Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nợ đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 806 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nợ đời
Ngô Viết Trọng

Gia đình Tuấn đến Mỹ trọn vẹn gồm hai vợ chồng và ba đứa nhỏ. Thằng Hữu là con trai đầu lên tám, con Loan lên năm và thằng Hùng con trai út mới hai tuổi. Lúc đó Tuấn chưa tới bốn chục và Hương, vợ Tuấn, vừa mới 32. Như vậy cũng đủ rồi, hai vợ chồng đã quyết định thôi đẻ.
Vốn tính lè phè, vả bấy giờ chương trình trợ cấp con nhỏ còn đang suông sẻ nên Tuấn cũng muốn nhân đó dưỡng thân một thời để bù lại những ngày tháng sống cơ cực ở Việt Nam. Tuấn ghi danh đi học một lớp nói tiếng Anh vào buổi tối, ban ngày trù chở con đi học, chở vợ đi chợ, thì giờ còn lại gặp bạn bè, nghỉ ngơi và xem phim chưởng hay nằm đọc báo. Tuấn tự nhủ "Đời mình cứ đều đều như thế này cũng được rồi. Làm giàu làm có gì ở đây được mà bon chen!" Thật tình mà nói, vừa từ cái nơi mà mọi tiện nghi sinh hoạt đều thiếu thốn, bước sang cái chốn vật chất, tiện nghi khá đầy đủ, Tuấn rất lấy làm thỏa mãn, và Tuấn cũng tin rằng mọi người khác cũng lấy làm thỏa mãn. Việc thu xếp tiêu xài ban đầu thấy khá khỏe, vợ chồng Tuấn trong vài tháng cũng nhín ra được một ít để chi viện cho người thân ở quê nhà. Lần đầu Tuấn gởi cho ông Phẩm, cha của Tuấn, được hai trăm đồng. Mẹ Tuấn thì đã mất trong thời gian Tuấn còn tại tù. Tuấn còn hai ông anh ruột đã có gia đình, Tuấn tự nhủ không gấp gì, thủng thẳng tính sau. Về phía Hương, ông bà Thuận, cha mẹ của Hương đều còn khỏe mạnh. Tuấn và Hương cũng gởi cho ông bà ba trăm để tiêu. Hương cũng có hai người anh và hai người chị đều có gia đình, tạm thời cũng để đó đã.
Nhưng sau đó, ba đứa con lần lượt đến trường, nhiều nhu cầu mới nẩy sinh như áo quần đồng phục, tiền cặp, tiền sách vở... vợ chồng Tuấn bắt đầu thấy số tiền trợ cấp ấy trở thành lõng lẽo quá. Rồi muốn sắm cái máy hút bụi, muốn có cái Ti vi cho hợp thời... đều cần phải chi một khoản tiền đáng kể. Hương bắt đầu nghĩ tới chuyện kiếm việc làm. Thật sự, với Tuấn, qua sự đau khổ tràn trề sau ngày mất tự do, bây giờ cái bụng không bị sôi óc ách mỗi đêm, cái miệng không còn thèm khát, ngủ thẳng giấc không ai quấy rầy, như thế này là quí lắm rồi. Nếu có thêm một ít để làm vui lòng, giúp đỡ an ủi những người thân đang sống thiếu thốn mọi mặt ở quê nhà thì càng tốt, mà không có thì cũng vậy thôi. Còn những nhu cầu mới tuy có nẩy sinh nhưng không có cái gì cấp bách đe dọa ai hết. Những tiện nghi giải trí Tuấn thấy chưa có cũng được. Cả việc bày biện trang hoàng trong nhà sao cho khéo léo bắt mắt, khỏi thấy lạc hậu, thua sút những người chung quanh như ý của Hương, Tuấn cũng chẳng màng quan tâm. Nhà rách vách nát chạy gạo từng bữa cũng qua được huống là...
Việc chi viện cho người thân, phía Tuấn, Tuấn nghĩ chỉ cần lo cho ông già là đủ. Phía Hương cũng vậy, Tuấn nghĩ cũng chỉ nên lo đến cho ông bà già mà thôi. Không phải lòng dạ Tuấn hẹp hòi, Tuấn có cái lý riêng của Tuấn. Trong thời gian Tuấn bị đày đọa trong tù, ngoại trừ cha mẹ Tuấn, rất ít có ai quan tâm đến thân phận của Tuấn. Khi Tuấn được trở về, thời gian đầu Tuấn đã bị mọi người hững hờ né tránh, sợ bóng dáng Tuấn ảnh hưởng đến họ cả vật chất lẫn tinh thần. Tuấn thông cảm những nỗi lo sợ như thế nhưng Tuấn không thể nào chịu được cái thái độ khinh khi lộ liễu của họ khi chàng thất thế. Khi chương trình HO khởi đầu, Tuấn nóng ruột muốn có một ít tiền để lo hồ sơ mà cũng chẳng có ai thèm tin tưởng giúp đỡ. Các anh, các chị cả đôi bên đều như không muốn chú ý đến chuyện đó, lại có người bàn lui kèm theo những lời mỉa mai ngạo mạn:
 - Cúi đầu lo làm ăn cho rồi, cứ tưởng bở...
