Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Thần Điêu Đại Hiệp

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 212635 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thần Điêu Đại Hiệp
Kim Dung

Hồi 8
Hôm sau, gặp ngày lành tháng tốt. Quách-Tỉnh và Dương-Qua chuẩn bị vàng bạc, hành lý giã từ mọi người rồi dùng thuyền hướng về phía bờ biển Triết-Giang. Đến bờ, Quách-Tỉnh mua hai con ngựa tốt và dong duổi theo đường bộ, ngày đi đêm nghỉ, trực chỉ đến miền Bắc.
Dương-Qua từ tấm bé đến giờ chưa hề cỡi ngựa, song nhờ có gan dạ và lanh lợi nên chẳng mấy chốc đã quen thuộc với lối di chuyển mới lạ này. Một thời gian, hai người vượt sông Hoàng-Hà vào địa phận Thiểm-Tây. Bấy giờ nhà Đại-kim bị quân Mông-cổ tiêu diệt, cho nên đất Trung-hoa từ sông Hoàng-hà trở về phía Bắc thiên hạ đều thuộc về Mông-cổ.
Ngày xưa, lúc thiếu thời, Quách-Tỉnh đã từng làm Nguyên-soái trong quân ngũ của nhà Mông, từng quen biết khá nhiều nhân vật trong sắc dân nầy nên Quách-Tỉnh sợ lộ tông tích bèn đổi con tuấn mã, cỡi con lừa và cải trang làm một nông dân để bạn bè cũ không thể nhận diện khi đi ngang qua các bộ.
Dương-Qua rất bực mình lối cải trang nầy, vì, nó không muốn sống theo lối giả tạo, mất cái phong cách tự nhiên. Tuy vậy, nó không dám làm phật ý Quách-Tỉnh nên cũng mặc áo vải thô quần cộc, cỡi con lừa cái đi chậm chạp như rùa.
Nhưng rồi hai người cũng lần mò đến Phàn-xuyên.
Phàn-xuyên được khai canh khi nhà Hán quốc do công lao của đại tướng Phân-Hợi. Vì vậy sau nầy dân cư gọi vùng đất nầy như thế để kỷ niệm người gây dựng đầu tiên.
Đất Phàn-xuyên màu mỡ phì nhiêu, dân cư đông đúc, hai bên bờ sông dâu xanh trùng điệp, ruộng vườn tươi tốt, cây trái tươi mùa, cảnh trí chẳng khác gì nơi Giang-nam, khiến Dương-Qua mang máng nhớ đến Đào-hoa-đảo.
Thật ra Dương-Qua sống ở đảo Đào-hoa chưa được bao lâu, và tâm trạng cũng không ổn định. Tuy nhiên, không thể vì lòng người thắc mắc mà không cảm mến đến cỏ cây. Cái đẹp của đảo Đào-hoa không thể không làm cho lòng Dương-Qua quyến luyến.
Dương-Qua thỏ thẻ với Quách-Tỉnh:
- Thưa chú, sao cảnh sắc ở đây lại giống hệt cảnh đảo Đào-hoa của chúng ta nhỉ!
Mấy tiếng "đảo Đào-hoa của chúng ta" làm cho Quách-Tỉnh nhận rõ lòng chân thành của Dương-Qua. Thì ra, Quách-Tỉnh có cảm giác như mình đã ngộ nhận rằng Dương-Qua chỉ muốn rời đảo vì bực bội lối sinh hoạt ở đây, theo sự nhận xét của Quách-Tỉnh trước đây.
Cảm động, Quách-Tỉnh dịu dàng nói:
- Này Qua nhi! Từ đây đến Nam-Chung-Sơn chẳng còn bao xa nữa và cảnh sắc cũng đẹp đẽ chẳng kém đảo Đào-hoa. Đến đấy con phải rán học tập cho thành tài. ít năm nữa sẽ về đoàn tụ với chúng ta.
Dương-Qua lắc đầu ra chiều không tin tưởng nói:
- Con chắc phải vĩnh viễn chia lìa không bao giờ có thể trở lại được.
Qua một đoạn đường, Quách-Tỉnh đắn đo một lúc rồi hỏi:
- Có phải con không bằng lòng thím con chăng?
Dương-Qua nhanh nhẩu đáp:
- ấy chết! Xin chú chớ dạy thế. Con có bao giờ dám vô lễ? Con chỉ sợ thím không bằng lòng con mà thôi.
