Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Thần Điêu Đại Hiệp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 212594 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thần Điêu Đại Hiệp
Kim Dung

Hồi 12
Bốn bề đều có người đuổi bắt làm cho Dương-Qua hoảng sợ. Nó chạy mãi vào rừng, không dám dừng bước.
Bỗng trước mặt có bóng một đạo sĩ chạy đến đón đường, nó vội rẽ sang phía khác, thì lại có tiếng kêu:
- Nó kìa! bắt lấy nó!
Đạo sĩ ấy vừa nói, vừa nhảy ra đón đường toan thộp lấy nó.
Nhanh như cắt, Dương-Qua cúi đầu khom lưng, vận dụng miếng võ "hàm mô công" bắn vào đối phương". Đạo sĩ kia, tuy không chết cứng như Tỉnh-Quang song cũng bị thương văng ra xa hơn bảy thước.
Hai đạo sĩ khác thấy nó đánh hiểm độc quá cũng hết hồn chẳng dám đến gần, chỉ đứng đằng xa kêu cứu om sòm. Nhờ vận dụng thế "hàm mô công" Dương-Qua đã thắng được hai đạo sĩ. Nó cảm thấy bớt sợ hãi. Tuy nhiên, chân nó vẫn chạy không ngừng.
Chạy một hồi, nó thấy đã xa những đạo sĩ kia, nên lấy làm sung sướng.
Bỗng nhiên ở chòm cây trước mặt nó có tiếng sột sạt rồi một người diện mạo phương phi, hình dung tuấn tú xuất hiện theo sau là Doãn-chí-Bình, đệ tam đại đệ tử của Khưu-xứ-Cơ, lấy làm lạ, nghĩ thầm:
- Vị đạo trưởng nầy sao lại trở về trong lúc nó tìm đường trốn thoát.
Lòng nó phân vân chưa biết phải đối phó ra sao, thì nhanh như chớp Doãn-chí-Bình đã nhảy sang một bên, đưa tay thộp vào ngực nó, nói lớn:
- Mày có chạy đi đàng trời mới thoát nổi tay ta.
Dương-Qua phản ứng ngay. Nội công "hàm mô" được vận dụng lên tức thời ở đầu ngón tay. Doãn-chí-Bình cảm thấy sức điện nội công của nó lợi hại liền siết chặt cổ tay nó, để ngăn nội công không cho phát xuất và buộc phải thối lui về đơn điền.
Thuật "hàm mô công" tuy là một thuật nội công lợi hại vào bực nhất, song Dương-Qua thời gian tập luyện chưa được bao nhiêu, vả lại đối với một người như Doãn-chí-Bình, cao đệ trong môn phái Toàn-Chân, dày công tập luyện và chiến đấu thì nó làm sao thắng nổi.
Bị ngăn nội công lại, chân nó nhảy chồm chồm lên như một con cóc. Thì ra nội công không trở về đơn điền mà lại trở dồn xuống dưới chân, phì ra đằng mồm, buộc nó phải thốt ra những lời chưởi rủa:
- Khốn nạn! Dã man! Tàn ác!
Thốt nhiên, Doãn-chí-Bình buông tay Dương-Qua, bảo:
- Mi muốn trốn thoát hãy hạ sơn đi. Ta đứng đây bảo vệ cho mi.
Nếu mi chần chờ sư phụ mi bắt được thì cái mạng nhỏ nhoi của mi ắt không toàn vẹn.
Doãn-chí-Bình xưa kia vốn cùng Dương-Khang, cha của Dương-Qua, tập luyện võ nghệ, tình đồng môn thực thắm thiết. Nay Doãn-chí-Bình vừa về đến thì được biết câu chuyện của Dương-Qua, lại nghe nói Triệu-chí-Kính hẹp hòi nghiêm khắc quá mức, đối với Dương-Qua nhiều ác ý. Bởi vậy khi nhìn thấy mặt mày Dương-Qua sưng húp và tím bầm, quần áo rách nát, Doãn-chí-Bình cảm thấy thằng bé bị đánh đập quá nhiều đem lòng thương hại.
Dương-Qua lấy làm lạ đứng ngây người, không hiểu thái độ của Doãn-chí-Bình đối với mình ra sao cả.
Nhưng ngày vừa qua nó gặp nhiều cơ nhục quá nên chẳng biết tin vào lòng tốt bất cứ ai. Bởi vậy, tuy Doãn-chí-Bình đã thả nó ra mà nó vẫn nghi ngờ chẳng biết đây có phải vì lòng tốt hay vì một xảo kế nào để hãm hại nó. Nó chẳng nói chẳng rằng, cắm đầu chạy một mạch, không quay lại.
Giây phút, nó nghe một nhóm người đàng sau nó đang cãi lộn lao xao.
Tứ chi nó không đến nỗi rã rời mệt mỏi, vì nó đã có công luyện tập nội công hồi nhỏ. Nó chạy gần đến chân núi, nhảy vượt qua mấy đám sậy, rồi ngẩng mặt lên nhìn thì lúc đó trời đã bắt đầu tối nhá nhem. Cơ thể nó đã vận dụng sức lực quá nhiều, cho nên nó thấy cần phải vận dụng hơi thở để lấy lại sức. Nó ngồi trên một tảng đá, ngẩng cổ lên hút những làn không khí trong lành của miền rừng núi.
Ngồi nghỉ được một lúc, nó cảm thấy đã khỏe khoắn, toan đứng dậy chạy nữa thì bỗng nhiên trước mặt nó, vị đạo sĩ râu dài, đứng sừng sững tự lúc nào.
Vị đạo sĩ ấy chính là Triệu-chí-Kính, sư phụ của nó.
