Chính Thảo Vận Hướng (Các khoản chuyển vận quân lương ra mặt trận)
Đời Hiến-Tông Hoàng-đế, năm Canh-Thân (1260), Thế-Tổ lên ngôi, bàn luận việc đánh giặc Vân-Nam, để Thái-Soái là Ngột-Lương-Hiệp-Giải đi kinh lược. Mùa đông năm Đinh-Tỵ (1257) khiến Thái-Soái xuất quân từ đường Vân-Nam qua đến biên-giới An-nam, muốn ra châu Ung và châu Quế, họp đại binh tại châu Ngạc để đánh nhà Tống. Tháng 12, đại quân đóng tại Nổ-Nguyên, vua Trần sai quân lính cởi voi ra nghênh-chiến. Lúc ấy có người con Thái-Soái tên là A-Truật, mới 18 tuổi, suất lính bắn giỏi ra bắn voi, voi kinh hoảng bỏ chạy, quay lại chà đạp quân lính, khiến cho quân nhà Trần tan rã. Đến sáng ngày mai, vua Trần cắt đứt cầu Phù-Lỗ, rồi thiết trận tại một bên bờ sông. Quân Nguyên muốn lội qua sông, nhưng không biết sâu cạn, mới đi dọc theo bờ sông mà bắn tên lên trời, tên rơi cắm xuống nước mà không nổi lên, biết là chỗ ấy cạn, bèn sai kỵ-binh qua sông, ngựa nhảy lên đất, đánh tan rã cánh quân An-nam, tiếp đó, đại quân giết hàng muôn người, chém tôn-tử An-nam là Phú-Lương-Hầu, vua Trần bèn chịu hàng, rồi quan-quân lui về.
Mùa xuân năm sau, vua Trần dâng tờ biểu xin làm tôi và cống hiến lễ-vật.
Năm Trung-Thống thứ 3 (1262), Thế-Tổ ra lời Chế phong cho Trần-Nhật-Cảnh làm An-nam quốc vương. Trong niên hiệu Chí-nguyên (1264-1294), mấy lần Thế-Tổ cho mời vua Trần vào chầu mà vua Trần cứ thác bệnh không đi, đến năm Đinh-Sửu (1277), thì mất.
Thế-Tử Trần-Nhật-Huyến kế lập, Thế-Tổ sai sứ qua mời, lại thác cớ bị đau. Đến năm Nhâm-Ngọ hiệu Chí-Nguyên (1282), quan Hữu-Thừa là Toa-Đô, quan Tả-Thừa là Lưu-Thâm, quan Tham-Chính là A Lý, dụng binh tại Chiêm-Thành, triều đình sai sứ qua dụ nước An-nam cho mượn đường và giúp quân lương, vua Trần không chịu. Qua mùa đông năm Giáp-Thân, hiệu Chí-Nguyên (1284), lại sai Trấn-Nam-Vương Thoát-Hoan và Bình-Chương A-Lý-Hải-Nha, đem binh giúp trận ở Chiêm-Thành. Ngày 21 tháng 12, ngày Giáp-Tý, quân lính đình trú tại biên-giới An-nam, chia đường đi: Vạn-Hộ Lý-La-Hiệp-Đáp-Nhi, Chiêu-Thảo A-Thâm phía Tây do huyện Khâu-Ôn mà tiến; Khiếp-tiết-Sát-Lược-Nhi, Vạn-Hộ Lý-Bang-Hiến phía đông do Cấp-Lãnh mà tiến; rồi đại binh của Trấn-Nam-Vương kế tiếp tới sau. Quân đường đông thì phá ải Khả-Lợi và ải Anh-Nhi, bắt được gián điệp là bọn Đỗ-Vỹ đem chém. Còn tôn-trưởng nhà Trần là Hưng-Đạo-Vương Trần-Tuấn thì giữ ải Nội-Bàng. Ngày 27, ngày Canh-Ngọ, đại quân tới đánh phá, HưngĐạo- Vương rút lui giữ châu Lượng-Giang, thua chạy, quân Nguyên bắt được thuyền bè vài mươi chiếc. Quân đường tây phá ải Chi-Lăng, tức Lão-Thử-Quan.
Năm Ất-Dậu, Chí-Nguyên (1285), mồng chín tháng giêng ngày nhâm-ngọ, Thế-Tử (vua Trần), tự làm tướng đem mười vạn quân đánh một trận lớn nơi sông Bài-Than, nguyên-soái Ô-Mã-Nhi, Chiêu-ThảoNạp-Hải, Trấn-Vũ Tống-Lâm-Đức, dùng những thuyền đã bắt được để đánh phá quân nhà Trần. Ngày 13 Bính-Tuất, Thế-Tử giữ sông Lư-Giang lại tan rã bỏ chạy. Trấn-Nam-Vương qua sông mở tiệc tại cungđình An-nam, các tướng người thì hiến tù-binh, kẻ thì dâng đầu người đã chém được. Ngày 21, Nhâm-Thìn, quân nhà Nguyên phá ải Thiên-Hán, chém được tướng là Bảo-Nghĩa-Hầu, Thế-Tử lui giữ ải Hải-Thị, làm cừ tại phía tây bờ sông, để chống giữ, quân nhà Nguyên từ trên và dưới bờ sông bắn tên vào, khiến cho quân lính tan hết. Lúc đó, đại-vương Giảo-Kỳ, Hữu-Thừa Toa-Đô, Tã-Thừa. Đường-Cổ-Đái, Chính-Hắc-Đích, vâng lời chiếu chỉ, do Chiêm-Thành kéo quân tới, vào phủ Bố-Chính, đánh mặt sau. Thế-Tử sai em là Chiêu-Văn-Vương Trần-Duật-Hầu, Trịnh-Đình-Toản chống cự ở Nghệ-An, nhưng bị thua chạy. Thế-Tử, thế đã nguy cấp, sai con người anh là Chương-Hiến-Hầu Trần-Kiện nghênh-chiến tại Thanh-Hoá, dằng dai lâu ngày rồi sức yếu, lại không có quân tiếp-viện, Chương-Hiến-Hầu bèn cùng bọn Lê-Tắc kéo quân đầu hàng.
