Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Công Nữ Ngọc Vạn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17886 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Công Nữ Ngọc Vạn
Ngô Viết Trọng

Chương 13

 
     Trong lúc tại triều đình Chân Lạp xảy ra biến động có tính cách soán nghịch của Nôn San thì ở bên ngoài, các cộng đồng di dân người Việt cũng xảy ra nhiều biến chuyển khác thường.
 Trước hết hãy nói đến trường hợp gây cấn của số người Việt đến làm ăn ở xứ Nông Nại. Họ đi đâu cũng bị các sắc dân khác đối xử hờ hững hoặc tẩy chay lộ liễu đã khiến họ chán ngán lắm. Sau đó, họ lại bị người Xiêm ra mặt lấn áp, xâm phạm đến cả sinh mạng họ để giành giựt cả đất đai do họ khai khẩn ra. Quá yếu thế, quá cô đơn, người Việt phải bàn nhau tính chuyện kéo đi nơi khác...
 Nhưng họ chưa định được sẽ đi hướng nào thì một hôm vào lúc nửa đêm bỗng người ta nghe tiếng loa gọi:
 "Nghe đây nghe đây, loan báo cho đồng bào Đại Việt biết! Ngày mai đồng bào cứ việc trở lại nương rẫy của mình để canh tác. Từ nay không còn ai quấy phá đe dọa đồng bào nữa, đồng bào chớ sợ hãi! Chúc đồng bào cố gắng làm ăn phát đạt!".
 Tiếng loa được lập đi lập lại nhiều lần và nhiều nơi. Người ta bàn tán xôn xao. Có người đoán đây chỉ là sự trấn an của một số người nào đó để dân mình giữ vững tinh thần thôi. Hôm sau, lúc mặt trời đã lên cao, cũng có vài người Việt làm gan rủ nhau lò dò ra thăm ruộng rẫy. Người ta rất ngạc nhiên: cả vùng đều vắng vẻ êm ả khác thường. Tuyệt nhiên không thấy bóng một tên thổ dân hay một người Xiêm nào thấp thoáng.
 Thế là những ngày kế tiếp, người ta kéo nhau ra tay sửa sang lại những nơi bị phá phách, vun quén lại hoa màu. Ban đầu họ không dám tỏa ra xa, chỉ làm quanh quẩn một cụm gần khu nhà cửa của mình. Khi thấy không có gì đáng ngại nữa, người ta dần nới rộng vòng đai. Họ vẫn dè dặt khi trở lại vùng đất cũ do mình khai thác ở quá gần phần đất của thổ dân và của người Xiêm.
 Để đề phòng bất trắc, người Việt vẫn vừa làm việc vừa nhìn chừng những hoạt động trên vùng đất bên kia. Họ càng ngạc nhiên thấy cả vùng xa gần vẫn vắng vẻ lạ lùng. Một ngày, hai ngày, năm ngày, mười ngày... Cho  đến khi hoa màu thu hoạch được mà người Xiêm lẫn thổ dân vẫn vắng hoe. Nhiều người Việt đâm ra nghi ngờ, càng dè chừng hơn, họ không đoán được bọn người bên kia đang âm mưu gì.
 - Không biết tụi Xiêm đi đâu sạch chẳng thấy tên nào làm hùng làm hổ nữa nhỉ?
 - Hay là chúng bị bệnh ôn dịch chết hết rồi chăng?
 - Kỳ thật, hoa màu tới kỳ thu hoạch chủ đâu lại chẳng ngó ngàng tới như vậy?
 - Chim với thú nó phá thế kia thì còn gì?
 - Mình có thể sang để mót không nhỉ?
 - Thôi, đừng có rớ tới mà mang họa!
 Người Việt bên này nhìn sang bên kia mà cứ nóng ruột tiếc cho một vùng hoa màu trông rất ngon mắt đang bị chim, chuột, khỉ lớn khỉ nhỏ tha hồ thao túng...