 - Bộ Mỹ nó dư tiền không biết làm chi nên nó rước tù Việt Nam qua để nuôi...
Đối với ông bà Thuận, ông bà nhạc của mình, Tuấn thật sự có nhiều nể nang vì lòng tín nghĩa thủy chung của hai ông bà. Trước đây, gia đình Tuấn đã đi hỏi Khánh, chị của Hương cho Tuấn. Hai bên chuẩn bị làm lễ cưới thì Tuấn vào tù. Thấy tương lai của Tuấn trở nên mờ mịt, anh em Khánh gợi ý cho Khánh đổi hướng một cách phũ phàng: lấy một anh bộ đội. Chỉ có ông bà Thuận tỏ ra áy náy nhưng ông bà cũng không biết làm sao. Có lẽ vì ray rứt trong lòng, khi Tuấn trở về, ông bà Thuận đã cố gắng dàn xếp để gả Hương cho Tuấn. Chính việc đó làm Tuấn kính nể ông bà Thuận không khác cha mẹ mình.
Ngược lại cái tính lè phè của Tuấn, Hương lại rất năng nổ bươn bả muốn kiếm cho ra việc làm. Một sự may mắn đến bất ngờ, một nhà hàng Việt Nam cần người gấp và Hương xin được việc làm khá dễ dàng. Nhưng Hương không biết lái xe. Tuấn đương nhiên cũng thêm một việc mới: sáng chở vợ đi tối chở về.
Trong lúc đang lúng túng vì đồng tiền, có được công việc mỗi tháng vô thêm năm sáu trăm bạc, Hương lên tinh thần thấy rõ. Mỗi tối về, Hương thường vui vẻ đem chuyện ở chỗ làm tíu tít kể cho Tuấn nghe. Hương lại đưa ra những dự tính sắp đến, sẽ sắm thêm cái nọ cái kia, mua cho mấy con cái này cái khác. Bầu không khí gia đình càng khởi sắc đầm ấm thêm. Hương vốn tính rất ưa chăm hoa chăm cây cảnh. Trước đây, mỗi lần đến chợ, hễ tới hàng bông là Hương cứ tần ngần rờ cây ớt, ngắm chậu huệ... một cách thèm thuồng. Có khi thấy cây gì thích ý quá, Hương muốn mua đại đi cho xong nhưng rồi nhìn lại Tuấn, nghĩ lại số tiền trợ cấp, Hương lại thôi. Bây giờ tự mình kiếm ra đồng tiền, Hương từ từ thực hành ý nguyện. Không muốn chồng chú ý có thể nóng ruột, năm ba ngày Hương lại mua về một cây. Thế mà chẳng bao lâu, trước sân, hai bên hiên, trong thềm nha ụHương đã thành những hàng cây cảnh khá đẹp mắt, ai tới nhà chơi cũng khen. Ngặt một điều, tuy dài lưng to xác, nhiều thì giờ rảnh, Tuấn không mấy thích chuyện lấy nước tưới cây hay bắt sâu tỉa lá. Thành ra Hương yêu cây cảnh thì Hương phải dành thì giờ tự chăm sóc lấy...
Kiếm được việc khá dễ dàng, sức khỏe còn sung mãn, con người phấn chấn, hăng hái, Hương thấy cả một chân trời tốt đẹp mở rộng trước mắt. Nàng khuyên chồng nên bỏ qua những tị hiềm còn lại để các anh các chị ở quê nhà khỏi buồn lòng. Nghe vợ nói như thế, Tuấn cũng thấy hơi nhột nhạt. Thật sự chuyện đã xảy ra thì tự nhiên phải nhớ chứ Tuấn đâu có muốn ghi tâm khắc dạ làm gì. Nhưng muốn cho các anh các chị vui lòng thì phải thể hiện bằng hành động chứ đâu phải nói suông mà được. Dù sao mình cũng mang tiếng đang sống ở thiên đường hạ giới mà! Tuấn đâu có ích kỷ. Nhưng ngoài đồng tiền trợ cấp ra, cá nhân Tuấn đã kiếm được riêng một xu nhỏ nào đâu? Hương có kiếm thêm được ít nhiều gì đó không lý Tuấn lại thúc giục gởi về cho chác người nọ, người kia sao phải! Rốt cục Tuấn chỉ biết nói với Hương:
 - Anh không ích kỷ, không ghét ai, thương ai, nhưng anh bất lực. Nếu em làm được gì thì cứ làm, anh luôn luôn theo ý em.