Ngày Ất-Tỵ mồng 2 tháng 2, Giảo-Kỳ đem quân kỵ-binh lội qua sông Vệ-Bố, phá quân nhà Trần, giết được hai tướng Đinh-Xa và Nguyễn-Tất-Dũng.
Ngày Đinh-Tỵ mồng 3, Trấn-Nam-Vương đánh phá quân vua Trần tại sông Đại-Hoàng. Tôn-Tử là Văn-Nghĩa-Hầu Trần-Tú-Tuấn suất cả nhà ra đầu hàng.
Ngày Kỷ-Dậu mồng 6, Giảo-Kỳ suất bọn Chương-Hiến-Hầu đánh phá quân của người em Thế-Tử là Thái-Soái Trần-Khải tại bến đò Phú-Tân, chém ngàn người, Thanh-Hoá và Nghệ-An đều đầu hàng. Vua Trần sợ, khiến người trong họ là Trung-Hiến-Hầu Trần-Dương xin hoà. Lại sai kẻ cận-thị là Đào-Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn-Nam-Vương xin hoà giải. Nhà Nguyên khiến Ngại-Thiên-Hộ qua tuyên lời dụ nói: đã muốn xin hoà, sao không thân-hành tới mà bàn luận. Thế-Tử không nghe.
Ngày Nhâm-Ngọ mồng 9 tháng 3, Giảo-Cơ và Đường-Cổ-Đái đem thuỷ-quân ra biển vây Thế-Tử ở Tam-Tri, gần bắt được, nhưng nhờ bọn Nguyễn Cường phò vua Trần thoát khỏi. Quan-quân thu được vàng bạc, tơ lụa, đàn ông và đàn bà rất nhiều.
Ngày 15 Mậu-Tý, em Thế-Tử là Chiêu-Quốc-Vương Trần-Ích-Tắc suất cả môn thuộc nội-phụ. Toa-Đô lại vào Thanh-Hoá để khuyến dụ người quy thuận.
Trong tháng 4, mùa hạ, An-nam thừa cơ quân ta đề phòng chỉnh mãng, đánh lấy lại La-Thành.
Ngày Đinh-Sửu mồng 5 tháng 5, Giảo-Kỳ cùng Vạn-Hộ phục binh đánh vào cung điện vua Trần, đánh tan rồi, đến sông Lư-Giang hội họp với Trấn-Nam-Vương. Ngày sau, kéo quân về. Quân An-Nam đuổi theo tới sông Nam-Sách, quan Hữu-Thừa là Lý-Hằng đánh lui được, chém tên nghĩa-dũng, quan hầu của Hưng-Đạo-Vương, là Trần-Thiệu. Khi ấy Toa-Đô nghe đại-binh đã kéo về, mới từ Thanh-Hoá lui quân, dọc đường ngày đêm không nghỉ và phải đánh cùng quân An-nam, bắt được mấy tướng là Trần Đà-Phạp và Nguyễn-Thạnh. Đến đất Bái-Khanh, tướng của Toa-Đô là Lễ-cước-Trương làm phản, suất quân An-nam đánh với quân Nguyên, Toa-Đô nhảy ngựa rơi xuống nước chết đuối, quân lính bị tan rã, duy Ô-Mã-Nhi và Vạn-Hộ Lưu-Khuê, đi thuyền nhỏ trốn thoát, chỉ Tiểu-Lý đi chiếc thuyền cô-đơn mà đánh theo sau, bị thua rồi tự đâm họng, Thế-Tử cảm trung-nghĩa của y, sai người cứu sống và đãi đằng tử-tế.
Mùa đông năm ấy, những người nội-phụ là bọn Trần-Ích-Tắc đi trạm tới Kinh-sư vào chầu. Trong tháng 3 năm Bính-Tuất, hiệu Chí-Nguyên, (1286), Thế-Tổ ra lời Chế phong cho Trần-Ích-Tắc làm An-nam Quốc-vương, Trần-Tú-Tuấn làm Phụ-Nghĩa-Công, các quan đồng thời quy thuận, đều được chức tước có cấp bậc.
Năm Đinh-Hợi, hiệu Chí-Nguyên (1287), triều đình lại dấy binh đưa An-nam quốc-vương về nước. Hoàng-Thượng sai Bình-Chương Áo-Lỗ-Xích đem Mông-Cổ và Hán quân của bốn tỉnh Giang-Hoài, Giang-Tây, Hồ-Quảng và Vân-Nam, động-binh của Quảng-Tây, lê-binh của Hải-Nam do đường bể vận lương;bọn Vạn-Hộ Trương-Vằn-Hổ suất mười vạn quân, theo mệnh-lệnh của Trấn-Nam-Vương. Tháng 9 mùa đông khởi binh từ châu Ngạc.
Ngày Ất-Dậu, 28 tháng 10, đến huyện Lai-Tân, chia đường tiến quân: Tham-Chính Ô-Mã-Nhi cùng Phàn-Tiếp suất quân 18.000 người; bọn Ô-Vị, Trương-Ngọc và Lưu-Khuê cầm quân vài ba vạn, chiến thuyền 500 chiếc, thuyền chở đồ 70 chiếc, bắt đầu từ Khâm-Châu mà tiến.
Ngày 11 tháng 11 Mậu-Tuất, thuỷ quân tiến trước qua cửa sông Vạn-Ninh. Tướng An-nam là Nhân-Đức-Hầu Trần-Da phục binh tại Lãng-Sơn toan đánh đứt mặt sau quân ta, quân ta dò biết, trong lúc ban đêm vây núi Lãng-Sơn, sáng ngày sau, đánh đuổi đi, quân Nam chết đuối vài trăm người, bắt được ghe thuyền vài mươi chiếc; Ô-Mã-Nhi thừa thắng tiến quân, không nghĩ tới thuyền lương thực ở sau, không có viện binh, khiến cho bao nhiêu lương thực chìm sạch.
