Đến năm Canh Thìn, một biến cố trọng đại nữa lại xảy ra.
Ngày ấy vua Chau Ponhea Nou cảm thấy trong người khó chịu, ngài cho đòi quan ngự y Kao Lao vào coi mạch hốt thuốc. Kao Lao vẫn là thầy thuốc có danh, được tuyển vào chữa bệnh trong cung từ lâu. Sau khi xem mạch vua, Kao Lao hốt thuốc rồi tự sắc một chén mang vào cung. Như lệ thường, chén thuốc được rót một phần cho một viên thị thần nếm kiểm tra trước khi dâng cho vua uống. Đó là cách để đề phòng sự đầu độc nhà vua. Sau khi viên thị thần nếm thuốc một chốc vẫn không hề hấn gì, Kao Lao bèn bưng thuốc dâng vua. Nào ngờ, vừa hớp một hớp, vua Nou đã thấy khó chịu dội người muốn nhổ ra ngay. Nhưng Kao Lao đã dùng sức mạnh giữ nhà vua, ấn miệng chén vào miệng ngài bắt uống. Thuốc đổ tràn cả vào mặt vào mũi nhà vua. Bọn thị thần hoảng hốt xúm lại cứu gỡ nhưng nhà vua đã dẫy đành đạch mấy cái, hộc máu ra mà chết.
Bọn thị thần giận điên lên, đè Kao Lao mà đấm đá tới tấp. Kao Lao không kháng cự mà chỉ kêu lên:
- Hỡi đấng Allah tối thượng, con đã làm được một việc tốt!
Liền đó, Kao Lao cũng hộc máu mà chết. Thì ra hắn cũng đã tự uống thuốc độc để tránh hình phạt sau khi hạ sát vua Chau Ponhea Nou.
Vua Chau Ponhea Nou mất lúc mới mười bảy tuổi, chưa có con nối dõi.
Cũng như những lần trước, lần này triều đình cũng chẳng tìm ra được chút manh mối nào của vụ án.
Thế là thái hậu Ngọc Vạn có hai người con đều làm vua và đều chết bất đắc kỳ tử lúc còn rất trẻ. Bà đau đớn bỏ ăn bỏ ngủ cả một thời gian dài khiến thân xác bà tiều tụy trông khác hẳn trước kia. Bà thường than thở:
"Trời phạt ta! Chính vì ta đã lừa chồng, phản con nên trời tước đoạt cả chồng lẫn con của ta! Trời đã đọa ta vào cõi cô đơn tuyệt đối! Quả thật nhân nào quả nấy không cách gì thoát được!"
*
Lúc bấy giờ ông hoàng cuối cùng của vua Chey Chetta II là Chan, theo truyền thống là người sẽ được lên kế vị. Chan có mẹ là hoàng hậu Pha Luông, người Lào, lấy vợ người Mã Lai. Chan mới bỏ đạo Phật để theo đạo Hồi, đạo của vợ ông ta. Vì thế, thái hậu Ngọc Vạn ghét ông hoàng này lắm. Khi hoàng thân phụ chánh Outey tâu trình việc tôn Chan lên ngôi thì thái hậu nói:
- Đưa nó lên ngôi, nó sẽ biến cả nước Chân Lạp này thành Hồi giáo hết. Khanh hãy thanh toán nó đi để trừ hậu hoạn và lập một người con nào của khanh lên ngôi cũng được!
Quan phụ chánh tâu:
- Bẩm thái hậu, việc này khó lắm. Hoàng thượng vừa bị sát hại chưa tìm được kẻ chủ mưu, bây giờ thần lại giết người dự bị kế vị để giành ngôi báu cho con mình thì thần làm sao mà tránh được búa rìu dư luận? Thiên hạ có thể nghĩ thần đã mưu sát hoàng thượng cũng nên. Thật tình thần không dám tuân mệnh!
Thái hậu nói:
- Khanh có nhớ tên sát nhân trước khi chết nó nói gì không? Nó kêu thánh Allah mà khoe đã làm được một việc tốt, vậy nó là đồng đạo của Chan chứ còn gì nữa? Dù không nắm được bằng chứng, ta vẫn đoán ra được ai là kẻ chủ mưu giết hại con ta. Giờ đây ta vẫn còn là quốc mẫu của nước này, ta không muốn ngai vàng nước này lọt vào tay một tên mà ta nghĩ là kẻ thù! Nếu khanh ngại không chọn đứa con nào của mình lên kế vị, ta sẽ chọn một người khác vậy!