Thế là Hương đề nghị với Tuấn ngoài việc gởi thêm tiền cho cha mẹ đôi bên, còn lần lượt gởi cho các anh các chị mỗi gia đình một ít lấy thảo.
Mấy tháng sau thì Tuấn bắt đầu lần lượt nhận những lá thư vừa cám ơn, vừa chúc tụng, vừa kể lể của các anh các chị và cả vài đứa cháu nữa. Tuấn đương nhiên không dám có một quyết định nào. Vốn thương anh thương chị, và đương nhiên phải thương đến các anh bên chồng cho công bình, Hương gồng mình lần lượt thỏa mãn một phần cho mọi người...Những người đồng hương thấy Tuấn và Hương hay đi gởi tiền, có người quở:
-  Ông bà gởi như vậy bên mình bà con tụi tôi biết mà so bì thì tụi tôi chịu sao nổi?
Tuấn phải làm thinh, không biết trả lời thế nào.
                                   ***
Không bao lâu sau đó, chương trình trợ cấp bắt đầu cắt giảm, người mất hưởng hoặc bị giảm trợ cấp đi tìm việc ngày mỗi đông. Các nhà hàng không còn cần thiết o bế người làm công nữa. Lương không tăng mà công việc thì ngày càng bề bộn thêm. Công việc của Hương không còn thấy thoải mái chút nào. Hễ tới chỗ làm là đôi tay Hương cứ phải xoắn vào công việc liên tục cho đến giờ về. Việc này chưa xong thì người ta đã cắt đặt việc khác. Người chỉ huy Hương, cũng chỉ là một người làm công, có tài lỗ miệng đối với chủ và tài đùn việc cho kẻ khác — đó là nguyên nhân dần dần tạo nên sự tủi thân, nhức đầu của Hương. Hương mỗi ngày mỗi lộ vẻ rã rời , chán chường. Nhược điểm không dám cầm tay lái, không nghe không nói được tiếng Mỹ cũng làm cho Hương cảm thấy thua sút buồn tủi với người chung quanh. Công việc vất vả thêm thì khắc phục được, nhưng mang mặc cảm bị chèn ép, bị lợi dụng thì tâm trí bực bội ghê gớm. Lúc bấy giờ sự tiêu pha nới nẫm trong gia đình cũng đã quen đà, rút lại cũng là chuyện khó. Mà muốn đổi việc thì biết đến bao giờ có việc mới! Với bản tính quen nhẫn nhục, luôn chấp nhận gánh chịu mọi thiệt thòi, lúc nào cũng sẵn sàng hi sinh vì chồng vì con, Hương vẫn cứ gắng chịu đựng để kiếm đồng tiền. Bây giơ thìụ Hương nhận chân được đồng tiền mình lấy được đầy ắp mồ hôi đã đành mà còn đầy ắp cả nước mắt nhẫn nhục nữa. Việc lấy được đồng tiền quá cay đắng tủi nhục khiến Hương càng mất ăn mất ngủ, càng trằn trọc suy nghĩ nhiều về nó...
Những lá thư kể khổ từ quê hương thì cứ khắc khoải bay sang. Tuấn ở nhà lấy thư nên khi nào cũng là người đọc trước Hương. Đọc lá thư nào Tuấn cũng thấy ngán ngẩm, toàn là chuyện cái mồ này cần phải xây, cái mả kia cần phải dời hoặc chuyến đi buôn thua lỗ, đau ốm không có tiền mua thuốc...Tuấn đọc là đọc để mà rước lấy buồn bực vậy chứ đâu có giải quyết được gì!
Cái vẻ tươi cười hồ hởi khi đi gởi tiền cho anh em ở quê nhà của Hương dần dần biến mất. Bây giờ mỗi lần gởi xong một đợt tiền trông Hương y như trả được một đợt nợ để có thể tạm yên tâm một thời gian. Gởi tiền rồi, thế nào Hương cũng lầm lì ít nói ít cười vài ba ngày, có khi cả nửa tháng. Những lúc đó, Tuấn có cảm tưởng như Hương đang giận dỗi gì mình. Dĩ nhiên, Tuấn cũng đâm ra áy náy, bực mình, tự trách mình, để rồi cũng mất ăn mất ngủ, phiền lụy theo...
Một buổi chiều thứ bảy, Tuấn đưa xe đến đón Hương tại nhà hàng về nhà như thường lệ. Hương đã chờ sẵn, bước lên xe không nói một lời. Tuấn cũng lặng lẽ lái xe đi. Hôm nay Hương đã dặn Tuấn làm một công việc mà chính Tuấn không vui một chút nào: đi gởi về cho chị Khánh 500 đồng. Tiền mồ hôi nước mắt của vợ chàng mà chàng phải đem gởi cho người phụ bạc chàng và gã bộ đội tiêu! Chàng không muốn vợ buồn, phải dằn lòng để đi gởi. Bây giờ nhìn khuôn mặt lầm lì của vợ như tại chính chàng mới có việc ấy, chàng cảm thấy cơn giận trong lòng muốn sôi lên. Chàng không phân biệt được mình giận ai nhưng hình như giận vợ hơn cả giận Khánh. Chàng có cảm tưởng mình đã bị coi thường, xúc phạm nặng. Nhưng rồi chàng cũng cố dằn:
 - Anh đã đi gởi 500 đồng cho chị Khánh rồi!
