Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> An Nam Chí Lược

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14235 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

An Nam Chí Lược
Lê tắc

Thơ của các danh-nhân đi sứ An-nam

Thơ của các danh-nhân đi sứ An-nam, từ niên-hiệu Chí-Nguyên trở xuống


Thị-Lang Lý-Tư-Diễn hiệu Vũ-Sơn

Thơ làm trong tiệc theo lời yêu-cầu của Thế-Tử

Bài I

Càn-khôn nay gặp hội trinh-nguyên,
Trăng sáng làu làu, chướng-khí tan.
Cõi bắc ruỗi sao ban cáo-mệnh,
Trời nam xuân tỏa khắp giang-san.
Cảm-thông thờ chúa lòng tua kính,
Kiêng sợ oai trời nước mới an.
Quy thuận nay mai chầu Tử-bệ
Non mòn biển cạn vững muôn ngàn.

Bài-thơ nầy Thế-Tử họa vần ngay trong tiệc rượu, có hai câu như sau:

"Tự thẹn không tài may được đất,
Chỉ nhân hay ốm lỗi chầu trời".

Bài II

Mưa móc ơn trên khắp dẫy đầy
Chiếu son phượng ngậm 1 xuống từng mây.
Chiến-trần rửa sạch sông Ngân-Hán 2,
Hòa-khí lan tràn chốn hải-nhai
Tỏ rõ thư Văn 3 ban một lá,
So bằng đàn Thuấn 4 gẫy năm dây.
Trời che đất chở nam như bắc,
Chẳng sợ vân lôi 5 lại có ngày.

Thế-Tử tặng vàng bạc. Tư-Diễn khước từ. Thế-Tử nhắc tích Lục-Giả ngày xưa đi sứ, Triệu-Đà cũng tặng vàng bạc, v.v..., ân cần nài ép. Tư-Diễn bèn làm một bài thơ từ tạ như sau:

Lời vàng căn-dặn lúc lên đường,
Chín bệ vì dân nặng xót thương.
Yên Thục, Tương-Như vâng thảo hịch 6,
Sứ Nam, Lục-Giả há tham vàng.
Tuyết băng trong trắng lòng thần-tử,
Trời đất sinh thành, lượng đế-vương.
Ao ước từ nay trời thuận ý,
Thê hàng 7 chức cống mỗi năm thường.

Quan kỳ (xem đánh cờ)

Tréo bàn ngồi mát lúc ban trưa,

Cao thấp xem chơi một cuộc cờ.

Vôi trắng, trầu xanh, cau lại dẻo,

Nhà ai hoa bưởi nức thơm đưa.

(Hoa bưởi An-nam rất thơm như hoa lài, Lĩnh-Bắc không có thứ hoa ấy).

Nho-Học đề-cử Từ-Minh-Thiện (giúp Vũ-Sơn đi sứ Giao-Châu, đêm xuân ngồi xem đánh cờ, tặng Thế-Tử một bài thơ).

Xanh um đình viện, nguyệt làu làu,

Người dưới trời con chiếm một bầu.

Đuốc đỏ một bàn ngồi xúm xít,

Mây xanh muôn trượng nghĩ đâu đâu.

Ai ngăn lỡ nước người trong cuộc,

Nhờ có khoanh tay khách ngoại chầu.

Thắng trận khoe-khoang binh tối kỵ,

Muốn bày cuộc khác ngại canh thâu.

 

Thượng-thư Trương-Hiển-Khanh

 

Ngắm cảnh trời hôm khói mịt mờ,

Xa nơi thành-thị đỡ huyên-hoa.

Quạnh hiu đình viện không bao sở,

Tươi tốt vuờn cây chỉ một nhà.

Thiên-Hán bến nam tuôn mạch nước,

Mộc-miên cây lớn trổ cành hoa.

An-nam tuy nhỏ văn-chương thịnh,

Ếch giếng, khuyên đừng chế giễu ngoa.

Thượng-Thơ Lương-Công-Phụ ăn trái vải ngẫu đề

Chỉ một đôi ngày đổi sắc hương,

Phải nghìn vạn dặm trạm băng đường,

Hoàng-triều chỉ trách bao-mao lễ 8.

Vô ích làm chi việc Hán, Đường 9.

Lang-Trung Trần-Cương-Trung (2 bài)

Bài I

Mẹ già Nam-Việt phơ đầu bạc,

Vợ ốm Bắc-Yên đợi bóng tà.

Mưa chướng mây mù, Giao-Chỉ khách,

Mộng hồn chung một, xứ chia ba.

Bài II

Từ giả Giao-Châu để thơ cho Đinh-Thiếu-Bảo

Mưa gió theo xe khói tỏa màn,

Cánh bằng há chỉ dặm ba ngàn,

Qua nam Ma-Cật còn vương bệnh10,

Về Bắc Đạt-Ma lại nhớ thiền 11.

Đồng trụ tầm thường vâng sứ tiết,

Ngọc-giai gang tấc đối thiên-nhan.

Chia tay chẳng có lời chi dặn,

Gắng tỏ nghìn thu một tấm đan.

Thị-Lang Lý-Trọng-Tân họa thơ của Thế-Tử Động-Diệu Tự-Chân

Giống rồng tiếng nổi thuở còn măng,

Đất mới nứt lên đã vẽ vằn.

Một buổi chầu trời bèn hóa trúc,

Tinh-thần vượt hẳn gấp trăm lần.

 

Thị-Trung Tiêu-Phương-Nhai họa thơ của Thế-Tử

 

Tiệc khách mưa xuân lấm tấm rơi,

Đường về giục giã ngựa tra roi.

Từ nay Nam-Thổ thêm vui vẻ,

Nghiêu-Đế mừng chung đội một trời.

Thị-Lang Lý-Cảnh-Sơn

Đi từ đế-khuyết đến thiên-nhai,

Chín vạn bằng-trình khoái vượt bay.

Khắp chốn xa xuôi làn gió mát,

Trên đường giong ruổi bóng xuân chầy.

Nhân-tâm thiên-ý nào ai biết,

Lịch-số âu-ca sẵn có đay.

Chúa thánh yêu dân như trứng mén,

Lựa chi lo lắng phải nhăn mày.

Lang-Trung Đỗ-Hy-Vọng

Thể-phượng năm mây ngậm chiếu trời,

An-nam vâng sứ cõi xa khơi,

Liệng bay may đã theo rồng được,

Quắc thước còn kham nhảy ngựa chơi.

