả mặt mày trông rất dễ sợ.
Tiếng cười nhỏ dần như rên rỉ, nghe như quỉ khóc ma hờn!
Hoàng-Dung làm như người mất cả thần trí, điên dại.
Quách-Phù thấy mẹ như thế hốt hoảng, la to:
- Mẹ ơi! Mẹ! và đến trước mặt mẫu thân nắm tay bà khóc rấm rức.
Hoàng-Dung vịn vai con tiến về trước mặt Từ-Ân khóc rồi lại cười.
Cừu-thiên-Xích gương to đôi mắt, trong lòng rất bất định, nhìn rõ thảm trạng của Hoàng-Dung.
Võ-tam-Thông hô to:
- Quách phu nhơn! Hãy bình tâm, tỉnh trí để mà tìm cáchh đưa lệnh ái ra khỏi tay người.
Khi nghe Võ-tam-Thông nói bà tỏ vẻ nghe lời, liền chấp đôi tay hướng về phía Nhất-Đăng đại sư, rồi quay qua Từ-Ân hòa thượng xá xá và nói:
- Hòa thượng! Người nhứt định giết chết con gái ta sao? Nếu hòa thượng có giết nó, thì giết bằng cách bóp cổ, bóp vào yết hầu nó! Chứ đừng nắm tóc mà đập chết! Hòa thượng Từ Ân Bang-chủ nghe rõ chứ.
Từ-Ân lúc nầy biến sắc, gương mặt xanh xao vàng vọt, đôi tay ôm chặt đứa bé Quách-Tường. Rồi nói tiếp:
- Người... Người... Người là ai?
Hoàng-Dung ôm bụng cười ngặt nghẹo, giăng đôi tay ra phía trước, làm như cầu khẩn điều gì! Và cúi khom người xuống, làm ra bái lạy Từ-Ân.
Từ-Ân một tay bế Quách-Tường, còn một tay cũng vung ra chưởng được. Nhưng vì lời nói lạ của Hoàng-Dung, làm ông nghĩ lợi mà không vung chưởng giết nàng. Đã thế, Từ-Ân còn bước thêm hai bước, đưa cánh tay trái lên, phẩy một cái nhẹ, bốc Hoàng-Dung đứng dậy và hỏi tiếp:
- Ngươi là ai? Người nào?
Hoàng-Dung liền nghĩ ra một kế thứ hai nữa, giả bộ trầm ngâm đáp:
- Ta đấy à! Ngươi đã hoàn toàn quên hết dĩ vãng rồi sao? Ta và ngươi có một lần gặp tại Đại-Lý của Đoàn hoàng-gia! Tại đây người bấu đứa nhỏ trọng thương nhớ chưa! Người bấu cách nào mà đứa nhỏ hết cục cựa, sống chết dở dang, ngươi bỏ đi nhớ rõ chưa! Đứa nhỏ vô phương điều trị, đã chết thảm thương! Ngươi nhớ rõ chưa. Ta là mẹ đứa trẻ, ta là mẹ đứa trẻ... Giờ đây ngươi muốn bóp chết trẻ sơ sinh nữa ư! Giết đi! Sao chẳng giết? Sao ngươi chẳng giết? Hoàng-Dung nói một hơi dài...
Từ-Ân nghe quá rúng động cả tim gan, bao nhiêu kỷ niệm trong ký ức đều hiện mờ mờ ra trước mắt.
Câu chuyện mười năm xưa cũ đã khơi lại dần dần... Hồi đó Cừu-thiên-Nhận là một trang thanh niên mã thượng, lưu lạc giang hồ. Ngày nọ ông ghé qua nước Đại-Lý, một quốc gia thuần thái bình, dưới quyền thống trị của Hoàng-đế họ Đoàn, tức Đoàn hoàng-gia hay Đoàn Nam-Đế ông lọt được vào Hoàng-cung... Và lỡ tay bóp chết đứa nhỏ của bà Lưu qui-phi. Bây giờ Đoàn hoàng-gia là một tay kiệt hiệp giang hồ, có trên mười năm công luyện thường dùng Nhứt-lương-chỉ để giao chiến hay trị thương. Bà đem đứa bé đến trước mặt Đoàn Hoàng-Gia... Bà thứ phi nọ đã hết lòng cầu khẩn nhưng ông nhẫn tâm không chữa, để đứa bé phải chết thảm thương.
Mãi về sau Lưu quí-phi Anh-Cô, đã cùng Từ-Ân tương ngộ, thì bà Lưu quí-phi đã điên khùng rồi, bà ấy đổ tội cho Từ-Ân và đánh ông một trận tơi bời.
Tuy Từ-Ân võ nghệ hơn bà mấy bực, nhưng ông nghĩ cũng tại mình mà bà Anh-Cô ra như thế này... Ông đành chịu thua và chạy trốn. Đến nay đã mười năm qua...
Hoàng-Dung rõ câu chuyện nầy, mới đem ra chế ngự Từ-Ân. Tay ông bồng đứa trẻ y hệt câu chuyện năm xưa.
Cái tâm bịnh của Từ-Ân được Hoàng-Dung khơi lại, làm cho ông hết sức cảm động bồi hồi.
Võ-tam-Thông, Gia-luật-Tề và mọi người trong đại sảnh, đều tưởng Hoàng-Dung đã nổi cơn điên, mới xui người quật chết con mình, chứ họ có biết đâu Hoàng-Dung là người đại-trí, đại dõng. Không thua bực mày râu nam tử, và chắc gì bọn mày râu nam tử có đủ can đảm làm việc này.
