Vị quan Hộ bộ đặc trách xét việc giúp đỡ, hướng dẫn, khuyến khích di dân đọc danh sách thấy tên Trần Đình Huy thì hết sức ngạc nhiên. Ông vội vàng trình lại với chúa Sãi. Chúa nghe xong lấy làm ngạc nhiên, áy náy lắm. Chúa nghĩ là Đình Huy xin đi Chân Lạp vì buồn chuyện tình duyên. Thế là chúa lập tức cho người gọi Trần Đình Huy đến gặp chúa tại tư thất ngay buổi tối hôm ấy.
Khi Đình Huy vừa đến cửa tư thất của chúa thì đã có người nhà của chúa ra đón sẵn, mời vào:
- Chúa chờ công tử lâu lắm rồi.
Chuyện gì mà quan trọng thế nhỉ? - Đình Huy tự hỏi. Bước vào nhà, Đình Huy thấy chúa đang cùng vương phi ngồi uống trà trên chiếc sập đặt ở giữa nhà. Đình Huy vái chào chúa và vương phi, rồi thưa:
- Tiểu sinh đến muộn làm mất thì giờ của chúa thượng và vương phi, tiểu sinh thật là có lỗi, xin chúa thượng và vương phi rộng lòng tha thứ!
Chúa sai người nhà đem ghế cho Đình Huy ngồi rồi ôn tồn nói:
- Ta gọi cháu đến đây để hỏi một đôi điều, cháu cứ thành thật mà trả lời ta nhé!
- Chúa đã hỏi, tiểu sinh đâu dám không thành thật mà thưa.
- Vậy, vì lẽ gì cháu tình nguyện di dân?
- Dạ, tại tiểu sinh... muốn thỏa mộng hải hồ...
Vương phi cười hiền nói:
- Ta đoán chắc cháu buồn vì chuyện Ngọc Vạn chứ gì? Gia đình ta cũng bất đắc dĩ lắm mới phải xử sự như thế thôi, cháu hẳn hiểu rồi. Chúa đã bàn với ta sẽ làm mối cháu với công nữ Ngọc Sương, cũng trong hàng cháu chắt ta, cũng thuộc hạng đẹp người đẹp nết, để đền bù phần nào sự thiệt thòi của cháu nhưng chưa kịp nói ra đấy thôi. Cháu nghĩ thế nào?
Đình Huy thưa:
- Đa tạ chúa thượng và vương phi quá quan tâm ưu ái với tiểu sinh. Thật tình, tiểu sinh tình nguyện di dân hoàn toàn không phải vì buồn chuyện công nữ Ngọc Vạn lấy chồng đâu. Tiểu sinh nghĩ công nữ đã có một sự hi sinh cao cả mà chính tiểu sinh cũng đồng ý và rất hãnh diện vì chuyện đó. Công nữ đã hết lòng vì tổ quốc đến thế, chẳng lẽ tiểu sinh không đóng góp một chút gì cho xứng đáng với lòng tri ngộ của chúa, của vương phi và của công nữ hay sao? Đó chính là lý do tiểu sinh tình nguyện xin di dân. Còn việc chúa cùng vương phi có nhã ý xe duyên tiểu sinh với công nữ Ngọc Sương, tiểu sinh thật khó nói... Tiểu sinh cảm thấy tiểu sinh bị hiểu lầm! Tiểu sinh xin lỗi, nếu tiểu sinh làm như vậy, công nữ Ngọc Vạn sẽ đánh giá tình yêu của tiểu sinh đối với nàng như thế nào? Tiểu sinh đã quyết lòng, xin chúa và vương phi cho tiểu sinh được toại nguyện!
Chúa Sãi nhìn Đình Huy với sự ngạc nhiên, vui mừng:
- Nói như thế thì ta hiểu cháu và cháu cũng đã hiểu tận gan ruột ta rồi! Thôi thì thế này nhé! Hiện tại ta vẫn đang tìm vài kẻ tâm huyết biết coi quyền lợi tổ quốc là tối thượng để thi hành một số kế hoạch lớn của ta, không ngờ người tri kỷ lại ở ngay trước mắt thế này! Vậy, ta có thể yên chí mà giao phó trọng trách này cho cháu. Một người văn võ song toàn như cháu gánh vác công việc này rất thích hợp. Ta tin rằng, với tài năng và đức độ của cháu, cháu sẽ hoàn thành sứ mạng một cách trôi chảy. Cháu không từ nan chứ?