Non nước xứ người vui vịnh cảnh,

Tôi con nước mọn cúi nghe lời.

Về triều, mệnh chúa may không nhục,

Lều cỏ non xanh cũng thảnh thơi.

Lang-Trung Văn-Tử-Phương

Bài I

Đức nhuần Chí-trị12 hội phi-long,

Muôn dặm Nam-bang sứ ruổi giong,

Vương-Chính giữa trời nêu nhật nguyệt13

Đức-âm14 khắp đất dậy lôi phong.

Nước phiên kính cẩn không cần lễ 15

Lượng thánh gần xa chẳng khác lòng.

Cho biết ý người ai cũng vậy 16,

Cống triều chi sá vượt non sông.

Bài II - Tặng Thế-Tử Thái-Hư-Tử 17

Văn-Chương Thế-Tử nổi tinh-thần,

Áo mão khoan thai rủ bội-thần 18

Quỳ nở vườn tiên nghiêng bóng nhật,

Quỳnh trồng đất biển đượm màu xuân.

Thềm rồng lần bước vâng minh-chiếu,

Lễ lớn phô bày tiếp thượng-tân.

Từ ấy vua tôi gìn đất nước,

Việt-Nam mãi mãi đội thiên-ân.

Lang-Trung Dương-Đình-Trấn đáp vận Thái-Tử Thế-Tử.

Sứ-thiều hải-quốc thẳng đường giong,

Gió bấc heo heo khí lạnh lùng.

Báo trước tin xuân, sông núi đẹp,

Thấm sâu ơn chúa, trẻ già mong.

Đức-Châu hằng tụng thơ Lang-Bạch 19,

Trời Sở xa đưa chiếu phụng hồng.

Truyền nối trải đời ngay với chúa,

Đất trời soi thấu tấm lòng trung.

Lang-Trung Triệu-Tử-Kỳ họa vần Thái-Tử Thế-Tử

Sáng ngời sóng tuyết dội Tam-san 20,

Một buổi xe rồng xuống thế-gian.

Chiu chít bóng dâm kêu hạc nội 21,

Lững lơ sườn núi tỏa mây nhàn 22.

Sửa sang việc nước thừa thong thả,

Đẹp đẽ lời vân khéo dệt đan.

Tiếp đón hôm qua trên tiệc ngọc,

Biệt ly chi xiết nỗi bàng hoàng.

Lang-Trung Trí-Tử-Nguyên đáp vần (Hai bài)

Bài I - Họa vần Thái-Tử

Chúa thánh lên ngôi báu,

Ơn sâu xuống cõi xa.

Chín trùng ban chính-sóc,

Muôn dặm lắng đàn hòa.

Nhật nguyệt giữa trời sáng,

Gió xuân khắp xứ qua.

Nhân ân đồng một loạt,

Trân trọng yêu dân ta.

Bài II - Mừng trời mưa ở An-Nam

Đơn phụng mang thư xuống cửu-tiêu 23,

Cõi xa ác-khí đã ngầm tiêu.

Móc mưa trời đất thông nguyên-khí,

Mây gió non sông ruổi sứ-thiều 24.

Thuyền chiến Dương-Công 25 không phải tiến,

Trụ đồng Mã-tướng chẳng cần nêu

Cho hay ơn thánh dồi dào khắp,

Xanh mướt đầy đồng ngọn lúa miêu.

Quảng-Châu Giác-Thụ Phó-Nhược-Kim (2 bài)

(Ông này giúp Thượng-thư Thiết-Trụ đi sứ An-nam).

Bài I

Mùa đông vào nước Việt,

Vừng mây đón sứ-thiều.

Tên quận đời Tần đặt,

Trụ đồng tướng Hán nêu,

Đường sông măng mới mọc,

Ruộng núi lúa vừa cao.

Gần xa ơn nhuần thắm,

Hành-dịch dám từ-lao.

Bài II - Thơ Chí-Hỹ

Nguyên-Thống ba năm ban chính-sóc 26

Cực-nam muôn dặm mở thư phong.

Vào doanh, cờ sứ mây lay động,

Đón bến, tàn tiên bóng trập trùng.

Dụ Thục, Tương-Như không tốn giấy,

Triều-Châu, Việt-sứ tự vui lòng.

Về nhà kỳ lão ai thăm hỏi,

Văn-hóa ngày nay bốn bể thông.

Những bài tựa và thơ của các quan Hàn-Lâm-Viện đưa tặng Sứ-giả

Bài tựa của Hàn-Lâm Học-Sĩ Lý-Khiêm, hiệu Thụ-Ích, đưa Thượng-Thơ Sài-Trang-Khanh.

Năm Chí-Nguyên thứ 15 (1278), An-nam quốc-vương dâng biểu thác cớ vì bận lo đề phòng nước láng giềng xâm lấn, không thể vào triều-kiến. Quốc-Vương mất, Thế-Tử tự lập, không chờ xin mệnh-lệnh Thiên-Tử. Triều-đình bàn khiến sứ, nhưng khó chọn người. Vừa gặp An-Vũ-Sứ Kim-Sỉ Sài-Trang-Khanh 27, từ Vân-Nam về, các đại thần đều tiến cử tài của ông. Vua vời vào hỏi, biết rằng phụ huynh của Sài-Công đều là tôi cũ của triều-đình, và Sài-Công tâu đối, lời ý khẳng-khái, thông thạo phong-thổ An-nam. Tức thì vua gia phong làm Lễ-Bộ Thượng-Thư; khiến đi sứ, ban cho áo gấm, cung tên, yên ngựa, để cho cuộc hành trình thêm phần vẻ vang. Trang-khanh đến An-nam, tuyên ý-chỉ nhà vua, khuyên dụ hai ba lần, nhưng quốc-vương chấp nệ, chẳng tỉnh-ngộ, rốt cuộc không có ý muốn lai triều. Trang-Khanh trở về, Hoàng-thượng chẳng nỡ gia-binh, xuống chiếu dụ mong vua An-nam lai triều, Trang-Khanh trong ba năm ba lần qua lại. Năm ấy người vào chầu là Trần-Di-Ái, em của quốc-vương và chú của Thế-Tử hiện nay.