Quách-Tỉnh lại yên lặng tiến bước. Trong bụi đường chỉ nghe tiếng vó lừa nện trên sỏi đá.
Trưa hôm đó, hai người đến trước một tòa cổ miếu. Cả hai đều xuống lừa buộc vào gốc cây rồi cùng nhau vào miếu.
Họ bước vào nhà trai (phòng ăn) xin mỗi người một bát cơm chay rồi bưng ra ngoài gốc dương liễu ngồi ăn ngon lành.
Trong miếu có hơn bảy tám vị tăng đang ngồi ăn uống, nhưng thấy dáng điệu quê mùa của Dương-Qua và Quách-Tỉnh nên để ý nhìn chừng.
Đang ăn, Quách-Tỉnh chợt thấy phía sau một gốc tùng có một tấm bia đá để lộ ra hai chữ "Trường-Xuân".
Trường-Xuân chính là ký hiệu của Khưu-xứ-Cơ, vị giáo chủ phái Toàn-Chân, người cầm cân nảy mực cho vũ-phụ chính thống được thiên hạ nghiêng mình chiêm ngưỡng và được khắp trong giới vũ-lâm khâm phục.
Quách-Tỉnh mừng rỡ bỏ bát đũa xuống, chạy đến gốc tùng để xem những gì của Giáo chủ Toàn-Chân đã ghi tạc vào tấm bia kia.
Thì ra trên tấm bia đó chỉ có một bài thơ, ngụ ý thương dân mến nước, buồn cho dân tình phải ta thán cách đây mươi năm về nạn can qua.
Quách-Tỉnh chẳng ngờ vị chân nhân của phái Toàn-Chân lại cũng biết rung cảm trước cái khổ đau của nhân loại.
Quách-Tỉnh vô cùng hân hoan, nhiều hy vọng tràn ngập cõi lòng vì tin tưởng rằng Dương-Qua nếu được ký thác vào một tài năng có đức độ như Trường-Xuân Khưu-xứ-Cơ thì tương lai sẽ hữu dụng.
Dương-Qua thấy Quách-Tỉnh bỏ ăn, trầm ngâm suy nghĩ trước tấm bia, liền hỏi:
- Thưa chú, bài thơ nầy có gì mà làm cho chú phải bận tâm.
Quách-Tỉnh đáp:
- Bài thơ này do Khưu-tổ-sư phái Toàn-Chân sáng tác. Khưu-tổ-sư lại là sư phụ của cha con ngày trước. Cha con là người đệ tử được Khưu-tổ-sư đẹp ý nhất. Chú tin rằng lúc con đến với Khưu-tổ-sư, hình ảnh của con sẽ làm cho Tổ-sư nhớ tới tình sư đệ của cha con mà chăm sóc cho con. Con chỉ cần cố gắng học tập là mai sau được rạng rỡ.
Dương-Qua nghe nhắc đến cha mình vội hỏi:
- Thưa chú, chú có thể cho con biết sự việc nầy chăng?
Quách-Tỉnh trả lời:
- Được! Con muốn gì cứ hỏi. Ngoài tình sư phụ còn là nghĩa kim hằng, giữa chú với con có gì mà ái ngại.
Dương-Qua nghiêm nghị thưa:
- Thưa chú, chú có biết cha cháu như thế nào chăng?
Câu hỏi đột ngột của Dương-Qua làm cho Quách-Tỉnh lúng túng, nhớ lại sự kiện xảy ra trước kia ở Thiết-Thương miếu, toàn thân Quách-Tỉnh run lên.
Dương-Qua hỏi tiếp:
- Thưa chú, ai là người đã sát hại cha con?
Đến đây, Quách-Tỉnh không thể chịu nổi sự nghi ngờ chính đáng của Dương-Qua. Tuy Quách-Tỉnh là người điềm đạm hay nhịn nhục, nhưng mấy câu hỏi dồn dập đã làm cho Quách-Tỉnh điên người. Quách-Tỉnh mặt biến sắc, vung tay đấm mạnh vào tấm bia đá, hét:
- Ai dạy cháu ăn nói hồ đồ như thế?
Trong cơn giận, Quách-Tỉnh không để ý tự nhiên vận dụng toàn thể chưởng lực tập trung vào cái đấm tay làm cho tấm bia đá tan nát ra từng mảnh, văng tung tóe.