Vương phi ngạc nhiên nhìn chúa rồi nhìn Đình Huy như thắc mắc điều gì. Đình Huy cũng kinh ngạc, bối rối:
- Bẩm, tiểu sinh chỉ là một gã học trò trói gà không chặt e không kham nổi việc chúa thượng giao phó!
Chúa Sãi nhìn Đình Huy mà cười:
- Cháu giấu giếm ta làm gì nữa! Một gia đình võ nghệ danh tiếng truyền dòng nhiều đời như nhà cháu mấy ai lại để thất truyền cái nghiệp của mình đi bao giờ?
Đình Huy càng tỏ ra bối rối:
- Bẩm, từ khi thân phụ tiểu sinh giết lầm một người vô tội, người rất hối hận và đã dạy con cháu không được theo nghề võ nữa.
Chúa nói:
- Ta biết chuyện đó, cháu muốn làm theo lời cha cháu, ta không bắt lỗi. Nhưng ngoài cha cháu, ta biết còn có một người nữa cũng rất quan trọng đối với cháu, đó là thầy đồ Bảo Ninh, có phải thế không? Chính thầy Bảo Ninh đã cho ta biết những bí mật về bản thân cháu, cháu còn giấu ta được nữa thôi? Tiết lộ điều này cho ta không phải dụng ý thầy Bảo Ninh là muốn ta đừng quên mất một tài năng như cháu hay sao?
Đình Huy ngẩn ngơ chốc lát. Phải, đó là chuyện thật. Anh em chàng mồ côi mẹ rất sớm, chỉ một tháng sau khi Đình Vụ chào đời. Cha chàng ở góa nuôi con. Bạn bè thân thiết của ông không nhiều, chỉ có một ông thầy đồ Bảo Ninh được coi như là tri kỷ, hay lui tới hàn huyên với nhau. Ông Bảo Ninh cũng góa vợ, không con, ngày ngày ông chỉ biết tìm nguồn vui ở lũ học trò. Ông đã đào tạo được nhiều người làm nên danh phận.
Từ thuở nhỏ Đình Huy đã được cha khổ công truyền dạy cho nghề võ của dòng họ chàng. Chàng được trời phú cho thể chất khỏe mạnh, lại thông minh nên học võ tiến bộ rất nhanh chóng. Nhưng đùng một cái, cha chàng tuyên bố giã từ nghề võ, không còn dạy cho con cái nữa. Chàng cố tìm hiểu nguyên nhân và biết một cách mơ hồ là cha chàng lỡ tay giết lầm một người vô tội. Niềm hối hận, nỗi ray rứt đã khiến ông không chịu nổi mà phải bỏ nghề. Từ đó anh em Đình Huy chuyển sang học văn với thầy Bảo Ninh.
Nhưng chuyện chưa yên, sau đó ông Cửu Lang lại bị chết bất ngờ sau một tiệc rượu tại chính nhà ông. Nhiều người nghi là ông bị đầu độc. Cảm nghĩa thâm giao, thầy đồ Bảo Ninh liền đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ bảo bọc nuôi dạy hai người con của bạn. Sợ kẻ thù còn tìm cách ám hại anh em Đình Huy, thầy Bảo Ninh phải ngầm tùng quyền dạy võ trở lại cho chàng giữ thân. Tới lúc ấy chàng mới biết được là thầy giáo mình không phải chỉ có nghề văn mà còn kiêm cả nghề võ nữa. Nhờ có căn bản vững chắc trước, Đình Huy càng tiến rất nhanh về võ thuật, song song với nghề văn.
Sau đó, có lẽ thấy mình đã già yếu, khó chu toàn việc giúp bạn, thầy Bảo Ninh đã tìm cách đưa anh em chàng vào Đàng Trong, nơi đây anh em chàng đã gặp lại người cô ruột là Mạc mẫu...
Thấy Đình Huy có vẻ ngượng nghịu, bối rối, chúa Sãi mở lối cho chàng:
- Coi như mọi chuyện đã qua, bây giờ ta đi thẳng vào hướng đi mới. Cháu có ý kiến gì cần nói với ta nữa không?
Đình Huy thấy chúa không quở trách mới tỏ ra mừng rỡ:
- Được chúa tin cậy mà giao phó trọng trách để lập công với đời thì còn gì hân hạnh cho tiểu sinh hơn nữa! Lẽ nào tiểu sinh dám không đem hết tâm lực mình ra thi hành sứ mệnh cao cả ấy!
