Người Giao-Chỉ, ngoại-thích của nhà Lý. Cuối cuộc loạn đời Lý, Trần-Thừa cùng em là Kiến-Quốc đánh giặc có công, được phong chức Thái-Uý; Kiến-Quốc được làm đại-tướng-quân. Con trai lấy con gái của Lý-Huệ-Vương là Chiêu-Thánh, nhân đó được truyền ngôi (Thừa chết, truy tặng Thái-Tổ).
Đời thứ hai (tức Trần-Cảnh)
Con giữa của Thái-Tổ, tính người khoan nhân thông tuệ, văn võ toàn tài, lấy tư cách con rể nhà Lý kế vị quốc-vương. Chiêu-Thánh-Hậu không con. Cảnh lại lấy người em vợ 1 sinh được ba người con trai.
Đầu đời Thiệu-Định (1228-1233) nhà Tống khiến sứ tiến cống, Lý-Tông phong làm An-nam quốcvương chức kiểm-hiệu thái-úy, kiêm Ngự-sử đại-phu, Thượng-trụ-quốc, cho hiệu là Hiệu-Trung Thuận-Hoá, bảo-tiết thủ-nghĩa, hoài-đức qui-nhân, Tịnh-hải-quân tiết-độ, quan-sát xử-trí đẳng sứ, thực ấp 11.000 hộ, thật phong 4200 hộ. Năm Bửu-Hựu thứ 6 (1258), dâng biểu xin kế vị. Năm Cảnh-Định thứ hai (1261), lại khiến sứ tiến cống. Vua Tống xuống lời dụ chiếu khen và sai sứ-thần đem cho vàng và phápcẩm 2.
Tháng 12 năm Đinh-Tỵ (1257), đời Đại-Nguyên, đại-súy Ngột-Lương-Hộp-Đãi đem binh từ Vân Nam đi qua biên-ấp An-nam. Người trong nước kháng cự, bị quan quân đánh phá, sợ phải đầu hàng. Qua năm Mậu-Ngọ (1258) Vương đổi tên là Quang-Bính, khiến bồi-thần 3 dâng biểu nạp khoản, xin giữ chức phận phụng công. Năm ấy, Vương nhường ngôi cho con tức Thánh-Tông.
Năm Trung-thống thứ 6 4, sắcchế phong làm An-Nam Quốc-Vương và ban cho hổ-phù quốc ấn. Năm Chí-Nguyên thứ 8 (1271) khiến sứ tiến cống. Triều-đình khiến sứ đem chiếu-thư, dụ khiến An-nam phải ba năm một lần tiến cống, sẽ cho lễ-vật hồi đáp và dụ Trấn-Vương vào bệ kiến. Vương lấy cớ đương đau từ chối.
Trần-Hoảng tức Trần-Thánh-Tông, trước đặt tên là Thế 6, con thứ vua Thái-Vương, dáng người khôi ngô có nhã lượng. Năm Mậu-Ngọ (1258) thay cha già lên làm vua, khiến sứ tiến cống nhà Tống. Khoảng niên hiệu Bửu-Hựu (1253-1258) Tống-Lý-Tông phong làm An-nam quốc-vương. Lúc đầu cha con đều thần-phục thiên-triều, đến lúc cha mất, Thế-Tử tự lập làm vua, chẳng xin mệnh lệnh của Thiên-Tử.
Năm Chí-Nguyên thứ 15 (1278), vua (vua nhà Nguyên), khiến Lễ-Bộ Thượng-thư Sài-Thung dụ vào bệ kiến. Thế-Tử lấy cớ đau từ chối và truyền ngôi cho con. Năm thứ 17 (1280), vua lại khiến Sài-Thung đem chiếu-thư qua dụ. Thế-Tử sợ, khiến người chú là Trần-Di-Ái thay mình vào chầu, bèn lập Di-Ái làm An-nam quốc-vương. Năm thứ 19 (1282) phong Sài-Thung làm An-nam Tuyên-uý-sứ Đô-nguyên-soái, khiến đem 1000 quân, hộ tống Di-Ái về nước và xuống chiếu hiểu dụ dân An-nam, các hàng tôn-thất và quan lại. Thế-Tử không vâng theo chiếu-chỉ, truất Di-Ái làm thứ dân. Năm thứ 19 (1282), lại khiến sứ dụ Thế-tử vào triều kiến và mượn đường tiến binh đánh Chiêm-Thành, khiến An-nam phải giúp quân, cung cấp lương thực. Thế-Tử từ chối, nói đau lâu ngày, không thể vào chầu và nước nhỏ không có quân để giúp.