Triệu-chí-Kính gương to đôi mắt nhìn nó chòng chọc, hơi giận dữ bốc lên ngùn ngụt.
Dương-Qua thốt nhiên kêu to lên một tiếng, rồi cắm đầu vụt chạy.
Triệu-chí-Kính phi thân đuổi theo.
Dương-Qua tay quờ được hòn đá ném lại phía sau, Triệu-chí-Kính tránh được. Hai thầy trò kẻ trốn người theo bắt, chạy ngoằn ngoèo trong rừng đêm.
Dương-Qua chạy được một lúc thì thấy trước mặt có bức tường đá chắn ngang. Nó hoảng hồn chưa biết làm sao, thì thấy dưới chân tường ấy có một con suối. Chẳng ngần ngại, nó nhảy ùm xuống đấy.
Triệu-chí-Kính thấy nó nhảy xuống suối, biết nó sẽ lội sang bãi cỏ xanh để vào rừng thông trước mặt trốn thoát nên đi vòng qua bờ suối đến đón ở rừng thông.
Nhưng, trong lúc Triệu-chí-Kính đi vòng bờ suối thì Dương-Qua đã vượt khỏi suối, chạy vào khu rừng. Triệu-chí-Kính, phải theo dấu đường mòn đuổi theo.
Rừng càng sâu cây cối càng rậm, màn đen phủ dăng như mực.
Bỗng nhiên, Triệu-chí-Kính nhớ lại nơi đó là Hoạt-tử-Nhân mộ đài, chỗ của vị sư tổ Trùng-Dương võ điện.
Luật lệ của Toàn-Chân môn phái cấm ngặt không, cho đệ tử nào được vào đấy một bước, nên Triệu-chí-Kính cho rằng Dương-Qua không thể vào đấy dung thân được, bèn kêu lớn:
- Dương-Qua! Dương-Qua! muốn sống thì ra ngay.
Kêu mấy tiếng vẫn không có người đáp lại, Triệu-chí-Kính bôn bả đuổi theo. Nhưng vừa tiến vào ít bước thì ông ta thấy một hàng chữ khắc trên bia đá, nhờ có ánh sao, nên có thể vận nhỡn quang dọc được:
"Người ngoài hãy dừng bước".
ái ngại, Triệu-chí-Kính không dám đi sâu vào cất tiếng kêu:
- Thằng nhãi ranh Dương-Qua! Nếu mày không trở ra mày sẽ chết tươi trong đó không kịp trối!
Vừa dứt tiếng, Triệu-chí-Kính nghe bên mình có tiếng o! o! o!, tiếng kêu khác thường. Tiếng đó, trong bóng tối chập chờn hiện ra một đàn ong không đáp xuống được.
Nhưng loại ong nầy rất linh tính, thấy Triệu-chí-Kính dùng áo che chở tách ra làm hai bầy, một bầy tấn công phía trước, một bầy tấn công phía sau. Triệu-chí-Kính lại múa áo vòng quanh thân thể để đón ngừa. Bầy ong lại rẽ làm tư tấn công vào bốn mặt.
Triệu-chí-Kính thấy nguy, chỉ còn có cách lấy vạt áo che kín đầu, kín mặt, chạy thối lui cho nhanh.
Bầy ong vù vù đuổi theo sát Triệu-chí-Kính chạy hướng nào chúng bay theo hướng đó.
Triệu-chí-Kính thỉnh thoảng phải hé mắt ra để thấy đường chạy. Bỗng hai chú ong thấy chỗ sơ hở đó, thừa dịp luồn vào, đốt ngay nơi trán. Triệu-chí-Kính không chịu nổi hét lớn:
- Ôi chao! Ong gì mà đốt đau đến thế. Có lẽ lần này ta sẽ chết mất.
Thật vậy, loài ngọc ong rất độc, chỉ cần chích một mũi mà nạn nhân đủ thấy rêm khắp người, bất tất phải bị nhiều mũi.
Triệu-chí-Kính đến độ đau không sao chịu nổi, nằm lăn xuống bãi cỏ, vật mình kêu la.
Bầy ong thấy đã thắng trận kéo nhau bay vào rừng.
Lúc bấy giờ, Dương-Qua cũng không tránh khỏi sự tấn công của bầy ong. Nó bị ngã gục xuống bãi cỏ bất tỉnh chẳng biết tự lúc nào.
Cho đến khi nó tỉnh dậy thì thấy toàn thân đau nhức, quanh mình nó vẫn còn lảng vảng mấy con ong trắng. Tuổi nó còn nhỏ, nó vừa trải qua một ngày gian lao khổ cực nào đấu võ với các đạo sĩ kia nào các đạo sĩ Toàn-Chân rượt bắt, bây giờ nó lại bị ong độc cắn nữa. Với tấm thân bé bỏng đó, sức đâu chịu nổi. Nó đã đến lúc kiệt quệ, mắt nó hoa lên không còn trông thấy đường nó, thiếp đi một hồi lâu.
Trong cơn mê, nó cảm thấy một vị thơm thơ ngọt ngào mát mẻ tan dần vào miệng nó, rồi từ từ chạy xuống cổ họng. Nó sung sướng nuốt vào bụng. Nước ấy chạy đến đâu là mát rượi đến đấy. Nó mở bừng mắt ra tỉnh dậy thì thấy trước mặt nó một bà lão mặt mày xấu xí lạ thường.
Bà lão mặt mày xấu xí ấy, tay trái đặt lên trán nó, tay mặt cầm một cái bình nhỏ, trút lần lần chất nước ngọt kia vào miệng.
Thứ nước thần thánh ấy chính là thứ mật ong ngọc, có tác dụng trừ nọc độc và làm cho tinh thần người mệt nhọc được sảng khoái rất mau lẹ.