Hoàng-thượng bảo rằng: "Đó là Thế-tử trái mệnh, chứ người nước ấy nào có tội gì, nên cho Di-Ái làm vua để yên vỗ dân", bèn ban sách-mệnh cho Trang-Khanh làm chức Tuyên-Uý-Sứ Đô-Nguyên-Soái, đem binh hộ-tống Di-Ái về nước. Lúc sắp đi, các quan Hàn-Lâm-Viện đều làm thơ tống tiễn. Tôi may được dự một chức trong Viện Hàn-Lâm thường những chiếu-dụ, biểu-chương, đều có dự nghe, bèn thuật lại công việc và kính tặng mấy lời như sau: "Từ xưa chẳng phải có nhân-tài là khó, mà chọn nhân-tài mới là việc không phải dễ-dàng. Nay chúa-thượng biết Trang-Khanh là người thuần-hậu, lanh lợi, học rộng biết nhiều, đủ sức đảm nhận trọng trách; đi sứ bốn phương, không nhục mệnh nhà vua, cho nên ký thác việc biên-thùy, ủy-nhiệm sứ-mệnh ở nơi tuyệt-vực, phàm các việc quân-lữ, đều được tự ý điều-khiển, lại lấy Chấn-Văn Lý-Công làm tá-nhị, Phi-nhị Lý-Quân làm tham tán, chọn tài như vậy, thực là tinh-tế. Trang-Khanh hãy đi cho khỏi phụ ý lựa chọn của Thánh-Thiên-Tử, khỏi phụ lòng kỳ-vọng của hàng Công-Khanh, chiêu-dụ vỗ yên, chính do ở chuyến đi nầy. Vài hôm nữa, tôi sẽ đón chờ Hiền-Công ở ngoài cửa đô-môn mà mừng rằng: "Chung-quân 28, Lục-Giả 29 không chuyên chiếm tiếng tốt ở ngày xưa".

Ngày tháng 11 năm Chí-Nguyên thứ 18 (1281).

Thơ tặng của Hàn-Lâm Thừa-Chi Vương-Bàn hiệu Lộc-Am

Xe Sài Thượng-thơ lướt viễn-phương,

Đầm rồng hang hổ tợ đường trường.

Đơn thanh rạng vẽ sứ ngoại-quốc,

Chẳng kém Hán-triều Tô 30 với Trương 31

Cung-sơn Lý-Sinh có mưu-trí,

Cầm roi giong ruổi một con đường.

Sao cho ơn chúa khắp vũ-trụ,

Của quý không cần nạp Đế-hương.

Hàn-Lâm Thừa-Chỉ Cao-Đường Diêm-Phục tự Tử-Tịnh 32

Sài-Hầu quyết hiến mình cho nước,

Chí-khí sao rất mực thâm thuần!

Anh em tuyệt-vức liều thân!

Ốc-Nhai 33 một cặp ngọc-lân khác nào.

Nói cười được phong hầu "Vạn-lý"34

Tuốt gươm xông hùm-khí lên trời.

Đường nguy dong ruỗi như chơi,

Ở nơi khách-địa như nơi xóm làng.

Chí-Nguyên 35 đã hà hoang yên dẹp,

Bốn phương đều khép nép xưng thần.

Cớ sao trái mệnh ba lần 36,

Cho nên phế-lập nguyên-nhân rõ ràng 37.

Bỏ lốt vảy thay bằng xiêm áo 38,

Chủ quân dân trên đảo man-di.

Đường hoàng rạng vẽ uy nghi,

Ngữa trông giúp đỡ lấy vì nhân-quân.

Hàn-Lâm Học-Sĩ Vương-Cấu, tự là Khẳng-Đường Thượng-Khanh phong chức buổi vào chầu,

Sang sứ An-nam nắm tiết mao39.

Xanh ngắt nội rồng40 sao sứ rạng,

Tít mù đường nhạn vó câu mau.

Mây hồ khói đảo đều tan sạch,

Chuột trộm beo tham thảy cúi đầu.

Hộ-tống, Nam-Vương đi trước ngựa,

Cha con buộc chặt mối tình sâu.

Hàn-Lâm Học-Sĩ Hồ-Chi-Duật tự là Thiệu-Văn

Viêm-phương cách vạn dặm,

Xe lọng bao giờ về?

Hải-quốc khen tiết thẳng,

Giang-thần phục tài kỳ41

Hết lòng lập công lạ,

Muốn mở rộng biên-thùy.

Tre lụa lưu tên họ 42,

Đời người cũng sướng ghê.

Tập-Hiền Học-Sĩ Lương-Tăng tự Cống-Phủ

Sắt đá lòng trung mãnh giấy tinh,

Phẩm người cao quý cửa trâm anh,

Bên trời Tô-Vũ toàn danh-tiết,

Góc bể Trương-Khiên ruỗi sứ trình.

Đồng-trụ trăng cao đề tuyệt cú,

Đế-thành hoa nở đón qui-sinh.

An-nam tuy nhỏ văn-chương thịnh,

Ếch giếng xem trời chớ vội khinh.

Quốc-Phó Kiến-An Vương-Tái

Vàng đá lòng đơn động chín trùng 43

Ngựa quen lối cũ thẳng đường giong.

Xe không ý-dĩ lòng liêm tỏ 44,

Lễ có bao-mao chức-vụ xong 45.

Tay chỉ địa-đồ triều bắc-khuyết,

Miệng truyền thiên-chiếu đến Nam-Ngung.

Chung-quân chẳng đợi xin dây lụa 46,

Muôn dặm Ban-Sinh thỏa vẫy vùng 47.

Học-Sĩ Vương-Chi-Cương tự Tử-Duy.

Tam-tích ơn trên hậu lễ-nghi 48,

Anh em quý hiển họ tên ghi,

Một nhà trung-nghĩa từ xưa hiếm,

Nghìn thuở sủng-vinh mấy kẻ bì.

Tuổi-trẻ đã hay tròn tiết-nghĩa,

Phương xa vốn sẵn phục phong-uy.

Từ nay làng nước cao danh vọng,

Tiếng tốt đời đời để lụa tre.

Yên-Sơn Dũ-Thái

Nghe nói Giao-Châu xa tuyệt vời,

Tướng-quân ruổi ngựa một phen chơi,

Khoán vàng lóng lánh, hùm trương mắt,

Chiếu ngọc thơm tho, phụng ngậm lời.