 - Đây là lần chót, từ nay nhất định không gởi cho ai một xu nữa!
Tuấn vẫn quen nghe những lời tương tự như thế của Hương sau vài lần gởi tiền xong. Nói thì như quả quyết lắm, nhưng vài ngày sau thì đâu lại hoàn đấy. Tuy vậy, cơn giận Tuấn vừa gắng dìm xuống lại muốn dội ngược lên. Coi như Hương tự cho mình quyết định tất cả! Tuấn hoàn toàn là con số không. Hương không suy nghĩ nể nang gì tới cái bổn phận tối thượng của Tuấn: phụng dưỡng cha già ở Việt Nam. Tuấn nghĩ rằng dù chỉ một lời nói suông trong lúc tức giận gì đó cũng là sự xúc phạm. Nếu tình trạng này kéo dài chắc Tuấn chịu không nổi nữa. Khóa xe xong, Tuấn lẳng lặng đi vào giường nằm. Còn Hương vào phòng tắm để rửa ráy xong lại lặng lẽ bước ra hiên chăm sóc những chậu cây...
Mấy đứa nhỏ cứ nhớ thời gian mẹ chúng chưa đi làm, ngày nào cũng trông thư Việt Nam. Mỗi lần nhận được thư Việt Nam, mẹ chúng vui cười sung sướng lắm. Chúng vô tình hoàn toàn chưa biết sự đổi thay lớn lao trong tâm tư mẹ mình. Khi thằng Hữu mở thùng thư, chúng thấy có tới ba cái thư Việt Nam. Mừng quá, Loan và Hùng reo cười giành nhau cầm lấy chạy rầm rập vào nhà khoe với Hương:
-  Mẹ ơi, thư Việt Nam này! Ba cái lận! Sướng chưa!
Lũ trẻ sung sướng chờ mẹ chúng cười vui vói tay đón nhận mấy lá thư. Nhưng chúng bỗng sững sờ khựng lại khi mẹ chúng lại đưa tay lùa một lượt sáu bảy chậu bông rơi xuống đất bể loảng xoảng tan tác. Tiếp đó, mẹ chúng sầm mặt ngồi phịch xuống đất sụt sùi gằn giong:
 - Việt Nam! Việt Nam! Lùa hết! Lùa hết! Sợ lắm rồi! Sợ lắm rồi!
Tuấn nằm trong phòng nhưng anh nghe biết mọi việc. Anh ngán ngẩm nằm miết luôn không dậy ăn cơm tối. Suốt đêm anh cứ hậm hực, buồn tủi, suy ngẫm về cái phận nam nhi của mình... Mãi gần sáng Tuấn mới chợp mắt được.
Khoảng hơn chín giờ, lũ trẻ xem Ti Vi gây tiếng động làm Tuấn thức giấc. Tuấn thấy Hương đang lui cui làm đồ ăn ở lò bếp điện. Hương quay lại nhìn thấy Tuấn đã dậy, cười cầu hòa:
 - Đói bụng chưa? Anh coi, món này chưa xong đã lòi món khác! Cứ tưởng ở Mỹ tiền lượm ngoài đường không bằng! Có lúc em muốn điên lên!
Tuấn cũng cười nhìn Hương, nhưng lòng tự nhủ "Còn tôi, đã nhiều lần tôi lại muốn điên lên vì bà!". Khi ấy Hương đã làm xong cho cả nhà mỗi người một tô phở gà. Không khí gia đình lại có vẻ đầm ấm. Bấy giờ Tuấn mới quan sát những chậu bông qua cuộc tang thương chiều qua. Mấy cái còn nguyên đã được Hương xếp đặt lại đàng hoàng. Mảnh bốn cái chậu bị bể đã được Hương dọn vứt vào thùng rác. Còn gộc hai cây cúc và hai cây huệ được Hương tủ một số đất vỡ dựng nghiêng nghiêng vào chân tường nhà. Cái số đất vụn vỡ cũng đã được Hương lấy chổi quét gom đống lại gọn gàng. Có lẽ Hương đợi Tuấn chở đi mua mấy cái chậu khác về trồng lại. Thấy thái độ hiền dịu của Hương, Tuấn đoán những cái thư hôm qua không phải là thư "đòi nợ". Tuấn cười hỏi Hương:
 - Thư của ai vậy?
-  Một cái của ông nội, một cái của ông bà ngoại và một cái của cậu Huân cám ơn vợ chồng mình cho quà!