Ngày 23 Canh-Tuất, quân bộ tới đất Lộc-Châu, chia đường tiến tới, Hữu-Thừa Trình-Bằng, Tham-Chính Sách-La-Đáp-Nhi, do cửa Ải Chi-Lăng; đại quân của Trấn-Nam-Vương do cửa ải Khả-Lợi, Hữu-Thừa A-Bát-Xích làm tiên phong, đồng thời tiến quân; Hữu-Thừa Ái-Lỗ cũng từ tỉnh Vân-Nam tiến quân đến chỗ Tam-đại-giang, cùng người em Thế-Tử là Trần-Duật giao-chiến, bắt được hai tướng Hà-Ánh và Lê-Thạch.
Ngày mồng 3 tháng 12, Kỷ-Vỵ, lục-quân mới tiến tới Tứ-Thập-Nguyên, Trấn-Nam-Vương nhân vì bị mất lương-thực, khiến Ô-Mã-Nhi đốc quân đi cướp lương hướng của quân An-nam. Hữu-Thừa Trình-Bằng, Tả-Thừa A-Lý và Lưu-Giang đắp thành gỗ ở trên hai núi Phổ-Lại và Chí-Linh để chứa lương-thực nuôi quân lính.
Ngày 23 Kỷ-Mão, Trấn-Nam-Vương lại chia quân tiến công, quân thuỷ của Phàn-Tham-Chính đi theo Trấn-Nam-Vương tới Bắc-Giang, quân An-nam lấp cửa sông, phục binh nơi rừng lá đánh đuổi chạy, rồi binh thuyền kéo ra sông Lư-Giang, quân Thế-Tử bị tan rã. Lúc đó, Tỉnh-Đô-Sự Hầu Sư-Đạt, Vạn-Hộ- Hầu (không rõ tên) và Tiên-Thiên-Hộ, góp những quân còn sót lại ở các cánh, chỉ có 5.000 người, cùng Lê-Tắc từ huyện Tư-Minh, tiếp tục đi tới, ngày 28, Giáp-Thân vào ải Nội-Bàng, đánh với quân Nam suốt cả ngày đêm, quân ta kiệt sức bị thua; Hầu-Đô-Sự tử trận; Tắc thuộc đường lối dẫn Vạn-Hộ, Thiên-Hộ cùng con của An-nam quốc-vương là Trần-Dục và bọn Thiêm-Sự Nguyễn-Lãnh, Phủ-Phán Lê-Án đem kỵ-binh còn sót lại liều chết mà đánh, thoát ra khỏi cửa ải.
Ngày 29, Ất-Dậu, Trấn-Nam-Vương qua Lư-Giang về hướng tây, A-Bát-Xích theo bờ phương Đông đánh phá cửa ải Hàm-Tử. Thế-Tử rút lui giữ cửa ải Hải-Thị, bị đại-binh đánh tan.
Ngày Kỷ-Sửu mồng 4 tháng giêng năm Mậu-Tý hiệu Chí-Nguyên (1288) Trấn-Nam-Vương về đồn cũ, Ô-Mã-Nhi do đường biển ra rước, Trương-Văn-Hổ đem thuyền lương thực tiếp tục tiến qua.
Ngày 11, Bính-Tý, cùng quân Nam đánh tại cửa sông Đa-Ngư, nhân thuỷ-triều xuống rồi tan. Trương-Văn-Hổ gặp quân địch tại cửa sông An-Bang, bị chìm thuyền mất lương-thực, rồi đi chiếc ghe nhỏ, chạy về Khâm-Châu. Qua tháng 2, Thế-Tử khiến anh họ là Hưng-Ninh-Vương Trần-tung nhiều lần tới xin đầu hàng, có ý làm cho quân ta mệt mõi rồi ban đêm cho quân cảm-tử tới quấy rối các đồn, Trấn-Nam-Vương tức giận, sai Vạn-Hộ là Giải-Chân đốt thành, những người chung quanh can ngăn lại. Thần-Nỗ-Tổng-Quản Giả-Nhược-Ngụ hiến kế rằng: "nên đem quân về, không nên ở lại giữ". Trấn-Nam-Vương cũng nói: "Xứ đất nóng nực, ẩm-ướt, lương-phạn thiếu, quân lính mệt mỏi", bèn kéo quân về. Các tướng thuỷ-lộ cáo rằng: "Hai lần thuyền vận-tải tới mà đều bị chìm, bây giờ kéo quân về, không chi bằng phá huỷ hết thuyền bè, theo đường bộ là tiện hơn cả". Trấn-Nam-Vương muốn nghe theo, nhưng bọn tuỳ-thuộc cản lại.
Ngày 3 tháng 3, Đinh-Hợi, Hữu-Thừa Trình-Băng, Thiêm-Tỉnh Đạt-Mộc, suất quân kỵ-mã đón rước quân thuỷ, qua chợ Đông-Hồ, bị sông ngăn trở phải đi về đường cũ, nhưng cầu, cống đều bị quân An-nam cắt đứt để chờ đánh quân ta. Trình-Hữu-Thừa hỏi những phụ-lão do quân ta bắt giữ, rồi đêm lại theo con đường khác mà đi, theo kịp đại quân ra khỏi cửa Nội-Bàng. Quân Nam lại phục binh đánh cắt đứt mặt sau quân ta, Vạn-Hộ Đáp-thứ-Xích, Lưu-Thế-Anh đánh đuổi đi, bắt được các tướng là Phạm-Trù và Nguyễn-Kỵ đem chém.