Mùa đông tháng 12 năm thứ 21 (1284), đại-quân của Trấn-Nam-Vương áp đến biên cảnh. Thế-Tử đem cả nước nghênh địch, đánh thua, bèn bỏ thành trốn, cận-thần bọn Trần-Ích-Tắc, Trần-Kiện, Trần-Tú-Viên, Trần-Văn-Lộng đều đầu hàng. Tháng 4 năm sau (1285) quốc-dân thừa lúc viêm nhiệt, đánh thâu phục La-Thành. Tháng 5, Trấn-Nam-Vương, vì cớ nước lụt, rút quân về. Năm thứ 21 (1284) Thế-Tử dâng biểu tạ tội. Triều-đình giam sứ-thần lại và khiến Trấn Nam-Vương đem quân qua đánh một lần nữa.
Tháng 12 đại-binh đến, Thế-Tử đánh thua, chạy trốn ra hải-đảo, sau lại thừa tiện trở về tập kích. Tháng 3 năm sau Trấn-Nam-Vương, vì cớ trời nắng, ẩm thấp, rút quân về. Thế-Tử khiến con thay mình vào tạ tội 7 tiến cống thổ-sản. Năm thứ 27 (1290), lại khiến sứ tiến cống, vua khiến đề-hình án-sát ty bọn Lưu Đình- Trực đem chiếu-thư qua hiểu dụ. Năm sau (1291) Thế-Tử mất.
Năm Chí-Nguyên thứ 15 (1278), lấy cớ cha già thoái-vị, dâng biểu xin kế tập, vua không cho.
Năm thứ 28 (1291) vua khiến Lễ-Bộ Thượng-thư Trương-Lập-Đạo dụ vào triều kiến. Năm sau, (1292) Nhân-Vương khiến bồi-thần đến cửa khuyết tạ lỗi và xin chờ hết tang cha sẽ vào chầu. Năm thứ 30 (1293) vua khiến bọn Lương-Tăng, Binh-Bộ Thượng-thư, dụ vào bệ-kiến, Nhân-Vương lấy cớ đau từ chối, khiến tướng-thần Đào-Tử-Kỳ tiến cống. Triều-đình giữ Tử-Kỳ ở Giang-Lăng, lập An-nam hành-tỉnh, khiến bọn Bình-Chương Lưu-Nhị Bạt-Đô đem binh đóng Tĩnh-Giang, chờ ngày tiến đánh. Mùa xuân tháng giêng năm thứ 31 (1294), Thế-Tổ băng hà. Tháng tư mùa hạ, Thanh-Tông hoàng-đế lên ngôi, xuống chiếu bãi binh, khiến Lễ-Bộ Thị-Lang Lý-Hãn đem chiếu-thư tha tội, thả bồi-thần Đào-Tử-Kỳ về nước. Năm Nguyên-Trinh thứ hai (1296), Nhân-Vương khiến sứ tiến cống, dâng biểu xin phong vương-tước. Triều đình không y thuận, chi cho một bộ Kinh Đại-Tạng theo lời xin. Năm Đại-Đức thứ 5 (1301), vua khiến bọn Thượng-thư Ma-Các-Ma đem sứ An-nam bọn Đặng-Nhữ-Lâm về nước, dụ An-nam theo lệ trước, ba năm một lần tiến cống, đến kỳ cứ tự vào, Triều-đình không sai sứ qua nữa. Mùa xuân năm sau (1302),
Nhân-Vương khiến Lê-Khắc-Phục vào cống. Năm đầu Chí-Đại (1308) lại khiến sứ vào cống, triều-đình khiến bọn An-Lỗ-Oai, Lễ-Bộ Thượng-thư, ban chiếu lên ngôi của Vũ-Tông Hoàng-đế. Sứ-thần đến, Nhân-Vương đã mất.