Mật ong kia làm cho Dương-Qua mỗi lúc một tỉnh. Nó biết rằng bà lão mặt mày xấu xí đó đã cứu sống nó, bà là một ân nhân chứ không phải một địch thủ, toan hãm hại nó. Lòng nó lâng lâng một niềm thương, để tỏ vẻ tri ân, nó mỉm miệng cười. Bà lão thấy nó cười tỏ ra là hiểu ý nó.
Nó mở mắt nhìn, thấy nụ cười bà lão làm nhăn nheo cả một khuôn mặt già nua. Vẻ xấu xí lại càng xấu xí hơn khiến cho ai trông thấy cũng phải khiếp sợ.
Nhưng đối với Dương-Qua trong phút nầy nó đã chán ghét những khuôn mặt hùng hồn quắc thước rồi. Nó cho rằng những khuôn mặt quắc thước yên hùng chỉ là những khuôn mặt chứa đựng cái gì tàn ác hung hăng. Chỉ có khuôn mặt xấu xa mới giữ được nơi đó những cái hiền từ đáng mến.
Tuy ý nghĩ của nó nông cạn, song hoàn cảnh đã tạo cho nó một ý nghĩ kỳ quái như thế thì còn biết làm sao? Nó thấy khuôn mặt của bà lão đã làm cho lòng nó ấm áp, chứ không như những khuôn mặt của các đạo sĩ Trùng-Dương cung mà lúc nào nó cũng thấy lạnh nhạt như băng tuyết.
Nó buột miệng se sẽ nói:
- Bà ơi! Bà đừng để sư phụ con đến bắt con nhé!
Bà lão thấy giọng xưng hô thân mật của nó, mừng rỡ hỏi:
- Cháu ơi! Sư phụ cháu là ai thế?
Đã từ lâu, Dương-Qua chưa bao giờ nghe được một câu nói êm đềm thân mật như thế. Còn nhỏ tuổi, tuy đã trải qua những ngày thực là phiêu lưu vất vả, tâm hồn nó vẫn còn dễ xúc động trước những hành vi cao đẹp nhân từ.
Quá cảm kích, Dương-Qua nghẹn ngào không nói nên lời, òa lên khóc nức nở.
Bà lão tay siết chặt lấy nó không một lời an ủi. Bà ta chỉ ngoẹo đầu sang một bên, đôi mắt long lanh như mặt sóng trùng dương, chứa đựng một tình thương mênh mông không bờ bến.
Bà lão đợi cho Dương-Qua khóc một hồi rồi mới cất giọng hỏi:
- Cháu đã bớt đau chưa hở cháu?
Bản tính Dương-Qua ưa ngọt chứ không ưa xẵng. Cũng vì thế mà nó không sao chịu nổi cảnh hà hiếp, khắc bạc của mọi người. Vả lại, đối với những kẻ hà hiếp khắc bạc, nó chẳng bao giờ nhỏ ra một giọt nước mắt, mà nó chỉ xúc động trước cái dịu hiền tình cảm mà thôi.
Bởi vậy, bà lão chỉ nói vài câu đã làm cho nước mắt nó tuông tràn không dứt.
Nó khóc! Khóc mãi không nói ra lời! Tuy nó không nói được mà hai dòng nước mát nó đã nói lên tất cả.
Bà lão lấy khăn nhẹ nhàng lau nước mắt cho nó, và dùng lời dịu ngọt dỗ dành chẳng khác gì bà đã dỗ một đứa con.
- Thôi nín đi cháu! Cháu đừng khóc nữa! Chỉ chốc lát cháu sẽ khỏi hẳn.
Dương-Qua chẳng cần biết bà lão nói gì, nó chỉ cần nghe cái giọng dịu hiền kia cũng đủ làm cho nó khóc ngất rồi.
Bà lão càng nói nó càng khóc, và khóc ngất không thôi.
Bỗng một giọng ngọt ngào và trong như nước suối, từ trong rặng cây vẳng lại:
- Tôn bà! Sao tôn bà lại thân ái với một đứa bé dối trá, khinh nhờn đệ tử của người khác?
Dương-Qua ngẩng đầu lên nhìn thấy sau rèm cây, một thiếu nữ đẹp tựa tiên sa, nõn nà trong bộ xiêm y trăng buốc. Một sắc đẹp hoa nhường nguyệt thẹn mà trong cõi trần gian tưởng chưa bao giờ thấy.
Tự nhiên mặt Dương-Qua đỏ bừng lên, nó cúi xuống vì xấu hổ như nhận thấy thiếu nữ đưa mắt nhìn từ đầu đến chân nó.
Bà lão vừa cười vừa nói:
- Ta chẳng biết làm thế nào cho nó nín, xin cô nương khuyên nhủ nó giùm ta.
Thiếu nữ tiến đến gần nhìn những vết thương của Dương-Qua bị ong đốt, rồi đưa tay sờ lên trán nó xem nó nhiễm độc đến mức nào.
Lòng bàn tay thiếu nữ vừa chạm vào trán Dương-Qua thì Dương-Qua có cảm giác như lành lạnh. Nhưng không phải lạnh như băng tuyết, mà cái lạnh êm đềm như nhung gấm.
Nàng nói:
- Không sao đâu! Em nhỏ ạ! Em đã uống chút mật rồi chỉ trong nửa ngày em sẽ bình phục.
Dương-Qua nhìn chăm chăm vào thiếu nữ, chưa biết thiếu nữ ấy là ai? ở đâu? Tại sao lại có một sắc đẹp hồn nhiên, nõn nà, trong trẻo đến thế, thì bà lão như đã hiểu ý, nói:
- Vị nầy là chủ nhân chốn nầy, cháu phải lễ phép đối xử với cô nương.