Thấy mặt mày giận dữ của Quách-Tỉnh, Dương-Qua ôn tồn nói:
- Thưa chú, có lẽ cháu nghe lầm, từ nay cháu không dám hồ đồ như thế nữa, xin chú rộng lòng bỏ qua.
Vốn sẵn có cảm tình với Dương-Qua từ lâu, cái giận của Quách-Tỉnh chẳng qua trong phút chốc trắc ẩn trong lòng, nên khi nghe Dương-Qua hối lỗi, Quách-Tỉnh tỏ ra quảng đại bao dung, mặt mày tươi tắn nhìn Dương-Qua trong tình thương mến như trước.
Giữa lúc đó có tiếng thầm thì sau lưng, Quách-Tỉnh quay lại thì thấy hai vị đạo sĩ trạc tuổi trung niên, đang chăm chú nhìn vào chiếc bia vỡ, và trao đổi với nhau những lời không ai nghe rõ.
Quách-Tỉnh xét thấy dáng điệu hai vị đạo sư nầy có vẻ hiên ngang biết ngay họ thuộc vào phái võ biền, và tài năng cũng không phải tầm thường. Từ đây đến Chung-Nam-Sơn không bao xa, hai người nầy có thể là những nhân vật của Trùng-Dương cung và cũng rất có thể họ là hai người trong bảy vị đệ tử trứ danh của phái Toàn-Chân.
Thật ra, từ ngày Quách-Tỉnh trở về đảo Đào-hoa đến nay thời gian thấm thoát trôi, Quách-Tỉnh không hề liên lạc với phái Toàn-Chân. Bởi vậy các môn đệ đương thời làm sao Quách-Tỉnh quen biết được. Vả lại danh tiếng phái Toàn-Chân bay khắp bốn phương thu hút nhiều anh hùng hào kiệt đến thụ giáo.
Biết vậy, Quách-Tỉnh nghĩ rằng chưa vội làm quen với môn đệ, điều cần thiết là phải đến yết kiến Khưu-tổ-sư trước đã.
Tuy nhiên hiện nay Quách-Tỉnh cũng chưa biết Khưu-tổ-sư tọa vị nơi nào, mà dẫu có biết cũng không dễ gì được xin yết kiến. Quách-Tỉnh lại nghĩ rằng tốt hơn nên dò lần theo chơn hai vị đạo sư này mà đi tìm Khưu-tổ-sư mới được.
Nghĩ như thế, Quách-Tỉnh rời bỏ cổ miếu, dắt Dương-Qua lần bước theo hai vị đạo sư.
Hai vị nầy đi mau thoăn thoắt, Quách-Tỉnh và Dương-Qua vừa ra khỏi cổng thì họ đã đi xa miếu hàng chục dặm đường, hình người chỉ còn thấy li ti như hai cái chấm nhỏ trên con đường trắng xóa bò quanh sườn núi. Họ cặm cụi đi chẳng hề quan tâm nhìn lại phía sau.
Sợ mất hút hai bóng người, Quách-Tỉnh liền cặp nách Dương-Qua phi thân đuổi theo. Chỉ một lúc, Quách-Tỉnh đã theo kịp đến sát cạnh và cất tiếng lễ phép thưa:
- Xin nhị vị hãy dừng chân cho chúng tôi hỏi một lời.
Tiếng nói của Quách-Tỉnh vang vang, thế mà hai đạo sư vẫn như không nghe gì cả, cứ tiếp tục đi mãi.
Quách-Tỉnh lấy làm lạ nghĩ thầm:
- Có lẽ hai người nầy điếc chăng?
Nghĩ như thế, Quách-Tỉnh nhanh chân hơn nữa, bắn mình vượt đến trước hai đạo sư, rồi bất thần đứng lại, thả Dương-Qua xuống đất, chắp tay thi lễ và nói:
Thưa nhị vị, tôi xin phép được thưa truyện cùng nhị vị.
Hai đạo sư dừng chân, trố mắt nhìn Quách-Tỉnh một hồi như để tìm tòi nhận xét, rồi cất tiếng hỏi:
- Người muốn gì?
Quách-Tỉnh lễ phép thưa:
- Thưa nhị vị, tôi vốn là người quen biết của Khưu chân nhân, mong được bái vết vị đạo trưởng ấy. Xin phiền nhị vị giúp cho tôi được gặp gỡ.
Hai vị đạo sư một người cao mà ốm, một người mập mạp mà lùn.