Nghìn núi chông gai thanh kiếm mở,

Chín khe sương khói cánh buồm bay.

Ra đi mệnh chúa tua ghi nhớ,

Vả lại tây-nam nửa góc trời

Vương-Hy-Hiền

Tinh, U dòng tướng đấng anh-hào 49,
Chí tiết lừng mây vạn trượng cao.
Muôn đội ơn trên đeo hổ ấn 50,
Một gieo non Thái nhẹ hồng mao51.
Dãi là trói Việt xem như bỡn 52,
Tấc lưỡi ép Tần chẳng khó nao 53.
Muôn dặm rung cương người tiến bước,
Già đời bọn tớ chỉ ngâm khào.

Di-Môn Lý-Thanh (2 bài)

Bài I

Cành nam truyền hịch sứ-thần qua,
Hơn hẳn ngày xưa Mã-Phục-Ba.
Thuyết-phục phương xa dùng đức hóa,
Năm khe hà tất động can qua.

Bài II

Khác người khác tiếng há vô tình,
Cũng hiểu gặp nhau nói thái-bình.
Ta có một lời, ông thử nghiệm,
Xưa nay Định-viễn vốn thư-sinh 54.

Lý-Hoằng

Văn-hóa ngày nay bốn bể đồng,
An-nam vốn thuộc bản-đồ chung.
Chín tầng chọn khiến hoàng-hoa sứ,
Muôn nước chầu về Tử-cực cung.
Bác-vọng người xưa mừng lại gặp 55,
Quế-Lâm đường cũ vẫn còn thông.
Trung-nguyên xuân đến hoa như gấm,
Khuyên chớ yêm-lưu dưới gốc đồng 56.

Hà-Nam Hầu-Tông-Lễ

Quỳ lạy Thiên-triều, bậc thượng-khanh,
Lại cầm cờ tiết sứ Nam-thành.
Vài hàng đơn-chiếu nghìn cân nặng,
Muôn hộc minh-châu một mảy khinh.
Chỉ cốt bao dung khoan độ lượng,
Chẳng cần lời lẽ sính tung hoành.
An-nam Thế-Tử đừng lo ngại,
Sớm-sớm giong cương đến Đế-Kinh.

Đàm-Hoài-Hầu Khiêm

Nhẹ vó câu dòn lướt gió thu,
Áo thêu đeo ấn hổ-kim-phù.
Gìn lòng trung-nghĩa thờ vua chúa,
Rạng cửa y-quan đủ sắc màu.
Cờ sứ Tô-Công nay tạm biệt,
Danh thơm Mã-Tướng ắt về sau.
Đáng cười bọn tớ tình nhi-nữ,
Quanh quẩn già đời chẳng biết đâu.

Hai bài tứ-tuyệt
của Hàn-Lâm Thừa-Chỉ Cửu-Môn Đổng-Văn-Dụng đưa Lý-Vũ-Sơn

Bài I

Mấy độ chiến-tranh ngọn sóng tràn,
Lão-thần một tiếng Mán Mường an,
Chúa ta phước lớn như trời bể,
Phía bắc lầu cao hứng gió nhàn.

Bài II

Đông-Chiết 57 sinh-dân đợi Tử-Ông 58
Tử-Ông tâm-sự với trời thông.
Nhớ đem một quyển Giao-Châu Cảo,
Khắc ở Thiên-Thai đỉnh Nhạn-hồng 59
Hàn-Lâm Thừa-Chỉ Cao-Đường Diêm-Phục
Sứ-thiều năm trước ruỗi phương xa,
Tiết phụng đường đường chúng ngợi ca.
Muôn dặm Chu-Nha như vảy vụn,
Một sông Ngân-Hán vượt tinh-sà 60.
Chuyển-du đã nghỉ nơi Nam-quận 61,
Khói lửa vừa yên chốn Hải-Nha.
Mang đảy trở về chầu chúa-thượng,
Lại vâng ân-chiếu xướng Hoàng-hoa 62.

Bài tựa của Trương-Bá-Thuần, Hàn-Lâm Học-Sĩ,
người Gia-Hưng, tiễn chân Lý-Trọng-Tân và Tiêu-Phương-Nhai.

An-nam là đất Việt ngày xưa, tuy ở ngoài Cửu Châu, nhưng có lẽ cũng thuộc bản-đồ của vua Hạ-Vũ. Từ xưa đặt Thứ-sử, thái-thú cai-trị, triêm-nhiễm văn-hóa, cho nên phong-tục cũng có văn-vật, không đến đỗi chẳng biết nghĩa lý về việc tôn vua và thân kẻ trên. Thế mà từ ngày liệt vào hàng phiên-thuộc Nguyên-Triều đến nay, nghĩa vụ thân-thượng sự-quân, có phần không được tỏ rõ. Vì vậy triều đình phải khiến sứ qua lại luôn luôn. Vả đường đường quốc-gia của chúng ta, đối với mãnh đất nhỏ xíu ấy, há lại bỏ sót. Đại-để, phương-pháp làm cho kẻ xa thần phục, một là dùng đức, hai là dùng oai; dùng đức là việc đầu tiên của Thánh-nhân, dùng oai chỉ là một việc bất-đắc-dĩ. Vua Thuấn ban bố Văn-đức ở hai bên thềm, vua Văn-vương sửa sang giáo-hóa mà bốn phương thảy đều phục tòng. Nay Thiên-tử chính ngự ngôi rồng, nhuần ơn mưa móc, chẳng vì nước An-nam xa xuôi mà bỏ rơi. Vì muốn tuyên-bố đức-âm, cho nên khiến Lễ-Bộ Thị-Lang Lý-Quân Trọng-Tân làm sứ-giả, phó sứ thì dùng Binh-bộ Lang-trung Tiêu-Quân Tắc-bình, thực đã chọn người xứng đáng vậy.