Người thiếu nữ đẹp như hoa, trắng như ngọc kia, chính là Tiểu-long-Nữ, trong mộ đài Hoạt-tử-Nhân mà khách giang hồ đã từng được nghe danh hiệu. Còn bà lão chính là người lão bộc của vị tổ sư mộ đài và Trùng-Dương cung vậy.
Từ ngày vị đạo trưởng ở mộ đài tạ thế, hai người nầy vẫn sống chung với nhau trong mộ đài không rời nửa bước.
Vừa rồi, nghe tiếng ong bay. Tôn bà biết có người xâm nhập địa phận mộ đài, và kẻ ấy tất bị ong cắn trọng thương nên ra nhìn thử xem sao, bỗng thấy Dương-Qua, một thằng bé trong tuổi ấu thơ. Tôn bà đem lòng thương hại ra tay cứu độ cho nó.
Tôn bà đã đưa nó vào trong lấy mật cho uống giải độc. Do đó, Dương-Qua mới được hồi tỉnh mau chóng như vậy.
Theo luật lệ thì người ngoài không được vào mộ đài, đầu là nơi của mộ, tối kỵ nhất là nam giới. Dương-Qua tuy thuộc vào nam giới song tuổi còn nhỏ, lại bị ong độc cắn bị thương nặng quá, Tôn bà đánh liều vượt ra ngoài luật lệ đã quy định để mong cứu sống nó làm phước.
Nếu Tôn bà là một sư phụ xấu nhất ở trần gian thì cũng là một người có lòng tốt nhất, từ bi nhất trên cõi thế.
Dương-Qua lần lần thấy các vết thương êm dịu và tinh thần trở nên mạnh mẽ vô cùng. Nó ngồi sụp xuống đất, cúi đầu lạy bà lão và Tiểu-long-Nữ cô nương.
Nó nói:
- Cháu là Dương-Qua kính bái Tôn bà và Long cô nương.
Vẻ hoan hỉ lộ trên nét mặt bà lão. Bà đỡ Dương-Qua dậy nói:
- A! Cháu tên Dương-Qua! Thôi chẳng cần phải lạy nữa!
Bà lão dắt nó vào trong mộ đài.
Tôn bà ẩn cư trong mộ đài đến nay đã hàng mấy mươi năm, chẳng bao giờ tiếp xúc với người ngoài nay bỗng dưng thấy Dương-Qua một đứa bé khôi ngô, ăn nói lanh lợi, lâm vào hoàn cảnh tai nạn nên đem lòng thương mến.
Tiểu-long-Nữ lúc nào dáng mặt cũng trầm lặng như mặt nước hồ thu. Nàng ngồi trên một chiếc tràng kỷ gần đó, chỉ khe khẽ gật đầu khi nhìn nó.
Tôn bà hỏi Dương-Qua:
- Cháu từ đâu đến? Vì sao mà bị nhiễm thương tích? Có kẻ nào ác nghiệt đánh cháu như thế?
Dứt lời, Tôn bà không chờ Dương-Qua đáp, lấy một cái bánh cho Dương-Qua bảo ăn cho đỡ đói.
Dương-Qua ăn mấy miếng bánh ngon miệng, đem đầu đuôi câu chuyện mình kể lại cho hai người trong mộ đài nghe. Nó ăn nói hoạt bát, linh lợi, thỉnh thoảng ph vào câu chuyện những lời nói tình cảm khiến người nghe phải xúc động không ít.
Tôn bà nghe kể xót xa cho thân thế nó, thỉnh thoảng thở dài chép miệng, Tiểu-long-Nữ thanh sắc vẫn không lúc nào thay đổi. Nàng vẫn thư thái ngồi nghe cho đến lúc Dương-Qua kể đến chuyện Lý Mạc Thu, nàng mới đưa mắt nhìn Tôn bà một chút.
Tôn bà nghe Dương-Qua kể hết câu chuyện. Liền dang tay bế nó vào lòng âu yếm, nói:
- Ôi thôi! Sao mà số phận của cháu lại khổ cực đến thế.
Tiểu-long-Nữ từ từ đứng dậy nhìn Tôn bà nói:
- Những vết thương của em bé chẳng có gì đáng ngại. Thưa Tôn bà, xin Tôn bà hãy đưa cháu ra khỏi mộ đài đi.
Câu nói của nàng làm cho cả hai người đều run lên.
Dương-Qua thổn thức nói:
- Cháu chẳng muốn trở về! Cháu chẳng muốn trở về! Xin cho cháu ở lại đây với bà với cô nương, dẫu đến chết cháu cũng chẳng rời.
Tôn bà nói:
- Dám thưa cô nương! Nếu để nó trở về Trùng-Dương cung nó sẽ bị cực khổ lắm. Sư phụ nó chẳng ưa gì nó!
Tiểu-long-Nữ đáp:
- Tôn bà nên dẫn nó ra ngoài. Còn về đâu, ở đâu tùy ý nó. Tôn bà có thể bảo với sư phụ nó đừng khe khắc nó nữa.
Tôn bà nói:
- Ôi! Việc bên Trùng-Dương cung chúng ta nào có biết ra sao.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Tôn bà lấy cho nó một hũ mật để nó mang theo rồi đem nó ra khỏi chốn nầy.
Lời nói của nàng tuy rất nhẹ nhàng, song có vẻ uy nghiêm làm cho người khác không dám chống lại.
Tôn bà thở dài, biết rằng Tiểu-long-Nữ đã nói đi nói lại như thế là đã quyết định rồi dẫu có nói gì nàng cũng chẳng nghe. Hai mắt bà lão nhìn Dương-Qua có vẻ luyến tiếc.