(Ở ngôi 15 năm, thọ 53 tuổi, thụy-hiệu Nhân-Vương. Lúc đầu học đạo Phật, thình lình một ngày, thoạt giác-ngô).
Đời thứ năm (tức Anh-Tông):
Anh-Tông kế lập, khiến sứ vào cống, chúc mừng Võ-Tông Hoàng-Đế lên ngôi. Năm Chí-Đại thứ 4 (1311) lại khiến sứ vào cống. Mùa đông năm ấy, triều-đình khiến bọn Nãi-Mã-Thái, Lễ-Bộ Thượng-thư, qua tuyên dụ tờ chiếu lên ngôi của vua Nhân-Tông Hoàng-Đế. Sứ thần đến, Anh-Vương đương đem binh đi đánh Chiêm-Thành và bắt được vua nước ấy. Đến tháng 6 năm Nhâm-Tý (1312) niên-hiệu Hoàng-Khánh, quân mới trở về, bèn nghênh bái chiếu-thư, khiến sứ cống mừng và dâng biểu xin lỗi. Đầu năm Diên-Hựu (1314) triều-đình cho lễ-vật hồi đáp. Năm Diên-Hựu thứ 6 (1319) Vương tạ thế, thụy-hiệu Anh-Vương.
Đời thứ sáu (tức Minh-Tông):
Minh-Tông nối ngôi. Năm Diên-Hựu thứ 7 (1320) khiến sứ tiến cống. Năm đầu hiệu Chí-Trị (1321), Anh-Tông Hoàng-đế lên ngôi. Minh-Vương khiến sứ tiến cống, mừng lễ đăng-quang. Năm đầu hiệu Thái-Định (1324), khiến Lại-Bộ Thượng-Thư Mã-Hiệp-Mưu, Lang-Trung Dương-Tông-Thụy đem chiếu thư qua dụ. Minh-Vương khiến sứ tiến cống. Năm đầu hiệu Chí-Thuận (1330), lại tiến cống. Năm sau (1331), triều-đình khiến bọn Sát-Chỉ-Ngoả, Lại-Bộ Thượng-thư, qua tuyên chiếu-thư lên ngôi của Văn-Tông Hoàng-đế. Năm sau (1332), khiến sứ tiến cống, mừng lễ đăng-quang. Năm đầu hiệu Chí-Nguyên (1335), triều đình khiến bọn Thiết-Trụ, Lại-Bộ Thượng-thư, qua tuyên chiếu-thư lên ngôi của Hoàng-đế hiện nay. Lúc ấy, Anh-Vương đã truyền ngôi cho con, lui về học đạo, xưng hiệu Thái-Hư-Tử. Phàm những biểu-chương tiến cống còn vẫn dùng tên cũ. Năm Chí-Nguyên thứ 5 (1339) lại khiến sứ tiến cống.
Các Vương-Hầu Nội-Phụ
Trần-Ích-Tắc:
Con thứ 5 của Thái-Vương, thông minh tuấn-tú, có tính hiếu học. Lúc ở nước nhà, được phong tước Chiêu-Quốc-Vương, kiêm chức Đại-tướng-quân, trấn giữa lộ Đà-Giang.
Mùa đông, năm Giáp Thân, hiệu Chí-Nguyên (1284), đại-binh của Trấn-Nam-Vương tiến vào biên-giới, anh là Thế-Tử, đem cả nước chống địch, bị thua chạy.
Năm sau, (1285) Ích-Tắc đem gia-quyến đầu hàng Trung-Quốc. Tháng 5, theo Vương sư về Tàu. Mùa thu vào bệ kiến.