Mọi người đều bảo chuyến đi này dễ, riêng tôi lại cho là khó. Vì sao mà bảo khó? Trước đây, các sứ-giả đi qua nước ấy, ai cũng đem nghĩa quân thần, cơ họa phúc ra hiểu dụ, nếu vua nước ấy có lòng sợ mà nghe, thì nói dễ đắt lời, nếu chẳng thế, thì họ lại trở về báo-cáo, thế là hết trách-nhiệm, còn xử-trí cách nào, đã có quốc-gia. Nay hai ông vượt mấy nghìn dặm, mang một phong thư, phải làm sao mở đường cải quá tự tân cho nước ấy. Nếu ù-ù ra đi, rồi ù-ù trở về thì ai đi chẳng được, cần chi dùng đến chúng ta. Vả lại nhân-tình sau khi lo lắng, bỗng thấy mình được không lỗi thì chẳng xiết mừng, nhưng mừng lại sinh ra khinh mạn. Nay ta nhân lúc chúng đương mừng, làm sao cho chúng bỏ lòng trì-nghi để đi theo đường mới, thế mới khỏi thẹn với sứ-mệnh hoàng-hoa của chúng ta. Trọng-Tân từng ở ban thượng-thư-lang, Tắc-Bình sung chức phó-sứ hai lần, bình-tố học hành những gì? Nay hai ông ra đi, một lòng trung-nghĩa, không quản đến việc riêng mình và không có thái-độ đa ngôn trong khi vào trực vua, chắc chắn thế nào cũng làm xong công việc mà người khác cho là khó làm. Trong tiệc khách không nỡ nghe hát khúc Dương-Quan 63, lại không thể bắt chước các bạn chúc lời mạnh giỏi, tỏ ý nhớ nhung, tôi xin viết mấy hàng nầy để tiễn biệt.

Ngày 1 tháng 7 năm Chí-Nguyên thứ 31 (1294), viết tại nhà Ngọc-Đường (tức Hàn-Lâm-Viện) tại Thượng-Đô.

Nội-Hàn Dương-Tái tự Trọng-Hoằng đưa Lý-Thị-Làng.

Trời chín thu sắc muộn 64,
Đường muôn dặm đưa chàng,
Mây hàn đầu ngựa dậy,
Gươm báu giắt lưng ngang.
Tuyên đọc chiếu thiên-tử,
Yên lòng người viễn-bang.
Một ngày tan khí nóng,
Thắng ruỗi bến Man-Giang.

Hàn-Lâm Thừa-Chỉ Đổng-Văn-Dụng tống biệt Tiêu-Lang-Trung

Ô-đài bỏ trống rêu phong 65,
Tư-nông 66 một lúc, Ngao-Phong 67 lại về.
Vui thay! gặp gỡ bạn bè,
Việc đời trái ý có hề chi đâu.
Thương dân ơn chúa cao sâu,
Chinh-man chưa nỡ thuyền lầu xuất quân.
Xưa nay lựa sứ khó khăn,
Ung-dung lễ mạo, Tiêu-quân dáng người.
Nói năng, văn-học đủ tài,
Tể-thần trông thấy liền ngay gật đầu.
An-nam nhỏ bé chư-hầu,
Sớm về cửa khuyết vào chầu Thánh-quân.
Hàn-Lâm Thừa-Chỉ Tín-Nhữ-Triệu
Chỉ tuyển lựa chọn sứ Nam-Bang,
Lục-Nhất tiên-sinh tiếng dậy làng 68
Sao tở trời thu ân-sũng mới,
Gió thanh bể chướng phẩm đề sang.
Hai thềm can-vũ văn-minh rạng 69,
Muôn dặm non sông chiếu-chỉ ban.
Một tiếng cảm-thông người khác tục,
Liềm đem ngọc lụa tới Đồ-San 70.

Hai bài tứ-tuyệt của Tập-Hiền Học-Sĩ Hà-Đông Tống-Bột.

Bài I

Khoan nhân đức độ sánh Đường Nghiêu,
Ân-huệ vừa ban chiếu Thánh-triều.
Kén chọn anh-tài sung sứ-bộ,
Không hề phân biệt chỗ hoang yêu 71.

Bài II

Bể nam người Việt tự làm ăn,
Vốn chẳng phiền chi đến sứ-thần.
Linh thú hai ban đều bãi bỏ,
Hán-triều nhân hậu có vua Văn.

Hàn-Lâm Học-Sĩ Lư-Châu Lưu-Nhạc.

Mừng hội rồng bay mới kỷ-nguyên,
Gió trong hây hẩy liễu non non.
Hương nồng phấn-thự 72 tinh-thần rạng 73
Lễ trọng Hoàng-hoa đức-huệ đồn 74.
Bắc-khuyết vừa ban lời chiếu-chỉ,
Nam-bang liền chịu phận tôi con.
Thái-bình cảnh-tượng đầy trời đất,
Sứ-mạng xong rồi lại ngọc-môn 75
Hàn-Lâm Trực-Học-Sĩ Trần-Nghiễm.
Hoàng-hoa dứt hát, rượu tàng tàng.
Trước cửa đô-thành ngựa buộc cương.
Vâng lãnh tiết-mao từ Bắc-khuyết,
Tuyên truyền ngọc chiếu đến Nam-bang.
Thơ hay giá trọng rừng kê-quái 76
Chí cả gan lỳ chốn hổ lang.
Dụ Thục Trương-Như xong sứ-mạng,
Mau quay chèo quế vượt sông Tương.

Từ khúc của Hàn-Lâm Ứng-Phụng Đằng-Tân
 đưa chân Lý-Cảnh-Sơn (Theo điệu "Đoạt-Cẩm-phiêu")

Hùng-khí lên mây xanh,
Muôn dặm rạng tài danh.
Gió tây giong ruổi,
Nhơn vật đệ-nhất triều-đình.
Đề cầu Tư-Mã 77,
Ném bút Ban-Sinh 78,
Nhớ xưa phong-hóa lưu-hành,
Cõi xa lừng lẫy uy thanh.
Thét roi cười chỉ quan-hà,
Kìa năm xưa biết rõ rành rành.
Từ xưa lòng người trung-nghĩa,
Nước chảy biển đông.
Sao chầu tử-cực,
Vô cớ trụ đồng,
Ngăn cách trời nam bắc,
Đoái xem kim khuyết tỏa mây hồng.
Vàng thếp hương xông,
Trị an biên sách,
Năm sau về đối tây-sơn tường-thuật.

Hàn-Lâm Học-Sĩ Âu-Dương-Huyền đưa Phó-Dữ-Lệ làm An-nam tá-sứ.

Sảnh đường tiến-cử thày danh-công,
Xe sứ trời nam sánh ruổi giong.
Ngựa ký trong bầy tài đã tỏ,
Chim bằng lướt biển gió liền tung.
Túi riêng Lục-Giả không châu báu,
Dấu cũ Văn-Uyên79 có trụ đồng.
Thơ mới trăm nghìn trên dặm khách,
Bắc-phương thỉnh thoảng gửi tin hồng.

