Từ xưa nước An-Nam thông giao với Trung-Quốc, thời vua Chuyên-Húc, phía bắc đi tới U-Lăng,phía nam đi tới Giao-Chỉ. Vua Đế-Nghiêu sai Hy Hoà qua ở đất Nam-Giao, vua Thuấn sai Vũ qua Nam yên-vỗ Giao-Chỉ. Qua đời Chu-Thành-Vương (1115-1079 trước công nguyên), họ Việt-Thường qua chín lần thông-ngôn, tới cống-hiến mà nói rằng: "Trời không có gió bảo, không mưa dầm, ngoài biển không nổi sóng dữ đã ba năm nay, có lẽ ở Trung-Quốc có đấng thánh-nhân trị-vì, sao chẳng tới chầu?". Lúc bấy giờ, Chu-Công đặt bài ca, đánh đàn thuật chuyện họ Việt-Thường tới chầu: "Ô hi ta ta! Phi Đán chi lực, Văn-Vương chi đức", nghĩa là: ôi ôi! vui thay, cảnh-tượng thái-bình không phải nhờ sức của Đán (tên của Chu-Công) mà là nhờ đức của vua Văn-Vương. Nước Việt-Thường, tức đất Cửa-Châu, ở phía nam Giao-Chỉ.
Quyển Hán-Quan-Nghi của Ứng-Thiện chép rằng: "trước tiên Trung-Quốc mở mang từ "sóc" (phương bắc), rồi sau tiến sang phương nam lấy làm "cơ chỉ". Hiện nay, các sách viết chữ "chỉ" (cái nền) là viết sai.
Nhà Tần (246-207 trước công nguyên) lấy Giao Chỉ làm Tượng-Quận; đến khi nhà Tần loạn thì Đô-uý quận Nam-hải là Triệu-Đà nổi binh đánh lấy hết các quận quốc, rồi tự lập làm vua. Khi ấy, Hán-Cao-Tổ sai Lục-Giả qua lập Đà làm Việt-Vương. Sau khi Cao-Tổ băng, Cao-Hậu cấm Nam-Việt mua đồ sắt của Trung-Quốc, Đà tiếm hiệu xưng đế, rồi phát quân đi đánh Trường-Sa. Văn-đế lại sai người đưa thư qua trách Đà. Đà có ý sợ, bèn bỏ hiệu đế, nguyện làm tôi và cống hiến phẩm vật.
Năm Kiến-Nguyên thứ 3, (vua Võ-đế, 142 trước công nguyên) Đà mất, con cháu họ Triệu truyền xuống bốn đời, kể được hơn chín mươi năm.
Võ-đế sai Chung-Quân đi sứ qua Nam-Việt để dụ vua Việt tên là Hưng vào chầu, Hưng muốn đi, nhưng bị tướng Lữ-Gia can ngăn, vua không nghe, Gia làm phản, nổi binh đánh giết vua và cả sứ-gả nhà Hán, lập Kiến-Đức là anh khác mẹ lên làm vua Nam-Việt.
Năm Nguyên-Đinh thứ 5 (112 trước công nguyên), Vệ-Uý là Lộ-Bác-Đức xuất mười vạn quân qua đánh Nam-Việt, năm thứ sáu, mới đánh bại người Việt, lấy đất đó chia làm các quận: Nam-Hải, Thương-Ngô, Uất-Lâm, Hợp-Phố, Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam, Châu-Nhai và Đam-Nhỉ, mỗi quận đặt Thái-thú để cai trị.
Qua nguyên-niên Sơ-nguyên của Nguyễn-Đế (48-33 trước công nguyên), bãi bỏ hai quận Châu-Nhai và Đam-Nhỉ, còn lại bảy quận, kể cả Giao-Chỉ. Khi đầu, Giả-Quyên-Chi tâu rằng: Châu-Nhai, Đam Nhỉ, đều ở hải ngoại; xứ ấy thường cậy thế hiểm trở mà làm phản, đến lúc dụng binh tới dẹp, thì chỉ có miếng đất vô dụng mà thôi, nếu bỏ đi cũng không đáng tiếc. Vua Hán bèn hạ lời chiếu bãi bỏ.
Nhan-Sư-Cổ nói: bảy quận đều thuộc về Giao-Châu, theo chế độ nhà Hán, các quận thuộc châu, nên đặt Thứ-sử Giao-Châu để cai-trị chung.
Năm Kiến-Võ thứ 16 (40 sau công nguyên), đời vua Hán Quang-Võ, có người đàn bà Giao-Chỉ tên là Trưng-Trắc làm phản, năm thứ 19 (43), sai Mã-Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán.
Năm Kiến-An thứ 15 (210), Hiến-Đế dời chỗ cai trị qua quận Nam-Hải.
Vương-Phạm nói: chỗ quận trị của quan Thứ-sử ở đất Giao-Châu, cuối đời Hán, đổi qua Nam-Hải, khi Tôn-Quyền mới được ấn mạng của nước Nguỵ, cũng cầm cờ mao tiết làm tổng-đốc Giao-Châu và kiêm lĩnh Kinh-Châu. Tôn-Tư làm Giao-Chỉ Thái-thú quá tham bạo, bị quận lại Lữ-Hưng giết, các quận Cửu-Chân và Nhật-Nam đều phản, và hàng nhà Tấn.
Tôn-Quyền thấy Giao-Chỉ ở xa, bèn chia Giao-Châu đặt Quảng-Châu và dời quận trị của Giao-Châu qua Long-Biên.
Nguyên niên Kiến-Hoành (269), vua nước Ngô là Tôn-Hạo sai các tướng là Tiết-Hủ, Đào-Hoàng qua thu phục Giao-Chỉ, giết các tướng do nhà Tấn đặt ra, như vậy đất Cửu-Chân lại thuộc về Ngô. Đến lúc nước Ngô mất, Giao-Châu trở về nhà Tấn, trải qua các triều: Tống, Tề, Lương, Trần, Tuỳ, Đường đều để y như cũ, chỉ cải tên Cửu-Chân làm Ái-Châu, Nhật-Nam làm Hoan-Châu, đều thiết Thứ-Sử, hoặc đặt Giao-Châu tổng-quản hoặc An-Nam đô-đốc để thống trị. Qua đời Đờng mới chia Lĩnh-Nam làm đông tây đạo, đều đặt Tiết Độ-Sứ, lại đặt ra năm quận: Quế, Quản, Ung, Dung và An-nam, đều thống thuộc Đông-đạo, về phận Tây-đạo, thì đặt An-nam đô-hộ kiêm cả ngũ quản. Kinh-Lược-Chiêu-Thảo-Sứ là Trương-Bá-Nghi đắp La-Thành tại An-nam, công trình chưa xong, đến năm Nguyên-Hoà thứ 3 (808), đô hộ là Trương-Chu đắp tiếp thêm mới hoàn công. Lâm-Tư nói rằng: La-Thành chu-vi 2000 bước, tốn hết 25 vạn công.