Hoàng-Dung khéo dùng tâm lý đánh vào kẻ địch, làm cho mọi người sửng sốt câu nói "Ngươi hãy giết nó đi! Tại sao mà chẳng giết". Họ tưởng lầm Từ-Ân sẽ bóp nát xương đứa bé, họ hết sức lo sợ sự xảy ra.
Nhưng Từ-Ân đứng trơ như pho tượng gỗ, còn Hoàng-Dung hết đứng lại ngồi và cười hoài, làm cho mọi người không thể đoán được câu chuyện ra sao?
Từ-Ân Hòa thượng hai tay vẫn giữ chặt Quách-Tường và dưa mắt nhìn về Hoàng-Dung rồi quay sang nhìn Nhứt-Đăng đại sư, rồi lại nhìn đứa bé! Lòng ông nổi lên một hối hận vô biên, ông nói:
- Chết rồi! Chết rồi! Đã chết rồi một đứa trẻ... ai lại bỏ chết nữa sao? Chết! Đừng chết!
Ông nói xong bế đứa nhỏ đi đến trước mặt Hoàng-Dung và đưa đứa bé cho mẹ nó. Hai tay ông tỏ ra kính cẩn vô cùng.
Đoạn ông nói tiếp:
- Con trẻ đã chết vì ta, thì ngươi hãy đánh chết ta mà đền lại.
Hoàng-Dung vô cùng mừng rỡ, đưa tay tiếp lấy bé Quách-Tường.
Bỗng nghe Nhứt-Đăng đại-sư nói:
- Oan oan tương báo? Chừng nào mới thôi! Trong tay cầm đao, chừng nào mới bỏ.
Từ-Ân nghe qua lời ẩn ngữ của Đại-sư, làm ông bối rối kinh hoàng, không đưa đứa nhỏ cho Hoàng-Dung, mà liệng xuống đất.
Hoàng-Dung sợ con gái té đập đầu chết, nên phóng ra một chân hất nhẹ Quách-Tường đưa lên không trung và rơi ngay xuống chỗ Gia-luật-Tề.
Gia-luật-Tề đưa tay tiếp nhẹ đứa bé vào lòng.
Khi Hoàng-Dung đá Quách-Tường liền tung mình ra ngoài và nói to:
- Đứa bé bị ngươi giết chết rồi, tốt lắm, tốt lắm.
Sự thật không phải Hoàng-Dung đá đứa bé mà mà nàng dùng đôi bàn đỡ nhẹ vào lưng nó, rồi chuyển nhẹ lên không trung, nhắm ngay chỗ Gia-luật-Tề mà bỏ xuống.
Vì nàng nghĩ rất kỹ:
- Từ-Ân tâm tánh bất thường, nếu nàng nhảy ra ôm đứa bé biết đâu lão ta đổi ý, mà vung ra một chưởng thì rồi đời cả mẹ lẫn con.
Cho nên nàng giả điên khùng cho giống Anh-Cô để cảm hóa vị hòa thượng đam mê này.
Hoàng-Dung lại sợ con bé Quách-Phù nói năng lỗ mãng nữa càng nói thêm, nên bà tiến về phía Quách-Phù khóa chặt khẩu huyệt của nàng.
Xong việc Hoàng-Dung rít to lên:
- ái cha! Hòa thượng đã giết chết đứa bé rồi!
Từ-Ân hòa thượng mặt đỏ như than hồng, chỉ trong khoảnh khắc Hoàng-Dung đã giúp ông ta giác ngộ!... ông tiến lại phía Nhất-Đăng đại sư phủ phục sát đất, hành đại lễ và nói to:
- Sư phụ! Đa tạ thầy cảm hóa.
Nhất-Đăng đại sư vòng tay đáp lễ và bảo:
- Từ-Ân hòa thượng, kính mừng ngài ngộ đạo!
Cả hai nhìn nhau mỉm cười thông cảm.
Từ-Ân sắp sửa bước ra khỏi đại sảnh. Cừu-thiên-Xích thấy vậy kêu to:
- Nhị ca! Nhị ca hãy trở lại.
Từ-Ân quay đầu lại và bảo:
- Tam muội gọi ta hãy trở lại! Ta cũng có lời yêu cầu Tam muội "Hãy trở lại con đường chân chính".
Nói xong Từ-Ân chuyển mình bay vọt ra ngoài đại sảnh.
Nhứt Đăng đại sư lòng mừng vô kể, sắc mặt như trăng rằm nói:
- Lành thay! Lành thay!
- Và ông đứng dậy đi lui vào gốc đại sảnh ngồi tình tọa tham thiền.
Hoàng-Dung sửa mái tóc và quay sang Gia-luật-Tề tiếp lấy Quách-Tường bế trong lòng. Bà vô cùng hoan hỉ.
Quách-Phù được thân mẫu giải khai huyệt đạo. Nàng trải qua một giây phút kinh ngạc lẫn vui mừng. Nàng hỏi:
- Mẹ! Mẹ đã hết rồi sao? Con tưởng mẹ sắp phát điên cuồng rồi đấy.
Hoàng-Dung không trả lời, đứng lên về phía Nhứt-Đăng đại-sư hành lễ, cúi đầu và nói:
- Đại-sư? Tiểu điệt-nữ trong lúc hồn mạng đã đề cập tới việc cũ mong đại sư thứ lỗi.
Nhứt-Đăng đại-sư mỉm cười bảo:
- Dung nhi! Dung nhi! Ta có lời khen đó! Dung nhi đã làm nữ Gia Cát Lượng vậy.