Ngày 7 Tân-Mão, thuỷ quân tới Trúc-Đông, quân An-nam tới đánh, bị Lưu-Khuê đánh lui, bắt được 20 chiếc thuyền, Ô-Mã-Nhi không đi đường biển về, trái lại, do sông Bạch-Đằng mà di, gặp quân địch, Ô-Mã-Nhi tự lãnh quân lính tải lương thực nghênh-chiến, Phàn-Tham-Chính, Hoạch-Phong ứng tiếp, vừa thuỷ triều xuống, quân bị hãm. Trấn-Nam-Vương nghe quân An-nam đào hầm sỉa ngựa mà giữ ải Nữ-Nhi, bèn khiến quan châu Tư-Minh là Hoàng-Kiên, dẫn đi đường khác, thẳng tới Lộc-Xuyên, toàn quân được về.
Năm Canh-Dần hiệu Chí-Nguyên (1290) Thế-Tử mất, con là Trần-Nhật-Tốn kế lập. Qua năm Quý-Tỵ hiệu Chí-Nguyên (1293) sai sứ-thần là Đào-Tử-Kỳ tới dâng lễ cống hiến, Hoàng-Thượng lấy cớ qua vời nhiều lần mà không đến chầu, bèn giữ Tử-Kỳ ở đất Giang-Lăng, lập An-nam Hành-Tỉnh, sai Lưu- Quốc-Kiệt cùng chư-hầu Vương-Nhĩ-Cát-Đạt, v.v... kéo quân qua đánh, do Đại-Vương Ích-Cát-Lý-Đãi tổng quản việc chinh phạt. Mùa đông năm ấy, trú binh tại Tịnh-Giang, chờ mùa thu sang năm tiến phạt.
Tháng giêng mùa xuân năm Giáp-Ngọ, Chí-Nguyên (1294), vua Thế-Tổ băng, Thành-Tông Hoàng-đế lên ngôi, xuống chiếu bãi binh, tha tội An-nam và thả sứ-thần là Đào-Tử-Kỳ về nước. Vua Trần-Nhật-Tôn dâng tờ biểu chúc mừng, sai sứ qua tạ tội, xin vĩnh-viễn làm chư hầu và chiếu lệ thường năm cống hiến.
Tiền Triều Chính Thảo (Sự Chinh-phạt của các Triều-đại trước)
Năm thứ 33 đời vua Thuỷ-Hoàng (214 trước công-nguyên) nhà Tần ra lệnh các quận ấp, bắt bọn dân trốn tránh, những kẻ đi ở gởi rể, những kẻ buôn bán ở trong hạt đều phải đi lính, lại sai quan Uý là Đồ-Thư đem quân lâu-thuyền, sai quan Giám tên Lộc đào sông chở lương-thực, quân Tần đi sâu vào đất Việt, xâm chiếm đất Lục-Lương, đặt làm các quận Quế-Lâm, Nam-Hải và Tượng-Quận để đày 50 vạn người đi làm lính thú ở Ngũ-Lĩnh. Đến cuối nhà Tần, quan Uý quận Nam-Hải là Triệu-Đà đánh lấy cả ba quận, rồi tự lập làm vua. Cao-Tổ nhà Hán nhân dịp phong Triệu-Đà làm Nam-Việt-Vương.
Đến đời bà Cao-Hậu cấm Nam-Việt không được mua các đồ sắt của Trung-Quốc, Đà tức giận tiếm ngôi, tự xưng đế, phát quân đánh biên-giới quận Trường-Sa, Triều-đình nhà Hán sai tướng-quân Long-Lự-Hầu đánh lại, vừa trời nắng, khí ẩm thấp, nên quân lính mệt nhọc không qua được Ngũ-Lĩnh.Qua hơn một năm, Cao-Hậu băng, tức thì Triều-đình cho bãi binh.
Năm Kiến-Nguyên thứ 4 của Hiếu-Vũ-Đế (127), nước Mân-Việt dấy binh đánh Nam-Việt, vua Việt tên là Hồ (cháu Triệu-Đà), giữ theo lời hứa với Thiên-Tử nhà Hán, không dám tự tiện phát binh đánh trả, chỉ dâng thư lên Triều-đình, vua Hán liền khiến Vương-Khôi và Hàn-An-Quốc đánh Mân-Việt. Hồ cảm đức nhà Hán, sai con là Anh-Tề vào hầu vua. Anh-Tề mất, con là Hưng kế lập. Tướng Việt là Lữ-Gia làm phản, Vũ-Đế sai Hàn-Thiên-Thu đem 2.000 người tới đất Việt, Gia nổi lên đánh giết vua cùng sứ-giả nhà Hán (Là Thiên-Thu) rồi lập Kiến-Đức làm vua.
Năm Nguyên-Đỉnh thứ 5 (112), Hán Vũ-Đế khiến Vệ-Uý Lộ-Bác-Đức làm Phục-ba tướng-quân, kéo quân ra quận Quế-Dương rồi xuống sông Hoàng-Thuỷ; Chủ-tước Đô-Uý Dương-Bộc làm Lầu-thuyền tướng-quân kéo quân ra Dự-Chương, xuống Hoàng-Phố; người Việt là Qui-Nghĩa-Hầu làm Qua-Thuyền- Hạ-Lại tướng-quân kéo quân ra Linh-Lăng, rồi xuống sông Ly-Thuỷ tới quận Thương-Ngô. Lại sai người Việt là Trì-Nghĩa-Hầu đem bọn phạm-nhân quận Ba-Thục và phát quân lính ở Dạ-lang kéo xuống ngả sông Tường-Kha, tất cả là 100.000 quân chia đường mà tiến tới.