Đến đời vua Tuyên-Tông, niên hiệu Đại-Trung (847-859) có viên đô-hộ cai trị không được đứng đắn, đãi dân bằng lối bạo ngược, họ bèn liên-kết với rợ Nam-Chiếu, trở lại đánh phủ An-nam, cuộc rối loạn chém giết kéo dài luôn mấy năm không thôi. Năm Hàm-Thông thứ 3 của vua Y-Tông, (682), nước Nam-Chiếu đánh hãm La-Thành; viên Kính-Lược-Sử Thái-Tập bị chết, vua sai Cao-Biền làm chức đô-hộ, đem quân đánh khôi phục phủ thành, chém tướng mọi là Đoàn-Tù-Thiên và bọn quân mọi hơn 30.000 cái đầu; rồi tu bổ La-Thành lại, cải xưng đô-hộ-phủ Tịnh-Hải-Quân. Biền được trao cho làm chức Tiết-Độ-Sứ.
Kịp dời Ngũ-Đại, các người thố hào ở các Châu Giao, Ái là Khúc-Hạo, Dương-Diên-Nghệ, Kiều-Công-Tiện, v.v... thay nhau dùng võ lực cướp quyền.
Tướng cũ của Nghệ là Ngô-Quyền bèn giết Công-Tiện mà tự lập làm vua, truyền được vài đời, đến khi Ngô-Xương-Văn chết, thì có bộ thuộc là Ngô-Bình (tức Lữ-Xữ-Bình), dành làm vua; Đinh-Bộ-Lĩnh giết Ngô-Bình, lãnh nước Giao-Chỉ, tự xưng là Vạn-Thắng-Vương, lại tự ý cho con Liễn làm Tiết-Độ-Sứ.
Đầu nhà Tống, Liễn khiến Sứ nhập cống, Thái-tổ phong Bộ-Lĩnh làm Giao-chỉ Quận-Vương và hạ chiếu cho Liễn làm Tiết-Độ-Sứ An-nam đô-hộ. Sau Liễn và cha đều mất, em là Triền kế lập thì bị Thái-Hiệu Lê-Hoàn phế bỏ và cướp ngôi. Lê-Hoàn giả làm tờ biểu dâng vua nhà Tống, nói rằng:
Triền khiến Hoàn thay làm vua. Thái-Tông nhà Tống bèn phong Hoàn làm vua. Nhà Lê truyền được ba đời, cộng ba mươi năm, bị Lý-Công-Uẩn cướp ngôi. Vua Chân-Tông lại phong Công-Uẩn làm Giao-Chỉ Quận-Vương.
Năm Long-Hưng thứ 2 của Hiếu-Tông (1164), Lý-Thiên-Tộ sai sứ nhập cống, được vua Tống phong làm An-nam quốc-vương, tên nớc An-nam bắt đầu từ đó.
Họ Lý truyền ngôi được tám đời, không có con trai, do con gái là Chiêu-Thánh nối ngôi. Trong năm Canh-Dần niên hiệu Thiệu-Định nhà Tống (1230), Chiêu-Thánh nhường ngôi cho chồng là Trần-Nhật-Cự (tức Trần-Cảnh), vua Tống lại phong Nhật-Cự làm An-nam Quốc-Vương.
Năm Quý-Sửu (1253), Đại-Nguyên đã dẹp yên Vân-Nam, đến mùa đông năm Đinh-Tỵ (1257), sai Đại-Soái là Ngột-Lương Hợp-Đãi đem quân qua biên-giới An-nam, do đường Quảng-Tây để hội binh đánh nhà Tống; quân-đội nhà Trần chống cự, không được thắng, bèn nạp khoản xưng thần, rồi khiến bồi-thần dâng lời biểu và thường năm qua cống hiến phẩm vật.
Đến năm Tân-Dậu niên-hiệu Trung-Thống (1261), vua Thế-Tổ Hoàng-Đế lại phong họ Trần làm vua An-nam; qua năm Đinh-Sửu, hiệu Chí-Nguyên (1277), vua Trần mất, Thế-Tử (tức Nhật-Hoảng), không xin sắc-mạng, mà tự lập làm vua, nên vua sai Thượng-Thư bộ Lễ là Sài-Thung sang mời nhập triều; vua Trần mượn cớ có tật không đi. Qua năm sau, lại lấy cớ có tật không đi, sai quốc-thúc là Trần-Di-Ái sang triều-kiến. Thế-Tổ viện cớ vua có bịnh, bèn lập Di-Ái làm vua.
Năm Tây-Tỵ (1281), sai Sài-Thung nhận chức An-nam-Hành Tuyên-Uý-Sứ Đô-Nguyên-Soái, xuất binh 1000 người, đưa Di-Ái về nước, đi đến địa-giới Vĩnh-Bình, An-nam không chịu nhìn nhận, Dị-Ái sợ, ban đêm trốn về, chỉ sai bồi-thần thay mặt tiếp rước Sài-Công vào nước, tuyên lời dụ chỉ của vua rồi trở về.
Năm Nhâm-Ngọ, hiệu Chí-Nguyên (1282), quan Hữu-Thừa là Toa-Đô cầm quân qua đánh thâu Chiêm-Thành, triều-đình sai sứ yêu-cầu vua An-nam cho mượn đường tiến binh, và giúp quân lương, Thế-Tử (tức vua Trần) không chịu. Đến mùa đông năm Giáp-Thân, hiệu Chí-Nguyên (1284), vua sai Trấn-Nam-Vương Thoát-Hoan và quan Bình-Chương là A-Lý-Hải-Nha tiến tới biên giới, Thế-Tử kháng cự, thua chạy, em là Ích-Tắc, quy thuận vào chầu, vua thương tình, phong Ích-Tắc làm An-nam quốc-vương, lại phong cận-thần là Trần-Tú-Viên làm Phụ-Nghĩa-Công, các quan lại đi theo cũng đều cho tước-vị.
Năm Đinh-Hợi, hiệu Chí-Nguyên (1287), Thế-Tổ sai Trấn-Nam-Vương và quan Bình-Chương là Áo-Lỗ-Xích cầm quân qua bình-định An-nam, khi quân kéo đến, Thế-Tử đánh thua, chạy trốn ngoài hòn đảo ở giữa biển. Qua mùa xuân, tháng ba, năm sau, Trấn-Nam-Vương thấy khí-hậu nước An-nam quá nóng-nực độc-địa, bèn kéo quân về.