Người mập và lùn cười nhạt nói:
- Ngươi có việc của ngươi, chúng ta có việc của chúng ta. Hãy tránh ra đừng cản trở vô ích.
Nói chưa dứt lời, đạo sư ấy đưa tay đấm vào bụng Quách-Tỉnh.
Quách-Tỉnh không kịp tránh né, thì người đạo sư cao và ốm cũng lại đánh bồi thêm một đấm vào mạng mỡ của Quách-Tỉnh nữa.
Thật ra, hai cú đấm đó Quách-Tỉnh không lạ lùng gì cả. Đã là đồ đệ của môn phái Toàn-Chân còn lạ gì cặp song chưởng "Đại-quang-môn". Tuy nhiên, Quách-Tỉnh không đề phòng là vì những đồ đệ của phái Toàn-Chân không bao giờ thì thố cặp song chưởng đó một cách hạ lưu đến thế.
Cặp song chưởng "Đại-quang-môn" phái Toàn-Chân chỉ dùng trong trường hợp tự vệ, hoặc trong lúc lâm nguy hay cứu người khác bị áp bức.
Thật ra Quách-Tỉnh không lầm rằng mình đã dự đoán hai đạo sư đó là người của Trùng-Dương cung, thuộc hạ của Khưu-chân-nhân, song chẳng biết vì sao hai đạo sư lại có hành động dị kỳ như vậy. Người của Trùng-Dương cung sao lại có hành động như thế bao giờ? Hoặc giả hai vị nầy lầm lẫn, hoặc giả họ muốn thử thách Quách-Tỉnh chăng?
Quách-Tỉnh nghĩ thế và không né những quả thôi sơn của hai vị đạo tăng.
Vừa hứng chịu những quả đấm, Quách-Tỉnh vừa lặng thinh, nín thở để đo lường chưởng lực của hai đạo tăng đến mức nào.
Chưởng lực khá mạnh tỏa đều chạy khắp trên cơ thể Quách-Tỉnh. Tuy nhiên, Quách-Tỉnh không hề biến sắc, trạng thái vẫn bình thường.
Qua những đòn chưởng độc hiểm, mà Quách-Tỉnh vẫn thư thái, hai vị đạo tăng thấy thế kinh ngạc. Họ lạ lùng vì thấy một ngón võ thông truyền của phái Toàn-Chân mà họ phải dày công tập luyện hơn hai mươi năm nay, bỗng nhiên không còn hiệu lực trước một kẻ lạ mặt. Như thế kẻ đó nếu không phải là tay ma quái thì cũng vào loại tà đạo.
Hai vị đạo tăng bắt đầu nao núng. Có lẽ họ vì tự ái của môn phái hơn là vì đố kỵ cá nhân. Cả hai nổi giận, vận tăng chưởng lực đánh nhầu vào Quách-Tỉnh. Bốn chân họ đá tung lên một lượt.
Quách-Tỉnh vẫn yên lặng chịu đựng, không phản ứng và lạ lùng tự bảo:
- Thất tử Toàn-Chân là những vị điềm đạm, tác phong bao giờ cũng ôn hòa, cớ sao bây giờ trở nên táo bạo như thế. Hay là sau mười năm say sưa trong ngưỡng mộ của thiên hạ, nay chính thống đã bắt đầu biến thể?
Quách-Tỉnh nhắm mắt, nghe qua tiếng chân đá cũng biết hai đạo sư đang dùng ngón võ "san ương ngọc liên hoàn"
Thấy ngón võ nầy cũng không hiệu quả nữa, hai vị đạo sư toát mồ hôi, nhìn Quách-Tỉnh vẫn đang bình thản suy nghĩ.
Họ liếc nhìn nhau thầm bảo:
- Thật là kỳ quái! hắn là người hay là quái vật! nếu là người thì thuộc phái võ siêu đẳng nào đây?
Thật ra, nếu về lãnh vực tinh thần, con người đã đạt được trạng thái thánh-linh bằng cách tham thiền nhập định để chế ngự những gì bên ngoài đột nhập, thì trong lãnh vực võ nghệ người ta cũng có thể dùng thái độ vô vi để đương đầu với đối thủ vì vô vi của võ nghệ không khác gì cái vô vi của Lão-Trạng. Nhìn bên ngoài tưởng là thụ động, nhưng kỳ thực bên trong lại vô cùng tích cực.