 - Thế bây giờ đi chợ mua mấy cái chậu khác chưa? — Tuấn lắc đầu cười hỏi.
-  Đi mua đồ ăn luôn chứ. Hết cả rồi! — Hương cũng cười ngượng nghịu trả lời.
                                       ***
Chuyện ấm lạnh trong gia đình thường bị ảnh hưởng mạnh bởi những lá thư từ Việt Nam, nên mỗi lần nhận được thư Tuấn rất hồi hộp. Thói quen từ trước, thư bên chồng hay bên vợ bao giờ Tuấn và Hương cũng công khai ai thấy trước đọc trước rồi đưa cho người thứ hai xem. Bây giờ thì Hương ngày bận đi làm nên dĩ nhiên là cái nào Tuấn cũng xem trước. Lúc này, nghĩ rằng mình là kẻ không làm ra tiền, lại cố giữ cho bầu không khí gia đình khỏi xáo trộn quá, những lá thư về phía chàng có liên hệ đến việc cầu cạnh tiền nong, Tuấn đọc xong là thủ tiêu luôn, không để lại cho Hương đọc nữa. Còn những lá thư về phía Hương, chàng cũng mở đọc lướt cho có lệ chứ cũng chẳng quan tâm đến nội dung nói gì...
Việc Tuấn cứ hủy trước những lá thư của những người thân phía mình không ngờ lại tạo thêm sự khúc mắc trong suy nghĩ của Hương:
  Lâu nay cứ bà con bên tôi gởi thư chứ bà con bên anh cao thượng đâu có thèm thăm hỏi tới cái dân cù đày này! Không đoái tới thì thôi, đỡ tốn!
Tuấn nghe cái giọng có vẻ chì chiết của Hương, ruột muốn lộn lên, đỏ mặt nín lặng chốc lát rồi nhỏ nhẹ bào chữa:
 - Chắc mấy anh nghe mình chưa có việc làm nên không muốn quấy rầy đó chứ...
-  Ba mày tính sao? Nó xin năm trăm để mua cái computer có cho không?
Tuấn chưng hửng vì thật sự chàng đâu có đọc kỹ thư để biết đứa nào xin cái gì. Cháu của Hương có mấy đứa lên đại học nhưng Tuấn chỉ biết trổng trổng vậy thôi chứ nào nhớ được chúng tên gì, học ngành nào đâu! Tuấn xưa nay cứ mắc cái tật vô tư quá. Cháu chắt ngoại trừ mấy đứa ở quá gần gũi, những đứa khác Tuấn không nhớ được tên một đứa nào. Tuấn không muốn bị Hương chỉ trích không quan tâm tới con cháu, cũng không muốn bị Hương hỏi ngược cả ngày rảnh làm gì mà không đọc được mấy lá thư. Hơn nữa, khi thấy "đảng" đã nêu vấn đề mà không có vẻ gay gắt là "đảng" đã có chủ kiến rồi, "nhân dân ta" chỉ việc biểu quyết theo ý "đảng" thôi, nên Tuấn nói:
 - Giúp con cháu để nó lo cho tương lai là tốt thôi. Giúp được thì cứ giúp!
Lời Tuấn thì thuận lẽ nhưng trong lòng Tuấn lại gợn lên nhiều lo nghĩ. Đợt gởi tiền về cho ông Phẩm cũng đã gần nửa năm rồi! Hương lại mới gởi cho chị Khánh một đợt nên Tuấn ngại ngùng chưa nhắc vợ gởi tiền cho cha, không ngờ lại có cái thư này xen vào. Như thế này thì chắc chắn đợt gởi tiền cho ông Phẩm thế nào cũng trở ngại, chậm trễ thêm. Bây giờ Tuấn đã mất hoàn toàn cái thế chủ động của người chủ gia đình. Nhiều lần Tuấn tự dằn vặt vì cái tính không nôn nả trước mọi việc của mình. Những người bạn qua Mỹ trước cũng như qua sau Tuấn hầu hết họ đã tìm được công việc. Số người chịu khó học hành đã làm việc này việc nọ cho nhà nước. Số ít học, người cắt cỏ, người làm lò mì, người đi giao báo... đều có đồng vô đồng ra, không giàu có chi nhưng cũng đỡ nhức đầu khi chi viện cho người thân. Lúc mới qua, Tuấn cũng đã có xin được một route báo hằng ngày chừng một trăm tờ. Việc đưa báo này phải thức sớm và làm xong trước sáu giờ rưỡi sáng. Ngày đầu tiên ra quân, Tuấn xui xẻo gặp trời mưa lớn, không mở mắt nổi mà tìm số nhà. Tuấn ướt như con chim quái quái, mất hết bốn giờ mới hoàn thành nhiệm vụ. Ngày kế tiếp trong khi Tuấn đang quăng báo thì gặp một gã đại hán chận lại xin điếu thuốc và một tờ báo. Nể tình Mỹ đen, Tuấn phải vừa sốt sắng, vừa run cầm cập trao tờ báo cho hắn. Sau đó thiếu báo, anh phải lái xe về warehouse lấy tờ khác để đưa cho khách hàng. Khi Tuấn về kể chuyện lại, ai cũng khuyên đã gặp route không tốt phải tránh xa ngay. Lại cóù người kể thêm chuyện ông Triệu Văn Tú cũng đi đưa báo mà bị giết, Hương sợ quá bèn nhất quyết không chịu cho Tuấn đi bỏ báo nữa. Tuấn lại thử đi phụ làm đất trồng rau cho một "điền chủ đồng hương". Ông này kêu được người, tiết kiệm thời gian làm quá nhiệt tình, gắng được hai ngày Tuấn đành phải đầu hàng...