Trong năm Quý-Tỵ hiệu Chí-Nguyên (1293), vua lại sai Đại-Vương Ích-Cát-Liệt-Đải và quan Bình-Chương là Lưu-Nhị-Bạt-Đô, v.v... qua đóng đồn tại đất Việt, để chờ qua năm là năm Giáp-Ngọ (1294), trong khoảng mùa thu thì tiến binh. Nhưng tháng giêng năm ấy vua Thế-Tổ băng; qua tháng tư mùa hạ, Thành-Tông Hoàng-Đế lên ngôi, hạ chiếu bãi binh, lại khiến quan Thị-Lang bộ Lễ là Lý-Hản, quan Lang-Trung là Tiêu-Thái-Đăng đi sứ qua An-nam tha tội cho Thái-Tử An-nam và dẫn sứ-thần An-nam là Đào-Tử-Kỳ về nước để tuyên lời dụ-chỉ. Lúc đó, Thế-Tử đã mất từ mấy năm, nên con vua suất các quan liêura đón, đặt bàn xông trầm, trông về cửa khuyết (nước Nguyên) mà lạy tạ ơn. Lại khiến bồi-thần qua dâng lời biểu chúc mừng, xin làm phiên-thần vĩnh-viễn, chiếu-lệ thường triều-cống, đến nay vẫn còn.
Nam-Giao đời xưa, nhà Chu gọi là Việt-Thường, nhà Tần gọi là Tượng-Quận, nhà Hán đặt làm ba quận: Giao-Châu, Cửu-Chân và Nhật-Nam. Nhà Đường lại cải Giao-Châu làm An-nam phủ, quận Cửu- Chân làm Ái-Châu, quận Nhật-Nam làm Hoan-Châu, tức là La-Thành, Thanh-Hoá và Nghệ-An ngày nay vậy.
Quận-ấp
Đất Nam-Giao xưa, nhà Chu gọi là Việt-Thường, nhà Tần đặt tên là Tượng-Quận. Đến cuối nhà Tấn, Nam-Hải-Uý là Triệu-Đà đánh tóm thâm đất, tự lập làm một nước riêng và tiếm xưng vương-hiệu.
Sơ niên Tây-Hán, Cao-Tổ phong Đà làm Nam-Việt-Vương, trải được mấy đời, thì tướng Nam-Việt là Lữ-Gia làm phản, giết vua Triệu và các sứ-thần của nhà Hán. Vũ-Đế sai Phục-Ba tướng-quân Lộ-Bác-Đức sang đánh diệt Nam-Việt, rồi đặt ra chín quận, bổ quan cai trị. Nước An-nam ngày nay tức là 3 quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân và Nhật-Nam ở trong chín quận ấy.
Về sau các triều đại kế tiếp, chế-độ quận huyện không nhứt định.
Qua đời Ngũ-Đại (907-959), người đất Ái-Châu là Ngô-Quyền, chiếm giữ quận Giao-Chỉ; đời sau các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, nối nhau tranh quyền, đều được nhà Tống phong vương tước. Quan-chế, hình-pháp và hành-chính, ít nhiều học của Trung Hoa, còn về quận-ấp hoặc theo cũ, hoặc đổi mới, nay lấy đại-khái mà chép lại.
Đại-La Thành-Lộ 1 xưa là nước Giao-Chỉ, đời nhà Hán để như cũ, nhà Đường đặt làm An-nam đô-hộ-phủ, thành phủ ở tại phía tây bờ sông Lư-Giang; Trương-Bá-Nghi đời Đường bắt đầu xây thành ấy, Trương-Chu, Cao-Biền tiếp-tục sửa sang đắp thêm. Trong thời Chân-Tông nhà Tống, Lý-Công-Uẩn người quận ấy, kiến-quốc tại đây. Đến nhà Trần nối theo nhà Lý lấy đất ấy đạt thêm ba phủ nữa: Long-Hưng, Thiên-Trường và Trường-An.
Long-Hưng-Phủ: tên cũ là Đa-Cương-Hương. Tổ-tiên họ Trần lúc còn hàn-vi, ban đêm đi qua một cái cầu khe, khi qua rồi, ngoảnh lại, không thấy cầu nữa. Chẳng bao lâu, họ Trần được nước, người ta gọi khe ấy là Long-Khê, nên đổi tên Đa-Cương làm Long-Hưng.
Thiên-Trường-Phủ: tên cũ là Tức-Mặc-Hương, nơi phát-đích họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành-cung tại đó, mỗi năm đến một lần, để tỏ ra là không bỏ quân chỗ phát-tích của ông bà, rồi đổi tên làm Thiên-Trường-Phủ, chỗ ấy có nước thủy-triều chảy quanh thành, hai bên bờ mọc nhiều cây hoa, khí thơm ngát người, hoạ-thuyền qua lại, giống như cảnh tiên vậy.
Trường-An-Phủ: vốn là động Hoa-Lư; chỗ sinh ra Đinh-Bộ-Lĩnh, cuối đời Ngũ-Quý, họ Đinh lập quốc tại đó.
Qui-Hoá-Giang-Lộ: tiếp với biên-giới Vân-Nam.
Tuyên-Hoá-Giang-Lộ: tiếp giáp đạo Đăc-Ma.
Đà-Giang-Lộ: tiếp với địa-giới Kim-Xỉ.
Lạng-Châu-Giang-Lộ: tiếp với tả-giang và hữu-giang.
Bắc-Giang-Lộ: ở trên đông-ngạn của La-Thành, nước sông Lư-Giang thông với biển, trên sông có bắc 10 cái cầu đồ sộ và đẹp đẽ.
Như-Nguyệt-Giang-Lộ.
Nam-Sách-Giang-Lộ.
Đại-Hoàng Giang-Lộ.
Hồng-Lộ.
Khoái-Lộ.
Châu
Các châu đều tiếp địa-giới Quảng-Tây và Vân-Nam, tuy gọi là châu huyện, nhưng sự thật là động vậy.
Quốc-Oai-Châu: ở phía nam thành Đại-La.
Cổ-Châu: ở Bắc-Giang.
Tiên-Châu: xưa gọi là Long-Biên.
Phú-Lương-Châu.
Tư-Nông-Châu: một tên khác gọi là Dương-Xá.
Định-Biên-Châu: một tên khác gọi là Minh-Mỵ.
Vạn-Nhai-Châu: một tên khác gọi là Minh-Hoàng.
Văn-Châu: một tên khác gọi là Môn-Châu.
Thất-Nguyên-Châu.
Tư-Lang-Châu.
Thái-Nguyên-Châu: một tên khác gọi là Hoàng-Nguyên.
Long-Biên: Cuối đời Tây-Hán, trị-sở của Thứ-sử quận Giao-Châu tên là Long-Uyên, sau vì có Giao-Long hay lên nằm khoanh trên mặt nước, mới cải tên là Long-Biên 2
Chu-Diên: Huyện của đời Hán; đời Đường cải làm Diên-Châu, đặt ra hai huyện Cao-Lăng và AnĐịnh.
Liên-Lâu: Âm chữ trên là "liên", âm chữ dưới là "lâu". Thời Hán là tri sở của thứ-sử Giao-Châu.
My-Linh: Trị-sở của quan Đô-Uý quận Giao-Chỉ đời Hán.
Khúc-Dương: Âm là "Dương".
Câu-Lậu: Hồi trước Cát-Hồng làm huyện lệnh ở đây.
An-Thuận: Đời nhà Đường gọi là Thuận-Châu.
Sùng-Bình: Đời Đường là An-Bình.
Hải-Bình: Đời Đường là Ninh-Hải.