Mùa xuân tháng 2, năm Bính-Tuất hiệu Chí-Nguyên (1286), vua Thế-Tổ thương Tắc có lòng trung hiếu, đặc ân phong cho tước An-nam-vương, quang-lộc đại-phu, ban cấp phù ấn, cho tiền 5.000 quan. Con trưởng tên Bá-Ý, được phong chức Gia-Nghị đại-phu, lĩnh An-Vũ- Sứ lộ Đà-Giang (hư chức), ban cho áo mũ, cung tên, yên cương và ngựa.
Năm Đinh-Hợi (1287) được chi cấp nguyệt-bổng, mùa đông theo quân về nước. Tháng giêng năm sau (1288), đại-binh đánh quốc-đô, Thế-Tử chạy trốn, quan quân tìm đánh không được. Tháng 3, Trấn-Nam-Vương vì viêm-nhiệt và ẩm thấp rút về. An-nam quốc-vương (tức Ích-Tắc) theo đại-quân về đất Ngạc.
Mùa thu vào bệ kiến, được cấp áo nệm và cho tiền một vạn quan. Đến năm Nhâm-Thìn (1292), lại được gia chức Hồ, Quảng Đẳng xứ Hành-Trung-Thư-Sảnh, Bình-Chương Chính-Sự. Năm Quý-Tỵ (1293), mới khiến sứ dâng biểu, mừng tiết Thiên-Thọ. Mùa xuân năm Giáp-Ngọ (1294), đem quân qua đánh nước Nam, nhưng lại bãi binh, về ở Ngạc-Châu. Mùa hạ tháng 4, Thành-Tông hoàng-đế lên-ngôi, vào bệ-kiến, được cho tiền 5 vạn quan.
Năm Tân-Sửu (1301), hiệu Đại-Đức lại vào bệ-kiến, được ban tiền 5 vạn và cho các quan tùy thuộc 5.000 quan. Tháng giêng mùa xuân năm Ất-Tỵ (1305), khiến sứ đến Kinh-đô, dâng thỏ bạch. Vua vời sứ vào đến Ngọc-Đức uỷ-lạo và cho của nội-phủ đại-tử-kim-đoạn hai cây để đáp lễ. Năm Bính-Ngọ (1306) vua ban cho Ích-Tắc 200 khoảnh ruộng và các thuộc quan bọn An-Phủ-sứ Vương-Nghị 200 khoảnh ruộng.
Mùa thu năm Đinh-Tỵ (1307), Trần-Ích-Tắc khiến Lại-Ích-Qui và Lê-Tắc dâng biểu mừng Vũ-Tông Hoàng-đế lên ngôi. Lúc Hoàng-Thái-Thử chính vị đông-cung, Ích-Tắc có vào yết-kiến. Năm Mậu-Thân, niên-hiệu Chí-Đại (1308), Ích-Tắc được gia-phong chức Ngân-Thanh-Vinh-lộc đại-phu và được ban cho 150 lượng bạc.
Tháng ba mùa xuân năm Tân-Hợi (1311), Nhân-Tông hoàng-đế lên ngôi. Mùa thu Ích-Tắc dâng biểu mừng. Năm Nhâm-Tý (1312) hiệu Hoàng-Khánh, Ích-Tắc vào bệ-kiến được gia-chức Kim tử quang-lợi đại-phu, cho tiền 50.000 quan, đai vàng một chiếc, kim-đoạn bốn cây.
Năm Mậu-Ngọ (1318) hiệu Diên-Hựu, vào bệ-kiến được gia chức Nghi-đồng tam-ty.
Tháng ba mùa xuân năm Canh-Thân (1320) Anh-Tông Hoàng-đế lên ngôi; Ích-Tắc khiến sứ dâng biểu mừng, được ban lễ vật hồi đáp.
Năm Mậu-Thìn (1328), hiệu Thiên-Lịch, Văn-Tông hoàng-đế lên ngôi, dâng biểu mừng, được ban thưởng rất hậu.
Tháng 4 năm sau (1329) Ích-Tắc qua đời, hưởng thọ 76 tuổi, an-táng ở núi Hạ-Gia, đất Hán-Dương. Hồ-Quảng Hành-Tỉnh tâu lên triều-đình, Hoàng-đế thương lòng trung-nghĩa, truy tặng thụy-hiệu TrungÝ-Vương, cho tiền 5.000 quan làm lễ phúng điếu.