Tất cả những người trong đại sảnh, chỉ có Võ-tam-Thông hiểu sơ sơ về câu chuyện cũ, còn lại thì không hiểu gì cả, còn câu chuyện Nhứt Đăng và Hoàng-Dung mang hồ lô đi bán thuốc gì, thì chẳng ai biết.
Cừu-thiên-Xích thấy sự tình biến chuyển sấm dậy đất bằng, còn bà ngao ngán chẳng biết lo liệu làm sao! Cừu-thiên-Nhận đã đi ra, ắt là đến chết không còn gặp nhau nữa. Nhìn về phía ngoài bà thấy Từ-Ân đi thoăn thoắt, phút chốc đã mất dạng, lòng bà nổi lên một đau buồn vô tận, nhớ lại lời nói của ông anh: Ngươi gọi ta trở lại, ta cũng yêu cầu ngươi trở lại... con đường chính".
Câu nói nầy anh bà đã khuyên bà sớm hồi tâm. Lòng bà nổi lên một sự xúc động vô bờ bến.
Do đó bà ngước nhìn mọi người, lòng bớt đi vẻ cừu hờn căm phẫn và nói:
- Quí vị hãy ở đây an nghỉ: Lão phu nhơn tàn phế không bồi bạn được!
Hoàng-Dung nói:
- Chẳng dám! Hôm nay chúng tôi đến hầu viếng, là để cầu lão bà ban cho Tuyệt-tình-đơn...
Cừu-thiên-Xích ra dấu bảo chúng đệ tử Lục y và gật đầu, tức thì nhóm đệ tử Lục-y đã hiểu ý, hô to một tiếng "vâng".
Các cửa ra vào, và bên ngoài cửa song, xuất hiện mỗi nơi bốn năm thiếu nữ áo lục, tay cầm dao kiếm, cứ mỗi bọn năm người thì có một người mang một tấm Ngư võng cực lớn, và chúng đứng gác theo thế phòng thủ của chủ cốc chỉ dạy. Ngoài ra có bốn cô nhan sắc tuyệt vời bước vào trong đại sảnh, khiêng chiếc ngự-ỷ và Cừu-thiên-Xích đang ngồi, đưa cốc chủ vào trong nội đường.
Võ-tam-Thông và Gia-luật-Tề đã xem "Ngư võng trận" nên rõ sự lợi hại của mảnh lưới nầy, kinh hãi nói:
Đao kiếm tuy vậy còn dễ phá, chứ mảnh lưới này trùm vào, không biết liệu làm sao?
Cả bọn Hoàng-Dung đều nghi ngờ, không biết lành dữ thế nào.
Anh em họ Võ xách kiếm ra ngoài, bỗng nghe một tiếng "bình" cực lớn, cửa sảnh khép lại. Hai anh em họ Võ dùng kiếm bổ mạnh vào cửa. Nhưng ổ khóa cánh cửa quá lớn không sao mở được.
Hoàng-Dung trấn tĩnh bảo:
Chẳng nên kinh hoàng! Việc đâu còn đó. Chúng ta ra khỏi đại sảnh là thoát nạn. Tuy vậy cũng còn nhiều mối lo, làm sao phá được mảnh lưới, và làm sao trộn thuốc cứu người.
Công-tôn Lục-Ngạc theo mẹ vào nội đường hỏi:
- Mẹ! Mẹ tính làm gì đấy.
Cừu-thiên-Xích thay ông anh đi rồi, đối phương lại rất nhiều tay võ công, nhưng không lẽ bó tay hay sao. Vả lại kẻ giết anh mình đang dừng trước mặt, chắc chắn là bà không thể xử hành được bà trầm ngâm trong giây lát vào bảo:
- Lục-Ngạc! Con đi ra ngoài xem xét, coi Dương-Qua và cô gái ấy ở đâu?
Lời bà bảo đúng ngay với ý nguyện của Công-tôn Lục-Ngạc nên nàng gật đầu lui ra, hướng về Hỏa-hoàng-thất.
Đi được nửa đoạn đường, bỗng nghe có tiếng xì xào trò chuyện chính là giọng của Dương-Qua và Tiểu-long-Nữ.
Hai người đối đáp với nhau nghe rất êm tai, lại nghe lẫn vào câu chuyện của họ có tiếng "Công-tôn cô nương". Bốn tiếng này gợi tánh hiếu kỳ của Lý-Ngạc.
Bấy giờ bầu trời tối đen như mực, Công-tôn Lục-Ngạc lần theo xóm liễu ven rừng và nghĩ thầm:
- Cái gì mà có Công-tôn cô-nương trong đó?
Tánh háo kỳ nổi dậy, Công-tôn Lục-Ngạc phóng người thật nhẹ, bước đến gần chỗ hai người nói chuyện.
Nhìn xuyên qua bóng tối lờ mờ, nàng thấy rõ Dương-Qua và Tiểu-long-Nữ đang đứng kề vai nói chuyện. Lại nghe Dương-Qua nói:
- Nên đa tạ Công-tôn cô-nương! Tôi cũng đồng ý về điểm nầy. Tôi chỉ mong sao thần-tăng sớm tỉnh lại, cả nhà mới tiêu thù, giải tán, tà độc tận tiêu, mới là yên tâm được.... "ý a".
Nghe hai tiếng "ý-a" Công-tôn Lục-Ngạc lật đật bỏ trốn chạy, không dè ở đây gây sự... Kỳ quái.