Nghệ-Văn Giám-Thừa Dương-Hề-Tư.

.....................................................80

.....................................................

Xưa tự Hán, Đường chia quận huyện,
Nay thì Nghiêu, Thuấn buộc qua loa.
Thi-nhân giúp sức hoàng-hoa-sứ,
Triều-Sĩ ngâm bài bạch-trĩ-ca.
Bể lặng trời im, mưa gió thuận,
Mới hay văn-đức khắp gần xa.

Bác-sĩ Vương-Nghi

Ánh-sáng tỏa Nam-Minh 81,
Văn-Tinh dõi sứ-tinh 82
Kê-Lâm truyền câu đẹp 83
Đồng-trụ khắc lời minh 84.
Bóng nhật gieo sóng bạc,
Gió xuân thổi biển xanh.
....................................... 85
Nhướng mắt đợi vân-bình  86

Tống-Nghi-Tử

Ba năm chánh-sóc ban hành,
Sứ-quân muôn dặm tới thành Giao-Châu.
Diêu-trì 87 trời rộng ơn sâu,
Trụ đồng chướng-khí một bầu tiêu-hao.
Sứ-thần Lục-Giả tài cao,
Chung-Quân  88 ném lụa, tiêu-dao phỉ-tình.
Trong màn hùng biện nổi danh,
Về đây Mao-Toại ắt giành đầu công  89.

Hàn-Lâm-Thị-Độc-Học-Sĩ Ngu-Tập đưa Nam-cung Xá-Nhân Triệu-Kỳ-Hy.

Năm thứ ba ban hành chánh-sóc,
Khoảng tháng năm chiếu ngọc truyền sang.
Vương-thần vừa mới lên đàng  90.
Bồi-thần đã đến sẵn sàng quan chiêm  91.
Hồng lướt gió áo xiêm rực rỡ,
Giáo gươm dùng da hổ bao ngoài.
Gió tung quét sạch khói mây,
Nước sông chảy xiết sau cây mưa rào.
Diều đỏ nọ dòm vào nhà đất,
Trỉ trắng kia xuống cất tổ chơi 92.
Giao-nhân đêm vắng dừng thoi  93,
Lệ-Chi đương hái ở ngoài Dương-Quan.
Tình ly-biệt bâng-khuâng chi nữa,
Câu thôi xao trong bữa tiễn đưa 94,
Trụ đồng dõi gót người xưa,
Công-danh chi kém kẻ trừ giao-long 95.

Hàn-Lâm Tu-Soạn Tô-Thiên-Tước.

Ân-đức thánh, cao dày thiên-cổ,
Oai-phong vua, yên vỗ Cửu-Châu.
Chiếu son ban trước sân chầu,
Trương cờ Ngọc Tiết ruổi mau Long-Thành.
Trang bác-nhã tài rành chuyên-đổi,
Đấng hào-hoa đương tuổi trẻ măng.
Lang-Trung vừa mới vinh-thăng,
Trước kia tỉnh-phủ đã từng công-lao.
Đức văn-trị dồi dào Trung-Quốc,
Lòng nhân-ân thấm suốt ngoại-bang.
Gió thanh mưa chướng liền tan,
Vừng trăng soi sáng trên làn khói mây.
Nhẹ chân bước trông cây đồng-trụ,
Cất mình ngồi trên bộ yên thêu.
Ban-hành lịch mới Đường-Nghiêu,
Cũng trong Vũ-Cống 96, mấy triều non sông.
Tiếng ngoại-quốc dầu thông hiểu khó,
Giống Điêu-Đề 97 tình có đáng thương.
Sang năm vừa tiết thiều-quang,
Mau về tâu trước ngai vàng phân minh.

Tập-Hiền Đại-Học-Sĩ Vương-Ước tên tự là Ngạn-Bác.

Tấc lưỡi phục kiêu ngạnh,
Trung-thành dùng rất hay.
Công-danh ngày dựng trụ 98,
Khẳng-khái lúc xin dây 99.
Bao-mao đủ cống lễ 100
Ý-dĩ phòng riêng tây101
Ông đi có kế-hoạch,
Vương-sư yên có ngày.

 

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Thập Thất Chung

___________________________________________________



  1. Thạch Quý Long đời Hậu-Triệu, khiến chạm một con phượng bằng gỗ, miệng ngậm chiếu thư ban bố cho thiên hạ.



  2. Chiến trần nghĩa là bụi chiến tranh. Câu nầy ý nói kéo sông Ngân Hà xuống để rửa giáp binh, nghĩa là thiên hạ thái bình, dẹp việc chiến tranh.



  3. Hán Văn Đế chỉ ban một lá chiếu thư mà Triệu Đà xưng thần phụng cống.



  4. Vua Thuấn ôm đàn gảy khúc Nam Huân mà muôn dân được thái bình an lạc.



  5. Ý nói từ nay khỏi lo Thiên Tử ra oai sấm sét mà gia phạt như trước nữa.



  6. Đời nhà Hán, Tư Mã Tương Như thảo hịch văn chiêu an người Thục.



  7. Thê là cái thang, hàng là đi thuyền, ý nói cống sứ phải trèo non vượt bể.



  8. Bao mao là cỏ ống. Nước nhỏ không có của báu cống hiến, thì cống một xe cỏ bao mao, để Thiên Tử dùng trong việc tế lễ.



  9. Thời nhà Hán và nhà Đường, Giao Chỉ phải cống trái vải.



  10. Ma Cật tức Duy Ma Cật, nhà cư sĩ danh tiếng, lúc đức Phật còn tại thế. Tiếng Phạn nghĩa là "Tịnh danh".



  11. Đạt Ma tức Bồ Tát Đạt Ma, nghĩa là "Giác Pháp" hay "Đạo Pháp", ông tổ đầu tiên của phái "Thiền Tông Đông Thổ".



  12. Chí Trị: niên hiệu vua Anh Tông nhà Nguyên lúc ấy mới lên ngôi.



  13. Ban vương chính tức là lễ ban chính sóc, cử hành vào ngày 1 tháng 12 mỗi năm, để ban lịch năm mới.



  14. Lời ân chiếu của nhà vua.



  15. Ý nói theo phong tục từng nước, không cần phiền trách lễ nghi.