Ích-Tắc tính ưa đạo Phật, Lão, làm thơ hay, có cho ra đời tập thơ Củng-Cực-Lạc-Ngâm 8 . Năm Giáp-Tuất (1334), hiệu Nguyên-Thống, con là Tuyên-vũ-sứ Trần-Đoan-Ngọ, vào bệ-kiến, Hoàng-đế đương-kim khiến tập tước cha làm An-nam quốc-vương, được ân sủng rồi trở về.
Trần-Tú-Viên:
Cháu gọi An-nam quốc-vương bằng bác, con của Vũ-Đạo-Hầu, dáng người thanh tú, có tài văn chương.
Mùa đông năm Giáp-thân, niên-hiệu Chí-Nguyên (1284), đại binh đến An-nam. Mùa xuân năm sau (1285), Tú-Viên khuyên cha mẹ qui thuận. Tháng 4 vào bệ kiến. Lúc bỏ nước ra đi, dọc đường giaquyến bị tử-vong hết tám người, làm thơ ai-điếu có câu:
"Tam thế bát tang thiên-cổ thống, Nhất thân vạn lý bách niên cô".
nghĩa là:
Ba đời chịu tám tang, đau thương nghìn thuở, Một mình ngoài muôn dặm, cô quạnh trăm năm.
Tháng 9 đến Kinh-Sư, Hoàng-thượng ngợi khen và xuống chiếu phong làm Phụ-Nghĩa-Công, Tư-Thiện-Đại-phu, cấp hổ-phù, cho tiền 5.000 quan, cho người con là Đứ-Tiệm làm chức Tuyên-vũ-Sứ Annam Phủ-Lộ, Gia-Nghị đại-phu. Người em cô cậu là Lại-Ích-Qui làm chức An-vũ-sứ Nam-Sách Giang-Lộ, Gia-Nghị đại-phu. Năm Ất-Hợi, hiệu Chí-Nguyên (1335), các người đều được cho cung tên, tiền bạc, yên ngựa để đi theo quân qua đánh An-nam. Năm sau, (1336), trở về Hán-Dương. Trấn-Nam-Vương cưới người em gái làm thứ-phi, sinh được hai con. Tháng 5 năm Ất-Sửu 9 hiệu Chí-Nguyên, Tú-Viên mất ở Túy-Sơn? Viên có tập ngâm-cảo truyền đời, lúc đầu ngụ ở Vũ-Xương.
Trần-Văn-Lộng:
Con của Nhân-Thành-Hầu, Trần-Duyệt, cháu nội của quốc-thúc thái-sư Trần-Thủ-Độ, ở nước nhà được phong tước Chương-Hoài-Thượng-Hầu, tính người khiêm tính ôn hoà, được quốc-vương dùng làm đại-tướng, trấn thủ sông Tam-đái. Mùa đông năm Giáp-Thân, hiệu Chí-Nguyên (1284), đại binh của Trấn-Nam-Vương đến An-nam. Năm sau, (1285), Văn-Lộng đem gia-quyến nội-phụ Thiên-triều, được cho làm chức Gia-Nghị đại-phu, Tuyên-Vũ-Sứ Qui-Hoá Giang-Lộ, cho tiền, lụa, cung tên, yên ngựa, theo quân đánh dẹp, hiệu lực có công. Năm Tân-Mão, hiệu Chí-Nguyên (1291), vào triều-kiến được tuyên mệnh thăng Trung-đại-phu, Tuyên-Úy-Sứ Quảng-Tây-đạo, cho tiền 25.000 quan, kim-đoạn hai cây. Năm Bính-Ngọ, hiệu Đại-Đức (1306), đình chỉ cấp lương tháng cho thuộc-liêu, cho ruộng 100 khoảnh để tự dưỡng.