Quách-Tỉnh vốn đã sống nhiều năm dưới trường Trung-dương-Cung, đã nắm vững cái uyên thâm của võ pháp Toàn-Chân, cho nên đã quá hiểu tác động của mỗi thế võ đối với thân lực và tinh thần của người bị đánh. Quách-Tỉnh thông suốt những đường gân sớ thịt nào phải chịu đựng, cho nên khi địch thủ ra tay. Quách-Tỉnh có thể không cần chống đỡ, chỉ việc tập trung thần lực để vận động gân cốt là thừa sức phản công, mà con làm cho địch thủ phải bị ảnh hưởng nữa.
Do đó, hai vị đạo tăng qua một hồi đấm đá, cảm thấy đau đớn cả mình mẩy. Họ nhìn nhau tự thú nỗi bất lực của mình trước sự nhẫn nhục phi thường của Quách-Tỉnh. Họ đứng ngay người không biết phải xử trí ra sao.
Dương-Qua từ lúc nãy đã chứng kiến thái độ hung hăng của hai vị đạo sư, bây giờ trước thái độ nhường nhịn quá sức của Quách-Tỉnh nó không chịu được, nổi nóng cất tiếng mắng:
- Đồ súc sinh! Sao dám vô lẽ phạm đến sư phụ ta?


Alert | IP Printer-friendly page | Edit | Reply | Reply With Quote | Top



Author dongta
Author Info Member since Nov-22-01:561 posts, 1 feedbacks, 2 points
ID/Subject 1. "Tiếp Theo Hồi 8"
Date/Time Jan-12-02, 06:03 PM ()
Message

In response to message #0

Quách-Tỉnh thấy thế liền đứng phắt dậy, quắc mắt nhìn cháu, nói:
- Qua Nhi! Chớ nên vô lễ, hãy đến bái chào nhị vị đạo sư!
Hai vị đạo sư không kịp đợi cho Quách-Tỉnh dứt lời, họ bất thần rút kiếm ra khỏi vỏ, người lùn và người mập đâm vào Dương-Qua, người cao và ốm chém vào Quách-Tỉnh.
Trước thế võ bất ngờ và nguy hiểm, Quách-Tỉnh xét thấy cần phải đối phó để cứu nguy cho Dương-Qua, nên lẹ tay dây nhẹ vào chuỗi kiếm của đạo sư ốm, chưa kịp chém tới đã văng ra một bên đánh tạt vào lưỡi kiếm của đạo sư lùn. Và cả hai thanh trường kiếm chạm nhau nẩy lửa, rồi đồng rơi xuống đất.
Đó là thủ pháp sở trường "dĩ địch công địch" mà Quách-Tỉnh thường dùng trong trường hợp một mình phải chống với nhiều đối thủ.
Hai vị đạo tăng thấy tài nghệ phi thường của Quách-Tỉnh hoảng hốt, hú lên một tiếng rồi bỏ chạy. Tiếng hú trầm bổng như biện tù và.
Quách-Tỉnh biết hai người đã dùng đến pháp thuật vận dụng phi kiếm, chàng không lo cho mình mà chỉ lo cho Dương-Qua. Chàng bối rối vì phải quyết định phương pháp trong nháy mắt mới mong kịp thời đối phó với bí pháp ấy.
Cái khó của Quách-Tỉnh là vừa phải bảo vệ sinh mạng cho Dương-Qua, vừa phải làm sao thủ lê với đối thủ mà chàng cho họ là môn đệ của Toàn-Chân.
Quách-Tỉnh tự bảo:
- Đây là bí thuật khai mào cho trân Thiên-cung Bắc-đẩu, nhưng họ chỉ có hai người thì làm sao có thể hoàn tất được kiếm phép thượng thặng này? Nên mình đối phó thì tánh mạng hai vị đạo tăng ấy lâm nguy, còn không đối phó thì tánh mạng Dương-Qua là khó toàn vẹn.
Cuối cùng Quách-Tỉnh nghĩ tốt hơn là tạm thời ôm Dương-Qua vào lòng, tập trung chưởng lực cho tỏa ra xung quanh để bảo vệ hai người, đồng thời cố gắng thuyết phục họ.
Quách-Tỉnh nói:
- Thưa nhị vị, tôi vốn là cố tri của Khưu chân nhân nhị vị hãy lơi tay để tôi có lời thưa gởi.