Bây giờ thì Tuấn kẹt cứng vì nhiệm vụ thường nhật. Muốn kiếm công việc thì trở ngại chuyện chở vợ chở con, nhất là mỗi khi lũ trẻ ở nhà phải có người lớn coi chừng chúng. Hương thì lại nhất quyết không chịu ở nhà. Nhiệm vụ Tuấn tuy cà nhắp thôi nhưng xoay qua xoay lại nháy mắt cũng hết ngày. Mà nhiệm vụ đó đâu phải không quan trọng! Có thể nói nói đó là nhiệm vụ cốt cán trong gia đình cũng đúng. Công việc tuy thấy khơi khơi nhưng rất ảnh hưởng tới việc nên hư của con cái. Khổ nỗi, dưới mắt những người chỉ chú tâm vào việc kiếm ra tiền thì công việc của Tuấn lại trở thành "việc ăn có"...
Bản chất xuề xòa dễ dãi, ít quan tâm đến ngoại cảnh xa gần là cái khuyết điểm lớn của Tuấn. Ngày xưa, cái mùng ngủ cũng mẹ mắc rồi mẹ tháo, cái khăn tắm hay áo quần dơ cũng do tay mẹ giặt mẹ phơi. Gián đoạn, Tuấn tự túc được một thời trong quân ngũ và trong lao tù. Sau này Hương có thay thế làm việc ấy cho Tuấn, mà có lẽ một phần, cũng nhờ lúc bấy giờ Tuấn đang có được một nghề nghiệp may mắn "phát huy được thiên khiếu" của mình: nghề thợ may. Tuấn làm nghề đó cũng tạm đủ chi dụng cho gia đình và đang có chiều hướng khá lên được giữa một xã hội đang rách nát. Nhưng bây giờ đến đất Mỹ thì cái nghề may của Tuấn hoàn toàn xếp xó rồi. Còn cái khả năng xếp quần, ủi áo, lau nhà, rửa chén...Tuấn chẳng thiết tha tí nào. Những đứa nhỏ thì còn dại và hình như cũng học tính cha, không đứa nào biết ngứa mắt vì cảnh đồ đạc bừa bộn ngổn ngang trong nhà. Cho nên, lắm khi Hương đi làm về bước chân vào nhà, nàng vùng vằng nhăn nhó rồi lại cắm cúi dọn dẹp. Một vài lần Hương vừa làm vừa khóc: làm để mà chết! làm để mà trả nợ đời!
Thói quen trước đây, Tuấn và Hương vẫn hay ngủ chung giường. Nhưng từ khi những vụ hục hặc xảy ra, đêm về mỗi người vẫn hay tìm nằm một chỗ. Hương nằm giường thì Tuấn ngủ ở sofa mà Tuấn nằm giường thì Hương lại nằm sofa hay bất cứ đâu đó hễ nằm được là nằm. Cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình cứ thế kéo dài và ngày càng phát triển mạnh. Họĩa hoằn nó chỉ tạm dịu xuống những khi có khách xa gần đến với gia đình. Nhưng khách bước chân ra khỏi nhà, không khí gia đình liền trở lại căng thẳng như mọi ngày. Thấy Hương luôn luôn ở trong tâm trạng khốn khổ, Tuấn vẫn cố gắng nhịn, không phản ứng trước bất cứ hành động nào của Hương và vẫn cố gắng giữ gìn hòa khí. Tuấn nghĩ, truyền thống phương đông, đàn ông chủ việc bay nhảy tháo vát bên ngoài, còn việc trong nhà thì luôn luôn là của đàn bà. Bây giờ như con chim bị trói cánh, chàng giữ việc lo săn sóc con cái cũng tạm hợp lý. Còn việc nội trợ chàng kham sao nổi! Muốn thể hiện tình thương yêu vợ, chàng chỉ biết chuyện ôm ấp vuốt ve chứ biết làm gì nữa! Thế nhưng lần kia thấy Hương đã mệt mỏi nằm lăn ra ngủ, Tuấn đến nằm cạnh mon men "làm hòa", lập tức chàng phải tiu nghỉu, cay đắng nghe Hương phản ứng:
-  Thôi, dẹp đi! Để cho tôi ngủ lấy sức mai đi cày mà trả nợ!