Qua năm Nguyên-Đỉnh thứ 6 (111), đạo quân tinh-nhuệ của Lầu-thuyền tướng-quân, đầu tiên hãm được Tầm-Giáp, đánh phá Thạch-môn, bắt được thuyền chở lúa của nước Việt, rồi chờ quân của Bác-Đức kéo tới cùng đi đến thành Phiên-Ngung. Bọn Lữ-Gia giữ thành, quân nhà Hán đánh bại Gia rồi phóng lửa đốt thành. Đến tối Phục-ba làm dinh, mời các người đầu hàng ban ấn thọ, lại khiến họ rủ nhau tới quy thuận. Rạng sáng mai, thì người trong thành đều ra đầu hàng. Trong ban đêm, bọn Lữ-Gia đã trốn về ngả biển, Phục-Ba bèn khiến tướng đuổi theo bắt Gia. Quân của Qua-Thuyền-Hạ-Lại tướng-quân và quân Dạ-Lang chưa xuống kịp thì nước Nam-Việt đã dẹp yên, bèn chia ra làm chín quận. Giao-Châu-Ký chép rằng: "Lúc ấy đất Việt muốn tự toàn, có ba người Lạc-hầu dắt trâu, dâng một ngàn chung rượu, cầm cả sổ sách hộ-tịch của ba quận Giao-Chỉ, Cửu-Chân và Nhật-Nam ra đón Phục-Ba mà đầu hàng. Lộ- Bác-Đức cho ba người ấy làm Thái-Thú ba quận nói trên và để Lạc-Vương cùng Lạc-Tướng cứ trị dân như cũ.
Năm Kiến-Võ thứ 16 của Hán Quang-Vũ-Đế (sau công nguyên 40), người đàn bà Giao-Chỉ là Trưng-Trắc làm phản, quận Cửu-Chân và quận Nhật-Nam đều hưởng ứng theo, đánh các quận, ấp, cướp được 60 thành, rồi tự lập làm vua. Quang-Vũ-Đế bèn hạ chiếu các quận Trường-Sa và Hợp-Phố chuẩn bị thuyền bè, sửa cầu, đường, mở rộng khe hỏi, tích trữ lương thực, rồi cử Mã-Viện làm Phục-Ba tướngquân, Phò-Lạc-Hầu Lưu-Long làm Phó, Đoàn-Chí giữ chức Lầu-Thuyền tướng-quân, do thuỷ lục hai đường cùng tiến đánh Giao-Chỉ. Mã-Viện do đường duyên-hải tiến quân, gặp núi thì làm đường, trải hơn 1.000 dặm, kéo quân tới Lãng-Bạc đánh nhau và đại phá quân Trưng-Trắc, rồi đuổi theo tới đất Kim-Khê.
Đến năm Kiến-Võ thứ 19 (43), Mã-Viện chém yêu tặc là Trưng-Nhị (Nhị là em gái của Trưng-Trắc) và đánh luôn cả dư đảng, bọn Đô-Lương, đến huyện Cư-Phong, bọn nầy chịu đầu hàng, đất Lĩnh Nam đều được bình-định. Viện cùng người Việt thân minh chế-độ cũ để tiện việc cai-trị, từ đó Lạc-Việt phải tuân y quy-chế của Mã-tướng-quân.
Năm Kiến-Võ thứ 20 (44), Mã-Viện kéo quân về Kinh-sư. Bảy quận ở Giao-Chỉ, khi đi cống-hiến, đều phải do đường biển lên huyện Đông-dã (thuộc huyện Hầu-Quan Phước-Châu) mà dâng lễ vật. Trong hiệu Hoàng-Võ của nhà Ngô (222-228), Tôn-Quyền sai Trần-Thì qua thay Sĩ-Nhiếp làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ. Con Sĩ-Nhiếp làm Sĩ-Huy không vâng mệnh, cử binh giữ cửa biển. Năm Kiến-Hưng nguyên-niên (252) vua nhà Ngô dùng Lữ-Đại làm Thứ-sử quận Giao-Chỉ để cùng Tiết-Tông đốc quân 3.000 vượt biển qua đánh miền Nam. Có kẻ nói với Đại rằng: "Huy cậy có ơn trước của ông cha để lại, nhân dân trong một cỏi Giao-Châu ủng hộ, chưa dễ đánh được". Đại nói: "Huy cậy thế ở xa, thường để lòng phản nghịch; không ngờ quân ta bỗng tới, nhân y chưa chuẩn bị, đánh thình-lình, thì nhất định phải được, nếu để trễ nải, không tiến quân bây giờ, thì sẽ để họ giữ gìn bền chặt; man di mấy quận đều hưởng theo, thì dầu có trí khôn đến bậc nào, cũng không làm gì hơn được". Nói xong, bèn qua quận Hợp-Phố, cùng với viên quận thú là Đái-Lương đều tiến. Đại dùng em Sĩ-Nhiếp là Sĩ-Phụ làm vai sư-hữu tùng-sự, để qua thuyết, Huy suất cả sáu anh em ra hàng, Đại chém hết và đem đầu về Mạt-Lăng. Quân nhà Ngô tiến tới Cửu-Chân, chém bắt muôn người, lại khiến quan tùng sự tuyên bố đức hoá tại Phù-Nam và Lâm-Ấp. Bởi vậy các nước đều tới cống-hiến phương-vật.
Năm Vĩnh-An thứ 5 của nhà Ngô (262), quan lại trong quận Giao-Chỉ là Lữ-Hưng giết Thái-Thú Giao-Chỉ là Tôn-Tư, rồi đem đất quận ấy phụ theo nhà Tấn.
Vua Võ-Đế nhà Tấn dùng Dương-Tắc làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, Tắc đánh đuổi chém cả Đô Đốc là Tu-Tắc và bọn quan Thứ-Sử là Lưu-Tuấn. Năm đầu hiệu Kiến-Hoành (269) Vua Ngô là Tôn-Hạo sai Giám-Quân Ngu-Tỹ, Uy-Nam tướng quân Tiết-Hủ, Thương-Ngô thái-thú Đào-Hoàng do đường bộ đi tới, sai Giám-Quân Lý-Miễn, Đốc-quân Từ-Tồn do đường biển Kiến-An đi tới, hợp tại quận Hợp-Phố để qua đánh Giao-Chỉ. Năm thứ 3 (271), Hoàng theo đường biển đến thình-lình, đi thẳng tới Giao-Chỉ, đánh hãm được thành, giết cả mấy tướng do nhà Tấn đặt ra.