Chúa Sãi bảo Đình Huy xích ghế lại gần:
- Ta chưa muốn công khai phong chức tước cho cháu, điều đó vì sao chắc cháu đã hiểu. Ta muốn cháu hành động như một cá nhân tự do. Nhưng ta sẽ ngầm cung cấp tài chánh, yểm trợ phương tiện để cháu hành động. Nhiệm vụ dẫn dắt, phân phối di dân đã có người khác lo rồi. Nhưng sống trên đất người xa lạ mọi thứ, người dân bình thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nào người Chàm lưu vong đang thù hận dân ta, nào người Xiêm âm mưu tranh lấn với ta, nào người bản xứ không muốn để người ngoài sử dụng đất đai của họ, nào ma thiêng nước độc, hùm beo rắn rết... Quan trọng nhất là với người Chàm, người Xiêm và thổ dân, phải cư xử thật khéo léo với họ. Dẫu họ có tỏ ra hận thù mình chúng ta cũng không thể công khai chống lại họ được. Dân ta chắc chắn phải gặp những trở ngại đó. Cho nên, ta cần phải nhờ sức những người như cháu. Nhiệm vụ chính của cháu là phải tùy nghi, tìm mọi cách mà che chở di dân của mình, làm cho họ yên tâm mà khai thác đất đai để sống. Dân tộc ta rất cần đất sống! Dân tộc ta cần mở rộng con đường phát triển! Cháu đảm nhận được việc này thì ta thật yên tâm...
Chúa nhìn thẳng vào mắt Đình Huy như cố truyền cho chàng những tư tưởng mà dùng lời không thể nói đủ. Ngừng chốc lát, chúa nói tiếp:
- Mặt khác, cháu cũng phải nghiên cứu địa hình địa vực, xem nơi nào trọng yếu phải tìm cách báo ngay cho triều đình biết, hòng đưa dân mình đến trước để chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, làm việc gì cũng phải hết sức kín đáo, đừng bao giờ để cho người Chân Lạp biết ý muốn của mình. Trong khi hành động, cháu phải luôn liên lạc với người của triều đình để báo cáo cũng như nhận chỉ thị, phối hợp chặt chẽ với nhau để làm việc cho thống nhất. Dĩ nhiên, cháu tuy có tài, có trí hơn người, nhưng công việc đa đoan e có lúc một mình cháu không thể gánh vác nổi. Ta sẽ kiếm thêm một số người nữa để giúp cháu. Có như thế công việc mới dễ thành công! Đó là những gì ta mong muốn ở cháu, cháu có gì thắc mắc không?
Đình Huy trả lời một cách tự tin:
- Chúa thượng cứ yên tâm, tiểu sinh sẽ cố gắng hết mình!
Chúa Sãi lại nói:
- Ta có sẵn hai kiện tướng là Phạm Cống và Phạm Quyền, trước ta định giao phó công việc ấy cho họ, nhưng xét tài trí họ ta chưa được an tâm lắm. Bây giờ có cháu, ta thật thỏa nguyện. Ta sẽ khiến họ theo giúp cháu một tay. Làm công việc này cần những người tinh thông võ nghệ, nhanh nhẹn ứng xử kịp thời trong mọi tình huống, quí ở chỗ sắc bén chứ không cần nhiều. Theo cháu, cần thêm bao nhiêu người nữa cho ta biết ta sẽ kiếm cho cháu.
Đình Huy lộ vẻ vui mừng:
- Tiểu sinh hiện cũng có hai người bạn cùng chí hướng, nếu chúa thượng không chê họ, tiểu sinh xin dẫn họ đến yết kiến chúa thượng để cùng nhận trách nhiệm!
- Những người mà cháu đã tin cậy ta nghĩ hẳn là người tốt rồi. Nhưng ta cũng muốn biết cho rõ hơn một chút được không?
- Bẩm, cũng là đồng môn của tiểu sinh do thầy Bảo Ninh đào tạo cả. Hai người này là Nguyễn Bật, Lê Xướng, đều thuộc hạng võ nghệ hơn người, tánh tình ngay thẳng, trung thành, chúa thượng có thể giao phó những nhiệm vụ cần thiết được.
- Vậy thì tốt lắm, kể từ giờ phút này, cháu là "Đội trưởng đội bảo hộ lưu dân Đại Việt" của ta! Cháu có thể thay mặt ta tùy tiện lo liệu cách nào cho công việc có kết quả tốt là được. Ta sẽ sắp xếp một buổi để gặp gỡ mọi người!