Cổ-Đô
An-Định
Phủ-Lộ Thanh Hoá
Đời Tây-Hán là quận Cửu-Chân, đời Tuỳ, Đường là Ái-Châu, những thuộc ấp của châu ấy hiện nay, gọi là giang 3 , trường, giáp và xã, kê như sau:
Cư-Phong: Là nơi Mã-Viện bắt được dư-đảng của Trưng-Trắc.
Vô-Công: Trị sở của Đô-Uý quận Cửu-Chân đời Hán.
Việt-Thường: Một tên khác là Cửu-Đức.
Nghệ An Phủ Lộ
Trong thời Tây-Hán là Quận Nhật-Nam, đời Tuỳ, Đường gọi là Hoan-Châu.
Ấu-Tân-Giang - Minh-Đạo-Giang.
Kệ-Giang - Thương-Lộ-Giang.
Đường-Gia-Giang - Trương-Xá-Giang.
Dư nữa không chép.
Diễn-Châu lộ
Vốn là thuộc huyện của quận Nhật-Nam, gọi là Phù-Diễn và An-Nhân, nhà Đường đổi tên là Diễn-Châu.
Cự-Lại-Giang- Tha-Viên-Giang.
Hiếu-Giang - Đa-Bích-Trường.
Cự-Lam-Xã.- Cao-Gia-Xã.
Ban-Bát-Xã.
Dư nữa không chép.
Bố-Chánh phủ lộ
Nguyên là huyện Tượng-Lâm, quận Nhật-Nam đời Tây-Hán.
Cuối đời nhà Hán, có người trong ấp giết huyện lệnh, tự lập thành nước, gọi là Lâm-ấp.
Đầu niên hiệu Nguyên-Hoà (806-820) nhà Đường, lại thuộc về An-nam phủ, nay tên là Bố-Chính.
Trong xứ ấy, núi trùng-điệp, cho nên Liễu-Tử-Hậu có câu thơ rằng: "Lâm-ấp đông hồi sơn tợ kính", nghĩa là "từ phía đông quanh lại xứ Lâm-ấp, núi dựng như cây giáo".
Đồ-Lê-Giang: (Tiếp giới Chiêm-Thành).
Núi
Núi Phật-Tích: vì trên đá có dấu chân, nên đặt tên là Phật-Tích.
Núi Tản-Viên: hình núi như cái tán.
Núi Tiên-Du: có hòn đá bàn-thạch, dợn có đường gạch như bàn cờ, tương truyền rằng: xưa có tiên đánh cờ vây ở đó. Bọn con gái đi hái củi thường đến giao-hợp ở trên đá bàn cờ, nên hòn đá ấy đổ xuống và nứt vỡ.
Núi Võ-Ninh: Tục truyền rằng ở dưới núi có mộ của Triệu-Việt-Vương.
Núi Phổ-Lại: Năm Đinh-Vị, Chí-Nguyên, (có lẽ chép nhầm năm Đinh-Hợi Chí-Nguyên tức năm 1287 A.D.), quan binh có tới làm hang rào cây, để chứa lương thực ở đó.
Núi Vạn-Kiếp: Trở mặt ra một con sông lớn, sau lưng có núi muôn trùng, rừng rậm tre cao, dưới nước trên cầu, phong cảnh rất đẹp. Hưng-Đ̐ờng tắt vào núi thì thấy hoa và cây rậm rạp tốt đẹp, có suối ngọc chảy mòn đá, lửa đóm rước người (vào chơi), mát mẽ lạ lùng, cõi đời không có.
Núi Yên-Tử: Gọi là Yên-Sơn hoặc là Tượng Sơn, bề cao lên quá từng mây. Đầu niên hiệu Hoàng-Hựu, nhà Tống (1049-1053), gọi là Xứ-Châu, hồi giữa niên-hiệu Đại-Trung Trường-Phù (1008-1016), triều đình lại ban tên là Tử-Y-Đông-Uyên. Đại-Sư là Lý-Tư-Thông có dâng lên vua hải-nhạc danhsơn-đồ và vịnh thơ tán: Phúc-Địa thứ tư tại Giao-Châu là Yên-Tử-Sơn.
Tân kỳ chóp núi nêu vài nụ, Yểu-điệu hình khe trổ một ngành. Tiên cỡi loan qua ngồi cảnh tịnh, Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh.
Tắc Sơn: Có động Yên-La, đỉnh núi Tý-ngọ, đều xinh đẹp lạ kỳ. Thiện-Lạc-Vương thường dắt đệ-tử vào đó.
Núi Địa-Cận: Núi ấy rất cao và hiểm trở, có cây tùng đã lâu đời, tục truyền có rồng khoanh ở trên cây ấy. Trần-Thái-Vương có làm hành-cung tại đó.
Núi Thiên-Dưỡng: Tốt đẹp mà hiểm, khi thủy-triều lên xuống mới chèo ghe đi tới được. Họ nhà vua xây dựng nhà cửa ở trong, để tránh quốc-nạn.
Động Võ-Lâm: Xưa nước An-nam, đời vua thứ tư của nhà Trần là Trần-Nhân-Vương, bỏ ngôi vào ẩn ở đó để thành đạo, hiệu là Trúc-Lâm đạo-sĩ, có làm Hương-hải-ấn-thi tập, truyền lại đời sau.
Núi Thần-Đầu: Núi ấy làm ranh giới cho hai quận La-Thành và Thanh-Hoá. Thế núi liền nhau có hai bờ, nước thủy-triều ngoài biển chạy vào ở giữa.
Thời xưa người ta tới đục mở ba hòn núi ở bờ phía nam để tiện sự qua lại. Hồi trước Thánh-Vương nhà Lý, đánh nước Chiêm-Thành, ý muốn vượt qua biển, nhưng gặp mù và sóng lớn, đi không được, mới cầu thần ở núi ấy, rồi đi được, khi về lập đền thờ ở đó, từ đó về sau, các hòn núi đều thuộc về Thanh-Hoá cả.
Long Đại-Nham: Gọi là Bửu-Đài, sầm uất mà tốt đẹp đặc biệt, trong vách đá có khoảng trống làm chỗ thờ phật, ở ngoài như treo những hoành đối, trổ dáng nhà cửa, giàn trước có con sông trong, bọc sau lưng có hồ sen đỏ, cây thông bóng mát vài dặm, núi non liên tiếp muôn trùng. Xưa có truyền lại rằng có con chuột rất lớn ở trong hang núi, nên tục gọi là hòn lèn "Con dơi".
Núi Văn-Trường: Đá núi ấy rất tinh khiết mà trắng, làm hạt châu-thủy-tinh được.
Biện-Sơn: Ở ngoài bể khơi, xưa có những thú-vật thình-lình hoá kiếp những võ và xương tấp vào, xuyên qua hang đá, nay vẫn còn.
Núi An-Hoạch: Sản-xuất đá làm bia, làm đỉa nghiên. Sách cũ có chép: Dự-Chương Thái-Thú Phạm-Nịnh sai sứ tới quận Cửu-Chân lấy đá làm khánh để dùng ở trong trường học.