 Đến một hôm kia, người ta thấy có mấy người thổ dân đi mót. Mấy nông dân Đại Việt tò mò nẩy ra ý định chận những người này để hỏi cho rõ sự lạ. Họ đón đầu hai người đàn bà thổ dân và hỏi:
 - Hoa màu người ta chưa thu hoạch sao mấy người dám đi mót?
 - Dạ thưa, người ta đã bỏ, người ta đi chỗ khác để sống cả rồi.
 - Tại sao người ta lại bỏ đi chỗ khác?
 - Vì họ sợ thần rừng trừng phạt. Thần rừng báo cho họ biết phần đất này chỉ dành cho người Đại Việt!
 - Thần rừng đã làm gì mà người Xiêm sợ đến thế?
 - Dạ, thần rừng đã làm vị thủ lãnh người Xiêm chết thảm và dọa ai còn vương vấn ở đây cũng sẽ bị chết như thế nên người Xiêm phải đi!
 - Thế mấy bà có sợ người Việt không?
 - Sợ chứ, nhưng chúng tôi chỉ đi mót kiếm ăn chứ đâu có giành giựt, làm hại gì tới người Việt đâu!
 Thế là cái tin người Việt được thần rừng che chở giúp đỡ lan ra trong cộng đồng di dân. Được thế, người Việt đua nhau lấn sang cả vùng đất mà thổ dân và người Xiêm vừa mới bỏ đi. Tuyệt nhiên không có một ai phản ứng chống lại. Thế là không bao lâu sau đó, toàn vùng đất trên đều thuộc về tay người Việt. Người Việt càng vững lòng tin tưởng để phát triển chương trình khai hoang canh tác của mình.
 Một bộ phận di dân người Việt khác đến sinh sống ở vùng Preykor. Nơi này nhiều chỗ trũng thấp mọc toàn lau sậy nên muỗi mòng quá nhiều. Có lẽ vì sợ bệnh sốt rét nên các sắc dân khác chưa đến sinh sống bao nhiêu. Nhờ thế nên người Việt đến sống ở đây sinh hoạt thoải mái hơn. Sự xung đột va chạm giữa những kẻ đến trước với người Việt không có gì đáng kể. Người Việt ra sức khai quang phát triển cả nông nghiệp lẫn thương nghiệp. Đất đai được khai quang bao nhiêu thì muỗi mòng cũng tự động giảm đi bấy nhiêu. Thấy người Việt đến mỗi ngày mỗi đông và làm ăn cần cù, các sắc dân khác đều tỏ ra nể nang người Việt mà hòa hợp chung sống. Nơi này người Việt hoàn toàn chiếm ưu thế nên sau này quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân đã lựa làm chỗ xin lập trạm thu thuế các cơ sở thương mãi đầu tiên của Đại Việt tại Chân Lạp. Ở đây người ta cũng kháo nhau người Việt làm ăn phát đạt là nhờ có thần rừng giúp đỡ!
 Một trường hợp khác, có một nhóm người Việt đi thăm dò đất đai, tình cờ gặp một dòng sông, họ thấy có nhiều thổ dân đang lưới cá. Đứng lại nhìn, họ vô cùng ngạc nhiên thấy cá bắt được quá nhiều. Người ta cứ quăng lưới xuống sông là chốc lát kéo lên được một mẻ cá nặng. Những mẻ cá này đã khiến người xem liên tưởng tới chuyện ma hay chuyện phép mầu. Những người Việt muốn lại gần để xem tận mắt vì họ chưa tin đó là sự thật. Nhưng những thổ dân ra vẻ khó chịu ngăn chận không cho họ lại gần. Đám người Việt phải ra về mà lòng ấm ức không đành...
 Hôm sau, đám người Việt kéo thêm nhiều người nữa trở lại chỗ cũ để quan sát. Họ vẫn thấy thổ dân đang lưới cá và tiếp tục cản trở không cho họ tới gần. Hai bên lời qua tiếng lại rồi hầm hè nhau. Cuối cùng đám người Việt vẫn phải hậm hực bỏ về.