Lòng Công-tôn Lục-Ngạc lúc bấy giờ mới chua xót, đau khổ cho mối tình câm. Nàng đưa mắt ngó mông lung, lại thấy Dương-Qua rời chỗ đang đứng, choàng tay qua vai trái Tiểu-long-Nữ, vịn vai nàng mà đi.
Dương-Qua đột nhiên đau buốt đôi vai, xúc động vô cùng. Tiểu-long-Nữ nói:
- Có phải chất độc tình-hoa tái phát đấy ư?
Dương-Qua đau đớn nói:
- ừ! ừ!
Vì đau buốt cả chân răng nên chàng nói năng rất khó. Công-Lục-Ngạc đã đến thật gần chỗ hai người, lòng nàng suy tưởng:
- Muốn giải chất độc tình hoa này, phải có nửa bầu linh đơn vào bình phục tức khắc. Nhưng mình phải nói làm sao với mẫu thân chứ Dương-huynh thì khó hỏi được.
Vài phút trôi qua Dương-Qua cất bước nhè nhẹ và thở ra một lời. Tiểu-long-Nữ nói:
- Anh Qua! Mỗi lần cử động, chất độc càng thấm nhiều, nên anh mới bị phát động mau lẹ như vậy! Không rõ Thiên-trúc thần tăng đã tỉnh lại chưa? Khi ông tỉnh rồi chưa chắc ông đã tìm thuốc giải. Vậy anh cũng đừng nên khổ sở. Âu đó cũng là định mệnh.
Dương-Qua đau khổ vô cùng, song cũng gượng cười và nói:
- Vị Công-tôn Thái-bà Cốc chủ này, tánh ích kỷ và cố chấp thuốc giải độc tình hoa, bà ấy giấu một nơi bí mật lạ thường.
Ngoài bà ra, chồng con hay tất cả mọi người trong cốc, cũng không rõ được nơi nào giấu thuốc? Làm sao cho bà ấy vui lòng, thì mới mong bà ấy tự tay cấp cho. Còn nếu lấy dao gươm kề cổ, cứa đầu bà cũng nhất định từ chối.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Anh Qua! Tôi nghĩ điều này rất tiện!...
Dương-Qua thấu rõ tâm lý của Tiểu-long-Nữ, nên chàng buồn bã nói:
- Em hãy tạm ngưng những lời nói này, Anh với em tình sâu nghĩa nặng, nên trời dong ruổi kết nghĩa vợ chồng! Tưởng là kết tóc trăm năm. Tôi nguyện Hoàng-thiên hậu thổ, như số mạng bất thường thì chúng ta hãy ở bên nhau, đừng để người thứ ba xen vào.
Tiểu-long-Nữ đau khổ nói:
- Còn Công-tôn cô-nương! Tôi xem cô ấy thực là người tử tế đàng hoàng, nhan sắc lại mặn mà đằm thắm. Hẳn anh hiểu lòng tôi nghĩ chớ.
Công-tôn Lục-Ngạc rúng động cả tâm can, biết rằng Tiểu-long-Nữ khuyên Dương-Qua cưới nàng, để mà cầu thuốc giải độc, cứu lấy bản thân.
Lại nghe Dương-Qua cười bảo Tiểu-long-Nữ:
- Em ạ! Công-tôn cô nương chắc là trang tiểu thơ hoàn mỹ lắm nhưng trong thiên hạ chẳng thiếu chi người như nàng. Thí dụ như Trình-Anh, Lục-vô-Song hai người nầy cũng sắc nước hương trời đâu kém Lục-Ngạc. Nhưng tất cả anh đều không có tình trọng nghĩa sâu như em, chỉ có em với anh đôi tim mới một điệu! Em thử nghĩ một gã con trai sờ mó vào người em để giải chất kịch độc thì em nghĩ sao? Em từ chối hay chấp thuận!
Tiểu-long-Nữ ngắt lời:
- Em là phận gái đâu dám luận nhiều!
Dương-Qua cười to bảo:
- Người đời trọng nam khinh nữ, còn tôi là Dương-Qua trọng nữ khinh nam.
- Hai người nói chuyện đến đây, bỗng nghe tiếng "sột soạt" trong bụi cây gần đó.
Dương-Qua quát hỏi:
- Ai đó! Ai?
Công-Tôn Lục-Ngạc tưởng bị người nghe thấy, vì đã để lộ hình ích nên muốn lên tiếng đáp lời. Bỗng có tiếng "sột soạt" nổi lên từ cây đại-thọ và giọng trong trẻo của cô gái nói:
- Tướng Ngốc... Ngươi đấy à!
Lục-Ngạc bước lại gần để xem, thì đó là Trình-Anh và Lục-vô-Song.
Thấy hai cô gái nầy lòng nàng nổi lên cơn sóng tình rào rạt nghĩ thầm:
- Nếu đem so sánh thì ta thua đứt Tiểu-long-Nữ, còn Trình-Anh và Lục-vô-Song hai vị nầy võ công phần nào cũng phi phàm xuất chúng ta cũng không bì kịp.
Từ ngày Công-Tôn Lục-Ngạc gặp Dương-Qua, nàng đối với chàng trai xa lạ nầy, bằng một mối tình câm sôi bỏng, thâm thúy vô cùng. Chừng nàng nghe rõ Tiểu-long-Nữ với Dương-Qua nói chuyện, lòng nàng đã rõ Dương-Qua đối với Tiểu-long-Nữ có một mối tình trân trọng vô biên, dầu nàng có tương tư hay cảm mến thế nào cũng vô ích.