Dù Outey chất phác, trung hậu chi mấy nhưng vẫn là người trần, làm sao khỏi có lòng tham cho được! Cái ngai vàng lồ lộ trước mắt mấy ai dễ gì ngó ngơ? Bản thân ông cũng chẳng yêu mến gì Chan nhưng ông sợ tai tiếng, sợ bị nghi ngờ có chủ tâm soán đoạt. Người ông sợ nhất là thái hậu Ngọc Vạn, nhưng bây giờ, chính thái hậu lại vạch đường mở lối cho ông, lẽ nào ông lại không theo?
- Bẩm thái hậu, Chan chưa rõ tội trạng thì lấy cớ gì mà giết được? Hay là ta cứ nêu ra nghi vấn rồi giáng hắn xuống làm thứ dân là đủ rồi. Không có quyền lực trong tay hắn còn làm gì được mà ngại!
Thái hậu nghiêm giọng nói:
- Khanh cầm quyền chính một nước mà không quyết đoán được à? Nó không có tội thì làm cho nó có tội khó gì! Một ngày tha giặc sẽ ôm mối lo nhiều đời. Ta nói giúp ý vậy thôi, còn tùy khanh.
Hoàng thân Outey suy nghĩ chốc lát rồi nói:
- Tâu thái hậu, thần nghĩ cứ giáng hắn xuống làm thứ dân thì còn ai dám theo hắn nữa mà lo! Thần sẽ cho người giám sát chặt chẽ hắn!
Thái hậu lắc đầu nói:
- Ta sợ cái tính nhu nhược đàn bà của ông quá!
Thế rồi hoàng thân Outey một mặt tổ chức tang lễ một mặt tuyên bố chiếu chỉ của thái hậu Ngọc Vạn, vì nghi vấn hoàng tử Chan nhúng tay vào vụ thí nghịch, phế xuống làm thứ dân.
Các quan trong triều phần nhiều không có ý kiến đối với việc này. Chỉ có một số ít thầm thì nghi ngờ đây là một thủ đoạn soán ngôi của cha con hoàng thân Outey. Họ đòi phải xét lại nghi vấn về kẻ chủ mưu ấy.
Sau cùng, thái hậu Ngọc Vạn lại ra chiếu chỉ chọn người con của hoàng thân Outey là Ang Non lên kế vị tức là vua Ang Non I. Hoàng thân Outey được tôn làm Thái thượng hoàng, tiếp tục giữ vai trò phụ chánh. Thế là chính quyền mới của Chân Lạp vẫn tiếp tục giữ lập trường thân Việt.
*
Hoàng tử Chan sau khi bị giáng xuống làm thứ dân thì sợ hãi dắt vợ con bỏ đi mất tích. Thái thượng hoàng Outey và vua Ang Non I đều chủ quan, không màng để ý đến chuyện đó. Nhưng ngược lại thái hậu Ngọc Vạn lại đâm ra lo lắng vô cùng. Bà trách Thái thượng hoàng Outey:
- Thái thượng hoàng đã tự gieo mầm họa cho mình rồi đó! Ta đã nói phải thanh toán y đi mà không chịu nghe. Bây giờ y đã bỏ trốn tất thế nào cũng có ngày trở về để gây họa lớn. Triều đình chắc chắn sẽ gặp khó khăn với nó!
Thái thượng hoàng Outey nói:
- Thái hậu yên tâm, tôi sẽ cho tìm bắt nó về xử tội.
Nhưng để củng cố quyền lực, Outey chỉ biết tăng cường binh bị, xây thêm công sự phòng thủ mà không hề biết tìm cách vỗ về lòng người. Chi phí về binh bị gia tăng thì thuế má cũng phải tăng theo. Thành phần nhân sự nòng cốt để làm ra của cải vật chất trong dân chúng đa số bị trưng ra lính hoặc bị trưng làm sưu dịch nên mọi việc đều ứ đọng. Nền kinh tế xã hội Chân Lạp mỗi ngày một sa sút. Do đó, lòng dân càng thêm bất mãn với chính quyền. Người người lại trông ngóng một sự đổi thay.