Dương-Qua động lòng, đứng phắt dậy chắp tay cúi đầu bái hai người và nói:
- Cháu xin tạ ơn Tôn bà và cô nương đã chữa cho cháu khỏi các vết thương. Cháu xin phép Tôn bà và cô nương đặng lên đường.
Tôn bà nhìn Dương-Qua với vẻ mặt rất ái ngại, nói:
- Bây giờ cháu định về đâu?
Dương-Qua lặng người đi một lúc rồi đáp:
- Trời đất vô cùng vô tận... Cháu thấy chỗ nào tốt thì về thôi. Giờ đây cháu chưa thể nào biết trước được.
Thật ra, Dương-Qua cũng chưa biết rồi đây nó sẽ ra sao? Đi về đâu? ở đâu? Nó phó mặc tấm thân nó cho hoàn cảnh.
Thấy nét mặt buồn rầu của nó đượm vào hai ánh mắt, Tiểu-long-Nữ nói:
- Em đừng lấy làm lạ khi thấy ta phải giục em rời khỏi chốn này. ấy bởi qui luật nơi đây nghiêm ngặt, không cho phép người ngoài được vào chớ đừng nói đến chuyện lưu trú nữa.
Dương-Qua đáp với giọng hồn nhiên:
Em đã từng sống trong hoang lạnh thì nay dẫu có ra đi cũng chẳng sao. Nhưng chẳng biết đến bao giờ em có thể thấy lại được Cô nương và Tôn bà!
Lời nói tuy bắt chước người lớn, song hàm xúc ít nhiều cái ngây thơ của một đứa bé! Tôn bà nghe giọng nói ấy vừa buồn cười vừa thương hại, nhìn vào mặt nó thấy đôi mắt nó rướm lệ, hai giọt nước mắt đang cuộn tròn lăn xuống đôi gò má.
Tôn bà không cầm được lòng thương, lại năn nỉ Tiểu-long-Nữ,
- Thưa cô nương! Thân nó bé bỏng, giữa đêm khuya canh vắng biết đâu mà về. Xin cô nương cho nó lưu lại đến sớm mai.
- Tiểu-long-Nữ đã quyết định điều gì thì đâu có ai năn nỉ cũng coi như chẳng nghe thấy. Nàng nể lời khe khẽ lắc đầu nói:
- Thưa Tôn bà, Tôn bà đã quên qui luật mà Tiên sư đã dặn sao?
Tôn bà biết có nói nữa cũng chẳng ích gì, tiến đến gần Dương-Qua nói nhỏ:
- Thôi ta cùng với cháu đi chơi vậy.
Dương-Qua dụi mắt cúi đầu bước ra, nói:
- Thưa bà, cháu chẳng dám phiền bà dẫn cháu ra đi.
Nó vừa ra đến cửa mộ, bỗng có tiếng nói từ ngoài vọng vào:
- Tôi là đệ tử của Toàn-Chân phái Doãn-chí-Bình, phụng mệnh sư phụ tôi đến xin yết kiến Tiểu-long-Nữ cô nương.
Tiếng nói rõ ràng từ trong rừng gần mộ đài nghe rõ mồn một.
Tôn bà vội lướt tới, nắm chặt tay Dương-Qua nói:
- Có người ở ngoài toan bắt cháu. Cháu đứng yên nơi đấy, đừng ra nữa.
Mặt Dương-Qua bỗng nhợt nhạt, nửa kinh hãi, nửa tức giận, thân thể nó run lên.
Tiểu-long-Nữ nói:
- Thưa Tôn bà, xin Tôn bà hỏi xem họ muốn yết kiến chúng ta có điều chi.
Tôn bà nghĩ ngợi một lát rồi quay sang nói với Dương-Qua:
- Cháu ở đây, để ta ra ngoài hỏi xem họ muốn yết kiến cô nương có việc gì?
Dương-Qua bẩm tính vốn ngang ngạnh, lúc bấy giờ khí uất lại nổi lên, nó trọn đôi mắt tròn xoe nhìn ra ngoài nói:
- Thưa Tôn bà, Tôn bà chẳng cần che chở cháu làm chi, việc cháu làm cháu chịu, cháu đã lỡ tay đánh chết một đạo sĩ ở Trùng-Dương cung, dù cháu có bị họ giết cũng được.
Nói dứt lời nó nhảy thót ra ngoài.
Bà lão thở dài, nói:
- Thằng bé nầy thực khó bảo. Bọn họ đang ở nơi trung tâm khu vực của mộ đài, nó làm sao thoát ra khỏi được.
Nói là mộ đài, nhưng kỳ thực đây là một tòa nhà rộng lớn xây ngầm dưới lòng núi. Xưa kia chính Vương-trùng-Dương đã dùng chốn nầy để luyện tập võ nghệ. Lúc đầu, Vương-trùng-Dương chỉ xây cất sơ sài nhưng cũng đã bố trí nghiêm chỉnh nơi cư trú của mình, để xứng đáng là nơi trung tâm của một môn phái. Sau đó người bạn cũ của Vương-trùng-Dương đến ở, lại chỉnh đốn thêm lên, làm cho mộ đài thêm vẻ uy nghi diễm lệ, nhất là các phòng, các động và những lối ra vào trở nên huyền ảo khác thường.
Bấy giờ Tôn bà thấy Dương-Qua bướng bỉnh liền nhảy theo, nắm tay dắt đi.
Chỉ một lúc, hai người ra khỏi cửa động, xuyên qua rừng thông đến một miếng đất trống trước rừng.