Đình Huy quì xuống bái tạ:
- Thần xin tuân lệnh chúa thượng!
Chúa ra hiệu cho Đình Huy bình thân:
- Ta còn có một điều muốn nói với cháu: Tuy rằng cháu đang muốn rảnh rang để phục vụ đại sự, nhưng như thế có phụ lòng trông cậy của Mạc mẫu không? Chính ta cũng cảm thấy mình mắc lỗi với bà ấy rất nhiều. Hay là cháu hãy dàn xếp ổn định vấn đề gia đình trước khi thi hành nhiệm vụ cũng được, đó cũng là điều cần thiết. Cháu hãy suy nghĩ kỹ và trả lời ta thật sớm để ta lo liệu giúp cháu nhé! Ta không thể nào yên tâm khi để cháu quá thiệt thòi!
Đình Huy nói gần như đã chuẩn bị sẵn:
- Đa tạ chúa thượng quá ưu ái lo cho tiểu sinh. Nhưng tiểu sinh thiết nghĩ, bây giờ là lúc tiểu sinh cần dồn hết tâm trí để lo thi hành trọng trách của mình. Nếu còn vướng bận chuyện gia đình, tiểu sinh e rằng sẽ bị phân tâm chia trí. Xin chúa thượng cứ để mặc tiểu sinh tự lo liệu chuyện này sau...
- Bộ cháu không sợ Mạc mẫu buồn sao?
- Dĩ nhiên cô của tiểu sinh cũng có buồn, nhưng bà vốn rất thương tiểu sinh và biết rõ tính khí, ý chí của tiểu sinh, tiểu sinh biết bà không nỡ cản trở.
- Được lắm, ta cũng chiều ý cháu. Nhưng nếu lúc nào đó cháu đổi ý, cháu cứ nói với ta, ta lúc nào cũng sẵn sàng lo cho cháu!
*
Một buổi chiều, Mạc mẫu một mình đi bộ sang nhà Đình Huy. Bà vào thẳng phòng học của chàng rồi gọi cả hai anh em vào nói chuyện. Sau khi bảo đóng cửa nẻo cẩn thận, bà nói :
- Huy này! Thế con quyết tâm đi Chân Lạp thật à? Nhà chúa đã phụ ước thì thôi, con tội gì phải tự làm khổ thân như thế? Thiên hạ tình nguyện đi vì người ta không có đất đai hoặc nghề nghiệp làm ăn, còn gia đình ta đâu đến nỗi gì! Tài ba như cháu chẳng lẽ không đi Chân Lạp thì không có ngày hiển đạt được? Còn chuyện vợ con, thiên hạ còn chán gì gái đẹp! Cô có thể tìm cho cháu một mối khác không thua kém gì mối ấy đâu!
Đình Huy nói:
- Thưa cô, cháu quyết định đi chuyến này là vì muốn theo đuổi cái lý tưởng do chính cháu chọn chứ hoàn toàn không phải vì chuyện công nữ Ngọc Vạn! Cháu nghĩ đây là cơ hội để cháu ra sức phục vụ tổ quốc một cách tích cực. Dân tộc ta đang cần phát triển sức mạnh để sinh tồn. Em Vụ cũng bắt đầu khôn lớn, em nó có thể thay cháu để lo việc tông đường. Xin cô vui lòng cho cháu được thỏa chút ước nguyện bình sinh!
Mạc mẫu cười than oán:
- Cháu nói thế nào thì nói chứ chả lẽ một người trên đầu đã hai thứ tóc như cô mà lại không hiểu lòng cháu? Tuy thế, kinh nghiệm cũng cho cô biết cô không nên cản trở ý muốn của cháu. Cô chỉ hơi buồn, nói ra thì phạm thượng, chứ nhà chúa có quá nhiều tham vọng khiến cho dân chúng phải chịu khổ nhiều bề...
Đình Huy nói:
- Xin cô đừng nói thế mà oan cho chúa, chúa làm như vậy cũng chỉ vì mưu cầu ấm no hạnh phúc cho dân mà thôi!
Mạc mẫu lắc đầu thất vọng:
- Đẩy dân vào một nơi hoàn toàn xa lạ, buộc họ sống với tụi mán mọi hung dữ, lăn lộn giữa rừng sâu núi thẳm đầy dẫy ác thú và bao nhiêu mầm mống bệnh tật, thế mà cháu gọi là mưu cầu no ấm hạnh phúc cho dân à? Dù là đàn bà, nói thêm mang tội, cô cũng thấy được là chúa chỉ muốn cướp đất của người ta.