Mỗi ngày không khí gia đình mỗi thêm căng thẳng. Ăn ngủ một nhà nhưng chỉ trừ khi quá cần thiết, không mấy khi vợ chồng nói chuyện với nhau. Bổn phận ai cứ nấy làm trong lặng lẽ như hai người máy. Mỗi người chỉ nói chuyện với con cái khi người kia không có mặt. Trường hợp có mặt cả hai mà một trong hai người cần phải nói chuyện với con cái thì người còn lại như khách bàng quang, không tham gia ý kiến. Điều khổ tâm nhất cho Tuấn là mỗi khi thấy cần thiết gởi tiền cho ông Phẩm. Dĩ nhiên là mỗi lần Tuấn nhắc thì Hương thuận liền nhưng Tuấn vẫn cảm thấy ngột ngạt quá chừng khi nói đến chuyện ấy. Hương thuận rồi nhưng khi Tuấn vói tay cầm lấy đồng tiền từ tay Hương để đi gởi cũng làm Tuấn khổ sở. Nhiều khi cái đầu Tuấn như muốn vỡ khi nghe Hương cau có cằn nhằn về tiền bạc. Có thể chỉ là chuyện của ai đó không hề liên hệ tới Tuấn nhưng mỗi lời của Hương, mỗi cái thở dài của Hương đều như những lưỡi dao ngoáy vào đầu óc Tuấn. Đến nỗi dần dần hễ nghe giọng Hương là Tuấn phát ớn lạnh. Trước kia Tuấn có nghe ai đó nói nhiều người đàn ông đã phải rùng mình loạn óc lên trước cái âm giai nheo nhéo chì chiết của người đàn bà. Bây giờ thì Tuấn thấy quả thật lời ấy không sai. Đã vài lần khi nghe tiếng Hương Tuấn rùng mình thật. Tuấn cũng thành sợ hãi cả khi nghe bất cứ ai nói đến chuyện tiền bạc. Tuấn càng thấy tủi nhục ê chề cho thân phận những kẻ làm vì, những ông vua nhà Hậu Lê bên cạnh các chúa Trịnh. Ở Việt Nam đã gặp một cuộc đổi đời rất đáng nhớ rồi. Ai ngờ sang tới Mỹ lại thêm một cuộc đổi đời cũng đáng nhớ không kém. Có lúc Tuấn tưởng chừng như mình đang bị rơi vào chốn địa ngục. Tình trạng này mà kéo dài thì chắc chắn Tuấn sẽ có ngày chết vì chứng ung thư não hay ít nhất cũng phải mang chứng điên.
Rất may, sau những cơn xóc, Tuấn vẫn còn đủ lý trí để giữ lấy bổn phận người cha. Tuấn vẫn cố chịu đựng, không phản ứng lại những thái độ vô lý của Hương. Tuấn biết Hương đang đau khổ vì nghĩ rằng mình đang bị mọi người lợi dụng. Nếu Tuấn phản ứng chỉ làm cho Hương đau khổ hơn. Không khéo lại đưa đến tình trạng tồi tệ thêm, Tuấn rất lo sợ ảnh hưởng cho những đứa trẻ. Nghĩ đến chúng, Tuấn thấy sự nhẫn nhục của mình là không uổng phí. Dù sao chàng cũng có lý và cần phải nhẫn nhục để tồn tại trong giai đoạn này...
                                        ***
Một buổi sáng, khi chở con đến trường, tình cờ Tuấn gặp lại Hạo, đại úy đại đội trưởng cũ của Tuấn, cũng đưa con đến trường này.
 - Trời ơi, thằng Tuấn! Đến Mỹ đâu thiếu ăn mà mày gầy thế này? Sao thấy người có vẻ phờ phạc ra đến thế! Em bị bệnh gì hả?
Tuấn mừng rỡ nhảy tới ôm chầm lấy người huynh trưởng cũ. Hạo từng là người chỉ huy được hầu hết cấp dưới tâm phục. Hạo luôn luôn có đầu óc dồi dào sáng kiến, có tài ứng biến trước những hoàn cảnh khó khăn. Trước đây Hạo vẫn coi Tuấn như là người em cưng nhất trong đơn vị. Gặp Hạo, Tuấn có cảm tưởng như đang giữa sóng gió tìm nắm được một bàn tay. Thế là sau đó Tuấn theo Hạo về nhà...
Những uẩn ức lâu nay không bày tỏ được với ai, gặp Hạo Tuấn tha hồ khơi thông tâm sự. Hạo nghe chuyện xong có vẻ ái ngại nhìn Tuấn:
 - Thế bây giờ em có muốn lấy lại cái ưu thế của đấng nam nhi mà lại bảo vệ được hạnh phúc gia đình không?