Trăng sáng, xuyên qua các cành cây kẽ lá như thếp vàng, dưới ánh trăng, có bóng sáu, bảy đạo sĩ. Đàng xa lại có bốn đạo nhân đang phục dịch săn sóc cho hai người bị thương là Tỉnh-Quang và Triệu-chí-Kính.
Mấy đạo nhân trông thấy Dương-Qua liền bàn luận với nhau rồi tiến lên phía trước mấy bước.
Dương-Qua giật tay ra khỏi bàn tay bà lão, chạy đến đàng trước nói lớn.
- Ta ở chỗ nầy chờ chúng bay đến để giết chết ta đây.
Mấy đạo nhân không ngờ tánh khí Dương-Qua lại có thể cứng cỏi và liều lĩnh đến thế. Trong đám đạo nhân ấy có một người xông ra, định chộp lấy Dương-Qua ấn đầu đẩy nó về phía trước.
Dương-Qua điềm tĩnh, cười nhạt, nói:
- Ta đâu thèm trốn tránh mà ngươi lại vội vàng đến thế.
Vị đạo nhân ấy là đệ tử của Triệu-chí-Kính. Vì thế sư phụ nó vì Dương-Qua mà bị ong đốt trọng thương nên nó nóng lòng muốn bắt Dương-Qua đánh cho chết. Từ thuở nhỏ, đạo sĩ nầy sống bên Triệu-chí-Kính được Triệu-chí-Kính săn sóc coi như con đẻ vậy, nay Triệu-chí-Kính bị ong đốt, chết đi sống lại làm sao nó khỏi đau lòng. Nó hăm hở dùng quyền đánh vào đầu Dương-Qua.
Tôn bà định bụng sẽ đem lời phải trái nói chuyện với các đạo sĩ, song thấy Dương-Qua bị đạo sĩ kia nắm đầu, đột kích một cách tàn nhẫn, bà lão phút động lòng thương liền phi thân tới phóng vạt áo đánh vào bọn kia để cứu Dương-Qua. Bọn kia bị đau tê tái cả người tưởng như một lằn roi sắt đánh vào da thịt, vì thế bọn chúng phải buông Dương-Qua ra.
Tôn bà tay trái bồng Dương-Qua, tay phải chống vào hông, hiên ngang lui về phía rừng thông.
Miếng đánh bằng vạt áo để cướp lại người nhanh như điện, khiến cho các đạo sĩ đứng ngây người, không kịp đề phòng.
Tôn bà đi xa được vài trượng thì ba đạo sĩ tức giận hét lớn:
- Bỏ thằng ấy ra!
Dứt lời, họ hò nhau xông đến. Tôn bà ngãnh đầu lại, cười nhạt nói:
- Các người làm gì thế.
Bấy giờ Doãn-chí-Bình xông đến, nhận ra được bà lão là người đã ở lâu năm trong Hoạt-tử-Nhân mộ đài, nên chẳng dám khinh thường, sợ mắc tội với tiền nhân liền ra lệnh cho các đạo sĩ kia:
- Tất cả mọi người đều phải dang ra, không được vô lễ với Tôn bà.
Đoạn Doãn-chí-Bình cúi rạp đầu làm lễ:
- Đệ tử Doãn-chí-Bình xin kính bái bậc tiền bối.
Bà lão hỏi:
- Có chi thế.
Doãn-chí-Bình thưa:
- Có thằng bé kia là đệ tử của Toàn-Chân phái, kính xin tiền bối vui lòng trả lại cho.
Tôn bà quắc mắt nghiêm nghị nói:
- Trước mặt ta, các ngươi dùng những đòn độc ác đánh nó. Nếu ta trao nó cho các ngươi mang về Trùng-Dương cung thì không biết các ngươi còn đối xử tàn ác với hắn bằng cách nào nữa. Ta nỡ lòng nào để cho đứa trẻ thơ phải chịu đày đọa oan uổng?
Doãn-chí-Bình nuốt nhục, nói:
- Thằng nhỏ nầy thực ngoan cố chưa từng thấy. Nó lừa thầy dối bạn, không còn biết lễ nghĩa, trời đất là gì. Chúng tôi răn phạt nó thì nó lại còn ươn ngạnh hơn.
Bà lão vẫn giận dữ, nói:
- Ghê gớm chưa! Nó lừa thầy bạn ư? Hay là những bậc làm anh làm cha đã lừa dối nó? Suốt nửa năm, chẳng dạy nó được một ngón võ nào, thế mà bảo nó phải ra tỉ thí với những đồ đệ hảo hán trong phái. Nó không muốn đấu mà cứ ép nó phải đấu. Đến khi đấu tất phải có kẻ hơn người thua, sao lại buộc nó vào tội ươn ngạnh? Đối với một đứa trẻ thơ như thế đó mà mọi người xúm lại đánh nó như đánh một kẻ thù thì còn mặt mũi nào dám xưng là sư phụ, sư thúc, sư bá của nó ư? Bực trên lầm lỗi bao giờ cũng đắc tội hơn kẻ dưới.
Tôn bà có nét mặt xấu xí, khi máu giận bốc lên, mặt đỏ gay, các bắp thịt nhăn nheo rung chuyển lại càng làm cho bà lão thô kịch hơn nữa. Các đạo sĩ ai nhìn vào mặt bà cũng phải rợn người.
Doãn-chí-Bình nghe bà lão nói một hồi, nghĩ bụng:
- Việc đả thương Tỉnh-Quang đâu phải là lỗi của Dương-Qua, chỉ tại những người đứng xem kích bác.
Nghĩ như vậy, hắn nói:
- Việc phải quấy chúng tôi cần trình với vị đạo trưởng chúng tôi phân xét. Bây giờ xin kính lão tiền bối giao trả Dương-Qua thôi.