Núi Đông-Sơn: Chạy tới sông Chi-Minh, đã cao lại tốt, trên núi có hang, trèo lên mà trông, sắc nước in trời thật là một cảnh rất đẹp. Phụ-thân tôi, (Lê-Tắc) thời trung-niên, thôi làm quan, tự hiệu là Tư-Duy cư-sĩ, thường ẩn-cư trong hang núi ấy.
Núi Khu-Na: Cao, rộng, nhiều ma, những con ma nầy mỗi khi ra khỏi núi lại đốt nhà của người ta. Nhân có nhà sư tên là Phụng-Phù, cứ ngày đêm đọc bài chú đại-bi, ma sợ tránh đi xa, người ta mới khỏi bị hại. Núi ấy có nhiều trái cây ăn được, ai đến tha hồ mà ăn, nhưng hễ đem về thì lạc mất đường.
Núi Lập-Thạch: Là một hòn đá đứng sững vậy. Tương truyền rằng thuở xưa có ông thần dựng một hòn đá to lớn để vạch địa hạt Ái-Châu và Diễn-Châu.
Núi Đà-Kỹ: Có một khoảng đất vườn, ở sát bờ biển, sinh ra thứ đá đen như hình con cờ, hình sắc thật đẹp, đáng yêu. Ta thường ra chơi, gặp ông già nói rằng: "cách đây hơn một trăm dặm, lại có sản-xuất con cờ đá trắng". Tục truyền rằng: người tiên thường đánh cờ vây ở đó.
Núi Hương-Tượng: Rất cao rộng, sản-xuất gỗ thơm, tê-ngu và voi.
Sùng-Sơn: Thẩm-thuyên-Kỳ, đời nhà Đường bị đày qua đất Hoan-Châu, có làm bài Sùng-Sơn hướng Việt-Thường thi:
Buổi mai leo đến núi Sùng, Việt-Thường xế đến, ngồi trông bóng chiều. Hang Sam-Cốc theo chiều bóng lặn, Từ Trúc-Khê ra thẳng Bắc-Phương. Trúc-Khê, Minh-Thủy thông-thương, Rày Hang Sam-Cốc, xưa đường Sùng-Sơn. Núi so le, cây ngàn thưa nhặt, Quấn quít nhau ràng mắc thành chùm. Đầy gò lá quế xanh um, Hoa đằng nẩy nở trong lùm đá ngăn. Trời lồng lộng còn dăng cửa sổ, Cảnh âm thầm đá trổ hang mây. Thợ trời dường lắm công xây, Bao nhiêu thẳng-tích người rày tới nơi. Không phải muốn tìm nơi quái dị, Khoan thai chưa quyết chí lui về.
Phân Sơn: Lại còn gọi là Liệt-Sơn, hai nước An-nam và Chiêm-Thành, lấy núi này làm ranh-giới, tục truyền rằng cây cỏ ở trên núi ấy cũng chia hai: bên ngã về Nam, bên ngã về Bắc.
Núi Kim-Ngưu: Sách xưa chép đá núi ấy đều sắc đỏ, trong đá có chất vàng, đêm lại thì sáng như con đom-đóm.
Núi Đô-Long: Nơi Lưu-Phương đánh bại Lâm-ấp.
Sông
Sách xưa chép các con sông như Yêm-Thủy, Lô-Du-Thủy, Lậu-Thủy, Tây-Tuỳ-Thủy đều từ Đông nam đất Tuấn-Việt chảy đến Long-Môn đất Giao-Chỉ.
Dương-Hùng (đời nhà Hán) nói rằng: "các xứ hoang nhàn ở giải đất Giao-Chỉ, nước tiếp giáp với trời".
Lô-Giang: Sông Tam-Đái (ba giải) chảy tới La-Thành, lại từ sông Lô thông ra biển.
Tô-Lịch-Giang: Chảy quanh La-Thành, trên sông có năm cái cầu, đều làm rất đẹp. Hiệu Chí-Nguyên năm Bính Tý (1276), nhà Tống mất, Tăng-Uyển-Tử trốn sang An-nam, đi chơi qua cầu Lịch-Giang có ngâm bài thơ rằng:
Đầu bạc chàng Tô 4, trời một góc, Theo tiên vua Võ, nhạn về Nam. Trên cầu sông Lịch trông về Bắc, Trải mấy lằn thu thấy chẳng nhàm.
Tam-Đái-Giang: Nước sông Qui-Hóa từ Vân-Nam chảy về, nước sông Tuyên-Quang từ Đặc-Ma Đạo chảy tới, nước sông Đà từ nguồn Chàng-Long chảy về, nhân có ngã ba, nên đặt tên như vậy.
Phú-Lương-Giang: Là nơi Quách-Quỳ đời Tống đánh bại Giao-Chỉ.
Đại-Hoàng-Giang: Trong năm Giáp-Thân hiệu Chí-Nguyên (1284), là nơi quan quân đánh phá An-nam.
Đại-Ác-Giang: Một tên khác gọi là Đại-An.
Bà-Lữ-Uyên: (vực) nước sâu có nhiều thủy quái.
Từ-Liêm-Thủy: Theo sách Cửu-Vực-Chí chép rằng: Từ-Liêm-Thủy ở tại Giao-Chỉ. Xưa ở bên sông ấy, Lý-Nhân-Tổ có mười anh em đều từ hiếu cả, nhân đó, mới đặt tên như vậy.
Long-Môn-Thủy: Sách xưa chép: "huyện Phong-Khê, quận Giao-Chỉ có Long-Môn-Thủy, nước sâu trăm tầm, cá con nào lớn vượt lên suối ấy được, thì hóa rồng, nếu lên không được, thì bị thương nơi trán và bày mang ra".
Việt-Thường-Uyển: Cứ sách Phò-Nam-Ký, khoảng đất giữa khe núi, gọi là uyển. Vườn Cửu Đắc, có tên là Bổ-Uyển.
Cổ-Tích
Việt-Vương-Thành, tục gọi là thành Khả-Lũ, có một cái ao cổ, Quốc-vơng mỗi năm lấy ngọc châu, dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc tươi đẹp. Giao-Châu Ngoại-Vực-Ký chép: hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc-điền tuỳ theo thủy-triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc-Dân, người cai-quản dân gọi là Lạc-Vương, người phó là Lạc-Tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu. Vua nước Thục, thường sai con đem ba vạn binh, đi chinh phục các Lạc-Tướng, nhân đó cử giữ đất Lạc mà tự xưng là An-Dương-Vương. Triệu-Đà cử binh sang đánh. Lúc ấy có một vị thần tên là Cao-Thông xuống giúp An-Dương-Vương, làm ra cái nỏ thần, bắn một phát giết được muôn người.
Triệu Đà biết địch không lại với An-Dương-Vương, nhân đó trú lại huyện Võ-Ninh, khiến Thái-Tử Thủy làm chước tá hàng để tính kế về sau.