Năm Nguyên-Gia thứ 23 (446), của Tống-Văn-Đế, vua Lâm-Ấp là Phạm-Dương-Mại làm phản, quan Thứ-Sử Giao-Châu là Đàn-Hoà-Chi cùng tướng quân Tông-Xác đem quân tới đánh thành Khu-Túc, Dương-Mại chạy qua Tượng-Phố, cử quân lính cởi voi ra chống cự. Tông-Xác nghĩ rằng giống sư-tử oai phục cả trăm loài, bèn chế ra hình sư-tử giả, để cho đối trận với voi, quả nhiên voi kinh hải, chạy bậy, quân giặc rối loạn tan rã, quân nhà Tống bèn khắc-phục Lâm-Ấp và thu hoạch được những đồ quí báu.
Trong thời Lương-Võ-Đế (502-549), người Giao-Chỉ Lý-Bôn làm phản, vua Võ-Đế ra lời chiếu cho Thứ-sử Dương-Phiếu và Tư-Mã Trần-Bá-Tiên qua đánh, quân chúng của Lý-Bôn đóng đồn tại hồ Điển-Triệt, các quân-sĩ sợ, nép tại cửa hồ, không dám tiến; Bá-Tiên nói rằng: "quân ta xuất trận đã lâu, mà không có viện binh, nhưng đã vào giữa ruột người ta rồi, thì nên quả quyết chung sức mà đánh", nhưng quân lính không ứng theo. Đêm ấy, nước sông dẫy lên bất ngờ, tràn vào trong hồ, Bá-Tiên đem binh sở thuộc, theo dòng nước tiến trước, rồi các quân đều giục trống xuất trận, quân Lý-Bôn tan vỡ bỏ chạy, Tiên đuổi theo tới động Khuất-Liêu, chém được Bôn, đem đầu về Kiến-Nghiệp. Anh của Bôn là Thiên-Bữu thu-tập tàn-quân đến vây Ái-Châu, nhưng cũng bị dẹp yên.
Năm Khai-Hoàng thứ 10 của nhà Tuỳ (590), Lý-Xuân, người Giao-Chỉ, làm phản, Tuỳ-Văn-Đế ra lời chiếu cho Dương-Tố đánh dẹp yên.
Năm Nhân-Thọ thứ 2 (602), Lý-Phật-Tử làm loạn, chiếm thành cũ của Việt-Vương. Người con của anh là Đại-Quyền chiếm thành Long-Biên; còn tướng là Lý-Phổ-Đỉnh chiếm cứ thành Ô-Diên. Dương-Tố tâu lên rằng: "Thứ-Sử Qua-Châu là Lưu-Phương có mưu-lược làm tướng", nên Văn-Đế khiến Lưu-Phương làm chức Giao-Châu-Đạo-Hành Quân-Tổng-Quản, lại dùng Độ-Chi Thị-Lang là Kỉnh-Đức-Lượng làm chức Trưởng-Sử, thống-lãnh 27 dinh mà tiến tới. Phương quân-lệnh rất nghiêm, hễ ai phạm pháp thì chém ngay. Tuy nhiên, tính rất nhân-ái, hễ quân lính có đau ốm, thì thân-hành đến an-ủi, điều-trị, cho nên quân lính cảm mến. Khi quân Tuỳ kéo tới núi Đô-Long thì gặp giặc, Phương sai bọn Vương-Vinh, Tống-Toản đánh tan, Phật-Tử đầu hàng rồi bị đem về Kinh-Sư, các tay kiệt-hiệt đều bị chém giết. Đến cuối đời Văn-Đế, có người nói nước Lâm-Ấp có nhiều của báu, nhưng lâu đời không đến chầu. Vừa lúc Lưu-Phương mới dẹp yên Giao-Châu, trong sơ-niên Đại-Nghiệp (605-606), Dạng-Đế cho Phương làm Hoan-Châu-Đạo-Hành Quân-Tổng-Quản cùng đại-tướng-quân Trương-Tốn dùng Thượng-thư Hữu-Thừa là Lý-Cương làm chức Hành-Quân Tư-Mã đi đường thuỷ tới quận Bắc Cảnh. Qua tháng 4, quân nhà Tuỳ đến đánh Lâm-Ấp, vua nước ấy là Phạm-Chí sai quân đóng giữ nơi hiểm yếu, Phương đánh đuổi đi, quân qua sông Đồ-Lê, quân Lâm-Ấp cỡi voi đến cả bốn mặt, Phương khiến quân đào nhiều hầm hố nhỏ, lấy cỏ rác lấp trên mặt, cùng quân địch giao-chiến, rồi giả thua thối lui, quân Lâm-Ấp đuổi theo, voi xông tới, bị sỉa xuống hầm, què chân, Phương sai lính bắn cung nỏ vào voi, voi bèn trở lại chà đạp quân-sĩ Lâm-Ấp giữa mặt trận, nhân dịp, Phương dùng quân lính tinh-nhuệ đánh tiếp, quân Lâm-Ấp đại bại, bị bắt chém kể hàng vạn cái đầu. Khi quân Tuỳ qua sông Đại-Duyên, thì giặc ở nơi hiểm yếu cũng bị đánh đuổi đi; qua khỏi chỗ đồng-trụ của Mã-Viện, trở về Nam còn phải đi đến tám ngày nữa mới tới quốc-đô của Lâm-Ấp. Phạm-Chí (vua Lâm-Ấp) bỏ thành chạy về ngả biển, quân Tuỳ bèn thu hoạch 12 miếu chủ bằng vàng (vì nước Lâm-Ấp truyền đến 18 đời vua), đốt phá cung-thất và ghi rõ công vào bia đá, rồi về. Quân đi đánh các mặt trận kể trên, mười phần chết hết bốn, năm phần, kể cả Phương cũng bị bệnh mà chết dọc đường.