Suy nghĩ cùng cạn Công-tôn Lục-Ngạc rời xa nhóm người nầy, nàng nhắm hướng tây rảo bước.
Tội nghiệp cho nàng, cha mẹ nầy thì tâm địa độc ác, còn tình vợ chồng cha mẹ nàng là một mối tình khổ lụy chua cay. Do đó Công-tôn Lục-Ngạc bị ảnh hưởng não buồn cô độc từ nhỏ, và khi nên người gặp Dương-Qua lại mang thêm mối lụy tình.
Nên hôm nay tâm thần nàng hỗn loạn, quyết ý không muốn sống trên đời nữa.
Đêm về bao phủ rừng Tuyệt tình đen như mực, Công tôn Lục Ngạc thẫn thờ bước thấp bước cao! Đi mãi và đi mãi, không còn rõ mình sẽ đến đâu hay về đâu. Đường rừng núi về đêm nguy hiểm ngàn trùng, chông gai, hố thẳm, thú dữ, rừng sâu, nàng chẳng hề nghĩ đến và lẩm bẩm.
- Ta hết quyền sống rồi.
Nàng lầm lũi đi trong rừng núi tịch mịch, bỗng nghe tiếng người nói chuyện cuốn theo chiều gió đưa đến tai nàng.
Công-tôn Lục-Ngạc giật mình đưa mắt nhìn chung quanh cho nàng hãi hùng.
Nguyên lúc tinh thần điên đảo, tâm trí hôn mê, không kịp suy xét nên nàng đi lạc vào hướng tây của Tuyệt-tình-Cốc. Nơi tuyệt đối không vết chân người, bấy giờ nàng tỉnh trí nhìn xem những ngọn đồi cao chót vót, chính là nơi hiểm nguy bực nhứt, vùng Tuyệt-tình-Cốc, đây là một ngọn đồi trọc, cây cối, cỏ hoa thưa thớt, cao vút vượt khỏi những đồi ở vùng nầy, không biết đã bao nhiêu thế kỷ, mà có người khắc ở chân đồi một dòng chữ "Đồi-trường-Nhai". Ba chữ này gợi cho dân chúng ở vùng này biết đây là vùng cấm địa.
Trên ngọn đồi quanh năm mây che tuyết phủ khí bốc lạnh hai bên ngọn đồi là hố sâu thăm thẳm, gai gốc phủ đầu. Trước mặt là ngọn dốc cao, đường lên khúc khuỷu quanh co, cỏ cây hoa lá tiêu điều.
Bởi nơi đây đá nhiều đất ít, còn sau lưng đồi như bức tường đứng nghiêng, dù cho thú dữ có đi giỏi đến đâu, mà đi trên đường này cũng rơi ngay xuống vực.
Đoạn-trường-cốc phong cảnh hoang vu tiêu điều cho nên dân liệp bộ (thợ săn) ít hay bén mảng tới đây, vì đó là nơi nguy hiểm địa.
Công-tôn Lục-Ngạc vì có ý định chết, nên nàng không có ngại gì, nơi đây nữa. Nàng đi lần đến chỗ có tiếng nói phát ra, từ sau một phiến đá và nghe ngóng. Giọng nói nầy làm cho nàng kinh ngạc vô cùng, vì tiếng nầy là tiếng của Công-tôn-Chỉ phụ thân nàng.
Cha nàng đối với mẹ nàng rất lạnh nhạt, do đó có một hôm mẹ nàng quá giận phun ra viên "Thiết táo hạt" làm hỏng hết một con mắt của ông, rồi ông nổi giận dùng dao đoạn hết tay chân của bà rồi từ bỏ Tuyệt-tình-Cốc mà đi.
Ông lại không lưu chút tình phụ tử nào đối với nàng, mà ông chỉ rầy la đánh đập nàg. Do đó Lục-Ngạc không thương cha bằng mẹ.
Từ ngày phụ thân nàng bỏ nhà ra đi đã lâu lắm, lạ sao hôm nay đột ngột trở về? Chắc hẳn ông có một mưu kế ám muội gì nữa, nên Lục-Ngạc lắng tai nghe tiếp:
Công-tôn-Chỉ nói:
- Ngươi hư một mắt vì thằng tiểu tặc Dương-Qua ám toán, còn ta hư một mắt vì con ác phụ họ Cừu đả thương! Vậy chúng ta gọi nhau là "Đồng bệnh tương niên" người nghĩ sao?
Công-tôn-Chỉ nói xong cười hô hố, mà kẻ đối thoại tuyệt nhiên không đáp lời!
Công-tôn Lục-Ngạc lấy làm lạ! Trên đời này làm sao có chuyện như thế? Và cô ả kia là ai, mà bị Dương-Qua đả thương?
Lại nghe Công-tôn-Chỉ nói tiếp:
- Chúng ta gặp nhau đây, có lẽ duyên trời ruỗi xuôi cho hòa hợp, ngươi thử xem câu "Đồng bệnh tương niên" ta nói có đúng không! Này nhé ngươi với ta "độc thân độc nhãn" thì cũng nên kết hợp với nhau và thành lập cái "hội một mắt" ngươi nghĩ sao!
Bỗng nghe người đàn bà nói:
- Vậy nào...
Và tỏ ra giận dữ tiếp lời:
- Ngươi ngạo báng, trên sự đau khổ của kẻ khác à?