  16. Tã truyện có câu: "vật vật các hữu quan".



  17. Tức vua Minh-Tông nhà Trần.



  18. Dải ngọc.



  19. Kinh Thi: Thơ Bạch Lang tụng công đức nhà Châu.



  20. Ba hòn núi thần tiên ngoài bể, cũng gọi là Tam Hồ: Phương Hồ, Bồng Hồ và Doanh Hồ



  21. Quẻ trung-phu Kinh Dịch có câu: "Minh hạc tại âm, kỳ tử họa chi". Nghĩa là chim hạc kêu trong bóng dâm, có hạc con kêu theo. Ý câu thơ nầy nói: Thế Tử đã có con hiền nối nghiệp.



  22. Câu thơ nầy ý nói: "Thế Tử đã truyền ngôi cho con để an hưởng thanh nhàn.



  23. Cửu tiêu là chín từng mây.



  24. Xe sứ giả.



  25. Hán Vũ-Đế sai Dương-Bộc đem một đội lâu thuyền qua đánh Nam-Việt.



  26. Nguyên-Thống là niên hiệu của Thuận-Tông nhà Nguyên, nhưng chỉ có hai năm (1333-1334), qua năm sau đổi là Chí-Nguyên.



  27. Tức Sài Thung.



  28. Chung Quân đời Hán xin qua đánh Nam Việt.



  29. Lục Giả đi sứ Nam Việt, khiến Triệu Đà xưng thần.



  30. Tô Vũ sứ Hung Nô.



  31. Trương Khiên sứ Tây Vức.



  32. Nguyên trước chép Diên Thuần, ông Trúc Đinh chữa lại Diêm Phục.



  33. Sông Ốc Nhai, nay ở tỉnh Cam Túc, theo sách Sử ký, sông ấy có thần mã.



  34. Hậu-Hán-Thư Liệt-Truyện chép: Ban-Siêm hàm én cổ hùm, bay đi ăn thịt, có tướng mạo được phong "Vạn Lý Hầu".



  35. Niên hiệu vua Thế-Tổ nhà Nguyên.



  36. Vua nhà Trần đã ba lần bị vời mà không vào chầu.



  37. Nhà Nguyên phong Trần-Di-Ái làm An-nam quốc vương, sai Sài-Thung hộ tống về nước.



  38. Ý nói đổi tục Man-Di theo tục Trung-Quốc.



  39. Tiết là cờ tiết, mao là chùm lông kết ở đầu cờ tiết, phù hiệu của sứ thần.



  40. Rồng xanh thuộc về phương Đông.



  41. Đường Vương Bột đi qua Nam Việt. Giang thần (thần ở sông) biết Bột có kỳ tài, giúp một đêm gió cho mau tới, để làm bài tựa Đằng Vương Các.



  42. Đời xưa không có giấy, người ta dùng tre và lụa để viết sách.



  43. Nguyên Hán văn là "Táo Lưu" nghĩa là dải mão của Thiên Tử.



  44. Xem chú thích các bài trước.



  45. Xem chú thích các bài trước.



  46. Chung Quân xin dây lụa đi bắt vua nước Việt.



  47. Ban Siêu: xem chú thích bài trước.



  48. Tam tích: vua ban cho ba món: cung tên, yên ngựa, áo bạc.



  49. Sài Thung người ở Châu U, châu Tinh phương bắc nước Tàu.



  50. Hồ phù là ấn tướng quân.



  51. Hồng mao là lông chim.



  52. Chung Quân xin dãi lụa dài để bắt vua nước Việt.



  53. Lãn-Tương-Như uốn ba tấc lưỡi, thuyết phục nước Tần.



  54. Ban Siêu đời nhà Hán được phong làm Định Viễn Hầu.



  55. Bác Vọng Hầu là Trương Khiên đời nhà Hán. Câu thơ nầy ý nói: Sài Thung nay đi sứ An nam lần thứ hai, cũng như Trương Khiên hai lần đi sứ Tây vực.



  56. Xem bài thơ của Lý Sinh, đưa người bạn đi Lĩnh Nam.



  57. Chiết Giang là một tỉnh duyên hải ở phía đông nam nước Tàu. Nguyên đời Đường gọi là Chiết Giang, Đông và Tây Đạo, đời Tống chia làm hai lộ Chiết Đông và Chiết Tây.



  58. Điểm nầy chưa rõ.



  59. Núi Thiên-Thai ở phía bắc huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang, ở vào khoảng sao đẩu và sao ngưu, ứng với sao Thai, nên gọi tên như vậy. Núi Nhạn Đãng ở phía nam huyện Lạc Thanh tỉnh Chiết Giang, trên đỉnh cao nhất có một hồ nước không bao giờ khô, mùa xuân chim hồng nhạn thường về đậu đó, nên gọi tên là Nhạn Đãng.



  60. Sà là cái bè, cỡi bè đi qua sông Ngân Hán, tức đi sứ phương xa.



  61. Câu nầy tác giả nói Lý Vũ Sơn vừa làm Chuyển Vận Sứ ở Giang Nam về, nay lại đi sứ Nam Việt.



  62. Hoàng Hoa là một thiên trong Kinh Thi, dùng để khiến sứ thần.



  63. Dương Quan Khúc là bài hát tiễn biệt, nguyên Vương Duy đời Đường đưa bạn là Nguyên Nhị đi sứ An Tây có câu thơ rằng: "Vị Thành triều vũ ấp khinh trần, khách xá thanh thanh liễu sắc tân, khuyến quân cánh tân nhất bôi tửu, tây xuất Dương Quan vô cố nhân". Đời sau đem bài thơ ấy vào nhạc phủ để làm bài hát tiễn biệt.



  64. Chín thu là cuối thu, đã gần hết 90 ngày.



  65. Trong phủ của quan Ngự Sử xưa có một hàng cây Bách, thường có bầy quạ đến đậu, nên gọi là Bách-đài, Ô đài, Ô phủ hay Ô Thự (Ô là con quạ).



  66. Tư nông là chức quan coi việc canh nông.



  67. Ngao Phong hay Ngao Sơn là hòn núi có thần tiên ở Hàn Uyển (vườn Hàn mặc, văn chương), là nơi thanh quí, nên được ví như Ngao Phong.