Năm Thuỳ-Cũng thứ 3 (687) của Võ-Hậu nhà Đường, Đinh-Kiến, người Giao-Châu làm phản, giết quan đô-hộ châu ấy là Lưu-Diên-Hựu. Quế-Châu Tư-Mã là Tào-Tịnh đánh dẹp yên.
Sơ-niên hiệu Khai-Nguyên (713-714), của Huyền-Tông, Soái-trưởng Giao-Châu là Mai-Thúc-Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc-Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm-Ấp và Chân-Lạp, tập họp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An-nam. Vua Huyền-Tông ra lời chiếu sai quan Tả-Giam-Môn Vệ-tướng-quân là Dương-Tư-Miễn và quan đô-hộ là Nguyên-sở-Khách qua đánh, cứ noi theo con đường cũ của Mã-Viện đi tới phá quân của Loan, thâu những xác chết đắp thành gò lớn, rồi kéo về.
Trong hiệu Đại-Trung (847-859), của Tuyên-Tông, quan đô-hộ Lý-Trác là người tham bạo, dân tình oán thán bèn kết thân với mọi Nam-Chiếu tới đánh hãm phủ An-nam, giặc giả liên tiếp mấy năm không nghỉ. Đến năm thứ 3 hiệu Hàm-Thông (862), (của Ý-Tông), rợ Nam-Chiếu lại công-hãm An-nam, bèn dùng Thái-Tập thay Vương-Khoan làm chức Kinh-Lược-Sứ, phát các đạo-binh ở các huyện châu Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm và Ngạc đến đánh Nam-Chiếu. Đi chưa tới Giao-Chỉ, thì Thái-Tập bị vây, chỉ cố thủ Phủ-thành, quân tiếp-viện lại không có, nên tan vỡ, Tập phải chết đuối. Lúc ấy, các đạo binh tới đóng đồn ở đất Lĩnh-Nam, tiếp-tế lương hướng rất khó khăn, vất vả. Bởi vậy, Ý-Tông hạ chiếu các quân của Hồ-Nam và Giang-Tây đi đường thuỷ vận tải lương thực tiếp-tế cho binh-sĩ ở các dinh. Trần-Bàn-Thạch dâng thơ lên vua xin làm thuyền lớn chở được ngàn hộc lương từ Phúc-Kiến chở gạo đi đường biển thì một tháng đến Quảng-Châu, như vậy quân thực mới đủ. Vua y theo, rồi cho Cao-Biền lãnh chức đô-hộ, qua thu-phục nước An-nam. Năm thứ 5, (864) mới tiến binh, chém bọn Khanh-Đạo- Suý, Chu-Đạo-Cổ, đồ đảng hơn vạn người, phá rợ Nam-Chiếu tại huyện Nam-Định, chém Trương- Thuyên, người đến đầu hàng đến vạn người, lại cổ-võ tướng sĩ đi đánh thành luỷ, giết được tên tướng mọi là Đoàn-Tù-Thiên và chém bọn nó vài vạn người, nước An-nam trở lại yên ổn. Biền thấy từ quận Nam-Hải đến quận Giao-Châu, có đá ẩn dưới nước, thuyền to thường hay chìm, bèn tâu với vua xin phá tan đá ấy. Từ đó, nhân-dân ở hai xứ Giao, Quảng, đi ghe thuyền trên đường bể được bình yên.
Đời Hậu-Lương, Lưu-Nghiễm1 của nước Nam-Hán tiếm hiệu vua ở đất Quảng-Châu. Nhân có Khúc-Hạo chiếm cứ đất Giao-Châu, Nghiễm sai Lý-Khắc-Chính và Lý-Tri-Thuận cử binh đánh Giao-Châu, bắt con Hạo là Thừa-Mỹ, rồi để Lý-Khắc-Chính ở lại giữ thành. Gia-tướng của Khúc-Hạo là Dương-Đình-Nghệ đánh lấy được An-nam, lại bị Kiều-Công-Tiện giết và thay thế. Tướng cũ của Đình-Nghệ là Ngô-Quyền đem binh vây Công-Tiện. Tiện sức yếu bị thua mới cầu cứu với Lưu-Nghiêm, Nghiêm phong con mình là Vạn-Vương Hoằng-Tháo làm Giao-Vương đem quân cứu Tiện. Sùng-Văn-Sứ là Tiêu Ích can ngăn, Nghiêm không nghe. Khi Hoằng-Tháo tới Giao-Châu, Ngô-Quyền đã giết Công-Tiện, rồi đem quân đón đánh Tháo. Trước đó, Ngô-Quyền đã cho cắm nọc vót nhọn và bọc sắt ở cửa biển rồi, khiến người đem thuyền nhẹ, chờ khi nước thuỷ triều dâng lên thì khiêu-chiến, giả thua, chạy trốn. Hoằng-Tháo đuổi theo, một lát sau, thuỷ triều xuống, các chiến-thuyền của Tháo bị mắc nọc, không trở về được, khiến cho quân bị tan rã và chết đuối. Khi ấy, Nghiêm tới đồn trú ở cửa biển để cứu-trợ, nhưng nghe nói Tháo bị thất trận, bèn trở về.