Vị đạo sư ốm nói:
- Dẫu nhà ngươi có là cố nhân hay cố tri của Mã chân nhân đi nữa cũng chẳng ích gì.
Quách-Tỉnh một mực lễ phép thưa:
- Thưa nhị vị, chính Mã chân nhân cũng là người truyền dạy võ nghệ cho tôi.
Vị đạo sư lùn nói:
- Thôi thôi! Chúng ta không muốn lắm lời! Có lẽ nhà ngươi cũng cho sư tổ Trùng-Dương là cố nhân của nhà ngươi nốt.
Trong lúc đó, hai lưỡi kiếm bay đến vèo vèo, lượn xung quanh mình Quách-Tỉnh và Dương-Qua, bào quang chói rực. Nhưng tuyệt nhiên không có mãnh lực nào có thể xâm phạm nổi.
Hai vị đạo tăng ngạc nhiên, thu hồi trường kiếm lại nhìn nhau, rồi lớn tiếng mắng:
- Dâm tặc quả nhiên lợi hại! Thôi chúng ta tạm lui gót rồi sẽ liệu.
Quách-Tỉnh xưa nay vốn tánh điềm đạm và kiên nhẫn, ít khi lưu ý đến lời chửi mắng của đối phương. Quách-Tỉnh cho rằng chửi mắng chỉ là hiện tượng điên cuồng của kẻ rối trí trong phút chốc. Thái độ của Quách-Tỉnh bao giờ cũng tỏ ra người quân tử bất chấp lời cuồng loạn. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao hai tiếng "dâm tặc" của hai đạo sư thóa mạ, đã làm cho Quách-Tỉnh mất hẳn tự chủ.
Mặc dù hai đạo sư đã phi thân trốn tránh, Quách-Tỉnh vẫn ôm Dương-Qua đuổi theo cho bằng kịp để hỏi cho ra lẽ mới nghe.
Khi đã phi thân đến trước mặt hai đạo sư Quách-Tỉnh chặn đường, hầm hầm hỏi:
- Các ngươi mắng ta như thế nào hãy thử nói lại nghe?
Đạo sư lùn ra dáng e ngại, song không dám làm thinh, cố giữ vẻ hiên ngang đáp:
- Chúng ta nói ngươi đã từng mơ ước con gái của nhà họ Long. Nay ngươi muốn bén mảng đến Chung-Nam-Sơn để giở trò gì nữa?
Dứt lời, đạo sư lùn sợ Quách-Tỉnh phản ứng, bất thần nên chùn lại bấy bước.
- Ta đã từng mơ tưởng con gái nhà họ Long? Con gái nhà họ Long nhà ai nhỉ? Vì sao ta lại mơ tưởng đứa con gái đó?
Hai vị đạo sư thấy Quách-Tỉnh không hung hăng nữa mà đứng ngây người ra suy nghĩ, liền thừa cơ dùng ngón "Hoàng-chương-pháp" mỗi người thoi vào Quách-Tỉnh mỗi cái rồi phi thân bỏ trốn.
Dương-Qua thấy Quách-Tỉnh nhào xuống đất vội đỡ dậy, và nói:
- Chú ơi! Chú tỉnh lại! Chúng nó đã bỏ chạy hết rồi!
Quách-Tỉnh như vừa thoát khỏi cơn mơ, hỏi Dương-Qua:
- Sao? Ta mơ tưởng con gái nhà họ Long? Con gái nhà họ Long là ai vậy cháu?
Dương-Qua thủ thỉ nói:
- Chú chớ quan tâm lời nói ấy! Có lẽ hai thằng giặc kia đã nhận lầm chú ra một người nào khác chăng?
Quách-Tỉnh như hiểu ra, bật cười nói:
- à! Chắc có lẽ là thế? Nếu không có cháu, chú đã vì tức mà mất sáng suốt. Có bao giờ cháu nghe nói đến con gái nhà họ Long là ai đâu? Thôi, chúng ta cứ thẳng đường lên núi.
Dương-Qua nhìn thấy hai thanh trường kiếm của hai đạo sư bỏ lại trong lúc hấp tấp phi thân thoát nạn, liền nhặt lên trao cho Quách-Tỉnh xem.
Quách-Tỉnh thấy trên lưỡi kiếm có khắc ba chữ: "Trùng-Dương-Cung" thì gật đầu, tỏ vẻ hân hoan nói:
- Đúng rồi! Chú nhận không lầm. Họ là người của Trùng-Dương-Cung!