-  Sao lại không muốn anh! Chỉ vì em không em không tìm ra cách nào mà thôi.
-  Em nói vợ chồng em đã quyết định nghỉ sinh thế vợ em cắt buồng trứng hay em cắt ống dẫn tinh?
 - Dạ không. Chúng em chỉ dùng cách tránh những ngày kỵ mà thôi.
Hạo cười thoải mái:
-  Thế thì tình trạng còn sáng sủa chán đi chứ! Anh bày cho nhé. Ngay từ hôm nay, em về lo quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ, lau chùi kỹ cả cầu tiêu, phòng tắm, tưới các chậu hoa mà vợ em thích, sắp xếp mọi thứ trong nhà đâu vào đó thật gọn gàng. Xong đi chợ mua mấy thứ bà xã thích ăn về nấu cho sẵn để đó. Khi đi đón bà về thì dù có bực bội cũng phải gắng cười thật tươi...biết để làm gì không? Có làm thế được không?
-  Trời ơi! Anh cũng chế nhạo em như vậy sao! Em nhịn như vậy là đã khổ tâm lắm rồi, bây giờ anh bảo em phải hạ mình thêm đến nước đó à?
Hạo làm ra mặt nghiêm:
-  Chú mày không biết cơ mưu gì cả! Có gì đâu mà gọi là hạ mình! Này nhé, nếu em làm được như thế, vợ em đi làm về khỏe người thì bớt nóng nảy, sẽ cảm động mà chịu hòa với em. Hòa rồi thì em dễ thành việc lắm. Cứ mơn trớn ngon ngọt ím đại cho nàng mấy phát đừng có kiêng cữ gì cả. Khi bả mang bầu lại rồi khuyên bả dưỡng thai và xúi bả nghỉ việc. Trong lúc đó chú mày lợi dung cơ hội chạy cho ra công việc thế là cướp lại chính quyền không tốn một giọt máu mà còn có cơ hội kéo dài việc ăn trợ cấp nữa có phải không? Nhất cử lưỡng tiện thấy chưa chú em? Không phải đùa đâu nhé! Kế ấy chú em thực hiện được không?
Tuấn nở một nụ cười méo mó:
 - Anh hai nói có lý lắm. Nhưng em sợ không làm được vì em có bao giờ quét tước dọn dẹp đi chợ nấu ăn được đâu!
Hạo cười lắc đầu:
 - Nếu bấy nhiêu việc chú mày làm không được thì tồi thật. Chú mày nhớ chuyện Câu Tiễn không? Là ông vua mà ông ta còn làm tên hốt cứt ngựa, tắm cho ngựa được huống là việc trong nhà có gì mà khó! Cứ làm thử đi rồi chú mày sẽ thấy dễ và có hiệu nghiệm ngay!
 - Thú thật với anh Hạo, cái việc lau chùi rửa ráy ở đây em chưa hề nhúng tay nhưng cũng có thấy người ta làm, chắc cũng gắng được. Còn việc đi chợ, nấu ăn thiệt tình em mù tịt. Em chỉ làm được việc nấu nước sôi mà thôi. Lại nữa, bà xã em vẫn chưa biết lái xe, nếu em xin được việc thì ai chở các con em đi học?
Hạo cau mặt nhưng nhỏ nhẹ:
 - Tao thấy chú mày vẫn còn nuối tiếc cái nhàn — một cái nhàn có thể gây ra tan nhà nát cửa! Khó gì đâu! Không lý đi làm thì không có giờ nghỉ? Ngày nghỉ chú mày tập cho bả lái hoặc thuê người dạy lái! Còn bây giờ, nếu chú mày kiếm ra việc làm, tao tạm thời đưa đón free mấy cháu cho một thời gian. Bây giờ chú mày cứ cố gắng lo việc trong nhà đi. Việc chợ búa bếp núc cũng gắng chú ý hơn để mà bắt chước. Thuận tiện anh sẽ bày thêm cho. Đó là cách duy nhất để cải thiện tình trạng gia đình em. Bà xã chú em vì cực khổ uất ức mà bất mãn chứ chưa có ý vọng ngoại. Tao nghĩ không phải Hương giận ghét gì chú mày lắm đâu. Hương giận những người khác kia, nhưng không thể nói với họ được đành đổ dồn lên chú mày vậy thôi. Chú em phải tìm cách bớt lửa dưới nồi càng nhanh càng tốt. Nếu em không làm được những điều đó thì chẳng ai cứu gỡ tình trạng đó cho em đi   
                    ***
Sau khi ăn bánh uống nước, Tuấn trao đổi số phone và địa chỉ với Hạo rồi ra về. Trên đường, một nụ cười thật sự đến với Tuấn, chàng thấy lòng mình thanh thản trở lại. Chàng vừa lái xe vừa hát những lời ca ưa thích theo thói quen trước đây mà chàng đã bỏ hẳn hơn một năm qua...



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 296

Return to top