Công-tôn-Chỉ lật đật nói tiếp:
- Không đâu! Ta thấy ngươi thần sắc mờ mệt, lại cùng cảnh với ta, thì ta vui mừng nên mới lỡ lời như thế, xin chớ trách và thứ lỗi.
Công-tôn Lục-Ngạc nghe người đàn bà ấy rên rỉ và tiếp lời:
- Tôi bị trúng phải tình hoa quả độc, người không lưu ý giúp ta chút nào, còn đem toàn lời giỡn chơi làm trò cười.
Công-tôn Lục-Ngạc bấy giờ đã hiểu rõ nàng kêu lên nho nhỏ:
- A! Cô ả nầy chính là Lý-mạc-Thu lúc vào Tuyệt-tìnhh-cốc Dương-Qua đả thương hư mắt và bị độc tình hoa rồi! Cô ả gặp phụ thân ta như thế...
Người đã cùng Công-tôn-Chỉ nói chuyện, chẳng phải ý trung nhân của ông, hay xa lạ trong giới võ lâm, mà nàng chính là Lý-mạc-Thu.
Lúc nàng trúng nhầm độc Tình hoa, nàng đã chạy khắp hang, tính lọt ra ngoài tìm thuốc giải độc nào ngờ trong hang đường lối quanh co bí mật xuyên ra trở lại mà chẳng tìm được lối ra.
Lòng nàng rối rắm tơi bời, không còn nghĩ gì nữa được, nên chạy hoảng. Thời may đến Tuyệt-tình-Nhai nàng gặp Công-tôn đứng tại đó.
Công-tôn-Chỉ có ý đến đây! Ông không muốn cho chúng đệ tử hay gia nhơn bắt gặp, vì ông đến đây cốt ý giết chết vợ là Cừu-thiên-Xích, và nhân tiện đoạt lại chủ quyền ngôi Tuyệt-tình-Cốc nên Lý-mạc-Thu mới vô tình gặp ông:
Hai người đấu quyền chút đỉnh để khỏi bỡ ngỡ vào câu chuyện.
Công-tôn-Chỉ nhận thấy võ công của nàng cao diệu và nhìn mặt nàng rồi có một ý nghĩ rằng:
Ta có nhiều việc sắp làm trong cốc này làm sao nói cho cốc trợ giúp một tay.
Thế là ông kiếm chuyện nầy nọ, cố cầm Lý-mạc-Thu và lần đến vấn đề...
Lý-mạc-Thu tuổi tác chẳng nhỏ, nhưng từ lúc ấu thơ đã luyện khinh công đề khí, võ thế, quyền cước cho nên sức lực dồi dào, tinh thần tráng kiện, nhan sắc của nàng chẳng kém thiếu nữ đôi mươi, mà còn trội về nhân tình, duyên dáng.
Con Công-tôn-Chỉ muốn cưới Tiểu-long-Nữ song bất thành muốn yêu cầu Hoàng-nhan-Bích chẳng được, bỗng nhiên gặp Lý-mạc-Thu, đầu óc ông ta bỗng sanh ra một ý niệm bất lương và ông nghĩ:
- Sau khi giết chết con quỉ già Cừu-thiên-Xích, ta sẽ cố cùng nàng nầy. Nàng nầy võ công cũng giỏi, nhan sắc chẳng kém ai, dù kén chọn cũng vậy thôi. Tuy nàng hư một mắt, nhưng làm vợ có sao, trong gia đình chẳng ai bỏ chánh thê, thứ thiếp.
Công-tôn-Chỉ có hiểu đâu Lý-mạc-Thu độc hơi sài lang, ác hơn hổ báo, chuyên dùng tình ái để chinh phục lòng người. Lời nàng không thiếu "ác nghiệt", và cuộc đời cũng do ác nghiệt mà nổi danh. Chung quy cũng tại "Tình" mà ra nông nỗi như vậy.
Giờ đây nghe lời lão Công-tôn-Chỉ lòng nàng phiền não vô cùng. Nàng chỉ mong cầu thuốc giải độc, mà gặp lão nầy nói chuyện, nên nàng chán ngán trả lời.
Bỗng nhiên Công-tôn-Chỉ nói:
- Ta chính là chủ ngôi Tuyệt-tình-Cốc này, đã sáng chế thuốc giải độc Tình-hoa, trong thiên hạ trừ ta ra, không kiếm được người thứ hai. Chỉ vì phương pháp chế thuốc rất mất thì giờ, phải tránh xa chỗ có nước, và phải gần nơi nhiều lửa. Hiện tại trông cốc còn một bầu thuốc mà con ác phụ cất giữ, tôi uất ức muốn trừ khử con quỉ già ấy, nếu thấy tiện, cô nương có thể giúp ta chăng?
- Lý-mạc-Thu nghe qua như mở cờ trong bụng, nhưng ý nghĩ của nàng có hai lối. Nếu được người cho thuốc giải độc thì có gì tốt đẹp bằng. Còn vị Cốc-chủ phu nhơn chưa bẳn ai bằng lão nầy. Lão ta chẳng nói đấy sao? Trong thiên hạ người đời chỉ có một mình Công-tôn-Chỉ là biết phương giải độc Tình-Hoa.
Nguyên lúc nhỏ Công-tôn-Chỉ nghe ông cha kể lại: Từ lúc họ Công-tôn vào đây lập nghiệp, rất nhiều người bị chết về loại tình hoa cực độc, bởi vậy một vị Tăng tổ trước rất đau lòng cho cháu con mãi chịu ảnh hưởng nên mới ngày đêm, gia công nghiên cứu về dược thảo có độc tánh, do đó mới tìm ra phương pháp, bào chế thuốc giải độc. Còn kẻ địch khi đã vào Tuyệt Tình Cốc, tất gặp phải Tình-Hoa mà mang họa chết tức khắc, vô phương tìm đâu ra cách chữa độc.