Lúc Cảo-Thông đi, nói với vua An-Dương-Vương rằng: "Hễ giữ được cái nỏ của ta, thì còn nước, không giữ được thì mất nước".
An-Dương-Vương có con gái tên là Mỵ-Châu, thấy Thái-Tử Thủy lấy làm đẹp lòng, rồi hai người lấy nhau. Mỵ-Châu lấy cái nỏ thần cho Thái-Tử Thủy xem, Thủy xem rồi lấy trộm cái lẩy nỏ mà đổi đi. Về sau Triệu-Đà kéo quân tới đánh thì An-Dương-Vương bại trận, cầm cái sừng tê vẹt được nước vào biển đi trốn, nên Triệu-Đà chiếm cả đất của An-Dương-Vương. Nay ở huyện Bình-Địa 5, dấu tích cung điện và thành trì của An-Dương-Vương hãy còn.
Lưu-Chiêu nói: Giao-Chỉ tức là nước An-Dương. Mã-Phục-Ba đời Hán dẹp yên giặc ở Giao-Chỉ, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn cho nhà Hán. Đời nhà Đường, Mã-Tống làm chức An-nam đô-hộ, lại dựng hai cái trụ đồng, vì Tống là con cháu của Phục-Ba. Xưa có truyền lại rằng: ở nơi động Cổ-Sum, tại Khâm- Châu có cái cột đồng của Mã-Viện và lời thề rằng: "Hễ cái trụ đồng nầy gãy, thì nước Giao-Chỉ tiêu-diệt", vì thế, người Giao-Châu, mỗi khi đi ngang qua đều lấy đá, ngói, ném vào dưới chân cột đồng, nên chẳngbao lâu, nơi ấy hóa thành gò.
Đổ-Phủ có câu thơ rằng: "Vũ lai đồng trụ bắc, ý tẩy Phục-Ba quân" nghĩa là: "mưa phía Bắc đồng trụ, muốn rửa quân Phục-Ba".
Ở cương-giới nước Chiêm-Thành cũng có cột đồng. Mạnh-Hạo-Nhiên có câu thi: "Đồng trụ Nhật-Nam đoan", nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật-Nam.
Sách Cửu-Vực-Chí nói: "cái giếng tại Giao-Châu không phải người đào".
Mã-Viện khi đã dẹp yên Giao-Chỉ, có làm trâu bò, lọc rượu để đãi quân-sĩ, trong lúc yến tiệc, Viện thong thả nói với liêu thuộc rằng: "Người em họ của ta tên là Thiếu-Du thường hay thương tôi khẳng khái có chí lớn và nói: "kẻ sĩ sinh ở đời, miễn sao vừa đủ ăn mặc, đi cái xe tầm thường, cỡi con ngựa xấu xí, làm chức lại thuộc trong quận, giữ phần mộ của tổ-tiên, làng xóm cho là người hiền-lành, như vậy thì đủ rồi. Còn như ham muốn cho dư dũ, thì chỉ là tự mình làm khổ cho mình đó thôi". Hồi ta ở giữa Lãng-Bạc và Tây-Lý, chưa diệt được giặc, dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy diều bay là là xuống nước, nhớ lại lời nói bình thời của Thiếu-Du, ta tiếc không làm sao được như vậy".
Uy-Vũ-Miếu: Tô-Đông-Pha chép rằng: "nhà Hán có hai ông Phục-Ba đối với dân Lĩnh-Nam đều có công-đức. Ông Phục-Ba trước là Bì-Ly Lộ-Hầu, ông Phục-Ba sau là Tân-Tức Mã-Hầu. Nước Nam-Việt từ đời Tam-Đại trở xuống, không đời nào dẹp yên cả. Đời Tần (246-207 trước công nguyên), tuy có đặt quan-chức cai-trị, song rồi trở lại tình trạng man-di. Bì-ly mới diệt được nước ấy và chia làm chín quận.
Nhưng đến đời Đông-Hán, lại có người con gái là Trưng-Trắc, khởi binh rung động hơn sáu mươi thành. Đương thời vua Thế-Tổ mới dẹp yên thiên hạ, thấy dân đã mõi mệt và chán việc dụng binh, bèn đóng cửa Ngọc-Quan từ tạ Tây-Vực. Phương chi Nam-Việt là chỗ hoang viễn, không đáng phiền-lụy đến quân đội nhà vua, nếu không phải Tân-Tức (hầu) chịu khó đánh dẹp thì dân chín quận vẫn khoác áo bên trái đến bây giờ. Do đấy hai Phục-Ba đáng được miếu thờ tại Lĩnh-Nam.
"Ở trên bể có nhà thờ Phục-Ba, trong niên-hiệu Nguyên-Phong (1078-1085), có lời chiếu chỉ của vua (Thần-Tông nhà Tống), phong làm Trung-Hiển-Vương. Hễ có ghe thuyền qua biển đều tới chỗ ấy mà bói, khi nào quẻ bói tốt, nói đi được, mới đi, hễ quẻ xấu thì thôi, sự linh ứng khiến người ta phải tin, đúng đắn như đo-lường, cân chỉ thăng bằng, không hề sai chạy.
"Than-ôi! không phải là người có đức cao dày, thì đâu được như thế? Tôi nhân có tội bị đày qua Đàm-Nhĩ ba năm, nay lại trở về bể Bắc, qua lại đều gặp gió xuôi, không lấy gì đền đáp ơn thần, bèn lập bia và làm bài minh như sau:
"Sóng gió khôn lường nỗi hiểm nguy, Cá rồng lặng lẽ dữ hơn chi, Tin cậy hai ông đã phù trì, Nước sâu muôn sải thuyền tỉ-ti. Từ đây qua Nam cởi lòng nghi, Vỗ về lương tâm song suốt đi, Từ đây về Bắc thẳng mình mi. Lúc đạt lúc cùng cứ giữ nghi; Sống là anh-kiệt, thác hùng uy, Thần tuy không nói, ý mình suy".
Xung-Thiên-Miếu: Tại làng Phù-Đổng, hồi xưa trong nước rối loạn, chợt thấy một người có uy có đức, dân đều về theo, người ấy bèn cầm quân dẹp loạn, rồi bay lên trời đi mất, hiệu là Xung-Thiên- Vương, dân lập đền miếu để thờ.
Cổ-Châu-Phật: trong mùa xuân, mưa như xối, lụt to ở núi chảy xuống Trung-Châu, chảy quanh tại một chỗ, dân thấy lạ ra coi, trong nước có hòn đá giống như ông Phật; dân tới cầu đảo có thần nghiệm, bèn đem gỗ khắc ra tượng Phật để thờ, gặp khi đại hạn, đến cầu thì mưa liền, cho nên người ta nói là "pháp vấn pháp võ", (nghĩa là mây mưa của phép Phật).