Tôn bà cười nhạt nói:
- Toàn-Chân môn phái từ Vương-trùng Dương trở về sau không có lấy một người xứng đáng. Bởi thế tuy bọn ta ở gần mà chẳng bao giờ lui tới.
Doãn-chí-Bình nghe nói, bảo thầm:
- Lỗi ấy do mộ đài đâu phải lỗi của bọn ta không lui tới.
Tuy nghĩ thế, Doãn-chí-Bình cũng chẳng muốn biện luận làm gì với bà lão, chỉ muốn bà lão trả Dương-Qua lại cho xong việc bèn nói xuôi:
- Lão tiền bối là bậc tài cao đức trọng, nếu trong phái Toàn-Chân chúng tôi có điều gì sơ xuất dám xin lão tiền bối nói với đạo trưởng chúng tôi để răn dạy, và cũng để có dịp chúng tôi đến tạ tội cùng bậc tiền bối và Long cô nương.
Giữa lúc đó, Dương-Qua đang được Tôn bà bế ngang hông, kề tai nói nhỏ:
- Thưa Tôn bà, lão đạo sĩ nầy quỉ quái lắm, nhiều mưu kế thâm độc lắm, xin Tôn bà hãy cẩn thận kẻo lầm mưu đó.
Tôn bà thấy thằng bé đối với mình thân thiết chẳng khác tình bà cháu ruột thịt, lấy làm thích thú, nghĩ bụng:
- Dù chúng có nói đến đâu ta cũng không thể trao trả thằng bé nầy cho chúng hành hạ được.
Tôn bà nói lớn:
- Ngươi định đem thằng bé nầy về Trùng-Dương-cung để đối phó với nó chớ gì. Trời ơi! làm bậc sư phụ lại phải đối phó với đệ tử, đối phó với con nít ư?
Doãn-chí-Bình nói:
- Đệ tử đây với cha đứa bé xưa kia vốn là tình đồng môn. Nay cha nó mất đi, nó là đứa con côi cút, đệ tử nỡ nào quên tình cha nó mà xử tệ với nó. Xin trưởng lão cứ an tâm.
Bà lão lại lắc đầu nói:
- Già này vốn chẳng ưa kẻ khác nói nhiều lời.
Nói đoạn Tôn bà bồng Dương-Qua rảo bước vào rừng.
Bấy giờ Triệu-chí-Kính đang bị ong độc cằn, được mọi người cứu chữa gần đấy. Tuy Triệu-chí-Kính vẫn còn đau đớn khó chịu, tỉnh mỉnh tâm thần. Khi nghe bà lão nói, Triệu-chí-Kính nghe rõ và không đằng được sự căm tức, liền vùng dậy chạy về hướng Tôn bà quát lớn:
- Thằng nhỏ kia là đệ tử của ta, muốn đánh muốn mắng chưởi nó là do quyền ta quyết định. Ai ngăn cản sư phụ không cho trừng phạt đệ tử tất kẻ ấy không biết điều.
Bà lão thấy Triệu-chí-Kính nhảy lồng lộn như đứa mất trí, lại nghe giọng nói hỗn láo ấy biết hắn là sư phụ của Dương-Qua, và lời Dương-Qua là đúng, nên chẳng thèm phân lời hơn thiệt, cất tiếng nói:
- Ta chẳng để cho ngươi có quyền, ngươi làm gì ta.
Triệu-chí-Kính đỏ ngầu đôi mắt, quát:
- Đứa bé đó là đệ tử của ta. Bà có can hệ gì đến nó? Bà có quyền gì giữ lấy nó.
Tôn bà giọng run run, đáp:
- Từ trước nó đã không phải là người trong môn phái Toàn Chân. Nó đã tôn Tiểu-long-Nữ làm sư mẫu, Tiểu-long-Nữ trong mộ đài có quyền định đoạt số phận của nó, các ngươi không có quyền.
Các đạo sĩ nghe bà lão nói đều nhốn nháo lên.
Bởi vì theo quy tắc trong võ lâm, một đệ tử đã nhận ai làm thầy rồi thì không có quyền chạy sang thầy khác khi không có sự đồng ý của thầy trước. Trái lẽ đó sẽ bị ghép vào tội bội nghịch. Ngược lại, các bậc thầy cũng không có quyền nhận đệ tử của kẻ khác làm đệ tử của mình khi chưa được vị thầy trước yêu cầu. Hơn nữa, một đệ tử người nầy sang học người khác cũng không được gọi người khác bằng sư phụ. Trong đời võ chỉ được gọi một người bằng sư phụ mà thôi. Ví như Quách-Tỉnh trước kia đã làm lễ thụ giáo Giang-Nam thất tử, sau đến học Hông-thất-Công, vẫn không được gọi Hông-thất-Công là sư phụ. Mãi đến Kha-trấn-ác vì có sự dàn xếp chính thức với Thất tử, thỏa thuận phân công nên mới gọi Kha-trấn-ác là sư phụ.
Tôn bà bị Triệu-chí-Kính vặn hỏi, không biết trả lời làm sao phải nói bừa như thế, bà không biết rằng nói như thế là trái với quy tắc trong võ lâm. Hơn nữa, bà lão tự thuở nay có bao giờ giao thiệp với người ngoài đâu mà hiểu biết quy tắc.
Các đạo sĩ trong phái Toàn-Chân nghe bà lão nói, ai cũng tỏ vẻ cấm tức, bởi vì bà đã công khai phản lại luật lệ của tổ sư.
Triệu-chí-Kính cắn răng cố nhịn đau, thét hỏi Dương-Qua:
- Dương-Qua! Có đúng thế chăng? Có phải mày đã nhìn nhận Tiểu-long-Nữ làm sư phụ chăng?