Môn thuốc giải độc nầy, cha truyền con nối, tuyệt đối không có một người nào hiểu biết. Tuy nhiên, Cừu-thiên-Xích còn một ít thuốc là do đời trước để lại, còn phương pháp chế biến đã bị thất truyền từ lâu.
Hiện nay nữa chai thuốc để lại do Cừu-thiên-Xích cất giữ một nơi bí mật, mà Công-tôn-Chỉ không tài nào kiếm được.
Lý-mạc-Thu nghe qua lời nói của Công-tôn-Chỉ... trầm ngâm giây lát và hỏi:
- Những lời ông nói đó, có thực như vậy chăng? Thuốc giải độc sao lại do Tôn phu-nhơn cất giữ? Còn Tôn-phu-nhơn với ông là tình chồng vợ, nghĩa phu thê, tại sao lại hóa ra cừu hận? Ông tính giết bà ấy thực không ổn! Vì bà ấy chết rồi ai đưa thuốc giải độc cho ông?
Công-tôn-Chỉ cố tránh không trả lời, nhìn qua chỗ khác, nói:
- Lý cô nương. Tôi muốn cùng cô kết duyên, rồi sẽ lo liệu cứu cô nương. Tôi dầu có chết cũng không oán hận!
Lý-mạc-Thu mặt đỏ phừng phừng và nói:
- Tôi rất đa tạ ông, nếu ông thật tình muốn cứu tôi.
Công-tôn-Chỉ bảo nhỏ:
- Tôi có một kế hoạch giựt lại linh đơn trên tay ác phụ. Tôi muốn cô nương đáp đền tôi một việc.
Lý-mạc-Thu cười duyên đáp:
- Tiểu muội, một đời phiêu bạt giang hồ, tấm thân trơ trọi lại một mình, mà chẳng bị người ức hiếp. Nay vì chút thuốc độc, ông muốn giúp thì giúp, còn không tiện thì thôi. Tôi không ngờ: Lý-mạc-Thu ngày nay mà đi ăn mày sự sống.
Công-tôn-Chỉ võ công tuy giỏi, nhưng lại sanh trưởng tại nơi hang sâu, rừng thẳm, so với khách giang hồ cũng là tay lợi hại, nhưng có điều chưa ai được rõ tên ông. Trong mười năm qua ông cũng nhờ Cừu-thiên-Xích chỉ dẫn, cất bước hành hiệp trong mười năm. Trong thời gian nầy ông có nghe Lý-mạc-Thu có cái tên rất kêu là "Xích luyện tiên tử" tiếng dội gần xa. Trong giới võ lâm ai ai cũng đồn rằng Lý-mạc-Thu mặt tợ tiên bồng, mà lòng như rắn rít.
Tuy nghe đồn đãi như vậy, thực ra ông chưa được dịp diện kiến nàng.
Thế mà trong khoảng thời gian ngắn ngủi, đoán qua lời nói và hành vi của nàng, ông ta thấy Lý-mạc-Thu cực kỳ tao nhã hiền lành, do đó lòng ông rào rạt mừng vui, và ông kiếm lời xin lỗi:
- Cô nương! Xin đừng lưu tâm phiền giận nữa! Tôi đã vì cô mà làm một việc bạo thì niềm vui vẻ chẳng kịp đến! Chỉ vì muốn cướp đoạt Tuyệt-tình đơn, mà phải làm con gái tôi tổn thương đến tính mạng, tôi chẳng biết làm sao cho hơn, mới dùng kế lành!
Nào ngờ Công-tôn Lục-Ngạc núp sau tảng đá nghe câu nói ấy nàng run rẩy cả thân, kêu lên một tiếng lớn.
Lý-mạc-Thu lấy làm kinh ngạc khi nghe Công-Tôn-Chỉ nói. Nàng tiếp lời:
- Có phải thuốc giải độc do lệnh ái cất giữ chăng?
Công-tôn-Chỉ nói:
- Chẳng phải như vậy? Để tôi giải thích cho cô nương nghe kế hoạch nầy. Bởi vì con ác phụ của tôi đó, tính tình cố chấp và rất đa nghi như Tào Mạnh Đức, thuốc giải độc nó giấu nơi bí ẩn không nào tìm ra, nên dùng bạo lực cưỡng bách, lại càng hư hỏng và không kết quả gì, chỉ có cách lập kế làm cho mụ ta mắc mưu chừng ấy mới cướp đoạt được.
Lý-mạc-Thu gật đầu bảo:
- Cái kế ấy ra sao?
Công-tôn-Chỉ vui vẻ nói:
- Nó là con ác phụ, đối với mọi người đều không tình nghĩa gì cả, gan ruột hiểm độc, không ai nói nó nghe, bất luận chuyện gì. Trên đời này nó chỉ có một đứa con gái mà nó quý nhất là do tình mẫu tử ràng buộc. Tôi chỉ thấy ác phụ còn có yếu điểm nầy thôi. Bây giờ để ta dẫn dụ Lục-Ngạc ra đây, để nàng xô nó vào khóm tình hoa độc nhứt. Chuyện xảy ra như vậy, ắt con ác phụ sẽ nóng ruột vì con gái cưng mà đem thuốc giải độc cho con Lục-Ngạc. Lúc đó mình sẽ thừa cơ cướp đoạt một bầu thuốc mà do con ác phụ đó cất giữ thôi. Lấy được thuốc tôi sẽ giao cho cô nương. Như thế tánh mạng con gái nhỏ của ta sẽ khó lòng chữa trị.