Năm Nhâm-Tý hiệu Hoàng-Khánh (1312), vào yến-kiến, chuyển qua ngạch Chánh-Phụng đại-phu, chức như cũ. Tháng 2 năm sau, (1313), Văn-Lộng mất, chôn ở hồ Mã-Gia đất Hán-Dương, con cháu phụng thờ chẳng dứt.
Trần-Kiện
Con của Tịnh-Quốc-Vương, cháu nội của Thái-Quốc-Vương, ở bản quốc được phong Chương-Hiến Thượng-Hầu, tướng mạo khôi ngô, đọc thuộc binh-thư, giỏi việc bắn cung, cỡi ngựa, thay cha lĩnh chức Tịnh-hải-quân Tiết-Độ-sứ, cưới nàng Quỳnh-Huy, con gái Thái-Sư Chiêu-Minh-Vương, sinh con là Mặc-Hầu.
Năm Giáp-Thân, hiệu Chí-Nguyên (1284), nhân cùng con của Thế-Tử là Tá-Thiên-Vương có hiềm khích, giả thác theo học đạo Trang, Lão, về làng Nhân-Mục ẩn-cư. Mùa đông năm ấy, đại-quân Trấn-Nam-Vương vào nước, Thế-Tử đánh thua. Hữu-Thừa Toa-Đô lại từ Chiêm-Thành đánh tập hậu, Thế-Tử hoảng hốt, không tính được chước gì, bèn khởi phục Trần-Kiện, khiến đem quân cự Toa-Đô. Sức yếu, không có viện binh, Thế-Tử thì mất còn chưa biết, Kiện bảo với bọn Lê-Tắc rằng: "Thế-Tử bị Thiên- Tử chỉ triệu, chẳng chịu vào chầu, đến đỗi gây việc binh đao, nguy-cơ sắp đến, thế mà còn chấp mê, chẳng tỉnh ngộ, nở để cho nhà tan nước mất hay sao?". Tháng giêng năm sau (1285), Kiện đem bọn Lê-Tắc vài vạn người, dâng binh-khí xin hàng. Trấn-Nam-Vương khen ngợi và ban thưởng xiêm áo, yêncương.
Mùa hạ tháng 4, Vương khiến Minh-Lý-Tích-Ban dẫn bọn Chương-Hiến vào ra mắt Thiên Tử. Ngựa trạm đến ải Chi-Lăng, bị quốc dân ngày đêm vây đánh. Bọn Chương-Hiến cùng các quan bồi-bạn phá vòng vây chạy ra đàng trước, lại bị chúng đón đánh, xe cộ chở lương-thực đều bị cướp phá sạch. Chương-Hiến tính người khiêm cung nhã-lượng, đãi kẻ dưới rất có ơn, nhân dân ai cũng thương mến, chẳng may giữa đường tử nạn, không đem được việc mình tâu với triều-đình, chẳng được hưởng ơn điển sinh phong tử tặng. Lúc ở nước ra đi, có bà quốc-mẫu-cô Lê-Thị và mấy người thân quyến cùng đi, đều bị quốc-dân bắt giết, đau đớn biết chừng nào. Chỉ có ông ngoại là thân-huynh của Thế-Tử được thoát chết.
1- Chị vợ chứ không phải em vợ, tức bà Thuận-thiên Công-chúa, vợ của Trần Liễu. 2- Gấm để may y phục theo pháp-chế. 3- Sứ thần thuộc quốc gọi là bồi thần. 4- Trung Thống chỉ có 4 năm (1260-1263). 5- Trần Thái Tông chỉ làm vua từ năm Ất Dậu (1225) đến năm Mậu Ngọ (1258), cộng 33 năm, ở đây chép 18 là sai. 6- "Thế" có lẽ sai nhầm, các sử sách về Việt Nam chép là "Hoàng". 7- Theo sử ta, thì việc nầy không có. 8- Củng Cực nghĩa là triều cũng ngôi. Hoàng cực, tức qui thuận Hoàng đế nhà Nguyên. 9- Niên hiệu Chí Nguyên không có năm Ất Sửu, có lẽ là năm Kỷ Sửu (1349) mà chép sai, vì chữ "Ất" và chữ "Kỷ" hơi giống nhau.