Dương-Qua chỉ là một đứa bé, đâu biết trời đất là gì. Nó thấy ai bênh vực cho nó thì nó hưởng ứng nói theo.
Bởi vậy nó gườm mắt nhìn Triệu-chí-Kính, quát lớn:
- Đạo sĩ khốn kiếp kia! Cả bọn đánh ta, ta còn làm sao nhận là thầy được! Ta đã bái lạy Tôn bà làm sư mẫu và cả Tiểu-long-Nữ cô nương nữa.
Lửa giận xông lên ngùn ngụt ở họng ở cổ, Triệu-chí-Kính như muốn xé tung lồng ngực, Triệu-chí-Kính vùng dậy như một con hổ đói, lấy tay xỉa về phía bà lão.
Tôn bà mắng lớn:
- Súc sanh! Ngươi muốn làm gì ta?
Rồi bà lấy tay gạt phắt Triệu-chí-Kính ra.
Triệu-chí-Kính vốn là một tay cự phách trong phái Toàn-Chân so với những người trong hàng đệ tam đại đệ tử. Bởi vậy mặc dù đang bị thương, Triệu-chí-Kính ra quyền vẫn còn mãnh liệt lắm.
Sau một đòn chạm nhau, cả hai bên đều lui về một bước để thủ thế.
Tôn bà lườm mắt nhìn Triệu-chí-Kính nói:
- Khá khen mi cũng là tay bản lĩnh, không phải là tầm thường.
Triệu-chí-Kính lại xông vào xỉa một đòn thứ hai nữa. Nhưng ngón đòn này cũng bị Tôn bà đánh vẹt ra.
Lấy làm uất ức, Triệu-chí-Kính lấy toàn lực tấn công đòn thứ ba nữa.
Lần nầy Tôn bà không gạt, né sang một bên vút vạt áo tung ra, Triệu-chí-Kính nghe tiếng gió toan tránh sang một bên thì bỗng nhiên đến lúc cái vết độc trong người trở lại hành hạ làm cho Triệu-chí-Kính đau nhức không chịu nổi, ôm đầu ngồi phịch xuống đất.
Tôn bà tiến đến đá vào mông Triệu-chí-Kính một đá làm cho Triệu-chí-Kính tung bổng lên trời như một trái banh, tiếng la ú ớ không dứt.
Thấy vậy các đạo sĩ hô nhau lập bày thế trận Bắc-đẩu để đối phó với Tôn bà.
Tuy Tôn bà không biết đến trận Bắc-đẩu, song chỉ giao đấu vài hiệp, bà lão đã biết thế trận lợi hại như thế nào rồi. Tay trái bà phải bồng Dương-Qua chỉ còn có một tay mặt để ứng phó với đối phương mà thôi.
Sau khi đánh tới hiệp thứ mười ba, bà lão đã bị thế trận vây hãm, buộc bà ở trong tình trạng hiểm nghèo.
Thật ra, nếu đem tài võ nghệ của từng mỗi đạo sĩ ra mà so sánh thì trong bọn còn kém thua bà lão nhiều. Nhưng nhờ thế trận Bắc-đẩu bảy người hợp sức lại thành một, nên mãnh lực phi thường, trận thế nhờ đó biến chuyển theo lối liên hoàn làm cho bà lão ở trong thế "mãnh hổ nan địch quần hồ".
Mỗi ngọn cước Tôn bà công kích đều bị Doãn-chí-Bình chỉ huy trận thế một cách linh diệu, giải vây một cách dễ dàng.
Còn thế công của Bắc đẩu trận luôn luôn liên tục, không hề gián đoạn. Bởi vậy, chỉ đánh thêm mười hiệp nữa, là Tôn bà bị hai đạo sĩ khóa được tay phải, mé hông trái lại bị hai người nữa công kích bằng những đòn bổ thượng.
ở vào thế bắt buộc, Tôn bà phải buông Dương-Qua ra để được rảnh tay ứng chiến.
Nhưng bà vừa buông Dương-Qua thì bỗng nghe một tiếng huýt hai đạo sĩ xông đến bắt Dương-Qua.
Tôn bà nghĩ bụng:
"Dương-Qua mắng bọn đạo sĩ kia là khốn khiếp thật cũng đúng. Ta không ngờ bọn chúng lại nhiều thù oán với thằng bé như thế".
Đoạn , bà lão tung vạt áo quất đuổi hai người , mồm ngân lên mấy tiếng o ! o !. Tiếng ngân lúc đầu nhỏ sau lớn dần .
Doãn-chi-Bình đã rõ được tài nghệ của lão bà nên từ lúc giao đấu đến giờ hết sức thận trọng . Doãn-chí-Bình thừa hiểu vị tiền bối kia từ xưa đến nay cư trú trong Hoạt-tử-Nhân mộ đài , so với vị tổ sư sáng lập ra môn phái Toàn-Chân thì tài nghệ kể cũng suýt soát , chỉ vì bà lão già nua vậy thôi .
ấy vậy , muốn thắng bà lão đâu phải chuyện dễ , dẫu rằng với thế Bắc đảu trận.
Lúc nghe tiếng o ! o ! o ! Doãn-chí-Bình tưởng rằng đó là một phép " truyền âm nhiếp tâm " để điều hoà hơi thở và ổn định tâm thần , phòng bị địch nhân dùng pháp thuật chế ngự , nào ngờ đâu những âm thanh ấy mỗi phút một lớn dần , rồi gây nên một biến cố làm cho các đạo sĩ phải kinh hoàng khiếp vía.

<< Hồi 12 | Hồi 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 727

Return to top