  68. Âu Dương Tu đời Tống tự hiệu là Lục Nhất cư sĩ. Có người hỏi ý nghĩa gì, ông đáp: "Nhà tôi chứa một vạn quyển sách, góp biên những bài văn hay từ Tam Đại trở xuống một ngàn quyển, có một đàn câm, một bàn cờ, một vò rượu, một người tôi vui cảnh già ở giữa năm món ấy há chẳng phải là Lục Nhất ư?".



  69. Can là cái thuẫn, vũ là cái lông, là hai món dùng để múa. Xưa vua Thuấn không dùng võ lực, chỉ cho múa can vũ ở hai bên thềm,mà các nước đều đến chầu.



  70. Vua Hạ Vũ hội họp chư hầu ở núi Đồ Sơn, có hàng vạn nước đem ngọc và lụa đến họp.



  71. Hoang yêu là nơi xa xuôi.



  72. Các dinh thự dùng hồ phấn quét tường gọi là phấn thự.



  73. Tinh thần ở đây cũng như tinh tú, là các vì sao.



  74. Xem chú thích ở bài thơ của Diêm Phục.



  75. Cửa cung điện nhà vua.



  76. Kê Lâm: tên nước, tức nước Tân La. Năm Thoát Giải (niên hiệu của vua nước Tân La) thứ 9, (tức năm Vĩnh Bình thứ 8, đời vua Hán Minh Đế, C.N. 65), rừng thủy lâm ở phía tây thành Kinh đô Từ-La-Phạt có kê quái (con gà thành quái quỉ), bèn đổi tên là Kê- Lâm, nhơn dùng làm quốc hiệu. Đời sau gọi nước Triều Tiên là Kê Lâm. Sách Đường Thơ chép: "Thơ của Bạch Cự Dị rất hay, truyền tụng đến nước Kê Lâm, mỗi bài trị giá một lượng vàng, người ta có thể phân biệt những bài ngụy tạo.



  77. Tư-Mã Tương-Như đời Hán khi còn hàn vi, đi qua cầu Thăng-Tiên có đề: "Không cỡi xe cao ngựa tứ, khôn qua lại cầu này".



  78. Ban-Siêu đời Hậu Hán nhà nghèo, làm nghề viết thuê, thường ném bút than rằng: "Đại trượng phu nên bắt chước Phó-Giới-Tử và Trương-Khiên lập công nơi xa để được phong Hầu, có lẽ nào cứ lui cui ở giữa cây bút và nghiên mực nầy?".



  79. Văn-Uyên: tên chữ của Mã-Viện.



  80. (Khuyết văn.)



  81. Biển phương Nam.



  82. Văn tinh chỉ Phó Dữ Lệ.



  83. Xem bài thơ Trần Nghiễm.



  84. Bài văn khắc ở bia hay trên một vật gì để lưu-truyền được lâu.



  85. (Khuyết văn một hàng.)



  86. Vân bình cũng như vân xa, ý nói chờ xe mây sứ giả trở về.



  87. Chỗ tiên ở.



  88. Chung Quân lúc hàn vi, đi vào Quan Trung yết kiến quan Bác-Sĩ, khi qua ải, người giữ ải trao cho Chung-Quân một miếng lụa dùng làm phù-hiệu để khi trở về mới được đi qua ải. Chung-Quân nói: "Đại-trượng-phu sang phương tây ngao du, quyết không trở về, bèn ném lụa mà đi. Sau làm quan đi sứ các quận, khi qua ải, người giữ ải nhìn biết và nói rằng: "Sứ-giả nầy là chàng thơ-sinh ném lụa ngày xưa".



  89. Mao-Toại: người đời Chiến-Quốc, môn-khách của Bình-Nguyên-Quân, tướng nước Triệu, theo Bình-Nguyên-Quân qua thuyết nước Sở để chống nước Tần. Bình-Nguyên-Quân thuyết vua Sở từ sáng đến trưa không có hiệu quả, Mao-Toại bèn chống gươm uy-hiếp vua Sở và bày tỏ lợi hại, vua Sở mới bằng lòng cho quân sang cứu nước Triệu. Khi về nước, Bình-Nguyên-Quân bèn đãi Mao-Toại làm thượng khách.



  90. Tôi của Thiên-Tử gọi là vương-thần, tôi của Chư-Hầu gọi là bồi-thần.



  91. Tôi của Thiên-Tử gọi là vương-thần, tôi của Chư-Hầu gọi là bồi-thần.



  92. Bốn câu nầy tả cảnh vật ở Giao-Châu.



  93. Sách Thất-Dị-Ký chép: "Trong bể Nam-Hải, có nhà ở của Giao-Nhân (người giống như Giao-Long), ở dưới nước như loài cá, luôn luôn dệt cửi.



  94. Giả-Đảo đời Đường có câu thơ: "tăng xao nguyệt hạ môn", nghĩa là: "thầy tu gõ cửa dưới ánh trăng", lúc đầu muốn dùng chữ thôi" (đẩy) thay thế chữ "xao" nhưng chưa nhất định, nên ngồi trên ngựa đưa tay ra làm thế "thôi xao", không ngờ xúc phạm đến quan Kinh-Triệu-Doãn là Hàn-Dũ, bị lính bắt, Hàn-Dũ hỏi vì sao, Giả-Đảo nói rõ đầu đuôi, Dũ bèn nói, chữ "xao" hay hơn. Đời sau, gọi làm văn chọn lựa từg chữ là thôi xao.



  95. Sách Lã-Thị-Xuân-Thu Quí-Hạ chép: "Sai người đánh cá diệt trừ loài giao". Đời xưa, khi sắp có hồng-thủy, thì có con giao dưới đất hiện lên, nên khiến người đào đất trừ khử để tránh thủy-tai.



  96. Vua Đại-Vũ nhà Hạ làm thiên Vũ-Cống trong Kinh-Thơ, nói rõ về núi sông trong chín Châu.



  97. Điêu-Đề là khắc chữ trên trán.



  98. Điển nói về Mã-Viện dựng đồng trụ.



  99. Điển nói về Chung-Quân xin trường-anh.



  100. Đã chú-thích ở bài thơ trước.



  101. Ý-dĩ cũng điển về Mã-Viện, đã chú-thích ở những bài trước.

<< Tạp Ký | Thơ của các danh-nhân An-Nam >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 770

Return to top