Đình Vụ nghe cô nói thế cũng phụ họa:
- Sư phụ vẫn lên án người Tàu tàn ác luôn mưu đồ lấn áp, bóc lột dân ta. Họ nhiều lần đưa dân sang sinh sống ở nước ta với mục đích đồng hóa dân tộc ta! Sư phụ vẫn khuyên ta phải quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình. Thế mà nay chúa lại đưa dân mình sang sống ở Chân Lạp, người Chân Lạp sẽ nghĩ mình như thế nào? Anh nghĩ sao về câu "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân!" (việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) của Khổng tử?
Đình Huy cười nhìn cô rồi nhìn em:
- Em thật biết một mà chưa biết hai! Mỗi thời mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác chứ đâu phải lúc nào và đâu đâu cũng giống nhau! Con đường chúa ta đang thực hành chính là con đường mưu cầu hạnh phúc ấm no cho dân thật đấy chứ! Này nhé, nước Tàu vẫn hay đàn áp cai trị dân ta chính vì nước ta quá nhỏ yếu không chống nổi họ. Muốn cho mình có đủ sức chống lại họ thì mình phải lớn mạnh mới được, phải không? Bây giờ, nếu mình Bắc tiến thì gặp bức tường họ Trịnh, nếu vạn nhất mà vượt được bức tường họ Trịnh thì đụng ngay bức tường lớn Tàu! Vậy là chuyện Bắc tiến không thể bàn đến được nữa! Còn chuyện phần đất Thủy Chân Lạp mà chúa ta đang nhìn tới, vùng đất quá lý tưởng ấy dù đã có chủ, thật ra vẫn còn là một vùng hoang vu, người Chân Lạp ít oi chưa khai khẩn kịp. Anh đã tìm hiểu và biết được, nhiều nước đang chú mục vào đó, thậm chí đã dẫm chân vào làm ăn nhiều nơi trên đất ấy, có cả người Tàu, người Xiêm, người Mã Lai, người Chà Và, người Miến Điện... Thói thường có dân tộc nào chẳng có dã tâm sẵn sàng cướp đoạt đất đai của nước khác? Nếu chúng ta chậm tay, để đất ấy lọt vào các dân tộc kia rồi thì có phải mình đã bị các cường địch bao vây không? Nếu đó là người Tàu hoặc người Xiêm thì mình lại càng khốn! Khi ấy muốn bảo vệ cho dân mình ấm no hạnh phúc phỏng có được chăng, sẽ khó khăn cho ta biết bao nhiêu! Đó là chưa nói dân tộc mình có thể bị diệt vong nữa đấy! Việc làm của chúa thượng bây giờ, trước mắt là giải quyết nạn nhân mãn, còn về lâu dài chính là nới rộng lãnh thổ, phát triển sức mạnh của mình trên căn bản bảo vệ ấm no hạnh phúc cho muôn dân! Đó là một cách tự vệ hữu hiệu nhất! Thưa cô, đó cũng chính là lý do khiến cháu muốn ra sức vì nước một phen vậy!
Đình Vụ nghe anh nói xong reo lên:
- Ừ nhỉ! Thì ra con đường Nam Tiến của chúa thượng thật cao siêu tuyệt vời! Giờ em mới vỡ lẽ! Em xin hoàn toàn ủng hộ! Thế mà nhiều người cứ cho là anh ra đi vì bị thất tình!
Đình Huy cười cởi mở:
- Ai nghĩ sao là quyền của họ.
Mạc mẫu cũng tươi hẳn nét mặt, nhìn Đình Huy cười xuề xòa sung sướng:
- À, ra là thế! Cháu thật là học trò xứng đáng của Bảo Ninh tiên sinh! Cô là đàn bà, suy nghĩ ngang đâu nói ngang đó, làm sao mà nhìn xa thấy rộng được. Hèn gì lúc nào Bảo Ninh tiên sinh cũng hết lời khen ngợi cháu!
Rồi bà quay sang Đình Vụ:
- Như vậy thì con đường anh cháu theo đuổi không có gì sai quấy cả! Nhưng anh cháu đã nuôi chí ấy thì cháu phải thay anh cháu mà lo việc tông đường đấy! Cháu phải nhớ bổn phận của mình nhé!
Đình Vụ tươi cười:
- Cháu xin nghe lời cô dạy bảo. Xin chúc anh cả sớm đạt nguyện vọng!