Năm Thái-Bình Hưng-Quốc thứ 5 (980) của Tống-Thái-Tông, Đinh-Liễn ở Giao-Châu mất, em là Triền kế lập, bị đại-tướng là Lê-Hoàn cướp ngôi. Vua Thái-Tông giận, cử binh qua đánh, dùng Lan-Châu Đoàn-Luyện-Sứ là Tôn-Toàn-Hưng, Bát-Tắc-Sứ là Thích-Hậu, Tã-Giám-Môn-Vệ đại-tướng-quân là Thôi-Lượng làm chức Lục-lộ-Binh-Mã-Tổng-Quản, từ đường Ung-Châu tiến quân; Ninh-Châu Thứ-Sử là Lưu-Trừng, Án-Bí-Khố-Sứ là Giả-Thực, Cung-Phụng-Quan-Các-Môn-Chi-Hậu là Vương-Soạn làm chức Thuỷ-Quân Binh-Mã Tổng-Quản do đường Quảng-Châu tiến quân. Lại dùng Ngọ-Xương-Duệ làm chức Tri-Giao-Châu-Hành-Doanh Thông-Tục. Bọn Toàn-Hưng từ giả; Thái-Tông lại hạ chiếu cho dẫn tiến, khiến Lương-Quýnh thiết tiệc ở vườn Ngọc-Tân để tống tiễn.
Mùa thu năm ấy, (năm thứ 5), các quân khởi hành, đến tháng 12 phá được hơn vạn quân Giao-Chỉ. Qua năm sau (981), vào mùa hạ, lại ở sông Bạch-Đằng chém gần ngàn người, bắt được thuyền 200 chiếc, trú quân tại Ba-Bộ. Chuyển-vận-sứ là Hầu-Nhân-Bữu cùng đạo tiền-quân tiến sâu vào, bị thất bại luôn. Bọn Toàn-Hưng do đường thủy và đường bộ tới làng Đa-La, không gặp Nhân-Bữu, bèn trở về Ba-Bộ. Lê-Hoàn giả đầu hàng để dụ địch, Nhân-Bữu bèn trúng kế mà bị hại. Giang-Nam Chuyển-Vận-Sứ Hứa-Trọng-Tuyên được tin, mới sai người tâu lên, Thái-Tông hạ chiếu rút quân về và sai sứ-thần giết cả bọn Lưu-Trừng, Giả-Thực và Vương-Soạn, nhưng Trừng mắc bịnh mà chết, còn bọn Thực và Soạn bị xử-tử tại châu Ung. Qua mùa đông năm sau (982), Tôn-Toàn-Hưng cũng bị xử-tử; Trần-Khâm-Tộ và Thích-Hậu đều bị tội, vì cuộc dụng binh đánh đất Giao-Châu sai kỷ-luật đến nỗi bại trận.
Trong thời Tống-Thần-Tông (1068-1085), Vương-An-Thạch làm Tể-Tướng, muốn lập công tại biên-thuỳ, nên dùng Thẩm-Khởi làm chức Trí-Quế-Châu, cố ý đánh lấy đất An-nam, rồi kiểm-điểm, tụ tập những quân mán-mọi của các khe động, lại cấm Giao-Chỉ thông thương với châu huyện, vì vậy Giao-Chỉ tức giận, hai chuyến lập mưu vào quấy rối biên-giới Trung-Quốc.
Năm Hy-Ninh thứ 8 (1075), vua Giao-Chỉ là Lý-Càn-Đức (tức là Lý-Nhân-Tông) dấy binh đánh hãm ba quận Khâm-Châu, Liêm-Châu và Ung-Châu. Thần-Tông dùng Triệu-Tiết làm chức An-nam Chiêu-Thảo-Sứ, cai quản chín vị tướng-quân, rồi lại dùng Quách-Quỳ làm Tuyên-Vũ-Sứ, Tiết làm Phó, Quỳ đến Trường-Sa, đốc suất các đạo quân tiến binh khôi phục Ung-Châu; lại sai các tướng đánh lấy châu Vĩnh-An, huyện Tán-Bảng; khê động châu tướng là Hoàng-Kim-Bồ, Linh (?) đầu hàng. Đào-Bật tụ tập quân lính ở động Hữu-Giang họp với Quách-Quỳ đóng tại Tư-Minh. Nhân khiến Yên-Đạt đánh châu Quảng-Nguyên, Quan-Sát-Sự ở đó là Lưu-Ứng-Kỳ phải đầu hàng. Quân nhà Tống kéo về trú tại sông Phú-Lương, nhưng bị chiến-thuyền của Giao-Chỉ đến 300 chiếc đậu tại bờ sông, muốn tới không được, Quỳ bàn mưu rằng: "phép dụng binh là lừa cho người ta đến, chứ không để cho người ta lừa mình đến, bây giờ ta giả làm trống trải, thì nó ắt tới đánh". Quả nhiên quân địch tới đánh, bị bại trận khá lớn, quân nhà Tống bắt được Hồng-Chân Thái-Tử và đại-tướng Nguyễn-Càn, v.v... Lý-Càn-Đức yếu thế bèn dâng biểu xin hàng, và trả lại đất đai đã cướp cho nhà Tống. Khi trước Vương-An-Thạch cùng Ngô-Sung ở trước mặt Tống-Thần-Tông cải về việc Giao-Chỉ, An-Thạch cho là lấy được Giao-Chỉ. Sung thì nói: "lấy được cũng vô ích". Đến lúc Lý-Càn-Đức dâng biểu xin hàng, thì Thần-Tông thuận cho và cho kéo quân về. Vua bảo rằng: "Triệu-Tiết có công, còn Quách-Quỳ dung giặc, nên giáng Quỳ xuống chức Tả-Vệ-Tướng-Quân và an-trí ở Tây-kinh, và thăng Tiết lên chức Hữu-Chính-Ngônở tại Long-Đồ-Các và giữ chức Trí-Quế-Châu. Bành-Bách-Xuyên ở huyện My-Sơn, biên chép chuyện Giao-Chỉ, trước thì nói Tiết có công cao và Quỳ có tội trể nải quân-sự, sau lại nói Quỳ có công và Tiết thì không có, hai lời nói trên, hãy tạm ghi chép lại.