Lý-mạc-Thu trầm ngâm đáp lời:
- Có gì khó! Công huynh chẳng cần xô cô ấy vào bụi Tình hoa làm chi cho nguy hiểm. Chỉ nên xô cô ấy vào bụi Tình hoa giả rồi lấy tình hoa độc và gai của nó cài vào áo quần, như thế chúng ta đoạt được linh đơn, mà không tổn thương đến lệnh ái.
Công-tôn-Chỉ nói:
- ác phụ gian trá thông minh, nếu Lục-Ngạc không trúng độc thì nó biết ngay không thể nào che mắt được đâu.
Nghe đến đây Công-tôn Lục-Ngạc xúc động kêu lên, bất giác đôi giòng lệ tuôn trào.
Lý-mạc-Thu làm ra vẻ giả nhơn giả nghĩa nói:
- Làm như vậy để cứu sanh mạng cho tôi, mà lại để lệnh ái đau đớn thì tôi không nỡ, vậy ta hãy tìm kế khác, chứ cách nầy xin bỏ đi.
Công-tôn-Chỉ tiếp lời:
- Không! Không được! Ta còn không tha cho con ác phụ thay, huống hồ con gái của nó. Ta không muốn cô nương bỏ qua vấn đề.
Lý-mạc-Thu ngẫm nghĩ chỉ còn có nước theo kế của lão chứ còn kế gì khác.
Công-tôn-Chỉ lại nói:
- Bây giờ chúng ta chờ đợi nơi đây! đến đêm nữa, ta sẽ đến bảo đứa con gái ra, nếu nó không nghe lời tôi thì tôi còn mưu kế khác.
Hai người lời qua tiếng lại, Công-tôn Lục-Ngạc nghe rõ ràng từng lời một, và nàng càng nghe càng đau khổ và sợ hãi. Nàng nhớ lại một hôm Công-tôn-Chỉ xô nàng và Dương-Qua vào đầm cá sấu, thì nàng thấy thân phụ đối với nàng không chút mến yêu. Hôm nay tình cảm ông lại còn biến trá và ác độc hơn. Có người nào dám giết chết con gái, để đi theo một tình nhân! Thật là hung dữ hơn hổ báo sài lang! Nàng không thể tưởng được công việc sẽ xảy ra.
Công-tôn-Chỉ và Lý-mạc-Thu bàn luận xong, dìu dắt nhau đến phía trên, ngồi chờ đợi giờ khắc đến là thi hành.
Công-tôn Lục-Ngạc không dám ra mặt, nên nhẹ bước lẻn ra sau. Chẳng mấy chốc nàng đã lùi ra xa hơn mười trượng. Chừng đó nàng mới yên tâm, quay đầu lại và chạy rất nhanh.
Nàng chạy trên nửa giờ đã xa hẳn Đoạn-trường-Nhai và sợ rằng về đến phòng thì phụ thân nàng đến bắt dẫn đi.
Bây giờ lòng nàng ảo não thê lương vô cùng. Nàng đi thẫn thờ tìm một phiến đá ngồi nghỉ đỡ chân.
Trăng tà khuất bóng, lá rụng rì rào. Nàng cảm thấy trên đời này không còn gì để nàng luyến tiếc nữa. Nàng tự nhủ:
- Ta đã muốn tự tử, thì các ngươi lại muốn mưu toan độc hại ta. Thật là kỳ dị! Ta đã muốn chết thì chẳng còn trốn tránh làm chi nữa. Đột nhiên đầu nàng nẩy ra một tia hy vọng nghĩ thầm:
- Các kế của phụ thân ta tuy độc, nhưng kỳ dị thay. Ta không còn có ý tự tử nữa. Ta sẽ đem kế nầy gạt mẫu thân ta lấy thuốc cứu Dương-Qua, để chồng vợ họ sum hiệp, họ sẽ biết ơn ta và đối đãi với ta tốt hơn không còn gọi là "Khổ nạn cô nương"! à! à! Ta phải làm kế ấy.
Nghĩ đến đây, lòng nàng vui thích vô cùng, bao nhiêu buồn đau tuyệt vọng lúc nãy đều biến mất, lòng nàng trở nên bình tĩnh lạ.
Nàng đứng dậy nhìn bốn bề yên lặng không một bóng người, chỉ còn có một mình nàng nên nàng dùng hết sức lực chạy nhanh về đại sảnh... Hướng về phòng mẹ nàng.
Trong thời gian đó nàng đi bẻ các gai tình hoa gài vào vạt áo, lại dùng gai tạm thích vào da thịt làm có dấu trầy trụa thương tích.
Khi về đến phòng Cừu-thiên-Xích, nàng đứng ngoài cửa sổ kêu to:
- Mẹ! Mẹ đã ngủ chưa?
Cừu-thiên-Xích đáp:
- Lục Ngạc! Có chuyện gì đó?
Công-tôn Lục-Ngạc đáp:
- Mẹ! Con đã rơi nhắm bụi tình hoa độc! Mẹ, mẹ.
- Nói xong nàng liền dùng cành hoa nầy cắm mạnh vào chiếc áo bên ngoài.

<< Hồi 80 | Hồi 82 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 728

Return to top