Báo-Thiên-Tự-Tháp: Xưa Lý-Thánh-Vương đánh Chiêm-Thành, được người thợ giỏi, bảo xây một ngôi tháp cao mười ba tầng, đặt là "Thiên-Tư-Vạn-Thọ-Thấp", lại lấy đồng đúc cái biển-ngạch gọi là "Đao-Lợi-Thiên", bị sét đánh mất, không biết rơi nơi nào. Sau có người làm ruộng thấy được, đem dựng lại, sét đánh mất một lần nữa.
Cửu-Trùng-Đài: Xưa Lý-Nhân-Vương làm một cái đài ở trên bờ ao Thủy-Tinh. Khi gần xong, bị sét đánh hư, làm lại cũng bị sét đánh nữa. Sau nghe tiếng giông pháp ra, Nhân-Vương lấy vuông lụa điều trùm lên đầu, mang gươm lên đài, đốt hương mà khấn vái rằng: "Nếu trời không cho tôi là ngay thật thì nên trách bảo tôi, còn cái đài này chẳng có tội gì". Khấn xong một lát thì trời tạnh, đài ấy bèn làm xong. Người cháu ba đời là Lý-Cao-Vương, khi nào nghe sấm sét thì sợ gần như chết. Các quan hầu hiến một chước rằng: "Khi nào có sấm sét thì lấy tay ôm cánh tay ông Phật, sẽ khỏi lo sợ".
Phấn-Dịch-Đình: Theo tục người ta vì nắng nực, làm nhiều nhà trạm ở dọc đường để cho người đi đường ghé nghỉ mát. Ông tổ họ Trần lúc còn hàn-vi, hay ghé nghỉ tại đình trạm ấy, có nhà sư nói rằng: "Anh (họ Trần), đến ngày sau nên bậc đại-quý", nói xong nhà sư biến đi đâu mất. Kịp đến lúc họ Trần dựng được nước nhà, liền khiến trong nước chỗ nào có đình tạm thì làm một pho tượng Phật để thờ mà báo ơn.
Kim-Bài-Châu: Có một ông già ở bên sông, người con đi ra bắt được một cái trứng đem về. Ông già nuôi cái trứng ấy nở ra một con rắn, lại càng yêu chuộng nuôi nấng, sau con rắn lớn lên, rồi xuống sông, thường đêm đem cá bỏ trong sân. Khi ông già chết, ngày cúng tế, con rắn ấy tới dưới sân bò quanh rồi đi; sau bên ông đất cát bồi đắp mãi thành một cái bãi, con cháu ông ấy được lợi đời đời. Người ta nói: "Đó là con rắn báo ơn".
Trong niên-hiệu Khai-Hy (1205-1207) vua Ninh-Tông nhà Tống, có Trương-Hiệp, được vua ban tên Thuỵ là Văn-Hiến, nguyên làm chức Triều-Thỉnh-Lang, trực Bữu-Chương-Các, có soạn bộ sách Lịch Đại-quận-huyện-địa-lý-thư 30 quyển, có chép các châu quận nguyên thuộc An-nam đô-hộ phủ đời Đường. Về sau có thay đổi không giống nhau, nay chép lại tạm để tiện việc tham-khảo:
Võ-Nga-Châu gồm có: Võ-Nga, Võ-Lao, Võ-Duyên, Lương-Sơn.
Việt-Châu gồm có: Long-Thủy, Nhai-Sơn, Đông-Tỷ, Thiên-Hà.
Bình-Cầm-Châu gồm có: Dung-Sơn, Hoài-Nghĩa, Phúc-Dương, Cổ-Phù.
Đức-Hoá-Châu gồm có: Đức-Hoá, Quy-Nghĩa.
Võ-An-Châu gồm có: Võ-An.
Lang-Mang-Châu gồm có: Lang-Mang, Cổ-Dõng.
La-Võ-Châu gồm có: Long-Khâu, Phúc-Võ.
Phong-Tục
Nước An-nam xưa là đất Giao-Chỉ. Đời nhà Đường, nhà Ngu và đời Tam-Đại, sự giáo-hoá của Trung-Quốc đã nhuần-thấm đến. Đến hai đời nhà Hán đặt làm quận huyện. Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn, đàn bà lo nuôi tằm, dệt vải, cách nói phô hiền hoà, ít lòng ham muốn. Người ở xứ xa trôi nổi tới nước họ, họ hay hỏi thăm, ấy là tình thường của họ. Người sinh ra ở Giao-Châu và Ái-Châu thì rộng-rãi, có mưu-trí; người ở Châu-Hoan, Châu-Diễn thì thuần tú, ham học. Dư nữa, thì khờ dại thiệt thà. Dân hay vẽ mình, bắt chước tục lệ của 2 nước Ngô, Việt. Vì thế, Liễu-Tư-Hậu có câu thơ rằng: "Cộng lai Bách-Việt văn-thân địa", nghĩa là cùng đi tới đất Bách-Việt là xứ người vẽ mình. Vì trời nóng sốt, dân ưa tắm ở sông, nên họ chèo đò và lội nước rất giỏi; ngày thường không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì xếp bằng hai chân. Yết kiến bậc tôn trưởng thì quì xuống lạy ba lạy. Tiếp khách thì đãi trầu cau. Tính ưa ăn dưa, mắm và những vật dưới biển. Hay uống rượu, thường uống quá độ, nên người gầy yếu. Người già đến năm mươi tuổi thì khỏi đi sưu dịch. Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự-dụng, các quan tuỳ tùng đều mặc triều-phục hầu đạo tiền, tế điện Đế-Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan-Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động-Nhân, bái yết Tiên-Vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ "Khu-Na" (nghĩa là đuổi tà ma quỉ mị). Dân-gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai con gái nhà nghèo, không có người mai dong để làm hôn-lễ, thì tự mình phối hợp với nhau. Ngày Nguyên-Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh-Thọ, các tôn-tử (con cháu nhà vua), các quan cận-thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường-Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên-An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện đánh thổi các bài ca-nhạc trước đại-đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong, các tôn-tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội-thần ngồi tiểu điện phía tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu vua, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra. Các thợ khéo làm một cái đài "Chúng-tiên" hai tầng ở trước điện, một lúc thì cái đài ấy làm xong, vàng ngọc sáng chói. Vua ngồi ăn trên đài ấy, các quan làm lễ, trước sau chín lạy, và chín tuần rượu rồi giải-tán. Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại-Hưng, xem các tôn-tử và các quan nội-cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo lòng thòng đến hai mươi sợi 6 .
Mùng năm Tết, lễ khai-hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du-ngoạn các vườn hoa.
Đêm nguyên-tiêu (rằm tháng giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn "Quảng-Chiếu", thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan-liêu lễ bái, gọi là "chầu đèn". Tháng hai làm một cái nhà, gọi là "Xuân-Đài", các con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài. Vua coi các trò tranh đua trước sân, và coi các lực-sĩ và trẻ con đấu nhau, ai thắng thì được thưởng. Các công-hầu thì cỡi ngựa mà đánh trái cầu, quan nhỏ thì đánh cờ, đánh vu-bồ (bài thẻ), đá bóng và thi đua các trò chơi khác.