Hai người ung dung theo con đường ngoằn ngoèo lên đỉnh núi. Đi một lúc thấy một cái cổng lớn có ghi ba chữ "Cờ quan tự" và con đường trở nên eo hẹp, cong queo, chênh vênh trên sườn đồi.
Bấy giờ trời đã tối, mặt trăng hiện ra giữa lưng đồi. Đứng trên đỉnh núi nhìn quang cảnh thì thấy cực kỳ diễm ảo. ánh trăng trộn sương như ngọc pha châu, cảnh trí rất nên thơ mộng.
Quách-Tỉnh hỏi Dương-Qua:
- Cháu có mệt chăng?
- Cháu chưa mệt.
Quách-Tỉnh nói tiếp:
- Thế chúng ta cố gắng leo lên nữa!
Hai người cố sức leo lên một đoạn thì thấy sừng sững trước mặt một phiến đá rất lớn trông như một bà lão đang khom lưng đợi bắt một cái gì.
Dương-Qua cảm thấy ớn lạnh trong người. Nó đang chú ý nghe ngóng thì bỗng đằng sau vang lên một tiếng thét ghê rợn, tiếp theo bốn vị đạo sư xuất hiện.
Mỗi vị đạo sư tay cầm trường kiếm sắp thành hàng một chân lấy lối đi của hai người.
Quách-Tỉnh chắp tay lễ phép nói:
- Tại hạ là Quách-Tỉnh từ Đào-hoa đảo đến đây, ước mong được bái yết Khưu-tổ-sư.
Một vị đạo sư tiến lên một bước, một tay cầm cân, một tay nhìn lưỡi kiếm, nửa như để chào, nửa như để thủ thế nhìn Quách-Tỉnh cười nhạt nói:
Quách đại hiệp là kẻ vang danh trong thiên hạ, mà lại là nghĩa lễ của Hoàng lão, chúa đảo Đào-hoa, đâu phải là kẻ thô lỗ xấu xá như nhà ngươi. Thôi đừng mượn danh anh hùng đến đây toan làm việc tà dâm. Hãy lui ra mau kẻo mang họa vào thân.
Quách-Tỉnh tự bảo:
- Sao họ lại nhận xét người ở cái bế ngoài như vậy?
Đoạn, chàng lớn tiếng, nói:
- Thưa các ngài! Chính tại hạ là Quách-Tỉnh đây, xin cho tôi được phép diện kiến cùng Khưu chân nhân thì ngươi sẽ rõ hư thật.
Một vị đạo sư khác đáp lời:
- Súc sinh! Mày dám sử dụng đến tà pháp để quấy động Trùng Dương Cung! Đừng có lắm lời vô ích hãy xem kiếm thuật của chúng ta đây.
Trong đêm tối, Quách-Tỉnh nghe rõ ràng là tiếng của một trong hai vị đạo sư lúc ban chiều.
Tiếng nói vừa dứt, nhơ ánh trăng, Quách-Tỉnh thấy đường kiếm loáng bay vù vù, kiếm pháp "Phàn hoa phất liễu" hướng thẳng vào lưng và vai của Quách-Tỉnh để công kích.
Nhìn đường kiếm, Quách-Tỉnh ngạc nhiên, không hiểu sao kiếm pháp lại thay đổi toàn bộ quy củ của môn phái Toàn-Chân lúc trước. Phải chăng sau mười năm không tiếp xúc với Trùng-Dương-Cung vũ thuật của Quách-Tỉnh trở nên lạc hậu đối với sự tiến bộ đương thời chăng?
Quách-Tỉnh vội ôm Dương-Qua vào lòng giữ thanh trường kiếm bất động mà vẫn tránh được những đường tấn công tới tấp của đối thủ.
Bốn mũi kiếm của bốn vị đạo sư đua nhau hướng về tim của hai người. Hình như họ chỉ muốn tấn công ngay vào yếu điểm độc nhất đó mà thôi.
Quách-Tỉnh ôm Dương-Qua vào lòng để tránh, và la lớn:
- Thưa các ngài, tôi đích thị là Quách-Tỉnh đây. Các ngài muốn tôi còn phải nói thế nào nữa để các ngài mới có thể tin được.
Người đạo sư cao và ốm, lên tiếng:
- Ta chỉ nhìn nhận nhà ngươi khi nhà ngươi đoạt được thanh kiếm của ta.