 Thấy dòng sông này là một nguồn lợi vô biên, những kẻ đã chứng kiến việc kéo lưới đều nổi lòng tham. Khi trở về, người ta cứ kể cho nhau nghe những điều thấy được như kể chuyện thần tiên. Có người tin đó chỉ là hiện tượng ma đánh lừa nên gọi tên sông là dòng sông Cá Ma. Số người khác cố vận động với cộng đồng di dân Việt làm cách nào để chiếm được dòng sông. Thế nhưng chẳng mấy ai dám mạo hiểm tham gia chuyện đó...
 Ngờ đâu phép lạ lại đến! Tự nhiên những thổ dân chuyên đánh cá trên dòng sông lắm cá ấy thình lình di chuyển đi đâu mất hết. Họ bỏ lại luôn cả những đất đai đã canh tác sẵn... Thế là người Việt không bỏ lỡ cơ hội, kéo đến chiếm ngự hoàn toàn khu vực.
 Nhưng khi người Việt giành được dòng sông thì loại cá hồi thổ dân đánh bắt không còn nữa mà chỉ còn loại cá thông thường như ở các sông khác. Có kẻ cho rằng trước khi đi, thổ dân đã làm tiệt chủng loại cá đặc biệt ấy. Có kẻ lại tin hiện tượng cá ma là không sai. Bất ngờ năm sau, cũng khoảng mùa ấy, người ta thấy loại cá này từ biển lại nườm nượp kéo về nguồn. Từ đó người ta biết được hằng năm, cứ tới một thời kỳ nhất định, loại cá đặc biệt ấy lại từ ngoài biển đổ về thượng nguồn để đẻ. Thân hình chúng giống như cá trích nhưng lớn hơn nhiều. Sau khi đẻ trứng ở thượng nguồn thì chúng chết. Cá con nở xong lại kéo nhau xuôi dòng ra biển để sống. Rồi khi đã lớn, đã tới kỳ sinh đẻ, chúng lại từ biển tìm về nguồn. Đến mỗi kỳ cá về như thế, chúng chen chúc nhau lội ngược chật cả dòng sông. Vào dịp đó, người ta tha hồ đua nhau kéo lưới... Người ta gọi tên chúng là cá cháy hay cá hồi.
 Tin đồn người Việt được thần linh che chở, giúp đỡ làm ăn cứ lan ra, lan ra...
 Không phải chỉ có người Việt mới đồn đại với nhau điều đó mà cả người Chân Lạp, người Xiêm, người Lào và nhiều sắc dân khác cũng lắm kẻ tin như thế...
 Chuyện nhiều kiều dân trên đất Chân Lạp như Xiêm, Lào, Chàm đang khai khẩn đất hoang hoặc đánh cá, buôn bán nhiều nơi đang phát triển tốt đẹp bỗng dưng bỏ hết, rủ nhau kéo về các thành thị làm nhiều người đâm ra thắc mắc. Hỏi ra, người ta đều cho biết là họ bị các giống quỉ thần, ma quái đe dọa, quấy nhiễu quá, ăn ngủ không yên, đành phải bỏ mà đi. Người ta cũng đồn đại các giống quỉ thần ma quái đó lại bênh vực, che chở người Việt hoặc người Việt có bùa chú cao hơn đã yểm trừ được quỉ thần. Nhiều người tin như thế bởi sau khi họ bị quấy nhiễu chịu không nổi phải bỏ đi rồi thì người Việt vẫn thản nhiên ở lại chỗ cũ yên ổn làm ăn. Cũng có người cho rằng ai gây khó khăn hoặc chống lại người Việt đều bị thần linh trừng phạt. Dần dần, nhiều sắc dân khác đã nhìn người Việt với cặp mắt e dè. Người Việt tới đâu họ lặng lẽ nhượng bộ rút lui tới đó. Hiện tượng ấy đã làm cho nhiều quan lại trong triều đình Chân Lạp càng ngờ vực người Việt. Nhưng họ không làm gì được. Chẳng bao lâu sau, trên khắp phần đất Thủy Chân Lạp gần như nơi nào cũng có bóng dáng người Việt... 

 

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 613

Return to top