Ngày hàn-thực thì dùng bánh cuốn tặng cho nhau. Ngày mồng Bốn tháng tư, các tôn-tử và các quan cận-thần hội tại miếu Sơn-thần, tuyên-thệ thành với vua, không có chí gì khác. Mồng tám tháng tư, mài trầm hương và bạch-đàn-hương, dầm nước tắm rửa tượng Phật và dùng thứ bánh giầy mà cúng Phật. Tiết Đoan-Dương, (mồng năm tháng năm), làm cái nhà gác ở giữa sông, vua ngồi coi đua thuyền.
Ngày Trung-Nguyên, lập hội Vu-Lan-Bồn, để cúng tế, siêu-độ cho người chết, tốn hao bao nhiêu cũng không tiếc. Trung-Thu, và Trùng-Cửu là những ngày mà các nhà quý-tộc uống rượu, ngâm thơ đạo xem phong cảnh. Ngày mồng một tháng mười (lương nguyệt), có trưng bày hào-soạn để cúng ông bà, gọi là cúng "tiến tân" (cơm mới), cho các quan liêu đi xem gặt lúa, săn bắn cho vui. Đến tháng chạp lại cúng ông bà như trên. Theo gia-lễ, ngày lập xuân đi du xuân, khiến các tôn trưởng giắc trâu đất, xong rồi, các quan lại giắt hoa vào đầu để vào đại-nội dự tiệc. Lễ hôn thú: trong tháng xuân, người làm mối bưng trắp cau trầu đến nhà gái hỏi. Xong, tặng lễ-vật đáng giá từ trăm đến ngàn. Thường dân thì lễ cưới tới giá trăm là đủ số. Có nhà ưa chuộng lễ-nghĩa thì không kể số tiền của ít nhiều. Cách để tang, nhà cửa, đồ dùng, hơi giống như Trung-Quốc.
Nhạc-Khí: có thứ trống "phạn-sĩ" (trống cơm), nguyên nhạc-khí của Chiêm-thành, kiểu tròn và dài, nghiền cơm, bịt hai đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ ràng, hợp với ống kèn, tháp nứa, cái xập xõa, cái trống lớn, gọi là đại-nhạc, chỉ vua mới được dùng; các tôn thất, quí quan có gặp lễ đám chay đám cưới mới cho dùng đại nhạc. Còn đàn cầm, đàn tranh, tỳ-bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và quyền, thì gọi là tiểu-nhạc, không kỳ sang hèn, ai cũng dùng được. Các bài khúc như Nam-Thiên-Nhạc, Ngọc-Lâu-Xuân, Đạp-Thanh-Du, Mộng-Du-Tiên, Canh-Lậu-Trường, không thể chép hết. Hoặc dùng thổ-ngữ làm thi phú phổ vào âm nhạc, để tiện ca ngâm, các bài nhạc đều gợi được mối tình hoan lạc và sầu oán, ấy là tục của người An-nam vậy.
Biên-Cảnh Phục-Dịch
Nước Chiêm-Thành: Lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung-Quốc vượt bể đi qua các nước phiên-phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam.
Liêu-Tử: là một tên khác của giống man, di, phần đông thống thuộc về các tỉnh Hồ-Nam, Lưỡng-Quảng và Vân-Nam, nhưng có một số phục-tùng nước Giao-Chỉ. Lại có bọn khắc chữ nơi trán, cà răng, chủng loại rất nhiều. Sách cổ chép có thứ Liêu-tử "đầu-hình", thứ Liêu-Tử xích-côn (váy đỏ), thứ Liêu-Tử tỷ-ẩm (uống bằng mũi), đều ở trong hang đá, hầm đất, hoặc ở chuồng, ở ổ, hay uống rượu sậy, thích đánh giặc, phần đông biết dùng cung nỏ, và đánh trống đồng. Thứ trống nào cao lớn là quí. Cái trống mới đúc xong, thì đặt giữa sân, thết tiệc, mời cả người đồng loại cùng tới đầy cửa. Con gái nhà hào phú lấy những chiếc soa bằng vàng bạc, đánh vào trống, xong, để chiếc soa ấy lại cho chủ nhà. Có kẻ nói: trống đồng là chiêng của Gia-Cát-Lượng lúc đi đánh giặc mọi.
Trắc-Ảnh (Đo bóng)
Trong niên hiệu Nguyên Gia đời vua Văn Đế (424-453), nhà Tống7, qua Nam đánh nước Lâm-Ấp, đến ngày tháng năm, trồng một cây nêu, xem bóng mặt trời, hể mặt trời ở phía Bắc cây nêu 9 tấc 1 phân, thì bóng đất Giao-Châu ở phía Nam cây nêu 2 tấc 3 phân; Giao Châu, theo thủy-lộ cách Lạc-Dương hơn 7.000 dặm. Nhân vì núi sông quanh quất, khiến đường đi thành xa. Lấy cây nêu, giong dây thẳng xuống lấy độ-số là 1.000 dặm. Đến năm Khai-Nguyên thứ 12 (724), đời Đường, lại cho đo đất Giao- Châu: trong ngày Hạ-Chí, thấy bóng mặt trời ở phía Nam cây nêu 3 tấc 2 phân, so với năm Gia-Nguyên đời Tống đã đo, hơi giống nhau.
Sách Luận-hoành của Vương-Sung nói quận Nhật-Nam cách Lạc-Dương đến 10.000 dặm, nên gọi là Nhật-Nam. Lý-Thuyên nói phủ An-Nam cách Trường-An 7.250 dặm; Mạnh-Quán nói: Đạo An-nam là xứ ở chỗ dưới cùng của Trung-Quốc vậy.
Nay từ La-Thành đến Kinh-Sư, ước có 115 trạm, cộng hơn 7.700 dặm.
1- Chữ-Lộ, theo nghĩa chính là đường đi, nhưng ở trong sách sử Địa thì có khi là một tỉnh, một phủ, huyện, một địa hạt, một thànhphố hay một châu quận. 2- K.Đ.V.S.T.G.C.M. chua rằng: Long-Biên là tên huyện đời nhà Hán, theo Thủy-Kinh-Chú thì năm 13 hiệu Kiến-An (208), lúc bắt đầu xây thành, có loài giao-long đến khoanh mình trên mặt nước, ở hai bên bến phía nam và phía bắc, nhân đây mới cải tên lại là Long-Uyên. Như vậy thì, tên Long-Biên có trước và Long-Uyên có sau. 3- Chữ giang là sông, nhưng gặp về địa-danh thì có nghĩa là một quận, huyện, xã, v.v... 4- Tức Tô-Vũ. 5- K.Đ.V.S.T.G.C.M. quyển thứ nhất, dẫn quyển An-nam-Chí của Cao-Hùng-Trưng, đề huyện Đông-Ngạn. 6- Nay ở các Châu Thượng-Du, đến ngày mồng ba Tết, còn tục chơi ấy, gọi là đánh trái bóng. 7- Đây là Lưu-Tống đời Nam-Bắc triều (420-478).