Dứt lời, lão tung kiếm đâm vào bụng Quách-Tỉnh một nhát. ánh trăng vàng rung rinh theo lưỡi kiếm màu bạc.
Quách-Tỉnh liền ném ra một viên đạn nhỏ. Viên đạn trúng vào lưỡi kiếm tóe lửa. Tiếp theo ba tiếng "keng" nữa, bốn lưỡi kiếm đầu lần lượt rơi xuống đất.
Đêm tối, bốn vị đạo sư không rõ Quách-Tỉnh đã dùng vật gì để tung ba lưỡi kiếm đó, họ lấy làm kinh dị nhìn nhau.
Vị đạo sư ốm la lớn:
- Đúng là tên dâm tặc đó lại dùng tà pháp nữa rồi! Anh em, hãy lánh nạn.
Cả bốn đạo sĩ vụt chạy biến mất trong đêm tối, để lại bốn thanh trường kiếm nằm sáng giói dưới đất.
Quách-Tỉnh lần này bị nguyền rủa là "dâm tặc" nữa, nhưng chàng không tức giận lồng lộn lên như lần trước, mỉm cười bảo Dương-Qua:
- Cháu hãy nhặt bốn thanh trường kiếm lên. Chú đoán chắc thế nào họ cũng còn trở lại đây nữa.
Dương-Qua vâng lời đến nhặt bốn thanh trường kiếm, sắp thành hàng trên một phiến đá, với hai chiếc đã nhặt được trước kia là sáu.
Sáu thanh kiếm nhấp nhánh dưới ánh trăng như sáu vệt dài màu trắng xóa.
Dương-Qua cảm phục tài năng của Quách-Tỉnh đến nỗi không biết phải nói sao cho vừa, liền quỳ xuống, vòng tay thưa:
- Thưa chú, cháu phải nói rằng chú là bậc đệ nhất tài danh trong thiên hạ. Cháu chẳng muốn lên núi theo học với bọn đạo sư khả ố kia, chỉ muốn suốt đời theo chú mà thôi.
Quách-Tỉnh mỉm cười, nói:
- Chính tài năng của chú cũng nhờ ở vị tổ sư Trùng-Dương-Cung rèn đúc. Con chớ nản lòng.
Hai người lại lên đường, tiếp tục lên sườn núi.
Bỗng nghe gần đó có tiếng khí giới cọ nhau sang sảng. Rồi từ trong bụi rậm xuất hiện bảy vị đạo sư, người nào cũng lăm le thanh trường kiếm trong tay.
Quách-Tỉnh thấy họ phân ra hai toán, bên tả bốn người, bên hữu ba người dàn theo thế trận "Thiên-Cung Bắc-đẩu".
Điều nghi ngờ đầu tiên mà thành sự thật, Quách-Tỉnh nghĩ rằng muốn thoát khỏi thế trận này không khó lắm, duy chỉ ngại cho Dương-Qua.
Quách-Tỉnh nói nhỏ:
- Cháu tìm nơi nào tạm lánh mình và không cần lo cho tánh mệnh của chú.
Thằng bé vốn lanh lợi, bèn giả cách sợ sệt khóc và nói lớn:
- Chú ơi! Ma đó! Cháu sợ lắm? Cháu không dám đi với chú nữa.
Dứt lời, Dương-Qua nhảy lui ra đằng sau, đâm đầu chạy liền vào một bụi rậm.
Quách-Tỉnh khen thầm óc thông minh sáng suốt của Dương-Qua và tiếc rằng tính tình nó không hòa hợp với Hoàng-Dung để có thể trở thành một đồng bọn vô cùng lợi hại.
Vừa khen ngợi cơ xảo của Dương-Qua, Quách-Tỉnh lo phương pháp đối phó với "Thiên-Cung Bắc-đẩu trân".
Trong đêm trăng mờ, bảy vị đạo sư chỉ là bảy chiếc bóng đen lù lù không trông rõ mặt; họ tiến thối liên hoàn đúng theo trận pháp cổ truyền. Bóng đen nào cũng như có tóc dài xõa tận cung, mỗi lần di động là mỗi lần đầu rung rinh như chiếc tàn cây rậm.
Trong bảy bóng đen, một bóng có thân hình mảnh khảnh giống như thân hình của một đạo cô.

<< Hồi 7 | Hồi 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 768

Return to top